Chương 27: Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng – ộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn

Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng

Mộ Mai Hương, Phi Yến khóc hoa tàn

Đại Ngọc đương lúc than khóc, chợt cửa mở, Bảo Thoa ở trong bước ra, bọn Bảo Ngọc, Tập Nhân đều tiễn ra cửa. Đại Ngọc muốn chạy đến hỏi Bảo Ngọc, nhưng lại sợ người ta biết, làm cho Bảo Ngọc xấu hổ, vì thế Đại Ngọc đứng né ra một bên để cho Bảo Thoa đi. Đợi Bảo Ngọc đóng cửa rồi, Đại Ngọc mới trở lại nhìn vào cửa gạt nước mắt, cảm thấy không còn thú vị gì, liền lủi thủi quay về cởi đồ trang sức ra.

Ngày thường, bọn Tử Quyên, Tuyết Nhạn vẫn biết tính nết Đại Ngọc; lúc rỗi ngồi buồn, không cau mày cũng thở dài, nhiều khi bỗng đang yên lành, không biết vì sao cũng rơm rớm nước mắt. Trước còn có người khuyên ngăn, hoặc cho là cô ta nhớ bố mẹ, nhớ quê hương hay bị Oan ức điều gì, nên họ tìm lời an ủi. Nhưng sau hàng năm hàng tháng lúc nào cũng thế, mọi người lâu dần cũng quen đi, chẳng ai để ý đến nữa, vì thế họ mặc kệ cho cô ta ngồi buồn một mình, cứ lẻn ra ngoài chơi.

Đại Ngọc tựa vào bao lan giường, hai tay ôm lấy đầu gối, nước mắt giàn giụa, ngồi ngây như một pho tượng, mãi đến canh hai mới đi nằm.

Hôm sau là ngày hai mươi sáu tháng tư, đến giờ mùi, là sang tiết Mang chủng. Theo tục cổ, đến ngày này, các nơi bày lễ vật cúng tiễn hoa thần. Vì rằng sau đó sang mùa hạ, các thứ hoa đều tàn, thần hoa lui về, nên phải làm lễ tiễn, nhất là trong khuê các lại càng náo nức hơn. Vì thế các người ở trong vườn Đại Quan ai nấy đều dậy sớm. Bọn con gái nhỏ hoặc lấy bông hoa cành liễu bện thành kiệu, ngựa, hoặc dùng gấm vóc, the lụa xếp thành cờ quạt tàn lọng, cái nào cũng buộc bằng chỉ ngũ sắc, treo trên từng ngọn cây, từng cành hoa. Trong vườn giải thêu phất phới, cành hoa chờn vờn. Các chị em đều tô son điểm phấn, làm cho đào thẹn hạnh nhường, yến ghen oanh tủi, vẻ tươi đẹp không thể tả hết được. Bấy giờ chị em bọn Bảo Thoa, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Lý Hoàn, Phượng Thư và cháu Đại Thư, Hương Lăng cùng bọn a hoàn đều đến chơi đùa cả ở trong vườn, riêng Đại Ngọc không thấy đâu cả. Nghênh Xuân hỏi:

– Sao không thấy em Lâm? Cô bé này lười quá! Bây giờ hãy còn ngủ à?

Bảo Thoa nói:

– Chị em hãy ngời chờ đây, để tôi đi bắt cô ấy đến.

Nói xong rẽ mọi người ra, đi thẳng đến quán Tiêu Tương.

Trong khi đi, gặp bọn Văn Quan tất cả mười hai cô bé cùng đi đến, bèn đứng lại chào hỏi, nói mấy câu chuyện rồi đi. Bảo Thoa quay lại bảo:

– Họ đang ở trong kia kìa, đến đấy mà tìm. Ta đi tìm cô Lâm rồi về ngay.

Nói xong đi quanh đến quán Tiêu Tương. Ngẩng đầu nhìn, thấy Bảo Ngọc đi tới. Bảo Thoa đứng lại cúi đầu ngẫm nghĩ: “Bảo Ngọc và Đại Ngọc từ bé cùng ở một nơi, anh em họ nhiều lúc không biết tránh sự hiềm nghi, cười đùa không giữ ý, vui giận bất thường; vả chăng Đại Ngọc tính nết nhỏ nhen, lại hay ghen ghét, bây giờ mình đến đấy, một là không tiện cho Bảo Ngọc, hai là Đại Ngọc sinh ngờ, chi bằng ta trở về là hơn”. Nghĩ xong, Bảo Thoa định quay đi tìm chị em khác, thì trước mặt có một đôi bướm trắng to bằng cái quạt, con xuống con lên, theo gió bay lượn, rất là đẹp mắt. Bảo Thoa muốn bắt để chơi, liền lấy cái quạt ở trong tay áo ra, định đập xuống đất. Không ngờ đôi bướm cứ lên lên xuống xuống, lượn lượn bay bay, rồi chúng luồn qua khe hoa, khóm liễu, chờn vờn định bay qua sông, làm cho Bảo Thoa cứ rón rén đuổi theo mãi đến đình Trích Thúy ở bên ao. Bấy giờ mồ hôi đầm đìa, hơi thở hổn hển, Bảo Thoa đành thôi không đuổi nữa. Quay về, nghe trong đình có tiếng người nói rì rầm. Nguyên cái đình này xây ở trong hồ, bốn mặt đều có lan can chạm trổ, chung quanh dán giấy kín. Bảo Thoa đứng lại, lắng tai nghe, thấy nói:

– Chị xem cái khăn lụa này nếu quả là của chị đánh rơi, thì chị giữ lấy; nếu không phải, tôi sẽ đem trả lại cậu Vân.

– Sao lại không phải của tôi! Đưa đây cho tôi xin.

– Thế thì chị thưởng cho tôi cái gì nào? Lẽ nào tôi lại đưa không cho chị?

– Tôi đã hứa với em, không khi nào tôi lại đánh lừa em.

– Tôi đưa giả chị, chị tạ Ơn tôi đã đành rồi, còn người bắt được, chị không tạ người ta à?

– Em đừng nói nhảm, người ta là chủ nhà, bắt được cái gì của chúng ta thì phải trả lại, còn đòi tạ Ơn à?

– Nếu chị không tạ, thì tôi trả lời người ta thế nào? Vả chăng, cậu ấy dặn tôi ba bốn lần, nếu chị không tạ Ơn thì không được lấy khăn lại.

– Thôi được, cầm cái này về cho người ta, tức là tôi tạ Ơn đấy. Nhưng phải thề đi, em có nói chuyện này với ai không?

– Tôi mà nói với ai thì mồm sẽ lên đinh, ngày sau sẽ chết điêu chết đứng.

Lại nghe có người nói:

– Chúng ta cứ mải nói chuyện, khéo không ở ngoài có người nghe trộm đấy. Chi bằng mở toang cửa sổ ra, có ai trông thấy chúng ta ở trong này, họ sẽ cho là chúng ta nói chuyện tếu với nhau thôi. Khi họ đến gần đây, chúng ta trông thấy sẽ thôi không nói nữa.

Bảo Thoa đứng ngoài nghe vậy, giật mình nghĩ bụng: “Xưa nay những đứa gian dâm trộm cướp, bụng dạ đều ra trò cả! Nếu mở cửa, thấy ta ở đây, lẽ nào chúng nó không hổ thẹn? Vả lại nghe tiếng hệt như tiếng con Hồng ở phòng Bảo Ngọc, nó xưa nay vẫn to gan, không coi ai ra gì. Nó là đứa a hoàn điêu ngoa, quỉ quái bực nhất. “Người cùng làm phản, chó cùng nhảy qua tường”. Nay ta biết được sự xấu xa của nó, nếu không cẩn thận, không những thêm chuyện, mà ta cũng chẳng hay ho gì. Bây giờ lánh đi một nơi thì không kịp, chi bằng dùng lối “kim thiền thoát xác” 1 mới được”. Bỗng nghe kẹt một tiếng, Bảo Thoa liền cố ý đi nặng bước, cười hỏi:

– Chị Tần, tôi xem chị trốn đi đâu nào?

Vừa nói vừa cố ý đi rảo bước.

Hồng Ngọc và Trụy Nhi ở trong đình, vừa mở cửa sổ ra, đã thấy Bảo Thoa nói thế, rồi rảo bước đi lên, hai người đều sợ hãi. Bảo Thoa ngoảnh lại cười hỏi:

– Các chị giấu cô Lâm ở đâu?

Trụy Nhi nói:

– Tôi có thấy cô Lâm đâu.

Bảo Thoa nói:

– Tôi vừa mới ở bên kia hồ, trông thấy cô Lâm ngồi đấy quấy nước chơi, tôi muốn lẳng lặng đến để cô ấy giật mình, nhưng chưa tới nới, cô ấy đã trông thấy, liền đi rẽ sang phía đông rồi mất hút. Có lẽ cô ấy nấp ở trong này?

Bảo Thoa cố ý vào tìm, lại quay ra, miệng lẩm bẩm:

– Nhất định cô ta nấp ở trong hang núi này. Nếu gặp phải rắn nó cắn cho một cái thì xong đời.

Vừa nói vừa đi, trong bụng cười thầm: “Thế là ta nói quanh che giấu đã trôi, chẳng biết chúng nó nghĩ thế nào”.

Hồng Ngọc nghe vậy, tin là thực, đợi Bảo Thoa đi xa, liền kéo tay Trụy Nhi lại bảo:

– Thôi hỏng rồi! Cô Lâm núp ở trong này, nhất định nghe thấy những câu chuyện của chúng ta.

Trụy Nhi nghe nói ngồi thừ ra một lúc, Hồng Ngọc lại hỏi:

– Thế thì bây giờ làm thế nảo?

– Nghe thấy thì nghe, chứ có động chạm gì đến ai! Người nào lo việc người ấy là xong.

– Cô Bảo nghe thấy chẳng sao, chứ cô Lâm miệng hay xoi bói, bụng hay khe khắt, nghe thấy mà đi nói tung ra thì làm thế nào?

Đương nói chuyện, thấy bọn Văn Quan, Hương Lăng, Tư Kỳ, Thị Thư đi đến. Hai người nói lảng ra chuyện khác rồi cười đùa với bọn này.

Phượng Thư ở bên kia sườn núi vẫy tay gọi. Hồng Ngọc vội vàng bỏ mọi người chạy đến, cười hỏi:

– Mợ gọi cháu có việc gì?

Phượng Thư ngắm nghía một lúc, thấy Hồng Ngọc sạch sẽ nhanh nhẹn, ăn nói có duyên, liền cười hỏi:

– Hôm nay bọn a hoàn của ta không đi theo hầu. Ta nhớ ra một việc, muốn sai mày đi, không biết mày có làm nổi không? Nói năng có được rành mạch không?

– Mợ có việc gì xin cứ bảo, nếu cháu nói không rành mạch, làm hỏng việc, mợ cứ trách phạt.

– Mày ở nhà cô nào? Để khi ta sai đi, có ai đến tìm, ta sẽ nói hộ.

– Cháu ở nhà cậu Bảo.

– Thế ra mày ở nhà cậu Bảo đấy à? Thảo nào! Thôi được, nếu cậu ấy đến hỏi thì ta nói hộ. Mày về nhà ta bảo chị Bình: dưới cái giá mâm sứ Nhữ Châu để trên cái bàn ở nhà ngoài, có một gói bạc một trăm hai mươi lạng, là để trả tiền công thợ thêu. Khi nào vợ Trương Tài đến thì cân ngay trước mặt, đưa cho chị ta mang đi. Lại còn việc nữa: lấy cái túi nhỏ ở đầu giường mang đến đây cho ta.

Hồng Ngọc nghe xong, vâng lời đi ngaỵ Một lúc trở lại, không gặp Phượng Thư ở trên sườn núi nữa. Thấy Tư Kỳ ở trong hang núi ra, đương đứng thắt lưng, Hồng Ngọc chạy lại hỏi:

– Chị có biết mợ Hai ở đâu không?

– Tao không biết.

Hồng Ngọc quanh đi tìm các nơi, gặp Thám Xuân, Bảo Thoa đang ngồi xem cá ở bên hồ. Hồng Ngọc lại gần cười nói:

– Thưa hai cô, có biết mợ Hai đi đâu không?

Thám Xuân nói:

– Đến nhà mợ Cả mà tìm.

Hồng Ngọc đến thôn Đạo Hương, thấy bọn Tình Văn, Ỷ Hà, Bích Ngân, Tử Tiêu, Xạ Nguyệt, Thị Thư, Nhập Họa, Oanh Nhi cùng đi lại. Tình Văn trông thấy Hồng Ngọc nói ngay:

– Con này động điên sao? Không tưới hoa ngoài sân, không cho chim ăn, không pha trà, chỉ chạy nhông thôi.

Hồng Ngọc nói:

– Hôm qua cậu Hai bảo: sáng nay không cần tưới hoa nữa, cứ cách một ngày tưới một lần. Chim thì tôi cho ăn lúc chị còn đương ngủ kia.

Bích Ngân nói:

– Còn nước trà thì sao?

Hồng Ngọc nói:

– Hôm nay không phải phiên của tôi, có trà hay không, đừng hỏi đến tôi.

Ỷ Hà nói:

– Chị nghe miệng nó nói đấy! Thôi các chị đừng hỏi nữa, mặc kệ cho nó đi chơi.

Hồng Ngọc nói:

– Các chị thử hỏi xem, tôi có đi chơi không? Mợ Hai vừa bảo tôi đi lấy cái này đây.

Nói xong, nó đưa cái túi cho mọi người xem, ai nấy nín lặng, không nói gì nữa, rồi bỏ đi cả.

Tình Văn cười nhạt:

– Thảo nào! Thế ra nó đã trèo lên được cành cao, nên mới coi thường chúng tạ Không biết nó đã ăn đã nói được những câu gì? Đã ai biết tên biết tuổi nó là gì, mà nó vênh mặt lên như thế? Lần này không hề gì, chứ lần sau thì liệu đấy! Thôi từ nay trở đi nó có giỏi thì ra khỏi cái vườn này, cứ ngồi được mãi ở trên cành cao ấy,mới cho là tài.

Tình Văn vừa nói vừa đi.

Hồng Ngọc nghe nói, không tiện cãi lại, chỉ cố nén giận đi tìm Phượng Thự Đến buồng họ Lý, quả gặp Phượng Thư đương ngồi nói chuyện ở đấy. Hồng Ngọc vào trình:

– Chị Bình nói: khi mợ đi, chị ấy đã cất gói bạc rồi. Vợ Trương Tài đến lấy, chị ấy đã cân trước mặt và giao cho mang đi rồi.

Hồng Ngọc lại đưa cái túi ra, thưa:

– Chị Bình bảo tôi đến trình mợ: Vừa rồi Lai Vượng đến hỏi xem mợ có truyền bảo gì, để nó còn phải sang bên kia; chị Bình đã theo ý mợ bảo nó đi rồi.

Phượng Thư cười nói:

– Nó theo ý ta như thế nào mà bảo Lai Vượng đi?

– Chị Bình bảo: mợ tôi nhắn lời hỏi thăm mợ bên ấy. Cậu Hai không có ở nhà. Dù có chậm vài hôm, xin mợ cứ yên lòng. Khi nào mợ Năm khỏe, mợ tôi sẽ cùng mợ Năm sang thăm. Hôm trước mợ Năm sai người đến nói: bà mợ có nhắn tin hỏi thăm sức khỏe của mợ, lại muốn nhờ cô bên ấy tìm hộ mấy viên thuốc “duyên niên thần nghiệm vạn toàn đan”. Nếu có thì mợ sai người mang đến đưa cho mợ tôi. Sau có người đi, sẽ tiện đường đem sang cho bà mợ.

Hồng Ngọc nói chưa dứt lời, Lý Hoàn cười nói:

– Ô chà! Tao không hiểu mày nói gì, cứ “mợ, mợ, “cậu, cậu” lôi ra một tràng.

Phượng Thư cười nói:

– Chả trách chị không hiểu là phải. Đó là câu chuyện bốn năm gia đình khác nhau.

Rồi quay lại Hồng Ngọc cười nói:

– Con bé này khá đấy, mày nói cũng rành mạch, chứ không như những đứa khác cứ ấp a ấp úng, nói lý nhí như muỗi kêu ấy. Chị không biết, bây giờ trừ mấy a hoàn và bà già hầu tôi ra, tôi không muốn nói với ai cả: Một câu nói của mình, họ kéo dài ra làm hai ba đoạn, đứt quãng từng chữ từng câu, lai nhai ấp úng, chỉ tổ làm cho mình nóng tiết lên, chứ họ có biết gì đâu. Bình Nhi nhà tôi trước cũng thế đấy. Tôi thường bảo nó có phải nói như tiếng muỗi mới gọi là mỹ nhân đâu? Tôi dạy nó nhiều lần, nên bây giờ nó mới khá đấy.

Lý Hoàn cười nói:

– Có phải ai cũng láu lỉnh như thím đâu!

Phượng Thư nói:

– Con bé này cũng khá đấy. Vừa rồi hai lần nói chuyện, tuy không nhiều mấy, nhưng lời nói cũng gãy gọn.

Nói xong quay lại Hồng Ngọc cười bảo:

– Ngày mai mày sang hầu tao, tao sẽ nhận làm con nuôi, tao trông nom cho, sau này mày sẽ nên người.

Hồng Ngọc nghe nói bật cười. Phượng Thư nói:

– Mày cười gì? Mày cho tao còn trẻ, hơn mày mấy tuổi, lại chực làm mẹ mày à? Mày mơ ngủ hay sao! Mày xem có những người lớn hơn mày nhiều, cứ chực gọi tao là mẹ, tao cũng chẳng thèm nhìn. Thế này là tao cất nhắc mày đấy!

Hồng Ngọc cười nói:

– Không phải cháu cười thế đâu. Cháu cười là cười mợ nhận nhầm thứ bậc đấy thôi. Mẹ cháu đã là con nuôi mợ rồi, bây giờ mợ lại nhận cháu làm con nuôi.

Phượng Thư nói:

– Mẹ mày là ai?

Lý Hoàn cười nói:

– Thím không nhận được nó à? Nó là con gái Lâm Chi Hiếu đấy.

Phượng Thư nghe xong rất lấy làm lạ, nói:

– Thế ra con gái nó đấy à? – Lại cười nói: – Hai vợ chồng Lâm Chi Hiếu đần độn thế, suốt ngày không ai cạy mồm nó nói một câu. Ngày thường tôi vẫn bảo: hai người này lấy nhau thực là tốt đôi, một người điếc, một người câm. Ai ngờ lại đẻ ra được đứa con sắc sảo nhanh nhẹn thế này! Mày mười mấy tuổi?

– Cháu mười bảy tuổi.

– Tên là gì?

– Nguyên trước là Hồng Ngọc, vì trùng tên với cậu Bảo, nên đổi là Tiểu Hồng.

Phượng Thư nghe nói, cau mày lại, ngoảy đầu một cái rồi bảo:

– Rõ chán thật! Được ngọc có lẽ sướng lắm hay sao, người này cũng “ngọc”, người kia cũng “ngọc”.

Rồi quay sang nói với Lý Hoàn:

– Chị không biết, tôi đã bảo mẹ nó: vợ Lại Đại bây giờ lắm việc, chẳng còn biết ai với ai trong phủ này nữa. Tôi nhờ mụ ấy tìm hộ hai a hoàn, mụ ấy chỉ nhận lời cho xong, rồi không những không đi tìm, lại còn đưa con đi hầu chỗ khác. Hay là con nó đến hầu tôi không được tử tế chăng?

Lý Hoàn cười nói:

– Thím đa nghi lắm. Con người ta đi hầu đã lâu rồi, đến giờ thím mới bảo, thì còn trách gì mẹ nó?

Phượng Thư cười nói:

– Đã thế thì ngày mai tôi sẽ nói với chú Bảo tìm người khác thay cho con bé này đến ở với tôi. Nhưng liệu mày có bằng lòng không?

Hồng Ngọc cười nói:

– Bằng lòng hay không, cháu không dám nói. Nhưng nếu được hầu mợ thì cháu học được cách ăn ở lui tới, học được việc lớn việc nhỏ, sẽ khôn biết ra nhiều.

Bỗng có a hoàn của Vương phu nhân lại mời, Phượng Thư cáo từ Lý Hoàn ra về. Hồng Ngọc cũng về viện Di Hồng.

Đêm qua về, Đại Ngọc ngủ không được, sáng nay dậy muộn, nghe nói chị em ở trong vườn đương mở hội tiễn hoa. Sợ người ta cười là lười, Đại Ngọc rửa mặt chải đầu xong, vội vàng đi ngaỵ Mới ra ngoài sân, thấy Bảo Ngọc đi vào cười nói:

– Hôm qua em có mách gì việc anh không? Anh áy náy cả đêm.

Đại Ngọc liền quay đầu lại bảo Tử Quyên:

– Dọn nhà đi, buông cửa sổ xuống, xem con chim yến đã về chưa, bỏ rèm xuống, chận cái đôn đá sư tử lại, đốt lò hương rồi đậy nắp lại.

Nói xong đi ra.

Bảo Ngọc thấy quang cảnh ấy, chỉ cho là vì việc trưa hôm qua, có biết đâu lại còn cả cái tội buổi tối nữa? Bảo Ngọc cứ đứng chắp tay vái chào. Đại Ngọc vẫn không thèm nhìn, bỏ đi ra, tìm các chị em.

Bảo Ngọc buồn bực, nghĩ bụng:

– Cứ xem bộ dạng này, thì không phải là vì việc buổi trưa hôm quạ Nhưng buổi chiều ta về nhà đã muộn, không gặp cô ta, còn va chạm với cô ấy vào lúc nào?

Vừa nghĩ vừa đi theo sau.

Thấy Bảo Thoa và Thám Xuân ngồi xem hạc múa, Đại Ngọc cũng đến đó. Ba người cùng đứng nói chuyện. Sau thấy Bảo Ngọc đến, Thám Xuân cười nói:

– Anh Bảo có khỏe không? Suốt ba hôm nay em không được gặp.

Bảo Ngọc cười hỏi:

– Em có được mạnh không? Hôm nọ anh gặp chị Cả, có hỏi thăm em.

Thám Xuân nói:

– Anh lại đây, em hỏi chuyện.

Bảo Ngọc nghe nói, từ giã Bảo Thoa và Đại Ngọc đến ngồi ở dưới cây thạch lựu. Thám Xuân hỏi:

– Mấy hôm nay cha có gọi anh không?

– Không gọi.

– Hôm nọ em thoáng nghe như cha gọi anh.

– Chắc người ta nghe nhầm đấy, cha có gọi anh đâu.

– Mấy tháng nay em có dành dụm được mười quan tiền, anh cầm lấy, khi nào ra chơi phố, thấy có bức chữ hay vẽ đẹp, hoặc đồ chơi xinh xắn, anh mua hộ mang về cho em.

– Thỉnh thoảng anh cũng có đi qua các nhà, các miếu ở trong thành, ngoài thành, chẳng thấy cái gì mới lạ, xinh xắn cả, chỉ có những đồ vàng, ngọc, đồng, sứ, và những thứ đồ cổ không có chỗ vất; rồi đến các thứ vóc, nhiễu và các đồ ăn thức mặc thôi.

– Ai cần gì đến những thứ ấy! Như lần trước anh mua cái lẵng hoa bằng cành liễu, hộp phấn bằng rễ trúc, cái lồng ấp bằng đất thó, trông rất đẹp, em thích lắm. Mà chị em ai cũng thích cả. Họ coi những thứ này như của báu, có cái nào là cướp mất cái ấy.

– Nếu em thích những cái ấy, thì chẳng đáng mấy đồng tiền, cứ cho người nhà mang mấy quan tiền đi, sẽ mua được hàng xe.

– Bọn người nhà biết gì? Anh đi chọn lấy cái gì mộc mạc mà không tục, thì mua nhiều về cho em. Em sẽ thêu cho anh một đôi giày như lần trước mà còn tỉ mỉ kỹ càng hơn, anh nghĩ có được không?

Bảo Ngọc cười nôi:

– Em nói đến đôi giày, anh lại nhớ câu chuyện trước. Có lần anh đi đôi giày ấy, gặp cha, người lấy làm khó chịu, hỏi giày này ai thêu chọ Anh không dám nói là em thêu, chỉ nói mợ cho trong dịp sinh nhật anh. Cha thấy thế, không nói gì, một lúc mới phàn nàn: “Tội gì mả hao tốn sức người, phí phạm nhiễu lụa, để thêu cái thứ ấy!” Sau về anh nói chuyện với Tập Nhân, Tập Nhân nói: “Như thế đã đành, dì Triệu lại còn oán là khác. Dì ấy bảo, anh em ruột giày rách đằng giày, tất rách đằng tất, chẳng ai thèm nhìn đến, lại đi thêu những thứ ấy!”

Thám Xuân nghe nói, sa sầm nét mặt xuống, nói:

– Anh xem, câu nói hồ đồ biết chừng nào! Em có phải lả hạng người chỉ để thêu giày đâu. Em Hoàn không có phần riêng của nó sao? Áo quần có phần áo quần, giày tất có phần giày tất, gái hầu, bà già cũng đầy cả nhà, sao lại thở ra những câu oán trách ấy? Định nói cho ai nghe đấy! Chẳng qua lúc rỗi em muốn thêu một đôi chơi, trong đám anh em, thích ai thì cho; đó là tùy bụng em, chứ ai bắt buộc? Thực là dì ấy ghen quàng!

Bảo Ngọc gật đầu cười nói:

– Em không biết, bụng người ta lại nghĩ khác kia.

Thám Xuân nghe nói, càng cáu lên, ngoảy đầu nói:

– Anh cũng hồ đồ nốt. Dì ấy nghĩ thế đấy, nhưng chẳng qua là ý nghĩ của hạng người hèn mọn mà thôi. Mặc dì ấy, muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, chứ em chỉ biết bà và cha thôi, ngoài ra em không cần ai hết. Ngay trong đám anh chị em, ai tốt với em, thì em tốt giả, bất cứ là con nàng hầu, vợ lẽ. Đáng ra em không nên nói dì ấy, nhưng vì dì ấy u mê quá chừng! Lại có một chuyện đáng buồn cười nữa: lần trước em đưa tiền nhờ anh mua đồ chơi hộ em, vài hôm sau gặp em, dì ấy kêu túng kêu thiếu. Em mặc kệ, chẳng để ý đến. Sau khi bọn a hoàn ra rồi, dì ấy quay lại trách móc em, bảo em để dành tiền chỉ đưa cho anh thôi, không đưa cho thằng Hoàn. Nghe dì ấy nói thế, vừa buồn cười vừa bực mình, em chạy ngay đến chỗ mẹ.

Đương nói thì Bảo Thoa ở đằng kia cười nói:

– Chuyện xong chưa, lại đây. Thế mới rõ ra là anh em với nhau bỏ hết cả mọi người, đem nhau đi nói chuyện riêng, chúng tôi nghe không được hay sao?

Thám Xuân, Bảo Ngọc đều cười chạy lại.

Không thấy Đại Ngọc ở đấy, Bảo Ngọc biết ngay là cô ta tránh đi chỗ khác. Rồi nghĩ: “Hãy để chậm vài hôm, chờ cô ta bớt giận, mình sẽ đến”. Nhân cúi đầu nhìn thấy nhiều thứ hoa phượng tiên, thạch lựu, như nền gấm giải rụng từng chùm xuống đất, Bảo Ngọc than thở:

– Hẳn là cô ta trong bụng còn tức giận, nên không nhặt những hoa rụng này. Để ta nhặt đi, ngày mai sẽ lại hỏi cô ấy.

Bảo Thoa rủ cả bọn đi về phía sau chơi. Bảo Ngọc nói:

– Tôi sẽ đến sau.

Chờ cho hai người đi xa, Bảo Ngọc mới nhặt những hoa rụng, rồi trèo non lội nước, qua cây luồn hoa, đi đến chỗ cùng Đại Ngọc chôn hoa đào hôm trước. Gần đến nơi, còn ở bên kia dốc núi, đã nghe tiếng nghẹn ngào, khóc than kể lể, ai nghe cũng phải đau lòng. Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Không biết a hoàn nhà ai có điều gì oan ức, lại chạy đến đây mà khóc thế?” Vừa nghĩ vừa dừng bước lại, nghe thấy những lời than khóc như sau:

Hoa bay hoa rụng ngập trời,

Hồng phai hương lạt ai người thương hoa?

Đài xuân tơ rủ la đà,

Rèm thêu bông khẽ đập qua bên ngoài.

Kìa trong khuê các có người,

Tiếc xuân lòng những ngậm ngùi vẩn vơ.

Vác mai rảo bước bước ra,

Lòng nào nỡ giẫm lên hoa thế này?

Vỏ du tơ liễu đẹp thay,

Mặc cho đào rụng, lý bay đó mà.

Sang năm đào lý trổ hoa,

Sang năm buồng gấm biết là còn ai?

Tháng ba tổ đã xây rồi,

Trên xà hỏi én quen người hay không?

Sang năm hoa lại đâm bông,

Biết đâu người vắng, lầu hồng còn trơ?

Ba năm sáu chục thoi đưa,

Gươm sương dao gió những chờ đâu đây.

Tốt tươi xuân được mấy ngày,

Chốc đà phiêu dạt, bèo mây thêm sầu.

Nở rồi lại rụng đi đâu,

Người chôn hoa nhĩmg rầu rầu đòi cơn.

Cầm mai lệ lại ngầm tuôn,

Dây trên cành trụi hãy còn máu rơi.

Chiều hôm quyên lặng tiếng rồi,

Vác mai về đóng cửa ngoài buồn tênh!

Ngả người trước ngọn đèn xanh,

Ngoài song mưa tạt, bên mình chăn đơn.

Mình sao vơ vẩn từng cơn?

Thương xuân chi nữa lại hờn xuân chi?

Thương khi đến, hờn khi đi,

Đến lừ đừ đến, đi lỳ lỳ đi.

Ngoài sân tiếng khóc rầm rì,

Chẳng hồn hoa đấy, cũng thì hồn chim.

Hồn kia lảng vảng khôn tìm,

Chim càng lặng lẽ, hoa thêm sượng sùng.

Thân này muốn vẫy vùng đôi cánh,

Nơi chân trời liệng cảnh hoa chơi!

Nào đâu là chỗ chân trời,

Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?

Sẵn túi gấm đành ta nhặt lấy,

Chọn nơi cao che đậy hương tàn.

Thân kia trong sạch muôn vàn,

Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.

Giờ hoa rụng có ta chôn cất,

Chôn thân ta chưa biết bao giờ.

Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,

Sau này ta chết, ai là người chôn?

Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,

Cũng là khi khách hồng nhan về già.

Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,

Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!

Bảo Ngọc nghe xong, bất giác đứng ngẩn người ra, ngã vật xuống đất.

1      Con ve lột xác, nghĩa là biến đổi thân hình mình để người khác không trông thấy.

_________________

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.