Chương 23: Mượn câu văn Tây Sương ký, giở giọng giỡn đùa – Nghe khúc hát Mẫu đơn đình, chạnh lòng hờn tủi

Mượn câu văn Tây Sương ký, giở giọng giỡn đùa

Nghe khúc hát Mẫu đơn đình, chạnh lòng hờn tủi

Nguyên phi sau khi từ vườn Đại quan về cung, sai Thám Xuân chép lại tất cả những bài vịnh hôm ấy, rồi tự tay xếp thứ tự hơn kém, truyền dựng bia ở trong vườn để ghi lại một cuộc chơi phong nhã hiếm có xưa naỵ Giả Chính liền sai người đi các chợ tìm thợ khéo đến vườn mài đá, khắc chữ. Giả Trân sai bọn Giả Dung, Giả Bình trông nom công việc. Giả Tường vì bận về trông nom bọn con hát và các đồ diễn tuồng, nên không được rỗi. Giả Trân lại gọi thêm bọn Giả Xương, Giả Lăng đến trông coi giúp, công cuộc bắt đầu vào việc nấu sáp, đục đá.

Nói đến mười hai sa ni và mười hai đạo cô ở miếu Ngọc Hoàng và am Đạt Ma dọn ra bên ngoài, không ở trong vườn nữa, Giả Chính muốn phân họ đi các nơi. Chu thị là mẹ Giả Cần ở phố sau, đang muốn xin với Giả Chính cho con việc làm để lấy tiền tiêu. May sao nghe có việc này, liền đi xe đến nhờ Phượng Thư.

Phượng Thư biết Chu thị xưa nay không hay cậy thần cậy thế mấy, liền nhận lời. Nghĩ ngợi một lúc, Phượng Thư sang trình Vương phu nhân:

– Không nên cho bọn ni cô và đạo cô đi ở nơi khác. Bất thần Qúi phi ra chơi, cần đến họ sẽ có ngaỵ Nếu cho họ đi, khi cần đến, phải mất nhiều thì giờ, tốn công sức. Cứ như ý con, nên cho họ Ở cả vào chùa Thiết Hạm, hàng tháng cho một người đem vài lạng bạc đến mua gạo củi cho họ là được rỗi. Khi cần, ta chỉ gọi một tiếng là có, không mất công gì cả.

Vương phu nhân đến bàn với Giả Chính. Giả Chính cười nói:

– Bây giờ nhắc đến, tôi mới nhớ, vậy cứ thế mà làm.

Rồi lập tức cho gọi Giả Liễn.

Giả Liễn đương ăn cơm với Phượng Thư, thấy gọi, liền bỏ cơm xuống, đứng dậy ngay, Phượng Thư níu lại cười nói:

– Hãy khoan đã, tôi bảo câu này! Việc khác thì tôi không cần, nhưng nếu là việc bọn ni cô và đạo cô, thì thế nào cũng phải theo tôi dặn mà nói.

Rồi dặn Giả Liễn mấy câu. Giả Liễn lắc đầu cười:

– Có giỏi mợ đi mà nói, tôi mặc kệ.

Phượng Thư ngẩng cổ lên, bỏ đũa xuống, vẻ mặt nửa cười nửa không, lườm Giả Liễn:

– Cậu nói thực hay nói đùa đấy?.

Giả Liễn cười nói:

– Con chị Năm ở phòng phía tây là Giả Vân đã xin với tôi hai ba lần. Tôi bảo nó hãy chờ, chẳng mấy khi có việc này, mợ lại định cướp mất.

Phượng Thư cười:

– Cậu cứ yên tâm, Qúi phi đã dặn trồng nhiều tùng, bách về phía đông bắc trong vườn và hoa cỏ ở trước lầu. Khi nào khởi công, tôi sẽ cho cháu Vân trông nom việc ấy.

Giả Liễn nói:

– Thôi được. Nhưng tại sao đêm hôm qua tôi muốn “đổi lối mới” mợ lại cứ vùng vằng hất chân hất tay tôi ra.

Phượng Thư nghe nói, nhoẻn cười, phì vào Giả Liễn một cái, rồi cúi đầu ăn cơm.

Giả Liễn cười rồi chạy một mạch đến hầu Giả Chính, thì quả là việc các ni cộ Giả Liễn cứ theo lời Phượng Thư dặn, nói:

– Xem ra cháu Cần đã thông thạo, có thể giao cho nó trông nom, cứ theo thường lệ, mỗi tháng chỉ việc chi và lĩnh tiền là xong.

Giả Chính xưa nay vẫn không nhìn đến những việc nhỏ nhặt, nghe Giả Liễn nói, bằng lòng ngay.

Giả Liễn về nhà bảo Phượng Thự Phượng Thư sai người bảo ngay Chu thị. Giả Cần đến, cảm ơn vợ chồng GIả Liễn. Phượng Thư lại muốn tỏ ra thân thiết, bảo hắn viết giấy nhận trước ba tháng lương. Giả Liễn đóng dấu, phát thẻ cho hắn đi lĩnh. Kho bạc cứ theo số lương phát cho ba trăm lạng bạc trắng xóa. Giả Cần đưa biếu người cân một lạng để uống nước, rồi sai đứa hầu nhỏ đem về nhà. Hắn bàn với mẹ xong, lập tức thuê mấy cỗ xe đến cửa nách phủ Vinh, gọi hai mươi bốn người ra, ngồi cả lên xe, đi một mạch đến chùa Thiết Hạm.

Nói về Nguyên phi ở trong cung đã xếp xong thứ tự những bài đề vịnh vườn Đại Quan rồi. Chợt nghĩ đến phong cảnh trong vườn, sau lần ra chơi, chắc là Giả Chính bắt đóng khóa cẩn thận, không cho ai đi lại, như thế chẳng hóa phụ cái đẹp ấy lắm sao? Vả chăng đám chị em trong nhà đều là người biết đề vịnh cả, sao ta không bảo họ sang đấy, để đến nỗi người tài buồn tẻ, hoa liễu kém tươi! Lại nghĩ đến Bảo Ngọc không như các anh em khác, từ bé đến lớn vẫn ở luôn với đám chị em; nếu không cho sang đây, sẽ làm cho cậu ta buồn, mà Giả mẫu và Vương phu nhân cũng không được vui. Vậy nên cho Bảo Ngọc ở luôn đấy mới phải.

Nguyên phi liền sai thái giám là Hạ Trung đem một đạo dụ đến phủ Vinh truyền cho bọn Bảo Thoa vào ở trong vườn, không được đóng khóa như trước, Bảo Ngọc cũng được đến ở đấy đọc sách.

Giả Chính và Vương phu nhân nhận được dụ, đến trình Giả mẫu, rồi sai người vào trong vườn dọn dẹp sắp đặt giường ghế, treo rèm màn. Bảo Ngọc nghe tin, khôn xiết vui mừng. Đương lúc vòi vĩnh Giả mẫu, đòi cái nọ, đòi cái kia, thì có a hoàn đến nói: “Ông sai gọi cậu Bảo”.

Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, mất vui, ngồi ngẩn ra một lúc, rồi uốn éo níu chặt lấy Giả mẫu, không chịu đi.

Giả Mẫu an ủi:

– Của quí của bà này! Cháu cứ đi, đã có bà. Cha cháu không dám làm rầy rà cháu đâu. Vả cháu vừa làm được những bài thơ hay, nên chị cháu muốn cho cháu vào trong vườn ở. Cha cháu sợ cháu vào trong ấy hay quấy rầy, nên gọi đến dặn bảo mấy câu đấy thôi. Hễ cha bảo câu gì, cháu cứ vâng lời ngay là xong.

Giả mẫu nói xong, gọi hai bà già đến dặn: “Đưa cậu Bảo sang, và chớ để ông làm cho cậu ấy sợ”. Bà già vâng lời đi.

Bảo Ngọc chầm chậm bước đi, mãi mới đến nơi. Giả Chính đương ở buồng Vương phu nhân bàn tính công việc. Bọn Kim xuyến, Thái Vân, Thái Phượng, Tú Loan, Tú Phượng đương đứng ở dưới thềm, trông thấy Bảo Ngọc, đều nhoẻn miệng cười. Kim Xuyến nắm Bảo Ngọc lại khẽ bảo:

– Môi tôi vừa bôi nhiều sáp thơm và ngọt lắm, cậu có thích ăn không?

Thái Vân đẩy Kim Xuyến ra cười nói:

– Người ta đương ruột rối bời bời, mày còn trêu chọc mãi! Lúc này ông bà đang vui đấy, cậu đi vào đi.

Bảo Ngọc đẩy cửa vào. Giả Chính và Vương phu nhân ở cả trong buồng. Dì Triệu vén rèm, Bảo Ngọc vào, thấy Giả Chính và Vương phu nhân đương ngồi trên giường nói chuyện. Bọn Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Giả Hoàn đều ngồi ghế dưới. Thấy Bảo Ngọc vào, Thám Xuân, Tích Xuân và Giả Hoàn đều đứng dậy.

Giả Chính ngước mắt nhìn, thấy Bảo Ngọc dáng điệu thanh nhã, vẻ mặt tuấn tú, ngoảnh lại nhìn Giả Hoàn, thì diện mạo ươn hèn, đi đứng thô lỗ, khiến ông ta lại nhớ ngay đến Giả Châu. Nghĩ đến Vương phu nhân chỉ còn có một đứa con đẻ, yêu quí như ngọc, mà mình thì đầu đã hoa râm, bỗng lòng ghét Bảo Ngọc của ông ta đã bớt đi nhiều. Liền nói:

– Qúi phi bảo mày suốt ngày đi chơi, không chịu học hành; nay bắt mày ở trong vườn đọc sách với các chị em. Mày phải cố học, nếu còn lêu lổng thì liệu hồn đấy!

Bảo Ngọc vâng lia lịa, Vương phu nhân dắt lại cho ngồi bên cạnh. Các chị em cũng đâu ngồi đấy. Vương phu nhân sờ cổ Bảo Ngọc hỏi:

– Những viên thuốc hôm nọ uống hết chưa?

– Còn một viên ạ.

– Ngày mai lại lấy mười viên nữa. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, bảo Tập Nhân cho uống một viên.

– Vâng. Trước khi đi ngủ, Tập Nhân vẫn cho con uống.

Giả Chính hỏi:

– Tập Nhân là ai?

Vương phu nhân đáp:

– Là một a hoàn.

– A hoàn thì gọi tên gì không được. Đứa tai quái nào đã đặt cho nó cái tên ấy?

Vương phu nhân thấy Giả Chính không thích, liền giấu hộ Bảo Ngọc, nói:

– Đó là bà đặt cho nó đấy.

Giả Chính nói:

– Bà hiểu đâu những chữ ấy. Nhất định lại thằng Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc biết không giấu nổi, đứng dậy thưa:

– Vì thường đọc thơ, con nhớ có câu: Hoa khí tập nhân tri trú noãn 1. Nó là họ Hoa, nên tiện miệng con đặt cho cái tên ấy.

Vương phu nhân vội bảo Bảo Ngọc:

– Về đổi ngay cái tên ấy đi.

Và quay sang nói với Giả Chính:

– Ông cũng không nên để tâm về việc nhỏ này.

Giả Chính nói:

– Kể ra cũng chẳng hại gì, không cần phải đổi. Nhưng xem thế đủ biết nó không chăm lo việc chính, chỉ thích những lời văn trai lơ phù phiếm thôi.

Ông ta quát to một tiếng:

– Đồ súc sinh, sao không bước đi!

Vương phu nhân vội nói:

– Thôi về đi, có lẽ bà đương chờ con đấy.

Bảo Ngọc vâng lời, thong thả đi ra, nhìn Kim Xuyến lè lưỡi cười, rồi theo bầu ngực già chạy một mạch về nhà. Lúc này Tập Nhân đang dựa cửa, thấy Bảo Ngọc về được êm thấm, cười hỏi:

– Ông gọi cậu đến làm gì?

– Chẳng có việc gì cả. Ông sợ tôi vào ở đấy quấy rối, dặn bảo mấy câu thôi.

Nói xong Bảo Ngọc chạy sang bên Giả mẫu trình hết đầu đuôi. Khi ấy Đại Ngọc ở đấy, Bảo Ngọc liền hỏi:

– Cô thích ở chỗ nào?

Đại Ngọc đương tính toán việc ấy, thấy Bảo Ngọc hỏi, liền cười nói:

– Tôi thích ở quán Tiêu Tương. Ở đấy có mấy khóm trúc, quanh co một dãy bao lan, tĩnh mịch hơn chỗ khác.

Bảo Ngọc vỗ tay cười nói:

– Thực đúng ý tôi! Tôi cũng muốn cô ở đấy. Tôi ở viện Di Hồng. Hai chúng ta lại được gần nhau, và đều được yên lặng.

Hai người đương bàn định, thì Giả Chính sai người đến trình Giả mẫu:

– Đến hai mươi hai tháng hai này tốt ngày, xin cho các cậu các cô dọn vào ở trong vườn.

Trong mấy ngày ấy, người nhà chia nhau vào vườn dọn dẹp. Bảo Thoa ở Hành Vu uyển, Đại Ngọc ở quán Tiêu Tương, Nghênh Xuân ở lầu Xuyết Cẩm, Thám Xuân ở Thu Sảng trai, Tích Xuân ở hiên Lục Phong, Lý Hoàn ở thôn Đạo Hương, Bảo Ngọc ở viện Di Hồng. Mỗi nơi phái thêm hai bà già, bốn a hoàn. Ngoài bà vú và các người hầu cận, còn có nhiều người chuyên giữ việc dọn dẹp quét rửa. Đến ngày hai mươi hai, đâu đấy đều dọn sạch sẽ cả. Bấy giờ trong vườn phút đã hoa chào đai gấm, liễu đón gió thơm, không còn vắng vẻ như khi trước nữa.

Bảo Ngọc từ khi vào ở trong vườn, lòng đầy vui thích, chẳng mong gì khác nữa. Ngày nào cậu ta cũng chỉ cùng chị em và bọn a hoàn họp mặt một chỗ, hoặc đọc sách, hoặc viết lách, gẩy đàn, đánh cờ, học vẽ, làm thơ, thêu loan, trổ phượng, chọi cỏ, hái hoa, ngâm thơ, hát lẩy, đố chữ, đoán múi quả, tha hồ chơi bời thỏa thích. Bảo Ngọc có bốn bài tức cảnh bốn mùa, tuy không hay lắm, nhưng cũng tả được tình cảnh chân thực:

TỨC CẢNH ĐÊM XUÂN

Trướng ráng màn mây sắp sẵn rồi,

Ngõ ngoài tiếng ếch thoáng bên tai.

Gối vương hơi lạnh mưa ngoài cửa,

Mắt ngắm màu xuân, mộng gặp người.

Cây nến khóc ai giàn gụa mãi!

Bông hoa hờn khách ủ ê hoài!

A hoàn chẳng biết lười hay nũng?

Vẫn cứ ôm chăn, vẫn nói cười.

TỨC CẢNH ĐÊM HÈ

Thêu khuya ai mới ngủ say,

Trong lồng, anh vũ gọi ngay pha chè.

Gương xạ nguyệt rọi song the,

Đào vân ngào ngạt, hương chè vua ban.

Móc sen cốc ngọc đầy tràn,

Ngả nghiêng gió liễu bên giàn pha lê.

Trên đình phe phẩy quạt hè,

Lầu son trang điểm rèm che cuốn liền.

TỨC CẢNH ĐÊM THU

Trong Giáng Vân hiên vắng tiếng người,

Màn the nhấp nhánh bóng trăng trôi.

Hạc nồng giấc điệp trên rêu đá,

Quạ đẫm sương ngô cạnh giếng khơi.

Hầu đến giải chăn, đàn phượng múa,

Người về tựa cửa, cánh hoa rơi 2

Qúa say trằn trọc đêm còn khát,

Quạt nước pha trà hãy uống chơi.

TỨC CẢNH ĐÊM ĐÔNG

Mơ màng mai trúc trống ba rồi,

Đệm ấm chăn lồng vẫn tỉnh hoài.

Sân rợp bóng thông chim hạc đứng,

Oanh im giọng hát, tuyết hoa rơi.

Ai trùm áo thúy, hồn thơ lạnh,

Đây khoác da điêu, sức rượu lười.

Cô gái hầu trà xem đã thạo,

Lấy ngay tuyết mới thử pha chơi.

Thấy mấy bài thơ này là của một công tử mười hai mười ba tuổi ở phủ Vinh làm ra, những bọn xu phụ thế lợi lúc ấy tranh nhau biên chép truyền tụng khắp nơi. Những bạn trẻ lãng mạn, thích câu trai lơ khêu gợi, cũng viết vào quạt, hoặc đề lên tường, để thỉnh thoảng ngâm ngạ Vì thế có nhiều người đến xin chữ, xin thơ, xin vẽ, xin đề, Bảo Ngọc thành ra đắc ý, ngày nào cũng bận về việc thù ứng. Không ngờ, tĩnh quá hóa động; một hôm, Bảo Ngọc thấy buồn rầu khó chịu, nhìn cái này không đẹp, cái kia không hay, ra vào lên xuống, chỉ thấy bực mình. Trong vườn, phần đông là bọn con gái đang còn tính nết ngây thơ, cười nói hồn nhiên, ăn ở đứng ngồi gặp đâu hay đấy, thì biết thế nào được tâm sự của Bảo Ngọc?

Bảo Ngọc khó chịu, không thích ở trong vườn, chỉ muốn ra ngoài phóng túng cho rộng cẳng, nhưng lại ngớ ngẩn, không nói ra được cái sở thích của mình. Dính Yên thấy thế, muốn bày trò vui, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái gì Bảo Ngọc cũng chơi chán rồi, khó có trò vui, chỉ còn một thứ là chưa trông thấy. Nó liền đi đến các hàng sách, tìm tòi những truyện như: Phi Yến, Hợp Đức, Võ Tắc Thiên, Dương Qúy Phi và các truyện thần kỳ khác, mua mấy bộ đem về biếu Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc chưa được xem sách này bao giờ, quả nhiên thích lắm, như là bắt được của báu. Dính Yên lại dặn:

– Cậu không nên đem vào trong vườn, nếu để cho người ta trông thấy, thì tôi sẽ bị ăn đòn!

Nhưng Bảo Ngọc khi nào lại chịu nghẻ Cứ tính quanh tính quẩn hai ba lần, rồi chọn những bộ nào lời văn hơi thanh nhã, để ở trên giường, chờ khi vắng người mới đem ra xem; còn những bộ tục quá thì giấu ở buồng sách bên ngoài.

Một hôm, vào trung tuần tháng bạ Cơm sáng xong, Bảo Ngọc đến ngồi trên hòn đá dưới cây đào, cạnh cầu Thấm Phương, giở cuốn Hội Chân ký 3 ra xem. Khi đến chương “Lạc hồng thành trận” 4 chợt cơn gió lướt qua, hoa đào trên cây rụng xuống hàng đấu đầy cả người, cả sách, cả trên mặt đất. Bảo Ngọc muốn rũ đi, nhưng lại sợ chân giẫm phải, đành hứng lấy hoa, đem thả xuống ao. Những cánh hoa ấy cứ lênh đênh nổi trên mặt nước, rồi qua đập Thấm Phương trôi đi.

Bảo Ngọc quay lại, thấy trên mặt đất vẫn còn nhiều cánh hoa. Đương lúc dùng dằng, chợt nghe đằng sau có người hỏi: “Anh ở đây làm gì thế?” Bảo Ngọc quay lại, thấy Đại Ngọc vai vác cái cuốc, đeo cái túi the, tay cầm cái chổi quét hoa. Bảo Ngọc cười nói:

– Tốt lắm. Bây giờ cô hãy đi quét hết những cánh hoa còn lại kia đem thả xuống nước. Tôi vừa thả xuống đấy nhiều lắm.

Đại Ngọc nói:

– Thả xuống nước không được đâu. Anh tưởng nước ở đây sạch à? Khi chảy đến những chỗ gần nhà người ta ở, thì nước chứa đủ hôi thối, vẫn làm hoa dơ bẩn. Ở gò đằng kia tôi đã đào một cái mả để chôn hoa. Nay ta quét hết, bỏ vào cái túi này, đem đến đấy chôn. Hoa lâu ngày hóa ra đất, như thế chẳng sạch hay sao?

Bảo Ngọc nghe vậy mừng lắm, cười:

– Để tôi bỏ sách xuống, cùng đi nhặt với cô.

Đại Ngọc hỏi:

– Sách gì đấy?

Bảo Ngọc vội giấu đi rồi nói:

– Chẳng qua những sách “Đại học, Trung dung” thôi.

– Anh còn giở trò ma quỉ giấu tôi à? Muốn tốt, anh đưa ngay cho tôi xem.

– Cho cô xem, tôi chẳng sợ gì. Nhưng xem xong, cô đừng kể lại cho ai biết. Truyện này văn viết hay lắm, nếu cô xem nó, thì quên cả ăn.

Nói xong đưa sách cho Đại Ngọc.

Đại Ngọc bỏ các đồ nhặt hoa xuống, cầm lấy sách, càng xem càng thích, chừng chưa ăn xong bữa cơm, đã xem hết cả mười sáu hồi. Thấy lời văn rung động, trong miệng nhường có mùi thơm, Đại Ngọc chăm chú đọc xong đứng ngẩn người ra, cố nhẩm cho nhớ.

Bảo Ngọc cười:

– Cô xem có hay không.

Đại Ngọc gật đầu cười:

– Xem thú thật!

Bảo Ngọc cười nói:

– Tôi là người nhiều sầu, nhiều bệnh, cô là trang nghiêng nước nghiêng thành. 5

Đại Ngọc nghe thấy câu ấy, mặt và tai đỏ bừng lên, lập tức dựng ngược lông mày, như cau lại mà không phải là cau, trố hai con mắt, như trợn mà không phải là trợn. Má đào nổi giận, mặt phấn ngậm hờn, trỏ vào mặt Bảo Ngọc:

– Anh nói bậy muốn chết đấy! Dám đem những lời lẳng lơ suồng sã lăng nhăng để khinh nhờn tôi! Tôi về mách cậu mợ đấy.

Nói đến hai chữ “khinh nhờn”, mặt Đại Ngọc đỏ ngầu lên, nguây nguẩy chạy đi ngay.

Bảo Ngọc vội đứng ngăn lại, nói:

– Xin cô hãy tha cho tôi lần này, nếu tôi có bụng khinh nhờn cô, sau này tôi ngã xuống ao, bị giải ăn thịt, hóa ra con rùa. Khi nào cô làm bà nhất phẩm phu nhân, già ốm về chầu Phật, tôi sẽ đến mộ đội bia cho cô suốt đời.

Câu ấy làm cho Đại Ngọc phì cười, dụi mắt nói:

– Hơi một tý đã sợ run lên. Thế mà anh hay nói bậy! Thôi chẳng qua Tốt mã mà đoảng, bề ngoài giáp bạc, cốt trong sáp vàng! 6

Bảo Ngọc nghe vậy, cười nói:

– Cô nói gì đấy? Cô nói chuyện Tây sương đấy à? Tôi cũng đi mách đấy.

Đại Ngọc cười:

– Anh bảo anh liếc mắt qua cũng thuộc, có lẽ tôi không nhìn một cái được mười dòng ư?

Bảo Ngọc vừa cất sách đi, vừa cười nói:

– Thôi, đừng nói đến chuyện ấy nữa, chúng ta đi chôn hoa đi.

Rồi hai người cùng đi nhặt và chôn hoa. Vừa xong thì Tập Nhân chạy đến nói:

– Tôi tìm cậu khắp nơi, chẳng thấy đâu cả. Cậu mò đến đây làm gì thế? Ông Cả ở bên kia khó ở, các cô sang thăm cả rồi, cụ bảo tôi đi tìm cậu sang thăm. Cậu về thay quần áo ngay đi.

Bảo Ngọc liền cầm lấy sách, từ biệt Đại Ngọc, cùng Tập Nhân quay về.

Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc đi rồi, các chị em lại không có ai ở đây, một mình thui thủi về buồng. Vừa đi đến góc tường viện Lê Hương, thì nghe ở trong nhà có tiếng sáo, tiếng hát trầm bổng dịu dàng. Đại Ngọc biết ngay là bọn mười hai con hát nhỏ đương tập diễn tuồng. Đại Ngọc không để ý nghe, nhưng cũng có hai câu lọt vào tai, rõ ràng không sót chữ nào:

Trước sao hồng tía đua chen,

Giờ sao giếng lấp tường nghiêng thế này!

Nghe xong, Đại Ngọc rất là thương cảm, đứng dừng lắng tai nghe, lại thấy hát:

Ngày xuân cảnh đẹp đã qua,

Niềm vui rộn rã ở nhà nào đây?

Đại Ngọc gật đầu khen ngợi, nghĩ bụng: “Thế ra trong vở hát cũng có nhiều câu văn hay, tiếc rằng người đời chỉ biết nghe, chưa chắc đã thưởng thức được những cái hay trong đó”, chợt lại hối không nên nghĩ nhảm, bỏ nhỡ những khúc hát, Đại Ngọc lại lắng tai nghe nữa, thấy hát câu:

Chỉ vì nàng người đẹp như hoa,

Tuổi trôi như nước… 7

Nghe cây này, tâm thần Đại Ngọc choáng váng; sau lại thấy những câu: Thương mình ở chốn thâm khuê… lại càng như say như dại, không đứng vững được, Đại Ngọc ngồi trên hòn đá ngẫm nghĩ ý vị tám chữ: Người đẹp như hoa, tuổi trôi như nước. Chợt nhớ đến cổ nhân có câu: Nước chảy hoa tàn khéo hững hờ, mà trong từ khúc này lại có câu: Nước chảy hoa trôi xuân đã hết, trên đời cõi tục… Vả lại trong Tây Sương ký lại có câu:

Hoa rơi dòng nước đỏ ngòm,

Muôn sầu vơ vẩn héo hon lòng này.

Bao nhiêu ý nghĩ dồn lại, làm Đại Ngọc đắn đo suy nghĩ, bất giác tâm thần ngơ ngẩn, nước mắt tràn quanh. Đương lúc phiền não, chưa tìm được cách khuây khỏa, bỗng có người đập một cái vào sau lưng:

Thật là:

Sớm phấn đêm thêu nào nghĩ đến;

Nhìn trăng hứng gió lại buồn thêm.

1      Mùi thơm của hoa ngát xung quanh người, biết là ban ngày trời ấm.

2      Nguyên văn câu này: Khi người tựa cửa quay về thì hoa tuyết rơi đầy.

3      Tức truyện Tây sương, Nguyên Chẩn đời Đường làm ra.

4      Hoa đỏ rụng thành từng trận.

5      Chữ trong Tây sương ký.

6      Câu này trích trong vở Mẫu đơn đình, Thang Hiển Tổ đời Minh soạn ra.

7      Cũng chữ trong Tây sương ký.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.