Chương 108: Tiệc bày vui gượng, viện Hoành Vu mừng ngày sinh – Chết vẫn say đời, quán Tiêu Tương nghe quỉ khóc

Tiệc bày vui gượng, viện Hoành Vu mừng ngày sinh

Chết vẫn say đời, quán Tiêu Tương nghe quỉ khóc

Giả chính trước đây đã từng tâu xin đem nhà cửa và vườn Đại Quan nhập vào của công. Trong cung không nhận, nhưng trong vườn không có người ở, nên đành phải khóa lại. Vì vườn ấy nối liền với nhà ở của Vưu thị và Tích Xuân, rộng rãi nhưng rất vắng vẻ, cho nên ông ta phạt Bao Dũng vào coi vườn hoang.

Hồi đó Giả Chính coi việc nhà, vâng lời Giả mẫu bớt dần người ở, mọi việc đều giảm bớt, nhưng vẫn không duy trì nổi.

May được Phượng Thư là người Giả mẫu yêu, bọn Vương phu nhân tuy không thích lắm, nhưng về phần lo liệu việc nhà, thì chị ta còn có thể ra sức, nên vẫn giao cho chị ta trông nom việc nhà.

Gần đây sau khi gia tài bị tịch thu, mọi việc xoay xở khó khăn, thường thường chật vật. Người ở các phòng vốn ăn tiêu rộng rãi quen, bây giờ so với trước mười phần bớt đến bảy, làm gì mà chu đáo được. Vì thế họ oán trách luôn. Phượng Thư cũng không dám từ chối, vẫn mang bệnh hầu hạ Giả mẫu.

Cách ít lâu, bọn Giả Xá và Giả Trân đến chỗ làm việc nhờ có tiền tiêu, tạm được yên ổn. Họ viết thư về, đều nói bình yên rỗi rãi, ở nhà không cần phải lo nghĩ. Do đó Giả mẫu yên tâm. Bọn Hình phu nhân và Vưu thị cũng đỡ lo. Sau khi về nhà chồng, Sử Tương Vân về thăm nhà, rồi đến hỏi thăm sức khoẻ của Giả mẫu. Giả mẫu nhân nhắc đến việc chồng chị ta tốt. Sử Tương Vân kể lại việc bên nhà mình được bình yên như thế nào và xin cụ cứ yên lòng. Lại nhắc đến chuyện Đại Ngọc qua đời, ai nấy đều rơi nước mắt. Giả mẫu lại nghĩ đến chuyện Nghênh Xuân khổ sở, càng thêm thương cảm. Tương Vân khuyên giải một hồi, đến các nhà chào hỏi xong, lại về nghỉ ở phòng Giả mẫu.

Nói về nhà họ Tiết thì Tiết Bàn làm cho nhà tan người chết, năm nay tuy hoãn việc xử quyết phạm nhân, nhưng sang năm không biết có được giảm tội hay không. Giả mẫu nói

– Cháu còn chưa biết, chứ vừa rồi vợ thằng Bàn chết một cách mờ ám. Suýt nữa lại có chuyện không hay. May nhờ đức Phật có mắt, bắt con hầu của nó tự xưng ra. Mụ Hạ kia không làm được gì, mới phải đứng ra xin thôi việc khám nghiệm. Bà dì của cháu mới thu xếp để cho chôn cất. Bây giờ bà ta ở với cháu Khoa. Thằng cháu ấy cũng tốt. Nó nói anh ở nhà giam chưa xong việc nên nó không chịu cưới vợ. Cháu Hình ở bên nhà bà Cả cũng rất khổ. Còn cô Cầm thì vì ông nhạc chết chưa hết tang nên nhà họ hai cung chưa cưới. Cháu xem, thật là sáu họ cùng tận như nhau. Nhà họ Tiết thì như thế, còn bên ngoại nhà bà Hai thì từ khi ông cậu Cả chết rồi, anh con Phượng cũng chẳng ra người; ông cậu Hai là người keo kiệt, lại vì tiền công chưa hồi xong, cũng túng thiêu. Nhà họ Chân từ khi bị tịch thu rồi, không nghe tin tức gì nữa.

Tương Vân nói

– Chị Thám Xuân đi, có thư từ gì không?

Giả mẫu nói

– Theo ông Hai về nói thì từ khi đi lấy chồng, chị Ba cháu ở miền biển rất tốt. Nhưng không có thư, ta cũng ngày đêm tưởng nhớ. Vì ở nhà đây luôn xảy ra bao nhiêu việc không tốt, nên ta cũng không thể nghĩ đến nó nữa. Việc hôn nhân của con Tư cũng

chưa bàn đến. Còn thằng Hoàn thì ai có công hơi đâu mà nhắc đến nữa? Nhà chúng ta hiện nay so với lúc cháu còn ở đây khổ hơn nhiều. Chỉ tội nghiệp chị Bảo nhà cháu từ khi về đây chưa hề được ngày nào thư thái. Anh Hai cháu thì vẫn điên điên, dại dại, biết làm sao bây giờ.

– Cháu từ lúc nhỏ, lớn lên ở đây, tính khí những người bên này cháu đều biết cả. Bây giờ xem ra đều thay đổi hết. Cháu tưởng là lâu ngày đến, họ xa lạ mình, nhưng nghĩ cho kỹ thì không phải. Khi gặp cháu xem chừng ai cũng vui vẻ như trước, nhưng không biết tại sao nói chuyện một lúc là nảy ra đau lòng, vì thế cháu chỉ ngồi chốc lát là về đây ngay.

– Tình cảnh hiện giờ về phần ta thì chẳng nói làm gì, nhưng chúng nó là những người trẻ tuổi kể thì cũng buồn thật? Ta đang định nghĩ cách gì để cho chúng vui một ngày mới được, có điều không làm sao có đầu óc vui nhộn ấy.

– Cháu nghĩ ra rồi

“Ngày kia không phải là ngày sinh chị Bảo à? Để cháu ở thêm một hôm mừng tuổi cho chị ta, mọi người cùng vui một ngày, không biết bà nghĩ thế nào?

– Rõ là lẩn thẩn quá? Cháu không nhắc thì ta quên mất. Ngày kia không phải là ngày sinh của nó à! Để mai ta sẽ xuất tiền ra sắm sửa đồ mừng cho nó. Khi nó còn chưa kết hôn với cháu Bảo, ta đã làm lễ sinh nhật nó mấy lần. Thế mà từ khi nó về

đây ta lại không làm. Thằng Bảo Ngọc trước rất lanh lợi, hay quấy gì đây nhà có việc không hay làm nó chẳng buồn nói năng gì nữa. Chỉ có vợ cháu Châu là vẫn giỏi. Khi giàu nó cũng như thế, khi nghèo nó cũng như thế, sống lặng lẽ với cháu Lan, thật là đáng khen?

– Người khác không đến nỗi lắm, riêng chị hai Liễn thì hình dáng cũng đổi khác, ăn nói cũng không lanh lợi nữa. Để đến mai cháu sẽ trêu họ xem họ làm thế nào. Có điều ngoài miệng không ai nói gì, nhưng trong bụng họ sẽ oán trách cháu. Vừa nói đến đó, má Tường Vân đỏ ửng lên.

Giả mẫu hiểu ý nói

– Sợ cái gì? Bọn chị em cháu trước kia đều ở một chỗ. Vui đùa với nhau đã quen, cứ việc cười cười, nói nói đừng có để bụng những điều ấy. Con nghĩ ta giàu cũng vậy, nghèo cũng vậy cần phải biết hưởng giàu sang, biết chịu nghèo hèn mới đúng. Chị

Bảo cháu từ khi nhỏ đến giờ là người có độ lượng rộng rãi. Trước kia nhà nó khá như thế, nó cũng không hề có chút gì kiêu căng, về sau nhà nó bị suy sút, nó vẫn bình thản ung dung. Bây giờ tới nhà chúng ta đây, Bảo Ngọc đối đãi với nó tử tế, nó cũng vui vẻ như thường, có lúc đối đãi nó không được tử tế, nó cũng không có gì là buồn rầu. Ta xem con bé ấy thật là người có phúc. Chị Lâm nhà cháu, tính khí rất là nhỏ nhen, lại hay nghi ngờ, vì thế mà không thọ. Con Phượng cũng đã từng trải nhiều, không nên hơi thấy sóng gió đã đổi thay như vậy. Nếu nó không có kiến thức như thế thì cũng là nhỏ nhen. Hôm sau ngày sinh nhật của con Bảo ta bỏ tiền ra làm cho thật vui để nó cũng được vui vẻ một ngày.

– Bà nói rất phải, nên mời hết bọn chị em đến cả, để cùng nhau nói chuyện.

– Cố nhiên là phải mời.

Giả mẫu cao hứng bảo Uyên ương

– Mày đem một trăm lạng bạc ra bảo bọn đầy tớ bắt đầu từ ngày mai sửa soạn cơm rượu hai ngày.

Uyên ương vâng lời, gọi bà già đem bạc giao ra.

Ngày hôm sau, truyền lời ra, sai người đi đón Nghênh Xuân, mời Tiết phu Nhân và Bảo Cầm, báo cho cả Hương Lăng sang, lại mời thím Lý nữa. Chẳng bao lâu, bọn Lý Văn, Lý Ỷ đều đến cả.

Bảo Thoa vốn không biết, nghe a hoàn bên nhà Giả mẫu đến mời, và nói

– Dì đã đến, mời mợ Hai sang. Bảo Thoa vui mừng, ăn mặc như thường, đi sang, định gặp mẹ mình, thì thấy Bảo Cầm và Hương Lăng đều ở đấy. Lại thấy bọn thím Lý cũng đến cả, nghĩ bụng chắc là những người này biết việc nhà mình xong xuôi rồi nên đến hỏi thăm. Bảo Thoa liền đến hỏi thăm thím Lý, chào Giả mẫu, nói chuyện với mẹ mấy câu, rồi cùng chị em họ Lý thăm hỏi nhau.

Tương Vân đứng bên cạnh nói

– Mời các bà ngồi xuống, để chị em chúng tôi mừng tuổi cho chị.

Bảo Thoa nghe nói ngẩn người ra, nghĩ ngợi một lúc

“không phải ngày mai là sinh nhật của mình à?”. Chị ta liền nói:

– Chị em đến thăm bà là phải, còn nói là vì sinh nhật của tôi thì nhất định không dám.

Đang lúc đó thì Bảo Ngọc cũng đến hỏi thăm sức khỏe Tiết phu Nhân và thím Lý. Thấy Bảo Thoa đang khiêm nhượng, anh ta trong bụng đã tính toán sẵn việc ăn mừng sinh nhật của Bảo Thoa, nhân vì trong nhà công việc rối ren, nên cũng không

dám nhắc với Giả mẫu. Nay thấy bọn Tương Vân định mừng, anh ta liền vui mừng, nói

– Ngày mai mới đúng là sinh nhật. Cháu đang định thưa với bà đấy.

Tương Vân cười nói

– Khéo trơ chưa? Bà còn đợi anh nói nữa à? Anh thử nghĩ xem những người này vì sao mà đến đây? Đó là vì bà mời đến đấy.

Bảo Thoa nghe nói, trong bụng chưa tin. Lại nghe Giả mẫu nói với mẹ nàng

– Tội nghiệp con Bảo về làm dâu một năm nay, trong nhà cứ xảy ra hết việc này đến việc khác, chưa khi nào làm được lễ sinh nhật cho nó. Hôm nay tôi làm lễ sinh nhật cho cháu, mời dì và các bà đến chúng ta nói chuyện cho vui.

Tiết phu Nhân nói

– Cụ giờ đây mới được yên tâm. Nó là con cháu, chưa có gì hiếu kính cụ, mà lại làm cho cụ bận lòng!

Tường Vân nói

– Cụ yêu nhất là anh Hai, không lẽ lại không yêu chị Hai hay sao. Vả lại, chị Bảo cũng đáng được cụ làm lễ sinh nhật.

Bảo Thoa cúi đầu không nói gì.

Bảo Ngọc nghĩ thầm

– Mình tưởng cô Sử đi lấy chồng rồi, thế nào cũng đổi tính khí đi, nên mình không dám gần, mà chắc cô ta cũng chẳng còn để ý gì đến mình; nhưng nghe lời nói của cô ta, thì ra vẫn giống như trước. Không hiểu sao mà cô nhà mình 1 về nhà chồng rồi

xem chừng e lệ hơn trước, nói cũng không ra câu nữa?

Bỗng thấy a hoàn nhỏ vào nói

– Cô Hai đã về.

Sau đó, Lý Hoàn và Phượng Thư đều đến. Mọi người chào hỏi nhau.

Nghênh Xuân nhắc đến việc cha ra đi, và nói

– Cháu đã định về gặp một chút, nhưng anh ấy không cho về nói là nhà ta đang lúc đen đủi, đừng có vương lấy vào mình. Cháu cãi không được nên không về, rồi khóc luôn hai ba ngày.

Phượng Thư nói

– Hôm nay sao họ lại cho cô về?

Nghênh Xuân nói

– Anh ấy lại bảo, ông Hai lại được tập chức, có thể đi lại không can gì, nên mới cho tôi về – Nghênh Xuân nói rồi lại khóc.

Giả mẫu nói

– Ta buồn quá, nên hôm nay làm sinh nhật cho cháu dâu để cười nói cho khuây khỏa, chúng mày lại nhắc đến chuyện buồn ấy làm cho ta bực thêm.

Nghênh Xuân không dám nói nữa. Phượng Thư tuy vẫn cố gắng tìm một vài câu bông đùa, nhưng lời bông đùa không được hóm hỉnh nên không làm cho người ta cười như trước. Giả mẫu trong bụng muốn Bảo Thoa vui, cố ý trêu cho Phượng Thư nói. Phượng Thư cũng biết ý của Giả mẫu nên hết sức cố gắng nói

– Hôm nay bà hơi vui vẻ. Các người xem, những người này đã lâu không ở một chỗ. hôm nay đông đủ…

Chị ta nói đến đó, ngoảnh cổ lại, thấy mẹ chồng mình và Vưu thị không ở đây, liền ngậm miệng không nói nữa. Giả mẫu nghe đến hai chữ “đông đủ” cũng nghĩ đến bọn Hình phu nhân, liền cho người đi mời. Bọn Hình phu nhân, Vưu thị và Tích Xuân nghe nói Giả mẫu gọi, đành phải đến, nhưng trong bụng cũng không vui. Họ nghĩ rằng, gia nghiệp đã suy tàn, vẫn còn làm lễ sinh nhật cho Bảo Thoa, thế là Giả mẫu vẫn thiên vị, cho nên dẫu có đến cũng buồn rũ, chẳng vui vẻ gì. Giả mẫu hỏi đến Hình Tụ Yên, Hình phu nhân vờ nói là ốm không đến được. Giả mẫu hiểu ý, biết là có Tiết phuNhân ở đấy, cô ta đến có điều bất tiện, nên cũng không nhắc nữa.

Một lúc sau, bày biện cỗ rượu. Giả mẫu nói

– Cũng đừng đưa gì ra ngoài, hôm nay chỉ mẹ con mình vui với nhau thôi.

Bảo Ngọc tuy đã lấy vợ, nhưng vì Giả mẫu thương yêu nên anh ta vẫn la cà ở trong này; có điều anh ta không ngồi chung với bọn Tương Vân, Bảo Cầm, mà ngồi riêng một chỗ gần bên Giả mẫu. Anh ta lần lượt rót rượu, mời thay cho Bảo Thoa.

Giả mẫu nói

– Giờ đây cứ ngồi xuống uống rượu đã, đến chiều tối hãy đến các nơi làm lễ. Nếu bây giờ làm lễ ngay, thì mọi người lại phải giữ gìn khuôn phép làm cho ta mất hứng, chẳng còn thú vị gì nữa.

Bảo Thoa vâng lời ngồi xuống. Giả mẫu lại nói với mọi người

– Hôm nay chúng ta cũng dễ dãi một chút. Ai nấy chỉ để một vài người hầu hạ thôi. Ta sẽ bảo Uyên ương dẫn bọn Thái Vân, Oanh Nhi, Tập Nhân, Bình Nhi cùng vào phía sau ngồi uống rượu.

Bọn Uyên Ương nói

– Chúng cháu chưa lạy mừng mợ Hai, mà đã uống rượu thì sao cho phải.

Giả mẫu nói

– Ta bảo thì chúng mày cứ việc đi, khi nào gọi hãy đến.

Bọn Uyên Ương vâng lời.

Lúc đó Giả mẫu mới mời bọn Tiết phu Nhân uống rượu.

Nhưng thấy ai nấy đều có vẻ không vui mừng như trước. Giả mẫu sốt ruột nói

– Các bà làm sao thế? Phải vui lên một chút mới được chứ!

Từơng Vân nói

– Chúng cháu vừa ăn vừa uống, còn muốn làm sao nữa?

Phượng Thư nói

– Bọn họ lúc nhỏ đều hồ hởi, bây giờ giữ gìn thể diện không dám nói càn, nên bà nhìn thấy họ im lặng.

Bảo Ngọc nói nhỏ với Giả mẫu

– Nói thì chẳng có gì mà nói, nếu nói nữa sẽ chạm đến điều không hay, chi bằng bà bảo họ làm tửu lệnh thôi.

Giả mẫu vểnh tai lên nghe, rồi cười nói

– Nếu mà làm tửu lệnh thì lại phải gọi con Uyên ương.

Bảo Ngọc nghe xong, không chờ nói lại, liền chạy ra phía sau tìm Uyên ương và nói

– Cụ muốn làm lệnh, nên bảo gọi chị.

Uyên Ương nói

– Ông trẻ ơi, để chúng tôi uống ly rượu cho khoan khoái, tội gì lại đến quấy thế?

Bảo Ngọc nói

– Cụ bảo gọi chị đấy mà. Tôi có làm gì đâu.

Uyên ương chẳng có cách gì liền nói

– Các chị cứ việc uống đi, tôi đi một chốc sẽ trở lại.

Rồi cô ta đến liên phòng Giả mẫu. Giả mẫu nói

– Mày đã tới đấy là ở đây định làm lệnh đấy..

– Nghe cậu Bảo nói cụ gọi, cháu mới lại đây, không biết cụ định làm lệnh gì? Lệnh mà hiền quá thì buồn, bạo quá cũng không hay, mày thừ nghĩ cách chơi gì cho mới lạ thì tốt.

Uyên ương nghĩ một lát rồi nói

– Bây giờ dì đã có tuổi, không chịu bận lòng, chi bằng lấy hộp xúc xắc ra, mọi người gieo lấy tên khúc hài để dành hơn thua mà uống rượu thôi.

– Cái đó cũng được.

Liền sai người lấy hộp xúc xắc để trên bàn.

Uyên ương nói

– Giờ gieo bốn hộp xúc xắc, ai gieo không ra tên khúc hài thì phải uống một chén rtợu phạt, ai gieo ra được thì mọi người phải uống một chén, gieo rồi sẽ định.

Mọi người nghe xong, đều nói

– Cách ấy dễ dàng, chúng tôi đều xin theo.

Uyên ương liền sửa soạn để làm lệnh. Mọi người bảo chị ta uống một chén, rồi bắt đầu đếm từ chị ta thì vừa đúng Tiết phu Nhân gieo trước. Tiết phu Nhân gieo một cái là bốn con “yêu”.

Uyên Ương nói

– Cái đó có tên đấy gọi là ” Bọn ông già ở núi Thương sơn ” 2, ai có tuổi đều phải uống một chén.

Do đó Giả mẫu, thím Lý, Hình phu nhân và Vương phu nhân đều phải uống.

Giả mẫu cất chén định uống. Uyên ương nói

– Dì gieo thì dì còn phải nói ra tên khúc bài, và người ngồi dưới phải nói tiếp một câu thiên gia thi. Nếu nói không ra, phải phạt một ly rượu.

Tiết phu Nhân nói

– Chị lại định trêu tôi rồi, tôi làm gì mà nói được?

Giá mẫu nói

– Không nói thì cũng buồn tẻ quá, phải nói một câu. Người ngồi dưới là tôi. Nếu nói không ra, thì tôi cũng uống hầu dì một chén.

Tiết phu Nhân nói

– Tôi nói câu ” Tới già đủng đính khóm hoa “.

Giả mẫu gật đầu đọc tiếp

– “Nhân lúc thanh nhàn nói thiếu niên “.

Nói xong hộp xúc xắc chuyển đến Lý Văn. Lý Văn gieo được hai con “tứ” và hai con “nhị”. Uyên ương nói

– Cũng có tên đấy. Đó gọi là Lưu Nguyễn vào Thiên Thai ” 3.

Lý Văn liền nói

– “Hai người vào tới nguồn đào “.

Người ngồi dưới là Lý Hoàn nói

– ” Tìm tới đào nguyên để lánh Tần “.

Mọi người đều uống một ngụm rượu. Hộp xúc xắc lại đến trước mặt Giả mẫu. Giả mẫu gieo được hai con ” nhị ” và hai con tam, bà ta nói

– Cái này thì phải uống rượu thôi.

Uyên ương nói

– Có tên đấy, đó gọi là “Chim én dắt con”.

Mọi người đều phải uống một chén. Phượng Thư nói

– Chim con thì chim con, nhưng bay mất một ít rồi.

Mọi người lườm chị ta một cái. Phượng Thư liền im lặng. Giả mẫu nói:

– Ta nói gì đây. Nói câu “ông dắt cháu ” thôi!

Người ngồi dưới là Lý Ỷ, liền đọc

– ” Ngắm xem con bé ngắt cành liễu tơ! “

Mọi người đều khen hay. Bảo Ngọc chỉ mong đến lượt mình được nói. Nhưng cái hộp lệnh không đến cho. Đang nghĩ ngợi thì hộp lệnh vừa đến trước mặt, anh ta gieo được một con “nhị”, hai con tam”, một con ” yêu”, liền hỏi

– Cái này cái gì?

Uyên ương cười nói

– Đó là cái “hỏng”! Uống trước một chén mà gieo lại đi thôi.

Bảo Ngọc đành phải uống rượu và gieo lại. Lần này anh ta gieo được hai con “tam”, hai con “tứ”. Uyên ương nói

– Có tên rồi đấy. Cái này gọi là Trương Sương vẽ mày cho vợ 4.

Bảo Ngọc biết là cô ta bỡn mình. Bảo Thoa cũng đỏ má lên. Phượng Thư không hiểu lắm, còn nói

– Chú Hai nói nhanh lên, để xem nhà dưới là ai? Bảo Ngọc thấy khó nói đành phải nhận. Chịu phạt thôi, tôi cũng chằng có nhà dưới nào.

Hộp lệnh ấy đến phiên Lý Hoàn. Lý Hoàn gieo một cái.

Uyên ương nói

– Mợ gieo được ” Mười hai thoa vàng”.

Bảo Ngọc nghe nói, chạy lại bên Lý Hoàn xem, thì thấy hai bên hồng lục đối nhau, liền nói

– Cái này trông rất đẹp.

Anh ta chợt nghĩ đến “giấc mộng mười hai thoa ” liền ngơ ngẩn lui về chỗ ngồi, nghĩ bụng:”mười hai thoa ” ấy nói là ở Kinh Lăng. Sao bọn người nhà mình giờ đây tan tác chỉ còn lại mấy người. Anh ta lại nhìn bọn Bảo Thoa, Tường Vân, tuy còn ở đó nhưng không thấy Đại Ngọc nữa. Anh ta cố nín không được, nước mát muốn rơi xuống, nhưng sợ người ta nhìn thấy, liền giả vờ nói trong người bị sốt xin phép đi cởi áo, rồi để thẻ xuống đi ra ngoài.

Tường Vân thấy bộ dạng Bảo Ngọc như thế, tưởng là anh ta gieo không được quân tốt, mà lại bị người khác gieo được, trong bụng không vui, nên mới bỏ đi. Chị ta lại sợ cái lệnh này không thú, cho nên hơi chán.

Lý Hoàn nói

– Tôi không nói nữa. Người trong tiệc cũng không đầy đủ, chi bằng phạt tôi một chén.

Giả mẫu nói

– Cái lệnh này cũng không vui lắm, chi bằng nghỉ đi để cho Uyên ương gieo thử xem ra cái gì?

A hoàn nhỏ đem cái hộp để trước mặt Uyên ương. Uyên Ương vâng lời, liền gieo được hai con “nhị “. Một con “ngũ” còn một con nữa cứ xoay trong hộp. Uyên ương gọi

” Đừng có ngũ đấy?”, con xúc xắc lại cứ xoay ra con ngũ”. Uyên ương nói

– Nguy rồi? Tôi thua rồi!

Giả mẫu nói

– Không thành cái gì à?

Uyên ương nói

– Tên thì có. Nhưng tôi không nói ra được tên khúc bài.

Giả mẫu nói

– Mày cứ nói tên ra, tao bịa hộ cho.

Uyên ương nói

– Đó là “Sóng vỗ bèo trôi! “

Giả mẫu nói

– Cái đó cũng không khó. Ta nói thay cho mày là

“Mùa thu gộc ấu cá dong chơi”.

Người ngồi dưới Uyên ương là Tương Vân liền nói

– ” Mùa thu, bến Sở ngâm câu bạch bình “.

Mọi người đều nói

– Câu này rất là đúng.

Giả mẫu nói

– Lệnh này xong rồi. Chúng ta uống thêm vài chén, rồi ăn cơm thôi.

Bà ta ngoảnh lại nhìn Bảo Ngọc còn chưa vào, liền hỏi

– Bảo Ngọc đi đâu mà còn chưa vào!

Uyên ương nói

– Đi thay áo rồi.

Giả mẫu nói

– Ai theo đi.

Oanh Nhi đi tới thưa

– Cháu thấy cậu Hai đi ra. Cháu bảo chị Tập Nhân theo đi.

Giả mẫu và Vương phu nhân mới yên lòng. Chờ một chốc. Vương phu nhân bảo người đi tìm, a hoàn nhỏ đến phòng mời, thấy con Năm đang cắm nến ở đấy, liền hỏi

– Cậu Bảo đi đâu rồi.

– Đang uống rượu ở bên nhà bà cụ đấy.

– Tôi ở bên nhà cụ bà sang. Bà lớn bảo tôi tới đây tìm, không lẽ cậu ta ở bên ấy mà lại bảo tôi đến tìm hay sao?

– Thế thì không biết. Mày đi tìm ở chỗ khác vậy.

A hoàn nhỏ chẳng có cách gì, đành phải trở về, vừa gặp Thu Văn liền hỏi

– Chị thấy cậu Hai ở đâu không?

– Tôi cũng đi tìm. Các bà đang chờ cậu ta tới ăn cơm.

– Không biết lúc này mà cậu ta đi đâu thế?

– Em mau mau về trình với cụ bà, đừng nói cậu ấy không ở nhà, chỉ nói là cậu ta uống rượu và hơi khó chịu, không ăn cơm nữa, nằm nghĩ một chốc sẽ tới, xin mời cụ bà và các bà ăn cơm đi thôi.

A Hoàn nhỏ nghe lởi về nói với Trân Châu. Trân Châu thưa với Giả mẫu. Giả mẫu nói

– Nó xưa nay vốn ít ăn, không ăn cũng thôi, bảo nó cứ nghĩ, không cần phải qua đây, có vợ nó ở đây cũng được rồi.

Trân Châu liền nói với a hoàn nhỏ

– Em nghe rõ chưa?

A hoàn nhỏ vâng lời, không tiện nói rõ. Chỉ đi vòng ra ngoài mặt lát rồi trở lại thưa

“Con đã nói rồi”.

Mọi người cũng không để ý, ăn cơm xong, họ ngồi rải rác nói chuyện phiếm.

Nhắc lại Bảo Ngọc bỗng chốc thương tâm bỏ đi ra ngoài, đang bổi rồi chưa biết làm gì bỗng thấy Tập Nhân chạy theo hỏi

– Cậu làm sao thế?

– Chẳng làm sao cả, trong bụng tôi buồn bức. Giờ đây sao không nhân khi họ đang uống rượu, chúng mình đến chỗ mợ cả Trân chơi một tí.

– Mợ cả Trân ở đây rồi. Còn tìm ai nữa?

– Không cần phải tìm ai, chỉ xem chị Cả ở đấy, nhà cửa như thế nào thôi.

Tập Nhân đành phải đi theo, vừa đi vừa nói chuyện. Hai người đi đến nhà Vưu thị, thấy có cái cửa nhỏ nửa mở ra nửa khép.

Báo Ngọc cũng không vào, lại thấy hai bà già coi cửa vườn đang ngồi trên ngưỡng cửa nói chuyện. Bảo Ngọc hỏi

– Cái cửa nhỏ này vẫn mở à?

Bà già nói

– Cửa này ngày nào cũng đóng. Hôm nay có người ra nói chờ sẵn xem cụ bà có dùng quả cây trong vườn chăng, nên mới mở cửa để đợi.

Bảo Ngọc liền thong thả đi lại bên ấy, quả nhiên thấy cái cửa nách hé mở. Bảo Ngọc vừa định đi vào, thì Tập Nhân nắm lại và nói

– Cậu đừng có vào. Trong vườn chẳng sạch sẽ gì, thông thường không có ai đến đó. Cậu đừng vào mà lại gặp phải gì đấy!

Bảo Ngọc trong lúc ngà ngà say, nói

– Tôi sợ gì những thứ ấy.

Tập Nhân cứ cố giữ không cho vào. Bà già coi cửa chạy lại nói

– Bây giờ trong vườn yên lặng rồi. Từ hôm nọ đạo sĩ bắt yêu quái đi khi hái hoa, hái quả, chúng tôi thường vẫn đi một mình. Nếu cậu Hai muốn vào, để chúng tôi theo đi. Có nhiều người, còn sợ cái gì!

Bảo Ngọc vui mừng. Tập Nhân giữ lại cũng không tiện, đành phải đi theo.

Bảo Ngọc vào vườn, thấy cỏ hoa khô héo, đầy vẻ thê lương, màu sắc các đình đài phai nhạt đã lâu. Xa xa trông thấy một lùm trúc xanh, vẫn còn tươi tốt. Bảo Ngọc nghĩ một tí rồi nói:

– Tôi từ khi ốm, dời ra khỏi vườn ở tại phía sau luôn mấy tháng nay, họ không cho tôi đến đây. Cảnh vật bỗng chốc trở nên hoang vắng. Chị xem chỉ có mấy cây trúc kia vẫn còn xanh tươi, đấy không phải là quán Tiêu Tương à?

Tập Nhân nói

– Mấy tháng nay cậu không đến đây, ngay đến phương hướng cũng quên mất. Chúng ta chỉ lo nói chuyện, không biết đã đi qua Viện Di Hồng rồi.

Nói đến đó, chị ta ngoảnh lại, lấy tay chỉ và nói

– Chỗ kia mới là quán Tiêu Tương.

Bảo Ngọc theo hướng tay Tập Nhân chỉ, rồi nói

– Chẳng phải đã đi qua mất rồi à? Chúng ta trở lại xem một chút đi.

Tập Nhân nói

– Trời tối rồi, thế nào cụ cũng chờ ăn cơm, cậu nên về đi. Bảo Ngọc không nói gì, cứ theo đường cũ đi tới. Kể ra Bảo Ngọc tuy rời vườn Đại Quan đã gần một năm, nhưng không lẽ đã quên mất đường? Chỉ vì Tập Nhân sợ anh ta thấy quán Tiêu Tương, nhớ đến Đại Ngọc thì lại đau lòng, nên muốn dùng lời nói cho qua đi. Sau thấy Bảo Ngọc cứ đi vào trong. Tập Nhân lại sợ anh ta mắc lây tà khí, nên nói dối là đã đi qua rồi, có biết đâu bụng Bảo Ngọc chỉ nghĩ đến quán Tiêu Tương. Lúc đó Bảo Ngọc cứ vội vàng đi tới. Tập Nhân đành phải theo. Bỗng thấy anh ta dừng lại, hình như có nghe gì, hay thấy gì. Tập Nhân liền hỏi

– Cậu nghe gì đấy?

– Trong quán Tiêu Tương có người ở à?

– Hình như không có người ở.

– Rõ ràng tôi nghe có người khóc ở trong ấy. Sao lại không có người?

– Đó là cậu ngờ vực đấy thôi. Thường khi cậu đến đây, hay nghe cô Lâm thương khóc, nay vẫn còn tưởng như thế.

Bảo Ngọc không tin, còn muốn nghe nữa. Bọn bà già chạy đến nói

– Cậu về mau đi thôi, trời đã chiều rồi. Chỗ khác chúng tôi còn dám đi, chứ ở đây đường xá hẻo lánh, lại nghe người ta nói từ sau khi cô Lâm chết, thường nghe có tiếng khóc ở chỗ này, cho nên chẳng ai dám đi.

Tập Nhân và Bảo Ngọc nghe nói đều giật mình kinh sợ.

Bảo Ngọc nói

– Đúng rồi!

Nói đoạn anh ta khóc:

– Em Lâm ơi! Em Lâm ơi! Thật là anh đã làm hại em? Em đừng oán anh. Đó là do cha mẹ làm chủ, không phải là anh phụ lòng!

Bảo Ngọc càng nói càng đau lòng rồi khóc to lên.

Tập Nhân còn chưa biết làm thế nào, thì thấy Thu Văn dẫn mấy người chạy đến, nói với Tập Nhân

– Chị to gan thật? Sao lại đi cùng cậu Hai tới đây? Cụ và bà lớn sốt ruột sai người kiếm hết mọi nơi. Vừa rồi có người ở bên cửa nách nói là chị với cậu Hai vào trong này, cụ bà và bà lớn sợ quá mắng tôi và bảo tôi dẫn người theo đến đây. Còn không về mau đi à!

Bảo Ngọc vẫn còn khóc lóc thảm thiết. Tập Nhân cũng không kể gì anh ta đang khóc, liền cùng với Thu Văn dắt về ngay. Một mặt thì lau nước mắt cho anh ta và nói cho biết cụ bà đang hoảng sợ.

Bảo Ngọc chẳng biết làm sao đành phải quay về. Tập Nhân biết là Giả mẫu lo lắng, nên vẫn đưa Bảo Ngọc đến bên nhà Giả mẫu. Mọi người đang chờ đó chưa về.

Giả mẫu nói

– Tập Nhân này? Ngày thường thấy mày có ý tứ nên ta mới giao phó Bảo Ngọc cho mày. Sao hôm nay mày lại đem nó vào trong vườn? Bệnh nó mới khỏi, nếu mà chạm phải cái gì, lại sinh chuyện, thì làm thế nào?

Tập Nhân cũng không dám cãi, chỉ cúi đầu im lặng. Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc thần sắc ủ ê, trong bụng cũng lo sợ.

Bảo Ngọc sợ Tập Nhân mang lỗi, liền nói

– Giữa ban ngày, sợ cái quái gì. Cháu vì lâu này không vào vườn chơi. Nay nhân lúc hơi rượu đi một lát có chạm phải cái gì đâu.

Phượng Thư vốn đã bị một vố khiếp quá ở trong vườn, nghe nói đến đó, sởn gáy lên và nói

– Chú Bảo to gan thật!

Tương Vân nói

– Không phải gan to, mà đó là lòng thật. Không biết anh ấy lại định gặp thần phù dung hay là tìm vị tiên nào đấy?

Bảo Ngọc nghe nói, cũng không trả lời. Chỉ có Vương phu nhân hoảng quá, không nói một câu nào.

Giả mẫu hỏi

– Cháu vào vườn không sợ à? Không cần nói nữa, sau muốn đi chơi thì phải đem thêm người mới được. Nếu không phải là cháu sinh chuyện thì mọi người đã về rồi. Thôi. về đi ngủ một đêm cho ngon, ngày mai đến đây sớm, ta định bù thêm cho các người vui một ngày nữa đấy. Đừng vì nó mà lại xảy ra chuyện.

Mọi người nghe nói, cáo từ Giả mẫu rồi ra về. Tiết phu Nhân đến nghĩ ở nhà Vương phu nhân. Sử Tương Vân vẫn nghỉ ở phòng Giả mẫu, Nghênh Xuân qua nghỉ ở bên Tích Xuân. Còn tất cả thì đều về nhà.

Riêng có Bảo Ngọc về đến phòng mình, cứ than thở mãi.

Bảo Thoa biết rõ duyên cớ cũng cứ để mặc, nhưng sợ anh ta lo buồn, bệnh cũ trở lại, liền vào trong nhà, gọi Tập Nhân lại hỏi cặn kẽ về tình hình Bảo Ngọc vào vườn thế nào.

1      Chỉ Bảo Thoa

2      Đời Hán Cao đế, có bốn ông già ở ẩn trong núi Thương.

3      Theo truyền thuyết, Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào khoảng đời Hán, nhân ngày đoan ngọ, vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp tiên, rồi lấy nhau. Sau Lưu, Nguyễn về nhà. Đến khi quay lại thì không tìm ra lối nữa.

4      Trương Sương người đời Hán Tuyên đế, nổi tiếng là người vẽ lông mày cho vợ.

_________________

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.