Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú tên là Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình giang (nay là thành phía Nam sông Thiên Đức). Ở phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già La Đồ Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, già trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.
Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man nương, cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng, khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi đổ cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.
Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ Lê bước ngang trên mình nàng, Man nương hỗn nhiên tâm động, từ đó thụ thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ Lê cũng tránh đi đến chùa ngã ba đầu sông mà ở.
Mãn nguyệt, Man nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:
– Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.
Sư Đồ Lê và Man nương từ biệt nhau mà đi, Đồ Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:
– Ta cho em cái gậy này đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.
Man nương cầm gậy trở về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lấy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có nước suối chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.
Khi Man nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bến chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bửa củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động. Gặp khi Man nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hóa thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hỏa quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man nương van vái mướn người kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.
Sư Đồ Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phật là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, và Pháp Điện. Già trẻ trai gái bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy.