Bấy giờ Tử Nha đang kéo quân đi, bỗng nghe quân thám mã về báo:
– Có một đạo binh Thương kéo đến đón tại Kim Kê lãnh.
Tử Nha truyền quân hạ trại, và ngẫm nghĩ:
– Ba mươi sáu đạo binh đã đủ rồi sao còn có kẻ chặn đường? Hay còn thiếu số nên đạo binh này bổ khuyết chăng?
Bỗng có quân vào báo:
– Tướng Thương đến trước dinh khiêu chiến.
Tử Nha hỏi các tướng:
– Ai dám ra binh?
Hoàng Thiên Hóa xin ra trận, Tử Nha dặn:
– Phải đề phòng chớ nên khinh địch.
Hoàng Thiên Hóa tuân lệnh, cỡi kỳ lân cầm song chùy xông ra thấy tướng Thương đang chống kích đứng chờ, Hoàng Thiên Hóa hét lớn:
– Nghịch tặc! Ngươi là ai mà dám ngăn cản binh trời?
Tướng Thương nói:
– Ta là Trần Canh bộ tướng của Khổng Nguyên soái, vâng lệnh thiên tử đến đây trừ loài phản tặc. Còn ngươi tên họ là gì mà dám khoe khoang như vậy?
Hoàng Thiên Hóa nói:
– Ta là tiên phong của Khương Nguyên soái tên Hoàng Thiên Hóa. Nếu ngươi đã nghe tên thì cũng nên xuống ngựa để quân sĩ ta bắt trói cho rồi khỏi nhọc công ta ra sức.
Trần Canh nổi giận đâm Hoàng Thiên Hóa một kích, Hoàng Thiên Hóa đỡ ra rồi rước đánh, đánh được ba mươi hiệp, Hoàng Thiên Hóa trá bại chạy dài, Trần Canh đuổi theo bị Hoàng Thiên Hóa lấy Hỏa Long Phiêu vụt một cái, trúng nhằm vai bất tỉnh, rơi xuống ngựa.
Hoàng Thiên Hóa cắt lấy thủ cấp đem về dinh.
Tử Nha thấy Hoàng Thiên Hóa trở về ra mắt liền hỏi:
– Ngươi ra trận thắng bại ra sao?
Hoàng Thiên Hóa thưa:
– Nhờ uy nguyên soái, tôi đã lấy được thủ cấp tướng tiên phong của địch là Trần Canh đem về trước dinh.
Tử Nha mừng rỡ liền lấy bút ghi Hoàng Thiên Hóa công đầu. Nhưng vừa rút nắp viết ra thì ngòi viết rơi xuống lòng thòng, Tử Nha cắm chặt ngòi bút vào mới ghi công được.
Ðó là điềm Hoàng Thiên Hóa bị chết non, chỉ lập công được trận này mà thôi.
Binh Thương thua trận, về báo lại với Khổng Tuyên:
– Tiên phong thất cơ bị Hoàng Thiên Hóa chém đầu bêu ngoài cửa.
Khổng Tuyên cười cay đắng, nói:
– Ðứa thất phu, bất tài thì chết cũng đáng.
Hôm sau, Khổng Tuyên lại sai Tôn Hiệp ra trận.
Quân vào báo, Tử Nha chưa định sai ai đi thì Võ Kiết bước đến thưa:
– Ðệ tử xin ra trận.
Nói rồi cầm thương lên ngựa phát pháo dẫn binh ra thành, thấy Tôn Hiệp mặc áo đỏ, cầm siêu đao, cỡi ngựa đạm liền hét lớn:
– Tướng nào đó?
Tôn Hiệp nói:
– Ta là bộ hạ của Khổng Nguyên soái. Còn ngươi có phải là kẻ giết tướng tiên phong của ta không?
Võ Kiết nói:
– Ta là hữu tiên phong của Nguyên soái, tên là Võ Kiết.
Tôn Hiệp cười lớn:
– A, té ra Tử Nha là ông câu còn ngươi là lão tiều thuở xưa. Hai thầy trò đứng chung một bức họa đồ thì xứng lắm.
Võ Kiết nổi giận mắng:
– Ngươi là đứa thất phu sao dám giỡn cợt.
Nói rồi đâm Tôn Hiệp một thương, Tôn Hiệp đưa đao ra đỡ.
Hai người đánh nhau được ba mươi hiệp chưa phân thắng bại.
Võ Kiết giả thua bỏ chạy, Tôn Hiệp khinh Võ Kiết là gã tiều phu đốn củi ở bàn khê nên đuổi theo. Chẳng ngờ Võ Kiết trước kia nhờ Tử Nha rèn luyện võ nghệ tinh thông, thấy Tôn Hiệp đuổi theo liền đâm trái một thương.
Tôn Hiệp bất ngờ đỡ không nổi, nhào xuống ngựa chết tươi.
Võ Kiết cắt lấy thủ cấp mang về. Tử Nha khen ngợi vô cùng.
Na Tra thấy Hoàng Thiên Hóa và Võ Kiết đều được ghi công đầu nên sớm lòng muốn sớm được lập công.
Bấy giờ binh Thương về báo với Khổng Tuyên:
– Tôn tướng quân sa cơ, bị Võ Kiết đâm chết ngoài trận.
Khổng Tuyên nổi giận thét:
– Ta vâng lệnh chinh Tây, không ngờ bị đánh hai trận mà thiệt mất hai tướng.
Liền quay lại hỏi thủ hạ:
– Có ai muốn ra trận lập công chăng?
Tướng hậu tập là Cao Kế Năng xin ra đánh.
Khổng Tuyên dặn:
– Ngươi phải đề phòng chẳng nên khinh địch.
Cao Kế Năng tuân lệnh cầm thương lên ngựa đến dinh Châu đứng trước cửa khiêu chiến.
Quân vào báo lại, Na Tra xin đi, liền lên xe, lướt ra cửa trại kêu Cao Kế Năng mắng lớn:
– Thất phu! Không sợ chết hay sao mà còn dám đem đầu nạp mạng.
Cao Kế Năng nói:
– Na Tra ngươi đừng có ỷ tài, có ta đến đây thì mạng ngươi khó giữ.
Na Tra nói:
– Ngươi đã biết tên ta sao còn chưa xuống ngựa?
Cao Kế Năng cười ngất, nói:
– Ta nghe đồn ngươi tài cao phép giỏi nhưng gặp ta thì danh tiếng ấy không còn.
Na Tra nổi giận vung giáo đánh nhàu.
Cao Kế Năng sợ Na Tra dùng phép trước, liền trá bại bỏ chạy, có ý nhử Na Tra vào kế. Chẳng ngờ Na Tra lẹ tay, quăng Càn Khôn Quyện lên đánh trúng bả vai.
Cao Kế Năng thất kinh chạy thẳng về trại.
Na Tra tức giận vì không giết được địch, buồn bã trở về thuật chuyện với Tử Nha.
Còn Cao Kế Năng ôm vai chạy về soái phủ, thưa lại với Khổng Tuyên.
Khổng Tuyên ngồi làm thinh đưa cho Cao Kế Năng vài viên thuốc bảo Cao Kế Năng xức vào vết thương cho lành.
Rạng ngày, Khổng Tuyên dẫn quân ra trận khiêu chiến:
– Các ngươi vào bảo với Tử Nha, bảo nó ra đây cho ta dạy việc.
Quân vào báo, Tử Nha nai nịt chỉnh tề, dẫn binh tướng ra trận, thấy sau lưng Khổng Tuyên chiếu hào quang ngũ sắc.
Khổng Tuyên hỏi:
– Ngươi phải Khương Tử Nha không?
Tử Nha đáp:
– Phải!
Khổng Tuyên hỏi:
– Trước kia ngươi là tôi nhà Thương, sao nay trở lòng làm phản, đã không giữ bổn phận lại còn cất quân muốn lấy ngũ quan? Nay ta vâng lệnh đến đây, nếu ngươi nghe lời ta kéo quân trở về thì yên nhà lợi nước, bằng trái lời thì ắt Tây Kỳ bị hại, ăn năn không kịp.
Tử Nha nói:
– Ai có đức thì được thiên hạ. Trụ Vương vô đạo dân chúng khổ sở, trời giận đất hờn, tám trăm chư hầu đồng ý hưng binh vấn tội, tướng quân là kẻ cầm binh phải thông việc nưóc, sao không quy thuận cho sớm?
Khổng Tuyên nói:
– Ngươi phò nước nhỏ đánh nước lớn, đó là tội nghịch thiên, đừng dùng lời xảo quyệt mà phỉnh phờ thiên hạ.
Nói rồi chém một đao.
Hồng Cẩm lướt tới đỡ thương và nói:
– Có ta đây Khổng Tuyên đừng vô lễ.
Khổng Tuyên thấy mặt Hồng Cẩm thì nổi giận mắng lớn:
– Phản tặc dám cự với ta sao?
Hồng Cẩm nói:
– Tám trăm chư hầu đều theo Châu, dẫu một mình ngươi có đem lòng trung nghĩa vùi xương trải mật thì cũng chẳng ích chi.
Khổng Tuyên chém Hồng Cẩm một đao, Hồng Cẩm cự lại được năm hiệp liền thò tay vào túi lấy cờ phép ra rung. Khổng Tuyên cười lớn nói:
– Phép đó của ngươi chẳng khác hạt thóc, tài phép bao nhiêu mà khoe.
Nói rồi chiếu đạo hào quang ra, tức thì Hồng Cẩm và cờ lịnh đâu mất.
Các tướng đột nhiên thấy mất Hồng Cẩm ai nấy đều ngơ ngác.
Khổng Tuyên thừa thắng lướt tới vung đao chém Tử Nha. Tử Nha đưa gươm ra đỡ.
Ðặng Cửu Công xông vào trợ chiến.
Ba người quần nhau đánh ba mươi hiệp Tử Nha quăng roi Ðả Thần Tiên lên, không ngờ vừa quăng lên thì đã bị năm đạo hào quang của Khổng Tuyên thâu mất.
Tử Nha kinh hãi vội thâu binh về trại.
Tử Nha về đến trướng phủ trong lòng buồn bực nghĩ thầm:
– Chẳng biết Khổng Tuyên là người như thế nào mà có năm đạo hào quang lợi hại đến thế. Nay Hồng Cẩm bị nó thâu mất không biết hung kiết thế nào. Ta chỉ có cách tối nay thừa lúc nó ơ hờ cướp trại e mới thắng nổi.
Nghĩ rồi liền truyền gọi Na Tra, Hoàng Thiên Hóa, Lôi Chấn Tử vào dặn:
– Tối nay ba ngươi đến cướp trại địch, Na Tra đánh vào ngõ trước, Hoàng Thiên Hóa cướp dinh bên tả, Lôi Chấn Tử lướt đánh thốc ở dinh bên hữu.
Ba tướng vâng lệnh đem binh kéo đi.
Nói về Khổng Tuyên sau khi thắng trận trở về dinh chiếu hào quang sáng lòa, Hồng Cẩm té xuống đất nằm ngay như chết. Roi Ðả Thần Tiên cũng rớt nằm bên Hồng Cẩm.
Khổng Tuyên bước tới lấy roi cất vào túi rồi truyền quân đem Hồng Cẩm giam vào tù xa.
Bỗng một trận gió từ đâu thổi đến làm cuốn ngọn cờ lại.
Khổng Tuyên giật mình đánh tay xem quẻ biết được tối nay binh Châu đến cướp trại nên sai Cao Kế Năng mai phục bên tả, Châu Tín mai phục bên hữu rồi nói với các tướng:
– Ðêm nay binh Châu đến cướp trại nhưng không có Tử Nha thật là uổng!
Qua canh hai bỗng pháo nổ vang trời, ba tướng xông vào, Na Tra đánh thốc vào cửa dinh thì thấy Khổng Tuyên ngồi trước cửa cười lớn nói:
– Na Tra! Ðêm nay ngươi đến cướp dinh chắc phải bỏ mạng tại đây quá.
Dứt lời Khổng Tuyên lên ngựa xông ra. Na Tra chưa biết Khổng Tuyên lợi hại thế nào nên mắng:
– Ðêm nay ta quyết bắt ngươi về dâng cho Nguyên soái, ngươi đừng hòng chạy thoát.
Nói rồi giục xe đến quyết chiến.
Lúc này Lôi Chấn Tử cũng vỗ cánh bay vào thì gặp Châu Tín liền xà xuống lấy gậy đập vào đầu châu Tín.
Châu Tín thấy thế không tránh né kịp bị một gậy nhào xuống ngựa đầu lìa khỏi xác.
Lôi Chấn Tử thừa thắng xông vào trợ chiến với Na Tra.
Khổng Tuyên trông thấy nhắm chừng không cự lại nên chiếu hào quang bắt Lôi Chấn Tử, Na Tra trông thấy thất kinh bỏ chạy. Nhưng không còn kịp nữa bị hào quang chiếu vào người bắt đi.
Lúc này Hoàng Thiên Hóa không hay biết gì cả cứ giao đấu với Cao Kế Năng.
Hoàng Thiên Hóa có cặp song chùy khá nặng, nên khi đánh tới Cao Kế Năng vung giáo ra đỡ, hai vũ khí chạm vào nhau té hào quang.
Cao Kế Năng thất kinh bỏ chạy, Hoàng Thiên Hóa thừa thắng vung chùy đánh bồi thêm một chùy nữa không ngờ Cao Kế Năng chạy kịp khiến chùy đập vào đầu kỳ lân bể nát ngã ra chết, Hoàng Thiên Hóa nhào xuống bị Cao Kế Năng xông đến đâm chết.
Khổng Tuyên thừa thắng xua quân giết quân Châu vô số kể, không còn một mạng. Rồi chiếu hào quang xuống Na Tra, Lôi Chấn Tử rơi xuống nằm mê man.
Khổng Tuyên truyền quân sĩ đem Na Tra, Lôi Chấn Tử giam vào tù xa cùng Hồng Cẩm.
Ðêm ấy Tử Nha không sao nhắm mắt được, nằm nghe trên núi binh tướng la hét inh trời.
Rạng ngày thì có quân vào báo:
– Trước cửa dinh Thương có treo đầu Hoàng Thiên Hóa, còn Lôi Chấn Tử, Na Tra mất tích không thấy đâu cả.
Tử Nha thất kinh ngồi cúi mặt làm thinh.
Còn Hoàng Phi Hổ nghe tin khóc lớn:
– Ta chưa lấy được một tấc đất nhà Thương mà Hoàng Thiên Hóa đã bỏ mạng.
Tất cả gia quyến Hoàng Phi Hổ khi nghe hung tin ai nấy đều khóc thảm thiết.
Nam Cung Hoát thấy vậy khuyên:
– Xin Hoàng tướng quân đừng quá bi lụy, Hoàng Thiên Hóa chết như thế danh tiếng vang khắp đó đây. Hoàng tướng quân phải bình tĩnh báo thù chứ khóc mà có ích gì. Hiện giờ Hoàng tướng quân nên đi mời Sùng Hắc Hổ đến thì ắt bắt được nó.
Hoàng Phi Hổ nghe nói nín khóc, liền bước đến xin phép Tử Nha đến thỉnh Sùng Hắc Hổ.
Tử Nha thấy Hoàng Phi Hổ quá nóng lòng vì con nên vị tình thông cảm.
Hoàng Phi Hổ lên lưng thần ngưu nhắm hướng Sùng thành đi thẳng.
Ði được nửa đường thì đến núi Phi Phụng xảy gặp ba người đang quây quần đánh nhau cát bụi mù trời. Nhưng cả ba người đánh nhau cả trăm hiệp bất phân thắng bại. Ðánh một lúc không ai thắng ai họ nhìn nhau cười ngất.
Hoàng Phi Hổ thấy lạ nên nghĩ thầm:
– Vì cớ gì lại có chuyện lạ thế này? Ta hãy làm bạn hỏi nguyên cớ xem sao.
Nghĩ rồi Hoàng Phi Hổ cho thần ngưu đi tới. Tức thì người cầm chĩa quay lại, thấy Hoàng Phi Hổ dung mạo khác thường, lại mặc triều phục, nên kêu hai người kia nói:
– Hai em hãy dừng tay, khoan tranh cao thấp.
Nói rồi bước tới bái Hoàng Phi Hổ và nói:
– Có phải ngài là Võ Thành Vương chăng?
Hoàng Phi Hổ đáp lễ hỏi lại:
– Vì cớ gì mà các người biết tên tôi?
Hoàng Phi Hổ nói chưa dứt lời thì cả ba người kia vội xuống ngựa và nói:
– Chúng tôi nghe thiên hạ đồn ngài, nên hồ nghi vậy thôi, chẳng ngờ lại thật. Vậy xin mời đại vương ghé vào dinh trại chúng tôi đàm đạo cho vui.
Hoàng Phi Hổ bước xuống lưng thần ngưu theo ba người vào trại, và hỏi:
– Vì cớ gì mà ba ông đánh với nhau quá lâu như vậy?
Ba người thưa:
– Ba anh em chúng tôi ở đây buồn quá không có chuyện gì làm nên đấu võ với nhau giải sầu. Chẳng ngờ đại vương qua đây chúng tôi cam thất lễ.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Chẳng hay danh tánh ba người là chi?
Một nguời thưa:
– Tôi là Văn Sinh. Người này là Thôi Sinh. Còn người này là Trương Hùng.
Về sau ba người này hợp với Hoàng Phi Hổ và Sùng Hắc Hổ thành năm vị thần gọi là thần Ngũ nhạc.
Văn Sinh truyền dọn tiệc thiết đãi và hỏi thăm:
– Chẳng hay đại vương đi đâu đây.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Ta vâng lệnh Khương Nguyên soái đến cầu Sùng Hắc Hổ giúp binh phạt Khổng Tuyên tại núi Kim Kê.
Văn Sinh nói:
– Tôi e Sùng Hắc Hổ không đi được.
Hoàng Phi Hổ hỏi:
– Vì sao tướng quân biết trước?
Văn Sinh nói:
– Sùng Hắc Hổ đang luyện binh tướng, lo lấy ải Trần Ðường để kịp hội chư hầu tại Mạnh Tân, nếu đi giúp thì sẽ trễ việc.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Nếu không nhờ các ông cho biết, tôi đến đó uổng công.
Thôi Sinh nói:
– Tuy vậy song Sùng Hắc Hổ muốn vào Mạnh Tân cũng phải đợi Võ Vương. Nếu Võ Vương chưa đến thì Sùng Hắc Hổ đến trước cũng chẳng ích lợi gì. Vậy thì đại vương nghỉ đỡ nơi đây một đêm, sáng mai anh em tôi cùng đi với, may ra Sùng Hắc Hổ bằng lòng trợ chiến.
Hoàng Phi Hổ bằng lòng lưu lại trại Văn Sinh một đêm.
Rạng ngày bốn người đồng lên yên đến trước thành.
Quân trên thành trông thấy kiền vào báo với Sùng Hắc Hổ:
– Có ba vị tướng ở núi Phi Phụng đến thăm.
Sùng Hắc Hổ vội truyền mời vào. Ba tướng bước đến ra mắt.
Thôi Anh nói:
– Có Võ Thành Vương chờ ngoài ngõ.
Sùng Hắc Hổ vội vàng ra rước vào, mời ngồi nơi trướng phủ, và nói:
– Tôi không hay Ðại vương đến đây, nên không kịp đón tiếp, xin đại vương rộng lượng.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Tôi được gặp mặt hiền hầu thật may mắn biết chừng nào.
Sùng Hắc Hổ truyền quân dọn tiệc thiết đãi.
Trong bữa tiệc Văn Sinh thuật chuyện Võ Thành Vương đi cầu viện.
Sùng Hắc Hổ thở ra không nói.
Thôi Anh hỏi:
– Có lẽ Sùng hầu đang tính chuyện vào ải Trần Ðường chăng? Dẫu hiền vương có đến Mạnh Tân trước cũng phải đợi Võ Vương đến đó mới khai hội được. Nay Khương Nguyên soái bị Khổng Tuyên cầm chân tại Kim Kê lãnh, tốt hơn hiền hầu qua đó giết Cao Kế Năng rồi về lấy ải Trần Ðường cũng không trễ.
Sùng Hắc Hổ gật đầu nói:
– Nếu vậy thì mai sáng chúng ta sẽ đi.
Rạng ngày năm người vội vã lên yên. Hơn mấy ngày mới tới núi Kim Kê.
Hoàng Phi Hổ vào thưa với Tử Nha:
– Tôi đi thỉnh một người mà được bốn người, hiện đang đứng trước cửa dinh chờ lệnh.
Tử Nha truyền đem cờ lịnh rước vào.
Bốn vị vào làm lễ ra mắt Tử Nha.
Tử Nha mời ngồi và nói:
– Nay Khổng Tuyên đón đường, phải cây đến hiền hầu giúp sức. Tôi thật mang ơn.
Sùng Hắc Hổ yêu cầu Tử Nha đưa đến ra mắt Võ Vương.
Võ Vương tiếp đãi Sùng Hắc Hổ rất trọng.
Sùng Hắc Hổ nói:
– Nay đại vương đem binh phạt Trụ, cứu dân ơn đức vô cùng. Khổng Tuyên đón đường chỉ là chuyện nhỏ.
Võ Vương nói:
– Ta tài mọn, đức mỏng, được các vị đại vương khuyên bảo nên mới cất nghĩa binh. Nay đi chưa khỏi nước đã có sự ngăn trở. Ta chắc lòng trời chẳng thuận, nên muốn lui binh để sửa mình tu nhân tích đức.
Sùng Hắc Hổ nói:
– Ðại vương nghĩ sai rồi. Nay Trụ vương đáng tội thiên hạ đều oán thán, tám trăm chư hầu đều ước vọng có một minh quân, sá gì Khổng Tuyên mà làm ngã lòng các tướng, thất vọng mọi người.
Võ Vương nghe nói mừng rỡ vội rót rượu đãi Sùng Hắc Hổ.
Sùng Hắc Hổ uống thêm ít chén rồi ra ngoài.
Hôm sau Sùng Hắc Hổ họp lực cùng ba tướng ở núi Phi Phụng kéo binh ra trận gọi tên Cao Kế Năng ra ứng chiến.
Khổng Tuyên nghe quân báo liền sai Cao Kế Năng ra trận.
Cao Kế Năng thấy mặt Sùng Hắc Hổ nổi giận mắng:
– Sao ngươi lại trợ Tây Kỳ? Té ra chúng bay muốn gom lại một chỗ để ta dễ bắt.
Sùng Hắc Hổ nói:
– Thất phu! Không biết lợi hại. Nay bốn cõi đều một lòng bỏ Trụ, ngươi tài năng gì mà dám chống mệnh trời? Có phải hôm trước ngươi đâm chết Hoàng Thiên Hóa không?
Cao Kế Năng cười lớn:
– Chẳng phải một Hoàng Thiên Hóa không đâu, chúng bây cũng không có đứa nào khỏi rơi đầu.
Nói rồi đâm một thương, Sùng Hắc Hổ đưa búa ra đỡ.
Ðánh được ít hiệp, Văn Sinh cầm chĩa ba lướt tới, Thôi Anh, Trương Hùng vào trợ lực, vây Cao Kế Năng vào giữa.
Bấy giờ Tử Nha nghe binh ó, gọi Hoàng Phi Hổ đến nói:
– Sùng quân hầu đến giúp ta sao tướng quân chẳng ra trợ chiến?
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Tôi buồn bực đứa con nên quên mất công việc.
Nói rồi cỡi thần ngưu ra trận gọi lớn:
– Sùng quân hầu! Có tôi trợ chiến đây, quyết giết cho được cừu nhân.
Nói rồi xông vào hỗn chiến.