Chương 8: Như Lai tạo kinh truyền Cực Lạc – Quan Âm vâng chỉ xuống Tràng An
Nói về Phật Tổ từ tạ Ngọc Ðế về đến Lôi Âm bửu sái, để các vị Bồ Tát Kim Cang cầm tràng phan bửu sái ra tiếp giá.
Như Lai lên ngồi tòa sen, hào quang sáng lòa.
Các Bồ Tát Kim Cang chắp tay làm lễ hỏi:
– Phá cõi trời, làm rối bàn đào hội, là ai vậy?
Như Lai phán các việc đầu đuôi, hết thảy nghe nói đều mừng rỡ lui chầu.
Ngày kia Phật Tổ kêu các vị Ấ La, Yết Ðế, Bồ Tát, Kim Cang mà nói rằng:
– Từ thâu đặng yêu hầu tính lại đặng năm trăm năm dưới phàm. Nay ta có một bửu bồn, kêu là Vu Lan bồn có đủ trái ngon bông lạ cho các ngươi hưởng nhờ, ý các ngươi muốn chăng?
Hết thảy chắp tay tạ ơn.
Phật Tổ biểu Ấ Nang Ca Diếp phân phát cho đại chúng.
Hết thảy cảm tạ rồi, xin Như Lai giảng dạy.
Như Lai giảng tam thừa kinh phép chánh quả rồi nói với chúng rằng:
– Ta xem trong bốn cõi đại bộ châu, con người lành dữ khác nhau. Tại Ðông Thắng thần châu kính trời đất, có lòng hiền, Tây Ngưu hạ châu không tham ái; Bắc Cư lư châu hay sát sanh vọng ngữ, còn Nam Thiện bộ châu tham dâm dục, hay đâm chém, miệng lưỡi hung dữ độc ác. Nay ta có ba tạng chân kinh khá khuyên người lành. Chư vị Bồ Tát chắp tay hỏi:
– Ba tạng kinh thế nào?
Như Lai nói:
– Một tạng nói về việc trời, một tạng nói về trời đất, môt tạng nói về việc đất, còn một tạng thì cứu ma độ quỷ. Ba tạng cộng lại là 25 bộ cai ra một muôn năm ngàn một trăm bốn mươi bốn cuốn (15.144) thiệt là phép chu nhân thánh thiện. Ta muốn cho về Ðông Ðộ, e thiên hạ ngu dại chê bai phép Phật, chẳng biết kinh du là chánh tông. Phải đặng một người tài phép giỏi qua Ðông Ðộ khuyên dạy chúng sanh, sẽ đặng có công đức như non. Ai muốn lãnh đi?
Quan Âm Bồ Tát nói:
– Tôi tuy bất tài, xin qua Ðông Ðộ kiếm một người đi thỉnh kinh.
Như Lai cả đẹp nói:
– Quan Âm thần thông biến hóa đi đặng. Như có đi thì đi trên mây, mà chớ đi cao lắm, ngươi tuy có lòng mà cũng khó đi đặng, nay ta cho ngươi năm phép báu.
Liền dạy Ấ Nang Ca Diếp lấy cà sa và Cữu huờn tích trượng đặng cho người thỉnh kinh bền lòng đi, khi bận áo cà sa khỏi đọa luân hồi, cầm tích trượng khỏi bị hại. Quan Âm lạy mà lãnh.
Như Lai lấy ba cái cô nhi là cái vòng, nói rằng:
– Ba cái cô nhi này như một, cái này đọc chú ba lần thì biến hóa mà trừ yêu. Như gặp yêu thì nhờ phép này khuyên dạy nó phải đi theo người lấy kinh làm học trò. Như nó không chịu thì cho nó đội cái này trên đầu tự nhiên dính vào thịt gỡ ra không đặng. Nó không vâng phục thì đọc chú cho nó nhứt đầu chịu không nỗi, thì nó mới đầu vào phép ta.
Quan Âm lãnh rồi làm lễ lui ra, kêu Huệ Ngạn đi theo.
Quan Âm gói áo cà sa lại, đưa Huệ Ngạn cầm, lại cất Kim Cô, tay cầm Tích trượng, xuống khỏi Linh Sơn. Tới gần núi có Ngọc Chân Quân Kim Ðãnh đại tiên rước vào pha trà hỏi:
– Chẳng hay Bồ Tát đi đâu?
Quan Âm nói:
– Tôi vâng chỉ Như Lai đến Ðông Ðộ tìm người lấy kinh.
Ðại tiên hỏi:
– Chừng nào người lấy kinh đi tới?
Quan Âm nói:
– Chưa biết chừng độ hai ba mươi năm thì tới.
Liền từ giã đại tiên đi nửa chừng mây, ngó xuống sông Lưu Sa thấy ba người chết chìm.
Quan Âm nói với Huệ Ngạn rằng:
– Người phàm khó qua chỗ này đặng mà lấy kinh.
Xảy thấy nổi sóng gió, một con yêu rất xấu xa, hét lớn một tiếng nhảy lên bờ cầm bửu trượng xốc lại đánh Quan Âm.
Huệ Ngạn cầm côn chận lại nạt rằng:
– Quái vật chớ chạy.
Hai người hổn chiến hơn mười hiệp chưa phân hơn thua.
Yêu ấy đỡ lại rồi hỏi rằng:
– Ngươi ở đâu mà dám đến cự với ta?
Huệ Ngạn nói:
– Ta là Nhị Thái Tử của Lý Thiên Vương là Mộc Tra đây, ngươi sao dám đón đường?
Quái ấy nói:
– Ta nhớ ngươi theo Nam Hải Quan Âm tu hành, sao lại đến làm chi?
Mộc Tra nói:
– Trên kia là thầy ta đó.
Quái ấy nghe nói liền chạy tới trước mặt Quan Âm cúi đầu lạy thưa rằng:
– Xin tha tội cho tôi thú thiệt: Nguyên trước tôi hầu Ngọc Ðế làm chức Quyện Liêm đại tướng, nhân hội bàn đào lỡ tay làm bể đèn lưu ly nên Ngọc Ðế bắt tội đánh 800 roi, đày xuống hạ giới, biến ra xấu xa, còn bảy ngày có gươm bay đến đâm hông tôi một lần, đau đớn quá chừng. Lại thêm đói lạnh chịu không nỗi, nên làm sóng gió bắt người qua lại mà ăn thịt, nay rủi phạm nhằm Bồ Tát.
Quan Âm nói:
– Ngươi đã có tội lại ăn thịt người ta, tội càng thêm nặng. Nay ta lãnh sắc Phật Tổ qua Ðông Ðộ tìm người lấy kinh. Ta muốn ngươi đợi đây theo người lên Tây Phương thỉnh kinh, ta kêu gươm bay đó không đâm ngươi nữa. Sau này nên công hết tội, đặng phục chức cũ, ngươi nghĩ thế nào?
Quái ấy nói:
– Tôi xin quy y làm lành. Từ trước đến nay mấy người đi lấy kinh qua đây đều bị tôi ăn hết, còn cái đầu bỏ chìm xuống sông, không dè mấy sọ ấy không chìm cứ nổi trên mặt nước. Tôi lấy làm lạ, lấy dây xỏ lại treo chỗ trống kia, tính ra chín người đi lấy kinh bị hại rồi.
Quan Âm nói:
– Ngươi khá đem mấy cái đó treo trên chót núi, đợi người lấy kinh tới sẽ có việc dùng.
Quái vật vâng lời dạy dỗ, cải ác quy y.
Quan Âm thí phát cho con yêu ấy rồi. Lấy sông Lưu Aa làm họ, nên đặt họ Sa, đặt tên thánh gọi là Ngộ Tịnh.
Khi ấy Ngộ Tịnh đưa Quan Âm và Huệ Ngạn khỏi sông rồi, răn lòng không ăn ai nữa. Dùng trái cây đỡ dạ mà đợi kẻ thỉnh kinh.
Còn Quan Âm và Huệ Ngạn đi một hồi lâu xảy thấy núi cao chớn chở, hơi dữ bay lên núi mịt mù, đi qua không được.
Quan Âm tính đằng vân mà qua núi.
Xảy đâu trận gió thổi tới, hiện ra một con yêu tinh đầu heo tướng dữ tay cầm Cào cỏ (đinh ba) đập lại Quan Âm.
Mộc Tra cản lại hét một tiếng lớn rằng:
– Ðồ yêu quái đừng vô phép, coi gậy sắt đây nè.
Con tinh trả lời rằng:
– Hòa Thượng này không biết sợ chết, coi cào cỏ ta đây.
Hai người đánh dưới chân núi, chưa biết hơn thua.
Quan Âm ở nữa lừng bỏ bông sen xuống cản ngang, hai người đánh không đặng nữa; con tinh thất kinh mới hỏi:
– Ngươi là Hòa Thượng ở đâu hóa bông sen mà dọa bợm?
Huệ Ngạn nói:
– Ngươi là thú thai phàm mắt thịt, nên không biết ta. Ta là học trò Phật Quan Âm, thầy ta bỏ bông sen mà ta không biết.
Con tinh hỏi:
– Quan Âm ở Nam Hải là một vị Phật quét ba tai, trừ tám nạn phải không?
Huệ Ngạn nói:
– Vậy chớ ai?
Con tinh nghe nói, bỏ cào cỏ lạy Huệ Ngạn mà hỏi thăm rằng:
– Chẳng hay Quan Âm ở đâu, xin anh làm ơn dắt tôi ra mắt!
Huệ Ngạn ngước mặt chỉ mà nói rằng:
– Ngươi coi có phải là Phật Bà không?
Con tinh ngó thấy cúi đầu lạy mà nói lớn rằng:
– Xin Phật Bồ Tát tha tội.
Quan Âm hiện xuống mà hỏi rằng:
– Ngươi là Ông Chãng thành tinh, hay là heo rừng sanh quát, mà đón ta vậy?
Con tinh nói:
– Tôi không phải heo rừng, cũng không phải Ông Chãng (heo rừng lâu năm quá, mọc nanh bó hàm, tục sợ như hùm, kêu tưng bằng Ông Chãng) tôi là Thiên Bồng nguyên soái ở sông Ngân (Thiên Hà) bởi say rượu đi lạc vào cung Nguyệt mà chọc Hằng Nga, bị ông Linh Quan bắt giải về Thượng Ðế, Thượng Ðế bắt tội đánh tôi hai ngàn dùi, rồi đày xuống Trung Giai. Tôi đi đầu thai lạc đường nhằm heo rừng nái, mới ra thân thể như vậy. Tôi tức giận cắn heo nái chết tươi, và giết bầy heo rừng tuyệt tộc. Chiếm cứ hòn núi này, ăn thịt người đở đói, không dè nay gặp Phật Bồ Tát, xin cứu độ làm ơn.
Quan Âm hỏi:
– Núi này gọi là gì?
Con tinh nói:
– Núi này gọi là núi Phước Lăng, có một cái động gọi là động Vân San, chủ động ấy gọi là Mão Nhị Thơ thấy tôi có nghề võ, vời tôi tới làm người lớn trong nhà. Ở coi giúp việc gần một năm, nàng ấy tới số gia tài về tôi, ở không ăn mãi núi lở non mòn, túng cùng phải ăn người cho qua bữa, xin Bồ Tát cứu độ mà làm ơn.
Quan Âm nói:
– Người xưa rằng: Muốn có đường đi tới, thì đừng làm mất đường lui. Nếu mất đường đi tới, thì phải cùng đường. Khi ngươi ở cõi trên đà phạm phép, thì nay phải đọa mà không bỏ lòng hung, lại giết người hại vật, thì một tội sinh hai, ấy là muốn cùng đường đó.
Con tinh nói:
– Còn cùng chẳng còn cũng không cần. Nếu cử ăn thịt người thì thấy ngáp gió, hèn chi người ta nói: Y theo phép quan thì đánh chết, y theo phép Phật thì đói chết. Là phải lắm mà. Tính bề đi phức cho xong thê. Thà bắt chúng đi đường, ăn mỡ tươi béo lắm, cần gì 2 tội, 3 tội, ngàn tội, muôn tội nà.
Quan Âm nói:
– Lòng người muốn phải, trời cũng thuận theo. Như ngươi tu theo phép, ta cũng có món nuôi mình được, trái cây, rau, gạo, ăn cũng no lòng, lựa phải ăn mỡ người ta mới sống?
Con tinh nghe nói như tỉnh giấc chiêm bao, lạy Quan Âm mà nói rằng:
– Tôi muốn giải nghiệp mà đi tu, song mắc lấy tội trời, cầu sao cho khỏi?
Quan Âm nói:
– Ta vâng sắc Phật Tổ, xuống cõi trần mà tìm kẻ thỉnh kinh. Nếu ngươi chịu làm đệ tử người thỉnh kinh, mà tới Tây Phương thì phước đủ trừ tội, ta cứu ngươi nạn khỏi tai qua.
Con tinh nói:
– Chịu theo, chịu theo” Quan Âm thí phát (thế phát) xong rồi cứ theo dèo đặt họ, gọi là Trư, đặt tên thánh là Ngộ Năng, giữ theo phép Phật, phải ăn chay cử mặn và cử ngũ uẩn (năm món như đồ mặn là: Hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu và ngò) ở đợi thầy thỉnh kinh đi tới.
Quan Âm dặn rồi liền đi với Huệ Ngạn.
Ði một hồi lâu thấy một con rồng Bạch bị treo tại cửa trời. Rồng Bạch thấy Quan Âm, liền cả kêu xin cứu.
Quan Âm hỏi:
– Ngươi là rồng ở đâu mà bị treo ở đó?
Rồng Bạch nói: “Tôi là Thái Tử con Long vương Ngao Thận ở biển Tây. Bởi tôi nổi lửa đốt trái châu trước đền, cha tôi giận tâu với vua Trời, rằng tôi ngỗ nghịch. Nên Thượng Ðế treo tôi giửa thinh không đánh ba trăm roi, và đợi ít ngày xử trãm. Xin Phật Bồ Tát cứu mạng làm nhơn.
Quan Âm nghe nói liền đằng vân ới Huệ Ngạn mà lên trời, cậy Khưu Thiên Sư và Thượng thiên sư dắt ngài vào điện.
Quan Âm tâu rằng:
– Tôi vâng sắc Phật Tổ, xuống Ðông Ðộ tìm kẻ thỉnh kinh, gặp rồng có tội bị treo, nên tôi vào tấu, xin Bệ Hạ tha tội rồng ấy mà cho theo tôi, đặng đỡ gót kẻ thỉnh kinh ra công mà chuộc tội.
Thượng Ðế nghe tấu, ruyền tướng trời mở trói nghiệt long (rồng dữ) giao cho Bồ Tát. Quan Âm từ tạ, rồng nhỏ cũng lạy tạ ơn.
Quan Âm dẫn rồng nhỏ xuống núi dặn rằng:
– Ngươi ở khe này, đợi thầy thỉnh kinh đi ngang qua, sẽ hóa thành ngựa kim đỡ gót. Rồng con vâng lệnh ở đó mà chờ.
Còn Quan Âm đi với Mộc Tra, đi hèn lâu mới tới năm hòn núi. Ngó thấy hào quang muôn trượng, hơi ấm ngàn trùng.
Huệ Ngạn hỏi:
– Núi Ngũ Hành mà có hào quang, có khi tại bùa của Phật Tổ.
Quan Âm nói:
– Phải, Tề Thiên Ðại Thánh phá hội Bàn Ðào, phản thiên cung năm xưa, nên bị núi đè tại đó. Thầy trò lên núi, thấy lá bùa sáu chữ chân ngôn là: Án, Ma, Ni, Bát, Di, Hồng.
Quan Âm xem rồi than thở chẳng xiết, liền ngâm một bài kệ.
Thơ rằng:
Thương hại yêu hầu bỏ phép công,
Năm xưa làm loạn cậy sức hùng
Kể từ Phật Tổ dằn năm núi,
Bao thuở ra ngoài lại cõi Ðông.
Ðại Thánh nằm sấp dưới chân núi cả kêu rằng:
– Ai ngâm thơ trên non mà ngạo ta đó?
Quan Âm nghe hỏi liền đi lần xuống mà xem, ngó thấy dưới chân núi, có thần núi và Thổ Ðịa canh giữ.
Các thần đều nghinh tiếp Quan Âm và dắt đến trước mặt ÐạiThánh.
Quan Âm thấy Ðại Thánh nằm dưới núi ló đầu ra, miệng nhóp nhép lia mà cục cựa không đặng.
Ngài mới hỏi rằng:
– Họ Tôn có biết ta chăng?
Ðại Thánh trợn cặp mắt lửa tròng vàng, gật đầu mà nói lớn:
– Làm sao mà không biết! Ngài ở Nam Hải núi Phổ Ðà, cả làn cả thương, cứu khổ cứu nạn, là Quan Thế Âm Bồ Tát. Cám ơn lắm, cám ơn lắm! Tôi nằm đây coi một bữa bằng một năm, không ai ngó ngàng tới. Chẳng hay Bồ Tát đi đâu mà ghé đây? Quan Âm nói:
– Ta vâng sắc Phật, đi xuống Ðông Ðộ tìm kẻ thỉnh kinh, đi ngang qua đây nên ghé mà thăm đó.
Ðại Thánh nói:
– Phật Như Lai nói gạt, đè tôi dưới núi này. Gần năm trăm năm, cựa mình không đặng. Xin Bồ Tát làm phước, cứu lão Tôn một phen.
Quan Âm nói:
– Ngươi làm tội đầy trời, nếu cứu ngươi ra, quen thói yêu càng không nên lắm.
Ðại Thánh nói:
– Tôi đã ăn năn chừa lỗi, xin ngài cứu độ, tôi chịu đi tu.
Quan Âm nghe nói quá đỗi mừng, mới nói với Ðại Thánh rằng:
– Ngươi muốn làm phải thì trời cũng độ cho, ngươi đã quyết tu hành, đợi ta xuống Ðại Ðường tìm một thầy thỉnh kinh, dặn ghé mà cứu, thì ngươi theo làm đệ tử, giữ phép Phật mà đi tới Tây Phương thỉnh kinh về, cũng thành chánh quả.
Ðại Thánh nói:
– Tôi chịu, tôi chịu.
Quan Âm nói:
– Ngươi dốc lòng tu niệm, ta đặt tên thánh cho.
Ðại Thánh nói:
– Tôi tên là Ngộ Không khỏi mất công đặt nữa.
Quan Âm nghe nói mừng rằng:
– Khi trước ta có độ hai người tu, cũng lót chữ Ngộ. Nay ngươi cũng lót chữ Ngộ nữa, trùng phái với nhau, tốt lắm, tốt lắm”.
Nói rồi từ giã ra về.
Như Ðại Thánh là: Thấu tánh sáng lòng theo đạo Phật.
Còn Quan Âm thì: Ra công hết sức kiếm thầy Thần.
Quan Âm cùng Mộc Tra đi xuống Ðông Ðộ. Ngày kia đến đất Trường An là nước Ðại Ðường, hai thầy trò hiện hình ra hai thầy chùa ghẻ lát mà đi lộn với người và tới chợ Trường An, thì trời đã tối, mới đi ngay vào miễu Thổ Ðịa.
Ông Ðịa hết hồn, binh ma mất vía, biết là Phật Quan Âm giả dạng, ra làm lễ rước vào.
Thổ Ðịa đi báo với Thành Hoàng và thần các miễu, đều vào ra mắt mà rằng:
– Xin Phật Bồ Tát tha tội chúng tôi, vì sự rước trễ.
Quan Âm nói:
– Các ngươi đừng lậu tiếng, ta vâng sắc Phật Tổ, đi tìm kẻ thỉnh kinh, ta ngụ nhờ trong miễu ít ngày, đợi tìm đặng kẻ thỉnh kinh, ta sẽ từ giã.
Các thần ở đâu về đó, còn ông Ðịa dọn ra ở đở ngoài Thành Hoàng (Thành Hoàng bổn xứ là ông thần ở đình lớn trong tỉnh sở tại).
Còn hai thầy trò giả dạng, ở miễu Thổ Ðịa thường bữa đi dọ tin.