Thế giới quan trong thần thoại Việt Nam


1. TRỜI

Ngày xưa, trước tất cả mọi sự, đã có ông trời. Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả : trái đất, núi non, sông biển, mưa, nắng. Trời sinh ra tất cả loài người, muôn vật, cỏ cây…Trời thấy tất cả, biết hết mọi sự xẩy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai, không ai tránh khỏi lưới trời, mọi việc đều do trời định. Do đó mà con người tin có đạo Trời, và thường nói Trời sinh Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.Trời cũng có vợ, gọi là bà Trời, và mỗi khi hai ông bà giận dỗi nhau là lúc trời vừa mưa vừa nắng. Mỗi lúc Trời giận loài người lầm lỗi ở thế gian, thì giáng xuống thiên tai : bão táp, lụt lội, hạn hán…Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng trời.

Từ sau khi chịu ảnh hưởng văn hóa Trung-quốc, ông Trời Việt-nam cũng được gọi là Ngọc-Hoàng cho văn vẻ.


2. MẶT-TRỜI VÀ MẶT-TRĂNG

Mặt-Trời và Mặt-Trăng là hai chị em, con của Trời. Công việc của Trời giao phó cho hai cô con gái là hàng ngày phải thay phiên nhau đi xem xét thế gian. Cô chị Mặt-Trời ngồi kiệu có bốn người khiêng đi. Bọn khiêng kiệu gồm có hai lớp già và trẻ thay phiên nhau. Gặp phải bọn khiêng kiệu già đi chậm, cô Mặt-Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra. Đến lượt bọn trẻ khiêng kiệu đi mau, cô Mặt-Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.

Cô em Mặt-Trăng tính tình nóng nảy không kém gì cô chị làm cho thiên hạ ở mặt đất suốt cả ngày đã phải chịu nóng bức vì cô chị, đến đêm lại cũng phải khó chịu vì cô em. Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt-Trăng. Từ đó cô em đổi tính ra hết sức dịu dàng, khác hẳn với cô chị, nên được người dưới trần ai cũng thích. Mỗi khi cô ngoảnh mặt nhìn xuống trần là lúc đó trăng rằm, ngoảnh lưng lại là ba mươi, ngoảnh sang phải, sang trái là trăng thượng huyền hay hạ huyền. Hôm nào trăng quầng là lúc vết tro trát mặt hiện ra.

Người ta nghe nói rằng chồng của hai nữ thần Mặt-Trời và Mặt-Trăng là một con gấu. Mỗi lần gấu đến với vợ là sinh ra nguyệt thực hay nhật thực, lúc đó người dưới trần làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để cho gấu xa ra, vì gấu đi lại với vợ, che lấp Mặt-Trời, Mặt-Trăng làm hại cho mùa màng.


3. THẦN TRỤ TRỜI

Thuở trời đất còn mịt mù hỗn độn, tự nhiên hiện lên một vị thần to lớn khác thường, đầu đội trời, chân đạp đất, đào đất, vác đá đắp thành một cái cột to cao để chống trời lên, mà phân chia ra trời đất. Trời như một cái vung úp, đất bằng như một cái mâm vuông, chia ra làm bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Chỗ giáp giới trời đất gọi là chân trời.

Khi đã chống trời lên cao rồi, thần phá bỏ cột trụ đi, ném tung vãi đất và đá khắp tứ phía làm thành những đồi, núi, đảo khiến mặt đất hóa ra chỗ cao chỗ thấp. Còn chỗ thần đào đất để đắp cột chống trời về sau đầy nước thành biển.

Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch-Môn thuộc về tỉnh Sơn-Tây, Bắc-Việt, cũng gọi là núi Không-Lộ (đường lên trời), hay Kình-Thiên-Trụ (cột chống trời).Dân chúng còn có câu hát lưu hành nhắc nhở đến công việc của ông Trụ Trời vào thuở khai thiên lập địa :

Nhất ông đếm cát,

Nhì ông tát bể

Ba ông kể sao.

Bốn ông đào sông

Năm ông trồng cây Sáu ông xây rú.

Bảy ông trụ trời.

CHÚ THÍCH :

Theo giáo sư Trần-Ngọc-Ninh (bài báo đã dẫn), thì bài đồng dao trên đây là nói ông Trời hay đấng tạo hóa của người Việt đã làm ra cõi thế với bảy công trình được tuần tự thực hiện trong bảy ngày như vậy.


4. SÁNG-TẠO VẠN VẬT

Sau lúc dựng xong Vũ-Trụ, ông Trời bắt đầu tạo ra vạn vật. Tương truyền rằng ban đầu Trời dùng những chất cặn còn sót lại trong trời đất mà nặn ra đủ mọi giống vật, từ những con to lớn đến những con bé nhỏ như sâu bọ. Sau đó Trời mới gạn lấy chất trong để nặn ra con người. Do đó mà loài người khôn hơn các giống vật.

Về công việc nặn ra người, Trời giao cho mười hai nữ thần khéo tay mà hạ giới vẫn gọi là mười hai bà mụ. Mười hai bà mụ mỗi người làm một công việc khác nhau, bà nặn tay nặn chân, bà nặn tai, bà nặn mắt bà nặn cơ quan sinh dục, bà dạy bò dạy lật, bà dạy nói dạy cười. Vì có bà mụ đãng trí nên giống người có kẻ á nam, á nữ vì thiếu mất sinh thực khí.

Khi Sáng-Tạo ra loài người, Trời có ý định cho họ sống mãi khỏi phải chết, hễ đến già rồi thì nằm yên một nơi trong ít lâu tự nhiên lớp da ngoài thay đổi, bỏ lốt già đi mà hóa lại trẻ, trái hẳn với giống rắn, vì bản chất độc ác nên chỉ sống đúng tuổi rồi phải chết. Một vị thần được phái xuống hạ giới để thi hành việc đó không ngờ lại gặp nhằm loài rắn trước. Lũ rắn biết được sứ mạng của thần là xuống tuyên án chết cho loài chúng mới rủ nhau lại hàng vạn con xúm vây lấy sứ nhà trời, nhất quyết bắt thần phải nói lại : « Rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng ». Nếu không thì lũ rắn quyết một mất một còn với thần. Thấy lũ rắn dữ tợn chỉ chực hại mình, thiên sứ đành phải nghe lời chúng. Do đó mà loài rắn được lột xác sống mãi, còn loài người đến khi già phải chết.

Khi Trời hay tin, giận thiên thần đã làm trái với ý định của mình, mới đày xuống hạ giới làm kiếp bọ hung.


5. TU BỔ CÁC GIỐNG VẬT

Sau khi đã tạo ra vạn vật và con người, Trời thấy còn có sự thiếu sót ở các giống vật, nên sai ba vị thần xuống hạ giới để bù đắp cho các giống vật nào cơ thể còn chưa được đầy đủ. Các giống vật hay tin đua nhau đến để xin thần nhà trời tu bổ cho các chỗ thiếu sót cần thiết.

Khi đã phân phối mọi vật liệu cho các giống vật vừa hết thì có con chó và con vịt cùng đến một lần xin mỗi con một cẳng thiếu, vì chó mới có ba chân, vịt chỉ mới có một từ lúc trời sinh ra. Thần hết cả vật liệu, kiếm cách từ chối song thấy hai con vật van nài quá, thần mới bẻ tạm chân ghế chắp cho chân sau con chó bị thiếu và lấy que cây chắp cho chân con vịt rồi dặn chó và vịt khi nào ngủ nhớ giơ cẳng chắp lên, chớ để xuống đất sợ hư đi. Chó và vịt lạy tạ ra về. Tuân theo lời thần dặn, từ đó lúc nào ngủ hai giống vật cũng đều co một cẳng lên trên không.

Các thần đang sửa soạn về trời, thì bỗng có mấy loại chim chiền chiện, chìa vôi, ốc cau, mỏ nhác… cùng đến một lúc kêu nài vì nỗi trời đã nặn ra chúng thiếu mất cả hai chân. Ba thần thoạt cũng từ chối, lấy cớ là đã hết vật liệu đem theo, song lũ chim một mực nài nỉ, bảo rằng vì chúng không có chân nên đến chậm, cố khẩn cầu thần giúp cho. Một vị thần thấy gần đó có bình hương mới bẻ lấy một nắm chân hương làm cho mỗi con chim một cặp chân. Thấy đôi chân mong manh quá, chim kêu lên : « Trời ơi ! trông que nhang thế này thì đậu làm sao được ! » Thần bèn khuyên bảo : « Không việc gì đâu, cứ chịu khó giữ gìn một chút là được. Khi nào muốn đậu thì hãy đặt nhớm chân xuống đất xem có vững không đã rồi hãy đậu ». Do đó mà về sau các giống chim này cứ chới với nhún hai ba lần thử đặt chân trước rồi mới đậu.


6. LÚA VÀ CỎ

Một hôm Trời ngự giữa lưng trời phán hỏi loài người muốn điều gì trước nhất. Tổ tiên chúng ta xin một ngày hai bữa cơm.

Trời bèn hóa phép cứ mỗi ngày có một hạt lúa khổng lồ lăn qua khắp các cửa nhà. Các bà chỉ việc đưa tay ra hứng là có số gạo đủ ăn trong ngày. Sau mỗi ngày làm xong phận sự, hạt lúa được Trời hóa phép trở lại lớn như cũ. Người ta chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ để tiếp rước hạt ngọc của trời lăn đến cửa.

Có một người đàn bà kia tính tình lười biếng không nghe lời dặn của Trời. Khi hạt lúa lăn đến cửa không thấy chủ nhà quét dọn tiếp rước mình bèn quay sang nhà khác. Người chủ nhà tức giận cầm chổi rượt theo, đập một cái thật mạnh làm cho hạt ngọc vỡ tan từng mảnh. Loài người phải nhịn đói một thời gian, bèn đi thưa với Trời, Trời bảo rằng : « Các người không kính nể hạt ngọc của ta, từ đây các ngươi phải làm hết sức mình để cho hạt ngọc được sống dậy. Mỗi người phải đi tìm mảnh gạo vỡ của ta đem về, xới đất, tưới nước, săn sóc cho đến khi trổ bông sinh hạt. Ta sẽ giúp các ngươi làm việc, ta sẽ làm mưa và nắng… » Từ đó loài người mới bắt bầu trồng lúa.

Cũng vào lúc sinh ra lúa, Trời sai một thiên thần đưa xuống hạ giới một số hạt giống lúa và một số hạt giống cỏ vãi ra khắp mặt đất để nuôi người và vật. Ban đầu thần gieo tất cả giống cỏ ở trong tay trái. Cỏ mọc rất nhanh, lan tràn rất mạnh qua đêm, đến nỗi hôm sau Thần chỉ mới gieo hết một số hạt giống lúa ở trong tay phải thì không còn một khoảng đất nào để gieo nữa. Thần đành đem nửa số hạt giống lúa về trời. Do đó mà ở trên mặt đất cỏ mọc nhiều mà lại rất khỏe còn lúa thì ít lại mọc rất khó khăn, nếu không chăm bón làm cỏ thì bị cỏ át mất.

Khi biết rõ việc ấy Trời liền nổi giận đày thần xuống trần hóa làm con trâu, ăn cỏ đời này qua đời khác và phải kéo cày cho loài người trồng lúa. Trời đặt ra một vị thần để trông nom về lúa. Thần Lúa là một cụ già râu tóc bạc phơ, thường hay chống gậy đi đó đây.


7. THẦN SÉT

Trong số các thần nhà trời, Thần Sét là một vị hung dữ, mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội mình mảy đen thui chỉ vận một cái khố, lưng đeo trống, tay cầm một lưỡi búa đá, Thần Sét chuyên thi hành lệnh Trời đã xử công việc ở trần gian theo luật thiên đình. Hành động của Thần biểu lộ sự thịnh nộ của Trời. Theo lệnh Trời, Thần Sét xử phạt những người làm tội ác có hại đến nhân mạng mà khéo che đậy, hoặc luật pháp trần gian không xét xử tới. Thần Sét cũng đánh những ma quỷ, loài vật, cây cỏ tu luyện thành tinh rồi tìm cách hãm hại người trần…Mỗi lần xử án, Thần Sét thường đánh trống đeo bên mình làm thành tiếng sấm (cho nên người ta cũng gọi Thần Sét là ông Sấm), rồi thần tự trên trời nhảy xuống tận nơi trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân và bổ ngay búa vào. Có khi thần bỏ luôn lưỡi búa đã đánh tội nhân vì bận việc phải đi một nơi do đó thỉnh thoảng người ta nhặt được lưỡi tầm sét của Thần Sét quẳng lại trên mặt đất.

Thần Sét thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng hai, tháng ba mới thức dậy đi làm việc.Tính tình Thần Sét cực kỳ nóng nảy, hễ được lệnh trời sai là đi ngay, hễ thấy là đánh liền cho cho nên cũng có lúc đánh lầm làm cho người, vật chết oan. Vì thế mà Thần Sét có lần bị Trời phạt vì đánh lầm người vô tội, nằm yên không được cựa quậy ở một góc rừng trên trời. Con gà thần của Trời thỉnh thoảng lại đến mổ một cái đau điếng mà Thần Sét đành phải nằm im. Cho nên sau khi được tha rồi, Thần Sét phải thói quen hễ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Do đó mà mỗi lần có sấm chớm, sợ Thần Sét xuống, người ta thường bắt chước tiếng gà để dọa Thần Sét tránh đi nơi khác.


8. THẦN MƯA

Thần Mưa là thần hình rồng, thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cầy cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước cho các nơi. Thần Mưa có tính hay quên có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán, có vùng lại đến luôn làm thành lụt lội. Do đó mà có lần ở hạ giới cóc phải lên kiện Trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày quá.

Công việc phân phối nước khắp mặt đất rất là nặng nề một mình Thần Mưa có khi không làm hết nên có lần Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở nên thành rồng hút nước phun mưa giúp sức Thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ-môn) thuộc Hà-tĩnh ngày nay. Do đó mà trong dân giân đã có câu hát về việc cá gáy hóa rồng :

Mồng ba cá đi ăn thề,

Mồng bốn cá về cá vượt Vũ-môn


9. THẦN GIÓ

Thần Gió là một vị thần không đầu có một cái quạt thần để theo lệnh trời mà làm ra gió hay bão ở thế gian. Thần Gió thường hợp sức với Thần Mưa, hoặc Thần Sét. Cũng như Thần Sét, Thần Gió biểu lộ sự giận dữ của trời đối với loài người bằng cách gây nên bão táp để trừng phạt.Mỗi lúc đồng bằng đang yên tĩnh tự nhiên bỗng nổi lên một trận gió xoáy, đó là lúc Thần Gió đi chơi người, ta gọi là Thần Cụt Đầu.


10. THẦN ĐẤT

Thần Đất trông nom khắp mặt đất, thường hiện dưới hình một cụ già to béo, biết hết mọi việc ở trần gian, cứ đến bảy ngày cuối năm là lên thượng giới để chầu Trời, cũng như Thần Bếp. Trong mấy ngày Thần vắng mặt, mặt đất ngừng hoạt động, đến ba mươi tháng chạp Thần trở về muôn vật bừng tỉnh dậy. Cũng trong khoảng đó người ta không dám động vào đất của Thần, phải đợi đến mùng hai đầu năm sau khi làm lễ động thổ cúng Thần Đất rồi người ta mới lại đào xới đến đất, hoặc cày bừa.


11. THẦN NÚI

Thần Núi có nhiều tên như ông Chon-Von, ông Cao-Các, hoặc là Cao-Sơn Đại-Vương hay đức Thượng-Ngàn. Cũng như mỗi vùng có một ông thổ địa, mỗi núi cũng có một vị sơn thần. Thần thường hiện hình thành một ông già râu tóc bạc phơ, cai quản mọi cây cối thú vật thuộc vùng núi non của Thần.


12. THẦN BIỂN

Có sự tích kể thần Biển đội lốt một con rùa khổng lồ, ở ngoài khơi biển Đông, thường chỉ có công việc thở nước ra và hít nước vào để làm mức thủy triều lên xuống, ngày ngày qua ngày khác. Thỉnh thoảng thần làm sóng to nước lớn, ấy là những lúc biển động, có những ngọn sóng cao như núi mà người miền biển vẫn gọi là sóng thần.

Cũng có sự tích rất cảm động kể rằng trước khi làm thần Biển, nữ thần này là một thiếu nữ ở trên đảo, nổi tiếng về thương yêu anh em. Nàng có bốn người anh em đều là người chài lưới, quanh năm sống trên thuyền ở ngoài biển cả.

Một hôm trong lúc bốn người anh em đi biển, cô gái tự nhiên chết giấc rất lâu. Người chung quanh tưởng là cô bị ngộ gió chết mới đổ thuốc cho tỉnh lại. Nhưng khi sống lại, cô trách sao lại gọi mình tỉnh dậy quá sớm. Sau đó, ba người anh kể lại rằng trong lúc đi biển họ gặp phải một con bão lớn dữ dội, được cô em hiện hồn lên cứu họ thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Người anh thứ tư đi trên một chiếc thuyền khác mất tích luôn không thấy trở về, chỉ vì cô gái đã bị gọi khỏi cơn đồng thiếp trước khi cứu được anh.

Sau việc lạ lùng đó ít lâu thì cô gái chết. Cô từng hiện ra nhiều lần cứu các thủy thủ bị nạn hoặc giúp bắt bọn cướp biển, cùng làm mưa cứu mùa màng bị hạn nắng. Ngọc-Hoàng thấy thế mới phong cô làm Thần Biển.

Người ta hình dung Thần là một người con gái ngồi trên đầu ngọn sóng, đầu đội mũ triều thiêu, tay cầm hốt ngọc.

Nguồn: Thần Thoại, quyển số 3 của tác giả Doãn Quốc Sỹ, xuất bản bởi Sáng Tạo năm 1970.