Hồi 36: Ba sợi dây cuốn mấy cây tùng

Dưới cơn mưa như trút, số người tuần tra trên mái nhà và các nơi giảm đi rất nhiều. Trương Vô Kỵ men nhờ các góc tường, các gốc cây che khuất mà đuổi theo một mạch. Chàng thấy Viên Chân nhảy qua bức tường sau chùa thì nghĩ thầm: “Hóa ra nghĩa phụ bị nhốt ở bên ngoài, hèn gì trong chùa không có một chút dấu vết nào cả”. Chàng không dám công nhiên nhảy qua tường ra ngoài, đành từ chân tường thong thả leo lên, đến bờ tường rồi chàng đợi cho đám tuần tra bên ngoài đi qua, mới dám nhảy xuống.

Trong lớp mưa giăng, chàng thấy chiếc dù của Viên Chân ở phía bắc, cách chùa chừng một trăm trượng, thì rẽ sang trái, đi nhanh như gió lên một đỉnh núi nhỏ. Viên Chân đã ngoài bảy mươi tuổi, vậy mà thân thủ vẫn nhanh nhẹn lạ thường; chỉ thấy hắn đi lên núi mà cây dù không hề chao động, cứ thẳng lên tựa hồ có người buộc dây dài kéo hắn lên vậy.

Trương Vô Kỵ rảo bước tới chân núi, đang định tiến lên, bỗng thấy bên cạnh sơn đạo có bạch quang loang loáng, có kẻ cầm binh khí mai phục ở đó. Chàng vội dừng bước, thoáng chốc đã thấy từ sau các lùm cây lần lượt có bốn người nhảy ra, ba người đi trước, một người đi sau, cùng chạy lên đỉnh núi. Nhìn lên đỉnh núi, chỉ thấy trên cùng có mấy cây tùng xanh rì, không hề có nhà cửa gì hết, chẳng hiểu Tạ Tốn bị nhốt nơi nào. Thấy xung quanh không còn ai khác, chàng bèn theo lên trên đỉnh núi.

Bốn người đi trước khinh công rất cao siêu, chàng gia tăng cước bộ, đuổi theo sau, cách họ chừng hai chục trượng. Trong bóng đêm, chàng nhận ra một nữ, ba nam, trang phục theo lối tục gia, nghĩ thầm: “Bốn người này chắc là đến đây gây chuyện với nghĩa phụ ta, vậy cứ mặc cho họ đánh nhau với Viên Chân cho chết bớt đi, ta chẳng vội ra tay làm gì”. Sắp tới đỉnh núi, bốn người kia càng chạy nhanh hơn. Chàng bỗng nhận ra hai người trong số đó: “Ồ, thì ra là hai vợ chồng Hà Thái Xung, Ban Thục Nhàn phái Côn Luân”.

Chỉ nghe Viên Chân hú một tiếng dài, quay mình lại, chạy vụt trở xuống. Trương Vô Kỵ vội ẩn mình vào bụi cỏ ven đường, nằm mọp xuống mà bò sang bên trái vài trượng, đã nghe tiếng binh khí chạm nhau chát chúa, vậy là Viên Chân đã động thủ với mấy người kia.

Qua tiếng binh khí chạm nhau, biết là hai người đấu với một mình Viên Chân. Chàng chợt nghĩ bụng: “Nếu hai người còn lại không tham chiến, tức là họ lên đỉnh núi tìm nghĩa phụ ta rồi”. Chàng vội lẩn trong các bụi cỏ mà đi lên.

Tới đỉnh núi rồi, thấy đó là một khoảng đất trống bằng phẳng, không có nhà cửa gì hết, chỉ có ba cây tùng cao ngất mọc thành hình chữ phẩm, cành uốn khúc trên không trung như ba con rồng, chàng thầm ngạc nhiên: “Chẳng lẽ nghĩa phụ bị nhốt không phải ở đây?”

Bỗng nghe trong đám cỏ phía bên phải có tiếng sột soạt, ai đó đang bò, rồi tiếng Ban Thục Nhàn nói:

– Phải mau động thủ, hai vị sư đệ chưa chắc địch nổi tăng nhân kia đâu.

Hà Thái Xung đáp:

– Đúng thế.

Hai người liền đứng thẳng dậy, xông tới giữa ba cây tùng. Trương Vô Kỵ lo rằng Tạ Tốn cũng ở gần đâu đây, chàng không dám sơ sảy chút nào, vội từ trong đám cỏ trườn lên.

Đột nhiên nghe Hà Thái Xung hự lên một tiếng, hình như đã bị thương. Trương Vô Kỵ nghển cổ lên nhìn, thấy Hà Thái Xung đang ở khoảng giữa ba cây tùng, vung trường kiếm như cùng ai đó giao đấu, song lại không thấy đối phương đâu cả, chỉ nghe vọng lại mấy tiếng bộp bộp, tựa hồ trường kiếm đụng vào một thứ binh khí quái dị nào đó. Chàng lấy làm lạ, bò lên thêm vài bước, căng mắt nhìn, bất giác cả kinh.

Thì ra hai cái gốc cây tùng đối diện với chàng đều lõm vào thành một cái hốc, đủ chứa một người, trong mỗi hốc cây có một lão tăng, tay múa một sợi dây màu đen dài ngoẵng, đánh tới vợ chồng Hà Thái Xung. Cây tùng thứ ba ở phía sau lưng Trương Vô Kỵ, cũng có một sợi dây màu đen đánh ra, tất cũng có một lão tăng ngồi trong hõm cây. Trong đêm tối, ba sợi dây màu đen uốn lượn tấn công, đâu có hình bóng gì cho đối phương trông thấy. Hai vợ chồng Hà Thái Xung vội múa tít trường kiếm phòng thủ thật nghiêm mật, không nhìn thấy đường đi của binh khí đối phương, nên không có cách gì phản kích. Ba sợi dây màu đen trông thì có vẻ chậm, song thực ra rất nhanh, lại không phát ra hơi gió, dưới trời mưa như trút, trên đỉnh núi trơ trọi, giữa đêm tối bít bùng, trông y như ma quỷ hiện hình.

Hai vợ chồng Hà Thái Xung luôn miệng kêu la chỉ điểm cho nhau, cố thoát ra khỏi vòng vây hình chữ “phẩm”, nhưng mỗi lần xông ra, đều bị ba sợi dây dồn trở vào. Trương Vô Kỵ thầm kinh ngạc, thấy ba sợi dây múa lên không một tiếng động, tức là nội lực của người múa dây phản chiếu không minh, công lực tinh thuần, không còn lộ chút vấp váp gì, chính chàng cũng không sánh nổi, hoảng sợ nghĩ thầm: “Viên Chân có nói rằng nghĩa phụ do ba vị thái sư thúc canh giữ, chắc là ba vị lão tăng kia, công lực của họ thực quá ư thâm hậu!”

Chỉ nghe một tiếng rú Ối” thảm thiết, sống lưng Hà Thái Xung đã bị một sợi dây quật trúng, cuộn y lại, ném văng ra xa, có lẽ hết sống nổi. Ban Thục Nhàn vừa hoảng hốt vừa đau đớn, sơ ý một chút, bị ngay ba sợi dây cùng quất tới vỡ đầu, gãy vụn tứ chi, không còn hình dạng con người. Một sợi dây đen cuốn xác bà ta quăng ra xa.

Viên Chân vừa đánh vừa rút lên đỉnh núi, miệng nói:

– Gớm thật, có giỏi thì lên đây chịu chết!

Hai đại hán đối địch với Viên Chân đều là cao thủ phái Côn Luân, xét về võ công thì Viên Chân chẳng hề thua kém, nhưng đâu dễ giết được họ; giỏi lắm hắn cũng chỉ đả thương được một người, người thứ hai sẽ tẩu thoát mất; bởi vậy hắn mới dụ họ tới chỗ ba cây tùng.

Hai người kia cách chỗ ba cây tùng vài trượng, thấy xác Hà Thái Xung nằm đó, bèn cùng dừng bước, không đề phòng có hai sợi dây dài từ phía sau lẳng lặng bay tới cuốn vào người họ mà quẳng từ đỉnh núi cao hơn trăm trượng xuống vực sâu. Hai người rơi xuống chết tươi ngay, nhưng tiếng kêu thảm thiết của họ lúc đang rơi thì cứ vang qua dội lại giữa hai vách núi hồi lâu chưa dứt.

Trương Vô Kỵ thấy ba vị lão tăng trong giây lát đã lấy mạng bốn đại cao thủ phái Côn Luân, ra tay tàn bạo mà nhẹ nhàng như chơi, võ công cao siêu đến thế, thật hiếm có trên đời; xem ra cao hơn Lộc Trượng Khách và Hạc Bút Ông; tuy chưa bì được với sự cao thâm khôn lường của thái sư phụ Trương Tam Phong, nhưng cũng đạt tới cảnh giới thần minh. Phái Thiếu Lâm còn các bậc nguyên lão như thế này, xem chừng ngay cả thái sư phụ và Dương Tiêu cũng không biết. Trống ngực đập thình thình, chàng nằm mọp trong bụi cỏ, không dám động đậy.

Chỉ thấy Viên Chân giơ chân đá luôn hai cái xác Hà Thái Xung và Ban Thục Nhàn xuống vực sâu. Hai tử thi rơi một hồi lâu, mới mới nghe vọng lên tiếng ình ịch. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Hà Thái Xung đối với ta lấy oán báo đức, hôm nay lại muốn đến hại nghĩa phụ ta để cướp bảo đao, nhân cách thấp hèn, nhưng võ công cao siêu, vào hạng tông sư môn phái trong võ học, không ngờ bị kết cục thảm hại như vậy”.

Chỉ nghe Viên Chân cung kính nói:

– Ba vị thái sư thúc thần công cái thế, vừa phẩy tay đã lấy mạng bốn đại cao thủ phái Côn Luân, Viên Chân khâm phục vô cùng, không thể diễn tả bằng lời.

Một lão tăng hừ một tiếng, không trả lời. Viên Chân lại nói:

-Viên Chân phụng mệnh phương trượng sư thúc, kính cẩn lên thỉnh an ba vị thái sư thúc, xin được nói chuyện với tên tù vài câu.

Một giọng khô khan nói:

– Không Kiến sư điệt tài cao đức trọng, ba lão phu đây yêu quý vô cùng, những mong y phát dương võ học phái Thiếu Lâm, chẳng may y chết bởi tay kẻ gian. Ba lão phu đây tọa quan đã mấy chục năm, vốn không màng tới việc trần tục, nay cũng vì Không Kiến sư điệt mà tới đỉnh núi này, kẻ gian kia có chết cũng đáng, một đao chém hắn cho xong, hà tất phải nhiều lời cho thêm phiền việc thanh tu của ba lão phu đây?

Viên Chân cúi mình nói:

– Thái sư thúc dạy chí phải. Có điều là phương trượng sư thúc bảo: ân sư của đệ tử tuy bị kẻ gian hãm hại, song võ công của ân sư đệ tử cao siêu vô cùng, kẻ gian kia làm sao một mình lại giết nổi? Cho nên đem nhốt hắn ở đây, phiền ba vị thái sư thúc nhọc lòng canh giữ, trước là để dẫn dụ đồng bọn của hắn tới cứu, thế là có dịp trừ sạch những kẻ năm xưa hãm hại ân sư của đệ tử, không cho một đứa nào lọt lưới; hai nữa là buộc hắn giao lại thanh đao Đồ Long, không để cây bảo đao đó rơi vào tay phái khác, soán đoạt cái tên “võ lâm chí tôn”, làm tổn hại uy vọng ngàn năm của bổn phái.

Trương Vô Kỵ nghe Viên Chân nói tới đây thì không khỏi nghiến răng, nghĩ thầm: “Tên ác tặc Viên Chân này dẫu đem tùng xẻo cũng không hết tội. Hắn khéo mồm khéo miệng mời được ba vị lão tăng đã mấy chục năm không lý đến trần tục, nay mượn tay ba vị đó giết các cao thủ võ lâm”. Chỉ nghe một vị lão tăng “hừm” một tiếng, nói:

– Vậy có gì thì ngươi nói với hắn đi.

Lúc này mưa vẫn chưa tạnh, tiếng sấm ỳ ầm không dứt. Viên Chân đi tới khoảng giữa ba cây tùng, quỳ xuống, nói vọng xuống đất:

– Tạ Tốn, đã nghĩ kỹ chưa, chỉ cần ngươi nói ra nơi cất giấu thanh đao Đồ Long, ta sẽ lập tức thả cho ngươi đi.

Trương Vô Kỵ lấy làm lạ: “Hắn nói xuống mặt đất, không lẽ ở đấy có một địa lao, nghĩa phụ ta bị nhốt dưới đó hay sao?”

Bỗng nghe một giọng trong trẻo hơn của một vị lão tăng nói với vẻ bực bội:

– Viên Chân, người xuất gia không được cuồng ngữ, ngươi lại nói dối hắn là sao? Nếu hắn khai ra nơi cất giấu bảo đao, không lẽ ngươi thả hắn ra thật ư?

Viên Chân đáp:

– Xin thái sư thúc minh giám, đệ tử thiển nghĩ, mối thù của ân sư tuy quá sâu, nhưng đặt lên bàn cân, thì uy vọng của bản phái còn nặng hơn. Chỉ cần hắn khai ra nơi cất giấu bảo đao, bổn phái có được cây bảo đao rồi, sẽ thả cho hắn đi. Ba năm sau đệ tử sẽ đi tìm hắn báo thù cho ân sư cũng được.

Lão tăng kia nói:

– Như thế cũng phải. Trong võ lâm, tín nghĩa làm đầu, lời nói ra như mũi tên rời nỏ, dù đối với kẻ đại gian đại ác, đệ tử phái Thiếu Lâm cũng không thất tín với người.

Viên Chân nói:

– Xin kính cẩn tuân theo lời giáo huấn của thái sư thúc.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Ba vị lão tăng kia không chỉ võ công trác tuyệt, mà còn là các cao tăng đức độ. Chỉ tiếc là họ rơi vào gian kế của Viên Chân mà không hay biết”. Chỉ nghe Viên Chân quát to xuống phía dưới:

– Tạ Tốn, lời của thái sư thúc ta, ngươi nghe rõ chưa? Ba vị lão nhân gia bằng lòng cho ngươi đào tẩu đấy.

Chợt từ dưới lòng đất vọng lên tiếng nói:

– Thành Côn, ngươi còn mặt mũi nào nói chuyện với ta nữa?

Trương Vô Kỵ nghe giọng nói hùng dũng, lạnh lùng, chính là giọng nói của nghĩa phụ, thì trong lòng chấn động, hận không thể lập tức xông lên đánh chết Thành Côn, cứu Tạ Tốn ra. Nếu chàng xuất hiện, ba sợi dây đen của ba vị cao tăng Thiếu Lâm sẽ đánh tới liền; dù Thành Côn không ra tay, chàng cũng không thể địch nổi ba vị cao tăng kia liên thủ; chàng đành cố dằn lòng, nghĩ thầm: “Đợi cho tên ác tăng Viên Chân này đi khỏi, mình sẽ ra bái kiến ba vị cao tăng, nói rõ đầu đuôi nguyên do. Ba vị cao tăng Phật pháp tinh thâm, không lẽ không rõ phải trái”.

Chỉ nghe Viên Chân thở dài nói:

– Tạ Tốn, ta và ngươi tuổi đều đã cao, mọi chuyện xa xưa, hà tất cứ phải khắc khoải trong lòng? Cùng lắm cũng chỉ hai chục năm nữa, ta và ngươi cùng về trong lòng đất. Những gì ta không phải đối với ngươi, cũng như những gì tốt đẹp giữa hai ta, thôi thì xóa sạch đi là xong.

Tạ Tốn nghe hắn dài dòng, cứ mặc kệ, đến lúc hắn dừng lời, chỉ nói:

– Thành Côn, ngươi còn mặt mũi nào nói chuyện với ta nữa?

Viên Chân nói qua nói lại một hồi, Tạ Tốn cũng chỉ có mỗi một câu “Thành Côn, ngươi còn mặt mũi nào nói chuyện với ta nữa?”

Cuối cùng Viên Chân lạnh lùng nói:

– Ta hạn cho ngươi ba ngày để suy nghĩ. Ba hôm nữa, nếu ngươi vẫn không chịu nói ra thanh đao Đồ Long ở đâu, hẳn ngươi cũng đoán biết ta sẽ xử ngươi như thế nào.

Rồi hắn đứng lên, chắp tay bái biệt ba vị cao tăng mà đi xuống núi.

*

*       *

Trương Vô Kỵ chờ hắn đi xa, đang định bước ra thưa chuyện với ba vị cao tăng, bỗng cảm thấy không khí bên cạnh mình có điều gì khác lạ, một cuộc tập kích không hề có dấu hiệu báo trước, chàng vội lăn đi, thấy có hai vật dài ngoẵng vút qua mặt, cách chưa đến nửa thước, thế đi cực nhanh mà không có kình phong, chính là hai sợi dây đen. Chàng lăn đi hơn trượng, lại thấy một sợi dây đen khác chạm tới ngực, sợi dây đen biến thành một thứ binh khí thẳng băng, y như mũi thương, đầu gậy chọc tới; cùng lúc đó hai sợi dây đen khác từ phía sau cuộn tới.

Chàng đã chứng kiến bốn cao thủ phái Côn Luân trong giây lát bị táng mạng bởi ba sợi dây đen này, biết đây là một loại binh khí quái dị cực kỳ lợi hại; bây giờ chính mình phải đối phó với chúng, càng kinh hãi hơn. Chàng đưa tay trái chộp được sợi dây đánh vào ngực, đang tính hất sang bên, bỗng thấy nó rung lên một cái, một luồng kình lực như bài sơn đảo hải tống vào ngực, nếu trúng phải nó, ắt gân cốt đứt gãy, ngũ tạng nát nhừ. Trong cái sát-na nhanh như tia chớp ấy, chàng vung tay phải về phía sau hất hai sợi dây đen đánh tới sau lưng, tay trái thì sử dụng tâm pháp “Càn khôn đại na di”, phối hợp với “Cửu dương thần công” vừa nâng lên vừa đẩy ra, nhún mình bay thẳng lên cao.

Ngay lúc ấy, trên trời sáng lóe ba, bốn tia chớp, hai vị lão tăng cùng kêu “Ôi” một tiếng, tựa hồ họ kinh ngạc về võ công của chàng. Mấy ánh chớp soi rõ thân hình chàng, ba vị lão tăng cùng ngẩng đầu nhìn lên, thấy kẻ có thần công tuyệt đỉnh chỉ là một thiếu niên quê mùa mặt mày lem luốc, thì họ càng kinh ngạc. Ba sợi dây đen liền như ba con rồng nhe nanh múa vuốt bay vút lên theo, chia ba phía mà chụp tới. Trương Vô Kỵ nhờ ánh chớp, cũng nhìn rõ diện mạo ba vị lão tăng. Vị ngồi ở góc đông bắc mặt đen sạm như chì. Vị ngồi ở góc tây bắc mặt vàng như nghệ. Vị ngồi ở phía chính nam thì mặt trắng bệch như tuyết. Ba vị lão tăng đều má hõm sâu, gầy chỉ còn da bọc xương, vị mặt vàng lại chột mắt. Năm con mắt của ba vị lão tăng dưới ánh chớp trông càng lấp lánh có thần.

Trương Vô Kỵ thấy ba sợi dây sắp cuốn vào thân mình, liền tay trái gạt, tay phải kéo, một tay cuộn một tay xoay, mượn kình lực của ba vị lão tăng cuốn ba sợi dây vào nhau; chiêu thế này chính là “Thái cực tâm pháp” do Trương Tam Phong truyền thụ, kình lực trên ba sợi dây lập tức bị cuộn lại với nhau. Đúng lúc ấy trên trời nổ đoành đoành mấy tiếng sét, rồi tiếng sấm lan đi ầm ầm, thật là kinh tâm động phách. Trương Vô Kỵ ở trên cao lượn một nửa vòng, chân trái móc luôn vào một cành tùng, thân hình đứng vững ngay lại, trong tiếng sấm rền, chàng dõng dạc nói:

– Vãn bối hậu học, giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ tham kiến ba vị cao tăng.

Nói đoạn chân trái đứng trên cành tùng, chân phải đưa ra không trung, khom lưng hành lễ. Cành tùng theo thế đứng vái chào của chàng mà đung đưa lên xuống như sóng giồi, Trương Vô Kỵ vẫn đứng bình ổn, thân hình phiêu dật. Chàng tuy khom lưng hành lễ, nhưng ở trên cao vái xuống, không bị lép vế chút nào.

Ba vị lão tăng cảm thấy sợi dây đen bị nội kình của chàng gom lại một chỗ, bèn rung tay, làm cho ba sợi dây tách riêng ra.

Trong ba chiêu chín thức vừa rồi của ba vị lão tăng, mỗi thức đều ẩn tàng mười chiêu biến hóa, hàng chục lần hạ độc thủ, nào ngờ đối phương hóa giải hết mọi chiêu thức; tuy mỗi khi hóa giải chiêu thức đều vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sai một ly là tan xương nát thịt tức thời, vậy mà chàng vẫn nhẹ nhàng tự nhiên như không. Ba vị lão tăng trong đời chưa từng gặp địch thủ nào cao cường đến thế, bất giác kinh hãi. Họ không biết rằng Trương Vô Kỵ hóa giải ba chiêu chín thức vừa nãy là đã giở hết sức bình sinh, chính nhờ cành tùng trồi lên hụp xuống, ngầm điều vận chân khí đang loạn lên trong đan điền.

Võ công Trương Vô Kỵ vừa sử dụng bao gồm ba đại thần công là “Thái cực quyền”, “Càn khôn đại na di” và “Cửu dương thần công”. Còn khi lượn nửa vòng trên không trung là tâm pháp khắc trên thánh hỏa lệnh. Ba vị lão tăng phái Thiếu Lâm tuy thân mang tuyệt kỹ, song họ tọa quan đã mấy chục năm, không quan tâm thế sự, cả bốn môn võ công kia họ đều chưa thấy bao giờ, chỉ mang máng cảm thấy nội kình của chàng hơi giống “Cửu dương công” của phái Thiếu Lâm, nhưng hùng hậu tinh vi hơn hẳn thần công của bản phái. Khi nghe chàng xưng danh là giáo chủ Minh giáo, thì sự khâm phục và kinh ngạc của ba vị lão tăng tức thì hóa thành phẫn nộ.

Vị bạch diện lão tăng khó chịu nói:

– Lão nạp còn đang tự hỏi cao nhân phương nào giá lâm, hóa ra lại là đại ma đầu của Ma giáo đến đây. Ba huynh đệ lão nạp tọa quan mấy chục năm, chẳng những không màng tục vụ, ngay đại sự của bổn tự còn không nghe không hỏi đến. Ai ngờ hôm nay lại gặp giáo chủ Ma giáo, thực là hân hạnh một đời.

Trương Vô Kỵ nghe vị lão tăng kia luôn miệng dùng từ ma đầu, Ma giáo, biết rằng họ quá ác cảm đối với bản giáo, thành thử chàng phân vân chưa biết nên thuật chuyện như thế nào, đã nghe hoàng diện lão tăng chột mắt nói:

– Giáo chủ Ma giáo là Dương Đính Thiên kia mà? Tại sao lại là các hạ?

Trương Vô Kỵ nói:

– Dương giáo chủ tạ thế đã ba mươi năm rồi.

Hoàng diện lão tăng ồ lên một tiếng, không nói thêm, nhưng tiếng ồ của vị lão tăng ấy chứa đựng đầy vẻ thương tâm thất vọng. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Lão nghe tin Dương giáo chủ từ trần, xem ra vô cùng đau đớn, có lẽ năm xưa quá thân tình với Dương giáo chủ. Nghĩa phụ là bộ thuộc cũ của Dương giáo chủ, mình thử gợi nhớ tình cố nhân rồi sẽ nói nguyên do Dương giáo chủ bị Viên Chân chọc tức mà chết, xem thế nào”, bèn nói:

– Hẳn là đại sư quen biết Dương giáo chủ?

Hoàng diện lão tăng nói:

– Dĩ nhiên. Lão nạp không biết đại anh hùng Dương Đính Thiên, thì đâu đến nỗi hóa thành lão chột? Ba sư huynh đệ lão đây việc quái gì phải ngồi khô thiền hơn ba chục năm?

Mấy câu trên nói ra rất thản nhiên, song chứa đựng bên trong nỗi trầm thống và oán hận vừa sâu vừa lớn. Trương Vô Kỵ than thầm: “Khổ rồi, khổ rồi!” Cứ nghe giọng điệu của vị lão tăng kia thì một mắt của lão đã bị Dương Đính Thiên chọc mù, và ba sư huynh đệ lão phải khổ công đau đớn ngồi khô thiền hơn ba chục năm nay chỉ là để báo thù việc đó. Giờ đây họ nghe tin kẻ thù lớn không còn nữa, đâm ra thất vọng.

Hoàng diện lão tăng bỗng hú một tiếng thanh thoát, nói:

– Trương giáo chủ, lão nạp pháp danh Độ Ách, vị bạch diện sư đệ pháp danh Độ Kiếp, còn hắc diện sư đệ pháp danh Độ Nạn. Dương Đính Thiên đã chết, mối thâm cừu đại oán của ba sư huynh đệ lão đây đành thanh toán với giáo chủ đương nhiệm. Hai sư điệt Không Kiến, Không Tính của huynh đệ lão đều chết dưới tay quý giáo. Các hạ đã tự đến đây, tức là không sợ. Tất cả ân oán mấy chục năm qua, đôi bên dùng võ công mà kết liễu cho xong.

Trương Vô Kỵ nói:

– Vãn bối vốn không có liên can gì với quý phái, tới đây chỉ cốt cứu nghĩa phụ Kim Mao Sư Vương Tạ đại hiệp. Không Kiến thần tăng tuy là do nghĩa phụ vãn bối lỡ tay đánh chết, nhưng bên trong có nhiều uẩn khúc. Còn cái chết của Không Tính thần tăng thì không liên quan gì đến tệ giáo. Ba vị xin chớ nghe lời một bên, cần nói rõ trắng đen phải trái ra đã.

Bạch diện lão tăng Độ Kiếp hỏi:

– Theo như ngươi nói, Không Tính là do ai hại?

Trương Vô Kỵ cau mày đáp:

– Cứ như vãn bối biết, Không Tính thần tăng chết bởi tay võ sĩ của triều đình thuộc phủ Nhữ Dương Vương.

Độ Kiếp hỏi:

– Các võ sĩ phủ Nhữ Dương Vương thì do ai thống lĩnh?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Do con gái của Nhữ Dương Vương, Hán danh Triệu Mẫn, thống lĩnh.

Độ Kiếp nói:

– Ta nghe Viên Chân nói rằng nữ nhân đó liên thủ một đường với quý giáo, nàng ta phản lại triều đình và cha mình, gia nhập Minh giáo, lời đó có thật hay không?

Lão tăng này lời lẽ đanh thép, càng lúc càng dồn ép, Trương Vô Kỵ đành ấp úng:

– Không sai, nàng… nàng… hiện tại… hiện tại đã bỏ chỗ tối theo đường sáng.

Độ Kiếp lớn tiếng nói:

– Giết hại Không Kiến là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn của Ma giáo; giết Không Tính là Triệu Mẫn của Ma giáo. Triệu Mẫn lại còn công phá Thiếu Lâm tự, bắt các đệ tử mang đi; chuyện không thể tha thứ là đem khắc lời lẽ nhục mạ trên tượng mười sáu vị La Hán. Cộng với một con mắt của sư huynh ta và tổng cộng một trăm năm khô thiền của ba huynh đệ ta. Trương giáo chủ, món nợ đó không thanh toán với ngươi thì còn tìm ai?

Trương Vô Kỵ thở dài, nghĩ thầm mình đã thừa nhận việc thu dung Triệu Mẫn, thì các tội lỗi của nàng trước đây chàng cũng phải gánh vác hết. Trong chớp mắt, chàng hiểu ngay tâm trạng của phụ thân chàng vì tội lỗi xa xưa của ái thê mà phải tự vẫn; thù oán mà Dương giáo chủ và Tạ Tốn gây ra năm xưa đến hôm nay phải được kết liễu; lời Độ Kiếp nói quả không sai, nếu chàng không gánh chịu thì còn ai vào đây?

Chàng đứng thẳng người lên, kình lực dồn xuống đầu ngón chân; cành tùng đang đung đưa lập tức dừng lại bất động, chàng lớn tiếng nói:

– Ba vị lão thiền sư đã nói thế, vãn bối chẳng thể trốn nợ; bao nhiêu tội nghiệt, để một mình vãn bối gánh chịu là được. Còn chuyện nghĩa phụ vãn bối đả thương Không Kiến thần tăng, bên trong quả có nhiều điều đau lòng, những mong ba vị lão thiền sư lượng thứ.

Độ Ách nói:

– Ngươi dựa vào đâu mà dám tới đây chạy tội cho Tạ Tốn? Ngươi tưởng ba sư huynh đệ bọn ta không giết nổi ngươi chăng?

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm sự đến nước này, đành liều mạng giao đấu một phen, bèn nói:

– Vãn bối lấy một địch ba, quyết không phải là đối thủ của cả ba vị. Không biết vị nào sẽ đứng ra chỉ giáo trước?

Độ Kiếp nói:

– Bọn ta mà đơn đả độc đấu, chắc không thắng nổi ngươi. Món huyết hải thâm cừu này, khỏi cần theo quy củ võ lâm. Tên ma đầu kia, mau xuống đây chịu chết. A Di Đà Phật!

Lão ta vừa niệm Phật xong, hai lão Độ Nạn, Độ Ách cùng nói:

– Ngã Phật từ bi.

Ba sợi dây đen cùng bay lên, cuốn nhanh vào người chàng.

Trương Vô Kỵ rùn người nhảy xuống giữa chỗ trống của ba sợi dây đen, chân chưa chạm đất, thân hình đã biến đổi, nhào về phía Độ Nạn. Độ Nạn dựng tả chưởng lên, đánh mạnh ra, một luồng kình phong thốc tới bụng dưới của chàng. Trương Vô Kỵ xoay mình, dùng tâm pháp “Càn khôn đại na di” hóa giải kình lực. Ngay lúc đó, hai sợi dây đen của Độ Ách, Độ Kiếp cùng cuốn tới. Trương Vô Kỵ nhẹ nhàng xoay nửa vòng; tả chưởng của Độ Kiếp liền đánh mạnh tới không một tiếng động. Trương Vô Kỵ ở khoảng giữa ba cây tùng, tùy chiêu chống trả, bất ngờ đánh ra một chưởng, chưởng lực mang theo mấy trăm hạt mưa to bằng hạt đậu bắn về phía Độ Ách; Độ Ách nghiêng đầu tránh, nhưng cũng bị trúng vài chục hạt vào mặt, hơi đau rát, bèn quát lên:

– Tiểu tử giỏi nhỉ!

Sợi dây đen trong tay lão rung lên, xoay thành hai vòng tròn, từ trên không chụp xuống đầu Trương Vô Kỵ. Thân hình Trương Vô Kỵ như một mũi tên bay xuyên qua vòng dây, tấn công Độ Kiếp. Chàng càng đấu càng kinh hãi, thấy không khí xung quanh thân mình bị rơi vào giữa ba sợi dây đen và ba luồng chưởng lực, càng lúc càng ngưng tụ đậm đặc như keo. Từ ngày chàng luyện thành võ công, chưa bao giờ gặp đối thủ cao cường nhường này. Ba vị lão tăng không chỉ chiêu số tinh xảo, mà nội kình cũng hùng hậu vô cùng. Ban đầu Trương Vô Kỵ dùng bảy thành phòng thủ, ba thành tấn công; đấu tới hai trăm chiêu, thì dần dần cảm thấy chân khí trong cơ thể không còn thuần chất, chỉ còn thủ mà không công, chỉ mong tự bảo vệ được thân mình.

“Cửu dương thần công” của chàng vốn dùng không bao giờ hết, càng sử dụng càng mạnh mẽ; nhưng lúc này mỗi chiêu đều hao tốn rất nhiều nội lực, cảm thấy dường như nội kình tiếp sau không nối liền được với kình lực đi trước, tình trạng này từ ngày luyện thành “Cửu dương thần công” chưa hề xảy ra. Đấu thêm mấy chục chiêu nữa, chàng nghĩ thầm: “Đấu nữa chỉ có nước bỏ mạng; hôm nay phải tìm cách thoát thân; sau này sẽ cùng với ông ngoại, Dương tả sứ, Phạm hữu sứ, Vi Bức Vương, năm người hợp lực, ắt đánh thắng tam tăng, cứu được nghĩa phụ”. Nghĩ vậy, chàng bèn tấn công Độ Ách liền ba chiêu, để toan thoát ra, không ngờ ba sợi dây kết lại thành một cái vòng vững chắc như thành đồng vách sắt, mấy phen chàng xông ra đều bị dội trở lại, không thể thoát thân.

Chàng thầm kinh hoảng: “Thì ra tam tăng liên thủ, ba người như một, công phu tâm ý tương thông này, không lẽ trên thế gian có người luyện được hay sao?” Trương Vô Kỵ đâu biết rằng ba lão tăng Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn đã tọa khô thiền hơn ba chục năm, bao nhiêu công phu đều chuyên dùng vào việc luyện môn “Tâm ý tương thông” này. Một người nảy sinh ý niệm gì, hai người kia lập tức biết ngay, sự cảm ứng tâm linh đó vô cùng huyền diệu. Ba người ở chung một nơi, mặt đối mặt hơn ba mươi năm, chuyên tâm luyện cảm ứng, tâm ý chỉ còn là một, thì cũng không phải chuyện lạ. Chàng lại nghĩ thầm: “Cứ kiểu này, dù ta có hẹn thêm các cao thủ như ông ngoại đến chăng nữa, cũng chưa chắc phá vỡ được bức tường kiên cố tâm ý tương thông do ba lão tăng này tạo nên. Chẳng lẽ nghĩa phụ ta đã không cứu thoát, mà chính ta hôm nay phải bỏ mạng ở nơi đây?”

Chàng nóng ruột, tinh thần có phần rối loạn, đầu vai lập tức bị năm ngón tay của Độ Kiếp quét qua, đau thấu xương. Chàng nghĩ thầm: “Ta chết cũng không tiếc, nhưng nỗi oan khuất của nghĩa phụ không rửa được. Nghĩa phụ một đời cao ngạo, dù sa vào tay người, cũng quyết không biện giải nửa lời”. Nghĩ thế, chàng dõng dạc nói:

– Ba vị lão thiền sư, hôm nay vãn bối bị nguy khốn, tính mạng khó toàn, đại trượng phu có chết cũng đành, đâu có gì đáng nói? Song có một chuyện phải nói cho rõ…

Nghe vù vù hai tiếng, hai sợi dây đen từ hai bên đánh tới, Trương Vô Kỵ dùng hai tay hóa giải hai luồng kình lực, nói tiếp:

– Gã Viên Chân kia tục danh Thành Côn, ngoại hiệu Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ, chính là nghiệp sư của nghĩa phụ vãn bối Tạ Tốn…

Ba vị lão tăng Thiếu Lâm thấy chàng hai tay chiết chiêu hóa kình, đồng thời miệng vẫn nói chuyện, công phu tu luyện như thế họ quả chưa theo kịp, thì không khỏi e ngại hơn. Ba vị lão tăng cho rằng Minh giáo là một tà giáo toàn làm điều ác, giáo chủ của chúng võ công càng cao, làm hại cho mọi người càng lớn; giờ thấy chàng lâm vào vòng vây, không thể thoát ra, chính là dịp tốt để trừ khử, thật không công đức nào sánh bằng; thế là chẳng nói một lời, sợi dây đen và chưởng lực càng được thi triển mạnh mẽ.

Trương Vô Kỵ nói tiếp:

– Ba vị lão thiền sư cần biết rằng sư muội của Thành Côn chính là phu nhân của giáo chủ Minh giáo Dương Đính Thiên. Thành Côn vốn say mê sư muội, vì tình mà sinh ra đố kỵ, có thâm cừu đại hận với Minh giáo…

Chàng tay thì hóa giải chiêu số của ba vị lão tăng, miệng thao thao thuật lại việc Thành Côn mưu tính phá hoại Minh giáo như thế nào, tư tình lén lút với Dương phu nhân để đến nỗi Dương Đính Thiên uất quá mà chết ra sao; sau đó hắn giả say cưỡng gian vợ Tạ Tốn, giết sạch cả gia đình Tạ Tốn, rồi kích động Tạ Tốn loạn sát nhân sĩ võ lâm, sau đó hắn bái Không Kiến thần tăng làm thầy, dụ cho Tạ Tốn đánh Không Kiến mười ba quyền, cuối cùng thất tín không xuất hiện, để Không Kiến phải ngậm hờn mà chết ra sao.

Ba vị lão tăng càng nghe càng kinh hãi, những chuyện như thế thật ngoài sức tưởng tượng, nhưng chuyện nào cũng hợp lý, mọi chi tiết đều ăn khớp với nhau. Ngọn roi đen trên tay Độ Ách chậm lại trước tiên.

Trương Vô Kỵ nói tiếp:

– Vãn bối không biết Dương giáo chủ gây thù chuốc oán với Độ Ách đại sư ra sao, chỉ sợ bên trong có kẻ gian xúi giục, mà kẻ đó hẳn là Viên Chân. Độ Ách đại sư hãy thử nhớ lại chuyện dĩ vãng, xem lời của vãn bối có đúng hay chăng?

Độ Ách ậm ừ, ngừng roi không đánh nữa, cúi đầu ngẫm nghĩ, rồi nói:

– Chuyện đó xem ra cũng có lý. Lão nạp kết cừu với Dương Đính Thiên, gã Thành Côn dốc sức giúp lão nạp, sau lại muốn bái lão nạp làm sư phụ, song lão nạp không thu nhận đệ tử, nên mới dẫn tiến cho gã làm môn hạ của Không Kiến sư điệt. Nói như thế, chẳng lẽ gã cố ý xếp đặt hay sao?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Chắc chắn như vậy, hiện tại hắn đang dòm ngó chức vị chưởng môn phương trượng Thiếu Lâm tự, gây bè kết đảng, âm mưu mật kế hãm hại Không Văn thần tăng…

Lời chưa dứt, đột nhiên có tiếng ầm ầm, từ dốc núi bên trái có một tảng đá tròn rất lớn lăn xuống khoảng giữa ba cây tùng. Độ Ách quát to:

– Ai đó?

Sợi dây đen chuyển động, bộp bộp hai tiếng, quất vào tảng đá tròn, mảnh vụn bay tung tóe. Từ sau tảng đá có một bóng người lao ra, nhanh như tên tới chỗ Trương Vô Kỵ, hàn quang nhoáng lên, một cây đoản đao đã đâm vào cổ họng chàng.

Sự việc diễn ra quá nhanh, Trương Vô Kỵ đang dốc toàn lực chống đỡ hai ngọn roi đen và chưởng lực của Độ Kiếp, Độ Nạn, không ngờ có kẻ đánh trộm; trong đêm tối chỉ nghe tiếng gió thốc tới, mũi đao đã đâm tới yết hầu, trong cơn nguy cấp vội ngả nửa thân trên sang một bên, soạt một tiếng, mũi đao rạch một đường trên áo chàng, suýt nữa thì rồi đời. Kẻ kia tấn công không trúng mục tiêu, nhờ tảng đá lớn che thân mà lăn ra khỏi vòng dây của ba vị lão tăng.

Trương Vô Kỵ thầm kêu: “Nguy hiểm thật!” Rồi quát to:

– Ác tặc Thành Côn, có giỏi hãy đứng lại đối chất với ta, ngươi muốn sát nhân diệt khẩu chứ gì?

Lúc đoản đao đâm tới, chàng không nhìn rõ mặt người, nhưng đối phương thân pháp nhanh nhẹn, ra tay hiểm độc, nội kình mạnh mẽ, gia số võ công thì cùng một kiểu cách như Tạ Tốn, ngoài Thành Côn ra, không còn ai vào đấy. Ba sợi dây của ba vị lão tăng chẳng khác gì ba cánh tay dài ôm lấy tảng đá, hất một cái, tảng đá nặng ngàn cân kia bị nâng lên, quẳng ra ngoài, còn Thành Côn thì đã chạy xuống núi khá xa.

Độ Ách nói:

– Có đúng là Viên Chân không?

Độ Nạn nói:

– Đúng là hắn rồi.

Độ Kiếp nói:

– Nếu hắn không có tật giật mình, thì việc gì…

Ngay lúc đó bốn phía liên tiếp vang lên tiếng hú, bảy tám bóng người ào tới, người đi đầu quát to:

– Các hòa thượng Thiếu Lâm uổng làm đệ tử cửa Phật, sát hại biết bao mạng người, không sợ tội nghiệt hay sao? Tất cả hãy xông lên.

Tám người cầm binh khí liền tấn công ba lão tăng ngồi trong ba hốc cây tùng.

Trương Vô Kỵ ở khoảng giữa ba lão tăng, thấy trong số tám người, có ba người cầm kiếm, năm người còn lại cầm đao hoặc roi, ai nấy võ công cao cường, lập tức đấu với ba sợi dây đen của tam tăng.

Trương Vô Kỵ quan sát một hồi, thấy kiếm chiêu của ba người sử dụng kiếm cùng kiểu cách với Thanh Hải tam kiếm bị chết dưới tay các hòa thượng Thiếu Lâm tự mấy hôm trước, nhưng biến hóa tinh vi, kình lực hùng hậu, vượt xa Thanh Hải tam kiếm, chắc là trưởng bối của phái Thanh Hải. Ba người cầm kiếm tấn công một mình Độ Ách. Ba người khác hợp lực tấn công Độ Nạn, hai người còn lại đối phó với Độ Kiếp. Đối phó với Độ Kiếp tuy chỉ có hai người, nhưng võ công của họ cao hơn một bậc so với sáu người kia. Đấu một hồi, Trương Vô Kỵ thấy Độ Kiếp dần dần núng thế, còn Độ Ách thì lại có phần thắng thế, một địch ba mà vẫn còn dư sức.

Lại đấu thêm hơn mười chiêu, Độ Ách thấy Độ Kiếp ứng phó vất vả, bèn rung sợi dây đen, điều khiển sợi dây đánh xuống hai người đang tấn công Độ Kiếp. Hai người ấy đều cao lớn, râu đen phất phơ, thân thủ cực kỳ lanh lẹn, một người sử dụng cặp phán quan bút; người kia sử dụng đả huyệt quyết. Độ Ách và Độ Kiếp ở cách xa mấy trượng, mà vẫn cảm thấy kình lực từ binh khí của hai người kia dồn tới, tưởng chừng ở ngay bên cạnh mình; sử dụng binh khí ngắn như thế quả là lợi hại. Ba người phái Thanh Hải thấy áp lực tới kiếm nhẹ đi, liền từ từ lấy lại thế tấn công. Vậy là đến lúc này Độ Nạn một địch ba, Độ Kiếp và Độ Ách hai người đấu với năm đối thủ, nhất thời chưa bên nào thắng thế.

Trương Vô Kỵ thầm lấy làm lạ: “Tám người này võ công thực là cao cường, chẳng kém vợ chồng Hà Thái Xung. Ngoài ba người thuộc phái Thanh Hải, năm người kia hoàn toàn không rõ lai lịch. Thế mới biết thiên hạ rộng lớn, nơi nào cũng có ngọa hổ tàng long, không biết có bao nhiêu anh hùng hảo hán vô danh ẩn phục”.

Mười một người đấu hơn trăm chiêu, ba sợi dây của Thiếu Lâm tam tăng dần dần thu ngắn lại. Dây thu ngắn lại, việc điều khiển đỡ tốn sức hơn, nhưng khi tấn công cũng kém phần linh hoạt. Đấu thêm vài chục chiêu nữa, sợi dây đen của ba lão tăng chỉ còn chừng sáu, bảy thước. Hai ông già râu đen càng đấu càng tới gần, uy lực của binh khí trong tay họ cũng tăng hẳn lên, cứ nhè chỗ sơ hở mà tấn công, từng bước từng bước cố tới gần ba lão tăng. Nhưng ba sợi dây đen càng thu ngắn, thì sự phòng thủ của tam tăng càng nghiêm mật, cái vòng mà ba sợi dây kết lại có sức bật tưởng chừng vô cùng; hai ông già râu đen liên tiếp thay đổi chiêu thức tấn công, song đều bị vòng dây đánh bật ra. Lúc này ba lão tăng đã kết liền thành một khối, ở thế lấy ba người địch tám người.

Ba lão tăng Thiếu Lâm tận lực chống đỡ, trong bụng cứ thầm kêu khổ, đấu với tám người kia dù lâu mấy cũng không thua được; chỉ cần vòng dây thu ngắn tám thước, thì sẽ kết thành “Kim cương phục ma khuyên”, đừng nói tám địch thủ, dẫu có mười sáu người hoặc ba mươi hai người cũng không thể tiến vào gần nổi. Đằng này bên trong cái vòng lại đang có một cường địch ẩn phục ngay trong gan trong ruột, nếu Trương Vô Kỵ ra tay, nội ngoại giáp công, thì sẽ dễ dàng lấy mạng ba vị lão tăng Thiếu Lâm. Tam tăng thấy chàng ngồi yên không cử động, hiển nhiên đang chờ cơ hội, chờ khi ba người bọn họ và tám đối thủ kia đều kiệt sức, lúc đó chàng sẽ làm ngư ông đắc lợi. Hiện tại nội công của ba vị lão tăng đã thi triển đến tận cùng, dẫu muốn há miệng hú to cầu cứu chùa Thiếu Lâm dưới kia, cũng không được, vì lúc này chỉ cần mở miệng nói dù chỉ một chữ, khí huyết cũng sẽ trào lên, không chết ngay lập tức thì cũng bị nội thương, thành kẻ tàn phế. Ba vị lão tăng tự trách mình quá ỷ y, lẽ ra lúc tám cường địch mới tấn công, phải lên tiếng thông báo cho tăng chúng bản tự hay biết, chỉ cần có vài hảo thủ La Hán đường và Đạt Ma đường lên tiếp viện, là đã khắc địch chế thắng rồi.

Tình thế này Trương Vô Kỵ đã sớm nhận ra, lúc này muốn lấy mạng ba vị lão tăng, chàng chỉ giơ tay một cái là xong; nhưng nghĩ đại trượng phu không nên lợi dụng lúc người ta nguy ngập, huống hồ tam tăng chỉ là bị Viên Chân đánh lừa, hoàn toàn không đáng phải chết. Mà giết xong ba vị lão tăng rồi, một mình chàng đối phó với tám người kia cũng vô cùng gay go. Hiện tại thấy hai bên nhất thời chưa phân thắng bại, chàng cúi đầu nhìn xuống, thấy một khối nham thạch lớn lấp chặt miệng địa lao, chỉ chừa ra một khe hở, chắc là để Tạ Tốn hít thở và nhận thức ăn. Chàng nghĩ thầm thời cơ này trong giây lát sẽ không còn nữa, để đôi bên phân rõ thắng bại, hoặc Thiếu Lâm tự cho người lên cứu viện, thì chàng sẽ không thể cứu nghĩa phụ ra được nữa. Thế là chàng quỳ xuống, sử dụng tâm pháp “Càn khôn đại na di” đưa lực ra đôi tay, đẩy khối nham thạch từ từ di chuyển.

Khối nham thạch di chuyển được chừng một thước, đột nhiên có một luồng kình phong từ sau lưng thổi tới, đó là Độ Nạn vung chưởng đánh vào hậu tâm chàng. Trương Vô Kỵ vừa chế ngự kình lực, vừa mượn sức, nghe bộp một tiếng, lưng áo chàng rách một miếng to, tan thành nhiều mảnh vụn bay lả tả như bươm bướm trong mưa. Nhưng chưởng lực của Độ Nạn được chàng truyền sang khối nham thạch, nghe ình một tiếng, khối nham thạch lập tức xê dịch ra hơn một thước. Chưởng lực của đối phương tuy đã được chế ngự, chàng không bị nội thương, nhưng lúc bị trúng chưởng, chàng đang dồn toàn lực đẩy khối nham thạch, nên lưng bị đau rát ghê gớm.

Độ Nạn đánh ra một chưởng, vòng dây đen lộ ra sơ hở, một ông già râu đen liền xông ngay vào bên trong vòng dây, điểm huyệt quyết trong tay lão liền đâm vào bên dưới vú trái của Độ Nạn. Sợi dây của Thiếu Lâm tam tăng chỉ giỏi về tấn công từ xa, không có lợi cho đánh gần. Độ Nạn vung tả chưởng đánh bật điểm huyệt quyết của đối phương; ông già râu đen bèn dùng ngón trỏ tay trái nhắm huyệt Đản Trung của Độ Nạn mà điểm tới. Độ Nạn thầm kêu: “Nguy rồi!” không ngờ công phu “Nhất chỉ thiền” của đối phương còn lợi hại hơn cả điểm huyệt quyết, Độ Nạn trong cơn nguy cấp đành vứt sợi dây xuống, hai tay giơ lên bảo vệ ngực, tiếp đó dùng ba ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa phản công. Độ Nạn tuy ngăn chặn được kẻ địch, nhưng sợi dây đã rời khỏi tay. Ông già sử dụng phán quan bút tức thì xông tới. Ba sợi dây của tam tăng bị thiếu mất một, “Kim cương phục ma khuyên” đã bị phá vỡ.

Đột nhiên sợi dây đen đang ở dưới đất bỗng dựng đầu dậy, chẳng khác gì một con rắn độc giả chết bất thình lình vùng lên cắn người; nghe vù một tiếng, nhắm mặt ông già sử dụng phán quan bút mà đánh tới, đầu dây chưa tới mà kình phong đã ào ạt khiến đối phương lạnh người. Ông già vội giơ bút gạt ra, bút dây đụng nhau, ông già cảm thấy hai cánh tay tê dại, cây bút bên tay trái suýt nữa bay đi mất, còn cây bút bên tay phải bị đẩy bật vào khối nham thạch, vụn đá và các tia lửa bay tung tóe. Sợi dây đen tiếp tục vung lên, buộc ba người phái Thanh Hải phải lùi ra hơn một trượng, “Kim cương phục ma khuyên” không những phục hồi nguyên trạng, mà uy lực còn mạnh hơn trước.

Ba vị lão tăng Thiếu Lâm vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, chỉ thấy một đầu sợi dây đen đang nằm trong tay Trương Vô Kỵ. Chàng tuy chưa hề luyện qua công phu “Kim cương phục ma khuyên”, nếu nói về tâm ý tương thông, người khác nghĩ gì mình biết liền, thì chàng không thể sánh bằng Độ Nạn, nhưng nói về nội lực cương mãnh, thì không ai bằng chàng, kình lực của sợi dây đen ào ạt tràn ra tứ phía như bài sơn đảo hải, có hai sợi dây đen của Độ Kiếp, Độ Ách hỗ trợ, tức thời buộc bảy người kia phải lùi ra xa.

Độ Nạn chuyên tâm toàn lực đối phó với ông già râu đen, cả về võ công lẫn nội lực đều cao hơn đối thủ; lão tăng ngồi trong hốc cây tùng, hoàn toàn không đứng lên, song mười ngón tay chọc, móc, búng, điểm, phất, chộp, nắm, sau một loạt chiêu số đã dồn ông già râu đen vào chỗ nguy hiểm. Người đó thấy bảy đồng bọn lâm vào thế bất lợi, bèn rống lên giận dữ, từ trong vòng nhảy ra ngoài.

Trương Vô Kỵ đưa sợi dây trả vào tay Độ Nạn, rồi cúi xuống vận tâm pháp “Càn khôn đại na di”, đẩy khối nham thạch che địa lao mở ra thêm một thước nữa, mà nói vọng vào trong miệng hầm:

– Nghĩa phụ, hài nhi Vô Kỵ đến cứu viện chậm trễ, cha có ra được chăng?

Tạ Tốn đáp:

– Ta không ra đâu. Con giỏi lắm, hãy mau mau rời khỏi nơi này.

Trương Vô Kỵ kinh ngạc hỏi:

– Nghĩa phụ, cha bị người ta điểm huyệt, hay là bị xiềng xích?

Không đợi Tạ Tốn trả lời, chàng nhảy ngay xuống địa lao, nghe ùm” một tiếng, nước văng tung tóe. Thì ra do trận mưa như trút mấy canh giờ liền, trong địa lao nước ngập đến ngang lưng, một nửa thân mình Tạ Tốn chìm trong nước.

Trương Vô Kỵ trong lòng đau khổ, giơ tay ôm Tạ Tốn, mò chân tay ông một lượt, không thấy có xiềng xích gì cả, lại xoa bóp mấy huyệt đạo chủ yếu, hình như không hề bị ai kiềm chế gì, chàng bèn bế nghĩa phụ tung mình nhảy vọt lên, ngồi trên khối nham thạch, nói:

– Lúc này thoát thân là hay nhất. Nghĩa phụ, cha con mình đi thôi.

Chàng vừa nói vừa cầm tay Tạ Tốn toan cất bước. Tạ Tốn vẫn ngồi yên, hai tay ôm gối, nói:

– Hài tử, tội nghiệt lớn nhất trong đời ta là ta đã giết hại Không Kiến đại sư. Nghĩa phụ của con nếu rơi vào tay kẻ khác, hẳn sẽ chống trả đến cùng. Nhưng nay bị nhốt trong Thiếu Lâm tự, ta cam chịu chết để đền tội cho Không Kiến đại sư.

Trương Vô Kỵ vội nói:

– Nghĩa phụ lỡ tay đả thương Không Kiến đại sư cũng chỉ do tên ác tặc Thành Côn sắp đặt mưu gian; huống hồ mối huyết cừu toàn gia nghĩa phụ chưa báo được, há có thể chịu chết dưới tay Thành Côn hay sao?

Tạ Tốn thở dài, nói:

– Hơn một tháng qua, ta ngày ngày ngồi dưới địa lao nghe ba vị lão tăng tụng kinh niệm Phật, nghe từ dưới chùa vọng lên tiếng chuông sớm chuông chiều, hồi tưởng dĩ vãng, hai bàn tay ta đã nhuộm máu bao nhiêu người vô tội, dẫu ta chết trăm lần cũng không đền hết tội. Ôi, bao nhiêu ác nhân tội nghiệt kia, ta so với Thành Côn xem ra còn nặng nề hơn nhiều. Hảo hài tử, con hãy mặc ta, hãy mau xuống núi một mình đi thôi.

Trương Vô Kỵ càng nghe càng sốt ruột, lớn tiếng nói:

– Nghĩa phụ, nếu cha không chịu đi, con đành phải ép cha đó.

Nói rồi chàng nắm lấy hai cánh tay Tạ Tốn, toan đặt ông lên lưng mình.

Bỗng nghe ở sơn đạo vang lên tiếng huyên náo, có mấy tiếng quát lớn:

– Kẻ nào dám tới Thiếu Lâm tự quấy rối đó?

Nhiều tiếng chân đạp nước bì bõm, hơn một chục người từ dưới núi chạy lên.

Trương Vô Kỵ hai tay đưa ra sau, cầm hai bên đùi Tạ Tốn để cõng ông đi, bỗng thấy huyệt Đại Chùy ở sau lưng tê dại, thì ra đã bị Tạ Tốn ấn vào huyệt, hai tay vô lực, đành buông ông ra, lòng bồn chồn tưởng phát khóc lên được, nói:

– Nghĩa phụ, cha… sao cha phải khổ như thế?

Tạ Tốn nói:

– Hảo hài tử, nỗi oan khuất của ta con đã thưa rõ với ba vị cao tăng rồi. Tội nghiệt do ta gây ra, phải do chính ta chịu báo ứng. Nếu con không đi thì lấy ai thay ta báo thù đây?

Trương Vô Kỵ thầm lo, thấy hơn một chục tăng nhân Thiếu Lâm tự cầm thiền trượng, giới đao tấn công tám người kia. Leng keng giao đấu mấy hiệp, ông già râu đen cầm phán quan bút biết có đấu tiếp cũng không đi đến đâu, chỉ hận là việc sắp thành, thì lại bị một gã thiếu niên vô danh phá bĩnh, thật là tức không để đâu cho hết, bèn quát to:

– Xin hỏi quý tính đại danh của gã trai ban nãy, Hác Mật, Bốc Thái của Hà Giang muốn biết tên vị cao nhân nào đã thọc gậy bánh xe như vậy?

Độ Ách vung sợi dây đen, nói:

– Đó là Trương giáo chủ của Minh giáo, đệ nhất cao thủ thiên hạ, chẳng lẽ Hà Giang Song Sát lại không biết?

Ông già râu đen cầm phán quan bút tên Hác Mật à lên một tiếng, giơ hai cây bút nhảy ra khỏi vòng chiến, bảy người còn lại cũng nhảy ra theo. Các tăng nhân Thiếu Lâm tự muốn ngăn chặn, song tám người ấy võ công thật cao siêu, chỉ nhún vai một cái, đã cùng nhau xuống núi.

Ba vị lão tăng đã nghe rõ lời đối đáp giữa Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn, lại nhớ ban nãy chàng đã không thừa cơ người khác nguy nan mà ra tay, chỉ tụ thủ bàng quan, không trợ giúp phe nào; đến khi Bốc Thái phá vỡ “Kim cương phục ma khuyên”, tấn công đến sát bên họ, cứ với lối hạ độc thủ của Hà Giang Song Sát, nếu chàng không ra tay cứu giúp thì giờ này ba vị lão tăng đã mất mạng rồi. Ba vị lão tăng bèn bỏ sợi dây, đứng thẳng người lên, chắp tay hướng về phía Trương Vô Kỵ, cùng nói:

– Đa tạ đại đức của Trương giáo chủ.

Trương Vô Kỵ vội hoàn lễ, nói:

– Chuyện phải làm thôi mà, đâu có gì đáng kể.

Độ Ách nói:

– Việc hôm nay, lẽ ra lão nạp nên để cho Tạ Tốn đi theo Trương giáo chủ, vừa rồi nếu Trương giáo chủ quả muốn cứu người, thì lão nạp cũng không còn sức ngăn cản. Có điều ba huynh đệ lão nạp làm theo pháp chỉ của phương trượng canh giữ Tạ Tốn, đã lập trọng thệ trước chư Phật, nếu ba huynh đệ lão nạp còn sống, quyết không để cho Tạ Tốn thoát thân. Chuyện này liên quan đến sự vinh nhục hàng trăm năm của bổn phái, mong Trương giáo chủ lượng thứ cho.

Trương Vô Kỵ chỉ “hừm” một tiếng, không đáp lời. Độ Ách nói tiếp:

– Cái mối thù mất một mắt của lão nạp, hôm nay coi như xóa xong. Trương giáo chủ muốn cứu Tạ Tốn, có thể đến đây bất cứ lúc nào, chỉ cần phá vỡ “Kim cương phục ma khuyên” của ba huynh đệ lão nạp, lập tức có thể mang Kim Mao Sư Vương đi khỏi. Trương giáo chủ muốn hẹn mang thêm trợ thủ, xa luân chiến cũng được, nhất tề xông tới cùng một lượt cũng được, chỉ có ba sư huynh đệ lão nạp ứng chiến mà thôi. Trước khi Trương giáo chủ giá lâm, ba huynh đệ lão nạp nhất định sẽ bảo vệ Tạ Tốn chu toàn, không cho phép Viên Chân nói nặng ông ta nửa lời, hoặc đụng đến một sợi tóc của ông ta.

Trương Vô Kỵ nhìn Tạ Tốn, trong đêm tối chỉ thấy thân hình cao lớn của ông, mái tóc phủ xuống vai, ông đứng cúi đầu, dường như trong lòng hết sức hối hận về những tội lỗi đã gây ra, mất hết vẻ uy phong lẫm lẫm thuở nào. Trương Vô Kỵ rưng rưng lệ, nghĩ thầm: “Hôm nay ta không thể đánh bại họ, nghĩa phụ lại chẳng chịu đi, chỉ còn cách hẹn với ông ngoại, Dương tả sứ, Phạm hữu sứ tới đây tái đấu với ba vị này. Ba sợi dây đen kết thành một cái vòng vững chắc như thành đồng vách sắt, nếu ban nãy không phải do Độ Nạn đại sư đánh một chưởng vào lưng ta, thì Bốc Thái không tài gì xông vào được. Kỳ tới có thêm ông ngoại và Quang Minh tả hữu sứ trợ giúp, phá vỡ được hay không cũng khó biết. Thôi, hiện thời đành tới đâu hay đó vậy”. Nghĩ thế, chàng bèn nói:

– Nếu vậy, nhất định vãn bối sẽ trở lại lĩnh giáo cao chiêu của ba vị đại sư.

Chàng quay lại ôm lưng Tạ Tốn, nói:

– Nghĩa phụ, con đi đây.

Tạ Tốn gật đầu, xoa mái tóc chàng, nói:

– Con khỏi cần trở lại cứu ta, ta đã quyết ý không đi nữa. Hảo hài tử, mong con mọi việc ở hiền gặp lành, không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ con và của ta. Con hãy noi gương cha con, đừng học theo nghĩa phụ.

Trương Vô Kỵ nói:

– Cha con và nghĩa phụ đều là anh hùng hảo hán, là đại trượng phu quang minh lỗi lạc, đều là tấm gương cho con noi theo.

Đoạn chàng cúi mình bái biệt, lắc mình một cái, thân hình đã vọt ra khỏi phạm vi ba cây tùng, giơ tay chào ba vị lão tăng, rồi thi triển khinh công, thoáng chốc đã mất hút, song tiếng hú thanh thoát của chàng nghe vang vọng ngoài xa cả dặm.

Tăng chúng Thiếu Lâm trên đỉnh núi nhìn nhau kinh hãi, họ từng nghe đồn Trương giáo chủ của Minh giáo võ công trác tuyệt, song không ngờ lại thần diệu tới mức này.

*

*       *

Trương Vô Kỵ thấy hình tích đã lộ, định tâm thể hiện một môn công phu, cốt làm cho tăng chúng Thiếu Lâm phải e sợ mà đối đãi phải chăng với Tạ Tốn. Tiếng hú thanh thoát của chàng vận đủ trung khí, triền miên không dứt, giữa tiếng mưa gió sấm chớp vang vọng truyền đi như một con rồng cực dài đang bay lượn giữa tầng không. Chàng toàn lực thi triển khinh công, chân chạy càng lúc cành nhanh, tiếng hú cũng càng lúc càng vang động. Hơn một ngàn nhà sư đang ngủ trong chùa Thiếu Lâm giật mình tỉnh giấc, đến khi tiếng hú xa dần, mới ồ lên bàn tán xôn xao. Bọn Không Văn, Không Trí thấy Trương Vô Kỵ đã tới, đều lo lắng ưu phiền.

Trương Vô Kỵ chạy được mấy dặm, bỗng từ phía sau một bụi liễu bên đường có tiếng người gọi:

– Này!

Một người vụt bước ra, chính là Triệu Mẫn.

Trương Vô Kỵ ngừng hú dừng bước, ôm lấy nàng, thấy toàn thân nàng ướt sũng, nước mưa chảy ròng ròng từ trên đầu trên mặt chảy xuống. Triệu Mẫn nói:

– Chàng động thủ với mấy lão trọc chùa Thiếu Lâm rồi ư?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Rồi.

Triệu Mẫn hỏi:

– Tạ đại hiệp thế nào? Chàng gặp Tạ đại hiệp chưa?

Trương Vô Kỵ khoác tay nàng, thong thả sóng bước dưới mưa, kể lại sơ qua mọi việc một lượt.

Triệu Mẫn ngẫm nghĩ, nói:

– Chàng có hỏi Tạ đại hiệp vì sao thất thủ để bị bắt hay không?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Ta chỉ chăm chăm lo việc cứu nghĩa phụ thoát hiểm, chưa có lúc nào rỗi để hỏi chuyện đó.

Triệu Mẫn thở dài, không nói thêm. Trương Vô Kỵ hỏi:

– Nàng không vui hay sao?

Triệu Mẫn đáp:

– Đối với chàng là chuyện nhàn rỗi, đối với thiếp thì là chuyện hệ trọng. Thôi được, chờ khi cứu Tạ đại hiệp ra hãy hỏi cũng chưa muộn. Thiếp chỉ sợ…

Trương Vô Kỵ hỏi:

– Nàng sợ cái gì? Sợ chúng mình không cứu nổi nghĩa phụ ư?

Triệu Mẫn đáp:

– Minh giáo mạnh hơn hẳn phái Thiếu Lâm, muốn cứu Tạ đại hiệp thì cuối cùng sẽ tìm được cách cứu ra. Thiếp chỉ sợ Tạ đại hiệp đã quyết định lấy cái chết để trả nợ cho Không Kiến thần tăng mà thôi.

Trương Vô Kỵ cũng lo như vậy, hỏi:

– Nàng nghĩ có thể vậy chăng?

Triệu Mẫn đáp:

– Chỉ mong đừng như vậy.

Hai người vừa đi vừa trò chuyện, đã về tới trước nhà vợ chồng họ Đỗ. Triệu Mẫn cười nói:

– Chàng đã lộ diện, không thể giấu giếm họ nữa.

Trương Vô Kỵ thấy cánh cửa ngôi nhà tranh chỉ khép hờ, liền giơ tay đẩy ra, lắc người mấy cái cho bớt ướt rồi bước vào, bỗng ngửi xộc lên mùi máu tanh. Chàng sợ hãi, vội đưa tay trái ra sau lưng đẩy Triệu Mẫn ra bên ngoài. Trong bóng tối đột nhiên có kẻ giơ tay chộp lấy chàng. Cú trảo này không một tiếng động, cực nhanh; khi chàng cảm nhận được, thì các ngón tay kẻ kia đã chạm tới mặt. Trương Vô Kỵ lúc này không còn kịp né tránh, chân trái phóng thẳng ngay lên ngực kẻ kia. Kẻ kia lật ngược tay móc một cái, cùi chỏ đánh xuống huyệt Hoàn Khiêu trên đùi chàng, chiêu số rất hiểm độc. Trương Vô Kỵ chỉ cần rút chân về để tránh, thì tay trái của kẻ kia sẽ móc lấy hai con mắt của chàng. Chàng bèn giơ tay chộp hờ ra xem sao. Quả nhiên chàng đoán không sai, bàn tay chàng chạm ngay phải tả chưởng của địch; song lúc đó huyệt Hoàn Khiêu cũng tê dại, chân phải đứng không vững, khuỵu ngay xuống.

Chàng đang tính lợi dụng cái thế đó bẻ gãy cổ tay kẻ địch, nhưng lại thấy bàn tay chàng nắm được kia mềm và nhẵn nhụi là tay phụ nữ, nên thôi không ra đòn nặng, mà nhấc luôn kẻ đó quẳng đi; bỗng bụp một cái, vai phải của chàng đau nhói, đã bị một dao đâm trúng.

Kẻ kia nhảy vọt ra cửa, vung chưởng đánh thẳng vào mặt Triệu Mẫn. Trương Vô Kỵ biết Triệu Mẫn không thể chống đỡ nổi, sẽ chết tươi tại chỗ, bèn cố nhịn đau bật người lên, tung chưởng ra. Hai chưởng đụng nhau. Người kia lảo đảo, chân loạng choạng, mượn lực đối chưởng mà nhảy ra xa mấy trượng, trong đêm tối biến mất tăm.

Triệu Mẫn sợ hãi hỏi:

– Là ai vậy?

Trương Vô Kỵ ậm ừ, bùi nhùi trong người đã bị ướt sũng nước mưa, không thể châm lửa, sợ rằng đoản đao cắm ở vai có thuốc độc, bèn nói:

– Nàng hãy thắp đèn lên.

Triệu Mẫn mò xuống bếp đánh lửa, thắp ngọn đèn dầu, thấy có con dao cắm trên vai chàng, thì cả kinh. Trương Vô Kỵ thấy mũi dao không có thuốc độc, cười nói:

– Chỉ là ngoại thương, không đáng lo.

Chàng liền rút đao ra, quay đầu lại, thấy Đỗ Bách Đương và Dịch Tam Nương nằm chúi trong một góc nhà, chàng không kịp rịt vết thương đang chảy máu, chạy ngay tới coi, hai vợ chồng họ Đỗ đã chết từ bao giờ.

Triệu Mẫn hoảng sợ nói:

– Khi thiếp ra khỏi nhà, hai ông bà vẫn mạnh khỏe bình thường.

Trương Vô Kỵ gật đầu, chờ Triệu Mẫn buộc xong vết thương cho chàng, chàng cầm đoản đao lên xem, thấy chính là binh khí mà vợ chồng họ Đỗ sử dụng, chàng nhìn quanh, thấy trên xà nhà, cột kèo, mặt bàn, dưới đất đều có cắm các cây đao, rõ ràng kẻ địch đã giao đấu một phen ác liệt với hai vợ chồng họ Đỗ, đánh văng lần lượt các cây đao của họ, cuối cùng mới ra tay sát hại. Triệu Mẫn kinh sợ nói:

– Người ấy võ công quá lợi hại.

Ban nãy đấu mò với y trong bóng đêm, nếu Trương Vô Kỵ không ứng biến thật nhanh, đoán kẻ kia sẽ ra tay móc mắt chàng, thì giờ này chàng đã thành một kẻ đui mù, hoặc đã cùng Triệu Mẫn chết nằm sóng soài dưới đất rồi. Chàng xem kỹ lại xác hai vợ chồng họ Đỗ, thấy xương sườn của họ đều bị gãy thành nhiều đoạn, gân cốt sau lưng cũng thế, rõ ràng họ bị hại vì một loại chưởng lực cực kỳ hiểm độc. Chàng nhiều phen gặp đại địch và cảnh hung hiểm, nhưng nghĩ lại ba chiêu nhanh như cắt vồ mồi trong đêm tối vừa xảy ra, bất giác rùng mình ghê rợn. Tối nay hai trận ác đấu, trận thứ nhất một địch ba, tuy dằng dai hồi lâu, song không kinh tâm động phách bằng trận thứ hai chỉ qua vài chiêu ngắn ngủi.

Triệu Mẫn lại hỏi:

– Kẻ đó là ai thế?

Trương Vô Kỵ lắc đầu không đáp. Triệu Mẫn đột nhiên hiểu ra, ánh mắt lộ vẻ kinh hoàng, đứng ngây một hồi rồi sà vào lòng Trương Vô Kỵ, khóc nấc lên.

Hai người cùng nghĩ rằng nếu Triệu Mẫn không nghe thấy tiếng hú của Trương Vô Kỵ mà gội mưa chạy đi đón, thì không sao thoát khỏi đại nạn, lúc này nằm chết gục ở góc nhà không phải hai, mà là ba cái xác rồi.

Trương Vô Kỵ vỗ nhè nhẹ lưng nàng, dịu giọng an ủi. Triệu Mẫn nói:

– Người đó muốn giết thiếp, nên ra tay giết hai vợ chồng họ Đỗ trước, rồi nấp bên trong định ám toán thiếp, nhất định không phải toan giết chàng đâu.

Trương Vô Kỵ nói:

– Mấy ngày tới, nàng nhất thiết không được rời xa ta nửa bước đâu đấy.

Ngẫm nghĩ một lát, chàng tiếp:

– Chưa đầy một năm, sao nội lực và võ công lại tiến triển nhanh đến thế? Trên đời này, ngoài ta ra, e rằng không ai có thể bảo hộ chu toàn cho nàng.

*

*      *

Sáng sớm hôm sau, Trương Vô Kỵ lấy cuốc xẻng của Đỗ Bách Đương đào một cái huyệt sâu, mai táng hai vợ chồng họ Đỗ, cùng Triệu Mẫn quỳ xuống vái mấy cái, nghĩ Dịch Tam Nương đối với hai người rất mực nhân hậu quý mến, thì không khỏi thương cảm.

Bỗng nghe từ phía Thiếu Lâm tự tiếng chuông vang lên dồn dập, nghe thật khẩn cấp; tiếp đó ở phía đông có một pháo hiệu màu xanh bay vút lên trời, phía nam có một pháo hiệu màu đỏ, phía tây có một pháo hiệu màu trắng, phía bắc có một pháo hiệu màu đen, xa xa mấy dặm là pháo hiệu màu vàng. Năm loại pháo hiệu vây chùa Thiếu Lâm vào giữa. Trương Vô Kỵ nói:

– Ngũ Hành kỳ của Minh giáo đều kéo tới, công khai thách thức Thiếu Lâm tự rồi đây, chúng ta đến đó mau.

Chàng và Triệu Mẫn vội thay đổi y phục, rửa ráy mặt mũi chân tay sạch sẽ, rồi hối hả đi tới chùa Thiếu Lâm.

Đi được vài dặm, gặp một đoàn giáo chúng Minh giáo tay cầm các lá cờ nhỏ màu vàng đi lên núi.

Trương Vô Kỵ gọi to:

– Nhan kỳ sứ có ở đó không?

Chưởng kỳ sứ Hậu Thổ kỳ là Nhan Viên nghe gọi, quay lại thấy giáo chủ thì cả mừng, vội tiến lại hành lễ tham kiến. Các giáo chúng hoan hô như sấm, cùng phục xuống vái lạy.

Nhan Viên bẩm cáo:

– Quần hào Minh giáo sau khi biết được tin về Tạ Tốn, bàn bạc với nhau, cho rằng nếu đợi đến tiết Đoan Dương cùng anh hùng thiên hạ tụ tập ở Thiếu Lâm tự để đòi người, thì như thế sẽ đối địch với cả quần hùng thiên hạ, hiện tại không có cách gì bẩm cáo với giáo chủ, đành phải quyền nghi, Dương Tiêu, Phạm Dao sẽ thống lĩnh thật đông đủ cao thủ của Minh giáo trước tiết Đoan Dương mười ngày cùng đến Thiếu Lâm tự đòi người. Vẫn biết đại động can qua là điều khó tránh, chuyện đó cũng không đáng ngại; chỉ đáng lo một điều là chưa tìm thấy giáo chủ, nên có cảm giác như rắn không đầu.

Các giáo chúng thổi tù và báo tin giáo chủ đã tới. Chẳng bao lâu, Dương Tiêu, Phạm Dao, Ân Thiên Chính, Vi Nhất Tiếu, Thuyết Bất Đắc, Ân Dã Vương, Chu Điên, Bành Oánh Ngọc, Thiết Quan đạo nhân lần lượt quy tụ. Giáo chúng bốn kỳ Nhuệ Kim, Cự Mộc, Hồng Thủy, Liệt Hỏa chia ra bốn mặt bao vây chùa Thiếu Lâm. Mọi người gặp nhau ai nấy vui mừng. Dương Tiêu, Phạm Dao tiến lên tạ tội vượt quyền.

Trương Vô Kỵ nói:

– Các vị không cần quá khiêm nhường, mọi người cùng đồng tâm hiệp lực cứu Tạ pháp vương, đó chính là nghĩa khí huynh đệ trong bổn giáo. Bổn nhân vô cùng cảm kích, lẽ nào lại trách cứ?

Rồi chàng kể sơ qua việc mình trà trộn vào Thiếu Lâm tự và chuyện đêm qua đã động thủ với ba huynh đệ Độ Ách ra sao. Mọi người thấy tất cả tất cả đều do mưu gian của Thành Côn thì ai cũng phẫn nộ. Chu Điên và Thiết Quan đạo nhân cất tiếng nguyền rủa. Trương Vô Kỵ nói:

– Hôm nay bổn giáo đường đường kéo quân tới gặp phương trượng Thiếu Lâm tự đòi người, tốt nhất là đừng để mất hòa khí. Vạn bất đắc dĩ phải động thủ, thì chúng ta một là cứu Tạ pháp vương, hai là bắt tên Thành Côn, ngoài ra không được sát hại người vô tội.

Mọi người đồng thanh dạ ran.

Trương Vô Kỵ quay sang bảo Triệu Mẫn:

– Mẫn muội, tốt nhất muội hãy cải trang, đừng để tăng chúng Thiếu Lâm nhận ra muội, khỏi phiền toái.

Nàng từng bắt các nhà sư chùa Thiếu Lâm đem về nhốt ở chùa Vạn An, đã gây thù chuốc oán sâu xa với Thiếu Lâm tự. Triệu Mẫn cười, đáp:

– Nhan đại ca, tiểu nữ sẽ giả làm một huynh đệ dưới cờ của đại ca!

Nhan Viên liền bảo một thuộc hạ cởi áo ngoài đưa cho Triệu Mẫn. Triệu Mẫn ra sau một gốc cây cải trang, bôi đen mặt mày, lúc bước ra đã hóa thành một hán tử gầy gò đen đúa.

Tiếng tù và lại vang động, quần hào Minh giáo xếp thành đội ngũ đi lên núi. Thiếu Lâm tự đã nhận được thiếp bái sơn của Minh giáo từ sớm, Không Trí thiền sư dẫn tăng chúng đón chờ ở sơn đình. Không Trí đã nghe lời Viên Chân, tin chắc các cao tăng Thiếu Lâm bị Triệu Mẫn bắt nhốt ở Đại Đô, bị chặt một ngón tay, ép phải truyền thụ võ công, là gian kế của Minh giáo ngầm câu kết sắp đặt với Nhữ Dương Vương, sau đó Trương Vô Kỵ ra tay cứu chỉ là giả vờ lấy lòng, toan tính mưu đồ khác mà thôi. Vì vậy khi đôi bên gặp nhau, Không Trí chỉ chắp tay hành lễ, không nói một câu.

Trương Vô Kỵ ôm quyền, nói:

– Tệ giáo có việc phải khẩn cầu quý phái, nên xin lên núi bái kiến phương trượng thần tăng.

Không Trí gật đầu, nói:

– Xin mời!

Rồi dẫn quần hào Minh giáo đi lên cổng chùa.

Không Văn phương trượng suất lĩnh các vị cao tăng thủ tọa Đạt Ma đường, La Hán đường, Bát Nhã đường, Giới luật viện ra ngoài cổng nghênh tiếp, mời quần hào vào Đại hùng bảo điện phân ngôi chủ khách ngồi xuống, các tiểu sa di bưng trà lên.

Không Văn cùng Trương Vô Kỵ, Ân Thiên Chính, Dương Tiêu hàn huyên vài câu, rồi im lặng. Trương Vô Kỵ nói:

– Phương trượng thần tăng, chúng tôi nếu không có việc thì chẳng dám đến cửa Phật. Hôm nay chúng tôi tới đây cầu khẩn phương trượng nể mặt đồng đạo võ lâm mà phóng thích Tạ pháp vương của tệ giáo, đại ân đại đức ấy mai này xin báo đáp.

Không Văn đáp:

– A Di Đà Phật, người xuất gia lấy từ bi làm gốc, giới sân giới sát, vốn không hề muốn làm khó với Tạ pháp vương. Thế nhưng sư huynh Không Kiến của lão nạp lại mất mạng vì tay Tạ thí chủ. Trương giáo chủ đứng đầu một giáo phái, chắc không lạ gì quy củ của võ lâm.

Trương Vô Kỵ nói:

– Việc đó bên trong có những duyên cớ khác, không thể chỉ trách Tạ pháp vương.

Rồi chàng kể lại chuyện Không Kiến cam nguyện chịu mười ba quyền để hóa giải một mối đại oan nghiệt trong võ lâm. Phía Không Văn mới nghe một nửa đã cùng cung kính đứng dậy niệm Phật hiệu. Không Văn rưng rưng nước mắt, run giọng nói:

– Thiện tai, thiện tai! Không Kiến sư huynh lấy đại nguyện lực để hoàn thành việc đại thiện, công đức không nhỏ.

Quần tăng cúi đầu đọc kinh, khâm phục Không Kiến là bậc cao nghĩa nhân hiệp. Quần hào Minh giáo cũng nhất tề đứng dậy tỏ lòng kính phục.

Trương Vô Kỵ kể xong sự việc đó, rồi nói:

– Tạ pháp vương lỡ tay đả thương Không Kiến thần tăng thì vô cùng hối hận; nhưng việc này suy cho cùng, thủ phạm chính là Viên Chân đại sư của quý tự.

Chàng thấy Viên Chân không có mặt ở trong điện, nên nói:

– Xin mời Viên Chân đại sư ra đây đối chất, để phân định phải trái.

Chu Điên xen vào:

– Đúng thế, trên đỉnh Quang Minh con lừa trọc ấy giả vờ chết, không ngờ hắn còn sống nhăn, cứ thập thập thò thò, chẳng ra cái giống gì. Mau gọi hắn ra đây coi.

Từ lần bị Viên Chân cho một vố đau trên đỉnh Quang Minh, Chu Điên bực lắm. Trương Vô Kỵ vội nói:

– Chu tiên sinh không được vô lễ trước mặt phương trượng đại sư.

Chu Điên nói:

– Ta chửi là chửi con lừa trọc Viên Chân, chứ đâu dám nhục mạ lão trọc…

Chữ “trọc” vừa thốt ra, y biết ngay là không ổn, vội lấy tay bịt miệng mình lại.

Không Trí thấy Chu Điên nói năng vô lễ, càng thêm tức giận, nói:

– Thế còn cái chết của sư đệ ta là Không Tính, Trương giáo chủ giải thích sao đây?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Không Tính thần tăng hào hiệp trượng nghĩa, tại hạ có duyên bái hội trên đỉnh Quang Minh, trong lòng hết sức kính phục. Không Tính đại sư từng ước hẹn với tại hạ, có dịp sẽ trao đổi để trau dồi võ học cho nhau. Ngờ đâu đại sư gặp đại nạn, tại hạ vô cùng thương tiếc. Việc đó do kẻ gian ám toán, thực không liên quan gì đến tệ giáo.

Không Trí cười, lạnh lùng nói:

– Trương giáo chủ việc gì cũng chối sạch. Còn việc quận chúa của Nhữ Dương Vương liên thủ với Minh giáo cũng là giả chăng?

Trương Vô Kỵ đỏ mặt, nói:

– Quận chúa không hợp ý với cha anh nàng, nên gia nhập tệ giáo. Dạo trước quận chúa có gì bất kính với quý tự, tại hạ sẽ bảo nàng ta lên chùa lễ Phật, trịnh trọng tạ tội.

Không Trí quát lên:

– Trương giáo chủ hoa ngôn xảo ngữ liệu có ích gì? Các hạ làm giáo chủ một giáo phái, mà lại tín khẩu hồ ngôn như thế, không sợ anh hùng trong thiên hạ chê cười hay sao?

Trương Vô Kỵ nghĩ việc giết Không Tính, bắt giữ quần tăng, đúng là việc hoàn toàn không nên làm của Triệu Mẫn, tuy không liên quan đến Minh giáo, nhưng nay Triệu Mẫn đã trao thân gửi phận cho chàng, chàng không thể đùn đẩy cho người khác.

Chính lúc đang khó nghĩ thì Thiết Quan đạo nhân lên tiếng, giọng gay gắt:

– Không Trí đại sư, Trương giáo chủ kính trọng đại sư là cao tăng tiền bối, nể mặt đại sư đó thôi, song đại sư cũng cần biết tự trọng. Trương giáo chủ trọng nghĩa thủ tín, chỉ nói sự thực. Đại sư làm nhục Trương giáo chủ, tức là làm nhục hàng trăm vạn giáo chúng Minh giáo ta. Dẫu Trương giáo chủ có khoan dung độ lượng, không thèm chấp, thì bọn bộ thuộc ta cũng chẳng bỏ qua cho đâu.

Vừa qua giáo chúng Minh giáo suốt một dải Hoài Tứ, Dự Ngạc hạ thành chiếm đất, chiêu binh mãi mã, nói “hàng trăm vạn giáo chúng” là không ngoa chút nào.

Không Trí cười khẩy:

– Hàng trăm vạn giáo chúng thì làm gì nào? Chẳng lẽ muốn san Thiếu Lâm tự thành bình địa chắc? Ma giáo làm nhục chùa Thiếu Lâm ta, không phải hôm nay là lần đầu. Bọn ta thất thủ bị bắt, bị nhốt ở chùa Vạn An, chỉ trách mình thiếu thận trọng, chứ xưa nay tà chính không thể đội trời chung, chuyện đó chẳng có gì lạ. Đằng này các người lại đến chùa Thiếu Lâm, khắc ở sau lưng mười sáu bức tượng La Hán mười sáu chữ, hừ, “Tiên tru Thiếu Lâm, tái diệt Võ Đang, duy ngã Minh giáo, võ lâm xưng vương!” Uy phong dữ dằn quá đấy!

Lần trước các võ sĩ của Triệu Mẫn, sau khi bắt giữ tăng chúng Thiếu Lâm tự giải đi, đã dùng dao khắc mười sáu chữ kia vào sau lưng mười sáu pho tượng La Hán. Phạm Dao chờ lúc mọi người đi khỏi, phi thân trở lại La Hán đường, di chuyển các pho tượng cho xoay lưng vào tường để làm cho âm mưu của Triệu Mẫn giá họa cho Minh giáo không thành. Sau đó bọn Dương Tiêu phát giác, đã xoay lại các bức tượng cho ngay ngắn, ngờ đâu tăng chúng Thiếu Lâm vẫn biết. Trương Vô Kỵ kém tài ăn nói, lại nghĩ Triệu Mẫn làm việc đó quả là sai quấy, trong bụng ngượng ngùng, không biết nói sao.

Dương Tiêu liền nói:

– Không Trí đại sư nói gì khiến chúng tôi không hiểu nổi? Trương giáo chủ của tệ giáo chính là công tử của Trương ngũ hiệp phái Võ Đang, trên giang hồ ai mà chẳng biết. Chúng tôi dẫu ngông cuồng đến mấy, cũng không dám nhục mạ thân sinh của Trương giáo chủ. Còn bản thân Trương giáo chủ lẽ nào lại khắc mấy chữ “tái diệt Võ Đang” kia chứ? Phương trượng đại sư và Không Trí đại sư đều là bậc cao tăng đức độ, đạo lý đơn giản như thế sao lại không nghĩ ra? Tại hạ quyết cho rằng không hề có việc đó.

Mấy câu trên lời lẽ đanh thép, khiến cho Không Trí chẳng thể nói thêm được nữa.

Không Văn phương trượng tu hành lâu năm, tâm tính hiền hòa, dầu gì cũng coi đại cục là trọng, thầm biết Minh giáo thế mạnh, giả dụ đôi bên đánh nhau thật, chỉ sợ tòa Thiếu Lâm tự cổ kính cả ngàn năm đến tay mình bị hủy diệt, bèn nói:

– Các vị cứ tranh luận bằng miệng với nhau, thiếu bằng chứng, vậy xin đi theo lão nạp tới La Hán đường chiêm ngưỡng pháp tượng, ai nói đúng sẽ biết liền.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Một khi tới La Hán đường, chân tướng sẽ bại lộ ngay mất”. Chàng còn do dự chưa trả lời, thì Dương Tiêu nói:

– Vậy thì hay lắm.

Trương Vô Kỵ chưa hiểu ý của Dương Tiêu, nhưng nghĩ Triệu Mẫn trà trộn vào nhóm Hậu Thổ kỳ, chưa vào chùa, chắc chắn tăng chúng Thiếu Lâm tự chưa phát giác được, cho nên chàng cũng không lo lắm.

Thế là chủ khách đi tới La Hán đường. Không Văn vái các pho tượng La Hán, nói:

– Đệ tử kinh động các pháp tượng, xin chư vị La Hán lượng thứ.

Vái xong, phương trượng sai sáu đệ tử cung kính di chuyển pháp thân. Sáu đệ tử vâng lệnh bước lên, chắp tay, lầm rầm khấn vái mấy câu, rồi chia ra hai bên, mỗi bên ba người, xoay pho tượng La Hán thứ nhất lại.

Chỉ thấy sau lưng pho tượng được đẽo phẳng lì, được thếp vàng, trước đây vốn có khắc chữ “tiên” to tướng, giờ chẳng còn dấu vết gì nữa. Việc như thế, chẳng những Không Văn, Không Trí kinh ngạc, mà ngay cả Trương Vô Kỵ cũng thấy bất ngờ.

Quần đệ tử Thiếu Lâm bèn cùng nhau xắn tay áo, xoay tất cả các pho tượng La Hán còn lại từ sau ra trước, nhưng đâu còn nét khắc nào? Tăng chúng ngơ ngác nhìn nhau, không ai nói được gì. Chính bọn họ từng nhìn thấy rõ rành rành sau lưng mỗi pho tượng đều có khắc một chữ lớn, hợp lại thành mười sáu chữ “Tiên tru Thiếu Lâm, tái diệt Võ Đang, duy ngã Minh giáo, võ lâm xưng vương!” sao bây giờ lại không thấy đâu cả? Sau lưng các pho tượng La Hán, vết thếp vàng còn mới lắm, thế nhưng Thiếu Lâm tự mấy tháng nay được canh giữ cực kỳ nghiêm mật, muốn xóa hết vết tích các chữ kia, rồi sơn lại thật mới, hoàn toàn không phải chuyện dễ, vậy mà tăng chúng trong chùa không một ai hay biết là thế nào?

Trương Vô Kỵ quay lại, thấy Phạm Dao và Vi Nhất Tiếu nháy mắt cười với nhau, thì hiểu ngay đó là huynh đệ bổn giáo đã ra tay, nghĩ thầm: “Họ làm được việc đó quả là thần thông quảng đại, xuất quỷ nhập thần”.

Dương Tiêu thấy các nhà sư cả kinh, bèn nói:

– Quý tự phúc trạch thâm hậu, công đức vô lường, kim thân của mười sáu pho tượng đều hoàn hảo, không suy suyển chút gì. Chắc có lẽ đúng như Không Trí đại sư nói, dạo trước có bị kẻ gian hủy hoại, nhưng mười sáu vị La Hán hiển linh, Phật pháp vô biên, đã lập tức tự bổ khuyết, thật là đáng mừng.

Nói rồi liền quỳ xuống vái các pho tượng La Hán. Trương Vô Kỵ và mọi người cùng quỳ xuống vái lạy.

Không Văn, Không Trí tuy không tin mấy lời ma mãnh rằng La Hán hiển linh, Phật pháp vô biên, song cũng đoán chừng đó là Minh giáo ngầm ra tay, dẫu gì cũng là người ta đã biết lỗi với bản tự, nên nỗi tức giận trong bụng cũng giảm đi ba phần; còn đối với tài xuất quỷ nhập thần của các ma đầu Ma giáo, thì ba phần khâm phục, ba phần lo sợ.

Không Văn nói:

– Các pho tượng La Hán giờ đã hoàn hảo như xưa, chuyện này khỏi nhắc tới nữa.

Rồi vẫy ta ra hiệu cho các đệ tử xoay lại các pho tượng La Hán và nói:

– Đêm qua Trương giáo chủ giá lâm, đã gặp ba vị sư thúc của lão nạp. Nghe nói Độ Ách sư thúc và Trương giáo chủ có ước hẹn với nhau, chỉ cần Trương giáo chủ phá vỡ được “Kim cương phục ma khuyên” của ba vị sư thúc lão nạp thì cứ việc đưa Tạ thí chủ đi.

Trương Vô Kỵ đáp:

– Đúng thế, Độ Ách đại sư quả có bảo vậy. Nhưng tại hạ khâm phục võ công cao siêu của ba vị lão tăng, tự biết mình không phải là địch thủ, đêm qua đã thua ba vị lão tăng rồi, kẻ bại trận đâu còn dám huênh hoang nữa?

Không Văn nói:

– A Di Đà Phật, Trương giáo chủ quá khiêm nhường. Đêm qua thắng bại chưa phân, Trương giáo chủ lại có lòng hiệp nghĩa, ra tay tương trợ, nên ba vị sư thúc rất cảm kích nghĩa cử của Trương giáo chủ.

Bọn Dương Tiêu, Phạm Dao nghe Trương Vô Kỵ kể ba vị lão tăng võ công tinh diệu, ai cũng muốn được gặp. Ân Thiên Chính nói:

– Nếu các vị cao tăng Thiếu Lâm quyết ý lấy việc cao thấp về võ học để phân xử, thì Trương giáo chủ, chúng ta không lượng sức mình, cũng đành lĩnh giáo tuyệt học của phái Thiếu Lâm một phen. Chúng ta đến đây cốt là để cứu Tạ huynh đệ, đến nước này cũng chả còn cách nào khác, chứ hoàn toàn không dám gây chuyện với chốn lãnh tụ võ lâm là chùa Thiếu Lâm.

Trương Vô Kỵ vốn rất tôn trọng lời lẽ của ông ngoại, lại nghĩ ngoài cách đó ra, cũng không còn cách gì hay hơn, bèn nói:

– Các huynh đệ nghe tại hạ ca tụng thần công cái thế của ba vị lão tăng, đều nói ba vị lão tăng đã tọa quan mấy chục năm, trong võ lâm không một ai hay biết, nay mọi người được dịp bái kiến, thực là vinh hạnh một đời.

Không Trí giơ tay nói:

– Xin mời!

Rồi dẫn đường đưa quần hào đi về phía đỉnh núi sau chùa.

Các giáo chúng thuộc Hồng Thủy kỳ theo sự điều khiển của chưởng kỳ sứ Đường Dương, bày trận dưới chân ngọn núi này, thanh thế vô cùng mạnh mẽ. Các cao tăng Thiếu Lâm nhìn qua, làm như không trông thấy, cứ đi thẳng lên núi.

Không Văn, Không Trí chắp tay, khom lưng hướng về phía ba cây tùng bẩm báo.

Độ Ách nói:

– Thù oán với Dương Đính Thiên đêm qua đã hóa giải rồi, sự việc tượng La hán hôm nay cũng đã xong, thật hay biết mấy, hay biết mấy! Trương giáo chủ, bên các vị có mấy người tới động thủ đây?

Bọn Dương Tiêu thấy ba vị lão tăng thân hình gầy đét, thấp bé, ngồi lọt thỏm trong ba hốc cây chẳng khác gì ba cái xác khô, nhưng mấy câu vừa nói thì vang vọng sơn cốc, rõ ràng nội lực thâm hậu quá chừng, bất giác không khỏi giật mình.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Đêm qua một mình ta đấu không lại ba vị lão tăng. Hôm nay tuy mình đông thật, nhưng nếu tất cả ào lên, một là vướng víu nhau khó thi triển, hai là mang tiếng ỷ nhiều thủ thắng, giảm mất uy phong của bản giáo. Nhiều không nên, ít không xong, ta cứ ba người chọi ba người là công bằng nhất”. Bèn nói:

– Đêm qua tại hạ đã được thưởng thức thần công của ba vị lão tăng, trong lòng bội phục, vốn không dám lộ thêm cái kém cỏi trước mặt ba vị lần nữa. Ngặt vì Tạ pháp vương đối với tại hạ có cái ân phụ tử, đối với các huynh đệ đây có cái nghĩa bằng hữu, cho nên chúng tại hạ dẫu không tự lượng sức, cũng phải cứu Tạ pháp vương cho bằng được. Tại hạ muốn mời thêm hai vị huynh đệ trong bổn giáo tương trợ, lấy ba chọi ba, bình thủ lĩnh giáo.

Độ Ách thản nhiên nói:

– Trương giáo chủ khỏi cần khiêm tốn quá, nếu bên quý giáo có được một vị tài nghệ gần ngang giáo chủ, chỉ cần hai vị liên thủ cũng đủ lấy mạng ba huynh đệ lão nạp rồi. Nhưng nếu lão nạp không lầm, người có thân thủ như giáo chủ, trên đời này làm gì còn ai, cho nên nếu càng thêm nhiều người ùa lên càng hay.

Bọn Chu Điên, Thiết Quan đạo nhân người nọ nhìn người kia, đều nghĩ lão lừa trọc kia quá ư cuồng ngạo, chẳng coi anh hùng thiên hạ vào đâu; có điều vẫn phải thừa nhận trên đời không ai sánh ngang giáo chủ của họ, kể như cũng còn biết nể nang. Chu Điên vừa định lên tiếng, Thuyết Bất Đắc nhanh tay bịt miệng y lại.

Trương Vô Kỵ nói:

– Tệ giáo tuy là bàng môn tả đạo, khó sánh với danh môn chính phái, nhưng cơ nghiệp đã mấy trăm năm, cũng có một ít nhân tài. Tại hạ vì gặp được nhân duyên, tạm thời đảm đương chức giáo chủ, chứ kỳ thực luận về võ công thì người trong tệ giáo giỏi hơn tại hạ chẳng phải là ít. Vi Bức Vương, nhờ huynh mang danh thiếp trình lên ba vị cao tăng.

Nói xong chàng đưa cho Vi Nhất Tiếu tờ danh thiếp, trên ghi tên quần hào lần này tới bái sơn, từ Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu, Phạm Dao, Ân Thiên Chính, Vi Nhất Tiếu… trở xuống.

Vi Nhất Tiếu biết giáo chủ muốn y hiển thị tài khinh công vô song, để cho quần tăng Thiếu Lâm không dám coi thường các nhân vật của Minh giáo, bèn cúi mình tuân lệnh, cầm tờ danh thiếp, thân hình chưa đứng thẳng lên, cũng chưa xoay mình, đi giật lùi mà vút ra xa cả chục trượng như một làn khói mỏng, bay tới khoảng giữa ba cây tùng, hai tay lật một cái đã trao danh thiếp cho Độ Ách.

Ba vị lão tăng thấy nhoáng một cái y đã tới trước mặt họ, khinh công đẹp như thế, thực chưa từng thấy bao giờ, huống hồ là kiểu đi giật lùi mà tài tình đến vậy, thì không khỏi tấm tắc: “Giỏi quá!”

Tăng chúng Thiếu Lâm đều có con mắt tinh đời, tức thì tiếng hoan hô nổi lên như sấm. Quần hào Minh giáo tuy đều biết Vi Nhất Tiếu khinh công tuyệt luân, nhưng thân pháp bật ngược về sau thì mới được chứng kiến lần đầu, dù hết sức thán phục, song chẳng lẽ tự khen người đằng mình, nên đành im lặng, chỉ riêng Chu Điên vỗ tay tán thưởng.

Độ Ách hơi nghiêng người, giơ tay nhận tờ danh thiếp, năm ngón tay phải của lão tăng vừa chạm vào tờ giấy, Vi Nhất Tiếu thấy toàn thân tê dại, tựa hồ bị sét đánh trúng, ngực nóng ran, người muốn ngã nhào. Y cả kinh, vội vận công chống đỡ. Độ Ách đã nhận tờ danh thiếp, luồng nội lực hùng hậu truyền qua tờ giấy lập tức mất đi. Vi Nhất Tiếu mặt biến sắc, nghĩ bụng lão trọc chột này nội công quả thật khôn lường, không dám chần chừ, vội nghiêng người lướt trên đám cỏ cao trở về bên cạnh Trương Vô Kỵ. Môn khinh công “Thảo thượng phi” này tuy không lạ lắm, nhưng luyện tới mức lướt như bay thì quả cũng là một thần kỹ.

Cánh Không Văn, Không Trí đều nghĩ thầm: “Khinh công của người kia đạt tới mức này, dĩ nhiên phải nhờ cao nhân truyền thụ, nhưng cũng còn do thiên phú, xem ra y có dị bẩm, người khác dẫu khổ luyện mấy cũng không thể vươn tới cảnh giới đó”.

Độ Ách nói:

– Trương giáo chủ bảo quý giáo có ba người hạ trường, trừ giáo chủ và vị Vi Bức Vương kia, còn vị thứ ba đứng ra chỉ giáo là ai đây?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Vi Bức Vương đã lĩnh giáo thần công nội kình của đại sư, tại hạ muốn mời tả hữu Quang Minh sứ giả trợ giúp.

Độ Ách hơi chột dạ: “Gã thiếu niên này tinh mắt quá chừng, vừa rồi ta dùng cách truyền kình lực qua tờ thiếp chỉ trong chớp mắt, mà hắn cũng nhận ra. Tả hữu Quang Minh sứ giả là ai, chẳng lẽ võ công còn cao hơn gã họ Vi kia ư?” Lão tăng tọa quan quá lâu năm, dĩ nhiên không nghe tên tuổi Dương Tiêu, còn Phạm Dao thì bao nhiêu năm qua mai danh ẩn tính, đến người bên cạnh còn không hay biết nữa là.

Dương Tiêu, Phạm Dao nghe giáo chủ nhắc đến tên mình, tức thời hiên ngang bước ra, cúi mình nói:

– Cẩn tuân mệnh lệnh giáo chủ.

Trương Vô Kỵ nói:

– Ba vị cao tăng sử dụng binh khí mềm, chúng ta dùng binh khí gì thì hơn?

Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu, Phạm Dao bình thời lâm trận chỉ dùng tay không, hôm nay gặp kình địch, chẳng dám không dùng binh khí. Ba người nhất pháp thông, vạn pháp thông, binh khí gì cũng biết sử dụng, Trương Vô Kỵ hỏi thế là để cho hai người có quyền lựa chọn. Dương Tiêu nói:

– Xin tùy giáo chủ phân phó.

Trương Vô Kỵ ngẫm nghĩ một chút: “Đêm qua Hà Giang Song Sát dĩ đoản công trường, xem ra rất có lợi”. Chàng bèn lấy trong bọc ra sáu tấm thánh hỏa lệnh, chia cho Dương Tiêu, Phạm Dao mỗi người hai tấm, nói:

– Chúng ta lên Thiếu Lâm tự bái sơn, không dám mang theo binh khí, đây là bảo vật trấn giáo của bổn giáo, mình cầm mà dùng vậy.

Dương Tiêu, Phạm Dao cúi mình nhận, rồi hỏi phương lược. Đột nhiên Không Trí nói lớn:

– Khổ đầu đà, ở chùa Vạn An chúng ta đã có chuyện với nhau, sao không nhân đây thanh toán cho xong? Lại đây nào, để lão nạp lĩnh giáo cao chiêu của các hạ trước đã. Lão nạp hôm nay không uống phải “Thập hương nhuyễn cân tán”, đôi bên mới thật sự phân rõ cao thấp.

Lão bị nhốt ở chùa Vạn An, vẫn luôn ấm ức, chưa có dịp phát tiết, hôm nay gặp lại Phạm Dao, cố nén mãi, đến lúc này thì không nén thêm được nữa.

Phạm Dao cười nhạt, nói:

– Tại hạ phụng mệnh giáo chủ, ra lĩnh giáo ba vị cao tăng, đại sư muốn trả thù cũ, chờ xong vụ này sẽ phụng bồi.

Không Trí cầm lấy trường kiếm của một đệ tử đứng bên quát:

– Các hạ không tự lượng sức, dám động thủ với ba vị sư thúc của ta, không chết ắt cũng trọng thương, mối thù của ta như thế làm sao báo được?

Phạm Dao cười đáp:

– Tại hạ chết dưới tay lệnh sư thúc thì có khác gì?

Không Trí cười khẩy:

– Trong Minh giáo, ngoài các hạ ra, không còn cao thủ nào khác ư, thế thì thôi vậy.

Câu nói của lão là kế khích tướng, quần hào Minh giáo sao lại không hiểu? Thế nhưng nếu làm ngơ, chẳng hóa ra để lão ta coi thường Minh giáo lắm ư? Cứ theo thứ bậc mà luận, dưới Phạm Dao sẽ là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính. Trương Vô Kỵ thấy ông ngoại tuổi đã cao, không tiện mời ra, định mời cậu là Ân Dã Vương thay thế. Ân Thiên Chính tiến ra một bước, nói:

– Giáo chủ, thuộc hạ Ân Thiên Chính xin ra ứng chiến.

Trương Vô Kỵ nói:

– Ông ngoại tuổi cao, xin để mời cậu…

Ân Thiên Chính nói:

– Ta tuổi tuy cao, song vẫn còn ít hơn ba vị lão tăng. Phái Thiếu Lâm có bậc đại cao niên thượng võ, Minh giáo ta không có lão tướng hay sao?

Trương Vô Kỵ biết ông ngoại chàng võ công cao cường chẳng kém gì Dương Tiêu, Phạm Dao, so với cậu còn hơn nhiều, nếu để ông ngoại xuất chiến, xem ra phần thắng chắc hơn, bèn nói:

– Được, Phạm hữu sứ hãy để dành sức lĩnh giáo Không Trí thần tăng, xin ngoại công giúp cho hài nhi.

Ân Thiên Chính đáp:

– Tuân lệnh!

Rồi tiếp nhận hai tấm thánh hỏa lệnh từ tay Phạm Dao.

Không Văn phương trượng dõng dạc nói:

– Ba vị sư thúc, vị Ân lão anh hùng đây người đời gọi là Bạch Mi Ưng Vương, năm xưa từng sáng lập Thiên Ưng giáo, một mình đương đầu với sáu đại môn phái, quả là bậc anh hùng hảo hán. Còn vị Dương tiên sinh này, nội công ngoại công đều ở mức tuyệt luân, là nhân vật đệ nhất trong Minh giáo, nhiều cao thủ phái Nga Mi, phái Côn Luân từng đại bại dưới tay Dương tiên sinh.

Độ Kiếp cười khô khan, nói:

– Hân hạnh được gặp! Để xem hôm nay môn hạ đệ tử Thiếu Lâm thân thủ thế nào?

Tam tăng vung tay một cái, ba sợi dây chẳng khác gì ba con rồng đen quây thành vòng tròn ba tầng.

Đêm qua, khi động thủ với ba vị lão tăng, trời tối như mực, giơ tay không nhìn rõ năm ngón, Trương Vô Kỵ chỉ căn cứ kình khí trên vòng dây mà biện nhận hướng đánh tới của binh khí đối phương; còn lúc này trời sắp trưa, ánh nắng chan hòa, từng nếp nhăn trên mặt ba vị lão tăng đều nhìn rõ mồn một. Chàng xoay ngược thánh hỏa lệnh, ôm quyền cúi mình nói:

– Đắc tội!

Nói đoạn nghiêng người xông lên. Dương Tiêu phi thân qua bên trái, còn Ân Thiên Chính quát một tiếng, tay phải cầm thánh hỏa lệnh đánh vào sợi dây của Độ Nạn. “Pang”, hai thứ binh khí kỳ dị đụng nhau, phát ra âm thanh cũng rất quái dị, cánh tay cả hai người đều ê ẩm, họ cùng nghĩ thầm: “Khiếp thật!” biết ra mình đã gặp kình địch khó kiếm trong đời.

Trương Vô Kỵ suy tính: “Sợi dây của ba lão tăng kết thành vòng tròn, chiêu số nghiêm mật, ba người mình liên thủ, trong vòng vài trăm chiêu khó lòng phá vỡ, vậy hãy làm hao tổn nội kình của ba lão tăng, rồi từ từ tìm chỗ sơ hở của họ”. Thấy một sợi dây đen cuốn tới, chàng liền dùng thánh hỏa lệnh chọi lại.

Hai bên đấu bằng thời gian ăn xong một bữa, ba người phe Trương Vô Kỵ đã dồn vòng dây thu hẹp lại, đường kính còn hơn một trượng. Song vòng dây càng thu ngắn, kháng lực của tam tăng càng mạnh, ba người muốn tiến thêm một bước, phải tốn sức gấp mấy lần trước đó. Dương Tiêu và Ân Thiên Chính càng đấu càng kinh hãi, thoạt đầu cục diện là ba đánh ba; sau nửa canh giờ thì Dương Tiêu và Ân Thiên Chính dần dần chịu hết nổi, thành ra hai người hợp lực đấu với Độ Nạn, còn một mình Trương Vô Kỵ đấu với hai lão tăng Độ Ách, Độ Kiếp.

Đòn của Ân Thiên Chính toàn là một lối cương mãnh. Dương Tiêu thì lúc nhu lúc cương, biến hóa khôn lường. Trong sáu người, chỉ có võ công của Dương Tiêu là đẹp mắt nhất, hai tấm thánh hỏa lệnh trong tay y cứ múa tít lên, lúc thành kiếm, lúc thành đao, lúc lại như đoản thương, đâm, chém, đánh, gạt; khi thì thành phán quan bút điểm, chọc, đè, hất; khi thì tay trái như chủy thủ, tay phải như thủy thích; rồi đột nhiên tay phải biến thành cương tiên, tay trái biến thành thiết xích; đôi khi dùng hai tấm thánh hỏa lệnh gõ vào nhau, phát ra âm thanh kỳ bí làm rối loạn tinh thần đối phương. Đấu chưa đầy bốn trăm chiêu, y đã biến đổi liền hai mươi hai loại binh khí, mỗi loại binh khí sử dụng hai pho võ công, đã thành bốn mươi tư chiêu thức.

Không Trí đã luyện thành mười một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm; Phạm Dao tự phụ mọi môn võ công trong thiên hạ y đều học lén được hết; nhưng lúc này chứng kiến thần kỹ của Dương Tiêu, cả hai đều phải thầm thán phục. Chu Điên vốn có hiềm khích với Dương Tiêu, từng mấy phen gây sự với nhau, lúc này càng xem càng hổ thẹn: “Thì ra con rùa Dương Tiêu toàn nhường nhịn mình. Dạo trước mình cứ tưởng võ công hắn chỉ nhỉnh hơn mình đôi chút, mỗi lần động thủ hắn thắng mình chẳng qua nhờ may mắn. Đâu ngờ con rùa Dương Tiêu hơn Chu Điên này một trời một vực”.

Song bất kể Dương Tiêu biến chiêu thế nào, sợi dây đen của Độ Nạn vẫn chống đỡ cả hai người mà không hề tỏ ra núng thế. Mọi người thấy trên đầu Ân Thiên Chính có lớp hơi màu trắng bốc lên, biết là ông đã phát huy nội lực đến cùng; chiếc áo màu trắng ông mặc, bên trong cũng đầy hơi căng phồng lên. Mỗi bước đi của ông để lại một dấu chân; đấu khoảng gần một canh giờ, thì bên ngoài ba cây tùng đã thành một vòng tròn hõm xuống do vết chân ông tạo nên.

Lúc này Ân Thiên Chính chuyển tấm thánh hỏa lệnh từ tay phải sang tay trái, đè sợi dây đen của Độ Nạn, tay phải đánh ra một chiêu “Phách không chưởng”[130]. Độ Nạn giơ tay trái lên, năm ngón tay chụp hờ ra, thành đòn không quyền, cũng trả lại một chưởng.

Không Văn, Không Trí cả bọn cùng kêu ồ” lên một tiếng đầy vẻ kinh ngạc và thán phục. Thì ra chưởng đánh trả vừa rồi của Độ Nạn là một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm, gọi là “Tu di sơn chưởng”. Môn chưởng lực này khó luyện thành là chuyện dĩ nhiên, song dẫu đã luyện thành, thì mỗi lần xuất chưởng đều phải xuống tấn vận khí, ngưng thần hồi lâu, mới có thể hội tụ nội kình ở đan điền; đằng này Độ Nạn muốn xuất chưởng là xuất chưởng liền, vừa nghĩ tới là đã có thể đánh ra “Tu di sơn chưởng”, tiếp đó sợi dây đen lại rung lên, nhắm đánh Dương Tiêu.

Song Độ Nạn vừa sử dụng “Tu di sơn chưởng” đối chưởng với Ân Thiên Chính, nên kình lực trên sợi dây chỉ còn non nửa. Lão tăng bèn lấy sự khéo léo bù cho chỗ yếu, cứ múa sợi dây vun vút, biến nó thành một con linh xà màu đen không ngừng di động. Hai tấm thánh hỏa lệnh trong tay Dương Tiêu cũng biến hóa vô cùng. Phần lớn người đứng coi đổ dồn vào xem hai người này đấu với nhau.

Ân Thiên Chính ngưng thần đề khí, từng chưởng từng chưởng đánh ra, khi đột nhiên tiến lên hai bước, khi lại thoái lui hai bước. Cạnh đó, Trương Vô Kỵ một mình đấu với hai lão tăng, chiêu thức của ba người không có gì lạ, nhưng đều là thi triển nội kình. Kiểu đấu này so với lối đấu lực của Ân Thiên Chính và đấu xảo của Dương Tiêu còn hung hiểm hơn nhiều; chỉ cần nội kình bị đối phương đánh ép trở lại, nếu không tắt thở mà chết tươi, thì cũng bị tẩu hỏa nhập ma, bại liệt tàn phế. Nhưng kiểu đấu này chỉ có người trong cuộc hiểu được, người đứng ngoài dù võ công cao siêu mấy cũng không thể căn cứ chiêu thức của ba người mà biết được.

Mặt trời từ hơi chếch ở phía đông, giờ đã ngả dần sang phía tây. Các đại cao thủ như Không Văn, Không Trí, Phạm Dao, Vi Nhất Tiếu đã nhận ra cơ hội đôi bên thắng bại như thế nào. Chỉ thấy Ân Thiên Chính trên đầu hơi trắng bốc lên càng lúc càng đậm, còn các lá kim trên cây tùng nơi Độ Kiếp ngồi cũng không ngừng chao động, đủ biết hai lão tăng Độ Ách và Độ Kiếp công lực có kẻ thấp người cao. Lúc này Độ Kiếp phải dựa lưng vào cây tùng, mượn lực đỡ của cây đại thụ, mới cầm cự nổi “Cửu dương thần công” của Trương Vô Kỵ. Nếu Ân Thiên Chính chịu hết nổi, thì Minh giáo thua; nếu Độ Kiếp chống đỡ không nổi, thì phái Thiếu Lâm bại trận.

Sáu người đang giao đấu càng hiểu điều đó hơn ai hết. Ân Thiên Chính tỷ thí chưởng lực với Độ Nạn đến hơn ba mươi chưởng, thì biết ông không phải là đối thủ của lão tăng, nghĩ thầm: “Việc của bọn ta hôm nay, cốt sao cứu được Tạ huynh đệ là trọng. Thắng bại vinh nhục của cá nhân ta, đâu có đáng gì? Huống hồ thua dưới tay một vị cao nhân của phái Thiếu Lâm, thì cũng không hạ thấp uy danh của Bạch Mi Ưng Vương này”. Thế rồi sau mỗi lần đánh ra một chưởng, ông lại thoái lui nửa bước; sau hơn mười chưởng đã lùi xa cả trượng. Nào ngờ “Tu di sơn chưởng” là một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm, Độ Nạn đã luyện pho chưởng này mấy chục năm, uy lực quả là ghê gớm. Ân Thiên Chính lùi bước nào, chưởng lực của Độ Nạn lại tiến theo bước ấy, kình lực không vì lộ trình dài ngắn mà suy giảm.

Dương Tiêu nghĩ thầm: “Lão tăng này quả thật lợi hại, mình có thay đổi chiêu số trên tấm thánh hỏa lệnh thế nào chăng nữa, cũng không làm gì nổi lão ta. Bạch Mi Ưng Vương một mình chịu nội kình, thời gian kéo dài e rằng không chịu nổi”, bèn dùng hai tấm thánh hỏa lệnh kẹp sợi dây đen, lấy cứng chọi cứng đấu lực với lão tăng, để giảm nhẹ gánh nặng cho Ân Thiên Chính. Không ngờ tấm thánh hỏa lệnh vừa kẹp vào sợi dây thì Độ Nạn rung cổ tay một cái, sợi dây duỗi thẳng ra đánh vào mặt Dương Tiêu. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Dương Tiêu nhắm ngực Độ Nạn ném luôn tấm thánh hỏa lệnh, rồi dùng cả hai tay chộp lấy đầu sợi dây, dùng chiêu “Đảo duệ cửu ngưu vĩ” mà kéo thật mạnh ra ngoài.

Độ Nạn thấy binh khí của đối phương rời khỏi tay, bắn mạnh tới như một thứ ám khí thì vội hạ thấp cùi chỏ tay trái để đè tấm thánh hỏa lệnh bay tới trước ngực, chợt thấy tấm thánh hỏa lệnh thứ hai đột nhiên chuyển hướng, nghe “vút” một tiếng, bay xéo sang phía Độ Kiếp. Nguyên trong sáu người, Dương Tiêu đa mưu hơn cả, hai tấm thánh hỏa lệnh tấn công Độ Nạn chỉ là hư chiêu, kình lực trên tấm thánh hỏa lệnh tấn công Độ Kiếp mới sử dụng toàn lực.

Độ Kiếp đang dốc toàn lực đấu với Trương Vô Kỵ, thấy Độ Nạn vẫn chiếm thượng phong trong cuộc đấu với Dương Tiêu và Ân Thiên Chính, không thể ngờ Dương Tiêu lại sử dụng kỳ chiêu, dùng thủ pháp quái dị tập kích mình; lão đang sửng sốt thì tấm thánh hỏa lệnh đã tấn công đến trước mặt. Lão hơi hoảng, đưa hai ngón tay ra kẹp tấm thánh hỏa lệnh nọ. Vì lúc đó lão đang toàn tâm toàn lực tỷ thí nội kình với Trương Vô Kỵ, đâu được phép phân tâm như thế, vậy là cây tùng mà lão ta dựa vào rung lên bần bật, lá tùng rơi lả tả như mưa rào. Trương Vô Kỵ thấy đối phương sơ hở, tâm pháp “Càn khôn đại na di” của chàng tối kiến hiệu là nhè chỗ sơ hở của đối phương mà tấn công, dẫu đối phương phòng thủ nghiêm mật còn chẳng ổn, nữa là đang núng thế? Năm luồng kình lực của các ngón tay chàng lập tức đánh tới nhanh như chớp, nghe “rắc rắc” nhiều tiếng, nhiều cành tùng nhỏ trên cây mà Độ Kiếp đang ngồi gãy rơi liên tiếp.

Độ Ách thấy thế nguy, vội đứng bật dậy, lắc mình một cái đã lướt tới bên cạnh Độ Kiếp, giơ tay trái đỡ vai cho sư đệ. Độ Kiếp có sư huynh giúp sức, mới đứng vững lại được.

Ở mé bên kia, Độ Nạn cũng đang tỷ thí chân lực với Dương Tiêu và Ân Thiên Chính, việc sinh tử sẽ được quyết định trong giây lát. Dương Tiêu cầm đầu sợi dây kéo mạnh ra ngoài, trong khi Ân Thiên Chính tiếp tục sử dụng chưởng lực hùng hậu liên tiếp tấn công Độ Nạn. Hai đại cao thủ một kéo một đẩy, hai luồng kình lực trái ngược nhau, Độ Nạn ở giữa, tuy tốn sức vô cùng mà chưa có vẻ bại trận.

Quần hào Minh giáo và tăng chúng Thiếu Lâm đứng ngoài nhìn tình cảnh đó, biết rằng nếu cứ tiếp tục tỷ thí đến khi phân rõ thắng bại, thì e rằng trong sáu đại cao thủ sẽ có ít nhất một nửa bỏ mạng tại chỗ. Trên đỉnh núi rộng rãi cứ im phăng phắc, ai nấy toát mồ hôi lạnh, ai cũng thấp thỏm lo cho người của phe mình.

Giữa không khí căng thẳng lặng lẽ đó, bỗng từ dưới địa lao ở khoảng giữa ba cây tùng có giọng nói trầm trầm vọng lên:

– Dương tả sứ, Ân đại ca, Vô Kỵ hài nhi, Tạ Tốn này hai tay dính đầy máu, lẽ ra phải chết từ lâu rồi. Hôm nay các vị vì muốn cứu ta mà tới đây tỷ thí với ba lão tăng Thiếu Lâm. Nếu đôi bên lại có tổn thương, thì tội lỗi của Tạ Tốn càng thêm chồng chất. Vô Kỵ hài nhi, con hãy mau mau dẫn huynh đệ bản giáo rời khỏi Thiếu Lâm tự. Nếu không ta sẽ lập tức tự tuyệt kinh mạch để khỏi tăng thêm nghiệt chướng.

Chính là Tạ Tốn sử dụng thần công “Sư tử hống” từ dưới địa lao nói lên. Năm xưa ở Vương Bàn sơn đảo, Tạ Tốn đã dùng “Sư tử hống” làm vô số hào sĩ các phái hoặc chết hoặc hôn mê; lúc này Tạ Tốn không sử dụng thần công để đả thương ai, song quần hào nghe mà cảm thấy tai cứ lùng bùng buôn buốt, không khỏi thất sắc.

Trương Vô Kỵ biết lời nghĩa phụ đã nói ắt nặng như núi, ông đã quyết không vì sự thoát thân của mình mà để người khác bị tổn thương; tình thế trước mắt, nếu tỷ thí đến cùng, chàng có thể không sao, nhưng ông ngoại, Dương Tiêu, Độ Kiếp, Độ Nạn bốn người chắc sẽ bỏ mạng. Chàng còn đang trù trừ, lại nghe Tạ Tốn quát lên:

– Vô Kỵ! Ngươi chưa chịu đi hay sao?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Vâng! Cẩn tuân lời sai bảo của nghĩa phụ!

Chàng lùi lại một bước, cao giọng nói:

– Ba vị lão tăng võ công quả vô cùng thần diệu, hôm nay Minh giáo chưa có cách gì phá vỡ, ngày khác sẽ trở lại lĩnh giáo. Ngoại công, Dương tả sứ, chúng ta hãy thu tay lại!

Nói rồi kình khí thu về, thoái hồi kình lực của hai lão tăng Độ Ách và Độ Kiếp trên hai sợi dây.

Dương Tiêu và Ân Thiên Chính nghe rõ lệnh của chàng, khổ nỗi hai người đang toàn lực tỷ thí với Độ Nạn, không có cách gì thu tay về; nếu thu hồi nội kình, sẽ lập tức bị đả thương bởi kình khí của Độ Nạn. Còn Độ Nạn lúc này có muốn dừng cũng không thể. Trương Vô Kỵ tới trước mặt Ân Thiên Chính, song chưởng tung ra, tiếp nhận chưởng lực của Độ Nạn và Ân Thiên Chính từ hai bên đánh vào; tiếp đó chàng dùng thánh hỏa lệnh chặn lên đầu sợi dây đen của Độ Nạn. Sợi dây vốn đang bị Độ Nạn và Dương Tiêu kéo căng như dây cung, thánh hỏa lệnh vừa chặn xuống, thần công “Càn khôn đại na di” lập tức hóa giải ngay hai luồng lực đạo mãnh liệt từ hai đầu dây truyền tới. Sợi dây đen mềm đi, chùng lại, rơi xuống đất, Dương Tiêu nhanh tay nhặt ngay lên.

Độ Nạn mặt biến sắc, đang định nói, Dương Tiêu hai tay cầm sợi dây lại gần mấy bước, nói:

– Xin gửi lại binh khí của đại sư.

Độ Kiếp hiểu tâm ý của Dương Tiêu, bèn nhặt hai tấm thánh hỏa lệnh ở dưới đất bên cạnh mình, trao cho Dương Tiêu.

Sau trận chiến này, ba vị lão tăng Thiếu Lâm dẹp bỏ thói cuồng ngạo, biết ra dẫu có đấu tiếp, tất sẽ lưỡng bại câu thương, ba người họ không tài gì chiếm được thượng phong. Độ Ách nói:

– Lão nạp bế quan mấy chục năm, trở lại được gặp hiền hào thời nay, thật là hân hạnh. Trương giáo chủ, quý giáo có nhiều anh tài, các hạ lại càng siêu việt, mong sao hãy đem tài ba đó tạo phúc cho trăm họ, đừng làm những việc thương thiên hại lý.

Trương Vô Kỵ cúi mình, nói:

– Đa tạ đại sư chỉ giáo. Tệ giáo không dám làm việc gì sai trái.

Độ Ách nói tiếp:

– Ba sư huynh đệ lão nạp ở đây cung kính chờ Trương giáo chủ đại giá lần thứ ba.

Trương Vô Kỵ nói:

– Thưa vâng, thể nào cũng xin trở lại lĩnh giáo. Tạ pháp vương là nghĩa phụ của tại hạ, ơn như phụ thân vậy.

Độ Ách thở dài, nhắm mắt, không nói nữa.

*

*      *

Trương Vô Kỵ cùng bộ thuộc chắp tay chào từ biệt Không Văn, Không Trí rồi xuống núi. Bành Oánh Ngọc truyền tín hiệu, triệt thoái giáo chúng Ngũ Hành kỳ. Giáo chúng Cự Mộc kỳ và Hậu Thổ kỳ lùi ra cách chùa Thiếu Lâm năm dặm, dựng mười mấy căn nhà gỗ dựa lưng vào núi để mọi người làm chỗ nghỉ ngơi.

Trương Vô Kỵ buồn bã, nghĩ bụng trong bản giáo không còn ai có võ công cao hơn ông ngoại và Dương Tiêu, nếu có thay bằng Phạm Dao và Vi Nhất Tiếu, chắc cũng chỉ như cục diện hôm nay; trên đời này tìm đâu ra hai người giỏi hơn họ để cùng chàng phá vỡ “Kim cương phục ma khuyên”?

Bành Oánh Ngọc đoán được tâm sự của chàng, nói:

– Giáo chủ quên Trương chân nhân rồi ư?

Trương Vô Kỵ lưỡng lự, nói:

– Nếu thái sư phụ ta chịu xuống núi tương trợ, liên thủ với ta, hẳn sẽ phá vỡ được “Kim cương phục ma khuyên”. Nhưng sẽ làm tổn thương nghiêm trọng hòa khí giữa hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang, cho nên chưa chắc thái sư phụ ta bằng lòng. Hơn nữa thái sư phụ ta tuổi đã trên trăm, võ học tu vi tuy đã tới mức lô hỏa thuần thanh, song tuổi tác như thế, lỡ có sơ sảy điều gì thì biết làm sao?

Bỗng nhiên Ân Thiên Chính đứng dậy, cười ha hả, nói:

– Trương chân nhân mà chịu hạ sơn, thể nào cũng mã đáo thành công, hay lắm, hay vô cùng!

Ông cười khan mấy tiếng, miệng há to, đột nhiên tiếng cười ngừng bặt.

Quần hào thấy ông mặt đang cười tươi, bỗng dưng bất động, đều ngạc nhiên. Dương Tiêu nói:

– Ân huynh, huynh nghĩ rằng Trương chân nhân chịu hạ sơn xuất thủ ư?

Dương Tiêu hỏi luôn hai lần, Ân Thiên Chính vẫn đứng im không trả lời. Trương Vô Kỵ cả kinh, giơ tay thăm mạch, ngờ đâu tâm mạch đã ngừng, khí tuyệt thân vong. Nguyên trên đỉnh Quang Minh, Ân Thiên Chính một mình đối phó với sáu đại môn phái, chân khí đã đại tổn, vừa rồi lại khổ chiến với Độ Nạn, hao kiệt toàn bộ lực khí, cộng với tuổi đã cao, thành ngọn đèn cạn dầu.

Trương Vô Kỵ ôm thi thể ông ngoại khóc òa lên. Ân Dã Vương vội chen vào, khóc rống lên đau đớn. Quần hào nghĩ đến nghĩa khí đồng giáo, ai nấy nước mắt lưng tròng. Tin buồn truyền ra, trong Minh giáo có nhiều người vốn ở dưới cờ Thiên Ưng giáo, thế là tiếng khóc vang động cả sơn cốc.

Mấy ngày liền quần hào bận bịu việc tang ma cho Ân Thiên Chính. Các bang hội, môn phái, các nhân vật võ lâm cũng lục tục lên núi. Một số người ngưỡng mộ uy danh của Ân Thiên Chính, đều tới trước linh sàng trong căn nhà gỗ để phúng điếu. Không Văn, Không Trí cũng đích thân tới viếng, sau đó lại phái ba mươi sáu nhà sư làm lễ cầu siêu cho Ân Thiên Chính. Nhưng ba mươi sáu nhà sư mới tụng vài câu kinh, thì Ân Dã Vương cầm gậy tre đuổi ra. Chu Điên đứng một bên cũng chửi toáng lên:

– Đám lừa trọc Thiếu Lâm, giả nhân giả nghĩa!

Trương Vô Kỵ buồn bã, cùng bọn Dương Tiêu, Bành Oánh Ngọc, Triệu Mẫn bàn tính mấy lần, vẫn chưa tìm được cách hay. Triệu Mẫn đã nghĩ đến việc bỏ “Thập hương nhuyễn cân tán” vào đồ ăn thức uống của ba vị lão tăng, lại nói đến việc đi gọi Lộc Trượng Khách, Hạc Bút Ông tới liên thủ với Trương Vô Kỵ, song Trương Vô Kỵ và Dương Tiêu đều thấy không ổn chút nào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.