Nghìn Lẻ Một Đêm – Chương 27: Chuyến đi thứ hai của Sindbad

“Tôi đã quyết định, sau chuyến đi đầu tiên là sẽ sống yên bình những ngày còn lại của mình ở Bagdad như tôi đã có vinh dự nói với các ngài hôm qua. Nhưng chẳng được bao lâu, tôi lại cảm thấy buồn chán cái cuộc sống quá nhàn hạ. Ý muốn du ngoạn trên mặt biển kết hợp với việc bán buôn lại xâm chiếm đầu óc tôi. Tôi đi tìm mua các loại hàng hoá phù hợp cho việc đổi trao theo ý mình rồi lên đường lần thứ hai cùng với những thương gia khác mà tôi biết rõ tấm lòng ngay thẳng. Chúng tôi lên một con tàu chắc chắn, và sau khi phó thác số mệnh mình cho Thượng đế, chúng tôi bắt đầu ra khơi.

Từ hòn đảo này đến hòn đảo khác, chúng tôi làm việc đổi trao rất có lợi. Một hôm, lên một hòn đảo mọc đầy những cây ăn quả nhưng hoang vắng đến nỗi chúng tôi chẳng nhìn thấy bất cứ một ngôi nhà ở cũng như một con người nào. Chúng tôi cùng nhau đi dạo mát trên những bãi cỏ non và dọc theo các dòng suối chảy qua bãi.

Trong khi người này hái hoa, người khác ngắt quả thì tôi đem thức ăn và chai rượu mang theo, kiếm chỗ ngồi cạnh mợt khe nước chảy giữa những gốc cây to toả bóng mát rượi, làm một bữa ngon lành. Ăn xong, thấy hai mắt mình díp lại. Tôi ngả người cạnh gốc cây chẳng biết ngủ có lâu không nhưng khi mở mắt dậy thì chẳng nhìn thấy con tàu đã thả neo gần đó đâu nữa.

Đến đây Scheherazade buộc phải ngừng lời vì ngày đã rạng. Nhưng đêm sau, nàng kể tiếp câu chuyện đi biển lần thứ hai của Sindbad như sau:

o O o“Tôi rất ngạc nhiên – Sindbad nói – là không nhìn thấy con tàu đã buông neo ở đâu cả. Ngồi dậy, tôi nhìn khắp xung quanh, những thương gia đã cùng tôi đặt chân xuống hòn đảo cũng không thấy một ai. Tôi chỉ nhìn thấy cánh buồm của con tàu nhưng xa tít tắp nên chỉ một thoáng sau là đã mất hút.

Xin các ngài hãy thử tưởng tượng xem ở hoàn cảnh đáng buồn ấy thì tôi nghĩ gì. Tôi tưởng chết đi được vì thất vọng, đau khổ, tôi kêu lên kinh hoàng, tự đấm lên đầu mình rồi gieo người trên mặt đất. Rất lâu, tôi đắm mình trong những ý nghĩ lộn xộn chết chóc, buồn rầu, chán ngán. Hàng trăm lần tôi tự xỉ vả đã dại dột chưa bằng lòng với chuyến đi đầu tiên đáng: lẽ phải làm cho tôi cạch đến già để không bao giờ dám làm một chuyến đi nào khác nữa. Nhưng tất cả sự hối tiếc của tôi đều đã là quá muộn.

Cuối cùng tôi đành phải nhẫn nhục trước ý chí của Thượng đế, và chẳng biết rồi đây mình sẽ ra sao, tôi leo lên một cây cao, đưa mắt nhìn ra bốn phía để thử xem có phát hiện được gì đem lại cho mình một chút hy vọng nào không. Nhìn ra ngoài biển chỉ thấy trời và nước, nhưng nhìn về phía đất liền nhận thấy có một vật gì đó trăng trắng, tôi liền tụt xuống và vớl số thức ăn còn lại tôi mang theo mình rồi đi về phía có vật màu trắng đó còn ở xa lơ xa lắc khiến tôi chẳng phân biệt được đó là cái gì.

Khi đã tới gần một chút, tôi nhận thấy đó là một khối tròn màu trắng cao và to thật đáng sợ. Lúc đã đến gần hẳn, tôi lấy tay sờ và thấy nó nhẵn thín. Tôi đi vòng quanh nó để xem có cửa vào chăng nhưng không thấy. Và vì trơn nhẵn như thế nên chẳng làm sao mà trèo lên được. Chu vi của nó có thể tới năm mươi bộ.

Lúc đó mặt trời sắp lặn. Trời đột nhiên tối sẫm lại như bị phủ một đám mây dày. Nhưng nếu tôi ngạc nhiên vì bóng tối bất chợt đó thì lại càng ngạc nhiên hơn lúc nhận thấy kẻ gây ra là một con chim to lớn khác thường đang bay về phía tôi. Chợt nhớ tới một con chim có tên là đại bàng mà tôi thường nghe các thuỷ thủ hay nói đến thì tôi hiểu ra là cái khối tròn lớn mà tôi đang chiêm ngưỡng đó có thể là trứng của loài chim ấy. Đứng vậy, nó đỗ lên trên cái khối đó và ngồi sụp xuống như để ấp vậy. Thấy nó bay tới, tôi đã nép sát vào quả trứng thành ra trước mặt mình là một cái chân của con chim, to bằng một cái thân cây. Tôi buộc chặt mình vào cái chân ấy bằng dải vải quấn quanh khăn của tôi, hy vọng là con đại bàng ngày hôm sau cất cánh bay lên sẽ mang tôi ra khỏi cái đảo hoang này. Quả nhiên, sau một đêm ở tình trạng đó, khi trời bắt đầu sáng, con chim cất cánh mang tôi lên cao, cao đến mức tôi không nhìn thấy mặt đất nữa. Rồi nó lao xuống nhanh ngoài sức tưởng tượng làm tôi chẳng còn cảm thấy gì nữa. Lúc con đại bàng đỗ xuống thấy mình đã ở trên mặt đất, tôi nhanh nhẹn thảo nút dải vải buộc mình vào chân nó. Tôi vừa rời khỏi chân con vật, thì cũng vừa lúc nó vươn người mổ vào một con rắn dài chưa từng thấy, giơ chân quắp lấy, và lập tức bay đi.

Nơi con đại bàng đặt tôi xuống là một thung lũng rất sâu, bao quanh là những ngọn núi cao chạm tới mây và dốc đứng đến nỗi không còn thấy một chỗ nào có thể leo lên được. Lại mồt tình trạng lúng túng mới đối với tôi, so sánh chốn này với hoang đảo mà tôi vừa rời đi thấy chẳng có gì đổi khác.

Dò bước đi trong thung lũng, tôi thấy rải rác đó đây những viên kim cương sáng loáng trong đó có những viên to kỳ lạ. Tôi rất thích được nhìn ngắm chúng: Nhưng chợt nhìn thấy đằng xa những vật làm tôi mất hết hứng thú và không khỏi rùng mình. Đó là một đám rất nhiều những con rắn sao mà to, sao mà dài, có lẽ không con nào là không đủ sức nuốt chửng một con voi. Ban ngày chúng chui tất cả vào hang, ẩn trong đó để tránh đại bàng, kẻ thù của chúng: Chỉ đêm tối chúng mới bò ra ngoài.

Cả ngày tôi đi lang thang trong thung lũng và thỉnh thoảng ngồi nghỉ ở những nơi mát mẻ thoáng đãng. Rồi mặt trời lặn và, chập tối, tôi rút vào một cái hang mà tôi cho là an toàn. Tôi bê một tảng đá to bịt cửa ra vào vốn hẹp và thập, nhưng không bịt khít để có một chút ánh sáng bên ngoài chiếu vào mà vẫn ngăn được lũ rắn. Tôi ăn một phần thức ăn mang theo trong tiếng phun củà những con rắn đã bắt đầu xuất hiện. Những tiếng phun phì phì ghê rợn của chúng làm tôi cực kỳ sợ hãi không sao có được một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh, như các ngài có thể tưởng tượng được. Mặt trời lên, đám rắn rút về hang. Tôi cũng vừa run vừa bước ra ngoài và có thể nói không ngoa là tôi đã dẫm chân rất lâu lên bao nhiêu viên kim cương mà không hề nảy lên một chút nào ham muốn. Cuối cùng tôi tìm chỗ ngồi nghỉ và dù trong lòng lo âu khắc khoải, nhưng vì suốt một đêm không nhắm mắt, tôi đã ngủ vùi. Nhưng chỉ được một lát thì giật mình thức giấc vì thấy một cái gì đó rơi xuống cạnh gây thành một tiếng động lớn. Đó là một tảng thịt tươi và cũng cùng lúc đó tôi nhìn thấy nhiều tảng thịt khác từ các vách đá lăn xuống khắp chỗ.

Trước đây tôi cho chỉ là một câu chuyện làm quà của các thuỷ thủ và một số người khác. Họ nói nhiều lần về cái thung lũng kim cương và mánh khoé của một số nhà buôn dùng để lượm những viên đá quí đó. Bây giờ tôi mới blết là họ đã nói thật. Quả vậy, những nhà buôn đó lần tới thung lũng này vào thời kỳ mà những con đại bàng sinh đẻ. Họ cắt thịt bò, thit lợn, thịt cừu ra từng tảng to rồi ném xuống thung lũng. Những viên đá quí ở đúng chỗ tảng thịt rơi sẽ bám vào và những chú chim đại bàng, ở xứ sở này to và khoẻ hơn những con ở nơi khác, sẽ sà xuống quắp lấy những tảng thịt đó mang về tổ ở tít trên các mỏm núi cao để làm mồi cho chim con. Thế là, những nhà buôn leo lên đến tận nơi la hét, gõ đập gây tiếng động xua chim bay đi và nhặt lấy những viên kim cương đã dính chặt vào những thớ thịt. Họ phải dùng mẹo đó vì chẳng còn cách nào để lấy được những viên đá quí trong thung lũng như một cái vực sâu không đường lên xuống.

Tôi đã tưởng là không sao có thể ra khỏi cái vực này và coi đây như nám mồ của mình rồi. Nhưng những gì mà tôi trông thấy đã làm thay đổi ý nghĩ. Tôi đã hình dung ra phương cách để bảo tồn sinh mạng của mình.

Ánh sáng ngày đã rõ, buộc Scheherazade ngừng nói. Nhưng nàng lại kể tiếp câu chuyện này vào đêm sau.

o O o

“Tâu bệ hạ – Nàng nói vẫn hướng về hoàng Đế Ấn Độ – Sindbad tiếp tục kể lại những mạo hiểm trong chuyến đi thứ hai của mình cho cả bọn nghe: .

– Tôi bắt đầu tìm nhặt – Ông nói- những viên kim cương to nhất dưới mắt mình và bỏ đầy vào trong cái túi đa mà tôi đã dùng để đựng thức ăn. Rồi tôi chọn một tảng thịt dài nhất quấn quanh vào người, buộc chắt lại bằng tấm vải khăn đội đầu của mình và cứ để như thế tôi nằm úp xuống đất, cái túi da chứa kim cương buộc thật chặt vào thắt lưng để không thể rơi được.

Vừa chuẩn bị xong thì bầy đại bàng bay tới. Mỗi con quắp lấy một tảng thịt. Một trong những con khoẻ nhất cũng làm thế quắp lấy tảng thịt, có tôi bên trong đưa lên núi cao về tới tổ của nó. Những nhà buôn đã chờ trước ở đó, la hét om xòm làm bầy đạI bàng hoảng sợ bỏ mồi lại và bay đi. Một người trong bọn họ đi tới gần và khi nhìn thấy tôi thì trố mắt sợ hãi. Nhưng hắn lấy lại ngay được tinh thần, đáng lẽ hỏi tôi vì sao lại ở đó thì lại gây sự hỏi tôi vì sao lại chiếm đoạt tài sản của hắn. Tôi bảo anh ta:

Anh sẽ nói năng với tôi bằng thái độ nhân đạo hơn khi anh biết tôi rõ hơn: Hãy yên tâm đi – Tôi nói thêm – Tôi có đủ kim cương cho anh và cho tôi nhiều hơn tất cả của nhũng người kia cộng lại. Nếu họ có viên nào thì chang qua là vì may mắn mà thôi. Còn tôi, tôi chọn từng viên ngay ở dưới đáy sâu thung lũng và để trong cái túi da mà anh nhìn thấy đây.

Vừa nói tôi vừa chỉ cái túi cho anh ta thấy. Chưa kịp nói hết câu thì những nhà buôn khác đến xúm lại quanh tôi, hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, họ lại càng sửng sốt hơn khi nghe tôi kể chuyện của mình. Họ khâm phục không những vì mưu mẹo của tôi dùng để thoát ra khỏi cái vực sâu ấy mà còn vì sự táo bạo gan dạ của tôi nữa.

Họ dẫn tôi về nơi trọ chung và ở đó trước mặt họ, tôi mở cái túi da. Những viên kim cương cỡ to của tôi làm họ trầm trồ thán phục và cho biết là ở tất cả các triều đình mà họ đã từng qua đều không thấy có một viên kim cương nào bằng thế. Tôi bảo nhà buôn, chủ cái tổ chim mà tôi được mang tới (vì mỗi nhà buôn đều có tổ thuộc về mình) là tha hồ chọn cho mình bao nhiêu viên cũng được. Nhưng ông ta chỉ cầm lấy một viên, cũng không phải là to lắm, khi tôi nài ông ta cứ việc lấy thêm đi, chẳng làm tôi thiệt thòi gì thì ông ta bảo:

– Không, tôi đã thấy rất bằng lòng với viên này. Nó cũng đủ quí và giá trị để từ nay tôi khỏi còn phải nhọc công bôn ba đi kiếm tìm lưng vốn.

Tôi qua đêm với những người buôn bán này, kể cho họ nghe một lần nữa câu chuyện của tôi vì có mợt số người chưa được nghe yêu cầu. Tôi không sao kiềm chế được niềm vui khi cảm thấy mình đã may mắn thoát được bao hiểm nguy mà tôi vừa kể cho các vị nghe đó. Tôi thấy dường như hoàn cảnh đã trải qua chỉ là một giấc mộng và tin chắc là mình chẳng có gì phải sợ hãi cả.

Đã nhiều ngày, các nhà buôn ném những tảng thịt xuống thung lũng và vì mỗi người đều có vẻ mãn nguyện về những viên kim cương thu được, ngày hôm sau, tất cả chúng tôi lên đường. Chúng tôi vượt qua những tráí núi cao ở đó có những con rắn mình dài ghê gớm, may mà đều tránh được, không ai bị sao cả. Chúng tôi tới một bến cảng đầu tiên, từ đó đi qua đảo Roha, nơi mọc thứ cây chiết xuất ra long não. Cây này to lớn, cành lá rậm rạp, bóng của nó có thể che mát cho cả trăm người. Nhựa của nó chảy ra từ một chỗ người ta khoét vào thân nó trên cao và hứng vào một cái bình. Nhựa đặc lại là long não. Chiết xuất như vậy sẽ làm cho cây chết khô đi.

Ở đảo này còn có loài tê giác nhỏ hơn voi nhưng to hơn trâu. Chúng có một chiếc sừng trên mũi dài khoảng vài gang tay. Sừng này rắn chắc, có ngấn ở giữa từ bên nọ sang bên kia. Trên sừng có những vạch trắng hình mặt người. Tê giác đánh nhau với voi, dùng sừng húc vào bụng và nhấc bơng cả con voi lên đầu. Nhưng vì máu và mỡ chảy tràn xuơng mắt làm tê giác chẳng nhìn thấy gi nữa mà ngã lăn xuống đất. Điều này chắc làm cho các vị phải ngạc nhiên là đại bàng bay đến quắp luôn cả hai bằng cặp móngsiêu mạnh của mình mang về nuôi con.

Ở đảo này còn rất nhiều cái đặc biệt khác nữa nhưng tôi bỏ qua vì sợ các vị phải nghe nhiều nhàm tai. Tôi đổi một vài viên kim cương lấy những thứ hàng ở đây có chất lượng cao. Từ đảo này chúng tôi qua nhiều đảo khác nữa và cuối cùng sau khị ghé qua nhiều thành phố buôn bán, chúng tôi đến Balsora và từ đây tôi về tới Bagdad. Trước hết tôi bố thí thật rộng rãi cho những người nghèo và yên hưởng một cách đầy vinh hạnh nguồn của cải vô tận mà tôi kiếm được mang về, kết quả của bao gian lao hiểm trở.

Sindbad kể lại chuyện trong chuyến đí lần thứ hai của ông như thế đó. Ông bảo người nhà lại đem ra cho , Hindbad một trăm đồng sequin nữa và dặn hôm sau tới nghe chuyện chuyến đi thứ ba của ông.

Những khách được mời trở về nhà và lại tới nhà Sindbad, người đi biển vào ngày hôm sau cũng đúng giờ như thế kể cả người khuân vác hầu như đã quên đi một phần nào sự nghèo khổ những ngày qua. Họ lại ngồi vào bàn ăn uống và xong bữa, Sindbad được yêu cầu, kể những ehuyện về chuyến đi thứ ba, chi tiết như sau:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.