HỒI 77: Núi Ngọc Toàn, Quan Công hiển thánh – Thành Lạc Dương, Tào Tháo cảm thần
Tôn Quyền hỏi Lã Mông mẹo làm sao, Mông thưa rằng:
– Tôi chắc Quan mỗ ít quân, không dám chạy ra đường lớn. Mé bắc Mạch Thành, có con đường nhỏ hiểm hóc lắm, hắn tất chạy trốn ra lối ấy. Ta nên sai Chu Nhiên dẫn năm nghìn tinh binh, phục ở ngoài hai chục dặm mé bắt Mạch Thành. Quân giặc đi đến, không nên ra địch, để cho đi khỏi rồi sẽ đuổi theo mà đánh, quân giặc tất phải chạy về Lâm Thư. Ta sai Phan Chương phục sẵn năm trăm tinh binh ở đường núi hẻm Lâm Thư, thì chắc bắt được Quan mỗ. Nay cho quân sĩ cứ việc đánh các cửa, duy chỉ bỏ cửa bắc không đánh, để cho chạy ra rồi sẽ hay.
Quyền nghe kế ấy, sai Lã Phạm bói một quẻ nữa. Phạm gieo quẻ xong nói rằng:
– Quẻ này tất là giặc chạy về tây bắc, giờ Hợi đêm hôm nay thì bắt được.
Quyền mừng lắm, sai Chu Nhiên, Phan Chương dẫn hai cánh quân tinh nhuệ ra các mặt mai phục.
Quan Công ở trong Mạch Thành, điểm lại quân mã bộ, thì chỉ còn hơn ba trăm người, lương thảo lại hết. Đêm hôm ấy, quân Ngô ở ngoại thành gọi, quân trong thành trèo tường trốn ra cực nhiều. Quân cứu thì mong mãi chẳng thấy đến, không còn cách nào khác nữa.
Quan Công bảo với Vương Phủ rằng:
– Ta hối vì không nghe lời của ngươi, hôm nay nguy lắm rồi, làm thế nào cho được?
Phủ khóc và nói rằng:
– Việc nguy hôm nay, dẫn đến Khương Tử Nha phục sinh cũng đành chịu bó tay thôi!
Triệu Lũng nói:
– Quân cứu ở Thượng Dung không thấy đến, tất là Lưu Phong, Mạnh Đạt hãm binh lại không cho đi. Quân hầu nên bỏ quách thành nhỏ này, chạy về Tây Xuyên, thu nhặt quân mã để mà khôi phục lại Kinh Châu.
Quan Công nói:
– Ý ta cũng muốn như thế!
Bèn lên mặt thành trông xem, thì thấy ngoài cửa bắc không có mấy nỗi quân giặc, Quan Công cho đòi dân trong thành đến hỏi rằng:
– Từ đây đi ra phía bắc, đường đất thế nào?
Chúng bẩm:
– Ở con đường này đi ra, toàn là đường rừng núi hiểm hóc, thông được sang Tây Xuyên.
Quan Công nói:
– Đêm nay ta nên chạy ra con đường này!
Vương Phủ can rằng:
– Đường này tất có quân mai phục, nên chạy ra con đường lớn mà đi.
Quan Công nói:
– Dù có mai phục, ta có sợ gì ai?
Lập tức truyền lệnh cho quân thu xếp sẵn, để sắp sửa ra thành.
Vương Phủ khóc mà nói rằng:
– Quân hầu đi đường, nên giữ gìn cẩn thận. Tôi và hơn trăm bộ tốt, xin cố chết giữ lấy thành này, dù thành có phá nữa, tôi cũng không chịu hàng đâu! Quân hầu mau mau đến cứu cho.
Quan Công cũng ứa nước mắt từ biệt Vương Phủ, sai Châu Thương ở lại cùng Vương Phủ giữ thành, còn mình thì cùng với Quan Bình, Triệu Lũy dẫn hơn hai trăm tàn quân chạy ra cửa bắc.
Quan Công cầm long đao cưỡi ngựa đi trước. Sang đến đầu canh ba, ước chừng đi được hơn hai chục dặm, bỗng thấy ở trong hang núi có tiếng chiêng trống ầm ĩ, rồi có Chu Nhiên dẫn quân ra hô lên rằng:
– Vân Trường đừng chạy nữa, xuống ngựa hàng ngay đi, thì còn được sống!
Quan Công múa đao lại đánh. Chu Nhiên rút lui ngay. Quan Công đuổi theo. Bỗng đâu một tiếng trống nổi lên quân phục bốn mặt đỗ ra. Quan Công không dám ham đánh, lẻn ra con đường nhỏ Lâm thư. Chu Nhiên đuổi đánh mặt sau; quân của Quan Công dần dần tẩu tán mất cả. Đi bộ bốn năm dặm nữa, mé trước lại có tiếng reo, lửa sáng rực trời, rồi có Phan Chương tế ngựa múa đao xông lại đánh. Quan Công giận lắm múa đao ra địch, chỉ ba hiệp, Phan Chương phải chạy.
Quan Công ra khỏi con đường núi, Quan Bình ở mặt sau, chạy lại nói rằng:
– Triệu Lũy đã chết ở trong đám loạn quân rồi!
Quan Công thương cảm lắm. Sai Quan Bình đi chặn mặt sau, còn mình đi trước; quân đi theo chỉ còn được hơn chục người. Khi đến xứ Quyết Thạch, hai bên toàn núi, lau sậy, dây mơ rễ má um tùm. Cuối canh năm, bỗng tiếng reo hò nổi lên, quân phục hai bên bụi sậy đổ ra, tên thì câu liêm, đứa thì cầu úp. Quan Công ngã ngựa, bị tên bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt được.
Quan Bình ở mé sau, thấy Quan Công bị bắt, vội vàng chạy đến. Phan Chương, Chu Nhiên kéo quân ùa cả đến, vây bọc lấy Quan Bình. Bình đánh mãi kiệt sức, cũng bị quân Ngô bắt được.
Buổi sáng hôm ấy, Tôn Quyền được tin hai cha con Quan Công bị bắt, mừng lắm, bèn tụ cả các tướng lại ở dưới trướng.
Một lát, Mã Trung đem Quan Công đến, Quyền hỏi:
– Tôi lâu nay vẫn mộ tiếng tướng quân, muốn kết hiếu Tần Tấn vời nhau, sao tướng quân khinh tôi quá thế? Tướng quân xưa nay vẫn coi thiên hạ chẳng ai ra gì, hôm nay bị bắt, đã chịu Tôn Quyền này chưa?
Quan Công quát lên rằng:
– Thằng nhãi con mắt biếc, con chuột râu tía kia! Ta cùng với Lưu hoàng thúc kết nghĩa ở vườn đào, thề với nhau cùng giúp nhà Hán, lại thèm bầu bạn với quân giặc phản nhà Hán à! Ta nay mắc phải mẹo gian, chỉ có chết là cùng, can gì phải căn vặn ta cho lắm!
Quyền ngoảnh lại bảo với các tướng rằng:
– Vân Trường là bậc hào kiệt trên đời, ta lấy làm yêu mến lắm; nay muốn dùng cách tử tế để y theo hàng với ta, các ngươi nghĩ làm sao?
Chủ bộ là Tả Hàm thưa rằng:
– Không nên! Khi xưa Tào Tháo bắt được người ấy phong hầu cho tước, ba hôm thết một tiệc yến nhỏ, năm hôm thiết một tiệc yến to, khi lên ngựa thưởng một nén vàng, khi xuống ngựa thưởng một nén bạc, ân lễ đến thế là cùng! Thế mà vẫn không sao lưu được người ấy để lại, toan thiên đô lánh đi chỗ khác. Chúa công nay đã bắt được người ấy, nếu không trừ đi, e rằng để vạ về sau!
Quyền ngồi ngẫm nghĩ một hồi, rồi nói rằng:
– Ngươi nói phải lắm!
Liền sai đem hai cha con Quan Công ra hành tội. Bấy giờ là năm Kiến An thứ 24 (219) tháng mười mùa đông. Quan Công bấy giờ năm mươi tám tuổi.
Người sau có thơ rằng:
Cuối Hán ai là giỏi?
Vân Trường mấy kẻ tày!
Thần oai, võ đã mạnh.
Nho nhã, văn cũng hay.
Lòng ngay tỏ như kính,
Khí nghĩa cao ngất mây.
Nghìn thu danh tiếng để
Không những nhất đời nay!
Lại có thơ rằng:
Anh hùng còn nhớ Giải Lương xưa,
Lẫm liệt Quan Công tiếng đến giờ.
Huynh đệ một ngày tình nghĩa nặng,
Đế vương muôn kiếp khói hương thờ.
Gương trung vằng vặc, soi trời bể,
Khí nghĩa ầm ầm, nổi gió mưa.
Đình miếu đến nay đâu chả có.
Trải bao nhiêu tháng vẫn trơ trơ!
Quan Công mất rồi, con ngựa xích thố bị Mã Trung bắt được, đem về dâng Tôn Quyền. Quyền thưởng cho Mã Trung cưỡi. Con ngựa ấy mấy hôm nay không chịu ăn cỏ rồi cũng chết.
Vương Phủ ở Mạch Thành, bỗng nhiên giật mình run sợ, hỏi Châu Thương rằng:
– Đêm qua tôi nằm mơ thấy chúa công máu me khắp cả mình đứng ở trước mặt tôi, toan hỏi, thì sực tỉnh dậy ngay, không biết hay dở ra sao?
Đang nói chuyện, có người vào báo rằng:
– Quân Ngô mang người hai cha con Quan Công đến ngoài thành chiêu an.
Vương Phủ, Châu Thương cùng giật mình, vội vàng lên mặt thành trông ra, thì quả nhiên thực.
Vương phủ hét trong lên một tiếng, rồi đâm nhào xuống dưới thành mà chết. Châu Thương cũng đâm cổ tự vẫn. Mạch Thành thuộc nốt về Đông Ngô.
Quan Công từ khi mất rồi, linh hồn không tan, cứ là là bay trên không, đến mãi một trái núi ở huyện Đương Dương, thuộc về châu kinh Môn gọi là núi Ngọc Toàn. Trên núi có một nhà sư già, tên là Phổ Tĩnh. Sư già ấy trước ở chùa Trấn Quốc, ải Dĩ Thủy. Từ khi cứu Quan Công ra khỏi cửa ải, thường thường vẫn cảnh di khắp mọi nơi. Khi đến ngọn núi này, thấy cảnh gió mát trăng trong, âm u tĩnh mịch, mới làm một túp am cỏ trụ trì ở trên núi ấy, có một tiểu đồng hầu hạ, hàng ngày ngồi trong am tụng kinh.
Bữa ấy vào độ cuối canh ba, trăng thanh gió mát, Phổ Tĩnh đang ngồi trong am tụng kinh, bỗng nghe ở trên không có tiếng gọi trong lên rằng:
– Đem trả đầu ta đây!
Phổ Tĩnh ngẩng mặt lên xem thì thấy trên không có một người cưỡi ngựa xích thố, cầm đao thanh long, bên tả có một tướng mặt trắng, bên hữu có một tướng mặt đen râu rậm, ở trên mây hạ xuống, ngồi trên đỉnh núi.
Phổ Tĩnh trông rõ ràng là Quan Công, mới lấy đuôi phất trần đang cầm trong tay, gõ vào cánh cửa mà hỏi rằng:
– Vân Trường ở đâu?
Linh hồn Vân Trường sực tỉnh ra, lập tức xuống ngựa, cưỡi gió sa xuống trước am, chắp tay hỏi rằng:
– Sư cụ ở đây là gì? Xin cho tôi được biết pháp hiệu?
Phổ Tĩnh nói:
– Lão tăng tên là Phổ Tĩnh, khi ở trong chùa Trấn Quốc, cạnh cửa ải Dĩ Thủy, đã được gặp quân hầu, nay quên mất rồi ư?
Quan Công nhớ ra, nói rằng:
– Trước kia nhờ sức cứu cho, tôi vẫn ghi dạ không dám quên, nay tôi đã gặp nạn chết rồi, xin cầu lời thanh hối, chỉ điểm đường mê muội cho tôi.
Phổ Tĩnh nói:
– Xưa trái nay phải, nhất thiết không bàn, nhân trước quả sau, bao giờ vẫn thế. Nay tướng quân bị Lã Mông làm hại, kêu lên rằng: “Đem trả đầu cho ta đây!” Thế thì đầu Nhan Lương, Vân Sú, cùng những đầu sáu tướng ở năm cửa ải, và bao nhiêu đầu nữa thì đòi vào đâu?
Quan Công tỉnh ngay ra, cúi đầu lạy tã rồi biến đi mất. Về sau thường thường hiển thánh ở núi Ngọc Toàn, cứu họa cho nhân dân phương ấy. Dân ở đây cảm ân đức, lập miếu trên đỉnh núi, bốn mùa tế bái.
Người sau có đề một câu đối ở miếu ấy rằng:
“Xích diên bỉnh, xích tâm, kị xích thố truy phong, trì khu thời, vô trong xích đế;
Thanh đăng quan thanh sứ, trượng thanh long yển nguyệt, ấn vi xứ, bất quý thanh thiên.”
Tôn Quyền giết xong Quan Công, lấy hết được cả Kinh Châu, khao thưởng ba quân, mở tiệc yến, hội cả các quan lại ăn mừng. Quyền cho Lã Mông ngồi trên cả các quan.
Quyền ngoảnh lại bảo các tướng rằng:
– Cố từ lâu không lấy được Kinh Châu, nay trở bàn tay mà lấy được ngay, toàn là Công tử Minh cả.
Lã Mông nhún mình không dám nhận.
Quyền nói:
– Ngày xưa Chu Lang hùng hậu hơn người, phá được Tào Tháo ở Xích Bích, chẳng may mất sớm, Lỗ Tử Kính thay chức, Tử Kính khi mới ra mắt Cô, đã bàn ngay việc trong đế vương, ấy là một điều khoái ý. Đến khi Tào Tháo sang đông, các ngươi nhiều người khuyên Cô ra hàng, chỉ có một mình Tử Kính khuyên Cô với Công Cẩn về, bàn kế đánh giặc, chớ không chịu hàng, ấy là hai điều khoái ý. Duy chỉ có một điều y khuyên Cô cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, điều ấy là kém. Nay Tử Minh hơn cả Chu Lang, Tử Kính nhiều lắm!
Nói đoạn, rót chén rượu đưa cho Lã Mông. Mông vừa đỡ lấy sắp uống, bỗng nhiên ném ngay chén rượu xuống đất, một tay lôi đầu Tôn Quyền, thét to lên rằng:
– Thằng nhãi con mắt biếc, con chuột râu tía kia! Có biết ta là ai không?
Các tướng kinh hoảng, xô cả lại cứu. Bấy giờ Mông đẩy Tôn Quyền ngã sấp xuống đất, rồi dang chân bước sấn trèo lên ngồi trên ngai Tôn Quyền, đôi lông mày dựng ngược, hai mắt trợn tròn, quát mắng rằng:
– Ta từ khi đánh giặc Khăn Vàng đến giờ, tung hoành thiên hạ, hơn ba chục năm, bay bị mày lừa mẹo gian hại ta. Ta sống không xả được mày ra, chết cũng lôi hồn thằng Lã tặc xuống mà vầm nhỏ ra từng mảnh! Ta là Hán Thọ Đình hầu Quan Vân Trường đây!
Tôn Quyền sợ quá, vội vàng dắt các tướng sĩ đến lạy. Lạy vừa xong, thì Lã Mông ngã quay xuống đất, hộc máu mồm máu mũi ra rồi chết.
Các tướng thấy thế ai cũng kinh khiếp. Quyền sai mang xác Lã Mông bỏ vào áo quan, làm ma tống táng, truy tặng cho làm thái thú Nam Quận, phong làm Sàn lăng hầu. Lại cho con Lã Mông là Lã Bá nối tước của cha.
Quyền từ đó cảm việc Quan Công, nghĩ mà kinh hãi. Sực có trương Chiêu từ Kiến Nghiệp đến. Quyền hỏi chuyện, Chiêu nói:
– Chúa công hại mất cha con Quan Công, vạ đến nơi bây giờ! Khi xưa người ấy kết nghĩa với Lưu Bị ở vườn đào, thề cùng nhau sống chết. Nay Lưu Bị đã có cả hai Xuyên, lại có mưu mẹo của Gia Cát Lượng, sức khỏe của Trương, Triệu, Mã, Hoàng. Nếu Lưu Bị biết được tin cha con Quan Công bị hại, tất khởi hết cả quân trong nước, cố sức đến đánh báo thù, tôi e rằng Đông Ngô không sao địch nổi được đâu!
Quyền nghe nói giật mình, dậm chân xuống đất nói rằng:
– Cô không nghĩ ra, bây giờ thì làm thế nào?
Chiêu nói:
– Chúa công chớ lo, tôi có một kế này, khiến cho quân Tây Thục không phạm đến Đông Ngô được. Kinh Châu vẫn vững hơn núi đá.
Quyền hỏi mẹo làm sao? Chiêu nói:
– Tào Tháo cầm trăm vạn quân, như hổ ngồi giữ ở giữa. Lưu Bị nếu muốn đánh báo thù, tất phải hòa với Tào Tháo. Hai nước ấy mà hợp binh kéo lại đây, thì Đông Ngô ta nguy mất. Ta nên đem đầu Quan Công đến dâng cho Tào Tháo, để tỏ cho Lưu Bị biết rằng việc ấy do Tào Tháo sai ta, chớ không phải tự ta làm. Như thế thì Lưu Bị tất giận Tào Tháo quân Tây Thục không kéo đến Ngô mà kéo đến Ngụy. Ta ở vành ngoài, xem hai bên được thua thế nào, rồi sẽ liệu việc của ta, thế là mẹo hay hơn cả.
Quyền nghe lời, sai sứ giả bỏ đầu Quan Công vào một cái hòm, đem sang Lạc Dương dâng Tào Tháo.
Bấy giờ, Tào Tháo ở Ma Pha, đã rút quân về Lạc Dương, nghe tin Đông Ngô đem đầu Quan Công đến, nhưng mà nói rằng:
– Vân Trường chết rồi, từ đây ta mới được ngủ yên!
Một người ở dưới thềm bước ra nói rằng:
– Đây là mẹo của Đông Ngô đổ vạ cho ta đây!
Tháo trông ra thì là quan chủ bộ Tư Mã Ý.
Tháo hỏi làm sao, Ý thưa rằng:
– Ngày xưa, Lưu, Quan, Trương ba người kết nghĩa, thề cùng sống chết với nhau. Nay Đông Ngô hại mất Quan Công, sợ Lưu Bị báo thù, cho nên đem đầu lại dâng đại vương, để Lưu Bị quay lại giận đại vương mà đánh nước Ngụy ta, rồi họ kiếm lợi trong khi đôi bên đánh nhau.
Tháo nói:
– Trọng Đạt nói phải lắm, nhưng dùng mẹo gì giải cho được?
Ý thưa:
– Việc này cực hệ! Đại Vương nên tạc một bộ thân thể bằng gỗ trẫm, chắp đầu Quan Công vào, dùng lễ đại thần táng cho ông ấy. Lưu Bị thấy vậy, tất căm giận Tôn Quyền, cố sức mà đánh Đông ngô. Ta ở ngoài, xem hai bên được thua thế nào, hễ Thục được thì ta đánh Ngô, Ngô được thì ta đánh Thục. Nếu ta lấy được một nước, thì còn một nước nữa, cũng không bền lâu với ta.
Tào Tháo mừng lắm, nghe lời ấy, mới cho sứ giả vào ra mắt. Sứ giả dâng cái hòm lên, Tháo sai mở ra xem thì thấy mặt mũi Quan Công vẫn tươi như thường.
Tháo cười nói:
– Vân Trường lâu nay vẫn mạnh khỏe chứ?
Vừa nói xong thì thấy Quan Công mở miệng trợn mắt, râu tóc dựng ngược cả lên.
Tháo hết hồn hết vía, ngã gục ngay xuống, các quan vội vàng đến cứu, hồi lâu mới tỉnh. Tháo bảo với các tướng rằng:
– Quan tướng quân thật là thần trên trời!
Sứ giả lại mang chuyện Quan Công hiển thánh, luôn miệng mắng Tôn Quyền, đánh chết Lã Mông, kể cho Tháo nghe, Tháo lại càng kinh sợ lắm, sai giết trâu mổ bò, làm lễ cúng tế, tạc một thân thể bằng gỗ trầm, chắp đầu lâu Quan Công vào dâng lễ vương hầu, táng ở ngoài cửa nam thành Lạc Dương, các quan nhớn nhỏ đều phải đi đưa ma cả. Tháo tự mình vào lễ bái, tặng phong làm Kinh vương, sai quan giữ mộ rồi cho sứ giả về Giang Đông.
Đây nói, Hán Trung vương từ Đông Xuyên trở về Thành Đô, Pháp Chính tâu rằng:
– Tiên phu nhân mất rồi, còn Tôn phu nhân bỏ về Giang Đông, vị tất đã trở lại nữa. đạo nhân luân không nên bỏ, xin chúa công kén một bà vương phi khác, để giúp nội chính mới xong.
Hán Trung vương nghe theo.
Pháp Chính lại tâu rằng:
– Ngô Ý có một người em gái nhan sắc mà lại hiền hậu. Khi cô còn nhỏ, có một thầy tướng nói: “Cô này về sau tất đại quý”. Trước cô đã gả về Lưu Mạo là con Lưu Yên. Mạo mất sớm, cô ta vẫn ở đến mãi bây giờ, đại vương nên nạp làm vương phi.
Hán Trung vương nói:
– Lưu Mạo cùng họ với ta, lấy thế nào được?
Pháp Chính nói:
– Theo lễ thân sơ, thì có khác gì Tấn Văn Công với nàng Hoài Doanh ngày xưa?
Hán Trung vương ưng lời, mới lập Ngô Thị làm vương phi.
Về sau bà ấy sinh được hai con, con lớn là Lưu Vĩnh tự là Công Thọ, con thứ là Lưu Lý, tự Phụng Hiếu.
Lại nói hai Xuyên từ khi về tay Hán Trung vương, dân yên nước thịnh, mùa màng tươi tốt.
Chợt có người ở Kinh Châu đến thuật chuyện Đông Ngô đến cầu hôn với Quan Công, nhưng bị Quan Công cự tuyệt.
Khổng Minh nói:
– Kinh Châu nguy mất! Nên cho người khác đến thay để Quan Công về đây mới xong!
Còn đang bàn bạc, thì sứ giả ở Kinh Châu tới tấp về báo tin thắng trận. Không bao lâu, Quan Hưng lại đến, nói việc tháo nước tràn ngập bảy đạo quân của Vu Cấm. Chợt lại có thám mã về báo Quan Công sai đắp ụ đốt lửa quanh bờ sông, giữ gìn cẩn mật, chắc chắn muôn phần. Bởi thế Huyền Đức cũng vững dạ.
Một bữa, Huyền Đức bỗng dưng ghê mình, đứng ngồi không yên, đến đêm khuya vẫn chưa ngủ được, bèn vào nhà trong đốt đèn xem sách. Huyền Đức thấy tinh thần bàng hoàng, bèn gục xuống ghế nghỉ. Chợt nổi một cơn gió lạnh, ngọn đèn lập lòe gần tắt lại sáng. Huyền Đức trông ra thấy một người đứng dưới bóng đèn.
Huyền Đức nói:
– Mày là ai, đêm khuya dám vào nhà ta?
Người ấy không nói gì. Huyền Đức nghi hoặc ra xem, thấy Quan Công đang núp dưới bóng đèn.
Huyền Đức hỏi:
– Hiền đệ lâu nay bình yên chứ? Đêm khuya vào đây, tất có việc gì? Ta với hiền đệ như anh em ruột thịt, sao lại lẩn tránh thế?
Quan Công khóc nói:
– Xin anh khởi binh báo thù cho em!
Nói đoạn, lại nổi một cơn gió lạnh ngắt, Quan Công biến mất.
Huyền Đức chợt tỉnh dậy, té ra một giấc mộng, lấy làm nghi lắm, vội vàng ra ngoài điện, mời Khổng Minh vào, kể lại cho nghe.
Khổng Minh thưa:
– Chúa thượng nhớ Quan Công, cho nên thành mộng đấy, hà tất phải nghi ngại làm chi!
Huyền Đức vẫn áy náy trong lòng.
Khổng Minh tìm lời khuyên giải, rồi cáo từ trở ra, vừa đến cửa gặp ngay Hứa Tĩnh đến.
Tĩnh nói:
– Tôi vào đến phủ quân sư, báo một việc cơ mật nghe tin quân sư vào cung, cho nên lại đây.
Khổng Minh nói:
– Việc gì thế?
Tĩnh nói:
– Tôi nghe người ta đồn Lã Mông đã đánh úp mất Kinh Châu, Quan Công bị hại rồi, nên đến mật báo với quân sư.
Khổng Minh nói:
– Ta mấy hôm trước xem thiên văn, thấy ngôi tướng binh sa ở địa phận Kinh Sở, biết rằng Vân Trường tất nhiên bị hại rồi, nên chỉ ngại chúa thượng sinh ra lo phiền sầu não, nên chưa dám nói:
Hai người đang nói chuyện, bỗng một người ở sau điện chạy ra, túm lấy vạt áo Khổng Minh mà nói rằng:
– Có chuyện dữ dội như thế, sao ông còn giấu tôi?
Khổng Minh trông lại, thì chính là Huyền Đức.
Khổng Minh và Hứa Tĩnh cùng tâu rằng:
– Câu chuyện vừa rồi đều là tin đồn cả, chưa lấy gì làm đích xác. Xin chúa thượng hãy khoan tâm, đừng lo phiền nữa.
Huyền Đức nói:
– Ta với Vân Trường, thề cùng sống thác, nếu hắn có điều gì, thì ta cũng không thể sống một mình được.
Khổng Minh, Hứa Tĩnh đang khuyên giải Huyền Đức bỗng có cận thị vào báo Mã Lương, Y Tịch đã đến.
Huyền Đức gọi vào hỏi, hai người thưa rằng:
– Kinh Châu mất rồi, Quan Công thua trận, xin quân đến cứu…
Nói đoạn, dâng biểu lên, Huyền Đức chưa kíp mở xem, thì Liêu Hóa cũng vừa tới, Huyền Đức cho gọi vào. Hóa lạy xuống đất, khóc lóc kể lại việc Lưu Phong, Mạnh Đạt không cho quân đến cứu.
Huyền Đức giật mình, nói:
– Nếu vậy em ta hỏng mất!
Khổng Minh nói:
– Lưu Phong, Mạnh Đạt vô lễ như thế, tội thật đáng chết. Chúa thượng hãy khoan tâm, tôi xin cầm một đạo quân ra cứu.
Huyền Đức khóc, nói:
– Vân Trường mà có điều gì, thì Cô không sao sống được!
Ngày mai Cô phải thân cầm quân ra cứu mới xong!
Lập tức một mặt sai người sang Lãnh Trung báo cho Trương Phi biết, một mặt sai tập hợp quân mã kéo đi.
Trời chưa sáng đã có luôn hai ba tin đến báo Quan Công đương đêm chạy riết gì nữa.
Thế mới là:
Nhớ lời sống thác thề khi trước,
Nỡ để bây giờ thiệt một ai!
Chưa biết tính mạng Huyền Đức ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.