Hai người thong thả đi lên núi, từ đây tới thẳng cổng lớn Thiếu Lâm tự không một bóng người.
Hà Túc Đạo nói:
– Ta cũng chẳng vào chùa nữa, cứ mời vị hòa thượng nọ ra nói vài lời thôi.
Đoạn chàng lớn tiếng gọi:
– Hà Túc Đạo từ Côn Luân tới thăm Thiếu Lâm tự, có lời muốn thưa!
Câu này vừa dứt, bỗng nghe mười mấy cái chuông lớn trong chùa cùng gióng lên vang động cả núi rừng.
Đột nhiên cổng lớn mở toang, tả hữu hai hàng tăng nhân mặc áo bào xám bước ra, mỗi hàng năm mươi tư người, tổng cộng một trăm linh tám người, là đệ tử của La Hán đường, đúng bằng con số một trăm linh tám vị La Hán. Tiếp sau là mười tám vị tăng nhân cũng mặc áo bào xám, nhưng trên phủ cà sa màu vàng nhạt, tuổi vị nào cũng lớn hơn các đệ tử của La Hán đường, đó là đệ tử của Đạt Ma đường, cao hơn đệ tử La Hán đường một bậc. Tiếp sau có bảy lão tăng khoác áo bào kẻ ô vuông, mặt đầy nếp nhăn, vị trẻ nhất cũng ngoại thất tuần, vị cao niên đã ở cửu tuần, đó là Tâm Thiền đường thất lão. Đoạn Thiên Minh phương trượng thong thả bước ra, bên tả có Thủ tọa Đạt Ma đường Vô Tướng thiền sư, bên hữu có Thủ tọa La Hán đường Vô Sắc thiền sư. Đằng sau có Phan Thiên Canh, Phương Thiên Lao và Vệ Thiên Vọng. Cuối cùng còn có bảy tám chục đệ tử tục gia phái Thiếu Lâm.
Ngày Hà Túc Đạo bí mật đột nhập La Hán đường, dán mảnh giấy vào tay tượng Phật Giáng Long La Hán, thì võ công cao siêu của chàng ta đã khiến Thiên Minh phương trượng cùng Vô Sắc và Vô Tướng thiền sư cả kinh. Mấy ngày sau nhóm Phan Thiên Canh từ Tây Vực đến, kể về việc Hà Túc Đạo ước hẹn tỷ thí, các cao tăng trong chùa càng tăng cường phòng bị. Nên biết chi phái Thiếu Lâm ở Tây Vực do đường sá xa xôi cách trở, mấy chục năm nay hiếm khi lai vãng hoặc thông tin với phái Thiếu Lâm ở Trung nguyên. Nhưng các cao tăng trong chùa đều biết vị sư thúc tổ Khổ Tuệ thiền sư năm xưa bỏ đi Tây Vực lập chi phái Tây Vực có võ công cao siêu khôn tả; các đồ đệ, đồ tôn của Khổ Tuệ thiền sư được truyền thụ võ công đó nhờ vậy cũng có võ công phi phàm. Nghe nhóm Phan Thiên Canh thuật lại về Côn Luân Tam Thánh với vẻ đầy kính nể, họ hiểu rằng “Thiện giả bất lai, lai giả bất thiện”[10], nên trong chùa càng đề phòng nghiêm mật. Phương trượng còn hạ pháp chỉ cho các tăng tục đệ tử trong vòng năm trăm dặm đều phải trở về chùa nghe lệnh điều động.
Ban đầu tăng chúng cũng tưởng Côn Luân Tam Thánh là ba người, sau nghe nhóm Phan Thiên Canh nói mới biết chỉ có một người, song diện mạo và tuổi tác thì nhóm Phan Thiên Canh cũng không rõ, chỉ biết người ấy tự phụ là cầm-kiếm – kỳ tam tuyệt. Hai môn gảy đàn và đánh cờ thuộc loại ăn chơi buông lỏng tâm tính, là thứ Thiền tông đại cấm kỵ, tăng chúng Thiếu Lâm tự xưa nay vốn không màng tới; riêng những ai trong chùa là cao thủ kiếm thuật thì đều ra sức ôn luyện, để chuẩn bị so tài cao thấp với nhân vật tự xưng là Kiếm thánh.
Ba sư huynh đệ Phan Thiên Canh nghĩ rằng vụ này do họ gây nên, phải do tự tay họ kết thúc, vì thế hàng ngày ba lão liên tục cưỡi ngựa tuần tiễu trước núi sau núi, dự tính đón đường ngăn cản Côn Luân Tam Thánh, đánh cho y phải tháo chạy về Tây Vực; rồi ba lão sẽ trở lại chùa thử tài với các tăng nhân trong chùa, đánh bại họ, để phái Thiếu Lâm Trung nguyên từ rày không dám vênh mặt lên nữa. Ai ngờ ở thạch đình, Hà Túc Đạo mới chỉ dùng một nửa công lực đã khiến ba huynh đệ lão cuốn gói chạy dài.
Thiên Minh thiền sư nghe tin, thầm biết hôm nay là giờ phút vinh nhục thịnh suy của Thiếu Lâm tự, nhưng tự lượng võ công của bản thân, của Vô Sắc và Vô Tướng chưa chắc đã cao hơn ba huynh đệ Phan Thiên Canh là bao; đành phải thỉnh Tâm Thiền đường thất lão ra áp trận. Có điều võ nghệ của Tâm Thiền đường thất lão cao tới mức nào thì không ai hay biết; liệu các vị ấy có đủ khả năng xuất thủ chế ngự nổi Côn Luân Tam Thánh hay chăng, lão phương trượng cùng Vô Sắc và Vô Tướng thiền sư cũng không dám cả quyết điều gì.
Lại nói lão phương trượng Thiên Minh thiền sư thấy Hà Túc Đạo và Quách Tương thì chắp tay nói:
– Vị này hẳn là Hà cư sĩ, biệt hiệu Cầm Kiếm Kỳ Tam Thánh. Lão tăng không kịp ra ngoài xa nghênh tiếp, xin lượng thứ cho.
Hà Túc Đạo cúi mình đáp lễ, nói:
– Vãn sinh Hà Túc Đạo, cuồng danh Tam Thánh, thật không đáng nói! Vãn sinh phiền nhiễu quý tự, tự thấy áy náy; lại còn kinh động các vị cao tăng ra ngoài nghênh tiếp thế này, vãn sinh thật hổ thẹn!
Thiên Minh thiền sư nghĩ thầm: “Gã cuồng sinh này nói năng đâu có ngông cuồng. Y trạc tam tuần, mà sao đánh bại được nhóm Phan Thiên Canh nhỉ?”, bèn nói:
– Hà cư sĩ khỏi cần khách sáo, xin mời vào dùng trà. Còn vị nữ cư sĩ này thì…
Nói tới đó giọng lão phương trượng ngập ngừng, ngụ ý khó xử.
Hà Túc Đạo hiểu ý người nói không cho phép Quách Tương vào chùa, thế là thái độ cuồng phóng của chàng phát tác ra liền; chàng ngửa mặt cả cười, nói:
– Lão phương trượng, vãn sinh tới quý tự là do nhận lời ủy thác của người khác, đến đây chuyển một lời trối; cũng định nói xong lời trối đó là phủi tay đi liền; không dè quý tự trọng nam khinh nữ, thanh quy giới luật quái quỷ quá nhiều, vãn sinh thấy có lắm điều chướng mắt. Nên biết Phật pháp vô biên, chúng sinh như nhất, phân biệt nam nữ là tâm còn vẩn đục.
Thiên Minh phương trượng là bậc cao tăng hữu đạo, thiền tâm minh triết, tính cách khoan dung, nghe Hà Túc Đạo nói vậy thì mỉm cười:
– Đa tạ cư sĩ đã chỉ giáo. Thiếu Lâm bổn tự cứ phải phân biệt nam nữ thì cũng có phần hẹp lượng, vậy xin mời Quách cô nương cùng vào dùng trà luôn thể.
Quách Tương nhìn Hà Túc Đạo, tủm tỉm cười, nghĩ thầm: “Chàng cũng khéo ăn khéo nói thật, chỉ vài câu đã thuyết phục được lão phương trượng”. Thấy Thiên Minh phương trượng đứng sang một bên, đưa tay mời khách, nàng đang định cất bước đi vào chùa, bỗng có một lão tăng rất gầy gò đứng bên trái Thiên Minh phương trượng bước ra, nói:
– Chỉ vì một lời của Hà cư sĩ mà Thiếu Lâm bổn tự phải bỏ luật lệ vốn có từ ngàn năm, kể ra cũng được, song cũng nên xem người nói lời đó có bản lĩnh thật sự, hay chỉ là hư danh. Vậy mong Hà cư sĩ hãy chứng tỏ thân thủ một chút, để chúng tăng được thêm kiến thức, cũng là để mọi người trong bổn tự biết tại ai mà phải phế bỏ luật lệ đã có từ ngàn năm.
Lão tăng vừa nói chính là thủ tọa Đạt Ma đường Vô Tướng thiền sư. Giọng thiền sư trầm hùng, chứng tỏ trung khí sung mãn, nội lực dồi dào.
Ba sư huynh đệ Phan Thiên Canh nghe vậy, mặt hơi biến sắc. Vô Tướng thiền sư nói như vậy là có ý xem thường ba người ấy, Hà Túc Đạo tuy đánh bại cả ba sư huynh đệ, nhưng vị tất đã có bản lĩnh hơn người.
Quách Tương thấy Vô Sắc thiền sư có vẻ rầu rĩ, nàng nghĩ thầm: “Vị hòa thượng này thật tốt bụng, lại là bằng hữu của đại ca ca; nếu Hà Túc Đạo và tăng chúng Thiếu Lâm tự vì ta mà giao đấu, bất cứ bên nào thua, ta đều không muốn”. Nàng bèn nói to:
– Hà đại ca, tiểu muội không nhất thiết cứ phải vào Thiếu Lâm tự. Đại ca cứ vào chuyển xong lời nọ, rồi ta đi cũng được mà.
Đoạn nàng chỉ Vô Sắc thiền sư, nói:
– Vô Sắc thiền sư đây là hảo bằng hữu của tiểu muội, mong đôi bên chớ vì tiểu muội mà tổn thương hòa khí.
Hà Túc Đạo ngẩn người, nói:
– Ồ, ra là vậy!
Rồi quay sang nói với Thiên Minh thiền sư:
– Lão phương trượng, quý tự có một vị là Giác Viễn thiền sư, vị ấy đâu? Có người nhờ vãn sinh chuyển lời tới vị đó.
Thiên Minh phương trượng lẩm bẩm: “Giác Viễn thiền sư ư?” Địa vị của Giác Viễn thiền sư trong Thiếu Lâm tự thấp kém, mấy chục năm nay tăng nhân đó chỉ ẩn thân trong Tàng kinh các, chẳng mấy ai biết tới, chẳng ai thêm hai tiếng “thiền sư” vào pháp danh Giác Viễn cả; bởi thế khi nghe Hà Túc Đạo nhắc đến, lão phương trượng nhất thời chưa biết đó là ai. Lão phương trượng ngẩn người giây lát, rồi sực nhớ:
– À, lão tăng nhớ rồi, người ấy đã thất chức vì để mất cuốn kinh Lăng Già. Hà cư sĩ tìm Giác Viễn có liên quan gì tới vụ kinh Lăng Già chăng?
Hà Túc Đạo lắc đầu:
– Vãn sinh không biết.
Lão phương trượng bảo một đệ tử:
– Bảo Giác Viễn ra gặp khách.
Người kia lập tức chạy đi.
Vô Tướng thiền sư lại nói:
– Hà cư sĩ có biệt hiệu “Cầm – kiếm – kỳ tam thánh”, thiết tưởng một chữ “thánh” người thường không ai dám nhận thì phải? Hà cư sĩ có cả ba tuyệt kỹ ấy. Hôm trước Hà cư sĩ đã để lại giấy, hẹn sẽ thể hiện võ công; hôm nay đã quang lâm, sao chẳng chịu ban cho vài thế để chúng tăng được chiêm ngưỡng tuyệt kỹ!
Hà Túc Đạo lắc đầu:
– Cô nương này vừa nói rồi, đôi bên chúng ta đều không nên làm tổn thương hòa khí.
Vô Tướng cả giận, nghĩ thầm: “Chính ngươi gửi thư thách đấu, bây giờ đến lúc thì lại thoái thác, cả ngàn năm nay có kẻ nào dám vô lễ với Thiếu Lâm tự như vậy? Huống hồ nhóm Phan Thiên Canh bị đánh bại dưới tay ngươi, chuyện này giang hồ biết tới, sẽ đồn rằng đại đệ tử của phái Thiếu Lâm thua ngươi, hai chữ “Kiếm Thánh” sẽ càng lừng lẫy hơn. Xem chừng các đệ tử không phải là đối thủ của ngươi, ta đích thân ra tay mới được”. Nghĩ vậy, Vô Tướng tiến lên hai bước, nói:
– Tỷ thí võ công chưa hẳn đã làm tổn thương hòa khí, Hà cư sĩ khỏi cần thoái thác.
Đoạn quay lại quát các đệ tử Đạt Ma đường:
– Mang kiếm ra đây! Chúng ta sẽ lĩnh giáo kiếm thuật của “Kiếm thánh”, xem “thánh” tới mức nào?
Trong chùa các loại khí giới đã được chuẩn bị sẵn, chỉ vì mọi người phải xếp hàng đón khách, không tiện đem ra để khỏi mang tiếng; nay mấy đệ tử nghe Vô Tướng hạ lệnh như thế, liền mang ra bảy tám thanh trường kiếm, hai tay bưng ngang mày, tới trước mặt Hà Túc Đạo, hỏi:
– Chẳng hay Hà cư sĩ sử dụng bảo kiếm tự mang đến, hay dùng loại kiếm tầm thường của tệ tự?
Hà Túc Đạo không đáp, cúi xuống nhặt một viên đá nhọn, bất ngờ vẽ một bàn cờ lớn trên tảng đá xanh trước cổng chùa, ngang dọc mỗi chiều mười chín vạch có khoảng cách đều tăm tắp, vạch nào vạch nấy hằn sâu hơn nửa tấc. Nên biết, tảng đá xanh lát đường kia cứng như sắt, trải qua mấy trăm năm bao người qua lại chỉ bị bào mòn tí chút, nay Hà Túc Đạo tiện tay vẽ bàn cờ mà hằn sâu thế kia, đủ thấy nội công của chàng quả thực hiếm có trong thiên hạ. Mọi người chỉ nghe chàng vừa cười vừa nói:
– Đấu kiếm e là bá đạo, thi thố tiếng đàn thì không có cách gì. Đại hòa thượng đã cao hứng vậy hai ta đấu một ván cờ thôi.
Thiên Minh, Vô Tướng, Vô Sắc cùng Tâm Thiền đường thất lão chứng kiến tuyệt kỹ vô song kia của Hà Túc Đạo đều trố mắt nhìn nhau kinh hãi. Lão phương trượng thừa biết trong chùa không một ai có nội lực hùng hậu như thế; là người có tấm lòng khoáng đạt, đang định lên tiếng nhận thua, bỗng nghe tiếng xiềng xích kêu leng keng, Giác Viễn gánh đôi thùng sắt lớn, theo sau một thiếu niên cao lớn, đi tới trước mặt. Giác Viễn tay tả giữ quang gánh, tay hữu giơ lên hành lễ với Thiên Minh, nói:
– Nghe Phương trượng phán gọi, tiểu tăng tới chờ sai bảo.
Thiên Minh nói:
– Vị Hà cư sĩ kia có điều gì đó muốn nói với ngươi.
Giác Viễn quay sang phía Hà Túc Đạo, thấy không quen biết, liền hỏi:
– Tiểu tăng Giác Viễn, chẳng hay cư sĩ có điều chi dạy bảo?
Hà Túc Đạo vừa vẽ xong bàn cờ, cao hứng nói:
– Câu chuyện ấy để lát nữa nói hẵng chưa muộn. Bây giờ để vị đại hòa thượng đấu với ta một ván cờ đã.
Thực tình chàng không định phô diễn tài ba, song bình sinh đối với ba môn cầm – kỳ – kiếm lại si mê lạ lùng, đã nổi hứng thì trời có sụp chàng cũng bất chấp. Bây giờ chàng nổi hứng đánh cờ, rất cần có người cùng chơi, đã quên hẳn chuyện tỷ thí võ công.
Thiên Minh thiền sư nói:
– Hà cư sĩ vạch đá thành bàn cờ, thần công như thế, bần đạo bình sinh chưa từng thấy, tăng chúng tệ tự nguyện bái phục cư sĩ.
Giác Viễn nghe phương trượng nói thế, nhìn xuống mặt đá thấy bàn cờ lớn vừa vạch ra mới biết người lạ kia tới đây thể hiện võ công, liền để nguyên đôi thùng sắt trên vai, hít một hơi, vận hết công lực dồn xuống hai chân mà bước theo các lằn vạch của bàn cờ.
Bàn chân của Giác Viễn đặt tới đâu là hằn dấu vết rộng năm tấc trên mặt đá chỗ đó, xóa nhòa hết các đường Hà Túc Đạo vừa vạch. Tăng chúng thấy vậy cùng ồ lên sửng sốt. Thiên Minh, Vô Tướng, Vô Sắc lại càng kinh ngạc xen lẫn vui mừng. Ai ngờ một lão tăng ngơ ngơ ngẩn ngẩn như vậy lại có nội công thâm hậu dường này. Mọi người chung sống với Giác Viễn mấy chục năm trong chùa lại không hề nhận biết một chút gì. Thiên Minh, Vô Tướng, Vô Sắc đều hiểu rằng một người dù nội lực mạnh đến mấy cũng chẳng tài nào để lại vết chân trên đá như thế. Đây là nhờ Giác Viễn đang gánh đôi thùng sắt chứa đầy nước, sức nặng tổng cộng phải tới hơn bốn trăm cân. Sức nặng đó từ trên vai dồn xuống dưới chân cùng dây xích sắt sẽ như cái đục đục vào đá, mới xóa nhòa các đường vạch của Hà Túc Đạo. Nếu Giác Viễn đi người không thì chẳng thể làm được như vậy. Dầu sao biết mượn lực làm được điều đó cũng quả là thần công hiếm có trên đời.
Hà Túc Đạo không chờ Giác Viễn đi hết ba mươi tám đường vạch ngang dọc, đã nói to:
– Đại hòa thượng, nội công thâm hậu quá chừng, tại hạ không sao bằng lão rồi!
Giác Viễn lúc này cảm thấy tuy chân khí trong đan điền vẫn rất dồi dào, nhưng hai bàn chân là máu thịt đã đau nhức vô cùng; nghe Hà Túc Đạo nói thế liền dừng bước, mỉm cười hỏi:
– Chắc là cư sĩ thấy khỏi cần đấu cờ nữa?
Hà Túc Đạo đáp:
– Không sai! Khỏi cần đấu cờ nữa, vãn sinh chịu thua rồi. Nay muốn lĩnh giáo kiếm pháp của đại hòa thượng.
Nói đoạn rút phắt thanh trường kiếm giấu dưới đáy huyền cầm, chỉ mũi kiếm giữa ngực mình, chuôi kiếm chênh chếch ra phía ngoài. Chiêu thức khởi đầu thật quái dị, chẳng khác gì dùng kiếm tự sát, trong các thứ kiếm pháp của thiên hạ chưa có chiêu nào khó hiểu như thế.
Giác Viễn nói:
– Lão tăng chỉ biết tụng kinh, quét sân, phơi sách, chứ võ công chẳng biết môn nào cả.
Hà Túc Đạo đời nào chịu tin. Chàng ta cười nhạt, tung mình nhảy tới, thanh kiếm oằn cong rồi bật ra, mũi kiếm đâm thẳng vào ngực Giác Viễn. Xuất chiêu quá nhanh, kiếm pháp nào cũng không lẹ bằng. Thì ra chiêu này không phải đâm thẳng, mà trước hết tụ đủ nội lực rồi mới hất mũi kiếm ra. Nhưng nội công của Giác Viễn quả đã luyện tới cảnh giới tùy tâm sở dục, thu phát tùy ý. Kiếm chiêu của Hà Túc Đạo tuy mau lẹ, song tâm niệm của Giác Viễn còn nhanh hơn, ý sao tay vậy, thân ý hợp nhất; Giác Viễn thu tay phải vào, thùng sắt lớn tức thời được hất ra phía trước mặt, chỉ nghe “keng” một tiếng, mũi kiếm đâm vào thùng, thân kiếm uốn cong thành hình vòng cung. Hà Túc Đạo vội thu trường kiếm, rồi đâm tiếp một kiếm; tay trái của Giác Viễn hất thùng ra, lại nghe “keng” một tiếng.
Hà Túc Đạo nghĩ thầm: “Võ công của lão dù cao đến mấy, với đôi thùng nước nặng thế kia, làm sao lão đủ khả năng tránh kịp thế công mau lẹ của ta? Giả sử lão tay không đối địch, ta còn e ngại đôi phần”. Chàng ta búng ngón tay vào thân kiếm, kiếm thanh phát ra như long ngâm, rồi chàng nói to:
– Đại hòa thượng, hãy cẩn thận!
Thanh trường kiếm chuyển động thoăn thoắt, loang loáng trước sau tả hữu, chỉ vài khoảnh khắc đã tấn công mười sáu chiêu.
Chỉ nghe “keng keng” dồn dập đủ mười sáu tiếng, mười sáu chiêu kiếm thần tốc của Hà Túc Đạo cuối cùng vẫn đâm vào đôi thùng sắt. Mọi người đứng xem thấy Giác Viễn luống cuống chân tay, thân hình loạng choạng, rõ ràng chẳng có vẻ là người biết võ công; nhưng mười sáu chiêu kiếm thần diệu vô phương của Hà Túc Đạo đều bị đôi thùng sắt chậm chạp nặng nề của Giác Viễn cản được hết, mà lại cản được bằng tư thế vụng về đến tức cười.
Vô Tướng, Vô Sắc và các vị cao tăng cùng bất giác lo sợ cho Giác Viễn, đồng thanh la lên:
– Hà cư sĩ, xin hãy nhẹ tay!
Quách Tương cũng nói:
– Chớ nên sát thương!
Mọi người đều thấy Giác Viễn không biết võ công, Hà Túc Đạo là người trong cuộc nhưng đã tận lực tấn công mà vẫn không làm gì nổi đối phương. Chính Giác Viễn chưa từng học võ công; sở dĩ lão hòa thượng chống đỡ được các chiêu kiếm kia hoàn toàn là nhờ nội công thượng thừa mà hòa thượng luyện thành một cách vô chủ ý.
Hà Túc Đạo tấn công mau lẹ không xong, liền quát to một tiếng, thấy loáng ánh hàn quang, mũi kiếm nhắm bụng dưới của Giác Viễn đâm tới. Giác Viễn la hoảng:
– Úi chà!
Trong lúc vội vã, Giác Viễn chụp tay lại, khiến đôi thùng sắt kẹp chặt trường kiếm vào giữa. Hà Túc Đạo ráng sức rút thanh kiếm ra, nhưng không sao lay chuyển nổi. Chàng ứng biến cực nhanh, tay hữu buông luôn kiếm, dùng cả hai tay cùng đẩy thẳng vào mặt Giác Viễn, chưởng lực như bài sơn đảo hải[11].
Lúc này Giác Viễn không còn tay đâu chống đỡ. Trương Quân Bảo đứng bên thấy tình thế của sư phụ thập phần nguy cấp, liền vọt tới, sử dụng chiêu “Tứ thông bát đạt” mà Dương Quá từng dạy cho chàng, đánh chéo một chưởng vào vai Hà Túc Đạo. Lúc này kình lực của Giác Viễn đã truyền vào đôi thùng sắt, hai dòng nước từ đôi thùng bay thẳng tới mặt Hà Túc Đạo. Nước và chưởng lực đụng nhau, nước bắn tung tóe làm cả đôi bên ướt sũng, chưởng lực của Hà Túc Đạo do đó bị triệt tiêu.
Hà Túc Đạo đang tập trung toàn lực tấn công Giác Viễn, không để ý đến Trương Quân Bảo, nên bị trúng một chưởng vào vai. Ai ngờ Trương Quân Bảo còn ít tuổi, chưởng pháp đã lạ mà nội lực cũng khá thâm hậu khiến Hà Túc Đạo đứng không vững phải lùi sang bên tả ba bước.
Giác Viễn nói:
– A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, Hà cư sĩ hãy lượng thứ cho lão tăng! Kiếm của cư sĩ làm cho lão tăng hết cả hồn vía.
Đoạn vội giơ vạt áo lau nước trên mặt và đứng tránh sang một bên.
Hà Túc Đạo cả giận nói:
– Thiếu Lâm tự là nơi ngọa hổ tàng long, quả nhiên lợi hại khôn lường. Ngay một thiếu niên mới ngần này tuổi mà thân thủ cũng đã cao thế này. Gã tiểu tử kia, hai ta phải tỷ thí một phen, nếu ngươi tiếp được mười chiêu của ta, thì Hà Túc Đạo này thề suốt đời không trở lại Trung Châu nữa.
Vô Tướng, Vô Sắc thiền sư đều biết Trương Quân Bảo chỉ là một thiếu niên quét dọn trong Tàng kinh các, chưa hề tập luyện võ công, vừa rồi chẳng hiểu trời đất run rủi thế nào lại đánh trúng một chưởng; chứ nói phải đấu võ thật sự thì nói chi mười chiêu, chỉ e một chiêu cũng đã táng mạng dưới tay Hà Túc Đạo. Vô Tướng liền xen ngang vào:
– Hà cư sĩ lầm rồi! Cư sĩ được tôn là Côn Luân Tam Thánh, võ học siêu tuyệt cổ kim, ai lại đi tỷ thí với một tiểu tử chỉ biết đun nước quét nhà? Nếu cư sĩ vui lòng, lão tăng xin tiếp cư sĩ mười chiêu.
Hà Túc Đạo lắc đầu:
– Cái nhục một chưởng ban nãy, tại hạ há có thể bỏ qua? Tiểu tử, tiếp chiêu đi!
Nói đoạn, Hà Túc Đạo giáng luôn một quyền giữa ngực Trương Quân Bảo. Thế của đòn quyền này nhanh lạ lùng, Trương Quân Bảo lại đứng gần bên chàng ta, Vô Tướng, Vô Sắc có muốn tiếp cứu cũng không kịp.
Ai nấy thầm tội nghiệp cho chàng thiếu niên, chỉ thấy Trương Quân Bảo vẫn đứng yên tại chỗ, chỉ dùng đầu ngón chân di chuyển là thân hình quay sang bên hữu, nhẹ nhàng khéo léo tránh khỏi quyền của đối phương; tiếp đó dùng chiêu “Hữu xuyên hoa thủ”, một chiêu trong quyền pháp cơ bản của phái Thiếu Lâm, tay tả che ngang bụng, tay hữu chém ra, khí ngưng tụ như sơn, chưởng thế như sóng lớn trường giang, dáng dấp y như một cao thủ võ lâm lão luyện, chứ không phải thân thủ của một gã thiếu niên.
Từ lúc bị một chưởng trúng vai, Hà Túc Đạo đã biết nội lực của Trương Quân Bảo vượt xa nhóm Phan Thiên Canh, nhưng chàng tự tin nội trong mười chiêu hẳn sẽ đánh bại gã thiếu niên này; thấy chiêu “Hữu xuyên hoa thủ” tuy là chiêu thức nhập môn của Thiếu Lâm quyền, nhưng lúc phát chưởng và xoay mình, kình lực hùng hậu, thân hình Trương Quân Bảo rất trầm ổn, không để lộ bất cứ sơ hở nào, chàng phải buột miệng thốt:
– Quyền pháp tuyệt diệu!
Vô Tướng nghĩ gì đó, quay sang mỉm cười với Vô Sắc:
– Mừng sư huynh đã có đệ tử đắc ý!
Vô Sắc lắc đầu nói:
– Không phải…
Chợt thấy Trương Quân Bảo sử dụng liên tiếp ba chiêu “Ảo bộ lạp cung”, “Đơn phụng triều dương”, “Nhị lang đản sam”, pháp độ chính xác, kình lực mạnh mẽ, không thua gì một cao thủ của phái Thiếu Lâm.
Thiên Minh, Vô Tướng, Vô Sắc và Tâm Thiền thất lão thấy Trương Quân Bảo sử dụng mấy chiêu của Thiếu Lâm quyền xuất sắc như thế thì cùng nhìn nhau kinh hãi. Vô Tướng nói:
– Quyền pháp của y chính xác, nghiêm cẩn như thế cũng chưa lạ; kỳ lạ nhất là nội công…
Lúc này Hà Túc Đạo đã đánh tới chiêu thứ sáu, nghĩ bụng: “Với một gã thiếu niên miệng còn hôi sữa, ta đối phó chẳng xong, lại cả gan gửi thư khiêu chiến với Thiếu Lâm tự, ắt hẳn các anh hùng trong thiên hạ cười ta vỡ bụng mất thôi”. Đột nhiên chàng quay mình sử chiêu “Thiên Sơn tuyết phiêu” chưởng ảnh quay cuồng vây chặt lấy thân hình Trương Quân Bảo từ tứ diện bát phương.
Về phần Trương Quân Bảo, khi ở trên đỉnh Hoa Sơn chỉ được Dương Quá dạy cho bốn chiêu, ngoài ra chàng chưa hề thụ giáo một danh sư nào cả. Nay đột nhiên bị tấn công bằng một thứ chưởng pháp thượng thừa, kỳ ảo, biến hóa khôn lường, làm sao biết cách chống đỡ? Trong lúc nguy cấp, chàng xoay lưng sang bên trái thành thế “Hàn kê”, song chưởng giơ trên trán, hổ khẩu của hai bàn tay đối xứng nhau, chính là chiêu “Song khuyên thủ” trong Thiếu Lâm quyền. Chiêu này ngưng trọng như núi, tự hóa giải các chiêu thức của đối phương. Bất kể Hà Túc Đạo tấn công từ phương vị nào cũng đều bị “Song khuyên thủ” bao trùm.
Các đệ tử của Đạt Ma đường và La Hán đường reo vang như sấm để bày tỏ sự thán phục và cổ vũ cho Trương Quân Bảo, vì chàng đã dùng một chiêu thức hết sức bình thường trong pho Thiếu Lâm quyền để hóa giải các chiêu thức kỳ ảo của đối phương.
Trong tiếng reo hò, Hà Túc Đạo thét lớn một tiếng, đấm mạnh một quyền vào ngực Trương Quân Bảo. Đòn này kình lực phi phàm. Trương Quân Bảo dùng chiêu “Thiên hoa thất tinh”, đưa song chưởng ra chống đỡ, quyền chưởng đụng nhau, chỉ nghe “bùng” một tiếng, Hà Túc Đạo loạng choạng, còn Trương Quân Bảo phải thoái lui ba bước. Hà Túc Đạo “hừ” một tiếng, sấn tới hai bước, đấm một quyền nữa, kình lực vô biên. Trương Quân Bảo vẫn dùng chiêu “Thiên hoa thất tinh”, song chưởng đẩy mạnh ra. Lại nghe “bùng” một tiếng lớn hơn. Lần này Trương Quân Bảo phải thoái lui năm bước. Hà Túc Đạo nhoài tới, tái mặt quát lớn:
– Chỉ còn một chiêu này nữa, ngươi hãy dùng toàn lực mà đỡ!
Chàng sấn tới ba bước, từ từ đấm một quyền.
Lúc này mấy trăm người ở phía trước Thiếu Lâm tự đều nín thở, ai nấy đều biết đòn này của Hà Túc Đạo liên quan đến thanh danh của cả đời chàng, hẳn chàng dồn hết sức bình sinh vào đó.
Trương Quân Bảo một lần nữa dùng chiêu “Thiên hoa thất tinh”, song lần này quyền chưởng đụng nhau lại không gây ra tiếng vang nào. Đôi bên cùng vận nội công đẩy ra để lấn át đối phương. Nói về chiêu thức võ công thì Hà Túc Đạo am hiểu gấp trăm lần Trương Quân Bảo; nhưng về chuyện tỷ thí nội lực thì Trương Quân Bảo đã học được tâm pháp “Cửu dương chân kinh” nên nội lực dồi dào cứ không ngớt dâng trào. Giữa lúc đó Hà Túc Đạo biết mình không nắm chắc phần thắng, bèn nhảy vọt sang một bên để chưởng lực của Trương Quân Bảo hoàn toàn lạc không, rồi chàng xoay chưởng đẩy nhẹ một cái vào lưng Trương Quân Bảo. Trương Quân Bảo ngã sóng soài xuống đất, nhất thời không đứng dậy nổi.
Hà Túc Đạo phẩy tay, cười khổ, nói:
– Hà Túc Đạo ơi là Hà Túc Đạo, ngươi thật quá ngông cuồng!
Đoạn hướng về phía Thiên Minh thiền sư cúi đầu vái rạp, nói:
– Võ công của Thiếu Lâm tự lừng danh ngàn năm, quả thật phi thường; hôm nay kẻ cuồng sinh này mới sáng mắt ra. Thán phục, thán phục!
Rồi quay người, nhún mình một cái đã vọt ra ngoài xa mấy trượng. Chàng dừng bước, quay lại nói với Giác Viễn:
– Giác Viễn đại sư, câu trối mà người nọ nhờ tại hạ chuyển tới đại sư là “Cuốn kinh ở trong dầu”.
Đoạn chàng nhún mình mấy cái nữa đã lướt đi rất xa, thân pháp nhanh hiếm thấy.
Trương Quân Bảo chậm chạp bò dậy, mặt mũi lấm lem bụi đất. Chàng thiếu niên này tuy bị Hà Túc Đạo đánh ngã, nhưng các cao thủ đều biết Hà Túc Đạo chỉ khôn khéo hơn mà thôi; câu nói của chàng ta trước lúc bỏ đi đã ngụ ý rõ chàng ta không phải là đối thủ của thần công Thiếu Lâm tự.
Vị gầy gò nhất trong Tâm Thiền thất lão đột nhiên lên tiếng:
– Võ công của đệ tử này là do ai truyền thụ?
Giọng nói của lão nghe thé, chói lói y như tiếng cú kêu trong đêm lạnh, ai nấy bất giác rùng mình. Thiên Minh, Vô Tướng, Vô Sắc đều đã nghi ngờ, lúc này cùng quay nhìn Giác Viễn và Trương Quân Bảo. Thầy trò Giác Viễn đứng ngẩn người, nhất thời chưa biết nói sao cho xuôi. Thiên Minh nói:
– Nội công của Giác Viễn tuy tinh thâm, nhưng y chưa học qua quyền pháp. Vậy Thiếu Lâm quyền của gã thiếu niên kia là do ai truyền dạy?
Các đệ tử của Đạt Ma đường và La Hán đường đều nghĩ thầm, chẳng ai ngờ hôm nay bổn tự gặp nguy nan, gã thiếu niên vô danh tiểu tốt kia lại đánh bại cường địch, chắc sẽ được lão phương trượng ban thưởng hậu hĩnh, còn sư phụ truyền thụ nội công và quyền pháp cho y hẳn cũng được hưởng vinh dự lớn.
Lão tăng gầy gò kia thấy Trương Quân Bảo đứng ngẩn người ở đó, không nói được gì, liền cau mày, mặt đầy sát khí, quát lớn:
– Ta hỏi ngươi, pho La Hán quyền là do ai dạy cho ngươi?
Trương Quân Bảo lấy trong túi ra đôi thiết La Hán mà Quách Tương đã tặng và nói:
– Đệ tử xem đôi thiết La Hán này phô diễn mà tự học theo vài chiêu thức, chứ thực tình không được ai truyền dạy cả.
Lão tăng kia bước tới hạ thấp giọng, nói:
– Ngươi hãy nhắc lại cho thật rõ một lần nữa: Pho La Hán quyền hoàn toàn không phải do vị sư phụ nào trong chùa truyền dạy, mà do ngươi tự học lấy.
Giọng nói của lão tuy nhỏ, nhưng lần này đã chứa đựng vẻ dọa nạt.
Trương Quân Bảo thản nhiên, tự nghĩ mình hoàn toàn không làm việc gì xấu, tuy thấy lão tăng hung hăng truy vấn, chàng cũng chẳng sợ, liền nói rõ to:
– Đệ tử tối ngày quét dọn, đun nước pha trà trong Tàng kinh các, hầu hạ sư phụ Giác Viễn. Pho La Hán quyền hoàn toàn không phải do vị sư phụ nào trong chùa truyền dạy mà do đệ tử tự học lấy. Chắc là sử dụng chưa đúng, mong lão sư phụ chỉ giáo.
Mục quang của lão tăng kia dường như nảy lửa, cứ trừng trừng nhìn Trương Quân Bảo hồi lâu.
Giác Viễn biết vị lão tăng Tâm Thiền đường thất lão này vai vế rất cao, lại là sư thúc của Thiên Minh phương trượng; nay thấy lão ta bỗng dưng quát tháo Trương Quân Bảo, Giác Viễn chưa hiểu tại sao nhưng nhìn ánh mắt chứa đầy oán độc của lão ta, Giác Viễn sực nhớ ra năm nọ trong Tàng kinh các ngẫu nhiên có đọc một cuốn sách mỏng.
Cuốn sách mỏng ấy có chép lại một đại sự trong Thiếu Lâm tự.
Hơn bảy chục năm về trước, phương trượng của Thiếu Lâm tự là Khổ Thừa thiền sư, là sư tổ của Thiên Minh thiền sư hiện thời. Tết Trung thu, theo lệ của chùa, mỗi năm đều có cuộc khảo thí võ công của các đệ tử Đạt Ma đường, do phương trượng cùng hai vị thủ tọa Đạt Ma đường và La Hán đường làm chủ khảo, xét võ công của các đệ tử xem một năm qua tiến bộ đến mức nào. Khi các đệ tử trình diễn xong, thủ tọa Đạt Ma đường là Khổ Trí thiền sư thăng tọa bình phẩm.
Bỗng nhiên có một tên đầu đà còn để tóc dài gạt mọi người xông ra, lớn tiếng nói:
– Lời bình phẩm của Khổ Trí thiền sư nghe không ngửi được! Khổ Trí thiền sư căn bản chẳng hiểu võ công là gì, mà cũng đòi làm thủ tọa Đạt Ma đường, thật nhục nhã!
Ai nấy kinh hãi, nhìn kỹ kẻ kia, mới hay đó là tên đầu đà hỏa công chuyên việc nhóm lửa ở bếp Hương Tích. Các đệ tử của Đạt Ma đường chưa đợi sư phụ của mình lên tiếng đã nhất tề quát mắng tên kia. Tên đầu đà ấy quát lại:
– Sư phụ các ngươi ngu xuẩn, các ngươi còn ngu xuẩn hơn!
Đoạn hắn nhảy vào giữa sới võ. Các đệ tử xông tới tấn công hắn, nào ngờ đều bị hắn đánh bại nhanh chóng bằng vài ba quyền cước. Xưa nay trong Đạt Ma đường, các đồng môn đấu với nhau ai nấy đều nương tay, không bao giờ hạ độc thủ. Đằng này tên đầu đà kia ra tay quá tàn ác, chín đại đệ tử Đạt Ma đường, người gãy tay kẻ què chân, người thì thụ trọng thương dưới đòn của hắn.
Khổ Trí thiền sư vừa kinh ngạc vừa tức giận. Thấy hắn sử dụng toàn các chiêu thức của phái Thiếu Lâm, chứ hắn hoàn toàn không phải là cao thủ các môn phái khác cố ý trà trộn vào chùa quậy phá, Khổ Trí thiền sư cố nén giận, hỏi xem võ công của y là do ai truyền dạy.
Tên đầu đà kia đáp:
– Chẳng ai truyền dạy hết, mỗ tự học lấy.
Thì ra tên kia làm việc nhóm lửa ở bếp Hương Tích. Tăng nhân giám quản bếp này là một người tính tình nóng nảy, thô bạo động một tí lại đánh đập thủ hạ. Y biết võ công, lại khỏe như vâm. Trong vòng ba năm, tên đầu đà nhóm bếp bị y đánh hộc máu ba lần nên ngầm oán hận, bí mật học lóm võ công. Người người trong Thiếu Lâm tự đều giỏi võ, muốn học lóm chẳng thiếu gì cơ hội. Hắn đã khổ công rèn luyện, lại có trí hơn người, nên sau hơn hai chục năm đã luyện được võ công thượng thừa. Nhưng hắn vẫn giấu kỹ, không để lộ ra, vẫn lặng lẽ tiếp tục bổn phận nhóm lửa ở nhà bếp. Lão giám quản có đánh đập hắn, hắn cũng không đánh đỡ, nhờ nội công đã tinh thâm nên hắn không thụ thương như trước nữa.
Tên đầu đà này tính nết thâm trầm, hắn suy tính khi nào võ công của hắn giỏi hơn tất cả tăng chúng trong chùa thì hắn mới biểu lộ trong cuộc thi đấu dịp tết Trung thu. Mấy chục năm tích uất lũy hận trong lòng, khiến hắn căm hận tăng chúng trong chùa, vì vậy lúc ra tay hắn không nể nang gì hết.
Khổ Trí thiền sư hỏi rõ nguyên ủy rồi cười nhạt, nói:
– Ngươi khổ tâm học hỏi như vậy, kể cũng đáng kính!
Đoạn thiền sư bước ra tỷ võ với hắn. Thiền sư là cao thủ Thiếu Lâm tự, nhưng một là tuổi đã cao, trong khi tên đầu đà đang độ tráng niên; hai là xuất thủ nương nhẹ, trong khi tên đầu đà toàn hạ độc thủ. Hai bên đấu hơn năm trăm hiệp Khổ Trí thiền sư mới có phần thắng thế; đến chiêu “Đại triền ti”, bốn cánh tay quấn chặt lấy nhau, hai tay của Khổ Trí thiền sư đã ấn vào tử huyệt ở giữa ngực đối phương, chỉ cần phát nội lực một cái là tên đầu đà táng mạng, không còn cách nào hóa giải nổi. Nhưng Khổ Trí thiền sư nghĩ tiếc cho hắn khổ công tự học mà đạt tới võ công thượng thừa, thiền sư không nỡ giết hắn, bèn buông hai tay và quát: “Lui ra!”
Ai ngờ tên đầu đà hiểu lầm hảo ý của Khổ Trí thiền sư, chỉ biết đối phương đang sử một chiêu trong “Thần chưởng bát đả”. “Thần chưởng bát đả” là một trong những tuyệt học của võ Thiếu Lâm; hắn từng thấy các đại đệ tử của Đạt Ma đường sử dụng, song chưởng chỉ chém một cái là đánh gãy một cây cọc, kình lực phi phàm. Võ công của tên đầu đà tuy cao cường nhưng toàn là học lóm, chưa hề được danh sư chỉ giáo; võ Thiếu Lâm bác đại tinh thâm, hắn chỉ dòm trộm thì dù bao nhiêu năm cũng không thể thấu triệt nổi. Khổ Trí thiền sư thực ra dùng chiêu “Phân giải chưởng”, mượn lực giải lực, để đôi bên cùng lùi cả ra, là có ý ngừng đấu. Ai ngờ tên đầu đà lại tưởng lầm là “Liệt tâm chưởng”, chưởng thứ sáu trong “Thần chưởng bát đả”; hắn nghĩ thầm: “Lão muốn giết ta, nhưng đâu có dễ”. Hắn phi thân tới, song quyền cùng giáng xuống.
Song quyền này lực như bài sơn đảo hải ập tới, Khổ Trí thiền sư cả kinh, vội quay chưởng lại chống đỡ nhưng đã muộn; chỉ nghe “răng rắc” mấy tiếng, cánh tay trái và bốn cái xương sườn của thiền sư đã bị đánh gãy.
Tăng chúng đứng bên kinh hoàng biến sắc, nhất tề xông lại tiếp cứu, nhưng Khổ Trí thiền sư chỉ thở thoi thóp, không nói được một lời, nội tạng đã bị trọng thương. Lúc nhìn lại tên hỏa công đầu đà thì nhân lúc hỗn loạn hắn đã lủi đi mất tăm. Khuya hôm đó, Khổ Trí thiền sư viên tịch vì thương thế quá nặng. Trong lúc cả Thiếu Lâm tự đang đau buồn, tên hỏa công đầu đà lại lẻn vào chùa giết hại vị hòa thượng giám quản bếp Hương Tích và năm tăng nhân khác vốn bất hòa với hắn. Cả Thiếu Lâm tự chấn động, phái mấy chục cao thủ đi khắp nơi truy nã hắn, song tìm khắp Giang Nam Giang Bắc cũng chẳng thấy tung tích.
Các vị cao tăng trong chùa vì vụ ấy mà sinh ra tranh cãi, đổ lỗi cho nhau. Thủ tọa La Hán đường Khổ Tuệ thiền sư nổi giận bỏ đi Tây Vực, sáng lập phái Thiếu Lâm Tây Vực. Ba người Phan Thiên Canh, Phương Thiên Lao, Vệ Thiên Vọng là đệ tử tái truyền của Khổ Tuệ thiền sư vậy.
Sau biến cố tang tóc kia, võ học của Thiếu Lâm tự bị suy vong mấy chục năm. Và cũng từ đó, nhà chùa mới có quy định: phàm đệ tử nào không được sư phụ truyền thụ mà học lóm võ công, nếu bị phát hiện, nặng sẽ bị xử tử, nhẹ cũng bị cắt đứt gân mạch toàn thân trở thành phế nhân. Mấy chục năm qua, trong chùa đề phòng nghiêm mật, không còn ai dám học lóm võ công, nên tăng chúng quên dần quy định ác nghiệt kia.
Lão tăng Tâm Thiền đường gầy gò này chính là tiểu đệ tử của Khổ Trí thiền sư năm xưa; cảnh thảm tử của ân sư khắc sâu trong tâm trí lão bảy chục năm qua, nay thấy Trương Quân Bảo lại học lóm võ công thì xúc động hồi tưởng chuyện cũ, ắt vừa buồn vừa giận.
Giác Viễn coi sách trong Tàng kinh các, sách nào cũng đọc qua, chợt nhớ lại chuyện cũ thì toát mồ hôi lạnh, nói:
– Lão phương trượng, việc này… không thể trách cứ Trương Quân Bảo…
Lời chưa dứt, đã nghe thủ tọa Đạt Ma đường Vô Tướng thiền sư quát lớn:
– Các đệ tử Đạt Ma đường, hãy nhất tề xông ra bắt tên tiểu tử kia!
Mười tám đệ tử Đạt Ma đường lập tức ào ra vây lấy thầy trò Giác Viễn từ bốn phương tám hướng. Phương vị của mười tám người đó rất rộng, cả Quách Tương cũng bị ở trong vòng vây.
Lão tăng Tâm Thiền đường gầy gò cao giọng quát lớn:
– Chúng đệ tử La Hán đường, sao không tiến lên hợp lực!
Một trăm linh tám đệ tử La Hán đường đồng thanh “Dạ!” nghe như sấm động, quây thành ba vòng tròn bên ngoài mười tám đệ tử Đạt Ma đường.
Trương Quân Bảo tứ chi luống cuống, cứ ngỡ mình đánh đuổi Hà Túc Đạo là phạm giới quy của chùa, miệng lắp bắp:
– Sư phụ, đệ tử… đệ tử…
Giác Viễn đã hơn mười năm sống chung cùng đệ tử, tình như phụ tử; biết rằng Trương Quân Bảo bị bắt thì chắc hẳn sẽ bị xử tử hoặc biến thành phế nhân. Chỉ nghe Vô Tướng thiền sư quát:
– Sao không động thủ, còn chờ gì nữa?
Mười tám đệ tử Đạt Ma đường miệng niệm nam mô, dợm chân bước tới. Giác Viễn chẳng kịp nghĩ ngợi liền quay đôi thùng sắt một vòng, một luồng kình phong quạt mạnh, ngăn không cho tăng chúng tới gần. Giác Viễn quay mạnh một vòng nữa, hất văng nước trong đôi thùng ra, đoạn nghiêng thùng bên tả múc lấy Quách Tương, nghiêng thùng bên hữu múc lấy Trương Quân Bảo, quay đôi thùng liên tiếp bảy tám vòng nữa. Đôi thùng sắt lớn tựa như hai cây chùy nặng ngàn cân, ai dám giơ tay ngăn cản?
Các đệ tử Đạt Ma đường vội vã dạt cả sang bên. Nhanh như bay, Giác Viễn gánh Quách Tương và Trương Quân Bảo chạy xuống núi. Tăng chúng hô hoán đuổi theo, chỉ nghe tiếng xích sắt càng lúc càng xa dần, đuổi được chừng bảy tám dặm thì không nghe thấy nữa.
Luật lệ của Thiếu Lâm tự rất nghiêm, một khi thủ tọa Đạt Ma đường đã hạ lệnh bắt giữ Trương Quân Bảo, các tăng nhân tuy thấy đuổi chẳng kịp nhưng vẫn phải gắng gượng truy đuổi. Thời gian càng dài, cước lực của từng người lộ ra cao thấp, người nào khinh công kém sẽ tụt lại phía sau. Đuổi tới lúc trời tối thì tốp đi đầu chỉ còn năm đại đệ tử, trước mặt lại là ngã ba, không biết Giác Viễn chạy về ngả nào. Vả lại họ thừa biết, dù có đuổi kịp, bọn họ năm người cũng chẳng địch nổi hai thầy trò Giác Viễn, nên họ đành lủi thủi trở về Thiếu Lâm tự chờ lệnh.
Giác Viễn gánh hai người chạy mấy chục dặm mới dừng bước, nhìn quanh thì đây là một cánh rừng sâu, sương mù bao phủ khắp nơi, từng đàn quạ đang trở về tổ. Giác Viễn tuy nội lực dồi dào, nhưng đã xả thân chạy một mạch xa như thế cũng đã mỏi gối chồn chân, nhất thời kiệt sức chưa thể gỡ đôi thùng sắt ra khỏi vai.
Quách Tương và Trương Quân Bảo từ trong thùng nhảy ra, mỗi người gỡ một chiếc thùng khỏi vai Giác Viễn. Trương Quân Bảo nói:
– Sư phụ hãy nghỉ ngơi, đệ tử đi kiếm thức ăn đã.
Nhưng giữa chốn núi non hoang vu, cỏ cao, dây leo chằng chịt này thì kiếm đâu ra thức ăn. Trương Quân Bảo đi chán chê mới kiếm được ít trái mâm xôi đem về. Ba người ăn qua loa rồi tựa lưng vào phiến đá mà nghỉ.
Quách Tương nói:
– Đại sư, tiểu nữ thấy nhiều tăng nhân Thiếu Lâm tự, ngoài đại sư và Vô Sắc thiền sư ra, đều kỳ quái tệ hại cả.
Giác Viễn chỉ ậm ừ, không nói gì.
Quách Tương nói tiếp:
– Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo tới Thiếu Lâm tự khiêu chiến, cả chùa không ai địch nổi, chỉ nhờ hai thầy trò đại sư đánh lui chàng ta, mới bảo tồn được danh dự Thiếu Lâm tự. Họ đã chẳng cảm kích đại sư thì chớ, lại hùng hùng hổ hổ đòi bắt giữ Trương đệ đây, họ lẫn lộn thị phi hắc bạch như thế, thật vô lý hết sức!
Giác Viễn lại thở dài, nói:
– Việc này cũng không thể trách lão phương trượng và Vô Tướng sư huynh được. Thiếu Lâm tự vốn có một điều luật…
Nói tới đây, Giác Viễn hụt hơi, ho sặc sụa một hồi không dứt. Quách Tương đấm nhè nhẹ vào lưng Giác Viễn, nói:
– Đại sư mệt mỏi rồi, hãy cố ngủ một giấc, ngày mai hãy kể tiếp.
Giác Viễn thở dài:
– Phải, lão tăng thấm mệt rồi.
Trương Quân Bảo nhặt một ít cành khô, nhóm lửa hong khô y phục cho Quách Tương và cho mình. Ba người ngủ tạm dưới gốc một cây cổ thụ.
Quách Tương ngủ đến nửa đêm, chợt mơ mơ màng màng nghe Giác Viễn lẩm bẩm một mình như đang tụng kinh, liền tỉnh giấc. Nàng thấy Giác Viễn nói nhỏ:
– … Lực của đối phương vừa mới chạm tới da ta thì ý niệm của ta đã vào tới xương tủy của y. Hai tay chống đỡ, một hơi quán xuyến. Tả trọng thì tả hư mà hữu đã đi; hữu trọng thì hữu hư mà tả đã đi…
Quách Tương giật mình nghĩ thầm: “Vị hòa thượng này hoàn toàn không phải đang tụng kinh Phật, đại loại ‘Không tức thị sắc, sắc tức thị không’, mà đang đọc võ học quyền kinh thì phải”.
Nàng lắng nghe tiếp:
– … Khí như xa luân, toàn thân phải có khí đi tới; chỗ nào không tới, thân sẽ tán loạn, muốn cứu vãn phải nhờ đến lưng và đùi…
Quách Tương nghe tới câu này thì hiểu rằng Giác Viễn đang đọc một yếu lĩnh võ học, nàng nghĩ thầm: “Vị hòa thượng này hoàn toàn không biết võ công, chỉ đọc sách thành si mê, phàm những gì ghi trong sách, đều coi là thiên kinh địa nghĩa bất di bất dịch. Mấy năm trước trên đỉnh Hoa Sơn, lần đầu gặp lão, mình từng nghe lão nói, rằng Đạt Ma lão tổ sau khi tự tay viết kinh Lăng Già, lại viết bộ ‘Cửu dương chân kinh’ vào các khoảng trống của cuốn kinh Lăng Già; rằng muốn cho thân thể khỏe mạnh cần tập luyện theo bộ ‘Cửu dương chân kinh’. Hai thầy trò lão học theo cách đó, chứ không nhờ ai chỉ giáo, cuối cùng đạt tới được cảnh giới thượng thừa trong thiên hạ từ lúc nào không biết. Năm ấy Tiêu Tương Tử đánh lão một chưởng, lão chịu đòn mà không việc gì, trái lại Tiêu Tương Tử bị trọng thương. Thần công cao siêu như thế, hẳn phụ thân và đại ca ca của mình cũng chưa chắc sánh kịp. Hôm qua thầy trò lão lẳng lặng đánh bại Hà Túc Đạo, có lẽ là nhờ bộ ‘Cửu dương chân kinh’. Lúc này lão đang đọc liệu có phải bộ kinh đó chăng?”
Nghĩ tới đây, để khỏi làm bấn loạn tinh thần của Giác Viễn, nàng rón rén ngồi dậy, lắng nghe lời tụng niệm của Giác Viễn và cố ghi nhớ. Nàng nghĩ thầm: “Nếu quả đó là ‘Cửu dương chân kinh’, thì bộ kinh ấy tinh vi ảo diệu, không thể hiểu trong giây lát.
Mình phải nhớ kỹ, để mai thỉnh giáo lão cũng chưa muộn”. Chỉ nghe Giác Viễn lẩm bẩm:
– … Trước tiên dùng tâm sai khiến thân, theo người chứ không theo mình, theo thân có thể theo tâm, do mình tức là theo người. Do mình ắt trệ, theo người ắt hoạt. Theo được người thì trong tay có sẵn chừng mực, cân đo kình lực kích thước của đối phương không sai một li. Tiến trước thoái sau, bước nào cũng chính xác, càng luyện càng tinh xảo…
Quách Tương nghe tới đây, bất giác lắc đầu, nghĩ thầm: “Không đúng, không đúng. Phụ mẫu mình thường nói, khi đối địch, ta phải chế ngự người trước, chứ không để người chế ngự ta. Vậy là lão đọc sai rồi”. Lại nghe Giác Viễn đọc:
– … Người không động, ta không động, người hơi động, ta đã động trước. Kình lực tưởng nhẹ mà không lỏng lẻo, làm như sắp thi triển mà chưa thi triển, kình lực đã dứt mà ý chưa dứt…
Quách Tương càng nghe càng thấy mông lung. Nàng học võ từ thời thơ ấu, toàn nghe dạy rằng phải trước tiên chế ngự người, chiêu thức nào cũng phải tranh tiên, phải ra tay trước đối phương. Những bí quyết quyền kinh mà Giác Viễn đang đọc, kiểu như câu “Do mình ắt trệ, theo người ắt hoạt”, trái hẳn với những lý thuyết nàng được học bấy nay. Nàng nghĩ thầm: “Khi gặp địch động thủ, đôi bên đấu trí mạng với nhau mà ta lại bỏ ta theo người, kẻ địch muốn Đông ta theo Đông, kẻ địch muốn Tây ta theo Tây, thế thì có khác gì tha hồ cho kẻ địch tấn công?”
Nàng mải nghĩ, Giác Viễn đọc lại nhỏ, nên nàng nghe câu được câu mất. Dưới ánh trăng, bỗng thấy Trương Quân Bảo cũng đang ngồi xếp chân bằng tròn chăm chú lắng nghe, Quách Tương nghĩ thầm: “Bất kể lão nói đúng hay không đúng, mình cứ việc nhớ cho kỹ. Vị hòa thượng này đã khiến Tiêu Tương Tử bị chấn thương, Hà Túc Đạo phải rút lui, là điều chính mình mục kích. Vậy pháp môn võ công mà lão đọc đây hẳn phải có lý lắm”. Thế là nàng lại lắng nghe và cố nhớ.
Giác Viễn cứ nhớ tới đâu đọc thuộc lòng tới đó, có lúc lẫn vào lời văn của kinh Lăng Già, kể về việc Phật tổ ở đảo Lăng Già lên núi thuyết pháp. Là bởi bộ kinh “Cửu dương chân kinh” được viết xen vào chỗ trống của cuốn kinh Lăng Già, Giác Viễn thì cứ rập khuôn mà đọc thuộc lòng, nên mới có sự xen lẫn như vậy. Kinh Lăng Già vốn là văn tự Thiên Trúc, điều Giác Viễn đọc lại là lời dịch, đôi chỗ lẫn lộn, nghe cứ câu được câu mất, may nhờ thông minh đĩnh ngộ, nên Quách Tương vẫn hiểu được vài phần.
Mặt trăng chếch non Đoài, bóng người cứ dài dần ra, tiếng đọc kinh của Giác Viễn cũng thấp dần, nghe chẳng rõ nữa. Quách Tương liền lên tiếng:
– Đại sư, đại sư đã mệt suốt cả ngày rồi, xin hãy nằm nghỉ một chút.
Giác Viễn tựa hồ không nghe thấy lời khuyên của nàng, vẫn tiếp tục đọc:
– … Mượn lực của người, khí phát ra từ sống lưng. Vì sao khí từ sống lưng phát ra? Khí trầm xuống dưới, do hai vai thu vào cột sống, dồn xuống thắt lưng. Khí này từ trên đi xuống, gọi là hợp. Từ thắt lưng lan ra cột sống, ra hai cánh tay, khí này từ dưới đi lên, gọi là khai. Hợp là thu vào, khai là phóng ra. Hiểu được khai hợp là biết âm dương…
Tiếng tụng kinh của Giác Viễn càng lúc càng nhỏ, cuối cùng im bặt, hình như lão hòa thượng đã ngủ thiếp đi.
Quách Tương và Trương Quân Bảo không dám kinh động, chỉ lặng lẽ ngồi ôn lại lời kinh.
Trên trời trăng đã lặn, sao đã mờ. Mây đen kéo tới bao phủ tứ phía, mặt đất tối như mực. Chừng bằng thời gian ăn xong một bữa, phía đông sáng dần, chỉ thấy Giác Viễn nhắm mắt, ngồi bất động, nét mặt như lộ vẻ tươi cười.
Trương Quân Bảo chợt thấy phía sau một gốc cổ thụ thoáng một bóng người, hình như đó là vạt áo cà sa màu vàng. Chàng giật mình, hỏi to:
– Ai đó?
Chỉ thấy một hòa thượng cao gầy từ phía sau thân cây bước ra. Chính là thủ tọa La Hán đường Vô Sắc thiền sư.
Quách Tương vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, hỏi:
– Đại hòa thượng sao cứ đuổi theo mãi thế? Lẽ nào cứ phải bắt hai thầy trò họ về chùa mới được hay sao?
Vô Sắc thiền sư đáp:
– Thiện tai, thiện tai! Lão tăng còn biết phải trái, đâu phải là kẻ chỉ biết câu nệ giới luật xưa cũ. Lão tăng tới đây từ lúc nửa đêm, nếu định động thủ thì khỏi cần chờ tới lúc này. Này Giác Viễn sư đệ, Vô Tướng thiền sư suất lĩnh đệ tử Đạt Ma đường đang đuổi về phía đông, thầy trò sư đệ hãy mau mau chạy về phía tây!
Chỉ thấy Giác Viễn cứ cúi đầu nhắm mắt, vẫn chưa tỉnh giấc.
Trương Quân Bảo bước lại, thưa:
– Sư phụ tỉnh dậy thôi, có thủ tọa La Hán đường đang nói chuyện với sư phụ đó.
Giác Viễn vẫn bất động. Trương Quân Bảo kinh hãi, vội rờ tay vào trán sư phụ, thấy lạnh giá như băng, thì ra Giác Viễn đã viên tịch từ lúc nào rồi. Trương Quân Bảo đau đớn phục xuống, gọi to:
– Sư phụ! Sư phụ!
Tiếng gọi của chàng làm sao có thể khiến sư phụ tỉnh lại kia chứ?
Vô Sắc thiền sư chắp tay hành lễ, miệng niệm kệ:
– Chư phương vô vân ế, tứ diện giai thanh minh, vi phong xuy hương khí, chúng sơn tịnh vô thanh.
Kim nhật đại hoan hỉ, xả tức nguy thúy thân. Vô sân diệc vô ưu, ninh bất đương hân khánh?[12]
Đoạn Vô Sắc thiền sư nhẹ nhàng rời chân.
Trương Quân Bảo khóc một hồi, Quách Tương cũng chảy không ít lệ. Tăng chúng Thiếu Lâm tự khi viên tịch đều được hỏa táng; hai người bèn nhặt củi, chất lại hỏa thiêu Giác Viễn.
Quách Tương nói:
– Này Trương đệ, tăng chúng Thiếu Lâm tự sẽ không buông tha đệ đâu, đệ phải hết sức thận trọng đó. Chúng ta chia tay ở đây, ngày sau ắt sẽ có dịp gặp lại.
Trương Quân Bảo ứa lệ, nói:
– Quách tỷ tỷ đi đâu? Còn tiểu đệ biết đâu mà đi đây?
Quách Tương nghe Trương Quân Bảo hỏi đi đâu thì nàng cũng mủi lòng, nói:
– Tỷ tỷ thì góc biển chân trời, hành tung bất định; tỷ tỷ cũng chưa biết mình sẽ đi đâu. Đệ thì tuổi còn nhỏ, lại chưa duyệt lịch trong giang hồ. Tăng chúng Thiếu Lâm tự đang lùng sục tróc nã đệ. Vậy…
Nói tới đây nàng rút cái vòng vàng đeo ở cổ tay ra, trao cho Trương Quân Bảo dặn:
– Đệ hãy cầm cái này, đến thành Tương Dương tìm phụ mẫu tỷ tỷ, họ sẽ che chở cho đệ. Được phụ mẫu tỷ tỷ che chở thì dù tăng chúng Thiếu Lâm tự tàn ác đến mấy, đệ cũng khỏi lo.
Trương Quân Bảo rưng rưng lệ đỡ lấy chiếc vòng. Quách Tương lại nói:
– Đệ hãy thưa với phụ mẫu tỷ tỷ, rằng tỷ tỷ rất khỏe và vui, để họ khỏi nặng lòng thương nhớ. Phụ thân tỷ tỷ rất quý các thiếu niên anh hùng, thấy đệ là người tài năng, không chừng sẽ nhận đệ làm đệ tử. Còn em trai của tỷ tỷ rất thật thà trung hậu, nhất định sẽ thân với Trương đệ. Riêng chị gái của tỷ tỷ tính tình nóng nảy, có điều gì không bằng lòng là chị ấy bốp chát, chẳng nể nang gì đâu. Nhưng đệ chỉ cần nghe theo chị ấy là ổn thỏa.
Nói xong nàng quay mình đi liền.
Trương Quân Bảo cảm thấy trời đất bao la mà mình không chốn nương thân. Chàng đứng rất lâu bên chỗ hỏa táng sư phụ, rồi mới bước đi. Đi hơn mười trượng, chàng bỗng quay lại, lấy đôi thùng sắt của sư phụ gánh lên vai, rồi thong thả bước. Giữa chốn núi rừng hoang vu, một thiếu niên cao gầy lầm lũi trơ trọi đi về hướng tây, trông tội nghiệp vô cùng.
Đi đã nửa tháng, tới địa giới Hồ Bắc, còn cách thành Tương Dương không bao xa. Tăng chúng Thiếu Lâm tự vẫn không đuổi kịp chàng. Đó là nhờ Vô Sắc thiền sư ngầm hỗ trợ, chỉ dẫn tăng chúng đuổi ngược đường về hướng đông nên càng ngày càng cách xa chàng.
Chiều một ngày nọ, chàng tới chân một dải núi lớn, chỉ thấy cây cối um tùm rậm rạp, sơn thế cực kỳ hùng vĩ. Hỏi khách bộ hành ngang qua mới biết đây là núi Võ Đang.
Chàng ngồi tựa lưng vào một tảng đá dưới chân núi nghỉ ngơi. Chợt thấy hai người nhà quê, một nam một nữ, sánh vai nhau đi trên con đường mòn ngang qua chỗ chàng, thái độ thân mật rõ là một cặp vợ chồng trẻ. Cô vợ cứ luôn miệng trách chồng, còn anh chồng thì cúi đầu lầm lũi mà đi.
Cô vợ nói:
– Chàng là nam nhi đại trượng phu, không tự lập thân, cứ đi nhờ vả người anh rể nên mới bị họ sỉ nhục như vậy. Vợ chồng mình đủ chân đủ tay, tự làm lấy mà ăn, tuy rau dưa đạm bạc nhưng được cái tự do ung dung. Đằng này chàng chẳng có chút chí hướng gì hết, sống trên đời cứ như cái giá áo túi cơm vậy.
Anh chồng ậm ừ mấy tiếng. Cô vợ lại nói:
– Cổ nhân có câu “Cùng lắm là chết, chết thì hết chuyện”, hà tất chàng cứ phải dựa dẫm kẻ khác mới sống được hay sao?
Anh chồng bị vợ trách một hồi, không dám nói lại một câu, ngượng đỏ cả mặt, cứ thế mà đi.
Những lời cô vợ kia nói, câu nào cũng buộc Trương Quân Bảo phải suy nghĩ. “Chàng là nam nhi đại trượng phu, không tự lập thân… nên mới bị họ sỉ nhục như vậy… Cổ nhân có câu ‘Cùng lắm là chết, chết thì hết chuyện’, hà tất chàng cứ phải dựa dẫm kẻ khác mới sống được hay sao?” Chàng cứ ngẩn ra nhìn theo cặp vợ chồng kia. Bỗng thấy anh chồng ngẩng đầu lên, thẳng lưng lại, nói mấy câu gì đó, rồi hai vợ chồng cười rộ một hồi; tựa hồ anh chồng đã quyết chí tự lập nên cả hai mới vui vẻ như thế.
Trương Quân Bảo nghĩ bụng: “Quách cô nương bảo rằng bà chị của cô nương tính tình nóng nảy, nói năng bốp chát chẳng nể nang ai, mình phải nhất nhất nghe lời chị ta. Mình là nam nhi đại trượng phu, hà tất phải cúi đầu nín nhịn, ủy khúc cầu toàn ư? Cặp vợ chồng nông phu kia còn biết nỗ lực tự cường, Trương mỗ ta há phải làm nô lệ cho người sai khiến?”
Nghĩ như thế, tâm ý đã quyết, chàng đứng dậy, quẩy đôi thùng đi lên núi, tìm một cái hang, khát uống nước suối, đói ăn trái cây, chăm chỉ luyện tập theo “Cửu dương chân kinh” do sư phụ Giác Viễn truyền thụ.
Mấy năm sau, chàng chợt ngộ ra: “Đạt Ma tổ sư là người Thiên Trúc, nếu soạn bộ kinh bằng văn tự Trung Hoa ta thì lời văn ắt thô sơ. Đằng này bộ ‘Cửu dương chân kinh’ lời văn cô đọng thâm thúy, người ngoại quốc quyết không thể sáng tác được như thế. Đây hẳn là sáng tác của các nhân sĩ Trung Châu, đa phần là các tăng lữ Thiếu Lâm tự; rồi mượn danh Đạt Ma tổ sư mà chép xen vào cuốn kinh ‘Lăng Già’ bằng văn tự Thiên Trúc”. Giác Viễn đã tin tưởng hoàn toàn vào lời văn trong cuốn kinh. Trương Quân Bảo lúc này còn ít tuổi, cũng không dám quả quyết rằng suy đoán của mình là đúng.
Chàng được sư phụ Giác Viễn truyền thụ đã lâu nên bộ “Cửu dương chân kinh” nhớ được năm, sáu phần, sau mười mấy năm trời, nội lực tăng tiến rất nhiều, chàng lại đọc nhiều kinh Đạo tạng, hiểu biết rất sâu về thuật luyện khí của Đạo gia. Một bữa nọ đang lững thững dạo chơi trong núi, ngẩng lên nhìn trời thấy mây trôi như nước chảy, Trương Quân Bảo chợt ngộ ra, trở vào hang vắt óc suy nghĩ bảy ngày bảy đêm, cuối cùng lĩnh hội được đạo lý trong võ công là lấy nhu khắc cương, bèn ngẩng mặt lên trời mà cười vang.
Đấy là tiếng cười của một vị đại tông sư thừa tiên khải hậu, người đã dựa vào quyền pháp mà mình sở ngộ, đạo lý “Xung hư viên thông” của Đạo gia và nội công nói trong bộ “Cửu dương chân kinh” mà phát minh, sáng lập nên phái Võ Đang – một môn phái võ công rạng rỡ ngàn thu.
Về sau chàng du ngoạn lên phía bắc, đến Bảo Minh, thấy ba đỉnh núi sừng sững giữa biển mây, về võ học lại ngộ thêm, bèn lấy tự hiệu Tam Phong, và Trương Tam Phong trở thành kỳ nhân độc nhất vô nhị trong lịch sử võ học Trung Hoa.