Quý Bố và Long Thư đốc quân đuổi theo Hán vương hơn ba ngày, quân sĩ đều đã mỏi mệt mà vẫn không bắt được. Hai tướng bèn đóng quân nơi Trịnh thôn, rồi sai người dò la tin tức.
Bỗng có quân báo:
– Hán vương đã vào Thành Cao, hai đạo cứu binh của Anh Bố và Bành Việt đã tới yểm hộ.
Quý Bố bàn với Long Thư:
– Hán vương đã chạy thoát, chúng ta nên trở về Bành Thành báo lại, tùy ý Bá vương định liệu.
Long Thư khen phải. Hai người dẫn quân về ra mắt Hạng vương thuật lại mọi điều.
Hạng vương nói:
– Bành Thành hiện giờ không có người giữ, mà đánh Thành Cao cũng không thể phá vỡ ngay được. Chi bằng ta hãy lấy Huỳnh Dương đi đã rồi kéo về Bành Thành chỉnh đốn binh mã, phá Thành Cao bắt Lưu Bang cũng chưa muộn.
Nói xong, Hạng vương truyền lệnh quân sĩ đánh Huỳnh Dương, hạn trong năm ngày phải phá vỡ.
Ba quân vâng lệnh, công phá bốn mặt thành, chiêng trống ầm ĩ, pháo nổ vang trời.
Trong thành, Chu Hà và Trung Thu cố sức chống giữ. Vì vậy quân Sở vây đã năm ngày mà không phá nổi cửa thành.
Giữa lúc đó có một người gia nhân của Ngụy Bá đến nói với Trung Thu và Chu Hà:
– Hán vương bỏ thành lánh nạn, tức đã xem Huỳnh Dương là chỗ bỏ đi rồi. Bây giờ hai ngươi cố thủ cũng chẳng ích chi. Nếu thành vỡ, hai người không khỏi chết.
Trung Thu và Chu Hà nổi giận mắng:
– Ngươi là đứa tiểu nhân, biết gì mà dám bàn đến việc nước! Chúa thượng lúc đi đem thành Huỳnh Dương giao lại cho hai ta, đó là Chúa thượng tin ở hai ta có thể giữ thành được. Nếu đem thành hàng địch còn chi là danh tiếng.
Mầy đã có ý bất trung như vậy thì để làm gì.
Liền bắt người đó chém đầu bêu ở mặt thành và truyền lệnh rằng:
– Người nhà Ngụy Báo toan làm nội ứng cho quân Sở nên bị tôi chém. Các ngươi phải hết lòng giữ thành chớ nản chí.
Quân sĩ đều nói:.
– Xin hai ngài cố lòng chống giữ, chúng tôi quyết không sợ chết.
Bên ngoài Hạng vương thấy thấy quân Hán cố chí giữ thành, lại càng tức giận, truyền các tướng phải đốc quân phá thành ráo riết.
Quá mười ngày thành vẫn chưa phá được.
Hạng vương liền đòi Hạng Bá, Chung Ly Muội đến hỏi:
– Thành Huỳnh Dương đánh mãi không được, các ngươi có mưu kế gì chăng?
Hạng Bá nói:
– Phép đánh thành cần nhất ở lòng quân. Nếu quân quyết tử thì thành phải vỡ. Ðại vương đốc quân đoạt các vọng canh đốt lửa làm cho trong thành rối loạn tất quân địch không còn giử được nữa.
Hạng vương theo lời đốc xuất ba quan bắc thang trèo lên thành.
Trên thành gạch đá lăn xuống tới tập, quân Sở muốn lui, Hạng vương giận lắm, bắt các tướng ai nấy phải cầm gươm nơi tay hễ tên quân nào lùi bước, lập tức chém phăng.
Quân Sở ở trong thế cùng, tiến cũng chết, lùi cũng chết, nên ùa nhau trèo lên thang. Lớp trước chết, lớp sau thay vào.
Trong thành không còn giữ nổi, hàng ngũ lộn xộn, Quý Bố và Chung Ly Muội thừa thế phá vỡ góc thành Ðông, dẫn quân tiến vào như nước lũ.
Trung Thu bị quân Sở bắt sống. Chu Hà chống không lại bỏ chạy ra cửa thành Tây.
Long Thư phi ngựa đuổi theo đến một nơi rừng rậm, Chu Hà dừng ngựa quay lại đánh.
Long Thư gọi:
– Chu Hà! Hán vương đã bỏ trốn, thành Huỳnh Dương đã bị vỡ nhà ngươi chống cự với ta mà ích gì?
Chu Hà đáp:
– Làm con chết vì hiếu, làm tôi chết vì trung. Thành bị vỡ, ta đã xấu hổ lắm rồi, còn cúi đầu hàng giặc thì mặt mũi nào sống trong trời đất.
Nói xong, vung giáo chém Long Thư. Hai bên đánh nhau dữ dội. Quân Sở kéo đến vây Chu Hà vào giữa.
Chu Hà đuối sức bị Long Thư bắt sống đem về nạp cho Hạng vưong.
Ðồng thời, Chung Ly Muội cũng dẫn Trung Thu đến.
Hạng vương khuyên hai tướng đầu hàng. Nhưng hai tướng không nghe, chửi mắng ầm ĩ.
Hạng vương nổi giận truyền đem chém.
Sau khi đã kéo đại binh vào Huỳnh Dương, Hạng vương vẫn chưa nguôi giận, muốn giết tất cả dân chúng trong thành.
Hạng Bá can:
– Việc đó không nên làm! Cái mà Ðại vương đang tranh giành là dân là đất lại đốt phá, hủy hoại, thì còn có ai phục mình. Vả lại đối thủ của Ðại vương là Lưu Bang chứ đâu phải dân chúng? Bây giờ Ðại vương phải tìm cách vỗ về thăm hỏi khiến cho họ được an lòng. Sau đó kéo quân sang Cao Thành, chẹn hẳn đường về của Lưu Bang thì Lưu Bang phải hàng. Lúc đó, sai quân đi cứu nước Tề để làm vây cánh cho mình tranh hùng trong thiên hạ
Hạng vương nghe lời đóng quân nơi Huỳnh Thành hai ngày rồi kiểm điểm binh mã đi đánh Thành Cao.
Nhắc lại Hán vương bỏ Huỳnh Thành chạy đến Thành Cao chưa được bao lâu đã có tin Hạng vương cử binh đến đánh.
Hán vương đòi Trương Lương và Trần Bình đến hỏi:
– Hàn Tín, Trương Nhĩ đóng ở đất Triệu đã lâu, nghe ta bị nguy khốn nơi Huỳnh Dương cũng không đem quân về cứu. Vừa rồi ta có sai người đi lấy binh mã của Anh Bố, Bành Việt nhưng cũng không thấy về. Nay có tin Huỳnh Dương bị vỡ, Trung Thu và Chu Hà đều chết, Hạng vương lại cử đại binh đến đây biết làm thế nào?
Trương Lương đáp.
– Người đi lấy quân Anh Bố và Bành Việt đã gần một tháng nay, tất nay mai về đến. Bây giờ Ðại vương nên sai người giả cách đem quân đánh Bành Thành để làm thanh thế. Hạng vương hay tin Bành Thành bị đánh chắc không dám ở đây lâu ấy là kế giải cứu cho Thành Cao đó.
Hán vương liền sai Vương Lăng trở về Bái huyện thăm mộ phần của lão mẫu để được an lòng. Ðồng thời cấp cho Vương Lăng năm nghìn tinh binh, theo đường tắt kéo đến Bành Thành.
Vương Lăng lãnh quân đi được vài ngày, quân Sở kéo đến Thành Cao, hạ trại cách hai mươi dặm, rồi phân phối bốn mặt thành đánh phá một lượt.
Hán vương vì đã hay tin trước nên phòng bị, chế ra một số chiến xa, theo thể thức của Hàn Tín, dựng lên bốn mặt thành rất kiên cố.
Hạng vương thấy vậy không dám hỗn chiến, chỉ sai quân giương cờ, nổi trống để thị uy mà thôi.
Qua ba ngày đánh phá, Hạng vương chưa thu được một thắng lợi nào, thì bỗng có tin Vương Lăng dẫn quân đánh Bành Thành rất gấp.
Hạng vương còn đang suy tính thì lại có tin báo:
– Bành Việt đã kéo quân đến chặn mất đường vận lương của Sở. Hiện mười bảy phủ, huyện ở Ngoại Hoàng đều hàng phục Bành Việt cả rồi
Hạng vương thất kinh, toan tập hợp các tướng để nghị kế, thì lại có quân báo nữa:
– Anh Bố đã kéo quân qua Nam Hán, còn cách Thành Cao không xa mấy.
Trong một lúc tiếp luôn ba tin quan trọng như vậy làm cho Hạng vương bối rối, liền gọi Hạng Bá và Chung Ly Muội đến nói:
– Thành Cao chưa thể lấy được, Bành Thành đang bị bao vây, quân Anh Bố lại kéo đến, biết làm thế nào?
Hạng Bá nói:
– Tình thế này không thể đánh Thành Cao được nữa. Ðêm nay nên lui ra Ngoại Hoàng đuổi Bành Việt cướp lại đường vận lương, rồi chia quân ra hai ngả. Một mặt chống với Anh Bố, một mặt về cứu Bành Thành. Ðó là cái kế cứu nguy, xin Ðại vương xét lại.
Hạng vương theo lời, liền truyền lệnh ngay đêm đó nhổ trại giải binh và gọi Tào Cửu đến dặn:
– Sau khi ta lui rồi, Hán vương tất sợ ta lại đến, nên có thể bỏ Thành Cao mà ra. Ta giao cho ngươi một vạn quân, phục sẵn ngoài thành, thừa lúc Hán vương ra rồi kéo vào cướp thành. Nếu Hán vương có trở lại thì cứ đóng cửa thành cố thủ, chờ ta đem đại binh đến sẽ làm thế nội ứng ngoại hiệp.
Tào Cửu vâng lệnh, lãnh quân sang phía Tây Thành Cao mai phục.
Ðêm đó quân Sở rút đi hết. Hán vương hay tin liền đòi Trương Lương, Trần Bình vào hỏi:
– Quân Sở đột nhiên rút đi, là cớ gì vậy?
Trương Lương nói:
– Ðó là vì việc Vương Lăng đánh Bành Thành, Anh Bố qua Nam Hán, Bành Việt chiếm Ngoại Hoàng, Hạng vương phải đối phó các mặt đó. Bây giờ Ðại vương nên bỏ Thành Cao sang Triệu họp với Hàn Tín cùng về đánh lấy Huỳnh Dương, luyện tập binh mã chờ ngày đánh Sở.
Hán vương khen phải. Trương Lương nói tiếp:
– Nếu Ðại vương đã quyết định bỏ thành thì nên đi ngay, nếu chậm trễ e phục binh Sở đón đánh thì nguy.
Hán vương liền sai Chu Bột, Sài Vũ lãnh năm ngàn quân đón ở mặt Tây Thành Cao, rồi mới dần dần cho quân xuất phát.
Tào Cửu được tin quân Hán bỏ thành, toan đốc quân truy nã. Bỗng có thám tử về báo:
– Hiện có Chu Bột, Sài Vũ đóng quân ở phía Tây thành.
Tào Cửu không dám đuổi theo, kéo quân vào thành phủ dụ trăm họ, rồi kiên thủ thành trì.
Giữa lúc đó, Hán vương đem đại binh đến đánh thành Triệu, đóng quân hạ trại.
Riêng Hán vương tự mình dẫn mấy kỵ binh thẳng đến dinh Hàn Tín.
Bây giờ trời mới mờ mờ sáng, Hàn Tín, Trương Nhĩ vì đêm uống rượu say quá, ngủ chưa dậy, Hán vương rảo bước vòng trong dinh một lúc, rồi thẳng đến giường nằm của Hàn Tín. Chợt thấy nơi đầu giường có cái yên đỏ, trên yên để chiếc ấn soái.
Hán vương đưa tay nhặt chiếc ấn thì Hàn Tín cũng vừa chợt giấc thức dậy.
Nhìn thấy Hán vương, Hàn Tín thất kinh, vội đứng dậy tạ tội:
– Tôi không biết Ðại vương vào dinh, không kịp nghênh tiếp, thật đáng tội.
Hán vương nói:
– Bao nhiêu con ngựa vào dinh, đi rảo một vòng, thẳng đến trung quân, Nguyên soái vẫn chưa dậy, chiếc ấn soái bị mất mà Nguyên soái vẫn không hay. Nếu có thích khách giả dạng vào đây thì họ lấy đầu Nguyên soái không khó?
Hàn Tín thẹn đỏ mặt, không nói được nửa lời. Một lúc sau, Trương Nhĩ cũng vào khấu đầu xin lỗi.
Hán vương nói:
– Ngươi làm Phó tướng, phải hợp sức giúp việc quân, ngày đêm canh phòng cẩn mật. Nay ngươi để cho người ngoài tự do vào trong dinh mà không hay biết gì thì thật thậm tệ. Theo quân pháp, Hàn Tín phải bị cách chức đuổi đi, còn ngươi thì phải bị chém đầu răn chúng. Tuy nhiên, nghĩ các ngươi đã lập được nhiều công khó, vả lại, trong thiên hạ đương cần nhân tài, vậy ta tha cho. Nếu sau này còn sơ xuất, không tránh khỏi tội.
Nói xong, Hán vương cầm chiếc ấn soái về cung.
Hàn Tín và Trương Nhĩ cũng lên ngựa theo sau.
Hán vương liền thiết triều, phán giữa bá quan văn võ:
– Hàn Tín và Trương Nhĩ điều binh không phép tắc. Ta cỡi ngựa vào dinh thu mất ấn soái mà vẫn không hay. Nếu có quân giặc thừa cơ lẻn vào thì làm thế nào? Bây giờ ta muốn đổi hai người ấy lập kẻ khác làm tướng.
Trương Lương ghé vào tai Hán vương tâu:
– Việc đó không nên! Các tướng trong nước Hán không ai tài bằng Hàn Tín. Ðây chỉ là một lỗi nhỏ, chẳng lẽ vì lỗi nhỏ ấy mà bỏ tài lớn! Xưa nước Vệ có một viên tướng tên Tuân Nhiếp lấy của dân hai quả trứng. Vua Vệ muốn bỏ không dùng. Từ Tư can rằng: “Thánh nhân dùng người ví như thợ khéo dùng gỗ, phải bỏ chỗ xấu mà lấy chỗ tốt. Cho nên, cây kỷ, cây tử lớn hàng một ôm, dẫu có chỗ mục vài tấc thợ giỏi cũng không chịu bỏ”. Nay Chúa thượng đang ở trong thời chinh chiến, lẽ nào vì cái lỗi nhỏ kia mà bỏ mất một tướng tài.
Hán vương liền đòi Hàn Tín và Trương Nhĩ vào hỏi:
– Ta bị vây ở Huỳnh Dương, bị khốn nơi Thành Cao, thế mà các ngươi điềm nhiên tọa thị, rượu chè túy lúy không nghĩ đến việc nước, không hiểu đến nguy cơ là ý làm sao?
Hàn Tín tâu:
– Yên, Tề là chỗ biến trá, nay thế này, mai thế khác, nếu đại binh kéo đi sợ chúng nổi loạn. Vả lại, gần đây tôi mới được tin Ðại vương bị khốn nơi Huỳnh Dương nhưng chưa rõ hư thực ra sao?
Hán vương lại hỏi:
– Nước Triệu đã đánh vỡ rồi, mà nước Tề mãi không hạ được là vì lẽ gì?
Hàn Tín tâu:
– Quân dùng nhiều thì mỏi mệt, tướng đóng lâu thì trể nải. Tôi đem mấy vạn quân phá Triệu, thu Yên vừa xong, thiết nghĩ cũng nên cho quân sĩ nghỉ ngơi để bồi dưỡng thực lực. Gần đây, tôi đã tính việc đánh Tề, chẳng ngờ Ðại vương lại đến. Vậy xin Ðại vương đợi vài ngày tôi sẽ kéo binh sang dẹp Tề. Còn Ðại vương nên đóng quân ở Tu Vũ và lấy lại Thành Cao. Sau khi tôi định được nước Tề xong sẽ họp binh đánh Sở.
Hán vương nhận lời, giao trả ấn soái cho Hàn Tín, phong Trương Nhĩ làm Triệu vương đóng đồn giữ đất Triệu. Còn mình thì dời binh sang đóng ở Tu Vũ.
Một hôm, Lịch Sinh đến yết kiến Hán vương, nói:
– Ngày xưa, vua Thanh đánh vua Kiệt, vua Vũ đánh vua Trụ đều phong cho con cháu những nước bị đánh làm vua. Ðến lúc nhà Tần thâu phục chư hầu mới hủy diệt xã tắc của họ. Nay nếu Ðại vương noi gương Thang, Vũ, lập con cháu “sáu nước bị mất” lên làm vua, thì đức và vương của Ðại vương sẽ rải khắp thiên hạ. Tôi chắc Hạng vương cũng sẽ khép vạt áo về chầu Ðại vương.
Hán vương thích lắm sai thợ khắc ấn sáu nước và sai Lịch Sinh đem ấn đi tìm con cái, dòng dõi chư hầu mà phong.
Nhưng, Lịch Sinh chưa đi, Trương Lương đã đến chầu.
Bấy giờ Hán vương đang ăn, thấy Trương Lương, vội đem việc đó kể lại.
Trương Lương thất kinh, nói:
– Ai bày cho Ðại vương cái mưu kỳ dị đó? Vua Thang, vua Vũ phong cho con cháu Kiệt, Trụ là vì vua Thang vua Vũ đủ sức làm chủ sự sống chết của họ. Còn Ðại vương có thể làm chủ được Hạng vương chăng? Vả lại các du sĩ trong thiên hạ theo Ðại vương là cốt muốn được hưởng mỗi người vài mảnh đất nào đó. Nếu Ðại vương lại lập con cháu chư hầu thì ai còn theo giúp Ðại vương nữa. Hễ dùng mưu đó, cơ nghiệp của Ðại vương tất tiêu tan.
Hán vương nghe nói, nhả miếng cơm trong miệng ra, mắng Lịch Sinh:
– Nếu Tiên sinh không đến kịp, ta đã nghe lời rồ dại kia làm hỏng việc lớn rồi.
Liền truyền lệnh hủy bỏ ấn sáu nước đi.
Lịch Sinh bị mắng, xấu hổ lui ra.
Cách vài ngày sau, Trương Lương tìm đến nói với Lịch Sinh:
– Câu chuyện bữa trước, tôi thực tình vì nước, chứ không có ý riêng. Tôi cũng không ngờ đó là ý của Tiên sinh, về sau biết được, lòng tôi áy náy. Vả lại, bàn việc phải xét kỹ mọi liên hệ thực tế mới khỏi lầm lẫn. Nhà Hán tuy đã lấy được nửa đất của Sở, nhưng Hạng vương thế lực vẫn còn mạnh lắm. Nếu ta phong cho sáu nước chư hầu, chẳng khác nào ta tự chi phối lấy lực lượng của ta để trao về tay địch. Tiên sinh chỉ thấy cái chỗ Hán với Thang, Vũ giống nhau, mà không thấy cái chỗ Hán với Thang, Vũ khác nhau.
Lịch Sinh cung kính đáp:
– Tôi sơ ý, xin vâng lời dạy của Tiên sinh.
Cách đó vài hôm, Lịch Sinh lại hỏi Trương Lương:
– Sở đã chiếm được Huỳnh Dương mà lại bỏ kho Ngao Sương không lấy. Tôi muốn tâu với Chúa thương quay về lấy Huỳnh Dương có nên chăng?
Trương Lương nói:
– Ý kiến ấy rất hay. Tiên sinh mau đến bàn với Chúa thượng.
Lịch Sinh liền cùng với Trương Lương ra mắt Hán vương và nói:
– Vua lấy dân làm gốc, dân lấy “cái ăn” làm đầu.
Kho Ngao sương ở Huỳnh Dương thiên hạ vẫn chở vào tích trữ đã lâu, nghe rằng trong đó còn rất nhiều quân nhu. Nay Sở chiếm Huỳnh Dương mà không cố giữ kho Ngao sương, lại vội kéo quân sang Ðông, đó là trời muốn đem kho Ngao sương giúp cho nhà Hán ta vậy. Xin Ðại vương cướp lấy Ngao sương rồi chọn chỗ hiểm ở Thành Cao cấp đường Thám Hàng, đóng cửa Phi Hồ, giữ bến Bạch Mai, chiếm cái thế “binh thắng” của chư hầu thì thế chiến sẽ nghiêng hẳn về ta.
Hán vương quay lại hỏi Trương Lương:
– Lời bàn ấy thế nào?
Trương Lương tâu:
– Ðó là kế rất hay.
Hán vương liền ra lệnh kéo binh đến lấy Huỳnh Dương.