Thời Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai sứ thần đem qua dâng cho nhà Chu giống chim bạch trĩ, nhưng ngôn ngữ bất thông, Chu Công sai người dịch lại mới hiểu.
Chu Công hỏi rằng:
– Người Giao Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao?
Sứ giả thưa rằng:
– Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến; chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô uế và làm cho răng đen.
Chu Công hỏi:
– Vì sao mà đến đây?
Sứ giả thưa:
– Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung Quốc có thánh nhân nên mớ¡ sang đây.
Chu Công than rằng:
– Chính lệnh không đến, quân tử không bắt người xa làm tôi, đức trạch không thêm, quân tử không hưởng của cống.
Kịp nhớ đến Hoàng Đế có lời thề rằng: “Giao Chỉ ở ngoài phương xa không được xâm phạm”, mới thưởng cho trọng vật, khuyên dạy rồi bảo về. Sứ giả quên mất đường về, Chu Công cho một cỗ xe hai ngựa, khiến cứ chỉ hướng Nam mà về.
Đức Khổng Tử làm sách Xuân Thu, cho nước Văn Lang là đất yêu hoang, văn vật chưa hoàn bị nên bỏ mà không chép vậy.