36. Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!

Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi! - Truyện cổ Grimm

Đã lâu lắm rồi, hồi đó có một bác thợ may, bác có ba người con trai, mà chỉ có một con dê cái duy nhất. Nhưng vì cả nhà ăn sữa dê nên ngày ngày phải dắt dê ra đồng kiếm cỏ tốt cho nó ăn. Ba người con trai cắt lượt nhau đi chăn dê. Một hôm, người con cả dắt dê đến bãi tha ma ở cạnh nhà thờ – nơi đấy có cỏ non – để dê ăn cỏ và chạy ở đó. Chiều tối, đã đến lúc phải về, anh hỏi dê:
– Dê ơi, dê ăn no chưa?
Dê đáp:
– Tôi ăn no căng
Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…
Chàng trai nói:
– Thế thì về chuồng!
Rồi anh nắm sợi dây buộc cổ dắt dê về, buộc vào chuồng.
Bác thợ may già hỏi:
– Thế nào, đã cho dê ăn no chưa?
Người con trai đáp:
– Trời! Dê ăn no căng,
Chẳng buồn ăn nữa.
Người cha muốn xem con nói có thực không nên xuống chuồng vuốt ve con vật yêu quý và hỏi:
– Dê ơi, dê ăn no chưa?
Dê đáp:
– Ăn gì mà no
Nhảy qua mả nọ, mả kia.
Cỏ thì không có, lá cành cũng không.
Be be…
Bác thợ may la lên:
– Đến thế thì thôi.
Bác chạy lên nhà, mắng người con cả:
– Chà, mày là quân nói dối! Mày để dê đói mà dám nói nó đã no căng.
Điên tiết lên, bác lấy thước treo ở tường xuống đuổi đánh người con cả.
Hôm sau, đến lượt người con thứ hai đi chăn dê. Anh tìm ở dọc hàng rào vườn nhà chỗ có cỏ non nhất, để dê ăn ở đó, dê ăn hết không còn lấy một ngọn. Chiều đến trước khi về, anh hỏi:
– Dê ơi, dê ăn no chưa?
Dê đáp:
– Tôi ăn no căng
Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…
Chàng trai nói:
– Thế thì đi về!
Rồi anh nắm sợi dây buộc cổ dắt dê về, buộc vào chuồng rất cẩn thận, bác thợ may hỏi:
– Thế nào, có cho dê ăn no đủ không đấy?
Người con trai đáp:
– Trời! Dê ăn đã no căng,
Nên chẳng buồn ăn nữa.
Bác thợ may không tin chuyện đó nên xuống ngay chuồng dê hỏi:
– Dê ơi, dê ăn no chưa?
Dê đáp:
– Ăn gì mà no
Nhảy qua mả nọ, mả kia.
Cỏ thì không có, lá cành cũng không.
Be be…
Bác thợ may la mắng:
– Đồ khốn nạn! Con vật hiền lành như thế mà nó để đói!
Bác lại chạy lên nhà lấy thước đánh đuổi đứa con ra khỏi cửa.
Giờ thì đến lượt người con thứ ba. Muốn hoàn thành việc mình cho thật chu đáo, anh đi tìm nơi nào có bụi rậm, những khóm cây có nhiều lá và cỏ non rồi để cho dê ăn ở đó. Chiều tối, lúc sắp về, anh hỏi dê:
– Dê ơi, dê ăn no chưa?
Dê đáp:
– Tôi ăn no căng
Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…
Chàng trai nói:
– Thế thì đi về!
Rồi anh dắt dê về, buộc dê vào chuồng rất cẩn thận.
Bác thợ may già hỏi con:
– Thế nào, đã cho dê ăn no đủ không đấy?
Người con trai đáp:
– Vâng dê ăn đã no căng,
Nên chẳng buồn ăn nữa.
Bác thợ may không tin, xuống ngay chuồng hỏi dê.
Con vật độc ác kia đáp:
– Ăn gì mà no
Nhảy qua mả nọ, mả kia.
Cỏ thì không có, lá cành cũng không.
Be be…
Bác thợ may tức, la mắng con:
– Chà, quân này láo lếu thật! Thằng anh cũng như thằng em, đứa nào cũng mải chơi cả! Tao không thể để chúng bay lừa dối tao mãi được!
Bác đùng đùng nổi giận, chạy ngay lên nhà, lấy thước đánh cho con trai tội nghiệp một trận chí tử làm cho nó cũng phải bỏ nhà ra đi.
Từ đó, ở nhà chỉ còn bác thợ may với con dê. Sáng hôm sau, bác xuống chuồng, vuốt ve dê và nói:
– Lại đây, cưng của ta. Ta sẽ đích thân dẫn mày ra ngoài đồng ăn cỏ.
Bác cầm dây dắt dê dọc theo những hàng rào tươi tốt và đến những chỗ thường thích đến ăn. Bác bảo dê:
– Chuyến này thì mày được no nê thỏa thích nhé!
Rồi bác để dê ăn ở đó tới tận chiều tối. Lúc đó bác hỏi:
– Dê ơi, dê ăn no chưa?
Dê đáp:
– Tôi ăn no căng
Chẳng buồn ăn nữa, Be Be…
Bác thợ may bảo:
– Thế thì đi về!
Bác dắt dê về chuồng, buộc thật kỹ. Trước khi rời chuồng, bác còn quay lại hỏi:
– Lần này thì no căng thật sự chứ?
Nhưng dê cũng chẳng kiêng nể gì bác và nói:
– Ăn gì mà no
Nhảy qua mả nọ, mả kia.
Cỏ thì không có, lá cành cũng không.
Be be…
Nghe thấy thế, bác thợ may rất đỗi ngạc nhiên. Lúc đó bác mới biết mình đã đuổi ba con trai của mình đi một cách vô cớ. Bác la mắng:
– Này, quân bội bạc! Có đánh đuổi mày khỏi nơi đây cũng còn quá nhẹ. Ta phải đánh dấu bôi vôi để mày không còn dám vác mặt đến chỗ những người thợ may lương thiện nữa.
Bác liền chạy đi lấy dao cạo, xát xà phòng lên đầu dê, cạo nhẵn thín như trán hói. Bác nghĩ, đánh bằng thước chả bõ bẩn thước ra, bác lấy roi ngựa vụt cho dê một trận nên thân, đau quá dê nhảy lên chồm chồm rồi chạy biến mất.
Ở nhà thui thủi một mình, bác thợ mới thấy thật là buồn tẻ. Bác rất muốn gọi các con trai về nhưng không biết chúng đi đâu.
Anh con cả học nghề ở nhà một bác thợ mộc. Anh làm việc cần mẫn và vui vẻ. Khi đã thành nghề, anh muốn đi chu du thiện hạ để hành nghề thì thầy tặng anh một cái bàn nhỏ bằng gỗ thường, trông cũng chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng nó có phép lạ. Chỉ cần đặt bàn trước mặt, rồi nói: “Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!” thì tức khắc trên bàn phủ khăn trắng tinh, dĩa, dao, nĩa được bày ra cùng với những món xào, món nấu, lại có cả cốc vại đầy rượu vang đỏ long lanh nom thật là hấp dẫn. Chú thợ mộc nghĩ bụng:
– Có chiếc bàn này, mình được sung túc suốt đời!
Chú vui vẻ lên đường, đi đây đi đó, chẳng còn phải lo chuyện quán trọ có tử tế hay không, ở quán trọ có gì ăn hay không. Chú cũng chẳng cần phải vào đâu cả, bất cứ ở ngoài đồng hay trong rừng, hoặc trên bãi cỏ, thích đâu là chủ chỉ việc hạ bàn ở lưng xuống, đặt nó trước mặt và nói: “Bàn ơi, trải ra, sắp thức ăn đi!” là lập tức sẽ có đầy đủ những thứ chú muốn.
Một hôm, chú nghĩ mình phải về nhà ở với cha. Chắc giờ đây cha đã nguôi giận, cha sẽ vui lòng nhận chú với cái bàn thần này.
Dọc đường, một buổi tối, chú vào một quán trọ, quán cũng khá đông khách. Khách ăn vui vẻ chào và mời chú ngồi vào cùng ăn với họ, nếu không thì chú khó lòng có gì mà ăn. Chú thợ mộc đáp:
– Thôi, chỉ có vài miếng, tôi ăn tranh của các ông làm gì! Tốt hơn hết là xin mời các ông sang bàn tôi ăn!
Tưởng chú nói đùa, họ cười. Chú đặt chiếc bàn gỗ của mình ở giữa phòng, rồi nói:
– Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!
Trong nháy mắt, trên bàn đã đầy những món ăn ngon, mà chính chủ quán cũng không làm nổi, mùi thơm tỏa ra khắp gian nhà, khách chưa ăn đã thấy ngon miệng. Chú thợ mộc mời:
– Nào, xin mời các bạn thân mến, ta gắp đi chứ!
Thấy chú tốt bụng, không phải để chú phải mời lần thứ hai, họ kéo nhau sang bàn chú ngồi đánh chén một cách thoải mái. Có điều họ lấy làm lạ nhất là cứ đĩa nào vơi thì lập tức lại có ngay dĩa khác đầy ắp thế vào. Chủ quán ngẩn người ra, đứng ở góc nhà ngắm nhìn. Hắn nghĩ bụng:
– Quán của mình được một đầu bếp cứ như vậy thì hay quá!
Chú thợ mộc và toán khách ngồi ăn uống chuyện trò tới tận khuya mới đi ngủ. Chú thợ mộc cũng lên giường nằm, đặt bàn thần sát tường.
Chủ quán trằn trọc mãi không sao ngủ được. Hắn chợt nhớ rằng trong kho chứa đồ cũ của hắn có một cái bàn cũ giống y hệt cái bàn của chú thợ mộc. Hắn liền rón rén đi lấy cái bàn đó rồi đánh tráo lấy chiếc bàn thần kia.
Sớm hôm sau, chú thợ mộc trả tiền trọ mà chẳng hề nghĩ tới là chiếc bàn sau lưng của mình đã bị tráo, chú địu chiếc bàn sau lưng rồi lên đường. Tới giữa trưa thì chú về tới nhà. Cha chú tiếp đón chú rất vui vẻ. Ông hỏi con:
– Thế nào, con cưng của cha, con học được nghề gì rồi?
– Thưa cha, nghề thợ mộc ạ!
Cha nói:
– Nghề ấy tốt đấy, đi chu du hành nghề con có mang được gì về không?
– Thưa cha, của quý nhất mà con mang được về là chiếc bàn này.
Bác thợ may ngắm đi ngắm lại chiếc bàn rồi nói:
– Thế thì con chưa thành tài rồi. Đây chỉ là một chiếc bàn tồi, cũ kỹ.
Người con đáp:
– Nhưng đó là một chiếc bàn thần, nếu con để nó trước mặt, bảo nó sắp thức ăn ra thì lập tức nó dọn ra toàn cao lương, mỹ vị, cả rượu vang nữa, trông mâm cơm thật ngon miệng. Cha cứ mời bạn bè, bà con thân thuộc đến, bàn sẽ cho họ ăn uống no say.
Khách có mặt đông đủ cả rồi, chú thợ mộc đặt cái bàn ở giữa căn nhà, rồi nói:
– Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!
Nhưng cái bàn vẫn không nhúc nhích, nó vẫn chỉ là cái bàn như những chiếc bàn bình thường khác không hiểu được tiếng người. Lúc ấy, chú thợ mộc đáng thương mới biết là chiếc bàn đã bị đánh tráo, chú lấy làm thẹn vì mang tiếng là nói dối. Bạn bè, bà con thân thuộc chê cười, nhịn đói ra về. Bác thợ lại quay về với nghề làm kim chỉ, còn con trai đến phụ việc cho một bác thợ cả.
Người con thứ hai học nghề xay bột ở một gia đình kia. Khi anh thành tài, bác thợ xay bảo:
– Con luôn chăm chỉ ngoan ngoãn nên ta thưởng cho con một con lừa loại đặc biệt, nó không chịu kéo xe và tải đồ.
Chú thợ giúp việc hỏi:
– Thế thì nó làm được việc gì?
Bác thợ xay đáp:
– Nó tuôn ra vàng. Con lấy khăn trải ra nền đất, cho lừa đứng lên trên, rồi nói: “Bricklebrit!” thì con vật tốt bụng kia sẽ tuôn vàng ra đằng trước và cả đằng sau nữa.
Anh học trò nói:
– Thật là của quý!
Rồi anh cám ơn thầy, lên đường đi chu du hành nghề. Mỗi khi cần đến vàng, anh thợ chỉ việc bảo lừa: “Bơ-rích-lếp-bơ-rít!” là vàng tuôn ra như mưa. Anh chẳng phải mệt nhọc gì ngoài việc cúi xuống nhặt tiền. Túi anh lúc nào cũng rủng rỉnh tiền, nên đi đến đâu cũng được ăn của ngon vật lạ toàn những loại đắt tiền nhất.
Đi chu du khắp đó đây được một thời gian một hôm anh nghĩ:
– Mình phải tìm đường về với cha thôi. Mình về mang theo con lừa này chắc cha sẽ nguôi cơn giận, tiếp đón mình tử tế.
Tình cờ anh lại vào đúng cái quán trọ nơi người anh ruột của anh đã bị đánh tráo cái bàn thần. Anh dắt lừa đến. Tên chủ quán định dắt lừa đem đi buộc thì anh bảo:
– Không dám phiền ông, cứ để tôi đem buộc nó vào chuồng, vì tôi muốn biết chỗ buộc nó.
Điều đó làm cho chủ quán rất ngạc nhiên và nghĩ rằng khách trọ đòi chăm sóc lấy con vật của mình thì ắt là một tay sẻn lắm. Nhưng khi người lạ mặt kia móc túi lấy ra hai đồng tiền vàng bảo hắn phải cho ăn ngon, thì chủ quán trố mắt ra, vội chạy đi tìm thức ăn ngon nhất. Ăn xong, khách bảo tính tiền, chủ quán thấy khách sộp nên nói khách còn thiếu mấy đồng tiền vàng nữa. Anh thò tay vào túi, thấy hết tiền. Anh nói:
– Này ông chủ quán chờ một lát nhé, để tôi đi lấy vàng cái đã.
Rồi anh mang khăn trải bàn theo.
Chủ quán chẳng hiểu ra sao, tò mò lẻn theo, nhưng vì anh cài then cửa chuồng nên hắn đành đứng ngoài nhìn vào qua lỗ cửa. Người lạ mặt kia trải khăn xuống dưới chân lừa, rồi nói: “Bricklebrit!.” Trong nháy mắt, lừa tuôn vàng xuống đất như mưa, vàng tuôn cả đằng trước lẫn đằng sau.
Chủ quán nghĩ bụng:
– Ái chà! Đúc tiền bằng kiểu này nhạy thật! Được túi tiền như thế thì tuyệt!
Anh trả tiền ăn cho quán rồi lên giường nghỉ. Ngay đêm ấy, chủ quán lẻn xuống chuồng lấy trộm lừa – máy đúc tiền – và buộc con khác thay vào.
Sớm tinh mơ ngày hôm sau, anh đã xuống chuồng tháo lừa, rồi lên đường, trong bụng đinh ninh mình đang dắt lừa đúc tiền vàng. Đến trưa thì anh về tới nhà. Thấy con về, người cha rất mừng, tiếp đãi con niềm nở. Cha hỏi:
– Con cưng của cha, con có làm nên công trạng gì không?
Anh đáp:
– Cha kính yêu, con giờ là thợ xay bột.
– Đi chu du hành nghề, con có mang được gì về không?
– Thưa cha, chẳng có gì ngoài con lừa.
Cha nói:
– Ở đây thiếu gì lừa! Cha thấy giá được con dê cái có khi còn hay hơn.
Người con trai đáp:
– Thưa cha, nhưng nó không phải là loại lừa thường, mà là loại lừa tuôn ra vàng. Mỗi khi con nói: “Brícklebrit!” là lập tức nó tuôn vàng ra đầy khăn. Cha cho mời bà con thân thuộc tới đây, nó sẽ làm cho họ trở nên giàu có.
Bác thợ may nói:
– Được thế thì cha rất mừng! Cha chẳng phải khổ công khâu vá nữa.
Rồi bác vội vã đi mời bà con thân thuộc tới.
Khi mọi người đã đến đông đủ, anh xay bột mời họ ngồi, trải chiếc khăn của mình ra giữa nhà, dắt lừa đứng lên trên khăn, anh nói:
– Mọi người hãy chú ý!
Rồi anh hô dõng dạc:
– Brícklebrit!
Nhưng rồi chẳng thấy đồng tiền vàng nào rơi ra. Có phải con lừa nào cũng có phép lạ đâu? Đây chỉ là một con lừa bình thường!
Lúc bấy giờ chàng xay bột đáng thương mới biết mình đã bị lừa, mặt méo xệch đi, đứng ra xin lỗi bà con thân thuộc đành để họ ra về với cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo. Chẳng có cách nào khác hơn là cha già lại phải kim chỉ vá may, anh con trai đành đi phụ việc cho một ông thợ xay bột.
Người em trai thứ ba đi học nghề thợ tiện. Vì đây là một nghề đòi hỏi dày công luyện tập nên anh phải học lâu hơn hai anh. Anh có nhận được thư của hai người anh trai, trong thư họ báo cho em biết chuyện rủi ro của mình: trong đêm ngủ trọ ở đó đã bị chủ quán đánh tráo bàn thần và lừa thần. Khi đã thành tài, anh thợ tiện tính đi chu du hành nghề thì thầy dạy nghề thưởng cho anh một cái bao vì thấy anh lâu nay chăm chỉ ngoan ngoãn. Thầy dặn:
– Trong bao có một cái gậy.
Trò nói:
– Con thấy chiếc bao còn có ích, con có thể khoác nó lên vai, nhưng còn cái gậy thì có ích gì? Mang nó chỉ tổ nặng thêm ra.
Thầy đáp:
– Để ta dạy con cách dùng gậy đó. Nếu kẻ nào hại con, con chỉ cần nói: “Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!” thì lập tức gập nhảy ngay ra, nó nhảy múa rên lưng kẻ đã hại con, khiến hắn nằm liệt giường tám ngày liền, không nhúc nhích, cựa quậy được. Gậy chỉ thôi đánh khi nào con nói: “Gậy ơi, vào bao đi!.”
Anh cám ơn thầy, khoác bao lên vai đi. Mỗi khi có kẻ đến gần tính gây sự, anh lại nói:
– Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!
Tức thì gậy nhảy ra khỏi bao, quật túi bụi vào áo, vào lưng, khiến kẻ đó không kịp cởi áo ra. Gậy quật nhanh đến nỗi kẻ bị đánh không còn biết đường nào mà tránh.
Xẩm tối thì chàng thợ tiện trẻ tuổi tới quán trọ, nơi hai người anh đã từng bị lừa gạt. Anh đặt bao lên bàn ngay trước mặt, rồi ngồi kể cho mọi người nghe những chuyện lạ trên đời mà anh đã từng biết. Anh nói:
– Ừ, người ta kể cho tôi biết là có một cái bàn thần cứ gọi là tự nhiên món ăn bày ra, có con lừa thần tuôn ra toàn tiền vàng, còn có nhiều chuyện lạ kỳ tương tự như vậy. Toàn là những chuyện không thể bỏ qua được. Nhưng tất cả những cái đó không thấm tháp vào đâu so với của quý tôi có trong bao này.
Chủ quán vểnh tai lên mà nghe, hắn nghĩ bụng:
– Trên đời này thật là lắm điều kỳ lạ! Chắc bao này chứa toàn ngọc quý. Mình phải cuỗm nốt chiếc bao này mới được. Của quý thường đi theo bộ ba mà!
Đến giờ ngủ, khách co cẳng lên ghế dài, gối đầu lên bao rồi ngủ. Chủ quán tưởng anh ngủ say, rón rén lại gần, khẽ rút cái bao, định tráo chiếc bao khác thay thế. Anh thợ tiện rình đợi đã lâu, chờ lúc chủ quán đang từ từ kéo bao, anh hô:
– Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!
Tức thì gậy nhảy ra khỏi bao, đánh cho chủ quán một trận nhừ tử. Trên lưng hắn một vệt dài lằn lên, hắn van lạy xin tha, nhưng hắn vàng rên gậy càng giáng cho đau đớn, tới tấp hơn, cho tới khi hắn kiệt sức, ngã lăn ra đất mới ngưng.
Bấy giờ, anh thợ tiện mới bảo hắn:
– Nếu mày không trả lại ngay chiếc bàn thần và con lừa thần thì gậy sẽ múa cho mày biết tay.
Chủ quản thều thào nói:
– Vâng, tôi sẵn sàng trả lại tất cả, nhưng cậu hãy bảo con quỷ có phép thuật kia chui vào bao đi.
Anh thợ tiện nói:
– Ta sẵn lòng tha thứ cho mày. Cứ liệu thần hồn nhé!
Rồi anh ra lệnh: “Gậy ơi, vào bao đi!” và mặc cho chủ quán nằm đó.
Hôm sau, anh thợ tiện lên đường về nhà, mang theo cả chiếc bàn thần và con lừa vàng. Bác thợ may rất vui mừng khi gặp lại con trai út. Bác hỏi con học được nghề gì ở nơi đất khách quê người. Anh đáp:
– Cha kính yêu, con học được nghề thợ tiện ạ.
– Nghề ấy phải dày công học tập lắm đấy. Thế đi chu du hành nghề, con có mang được gì về không?
Người con trai đáp:
– Thưa cha, có một thứ rất quý: một cái gậy để ở trong bao.
Người cha thốt lên:
– Cái gì, hả? Một cái gậy à? Thật không bõ công. Chặt ở cây nào mà chẳng được một cái gậy?
– Thưa cha, nhưng làm sao được như cái gậy này? Con chỉ nói: “Gậy ơi, hãy ra khỏi bao!” thì nó nhảy ra ngay, nện cho kẻ muốn chơi xấu con một trận nhừ tử. Gậy chỉ ngưng khi nào kẻ kia lăn lộn trên đất kêu van, xin tha tội cho. Cha ạ, nhờ có cái gậy này mà con lấy lại được chiếc bàn thần và con lừa vàng, những thứ mà thằng chủ quán đã đánh tráo của hai anh con. Bây giờ cha cho hai anh con đi mời tất cả bà con thân thuộc lại nhà ta, con sẽ chiêu đãi tất cả một bữa thịnh soạn và biếu mỗi người một túi đầy tiền vàng.
Bác thợ may già không tin lắm nhưng vẫn cho mời bà con thân thuộc lại nhà.
Anh thợ tiện trải khăn ra giữa nhà, dắt lừa vàng vào, rồi bảo anh thứ hai:
– Bây giờ anh bảo nó đi!
Anh xay bột nói: “Bricklebrit!,” tức thì tiền vàng rơi xuống khăn nhiều như mưa đá, cơn mưa vàng ấy chỉ ngưng khi mọi người ai nấy đã đầy túi, không thể nào mang hơn được nữa (Chắc hẳn các bạn cũng muốn có mặt ở đấy?).
Rồi anh thợ tiện đi lấy chiếc bàn thần và nói với người anh cả:
– Bây giờ anh bảo nó đi!
Anh thợ mộc vừa mới mở mồm ra nói: “Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi!” tức thì bàn trải khăn ra, trên bàn bày toàn sơn hào hải vị. Bác thợ may chưa từng được ăn một bữa tiệc nào thịnh soạn như vậy. Họ hàng, bà con thân thuộc ở lại chuyện trò, ăn uống vui vẻ cho mãi tới khuya.
Bác thợ may thu xếp kim chỉ, thước, bàn ủi cất vào trong tủ, cùng ba con trai sống yên vui.
À, thế còn số phận con dê điêu ngoa quái ác – vì nó mà bác thợ đuổi ba con trai đi – thì ra sao?
Tôi xin kể cho các bạn nghe nhé: Dê xấu hổ vì đầu trọc lóc, lẩn trốn vào hang cáo. Khi cáo về tính chui vào hang thì thấy trong bóng tối có hai con mắt to phát sáng chiếu thẳng ra. Cáo sợ quá, chạy trốn luôn. Gấu trông thấy cáo ngơ ngác thì hỏi:
– Anh bạn cáo, làm sao mà mặt xị ra thế?
Cáo đáp:
– Ui chà! Có một con vật hung dữ đến chiếm hang của tôi, nó nhìn tôi chằm chằm bằng hai con mắt nảy lửa.
Gấu nói:
– Để ta tống cổ nó ra cho!
Gấu đi theo cáo tới hang, mới trông thấy hai con mắt đỏ rực như lửa, gấu đã đâm hoảng, không muốn lôi thôi với con vật hung dữ ấy nữa, vội vã chạy đi nơi khác.
Dọc đường, gấu gặp ong, ong thấy gấu rùng mình luôn thì hỏi:
– Bác gấu ơi, bác vốn vui tính lắm cơ mà, sao hôm nay trông bác ỉu xìu thế?
Gấu đáp:
– Ấy, nói thì vẫn dễ! Trong hang bác cáo có một con vật hung dữ có đôi mắt sáng đỏ như lửa. Con quái ấy ngồi lì trong hang, chúng tôi không làm sao đuổi được nó ra.
Ong đáp:
– Nghe bác nói mà tôi thấy thương, bác gấu ạ. Thực ra tôi chỉ là một con vật bé nhỏ mà các bác không thèm để ý đến, nhưng tôi tin rằng tôi có thể giúp hai bác được.
Ong bay ngay vào hang cáo, đậu trên chiếc đầu trọc lóc của dê, chích cho dê một mũi nên thân làm dê giật nảy người lên, nhảy vọt ra khỏi hang và kêu: “Be… be!.” Dê chạy thục mạng. Từ đó chẳng ai biết số phận của nó ra sao nữa.

Ảnh Bàn ơi, trải khăn ra, sắp thức ăn đi! - Truyện cổ Grimm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.