Vũ Đình Liên

Vũ Đình Liên

Vũ Đình Liên (1913 – 1996), là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới, nhà giáo nhân dân Việt Nam. Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Bài thơ Ông Đồ của ông được một nhà phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.

Ngoài sáng tác thơ, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học.

Những bài thơ tiêu biểu của Vũ Đình Liên

(LichSuVanHoa.net lựa chọn)

1. Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

1936

Đăng trên báo Tinh hoa.

Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Ông đồ là người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học, gọi là ông đồ, thầy đồ. Mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên).

Nguồn:
1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
2. Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại (quyển hạ), NXB Xuân Thu tái bản, 1990
3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học Xã hội, 2004
4. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 25, NXB Khoa học Xã hội, 2000, trang 316


2. Bảy mươi ba tuổi hối hận

Bảy mươi ba tuổi
Dạy học, làm thơ
Đôi mắt đã tối
Mái đầu bạc phơ!

Công cha còn nợ
Nghĩa mẹ chưa đền
Nước, Đời, vẫn đó
Hai gánh còn nguyên.

Chỉ mừng một điều
Bổng lộc quyền lợi
Hưởng chẳng bao nhiêu
Cùng dân no đói.

Còn chút hơi tàn
Có tâm, không lực
Ngoảnh nhìn giang san
Thẹn cùng Trời Đất

Nhớ công ơn Bác
Khó nuốt miếng cơm
Khôn nhắm đôi mắt
Hối hận thơ tuôn

Ngày xưa Đời, Hối
Còn sống dưới mồ
“Nghĩa nhân” Nguyễn Trãi
Bốt-le “thương thơ”

Cũng tuổi bảy ba
Đọc thơ “Tự cảnh”
Xót lòng người xưa
Khơi sâu hối hận

Mấy lời Tự Răn
Mấy vần Tự Hận
Khôn hết ăn năn
Gửi cùng trò, bạn

Cho nhẹ mối hận
Cho khuây nỗi buồn
Thày, chưa tròn phận
Thơ, chẳng nên hồn.

Cuối tháng 10-1986


3. Hồn xưa

Hoa cù hồng phấn nữ
Tranh khán lục y lang


Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
“Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc”
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ, còn phảng phất đâu đây!

Nhớ những nàng thiếu nữ thơ ngây,
Thướt tha như liễu, buồn như gợi.
Ngày ngày thoa phấn tô son đợi,
khách văn nhân đang mải hội rồng mây.

Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ, mà nay biết tìm đâu?

Những cảnh xưa rực rỡ muôn màu
Mà êm ả, tưng bừng, mà bé nhỏ
Đẹp như bức tranh hay như bài thơ cổ
Những người xưa yên lặng, nhẹ nhàng
Với những điều ước vọng mơ màng
Mà bây giờ chúng ta không còn nữa!

Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ:
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay?

Nguồn: Tuần báo Phong hoá, số 155, ra ngày 27-9-1935


4. Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ

Yên lặng đi theo dõi chân thành cao
Bóng tinh kỳ trong sương sa buồn rũ!
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ
Bây giờ đi chinh phục cõi bờ đâu?

Giống anh hùng tự ngàn xưa đã chết!
Thì bây giờ còn chinh chiến với ai
Trống không mời, chiêng im, ngựa không thét
Vùng trời xa, yên lặng vắng tăm hơi

Lần bóng dãy thành cao đi mãi mãi
Âm thầm mang mối hận không ngày nguôi
Vì những thuở oai phong không trở lại!
Nên lặng mơ giấc mộng đỏ xa xôi:

Dãy thành rêu kéo dài trên bờ cỏ
Nỗi oan hờn quá khứ với ngàn sau
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ!
Bây giờ đi chinh phục cõi mơ đâu!

Báo Tinh hoa, 1937.

Nguồn: Tổng tập văn học Việt Nam, tập 25, NXB Khoa học Xã hội, 2000, trang 318


5. Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Vì đêm nay ta lại căng buồm đi
Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến
Một phương trời mây lọc bóng trăng khuya

Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh
Thuyền đi trong bóng tối luỹ thành xưa
Trên chòi cao, từ ngàn năm sực tỉnh
Trong trăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ

Từ ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh
Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya
Nhưng giây lát lại rơi im hiu quạnh
Cả hồn xưa im lặng trong trăng khuya

Trôi đi thuyền! cứ trôi đi xa nữa
Vỗ trăng khuya bơi mãi! cánh chèo mơ
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Từ ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
Làm sau khi xem lễ Nam giao 1936.

Đăng trên báo Tinh hoa.

Nguồn:
1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
2. Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại (quyển hạ), NXB Xuân Thu tái bản, 1990


6. Luỹ tre xanh

Lữ khách bao năm xa vời quê cũ
Bỗng chạnh lòng nhớ tới luỹ tre xưa
Văng vẳng trong mơ tiếng sáo dật dờ
Lồng trong gió như tiếng tơ trầm bổng

Tiếng kẽo kẹt trong đêm khuya hiu quạnh
Vờn trong sương vương điệu nhạc u buồn
Hoà âm cùng tiếng gọi của ễnh ương
Thoảng trong gío âm hồn muôn ngàn kiếp

Có những lúc mưa nguồn tuôn như trút
Luỹ tre xanh oằn oại thật thê lương
Cành lá tả tơi trông thật u buồn
Như cố đứng trong tang thương vạn cổ

Cũng có lúc luỹ tre xưa bật khóc
Lại bật cười giữa vận nước điêu linh
Thăm thẳm tâm tư bầy tỏ chân tình
Nào ai thấu nỗi buồn hằng u uất


7. Nhớ Cao Bá Quát

Tiếng dế kêu dưới đất
Sao lấp lánh trên giời
Trong đêm xưa dầy đặc
Ai thao thức canh dài

Thân người như giun dế
Lòng người tựa trăng sao
Ai xưa mài thơ để
Mỗi vần thành mũi dao

Ngâm thơ cho sao rụng
Cho tiếng dế vút cao
Cho giun quằn sóng lượn
Sông bể nổi ba đào

Đêm nay nằm không ngủ
Thương người xưa lệ trào
Cả trăm năm quá khứ
Trằn trọc nặng chiêm bao

Quốc Oai, 4 giờ sáng 20.11.1973


8. Thủy chung

Năm nay đào lại nở
Chật đường chợ hàng hoa
Từ đáy sâu quá khứ
Ông đồ lại hiện ra

Sáng nay mưa chớm lạnh
Nắng nằm trên giấy hồng
Một đám người ngồi cạnh
Có nhà thơ ngồi cùng

Tôi xin đôi câu đối
Cụ rọc tờ giấy điều
Bàn tay xưa viết nối
Những nét chữ thân yêu

Bài thơ “Ông Đồ” mới
Dưới bút cụ nở ra
Tôi chân thành chép lại
Đánh dấu một mùa hoa

Chỉ thêm lời ghi chú
Vần thơ xưa, thơ nay
Thuỷ chung một lòng cũ
Dù vui buồn đổi thay.

1974

Nguồn: “Bản hợp xướng ông đồ”, Báo Quân đội nhân dân, số ngày 02/02/2007