Triều Lôi vâng mật lệnh của Tử Nha kéo quân trở về phục lệnh tới dinh của Thái Sư Văn Trọng.
Thái Sư Văn Trọng hay tin, cho đòi vào hỏi:
– Tây Kỳ động tĩnh thế nào?
Triều Lôi thưa:
– Chúng tôi đến Tây Kỳ thì Nam Cung Hoát dẫn quân ra khiêu chiến. Tôi ra đánh ba mươi hiệp sức vẫn cầm đồng. Vì trời tối nên hai bên phải thâu quân. Rạng ngày anh tôi ra binh, đánh Tân Giáp chạy dài, kế bữa sau tướng khác xuất quân, chưa phân thắng bại. Kể ra thì Tây Kỳ cũng chẳng khó đánh lắm đâu, ngặt một điều là Hàng Vinh không chịu phát lương, nên quân sĩ chẳng an. Lương thảo là tánh mạng nhơn mã, mà người không lương, ngựa không cỏ, còn đánh giặc làm sao được? Cực chẳng đã tôi phải về bẩm với Thái Sư, xin phát thêm lương thảo và tăng cường quân lính. Ðược như vậy mới thắng nổi Tây Kỳ.
Văn Trọng ngẫm nghĩ một lúc lúc rồi hỏi:
– Ngươi đi có hỏa bài, lệnh tiễn, vì sao Hàng Vinh chẳng chịu phát lương? Thôi, ngươi hãy đi xin thêm ba ngàn quân và một ngàn lương thảo qua Tây Kỳ ứng tiếp. Ta sẽ cho tướng theo sau.
Triều Lôi tuân lệnh cứ làm y như vậy, không hề trễ nải, rồi lén đem gia quyến ra khỏi năm cửa ải thẳng đến Tây Kỳ.
Người sau có thơ rằng:
Ý niệm mưu cao ít ai bằng
Khen ông Khương Thượng thiệt tài năng
Gạt toi Văn Trọng thâu lương thảo
Gia quyến Triều Lôi khỏi họa căn.
Khi Triều Lôi ra đi được bốn ngày, Thái Sư Văn Trọng mới sực nghĩ lại, nhủ thầm:
– Hàng Vinh lẽ nào không phát lương thảo? Chắc cũng có duyên cớ chi đây?
Liền lấy tiền xủ quẻ. Khi đoán ra được các việc, tức tối vô cùng vỗ án hét:
– Quân phản phúc gạt ta. Ta không ngờ nên bị lầm rồi!
Liền cho quân đến tư dinh hai tướng, thì quả nhiên gia quyến của hai tướng đã đi hết.
Văn Trọng muốn đem binh rượt theo, nhưng nhắm Triều Lôi đi đã xa, không còn đuổi theo kịp nữa liền triệu tập các tướng lại, tỏ bày mọi việc, và nói:
– Triều Ðiền, Triều Lôi đã làm phản thì kế hoạch đề phòng của ta đối với Tây Kỳ đã bại lộ rồi. Nay phải động binh, chinh Tây mới kịp. Nhưng chưa biết nên sai tướng nào có đủ khả năng làm việc này.
Kiết Lập và Dư Khánh đồng thưa:
– Nếu muốn định Tây Kỳ trọn thắng thì chỉ có Trương Quế Phương, quan Tổng trấn ải Thanh Long cầm binh mới mong thành công.
Văn Trọng khen phải, liền sai quân hỏa bài cầm lệnh tiễn ta ải Thanh Long, truyền Trương Quế Phương cất binh chinh phạt Tây Kỳ, lại sai Thần Oan đại tướng quân là Khưu Dẫn ra trấn ải Thanh Long thế cho Trương Quế Phương.
Nói qua Triều Lôi đem gia quyến đến Tây Kỳ, vào tướng phủ ra mắt Tử Nha, thưa:
– Tôi nhờ Thừa Tướng liập kế thần nên đem được cha mẹ vợ con đến đây hết, nay đã vào thành, chúng tôi xin đến tạ ơn Thừa Tướng.
Kế đó thuật lại mấy lời Thái Sư Văn Trọng dặn.
Tử Nha nói:
– Ta liệu chắc Văn Thái Sư sẽ cử binh đến đánh Tây Kỳ vậy phải đề phòng mới được.
Giữa lúc ấy, tại ải Thanh Phong, Trương Quế Phương tiếp được hỏa bài của Thái Sư tức thì điểm mười muôn binh mã, khiến Phong Lâm làm Tiên phuông, chuẩn bị chinh Tây. Ðến lúc Khưu Ðẩu tới. Trương Quế Phương giao việc xong xuôi mới phát binh ra đi.
Ðoàn quân tiến nhanh như gió, không bao lâu đã đến Tây Kỳ an dinh hạ trại.
Tử Nha đang bàn luận với các tướng, bỗng nghe quân báo:
– Trương Quế Phương dẫn mười muôn binh hạ trại cách cửa Nam mười dặm.
Tử Nha hỏi Hoàng Phi Hổ:
– Trương Quế Phương dụng binh thế nào?
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Thừa Tướng đã hỏi tôi đâu dám giấu.
Tử Nha nói:
– Tướng quân với tôi cùng phò một chúa, ngại gì mà chẳng dám cạn lời?
Hoàng Phi Hổ nói:
– Trương Quế Phương là tướng giỏi, võ nghệ siêu quần. Nhưng việc đó không đáng kể, chỉ sợ nó có tà thuật mà thôi.
– Nó dùng phép gì mà gọi là tà thuật?
Hoàng Phi Hổ nói:
– Phép ấy lạ lắm! Lúc xông ra trận, hai bên đấu chiến với nhau, nếu Quế Phương biết được tên địch thủ thì nó kêu lên một tiếng, tức thì địch thủ nhào xuống ngựa mê man bất tỉnh. Vì vậy, nó ra trận bắt tướng như lấy đồ trong túi. Xin Thừa Tướng dặn những người nào ra trận chớ nên xưng tên, vì hễ nó biết tên là bị nó bắt sống ngay.
Tử Nha nghe nói cau mày. Nhưng các tướng không ai tin cả, đồng nói rằng:
– Có lẽ nào kêu tên mà làm cho đối phương chết ngất được? Nếu quả như vậy, nó kêu trăm tiếng cũng đủ bắt hết tướng Tây Kỳ này rồi?
Kẻ này xầm xì, người kia cười châm biếm.
Bấy giờ Quế Phương đã an dinh hạ trại xong, sai Phong Lâm ra trận.
Phong Lâm vâng lệnh cầm đao lên ngựa đến thành khiêu chiến.
Quân vào báo Tử Nha hỏi các tướng:
– Ai dám ra đánh trận đầu.
Cơ Thúc Càng là con thứ mười hai của vua Văn vương tánh nóng nảy, lại không tin có phép lạ như vậy, nên bước ra thưa:
– Tôi xin xuất trận đầu cho.
Nói rồi cầm thương lên ngựa khai thành thấy một tướng đứng dựa bên cây Thanh kỳ, tóc đỏ như máu, mặt xanh như chàm, râu hồng đầy mép, ngồi trên ngựa cao, tay cầm cây giáo rất lớn.
Cơ Thúc Càng thấy tướng dữ dằn như vậy, liền hỏi:
– Ngươi có phải là Trương Quế Phương không?
Phong Lâm đáp:
– Không! Ta là Tiên phuông Ðại tướng, họ Phong tên Lâm, vâng chiếu triều đình bắt loài phản loạn, chúa ngươi tiếm xưng vương hiệu lại dung nạp phản thần, nay binh trời đã đến không biết chịu tội còn muốn chống lại sao. Hãy xưng tên họ cho mau, đặng ta lấy đầu đem nạp.
Cơ Thúc Càng nổi giận mắng:
– Nay chư hầu thiên hạ đều về nhà Châu, đó là lòng trời đã định. Ngươi thờ bạo chúa, quen thói hung hăng đã đem mạng đến đây nộp mà còn không biết. Ta dung cho ngươi trở về gọi Trương Quế Phương ra trận.
Phong Lâm giận quá mắng lớn:
– Phản tặc dám khi dễ ta thái quá!
Nói rồi cầm đao đâm tới, Cơ Thúc Càng đưa giáo ra đỡ. Hai tướng đánh với nhau trên ba mươi hiệp, Cơ Thúc Càng vận giáo như thần, múa vun vút, đâm chém liền không hở, Phong Lâm lúng túng đỡ gạt không nổi, bị Cơ Thúc Càng đâm một thương trúng đùi bên tả phải quay ngựa bỏ chạy.
Cơ Thúc Càng rượt theo, không ngờ Phong Lâm dùng phép, miệng niệm chơn ngôn, tức thì hai lỗ mũi xịt khói ra, luồng khói có hình tựa như một mành lưới, biến thành một trái châu to bằng miệng chén, đánh vào mặt Cơ Thúc Càng.
Thương ôi! Người con thứ mười hai của Văn vương bị trái châu đánh trúng nhào xuống ngựa.
Phong Lâm thừa dịp lấy gươm cắt thủ cấp rồi thâu binh về trại.
Trương Quế Phương thấy Phong Lâm đem thủ cấp của địch về liền truyền hiệu ngoài cửa ải.
Quân thua vào báo lại, Tử Nha thất kinh.
Võ vương than khóc một hồi, không nói ra tiếng.
Chư tướng đều nghiến răng, chặt lưỡi thở dài.
Bữa sau Trương Quế Phương dẫn binh tới trước thành, kêu đích tên Tử Nha ra trận.
Tử Nha nói:
– Nếu chẳng vào hang hùm làm sao bắt hùm được.
Liền truyền các tướng nai nịt chỉnh tề theo hầu tả hữu, kéo binh ra ngoài ải, trông thấy Trương Quế Phương đội mão bạc như tuyết, mặc giáp trắng, cỡi ngựa kim, đeo giáp bạc, đứng dưới cây bạch kỳ, uy phong lẫm liệt.
Thấy cửa thành mở, quân tướng ồ ạt kéo ra.
Trương Quế Phương thấy Tử Nha râu bạc trắng, hai mắt long lanh như ngọc, mình mặc áo bát quái, tay cầm gươm thư hùng, buộc đai bằng tơ, đội mão đuôi cá, lại thấy Hoàng Phi Hổ cầm giáo ngồi trên thần ngưu đi một bên, liền gọi Tử Nha nói:
– Khương Thượng! Ngươi cũng là tôi nhà Thương, ăn lộc thiên tử, triều đình không bạc đãi ngươi, sao ngươi lại phò Cơ Phát tiếm xưng vương hiệu chứa chấp phản thần, dùng kế xảo buộc Triều Ðiền bỏ chúa, lập mưu gian bày Triều Lôi cướp lương. Tội đáng chết mười phần. Nay ta vâng lệnh đến đây chinh phạt, khuyên ngươi xuống ngựa nạp mình, ăn năn hối lỗi. Bằng chống cự thì trúc chẻ ngói tan, ngọc đá không còn.
Tử Nha ngồi trên ngựa cười lớn:
– Ông nói sai rồi! Chim khôn chọn cây lành mà đỗ, tôi hiền chọn chúa thánh mà thờ. Kẻ bất trí là những kẻ cúi đầu thờ một ông vua hung bạo, không biết thương dân, không sợ mất nước, muốn giết ai thì giết, cả ngày chỉ biết tửu sắc mà thôi. Nay cả thiên hạ đều bỏ Trụ vương, chẳng phải một mình Tây Kỳ mà thôi. Tuy vậy chúa tôi hằng giữ đạo trung thần, chúng tôi không có lòng xâm đoạt. Nay ông đem binh đến đánh Tây Kỳ, thật là nước trên phạm nước dưới, chẳng phải nước dưới phạm nước trên. Xét lại việc binh, thắng bại lẽ thường, nếu ông rủi ro một trận thì hổ thẹn ngàn ngày. Chi bằng ông thu quân về, bờ cõi ai nấy giữ.
Trương Quế Phương nói:
– Ta nghe ngươi học đạo tại núi Côn Lôn, lẽ nào ngươi không biết trong vũ trụ rất nhiều người tài phép. Lời ngươi nói đó chẳng phải là kẻ tài trí.
Nói rồi truyền tiên phuông Phong Lâm ra binh bắt Khương Thượng.
Phong Lâm giục ngựa tới đánh với Tử Nha, xảy có một tướng cỡi ngựa hồng, cầm siêu đao cản lại, xem lại tướng ấy là Nam Cung Hoát. Hai tướng hỗn chiến một hồi.
Trương Quế Phương thấy Hoàng Phi Hổ ngồi trên thần ngưu thì giận lắm, lướt ngựa tới, cầm giáo đâm đùa.
Hoàng Phi Hổ giơ gươm ra đỡ.
Hai tướng đánh được mươi lăm hiệp, Trương Quế Phương kêu lớn:
– Hoàng Phi Hổ chưa hạ mã qui hàng còn đợi chừng nào!
Hoàng Phi Hổ thất kinh, liền sa xuống ngựa, quân Thương vừa áp đến muốn bắt trói, thì có Châu Kỷ cầm búa cản lại đánh với Trương Quế Phương còn Hoàng Phi Báo và Hoàng Phi Bưu thì xông ra cướp được Hoàng Phi Hổ đem về dinh.
Trương Quế Phương thấy tướng Châu đông quá, sợ bắt không được Châu Kỷ, nên giả cách trá bại chạy dài. Châu Kỷ đuổi theo được nửa dặm.
Trương Quế Phương quay lại kêu lớn:
– Châu Kỷ chưa té xuống ngựa còn đợi chừng nào!
Tức thì Châu Kỷ sa xuống, quân Châu tiếp cứu không kịp bị quân Thương áp lại bắt trói dẫn về dinh.
Bấy giờ Phong Lâm hỗn chiến với Nam Cung Hoát một hồi, Phong Lâm đánh không lại, giục ngựa chạy ngay. Nam Cung Hoát thừa thắng đuổi theo, Phong Lâm niệm chú, tức thì trong lỗ mũi xịt ra hai luồng khói xám biến thành cục châu đánh Nam Cung Hoát té xuống ngựa. Quân Thương bắt trói Nam Cung Hoát đến về dinh.
Còn Trương Quế Phương cũng thâu binh về trại truyền dẫn Nam Cung Hoát và Châu Kỷ vào.
Trương Quế Phương hỏi:
– Chúng bây đã bị bắt sao chưa chịu quì?
Nam Cung Hoát hét lớn:
– Ta đã đem thân thờ chúa còn sợ chết hay sao? Ngươi dùng tà thuật bắt được ta thì cứ giết đi cho rồi.
Quế Phương truyền đem hai tướng cầm tại tù xa, đợi phá Tây Kỳ xong giải về Triều Ca xử tội.
Bữa sau, Trương Quế Phương đồn binh đến thành khiêu chiến.
Tử Nha truyền treo miễn chiến bài, không dám sai ai ra trận.
Trương Quế Phương cười lớn nói:
– Khương Thượng mới ra binh một trận đã sợ khiếp vía rồi.
Nói rồi thâu binh về trại.
Bấy giờ ông Thái Ất chơn nhơn đang ngồi trong động thấy lòng hồi hộp liền đánh tay biết rõ Tây Kỳ đang nguy, liền sai Kim Hà Ðồng tử đòi Na Tra đến dạy việc.
Kim Hà vâng lệnh chạy đến vườn đào gọi Na Tra nói:
– Sư huynh! Thầy cho đòi sư huynh đến lập tức.
Na tra vội vào yết kiến.
Thái Ất nói:
– Nay đã đến lúc lập công, ta cho ngươi xuống thế. Hiện nay Tây Kỳ đang nguy cấp, tướng Trụ đến hoành hành, ngươi xuống đó theo sư thúc của ngươi là Khương Tử Nha mà lập công danh sự nghiệp. Ngươi phải rán hết lòng phò tá minh trung.
Na Tra nghe nói mừng rỡ, lạy thầy giã bạn mang túi phép, cầm giáo dài lên xe Phong Hỏa thẳng xuống Tây Kỳ.
Người sau có thơ khen:
Hai bánh xe linh gió cuốn cờ
Ði cùng thế giới một đôi giờ
Na Tra nay xuống phò vua Võ
Gặp hội rồng mây dựng cõi bờ.
Na Tra đạp xe phép đi nửa lừng, đến Tây Kỳ liền sa xuống đất hỏi thăm tướng phủ, rồi tìm đến nơi, gọi quân vào báo với Tử Nha.
Quân hầu vâng lệnh vào thưa:
– Có một đạo đồng đến trước cửa phủ muốn ra mắt Thừa Tướng.
Tử Nha vốn trọng đạo, nghe nói bèn truyền binh sĩ mời vào.
Na Tra vào trước án thi lễ và nói:
– Tôi xin ra mắt sư thúc.
Tử Nha hỏi:
– Ngươi ở động nào ta chưa rõ?
Na Tra thưa:
– Ðệ tử ở núi Càng Nguyên, động Kim Quang, tên Na Tra, học trò của ông Thái Ất. Nay tôi vâng lịnh thầy đến hiệp lực với sư thúc giúp chúa lập công.
Tử Nha nghe nói mừng rỡ khôn cùng.
Hoàng Phi Hổ thấy Na tra vội bước tới tạ ơn cứu tử ngày trước.
Na Tra hỏi Tử Nha:
– Chẳng hay tướng nào đám đến đánh thành trì ta vậy?
Tử Nha nói:
– Trương Quế Phương là tướng trấn ải Thanh Long. Tướng này rất lợi hại, dùng tà thuật bắt luôn hai tướng trong một trận, nên ta phải treo miễn chiến bài.
Na Tra nói:
– Tôi đã vâng lịnh thày xuống đây trợ chiến, chẳng lẽ ngồi không, xin cho tôi ra trận đánh thử với Quế Phương xem sao.
Tử Nha nhận lời, truyền quân dẹp bảng treo miễn chiến bài.
Quân thám thính thấy vậy về bảo với Trương Quế Phương:
– Tây Kỳ đã gỡ bỏ bảng treo miễn chiến bài rồi.
Trương Quế Phương nói với Phong Lâm:
– Mấy hôm nay Tử Nha không dám ra binh, nay chắc có cứu binh đến tiếp cứu, nên mới dự tính giao tranh như vậy, ngươi dẫn ba ngàn quân ra khiêu chiến.
Phong Lâm vâng lệnh cầm thương lên ngựa đến cửa thành mắng chửi.
Na Tra cầm giáo dài, lên xe thẳng ra trận, Tử Nha gọi lại dặn:
– Ngươi phải đề phòng mới được, vì Phong Lâm có tà thuật lợi hại lắm.
Na Tra thưa:
– Ðệ tử sẽ tùy cơ ứng biến, xin sư thúc đừng lo.
Na Tra ra khỏi ải.
Phong Lâm xem thấy hỏi lớn:
– Ngươi là ai dám ra đây chịu chết?
Na Tra nói:
– Ta là sư điệt của Khương Thừa Tướng, họ Lý tên Na Tra, còn ngươi có phải là Trương Quế Phương, con cú độc miệng kêu tên làm cho người ta té hay không?
Phong Lâm đáp:
– Không phải. Ta là tiên phong Ðại tướng tên Phong Lâm.
Na Tra nói:
– Thôi ta tha ngươi khỏi chết, hãy về kêu Trương Quế Phương ra đây cho ta bảo.
Phong Lâm nổi giận vung giáo đâm liền. Na Tra cũng ra tài cự địch. Xe ngựa xông pha, đánh trên hai mươi hiệp
Phong Lâm nghĩ thầm:
– Lối đánh của Na Tra kỳ lạ lắm thế nào cũng có phép thần thông. Nếu ta không ra tay trước ắt phải lụy.
Nghĩ rồi quầy ngựa chạy dài. Na Tra giục xe đuổi theo như gió.
Phong Lâm thấy Na Tra theo gần đến liền phun khói lỗ mũi hóa ra trái châu.
Na Tra trông thấy cười lớn:
– Phép ấy dở lắm!
Tức thì đưa tay chỉ một cái, tự nhiên trái châu tan mất.
Phong Lâm thấy Na Tra phá mất phép mình, nổi giận quày ngựa trở lại đánh liều, bị Na Tra quăng Càng Khôn Quyện đập trúng vai bên tả, vỡ thịt lòi xương, đau quá gần rơi xuống ngựa. Phong Lâm gắng gượng ôm cổ ngựa chạy thẳng về dinh.
Na Tra đuổi theo kêu Quế Phương ra trận.
Phong Lâm về đến dinh thuật lại các việc cho Quế Phương nghe.
Quế Phương nổi giận, cầm cương giục ngựa ra khỏi trại, trông thấy Na Tra, liền hỏi:
– Tên súc sanh đứng trên xe đó có phải Na Tra không?
Na Tra đáp:
– Ta là Na Tra đây.
Quế Phương nói:
– Ngươi vừa đánh tên tướng Tiên phuông của ta khi nãy phải không?
Na Tra cười lớn đáp:
– Ta nghe ngươi có tài kêu tên ai thì ngươi ấy té nên ta đến đây bắt ngươi.
Nói rồi cầm giáo đâm liền.
Trương Quế Phương đưa thương ra đỡ. Hai tướng đánh vùi với nhau được bốn mươi hiệp, Na tra múa thương hay lắm, chẳng khác mưa bay gió bão, Trương Quế Phương đánh không lại, bèn cất tiếng kêu lớn:
– Na Tra không té xuống xe còn đợi chừng nào?
Na Tra nghe kêu thất kinh, hai chân kềm cứng trên xe, song coi bộ tự nhiên, thư bình vô sự.
Trương Quế Phương lấy làm lạ nghĩ thầm:
– Thầy ta dạy phép thâu hồn này, hễ kêu lên là đối phương phải hôn mê bất tỉnh. Từ trước đến nay hiệu nghiệm lắm, bây giờ sao lại hết linh.
Nghĩ rồi lại kêu nữa.
Na Tra không thèm nói lại, Quế Phương kêu đến ba lượt, Na Tra nổi xung mắng lớn:
– Ngươi là đứa thất phu! Ta đã không chịu xuống xe, ngươi gọi mãi mà làm chi?
Trương Quế Phương giận lắm vung giáo đánh tiếp một hồi, nhưng cự với Na Tra không lại, mồ hôi ướt giáp, hơi thở phì phào.
Na Tra liền lấy Càn Khôn Quyện quăng lên, đánh trúng cánh tay trái của Trương Quế Phương đứt gân gãy xương, gần nhào xuống ngựa.