Thời vua Lý Huệ Tông, có Phạm Tử Hư, người làng Nghĩa Lư, huyện Cẩm Giang, nhà nghèo túng, dời đến ở Hoa Phong; người thiếu niên sống cô độc, nhưng lại lạc đạo và hiếu học; theo thầy là Công Trạng, tên chữ là Công Trực, chàng thường như lời giáo huấn, học tập ý kiến thầy mà làm văn chương. Đến khi Công Trực mất, đứa con tuổi còn ấu thơ chưa có thể phụng sự, Tử Hư thưa với mẹ rằng:
– Thầy nghèo con dại, mẹ có thể để cho con bao nhiêu ruộng?
Bà mẹ nói:
– Có thể cho con sáu sào.
Từ Hư khóc:
– Xin mẹ trích ra hai sào bán cho người trong thôn lấy tiền để giúp thầy.
Bà mẹ cũng khóc nghe theo, bán hai sào ruộng được ba mươi quan tiền. Tử Hư mua sắm các vật để trợ tế cho thầy. Lại làm nhà ở bên mộ thầy, ngày đêm hương hỏa, phụng sự trong ba năm, xong việc mới trở về. Đến khoa Giáp Tý thì ứng thí, đậu tam trường; khoa Đinh Mão lại ứng thí đậu tứ trường. Năm ấy tháng Mười một, trên đường từ nhà đến Kinh, Tử Hư đi đến chùa Châư Võ; gặp ngày trời nắng to, Tử Hư vào nghỉ ở chùa, bỗng thấy Công Ttực ngồi ở trong. Tử Hư kinh sợ vừa lạy vừa khóc rằng:
– Thầy về âm ty đã bảy tám năm nay, không hiểu vì sao lại thấy ở đây?
Thầy bảo:
– Tử Hư có nghĩa với ta nên ta hiển hiện lên đây để bảo cho biết.
Tử Hư cúi đầu khóc rống:
– Ngày thầy về, nhà con nghèo túng không lấy gì làm lễ, ngày nay gặp thầy cũng tại tay không mà thôi, lấy gì làm nghĩa?
Thầy đáp:
– Sinh thời, ta ở trên dương thế có công bình chính trực nên Thượng đế cho làm Phán quan, kiêm trị việc cống cử.
Tử Hư thưa:
– Thầy có biết phận mệnh của con ra sao không?
– Nay thì ta chưa biết, con cứ về đi, đến ngày hai mươi tháng Chạp sang năm lại đến chùa này, ta sẽ bảo cho.
Tử Hư bái lạy về nhà. Đêm ngày, chàng suy nghĩ và tin vào lời nói của Thầy. Đến ngày, Tử Hư thưa với mẹ rằng:
– Mẹ ở nhà, con đi qua Kinh sư theo quan Kinh có việc.
Rồi đem theo rượu thịt đến chùa, đã thấy thầy và các đệ tử ở đó rồi. Tử Hư cúi đầu lạy, dọn rượu thịt dâng lên thầy; thầy trò cùng nhau ăn uống.
Thầy bảo Tử Hư cởi áo mũ đi giao lại cho đệ tử, rồi lấy áo mũ của đệ tử mặc cho, xong thầy lấy tay phất vài ba cái; Tử Hư nhắm mắt lại theo thầy đi lên trời. Đến chỗ làm việc của Nam Tào Bắc Đẩu, Tử Hư ngồi hai bên tả hữu, thầy cũng ngồi phía dưới cùng luận xét những người đức hạnh văn chương trong thiên hạ để yết tên lên bảng.
Có người tiến cử Trần Thái ở Quế Dương, ưu bác về văn học. Nam Tào nói:
– Trần Thái có văn học nhưng không có đức hạnh.
Có người tiến cử người làng Tây Mục là người có văn học Nam Tào nói:
– Người Tây Mục lấy văn học kiêu ngạo với người, vả lại người vợ bất tiếu, không được.
Đến người làng An Lạc tên là Phạm Công Bình giỏi văn học, vả lại tổ tông, cha mẹ đều tốt, vợ lại hiền, đáng đậu nhất đó là Trạng nguyên. Nguyễn Viết Chất người Phụng Sơn, văn học sắc sảo đức hạnh cũng hoàn toàn, đáng đậu nhì, đó là Bảng nhãn. Vương văn Hiệu người làng Thượng Hiền, văn học đầy đủ, đáng đậu thứ ba, đó là Thám Hoa, kịp đến Dương Chánh người làng Thượng Phúc, văn học tuy kém nhưng mẹ và vợ đều hiền lành, nhà nghèo nhưng mộ đạo, đáng đậu thứ tư, ấy là Hoàng Giáp. Trước sau được bốn mươi người biên tên vào bảng. Phán quan mới tiến cử người Hoa Phong Phạm Tử Hư, văn học khả thủ, Nam Tào nói:
– Tử Hư lấy văn học lên mặt với người khác.
Phán quan thưa:
– Tủ Hư còn trẻ tuổi, tuy có kiêu ngạo với người nhưng chưa từng hại người.
Ông quan áo tía nói:
– Tử Hư mồ côi từ nhỏ, mẹ có tiết hạnh, vả lại có nghĩa với Phán quan, cũng nên dung thứ cho nó đậu chót.
Lập tức niêm tên họ Tử Hư ở sau bốn mươi người, treo bảng ở cửa nhà trời.
Quan ngồi bên hữu là Bắc Đầu nói:
– Tử Hư văn học khá, nếu để đậu chót, e có trái thứ tự.
Quan áo tía nói:
– Ta lấy chữ “Bạch” thêm vào thì nó bị truất xuống chót, có trái gì đâu.
Năm sau là năm Mậu Thìn tháng Ba thi hội, Tử Hư vào đệ nhất trường, vì thiếu trị kinh, khảo quan thấy sai mới treo cảo ở dưới công đường, rồi lại đưa bài vào chấm, quả trúng cao đệ. Đến trường đệ tứ, Tử Hư văn thể thuần hậu, điển nhã cẩn mật đáng được đậu cao, chỉ vì hai chữ “bạch” nên không được lấy đậu. Kể được lấy đậu chỉ có bốn mươi người. Khảo quan tâu với vua để treo bảng. Vua bảo rằng:
– Mỗi khoa lấy năm mươi người làm hạn, khoa này lấy ít quá không được.
Lại khiến Khảo quan xét tên nào văn thể thuần hậu thì lấy thêm, không câu nệ chữ bạch; Khảo quan lấy thêm một quyển, quả là Tử Hư, dán thêm tên ở dưới bốn mươi người, mới hay ý trời rất nghiệm, vinh tiến đã định sẵn không thể dối vậy.
Sau này Tử Hư làm nên quan to, đến chức Tán Trị Dực Vân Công Thần Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, đai ngọc mão vàng, tham lùng Lại Bộ thượng thư.