Trương Lương lãnh các tờ hịch của vua Hán, trước hết đến nước Tề, tin cho Hàn Tín biết.
Hàn Tín vội mời Trương Lương vào bệ kiến.
Trương Lương nói:
– Ngày nay không phải như trước Nguyên soái là chúa một nước, tọa trấn hơn bảy mươi thành, tôi đâu dám ngồi bình diện.
Hàn Tín vừa cười vừa đáp:
– Tín tôi không nhờ Tiên sanh thì đâu có vinh dự như ngày hôm nay. Vả lại Tiên sinh là bậc tôn sư, Tín tôi phải đối đải như bậc thầy mới đáng, đâu dám cậy vương tước mà tự tôn mình.
Trương Lương liền trao tờ hịch cho Hàn Tín xem.
Hàn Tín mở ra đọc, lòng phấn khởi, truyền mở tiệc đãi đằng.
Trương Lương nói:
– Hiện nay Bá vương thế cô, sức yếu, Chúa thượng hối hận việc cắt Hồng Câu giao ước, nên đã cùng Sở giao binh. Vừa rồi, Chúa thượng đốt kho lương thực của Sở, khiến cho quân Sở phải giải binh, kéo về Bành Thành. Tôi tưởng lúc này Nguyên Soái cũng nên đem quân đến hội với Chúa thượng, ra công diệt Sở, định thiên hạ, để cùng nhau chung hưởng thái bình. Sở có chết thời ngôi của Nguyên soái mới vững chắc.
Hàn Tín nói:
– Ngày trước hội binh ở Quảng Võ đã sắp phá được Sở, nhưng vì muốn đón Thái công về nước, nên Chúa thượng giảng hòa với Sở, do đó, Tín tôi phải kéo binh về.
Nay Chúa thượng có ý ấy, còn gì làm cho tướng sĩ hân hoan hơn. Sớm tối tôi sẽ đem quân diệt Sở, để Chúa thượng ngồi giữa Trung quốc, vỗ yên bốn cõi, lên ngôi Thiên tử thống lảnh chư hầu, giang sơn về một mối, bá tánh vui một lòng.
Trương Lương nghe Hàn Tín nói đứng dậy tỏ ý cảm tạ và nói:
– Nguyên Soái có ý ấy thật là phúc cho xã tắc, lẽ ra Lương tôi phải tiển Nguyên Soái lên đường nhưng Lương tôi còn phải qua hai xứ nơi Anh Bố và Bành Việt, giục họ điều binh về trợ Nguyên Soái.
Hàn Tín mừng rỡ nói.
– Thế thì Tín tôi xin đem binh về Thành Cao trước để tiện việc thao luyện quân mã.
Trương Lương bèn từ biệt Hàn Tín đi sang Hoài Nam yết kiến Anh Bố.
Anh Bố mời Trương lương vào tương kiến. Trương Lương đem tờ hịch Hán vương trao cho anh Bố.
Anh Bố mở ra đọc, thấy Hán vương phong cho dải đất từ Cửa Gianh trở xuống, quản thủ một vùng rộng lớn, lòng mừng khấp khởi, quay mặt về phía Tây lạy tạ ơn vua rồi đặt tiệc khoản đãi Trương Lương.
Trương Lương nói:
– Tướng quân làm vua nơi đây, ngôi nhân thần như thế đã là tột bực. Song Hạng vương chưa diệt được, chắc lòng tướng quân chưa yên. Hiện nay Hàn Nguyên soái đã đem quân đến Thành Cao đánh Sở, Tướng quân nên đem binh trợ lực, sớm trừ Hạng vương. Sở có diệt thì ngôi tướng quân mới vững vàng.
Anh Bố nói:
– Hạng vương là người thù của tôi lẽ nào tôi quên được.
Nói rồi liền điểm quân đến Thành Cao.
Trương Lương lại cùng kẻ tùy tùng sang Ðại Lương yết kiến Bành Việt.
Bành Việt hay tin mừng rỡ, sắm sửa tiếp đón Trương Lương rất hậu.
Trương Lương trao hịch văn của Hán vương cho Bành Việt, có kèm theo chiếu thư phong Bành Việt làm Lương vương.
Bành Việt sai tả hữu đặt hương án, và mở ra đọc.
Chiếu rằng:
“Kẻ làm tôi mong hưởng lộc vua, kẻ có công mong ngày đền đáp, đó là lẽ công bằng. Xét vì Tướng quốc Bành Việt phò Hán đã lâu, công lao rất lớn, nhiều lần đánh chẹt đường vận lương của Sở, khiến cho nghiệp Hán vững vàng, quân thù khiếp đảm.
Nay phong cho làm Ðại Lương vương, cai quản năm mươi quận đất Lương, hưởng lộc đời đời.
Nhà ngươi nên gìn lòng trung chớ trái mệnh trẫm.”
Bành Việt đọc chiếu xong, cúi lạy tạ ơn, lòng hân hoan khôn xiết, vội sai bày tiệc khoản đãi Trương Lương.
Trương Lương nói:
– Tướng quân lâu nay có công rất lớn, vì vậy Chúa thượng sai tôi đến đây phong thưởng. Theo ý tôi, tướng quân nên tỏ lòng tri ân bằng cách cử binh đến Thành Cao, họp với Hàn Nguyên Soái để diệt Sở. Bởi vì, Sở chưa diệt dân chúng còn trong cảnh lầm than, dẫu có hưởng lộc cao sang đến đâu, kẻ anh hùng vẫn chưa thỏa dạ.
Bành Việt nói:
– Lời Tiên sinh dạy rất phải, vậy xin Tiên sinh lưu lại đây vài hôm, tôi sắp xếp binh mã xong sẽ thượng lộ.
Trương Lương cố chối từ, nhưng Bành Việt vẫn nài nỉ, Trương Lương phải ở lại mấy hôm.
Trong lúc thừa nhàn, Trương Lương dạo xem phong cảnh Ðại Lương, thấy sông núi bao quanh, hình thế hùng tráng, thật là yết hầu của đất Cửu Châu, then móng của Trung Quốc.
Trương Lương chợt nghĩ:
– Bá vương không đóng đô ở Hàm Dương lại đóng đô ở Bành Thành, không giữ ở Ðại Lương mà lại ở Từ Châu, không lấy thóc kho Ngao Thương mà lại lấy thóc kho Liễu Thôn, đó là cái cớ khiến cho Bá vương mất thiên hạ vậy!
Trương Lương ở chơi mấy ngày rồi giã từ trước khi Bành Việt hội binh phá Sở.
Nhắc lại Hàn Tín, từ khi tiếp được hịch văn của Hán vương, liền hiểu dụ các huyện, thu góp lương thảo rồi kéo binh đến Thành Cao.
Lúc bấy giờ Khoái Kiệt đã lâu vẫn đi lang thang nơi đầu đường xó chợ, nay nghe tin Hàn Tín sắp khởi binh phá Sở, liền đến trước phủ, nói với kẻ tả hữu xin vào yết kiến Hàn Tín.
Hàn Tín mời vào hỏi:
– Tiên sinh đã lâu, ra đi không về, trách Tín tôi không nghe lời dạy. Nay Tiên sinh trở về đây, hẳn có điều chi dạy bảo?
Khoái Kiệt nói:
– Tôi chịu ơn của ngài, không nỡ để cho ngài sa vào tai vạ vì vậy không nể xấu hổ, đến đây tương kiến, xin ngài chớ quở trách.
Hàn Tín hỏi:
– Tai vạ gì vậy?
Khoái Kiệt nói:
– Ngài đóng quân nơi đây, Hán vương mấy lần bị Sở vây khốn, mà ngài không tiếp cứu. Vì vậy, Hán vương buộc lòng phải sai Trương Lương đem hịch văn đến gia không cho ngài làm Tam Tề vương. Việc gia phong ấy chẳng qua là dùng miếng mồi ngon nhử cho ngài đem binh phá Sở đó thôi. Lúc ngài đã phá Sở xong rồi, Hán vương sẽ nhớ lại việc cũ nghi cho ngài là kẻ mưu tâm bắt bí để định bá đồ vương, thế nào cũng tìm mưu trừ ngài đi để khỏi lo hậu quả. Chừng ấy chẳng những vương vị của ngài bị mất, mà tấm thân của ngài cũng khó bảo tồn được. Ðó là một tai vạ, xin ngài xét lại.
Hàn Tín hỏi:
– Theo ý Tiên sinh thì nên thế nào?
Khoái Kiệt nói:
– Không nên diệt Sở, ngài nên chiếm cứ đất Tề, chia thiên hạ làm ba, giữ lấy thế chân vạc thì địa vị ngài mới vững.
Hàn Tín nói:
– Trương Lương thân hành đến triệu tôi. Tôi đã nhận lời, nếu không đi thì trái mệnh vua, bội ân, phản phúc. Lời,nói của Tiên sinh cũng có lý, song lòng Tín này không thể ăn cơm đá bát được.
Khoái Kiệt nói:
– Bây giờ ngài không nghe lời tôi, tất có ngày hối hận.
Hàn Tín bỏ đứng dậy, khoác áo vào nhà trong, rồi sai người đưa Khoái Kiệt ra.
Khoái Kiệt lại vẫn giả cách điên rồ đi lang thang như cũ, và làm một bài ca, hát nghêu ngao ở chợ rằng:
Hán vương nguy khốn, không về cứu
Chia đất phong vương, mới ra quân
Tuy người mưu trí
Nhưng việc không thông
Gây lấy tội
Họa vào thân
Vạc dầu Lịch Sinh còn đó
Thời gian có xóa được không
Sở chưa diệt thân ông còn
Sở bị mất, thân ông diệt
Trong cơ mưu ai biết được lời ta
Sao bằng giữ nước Tề
Thiên hạ chia làm ba
Ngồi cao trông thế sự
Ngao cò tranh lẫn nhau
Ngư ông thu cả cặp
Ngồi không mà thành công
Nay bỏ phí nghiệp lớn
Nhảy vào lò lửa hồng
Lời ta lời sắt đá
Không nghe khờ dại lạ!
Thiên hạ khinh ta điên
Nhưng ta thật khôn quá
Kẻ điên chẳng nghe lời
Ta lo tránh tội vạ
Lòng vũ trụ thênh thang
Núi non đầy hoa lá
Khoái Kiệt hát nghêu ngao mãi ở chợ. Quân sĩ thấy vậy vào báo với Hàn Tín.
Hàn Tín nói:
– Ôi! Chẳng qua là những lời đã nói với ta hôm nọ còn nghe làm gì.
Bèn phát hiệu khởi binh, kéo về Thành Cao, vào tạ ơn Hán vương về việc phong đất, rối đóng trại ngoài thành để thao luyện quân sĩ.
Chẳng bao lâu, Trương Lương cũng về đến, vào yết kiến Hán vương, thuật lại mọi việc.
Hán vương khen ngợi, nói:
– Nếu không nhờ Tiên sinh đi chuyến này thì ba tướng ấy đâu có hăng hái giúp ta.
Trương Lương nói:
– Ðó không phải là tài năng của tôi, mà chính là lòng nhân đức của Ðại vương, khiến cho lòng người không nỡ phản phúc. Ðại vương đã thắng thiên hạ bằng đạo đức vậy
Cách mấy ngày sau, Anh Bố và Bành Việt lục tục kéo quân đến, vào triều kiến và tạ ơn Hán vương.
Hán vương dùng lời ngon ngọt vỗ về, và bảo hai người tùy tiện an dinh hạ trại, dưới quyền quản lãnh của Hàn Tín.
Bấy giờ, các trấn chư hầu cũng đều hứa hẹn đến họp quân từ Thành Cao đến Huỳnh Dương một dải đường dài mấy trăm dặm đều là quân Hán.
Hàn Tín kiểm điểm quân mã, ghi nhận như sau:
Quân Yên vương 15 vạn, quân Anh Bố 5 vạn, quân Bành Việt 5 vạn, quân nước Ngụy 20 vạn, quân Tiêu Hà 16 vạn, quân Trang Tà 3 vạn, quân Lạc Dương 5 vạn, quân Tam Tần 6 vạn, quân của Hán vương 20 vạn, quân của Hàn Tín 15 vạn. Tổng cộng cả thảy hơn một trăm vạn. Các danh tướng hơn tám trăm viên, các đại thần mưu sĩ hơn năm mươi người.
Hán vương thấy bản danh sách ấy, lòng mừng rỡ, liền khiến Tiêu Hà và Trần Bình đem thóc Ngao Thương Tam Tần vận đến, cấp phát cho quân sĩ, kẻ nào nghèo khổ được thêm phần phụ lãnh kẻ nào tật nguyền, chết chóc, được cấp cho gia quyến chi dùng. Ba quân lớn nhỏ nhảy nhót vui mừng. Ðó chính là cái nhân đức mà Hán vương đã biết dùng nó để thu thiên hạ.
Sau khi kiểm điểm quân mã xong, Hán vương triệu Hàn Tín đến để bàn kế.
Hán vương nói:
– Binh lương đã sung túc, chẳng hay Nguyên Soái đã có phương lược nào phá Sở chăng?
Hàn Tín nói:
– Quân tướng càng đông, việc điều khiển càng phải thận trọng. Hạ thần còn phải cân nhắc các tướng tùy tài mà giao việc, phân công. Lúc nào hạ thần làm việc ấy xong, sẽ tâu với Ðại vương nghênh giá xuất chinh.
Hán vương hỏi:
– Lần này không hạ chiến thư, khích Hạng vương đến đây sao?
Hàn Tín đáp:
– Hạng vương đã mấy lần kéo quân đến đây, quân lương hao hụt. Nay nghe tin quân chư hầu hội chiến, lẽ nào dám đến. Ðại vương phải thân hành đến Bành Thành đóng quân để giao tranh. Phần tôi, tôi sẽ quản thủ binh mã lập bày thế trận để đối địch.
Hán vương rất hài lòng, chờ đợi Hàn Tín sắp xếp các tướng lãnh.
Bấy giờ có quân tế tác về Bành Thành, báo với Hạng vương:
– Hán vương họp quân chư hầu, gồm trăm vạn, đóng từ Thành Cao đến Huỳnh Dương dài hơn trăm dặm, đêm ngày lửa đốt rực trời, lương thực từ Ngao Thương và Trần Lưu chở đến không lúc nào dứt.
Hạng vương nghe báo thất kinh, hồi tưởng lại lời khuyên của Phạm Tăng trước kia bảo phải giết Lưu Bang để sau này khỏi mang họa. Lời ấy đến nay Hạng vương mới thấy là quan trọng.
Liền đòi bọn Hạng Bá, Quý Bố, Chung Ly Muội và Chu Lan vào hội diện.
Hạng vương nói:
– Hán vương họp chư hầu hơn trăm vạn, còn quân ta chỉ có ba mươi vạn, quân mã các nơi chưa đến, biết cách nào đối địch?
Các tướng nói:
– Giang Ðông là nơi Ðại vương khởi binh, lòng người lâu nay vẫn kính mến, vậy phải sai người đến miệt Cối Kê tuyển chọn một số binh mã. Còn Chu Ân trấn thủ nơi đó lâu nay, đã mấy lần đòi đến mà hắn không bệ kiến nay nên bắt hắn phải đoái công chuộc tội, thống lĩnh binh mã bản bộ đến đây hội chiến với Hán.
Bá vương nói:
– Chu Ân, lâu nay ở Thư Lục, nghe nói cùng Anh Bố tương đắc lắm, nay Anh Bố đã hàng Hán thì tin Chu Ân sao được. Chi bằng lừa hắn đến đây, rồi giết đi để trừ họa.
Hạng Bá nói:
– Lời Ðại vương luận rất đúng.
Bá vương liền sai quan Thiên Hộ là Lý Ninh đem hai đạo hịch văn đi gọi Chu Ân và đi lấy quân Ngô, lại dặn phải mau mau trở về.
Lý Ninh đến Thư Lục, vào yết kiến Chu Ân trao tờ hịch của Bá vương.
Chu Ân mở ra đọc. Hịch như sau:
” Lâu nay nhà ngươi trấn giữ ở Thư Lục, quân binh được an toàn, khỏi phải vất vả cực nhọc. Nay quân Hán cùng Sở hội nên, thế trận rất lớn, ta sai Lý Ninh đến đòi ngươi, dẫn quân bản bộ đến Bành Thành để giúp sức đánh Hán. Nhà ngươi trước đây đã nhiều lần bê tha, nay chớ noi gương cũ mà trọng tội “
Chu Ân xem hịch, lòng không vui, thầm nghĩ:
– Bá vương lực yếu, thế cô, lẽ ra phải dùng đạo đức chinh phục nhân tâm, lại cứ mãi cái thói dùng uy vũ hăm dọa. Nếu ta đem quân đến Bành Thành không khỏi mất mạng. Chi bằng nhân dịp này chiếm lấy Thư Lục, ngồi xem Hán, Sở tranh hùng. Ðợi cho Hán diệt Sở rồi, ta sẽ dựa vào Anh Bố hàng Hán, ắt công hầu chẳng mất.
Nghĩ rồi nói với Lý Ninh:
– Ðất Thư Lục có nhiều giặc cướp, tôi trấn nơi đây hàng ngày phải đi đánh dẹp khắp nơi, nay bỏ ra đi không tiện. Xin ngài trở về tâu lại với Bá vương, lúc nào tôi dẹp giặc cướp xong sẽ đem quân hội chiến.
Lý Ninh nói:
– Việc có khi gấp có khi hoãn. Giặc cướp nơi Thư Lục là chuyện nhỏ, còn việc Sở hưng binh chống Hán là việc lớn, và rất nguy cấp. Tướng quân không nên lấy việc nhỏ mà làm hư chuyện lớn.
Chu Ân nói:
– Tôi có nhiệm vụ trấn thủ mảnh đất này chứ không có nhiệm vụ đi đánh Hán vương. Nhiệm vụ của tôi, tôi phải làm tròn trước đã. Vả lại, tôi muốn dùng mảnh đất này dưỡng lão, không thể đi xa được.
Lý Ninh biết Chu Ân đã sinh biến tâm, không nói lời nào nữa, giã từ sang Cối Kê.
Quan Thái thú Cối Kê là Ngô Dan, tiếp được tờ hịch, mở ra xem, biết Bá vương định lấy quân Ngô để cùng Hán quyết chiến liền đòi tả hữu phân bố công việc, truyền xuống các quận huyện tuyển lựa binh mã.
Chỉ trong mấy bửa đã thu thập được tám vạn binh, Ngô Dan liền sai phó tướng là Trịnh Hanh quản lĩnh, cùng Lý Ninh dẫn đến Bành Thành, yết kiến Hạng vương.
Lý Ninh kể lại việc Chu Ân kháng lệnh, không chịu hội binh. Hạng vương tức giận, muốn đem binh giết Chu Ân trước, rồi mới đánh Hán.
Hạng Bá nói:
– Chu Ân chẳng qua là một bệnh ghẻ lở ngoài da, có gì mà ngại. Ðại vương kíp mang binh mà đánh Hán, chớ nên chậm trể.
Hạng vương theo lời Hạng Bá, kiểm điểm binh mã cả thảy được năm mươi vạn, định ngày xuất chinh.
Giữa lúc đó, Hàn Tín 10 sai người thăm dò địa thế để liệu việc đóng quân.
Tất cả các miệt xung quanh Bành Thành đều là những chỗ không dụng võ được, chỉ có vùng Cửu Lý, núi đồi hiểm trở, có thể dùng làm chiến trường được, vì vậy Hàn Tín sai người đến lấy bản đồ.
Sai nhân đem bản đồ Cửu Lý về trình. Hàn Tín xem xong mừng lắm, gọi Lý Tả Xa đến nói:
– Núi Cửu Lý thật ưu thế. Phía tả có gò đống, phía hữu có núi đầm, trước mặt có chiến ứng, phía sau có ẩn phục, làm một chiến trường rất tốt. Song không biết cách nào để lừa Hạng vương vào đó. Tiên sinh có kế chi chăng?
Tả Xa nói:
– Hạng vương lừa rất dễ. Tuy nhiên, quần thần không để Hạng vương bị lừa như vậy đâu. Nếu họ đào hào đắp luỹ cố thủ không ra đánh, quân ta đông, tổn phí nhiều, không thế nào tập trung lâu được. Họ đợi lúc quân ta thiếu thốn, kéo quân ra phản công tất quân ta phải thua.
Hàn Tín bấm trán suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
– Tiên sinh có kế gì khiến cho Hạng vương kéo binh đến đánh chăng?
Tả Xa nói:
– Nay phải có người trá hàng, đến đó bày mưu cho Hạng vương, đem cái lợi trước mắt mà nhử, may ra Hạng vương vì nông cạn, sa vào cái mưu của Nguyên Soái.
Hàn Tín mừng rỡ nói:
– Người đi trá hàng phải là Tiên sinh mới mong thành công. Vậy Tiên sinh có vui lòng giúp đỡ chăng?
Tả Xa nói:
– Bấy lâu hầu hạ dưới trướng mang ơn tri ngộ. Nay dẫu khổ cực đâu dám chối từ. Thế thì ngay lúc tôi ra đi, Nguyên Soái phải đem quân bố trận mới được.
Hàn Tín nhận lời, Tả Xa liền giả biệt, đem theo những binh mã cũ của nước Triệu, tìm đường tắt thẳng đến Bành Thành.
Ðến nơi, Tả Xa nói với bọn quân canh:
– Tôi là Quảng Vũ Quân nước Triệu cũ, tên Lý Tả Xa, muốn vào yết kiến lão Ðại vương.
Quân canh vào báo với Hạng Bá.
Hạng Bá nghĩ thầm:
– Lý Tả Xa là kẻ mưu sĩ của nước Triệu trước kia, nay đến tương kiến chắc có điều gì quan trọng. Nghĩ rồi sai tả hữu mời Tả Xa vào.
Hai bên thi lễ xong, Hạng Bá hỏi:
– Lâu nay nghe ông ở bên Tề làm mạc khách của Hàn Tín, chẳng hay có việc gì lại hạ cố đến đây?
Tả Xa đáp:
– Triệu vương không nghe lời tôi, sai Trảm Dư đem địch với Hàn Tín, nên bị Hàn Tín dùng trận bối thủy chém chết. Tôi không có chỗ nương thân, đành phải ở với Hàn Tín làm mưu sĩ, chẳng ngờ, nay Hàn Tín được Hán vương phong chức Tề vương, ngông nghênh, hợm hĩnh, ỷ mình tài trí, không kể đến ai. Tôi buồn lòng bỏ đi, đến đây xin tình nguyện nương thân dưới cờ. Tôi tuy bất tài song xin lấy cái chết để rửa lòng uất hận. Tôi liệu mưu kế Hàn Tín không qua nổi mắt tôi.
Hạng Bá nói:
– Trong lúc hai nước giao tranh, những mưu mô dối gạt rất nhiều, Tiên sinh sang đây biết đâu cũng để trá hàng, dò xem quân tình của Sở, tôi sao tin được?
Tả Xa nói:
– Ngài lầm rồi! Tôi chẳng qua là một kẻ mưu sĩ, biết gì đến việc quân binh. Vả lại, nếu ngài dùng tôi, tôi sẽ đem mưu kế ra bàn, nghe hay không là tùy ở ngài, tôi có quyền gì bắt ngài phải theo. Còn như việc dò xét quân cơ, ngày nào Hàn Tín chẳng sai người theo dõi, hà tất tôi phải sang đây trá hàng để làm cái chuyện đó. Tôi chỉ tiếc một điều là tôi xét lầm độ lượng của ngài. Ðường đi đã lỡ, tấm thân lạc lõng bơ vơ thà chết cho an thân.
Nói xong, rút thanh kiếm đeo bên mình, toan tự vận.
Hạng Bá vội đứng dạy ôm lấy Tả Xa, tự nhận lổi mình, và nói:
– Trong lúc hai nước giao tranh, Tiên sinh từ dinh Hán sang đây, tài nào tôi không nghi ngờ. Tiên sinh chớ có trách.
Liền mời Tả Xa lên ngôi, đặt tiệc khoản đãi, và lưu lại ở đó ngủ một đêm.
Ngày hôm sau, Hạng Bá vào yết kiến Bá vương, kể việc Tả Xa đến đầu và xin giúp mưu lược chống với quân Hán.
Bá vương nói:
– Ta đang lúc thiếu người mưu sĩ, nay được Tả Xa về hàng thì còn gì may mắn hơn.
Liền cho Tả Xa vào triều kiến và hỏi:
– Ta vốn nghe tiếng Quảng Vũ Quân, lòng mong được hội kiến, nay nhà ngươi đến đây thực là may lắm.
Tả Xa nói:
– Tôi ở nước Triệu, nhưng Triệu vương không biết dùng, phải sang làm mạc khách với Hàn Tín. Hàn Tín cũng lại không biết dùng, nên bơ vơ chiếc thân bốn bể.
Nay đến đây được Ðại vương trọng dụng, chẳng khác nào con gặp cha mẹ, tôi nguyện đem hết tâm sức dẫu chết cũng chẳng màng.
Bá vương nói:
– Nhà ngươi đã thực tâm theo ta, vậy sớm tối phải chầu bên cạnh để cùng nhau bàn bạc.
Từ đó, Bá vương lưu Tả Xa làm mưu sĩ. Lại thấy Tả Xa nói năng lưu loát, khí phách hơn người, lòng không chút gì ngờ vực.
Trong thời gian ấy, Hán Vương thấy đóng quân lâu ngày mà chưa xuất trận, nên triệu Hàn Tín đến hỏi:
– Ðại binh đóng đã lâu, tốn kém quá nhiều, ta muốn ra quân cùng Sở giao tranh, Nguyên Soái có ý chi chăng?
Hàn Tín nói:
– Khi tôi phá Triệu có chiêu tập được hai người rất dũng cảm, bấy lâu, sai dùng rất đắc lực. Nay nếu sai làm tiên phong chắc nên việc.
Hán vương nhận lời, tnlyền cho hai người ấy vào yết kiến.
Hai người bước vào, Hán vương thấy hai người sức vóc to lớn, diện mạo đường đường, liền hỏi họ tên quê quán.
Hai tướng ấy một người họ Khổng tên Hy, một người họ Trần tên Hạ, từ lúc nhỏ chỉ theo nghề cung kiếm, nhân lúc nhà Tần loạn lạc ẩn náu nơi Ðăng Vân, núi Thái Sơn, sau nghe Hàn Tín chiêu nạp hiền sĩ tìm đến hầu hạ dưới trướng.
Hán vương mừng rỡ, phong Khổng Hy làm Liên Hầu, Trần Hạ làm Hạ Hầu, sai xuất binh ba vạn quân đi tiên phong gặp núi mở đường, gặp sông bắc cầu.
Hai tướng dập đầu lạy tạ, lãnh binh đi trước. Hàn Tín cũng thống lãnh đại binh kéo theo sau ra khỏi Thành Cao. Người ngựa nối liền nhau mấy trăm dặm đường, quân kỳ phất phới, gươm giáo sáng lòa.
Dọc đường, bá tánh vẫn không bị quân binh làm bận rộn chút nào. Thật xứng đáng là một đoàn quân vì nghĩa.