Hạng vương kéo binh về đến Quảng Võ, cùng với Hạng Bá, Chung Ly Muội và các tướng bàn bạc.
Hạng vương nói:
– Hiện nay quân Hán đang họp cả chư hầu, chỉnh đốn quân mã định cùng ta quyết chiến song quân ta đang thiếu lương thực, biết liệu làm sao?
Hạng Bá nói:
– Thái công hiện đang bị giam giữ ở đây, ta bắt Thái công viết một bức thư bảo Hán phải lui quân. Hễ quân Hán chịu lui thì ta thả Thái công về Thành Cao, bằng không, ta giết Thái công đi để cho Lưu Bang trở thành một kẻ tội nhân muôn thuở. Nếu Ðại vương làm theo kế ấy thì sức mạnh bằng mấy vạn hùng binh.
Hạng vương theo lời Hạng Bá sai người về Bành Thành, bắt Thái công giải đến.
Chẳng bao lâu, Thái công bị dẫn đến Quảng Võ, đưa vào yết kiến Hang vương.
Hạng vương nói:
– Con ngươi là Lưu bang, ngày ngày cùng ta tranh chiến, không đoái tưởng gì đến ngươi cả. Rõ hắn là một đứa con bất hiếu. Nay ta gọi ngươi đến đây định sai viết một bức thư khuyên Lưu Bang hưu chiến. Ðược vậy, ta sẽ tha ngươi và Lã hậu trở về Thành Cao, để cha con, chồng vợ được xum họp. Ngươi nghĩ thế nào?
Thái công nói:
– Lưu Bang thuở nhỏ vẫn là kẻ tham tài hiếu sắc, không nghĩ gì đến cha mẹ, chỉ lấy phú quý làm trọng. E rằng tôi viết thư gửi cho con tôi cũng chẳng ích gì!
Hạng vương nói:
– Thì ngươi cứ viết thư thử xem nếu Lưu Bang có lòng gì khác ta sẽ liệu.
Thái công liền viết mật thư trình lên Hạng vương.
Hạng vương xem thư xong nói:
– Lưu Bang xem thư này mà không lui binh thì thật là loài lang thú.
Liền sai Trung Ðại phu là Tống Tử Liên mang thư đến Thành Cao.
Tử Liên đến báo tin cho Hán vương biết.
Hán vương liền đòi Trương Lương và Trần Bình đến thương nghị.
Hán vương nói:
– Sở vương sai Trung Ðại phu Tống Tử Liên đem thư Thái công đến đây là ý thế nào?
Trương Lương nói:
– Ðây chắc là kế của Sở vương muốn cho ta lui binh, nên buộc Thái công viết thư. Vậy Ðại vương thấy thế không nên buồn rầu khóc lóc, chỉ nên trả lời một cách mạnh dạn thì mới cứu được Thái công khỏi nạn.
Hán vương theo lời đòi Tử Liên vào bệ kiến.
Tử Liên trình bức thư của Thái công lên, Hán vương bóc ra xem.
Trong thư viết:
“ Thái công thống thiết ngỏ cùng Hán vương Lưu Bang.
Ta từng nghe vua Thuấn là bạc đại hiếu, dẫu tranh thiên hạ, nhưng không bỏ đạo trời. Nay, ngươi chỉ lấy phú quý làm trọng, coi ta như kẻ qua đường. Từ khi bị bắt ở Thư Thủy đến nay đã ba năm mà ngươi chẳng một lần nhắc đến. Ta nhờ Sở vương rủ đức nếu sinh không nỡ giết, giam giữ nơi công sở ngày ngày cấp dưỡng, nên mới tồn sanh.
Vương hậu Lã Thị nhớ mong Thái tử, nước mắt không lúc nào vơi. Vậy mà ngươi cứ việc tung hoành trong thiên ha, ruột gan như gan đá, không biết gì đến gia đình, thật là đứa bất hiếu, bất nghĩa.
Hiện Sở vương đã đem ta đến Quảng Võ, mấy lần định giết, treo đầu ở Thành Cao, để gương cái tiếng bất hiếu của ngươi trong thiên hạ. Nhưng ta van xin mãi, Sở vương không nở, nên chưa phải chết. Nay ta viết thơ này cho ngươi nên nghĩ thân mình do đâu mà có, muôn vật trong thế gian có gì đáng trọng. Hãy bãi binh, đón ta về nước, khiến cho cha con, chồng vợ đoàn tụ. Còn nếu ngươi cứ động binh chống cự, mạng ta e chẳng còn.
Ngươi dẫu có lấy được thiên hạ, mà bỏ cha, bỏ mẹ, muôn đời thóa mạ thì đó cũng không phải là vinh. Ngươi nên tự tính. “
Hán vương bấy giờ mới uống rượu xong, đôi mắt lờ mờ, hơi men chưa tỉnh đọc xong bức thư mà không để ý gì cả, nói với Tử Liên:
– Ta cùng Hạng vương năm xưa cùng thờ vua Hoài vương, kết làm anh em,. vậy cha ta cũng tức là cha của Hạng vương. Cha ta ở Sở cũng như ở Hán, ta chàng phải bận lòng gì cả. Nếu Hạng vương giết cha ta, thiên hạ không chỉ nguyền rủa ta, mà nguyền rủa cả Hạng vương nữa. Ngày trước, Hạng vương ngầm xui Quý Bố giết vua Nghĩa Ðế, khiến thiên hạ căm hờn đến nay chưa quên. Nếu lại giết cha ta nữa chẳng sợ thiên hạ thán oán sao?
Ngươi về nói hộ với cha ta cứ yên tâm ở Sở, coi như là đang ở trong dinh Hán vậy.
Hán vương chỉ nói bấy nhiêu lời không đề cập gì đến chuyện bãi binh cả.
Ðoạn, sai hai người con gái mời Tống Tử Liên nghỉ ngơi sau trướng.
Tống Tử Liên muốn về, nhưng chưa nhận được phúc thư còn ráng ở lại.
Sau đó Trương Lương và Trần Bình tiếp đón, đãi rượu Tử Liên, giục Tử Liên về Sở.
Tử Liên không biết phải làm thế nào nên đành quay gót về Quảng Võ thuật lại mọi việc cho Hạng vương nghe.
Hạng vương trầm mặc nghĩ ngợi.
Hạng Bá bước ra nói:
– Tình cha con mà Hán vương lạnh nhạt như thế thì Hán vương không phải là người có thể làm nên việc lớn. Xin Ðại vương cứ chuẩn bị giao chiến, thế nào cũng thắng.
Hạng vương nói:
– Thế thì Lưu Bang là tuồng tửu sắc, coi cha mẹ vợ con như nước lã, kẻ ấy không còn nói chuyện phải, trái được.
Tống Tử Liên nói:
– Khi tôi vào yết kiến Hán vương, thấy Hán vương còn say rượu chưa tỉnh. Lúc xem bức thư, Hán vương cùng chẳng có vẻ gì ân cần đến Thái công.
Sở vương nói:
– Thôi hãy giử Thái công lại trong quân, chờ ta giao chiến với Lưu Bang rồi sẽ liệu.
Nói rồi, triệu tập các tướng, và tuyển hai mươi vạn tinh binh, đóng sẵn dinh trại để chờ Hán quân kéo đến.
Bấy giờ, Hàn Tín thao luyện quân mã đã xong, vết thương của Hán vương cũng đã lành. Vua tôi bàn kế đánh Sở.
Hàn Tín nói:
– Bá vương đóng quân ở Quảng Võ lâu ngày, thế nào cũng sinh trễ biếng. Vậy ta phải cử binh đánh ngay mới được. Xin Ðại vương hạ lệnh tiến binh.
Hán vương nói:
– Chuyến này ta trông cậy ở Nguyên soái đó.
Liền hạ lênh xuất quân. Hàn Tín thống lĩnh đại binh đi trước, quân kỳ phất phới, tiếng reo ó vang trời, binh lực mười phần hùng khí.
Ðến Quảng Võ. Hàn Tín truyền hạ trại cách dinh Sở hơn ba mươi dặm, và dặn dò các tướng phải lưu tâm phòng giữ.
Hán vương kéo binh đến sau, lập trại đối diện với trái Hàn Tín.
Buổi tối, Hán vương cùng Trương Lương, Tiêu Hà, Trần Bình sai người triệu Hàn Tín đến để bàn kế.
Sai nhân đến trại Hàn Tín, về báo:
– Nguyên soái không có trong dinh. Bọn quân hầu bảo rằng Hàn Nguyên soái vừa dẫn mấy mươi kỵ binh đi về phía Ðông Nam, nhưng không biết đi đâu.
Hán vương kinh ngạc nói:
– Hán, Sở đang chống nhau, hai bên dàn quân ở mặt trận, thế mà chủ tướng lại bỏ đi là ý gì? Hay Hàn Tín thấy quân Sở mạnh bỏ trốn? Hoặc giả lừa bỏ ta ở đây liên kết với Bá vương chăng?
Trương Lương và Trần Bình mỗi người bàn một ý, không hiểu ra sao cả.
Hán vương liền sai một tên tiểu hiệu sang dinh Hàn Tín để nghe động tịnh thế nào.
Một lúc, tên tiểu hiệu trở về báo:
– Bên đó canh phòng rất nghiêm ngặt, hàng ngũ chỉnh tề. Duy chỉ có Nguyên soái vắng mặt.
Hán vương nóng lòng, bảo:
– Người cứ đến gần trại, nghe ngóng cho rõ ràng rồi về báo lại.
Hán vương thắp đèn ngồi đợi. Mãi cho đến trống canh ba, ánh trăng đã chìm sâu sau đỉnh núi cao, tên tiểu hiệu mới chạy vội về báo:
– Nguyên soái đã về trại rồi.
Hán vương do dự hồi lâu rồi sai Tiêu Hà đến dinh Hàn Tín xem thử.
Tiêu Hà đem mấy tên quân hầu đến nơi, gặp Quán Anh đang đốc quân tuần tiễu.
Quán Anh hỏi:
– Ðêm khuya, Thừa tướng đi đâu vậy?
Tiêu Hà đáp:
– Ta sang thăm Hàn Nguyên Soái.
Quán Anh nói:
– Nguyên soái vẫn còn thắp đèn ngồi trong trướng chứ chưa đi nằm.
Liền đưa Tiêu Hà vào trung quân hội kiến với Hàn Tín.
Hàn Tín hỏi:
– Thừa Tướng đến đây chắc có điều gì ngờ vực chăng?
Tiêu Hà hỏi:
– Nguyên soái đêm tối ra đi, chẳng hay đi đâu vậy?
Hàn Tín nói:
– Trận chiến nơi đồng bằng, Bá vương là tay vũ dũng, lấy sức mà địch e khó thắng. Vì vậy tôi phải tìm một kế để giết họ Hạng.
Tiêu Hà hỏi:
– Chẳng hay kế ấy như thế nào?
Hàn Tín đáp:
– Quân cơ không tiện tỏ bày, dẫu vua tôi, cha con cũng không nên nói trước. Chúa thượng cùng các ngài ngày mai xem cuộc giao tranh sẽ thấy.
Tiêu Hà không hỏi nữa, lòng mừng phơi phới, trở về thuật lại với Hán vương.
Hán vương nghe Tiêu hà nói cũng an dạ, vào trướng an nghỉ.
Ngày hôm sau, Hàn Tín gọi các tướng vào nghe quân lệnh.
Các tướng tụ họp đủ mặt, Hàn Tín phân binh:
– Phàn Khoái, Quán Anh làm đội thứ nhất ; Chu Bột, Chu Xương làm đội thứ nhì ; Ngân Hấp, Lư Quán làm đội thứ ba ; Lã Mã Thông, Dương Hỷ làm đội thứ tư; Trương Nhĩ, Trương Lương làm đội thứ năm ; Lâm Phiền làm đội thứ sáu ; Tào Tham, Sài Võ làm đội thứ bảy ; Hạ Hầu Anh, Vương Lăng làm đội thứ tám ; Anh Bố làm đội thứ chín.
Hán vương cùng các tướng làm đội thứ mười. Mỗi đội lãnh năm ngàn tinh binh chia ra từng khu đóng quân, khi nghe pháo hiệu thì đổ ra một lượt, đánh dồn địch quân vào chân núi Quảng Võ.
Hàn Tín điều bát binh mã xong thì bên kia, Hạng vương cũng vừa dẫn quân đến.
Hàn Tín ra ngựa, gọi Bá vương ra nói chuyện. Bá vương vỗ ngựa xông ra, nói lớn:
– Hởi Hàn Tín, nhà ngươi là cựu thần nước Sở. Lẽ ra, đối với Sở phải có đôi phần quyến luyến. Vừa rồi ta có sai Vũ Thiệp đến tỏ lời phải trái, và việc lợi hại trong thế chiến đương thời, thế mà ngươi ngu dốt, không biết nghe lời. Hôm nay gặp ta, ngươi chớ giở trò gian kế, hãy cùng ta quyết một trận hơn thua.
Hàn Tín đáp:
– Ðại vương là người quyền quý, lẽ ra phải ngồi một nơi khiển tướng điều binh, sao lại cầm đao ra chiến trận làm chi, tôi e không tránh khỏi lụy thân.
Hạng vương nói:
– Nhà ngươi chỉ có tài tráo trở, dùng mưu gian lường gạt địch quân. Nếu ngươi dám cùng ta tranh mười hiệp, ta sẽ hiến cả sự nghiệp nước Sở cho ngươi.
Hàn Tín nói:
– Dùng mưu kế thắng giặc mới là kẻ trí cao, còn như sức mạnh chỉ là cái sức riêng mà trời đã giao phó cho mọi sinh vật trong vũ trụ mà thôi, tôi tưởng không nên coi nó là một tài năng. Giống voi, trâu cũng có một sức mạnh đáng kể, nhưng có ai cho đó là đáng sợ. Bá vương tức giận thúc ngựa đến hét lớn:
– Ta phải lấy đầu thằng luồn khố này mới được
Bọn Chung Ly Muội, Hạng Bá, Hạng Trạng, Chu Lan, Ngu Tử Kỳ, Hoàn Sở, Ðinh Công, Ung Sĩ đều đốc quân đến, vây bắt Hàn Tín.
Hàn Tín vừa đánh vừa chạy, lùi dần đến chân núi Quảng Võ.
Chung Ly Muội vội chạy đến nói với Bá vương:
– Núi Quảng Võ chỉ có một đường ra, nếu địch quân phục binh chặn chẹt đường thì khốn. Ðại vương nên đóng trại nơi đây nhận xét địa hình đã.
Chung Ly Muội nói chưa dứt lời, thì tiền quân đã trở lai báo:
– Hàn Tín chạy đi đàng nào mất hút, trước mặt là rừng núi, không có đường ra.
Bá vương nói:
– Nếu mặt trước không có đường thì cứ tạm đóng quân lại đây, đợi hậu quân đến rồi sẽ liệu.
Một lúc sau có tin hậu quân đến báo:
– Hậu quân bị tướng Hán là Phàn Khoái và Quán Anh đánh đứt làm hai đoạn không thể tiến được.
Hạng vương chưa biết phải xoay trở làm sao thì bốn mặt chiêng trống vang rền, quân Hán chẳng biết từ đâu đến, đổ ra vây như kiến.
Chung Ly Muội nói:
– Trước mặt có núi lớn ngăn trở, sau lưng quân Hán vây phủ, Ðại vương đóng quân nơi đây bất lợi, phải cố phá vòng vây, cứu lấy hậu quân, bảo vệ lực lượng mới được.
Hạng vương nói:
– Quân Hán đánh bọc hậu, chắc là đạo quân chủ lực ta khó mà phá nổi. Dẫu có phá được cũng hao binh tổn tướng rất nhiều. Chi bằng cứ tiến quân trèo núi, qua đèo tìm đường thoát nạn.
Hạng Bá nói:
– Núi Quảng Võ ngậm trùng nguy hiểm, nếu đại quân không thể tiến được thì làm thế nào?
Ðang lúc bàn bạc, ý kiến chưa quyết thì bốn mặt hỏa pháo nổ tơi bời, quân Hán mỗi lúc một xiết chặt thêm vòng vây.
Quân Sở mất tinh thần không còn dám chống cự nữa, đổ dồn vào một góc.
Hạng vương nổi giận hét:
– Ta từ lúc ta xuất trận, diệt mấy trăm vạn quân Tần chẳng hề chịu thua bao giờ. Nay gặp quân Hán phải sợ như thế này ư?
Nói rồi xua quân chống cự, đuổi đánh quân Hán.
Bỗng gặp Cửu Giang vương Anh Bố vung gươm ra cản.
Hạng vương hét lớn:
– Ðứa phản quốc? Ngươi còn mặt mũi nào nhìn thấy ta.
Anh Bố nói:
– Ðuổi giết vua Nghĩa Ðế là âm mưu của ngươi, thế mà thiên hạ lại nguyền rủa ta. Vậy ta phải giết ngươi để thanh minh việc này.
Nói rồi vác đao nhảy xổ vào đánh. Hai người giao chiến được năm mươi hiệp thì binh mã Lâm Phiền kéo đến.
Quân Sở rối loạn, Quý Bố, Hoàn Sở xông ra trợ chiến, và nói lớn:
– Xin Ðại vương nghì ngơi để chúng tôi giết thằng giặc ấy cho.
Hạng vương dừng thương, quay ngựa vào đường núi, đứng xem hai tướng giao tranh.
Bấy giờ trời đã sẩm tối, bên Hán các đạo binh của Tao Tham, Sài Võ lại kéo đến nữa, vây quân Sở dày máy lớp
Chung Ly Muội đến gần Hạng vương nói:
– Trời tối, quân binh thất thế không thể cầm cự được lâu, Ðại vương nên tìm đường thoát nạn.
Hạng vương quất ngựa theo con đường cũ tiến tới. Vừa đi đến nửa đường núi thì thấy Hàn Tín đóng trại bên trên, ngồi cao ngất ngưởng, hai bên đàn sáo réo rắt, như đang mở tiệc vui.
Hạng vương nổi giận, mắng:
– Thằng chui khố ấy dám khinh ta như thế sao?
Liền thúc quân trèo lên núi để bắt Hàn Tín.
Các tướng Sở thấy Hạng vương lên núi, cũng kéo theo. Nhưng đi chưa được bao xa, trên núi gỗ đá lăn xuống bơi bời.
Hạng vương nghiến răng, trợn mắt, lòng căm tức đến cực dộ.
Quý Bố nói:
– Không nên, đó là gian kế của Hàn Tín, cố làm cho Ðại vương tức giận trèo lên, thừa lúc đêm tối hãm hại. Chi bằng nấn ná cho qua đêm nay, đợi sáng mai xem chỗ nào ít quân sẽ mở huyết lộ thoát ra mới được.
Hạng vương theo lời, kìm ngựa lại, định nghỉ ngơi giây lát. Bỗng bốn bề cây cối nổi lửa, ngọn lửa đùa gió cháy đến vùn vụt.
Hạng vương thất kinh, quân Sở tan rã, mạnh ai nấy chạy, bị quân Hán vừa bắt sống, vừa giết chết chỉ còn trơ lại Hạng vương cùng các tướng và hơn một trăm quân kỵ ở giữa vòng vây.
Hạng vương thấy thế quân Hán quá mạnh, bèn gắng sức mở vòng vây. Bỗng gặp Lâm Phiền vung đao đến đánh.
Hạng vương nổi giận hét lên một tiếng, chém Lâm Phiền đứt làm hai đoạn, dẫn các tướng thoát khỏi vòng vây.
Vừa toan tìm đường chạy. thì gặp bọn Sài Võ, Vương Lăng đem quân đến chặn đường.
Hạng vương phải gắng hết sức mới đánh lui được hai tướng, và chạy đến dưới chân núi Nam Sơn.
Trước mặt, một con suối sâu réo rắt chảy, Hạng vương dừng ngựa lại nghĩ thầm:
– Trời tối, suối sâu qua đó bất tiện.
Còn đang suy nghĩ thì đàng sau quân Hán lại đuổi theo, vây Hạng vương vào giữa.
Hạng vương đang cùng kế thì may thay, đàng sau quân Hán nhao nhao chạy giạt cả ra.
Hạng vương thừa thế đánh tháo thì gặp hai tướng Sở là Chu Ân và Hoàn Sở đang đốc quân đánh vào cứu mạng.
Hạng vương hỏi ra mới biết hai tướng này lãnh năm ngàn binh, nhưng chưa bị tan rã, nghe Hạng vương lâm trận tìm đến giải cứu.
Hạng vương lợi dụng số binh mã ấy, xông vào quân Hán đánh giết một hồi. Quân Hán đã quá mỏi mệt, phải bỏ chạy.
Hạng vương nhờ đó mới thoát thân.
Trời rừng sáng, Hạng vương thấy bốn mặt đâu đâu cũng có quân Hán đóng đồn, quân kỳ rợp đất, tiếng chuông trống vang trời.
Hạng vương nói với Chu Ân:
– Ta từ lúc phát binh nơi Cối Kê đến nay, cùng chư hầu giao tranh, kể hơn ba trăm trận, nhưng chưa từng thấy ai dụng binh lợi hại như Hàn Tín.
Chu Ân nói:
– Vì Ðại vương có tiếng là oai hùng nên Hàn Tín mới dự bị một cuộc chiến như vậy.
Hạng vương thở dài thu góp tàn quân trở về dinh, kiểm điểm lại thấy hao hơn tám phần.
Các tướng như Quý Bố, Chung Ly Muội cũng thoát chết, song ai nấy đều bị thương ít nhiều.
Hàn Tín thắng trận, đem đại binh trở về dinh.
Hán vương sai mời Hàn Tín đến, ân cần khen ngợi:
– Ta nhờ tài dụng binh của Nguyên Soái, phá quân Sở được một trận rất lớn. Sau này quân Sở nghe đến quân Hán phải vỡ mật, khôg dám giao tranh.
Hàn Tín nói:
– Ðó cũng là nhờ uy đức của Ðại vương. Tuy nhiên, Hạng vương ta chưa bắt được cần phải đánh gấp để cho hắn không có thì giờ nghỉ ngơi dưỡng sức.
Hán vương nói:
– Nguyên soái khá lo việc điều binh khiển tướng. Ta chờ mong hát khúc khải hoàn để ba quân sớm được nghỉ ngơi, thiên hạ hưởng cảnh thanh bình.
Hàn Tín vâng lệnh, kiểm điểm binh mã, kéo đến đánh dinh Sở.
Giữa lúc đó, nơi dinh Sở binh lao mãnh liệt, các tướng như Chu Ân, Quý Bố, Hoàn Sở, Ngu Tử Kỳ đều bị thương chưa lành.
Hạng vương đang lo lắng tìm cách điều trị, thì lại có tín Hàn Tín kéo quân đến.
Hạng vương thất kinh, đòi Chung Ly Muội, Hạng Bá vào thương nghị.
Chung Ly Muội nói:
– Quân Hán rất đông, lại thêm Hàn Tín dùng binh rất hay, quân ta ở đây không thể nào chống đối. Hiện Thái công đang ở trong dinh, ngày mai ra trận Ðại vương mang Thái công theo, đặt sẵn trên thớt, kề dao vào bụng, bắt Hán vương phải lui quân, bằng không mổ ruột Thái công giữa trận. Tình cha con, lẽ nào Hán vương không đau xót?
Hạng vương nói:
– Giết Thái công không khó khăn gì, chỉ sợ thiên hạ cười chê.
Chung Ly Muội nói:
– Muốn làm cái mưu thoái binh còn sợ ai chê cười?
Hạng vương ngẫm nghĩ một lúc rồi nhận lời.
Hôm sau, Hạng vương đem quân ra trận trói Thái công đặt trên lừng ngựa, thẳng ngựa đến trại Hán.
Quân Hán trông thấy vào báo.
Hán vương khóc òa, nói:
– Ta sinh ra ở đời đã không phụng dưỡng được cha mẹ. Nay vì cớ tranh thiên hạ mà để cha ta phải khổ. Thôi thà hàng Sở, để cứu lấy cha ta về nước, tròn được hiếu đạo.
Trương Lương, Trần Bình can:
– Ðại vương chớ câu chấp như vậy. Ðành rằng làm con không nên bỏ chữ hiếu, song việc thiên hạ cũng không nên khinh. Sở dĩ Hạng vương bức bách Thái công như vậy là vì thấy quân ta đánh phá gấp quá, nên phải làm kế để ta lui binh, xin thủng thỉnh rồi sẽ liệu.
Hán vương nói:
– Nghe cha ta bị trói trên yên ngựa, lòng ta đau nhói, không thể chịu nổi. Việc địch thiên hạ là việc lâu dài, cứu Thái công khỏi nạn là việc cần gấp.
Trương Lương và Trần Bình đều nói:
– Giết Thái công mà ích gì cho Hạng vương, chẳng qua Hạng vương muốn cho ta lui binh, nên làm như thế mà thôi. Nếu Ðại vương vương khóc, Hạng vương lại còn đày đọa Thái công nhiều hơn. Chi bằng giả cách điềm nhiên, hẳn Hạng vương không cần đến sự hăm dọa Thái công nữa.
Hai người vừa nói dứt lời, lại có quân vào báo:
– Bá vương đến trước trận, mời Ðại vương ra nói chuyện.
Hàn Tín nghe Bá vương đến, liền bày trận ở Bình Xuyên, chung quanh bố trí chiến xa yểm hộ.
Bá vương trông thấy có ý khiếp sợ, dừng quân trước trận.
Hán vương từ trong dinh cười ngựa xông ra, kêu Bá vương nói:
– Hạng Vũ. Ngươi đã đến lúc binh cùng thế khốn, còn chưa đầu hàng sao?
Hạng vương nổi giận hét:
– Ngươi là đứa thất phu ở Phong Bái, tài cán gì mà đòi nói đến chuyện tranh thiên hạ.
Nói xong, cầm kích đâm tới.
Hàn Tín ra lệnh cho ba tướng Phàn Khoái, Chu Bột, Vương Lăng đổ ra chặn đánh.
Hạng vương một mình chống cự với bốn tướng rất hăng. Chẳng bao lâu, giữa trận có một tiếng pháo lệnh nổ, ngọn cờ vàng huy động, tức thì quân mã từ bốn phương, tám hướng kéo đến rầm rộ, vây Hạng vương vào giữa.
Hạng vương đưa mắt nhìn xa, thấy chung quanh chiến xa vây kín, sát khí đằng đằng, giáo gươm lởm chởm, không còn phân định phương hướng, không còn biết đâu là chỗ tiến thối nữa.
Hạng vương đánh một hồi, vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn. Mây sầu ảm đạm, trận chiến mù mịt, quân Sở lớp chết, lớp bị thương, thây nằm chật đất.
Hạng vương nghĩ thầm:
– Không biết Hàn Tín lập trận này là trận gì. Song xét về thế trận thì phải có quân lực từ bên ngoài đánh vào thì mới giải thoát nổi.
Liền lúc đó, bỗng thấy thế trận xoay chiều. Nơi cửa Ðông bốn tướng Sở là Quý Bố, Chu Lan, Chu Ân, Chung Ly Muội, kéo quân từ bên ngoài đánh dồn đến. Hạng vương thừa thế từ bên trong đánh ra, giải thoát cho mấy vạn binh, nhắm đường chạy.
Hàn Tín không dám đuổi theo, Hạng vương thu góp tàn quân trở về dinh Sở, họp các tướng hỏi:
– Người nào hiểu được trận này?
Chu Lan bước ra tâu:
– Hàn Tín bày trận ấy là trận Thái ất, có cửa sanh, cửa tử, có trận âm, trận dương. Nếu đi cửa sanh mà vào trận dương thì phá được, bằng đi cửa khác không thoát khỏi. Hạ thần thuở nhỏ có theo học ông Lý Thiếu ở Hoa Sơn, từng được nghe nói về trận Thái Ất, vì vậy hôm nay mới cứu Ðại vương được.
Hạng vương bưng chén ngự tửu ban cho Chu Lan.
Chung Ly Muội nói:
– Ngày mai, xin Ðại vương đem Thái công ra để nơi mặt trận, kỳ cho Hán vương phải lui quân, đừng giao chiến làm gì cho tổn sức. Ðại vương cứ trở về Bành Thành chiêu tập binh mã, tăng cường binh lực rồi sẽ tính.
Bá vương theo lời, vào nội dinh an nghỉ.
Trời đêm sương lạnh, chiến trường còn văng vẳng nhịp trống, tiếng kèn của quân Hán canh phòng.
Cũng trong đêm ấy, Trương Lương và Trần Bình bàn mưu để cứu Thái công.
Hai người chọn trong bọn hàng quân của Sở, một tên lanh lợi, gọi vào trướng, lấy lời phủ dụ:
– Ta xem tướng mạo nhà ngươi, sau này cũng có công danh, cớ sao lẫn lộn vào đám sĩ tốt để không bao giờ lập thân được. Vậy nay ta giao cho nhà ngươi đi làm một việc này, nếu thành công sẽ được trọng thưởng.
Tên quân ấy thưa:
– Quân sư muốn sai gì, tôi cũng tận tâm.
Trương Lương nói:
– Ta có một phong thư, sai ngươi sang dinh Sở, thừa lúc vắng người lén đưa cho Hạng Bá. Nếu Hạng Bá có trả lời, ngươi khá lẻn về đây tin cho ta biết.
Tên quân nói:
– Chuyện đó rất dễ. Tôi là quân Sở, đường lối trong dình đã thông thạo, lại không ai nghi ngờ gì.
Trương Lương mừng rỡ, thưởng cho tên này mấy nén vàng rồi trao thư.
Tên quân âm thầm lẻn vào dinh Sở. Quân tuần bên Sở tưởng quân trong trại, không để ý.
Ngày hôm sau, Hạng Bá đang ngồi kiểm quân mã, tên quân ấy nhìn thấy xung quanh không có ai, liến bước đến dâng thư và nói:
– Tôi là quân Sở, bị quân Hán bắt được nơi mặt trận những tưởng bỏ mạng, ngờ đâu vào dinh Hán lại gặp Trương Lương bảo tôi đem thư này về trình lão Ðại vương.
Hạng Bá tiếp thư, mở ra xem. Trong thư viết:
“Cố hữu Trương Lương kính dâng thư Ðại quan Tư mã họ Hạng.
Từ độ giao du, đến nay cách biệt. vương tôi lúc này ở lại Hán, không phải vì quyến luyến công danh, mà vì Hán vương là người đại nghĩa, không nở rời. Cây hiền lòng chim ưa thích, chẳng lẽ lại đậu trên cành lại không tiếng hót.
Nhân hôm nọ, Bá vương định giết Thái công làm kế lui quân Hán. Nhưng Hán vương đóng quân ở đây, lui về đâu được? Quân Hán không lui, Bá vương tất giết Thái công. Thiết tưởng, để Thái công chết chẳng nhưng danh dự của Bá vương bị mất, mà tình Tần, Tấn giữa ngài và Hán vương hứa trước kia nơi Lam Ðiền vì thế mà tổn thương. Sau này trong tình thông gia còn mặt nào nhìn thấy nhau.
Ấy vậy Lương tôi xin gởi thư này đến ngài, nếu khi nào Bá vương sắp sửa giết Thái công, xin ngài cố gián, khiến cho Thái công được nhờ đức tôi sinh Hán vương khỎi tiếng bất hiếu, ân nghĩa vẹn toàn. Nếu ngài đồng ý, xin phúc thư để an lòng mong mỏi của Hán vương và Lương tôi. Ða tạ “
Hạng Bá xem thư xong, nói:
– Mày đã đem thư cho Trương Tử Phòng, tất mày là một tên tâm phúc dưới trướng.
Tên quân nói:
Nêu Ðại phu có thư trả lời, tôi xin tan lòng, giữ cẩn mật.
– Hạng Bá hậu thưởng tên quân và viết phúc thư trao cho hắn, giấu vào mình, đoạn sai tả hữu đưa đến tận dinh Hán.
Tên quân vào yết kiến Trương Lương thuật lại mọi việc, và trao thư Hạng Bá lên.
Trương Lương mở ra xem. Thư rằng:
” Tiểu đệ Hạng Bá phục thư Trương hiền hữu.
Xa cách bấy lâu, lòng mong nhớ chẳng cùng. Nay được mấy lời dạy bảo, lẽ nào dám chẳng quân. Song Bá tôi thiết nghĩ: Giải binh cầu hòa là sự lợi ích giữa hai nước.
Thái công bấy lâu ở đây, được tôi trông nom, không đến nỗi cực khổ lắm. Tuy nhiên, nếu không giao hòa Thái công mong gì trở về được.
Tôi tuy tận tụy giải cứu song chỉ là cái kế nhất thời. Gần đây, tả hữu đều khuyên can Bá vương giết Thái công, tôi chỉ e đến khi cơn giận, thì khó ai ngăn cản nổi, vì vậy hiền hữu nên lưu tâm định liệu “.
Trương Lương xem thư xong mừng rỡ, trọng thưởng cho tên quân ấy, và sai ghi công vào sổ bộ để chờ khi tuyển dụng.
Nhắc lại Hạng vương sau khi nghe lời Chung Ly Muội, thân hành dẫn đại binh đến trước dinh, bày thành trận thế, rồi sai khiêng một vạc dầu lớn để ở trước trận, đem Thái công đặt lên thớt, khiến quân tuyên bố rằng:
– Nếu quân Hán không mau lui về, Thái công sẽ bị mổ ruột, bỏ vào vạc dầu tức khắc.
Hán vương được tin ấy, bàn với quần thần, rồi vỗ ngựa ra trước trận nói:
– Ta cùng Bá vương đều ngoảnh mặt về phía Bắc, thờ vua Hoài vương, và cùng kết nghĩa làm anh em với nhau. Vậy cha ta cũng tức là cha của Bá vương. Nếu Bá vương luộc cha ta, xin cho ta một bát nước luộc với.
Nói xong, tươi cười như thường, không tỏ chút gì đau đớn.
Hạng vương nổi giận mắng:
– Ðồ súc sanh, coi hiếu đạo như trò đùa, còn biết gì liêm sỉ.
Liền khiến quân đem bỏ Thái công vào vạc dầu.
Hạng Bá vội bước ra can:
– Phàm những kẻ đã nặng tình nước tất nhẹ tình nhà. Ngày xưa vua Ðại Võ là bậc thánh nhân, có cha là Cổn, vì trị thủy không thành nên bị vua Nghêu giết, thế mà Ðại Võ vẫn cứ trị thủy. Trong ba năm trời, ba lần đi qua cửa mà không ghé vào nhà thăm. Nay Hán vương không hề nhắc đến Thái công, coi tình cha con nhẹ hơn tình nước. Nếu Ðại vương có giết Thái công cũng chẳng ích gì cho chiến cuộc, mà lại mang tiếng với xã hội, nhân quần. Chi bằng Ðại vương hãy thu binh về dinh, rồi tính kế khác để bảo vệ cái uy vũ muôn đời.
Hạng vương theo lời Hạng Bá, truyền chỉ không giết Thái công, và thu quân về trại.
Hôm ấy, hai bên không giao chiến.
Hán vương về đến dinh, khóc òa lên, nói:
– Thái công tuy tạm thời khỏi chết nhất thời, nhưng vẫn không về nước được, ta thật là một tội nhân trong thiên hạ.
Trương Lương nói:
– Nếu muốn Thái công về nước thì phải giảng hòa.
Nay bên Sở đang thiếu lương, yếu thế, cầu hòa rất dễ.