Hồi 26: Đát Kỷ bày mưu hại Tỉ Can

Cách ít lâu, Tỉ Can truyền may áo hồ cừu xong, chờ mùa đông lạnh lẽo đem dâng cho Trụ Vương.

Ngày tháng như thoi đưa, trời đông lạnh lẽo âm thầm đến. Vua Trụ cùng Ðắt Kỷ âu yếm trên Lộc đài, bên ngoài gió lạnh từng hồi, mưa bay mù mịt, tuyết rơi lộp độp đọng vào những cành cây, kẽ lá mọi vật như chìm đắm trong u huyền.

Bỗng có quan thái giám vào báo:

– Thừa Tướng Tỉ Can xin vào yết kiến.

Trụ Vương truyền lệnh đòi Tỉ Can lên lầu hỏi:

– Trời đông lạnh lẽo, khanh có việc gì cầu bảo tấu?

Tỉ Can tâu:

– Lộc đài cao vút nửa lừng trời, gió tuyết mùa đông lạnh như cắt ruột, hạ thần sợ bệ hạ se mình nên đem dâng áo hồ cừu này để bệ hạ dùng tạm.

Trụ Vương nói.

– Hoàng thúc lớn tuổi, lẽ phải để áo mà dùng cho đỡ rét. Nay Hoàng thúc đã tưởng tình trẫm, trẫm không nhận e phụ lòng.

Tỉ can thấy vua Trụ bằng lòng, lật đật xuống Lộc đài bảo tên tùy tùng bưng mâm áo lên. Vua Trụ thấy bên ngoài sắc đỏ, bên trong lông cáo rái mịn màng. Tỉ Can mở áo ra, mặc cho Trụ Vương.

Trụ Vương thấy áo đẹp cười khoái chí, nói:

– Trẫm gồm thu thiên hạ, giàu có bốn biển. nhưng vẫn chưa có được áo đẹp như vầy, nay Hoàng thúc tưởng tình dâng áo cho trẫm đỡ lạnh, ơn ấy chẳng biết bao giờ phai trong lòng trẫm được.

Dứt lời, Trụ Vương truyền dọn tiệc rượu đãi Tỉ Can để tỏ tình tri ân.

Ðắt Kỷ ở trong màn dòm ra, thấy chiếc áo hồ cừu làm bằng da con cháu mình lòng đau như cắt, ruột nóng như dầu sôi, nhưng không biết nói lẽ nào được, nghiến răng nhủ thầm:

– Lão Tỉ Can! Ngươi ở chi ác quá vậy? Dù con cháu ta có đến đây ăn tiệc cũng không can cớ gì đến ngươi. Ngươi đã giết lấy da lại còn may áo đem đến đây trêu tức ta nữa, nếu ta chẳng móc tim ngươi ra thì không đáng mặt Chánh cung.

Ðắt Kỷ miệng nói lâm râm mà hai hàng nước mắt trào ra lại láng.

Còn vua Trụ uống rượu với Tỉ Can, chuyện vãn một hồi, Tỉ Can tạ từ lui về dinh, vua Trụ mặc ao hồ cừu bước vào phòng hoa nói với Ðắt Kỷ:

– Lộc đài cao vòi vọi gió đông tuyết lạnh, Hoàng thúc tưởng tình vua tôi, đem dâng áo đẹp, trẫm rất hài lòng.

Ðắt Kỷ nói:

– Theo ý thần thiếp thì bệ hạ không nên mặc áo ấy. Bệ bạ là mình vàng vóc ngọc lẽ nào lại mặc áo da cáo thì có tốt lành chi.

Trụ Vương nói:

– Ái Khanh nói phải lắm. nhưng đây là cảm tình của Hoàng thúc đối với trẫm, không lẽ trẫm trả lại. Ðể trẫm cất vào kho làm vật kỷ niệm.

Nói rồi liền cởi áo hồ cừu, trao cho quan Thái giám đem cất vào kho.

Từ ấy Ðắt Kỷ chất chứa cừu hận trong lòng, cố hại cho được Tỉ Can, nhưng tháng lại ngày qua, vẫn chưa tìm ra được mưu kế.

Ngày kia, Ðắt Kỷ ngồi dự yến với Trụ Vương trên Lộc đài, bỗng nảy sanh một kế độc, lòng hớn hở mặt tươi như hoa, khác với những ngày u buồn, tủi nhục. Vua Trụ thấy mặt Ðắt Kỷ phút chốc trở nên xinh đẹp lạ thường, ngồi nhìn trân trân không nháy.

Ðắt Kỳ hỏi:

– Vì cớ gì bệ hạ nhìn chăm chăm thần thiếp như vậy?

Trụ vương không nói. Ðắt Kỷ hỏi nữa:

– Thần thiếp có điều gì làm Bệ bạ kinh ngạc?

Trụ Vương nói:

– Hôm nay trẫm thấy ái khanh đẹp hơn mọi ngày. Sắc đep như đóa hoa xuân nở trong mùa đông vậy.

Ðắt Kỷ làm màu mè, nói:

– Bệ hạ quá khen, thần thiếp hầu bệ hạ lâu nay đã sắc kém hương phai, hoa tàn nhụy rữa, nhờ bệ hạ thương nên mới được nồng thắm như vầy. Thần thiếp hiện có một người em bạn họ Hồ tên là Hỉ Mị, nay đang tu luyện tại cung Tử Tiên, nhan sắc nàng ấy trăm phần, thần thiếp chưa bì được một.

Trụ vương là một người háo sắc nghe Ðắt Kỷ tán tỉnh như vậy tính dục nổi lên, mặt ửng hồng, nói:

– Ái khanh có bạn quí hóa như vậy sao không cho trẫm thấy mặt?

Ðất Kỷ làm ra vẻ quan trọng:

– Hỉ Mị là con gái đồng trinh, xuất gia từ thuở nhỏ, lòng ưa thanh tịnh đâu muốn đến chốn này.

Trụ Vương nói:

– Ðã là tình bạn lẽ nào tị hiềm. Nếu ái khanh lập mưu thế nào cho Hỉ Mị đến đây cho trẫm được thấy một lần thì công ơn của ái khanh chẳng bao giờ trẫm dám quên.

Ðắt Kỷ tâu:

– Lúc thần thiếp còn nhỏ, ở tại Ký Châu, Hỉ Mị có đến chơi mấy lần, và trao cho thần thiếp một loại hương trầm gọi là tín hương, dặn lúc nào nhớ nhau thì thắp hương ấy Hỉ Mi sẽ đến thăm. Nhưng từ lúc thần thiếp về hầu Bệ hạ đến nay, nghĩ mình ở trong cung cấm, không còn cảnh tự do, thanh tịnh nữa, nên không đám dùng đến tín hương mời bạn.

Trụ Vương nghe nói mừng rỡ, bảo:

– Sao ái khanh không đốt tín hương mời Hỉ Mị đến đây chơi cho biết cảnh giàu sang của trẫm?

Ðất Kỷ nói:

– Cảnh giàu sang của bệ hạ mà thần thiếp phải xa rời Hỉ Mị. Vì Hỉ Mị là người tu hành, không thích cảnh giàu sang nhung gấm, nhất là việc lễ nghi.

Trụ Vương nói:

– Ái khanh đừng lo. Trẫm chỉ muốn thấy mặt người đẹp thôi, trẫm sẽ không bắt Hỉ Mị phải hầu trẫm đúng theo nghi lễ đâu.

Ðắt Kỷ nói:

– Nếu được Bệ hạ rộng lượng như vậy thần thiếp mới dám đốt hương mời bạn.

Trụ Vương giục:

– Mọi việc trẫm đều chiều ý ái khanh, ái khanh mau đốt tín hương đi.

Ðắt Kỷ nói:

– Bây giờ còn sớm lắm, vả lại Hỉ Mị là người tiên, không phải kẻ phàm tục muốn thỉnh lúc nào cũng được. Ðợi rạng ngày thần thiếp tắm gội sạch sẽ, tối mai mới đặt bàn hương án mà vái nàng.

Trụ Vương nói:

– Trẫm đang nóng lòng muốn trông thấy người đẹp, ái khanh chớ diên trì.

Ðêm ấy Ðắt Kỷ dùng thuật riêng, làm cho vua Trụ mê man ngủ vùi, không còn biết trời trăng gì nữa. Ðợi đến canh ba, Ðắt Kỷ hóa hồ ly tinh, nổi gió bay về mả Huỳnh Ðế.

Cửu Ðầu Trĩ Kê biết được vội ra ngoài nghênh đón, khóc lóc than:

– Chị ơi! Chỉ vì một tiệc no say mà cả con cháu chúng ta đều chết hết. Em đây nhờ tu luyện lâu năm, lửa thường không cháy nên mới sống sót một mình. Em nghĩ, chúng đã giết hết con cháu còn lột da làm áo hồ cừu, thảm họa như vậy lẽ nào chị không hay?

Ðắt Kỷ cũng lau nước mắt nói:

– Chị không ngờ tai nạn xảy đến cho gia đình chúng ta như vậy, nếu không trả được thù này chị em ta không thể sống được.

Nay chi tính một kế như vầy nên về đây bàn luận với em.

Cửu Ðầu Trĩ Kê hỏi:

– Chị tính lẽ nào xin cho em biết.

Ðắt Kỷ nói:

– Trước đây con cháu sum vầy, gia đình êm ấm, em phải thay chị ở đây dạy dỗ chúng nó. Nay chúng nó chết hết rồi, còn lại một mình em, thôi thì em đến ở với chị cho có chị có em đồng hưởng lộc triều đình, sớm khuya bầu bạn.

Cửu Ðầu Trĩ Kê nói:

– Ý chị muốn cả hai chị em mình hiến thân cho vua Trụ.

Ðắt Kỷ nói:

– Phải! Chị muốn như vậy. Nhưng chuyện đó chỉ mới một việc, còn một việc quan trọng nữa.

Cửu đầu Trĩ Kê hỏi:

– Việc gì quan trọng hơn?

Ðắt Kỷ nói:

– Chị nghĩ ra một kế trả thù lão Tỉ Can, nếu có em bên chị thì chị có thể móc tim lão già này dễ như lấy đồ trong túi.

Nói xong, Ðắt Kỷ bầy tỏ âm mưu của mình, và dặn dò Trĩ kê mọi việc.

Trĩ Kê tạ ơn, và nói:

– Nếu chị đoái tưởng đến em thì để tối mai em sẽ đằng vân đến Lộc đài.

Ðắt Kỷ liền đằng vân trở về triều, hiện hồn nhập xác. Vua Trụ vẫn còn đang ngủ mê, không hay biết gì cả.

Sáng ngày vua Trụ thức dậy, trông cho mau tối đặng thấy mặt tiên nga. Phút chốc bóng ác đã xuống non Ðài, cung thiềm lên khỏi núi.

Thật là:

Thỏ bạc chờn vờn vượt biển Ðông

Hào quang tỏ rạng cõi hư không

Khác nào châu ngọc ven trời hiện

Vằng vặc trong veo chói giữa sông.

Trụ Vương thấy trăng mọc liền đòi Ðắt Kỷ đốt hương thỉnh Hỉ Mị.

Ðắt Kỷ nói:

– Thần thiếp đốt hương thỉnh Hỉ Mị đến đây xin Bệ hạ chịu khó lánh mặt, chừng nào thần thiếp thông cảm được với Hỉ Mị sẽ mời Bệ hạ ra mắt.

Tra Vương nói:

– Ái khanh tính lẽ nào trẫm cũng chiều theo hết.

Ðắt Kỷ liền rửa tay chân sạch sẽ, lấy mảnh hương đốt, cố ý làm màu với vua Trụ. Thực ra khói hương ấy không có tác dụng gì cả.

Vừa hết canh một, bỗng nghe gió thổi rạt rào, một vừng mây che khuất mặt trăng âm u cả trời đất. Tiếp đó một trận gió thổi đến, hơi âm khí nghe rợn người.

Trụ Vương thất kinh hỏi:

– Trăng đang tỏ ra như ban ngày vì sao lại có mây che gió lạnh?

Ðắt Kỷ tâu:

– Chắc là Hồ Hỉ Mị nương nương cỡi mây gió mà đến. Nói chưa dứt lời, nghe tiếng ngọc khua rổn rảng, dường như có tiếng chân người bước trên thảm gỗ.

Ðắt Kỷ hối vua Trụ:

– Hỉ Mị đã xuống đài, xin Bệ hạ vào phòng ẩn mặt. Chừng nào tôi nói được với nàng, sẽ mời Bệ hạ diện kiến.

Vua Trụ vội vã vào phòng đứng sau bức rèm, trố mắt nhìn ra xem lén.

Ðắt Kỷ biết Trụ Vương thế nào cũng theo dõi cuộc nói chuyện của mình, nên đóng vai trò rất khéo.

Xảy nghe trời lắng gió, có một nàng đeo bội ngọc, mặc áo bát quái, buộc đai ngũ vân, chân mang giày gai, đầu cài tóc phụng, lững thững bước tới trước mặt Ðắt Kỷ. Bấy giờ trăng đã sáng tỏ, nên Trụ Vương trông thấy tường tận.

Nàng Hỉ Mị má đỏ như mặt trời, da mặt trắng như hoa tuyết, miệng nhỏ mà cười có duyên, cốt cách thanh tao, nhã nhặn, mười vẻ phong lưu không thiếu một.

Ðắt Kỷ bước đến gần chào hỏi:

– Chào hiền muội.

Hỉ Mị nói:

– Em xin ra mắt chị.

Hai người dắt tay nhau vào điện, trà nước đãi đằng. Ðắt Kỷ nói:

– Năm xưa hiền muội có dặn, muốn mời nhau thì đốt tín hương. Thật quả như lời, không hề thất tín. Ðôi bạn chúng ta xa cách lâu ngày được gặp, còn gì vui thích hơn.

Hỉ Mị nói:

– Em vừa nghe mùi tín hương vội vã theo hơi gió tìm đến. Em với chị tình nghĩa đậm đà, lẽ nào thất ước.

Vua Trụ nhìn Hỉ Mị rồi ngắm Ðắt Kỷ thì thấy Ðắt Kỷ nhan sắc tàn phai hơn năm phần. Lòng vua ước ao:

– Nếu được chung gối cùng Hỉ Mị một đêm dù ngai vàng xiêu vẹo cũng không tiếc.

Ðắt Kỷ hỏi hỉ Mị:

– Em ăn chay hay ăn mặn?

Hỉ Mị nói:

– Em là người tu hành từ thuở bé, đâu dám bỏ phép.

Ðắt Kỷ liền truyền cung nga dọn một tiệc chay, để cùng Hỉ Mị vừa ăn uống vừa tâm tình.

Vua Trụ ngồi trong màn nhìn Hỉ Mi không nháy mắt, xem Hỉ Mị như Hằng Nga trong cung Nguyệt, như tiên tử xuống trần, mấy lần muốn vén màn bước ra để được hầu tiếp người ngọc, nhưng không dám, vì đã có lời Ðắt Kỷ dặn đò, cứ ngồi cào tai, gãi má, lâu lâu lại điểm mấy tiếng đằng hắng, ý muốn hối Ðắt Kỷ nói chuyện mình cho mau.

Ðắt Kỷ ngồi bên ngoài đã hiểu ý Trụ Vương, nhìn Hỉ Mị cười chúm chím và nói:

– Chị muốn nói với em một việc, chứng biết em có bằng lòng không?

Hỉ Mị nói:

– Tình bạn hữu, chị sai khiến việc gì em lại dám cải?

Ðắt Kỷ nói:

– Chị khoe với Thiên tử em là một tiên nữ tài sắc vẹn toàn. Thiên tử ước ao mặt rồng được trông thấy tiên nga, vậy xin hiền muội chớ tị hiềm, cho Thiên tử được hội kiến.

Hỉ Mi nói:

– Em là phận gái, lại là kẻ tu hành, người tiên kẻ lục không lẽ chung chạ được sao? Còn nếu lấy đạo vua tôi thì càng trái lễ nghi, xin đừng ra mặt.

Ðắt Kỷ nói:

– Hiền muội đừng cố chấp như vậy. Hỉ muội là người tu hành, đã ra ngoài tam giới, không còn ràng buộc nghĩa vua tôi, cũng không ở trong chỗ thường trai gái. Còn bệ hạ là bậc Thiên tử bốn biển đều tôi coi, dẫu hiền muội có hội kiến với Thiên tử cũng chẳng có gì trái đạo.

Hỉ Mị ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Chị đã dạy như vậy em đâu dám chối từ. Vậy xin mời Thiên tử ra đây để em tiếp kiến.

Vua Trụ nghe có tiếng mời liền bước ra lập ước. Hỉ Mị chắp tay thi lễ, và nói:

– Xin mời Bệ hạ an vị.

Vua Trụ ngồi ghé lại, nghe hai nàng tâm sự với nhau. Vua Trụ thấy Hỉ Mị ăn nói rất có duyên, nhan sắc lại đậm đà, mỗi cử chỉ đều làm xiêu lòng Trụ Vương không ít. Trụ Vương mắt nhìn Hỉ Mi không nháy, mồ hôi ra ướt mình.

Ðắt Kỷ liếc thấy vua Trụ đã si tình, lửa dục đã đến lúc bừng cháy, liền đứng dậy giả vờ đi thay áo, nói với Trụ Vương:

– Xin Bệ hạ thay mặt thần thiếp rót rượu mời Hỉ nương nương, thần thiếp thay áo xong sẽ trở ra lập tức.

Ðắt Kỷ đi rồi, vua Trụ liếc mắt đưa tình, Hỉ Mị hổ ngươi cười chúm chím.

Trụ Vương rót một chén rượu trao cho Hỉ Mị.

Hỉ Mi tiếp lấy, dùng lời thanh tao tạ ơn:

– Nhọc công bệ hạ quá! Tôi đâu dám uống.

Trụ Vương thừa cơ nắm tay Hỉ Mị.

Hỉ Mị làm thinh không nói. Trụ vương liền bấm Hỉ Mị, bảo:

– Trẫm xin dắt tiên cô ra ngoài đài ngoạn nguyệt.

Hỉ Mị gật đầu. Trụ Vương nắm tay Hỉ Mi đồng ra trước hiên đến chỗ vắng vẻ. Trụ vương ôm choàng lấy Hỉ Mị, đồng đứng xem trăng. Vua Trụ hỏi Hỉ Mị:

– Sao tiên cô không dứt việc tu hành mà ở trong cung với Hoàng hậu, bỏ điều lạt lẽo hưởng thú mặn nồng, vui với giàu sang gan nơi khoái lạc. Người không trăm tuổi lẽ nào ép xác làm chi. Tiên cô bằng lòng thì trẫm sẽ làm theo ước nguyện…

Hỉ Mi làm thinh không nói lại. Trụ Vương biết ý ngựa đã chịu cương, nếu không lên yên thì bỏ lỡ dịp tốt liền lập trận mê hồn, đem hết tài năng của một tướng lãnh đã từng xông pha nơi chiến trận. Hỉ Mị ban đầu cũng làm màu, nửa xô nửa chịu. Trụ Vương thấy vậy lại càng thích thú hơn, xua binh vào trận.

Một hồi mưa tạnh gió tay, Ðắt Kỷ mới ra mặt. Thấy Hỉ Mị hơi thở như gió vút, tóc rối như tơ vò, liền làm bộ hỏi:

– Hiền muội vì sao bơ phờ như vậy?

Vua Trụ không đợi Hi Mị, trả lời thay.

– Trẫm chẳng dám giấu, lá lay tại ông bà nguyệt, buộc chân cả chị lẩn em. Ơn ái khanh tiến cử mỹ nhân, trẫm nhớ hoài cho đến thác. Nay hai chị em đồng hầu một chỗ, hưởng lộc lâu dài.

Nói rồi truyền dọn tiệc ăn mừng, cho đến canh khuya mới đi nghỉ.

Người sau có thơ như vầy:

Nước mất vì vua ám,

Thời hư rước quỉ về

Thấy lời trung lại ghét

Nghe tiếng nịnh thì mê

Hoàng hậu là Hồ mi

Mỹ nhân thiệt Trĩ Kê

Tỉ Can đà tới số

Gặp yêu động ra nghề.

Vua Trụ cùng nàng Hỉ Mị ở trong cung cấm để vui thú nguyệt hoa, bá quan trong triều không một ai hay biết. Còn Trụ Vương mê Hỉ Mị bây giờ còn quá hơn Ðắt Kỷ lúc trước, chúa tôi không thấy mặt, việc triều đình bỏ hết chẳng màng. Nhờ có Võ Thành Vương cầm quyền Nguyên soái, cai trị bốn mươi tám vạn nhân mã gìn giữ Kinh đô nên nhân dân mới yên ổn. Tuy vậy Võ Thành Vương cũng như các quan Giám Nghị chẳng bao giờ được thấy mặt Trụ Vương nữa.

Bữa nọ, Hoàng Phi Hổ hay tin Ðông Bá Hầu Khương Văn Hoán chia binh đánh núi Gia Mã, muốn chiếm ải Trần Ðường, vội vã làm sớ định dâng lên vua, nhưng chờ mãi, không làm sao gặp mặt được Trụ Vương, đành phải trở về dinh. Hôm sau, Hoàng Phi Hổ lại cầm sớ thẳng đến Lộc đài, nhưng Trụ Vương từ chối không cho yết kiến.

Hoàng Phi Hổ cực chẳng đã phải tùy tiện sai Lỗ Hùng đem mười vạn binh ra ngoài chống cự.

Còn vua Trụ được Hỉ Mị, mây mưa bất kể ngày đêm, múa hát tưng bừng chẳng cần khuya sớm, xem tửu sắc là trọng, coi xã tắc như không.

Một hôm, Ðắt Kỷ vừa ăn xong, bỗng ré lên một tràng, nhào lăn xuống đất Trụ vương thất kinh mồ hôi đầm đìa trên áo vì thấy Ðắt Kỷ máu tươi tuôn ra nói năng chẳng nên lời thì kêu lên:

– Ðã mấy năm nay Ngự thê ở với trẫm nay xảy ra bệnh lạ trẫm biết chạy chữa thế nào.

Hỉ Mị thấy thế chặt lưỡi nói rằng:

– Bệnh cũ của chị tôi trở lại.

Vua Trụ day nhìn Hỉ Mị lật đật hỏi:

– Mỹ nhơn cũng biết chứng bệnh cửa Ngự thê nữa à?

Hỉ Mị cúi đầu thi lễ:

– Thưa bệ hạ, tiện nữ cùng Hoàng hậu là chị em bạn gái ở Ký Châu.

Vưa Trụ liền hỏi:

– Người đẹp đã biết chứng bệnh của Ngự thê?

Hỉ Mị đáp:

– Muôn tâu, chứng bệnh của Hoàng hậu là chứng bệnh đau bụng có lần đã chết giấc như vậy.

Trụ vương thoáng nhìn Ðắt Kỷ vụt hỏi:

– Lần chết giấc ấy có thuốc gì trị liệu?

– Tại Ký Châu có một vị thầy thưốc hay lắm họ Trương tên Nhuận sắc trái tim tím phỏng của người ta đổ vào miệng chị tôi một hớp, chị tôi sống lại.

Nghe qua Trụ vương tươi ngay nét mặt nói:

– Trẫm sẽ đòi Trương Nhuận trị bịnh cho Ngự thê.

Người đẹp Hỉ Mị cúi mặt giả vờ lau nước mắt nói:

– Từ đây qua đến Ký Châu đi và về có hơn một tháng, để rước Trương quân thủ thì thây chị tôi đã rã rồi. Họa là chọn người trong triều ca tìm cho được trái tim tầm phỏng sắc đỡ thì may ra còn cứu được bằng để lâu e chị tôi khó sống!

Vua Trụ ra chiều suy nghĩ rồi hỏi Hỉ Mị:

– Trẫm có biết ai có tim tầm phỏng để làm thuốc trị bệnh cho Ngự thê?

– Bệ hạ không chê tiện thiếp là quê mùa thì tiện thiếp có thể đánh tay xem quẻ vì ngày trước thần thiếp có học phép tiên.

Trụ vương nghe nói lấy làm ngạc thiên nhưng không che giấu được nỗi vui mừng nên truyền Hỉ Mi đánh tay cho mau.

Hi Mị ngồi đánh tay mãi hết ngược rồi đến xuôi, một chập sau chắt lưỡi than rằng:

– Trong triều có quan Ðại Thần đến chức cực phẩm, thần thiếp e bất tiện, khó nỗi cứu nương nương.

Tra Vương nóng nảy hỏi:

– Người ấy là ai nói mau nghe thử, ta không thể chờ lâu hơn nữa được.

Hỉ Mi cố kéo lâu để đốt lòng nóng giận của Trụ Vương nên khẽ đáp:

– Thưa bệ hạ chỉ có trái tim của Tỉ Can là bảy lỗ, ngoài ra người khác thì không có.

Vua Trụ vẻ mặt kém vui ôn tồn nói:

– Tỉ Can là Hoàng Thúc một họ với vua, nhưng Hoàng Thúc biết được chuyện này lẽ nào lại làm ngơ tiếc rẻ trái tim mà không cứu được bệnh cho Ngự Thê đang lâm cơn bệnh ngặt.

Nói, đoạn nhà vua truyền Ngự trát đòi Hoàng Thúc Tỉ Can vào chầu lập tức.

Lúc ấy nơi tư gia Tỉ Can nhàn rỗi chẳng biết tính mưu gì cho việc nước, xảy nghe Khắc Vân bảo có ngự trát đến đòi. Tỉ Can tiếp ngự trát rồi căn dặn ngự trát về trước.

Hoàng thúc Tỉ Can ngồi bóp trán suy nghĩ trong triều không có việc gì cho lắm cớ sao nhà vua đòi gấp thế này. Nghĩ mãi chưa tìm ra câu trả lời thì ngự trát đến thúc. Trong khoảnh khắc có hơn năm tên ngự trát đến đòi. Tỉ Can đâm nghi nhưng chẳng biết lành dữ ra sao. Ðang phân vân thì quan Phụng Ngự Trần Thanh mang ngự trát đòi nữa.

Tỉ Can cúi đầu nhận trát rồi hỏi Trần Thanh:

– Trong triều có việc gì khẩn lắm sao mà trát đòi sáu bảy lần như vậy?

Trần Thanh vòng tay cúi mặt giọng buồn rầu nói:

– Vận nước đến hồi suy sụp Bệ bạ mới dùng đạo cô là Hồ Mị, hồi sớm mai nương nương đau bụng ngã xuống tắt hơi.

Hồ Mị nói rằng:

– Nếu trái tim ai tầm phỏng như cọng sen, sắc lấy nước đem đổ thì nương nương sống lại.

Nghe như vậy Bệ hạ mới hỏi:

– Ai có trái tim tầm phỏng?

Hồ Mị nói:

– Chỉ có trái tim Thừa Tướng là bảy lổ nên Thiên tử quyết mượn trái tim của Hoàng Thúc mà cứu Hoàng hậu.

Thoáng nghe tin sét đánh bên tai Tỉ Can rụng rời tay chân, nói:

– Ngươi đến Ngọ môn quan chờ, ta sẽ đến ngay.

Tỉ can đi vào trong nói với vợ là Mận thị rằng:

– Phu nhơn ôi! Trong triều đã hết người rồi vì hôm nay ta phải thác, Phu nhơn hãy nuôi dưỡng con khờ Vi Tử Ðức và cố giữ phép nhà.

Dứt lời khóc to hơn. Mạnh phu nhân nghe rõ câu chuyện biến sắc hỏi:

– Tướng công nói chi lời thống thiết ấy đau lòng thiếp.

Tỉ Can ngẫn nhìn vợ phân giải:

– Ðắt Kỷ có bệnh, hôn quân nghe lời yêu mị đòi lấy trái tim ta mà làm thuốc, thì bảo sao ta không thác cho được.

Mạnh Phu nhơn ôm mặt kể lể:

– Ông làm quan đến chức Thừa Tướng trên không phạm phép vua, không quấy rầy quan dưới, ái quốc trung quân thiên hạ đều nghe đều thấy, tội tình chi mà mổ bụng lấy tim cho đành.

Vi Tử Ðức đứng bên mẹ lăn lộn khóc và nói rằng:

– Xin cha đừng lo cho mệt, con nhớ lại năm trước Khương Tử Nha coi tướng cho cha, đoán không bao lâu cha sẽ bị tai nạn nên người có để lại một miếng giấy cất trong thư phòng, người căn dặn đến cơn hoạn nạn coi tấm giấy ấy thoát nạn.

Tỉ Can như người tỉnh mộng gật đầu nói:

– Nếu con không nhắc thì cha quên rồi.

Ðoạn đi vào thư phòng thấy dưới nghiêng mực còn dằn một trương giấy coi chữ dặn dò kỹ lưỡng, lại có một đạo phù. Tỉ Can truyền thắp đèn và múc chậu nước lạnh. Tỉ Can đốt bùa uống rồi lên ngựa vào chầu.

Trần Thanh để lậu sự nên quan dân đều biết rõ ràng: vua muốn lấy tim Tỉ Can làm thuốc trị bệnh cho Ðắt Kỷ.

Hoàng Phi Hổ cùng các quan đại thần đều kinh hãi không hẹn mà đồng đến Ngọ môn quan.

Lúc đó Tỉ Can cỡi ngựa đến, bá quan vây quanh hỏi:

– Vì cớ nào vậy?

Tỉ can bài giải:

– Theo lời Trần Thanh bệ hạ đòi lấy tim tôi làm thuốc trị bệnh, chẳng biết có đúng như vậy không?

Bá quan đưa đón một hồi Tỉ Can đến Lộc đài yết kiến nhà vua.

Vua Trụ đang sốt ruột đợi, thấy Tỉ Can đến truyền vời lên Lộc đài.

Tỉ Can lên rồi Vua Trụ mời ngồi phán rằng:

– Ngự thê phát chứng đau bụng gần nín thở, có trái tim tầm phỏng thì trị được. Duy chỉ có Hoàng thúc có Linh lung tim, xin cho một miếng để cứu bịnh hiểm nghèo, thiệt là ơn tái tạo.

Tỉ Can cung kính thưa:

– Trái tim là chủ cái thân, ẩn trong hai lá phổi, trăm vật động không phạm đến, hễ phạm đến thì chẳng còn, trái tim thẳng thì tay chân thẳng, trái tim chẳng ngay thì tay chân chẳng ngay, cội báo của tử nhi mộng linh của vạn vật. Như trái tim bị cắt thì còn sống làm sao được? Lão thần thác cũng không phiền hà gì, tiếc gì xã tắc tan tành, hiền lương vắng vẻ. Nay hôn quân nghe lời yêu muội, muốn lấy tim ta, Tỉ Can còn thì giang san còn nếu Tỉ Can mất thì giang san mất.

Vua Trụ khoát tay tỏ dấu không bằng lòng, nói:

– Hoàng Thúc nói đúng lắm. Trẫm xin cắt trái tim một chút cũng không đến đỗi gì phải nói chi cho dài dòng lắm chuyện.

Tỉ Can giận đỏ mặt thét lớn:

– Hôn quân đắm mê tửu sắc, ăn nói chẳng nên điều. Nếu cắt một miếng trong tim thì ta phải chết. Tỉ Can không phạm tội móc tim mổ bụng sao hành hình cho đến thế này.

Vua Trụ vỗ bàn nạt lớn:

– Vua khiến tôi thác, tôi không chịu thác thì bất trung. Dám mắng vua trên đời có bầy tôi nào như vậy chăng? Nếu không vâng lệnh trẫm, trẫm sai võ sĩ mổ bụng lấy tim.

Tỉ Can đã đến nước liều nên không dằn nổi được phải nói:

– Ðắt Kỷ là con tinh. Ta dẫu có thác xuống suối vàng cũng không hổ với tiên đế.

Vụt ông day qua đám võ sĩ nói:

– Võ sĩ mau đem gươm cho ta…

Quan phụng ngự dâng gươm. Tỉ Can nhắm ngay nhà Thái Miếu làm lễ tám lạy và vái rằng:

– Thánh Thần tiên vương linh chứng. Nay Ân Thọ làm hư sự nghiệp 28 đời chẳng phải tại tôi không trung nghĩa.

Lạy tạ xong cởi đai trật áo mổ bụng mà không chảy máu tí nào và rứt phăng trái tim quăng trước mặt vua Trụ, mặt mày tái ngắt, gài nút áo phăng phăng xuống đài.

Các quan đại thần đưa Tỉ can khi nãy, nhóm trong đền lớn có ý đợi tin tức của Thừa Tướng. Ðương bàn luận với nhau bỗng nghe tiếng giày đi tới. Hoàng Phi Hổ chạy ra xem gặp Tỉ Can mừng rỡ hỏi:

– Chẳng hay công việc Thừa Tướng ra sao?

Tỉ Can không trả lời, bá quan ra nghinh tiếp. Tỉ Can cúi mặt đi mau, khỏi cầu Cửu Long ra đến cửa ngõ thấy có gia tướng đem ngựa mà ngừa.

Tỉ Can lên ngựa bôn ba về phủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.