A hoàn đẹp, sớm chết oan vì tội phong lưu
Con hát xinh, cắt tình duyên vào am Thủy Nguyệt
Tết Trung thu đã qua, bệnh Phượng Thư đã đỡ hơn trước, có thể ra vào đi lại được, nhưng hàng ngày vẫn phải mời thầy đến xem mạch bốc thuốc, lại cho thuốc viên với thuốc điều kinh dưỡng vinh. Vì vậy phải dùng đến hai lạng nhân sâm tốt nhất, thấy vậy Vương phu nhân cho người đi tìm, mãi mới thấy ở trong cái hộp có mấy chi nhỏ bằng cái trâm cài đầu. Bà ta chê không tốt, sai đi tìm lại, chỉ thấy một gói râu sâm vụn, liền sốt ruột nói:
– Khi không cần thì lại có, đến lúc dùng đến lại không tìm ra. Ngày thường ta vẫn bảo chúng bay sắp cả lại để một chỗ, chúng bay không nghe, bạ đâu bỏ đấy. Chúng bay có biết cái hay của nó đâu. Phải kén bao nhiêu mới mua được, lại bỏ đi hay sao?
Thái Vân nói:
– Chắc hết cả rồi, chỉ còn có thứ này thôi. Lần trước bà Cả bên kia sang lấy, bà cho cả rồi.
– Làm gì có chuyện ấy! Mày tìm kỹ xem.
Thái Vân đành phải đi tìm rồi mang mấy bao đựng các vị thuốc đến, nói:
– Cháu không nhận ra được những thứ này, xin đưa bà xem. Ngoài ra không còn thứ nào nữa.
Vương phu nhân mở ra xem, cũng quên cả vị thuốc không biết là thứ gì, nhưng không có một chi nhân sâm nào, liền sai người đi hỏi Phượng Thự Phượng Thư đến nói:
– Cũng chỉ có một ít cao sâm, còn sâm lô tư tuy có mấy chi, nhưng cũng không được tốt lắm, mà ngày nào cũng phải sắc với thuốc.
Vương phu nhân nghe nói, đành phải bảo sang bên Hình phu nhân, Hình phu nhân nói:
– Lần trước hết sâm phải sang lấy ở bên này, nhưng cũng dùng hết cả rồi.
Vương phu nhân không biết làm thế nào, đành phải sang hỏi xin Giả mẫu. Giả mẫu sai Uyên Ương lấy ra một bọc sâm lớn trước kia dùng thừa đều xấp xỉ bằng đầu ngón tay, liền cân hai lạng cho Vương phu nhân, Vương phu nhân mang ra, giao cho vợ Chu Thụy gọi đứa hầu nhỏ đưa cho thầy thuốc cả mấy gói lẫn lộn để thầy thuốc xem lại, gói riêng và đánh dấu từng thứ một.
Một lúc vợ Chu Thụy mang vào, nói:
– Mấy thứ này đều gói riêng đánh dấu cả rồi. Gói nhân sâm này tuy tốt thật, nhưng vì để lâu quá. Thứ này không như những thứ khác, dù tốt đấy, để quá một trăm năm cũng thành ra gio mất. Hiện giờ tuy chưa thành gio, nhưng đã mục nát, không còn hiệu nghiệm nữa. Xin bà cất đi, bất cứ lớn nhỏ, nhiều ít, đem đổi lấy thứ mới thì hơn.
Vương phu nhân cúi đầu lặng yên, một lúc mới nói:
– Chả có cách gì, đành đi mua hai lạng về đây vậy!
Rồi không nhìn đến nữa, chỉ sai đem cất đi. Bà ta lại bảo vợ Chu Thụy:
– Chị ra bảo những người ngoài kia chọn thứ tốt đổi lấy hai lạng về đây. Cụ có hỏi, cứ nói là sâm của cụ cho, không được nói nhiều.
Bảo Thoa ngồi đấy cười nói:
– Dì hãy thong thả. Bây giờ ở ngoài không có thứ nào tốt cả. Dù có nguyên cả chi, họ cũng cắt ra làm hai ba đoạn, chắp nối sâm tu khác vào, trộn lẫn để dễ bán, nên không ai nhận ra được tốt hay xấu. Ở hiệu nhà cháu thường giao dịch với bọn lái buôn. Cháu về nói với mẹ cháu bảo anh cháu sai người làm công đi nói với họ để lại cho hai lạng sâm nguyên chi, dù có phải trả đắt mấy lạng bạc nhưng lại được thứ tốt.
Vương phu nhân cười nói:
– Cháu cũng thạo đấy, nhưng phải nhờ cháu đi lấy mới biết rõ được.
Bảo Thoa đi một lúc về trình:
– Cháu sai người đi rồi, đến chiều sẽ biết tin. Sáng mai đem trộn với thuốc cũng chưa muộn.
Vương phu nhân lấy làm vui lòng, thở dài:
– “Cô ả bán dầu lại bôi đầu bằng nước lã”. Xưa nay ở nhà vẫn có, đem cho người ta biết bao nhiêu, bây giờ mình cần đến, lại phải đi chuốc nơi khác.
Bảo Thoa cười thưa:
– Cái ấy tuy đắt tiền thực, nhưng cũng là một thứ thuốc, nên giúp đỡ người ta mới phải. Chúng ta không như những nhà ti tiện, hễ có cái gì cứ bo bo cất kỹ.
Vương phu nhân gật đầu nói:
– Cháu nói phải đấy.
Bảo Thoa đi rồi. Vương phu nhân thấy nhà không có ai, liền gọi vợ Chu Thụy, hỏi việc tra xét trong vườn hôm nọ có ra manh mối gì không?
Vợ Chu Thụy đã bàn trước với Phượng Thư, nên không giấu giếm gì, có thế nào nói thế. Bà ta giật mình, nhưng lại khó xử, nghĩ bụng: “Tư Kỳ là a hoàn của Nghênh Xuân, là người ở phủ bên kia, chỉ còn cách sai người sang trình Hình phu nhân xem xử trí ra sao”. Vợ Chu Thụy nói:
– Hôm nọ bà Cả bên đã mắng vợ Vương Thiện Bảo hay bới việc và tát mụ ta mấy cái, giờ mụ ấy giả ốm nằm ở nhà không chịu ra ngoài. Hơn nữa đứa có tội lại là cháu, nên phải vờ ốm ít ngày để xí xóa, rồi ra sao sẽ ra. Nếu bây giờ chúng ta sang nói, họ lại đâm ngờ, cho là chúng ta bới chuyện. Chi bằng dẫn Tư Kỳ cùng tang vật sang cho bà Cả bên ấy xem, chẳng qua đánh nó một trận, gả nó đi, rồi tìm một a hoàn khác đến thay, như thế chả đỡ việc hay sao? Bây giờ cứ sang mách không, chắc bà Cả bên ấy từ chối, bảo rằng đã thế thì bà Hai cứ định liệu lấy, việc gì phải sang nói nữa. Như thế lại sinh nhỡ việc. Nếu Tư Kỳ đâm liều tìm cách tự tử, lại chẳng ra sao cả. Mà có cho người coi nó vài ba hôm, lỡ lười ra một tí là sẽ xảy chuyện.
Vương phu nhân nghĩ một lúc, nói:
– Phải đấy. Làm xong việc này đã, rồi hãy liệu cho bọn yêu tinh nhà này.
Vợ Chu Thụy nghe nói, liền họp mấy người đàn bà lại, trước hết đến buồng Nghênh Xuân trình rõ, Nghênh Xuân nghe nói, rơm rớm nước mắt như có ý không muốn rời Tư Kỳ. Vì việc đêm hôm trước, bọn a hoàn đã kể rõ đầu đuôi, tuy tình thầy trò đã mấy năm không nỡ dứt, nhưng việc quan hệ đến nề nếp gia phong, Nghênh Xuân cũng không làm thế nào được.
Tư Kỳ cũng đến nói với Nghênh Xuân nhờ cứu giúp cho, nhưng vì Nghênh Xuân chậm mồm chậm miệng, tính lại nhu nhược, không thể tự mình quyết định đước. Tư Kỳ thấy thế, biết không tránh khỏi tội, liền quỳ xuống khóc:
– Cô nhẫn tâm quá! Dỗ dành cháu mấy hôm nay, sao bây giờ cô không nói giúp cháu một câu nào?
Vợ Chu Thụy nói:
– Lại định để cô giữ chị Ở lại à? Dù cô có giữ lại, chị cũng chẳng còn mặt mũi nào trông thấy người ở trong vườn này nữa. Thôi cứ nghe lời chúng tôi, xếp cái lối ấy lại, lẳng lặng mà đi, đừng cho ai biết, như thế mọi người còn giữ được chút thể diện.
Nghênh Xuân khóc nói:
– Tôi biết chị làm điều không đúng, nếu xin cho chị, tất nhiên tôi cũng bị mang tiếng lây. Chị xem Nhập Họa ở đây đã mấy năm rồi, khi nói đi là đi ngaỵ Không riêng gì chị, những người đã lớn ở trong vườn này đều phải đi cả. Cứ ý tôi, sau này cũng có lúc chúng ta phải xa cách nhau, chi bằng ngay bây giờ mỗi người mỗi nơi còn hơn.
Vợ Chu Thụy nói:
– Như thế là cô rất hiểu việc. Nay mai còn cho nhiều người về nữa, chị cứ yên tâm.
Tư Kỳ không biết làm thế nào, cứ rơm rớm nước mắt cúi đầu chào Nghênh Xuân, chào tất cả mọi người. Sau đó lại ghé tai nói với Nghênh Xuân:
– Hễ biết tin cháu bị tội, thế nào cô cũng nghĩ đến tình thầy trò bấy lâu, xin hộ cho cháu.
Nghênh Xuân cũng rơm rớm nước mắt trả lời:
– Chị cứ yên tâm.
Vợ Chu Thụy đưa Tư Kỳ ra, và sai hai bà già mang tất cả đồ đạc của nó đi theo. Đi được mấy bước thấy Tú Quất ở đằng sau chạy đến, vừa gạt nước mắt, vừa đưa cho Tư Kỳ một cái bọc bằng lụa, nói:
– Đây là cô cho chị đây. Tình thầy trò bấy nay, giờ xa cách nhau, cô cho chị bọc này để làm vật kỷ niệm.
Tư Kỳ nhận rồi òa lên khóc. Tú Quất cũng khóc. Vợ Chu Thụy sốt ruột, cứ thúc giục mãi, hai người đành phải chia tay.
Tư Kỳ khóc nói:
– Xin các bà thể tất chút tình, thư lại một lúc để tôi đi chào các chị em, gọi tỏ tình mấy năm nay chúng tôi chơi thân với nhau.
Bọn vợ Chu Thụy đều mỗi người mỗi việc, giờ phải đi làm việc này cũng là sự bất đắc dĩ. Hơn nữa họ vẫn ghét Tư Kỳ hay làm bộ, thì bây giờ hơi đâu lại chịu nghe lời, liền cười nhạt:
– Chị nên đi đi, đừng lôi thôi nữa! Chúng tôi còn có việc cần, ở đây có ai là chị em ruột thịt với chị đâu mà phải đi chào họ. Gặp chị, họ chả cười cho ư? Chị cứ nấn ná mãi, chẳng lẽ lại thôi hay sao. Cứ nghe tôi, chị đi ngay đi!
Chị ta dẫn thẳng Tư Kỳ ra cổng sau, Tư Kỳ không làm sao được và cũng không dám kêu nài nữa, đành phải đi theo.
Bảo Ngọc ở ngoài về, trông thấy một bọn dẫn Tư Kỳ đi, có người mang theo nhiều đồ vật. Bảo Ngọc đoán Tư Kỳ đi chuyến này là không trở về được nữa. Nhân nghe chuyện đêm vừa rồi, và cũng từ đêm đó Tình Văn ốm nặng, hỏi Tình Văn cũng không nói. Giờ thấy Tư Kỳ ra đi, Bảo Ngọc như người mất hồn, liền ngăn lại hỏi:
– Đi đâu thế?
Biết tính Bảo Ngọc xưa nay, lại sợ làm lèo nhèo nhỡ việc, vợ Chu Thụy cười nói:
– Không việc gì đến cậu, cậu về mà đọc sách đi.
Bảo Ngọc cười nói:
– Các chị hãy đứng lại một tí, tôi còn có điều này.
Vợ Chu Thụy nói:
– Bà đã dặn không được chậm một giờ. Cậu lại còn có điều gì? Chúng tôi chỉ biết vâng lời bà thôi, ngoài ra không biết gì cả.
Tư Kỳ thấy Bảo Ngọc, liền níu lại, khóc nói:
– Các bà ấy không tự quyết được. Cậu xin với bà Hai cho!
Bảo Ngọc không cầm lòng được, rơm rớm nước mắt nói:
– Tôi không biết chị đã phạm tội gì to tát thế? Chị Tình Văn cũng vì tức mà phát ốm, giờ chị lại phải đi, thế này thì tôi biết làm sao cho được!
Vợ Chu Thụy cáu, mắng Tư Kỳ:
– Chị không còn là tiểu thư thứ hai nữa đâu, nếu không nghe lời, tôi đánh ngay bây giờ. Đừng tưởng như ngày trước có các cô bênh vực, muốn làm trời cũng được. Càng nói càng cứ ỳ ra không chịu đi. Trông thấy ông trẻ lại cố lôi lôi kéo kéo, như thế thì còn ra nghĩa lý gì nữa!
Mấy người đàn bà kia không cho Tư Kỳ phân trần nữa, lôi ngay đi.
Bảo Ngọc sợ bọn họ về đơm chuyện, giận quá chỉ trợn mắt nhìn. Thấy họ đi xa rồi, mới hậm hực chỉ trỏ nói:
– Lạ thực, lạ thực! Sao mấy người đàn bà này, hễ đi lấy chồng, dính phải hơi đàn ông là đâm ra phũ phàng ngay, so với đàn ông càng đáng chém.
Bà già gác cửa vườn nghe thấy, cũng tức cười, hỏi:
– Cứ như cậu thì lúc con gái ai cũng đều tốt, khi lấy chồng rồi lại hóa ra hỏng cả hay sao?
Bảo Ngọc phát cáu nói:
– Đúng đấy, đúng đấy!
Đương nói chuyện thì có mấy bà già đến bảo:
– Các bà phải cẩn thận, hễ gọi đến túc trực lúc nào là phải có đủ mặt. Chốc nữa bà Hai sẽ thân hành vào vườn tra xét đấy. Đi gọi ngay anh và chị dâu cô Tình Văn ở viện Di Hồng đến chực ở đấy để nhận em gái về.
Rồi họ lại cười nói:
– A di đà phật! Hôm nay trời có mắt, tống cổ con yêu tinh tai ác này đi thì mọi người mới được yên thân.
Bảo Ngọc nghe nói Vương phu nhân đến tra xét, đoán ngay là Tình Văn khó lòng ở yên được, liền chạy như bay, nên không nghe rõ những câu hí hửng của bọn bà già này nữa.
Bảo Ngọc về đến viện Di Hồng, đã thấy một bọn người ở đấy rồi. Vương phu nhân ngồi ở trong nhà, mặt đầy vẻ giận, trông thấy Bảo Ngọc cũng chẳng thèm để ý. Tình Văn đã bốn, năm ngày không đụng một tí nước cháo, giờ bị kéo từ trên giường xuống, đầu bù tóc rối, hai người đàn bà xốc đi. Vương phu nhân dặn:
– Vứt giả nó những quần áo lót, còn thì để lại cho bọn a hoàn ngoan ngoãn mặc. Và gọi tất cả a hoàn ở nhà này ra để ta xem qua một lượt.
Sau ngày Vương phu nhân bực bội về cái chuyện túi, vợ Vương Thiện Bảo nhân dịp ton hót về Tình Văn, rồi đến những người không ưa bọn a hoàn trong vườn, liền nhờ bão bẻ măng, nói chọc thêm vào. Hết thảy bà ta đều ghi lại trong lòng, chỉ vì mấy ngày Tết, hãy tạm dẹp lại, đến nay mới thân chinh vào tra xét ở trong vườn. Chuyện Tình Văn mới chỉ là một, điều cần thiết hơn là có người nói Bảo Ngọc đã lớn, đã biết mùi đời, sợ bị bọn a hoàn xấu ở trong nhà làm hư hỏng chăng. Vì vậy bắt đầu từ Tập Nhân cho đến bọn a hoàn nhỏ sao vặt, bà ta đều xem xét từng người một, rồi hỏi:
– Đứa nào cùng đẻ một ngày với Bảo Ngọc?
Không ai dám trả lời. Bà già trỏ tay thưa:
– Đấy là con Huệ Hương, cũng gọi là con Tư cùng đẻ một ngày với cậu Bảo đấy.
Nhìn kỹ Huệ Hương còn kém Tình Văn xa, nhưng cũng có đôi phần quyến rũ, xem cách đi đứng, vẻ thông minh đều lộ cả ra ngoài, cả từ trang sức cũng lộng lẫy hơn đứa khác, Vương phu nhân cười nhạt, nói:
– Của này cũng là hạng vô liêm sỉ! Mày thường nói vụng, đẻ cùng ngày sẽ là vợ chồng phải không? Mày tưởng ta ở xa, không biết đấy à? Mày phải biết ta không năng đến đây, nhưng tai mắt, lòng dạ ta vẫn ở đây luôn. Có nhẽ nào ta chỉ có một thằng Bảo Ngọc mà lại để mặc cho chúng bay tha hồ cám dỗ làm hư nó?
Huệ Hương thấy Vương phu nhân nhắc đến ngày thường nó tỉ tê chuyện trò với Bảo Ngọc, liền đỏ mặt lên, cúi đầu chảy nước mắt. Vương phu nhân bảo:
– Gọi ngày người nhà nó đến đây, đem về mà gả chồng cho nó. Còn con Phương Quan đâu?
Phương Quan đành phải đến. Vương phu nhân nói:
– Con nhà xướng ca này, tất nhiên càng là con tinh khôn đây! Lần trước cho ra, chúng bay không chịu ra, đã thế thì nên biết thân biết phận mới phải, nhưng mày lại đâm ra tinh ma quấy rối, ton hót Bảo Ngọc, việc gì cũng làm!
Phương Quan cười nói phân trần:
– Cháu có dám dỗ dành cậu ấy đâu.
Vương phu nhân cười nói:
– Mày lại còn già mồm à? Ta hỏi mày: năm trước ta đi đưa đám Thái phi, đứa nào xui Bảo Ngọc cho con Năm nhà mụ Liễu vào hầu. May mà nó chết sớm, nếu không chúng bay sẽ kéo cánh nhau làm hỏng cả người trong vườn này. Ngay mẹ nuôi mày còn lấn áp, huống chi người khác!
Liền quát:
– Gọi mẹ nuôi nó đến nhận về! Để bà ấy đem ra ngoài gả chồng cho nó. Đồ đạc của nó, cho nó hết.
Lại dặn:
– Tất cả những con hát chia cho các cô năm trước, không cho một đứa nào ở trong vườn nữa. Bảo mẹ nuôi chúng nó đến nhận về gả chồng cho chúng.
Một lời truyền ra, các mẹ nuôi đều hí hửng cám ơn, cùng rủ nhau đến cúi đầu trước Vương phu nhân xin nhận về.
Vương phu nhân lại lục soát tất cả những đồ vật của Bảo Ngọc. Hễ thấy cái gì ngờ ngợ, cũng đều sai mang về để ở buồng mình. Rồi nói:
– Thế này mới yên chuyện để cho người ta khỏi đồn đại.
Lại dặn bọn Tập Nhân, Xạ Nguyệt:
– Chúng bay phải cẩn thận! Nếu còn xảy ra việc gì, ta nhất định không tha đâu! Ta cho người đi xem hạn thì chưa nên rời đi, hãy để ở tạm hết năm nay; sang năm dọn về chỗ cũ, ta mới yên tâm.
Nói xong bà ta cũng chẳng uống nước, dẫn mọi người đi nơi khác khám xét.
Bảo Ngọc tưởng Vương phu nhân chỉ sang khám xét qua loa, không có việc gì quan trọng, ngờ đâu lại nổi cơn sấm sét đến thế. Những việc Vương phu nhân kể ra, đều là chuyện ngày thường họ nói riêng với nhau không sai một chữ nào, chắc không thể gỡ lại được. Báo Ngọc bực không sao chết được, nhưng đương lúc Vương phu nhân thịnh nộ nên không dám nói nhiều, đành đi theo đến đình Thấm Phương. Vương phu nhân bảo:
– Thôi đi về đọc sách đi! Giờ hồn đấy, ngày mai ta sẽ hỏi mày.
Bảo Ngọc quay về, vừa đi vừa tính: “Không biết đứa nào lại mách lẻo thế? Việc này không ai biết cả, sao mẹ mình lại nói đúng thế?”
Về đến nhà, thấy Tập Nhân đương ngồi sụt sùi nhỏ lệ. Thấy người hầu hạng nhất bị đuổi đi, lẽ nào chẳng đau lòng. Bảo Ngọc cũng nằm vật xuống giường, khóc òa lên. Biết người khác còn có thể bỏ qua, chứ Tình Văn bị đuổi là một việc to tát, Tập Nhân liền khuyên bảo:
– Cậu khóc cũng chẳng ăn thua gì đâu. Hãy ngồi dậy, tôi nói cho mà nghe: Tình Văn giờ đã khỏi bệnh rồi, nếu chị ấy về nhà thì lại được tĩnh dưỡng mấy hôm. Cậu không rời được chị ấy, thì chờ khi bà nguôi giận, cậu lại sang xin với cụ cho gọi nó về, cũng chẳng lấy gì làm khó. Chẳng qua bà ngẫu nhiên nghe thấy người ngoài nói nhảm, nổi giận thế thôi.
– Tôi vẫn không biết chị Tình Văn đã phạm cái tội tày trời gì?
– Bà chỉ nghĩ chị ấy đẹp quá, thế nào cũng có tính lẳng lợ Bà biết rõ những cô đẹp như người trong tranh, chắc không bao giờ đứng đắn, nên có ý ghét. Chứ cục mịch như chúng tôi lại hóa hay.
– Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Những câu chúng ta nói đùa riêng với nhau, không có người ngoài nào lộ chuyện, tại sao bà cũng biết. Thế mới lạ chứ!
– Cậu thì có kiêng nể cái gì, lúc cao hứng lên, cậu cứ nói bừa, không kể gì có người hay không có người. Có lúc tôi đưa mắt, ra hiệu, bị người ta trông thấy, mà cậu vẫn chẳng biết gì cả.
– Tại sao mọi người có lỗi, bà đều biết cả, chỉ không nói đến chị, chị Xạ Nguyệt và chị Thu Văn?
Tập Nhân nghe vậy, chột dạ, cúi đầu một lúc, không biết trả lời ra sao, rồi cười nói:
– Đúng đấy, về phần chúng tôi cũng có lúc nô đùa, không biết giữ ý tứ, sao bà lại quên? Chắc còn có việc khác, để làm xong rồi sẽ xử đến chúng tôi cũng chưa biết chừng.
– Chị có tiếng là người hiền lành nhất, hai chị kia lại được chị rèn cặp, dạy dỗ thì còn có chỗ nào đáng phạt nữa? Chỉ có cô Phương Quan còn bé mà lại sắc sảo quá, chắc cũng có lúc cậy thế chèn người ta, làm cho họ ghét. Con Tư thì cũng tại tôi làm hại nó. Bắt đầu từ cái ngày tôi cãi nhau với chị, rồi gọi nó đến sai vặt. Người ta thấy tôi đối với nó tử tế, lại cho nó là chực tranh giành địa vị, cũng vì thế nên mới xảy ra việc hôm naỵ Chị Tình Văn cũng như các chị đều là người của cụ cho sang đây ở từ khi còn bé, tuy chị ta đẹp hơn người thực, nhưng cũng chẳng cản trở gì. Chỉ có cái là chị ấy tính tình sắc sảo, ăn nói hoạt bát, nhưng cũng không thấy chị ấy có lỗi với một người nào! Đúng như chị nói, chắc là chị ấy đẹp quá, vì cái đẹp mà mang lụy đấy thôi!
Nói xong lại khóc.
Tập Nhân ngẫm nghĩ câu ấy, cho là Bảo Ngọc có ý ngờ mình, nên không tiện khuyên nữa, liền thở dài:
– Chỉ có trời biết thôi! Bây giờ cậu chưa tra ra người nào mách lẻo, cứ khóc mãi cũng vô ích.
Bảo Ngọc cười nhạt:
– Vì tôi nghĩ, chị ấy quen được chiều chuộng từ thuở bé, chưa từng bị hắt hủi bao giờ. Bây giờ khác gì một chậu hoa lan mới nẩy mầm non đã bị quẳng ra chuồng lợn. Người thì đương ốm nặng, trong bụng lại chồng thêm bực tức. Chị ấy không còn bố mẹ thân yêu, chỉ có người anh con cô con cậu là một tên nát rượu, liệu chuyến này có chịu đựng được năm bữa nửa tháng hay không? Liệu mình còn được trông thấy mặt chị ấy nữa không?
Nói xong, Bảo Ngọc càng thấy đau xót, Tập Nhân cười nói:
– Cậu thật đúng như câu: “Quan châu có quyền đốt đuốc, trăm họ không được thắp đèn”. Chúng tôi tình cờ nói nhỏ một câu, cậu đã cho là nói gở, giờ cậu nguyền rủa chị ấy thì được à?
– Không phải tôi phũ miệng rủa người đâu, mùa xuân năm nay đã có triệu chứng rồi đấy.
– Triệu chứng gì?
– Cây hải đường ở dưới thềm đương tươi tốt thế, tự nhiên chết mất một nửa, tôi biết ngay là có điềm gở, quả nhiên ứng ngay vào chị ấy.
– Tôi không muốn nói, nhưng lại không nhịn được. Cậu thực lẩm cẩm như bà già. Câu ấy có đúng là lời nói của người biết chữ như cậu không?
Bảo Ngọc thở dài nói:
– Các chị thì biết gì? Không những là cỏ cây. Tất cả những vật gì có tình có lý ở trên đời cũng như người vậy, gặp được tri kỷ, sẽ rất linh nghiệm. Nếu lấy việc lớn ra làm ví dụ, thì giống như cây cối trước miếu và cỏ thi trước mộ Khổng Tử, cây bách trước đền ông Gia Cát, cây tùng trước mộ Ông Nhạc Vũ Mục. Đó là cái khí đường đường chính chính, nghìn năm không mòn. Đời loạn thì nó héo đi, đời thịnh thì nó tươi lên. Trong một nghìn năm cũng có mấy lần héo đi sống lại. Thế không phải là triệu chứng ư? Nếu lấy việc nhỏ ra làm ví dụ thì giống như cây mộc Thược dược ở đình Trầm Hương; cây tương tư ở lầu Đoan Chính của Dương Qúy Phi; cỏ trường thanh ở trên mộ Vương Chiêu Quân, không lẽ cũng không có linh nghiệm hay sao? Vì thế cây hải đường này cũng ứng vào người đấy.
Nghe một tràng những câu ngớ ngẩn đáng cười lại đáng buồn, Tập Nhân cười nói:
– Cậu càng nói làm cho tôi bực mình! Chị Tình Văn là hạng người gì mà phải tốn công suy nghĩ, dám đem so sánh với những danh nhân thuở xưa! Còn một lẽ nữa, chị ấy có đẹp cũng không thể vượt lên trên tôi được. Tức như cây hải đường cũng phải ứng vào tôi trước, chưa đến lượt chị ấy. Chắc là tôi sắp chết đây.
Bảo Ngọc nghe xong, vội bịt mồm Tập Nhân lại, nói:
– Một người chưa xong, chị lại đã thế. Thôi, đừng nhắc đến việc ấy nữa. Ba người đã phải đi rồi, lại định đi thêm một người nữa sao?
Tập Nhân nghe nói, trong bụng mừng thầm: “Nếu không nói thế thì không bao giờ xong việc”.
Bảo Ngọc lại nói:
– Tôi còn có một việc muốn bàn với chị, không biết chị có bằng lòng không? Hiện giờ chị ấy còn một ít đồ vật, chỉ giấu người trên chứ không giấu người dưới. Ta nên lẻn mang trả cho chị ấy. Ngày thường chúng ta có dành dụm được ít tiền, chị đưa cho chị ấy mấy quan để dưỡng bệnh. Đó cũng là tình chị em của các chị xưa nay ăn ở tử tế với nhau.
Tập Nhân cười nói:
– Cậu cho tôi là hạng người bủn xỉn không có lương tâm hay sao? Việc này còn phải nhờ cậu nhắc à? Tôi vừa mới nhặt quần áo và đồ dùng của chị ấy, để ở kia kìa. Giờ đương ban ngày ban mặt, nhiều người nhòm ngó, sợ lại sinh chuyện. Chờ đến tối, tôi khẽ bảo già Tống mang đi. Tôi dành dụm được mấy quan tiền, cũng đưa cả cho chị ấy.
Bảo Ngọc nghe nói, gật đầu. Tập Nhân cười nói:
– Lâu nay tôi vẫn nổi tiếng là người hiền lành nhất, lẽ nào lúc này tôi lại không biết chuốc lấy một tý ti tiếng tốt ấy.
Bảo Ngọc nghe xong, vội cười nói vỗ về cô tạ Đến tối quả nhiên Tập Nhân sai già Tống mang quần áo và tiền đi. Bảo Ngọc sắp đặt mọi người đâu vào đấy rồi, một mình lẻn ra cửa ngách sau vườn, nhờ một bà già đưa đến nhà Tình Văn. Bà già nhất định không nghe, cứ nói:
– Sợ có người biết, trình với bà, tôi liệu còn sống được chăng?
Bảo Ngọc cố sống cố chết nằn nì, lại cho ít tiền, bà già mới chịu dẫn đi.
Tình Văn trước đây là người của Lại Đại mua về. Cô ta có người anh con ông cậu tên là Ngô Quý, người ta vẫn gọi là Qúy nhị Lúc ấy Tình Văn mới có mười tuổi chưa để tóc, già Lại thường đem đi theo. Giả mẫu thấy Tình Văn vừa đẹp vừa sắc sảo rất mến. Vì thế già Lại dâng cho Giả mẫu. Sau đưa về hầu Bảo Ngọc, Tình Văn còn bé, không nhớ quê quán cha mẹ Ở đâu, chỉ có người anh con ông cậu, chuyên việc nấu nướng và cũng bị lưu lạc nơi đất khách quê người. Tình Văn nói với già Lại, cho người anh vào làm việc nấu bếp. Thấy Tình Văn được đến hầu Giả mẫu, người lại sắc sảo, mồm mép khéo léo, vẫn không quên tình nghĩa trước đây. Già Lại liền cho người anh cô ta vào làm, lại gả một cô hầu cho hắn. Ngờ đâu sau khi lấy nhau, anh chàng chỉ biết hưởng thú vui, quên cả những ngày lưu lạc. Anh ta cứ rượu chè, chẳng nhìn đến vợ con. Cô vợ là người sắc đẹp đa tình, thấy chồng không nhìn đến, không biết gió trăng là gì, chỉ suốt ngày say khướt, nên chị ta thường có những câu than vãn mặt ngọc phôi pha, má hồng quạnh quẽ. Thấy chồng bụng dạ rộng rãi, không chút nghi ky, ghen tưông, chị ta liền giở lối trăng hoa, đĩ thoa, thu phục hầu hết những tay “anh hùng hảo hán” trong phủ Giả. Từ trên chí dưới, có tới quá nửa số người được chị ta thử quạ Vợ chồng này là ai? Tên họ là gì? Đúng là cô “Đa”, vợ chàng “Đa hồ đồ” mà hồi trên Giả Liễn đã từng vời đến. Có họ hàng với hắn, nên Tình Văn về ở chung đấy. Lúc này chàng “Đa hồ đồ” đi vắng, cô “Đa” ăn cơm chiều xong, õng ẹo đi sang hàng xóm tán chuyện, chỉ còn một mình Tình Văn nằm ngủ ở trên chiếc chiếu cói, may hãy còn chăn đệm cũ trải đắp. Bảo Ngọc không biết nên làm thế nào cho phải, chạy đến gần, rơm rớm nước mắt, giơ tay nhè nhẹ kéo Tình Văn, khẽ gọi hai tiếng.
Tình Văn vừa bị cảm gió, lại bị anh chị hắt hủi, đã ốm lại ốm thêm, ho suốt một ngày, mới mơ mơ màng màng chợp mắt. Chợt có người gọi, cô ta cố mở mắt ra, thấy Bảo Ngọc đứng đó. Mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương, Tình Văn nắm chặt lấy tay Bảo Ngọc, nức nở mãi mới nói:
– Tôi tưởng không được gặp cậu nữa.
Rồi lại ho dồn. Bảo Ngọc cũng nức nở khóc. Tình Văn nói:
– A di đà phật! Cậu đến may quá, rót hộ chén nước chè cho tôi uống. Tôi khát khô cả cổ, không gọi được một mống nào.
Bảo Ngọc nghe nói, gạt nước mắt hỏi:
– Nước chè để ở đâu?
– Ở trên lò kia kìa.
Bảo Ngọc đến xem, có cái ấm đen xì, nhưng không phải để pha chè, Bảo Ngọc đành phải lấy một cái bát ở trên bàn, chưa cầm đến tay đã ngửi thấy tanh tanh mùi mỡ. Bảo Ngọc lấy nước rửa hai lần, rồi rút khăn lụa của mình ra lau, nhưng vẫn còn mùi tanh. Không biết làm thế nào, Bảo Ngọc phải cầm ấm lên rót ra nửa bát, nhìn chỉ thấy sắc hoe hoe đỏ, chẳng giống nước chè tí nào.
Tình Văn ôm gối nói:
– Cậu cho tôi uống ngay một ngụm đã! Chính là nước chè đấy. Ví đâu được với nước chè bên nhà!
Bảo Ngọc uống một ngụm trước, chẳng có mùi mẽ gì, chỉ thấy mặn chát, không chịu được, đành phải đưa cho Tình Văn. Tình Văn như được nước móc ngọt vậy, uống hết một hơi.
Bảo Ngọc nghĩ thầm: Trước đây những trà ngon thế nào, chị ấy vẫn còn chê bai. Bây giờ nhìn quang cảnh này, đúng như người xưa nói:
Khi no cá thịt dửng dưng,
Đói lòng ăn cả cơm sung cháo dền.
Nghĩ vậy nước mắt lại tràn ra, liền hỏi:
– Chị có muốn nói gì không? Nhân lúc vắng người, nói cho tôi biết.
Tình Văn nức nở nói:
– Còn có câu gì đáng nói nữa? Chẳng qua sống được giờ nào hay giờ ấy, được ngày nào hay ngày ấy! Chỉ độ dăm ba ngày nữa là tôi chết thôi. Có một điều chưa được thỏa lòng, tôi tuy đẹp hơn người nhưng không bao giờ ngỏ tình thầm kín, tỏ ý riêng tây để cám dỗ cậu, sao người ta cứ đổ chết cho tôi là con yêu tinh! Tôi không chịu nổi. Giờ tôi đã bị mang tiếng hão, vả chăng cũng không được bao lâu nữa, tôi không phải nói câu này để hả giận cuối cùng, nếu biết trước, tôi đã liệu cách từ lâu. Không ngờ lòng ngay dạ thẳng, cứ cho là mọi người ở chung với nhau không phải giữ gìn gì, nào hay bỗng dưng xẩy ra chuyện, mắc oan không được bày tỏ với ai!
Tình Văn nói xong lại khóc. Bảo Ngọc nắm lấy tay Tình Văn, thấy gầy như que củi, cổ tay vẫn còn đeo mấy cái xuyến bạc, liền khóc:
– Chị hãy tháo ra, khi nào khỏi lại đeo.
Bảo Ngọc tháo mấy chiếc xuyến ra, đặt xuống dưới gối cho Tình Văn, lại hỏi:
– Đáng tiếc cho hai móng tay dài tới hai tấc. Dù có khỏi bệnh cũng kém vẻ đẹp.
Tình Văn gạt nước mắt, với lấy con dao cắt đứt hai móng tay tháp bút, sau lại cho tay vào trong chăn, cởi chiếc áo lót bằng lụa hồng cũ cùng với móng tay đưa cho Bảo Ngọc và nói:
– Cậu hãy cầm lấy. Sau này trông thấy vật này cũng như thấy tôi vậy. Cậu cởi ngay áo của cậu ra cho tôi mặc. Tôi dù có nằm trong quan tài thì cũng như ở viện Di Hồng. Lẽ ra không nên như thế, nhưng trót mang tiếng hão, tôi không còn cách nào.
Bảo Ngọc nghe nói vội cởi chiếc áo ngoài ra đổi và giấu những móng tay của Tình Văn vào trong người, Tình Văn lại khóc:
– Khi về, có ai hỏi, cậu đừng nói dối, cứ bảo là của tôi đấy. Tôi đã trót mang tiếng hão, nên phải làm như vậy.
Chợt chị dâu Tình Văn cười hì hì vén màn đi vào nói:
– Giỏi nhỉ! Hai người trò chuyện với nhau, tôi nghe thấy cả rồi! – Chị ta quay lại nói với Bảo Ngọc: – Cậu là chủ nhà, vào buồng đầy tớ làm gì? Thấy tôi xinh đẹp, cậu định đến đây ghẹo tôi hay sao?
Bảo Ngọc nghe nói, sợ quá, vội cười van xin:
– Chị Ơi, xin đừng nói tọ Chị ấy lâu nay hầu hạ tôi, giờ tôi lẻn đến đây thăm chị ấy.
Cô “Đa” liền kéo Bảo Ngọc vào nhà trong, cười nói:
– Cậu không muốn tôi kêu thì cũng dễ thôi, cậu chỉ nghe tôi một điều này.
Nói xong, chị ta ngồi ngay lên trên giường, kéo Bảo Ngọc vào trong lòng, hai đùi cặp chặt lấy. Bảo Ngọc xưa nay chưa thấy thế bao giờ, tim đập thình thịch, người thấy rạo rực, cuống quá, mặt đỏ bừng, vừa thẹn vừa nói:
– Chị Ơi, đừng đùa thế.
Cô “Đa” lẳng lơ con mắt, cười nói:
– Hừ! Ngày thường, nghe nói cậu vẫn quen sống trong trường trăng gió, sao hôm nay lại nhút nhát thế?
Bảo Ngọc càng đỏ mặt, cười nói:
– Chị buông tay ra, có chuyện gì chúng ta sẽ tử tế nói với nhau, để cho bà già bên ngoài nghe thấy thì còn ra làm sao nữa?
Cô “Đa” cười nói:
– Tôi về đây từ lâu, đã bảo bà già ấy đứng chờ ở ngoài vườn rồi. Tôi hàng ngày ao ước biết nhường nào, bây giờ mới được gặp, nhưng đúng như câu: “Nghe tiếng không bằng gặp mặt”. Tôi trông dáng người cậu đẹp thế này, mà lại là cái xác pháo rỗng ruột, chỉ có cái vẻ thôi, coi chừng nhút nhát e lệ hơn người ta nhiều. Đủ biết miệng người ta nói có khi không đáng tin. Như lúc nãy, tôi cứ tưởng chắc chắn hai người ngày thường thế nào cũng thầm vụng với nhau. Khi tôi đứng ở dưới cửa sổ nghe ngóng một lúc lâu trong nhà chỉ có cậu với cô ấy, tôi chắc rằng sẽ nói đến nhiều chuyện thậm thụt với nhau. Nhưng xem ra, thì hai người thật chưa có gì dan díu cả. Thật là ở đời có nhiều sự Oan uổng. Bây giờ tôi rất ăn năn đã ngờ cho cậu. Đã vậy cậu cứ yên tâm, cứ việc đến, tôi không dám to tiếng.
Bảo Ngọc nghe xong mới yên trong dạ, đứng dậy xốc lại áo và van xin:
– Chị Ơi. Bây giờ tôi phải về, mong chị chăm sóc chị Tình Văn mấy ngày.
Bảo Ngọc trở ra nói với Tình Văn. Hai người quyến luyến không nỡ rời taỵ Tình Văn biết Bảo Ngọc khó dứt ra đi được, liền kéo chăn đắp kín đầu. Bảo Ngọc mới ra đi. Định lần đến cửa nhà Phương Quan, ngại vì trời tối quá. Đi được một lúc, sợ có người tìm, lại xảy ra chuyện, Bảo Ngọc đành phải quay về trong vườn. Đến cửa sau, gặp bọn hầu đương ôm chăn đến. Các bà già đương kiểm soát người, chậm tí nữa là họ sẽ đóng cửa.
Bảo Ngọc đi vào trong vườn, may không ai biết, liền về buồng mình, gặp Tập Nhân, nói đổ sang chơi bên Tiết phu nhân, thế là xong chuyện.
Một lúc dọn giường, Tập Nhân đành phải hỏi: “Hôm nay ngủ thế nào đây?” Bảo Ngọc nói:
– Ngủ thế nào cũng được.
Mấy năm nay Tập Nhân thấy Vương phu nhân đối đãi tử tế với mình, lại càng làm ra bộ đứng đắn. Những khi vắng người, hoặc lúc đêm khuya, chị ta không hay đùa cợt với Bảo Ngọc, so với lúc còn hé, có phần thưa nhạt hơn. Tuy không phải làm việc gì to tát, nhưng những việc vá may, việc lặt vặt như thu phát tiền nong, sắp xếp áo dài, đồ vật cho Bảo Ngọc cùng bọn a hoàn nhỏ, cũng rất bận rộn. Vả lại vốn có chứng thổ huyết, nên lâu nay chị ta không ngủ cùng buồng với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc ban đêm hay sợ, khi tỉnh dậy là phải gọi người ngaỵ Vì Tình Văn tỉnh ngủ, nên mỗi khi Bảo Ngọc uống nước hay sai bảo việc gì là gọi đến cô tạ Vì thế Tình Văn ngủ ngay bên giường ngoài của Bảo Ngọc. Giờ Tình Văn đi rồi, Tập Nhân đành phải mang chăn chiếu của mình ra đó ngủ.
Đêm ấy Bảo Ngọc cứ ngồi ngẩn ngơ, Tập Nhân giục mãi mới chịu đi ngủ. Trong khi ngủ, Tập Nhân vẫn thấy Bảo Ngọc trằn trọc trên gối, thở ngắn, than dài, đến canh ba mới thiu thiu yên gấc. Tập Nhân lơ mơ cũng yên dạ ngủ đi. Độ chừng chưa uống hết một chén nước, thấy Bảo Ngọc gọi “Tình Văn”. Tập Nhân hỏi: “Cậu gọi gì?” Bảo Ngọc muốn uống nước. Tập Nhân pha trà mang đến. Bảo Ngọc thở dài: “Lâu nay tôi quen gọi chị ấy, thành ra quên đi. Nay lại là chị.”
Tập Nhân cười nói:
– Khi chị ấy mới đến, cậu cũng thường nằm mê gọi tôi, về sau cậu mới gọi chị ấy. Dù sao chị Tình Văn đi rồi, nhưng hai chữ “Tình Văn” vẫn còn nhớ mãi.
Nói xong hai người lại đi ngủ, Bảo Ngọc vẫn trằn trọc mãi, đến canh năm mới ngủ được. Bỗng thấy Tình Văn ở ngoài đi vào, hình dáng vẫn như ngày thường, đến gần Bảo Ngọc nói: “Cậu và chị em ở lại cho vui vẻ. Từ nay tôi xin từ biệt!” Nói xong quay người đi ngaỵ Bảo Ngọc gọi ầm lên, làm Tập Nhân tỉnh dậy. Tập Nhân cứ tưởng là Bảo Ngọc quen tiếng gọi bừa, nhưng thấy Bảo Ngọc khóc và nói: “Tình Văn chết mất rồi”. Tập Nhân cười nói:
– Cậu nói gì thế? Người ta nghe thấy thì còn ra làm sao nữa?
Bảo Ngọc vẫn không nghe, muốn trời sáng ngay để sai người đi hỏi tin.
Khi trời sáng, có a hoàn nhỏ hầu bên Vương phu nhân đến gọi mở cửa ngách, truyền lời Vương phu nhân: “Gọi cậu Bảo Ngọc dậy ngay, rửa mặt thay quần áo. Vì hôm nay có người mời ông đi thưởng cúc. Hôm nọ Ông thích thơ của cậu, nên muốn cho các cậu đi theo. Lời bà bảo thế, các người phải giục cậu ấy đi ngay, ông ở nhà trên đương chờ các cậu đến ăn miến đấy. Cậu Hoàn đã đến rồi. Đi ngay đi thôi, và cho người đi gọi ngay cậu Lan, cũng nói với cậu ấy như thế”.
Bà già ở trong nhà nghe câu nào vâng câu ấy, vừa cài khuy áo vừa ra mở cửa. Rồi ba, bốn người nữa cũng vừa cài khuy áo, vừa chia nhau đi các nơi.
Tập Nhân nghe tiếng gõ cửa, biết là có việc, liền sai người đi lấy nước, giục Bảo Ngọc dậy rửa mặt gội đầu và tự mình đi lấy quần áo. Tập Nhân nghĩ rằng Bảo Ngọc theo hầu Giả Chính đi chơi, nên không tiện cho mặc quần áo mới lắm, chỉ chọn quần áo hạng vừa thôi.
Bảo Ngọc không biết làm thế nào, đành phải vội vàng đi đến. Quả nhiên Giả Chính đang ngồi ở đó uống nước, rất đỗi vui vẻ. Bảo Ngọc vào hỏi thăm sức khỏe Giả Chính. Giả Hoàn, Giả Lan cùng chạy lại chào Bảo Ngọc. Giả Chính cho Bảo Ngọc ngồi uống nước, rồi bảo Giả Hoàn và Giả Lan:
– Bảo Ngọc học thì kém hai đứa chúng bay, nhưng có tài làm câu đối và làm thợ Hôm nay đi chơi, chắc họ sẽ bảo chúng bay làm thơ, Bảo Ngọc liệu cách giúp đỡ hai đứa.
Xưa nay Vương phu nhân chưa từng nghe thấy Giả Chính nói những lời như thế, thực sự là vui mừng bất ngờ. Chờ cha con họ đi rồi, bà ta muốn sang bên Giả mẫu, thì có người mẹ nuôi của Phương Quan đến trình: “Phương Quan từ hôm nhờ ơn bà cho ra ngoài, nó hình như điên, không ăn uống gì cả. Nó lôi kéo cả Ngẫu Quan và Nhụy Quan, nhất sống nhị chết, chỉ muốn cắt tóc đi tụ Chúng tôi cứ tưởng là bọn trẻ con lúc đầu sống chưa quen, ít ngày rồi sẽ đâu vào đấy. Ngờ đầu chúng nó càng ngày càng làm dữ, đánh mắng cũng không sợ. Chúng tôi không có cách gì, nên đến đây trình bà, hoặc cho chúng nó đi tu hoặc là dạy bảo chúng nó ít bữa rồi đem cho người ta làm con nuôi. Chúng tôi thực là kém phúc”.
Vương phu nhân nói:
– Sao các bà nói nhảm thế! Lẽ nào lại tùy ý chúng nó được. Cửa Phật có dễ dàng vào được đâu? Cứ đánh mỗi đứa một trận xem chúng nó có dám hỗn nữa hay không.
Bấy giờ đang chầu rằm tháng tám, các miếu đều làm lễ, nên các sư cô mang đồ cúng đến biếu. Sư Trí Thông ở Am Thủy Nguyệt và sư Viên Tâm ở am Địa Tạng còn ở lại chưa về. Nghe thấy tin này, họ muốn dỗ dành hai đứa con gái về để sai bảo, liền thưa với Vương phu nhân:
– Phủ ta vốn là nhà từ thiện. Bà lại rủ lòng nhân từ, nên các cô bé mới được như vậy. Tuy nói là “Cửa Phật khó tới” nhưng cũng nên biết là “Phật pháp bình đẳng”. Đức Phật chúng ta chỉ muốn siêu độ cho tất cả chúng sinh, cả từ con gà con chó. Khốn nỗi người ta thường hay u mê không tỉnh. Ai có thiện căn biết tỉnh ngộ, sẽ được thoát kiếp luân hồi, cho nên trong kinh Phật, giống hùm beo rắn rết đắc đạo cũng không phải là ít. Giờ ba cô này không có bố mẹ, lại xa quê hương, đã trải qua nơi phú quý, nhưng vì chịu khổ sở từ lúc bé, không may rơi vào nơi phong trần, chưa biết cuộc đời sau này sẽ ra sao? Nên họ muốn “thoát nơi bể khổ” nhất định xuất gia đi tu, cũng là điều biết nghĩ xa đấy. Bà không nên ngăn cản lòng tốt của họ.
Vương phu nhân vốn là người từ thiện, lúc đầu nghe các bà già nói, cho là bọn Phương Quan hãy còn bé, có điều gì chưa hài lòng, nếu đi tu sợ không chịu nổi cảnh thiền tịch mịch, lại đâm mang tội. Giờ nghe thấy hai mẹ mìn này nói cũng hợp tình hợp lý, vả lại, gần đây trong nhà xảy ra nhiều chuyện, Hình phu nhân lại sai người đến nói, ngày mai đón Nghênh Xuân về ở nhà mấy ngày để cho người ta đến xem mặt. Lại còn có bà mối đến nói việc Thám Xuân. Mọi việc đều chồng chất trong lòng, thì còn để ý gì đến chuyện nhỏ mọn này nữa. Bà ta liền cười trả lời:
– Hai sư cô đã nói như vậy, thì cứ cho mang chúng về làm đồ đệ có được không?
Hai cô niệm phật rồi nói:
– Phúc đức quá! Phúc đức quá! Nếu được thế thì âm công của người rất lớn.
Nói xong họ cúi đầu tạ Ơn.
Vương phu nhân nói:
– Đã thế thì các cô đến hỏi chúng xem. Nếu quả thực bụng đi tu, thì chúng phải đến trước mặt ta lạy các cô làm sư phụ.
Ba người mẹ nuôi nghe xong, ra dẫn ba đứa kia vào. Vương phu nhân hỏi đi hỏi lại, ba đứa này đều đã quyết tâm, liền cúi lạy sư cô, lại lạy tạ Vương phu nhân. Vương phu nhân thấy chúng quyết tâm như thế, biết là không thể ép được, đâm ra thương xót, liền sai người đi lấy một ít đồ vật thưởng cho chúng và đưa hai sư cô ít lễ vật. Từ đấy Phương Quan theo Trí Thông về am Thủy Nguyệt, Nhụy Quan và Ngẫu Quan theo Viên Tâm về am Địa Tạng.