Bính nghẹn ngào, sự vui mừng sôi nổi làm mặt Bính bừng bừng. Hình như Bính sắp cuồng lên vì sung sướng.
Ở tòa án ra, Năm Sài Gòn báo tin cho Bính chắc chắn Năm được tha bổng nhưng Năm còn phải về đề lao lấy quần áo ký kho và bóc số tù.
Bính qua lại không biết bao nhiêu lượt và không một giây nào rời nhìn hai cánh cửa sắt đen kịt đóng chặt.
Còi xe hỏa đã rít vang. Chuyến Hà Nội Hải Phòng 10 giờ đã về. Bính càng bồn chồn, sau cùng, không thể nén được, Bính chạy sang, ghé mắt vào cái lỗ bằng đồng xu trên cánh cửa đề lao vừa thở vừa hỏi người lính gác:
– Thưa ông, Năm… Năm Sài Gòn sắp ra chưa?
Một giọng ồ ồ quát:
– Của nỡm nào đấy? Ai biết Năm Sài Gòn, Sáu Hà Nội nào mà hỏi. Có xéo ngay… không xếp nó lại “xạc” người ta bây giờ.
Bính năn nỉ:
– Cháu van ông, ông làm ơn xem giúp cháu những người vừa đi tòa về được trắng án đã sắp ra chưa?
Người lính càng hoảng sợ “tây” bắt được mình nói chuyện với người ngoài, liền mắng tát thêm vào mặt Bính:
– Cái mả mẹ chị, có cút ngay đi không. Người ta đã bảo không biết mà còn léo nhéo mãi.
Bính tím mặt lại, phải về chỗ cũ dưới gốc bàng trên hè, đứng chờ. Cánh cửa chợt hé mở, Năm Sài Gòn chưa kịp bước xuống đường, Bính đã vội chạy đến nắm chặt lấy tay:
– Anh Năm! Anh Năm! Mình ơi!
Rồi Bính ứa nước mắt khóc khiến Năm phì cười:
– Mình trẻ con quá, chùi ngay nước mắt đi!
Chẳng để ý đến chung quanh nhìn mình chằm chặp, Bính cứ luống cuống, xoắn xuýt bên Năm. Ngay một lúc Bính muốn nói hết những sự xảy ra trong ba tháng phải xa cách Năm, song nhời nọ chen nhời kia không thành câu gì cả. Năm ái ngại.
– Thì mình nói chậm chứ, nào có ai cướp mất nhời đâu!
Bính vẫn cứ hổn hển hỏi chuyện Năm, những tình cảnh Năm ở trong đề lao và kể sự tình của mình ở bên ngoài. Những khi phải ngừng nói thì Bính lại nhìn vào Năm. Chợt Năm Sài Gòn hỏi Bính:
– Mình đẻ thế nào?
Bính lặng một lúc mới cất được tiếng;
– Con chết rồi!
– Con chết rồi?
– Mà con giai mình ạ.
– Thằng “lỏi” à?
– Phải, thế có đau đớn không?
Năm bứt rứt một cách lạ thường, lặng đi một lúc rồi lắc đầu:
– Thôi! Chẳng may chết con này thì rồi đẻ con khác. Mình đừng buồn phiền quá.
Bính lại thấy tâm trí tối tăm rời rã, Bính thẫn thờ đi bên Năm không nói nữa.
Về đến nhà Bính gieo mình xuống giường, còn Năm ngồi cạnh Bính, cau mày đưa mắt trông bốn phía nhà:
– Ô kìa! Cái diềm màn đỏ đâu rồi?
– Tôi cất nó trong ngăn kéo ấy.
– Hai cái móc bằng sừng và hai cái dây tua lụa mình cũng cất đi ư?
– Phải.
Thấy cách bày biện trong nhà hoàn toàn thay đổi; bàn rửa mặt kê ở cuối giường đã dịch lại tận góc nhà, cái gương soi to và hộp xà phòng thơm cũng không có đấy, bộ ghế mây mới mua Bính để chiếc ở gần cửa xuống bếp, chiếc gần cửa ra vào, Năm sẵng tiếng:
– Sao đồ đạc lại thế này? Và lạ quá những khung ảnh, những tranh tàu mình vứt xó nào cả rồi?
Bính chưa kịp trả lời, Năm hỏi luôn:
– Và thúng mủng quang gánh ở đâu mình tha lôi về bừa bộn chật cả nhà thế này?
Bính ngồi dậy:
– Tôi đi buôn bán thì đừng có thúng mủng à, còn đồ đạc thu gọn vào để lấy chỗ xếp gạo nước.
– Nhưng những tranh treo trên tường có bận rộn gì mà mình cũng tháo cả đi?
– Chả cất đi thì mình bảo để làm gì? Tôi vui sướng lắm sao mà ngắm tranh ảnh? Chồng bị tù con chết, nghĩ chừng nào chết ruột từng ấy.
Năm ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Thế chúng nó không thu tiền “bồi” cho mình à?
– Không! Tôi không dính líu với họ một đồng nào vì tôi có thể chợ búa buôi thân cơ mà.
– Mình chịu khó nhọc được ư?
– Sao lại không! Mình hỏi lạ quá!
Chờ Năm uống chén nước, Bính nhìn Năm và hỏi rất dịu dàng:
– Em rắp tâm chờ mình ra để nói với mình xoay cho em ít tiền làm vốn buôn bán vợ chồng nuôi nhau vậy mình có bằng lòng không?
– Chết! Tôi lại để mình nuôi thì thà đâm đầu xuống sông cho rảnh kiếp.
– Không, em muốn mình đừng như thế nữa, khổ bao nhiêu em cũng vui lòng chịu cơ mà.
Năm xua tay:
– Anh không ưng thế. Thúng mủng này xem có ai xin thì cho quách đi, anh chẳng thích mình buôn bán gì hết.
– Ơ kìa!
Năm trợn mắt:
– Anh nói mình phải nghe.
Bính thở dài. Bính không thể can ngăn được Năm vì Năm cứng lòng quá. Một người tàn bạo ngoại hai mươi năm sống về nghề ăn cắp, bạn bè với toàn hạng du đãng, Bính đến hết trông mong kéo lại con đường sáng sủa. Bính buồn rầu ngước mắt nhìn Năm.
Năm lạnh lùng đứng dậy lôi cái bồ ở xó nhà ra, lấy những tranh ảnh phủi sạch bụi bậm rồi treo lên tường. Ẩnh một người đàn bà trần truồng tắm ở bên hồ treo giữa hai bức tranh “Tam anh chiến Lã Bố” và “Bàng Đức đại chiến Quan Công”. Một đôi tranh truyện Thủy hử hồi Võ Tòng đánh hồ và hồi đánh Chúc gia trang ở hai bên cửa ra vào. Còn bức ảnh Năm Sài Gòn chụp bán thân, mình trần với một đôi rồng trổ lấy ngực, treo chính giữa.
Thấy Năm sắp sửa đến chỗ thúng mủng của mình, Bính vội xếp đưa xuống bếp. Năm liền cười:
– Phải đấy, đem thổi tuốt đi cho rảnh chuyện.
Một lúc sau, khi Bính trở lên nhà, Năm hỏi:
– Bây giờ mình coi có đẹp mắt không?
Bính phải vâng và tươi nét mặt cho vừa lòng Năm. Rồi khi Bính toan đi làm cơm chiều, Năm ngăn lại hỏi:
– Mình còn đồng nào không?
– Còn hai đồng thôi. Nhưng mình muốn tiêu gì để em vay thêm.
Năm khen “tốt lắm” giục Bính thay quần áo, chải chuốt xong, hai vợ chồng gọi xe kéo sang phố hàng Cháo.
Chợt thấy Tư-lập-lơ đằng đầu phố Khách, Năm đập chân xuống sàn xe bảo đỗ lại và che tay gọi. Tư-lập-lơ cuống quít chạy lại vỗ vai Năm:
– Anh “phóng” bao giờ thế?
– Ban trưa Tư ạ.
– Anh định đi đâu bây giờ?
Năm Sài Gòn trỏ một hiệu cao lâu hỏi Tư:
– Vào đây chứ còn đi đâu. Chú có đói thì vào “mổ” cho vui.
Tư đưa mắt nhìn bên kia đường rồi kéo tay Năm vào một hàng nước trước cửa hàng Năm định vào ăn.
Ngồi xuống ghế đâu đấy, Năm gọi lấy hai đĩa mì và một bát vằn thắn. Trong khi chờ đợi đầu bếp làm. Tư bảo khẽ Năm:
– Anh Năm! “So quéo” đương “mổ” ở “hậu đớm” “tễ bướu” lắm đấy(1).
Năm mỉm cười:
o O o
1. Thằng khờ đương ăn ở sau lưng nhiều tiền lắm đấy.
– Chú “hiếc” được rồi à?
– Chưa! “cá” nó để ở “đắm thượng” áo ba-đờ-suy khó “mõi” lắm!(1)
Năm hơi chau mày:
– Sao chú biết “tễ bướu”?
– Tiểu yêu nó báo với tôi chính “so” này vừa mới nhận được “khươm chợm thanh”(2) của người cai hàng cá và tôi đương “trõm” thì gặp anh.
Hầu sáng đã bưng thức ăn trên bàn người kia và bàn Năm, Bính chửa biết xẻ đĩa nào, Tư liền bảo nàng:
– Chị thích ăn thứ nào thì xẻ thứ ấy, chúng tôi còn uống rượu cơ. Mà chị đừng “nhé”(3) sang bàn bên kia nó “sửng”(4) thì hỏng bét.
Bính gật đầu xẻ mì vào bát Năm trước rồi đến bát mình. Bính chực và. Năm giơ tay ngăn, rót nửa chén rượu ép Bính uống. Hết hai cút, Tư-lập-lơ bảo lấy thêm nửa chai mà lần này Năm cho Bính một chén thật đầy. Bính chối từ thế nào, Năm cũng không nghe, sau cùng Bính đỏ mặt, nhăn cả mặt mũi tợp một hơi gần hết.
Trước cái dáng điệu ngộ nghĩnh ấy, Năm và Tư phá lên cười, Bính cũng cười theo.
Rượu nồng bắt đầu rạo rực khắp người Bính. Trước Bính còn e thẹn, sau Bính bừng bừng cả mặt, trong người đê mê, bứt rứt, chưa bao giờ như thế.
o O o
1. Chưa. Ví tiền nó để ở túi áo trên ba-đờ-suy khó móc lắm.
2. 90 đồng
3. Nhé: nhìn
4. Sửng: giật mình. Còn tiếng sửng tươi: biết ngay, Sửng mòng: hơi biết
Bính long lanh nhìn Năm, Năm càng say sưa nhìn lại. Chợt Bính đưa mắt trông người có ví tiền và cười nụ với Tư-lập-lơ. Bính không còn chút trạnh nghĩ gì đến người nọ như ban nãy thoạt nghe Tư nói thì tưởng ngay tới sự đau đớn khi người ta bị thiệt mạng và run sợ vì cái việc làm xấu của mình. Bính hồi hộp ngồi chờ xem cái kết quả rủi ít may nhiều của công việc chồng và bạn chồng.
Thốt nhiên Tư cười bảo Bính:
– Kìa chị, thế này mà chị dám khoe một mình nhà chị có thôi.
Hắn vừa nói vừa kéo Bính đến chỗ người có ví tiền ngồi, trỏ một bức tranh treo trên tường:
– Đấy, cũng chim, cũng hổ, cũng cây cổ thụ, cũng là “anh hùng tương ngộ” như của nhà chị chứ gì?
Năm Sài Gòn chạy lại hỏi:
– Đâu nào? Nhấc ra cho tôi xem tí nào.
Nhanh như cắt, Tư-lập-lơ đứng lùi về đằng sau chừa lối cho Năm bước vào. Cái ba-đờ-suy vắt trên ghế bị Tư che lấp đi… Tinh mắt đến đâu người kia cũng không thể nom thấy ngón tay trỏ và ngón tay giữa của Năm thoắt thò vào cái túi áo ấy. Chỉ trong chớp mắt và êm như không, chiếc ví dày cộp đã chuyển sang tay trái Năm rồi nằm gọn trong túi… Bính.
Người kia vẫn cúi đầu đưa thìa cháo lên ăn.
Cả ba về chỗ cũ, Tư bấm Năm:
– “Chuỗn”!(1)
Năm nhếch mép:
o O o
1. Chuỗn: chạy đi nơi khác
– “Diễn sưa”(1) đã, vội gì.
Trống ngực Bính đập mạnh, Bính khẽ trách chồng:
– “Sưa” với “sừa” gì nữa!
Dứt lời, Bính bàng hoàng bước vội ra cửa trước, mặc Năm còn nán lại mua thêm gói thuốc lá thơm. Trời đã tối hẳn, qua những quãng trống ở rặng xoan tây, Bính thấy lờ mờ nhung nhúc những bóng người trên đường bên kia sông Lấp. Một lúc lâu, đèn điện đã bật lên, nhưng cái ánh sáng vàng đục chẳng đủ sức vén lên màn bóng tối phủ lấy cảnh vật nhộn nhịp, ồn ào nọ.