Lúc đó trời vừa tối, trăng mới mọc. Đoàn Dự nhờ ánh trăng trông về hướng tây tiến bước. Tuy chàng không có võ công nhưng tuổi còn trẻ, sức lực dồi dào, chân thoăn thoắt bước mau. Được chừng mười dặm, đến sau ngọn cao nhất núi Vô Lượng, bỗng nghe tiếng nước chảy róc rách, trước mặt hiện ra một con suối. Chàng đang khát bèn lần đến bờ suối, thấy nước trong xanh, vừa thò tay xuống toan vốc nước uống, chợt nghe phía sau có tiếng ai đạp vào cành cây khô “cách” một tiếng, kế đó là tiếng bước chân của hai người. Đoàn Dự vội vàng nằm phục bên bờ suối, không dám động đậy.
Chỉ nghe một người nói: “Ở đây có suối, uống xong mình lại đi tiếp.”
Giọng nghe rất quen, Đoàn Dự nhận ra Can Quang Hào đệ tử của Tả Tử Mục, lại càng không dám cử động. Chỉ thấy hai người đi đến bên trên mé nước, tiếp theo nghe thấy tiếng vục nước và tiếng người uống. Một lát sau Can Quang Hào nói: “Cát sư muội, chúng mình đã thoát hiểm rồi, nàng đi cũng đã mệt, ta ngồi nghỉ một lát rồi hãy đi tiếp.” Có tiếng người đàn bà “ừ” rồi tiếng loạt soạt ở bên bờ suối, hẳn là hai người đã ngồi xuống.
Lại nghe người đàn bà nói: “Sư huynh, liệu Thần Nông Bang có cho người canh ở chỗ này không?” Nghe giọng hơi run run, xem chừng sợ hãi lắm. Can Quang Hào an ủi: “Sư muội an tâm. Sơn đạo này rất kín đáo, ngay cả trong Đông tông chúng ta cũng chẳng mấy người lui tới, Thần Nông Bang không biết được đâu.” Người đàn bà lại hỏi: “Thế làm sao sư huynh biết được con đường mòn này?” Can Quang Hào đáp: “Cứ năm ngày một lần sư phụ lại dẫn đệ tử đến nghiên cứu khối Vô Lượng Ngọc Bích xem có gì bí ảo, thế nhưng bao năm qua chúng ta chỉ cứ chăm chăm nhìn khối đá này, chẳng nhận ra được điều gì. Sư phụ lão nhân gia nói cái gì người muốn làm nên đại nghiệp thì phải có nghị lực bền bỉ, lại thêm rằng có chí thì nên. Thế nhưng quả thực ta nhìn mãi chán lắm rồi, có khi giả vờ đi đại tiện rồi ra ngoài chạy lăng quăng nên mới tìm ra được đường mòn.”
Cô gái kia cười khúc khích nói: “Thì ra sư huynh không dụng công, chỉ trốn học đi chơi. Xem ra trong các đồng môn, sư huynh là người kém nghị lực hơn cả.” Can Quang Hào cười nói: “Cát sư muội, năm năm trước tỉ kiếm trên Kiếm Hồ Cung ta đã thua sư muội rồi.” Cô gái ngắt lời: “Thôi đừng nói là thua sư muội. Lúc đó sư huynh giả vờ không đủ nội lực, cố ý nhường cho tiểu muội, người ngoài thì không thấy nhưng chẳng lẽ muội cũng không biết hay sao?”
Đoàn Dự nghe thấy thế nghĩ thầm: Thì ra người đàn bà này thuộc về Tây tông của Vô Lượng Kiếm.
Can Quang Hào đáp: “Ta vừa thấy mặt nàng trong lòng nguyện thể nào cũng phải được cùng nhau ăn ở suốt đời. May gặp cơ hội nghìn năm một thuở, Thần Nông Bang đột nhiên đến tấn công, lại thêm có hai đứa nhãi nhép đem con chồn độc đến làm loạn cả lên khiến cho Kiếm Hồ Cung nhốn nháo, hai đứa mình mới thừa cơ bỏ chạy, thế chẳng phải có chí thì nên đó sao?” Cô gái kia cười khúc khích nhỏ nhẹ đáp: “Muội cũng thật là có chí thì nên.” Can Quang Hào nói: “Cát sư muội, nàng tốt với ta như thế, ta sẽ cưng chiều muội suốt kiếp.” Nghe giọng nói thấy y vui sướng không để đâu cho hết.
Cô gái kia thở dài nói: “Chúng mình phản thầy rủ nhau đi trốn, thật không còn chỗ đứng trong võ lâm nữa. Mình phải đi càng xa càng tốt, kiếm chỗ nào kín đáo mà ở, đừng để sư phụ và đồng môn biết được mới xong. Càng nghĩ đến muội càng sợ.” Can Quang Hào đáp: “Muội chớ lo làm gì. Phen này Thần Nông Bang đã chuẩn bị rồi mới đến, hai phái Đông Tây ngoài huynh và muội ra e rằng chẳng một ai thoát khỏi độc thủ.” Người đàn bà lại thở dài nói: “Cũng mong được vậy.”
Đoàn Dự nghe xong khí tức xông lên, nghĩ thầm: Hai đứa chúng bay muốn thành vợ chồng, thừa cơ sư môn có nạn mà bỏ trốn thì cũng đành, nhưng sao lại mong sư trưởng đồng môn của mình đều bị độc thủ? Tâm địa chúng bay thật là tàn độc. Chàng nghĩ đến hai người tính tình thâm hiểm như thế, nếu như chúng phát giác ra mình, thể nào cũng biết để diệt khẩu, thành thử đến thở mạnh cũng không dám.
Cô gái lại nói: “Cái phiến Vô Lượng Ngọc Bích kia có gì kỳ lạ, bên huynh ở đây đã mười năm, không lẽ vẫn chưa có chút manh mối nào?”
Can Quang Hào đáp: “Mình đã là một nhà, lẽ nào ta còn dối muội sao? Sư phụ nói, nhiều năm trước, lúc đó thái sư phụ của ngu huynh làm chưởng môn Đông tông, những đêm trăng thấy trên bức tường ngọc có hình người múa kiếm, khi thì nam, khi thì nữ, có khi nam nữ đấu kiếm với nhau, đâm chém kịch liệt. Kiếm pháp trên khối ngọc bích đó tinh diệu lắm, thái sư phụ bình sinh chưa thấy bao giờ, dù có nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi, hẳn là do thiên tiên biểu diễn. Thái sư phụ ta chỉ mong học được vài chiêu tiên kiếm, thế nhưng kiếm ảnh trên vách núi quá ư kỳ lạ, lanh lẹ lại mờ ảo khi có khi không, chẳng thể nào coi cho rõ được, có muốn học nửa chiêu cũng không xong. Hình ảnh của tiên kiếm có lúc thật khuya mới có, có khi một hai tháng mới thấy một lần. Thái sư phụ mê say kiếm ảnh trên ngọc bích xao lãng cả việc luyện tập kiếm pháp bản môn, cũng lơ là cả việc đốc thúc đệ tử luyện tập nên về sau mới bị Tây tông của muội đánh bại. Cát sư muội, thái sư phụ muội cùng đệ tử vào ở trong Kiếm Hồ Cung rồi có thấy cái gì không?”
Cô gái nói: “Cứ như sư phụ muội nói, kiếm ảnh trên tường đó thái sư phụ muội cũng thấy, nhưng về sau chỉ thấy một người đàn bà múa kiếm, còn vị nam kiếm tiên kia không thấy đâu nữa. Chắc vì thái sư phụ muội là đàn bà nên chỉ có một nữ kiếm tiên hiện ra chỉ dạy thôi. Thế nhưng mới được hai năm thì vị nữ kiếm tiên kia cũng biến mất. Thái sư phụ cũng nói, thân pháp kiếm pháp của những vị tiên hiện ra trên ngọc bích tuy thật là kỳ diệu, nhưng mơ hồ mông lung, lại quá nhanh không thể quan sát kỹ càng. Bức tường ngọc đó lại cách một vực sâu thành thử muốn liều mạng cũng không đến gần mà coi được. Thái sư phụ tuy được thiên duyên nhưng lại không đủ phúc trạch mà học được nửa chiêu nửa thức dương oai thiên hạ, trong lòng uất ức thế nào không nói cũng biết. Sau khi tiên ảnh biến mất rồi, thái sư phụ muội ngày đêm ở trên đỉnh núi bàng hoàng, chăm chăm xuất thần nhìn vào bức tường ngọc kia, ngày càng tiều tụy, chỉ nửa năm sau thì lâm bệnh mà chết. Khi lâm chung lão nhân gia còn đang ở trên đỉnh núi, tuy hơi thở chỉ còn thoi thóp nhưng vẫn không cho đệ tử đem về Kiếm Hồ Cung. Sư phụ muội kể rằng, khi thái sư phụ tắt thở, hai mắt vẫn còn trừng trừng nhìn vào ngọc bích.” Cô ta ngừng lại một chút rồi nói tiếp: “Can sư ca, huynh nghĩ trên đời này có tiên thật chăng? Hay là hai vị thái sư phụ của huynh và của muội nói thế để đánh lừa người khác?”
Can Quang Hào đáp: “Nếu bảo hai vị thái sư phụ dựng chuyện đánh lừa đệ tử thì chắc không phải, có được gì đâu. Hơn nữa, ta nghe Thẩm sư bá nói rằng khi người còn nhỏ quả đã chính mắt trông thấy hình ảnh của kiếm tiên. Thế nhưng trên đời này có tiên thật hay không, ta cũng không biết.” Người đàn bà nói: “Hay là có hai vị cao nhân múa kiếm ở trước hồ rồi bóng họ in lên bức tường ngọc đó chăng?” Can Quang Hào đáp: “Hồi đó thái sư phụ đã nghĩ đến. Thế nhưng trước bức tường ngọc là Kiếm Hồ, phía tây hồ lại là vực sâu, hai vị cao nhân kia dù có thể thủy thượng phiêu mà múa kiếm ngay trên mặt hồ thì thái sư phụ cũng phải nhìn thấy rồi. Còn như nếu ở bên bờ hồ mà múa kiếm thì cách xa như thế, cái bóng không thể nào chiếu lên trên ngọc bích được.” Cô gái nói: “Thái sư phụ muội lìa đời rồi, các đệ tử đêm đêm thắp hương lễ bái trước bức tường ngọc, khấn nguyện chỉ mong cái bóng của kiếm tiên hiện ra một lần nhưng không bao giờ thấy nữa. Sư phụ muội chỉ mong được quay lại xem thế nào, nhưng mười năm qua hai lần tỉ kiếm đều thua Đông tông bên huynh cả.”
Can Quang Hào nói: “Từ nay trở đi, hai đứa mình không còn phân biệt Đông tông, Tây tông gì nữa. Hai tông bây giờ đã hợp làm một…” Chỉ nghe cô gái cười rúc rích, ứ hự mấy tiếng, nói khẽ: “Đừng… đừng làm thế…” Hiển nhiên Can Quang Hào có hành vi sàm sỡ nên cô nàng mới ngúng nguẩy. Can Quang Hào nói: “Muội cứ chiều ta, nếu như sau này ta phụ bạc thì nguyện sẽ biến thành chó ngay ở cạnh hồ này.” Thiếu nữ cười khanh khách, nũng nịu nói: “Nếu huynh là con chó thì có khác gì huynh mắng muội là đồ chó cái?”
Đoàn Dự nghe đến đây, nhịn không nổi bật cười một tiếng. Tiếng cười vừa ra khỏi miệng, chàng biết ngay là không xong, vội vàng nhỏm lên chạy thục mạng. Phía sau Can Quang Hào quát lớn: “Ai đó?” Rồi tiếng người rầm rập đuổi theo.
Đoàn Dự kêu khổ, càng ra sức chạy. Chỉ trong giây lát, phía tây lấp loáng ánh sáng, một người đàn bà tay cầm trường kiếm chạy về phía sườn núi hẳn là định chặn đường của chàng. Đoàn Dự kêu lên: “Ôi chao!” liền quay sang hướng đông, trong bụng lẩm bẩm: Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm bồ tát, cứu cho đệ tử Đoàn Dự thoát được kiếp nạn này. Tai chàng vẫn nghe thấy tiếng Can Quang Hào đuổi theo rất gấp. Chỉ được một lát Đoàn Dự đã thở hồng hộc, tai nghe Can Quang Hào quát lớn: “Cát sự muội mau chặn sơn khẩu!”
Đoàn Dự nghĩ thầm: Ta chết cũng không có gì quan trọng, nhưng làm cho cả Chung cô nương cũng không sống nổi, lại thêm bao nhiêu mạng người trong Thần Nông Bang, tội nghiệt thâm trọng. A Di Đà Phật! Quan Thế Âm bồ tát! Chàng lại nghĩ tiếp: “Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự, bọn chúng có thành chó cái chó đực gì cũng mặc kệ, có liên can gì đến ngươi? Việc gì ngươi phải cười người ta? Tiếng cười đó chẳng phải là giết đến mấy chục mạng hay sao? Tuyệt sắc mỹ nhân thì một nụ cười mới nghiêng nước nghiêng thành, còn ngươi Đoàn Dự cười thì nghiêng cái quái gì? Nghiêng thùng đổ nước chăng?” Trong bụng tự oán trách như thế nhưng chân không chậm lại chút nào, chẳng cần nhắm hướng cứ xông bừa vào phía rừng sâu rậm rạp.
Chạy thêm một lúc nữa, hai chân chàng đã mỏi nhừ, hơi thở phì phò, tai bỗng nghe thấy tiếng nước chảy ào ào, gầm rú chẳng khác gì sóng biển. Chàng ngửng đầu lên thấy về phía tây bắc dường như có giải ngân hà lơ lửng giữa trời, chính là dòng thác lớn từ trên sườn núi cao đổ xuống. Phía sau Can Quang Hào kêu lên: “Phía trước là cấm địa phái ta. Mi chỉ chạy mười trượng nữa là chết không có đất mà chôn.” Đoàn Dự nghĩ thầm: Ta không vào cấm địa thì ngươi cũng giết, đã chết thì có đất chôn hay không cũng chẳng hơn kém là mấy. Nghĩ vậy chàng càng chạy nhanh hơn trước. Can Quang Hào lại gọi giật giọng: “Phải đứng lại ngay! Mi muốn chết hay sao? Trước mặt là…”
Đoàn Dự cười đáp: “Vì ta muốn sống nên mới chạy…” Chưa dứt lời, bất thình lình chân chàng bước hẫng. Chàng đã không có võ nghệ lại đang lúc chạy nhanh nên không dừng lại kịp. Chàng vừa kêu lên một tiếng “chết” thì người đã rơi đến quá mười trượng.
Chàng đang ở giữa khoảng không, hai tay múa may loạn lên, chỉ mong nắm được vật gì. Thêm mấy trăm trượng nữa, đột nhiên nghe “bình” một tiếng, mông đụng vào một cây cổ tùng mọc xiên từ vách núi ra, thân hình liền bắn trở lên. Lách cách lách cách mấy tiếng, cành cùng to lớn đã gãy lìa nhưng sức rơi xuống đã giảm bớt.
Đoàn Dự hai tay liền chồm ra, ôm chặt được một cành tùng khác, đánh đu giữa lưng trời, thân mình lắc lư không ngớt. Chàng cúi đầu nhìn xuống, hang núi mây mù che phủ, không thấy đâu là đáy. Chàng đong đưa thân hình chạm được vào sườn núi, hai chân mò được một chỗ tựa, mới hơi bình tâm lại, lần theo vách đá về phía cây tùng, miệng nói: “Ông thông già ơi, may nhờ hôm nay ông đại hiển thần thông, cứu được mạng cho Đoàn Dự này. Tổ tiên ông được Tần Thủy Hoàng trú mưa ngày xưa nên phong cho làm Ngũ Đại Phu. Che mưa so với cứu mạng người thì có đáng gì? Ta sẽ phong cho ông làm Lục Đại Phu, không, phải là Thất Đại Phu, Bát Đại Phu mới xứng.”
Chàng xem kỹ thấy vách đá có một khe nứt lớn, nếu may mắn có thể leo xuống được. Chàng thở một hồi rồi nghĩ thầm: “Can Quang Hào và Cát sư muội của y chắc nghĩ mình đã nát như tương rồi, đâu có ngờ mình được Bát Đại Phu cứu. Giờ này chắc bọn chúng đã bỏ xuống dưới núi, hai người đang chàng chàng thiếp thiếp, Đông tông Tây tổng hợp thành một rồi. Dưới đáy sơn cốc này chắc nguy hiểm lắm, nhưng nếu số chết thì ở đâu cũng chết thôi. Biết đâu được Quan Thế Âm bồ tát phù hộ mà không chết.”
Chàng men theo khe đá, từ từ tuột xuống. Cái khe đó có rất nhiều đá và cây cỏ nên không bị trượt, nhưng quần áo chân tay bị xé rách bầm dập lung tung. Hang núi tưởng như vô cùng vô tận, mãi chàng vẫn chưa xuống được tới đáy hang. May sao càng xuống sâu, vách núi càng thoai thoải không còn thẳng đứng như trước, chàng bèn ngồi phệt xuống vừa trượt vừa lết từ từ nên nhanh hơn nhiều.
Tiếng thác nước ì ầm mỗi lúc một lớn khiến chàng không khỏi kinh hãi, nghĩ thầm: Nếu dưới này nước chảy xiết thì thật là nguy hiểm. Bỗng thấy những giọt nước như mưa rào bắn tung lên đập cả vào mặt mũi rát rạt.
Đoàn Dự không thể suy tính nữa, chỉ khoảnh khắc đã xuống đến đáy khe. Chàng đứng thẳng người lên, bất giác cất tiếng khen: Đẹp quá! Bên tả sườn núi, thác nước lớn trắng phau, trông tựa như một con rồng lơ lửng trên không, cuồn cuộn đổ xuống một cái hồ trong vắt. Tuy thác nước đổ xuống suốt ngày đêm mà hồ vẫn không tràn, hẳn có chỗ thoát nước đi. Trên mặt hồ chỉ chỗ thác đổ vào là sóng vỗ bập bềnh, còn cách từ mười trượng lại phẳng như một tấm gương khổng lồ. Dưới đáy hồ còn có một vầng trăng vằng vặc, do ánh trăng phản chiếu.
Đứng trước phong cảnh kỳ tuyệt của tạo hóa, Đoàn Dự ngây người mà nhìn đến ngơ ngẩn xuất thần. Lát sau chàng mới nhìn chếch sang bên: trên bờ hồ những bụi hoa trà trùng điệp, lung linh trong đêm. Hoa trà Vân Nam nổi tiếng đệ nhất thiên hạ, Đoàn Dự vốn đã yêu thích, ngờ đâu lâm cảnh hiểm nghèo lại được thấy nhiều. Chàng đến xem kỹ, lẩm bẩm: “Nơi đây hoa trà mọc nhiều, nhưng cũng bình bình. Chỉ có vài khóm Vũ Y Nghê Thường là đẹp hơn ở nhà ta. Còn mấy bụi Bộ Bộ Sinh Liên toàn là thứ phẩm.”
Chàng ngắm hoa một hồi rồi ra bờ hồ vốc nước lên uống. Nước hồ mới ngon ngọt làm sao, uống tới đâu thấy mát mẻ tới đó. Tinh thần đã tỉnh táo, chàng nhớ đến công việc cần kíp, phải mau tìm lối ra.
Bờ hồ này hình bầu dục, có đến phần nửa ẩn vào các bụi cây um tùm, Đoàn Dự quanh về mé đông đi hết một vòng, được chừng ba dặm. Mé đông nam cũng như mé tây bắc, sườn núi đều dựng đứng, tuyệt không có đường nào ra được. Duy chỗ chàng rơi xuống vừa rồi là sườn núi tương đối thoải hơn cả, ngoài ra không còn nơi nào có thể trèo lên được. Chàng ngửng đầu lên thấy mây mù che phủ miệng hang, xuống đã biết bao gian nan, nghĩ đến việc trèo lên lại càng ngán ngẩm, nghĩ thầm: Dù người võ công tuyệt đỉnh cũng chưa chắc đã lên được. Có hay không có võ công thì cũng thế thôi.
Khe núi im lặng như tờ, đừng nói vết chân người, ngay vết chân loài dã thú cũng không thấy. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng chim kêu từ xa vẳng lại. Nhìn cảnh tượng này, Đoàn Dự lại buồn thiu. Chàng nghĩ thầm: dù mình chết đói ở đây cũng chẳng sao nhưng chỉ sợ Chung cô nương thiệt mạng, còn cha mẹ mình sẽ ngày đêm khắc khoải nhớ thương.
Chàng ngồi phịch xuống bên bờ hồ rầu rĩ, bụng chưa biết tính sao. Trong khi thất vọng lòng nảy ra ảo tưởng: Giá như biến được thành con cá, theo thác nước bơi ngược lên thì may ra mới thoát khỏi vách đá dựng đứng này. Chàng đưa mắt nhìn theo dòng nước từ dưới đi lên, thấy bên phải của dòng thác có một vách đá nhẵn bóng, sáng loáng như ngọc, nghĩ thầm muôn ngàn năm trước chắc dòng thác lớn hơn bây giờ nhiều, qua không biết bao nhiêu thời gian mới mài cho nửa bên vách đá thành nhẵn nhụi đến thế, về sau lượng nước giảm ít mới lộ ra phiến đá lưu ly khiến cho vách núi trong như một mặt gương.
Lúc đó chàng nhớ lại những lời mà Can Quang Hào và Cát sư muội của y nói chuyện, nghĩ thầm: Xem ra đây chính là cái mà họ nói là Vô Lượng Ngọc Bích rồi. Họ kể lại năm xưa các chưởng môn Đông tông, Tây tông của Vô Lượng Kiếm thường nhìn thấy trên vách núi này bóng các vị tiên hiện ra trong những đêm trăng. Ngọc bích này dựng đứng bên cạnh cái hồ, nếu có kiếm tiên thì phải nổi trên mặt hồ, còn không phải ở bờ hồ phía đông mà múa kiếm thì bóng mới chiếu lên trên đó được. Thế nhưng phía đông cũng lại là vách đá thẳng tắp phản chiếu ánh sáng, nếu không có ánh trăng thì không thể có bóng người. A, đúng rồi, chắc tại mặt hồ có chim bay qua lượn lại, bóng nó chiếu lên trên vách núi, nhìn xa thấp thoáng thì thấy thân pháp linh động, vừa nhanh nhẹn, vừa kỳ lạ. Bọn họ trong đầu đã có chủ ý nên tưởng là tiên đang múa kiếm, mờ mờ tỏ tỏ không nhìn thấy rõ vì sao nên phải đi vào ma đạo.
Chàng nghĩ ra rồi không khỏi bật cười. Từ lúc ăn uống ở trong Kiếm Hồ Cung tới giờ cũng đã bảy tám canh giờ nên bụng đói meo, thấy bên bờ hồ có một lùm cây đầy trái xanh xanh đỏ đỏ nên đến hái một chùm, cho vào miệng nhai thử thấy chua lè, nhưng đang đói nên cũng đành ăn luôn một hơi đến hơn chục chùm mới lưng lửng dạ, thấy toàn thân xương cốt mỏi nhừ nên lăn ra cỏ nằm thiu thiu ngủ.
Chàng ngủ một giấc thật say, đến khi tỉnh dậy mặt trời đã ngả về tây, mặt hồ hiện ra một hình cầu vồng, đẹp không tả được, Đoàn Dự biết rằng bụi nước từ thác nước bắn lên gặp ánh mặt trời chiếu vào nên hiện ra cầu vồng, nghĩ thầm mình tuy sắp chết nhưng được thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, phúc lộc không phải nhỏ. Được chết dưới bóng hoa nơi bờ hồ thật phong lưu biết bao, ánh hồ sáng loáng diễm lệ, chỉ hiềm hoa trà không phải là giai chủng nên có phần mỹ trung bất túc.
Hồi lâu chàng tự nhủ: Chẳng qua tại mình hoảng hốt chưa tìm ra mà thôi, thế nào cũng có con đường nhỏ phía sau rừng cây kia. Nghĩ vậy chàng cao hứng, vừa cất tiếng hát vang, vừa men theo bờ hồ để tìm lối ra. Lần này Đoàn Dự men theo bờ hồ xem xét kỹ càng, lách cả vào những nơi âm u, rậm rạp. Song sau bao nhiêu đám hoa cỏ, cây cối um tùm, chỗ nào cũng vách đá kiên cố, dựng đứng lên cao ngất trời. Đừng nói lối ra, cả đến một hang dã thú hay một lỗ rắn chui cũng không có.
Giọng hát mỗi lúc một khản, đầu óc mỗi lúc một tối. Chàng đi một vòng về đến chỗ thác nước thì cặp giò đã mỏi nhừ, ngồi phịch xuống đất, vẻ mặt bơ phờ mệt nhọc, lại nghĩ thầm: Chung cô nương vì cứu ta mà chết oan.
Nghĩ đến Chung Linh, chàng thò tay vào túi lấy đôi giày hoa ra ngắm nghía, hình dung đôi chân bé nhỏ, khuôn mặt xinh xắn của nàng, nhịn không nổi đưa đôi giày lên miệng hôn một cái rồi lại bỏ vào túi, nghĩ thầm: “Phen này ta chắc không thoát chết được rồi, Chung cô nương cũng bỏ mạng. Giá như nàng cũng ở đây, hai đứa chết chung bên bờ hồ này thì đẹp biết bao. Chỉ tiếc nàng giờ đây lại ở bên cạnh lão râu dê Tư Không Huyền thật là chán ngắt. Lúc này ta đang nghĩ đến nàng chắc hẳn nàng cũng đang nghĩ đến ta.”
Chàng không có việc gì làm đành đi hái mấy quả chua kia ăn tạm, bỗng nghĩ ra: Chỗ nào mình cũng tìm hết rồi, chỉ còn chỗ này chưa mò đến, không chừng sờ sờ trước mắt mà không thấy. Chàng liền vạch bụi cây ra, lập tức lắc đầu. Đằng sau bụi cây chỉ là một vách núi trơ trơ, bám đầy dây leo, làm gì có lối nào ra? Thế nhưng phiến thạch bích đó phẳng lạ thường, chẳng khác gì một tấm gương đồng nhưng so với vách đá bên phía tây thì nhỏ hơn nhiều, trong lòng chợt động: Hay đây mới thực là Vô Lượng Ngọc Bích? Chàng bèn gỡ hết các dây leo bám trên phiến đá, nhưng chỉ thấy mặt đá phẳng lì, tuyệt nhiên không có gì khác lạ. Chàng nghĩ bụng: Ta chết nơi thâm cốc này vĩnh viễn không ai hay biết, chi bằng khắc vài chữ trên phiến đá này. À, khắc tám chữ “Đại Lý Đoàn Dự Chết Tại Nơi Đây” xem ra cũng thú.
Chàng bèn dọn sạch đám dây leo bám trên mặt đá, cởi trường bào ra, xuống dưới hồ nhúng nước, đem lên rửa thật sạch cho hết rong rêu khiến phiến đá đó trở nên trắng bóng như ngọc. Chàng nhặt một hòn đá nhọn kẽ chữ lên trên thạch bích, thế nhưng vách đá cứng rắn lạ thường, một hồi lâu mới xong một chữ “Đoàn” vừa cạn vừa méo xẹo chẳng ra gì. Chàng nghĩ thầm: Người sau nhìn thấy sẽ cho rằng Đoàn Dự không biết viết chữ, viết hết tám chữ này chắc để tiếng xấu đến muôn đời! Chàng thấy cổ tay mỏi nhừ, đau nhức nên liệng hòn đá đi không viết nữa.
Đến khi trời tối, chàng lại ăn thêm ít trái cây dại rồi nằm xuống ngủ. Trong giấc mơ chàng thấy một đôi giày bay qua lượn lại trước mắt, vải xanh thêu hoa vàng, chính là đôi giày của Chung Linh, vội vươn tay ra cầm lấy nhưng đôi giày chẳng khác gì đôi bướm, chập chờn lên xuống không sao bắt được. Một lúc sau, đôi giày bay mỗi lúc một cao, Đoàn Dự kêu lên: “Giày kia đừng bay nữa.” Chàng bàng hoàng tỉnh dậy thì mới biết là mộng, giơ tay dụi mắt, sờ thấy đôi giày hoa vẫn còn trong túi bèn đứng lên ngửng đầu nhìn. Ánh trăng vằng vặc, chiếu xuống chẳng khác gì dát bạc lên mặt hồ. Đột nhiên chàng giật mình thấy ở bức vách bên kia có một bóng người.
Chàng kinh hãi không để đâu cho hết, nhưng cũng xiết đỗi vui mừng, kêu lên: “Các vị tiên ơi! Cứu tôi với!” Hình người kia hơi rung động nhưng không trả lời. Đoàn Dự định thần, chăm chú nhìn kỹ bóng người kia không rõ ràng mấy, chỉ thấy áo dài, khăn nho sinh quả là một người đàn ông. Chàng vội vàng tiến lên mấy bước đến bên cạnh hồ kêu to: “Tiên ông ơi, cứu tôi với!” Bóng người trên vách ngọc lắc lư mấy cái, lớn thêm lên nhiều. Đoàn Dự đứng lại, cái bóng đó cũng không di chuyển nữa.
Chàng ngạc nhiên lập tức hiểu ra: Thì ra đó là bóng của chính mình! Chàng nghiêng qua trái, cái bóng đó cũng nghiêng qua trái, chàng bước qua phải cái bóng trên vách núi cũng qua phải, không còn hoài nghi gì nữa, nhưng vẫn còn điều chưa hiểu được: Vầng trăng từ tây nam chiếu qua làm sao lại chiếu được bóng ta lên bức tường trước mặt nhỉ?
Chàng quay đầu lại thấy chữ Đoàn chàng khắc lúc ban ngày cũng có một cái bóng in lên trên thạch bích, chữ đó bé nhưng rõ nét hơn nhiều. Chàng nghĩ ra ngay: Thì ra ánh trăng chiếu bóng của ta lên trên phiến đá trước, sau đó mới rọi lên trên vách núi, chẳng khác gì mình đứng giữa hai tấm gương, tấm gương lớn phản ánh hình của ta trên tấm gương nhỏ.
Chàng suy nghĩ thêm một chút, hiểu ra ngay cái “ngọc bích tiên ảnh” của Vô Lượng Kiếm mấy chục năm qua chẳng có gì thần kỳ: Năm xưa quả có người đứng đây múa kiếm, bóng chiếu lên trên bức vách đá. Đầu tiên có một nam một nữ, sau đó người đàn ông bỏ đi đâu hay chết rồi không biết, chỉ còn người đàn bà ở lại u cốc này tịch mịch cô đơn, mấy năm sau cũng từ trần. Chàng nghĩ đến giai nhân cô độc, sống vò võ nơi hang sâu, uất hận mà chết không khỏi ngậm ngùi.
Thế nhưng sau khi hiểu được lý lẽ đó rồi, nỗi buồn biến mất không còn tăm hơi đâu nữa. Chàng huơ tay múa chân, tay đấm chân đá, nghĩ thầm: “Giá như Tả Tử Mục, Song Thanh hai người đang ở trên mỏm núi kia bỗng thấy ngọc bích có hình ta hiện ra, chắc tưởng là đang biểu diễn võ công thần kỳ, thể nào chẳng hết sức cố gắng học, vùi đầu nghiên cứu để truyền cho hậu thế, ha ha…” Chàng càng nghĩ càng khoái chí, nhịn không nổi cười lên sằng sặc.
Cười chán chê rồi, chàng bỗng nghĩ ra một việc: Hai vị tiền bối kia ngày xưa thường thường luyện kiếm cùng nhau, nếu như không sống ngay dưới đáy vực này thì phải có đường đi ra đi vào. Dù cho hai người võ công cao đến đâu nhưng leo lên leo xuống để múa kiếm thì thật là phiền toái, một hai lần còn được chứ ngày nào cũng làm thì xem ra không ổn. Chàng bỗng thấy một tia hi vọng trước mắt, nghĩ thầm: “Ngày mai mình sẽ cố gắng tìm đường ra. Gã Can Quang Hào đã chẳng nói có chí thì nên đấy ư? Ha ha! Ha ha! Y lập chí quyết lấy cho bằng được Cát sư muội làm vợ, còn ta lập chí phải thoát khỏi nơi đây.”
Chàng ngồi ôm gối, thản nhiên nhìn ánh trăng trên mặt hồ, bốn bề thanh tĩnh, nghĩ thầm: “Có chí thì nên”, câu đó tuy không phải là sai nhưng Khổng Phu Tử lại nói: “Người biết không bằng người hiền, người hiền không bằng người vui”. Câu này xem ra hợp với bụng ta hơn. Cha mẹ ta vẫn bảo ta là si nhi, từ thuở bé đã thích cái gì là mê mẩn điên cuồng. Năm bảy tuổi, ta mê một cây hoa trà Thập Bát Học Sĩ, ngắm từ sáng đến tối, đến nửa đêm còn len lén trở dậy nhìn ngơ ngẩn, bỏ ăn bỏ uống quên cả học hành, đến khi hoa tàn khóc mấy ngày chưa thôi. Lúc ta học đánh cờ cũng không ăn không ngủ, suốt ngày suốt đêm chỉ nghĩ đến bàn cờ, chẳng còn thiết gì khác. Một hôm kia gia gia bảo ta luyện võ, thế nhưng lúc đó ta đang nghiên cứu Dịch Kinh, ngay cả khi ăn cơm giơ đũa ra gắp đồ ăn cũng nghĩ phương vị chiếc đũa bên này là Đại Hữu hay là Đồng Nhân. Ta không chịu học võ, không hiểu vì không muốn bỏ Kinh Dịch qua một bên hay thực sự không thích cái môn đánh nhau giết người này? Cha ta bảo ta cưỡng từ đoạt lý, chắc hẳn ta có cãi chày cãi cối thật không chừng. Mẹ ta hiểu bụng dạ tính nết ta lắm mới khuyên gia gia: Thằng con si này một mai thích học võ rồi, ông có bảo nó bớt luyện đi một chút, nó cũng chẳng nghe đâu. Bây giờ nó không chịu học, cứng đầu không chịu có ép cũng không xong. Ôi! Bảo ta lập chí làm điều gì quả là khó, nếu như một ngày nào đó ta mê luyện võ thì gia gia, má má, bá phụ hẳn sung sướng biết bao nhiêu. Ta luyện võ cho giỏi rồi, không đánh ai cũng chẳng giết ai, luyện võ đâu phải chỉ là để giết người. Bá phụ võ công cao cường biết bao nhưng tính tình nhân từ, chắc xưa nay chưa giết ai. Có điều ông ấy mà muốn giết thì đâu cần phải tự ra tay?
Chàng ngồi bên bờ hồ, đầu óc suy nghĩ miên man không biết thời gian trôi qua, bỗng chợt thấy vách đá bên cạnh dường như có màu sắc di động, nhìn kỹ thấy bên dưới chữ Đoàn chàng khắc có bóng một thanh kiếm rõ ràng lạ thường, có cả cán, cả miếng che tay, thân kiếm, mũi kiếm mọi thứ đều đâu ra đấy. Mũi kiếm nghiêng nghiêng chỉ xuống, còn thanh kiếm có màu cầu vồng tỏa ra, lấp loáng chuyển động không ngừng. Chàng lấy làm lạ tự hỏi: Sao bóng thanh kiếm lại hiện màu cầu vồng? Chàng ngửng đầu lên nhìn nhưng không thấy vầng trăng đâu, thì ra bóng nguyệt đã chìm về phương tây, ẩn ở đằng sau vách núi rồi. Thế nhưng vách núi đó có một lỗ hổng, ánh trăng theo đó mà rọi xuống, trong hang có ánh sáng lấp lánh. Chàng vỡ lẽ ra: Đúng rồi. Thì ra trên vách núi kia có treo một thanh kiếm, trên thanh kiếm này có nạm các loại bảo thạch đủ màu, ánh trăng chiếu vào in hình thanh kiếm và các loại châu báu đủ màu sắc thành ra mới rực rỡ đến thế.
Chàng nghĩ tiếp: Như thế ắt phải đục được lưỡi kiếm ra rồi nạm bảo thạch cho ánh trăng chiếu qua mới thành hình đủ màu. Còn như không đục được lưỡi kiếm thì ánh trăng đâu có thể chiếu xuyên qua bảo thạch. Người chế tạo ra chiếc kiếm quái lạ này thật tốn nhiều công sức.
Cái hang đó cách mặt đất đến mấy chục trượng không thể trèo tới mà xem cho kỹ được, từ dưới trông lên, chỉ thấp thoáng thấy ánh sáng của mấy viên đá quí chiếu lên vách đá vừa huyền ảo, vừa đẹp đẽ, nhìn mà mê mẩn tâm thần.
Chàng chỉ mới xem được chừng thời gian uống một chén trà, ánh trăng đã di động, cái bóng đó mờ dần rồi biến mất, vách đá chỉ còn một màu trắng bệch. Đoàn Dự nghĩ thầm: Thanh bảo kiếm đó chắc là của hai vị cao nhân kia. Sơn cốc hiểm sâu thế này, người của phái Vô Lượng Kiếm chẳng một ai dám mạo hiểm trèo xuống xem xét, cứ đứng trên đỉnh núi thì đâu có thấy được phiến đá nhỏ, cũng không thấy cái hang trên bức vách bên kia có treo một thanh kiếm. Họ có đứng ngơ ngẩn trên đầu núi một trăm năm nữa thì cũng không sao hiểu được cái bí mật này. Thế nhưng lấy được thanh bảo kiếm kia thì có ích lợi gì? Chàng nghĩ ngợi một hồi rồi ngủ thiếp đi.
Ngủ một lúc đột nhiên chàng choàng tỉnh dậy, nghĩ thầm: Treo được thanh kiếm trên bức tường đá kia quả là khó khăn, dẫu võ công có cao cường đến đâu cũng không dễ gì làm được. Xếp đặt mất nhiều công lao như thế, phải có thâm ý gì. Hẳn là trong cái hang này còn cất giấu võ học bí kíp chi đó. Chàng nghĩ đến võ công thấy không còn gì hứng thú. Bí kíp võ công kia bọn Vô Lượng Kiếm coi là quí giá chứ còn như ta, dù có để ngay trước mặt ta cũng chẳng thèm liếc mắt đến làm gì.
Hôm sau chàng lại đi men quanh hồ, tính ra từ hôm rơi vào cái vực này đã đến ngày thứ ba, nghĩ thầm chỉ còn bốn ngày nữa, chất kịch độc của đoạn trường tán trong ruột phát tác, lúc đó có tìm được lối ra cũng thành vô dụng.
Hôm đó chàng ngủ đến nửa đêm liền tỉnh dậy, đợi cho bóng trăng chếch về phương tây. Đến khoảng canh tư, ánh trăng chiếu vào hang núi, lại chiếu lên trên thạch bích hình thanh kiếm đủ màu. Chỉ thấy thanh kiếm trên bức vách nghiêng sang hướng bắc, mũi kiếm chỉ đúng vào một khối đá lớn. Đoàn Dự trong lòng chợt động: Không lẽ khối nham thạch này có gì khác thường? Chàng đi đến bên tảng đá đẩy thử, tay chạm vào rêu xanh trơn tuột nhưng khối đá dường như hơi lắc lư. Chàng ra sức đẩy cả hai tay, lại thấy tảng đá rung rinh. Khối đá đó cao đến ngực, không đến hai nghìn cũng phải một nghìn cân, nếu là một tảng đá bình thường thì không thể nào làm cho nó nhúc nhích được. Chàng đưa tay mò dưới đáy thì ra tảng đá này không sát đất mà kê trên một tảng đá nhỏ hơn, không biết trời sinh như thế hay là do người sắp đặt. Tim chàng đập thình thành nghĩ thầm: Khối đá này quả có điều gì khác lạ.
Chàng dùng hai tay đẩy phía bên phải tảng đá, hòn đá lắc lư nhưng rồi lại trở về, nghe như có tiếng dây leo bị nghiến đứt, biết là có cây cỏ quấn chặt hai tảng đá với nhau. Lúc bấy giờ trăng đã lặn, chàng chỉ thấy mờ mờ, nghĩ bụng: Tối thế này nhìn không rõ, để đến sáng mai xem kỹ thế nào.
Chàng nằm xuống bên cạnh tảng đá chợp mắt một lúc, đến khi sáng rõ mới trở dậy xem kỹ chung quanh rồi cúi xuống gỡ sạch các dây leo cỏ dại quấn giữa hai tảng đá, lại vét cả đất cát ra, sau đó mới giơ tay đẩy lần nữa, quả nhiên khối nham thạch từ từ chuyển động chẳng khác gì một cánh cửa lớn, xê dịch mới một nửa đã thấy để lộ ra một cái hang cao chừng ba thước.
Chàng mừng lắm, không kịp nghĩ xem trong động có gì nguy hiểm, liền khom lưng chui vào, được mươi bước thì cái hang đã tối om không còn chút ánh sáng nào. Chàng giơ hai tay ra trước, mỗi bước lại mò thử xem có gì không nhưng thấy dưới chân vững chãi chẳng khác gì đi trên một con đường đá, hẳn là hang này do tay người tu sửa nên càng mừng hơn. Thế nhưng cái hang đi xeo xéo xuống dưới, càng lúc càng thấp. Bỗng nhiên tay chàng chạm phải một vật tròn tròn, lạnh lạnh, phát lên tiếng leng keng trong như tiếng chuông, đưa tay sờ lại thì nhận ra cái vòng này giống như vòng đồng thường được gắn lên các cánh cửa, dùng để gọi cửa.
Đã có vòm cửa, tất có cánh cửa. Chàng nghĩ vậy rồi cứ lần mò, sờ soạng mãi, quả thấy đến chục cái đinh đồng to bằng cái bát thì vừa mừng vừa sơ, tự hỏi: Chẳng lẽ trong này lại có người ở? Chàng liền lắc mạnh cái vòng cho nó bật lên tiếng kêu leng keng rồi chờ xem bên trong có ai thưa không. Chờ một lát chẳng thấy gì, lại gõ mạnh ba tiếng nữa cũng chẳng thấy ai. Chàng liền đưa tay ra đẩy cửa. Cánh cửa này dường như đúc bằng kim loại nên rất nặng. Nhưng then trong không cài nên chàng cố hết sức đẩy, cánh cửa từ từ hé mở. Chàng lớn tiếng gọi: “Tại hạ là Đoàn Dự, không được mời mà đường đột tới quý phủ, thật là có lỗi, xin chủ nhân khoan thứ cho!” Chàng chờ một lát, không thấy bên trong có tiếng đáp lại, đành cất bước mạnh dạn tiến vào.
Đoàn Dự vào trong cửa rồi, tuy chàng mở mắt thật to mà nhìn cũng chẳng rõ chi hết, chỉ thấy nơi đây không còn ẩm ướt như ở bên ngoài. Chàng tiếp tục đi vào, bỗng đánh kịch một tiếng, trán va phải vật gì, cũng may mà đi thong thả nên không đau mấy. Chàng đưa tay lên sờ thì ra đây lại là một tầng cửa. Lại cố sức đẩy, chợt thấy ló ra chút ánh sáng mờ ảo, không phải ánh sáng mặt trời.
Chàng nhằm phía có ánh sáng đi tới, chợt thấy một con tôm hùm rất lớn bơi ngoài cửa sổ. Chàng rất lấy làm kỳ, đi thêm mấy bước nữa, lại thấy một con cá chép có vân rực rỡ bơi vụt qua. Bấy giờ chàng mới để ý nhìn kỹ cửa sổ, thì ra là một khối pha lê lớn bằng miệng chậu gắn vào vách đá. Ánh sáng bên ngoài chiếu qua cửa sổ pha lê vào trong nhà.
Đoàn Dự đứng bên cửa sổ nhìn ra, thấy nước xanh biếc, tôm cá bơi qua bơi lại bên ngoài, mịt mờ xa thẳm không rõ đâu là bờ bến. Chàng lại nghĩ đến người chủ tòa thạch thất này đã tốn biết bao nhiêu tâm cơ để kiến tạo nên, cùng nghĩ cách lấy ánh sáng ở ngoài rọi vào trong nhà: Khối pha lê kia là bảo vật khó lòng kiếm được. Chàng định thần suy nghĩ bỗng dưng kêu khổ: “Chết rồi, chết rồi! Ta đang ở dưới đáy hồ, đường đi chỉ toàn giơ tay lần mò không biết qua bao nhiêu chỗ quẹo, chui xuống đây rồi làm thế nào mà trở ra?”
Chàng lại quay vào trong nhà quan sát thấy có một cái bàn đá, trước bàn để cái ghế đá, trên bàn có đặt một tấm gương đồng, bên gương còn mấy thứ nào lược chải đầu, nào vòng đeo tay, rõ ràng là phòng khuê nữ. Tấm gương đồng đã hoen gỉ xanh lè, mặt bàn cát bụi dày đến đốt ngón tay, đủ tỏ rằng trong nhà đã bao lâu nay không có người đặt chân tới.
Trước cảnh tượng đó Đoàn Dự không khỏi ngơ ngẩn nghĩ thầm: Mấy chục năm về trước, tại đây nhất định đã có một vị tiểu thư ở ẩn. Không hiểu nàng đau buồn nỗi gì mà phải xa cõi nhân gian, lánh mình vào nơi tĩnh mịch này?. Chàng thầm suy nghĩ một lúc rồi lại xem khắp mọi chỗ trong nhà. Trên vách đá gắn la liệt những gương đồng, chàng đếm được hơn ba chục chiếc thì lấy làm lạ, đoán ra rằng: Vị tiểu thư ở đây trước là bậc tuyệt thế giai nhân, ngày ngày ngắm bóng lẻ loi thương thân trách phận. Nghĩ vậy chàng cũng vì ai đau lòng xót dạ. Đoàn Dự quanh quẩn trong thạch thất, lúc lẩm bẩm một mình, lúc thở dài sườn sượt thương cho thân phận người mình chưa từng thấy mặt. Bỗng chàng sực nhớ lại chuyện mình, bất giác than rằng: “Trời ơi! Từ nãy tới giờ mình chỉ vơ vẩn nghĩ chuyện đâu đâu, quên cả lo tính việc mình. Trong buồng này không có ngõ ngách nào, làm sao tìm được lối ra?” Chàng lẩm bẩm một mình: Đoàn Dự này quả là một thằng đàn ông thối tha, nếu như chết ở đây đúng là đường đột với giai nhân, chết ở bên ngoài bờ hồ mới đúng. Kẻo rồi người sau tìm đến, thấy hài cốt của ta, lại tưởng là nắm xương tàn của người đẹp, chẳng hóa ra… chẳng hóa ra… Chàng chưa nghĩ được “chẳng hóa ra” cái gì, thấy bên phía đông có một tấm gương treo hơi lệch phản chiếu ánh sáng, có hình góc tường phía tây nam, trên tường đá dường như có vết nứt. Chàng liền tiến đến, cố gắng đẩy bức tường đó, quả nhiên là một cánh cửa, từ từ mở ra, để lộ một cái hang. Chàng nhìn vào trong động, thấy có những bậc thang bằng đá.
Đoàn Dự mừng rỡ khôn xiết kêu lên: Tạ ơn Trời Phật, quả có đường ra rồi. Đoạn chàng theo bậc đá đi xuống. Không ngờ xuống được vài chục bậc, Đoàn Dự thấy phía trước có tia sáng, hình như một cánh cửa. Chàng giơ tay đẩy ra bỗng thấy sáng lòa, giật nẩy mình kêu to “Ối chao!”.
Một trang mỹ nữ tay cầm thanh trường kiếm, mũi nhắm thẳng vào bụng chàng. Nhác trông thật là một giai nhân thanh nhã khác thường, diễm lệ vô song. Chàng chưa từng thấy người nào đẹp đến thế.
Hồi lâu thấy mỹ nhân vẫn đứng yên không nhúc nhích. Đoàn Dự định thần nhìn kỹ, thì ra mỹ nữ này tuy đẹp mê hồn nhưng không phải là người thật, mà là một pho tượng ngọc thạch, chạm trổ rất tinh vi. Pho tượng lớn bằng người thật, tà áo lụa màu vàng nhạt như cũng rung rinh. Kỳ nhất là đôi mắt long lanh như sóng gợn hồ thu, linh động dị thường, khiến cho Đoàn Dự phải ngây người ra mà nhìn. Chàng ấp úng: “Xin lỗi! Tôi nhìn cô nương chăm chăm, thật là vô lễ.” Biết là khiếm lễ mà chàng vẫn không sao rời mắt khỏi đôi mắt tuyệt vời của pho tượng được. Hồi lâu mới biết là đôi mắt pho tượng chạm bằng thứ đá đen có vân, càng nhìn càng thấy sâu thăm thẳm.
Mặt pho tượng lại bằng thứ ngọc trắng có vân hồng ẩn hiện, trông chẳng khác gì da người thật. Khi Đoàn Dự nghiêng mình, hình như luồng nhãn quang pho tượng cũng đổi hướng chăm chú nhìn chàng, chẳng khác chi một vị thần nữ. Ánh mắt thật là khó hiểu: mừng không ra mừng, lo không ra lo; dường như thoáng buồn, lại tựa hồ hờn mát; có thể nói là tình ý nồng nàn, hay chứa sầu lai láng cũng không sai.
Đoàn Dự ngẩn ngơ ngắm đi ngắm lại pho tượng rồi xá dài cung kính thưa rằng: “Thần tiên tỉ tỉ! Hôm nay tiểu sinh Đoàn Dự được chiêm ngưỡng phương dung, dù chết cũng không oán thán. Tỉ tỉ xa lánh trần tục, một mình ẩn tại nơi đây, chẳng hiu quạnh lắm sao?” Đôi mắt pho tượng biến ảo khôn lường, nghe lời chàng nói như ra chiều xúc động.
Đoàn Dự tâm thần ngây ngất, mê mẩn. Chàng nghĩ thầm: “Không biết xưng hô với thần tiên tỉ tỉ thế nào cho phải. Ta thử nhìn kỹ lại, hoặc giả thấy chỗ nào có ghi phương danh tỉ tỉ chăng?” Chàng nhìn đi nhìn lại xung quanh rồi chợt nhìn lên đầu pho tượng, thấy mớ tóc đúng là tóc thật. Một làn tóc mây óng mượt quấn lại từng lọn bồng bềnh. Bên mái tóc có cài một chiếc vòng ngọc, mặt trên nạm hai hạt minh châu lớn bằng đầu ngón tay út, chiếu ra một thứ ánh sáng huyền ảo. Bên vách phía tây có sáu khối pha lê lớn, nhìn ra thấy nước thấp thoáng khiến cho gian phòng này so với gian phòng trước còn sáng hơn nhiều.
Chàng lại say sưa ngắm pho tượng ngọc một hồi rồi mới quay ra, thấy bức tường phía đông được mài nhẵn nhụi, trên khắc mấy hàng chữ đều lấy từ trong sách Trang Tử các thiên Tiêu Dao Du, Dưỡng Sinh Chủ, Chí Lạc.., bút pháp khoáng đạt dường như do một người nào đó có sức cổ tay rất mạnh dùng vật nhọn khắc thành, nét nào nét nấy sâu vào trong đá đến nửa tấc. Cuối bài văn đó là một hàng lạc khoản đề: “Tiêu Dao Tử vì Thu Thủy muội mà viết. Trong động không ngày tháng, chính cực lạc nhân gian.”
Đoàn Dự nhìn hàng chữ đó mà thừ người ra, nghĩ thầm: Vị Tiêu Dao Tử và Thu Thủy muội hẳn là hai vị cao nhân nam nữ mấy chục năm trước cùng nhau múa kiếm dưới sơn cốc. Pho tượng ngọc có lẽ là người mà ông ta gọi là Thu Thủy muội, Tiêu Dao Tử được sống với bà ta ở nơi mật động dưới u cốc này, đúng là cực lạc của nhân gian. Thực ra cực lạc đâu phải chỉ của nhân gian, mà ngay cả trên trời chắc cũng không bằng.
Mắt chàng nhìn đến mấy hàng chữ trên vách: “Nơi núi xa xăm mờ mịt, có thần nhân ở; da trắng như tuyết, giữ mình như ngọc, không ăn ngũ cốc, hút gió uống sương.” Chàng lại quay đầu nhìn qua pho tượng nghĩ thầm: Mấy câu này của Trang Tử, đem ra để hình dung vị thần tiên tỉ tỉ quả là chuẩn xác. Chàng đi đến trước pho tượng, ngây ngất đứng nhìn, xem có đúng là da trắng như tuyết không, chỉ tiếc là không dám đưa ngón tay ra vuốt ve thử, lòng như mê đi, thoang thoảng dường như ngửi thấy mùi lan xạ thơm ngát, vì say đắm mà đâm ra kính trọng, từ kính trọng lại càng thêm say đắm.
Một lúc sau chàng không nhịn nổi phải kêu lên: “Thần tiên tỉ tỉ ơi! Nếu tỉ tỉ có phép mầu nói với tôi chỉ một lời thôi, thì dù tôi có phải vì tỉ tỉ mà tan xương nát thịt cũng hoan hỉ như vào cực lạc.” Đoạn tự nhiên chàng quỳ gối xuống lạy.
Quỳ rồi chàng mới biết rằng ở dưới đất, trước pho tượng có đặt sẵn hai cái bồ đoàn, dường như để cho người vào tham bái. Chân chàng quỳ lên cái lớn, dưới chân pho tượng cũng có cái nhỏ hơn, phải chăng để người lạy dập đầu xuống? Đoàn Dự vừa phục xuống, bỗng nhìn mé trong gót hài tựa như có thêu chữ. Chàng định thần nhìn kỹ quả thấy hài chân trái có tám chữ: “Lạy ta nghìn lạy, cho ta sai khiến”. Hài chân phải cũng có tám chữ: “Tuân theo lệnh ta, chết đừng hối hận”.
Thần tượng đi đôi hài màu nước biển, mười sáu chữ trên đây nhỏ như đầu ruồi lại thêu bằng chỉ màu xanh hơi thẫm hơn một chút, nếu không cúi đầu sát xuống thì không tài nào nhìn rõ được. Đoàn Dự đã bị dung nhan pho tượng mê hoặc, khấu đầu ngàn lạy giai nhân cũng chẳng sao. Còn việc được giai nhân sai bảo thì cầu khẩn vị tất đã được? Sau cùng là việc vì mỹ nhân mà bị đại họa sát thân lại là điều sở nguyện của chàng, dù nước sôi lửa cháy cũng không hối hận. Tâm hồn chàng say mê điên đảo, đọc xong mấy câu chàng khấu đầu rất cung kính vừa lạy, vừa đếm “năm, mười, mười lăm, hai mươi…”
Chàng lạy được năm, sáu trăm lạy, bắt đầu thấy lưng mỏi, xương đau, sái đầu sái cổ nhưng vẫn cố gắng lạy cho đủ số mới thôi. Mệnh lệnh đầu tiên của thần tiên tỉ tỉ đã không xong thì còn nói gì đến chuyện dẫu chết cũng không hối hận? Đến lúc được trên tám trăm cái, mặt chiếc bồ đoàn nhỏ đã sờn, lộ ra bên dưới có vật gì đó, Chàng không để ý đến, vẫn cứ cung cung kính kính lên gối xuống gối đủ một nghìn lần. Khi xong rồi thấy lưng mỏi nhừ, vừa ngóc đầu đã khuỵu ngay xuống.
Chàng nằm lăn ra nghỉ cho lại sức, thấy mình đã tuân hành được một chuyện của người ngọc, chân càng chồn, gối càng mỏi thì trong lòng càng sung sướng. Qua một lúc sau chàng mới từ từ trở dậy, giơ tay mò vào chỗ rách của cái bồ đoàn nhỏ thấy vật gì trơn nhẵn, hóa ra là một cái túi bằng lụa nghĩ thầm: “Thì ra thần tiên tỉ tỉ đã sắp xếp, nếu ta không lạy đủ một nghìn cái thì cái đệm nhỏ này đâu có rách, vật báu của nàng tặng cho ta đâu có lộ ra được”. Chàng xưa nay chẳng coi châu báu ngọc ngà vào đâu nhưng cái túi này là của thần tiên tỉ tỉ ban cho, dẫu bên trong chỉ là vải rách giấy vụn thì cũng coi như quý giá nhất đời. Chàng lôi cái túi ra, hai tay bưng lên ngang ngực.
Cái túi đó dài chừng một thước, trên nền lụa trắng viết mấy chữ nhỏ: “Ngươi đã lạy ta đủ một nghìn lần thì hãy tuân theo mệnh lệnh. Cuộn này là tinh yếu võ công của phái Tiêu Dao, mỗi ngày ba lần cố gắng tu tập những giờ mão, ngọ, dậu, nếu như biếng nhác thì ta thật đau lòng. Thần công thành tựu rồi, hãy tới Lang Hoàn Phúc Địa đọc cho kỳ hết kinh điển để biết gia số các môn phái trong thiên hạ mà dùng. Đừng gấp gáp, cứ thư thả, học xong rồi hạ sơn, giết sạch đệ tử phái Tiêu Dao, nếu sót một người thì ta dù trên trời hay dưới đất cũng không tiêu mối hận.”
Hay tay chàng run rẩy cầm cái bọc lụa nghĩ thầm: “Thế là thế nào? Ta vốn đã không muốn học võ, còn việc giết sạch người của phái Tiêu Dao thì lại càng không thể làm được. Thế nhưng mệnh lệnh của thần tiên tỉ tỉ lẽ nào không tuân hành? Ta đã dập đầu đủ một nghìn lần, nghĩa là bằng lòng cho nàng sai khiến. Thế nhưng nàng bảo ta học võ giết người, biết làm sao đây?”
Trong đầu chàng lúc này thật rối như tơ vò, nghĩ tiếp: “Nàng bảo ta học võ của phái Tiêu Dao, rồi lại bảo ta đi giết sạch đệ tử phái Tiêu Dao, thật lạ lùng thay. Ôi, chắc là sư huynh sư đệ, sự tỉ sư muội trong phái Tiêu Dao của nàng làm nàng khốn khổ cho nên nàng mới mong báo thù. Nàng đến lúc chết vẫn chưa nguôi mối hận nên mới tính chuyện thu đệ tử để thay mình hoàn thành tâm nguyện. Những kẻ đó làm hại thần tiên tỉ tỉ đến như thế, hẳn là xấu xa, gian ác nhất trên đời, có giết cho hết cũng phải. Khổng Phu Tử có nói: Lấy ngay thẳng mà báo oán, chính là như thế. Cha ta cũng nói rằng, nếu gặp kẻ xấu xa gian tà, mình không giết nó, nó cũng giết mình, nếu như không biết võ công thì có khác gì để cho người ta đâm chém sao cũng được. Câu đó xem ra không sai chút nào.” Khi cha chàng ép chàng học võ, chàng đem ra đủ các đạo lý của nhà nho, nhà Phật nhất định không chịu học. Cha chàng không thông hiểu sách vở bằng chàng nên không cãi được. Lúc này chàng vì say mê pho tượng ngọc mới nhận rằng lời cha là đúng.
Chàng nghĩ tiếp: “Thần tiên tỉ tỉ qui tiên đã mấy chục năm, chắc gì trên đời này còn phái Tiêu Dao? Người đời có nói: ác hữu ác báo, biết đâu những kẻ xấu xa kia chẳng đợi ta ra tay giết cũng đã chết cả rồi. Nếu không còn đệ tử phái Tiêu Dao, tâm nguyện của thần tiên tỉ tỉ đã hoàn thành, nàng ở trên trời dưới đất đâu có còn ôm mối hận nữa.”
Nghĩ ra như thế trong lòng chàng cảm thấy dịu lại, khấn thầm: “Thần tiên tỉ tỉ, những việc tỉ tỉ sai bảo, Đoàn Dự này dĩ nhiên phải tuân theo không dám cãi, nhưng mong rằng tỉ tỉ pháp lực vô biên, đệ tử phái Tiêu Dao ai nấy đều không bệnh hoạn mà chết cả rồi.” Chàng hồi hộp mở cái bọc gấm ra, bên trong là một cuộn lụa cuốn tròn.
Chàng mở cuộn lụa, hàng chữ đầu tiên viết: Bắc Minh thần công, nét chữ mềm mại nhưng có lực, so với hàng chữ bên ngoài túi không khác gì. Bên dưới viết tiếp: “Trang Tử Tiêu Dao Du có viết: ở tận cùng phía bắc có ao tối, đó chính là ao trời. Trong ao có cá lớn, vài nghìn dặm không ai nhìn thấy bao giờ.” Lại viết: “Nếu như nước tích không đủ thì không có sức mang nổi thuyền lớn. Đổ một chén nước vào chỗ trũng, lấy cái lá cỏ làm thuyền thì được, còn lấy cái chén làm thuyền thì không xong vì nước nông mà thuyền quá lớn. Bản phái võ công cũng chẳng khác, yếu quyết đầu tiên là tích súc nội lực. Nội lực đầy đủ rồi, võ công trong thiên hạ ta đều dùng được, khác gì biển bắc, thuyền lớn thuyền nhỏ đều chở được, cá lớn cá nhỏ đều dùng được. Cho nên nội lực là gốc, chiêu số là ngọn. Những hình vẽ dưới đây nên cố gắng tu tập.”
Đoàn Dự khen: “Đoạn này thần tiên tỉ tỉ viết thật là rõ ràng.” Chàng nghĩ thầm: Bắc Minh thần công là công phu tu luyện nội lực, có học cũng không sao. Tay trái chàng lần từ từ giở cuộn vải ra, đột nhiên “A” lên một tiếng, tim đập thình thành rồi mặt đỏ bừng, người nóng rực.
Thì ra trên tấm lụa là hình vẽ một người con gái nằm ngang, thân thể không một mảnh vải, diện mạo chẳng khác gì pho tượng ngọc. Đoàn Dự cảm thấy nếu nhìn lâu thêm không khỏi coi thường thần tiên tỉ tỉ, nên vội vàng cuộn lại không coi nữa. Một hồi sau chàng mới nghĩ thầm: Thần tiên tỉ tỉ có dặn là những hình vẽ dưới đây nên cố gắng tu tập, ta cũng chỉ theo lệnh mà làm không thể coi là bất kính.
Chàng run run đưa tay mở cuộn vải ra, thấy bức hình người con gái khỏa thân kia đang mỉm cười đầu mày cuối mắt, trên môi trên má thật là kiều mị, so với pho tượng khuôn mặt trang nghiêm tuy dung mạo có giống nhưng tinh thần khác hẳn. Chàng thấy ngực mình rộn ràng, nghe được cả tiếng tim đập, liếc mắt nhìn trộm bức tranh, thấy có một đường chỉ nhỏ màu xanh từ trên vai trái vòng xuống dưới cổ rồi chạy xéo xuống ngực bên phải. Chàng nhìn đến đôi nhũ hoa đầy đặn của người đẹp trong lòng thảng thốt, vội vàng nhắm mắt lại, một lát sau mới he hé nhìn thấy sợi chỉ xanh đó chạy xuống dưới nách rồi kéo dài đến tận cánh tay phải, qua cổ tay tới ngón tay cái mới ngừng. Chàng càng nhìn càng yên bụng, nghĩ thầm mình nhìn bàn tay, ngón tay của thần tiên tỉ tỉ thì không sao, nhưng nghĩ đến cánh tay trắng muốt trong lòng không khỏi rộn ràng.
Lại có một sợi chỉ xanh khác từ cổ đi xuống, qua bụng rồi đi tiếp nữa tới cách rốn mấy tấc mới ngừng. Đoàn Dự không dám nhìn sợi dây đó lâu, chăm chú nhìn đường trên cánh tay, thấy bên cạnh sợi dây ghi đầy những chữ nhỏ, nào Vân Môn, Trung Phủ, Thiên Phủ, Hiệp Bạch, Xích Trạch, Khổng Tối, Liệt Khuyết, Kinh Cừ, Đại Uyên, Ngư Tế… đến Thiếu Thương ở ngón tay cái thì ngừng lại. Chàng thường ngày nghe cha mẹ bình luận võ công, tuy không lưu ý những lọt vào tai cũng khá nhiều, biết ngay Vân Môn, Trung Phủ… đều là tên các huyệt đạo trên thân thể con người.
Chàng mở thêm một chút thấy bên dưới có một hàng chữ: “Bắc Minh thần công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình. Nước lớn biển bắc không phải tự nhiên mà có. Lời rằng: Trăm sông đổ vào biển, nước của biển sở dĩ có là vì dung chứa nước của trăm sông. Biển cả bao la cũng là vì biết tích tụ. Thủ Thái Âm Phế Kinh này là bài học đầu tiên của Bắc Minh thần công.” Bên dưới viết kỹ phương pháp luyện môn công phu này.
Sau cùng chép: “Người đời luyện công đều đi từ Vân Môn đến Thiếu Thương, phái Tiêu Dao ta lại đi ngược lại, đi từ Thiếu Thương trở về Vân Môn, ngón tay cái vừa chạm vào người khác, nội lực của người liền chảy vào thân thể mình, tới tận các huyệt. Nếu như nội lực kẻ địch mạnh hơn ta, tức là nước biển chảy ngược vào sông hồ cực kỳ hung hiểm, phải hết sức cẩn thận. Bọn phản đồ trong bản phái không hiểu được đạo lý này nên chỉ biết làm tiêu hao nội lực kẻ địch mà không biết biến nội lực của địch thành của mình, khác nào trong tay có nghìn vàng đem vứt dưới đất, coi bảo vật không ra gì, thật đáng buồn cười!”
Đoàn Dự thở dài một tiếng, mang máng thấy công phu này dường như không được quang minh, lấy nội lực của người làm của mình thì khác nào ăn cắp tài vật người ta? Thế nhưng chàng lại nghĩ ngay: “Thí dụ của thần tiên tỉ tỉ thật là đúng, trăm sông đổ vào biển là do tự ý chảy vào chứ biển có ăn cắp nước của sông đâu? Ta lại cho rằng thần tiên tỉ tỉ đi lấy của người khác, thật là lếu láo, đáng đánh đòn.”
Chàng giơ tay lên, tát ngay vào mặt mình một cái, má trái liền sưng lên thật là đau, lại tát bên phải một cái nữa nhẹ hơn, nghĩ thầm: “Kẻ xấu xa tàn ác dám mạo phạm đến thần tiên tỉ tỉ, thần tiên tỉ tỉ lấy nội lực của chúng chính là bẻ nanh vuốt bọn chúng, khác gì giật con dao trong tay kẻ cướp chứ có phải giết y đâu. Thần tiên tỉ tỉ làm như thế có gì là không phải?”
Chàng mở tiếp cuộn vải lụa, trên đó vẽ toàn là hình con gái khỏa thân, kẻ đứng người nằm, hoặc trước mặt, hoặc sau lưng, cùng một khuôn mặt nhưng khi vui khi buồn, khi thì tình ý triền miên, lúc lại có vẻ bực bội, mỗi bức một khác. Tất cả tổng cộng ba mươi sáu bức tranh, trên bức tranh nào cũng có những sợi chỉ màu, ghi rõ bộ vị huyệt đạo và phương pháp luyện công.
Đến cuốn lụa sau cùng có bốn chữ Lăng Ba Vi Bộ, kế đó vẽ đầy những vết chân, ghi rõ Qui Muội, Võ Vọng các loại, đều là những phương vị trong kinh Dịch. Mấy hôm trước đây Đoàn Dự toàn tâm toàn lực nghiên cứu kinh Dịch, vừa đọc đến những tên này lập tức tinh thần phấn khởi chẳng khác gì tha hương ngộ cố tri. Chỉ thấy dấu chân chằng chịt, không biết bao nhiêu trăm, bao nhiêu nghìn, từ bước nọ sang bước kia có một đường dây xuyên qua, vô số dấu mũi tên, xem ra là một loại bộ pháp phức tạp. Sau cùng là một hàng chữ viết: “Nếu gặp phải cường địch, thì dùng bộ pháp này để bảo vệ chính mình, tích thêm nội lực sau đó sẽ quay lại giết địch.”
Đoàn Dự nghĩ thầm: “Bộ pháp của thần tiên tỉ tỉ để lại ắt là tinh diệu, khi gặp cường địch đào tẩu thoát thân thì tốt biết bao, còn như việc quay lại thì bất tất phải nghĩ đến.”
Chàng cuộn tấm lụa lại, để lên vái hai cái rồi trinh trọng bỏ vào trong túi, quay sang nói với pho tượng ngọc: “Thần tiên tỉ tỉ dặn ta sáng trưa chiều ba lần luyện công, Đoàn Dự này không dám trái lời. Từ nay trở đi đối với người khác sẽ hết sức nể nang để cho người khác khỏi đánh, khỏi phải hút nội lực của người ta. Còn Lăng Ba Vi Bộ kia ta sẽ gia tâm luyện cho thành thục, nếu thấy không êm thì lập tức chạy ngay, khỏi phải hút nội lực của họ.” Còn lời dặn giết sạch đệ tử phái Tiêu Dao, chàng không dám nhắc đến.
Chàng thấy bên trái có một cái cửa hình tròn nên chậm rãi đi vào, bên trong lại là một gian thạch thất khác, trong đó có một chiếc giường đá, trước giường để một cái nôi nho nhỏ bằng gỗ. Chàng ngơ ngẩn nhìn chiếc nôi, nghĩ thầm: Không lẽ thần tiên tỉ tỉ lại có con ư? Nghĩ đến người thần tiên tỉ tỉ bằng thanh ngọc khiết kia lại có con, không khỏi cực kỳ thất vọng, nhưng chàng lại nghĩ ngay: “A, đúng rồi. Đây chắc là cái nôi của thần tiên tỉ tỉ nằm khi nàng còn bé. Hai người Tiêu Dao Tử và Thu Thủy muội chắc là song thân, đúng rồi.” Chàng cũng không thèm nghĩ thêm xem mình đoán trúng hay trật, tinh thần lại trở nên cao hứng.
Trong gian phòng không có chăn gối quần áo gì, trên tường có treo một cây đàn, dây đã đứt cả. Bên cạnh giường lại có một cái bàn đá, trên bàn khắc mười chín đường bàn cờ, trên còn sắp xếp đến hơn hai trăm quân trắng đen đang hồi kịch liệt. Đàn còn đó, cờ chưa xong mà giai nhân mờ mịt nơi nào? Đoàn Dự đứng sững sờ trong gian thạch thất, không khỏi bị thương, hai hàng lệ chảy dài trên má.
Bỗng dưng chàng lại hoảng hốt: “Trời ơi! Nếu có bàn cờ, ắt phải có hai người giao đấu, e rằng thần tiên tỉ tỉ chính là Thu Thủy muội, cùng chồng là Tiêu Dao Tử ngồi đây đánh cờ. Ôi thôi! Thật là… thật là… Ô, đúng rồi! Bàn cờ này không phải hai người đánh mà là thần tiên tỉ tỉ ở một mình nơi u cốc, tịch mịch không có gì làm, nên đánh cờ một mình. Thần tiên tỉ tỉ, năm xưa sao nàng không gọi lên vài tiếng? Đoàn Dự này nghe tiếng oanh êm ả, thể nào chẳng vào trong sơn cốc hầu cờ cùng tỉ tỉ”. Chàng đến bến xem kỹ cuộc cờ, không ngờ càng xem càng kinh hãi.
Cuộc cờ đó biến hóa phức tạp vô song, là thế cờ vẫn gọi là Trân Lung, hai bên hết sức tranh đoạt mà không bên nào dứt điểm được. Đoàn Dự đã từng nghiên cứu về cờ vây mấy năm qua, có lúc từng đánh cờ mê mẩn với Thôi tiên sinh trong nhà. Chàng vốn thông minh nên lúc đầu Thôi tiên sinh chấp chàng bốn quân mà sau một năm đã chấp lại ông ta ba quân, có thể nói là một tay cờ cao thủ trong nước Đại Lý. Thế nhưng bàn cờ trước mắt rồi sẽ ra sao vẫn không thể nghĩ ra, bên nào cũng có thể thắng có thể bại. Chàng đứng hồi lâu, thế cờ càng lúc càng mờ mịt, thấy có hai chân đèn trên còn hai cây nến cháy dở, bên cạnh có cả hỏa đao, hỏa thạch, bùi nhùi nên đánh lửa lên đốt đèn coi cho rõ. Chàng xem đến khi đầu váng mắt hoa.
Đoàn Dự đứng lên, vặn lưng cho bớt mỏi, bỗng giật mình: “Cuộc cờ này có nghĩ thêm mười ngày chưa chắc đã giải xong, đến lúc đó tính mạng mình đã không còn mà Chung cô nương thì cũng đã bị Thần Nông Bang chôn đến chết đói.” Chàng không dám ngồi coi nữa, tiện tay cầm luôn cây đèn, trong lòng đột nhiên mừng rỡ: “Đúng rồi! Đúng rồi! Bàn cờ này phức tạp đến thế, chắc là thần tiên tỉ tỉ tự mình sắp đặt một thế Trân Lung, chứ nào phải hai người đánh với nhau, quả thật hay quá.”
Chàng ngửng đầu lên thấy dưới chân giường lại cũng có một cái cửa hình tròn, tường bên cạnh có bốn chữ Lang Hoàn Phúc Địa. Chàng nhớ đến câu thần tiên tỉ tỉ viết bên ngoài cuộn lụa, nghĩ thầm: Thì ra Lang Hoàn Phúc Địa ở ngay đây. Thần tiên tỉ tỉ có nói là kinh điển các môn phái trong thiên hạ đều có ở trong này. Ta đâu muốn học võ công, những kinh điển đó không xem là hơn. Thế nhưng thần tiên tỉ tỉ đã dặn, đâu thể trái lời. Chàng bèn cắm đuốc tiến vào.
Vừa bước chân vào, Đoàn Dự đưa mắt nhìn bốn phía thở ra khoan khoái, trong lòng nhẹ hẳn đi. Thì ra Lang Hoàn Phúc Địa là một cái thạch động thật lớn, to gấp mấy lần những phòng ở bên ngoài, trong bày đầy những giá sách bằng gỗ. Có điều trên những kệ đó trống trơn, không còn một quyển nào. Chàng bưng cây nến lại gần thấy trên giá có cắm đầy những thẻ, nào là Côn Luân Phái, Thiếu Lâm Phái, Tứ Xuyên Thanh Thành Phái, Sơn Đông Bồng Lai Phái… bên trong có cả Đại Lý Đoàn Thị. Thế nhưng trong chiếc thẻ đề Thiếu Lâm Phái thì có chú thích “thiếu Dịch Cân Kinh”, trong thẻ đề Cái Bang thì chú thích “thiếu Hàng Long Thập Bát Chưởng”, còn thẻ để Đại Lý Đoàn Thị thì ghi chú “thiếu Nhất Dương Chỉ, Lục Mạch Thần Kiếm kiếm pháp, thật đáng tiếc”.
Như vậy hẳn là năm xưa trên những kệ sách này chất đầy đồ phổ, kinh sách của các môn phái nhưng nay đã bị lấy đi hết chỉ còn giá không. Thoạt tiên Đoàn Dự tưởng như trút được tảng đá trong lòng: “Nếu như không còn võ công điển tịch nữa thì ta không học võ công cũng không thể nói là không theo lệnh của thần tiên tỉ tỉ”. Thế nhưng trong lòng chàng bỗng cảm thấy hổ thẹn: “Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự, ngươi vui vì không phải tuân lệnh của thần tiên tỉ tỉ thì đã là bất trung với nàng rồi. Ngươi không thấy võ công điển tịch đáng lẽ phải thất vọng mới phải, sao lại lấy làm sung sướng là sao? Thần tiên tỉ tỉ trên trời dưới đất nếu có linh thiêng ắt sẽ không bằng lòng.”
Lang Hoàn Phúc Địa này không có cửa ra, chàng trở lại phòng ngoài. Trong lòng vẫn còn quyến luyến pho tượng mỹ nhân, chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, chàng định nhìn lần nữa rồi thôi, nhưng vừa nhìn lên gặp ngay đôi mắt pho tượng ngọc đang nhìn mình, lòng chàng lại thẫn thờ, đầu óc lại quay cuồng, đứng ngây ra một lúc rồi vái dài sát đất nói: “Thần tiên tỉ tỉ ơi! Hôm nay vì có việc khẩn cấp, ta xin tạm biệt. Sau khi cứu được Chung Linh ra rồi, ta sẽ trở về đây đoàn tụ cùng tỉ tỉ.”
Ra khỏi thạch thất, chàng theo bậc đá đi chếch lên. Chàng vừa đi vừa do dự, mấy phen toan quay trở lại ngắm tượng ngọc mỹ nhân. Chàng phải quả quyết lắm mới chế phục được cõi lòng.
Đoàn Dự đi được hơn trăm bậc, chuyển qua ba khúc quanh, văng vẳng có tiếng sóng vỗ bì bõm, chàng đi hơn hai trăm bậc nữa, tiếng sóng nghe đã rõ, phía trước đã thấy ánh sáng rọi vào. Chàng càng đi mau hơn cho đến bậc đá cuối cùng thì thấy trước mắt có một cái hang vừa đủ một người đứng. Chàng ló đầu ra ngoài, giật mình hồi hộp, run lên cầm cập.
Bên ngoài nước chảy băng băng, sóng vỗ ầm ầm, một con sông lớn hiện ra trước mắt Đoàn Dự. Hai bên bờ sông là hai rặng núi đá dựng đứng cao chót vót, cực kỳ hiểm trở. Chàng nhận ra đây đã đến bờ sông Lan Thương, thì nửa mừng nửa sợ, cúi rạp xuống bò ra cửa động, nhìn thấy chỗ mình nằm cao hơn mặt nước đến mười trượng. Dù mực nước sông có lên cao cũng không thể tràn tới được. Chỉ còn một điều khó khăn là phải vượt qua mấy tầng đèo cao, vực thẳm mới ra tới chỗ đất bằng. Chàng vận dụng cả chân tay lúc trèo lên, khi tụt xuống đồng thời vẫn lưu ý nhìn kỹ mọi địa thế, ghi nhớ vào lòng để sau này cứu người xong, sẽ trở lại chốn này. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Từ nay mỗi năm ta để vài tháng vào trong hang này làm bạn với thần tiên tỉ tỉ.”
Bờ sông toàn là núi đá lởm chởm, không có lấy một con đường nhỏ, Đoàn Dự vất vả lắm mới đi được bảy tám dặm. Đến một gốc cây đào mọc tự nhiên, trên cành trái chín lúc lỉu, chàng mừng quá, trèo lên hái ăn kỳ no bụng. Lại thấy tinh thần phấn khởi, đi chừng hơn mười dặm nữa mới thấy một lối đi xuất hiện. Chàng lần theo lối nhỏ này đi cho tới lúc mặt trời xế bóng thì đến một cái cầu sắt bắc qua sông. Đầu cầu dựng một tấm bia đá khắc ba chữ: Thiện Nhân Độ.
Đoàn Dự trông thấy cả mừng, vì trước Chung Linh đã dặn chàng phải qua cầu này. Cầu gồm bốn sợi dây sắt: hai sợi dưới gác ván gỗ để đi, còn hai sợi trên dùng làm tay vịn. Đoàn Dự bước chân lên cầu thấy chao qua chao lại đã sợ. Ra đến giữa sông cầu lắc mạnh hơn, chàng nhìn xuống sông chỉ thấy nước chảy băng băng, tựa như đàn ngựa hoang đuổi nhau dưới cầu. Chỉ sểnh một chút té nhào xuống thì dù có biết bơi lội cũng không toàn tánh mạng.
Chàng kinh hãi không dám trông xuống nữa, mắt chỉ nhìn về phía trước, vừa đi vừa run, lập cập tụng niệm: A Di Đà Phật, A Di Đà Phật! Lần từng bước một, sang tới đầu cầu bên kia bấy giờ mới hoàn hồn.
Chàng ngồi nghỉ một lúc, lại theo lời dặn của Chung Linh mà đi. Chừng nửa giờ thì thấy một khu rừng rậm, biết là đã đến cửa Vạn Kiếp Cốc, nơi nàng ở. Chàng đến gần quả nhiên thấy một hàng chín cây cổ tùng vươn lên cao vút. Chàng đến cây thứ tư bên phải, vòng qua phía sau vạch đám cỏ cao, quả nhiên trên cây có một cái hang, nghĩ thầm: “Vạn Kiếp Cốc quả thật kín đáo, nếu không được Chung cô nương cho hay thì nào ai biết được cửa cốc lại ở ngay trong một cây tùng.”
Chàng tiến vào cửa hang, một tay vạch cỏ ra, tay phải mò thấy một cái vòng sắt lớn, dùng sức kéo lên, nắp gỗ liền mở, bên dưới là một hàng bậc thang bằng đá. Chàng đi xuống mấy bậc rồi hai tay lại nâng cánh cửa gỗ để lại chỗ cũ, tiếp tục đi xuống, khoảng chừng ba mươi bước thì đường ngoặt qua phía phải, sau mấy trượng lại trồi trở lên, nghĩ thầm: ở đây làm bậc đá dễ hơn thần tiên tỉ tỉ nhiều. Lên chừng ba mươi bậc thì đến một khoảng đất bằng.
Trước mắt chàng thấy một bãi cỏ rộng, xa xa là những cây tùng. Đến gần thấy một cây tùng lớn trên bạt đi một mảng vỏ dài chừng một trượng, ngang chừng một thước, trên sơn trắng viết tám chữ lớn: Họ Đoàn vào đây tất giết không tha. Những chữ khác đều màu đen, riêng chữ giết lại màu đỏ.
Đoàn Dự nghĩ thầm: Sao cốc chủ lại hận thù họ Đoàn ta đến thế? Dẫu như có người họ Đoàn đắc tội với y nhưng trên đời này người họ Đoàn hàng nghìn, hàng vạn, đâu phải ai cũng đáng giết. Khi đó trời đã tối, những chữ đó trông như giơ nanh múa vuốt, chữ giết kia màu đỏ chói chẳng khác gì bôi đầy máu tươi, trông thật ghê rợn. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Chung cô nương bảo ta đừng xưng mình họ Đoàn thì ra là thế. Cô ta bảo mình gõ vào chữ thứ hai ba lần, tức là phải gõ vào chữ Đoàn. Lúc đó nàng không nói rõ ra, sợ ta nổi giận. Gõ thì đã sao nào? Nàng cứu mạng ta, đừng nói chỉ gõ vào chữ Đoàn ba lần, mà có đá cho Đoàn Dự này ba phát cũng không sao.”
Chàng thấy trên cây có đóng một cái đinh treo một cái búa nhỏ, liền lấy xuống gõ vào chữ Đoàn một cái. Tiếng kim loại vang lên, Đoàn Dự không đề phòng phải giật nảy người, mới hay bên dưới là một miếng sắt, phía sau rỗng, chỉ vì bên ngoài sơn trắng nên không nhìn ra. Chàng gõ thêm hai lần nữa rồi treo cái búa lại chỗ cũ.
Qua một lát, đằng sau cây tùng có tiếng một thiếu nữ reo lên: “Tiểu thư về đấy ạ?”.
Đoàn Dự đáp: “Tại hạ vâng mệnh Chung cô nương xin đến bái kiến cốc chủ.” Cô gái bỗng “Ồ” một tiếng, ra chiều kinh ngạc hỏi: “Ngươi… ngươi là người ngoài ư? Tiểu thư của ta đâu?” Đoàn Dự đáp: “Chung cô nương hiện đang bị nguy khốn, tại hạ đến để báo tin.”
Thiếu nữ kinh hãi hỏi lại: “Nguy hiểm gì?” Đoàn Dự đáp: “Chung cô nương bị người ta bắt giữ, e rằng nguy hiểm đến tính mạng.” Cô gái kêu lên: “Ngươi… ngươi chờ đây để ta vào bẩm lại phu nhân.” Đoàn Dự nói: “Hay lắm!” Chàng nghĩ thầm: “Chung cô nương dặn ta đến ra mắt mẫu thân nàng trước”.
Đoàn Dự đứng ngoài chờ một lúc khá lâu, chợt nghe có tiếng chân người đi tới. Cô gái lúc nãy trở ra lên tiếng: “Phu nhân mời vào.” Đoàn Dự trông cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi, cách ăn mặc theo kiểu a hoàn, liền cất tiếng hỏi: “Tôi gọi tỉ tỉ bằng gì cho phải?” Cô gái ngoảnh lại, lắc đầu, đưa tay ra hiệu cho chàng đừng lên tiếng. Đoàn Dự thấy y có vẻ sợ sệt nên không hỏi han gì nữa, cứ lẳng lặng theo sau.
Nữ tì dẫn chàng xuyên qua một rừng cây, men theo lối đi nhỏ hẹp về mé tay trái đến một căn nhà ngói. Y đứng ngoài gõ cửa ba tiếng cạch cạch cạch. Cánh cửa từ từ mở ra, y đưa tay vẫy Đoàn Dự rồi đứng tránh sang bên, nhường lối cho chàng vào trước. Đoàn Dự bước vào trong nhà nhìn xem thì đây là một phòng khách nhỏ. Trên bàn đặt một cây nến lớn, thắp sáng trưng. Bàn ghế sạch như lau. Trên vách treo mấy bức họa, trên án trần thiết đỉnh đồng cùng những đồ bằng ngọc. Căn nhà này tuy không rộng lắm song bài trí cực kỳ tao nhã. Chàng vào ghế ngồi, nữ tỳ bưng trả lại mời: “Xin mời công tử dùng trà! Phu nhân sắp ra đó.
Đoàn Dự nhấp hai ngụm, thấy ở phía đông treo một bộ tứ bình trên vẽ mai lan cúc trúc bốn loại hoa cỏ, nhưng thứ tự lại xếp thành lan, trúc, cúc, mai; bên phía tây có bốn bức tranh vẽ xuân hạ thu đông nhưng lại treo thành đông, hạ, xuân, thu; nghĩ thầm: cha mẹ của Chung cô nương là con nhà võ, không rành thư họa, cũng không có gì lạ.
Chợt nghe tiếng ngọc va vào nhau kêu leng keng, một thiếu phụ mặc áo lụa xanh uyển chuyển bước ra, trạc tuổi bốn mươi, dung nhan diễm lệ, đôi mắt giống Chung Linh như hệt. Chàng biết đó là Chung phu nhân liền đứng dậy vái dài thưa rằng: “Vãn sinh là Đoàn Dự xin bái kiến bá mẫu.” Chàng vừa nói xong, mặt liền biến sắc, bụng kêu thầm: “Chao ôi! Sao ta lại xưng tên thật của mình thế này? Ta chỉ chăm chăm xem bà ta có giống Chung Linh hay không, quên bẵng đi là mình phải dùng tên giả.”
Chung phu nhân chắp tay đáp lễ nói: “Chào công tử!”
Phu nhân vừa chào vừa nhìn diện mạo Đoàn Dự, bất giác biến sắc, lắp bắp hỏi: “Cậu… cậu… họ Đoàn phải không?”
Đoàn Dự thấy Chung phu nhân hoảng hốt ra mặt, chàng muốn nói dối là mình họ khác, nhưng đã lỡ mất rồi, đành thưa lại: “Bẩm phu nhân, vãn sinh họ Đoàn.” Chung phu nhân lại hỏi: “Công tử quê quán ở đâu? Đại danh lệnh tôn là gì?”
Đoàn Dự nghĩ thầm: Hai câu này mình phải nói dối mới được, để phu nhân khỏi biết rõ tông tích nhà mình. Chàng nghĩ vậy liền đáp: “Vãn sinh quê ở phủ Lâm An, tỉnh Giang Nam, gia phụ tên gọi Đoàn Long.” Mặt Chung phu nhân lộ vẻ hoài nghi nói: “Thế sao giọng nói của công tử nghe như tiếng người Đại Lý?” Đoàn Dự đáp: “Vãn sinh đã ở Đại Lý ba năm rồi, học nói khẩu âm bản địa e rằng chưa được giống lắm, mong phu nhân đừng cười.”
Chung phu nhân hừ một tiếng nói: “Công tử nói giọng giống lắm, thật chẳng khác gì người chính gốc ở đây. Mời công tử ngồi.”
Hai người an tọa rồi, Chung phu nhân nhìn đi nhìn lại từ đầu đến chân chàng, dường như để đánh giá điều gì. Đoàn Dự không giữ được vẻ tự nhiên nữa, liền cất tiếng thưa: “Vãn sinh trên đường đi gặp hung hiểm khiến cho áo quần rách rưới, quả thực thất lễ. Lệnh ái đang gặp hiểm nguy, văn sinh vội đến báo tin, việc quá gấp gáp không kịp thay đổi áo mũ, xin phu nhân thứ tội.”
Chung phu nhân thần sắc đang hoảng hốt, nghe thấy thế như tỉnh giấc mơ, hỏi ngay: “Tiểu nữ ra sao?”
Đoàn Dự lấy trong túi ra đôi giày hoa của Chung Linh nói: “Xin bá mẫu hãy coi vật này! Lệnh ái đã đưa cho vãn sinh đem về làm tin.” Chung phu nhân cầm lấy đôi giày nói: “Đa tạ công tử, không biết tiểu nữ gặp phải chuyện gì?”
Đoàn Dự bèn đem chuyện mình gặp Chung Linh ở Kiếm Hồ Cung trong trường hợp nào, tự mình đòi đi can thiệp vào việc Thần Nông Bang ra sao, Chung Linh bị dồn vào tình thế bắt buộc phải cho con thiểm điện điêu ra cắn người, rồi bị bang Thần Nông bắt giữ thế nào nên mình phải đến đây cầu cứu, bị rơi vào hang núi mấy ngày qua, nhưng chàng không nhắc đến pho tượng ngọc trong động đá.
Chung phu nhân lẳng lặng, chăm chú lắng nghe chàng thuật chuyện, nét mặt mỗi lúc càng thêm vẻ lo âu. Chờ Đoàn Dự dứt lời, phu nhân thở dài thườn thượt nói: “Con nhỏ này cứ bước chân ra khỏi cửa là lại sinh chuyện lôi thôi, chuốc lấy tai họa.” Đoàn Dự nói: “Vụ này là do vãn sinh gây ra, bá mẫu chẳng nên quở trách cô nương.”
Chung phu nhân chăm chăm nhìn chàng nói nhỏ: “Ừ phải! Kể ra vụ này chẳng nên trách y. Ngay mình trước kia cũng thế.” Đoàn Dự hỏi: “Sao kia ạ?” Chung phu nhân rùng mình, hai má ửng hồng. Tuy bà đã đứng tuổi song vẻ thẹn thùng, e lệ chẳng khác chi cô gái đang xuân, ngượng nghịu đáp: “Ta… ta nhớ lại một chuyện ngày xưa.” Trong khi phu nhân nói câu này, mặt bà đỏ bừng lên rồi đánh trống lảng: “Ta nghĩ việc này nan giải quá!”
Đoàn Dự thấy phu nhân thay đổi sắc mặt, ra vẻ hoang mang thì nghĩ thầm trong bụng: Bà này còn không già dặn bằng cô con gái. Giữa lúc ấy ngoài sân có tiếng nói lạnh lẽo khô khan: “Hay nhỉ, Tiến Hỉ Nhi lại bị người ta giết là sao?”
Chung phu nhân giật mình bảo Đoàn Dự: “Lang quân ta đã về, tính người đa nghi lắm, Đoàn công tử hãy tạm lánh mặt đi!” Đoàn Dự nói: “Vãn sinh cần được bái kiến tiền bối, xin để…” Chàng chưa dứt lời, Chung phu nhân liền một tay bịt miệng chàng còn một tay kéo tuột vào căn phòng phía đông, ghé tai bảo: “Công tử nấp vào đây, chớ có lên tiếng nhé! Lang quân ta tính nóng như lửa, chỉ lỡ tay một tí là cậu mất mạng, ta không cứu nổi đâu.”
Chung phu nhân bề ngoài mảnh dẻ, mà bản lãnh không vừa. Đoàn Dự bị kéo tuột đi, muốn kháng cự không được, đành chịu một phép. Chàng cảm thấy ấm ức trong lòng, nghĩ mình vất vả lặn lội đến báo tin, dù sao mình cũng là một người khách mà phải ấn nấp lén lút, chẳng khác gì kẻ trộm cắp. Chung phu nhân quay sang nhìn chàng mỉm cười vẻ thật ôn nhu. Đoàn Dự thấy nụ cười đó liền hết giận, gật đầu. Chung phu nhân quay mình đi ra khép cửa phòng, trở lại khách sảnh.
Chỉ nghe thấy tiếng bước chân hai người đi vào trong phòng, một giọng đàn ông cất tiếng chào: “Phu nhân!” Đoàn Dự nhìn qua khe tường thấy một người chừng ba mươi tuổi ăn mặc theo lối gia nhân, vẻ mặt đang sợ hãi. Một người đàn ông khác mặc áo đen, vừa cao vừa gầy, mặt quay ra ngoài nên chàng không nhìn rõ tướng mạo, chỉ thấy hai bàn tay to như hai cái quạt, trên lưng bàn tay nổi đầy gân xanh, nghĩ thầm: Bàn tay cha Chung cô nương to thật.
Chung phu nhân hỏi: “Tiến Hỉ Nhi chết rồi ư? Có chuyện gì thế?” Người kia đáp: “Lão gia sai Tiến Hỉ Nhi và tiểu nhân đến Bắc Trang đón khách. Lão gia nói là tất cả có bốn người, hôm nay lúc trưa mới có một vị, nói là họ Nhạc. Lão gia từng dặn nếu gặp họ Nhạc thì chào là tam lão gia! Tiến Hỉ Nhi tiến lên cung kính gọi tam lão gia. Ngờ đâu người đó bỗng nổi cơn lôi đình, quát lớn: Ta là Nhạc lão nhị, cớ gì lại gọi ta là tam lão gia? Người coi thường ta phải không? Nghe bộp một cái đã đánh cho Tiến Hỉ Nhi sứt đầu chảy máu, lăn ra ngay.” Chung phu nhân nhíu mày: “Trên đời này sao lại có kẻ ngang ngược đến thế? Nhạc lão tam trở thành Nhạc lão nhị từ bao giờ?”
Chung cốc chủ nói: “Nhạc lão tam xưa nay tính tình nóng nảy, lại điên điên rồ rồ.” Nói xong y quay mình lại.
Đoàn Dự từ bên kia bức vách nhìn ra không khỏi giật mình vì tướng mạo lão rất ghê sợ: mặt dài như mặt ngựa, mắt xếch, mũi to mà tròn như trái cà xệ xuống gần miệng, thành ra giữa mắt và mũi cách một khoảng khá lớn. Chàng tưởng đến Chung Linh mi thanh mục tú nét mặt xinh tươi, lại ngạc nhiên sao cha ruột nàng lại xấu xí đến thế được?
Chung động chủ vốn mặt mày đăm đăm nhưng khi quay lại nhìn vợ lại đổi ra vẻ ôn hòa, bộ mặt xấu xí nanh ác cũng dịu lại đôi phần. Lão cười bảo vợ: “Nhạc lão tam tính tình ngang ngược, ta cũng sợ y kinh động đến phu nhân, nên không để cho y vào trong cốc. Chuyện nhỏ nhặt kia nàng đừng để tâm làm gì.”
Đoàn Dự càng lấy làm lạ nghĩ thầm: Chung phu nhân vừa nghe tiếng chồng về đã sợ cuống quít, nhưng giờ xem động chúa đối với bà vợ không những đầy vẻ thương yêu còn ra dáng kính nể nữa.
Chung phu nhân nói: “Sao lại là chuyện nhỏ nhặt được? Tiến Hỉ Nhi trung thành chăm chỉ hầu hạ mình bao nhiêu năm nay, nay bị gã bằng hữu chó lợn kia giết chết, trong lòng ta thật đau đớn xiết bao.” Chung cốc chủ cười gượng: “Đúng, đúng lắm! Nàng thương xót kẻ ăn người làm, quả là tốt bụng.”
Chung phu nhân hỏi gã gia nhận: “Lai Phúc Nhi, rồi sau ra sao?” Lai Phúc Nhi đáp: “Tiến Hỉ Nhi bị y đánh ngã xuống vốn đâu đã chết. Tiểu nhân vội vàng chào Nhị lão gia, xin nhị lão nhân gia đừng nóng nảy. Y liền cười hề hề rất là cao hứng. Tiểu nhân bèn đỡ Tiến Hỉ Nhi dậy, rồi dọn một mâm rượu cho gã họ Nhạc kia ăn. Y hỏi: Chung… Chung… sao không ra tiếp ta? Tiểu nhân trả lời: Lão gia chúng tôi chưa biết nhị lão gia đại giá quang lâm, nếu không thì đã ra nghinh tiếp rồi, để tiểu nhân quay vào bẩm báo. Người đó gật đầu, thấy Tiến Hỉ Nhi khép na khép nép đứng bên cạnh hầu hạ, liền hỏi: Hồi nãy ta đánh người một chưởng, trong bụng ngươi thể nào cũng rủa thầm ta, có đúng không nào? Tiến Hỉ Nhi vội đáp: Không, không, tiểu nhân đâu dám thế? Vạn lần không dám. Người đó nói: Ngươi trong bụng nhất định bảo ta là một đại ác nhân, không ai có thể ác hơn, hà hà! Tiến Hỉ Nhi nói: Không, không! Nhị lão gia là một người rất tốt, không ác một tí nào. Người kia dựng ngược lông mày quát: Ngươi bảo ta không ác chút nào ư? Tiến Hỉ Nhi sợ đến toàn thân run rẩy, nói: Ngài… nhị lão gia… không ác tí nào, chẳng… hoàn toàn chẳng ác. Người kia gầm lên một tiếng, đột nhiên giơ tay ra bẻ gãy cổ Tiến Hỉ Nhi…” Y giọng vẫn còn run rẩy, hiển nhiên chưa hoàn hồn.
Chung phu nhân thở dài một tiếng, vẫy tay nói: “Ngươi đã sợ hãi lắm rồi, thôi xuống nhà nghỉ ngơi đi.” Lai Phúc Nhi đáp: “Vâng, để tiểu nhân ra xem Nhạc lão tam có gây thêm chuyện gì không.” Chung phu nhân nói: “Ta khuyên người nên gọi hắn là Nhạc lão nhị cho xong.” Chung cốc chủ nói: “Hừ, tuy Nhạc lão tam hung ác thật nhưng ta lại nghĩ tình y nể mặt ta mà vạn dặm xa xôi đến đây giúp một tay, việc giết Tiến Hỉ Nhi thôi cũng đừng hỏi nữa làm gì.”
Chung phu nhân lắc đầu: “Hai người chúng ta yên lành nơi đây, trong mười năm qua ta chưa hề đặt chân ra khỏi cốc, phu quân còn chưa vừa ý hay sao? Việc gì còn tính chuyện đi mời Tứ Đại Ác Nhân đến để một phen long trời lở đất? Bình thời… chàng nói với ta những lời ngon ngọt dễ nghe, thực ra chàng có coi ta ra gì đâu.” Chung cốc chủ vội nói: “Ta… ta có làm gì mà bảo không coi nàng vào đâu? Ta mời bốn người đó tới đây chẳng phải vì nàng hay sao?” Chung phu nhân hừ một tiếng nói: “Vì tôi ư? Thế thì cảm ơn ông. Nếu quả thực vì tôi thì hãy bảo Tứ Đại Ác Nhân về đi.”
Đoàn Dự ở bên kia vách nghe thế bụng lấy làm lạ lùng: Gã Nhạc lão tam kia ra tay giết người vô duyên vô cớ, thật ác không ai bằng, không lẽ trên đời này còn có ba người cũng hung ác như y hay sao?
Chỉ thấy Chung cốc chủ hầm hầm giận dữ đi qua đi lại trong phòng khách, thở hổn hển nói: “Gã họ Đoàn kia làm nhục ta quá lắm, thù này không báo, Chung Vạn Cừu này còn mặt mũi nào mà sống trong trời đất nữa?”
Đoàn Dự nghĩ bụng: Thì ra tên ngươi là Chung Vạn Cừu, cái tên đó xem ra không ổn. Người đời thường nói oan gia nên cởi không nên buộc, nhớ một mối cừu cũng đã không hay, huống chi lại Vạn Cừu? Thảo nào mặt ngươi mới dài ngoằng như thế. Cứ như dung mạo nhà ngươi, lấy được một người vợ như hoa như ngọc thì quả là một đại hạnh trên đời, phải đổi tên thành Chung Vạn Hạnh mới phải.
Chung phu nhân nhướng mày lên, lạnh lùng đáp: “Thực ra ông trong lòng hận tôi chứ đâu phải là hận người khác. Nếu quả như ông muốn gây chuyện với người ta, sao không tự mình đến kiếm y, lấy quyền cước mà so cao thấp? Nhờ người đến giúp, dẫu có thắng thì cũng đâu có vinh dự gì.” Gân xanh trên trán Chung Vạn Cừu cuồn cuộn nổi lên, y quát lớn: “Hắn ta bộ hạ đông như thế, bà không biết hay sao? Ta muốn một chọi một y không chịu gặp, còn làm thế nào được bây giờ?” Chung phu nhân cúi đầu không nói, nước mắt tuôn tràn rơi xuống vạt áo. Chung Vạn Cừu vò đầu bứt tai, vẻ bối rối, chỉ biết luôn miệng: “A Bảo, nàng đừng giận, ta nhất thời không tự chế được, thật đáng chết.”
Chung phu nhân nói nhỏ: “Thì ra trong lòng ông chẳng bao giờ quên được chuyện cũ, tôi có sống cũng thật là vô vị. Chi bằng ông phóng chưởng đánh chết tôi đi, thế là kết thúc mọi chuyện, để trong bụng ông khỏi ấm ức. Sau đó ông ra ngoài kiếm một bà nào xinh đẹp làm vợ là xong.”
Chung Vạn Cừu giơ bàn tay lên, vả vào mặt mình hai cái bôm bốp, nói: “Ta đáng chết! Ta đáng chết!”
Đoàn Dự thấy bàn tay to như cái quạt của y đánh vào bộ mặt dài như ngựa, trông thật là vừa vặn, nhịn không nổi phải cười khì một tiếng. Tiếng cười vừa ra khỏi miệng, chàng biết ngay lần này gây họa còn lớn gấp mấy, chỉ mong Chung Vạn Cừu không nghe thấy. Nào ngờ đã nghe y quát tháo: “Đứa nào đó?” Tiếp theo nghe “bình” một tiếng, cửa phòng bị đá tung ra, ai đó đã bước vào. Đoàn Dự bị nắm cổ lôi ra, quẳng một cái mạnh xuống sàn nhà, mắt tối sầm, bao nhiêu xương cốt tưởng như gãy hết.
Chung Vạn Cừu lại nắm cổ áo chàng dựng dậy, quát hỏi: “Ngươi là ai? Sao trốn ở trong phòng phu nhân làm gì?” Y thấy chàng dung mạo thanh tú, trong lòng nổi cơn nghi ngờ, quay sang hỏi Chung phu nhân: “A Bảo, nàng… nàng… lại…”
Chung phu nhân giận dỗi nói: “Lại với chẳng lại cái gì? Mau bỏ y ra, y tới báo tin cho mình đó,” Chung Vạn Cừu hỏi: “Báo tin gì?” Y nhấc Đoàn Dự lên khỏi mặt đất, quát lớn: “Thằng lỏi thối tha này, ta xem ngươi mặt mày trơ trẽn không tốt lành gì. Ngươi lấp ló trốn trong phòng phu nhân là sao? Khai mau, khai mau! Ngươi chỉ nói láo nửa câu, ta sẽ đánh cho cái sọ ngươi nát như tương.”Y vung quyền đấm xuống, nghe lách cách, chiếc bàn bằng gỗ lê sứt một góc.
Đoàn Dự bị quật một cái đã đau, lại bị y nhấc bổng lên vùng vẫy không được, nghe giọng xem chừng nghi mình thậm thụt gì với vợ y, trong lòng hết sợ mà hóa giận, lớn tiếng đáp: “Ta họ Đoàn, ngươi muốn giết thì ra tay mau đi. Không biết gì thì đừng có nói bậy nói bạ”
Chung Vạn Cừu giơ tay lên, hầm hầm nói: “Tên tiểu tử này cũng lại họ Đoàn ư? Lại cũng họ Đoàn nữa, lại… lại cũng họ Đoàn nữa.” Nói đến câu sau, giọng phẫn nộ của y biến thành thê thảm, đôi mắt ốc nhồi ứa lệ.
Đoàn Dự bỗng nổi lòng thương xót, dường như y biết tài mạo mình không xứng với vợ cho nên chuyện gì cũng dễ ghen tuông, thực là đáng thương hại. Chàng quên rằng mạng mình đang ở trong tay người, cất tiếng an ủi: “Ta họ Đoàn, chưa từng gặp mặt phu nhân, cốc chủ chớ có nghi ngờ cho khổ vào thân.”
Chung Vạn Cừu mặt lộ vẻ vui mừng, nghẹn ngào nói: “Thật thế sao? Ngươi trước nay chưa hề… chưa hề gặp A Bảo ư?” Đoàn Dự nói: “Ta đến đây chưa đầy nửa giờ.” Chung Vạn Cừu ngoác mồm cười hề hề mấy tiếng nói: “Đúng lắm, đúng lắm! A Bảo mười năm nay chưa ra khỏi cốc, mười năm trước ngươi chỉ mới chín mười tuổi, không thể nào… không thể nào…” Thế nhưng y vẫn xách Đoàn Dự lên chưa thả xuống.
Chung phu nhân mặt đỏ lên, nói: “Mau thả Đoàn công tử ra!” Chung Vạn Cừu vội đáp: “Vâng!” Y nhẹ nhàng để Đoàn Dự xuống, đột nhiên mặt lại lộ vẻ ngờ vực, hỏi: “Đoàn công tử? Đoàn công tử? Thế… thế cha ngươi là ai?”
Đoàn Dự nghĩ thầm: Nếu ta còn nói láo hóa ra có tà ý hay sao? Chàng ngang nhiên đáp: “Hồi nãy ta giấu Chung phu nhân, thực ra chẳng có gì đáng dối. Ta tên Đoàn Dự, chính người Đại Lý. Tên cha ta thượng Chính hạ Thuần.”
Chung Vạn Cừu thoạt đầu chưa nghĩ ra thượng Chính hạ Thuần là gì, Chung phu nhân đã run run hỏi lại: “Cha ngươi là… là Đoàn… Đoàn Chính Thuần ư?” Đoàn Dự gật đầu: “Đúng thế.”
Chung Vạn Cừu gào lên: “Đoàn Chính Thuần!” Ba tiếng đó y hét đến long trời lở đất, đột nhiên mắt đỏ ngầu, toàn thân run lên bần bật: “Ngươi là… ngươi là con tên cẩu tặc Đoàn Chính Thuần đấy sao?”
Đoàn Dự giận quá, quát lại: “Sao ngươi lớn mật dám mắng cha ta?” Chung Vạn Cừu bực bội nói: “Có gì mà không dám? Đoàn Chính Thuần, ngươi là tên cẩu tặc, là đồ khốn nạn.”
Đoàn Dự bấy giờ mới rõ, y viết ở ngoài cửa cốc: Họ Đoàn Vào Đây Sẽ Giết Không Tha, chính là vì căm hận cha mình mới giận lây ra hết thảy họ Đoàn khác, nên thản nhiên đáp: “Chung cốc chủ, nếu ông có thù với cha ta thì nên quang minh chính đại mà giải quyết. Ông có giỏi thì tới trước mặt cha ta mà chửi, còn chửi sau lưng thì đâu có gì là anh hùng hảo hán? Cha ta ở trong thành Đại Lý, ông muốn kiếm thì dễ như trở bàn tay, việc gì mà phải để biển hiệu trước cửa nhà?”
Mặt Chung Vạn Cừu lúc xanh xám, lúc đỏ bừng, dường như những lời nói của Đoàn Dự đều đánh trúng vào tâm khảm lão. Mắt lão nẩy ra những tia hung dữ. Lão mím môi đứng ngẩn người ra một lúc, đột nhiên nổi giận đùng đùng, nắm tay đấm mạnh xuống bàn đánh rầm một cái. Bàn bị gãy đôi ra, lão lại đưa chân đá phốc vào tường, làm thủng một lỗ lớn. Lão la lên: “Ta không sợ đánh không lại cha ngươi, ta… ta chỉ sợ… chỉ sợ cha ngươi biết được… biết được A Bảo đang ở đây thôi…” Nói tới mấy câu đó, trong giọng lão đã lẫn tiếng nức nở, hai tay ôm mặt, kêu lên: “Ta là con quỷ nhát gan! Ta là con quỷ nhát gan!” Y cắm đầu cắm cổ chạy ra, chỉ nghe bình bình, loảng xoảng liên tiếp không ngừng, hắn là trên đường đụng phải các thứ bồn hoa, ghế đá.
Đoàn Dự ngạc nhiên hồi lâu, nghĩ thầm: Cha ta biết được phu nhân của ngươi ở đây thì đã sao? Không lẽ đến đây giết bà ta chăng? Nghĩ lại lời mình nói ra quả có nặng nề, khơi dậy mối đau lòng của Chung Vạn Cừu nên chàng cảm thấy ăn năn, quay đầu lại thì thấy Chung phu nhân đang chăm chăm nhìn mình.
Hai người ánh mắt chạm nhau, Chung phu nhân lập tức quay đi chỗ khác, trên khuôn mặt xanh xao kia ẩn hiện sắc hồng, một hồi sau hạ giọng hỏi: “Đoàn công tử, lệnh tôn mấy năm nay có được khỏe không? Mọi việc vẫn trôi chảy chứ?”
Đoàn Dự thấy bà ta hỏi thăm cha mình, vội vàng đứng lên, cung kính đáp: “Gia nghiêm vẫn khỏe, mọi việc bình thường.”
Chung phu nhân nói: “Thế thì hay lắm. Ta… ta cũng…”
Đoàn Dự thấy hàng mi dài của bà rưng rưng lệ, nói chưa dứt lời đã quay đi, giơ tay lau mắt, trong lòng không khỏi thương cảm, liền an ủi: “Chung cốc chủ tuy tính tình nóng nảy nhưng thật là kính yêu bá mẫu. Hai vị nhân duyên mỹ mãn, nếu có đôi khi lỡ lời va chạm, bá mẫu cũng chẳng nên đau lòng.”
Chung phu nhân quay đầu lại, miệng mỉm cười nói: “Cậu mới bấy nhiêu tuổi đầu, biết thế nào là nhân duyên mỹ mãn hay không.”
Đoàn Dự thấy nụ cười của bà đầy vẻ ngây thơ, trong lòng chợt động, lập tức nghĩ đến chung Linh, mắt quay qua nhìn đôi giày hoa của nàng trên ghế, nghĩ thầm: Chung cô nương bị gã râu dê kia bắt giữ, một giờ một khắc cũng đau đớn biết bao, phải mau mau cứu nàng ra mới được. Chàng bèn nói: “Vãn sinh mới rồi ăn nói vô lễ, xin bá mẫu chuyển lời tạ tội đến cốc chủ, xin người sớm lên đường đi cứu lệnh ái.”
Chung phu nhân đáp: “Phu quân ta hiện đang bận tiếp những bằng hữu từ xa tới, thật khó mà ra đi được. Công tử nghe rồi đó, những người khách đó tính tình cổ quái, ra tay giết người vô cớ, nếu như đối đãi với họ lễ số không chu toàn, không khỏi hậu hoạn vô cùng. Ôi! Sự đã đến nước này, ta đi theo công tử vậy.” Đoàn Dự mừng rỡ nói: “Bá mẫu đích thân ra đi thì hay quá.”
Chàng nhớ lại lời của Chung Linh nên hỏi thêm: “Bá mẫu có trị được chất độc của thiểm điện điêu chăng?” Chung phu nhân lắc đầu nói: “Ta không trị được.” Đoàn Dự phân vân nói: “Thế thì… e rằng…”
Chung phu nhân quay vào phòng ngủ, lật đật viết một lá thư, vừa xong liền lấy trên tường xuống một thanh trường kiếm đeo vào lưng, quay trở lại sảnh đường nói: “Ta đi.” Bà ta xoay mình đi trước.
Đoàn Dự thuận tay nhặt lấy đôi giày của Chung Linh bỏ vào túi. Chung phu nhân lặng lẽ lắc đầu, định nói gì, nhưng lại thôi.
Hai người ra khỏi cái hang sau thân cây, Chung phu nhân liền gia tăng cước bộ, nếu chỉ thấy thân hình mảnh dẻ thì không ai dám bảo bà ta chạy nhanh hơn Đoàn Dự nhiều. Đoàn Dự vẫn không yên tâm, nói: “Phu nhân không trị được nọc độc, vãn sinh e rằng bang Thần Nông không chịu buông tha lệnh ái.”
Chung phu nhân lạnh lùng đáp: “Ai cần bọn chúng tha? Bang Thần Nông dám cả gan bắt giữ con gái ta là không nể mặt ta rồi. Ta dù không cứu được người, há lại không biết giết người sao?”
Đoàn Dự nghe nói không khỏi chột dạ. Vài lời đơn giản mà ngụ ý coi mạng người như cỏ rác, phu nhân nhìn bề ngoài xinh đẹp ôn hòa, lại hay luống cuống sợ sệt mà hành động chẳng kém gì tên hung thần ác quỷ Nhạc lão tam.
Chung phu nhân hỏi lại: “Cha cậu có tất cả bao nhiêu thị thiếp?” Đoàn Dự đáp: “Chẳng có ai cả, một người cũng không. Mẹ cháu không chịu.” Chung phu nhân hỏi thêm: “Cha cậu sợ mẹ cậu lắm sao?” Đoàn Dự cười nói: “Cũng chẳng phải sợ, có lẽ là vì yêu mà đâm ra kính, cũng như cốc chủ đối với bà mẫu vậy thôi.” Chung phu nhân nói: “Thế cha cậu hàng ngày có luyện võ không? Bao nhiêu năm nay công lực chắc tiến triển lắm rồi?” Đoàn Dự đáp: “Cha cháu mỗi ngày đều luyện công nhưng công lực đến đâu thì cháu không biết.” Chung phu nhân nói: “Nếu công phu ông ta không kém sút, ta… ta cũng yên lòng. Sao cậu lại không biết chút võ công nào?”
Hai người vừa nói chuyện vừa chạy, chừng hơn một dặm chợt có tiếng gọi to: “A Bảo! Nàng… nàng đi đâu đó?” Đoàn Dự ngoảnh đầu nhìn lại thì ra Chung Vạn Cừu chạy như bay đuổi gần đến nơi.
Chung phu nhân luồn tay qua nách Đoàn Dự, nhấc bổng lên quát một tiếng “mau”, rồi cứ nhằm phía trước mà lao vút đi. Đoàn Dự chân không chấm đất, mất hết tự chủ để mặc phu nhân cắp chạy. Thành ra trước hai sau một, cả ba người cùng lướt như bay, thoáng cái đã được vài chục trượng. Kể ra thì khinh công Chung phu nhân còn cao hơn chồng, nhưng còn phải đeo thêm một người nên Chung Vạn Cừu dần dần đuổi kịp. Chạy thêm chục trượng nữa, Đoàn Dự đã thấy hơi thở Chung Vạn Cừu phập phù sau gáy. Bỗng nghe đánh roạt một tiếng, sau lưng mát lạnh, thì ra áo chàng đã bị Chung Vạn Cừu nắm được, kéo rách toạc một miếng.
Chung phu nhân tay trái vận kình hất Đoàn Dự ra ngoài hơn một trượng, quát lên “chạy đi!”, còn tay phải rút thanh trường kiếm đâm ngược lại, cốt để ngăn cản không cho Chung Vạn Cừu đuổi theo.
Với võ công của mình, Chung Vạn Cừu có thể tránh mũi kiếm dễ như chơi, huống chi Chung phu nhân tuyệt không có ý giết chồng. Ai ngờ tay bà thấy hơi vướng, mũi kiếm đã đâm vào ngực Chung Vạn Cừu.
Thì ra gã không tránh cũng không gạt, cốt ý nhận lấy nhát kiếm của vợ: Chung phu nhân thất kinh quay đầu lại thấy mặt chồng đầy vẻ phẫn nộ, khóe mắt rưng rưng ướt lệ, trước ngực máu loang. Lão cất tiếng thê thảm hỏi vợ: “A Bảo nàng ơi! Nàng… nàng rồi cũng bỏ ta đấy ư?”
Chung phu nhân thấy nhát kiếm tự tay mình đâm trúng ngực chồng, tuy không đụng đến trái tim nhưng sâu tới vài tấc, không biết sống chết ra sao. Trong lúc hoảng hốt, phu nhân rút mũi kiếm ra, tay nắm chặt lấy vết thương, nhưng máu cứ tuôn ra như suối chảy, luồn qua kẽ ngón tay phun ra ngoài.
Chung phu nhân giận dỗi hỏi: “Tại sao mình không tránh?” Chung Vạn Cừu nhăn nhó cười đáp: “Nàng đã muốn bỏ ta mà đi thì ta chết phứt cho rồi.” Chung phu nhân hỏi: “Ai nói tôi lìa bỏ mình?… Tôi đi cứu con vài ngày rồi lại trở về chứ đi đâu? Trên giấy đã viết rõ đấy thôi!” Chung cốc chủ nói: “Ta có thấy tờ giấy nào đâu.” Chung phu nhân nói: “Ôi, sao ông vô tâm đến thế?” Đoạn bà vội đem chuyện Chung Linh bị bang Thần Nông bắt giữ thuật sơ qua.
Đoàn Dự thấy tình cảnh như vậy trong tâm không khỏi xúc động, ngẩn người ra một hồi. Sau chàng trấn tĩnh lại, vội xé vạt áo, ba chân bốn cẳng chạy lại, định buộc vết thương cho Chung Vạn Cừu. Không ngờ Chung Vạn Cừu đưa chân đá cho một cái và quát to: “Thằng chó đẻ, tao không muốn thấy cái mặt mày.” Y quay lại nói với Chung phu nhân: “Bà lừa ta, ta không tin. Rõ ràng là nó… nó đến gọi bà đi. Thằng khốn kiếp này là con nó… Nó lại còn mở miệng chửi ta…” Nói xong y lại ho rũ ra, mỗi cơn ho chỗ vết thương lại chảy máu ra rất nhiều. Lão quay lại gọi Đoàn Dự: “Mi lại đây! Dù ta bị trọng thương vẫn không sợ Nhất Dương Chỉ của nhà mi đâu. Lại đây mau cùng ta thử sức!”
Đoàn Dự bị cái đá như trời giáng ngã lăn ra, má bên trái đâm vào một viên đá nhỏ nhọn hoắt, một bên mặt máu tươi chảy ra đỏ lòm, lóp ngóp bò dậy nói: “Ta không biết sử dụng Nhất Dương Chỉ mà dẫu có biết, ta cũng không đánh nhau với ông.” Chung Vạn Cừu lại ho lên mấy tiếng, vẫn một giọng căm hờn: “Mi còn giả vờ ư? Mi về gọi thằng cha mi đến đây!” Lão càng giận lại càng ho như xé phổi.
Chung phu nhân nói: “Mình vẫn chưa chừa cái bệnh ghen tuông mù quáng. Mình đã không tin tôi thì tôi chết trước mặt mình đi còn hơn.”
Chung Vạn Cừu lộ vẻ vui mừng, run run nói: “A Bảo, có thực nàng không bỏ ta để đi theo quân tiểu tạp chủng kia chứ?”
Chung phu nhân giận dữ đáp: “Người ta là một vị công tử họ Đoàn, sao mình lại ăn nói càn rỡ, luôn miệng xỉa xói hết tiểu tạp chủng nọ đến lão tạp chủng kia? Tôi định theo Đoàn công tử đi giết hết bọn Thần Nông Bang mà cứu con gái về.” Chung Vạn Cừu thấy vợ không tính chuyện bỏ mình, trong lòng vui mừng khôn xiết, nhìn nàng hờn dỗi lại càng thương hơn, vội cười: “Nếu thế thì ta quả không ra gì thật. Chẳng qua…chẳng qua, sao ta đuổi theo mà nàng không đứng lại nói cho rõ ràng?” Chung phu nhân hơi đỏ mặt nói: “Tôi không muốn ông lại gặp Đoàn công tử.” Chung Vạn Cừu đột nhiên lại nổi nghi ngờ, hỏi dồn: “Thằng tiểu… à Đoàn công tử, không phải là con bà đấy chứ?”
Chung phu nhân vừa thẹn vừa giận, hứ một cái nói: “Ông nói lăng nhăng gì đó? Lúc thì nghi y là tình lang của tôi, lúc lại nghi y là con tôi. Tôi nói thật với ông nhé, y là cha tôi, là bố vợ ông đó. Mau tham kiến nhạc phụ đại nhân.” Chung Vạn Cừu ngơ ngẩn, hiểu ra là vợ mình nói đùa, ôm bụng cười ngặt nghẽo. Y cười khiến cho máu ở vết thương lại túa ra.
Chung phu nhân xem vết thương thấy máu chảy hoài, nước mắt chan hòa nức nở: “Bây giờ biết làm… làm thế nào?” Chung Vạn Cừu cả mừng, đưa tay lên vuốt ve lưng vợ nói: “Mình khóc vì tôi thế này, dù tôi có chết ngay cũng thỏa dạ.” Chung phu nhân nhẹ nhàng đẩy tay chồng ra nói: “Có Đoàn công tử kia kìa, mình làm gì như kẻ điên rồ vậy?” Chung Vạn Cừu vẫn cười hà hà, cực kỳ hoan hỉ, cười mấy tiếng lại ho mấy tiếng.
Chung phu nhân thấy chồng đã nguôi giận, nhưng sắc mặt lại càng nhợt nhạt, trong lòng lo sợ nói: “Thôi tôi không đi cứu Linh Nhi nữa, nó đã gây nên tai vạ, tính mạng đành phó thác cho trời.” Bà nâng chồng dậy, bảo Đoàn Dự: “Đoàn công tử, cậu đi nói với Tư Không Huyền rằng chồng ta là Mã Vương Thần Chung Vạn Cừu năm xưa ngang dọc giang hồ, còn ta Cam Bảo Bảo có cái ngoại hiệu khó nghe là Tiếu Dược Xoa, nếu y dám động đến một sợi tóc của Chung Linh thì đừng trách vợ chồng ta độc ác vô tình.” Bà ta nói câu nào Chung Vạn Cừu cũng gật gù: “Đúng thế, đúng thế.”
Đoàn Dự thấy Chung Vạn Cừu bị thương nặng, Chung phu nhân cũng không thể bỏ chồng thập tử nhất sinh để đi cứu con, chỉ còn trông vào hai cái tên Mã Vương Thần Chung Vạn Cừu và Tiếu Dược Xoa Cam Bảo Bảo không biết có dọa được lão Tư Không Huyền chăng? Chưa thể biết. Chàng nghĩ đến đoạn trường tán ở trong ruột mình không ai giải cứu được mà giật mình tự nhủ: Cơ sự đã đến thế này, nói lắm cũng vô ích. Chàng đành cáo từ Chung phu nhân: “Vãn sinh xin đem lời dặn của phu nhân bảo Thần Nông Bang.”
Chung phu nhân thấy chàng vừa nói vừa cất bước, hành động dứt khoát không câu nệ, chợt nhớ đến người xưa, liền gọi chàng lại dặn: “Đoàn công tử, ta còn câu này nữa.” Nói rồi nhẹ nhàng đặt Chung Vạn Cừu xuống, vọt đến trước mặt Đoàn Dự, lấy trong bọc ra một vật nhét vào tay chàng dặn nhỏ: “Cậu đem vật này về giao lại cho cha, nhờ ông ra tay cứu con ta.”
Đoàn Dự đáp: “Nếu như cha cháu ra tay thì thể nào cũng cứu được Chung cô nương. Chỉ có điều ở đây xa Đại Lý, e rằng không kịp.” Chung phu nhân nói: “Để ta đi mượn cho cậu một con ngựa tốt, cậu chờ nơi đây. Đừng quên nói với cha cậu rằng: Xin ông ra tay cứu con ta.” Không đợi Đoàn Dự đáp lời, bà quay mình chạy lại bên trượng phu, đỡ y dậy, dìu nhau đi.
Đoàn Dự vừa đi vừa xem Chung phu nhân nhét cho mình vật gì, thì ra là một cái hộp nhỏ bằng vàng, chạm trổ rất tinh vi. Chàng mở nắp hộp ra, thấy bên trong đựng một mảnh giấy để lâu ngày đã biến ra màu vàng lợt. Trên mảnh giấy còn vết tích mấy giọt máu và viết tám chữ: Quý Hợi, Tháng Hai, Mồng Năm, Giờ Sửu. Nét chữ mềm mại, chắc là chữ đàn bà. Ngoài mảnh giấy ra không còn vật gì nữa. Đoàn Dự tự hỏi: Bát tự này ghi năm tháng ngày giờ sinh của ai? Phu nhân bảo ta đưa về cho gia gia để làm gì? Năm Quý Hợi… Chàng bấm đốt ngón tay tính toán thì ra là mười sáu năm trước… không lẽ lại là niên canh bát tự của Chung cô nương? Hay là Chung phu nhân muốn gả con gái cho ta nên nhờ cha ta đi cứu con dâu?
Chàng còn đang trầm ngâm, bỗng nghe tiếng một người đàn ông gọi: “Đoàn công tử dừng bước!”.