Thâm Tâm (1917–1950) là một nhà thơ và nhà viết kịch Việt Nam. Ông nổi tiếng với bài thơ Tống biệt hành, với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện hào khí rất cao.
Ông tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh tại Hải Dương trong một gia đình nhà giáo nề nếp. Ông học tiểu học ở Hà Nội từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ…
Sau 1945, Thâm Tâm tham gia công tác biên tập trong các cơ quan báo chí cách mạng.
Ngoài Tống biệt hành và các bài thơ khác thể hiện hào khí cao, Thâm Tâm còn có một số bài thơ tình, trong đó có 3 bài thơ Gửi T.T.Kh., Màu máu Tygôn, Dang dở. Đây là những bài thơ tình hay nhất của Thâm Tâm gởi cho thi sĩ bí ẩn T.T.Kh. trong năm 1940. Trong các bài thơ, ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh. Một số người còn cho rằng chính ông là T.T.Kh. Tuy nhiên, vẫn không ai biết chính xác là như thế nào.
Những bài thơ hay nhất của Thâm Tâm
(LichSuVanHoa.net lựa chọn)
1. Vọng Nhân Hành
Thăng Long đất lớn chí tung hoành
Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh
Một lứa chung tình từ tứ chiếng
Hội nhau vầy một tiệc quần anh
Mày gươm nét mác chữ nhân già
Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa
Tay yếu đang cùng tay mạnh dắt
Chưa ngất men trời hả rượu cha
Rau đất cá sông gào chẳng đủ
Nổi bùng giữa tiệc trận phong ba
Rằng: “Đương gió bụi mờ tơi tả
Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta!”
Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp, chân voi còn lận đận
Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
Thằng bó văn chương đôi gối hận
Thằng thư trói buộc, thằng giã quê
Thằng phấn son nhơ… chửa một về!
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”
Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
– Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.
2. Vạn Lý Trường Thành
Trăng thấm nghìn đêm lệ chửa khô
Nghìn muôn vợ trẻ nhớ trai phu
Đầy kinh, sương muộn mang tang tóc
Chia khắp lòng dân oán toả mờ…
Mưa rửa nghìn đêm máu chửa phai
Nghìn muôn trai tráng sống còn ai?
Trăm thân già héo, trăm chiều xế
Lặng kiếm hồn con xuất ải dài…
Những xóm thanh bình khói bếp thưa
Miếng chiều thay sớm, mớm con thơ
Nàng dâu gầy võ nuôi thân lão
Nhịn đói chờ lương kẻ thú phu
Có những sơn thôn hết cả trai
Già thường quán dịch lễ Khâm sai
Dăm người già trả ca vương ý?
Cười để thầm chôn tiếng khóc dài
Hỡi ôi! Huyết hận triệu lê dân
Chất lại ngoài biên một triệu lần
Xây trọn Trường thành muôn dặm vững
Thì muôn trường hận đắp càng căm!
Ở đây dấu vết một kỳ công
Của quốc vương này cắt núi sông
Với quốc vương kia thời buổi đó
Ngai vàng đúc bởi máu Trinh trung
Cửa ải xa xa, cửa ải gần
Chiều soi bóng nhạt, đám tàn dân
Trong đời sống sót còn tham oán
Kiếp vạn cô hồn kiếp vạn xuân
Nghìn thu đi vụt có nghìn tang
Chia với thành xưa dấu vết tàn…
Ngoại khách ngậm ngùi tìm cố cảnh
Mấy tầng đổ nát mấy tầng hoang!
Đất đá không bền để kỷ công
Đến giờ thiêu huỷ cả non sông
Hoạ ra còn sót mươi nền gạch
Hát với càn khôn nắm bụi hồng
Ta hỏi: nghìn xưa đem máu xương
Đắp Trường thành dể vững ngai vương
Nhà Tần cũng mất? Và sau đó
Vô dạng thành kiên cũng đoạn trường!
Và cả Trung Hoa vỡ tựa bình
Đến giờ quốc hận máu còn tanh
Mà nguồn huyết lệ sao nhân loại
Tưới mãi không ngừng vạn chiến tranh.
3. Tráng Ca
Sinh ta, cha ném bút rồi
Rừng nho tàn rụng cho đời sang xuân
Nuôi ta, mẹ héo từng năm,
Vắt bầu sữa cạn, tê chân máu gầy
Dạy ta, ba bảy ông thầy
Gươm dài sách rộng, biển đầy núi vơi
Nhà ta cầm đợ tay người,
Kép bông đâu áo, ngợt bùi đâu cơm?
Chong gai đổi dại làm khôn,
Ba vòng, mòng sếu lượn vòng lại bay…
Bông hoa chu giáp vần xoay
Cánh vàng non nửa đài gầy tả tơi…
Chữ nhân sáng rực sao trời
Đường xe mở rộng chân người bước xa…
Bọn ta một lớp lìa nhà
Cháo hàng cơ chợ, ngồi ca lúa đồng
Hhây hây tóc óng từng vòng
Gió nào là gió chẳng mong thổi lùa
Trường đình phá bỏ từ xưa
Đất này sạch khí tiễn đưa cay sè
Mốn phương tản mác bạn bè
Nhớ nhau hẹn quả mùa hè gặp nhau
…Rầm trời chớp giật mưa mau,
Lửa đèn chấp chới khói tầu mù u
Bốn phương đây bạn đó thù
Hiệu còi xoáy động bản đồ năm châu
– A, cơn thảo muội bắt đầu,
Tuổi xanh theo gió ngâm câu dặm dài
Thét roi lượng sức ngựa tài,
Coi trong cuộc rối tìm người chờ mong…
Trai lận đận, gái long đong
Chờ mong khắc khoải nản lòng dăm ba:
Nẻo về gốc mẹ cỗi cha
Thuyền ai nặng chở món quà đắng cay!
Từng nơi sống áo trùng tay
Gió thu thổi bạc một ngày lòng son;
Từng nơi cơm trấu, áo rơm,
Mưa xuân nhuốm tái mấy cơn mặt vàng
Vượn kêu ruột buốt trên ngàn
Nhưng thôi! Sao việc dã tràng lầm theo?
Nện cho vang tiếng chuông chiều
Thù đem sức sớm đánh kêu trống đình
Thở phù hơi rượu đua tranh
Quăng tay chén khói tan thành trời mưa
Dặm dài bến đón bờ đưa
Thuyền ai buồm lái giúp vùa vào nhau
Kia kìa lũ trước dòng sau
Trăm sông rồi cũng chung đầu đại dương
1944
4. Trả Lời Của Người Yêu
(Trả lời T.T.Kh.)
Các anh hãy chuốc thật say,
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im!
Giờ hình như quá nửa đêm,
Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa.
Hơi đàn buồn tựa trời mưa,
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi!
Giờ hình như đã tối rồi,
Bánh xem đã nghiến, đã rời rã đi!…
Hồn tôi lờ mờ sương khuya,
Hờ rung tôi viết bài thơ trả lời.
Vâng, tôi vẫn biết có người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng,
Để hôm sau khóc trong lòng.
Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian,
Hôm qua rụng hết lá vàng,
Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không.
Tiếng xe trong vết bụi hồng,
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
Tiếng xe trong xác pháo xưa,
Nàng đi có mấy bài thơ trở về.
Tiếng xe mở lối vu quy,
Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời.
Miệng chồng Khánh gắn trên môi,
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ.
Đàn xưa từ chia đường tơ,
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan.
Kéo dài một chiếc áo lam,
Tơ càng đứt mối, nàng càng kéo giay.
Nàng còn gỡ mãi trên tay,
Thì tơ duyên mới đã thay hẳn mầu.
Chung hai thứ tóc đôi đầu,
Bao giờ đan nổi những câu ân tình.
Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
Lá rơi đã hết màu xanh màu vàng.
Chỉ kêu những tiếng thu tàn,
Tình ta đã chết anh càng muốn xa.
Chiều tan, chiều tắt, chiều tà,
Ngày mai, ngày mốt vẫn là ngày nay.
Em quên mất lối chim bay,
Và em sẽ chán trông mây trông mờ.
Đoàn viên từng phút từng giờ,
Sóng yên lặng thế em chờ gì hơn?
Từng năm từng đứa con son,
Mím môi vá kín vết thương lại lành.
Khánh đi còn hỏi gì anh,
Ái tình đã vỡ, ái tình lại nguyên.
Em về đan nốt tơ duyên,
Vào tà áo mới, đừng tìm mối xưa.
Bao nhiêu hạt lệ còn thừa,
Dành ngày sau khóc những giờ vị vong.
Bao nhiêu những cánh hoa lòng,
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha.
Nhắc làm chi chuyện đôi ta,
Bản năng anh đã phong ba dập vùi.
Hãy vui lên các anh ơi!
Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về.
Tâm hồn lạnh nhạt đê mê,
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều.
Giờ hình như gió thổi nhiều,
Những loài hoa máu đã gieo nốt đời.
Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi,
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh.
Sái chi những truyện tâm tình,
Lòng đau đau chứa trong bình rượu cay.
5. Ngược Gió
Trời hỡi! Mai này tôi phải đi
Thơ này rồi chẳng đọc ai nghe
Đời nhiều nhưng có dăm người bạn
Thì viễn ly không hứa hẹn về
Tuổi lệ nhầm nuôi những nhớ thương
Lòng thành chim chích hoặc hoa đơn
Gọi hoài… nhưng có dăm trinh nữ
Cũng đã dâng chồng hết phấn hương
Ngõ cũ đôi hàng gió ngã xoan
Lòng quê đợi lúc lắng giờ tan
May còn có lão dăm đầu bạc
Xót lũ đầu xanh, lặng mắt vàng
…Mà đọc thơ già tiễn trẻ đi
Càng nghe trầm giọng, dạ càng se
Ngày mai ngược gió tôi xin ngược
Ai có quan tâm gọi trở về
Trời hỡi, ngày mai ngày mốt thôi
Ngày mai cay đắng nhất ly bôi
Ngày mai có những tay tàn ác
Cướp của tôi đi hết mọi người
6. Ngậm Ngùi Cố Sự
Lảo đảo năm canh lệ mấy hàng,
Ngậm ngùi cố sự bóng lưu quang.
Cuối thu mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng.
Chán ngắt gia tình sầu ngất ngất,
Già teo thân thế hận mang mang.
Thẹn cùng trời đất mòn xuôi ngược,
Chí lớn không đầy một tấc gang.
7. Mơ Thuở Thanh Bình
Bừng sáng, xuân bay tang tảng sương
Canh gà heo hút nẻo giang thôn
Chài ai gấp gấp giăng giăng bạc
Tiếng mác qua giời, dịp sáo non
Sớm dậy thương nhân lắng gió lên
Để phờ mái tóc, nhác cương yên
Bàng hoàng khiến ngựa, người mơ ngỡ
Một cỗ thanh bình trong sáng êm
Chợt bỗng đồn binh rộn tiếng kèn!
Giật mình khách nhớ một đôi đêm
Hiệu còi phòng động nghe kinh hoảng:
– A! Thuở trăm thành gọi lính lên!…
Tai hại bao nhiêu sự thực đời
Trừng lên, đập hết mộng! Như người
Tưởng yên tĩnh sống trong khung cổ
Vụt tiếng kèn vang nhắc… hiện thời
8. Màu Máu Tigon
Người ta trả lại cánh hoa tàn
Thôi thế duyên tình đã dở dang
Màu máu tigon đà biến sắc
Tim người yêu cũ phủ màu tang
K. hỡi, người yêu của tôi ơi
Nào ngờ em giết chết một người
Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ
Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi
Quên làm sao được thuở ban đầu
Một cánh tigon dạ khắc sâu
Mỗi cánh hoa xưa màu kỷ niệm
Nay còn dư ảnh trái tim đau.
Anh biết làm sao được hỡi trời
Dứt tình sao nổi, nhớ không thôi
Thôi, em hãy giữ cành hoa úa
Kỷ niệm ngàn năm của cuộc đời.
9. Lưu Biệt
Tiệc này đêm cuối mai chia ly
Anh cố lưu tôi có ích gì
Đời người say tỉnh được bao dịp
Xin cạn chén rượu để tôi đi
Đau tình không xót bằng đau nghĩa
Tay gầy cũng ném chén vô tri
Mắt xanh cùng gửi ngoài mưa gió
Lòng không cùng sống với cầm thi
Rượu xuân càng đượm say mùi cũ
Cố nhân càng biết càng phân kỳ
Gió lên! Gió lên! Cùng rũ rất
Con chim còn đỗ lại làm chi
Đất trời rộng quá tôi không chịu
Cắm chặt sông đây một cánh bè
Rót rượu ra anh tôi muốn uống
Cực kỳ trong sạch cực say mê
Sáng mai qua bến Ninh Cơ lạnh
Sẽ thấy se lòng trận gió tê
Giọng đàn lưu luyến làm chi nữa
Tôi quyết đi rồi tôi phải đi
10. Không Đề
Tháng chạp sương giăng tan ánh trăng
Thua trời, sao tắt sắc vân vân
Đêm nay lạnh xuống lòng cây rách
Buồn chảy quê rêu giọt nước thầm
Hiên vẩn vơ bay mạng nhện tơ
Hồn tương lững thững ẩm như mưa
Ngoài xa đôi tiếng rao đem vắng
Rung cả mây trời cả ý thơ
Tôi đợi trăng tươi pha ngọt mắt
Và chờ bóng lá đắp lòng đơn
Hôm qua không có, hôm nay mất
Ai rủ lòng thương tám hướng sương
Biết mấy đời trai trong goá bụa
Đêm ròng đứng thắp mẩu tầm hương
Tro tàn có đốt không hồng nữa
Thắt lạnh bên lòng nỗi hận thương
11. Hoa Gạo
Non tím, vì tan hết nắng tà
Đường buồn bởi phố vắng người qua
Lòng ai bầm tím, ai buồn tối
Cũng tại rừng đời lạc lối ra
Hoa gạo hôm nay rụng với chiều
Để cành khô xác nứt như kêu
Từng cây một rách nào ai vá
Ai vá lành cây đã rách nhiều?
Tôi ngỡ nàng đi lượm cánh hoa
Biếu nàng với cả một bài ca
Nhưng hồn thi sĩ – hồn tư tưởng
Nhuộm máu trong tôi đỏ chói loà!
Ngó giọt hoa kia ngã xuống đường
Chao ơi! tôi sợ ở nhà thương
Bao nhiêu miệng thổ bao nhiêu huyết
Khi những lòng đau ngã xuống giường.
12. Đây Cảnh Cũ, Đâu Người Xưa
Đây cảnh cũ, đâu người xưa
Tình cũ năm qua để hững hờ
Hoa dẫu mỉm cười nhưng có ý
Phảng buồn mặt phấn nét tương tư
Giận thời gian, tiếc ngây thơ
Lòng xuân tình cảm bây giờ gửi ai?
Trinh xuân mộng cũ đi rồi
Cảnh sinh xa vắng ngậm ngùi ly tao
Gặp Trinh trong bóng xuân đào
Đang khi quãng gió dạt dào chim ca
Má hồng, hồng đượm hương hoa
Rung rinh đọng giọt phấn nhoà sương rơi
Hoa xuân thắm, nụ xuân tươi
Quyện hoa hơn hớn, lòng ơi mộng lòng
Trinh tay nâng giấc cánh hồng
Với vần thơ hái mơ mòng tôi yêu…
Cảm nhau từ đấy xuân chiều
Cành thơ, lá gió dập dìu ngân nga
Tìm Trinh trong nắng tôi ra
Lời oanh ríu rít vuốt hoa Trinh cười
Nhưng đây nắng liễu buồn ơi!
Ba xuân nẩy nét chia phôi chim ngừng….
13. Dang Dở
Khi biết lòng anh như đã chết,
Mây thôi hồng mà lá cũng thôi xanh.
Màu hoa tươi cũng héo ở trên cành.
Và vũ trụ thãy một màu đen tối.
Anh cố giữ lòng anh không bối rối,
Để mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa.
Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa,
Một đêm trăng sáng trên đường đá đỏ.
Em nói những gì? Anh còn nhớ rõ,
Nhưng làm sao ? Ai hiểu tại làm sao ?
Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào,
Tình đã chết, có mong gì sống lại!
Anh không trách chi em điều ngang trái,
Anh không buồn số kiếp quá mong manh!
Có gì đâu bướm muốn xa cành,
Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết.
Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,
Anh càng buồn càng muốn kết thành thơ,
Mộng đang xanh, mộng hóa bơ phờ,
Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.
Và thành chúc đời em luôn tươi sáng,
Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh,
Như hương trinh bát ngát ý dịu lành,
Hòa nhạc mới chiều dâng tơ hạnh phúc.
Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc,
Lòng bâng khuâng, bối rối trước khúc quanh,
Đi không đành, mà ở cũng không đành,
Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ.
Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi.
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi,
Niềm uất hận của một thời lạc lối.
Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối,
Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền.
Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên;
Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kín.
Trong khi đó, thanh niên không bịn rịn.
Giã gia đình, trường học để ra đi.
Họa xâm lăng đe dọa ở biên thùy,
Kêu gọi lính giục lòng trai cứu quốc.
Thôi em nhé! từ đây anh cất bước,
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui.
Đừng buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi,
Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
14. Chiều Mưa Đường Số 5
Chiều mưa đồng rạ trắng
Đất tề sông quạnh vắng
Ngồi kín dưới nhà gianh
Nghe lúa lùa ắng lặng
Chiều mưa đường số 5
Đôi mắt sao đăm đăm
Chứa cả trời mây nặng
Miền Việt Bắc xa xăm?
Ôi núi rừng thương nhớ
Rét mướt đã hai năm!
Chiều mưa ngàn hoa nở
Hoa phới bay mùa xuân
Bếp sàn gây ngọn lửa
Chén trà ngát tình dân
Chiều mưa lùa các cửa
Ngày bộ đội hành quân
Mẹ già không nói nữa
Nước mắt nhìn rân rân…
Ôi đâu rồi sơn nhân
Đâu rồi anh du kích
Chiều mưa manh áo rách
Vác súng vượt lên đèo
Giao thông qua mũi địch
Đâu rồi “nhình” với “a”
Tiếng cười reo khúc khích
Đón chiến sĩ quay về
Sau trận đi phục kích
Chiều mưa giã gạo mau
Chầy tập đoàn thình thịch
Ôi núi thẳm rừng sâu
Trung đội cũ về đâu
Biết chăng chiều mưa mau
Nơi đây chăn giá ngắt
Nhớ cái rét ban đầu
Thắm mối tình Việt Bắc
15. Chết
Lâu quá chừng ư? Độ bảy ngày
Mà người bạc mệnh cỏ chưa xây
Lòng thân nhân đã nguôi thương tiếc
Thưa cả hương thờ nhung khói bay
Mấy đứa em thơ miệng đã cười
Ngày ngày đi nghịch cánh hoa tươi
Ai đâu nỡ hỏi sao nguồn lệ
Khóc chị hôm nào đã vội thôi
Mả lạnh không hoa, hết cả hương
Hành nhân lạnh nhạt thiếu lòng thương
Dăm người tuổi tác qua thăm viếng
Một buổi rồi quên mất độ đường
Cơm cúng thưa dâng bữa khuyết đầy
Bụi mờ linh vị… Đến chiều nay
Bỗng dưng dì ghẻ buồn vô cớ
Thầm tính thời gian bấm đốt tay
Rồi thản nhiên sai hoá bát nhang
Và thiêu bài vị – kẻo màu tang
Càng lâu càng xúi cho gia vận
– Từ đó mồ ai rặt cỏ vàng
1940
16. Chào Hương Sơn
Thôi chào tất cả non Hương!
Thôi chào, ôi, tiếng tầm thường mà đau!
Một phen tri kỷ cùng nhau
Khói sương trời đã nhuốm sầu thời gian
Rượu khuây giấc tỉnh canh tàn
Sóng sông như dội vô vàn nhớ thương…
Thôi chào tất cả non Hương!
Thôi chào, ôi, tiếng tầm thường mà đau
Chia tay còn vẩn bóng sầu
Mắt xanh ai giữ được màu thời gian?
Sóng sông róc rách khuya tàn
Lạnh nghe thổn thức hơi đàn biệt ly…
Ngàn xuân đẹp lắm làm chi
Quan san ngơ ngẩn đường về cho ai!
1942
17. Can Trường Hành
Trăm giàn lý đỏ đã lên hoa
Tâm sự như in cảnh ác tà
Đạo nghĩa hoài đêm chơi bạn quý
Thân hình hậu gửi kết duyên ma
Ngậm lời tráng khí chim bằng ốm
Chuyện lúc thương tâm, gái điếm già
Gió thốc hàng hiên, lười viễn mộng
Mưa rào mặt cát gợi ly ca
Phiếm du mấy chốc đời như mộng
Ném chén cười cho đã mắt ta
Thà với mãng phu ngoài bến nước
Uống dăm chén rượu quen tay thước
Cái sống ngang tàng quen bốc men
Thù với hào hùng chí thiếu niên
Vỗ vai sang sảng giọng Bình Nguyên
Chàng là bậc trẻ không biết sợ
Đôi mắt hồng say sao Hoả lên
Múa lưỡi đánh tan ba kẻ sĩ
Mềm môi nốc cạn một vò men
Mấy lần thù trả thân không chết
Khắp xóm giang hồ khét họ tên
Vợ con thí tất cho thiên hạ
Yêu rất ban ngày, ghét rất đêm
Thi với người nằm say bóng liễu
Thi với người chờ mong kẻ rượu
Lòng thênh thênh nhẹ gió thu sơ
Nghĩa khí ngàn năm gió chẳng mờ!
Hay đâu kẻ vũ đất Lương Yên
Một sớm nghe bùng cơn gió lên,
Xách gói sang Nam không hẹn lại
Chỉ hiềm chẳng đụng đến cung tên!
Ngươi chẳng thấy
Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy
Nước mạnh như thác, một con thuyền
Ta lênh đênh hoài sầu biết mấy!
Ngươi chẳng thấy
Lồng lộng Tây hồ xanh như thu
Giai nhân, danh sĩ đua ngao du
Cùng ta tri kỷ không ai ở
Vì đời ta cũng không an cư
Ngươi chẳng thấy
Vì đời ta buồn như thế đấy
Cho nên tri kỷ tếch phương trời
Chén rượu ngồi suông vắng cả người!
Hôm nay lại nở hoa lý đỏ
Trong rượu vân vân… bao vết cũ
Người chẳng thấy rằng hoa như tím
Hoa nát lòng ta đau vạn thuở.
(1944)
18. Các Anh
Các anh hãy chuốc thực say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im
Giờ hình như quá nửa đêm
Lòng đau, đau lại trái tim cuối mùa
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngoài trời
Tiếng xe đã nghiến đã rời rã đi
Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe
Tiếng mùa lá chết đã xe dịch chiều
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài hoa máu đã giao nối đời
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chữa trong bình chua cay
19. Bán Hoa Đào
Vang bóng thanh bình phố đỏ trưng
Mươi lăm thầy khoá viết khom lưng
Dăm nàng gái nõn ngon như mứt
Đi sánh hoa đào vẻ má nhung
Có một thân tang mang trắng phơ
Ngang đầu màu tóc lẫn màu tơ
Lão buồn đi bán cành hương thắm
Hoa đỏ…mừng vang, áo… bạc mờ!
Ai cũng như ai bận tiếp xuân
Mê man sắc tía ngả đầy tâm
Riêng cô, lão bán muôn hồn đỏ
Rồi lủi về đâu kiếp lệ thầm?
Có những lòng trinh bán một giờ
Vợ người cơ lỡ bán con thơ
Cùng đường, trai bán thân cao trọng
Có vạn linh hồn đã bán mua
Như lão rao hoa có vạn tình
Trĩu trời tang, nặng kiếp thương sinh
Tháng ngày âm ỉ nguồn đau chảy
Trong mắt u trầm ngọn lửa xanh!
Nghiến răng đem bán hết đời xuân
Có kẻ nên tang chẳng một lần
Chảy dưới mắt đời, khi tất cả
Máu đào tranh chảy đã muôn năm
1940
20. Tống Biệt Hành
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
– Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
*
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.
Bài thơ này được đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940, sau đó được tuyển chọn vào sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân. Bản trong Việt Nam thi nhân tiền chiến còn in thêm một khổ thơ nữa ở cuối như đoạn in nghiêng.