Táng Nghi Sanh được lệnh Văn Vương ngày hôm sau treo bảng tuyển lựa nhân công, dân chúng bâu quanh, đọc rằng:
“Tây Bá Văn Vương truyền rao cho dân chúng rõ:
Ta xem thấy khu đất trống dựa thành Tây tốt lắm, muốn lập một cái Linh đài để xem Thiên văn và bói Dịch, biết việc dữ lành trong nước. Người nào muốn đến làm sẽ được trả hai chỉ bạc mỗi ngày, còn ai không muốn làm thì thôi, không bắt buộc.”
Nhân dân bàn luận với nhau:
– Bởi Ðại vương nhân đức nên chúng ta mới được thảnh thơi, mặt trời mọc thì đi chơi, mặt trời lặn thì về ngủ, khỏi lo ly loạn, vui thái bình. Nay Ðại vương muốn cất Linh đài để xem việc dữ lành trong nước, lẽ ra chúng ta phải góp công, góp sức mà làm cần gì phải trả tiền công.
Bàn luận xong, dân chúng cử người thay mặt đến xin yết kiến Táng Nghi Sanh và thưa:
– Chúng tôi xin góp sức làm xong Linh đài, không lấy đồng tiền công nào hết.
Táng Nghi Sanh vào tâu lại, Văn Vuơng không bằng lòng, ép dân chúng phải nhận tiền. Dân chúng mến đức vô cùng, dốc hết sức mình đua nhau làm rất hăng, chỉ trong mười ngày, một cái đài nguy nga đã lập xong.
Văn Vương dẫn bá quan ra xem thấy đài cao hai trượng, chạm trổ đâu đấy rất tinh vi, vẻ huy hoàng tưởng không ngờ được.
Tuy vậy, nét mặt Văn Vương vẫn không vui. Táng nghi Sanh thấy vậy hỏi:
– Linh đài đã lập thành, vì ý gì Chúa công buồn bực?
Văn Vương nói:
– Ta muốn đào thêm trước sân Linh dài một cái ao nữa mới đủ âm dương, song sợ sức dân mệt nhọc.
Táug Nghi Sanh nói:
– Lập cái đài công lao bằng mười lần mà chỉ làm trong mấy bữa, thì đào cái ao phỏng có bao nhiêu công mà Chúa công ngần ngại.
Văn Vương nói:
– Cái ao phải đào bằng Linh đài, thủy hỏa bằng nhau.
Dân chúng nghe Văn Vương có lòng thương dân như vậy xúm nhau đến yết kiến Táng nghi Sanh, nói:
– Việc đào ao công phu có bao nhiêu mà Chúa công lo lắng.
Nói rồi hè nhau chia thành toán, kẻ xúc đất, người hì hục đào.
Niềm vui tớ mở. Khi hầm sâu độ một thước, dân chúng gặp những bộ xương khô trắng hếu, chẳng biết chôn từ đời nào liền móc quăng lên.
Văn Vương trông thây hỏi:
– Vật gì trắng hếu như vậy?
Dân chúng thưa:
– Ðó là những bộ xương người chẳng biết của ai.
Văn Vương nói:
– Phải sắp theo từng bộ, để tẩn liệm, chôn cất hẳn hoi, không nên khinh thường.
Dân chứng tâu:
– Ðó là những nấm mồ hoang vô chủ, không ai thừa nhận còn quý trọng làm gì.
Văn Vương nói:
– Quý trọng cái mà không ai quý trọng là con người có đạo.
Nói rồi truyền mua quan quách, bao nhiêu xương trắng được chôn cất tử tế.
Ðến bộ xương khô mà vua còn thương huống chi người sống. Ai nấy đều cảm kích, nên việc đào ao chỉ vài hôm hoàn thành.
Mấy ngày đêm Văn vương xem đào ao không về điện, truyền quân dọn tiệc trên đài vua tôi ăn uống. Thấy việc đào ao quá mau như vậy Văn Vương đặt tên là Linh chiêu, nghĩa là ao linh.
Yến tiệc xong rồi Văn Vương nằm ngủ trên đài, chiêm bao thấy một ông cọp có cánh, lao mình từ bên Ðông chạy xóc tới nhảy xổ vô màng, Văn Vương thất kinh vừa gọi tả hữu, xảy nghe sau đài nổ một tiếng lớn, lửa cháy rực trời. Văn Vương giật mình thức dậy mồ hôi ướt đẫm như tắm. Bấy giờ trống đã đổ canh ba.
Sáng ngày Văn Vương đòi Nghi Sanh đến hỏi điều lành dữ.
Nghi Sanh tâu:
– Ðó là điều tốt, chúa công sẽ gặp tôi hiền.
Văn Vương hỏi:
– Căn cứ vào đâu mà đoán như vậy?
Táng Nghi Sanh tâu:
– Xưa vua Cao Tông nhà Thương chiêm bao thấy gấu bay mới gặp được Phú Duyệt là tôi tài trí, nay Ðại vương nằm mộng thấy hùm có cánh thì cũng như thấy gấu bay. Còn cõi Tây thì thuộc Kim, mà lại thấy lửa cháy ấy là vàng, nhờ lửa mới nên vật quí trong đời. Quả thật điềm đại lợi cho nước Châu ta vậy.
Các quan nghe nói đều mừng rỡ vô cùng. Văn Vương lui về điện, ngày đêm mong ngóng, mong tìm được người hiền, hiệp với điềm ứng mộng.
Nhắc lại Khương Tử Nha từ khi bỏ xứ Triều Ca cứu dân qua ải rồi ẩn dật nơi Bàn Khê đợi vận, gieo câu sông Vị chờ thời, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép, buồn thì câu cá giải khuây.
Ngày kia, Tử Nha ngồi trên thạch bàn, cầm cần câu thả xuống nước, ngâm một bài thơ như vầy:
Về thế tám thu chầy
Trần ai chịu đọa đày
Nữa năm nương đất Trụ
Một khắc đến non Tây
Sợi nhợ kinh luân đó
Miếng mồi thao lược đây
Truớc là câu cá nước
Sau đợi hội rồng mây
Tử Nha vừa ngâm xong bài thơ, bước lại cội dương ngồi hứng mát bỗng thấy một ông tiều vai gánh củi, miệng hát lêu nghêu.
Ông tiều thấy Tử Nha liền ghé lại hỏi:
– Tôi thấy ông thường câu cá nơi khúc sông này, muốn nói với ông vài câu chuyện để hưởng thú ngư tiều vấn đáp.
Tử Nha mừng rỡ nói:
– Tốt lắm! Tôi với ông sẽ là bạn với nhau.
Ông Tiều hỏi:
– Ông quê quán ở đâu, tên họ là chi?
Tử Nha nói:
– Tôi ở Hứa Châu, họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu là Phi Hùng.
Ông Tiều nghe nói cười ngã nghiêng ngã ngửa. Tử Nha lấy làm lạ hỏi:
– Ông là ai vậy?
Ông tiều đáp:
– Tôi họ Võ tên Kiết ở xứ Tây Kỳ.
Tử Nha hỏi:
– Tại sao ông lại cười như điên vậy?
Võ Kiết đáp:
– Tôi nghe ông xưng hiệu Phi Hùng nên nín cười không được.
Tử Nha hỏi:
– Từ xưa đến nay làm người ai cũng có tên có hiệu, chuyện gì mà cười.
Võ Kiết nói:
– Ðời xưa, những bậc thánh hiền bụng chứa văn chương, lòng đầy thao lược xưng tên xưng hiệu đã đành, còn như ông ngồi câu cá suốt ngày, cái lưng cháy nám mà cũng xưng hiệu Phi Hùng bảo tôi nín cười làm sao. Nếu ông tự xưng là con khỉ ốm thì khỏi ai bắt bẻ.
Võ Kiết vừa nói vừa giở cần câu lên, thấy lưỡi câu ngay đường, liền vỗ tay cười, rồi chắt lưỡi than:
– Hễ có trí thì tuổi thơ cũng có trí, còn không mưu thì đầu bạc cũng không mưu. Muốn câu cá mà để lưỡi câu ngay thì đời nào bắt được cá. Ðể tôi dạy dùm cho. Ðốt cây kim này cho đỏ, cắt ngạnh, uốn cong cong rồi móc mồi cho thơm, nhợ phải cột phao chính giữa, lúc thả xuống sông mà thấy phao động đậy ấy là cá ăn câu, phải giựt lên cho gấp, lưỡi câu móc vào mép cá, mới bắt được cá mà ăn. Khờ dại như ông mà dám cả gan xưng Phi Hùng.
Tử Nha nói:
– Ngươi biết một chẳng biết hai. Ta không dùng lưỡi câu cong để câu cá câu tôm, chỉ dùng lưỡi câu ngay để câu thời cân vận. Nếu làm cong queo thì được của thà cứ thế ngay mà thanh bạch còn hơn. Như ý ta là:
Ngày chờ thời giờ quý
Vậy được của không cầu
Chẳg kiếm tôm kiếm cá
Mà kiếm công kiếm hầu.
Võ Kiết nhướng mắt nhìn Tử Nha từ đầu đến chân, cười lớn:
– Bộ tịch như con khỉ ốm lại muốn chuyện to tuồng. Tôi nghĩ chắc trong thế gian này hết người, nên thiên hạ mới cần đến loài khỉ.
Tử Nha nổi giận mắng:
– Ngươi chê ta bộ mặt khỉ, vậy mặt ngươi tốt lắm sao?
Võ Kiết nói:
– Bộ mặt ta không tốt nhưng cũng khá hơn một chút. Ta tuy là đốn củi, cũng còn sung sướng hơn ông câu, mùa xuân xem đào tươi, mùa hè coi sen nở, mùa thu hái bông cúc, mùa đông bẻ cành mai, vui thú thanh nhàn, quên đường danh lợi.
Võ Kiết nói xong ngâm một bài thơ:
Củi quế hàng ngày đổi gạo châu
Mẹ con chung uống rượu đầy bầu
Cây rừng trái núi là cơ nghiệp
Chẳng được chức công cũng chức hầu.
Tử Nha nói:
– Không phải ta chê bộ mặt ngươi xấu. Ta chê khí sắc của ngươi kìa.
Võ Kiết hỏi:
– Khí sắc của ta có gì xấu?
Tử Nha đọc bài thơ:
Mặt nọ đỏ bầm bầm
Tròng kia xanh dạng sạng
Ra phố đánh chết người
Chúng bắt thường nhơn mạng.
Võ Kiết nạt lớn:
– Nãy giờ tôi nói giỡn với ông một chút không hại gì, sao ông độc miệng rủa tôi như vậy.
Dứt lời Võ Kiết hậm hực gánh củi lên vai đi thẳng xuống thành Tây Kỳ không thèm ngoái đầu lại.
Bấy giờ Văn Vương ngồi xe qua Linh đài bói quẻ, văn võ theo chầu chực rất đông.
Vừa đến Nam môn, thấy người gánh củi đi tới, quân sĩ nạt lớn:
– Tránh đường cho thánh giá đi.
Võ Kiết nghe nạt thất kinh vội day gánh củi lại định nép sang một bên đường. Chẳng ngờ gánh củi kình càng, đụng phải vào mang tai tên lính chết tươi. Quân lính hai bên ó lên:
– Lão tiều này dám đánh chết lính.
Liền bắt Võ Kiết đem nạp cho Văn Vương.
Văn Vương phán:
– Người nào đâu vậy?
Quân lính thưa:
– Người này vô cớ đánh chết tên quân hầu là Vương Tướng.
Văn Vương hỏi:
– Nhà ngươi tên họ là chi? Vì sao lại đánh chết quân lính?
Võ Kiết tâu:
– Tôi là Võ Kiết dân ở Tây Kỳ bởi tránh xe đại vương, đường hẹp khó trở vai nên day gánh củi đụng nhằm chú lính.
Văn Vương phán:
– Võ Kiết đụng chết người phải thường mạng.
Nói rồi truyền vẽ một vòng dưới dất làm trại giam, dựng một cái cây trước cửa Nam làm quân canh, bắt Võ Kiết đứng trong vòng. Bấy giờ ở đất Tây Kỳ luật pháp rất nghiêm minh, trừng phạt rất nhẹ mà không ai dám trốn tránh.
Võ Kiết bị ngồi trong vòng ba bữa, nhớ mẹ than thầm:
– Chắc là mẹ ở nhà dựa cửa trông con, lòng già mòn mỏi.
Than rồi mủi lòng khóc lớn. Mọi người nghe tiếng khóc xúm lại xem.
Táng Nghi Sanh vừa đi đến, thấy vậy hỏi:
– Hôm trước nhà ngươi đụng chết lính, mạng thế mạng lẽ thường, oan ức gì mà khóc?
Võ Kiết thưa:
– Thời vận tôi rủi ro lắm, tránh đường hẹp mà làm chết người, thường mạng đã đành tôi đâu dám than thở, ngặt vì tôi không có vợ con anh em chi hết, còn lại mẹ già tuổi đã bảy mươi, nếu không có tôi lấy ai nuôi dưỡng. Mẹ tôi chắc phải nhào xuống sông mà chết, hoặc nhịn đói nên bỏ mình. Tôi nghĩ tôi bất hiếu với mẹ, nên tủi phận khóc than.
Táng Nghi Sanh nghĩ thầm:
– Võ Kiết là con chí hiếu, còn việc giết người là rủi ro không cố ý, nếu cứ theo luật pháp mà không nghĩ đến hoàn cảnh riêng sao gọi là công bằng.
Liền nói với Võ Kiết:
– Thôi, ngươi đừng khóc nữa, để ta tâu với vua tha cho ngươi về xứ, đặng sắm đủ gạo, mắm, áo quần, tiền bạc hòm rương cho sẵn chu cấp cho mẹ ngươi, rồi đến mùa thu năm tới ngươi sẽ đem mình đến đây mà nạp mạng.
Võ Kiết thưa:
– Nếu được như vậy tôi sẽ làm tròn chữ hiếu và rất đội ơn quan lớn.
Táng Nghi Sanh đến yết kiến Văn Vương, tâu rõ mọi điều. Văn Vương y tấu cho Võ Kiết về xứ.
Võ Kiết ra khỏi ngục thất, vì nhớ mẹ nên không kể trời đất gì nữa, ôm đầu chạy một mạch về đến nhà, mồ hôi thấm rách áo mình mẩy đầy cát bụi.
Bà mẹ Võ Kiết đứng dựa lưng trước ngõ trông con, thấy Võ Kiết chạy về liền hỏi:
– Con đi đâu bỏ mẹ mấy ngày rày? Mẹ tưởng con bị cướp, hùm xé xác trong rừng sâu rồi, đau buồn quá sức.
Võ Kiết thưa:
– Con rủi ro lắm mẹ ơi!
Vừa nói vừa ôm chân mẹ khóc sướt mướt.
Bà Mẹ vuốt tóc con hỏi:
– Chuyện gì nói cho mẹ hay?
Võ Kiết nói:
– Hôm kia con gánh củi xuống thành Tây bán, chẳng ngờ gặp lúc vua ngự ra Linh đài. Bọn quân canh dẹp đường cho Thánh giá đi, đang lúc lúng túng, con trở vai quay gánh củi để tránh đường, chẳng ngờ đụng nhằm mang tai một tên lính chết tươi. Vua bắt con cầm ngục…
Bà mẹ nghe nói đến đây thất kinh hỏi:
– Theo luật pháp, giết người phải thường mạng. Con làm sao trở về đây với mẹ được?
Võ Kiết thưa:
– Lúc con đang bị cầm ngục, con nhớ mẹ quá sức, sợ mẹ trông chờ, sợ không người nuôi dưỡng, nên khóc mãi. May nhờ có quan Ðại Phu thương tình tâu với vua cho phép con về nhà một năm để lo gạo, sắm áo quần, quan quách cho mẹ đủ dùng, mùa thu sang năm con sẽ đến nạp mình chịu tội.
Nói đến đây Võ Kiết khóc òa. Bà mẹ ôm con than:
– Suốt đời con chưa làm việc hung dữ, thờ mẹ rất có hiếu, sao lại xui khiến gặp chuyện tai ương như vậy!
Võ Kiết nói:
– Chắc con bị lão già câu cá ở Bàn Khê độc miệng rủa con nên con mới bị rủi ro như vậy?
Bà lão nói:
– Ông già câu cá rủa thế nào?
Võ Kiết liền kễ lại câu chuyện gặp gỡ Tử Nha, và nói:
– Lão nói mặt con đỏ bầm, hai con mắt tròng xanh tròng đỏ, thế nào cũng đụng chết người, bị bắt thường nhân mạng. Lão độc miệng rủa con như vậy nên con mới bị như vầy, để con tìm lão đánh một trận cho bõ ghét, để lão rủa thiên hạ chết hết.
Bà lão nói:
– Con đừng trách người ta như vậy, theo lời con nói, mẹ đoán chắc ông già ấy có tài xem tướng rất hay, con nên đến đó cầu khẩn ông ta may ra có cách cứu được.
Võ Kiết tuân lời mẹ, lạy tạ tìm đến Bàn Khê.