Đại Việt Sử Ký ngoại kỷ toàn thư – Quyển III

[1a]

Kỷ Thuộc Tây Hán

Tân Mùi, [110 TCN], (Hán Nguyên Phong năm thứ 1). Nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán. Nhà Hán cho Thạch Đái làm Thái Thú 9 quận. (Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ đều ở giữa biển, còn 7 quận thuộc về Giao Châu, Đái làm châu Thái thú63 . Thời Tây Hán, trị sở của Thái Thú đặt tại Long Uyên, tức là Long Biên, thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng64 . Đến khi Đái chết, Hán Chiêu Đế lấy Chu Chương thay. Đến cuối đời Vương Mãng, châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặn bờ cõi để tự giữ. Tướng nhà Hán là Sầm Bành vốn quen thân với Nhượng, gửi thư cho Nhượng bày tỏ uy đức của nhà Hán. Thế rồi [Nhượng] bảo Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái thú các quận là bọn Đỗ Mục sai sứ sang cống hiến nhà Hán. Nhà Hán đều phong cho những người ấy tước hầu. Bấy giờ là năm Kỷ Sửu thời Hán Quang Vũ năm Kiến Vũ thứ 5 [29]. Tích Quang người quận Hán Trung, khi ở [1b] Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy dân. Lại lấy Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân. Diên là người Uyển [huyện]. Tục người Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá, đi săn, không biết cày cấy. Diên mới dạy dân khai khẩn ruộng đất, hàng năm cày trồng, trăm họ no đủ. Dân nghèo không có sính lễ cưới vợ, Diên bảo các trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc ra để giúp đỡ, cùng một lúc lấy vợ có đến 2.000 người. Diên coi việc được 4 năm thì bị gọi về. Người Cửu Chân làm đền thờ. Những người đẻ con đều đặt tên là Nhâm. Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy.

Kỷ Hợi, [39], (Hán Quang Vũ Lưu Tú, Kiến Vũ năm thứ 15) . Thái thú Giao Chỉ là Tô Định chính sự tham lam tàn bạo, Trưng Nữ Vương dấy binh đánh.

Trở lên là [kỷ] thuộc nhà Hán, từ năm Tân Mùi đến năm Kỷ Hợi, cộng 149 năm [110 TCN – 39].

[2a]

Kỷ Trưng Nữ Vương

Trưng Vương

Ở ngôi 3 năm.

Vua rất hùng dũng, đuổi Tô Định, dựng nước xưng vương, nhưng vì là vua đàn bà, không thể làm nên công tái tạo.

Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh65 , Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên66 . (Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Sách Cương mục tập lãm lấy Lạc làm họ là lầm). Đóng đô ở Mê Linh.

Canh Tý, năm thứ 1 [40], (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được [2b] 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.

Tân Sửu, năm thứ 2 [41], (Hán Kiến Vũ năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, ngày 30, nhật thực. Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương, dấy quân đánh lấy các thành ấp, các quận biên thùy bị khổ, mới hạ lệnh cho Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu ta sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược.

Nhâm Dần, năm thứ 3 [42], (Hán Kiến Vũ năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành, gọi là Lãng Bạc)67 đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (Cấm Khê, sử chép là Kim Khê). Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất.

[3a] Lê Văn Hưu nói: Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.

Trở lên là Trưng Nữ Vương, bắt đầu từ năm Canh Tý đến năm Nhâm Dần thì hết, tất cả 3 năm [40-42].

Kỷ Thuộc Đông Hán

Quý Mão, [Trưng Vương, năm thứ 4], [43], (Hán Kiến Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, [3b] thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. (Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu68 châu Khâm. Viện có câu thề: “Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy. Mã Tổng nhà Đường lại dựng hai cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán ghi công đức của Mã Viện để tỏ ra mình là dòng dõi của Phục Ba, nay chưa rõ ở chỗ nào. Hai sông Tả Giang, Hữu Giang mỗi nơi có một cột). Viện thấy huyện Tây Vu có 3 vạn 3 nghìn hộ, xin chia làm hai huyện Phong Kê và Vọng Hải, vua Hán nghe theo. Viện lại đắp thành Kiển Giang ở huyện Phong Khê. Thành đắp tròn như hình cái kén, cho nên lấy [chữ Kiển]69 làm tên. Nước Việt ta lại thuộc vào nhà Hán. Ba năm sau, Viện trở về. Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc70 , ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà [4a] quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư ?

Giáp Thìn, [44], (Hán Kiến Vũ năm thứ 20). Từ đây về sau, trải các đời Hán Minh Đế, Chương Đế, Hòa Đế, Thượng Đế, An Đế, gồm 5 đời, cộng 82 năm, duy thời Minh Đế có Lý Thiện người huyện Nam Dương làm Tháu thú Nhật Nam, làm việc chính sự có ân huệ yên dân, khiến cho người khác phong tục cũng mến chuộng tìm đến. Sau Thiện đổi làm Thái thú Cửu Chân.

Bính Tý, [136], (Hán Thuận Đế Bảo, Vĩnh Hòa năm thứ 1). Thái thú Chu Xưởng cho là Giao Châu ở ngoài chín châu [4b], ở rìa Bách Việt, dâng biểu xin đặt phương bá71 . Vua Hán để cho Xưởng làm Thứ sử72 , cai quản các quận huyện.

Đinh Sửu, [137], (Hán Vĩnh Hòa năm thứ 2). Người man ở huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam (ở địa giới nước Việt Thường xưa), là bọn Khu Liên đánh phá quận huyện, giết trưởng lại. Thứ sử Giao Châu là Phàn Diễn đem quân châu và quân Cửu Chân hơn vạn người đi cứu ứng, nhưng quân lính ngại đi xa. Mùa thu, tháng 7, quân hai quận làm phản đánh phủ trị, thế chuyển thành mạnh.

Mậu Dần, [138], (Hán Vĩnh Hòa năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 5, Thị ngự sử Giả Xương cùng với các châu quận hợp sức đánh bọn Khu Liên không được, bị Khu Liên vây đánh hơn một năm, binh lương không thể tiếp tế được. Vua Hán gọi các công khanh và thuộc lại bốn phủ để hỏi phương lược, các quan đều bàn nên sai tướng phát 4 vạn quân của bốn châu Kinh, Dương, [5a] Duyện, Dự đi đánh. Lý Cổ bác đi, nói rằng: “Các châu Kinh, Dương giặc cướp tụ họp chưa tan; Trường Sa, Quế Dương đã nhiều lần bị thu thuế bắt lính, nay lại làm rối động, ắt lại sinh họa nữa. Người các châu Duyện, Dự phải đi xa muôn dặm, chiếu thư thúc bách, tất phải bỏ trốn. Nam Châu73 thì trời nắng nực, ẩm thấp lại thêm lam chướng dịch lệ, 10 phần phải chết đến 4, 5 phần. Đường xa muôn dặm, quân lính mỏi mệt, đến lúc tới Lĩnh Nam thì đã không kham nổi chiến đấu. Quân đi mỗI ngày 30 dặm mà Duyện, Dự cách quận Nhật Nam hơn 9 nghìn dặm, phải 3 trăm ngày mới đến. Tính lương một người ăn mỗI ngày 5 thăng, thì phải dùng đến 60 vạn hộc gạo, đó là không kể lương thực của tướng lại và lừa ngựa. Đặt quân ở đấy, chết chóc tất nhiều, đã không đủ quân chống giặc, lại phải bắt thêm. Thế là xẻo cắt lòng bụng để chắp vá cho chân tay. Cửu Chân và Nhật Nam chỉ cách nhau 1 nghìn dặm, lại dân ở đó đi đánh còn không kham nổi, huống chi lại làm khổ quân lính ở bốn châu [5b] để cứu nạn xa muôn dặm? Trước đây Trung lang tướng Doãn Tựu đánh người Khương làm phản ở Ích Châu, người Ích Châu có ngạn ngữ rằng: “Lỗ lai thượng khả, Doãn lai sát ngã” (Giặc đến còn khá, Doãn đến chết ta). Sau Tựu bị đòi về, đem quân giao cho Phán châu là Trương Kiều, Kiều vẫn dùng tướng lại của Tựu, chỉ trong khoảng mười hôm, diệt hết giặc cướp. Thế là bằng chứng tỏ rằng sai tướng đi là vô ích, mà châu quận có thể dùng được. Nay nên chọn người nào có dũng lược nhân huệ, có thể làm tướng súy được, cho làm Thứ sử, Thái thú, dời lại dân ở Nhật Nam đến nương dựa vào quận Giao Chỉ ở Bắc, trở lại chiêu mộ người Man Di, khiến họ đánh lẫn nhau, chuyển vận hàng lụa đến để cấp cho, kẻ nào có thể phản gián dụ hàng thì cắt đất phong cho. Thứ sử Tính Châu trước là Chúc Lương dũng mãnh quyết đoán, Trương Kiều trước ở Ích Châu có công phá giặc, đều có thể dùng được. Bốn phủ đều theo lời bàn của Cố. Bèn cho Lương làm Thái thú Cửu Chân, Kiều làm Thứ sử Giao Châu. [6a] Kiều đến nơi, lấy lòng thành thật dỗ bảo, dân chúng đều hàng phục. Lương đi một xe đến Cửu Chân, tỏ rõ uy tín, người ra hàng đến vài vạn.

Giáp Thân, [144], (Hán Kiến Khang năm thứ 1). Mùa thu, tháng 8, vua Hán mất. Mùa đông, tháng 10, người Nhật Nam lại đánh đốt quận ấp. Thứ sử Cửu Chân là Hạ Phương gọi những kẻ ra hàng dỗ bảo họ. Sau Phương đổi làm Thái thú Quế Dương, lấy Lưu Tảo thay.

Canh Tý, [160] (Hán Hoàn Đế Chí, Nguyên Gia năm thứ 2). Mùa đông, tháng 11, người quận Cửu Chân lại đóng giữ quận Nhật Nam, quân chúng trở nên mạnh hơn. Khi ấy Hạ Phương đã đổi làm Thái thú Quế Dương, lại giao cho làm Thứ sử. Phương vốn có tiếng về uy đức, khi đến Nhật Nam, dân chúng tụ họp hơn vạn người đem nhau đến đầu hàng Phương.

Mậu Ngọ, [178], (Hán Linh Đế Hoành, Quang Hòa năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, người trong châu và bọn Man Ô Hử74 làm loạn đã lâu, mục [6b] thú là Chu Ngung không ngăn được, người châu là bọn Lương Long nhân đấy dấy binh đánh phá quận huyện, quân đến vài vạn người.

Tân Dậu, [181], (Hán Quang Hòa năm thứ 4). Vua Hán sai Huyện lệnh Lan Lăng là Chu Tuấn, người Thượng Ngu quận Cối Kê, sang cứu Ngung. Đường đi qua quê nhà, Tuấn mộ thêm gia binh cùng với binh đem đi theo cộng 5 nghìn người, theo hai đường tiến vào. Trước hết sai xem xét hư thực, tuyên dương uy đức để lay động lòng người rồi quân bảy quận75 tiến bức, giết được Lương Long, kẻ đầu hàng đến vài vạn người.

Giáp Tý, [183], (Hán Trung Bình năm thứ 1). Đồn binh người châu bắt Thứ sử Chu Ngung giết đi, sai người đến cửa khuyết kể tội trạng của Ngung. Vua Hán nghe tâu, xuống chiếu chọn kỹ quan lại có tài. Hữu ty tiến cử Giả Tông là người Liêu thành Đông Quận làm Thứ sử (Tông trước làm Ngự sử). Trước đây những người làm Thứ sử thấy [7a] đất châu có các thứ ngọc trai, lông trả, tê, voi, đồi mồi, hương lạ, gỗ tốt, nhiều người không liêm khiết, vơ vét của cải cho đầy, rồi lại xin đổi đi, cho nên lại dân đều làm phản cả. Kịp khi Tông đến bộ76 , xét hỏi tình trạng làm phản, người ta đều nói rằng chính lệnh trước thuế má nặng quá, trăm họ không ai không khốn khổ túng thiếu, Kinh sư thì xa, không biết tố cáo vào đâu, dân không sống nổi, nên tụ họp nhau để chống, chứ không thực sự làm phản. Tông mới sai người chia đi các nơi để khuyên dỗ, khiến đều yên nghiệp làm ăn, dụ dỗ những kẻ lưu vong, tha bớt thuế khóa. Rồi giết kẻ bạo ngược đầu sỏ, chọn quan lại tốt cho giữ quận huyện. Trăm họ được yên, trên đường ngõ người ta có câu rằng: “Giả phụ lai vãn, sử ngã tiên phản. Kim kiến thanh bình, bất cảm phục bạn”. (Bố Giả đến muộn, khiến ta phản trước; Nay thấy thanh bình, không dám phản nữa). Tông coi việc 3 năm, được gọi về làm chức Nghị Lan. Lý Tiến thay. (Lý Tiến là người Giao Châu ta).

[7b] Bính Dần , [186], (Hán Trung Bình năm thứ 3)77

Lê Văn Hưu nói: Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm khổ. Bắc Kinh đường xa, không biết kêu vào đâu, bất giác xen lẫn cảm thương hổ thẹn, muốn tỏ lòng thành như Minh Tông nhà Hậu Đường, thường thắp hương khấn trời: xin trời vì nước Việt ta sớm sinh thánh nhân, tự làm đế nước nhà, để khỏi bị người phương Bắc cướp vét.

Trở lên là thời thuộc Hán, từ năm Quý Mão đến năm Bính Dần, tất cả 144 năm [43- 186].

Kỷ Sĩ Vương

Sĩ Vương78

Ở ngôi 40 năm, thọ 90 tuổi.

Vương là người khoan hậu khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ vẹn đất Việt để đương đầu với sức mạnh của Tam quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, đáng gọi là người hiền.

[8a] Họ Sĩ, tên húy là Nhiếp79 , tự là Ngạn Uy, người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô. Tổ tiên người Vấn Dương nước Lỗ, hồi loạn Vương Mãng ở Bắc triều, tránh sang ở đất Việt ta, đến vương là sáu đời. Cha là Tứ, thời Hán Hoàn Đế làm Thái thú Nhật Nam. Khi còn ít tuổi, vương du học ở kinh đô nhà Hán, theo học Lưu Tử Kỳ người Dĩnh Xuyên, chuyên trị sách Tả thị Xuân Thu, có làm chú giải: được cử hiếu liêm, bổ làm Thượng thư lang, vì việc công bị miễn chức; hết tang cha, lại được cử mậu tài, bổ làm Huyện lệnh Vu Dương, đổi làm Thái thú Giao Châu, được tước Long Độ Đình hầu, đóng đô ở Liên Lâu (tức là Long Biên)80 . Sau nhà Trần truy phong làm Thiên Cảm Gia Ứng Vũ Đại Vương.

Đinh Mão, năm thứ 1 [187], (Hán Trung Bình năm thứ 4). Vương có ba em trai tên là Nhất, Vĩ81 và Vũ. Bấy giờ Thứ sử Chu [8b] Phù bị giặc Di giết chết, châu quận rối loạn, vương bèn dâng biểu cử Nhất làm Thái thú Hợp Phố, Vĩ làm Thái thú Cửu Chân, Vũ làm Thái thú Nam Hải. Vương độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người.

Canh Thìn, năm thứ 14 [200], (Hán Hiến Đế Hiệp, Kiến An năm thứ 5). Thứ sử Lý Tiến dâng lời tâu lên vua Hán rằng: “Khắp cả thiên hạ đều là bề tôi của vua, thế mà nay làm quan ở triều đình đều là sĩ phu ở Trung Châu82 cả, chưa từng khuyến khích người xa”. Lời lẽ thiết tha cảm động, lại viện dẫn nhiều bằng chứng. Vua Hán xuống chiếu cho người châu ta ai được cử hiếu liêm mậu tài thì cho phép được bổ trưởng lại trong châu, không được bổ ở Trung châu. Tiến lại dâng sớ nói: “Người được cử làm hiếu liêm xin cho được như bác sĩ ở mười hai châu, căn cứ theo nhân tài mà đối xử”. [9a] Nhưng hữu ty sợ rằng người phương xa khoác lác mà chê bai bắt bẻ triều đình, nên không chuẩn cho. Bấy giờ người nước Việt ta là Lý Cầm làm túc vệ ở đài, bèn rủ người đồng hương là bọn Bốc Long 5, 6 người, giữa ngày đầu năm các nước triều hội, đến quỳ lạy ở sân điện tâu rằng: “Ơn vua ban không đều”. Hữu ty hỏi vì cớ gì? Cầm nói: “Nam Việt ở xa không được trời che, đất chở, cho nên mưa ngọt không xuống, gió mát không đến”. Lời ý khẩn thiết đau đớn. Vua Hán xuống chiếu an ủi, lấy một người mậu tài nước ta làm Huyện lệnh Hạ Dương, một người hiếu liêm làm Huyện lệnh Lục Hợp (Cầm là người Giao Châu). Sau Lý Cầm làm quan đến Tư lệ hiệu úy, Trương Trọng làm Thái thú Kim Thành. Như thế nhân tài nước Việt ta được cùng tuyển dụng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Lý Tiến vậy. (Trọng người quận Nhật Nam, khi trước đến Lạc Dương, gặp hội lớn tết Nguyên Đán, Tấn Minh Đế83 hỏi: “Ở quận Nhật Nam hướng về phía bắc để trông mặt trời phải không?” Trọng đáp rằng: “Nay trong các quận, có quận gọi là Vân Trung (trong mây), là Kim Thành (thành vàng), không hẳn phải có thật. Còn như phong khí ấm áp, mặt trời đứng bóng trên đầu sinh dân [9b] thì vẫn có thế”. Xét: Khoảng niên hiệu Nguyên Gia [424-454] đời Tống Văn Đế, [quân Tống] đi đánh Lâm Ấp ở phương nam, tháng năm, dựng nêu để đo bóng, thấy mặt trời ở về phía bắc cây nêu 9 tấc 1 phân84 Giao Châu thì bóng ở về phía nam cây nêu 3 tấc 3 phân. Giao Châu cách Lạc Thủy hơn 6,7 nghìn dặm. Chỗ dựng nêu tính đường dây thẳng thì nên bớt đi nghìn dặm. Năm Khai Nguyên thứ 12 [724] thời Đường, đo ở Giao Châu vào ngày hạ chí, bóng ở phía nam cây nêu 3 tấc 3 phân, cũng giống số đo năm Nguyên Gia. Sách Luận Hành của Vương Sung nói: “Quận Nhật Nam ở cách Lạc [Dương] gần vạn dặm về phía nam mặt trời.” Lý Thuyên nói: “Từ phủ An Nam đến Trường An cách 7.250 dặm”. Mạnh Quán nói: “Lấy bốn phương mà đo thì An Nam đứng vào đất cuối cùng của Trung Quốc”).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Người quân tử đối với lời nói không thể cho qua được. Ngày xưa Tông Miệt85 nếu không có lời nói thì cùng với cỏ cây mục nát mà thôi. Lý Cầm không có lời nói thì sao được dùng ở đời, mà người tài giỏi của nước Việt ta, người phương bắc làm sao biết được? Lời nói không thể cho qua là vì vậy. Tuy nhiên, đây chỉ nói riêng về nhân tài thôi, còn như Nhan [Hồi], Mẫn [Tử Khiên] thì không nói thế được.

[10a] Đinh Hợi, năm thứ 21 [207], (Hán Kiến An năm thứ 12). Viên Huy nhà Hán gửi thư cho Thượng thư lệnh là Tuân Úc rằng: “Giao Châu Sĩ phủ quân86 đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn 20 năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân87 đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được. Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả thị truyện, [tôi] đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ88 đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo [10b] hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được”. (Huy bấy giờ ngụ ở Giao Châu). Sau vua Hán sai Trương Tân làm Thứ sử. (Tân nhận chức năm Kiến An thứ 6 [221] thời Hán). Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ, gảy đàn, đốt hương, đọc sách Đạo giáo, nói rằng có thể giúp việc giáo hóa, [sau] bị tướng là Khu Cảnh giết, châu mục Kinh Châu là Lưu Biểu sai Huyện lệnh Linh Lăng là Lại Cung thay Tân. Vua Hán nghe tin Tân chết, gửi cho vương [Sĩ Nhiếp] bức thư có đóng dấu ấn nói rằng: “Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất Nam89 , nay cho khanh làm Tuy Nam trung lang tướng trông coi bảy quận, lĩnh Thái thú Giao Châu như cũ”. Vương sai thuộc lại là Trương Mân mang đồ cống sang kinh đô nhà Hán. Bây giờ thiên hạ loạn lạc, đường sá đứt nghẽn, nhưng vương vẫn không bỏ việc nộp cống. Vua Hán lại xuống chiếu cho làm An Viễn [11a] tướng quân, phong tước Long Độ Đình hầu. Sau Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự bất hòa với Cung, đem binh đánh đuổi, Cung chạy về Linh Lăng.

Canh Dần, năm thứ 24 [210], (Hán Kiến An năm thứ 15). Ngô Vương là Tôn Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu. Khi Chất đến, vương đem anh em đến vâng theo mệnh lệnh. Ngô Vương cho vương làm Tả tướng quân. Sau vương sai con là Ngẩm90 làm con tin ở nước Ngô, Ngô Vương cho làm Thái thú Vũ Xương. Các con của vương ở Nam đều cho làm Trung lang tướng. Vương lại dỗ bảo thổ hào ở Ích Châu là bọn Ung Khải đem dân chúng trong quận phụ thuộc xa với nước Ngô ở miền đông. Ngô Vương càng khen, thăng làm Vệ tướng quân, tước Long Biên hầu. Vương thường sai sứ sang nước Ngô dâng các thứ hương liệu, vải mịn, kể số hàng nghìn. Các thứ quý lạ như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi [11b] cùng các thứ quả lạ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không tiến, lại cống ngựa hàng mấy trăm con. Ngô Vương viết thư ban cho rất hậu để yên ủi và đáp lại.

Lê Văn Hưu nói: Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí. Tiếc rằng con nối không gánh vác nổi cơ nghiệp của cha, để cho bờ cõi nước Việt đã toàn thịnh mà lại bị chia cắt, đáng buồn thay !

Bính Ngọ, năm thứ 40 [226], (Hán Hậu Chúa Thiện, Kiến Hưng năm thứ 4; Ngô Tôn Quyền, Hoàng Vũ năm thứ 5). Vương mất. Trước vương ốm, đã chết đi 3 ngày, người tiên là Đổng Phụng cho một viên thuốc hòa vào nước ngậm, rồi đỡ lấy đầu mà lay [12a] động, mộc chốc lát mở mắt động tay, sắc mặt bình phục dần dần, ngày hôm sau ngồi dậy được, 4 ngày lại nói được, rồi trở lại bình thường. (Phụng tên tự là Xương Dị, người huyện Hầu Quan, sự tích có chép trong Liệt tiên truyện. Hầu Quan là tên huyện, thuộc Phúc Châu).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. Tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là “Tiên Sĩ Vương”. Có lẽ là khí tinh anh không nát, cho nên thành thần vậy. (Đền thờ tại thành cũ Long Biên91 )

[12b] Trở lên là [kỷ] Sĩ Vương, từ năm Đinh Mão đến năm Bính Ngọ, tất cả 40 năm [187-226].


63 Thạch Đái: làm thái thú 9 quận, Cương mục (TB2, 6b) sửa là thứ sử bộ Giao Chỉ. Nhưng thứ sử là chức quan được đặt vào năm Nguyên Phong thứ 5 (106 TCN) đời Hán Vũ Đế.

64 Yên Lăng: nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú.

65 Huyện Mê Linh: thời thuộc Hán bao gồm phần đất tỉnh Vĩnh Phú và một số huyện thuộc ngoại thành Hà Nội ngày nay.

66 Huyện Chu Diên: thời thuộc Hán ở miền lưu vực sông Đáy (thuộc một phần đất Hà Tây và Hà Nam Ninh).

67 Ở đây, Toàn thư cho Lãng Bạc là Hồ Tây (Hà Nội), nhưng như vậy là lầm. Nhiều nhà nghiên cứu đã đoán định Lãng Bạc ở vùng huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc ngày nay.

68 Chuyện cột đồng Mã Viện được chép trong một số tài liệu của Trung Quốc, nhưng đều không ăn khớp với nhau. Cho cột đồng ở Cổ Lâu (Khâm Châu) chỉ là một thuyết, CMTB2, 13b chép là Cổ Sâm (theo Nhất Thống Chí của nhà Thanh).

69 Kiển: ổ kén.

70 Nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.

71 Phương bá: gọi chung quan đứng đầu địa phương, nhưng thường chỉ quan đứng đầu một châu như Thứ sử, Quan sát sứ thời Hán, Bồ chính sứ thời Minh – Thanh, v.v…

72 Về việc Chu Xưởng dâng biểu, Cương mục ghi rõ: “Khoảng thời Hán Thuận Đế, Thái thú Giao Chỉ là Chu Xưởng xin lập đất Giao Chỉ làm một châu, triều đình bàn định không cho, nhưng phong cho Chu Xưởng làm Thứ sử Giao Chỉ” (CMTB2, 17b, dẫn Tấn Chí). Như vậy nhà Hán chỉ cho Xưởng làm Thứ sử là chức quan chính thức của người cai quản một châu, còn việc lập riêng một châu (lĩnh các quận) thì mãi đến năm Kiến An thứ 8 (203) mới thực hiện.

73 Nam Châu: châu ở phương Nam, chỉ Giao Châu.

74 Ô Hử: tên tộc thiểu số ở vùng núi Ô Hử thuộc huyện Hoành, tỉnh Quảng Tây (CMTB2, 24a dẫn Hậu Hán Thư và Nam Châu Dị Vật Chí cũng ghi Ô Hử ở phía nam Quảng Châu, phía bắc Giao Châu). Nguyên bản in nhầm là Điểu Hử, chữ Ô dễ nhầm với chữ Điểu.

75 Nguyên bản in nhầm là: “thổ quận binh”, đúng ra là “thất quận binh” (theo Hậu Hán Thư q.71, Chu Tuấn truyện), chữ thất dễ nhầm với chữ thổ.

76 Tức là bộ Giao Chỉ.

77 Năm này chỉ ghi tên năm Can Chi và niên hiệu nhà Hán, không thấy ghi việc.

78 Tác giả Toàn Thư theo quan điểm chính thống đương thời đề cao nho học, coi Sĩ Nhiếp là người có công đầu trong việc truyền dạy chữ Hán ở nước ta. Cương mục (phàm lệ) có nhận xét: “Sĩ Nhiếp theo lệnh triều đình Trung Quốc phái sang làm Thái thú, không từng xưng vương bao giờ, thế mà sử cũ cũng chép riêng thành một kỷ, nay tước bỏ đi, chỉ chép thẳng công việc thời ấy để ghi lấy sự thực …”. Để tôn trọng tác giả, chúng tôi vẫn giữ đúng nguyên bản, nhưng chỉ phiên âm chữ “vương” chứ không dịch là vua như đối với các đế vương khác: hết kỷ Sĩ Vương thì dịch thẳng là Sĩ Nhiếp.

79 Nguyên bản in chữ ____ theo Khang Hy tự điển, đó là lối viết không chính thức (tục tự) của chữ _____. Các tự điển cổ dẫn trong tự điển nói trên đều chua âm đọc hai chữ ấy là Tiếp (hoặc phiên: tô hiệp thiết; hoặc phiên: tất hiệp thiết) CMTB2, 29a cũng chua âm là Tiếp (tô thiếp thiết). Nhưng ở đây chúng tôi vẫn phiên là Nhiếp theo thói quen lâu nay.

80 Liên Lâu: cũng thường đọc là Luy Lâu, ở Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, nay còn di tích thành, theo nhiều nhà khoa học, thành Liên Lâu không phải là Long Biên.

81 Sĩ VĨ, Toàn thư chép với chữ ______; theo Tam quốc chí [Sĩ Nhiếp truyện] tên đúng là chữ _______ (đều âm Vĩ).

82 Tức nội địa Trung Quốc.

83 Về việc Trương Trọng giải thích tên gọi quận Nhật Nam, lời chú thích của Toàn Thư ở đây ghi là trả lời câu hỏi của Tấn Minh Đế (323-326). Cương mục căn cứ theo Lĩnh Nam di thư ghi là Trọng trả lời câu hỏi của Hán Minh Đến (58-76) chứ không phải Tấn Minh Đế. Do đó, nếu kể nhân tài nước ta được tuyển dụng như người Hán thì phải kể Trương Trọng là người mở đầu (CMTB2, 27).

84 Nguyên văn trong Toàn thư: “Nhật tại biểu bắc cửu thốn nhất phân”. Câu này vô nghĩa vì mặt trời không thể ở phía Bắc nêu 9 tấc 1 phân. Tân Đường thư, q.31, Thiên văn chỉ chép rõ là: “Mặt trời ở phía bắc, bóng ở Giao Châu ở về phía nam là 3 tấc, ở Lâm Ấp là 9 tấc 1 phân”. Như vậy các số đo ở đây là của bóng cây nêu. Ở Lâm Ấp cũng như ở Giao Châu, trong tháng năm, mặt trời đều ở phía bắc và bóng cây nêu đều đổ về phía nam. Nếu cây nêu dùng để đo cùng một kích thước thì càng ở xa về phía nam, như Lâm Ấp, bóng càng dài hơn.

85 Tông Miệt: tự Nhiên Minh, người nước Trịnh, thời Xuân Thu, có tiếng là người hiền nhưng tướng mạo xấu xí. Khi Thúc Hướng nước Tấn sang Trịnh, Miệt đứng hầu dưới sân, chỉ nghe một lời bàn việc. Thúc Hướng liền biết đó là Tông Miệt, bèn xuống thềm dắt tay mời lên.

86 Phủ quân: tức Thái thú. Thời Hán, dinh Thái thú gọi là phủ, do đó gọi Thái thú là phủ quân.

87 Nguyên văn: “ky lữ”, chỉ người Hán tránh loạn ở Trung Quốc chạy sang nước ta.

88 Hồ nhân: chỉ các nhà sư Ấn Độ, Trung Á đến truyền đạo ở Liên Lâu, trị sở của bộ Giao Chỉ thời bấy giờ.

89 Cuối đời Hán Hiến Đế, Lưu Biểu làm Thứ sử Kinh Châu, không thần phục nhà Hán.

90 Lời chú của Cương mục nói: Con Sĩ Nhiếp là Hàm, sử cũ (tức Toàn Thư) chép sai là Ngẩm.

91 Đền Sĩ Nhiếp ở thành Liên Lâu và Tam Á gần đó. Toàn thư cho Liên Lâu là Long Biên nên chú như vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.