Cao Kế Năng cự không lại năm tướng, liền nhảy trái ra ngoài bỏ chạy.
Năm tướng đốc quân đuổi theo.
Cao Kế Năng quen miếng cũ, liền mở túi ong thả ra, ong bay nườm nượp như mây mù, rợp cả trời đất.
Văn Sinh sợ ong cắn giục ngựa chạy như bay, Sùng Hắc Hổ gọi lớn:
– Ðã có ta đây còn sợ gì loài ong!
Nói rồi mở nắp hồ lô, khói đen bay ra, hóa thành con thần ưng rất lớn, bay liệng một vùng, bắt loài ong ăn hết, Cao Kế Năng thấy ong phép mình bị chim thần ăn hết, tức giận trở lại giao chiến một hồi nữa, năm tướng lại xúm nhau lại vây Cao Kế Năng vào giữa.
Khổng Tuyên lúc đó ở trong dinh, nghe tiếng quân ó vang trời, liền hỏi tả hữu:
– Quân ta giao đấu với tướng nào mà không thắng được?
Tả hữu thưa:
– Ðó là quân Cao tướng quân đánh với Hắc Hổ đó.
Khổng Tuyên liền lên ngựa ra khỏi dinh, thấy năm tướng vây Cao Kế Năng vào giữa, còn Cao Kế Năng tay chân đã quýnh quáng, đỡ không nổi nữa.
Khổng Tuyên liền phi ngựa đến trợ chiến, nhưng không kịp, Hoàng Phi Hổ đã lanh tay chém Cao Kế Năng một đao bay đầu, trả thù cho Hoàng Thiên Hóa.
Khổng Tuyên thấy đại tướng mình tử trận, giận đỏ mặt hét lớn:
– Lũ chuột này dám vô lễ thế sao?
Hoàng Phi Hổ thấy Khổng Tuyên ra trận, nói lớn:
– Khổng Tuyên, ngươi không biết cơ trời nên phải bỏ mình.
Khổng Tuyên cười lớn:
– Ta cần gì phải nói chuyện với chúng bây là loài cây cỏ.
Năm tướng áp lại vây Khổng Tuyên vào giữa.
Khổng Tuyên thấy năm tướng sức mạnh phi thường, không dám đánh lâu, liền chuyển mình hóa thành năm đạo hào quang chụp xuống, bắt hết năm tướng đem về trại.
Binh Thương thấy mất năm tướng, thất kinh chạy về báo với Tử Nha:
– Võ Thành Vương đâm chết Cao Kế Năng nhưng bị Khổng Tuyên hóa hào quang bắt hết năm tướng.
Tử Nha thất kinh nói:
– Giết được một tướng mà mất hết năm tướng thì tai hại quá nhiều, chúng ta không nên giao đấu nữa.
Khổng Tuyên thấy trong dinh Châu không có tướng ra trận, liền đem năm tưóng về dinh, ném xuống đất, năm tướng đều mê man, bất tỉnh.
Khổng Tuyên truyền đem nhốt vào ngục, chờ giải về Triều Ca.
Kế đó Khổng Tuyên kiểm điểm binh mình, thấy không còn một tướng nào để sai khiến nữa, tính đồn binh tại đó, đợi xin thêm vài người tướng phụ, rồi sẽ tính đến chuyện giao binh.
Bấy giờ Tử Nha phiền não vô cùng, vì không biết cách nào để trừ Khổng Tuyên.
Kịp lúc Dương Tiễn vừa giải lương về, thấy dinh trại quân hai bên đóng sát nhau mà không giao chiến lấy làm lạ, nghĩ thầm:
– Nguyên soái kéo binh đi đã lâu, sao chưa qua khỏi Kim Kê lãnh. Còn đạo binh nào đóng nơi đây cản đường, có vẻ hùng dũng thế kia.
Quân sĩ trông thấy Dương Tiễn liền vào báo với Tử Nha:
– Dương tướng quân đã giải lương về đến.
Tử Nha nghe tin mừng rỡ liền truyền đòi vào.
Dương Tiễn thưa:
– Tôi vận lương đủ số ba ngàn hộc, không trễ ngày giờ.
Tử Nha khen:
– Quan đốc lương có công lắm.
Dương Tiễn nói:
– Chẳng hay đạo binh nào cản đường mà binh ta không tiến nổi?
Tử Nha thuật lại chuyện có hào quang năm sắc lợi hại bắt một lúc năm tướng, nên không dám sai ai xuất quân.
Dương Tiễn nghe Hoàng Thiên Hóa tử trận vừa buồn vừa bực, nói:
– Nó là loài yêu quái nào mà thần thông như thế. Tôi còn cất gương chiếu yêu của Vân Trung Tử sư thúc đây, để ngày mai Nguyên soái ra binh, tôi đem kính chiếu thử coi nó thuộc giống gì thì trừ không khó.
Tử Nha nói:
– Tướng quân tính rất phải. Ðể sáng mai ta cùng tướng quân ra binh.
Nam Cung Hoát và Võ Kiết nói với Dương Tiễn:
– Chẳng biết Khổng Tuyên bắt năm tướng đem đi đâu. Nó có năm sắc hào quang lợi hại lắm, chúng ta làm sao cứu được năm tướng ấy?
Dương Tiễn nói:
– Phải xem nó là loài yêu quái nào mới định kế được. Các anh cứ yên tâm, ngày mai sẽ định liệu.
Ngày hôm sau, trời vừa rựng sáng. Tử Nha kéo binh ra trước trận kêu Khổng Tuyên ra giao chiến.
Quân vào báo lại, Khổng Tuyên liền cầm thương ra trận, kêu Tử Nha mắng lớn:
– Khương Thượng, ngươi dám cả gan hội chư hầu tại Mạnh Tân để mưu phản. Ta nói thật, dù ngươi mọc cánh cũng không qua khỏi Kim Kê lãnh này, đừng nói chuyện đến Mạnh Tân.
Trong lúc, Tử Nha đứng nói chuyện với Khổng Tuyên, thì Dương Tiễn lén lấy kính chiếu yêu ra chiếu vào mặt, nhưng lạ lùng làm sao, trong kính chỉ thấy một khối ngũ sắc quây tròn như một quả cầu, không rõ là vật gì cả.
Khổng Tuyên trông thấy Dương Tiển lén dùng kính chiếu yêu dám rọi mình, nổi giận hét lớn:
– Dương Tiễn, ta cho ngươi đem kính lại đây mà soi, kẻo ở xa không trông thấy rõ. Việc gì phải lén lút? Ðại trượng phu làm việc gì cũng phải minh bạch chứ.
Dương Tiễn nghe nói biết lộ chuyện liền đem kính tới gần rọi vào Khổng Tuyên, nhưng vẫn thấy như lúc trước, không hiểu là vật gì.
Khổng Tuyên đợi Dương Tiễn soi một lúc xem chừng thất vọng nên lướt tới chém một nhát và nói:
– Ngươi đã biết ta là ai rồi bây giờ thử sức với ta.
Dương Tiễn đưa đao ra đỡ, đánh bốn mươi hiệp vẫn cầm đồng, liền nghĩ thầm:
– Nó dám cho ta rọi kính chiếu yêu mà ta vẫn không tìm ra nó là loài gì, thật lạ. Như vậy khó thắng nó được.
Nghĩ vậy, Dương Tiễn nổi giận quăng Hạo Thiên Khuyển lên, Khổng Tuyên trông thấy liền dùng hào quang ngũ sắc chụp cả Dương Tiễn.
Dương Tiễn thất kinh thâu chó lại, hóa hào quang tùng dấu bay mất.
Khổng Tuyên cười lớn nói:
– Dương Tiễn ngươi khoe có Thất thập nhị huyền công, sao không ở lại đây giao đấu mà lại trốn chạy?
Vi Hộ tức giận xông vào ném Gián ma xử lên bị Khổng Tuyên dùng hào quang thâu mất.
Vi Hộ thất kinh, chun xuống dưới cờ trốn.
Khổng Tuyên kêu lớn:
– Khương Thượng hôm nay ta với ngươi quyết giao đấu một trận cho biết cao thấp.
Vừa dứt tiếng liền xông đến chém liền, Lý Tịnh xông ra mắng:
– Thất phu! Ngươi tài cán bậc nào mà dám vô lễ?
Nói rồi cự với Khổng Tuyên, đánh được một lúc, Lý Tịnh quăng linh lung tháp lên, Khổng Tuyên vận năm sắc hào quang thâu cả bửu bối và Lý Tịnh.
Kim Tra, Mộc Tra thấy cha mình bị bắt liền hét lớn xông ra hỗn chiến đánh điệp ba hiệp Kim Tra quăng Ðộn Long Thun, Mộc Tra quăng Ngô Câu kiếm hai báu vật ấy đều bị hào quang thu mất.
Kim Tra Mộc Tra không chạy kịp bị Khổng Tuyên thâu liền
Tử Nha thấy Khổng Tuyên bắt tướng nhiều quá, nổi giận mắng:
– Ta đã từng cự nhiều tay phép tắc lẽ nào lại sợ một Khổng Tuyên.
Nói rồi xông vào giao đấu.
Ðánh được ba hiệp Khổng Tuyên hiện hào quang chụp Tử Nha.
Tử Nha thất kinh xổ cây Hạnh Huỳnh kỳ che thân, hàng ngàn bông sen rũ xuống bảo vệ khắp thân mình Tử Nha, khiến hào quang Khổng Tuyên không phạm vào mình được. Ấy là nhờ phép của cung Ngọc Hư thuộc vào loại siêu đẳng nên mới nhiệm mầu như thế.
Khổng Tuyên bắt Tử Nha không được giận quá giục ngựa tới đánh nhàu.
Ðặng Thiền Ngọc đứng đàng xa lược trận thấy vậy ném một cục ngũ quang thạch trúng nhằm sống mũi Khổng Tuyên làm cho Khổng Tuyên đổ hào quang bỏ chạy về trại, Long Kiết công chúa ném Phi Loan bửu kiếm theo chém, nhưng chỉ chém trượt sau vai, không làm cho Khổng Tuyên thiệt mạng.
Khổng Tuyên về dinh lấy thuốc xức lành vết thương rồi truyền giam ba cha con Lý Tịnh vào ngục chờ xin được tướng phụ đến giúp sẽ giải cả tù nhân bắt được về triều xử một lượt.
Tử Nha về đến dinh thấy Dương Tiễn ra nghinh tiếp liền hỏi:
– Ta thấy ngươi bị nó dùng hào quang bắt được sao ngươi trốn thoát được về đây?
Dương Tiễn nói:
– Tôi có Thất thập nhị huyền công, nên lúc nó hóa hào quang tôi cũng hào quang tùng theo dấu mà thoát nạn.
Tử Nha thấy an lòng một chút, vì các tướng tuy bị bắt hết, mà còn Dương Tiễn thì có thể tìm ra kế hay để trừ địch.
Tử Nha hỏi Dương Tiễn:
– Kiếng chiếu yêu không tìm biết được Khổng Tuyên, nay liệu lẽ nào?
Dương Tiễn cúi đầu suy nghĩ, không biết kế gì hơn.
Tử Nha than:
– Thầy ta bảo là đến ải Giới Bài mới có trận Tru tiên, sao nay tới núi Kim Kê đã sanh chuyện bất thường?
Bỗng có quân vào thưa:
– Chúa công cho mời Nguyên soái.
Tử Nha tuân lệnh vào chầu.
Võ Vương hỏi:
– Nghe nguyên soái hơn mấy ngày nay không thắng, tổn tướng hao binh. Ta nghĩ rằng vì lời ước hẹn với chư hầu nơi Mạnh Tân mà làm cho tánh mạng các tướng phải mất, binh sĩ xa gia đình bỏ cha mẹ, lìa con thơ, đau khổ. Ðến như ta cũng xa mẹ già, bỏ lời di chúc của tiên vương, thật lỗi đạo làm con. Vậy xin nguyên soái vui lòng nghe lời ta lui binh về nước, mặc chư hầu đủ sức tranh đua, làm gì thì làm. Còn ta và nguyên soái chỉ nên giữ lấy sự nghiệp mà thôi.
Khương Tử Nha nói:
– Ðại vương thương dân, trọng tướng, nói cũng phải nhưng thà khổ một lúc mà cứu thiên hạ còn hơn phải để thiên hạ phải chịu cảnh lầm than mãi mãi.
Võ Vương nói:
– Nếu trời sai ta cứu dân thì trời không bắt dân chúng khổ sở trong đao binh, nguyên soái đừng cãi lời ta.
Tử Nha thấy Võ Vương nhất quyết không chịu đi, không biết làm sao, đành truyền lịnh lui binh. Các binh tưóng được lệnh, vội xếp cờ cuốn giáo, dẹp trống dẹp chiêng.
Bấy giờ lúc canh hai, trong khi Tử Nha đang sắp xếp xảy thấy Lục Yểm đến kêu cửa.
Quân vào báo:
– Có Lục Yểm đạo nhân tìm đến.
Tử Nha cho mời vào, thấy Lục Yểm thở hổn hển, vội hỏi:
– Ðạo huynh có việc gì cần kíp?
Lục Yểm nói:
– Tôi nghe ông sắp lui binh, nên sợ trễ, đến đây khuyên giải. Tại sao ông lại làm cái việc bất thường ấy?
Tử Nha nói:
– Ðạo huynh không phải là tôi của một chúa, nên tự ý muốn, còn tôi bây giờ là kẻ hầu hạ của Võ Vương, vua khiến mà tôi không nghe thì trái đạo, làm sao tôi còn quyền hành mà điếu khiển ba quân.
Lục Yểm nói:
– Ðể tôi vào thưa lại với Võ Vương đã.
Nói rồi cậy Tử Nha đưa vào yết kiến Võ Vương và nói:
– Ðại vương lui binh lúc này thật tai hại. Thứ nhất các tướng vừa bị bắt phải chết hết, thứ hai trời đã khiến nhà Châu phạt Trụ cứu dân, nếu đại vương không tuân theo mệnh trời sẽ bị trời phạt. Việc chinh Ðông có nhiều khó khăn, không phải dễ, nay mới đánh trận đầu chưa ra khỏi nước mà Ðại vương đã chán nản sao?
Võ Vương nghe Lục Yểm nói ngồi làm thinh.
Tử Nha truyền các tướng bỏ lệnh lui binh, đâu vào đó chờ lệnh mới.
Lục Yểm nói:
– Người tài còn có người tài hơn trị, xin đại vương cho tôi ra trận trừ Khổng Tuyên để đại binh kịp tiến bước.
Võ Vương nghe Lục Yểm nói không dám cãi.
Hôm sau Lục Yểm đến trước cửa dinh, kêu Khổng Tuyên ra đối địch, quân vào báo, Khổng Tuyên nói:
– Lũ chuột bầy này, ta đã định dung cho chúng một thời gian không giết vội, thế mà không biết phận lại cứ đòi ta phải ra tay.
Nói rồi lên ngựa ra trước dinh.
Lục Yểm trông thấy hỏi lớn:
– Ngươi có phải là Khổng Tuyên chăng?
Khổng Tuyên nói:
– Ngươi mới ở xứ nào đấn đây mà chưa biết ta?
Lục Yểm nói:
– Tướng quân làm nguyên soái há không biết thời trời? Trụ vương vô đạo, trăm họ xa rời, lẽ nào một mình tướng quân chống lại?
Khổng Tuyên nói:
– Ta bình sanh không muốn nghe lời xảo ngữ. Nếu có giỏi đánh thắng ta thì kéo binh qua Kim Kê lãnh này.
Lục Yểm nói:
– Tướng quân chớ cậy tài. Người hay có người khác hay hơn nữa. Gặp kẻ bản lãnh hơn, tướng quân ăn năn sao kịp?
Khổng Tuyên nói:
– Ta không cần nghe nhiều lời.
Nói rồi lướt tới chém Lục Yểm.
Lục Yểm đưa gươm ra đỡ.
Hai đàng đánh với nhau được ít hiệp, Lục Yểm muốn phóng gươm trảm tiên lên, xảy thấy hào quang Khổng Tuyên chụp xuống, Lục Yểm thất kinh hóa mống bay mất.
Lục Yểm bay vào dinh, nói với Tử Nha:
– Hào quang của Khổng Tuyên mạnh lắm, tôi không hiểu nó là vật chi nên phải bại tẩu trở về đây.
Tử Nha nghe nói thêm buồn, ngồi làm thinh suy nghĩ.
Bên ngoài có tin Khổng Tuyên khiêu chiến nữa.
Tử Nha nói với Lục Yểm:
– Các tướng phần đông đều bị Khổng Tuyên bắt chưa biết số mệnh ra sao, nay nếy sai tướng khác ra trận cũng chẳng ích gì.
Lục Yểm nói:
– Chúng ta chờ xem, thế nào cũng có người cao kiến đến giúp sức.
Bên ngoài Khổng Tuyên gọi lớn:
– Tử Nha ngươi có tài làm tướng mà không có gan đánh giặc. Hãy ra đây tỉ thí với ta, bằng không hãy lui binh về, để binh tướng đỡ khổ cực.
Tử Nha ngồi làm thinh. Không biết giải quyết cách nào.
Giữa lúc đó có Thổ Hành Tôn vận lương về đến, thấy Khổng Tuyên đứng trước cửa dinh diệu võ dương oai, mắng chửi nhiều lời, tức mình hét lớn:
– Thất phu! Ngươi tài cán gì mà dám nhục mạ Nguyên soái ta?
Khổng Tuyên coi lại là một tướng lùn, cười ngất nói:
– Ngươi đến đây làm gì, và muốn nói chuyện gì đó?
Thổ Hành Tôn không thèm đáp, vung gậy đập vào cẳng ngựa của Khổng Tuyên, khiến con ngựa đau quá chạy bậy. Khổng Tuyên nổi xung vung đao chém, nhưng Thổ Hành Tôn đã lùn lại đứng dưới đất. Khổng Tuyên chém không tới. Hai người đánh nhau một hồi không ai trúng ai mà mệt đổ mồ hôi.
Thổ Hành Tôn nói:
– Ngươi cao ta thấp ngồi trên ngựa khó đánh, hãy bỏ ngựa xuống đất cùng ta tranh cao thấp.
Khổng Tuyên bị khiêu khích, chẳng nghĩ ngợi gì lợi hại, liền xuống ngựa và nói:
– Ta lại sợ ngươi sao?
Hai người hỗn đấu một hồi, cát bụi bay nghịt đất.
Tử Nha đang ở trong trướng nghe tiếng binh khí chạm nhau liền hỏi tả hữu:
– Ai đánh với Khổng Tuyên vậy?
Tả hữu thưa:
– Ðó là Thổ Hành Tôn tướng vận lương về, gặp Khổng Tuyên giao đấu đó.
Tử Nha kinh hãi nói:
– Thổ Hành Tôn lo vận lương sao lại đánh giặc?
Liền sai Ðặng Thiền Ngọc ra ngoài trợ chiến.
Ðặng Thiền Ngọc tuân lệnh cỡi ngựa cầm kiếm ra lược trận, thấy Thổ Hành Tôn nhảy nhót lung tung, còn Khổng Tuyên ra bộ không quen xoay trở rất khó nhọc.
Thổ Hành Tôn dùng gậy đập vào đùi Khổng Tuyên mấy cái đau muốn hụt hơi, Khổng Tuyên nổi giận hóa hào quang chụp xuống đầu Thổ Hành Tôn, chẳng ngờ Thổ Hành Tôn có phép địa hành, độn thổ đi mất.
Khổng Tuyên thấy tướng lùn đang đánh bỗng đâu mất, lấy làm lạ dáo dác nhìn quanh bị Ðặng Thiền Ngọc ném trúng một cục đá vào sống mũi sưng vù.
Khổng Tuyên ngước mặt lên chửi lớn:
– Nghịch tặc, dám quăng lén ta sao?
Nhưng nói chưa dứt lời đã bị Ðặng Thiền Ngọc quăng tiếp một cục đá nữa trúng nhằm cổ, Khổng Tuyên thất kinh chạy tuốt về dinh.
Vợ chồng Thổ Hành Tôn vào thuật chuyện cùng Tử Nha, Tử Nha vui mừng dọn tiệc ăn mừng, ghi công vợ chồng Ðặng Thiền Ngọc.
Trong bữa tiệc Tử Nha thuật chuyện Khổng Tuyên có sắc hào quang bắt gần hết tướng.
Thổ Hành Tôn nghe vậy cũng le lưỡi lắc đầu sợ hãi.
Còn Khổng Tuyên chạy về tức giận vô cùng, vì hôm trước đã bị Ðặng Thiền Ngọc quăng một cục đá xẹp mũi nay lại bị đến hai cục. Cũng may là hai cục đá một cục trúng mũi một cục trúng trúng cổ, chứ nếu hai cục cùng trúng một chỗ thì bể mũi rồi.
Khổng Tuyên lấy thuốc xức lành, sáng hôm sau dẫn binh ra trước trại kêu đích danh Ðặng Thiền Ngọc ra trận để đánh báo thù.
Quân vào báo, Ðặng Thiền Ngọc xin ra binh Tử Nha cản lại nói:
– Không xong đâu, cô nương quăng hai lần đá, Khổng Tuyên thù đến tận xương, nếu ra trận thế nào cũng bị hại.
Nói rồi truyền treo miễn chiến bài, Khổng Tuyên thấy treo miễn chiến bài nuốt hận trở về trướng phủ, ngày đêm đợi tin Triều Ca phái tướng giúp sức.
Cách mấy hôm sau có Nhiên Ðăng đến ra mắt Tử Nha.
Tử Nha được tin mừng ra rước vào kể chuyện Khổng Tuyên đón đường và bắt tướng, Nhiên Ðăng nói:
– Ta biết việc ấy rồi nên mới đến đây trừ Khổng Tuyên để Nguyên soái tiến binh.
Tử Nha liền truyền binh gỡ bảng miễn chiến bài. Quân Thương trông thấy về báo với Khổng Tuyên.
Khổng Tuyên nghĩ thầm:
– Ðã mấy ngày không dám ra binh, nay bỏ bảng miễn chiến chắc có người đến giúp. Tuy nhiên ta há sợ gì.
Liền điểm binh đến trước thành khiêu chiến.
Nhiên Ðăng ra trận, Khổng Tuyên trông thấy biết mặt ngay, liền cười lớn nói:
– Nhiên Ðăng đạo nhân là người thần thông quảng đại, sao không ở nơi thanh nhàn, lại đến chỗ lửa binh?
Nhiên Ðăng nói:
– Ngươi đã biết ta sao chưa chịu đầu Châu phạt Trụ? Ý muốn chống lại ta chăng?
Khổng Tuyên cười to hơn nữa nói:
– Chẳng gặp tri âm chẳng muốn nói chuyện. Nay ta nhìn nhận đạo hữu là thần thông, nên muốn thử nhau một chút. Vậy Nhiên Ðăng đạo hữu có biết ta là ai không?
Nhiên Ðăng không rõ lai lịch Khổng Tuyên thế nào cả, đứng làm thinh không đáp, Khổng Tuyên nói:
– Phàm kẻ thần thông phải biết người, hiểu mình, nếu chỉ biết mình mà không hiểu người thì sao gọi là tài? Ðạo hữu đã không biết ta là ai, thôi để ta ngâm bài kệ này, đạo hữu đoán thử.
Nói rồi Khổng Tuyên ngâm:
Có đất có trời đã có ta,
Thần thông tập luận sức bao la
Thuở nay đủ biết trong mùi đạo,
Từ giã non tiên giúp nước nhà.
Nhiên Ðăng nghe bài kệ ấy vẫn không biết nguồn gốc của Khổng Tuyên ra sao cả, tìm lời nói đỡ:
– Ngươi là người thông thái, sao không hiểu lẽ trời, đem sức mình chống lại thiên mệnh?
Khổng Tuyên nói:
– Các ngươi chớ mượn tiếng mà dối đời. Nếu mệnh trời thì trời trước kia đã định thiên hạ thuộc về tay nhà Thương sao nay các ngươi dám trái?
Nhiên Ðăng nói:
– Ngươi không biết vận số, ăn nói hồ đồ. Trời đã định thì không thể đổi dời được.
Khổng Tuyên nổi giận chém Nhiên Ðăng một đao.
Nhiên Ðăng đưa gươm ra đỡ.
Ðánh được ba mươi hiệp, Nhiên Ðăng quăng Ðịnh hải châu lên, Khổng Tuyên vận hào quang thu xâu chuỗi ấy tức thì. Nhiên Ðăng thất kinh quăng bình bát lên cao, Khổng Tuyên cũng vận hào quang thu nữa.
Nhiên Ðăng liền kêu lớn:
– Ðệ tử của ta đâu?
Tức thì một con chim đại bàng bay tới cánh rợp cả một góc trời.
Khổng Tuyên nhìn thấy liền vỗ vào cái kim khôi một cái, năm sắc hào quang chiếu thấu mây xanh.
Nhiên Ðăng lòa cả hai mắt xem không rõ, chỉ nghe trên không trung ầm ầm như sấm qua một lúc một tiếng nổ vang tức thì chim đại bàng sa xuống, lông lá rối bời.
Khổng Tuyên vận hào quang muốn bắt Nhiên Ðăng.
Nhiên Ðăng thất kinh hiện hào quang trốn mất.
Khổng Tuyên cười lớn rồi kéo quân về trại.
Còn Nhiên Ðăng về trướng phủ ra mắt Tử Nha nói:
– Thật không ngờ Khổng Tuyên này tài phép lạ thường chưa từng thấy. Chẳng biết nó là giống gì mà hào quang mạnh như vậy. Hèn chi nó bắt tướng thâu báu vật như trò chơi.
Tử Nha và Nhiên Ðăng đang còn bàn luận bỗng thấy chim đại bàng hiện hình người vào ra mắt.
Nhiên Ðăng hỏi:
– Ngươi có biết Khổng Tuyên là vật gì hóa hình chăng?
Ðại bàng thưa:
– Ðệ tử ở trên mây trông thấy hào quang xông lên năm sắc chiếu vào người đệ tử như muốn nứt thịt, gãy xương, đệ tử chỉ thấy lờ mờ, hình như nó có hai cánh, không rõ là giống chim gì.
Nhiên Ðăng thở dài:
– Thế này chúng ta khó định rồi biết làm sao.
Bỗng nghe quân vào báo:
– Có một đạo sư xin vào ra mắt.
Tử Nha và Nhiên Ðăng đồng ra ngoài nghinh tiếp, thấy một người cao ốm, mặt vàng, đầu chừa hai vá có giắt hai cành bông, tay cầm nhánh cây bước tới thi lễ.
Nhiên Ðăng mừng rỡ nói:
– Ðạo huynh từ đâu đến?
Ðạo sư nói:
– Tôi ở Tây phương qua Ðông độ, Nam độ nhân đi qua đây thấy Khổng Tuyên là người phước đức, tu luyện lâu năm nên muốn rước về cực lạc.
Tử Nha mời vào trướng phủ, Nhiên Ðăng hỏi:
– Ðạo sư danh hiệu là chi?
– Ðạo sư nói:
– Tôi là Chuẩn Ðề. Khi trước Quảng Thành Tử có một lần đến mượn cờ Bửu sắc. Tuy chúng ta chưa gặp mặt nhau nhưng cũng như đã quen biết. Tôi muốn giúp Khổng Tuyên trọn kiếp tu hành.
Nhiên Ðăng nói:
– Nếu đạo huynh bắt Khổng Tuyên về Tây phương thì cuộc chinh Ðông của chúng tôi chẳng trễ.
Chuẩn Ðề từ giã ra trận, đến chân núi Kim kê kêu lớn:
– Mời Khổng Tuyên ra đây nói chuyện.
Quân vào báo lại, Khổng Tuyên ra trận hỏi:
– Ðạo sư từ đâu đến? Muốn nói với ta điều gì?
Chuẩn Ðề nói:
– Ngươi cùng bần đạo có duyên phần, nên ta đến đây thỉnh ngươi về Cực lạc. Ngươi là kẻ có phước tu hành lâu năm, đáng được hưởng cảnh thanh nhàn. Ở đây cõi trần không phải chỗ người cạnh tranh đường sinh tử.
Khổng Tuyên cười lớn:
– Ngươi dùng lời ấy dối gạt ta sao được?
Chuẩn Ðề nói:
– Ngươi hãy nghe ta đọc bài kệ này thì rõ:
Tây phương vui vẻ gọi thiên đường,
Tích đức tu nhân mới được nương
Giới cấm năm điều nêu sáng rõ,
Từ bi hai chữ giữ hiền lương
Khá theo thanh tịnh nơi am tự,
Chớ mến công danh giữa chiến trường
Ðổi cánh rụng lông thành chín quả,
Múa may chi lắm chốn biên cương.
Khổng Tuyên nghe bài kệ nổi giận vung đao chém Chuẩn Ðề.
Chuẩn Ðề cầm nhành cây gạt đao rơi xuống đất.
Khổng Tuyên lấy roi vàng đánh tiếp,cũng bị Chuẩn Ðề dùng nhành cây Thất Bửu gạt phăng đi.
Khổng Tuyên còn hai tay không tức giận vận hào quang chụp Chuẩn Ðề.
Chuẩn Ðề đứng trơ trơ chịu trận, không tránh né, ai nấy đều thất kinh, vì hào quang bao trùm cả Chuẩn Ðề.
Mọi người tưởng Chuẩn Ðề đã bị Khổng Tuyên bắt rồi, nào ngờ xem lại thấy Chuẩn Ðề đứng giữa hào quang, hiện ra mười tám tay, cầm gươm, cung, tên, kích, cờ, phướng lọng, lục lạc, cành cây Thất Bửu. Rồi lại nghe trong hào quang nổ lên một tiếng. Chẳng biết Chuẩn Ðề làm phép thế nào mà áo mão của Khổng Tuyên rã rời, rớt đầy lưng ngựa còn Khổng Tuyên đứng sững như trời trồng.
Chuẩn Ðề hiện lại bình thường, tới đứng trước Khổng Tuyên nói:
– Khuyên chớ say mê thế tục, hãy cùng ta trở về miền Cực lạc.
Dứt lời mở dây thắt lưng cột cổ Khổng Tuyên lại, lấy Thiết Tiên gác lên vai và bảo:
– Xin đạo hữu hãy hiện nguyên hình cùng nhau về Tây phương Cực lạc.
Tức thì thấy Khổng Tuyên hiện thành con Công một mắt, mình mẩy đỏ tươi cao lớn vô cùng.
Chuẩn Ðề cỡi Châu Khổng Tước đi đến cửa dinh từ giã mọi người.
– Tiện đây tôi xin về luôn nhé.
Tử Nha nói:
– Ðạo sư thần thông quảng đại mới thâu được Khổng Tuyên, ngặt các tướng Châu không biết bị Khổng Tuyên giam cầm nơi đâu.
Chuẩn Ðề nói với Khổng Tuyên:
– Ðạo hữu nay đã tu hành phải trả các tướng lại cho Nguyên soái.
Khổng Tuyên thưa:
– Tôi cầm các tướng tại dinh.
Chuẩn Ðề từ giã mọi người vỗ lên đầu con công một cái, chim ấy xòe hai cánh lên chiếu hào quang sáng chói cả một góc trời.