Thơ Đường

Thơ Đường

Thơ Đường hay Đường thi (唐詩) là thơ ca đời Đường ở Trung Hoa được sáng tác trong khoảng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10 (618 – 907). Số lượng tác phẩm rất đồ sộ với hàng nghìn nhà thơ tham gia sáng tác. Hiện nay Trung Quốc còn bảo tồn được 48.900 bài trong bộ Toàn Đường thi. Thời Mãn Thanh chọn 300 bài tiêu biểu do Hành Đường thoái sĩ và Trần Uyển Tuấn bổ chú thành cuốn Đường Thi tam bách thủ.

Thơ Đường có thể chia ra làm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618-713), Thịnh Đường (714-766), Trung Đường (766-835), Vãn Đường (835-907).

Giai đoạn Sơ Đường, 4 nhà thơ trong nhóm “tứ kiệt” gồm Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương và Vương Bột đã thay đổi phong khí ủy mị của thơ các triều đại trước. Sau đó Trần Tử Ngang (661-702) – một nhà thơ từng làm quan dưới thời Võ Tắc Thiên – đã khởi động nên phong trào đổi mới thi ca theo tinh thần phong nhã của “Kinh Thi” và “phong cốt thơ Hán Ngụy”; ông chủ trương làm thơ phải có “ký thác” – nghĩa là phải nói lên tâm tình của mình, ghi lại cảm xúc thật của mình trước hiện thực, bỏ hẳn lối thơ “diễm lệ” thời Lục triều (Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều) trước đó, cũng như lối thơ ca tụng, ứng chế của một số nhà thơ đầu đời Đường như Thẩm Thụy Kỳ, Tống Chi Vấn. Sau Trần Tử Ngang, nhiều nhà thơ đã kế thừa triết lý “ký thác” vào thơ nhưng phát triển thành 2 khuynh hướng chính là trữ tình lãng mạn hoặc hiện thực xã hội. Ba nhà thơ tiêu biểu là Lý Bạch, Đỗ PhủBạch Cư Dị.

Về phong cách, tùy theo khuynh hướng và niềm tin tôn giáo của người sáng tác mà màu sắc phong cách có thể rất khác nhau. Thời Đường ở Trung Quốc tồn tại 3 tôn giáo lớn là Nho giáo, Phật Giáo và Lão Trang (Đạo giáo).

Về phân loại, thơ Đường có thể được phân loại như sau: thơ “biên tái” tiêu biểu là các tác phẩm của Cao Thích, Sầm Than, thơ “điền viên” của Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, thơ “chính nhạc phủ” thời Vãn Đường của Bì Nhật Hư, Đỗ Tuấn Hạc, thơ hiện thực tiêu biểu là các nhà thơ lớn Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.