Hồi 04: Lợi hại Kim xà kiếm – Văn nhã mỹ thiếu niên

Viên Thừa Chí vô tình tìm ra hộp sắt từ hồi mười bốn tuổi, mấy năm nay đã quên hẳn không nghĩ tới nữa. Nhưng bây giờ nhìn thấy bộ điệu của Trương Xuân Cửu và tên trọc kia, chàng bỗng nghĩ: “Trong Kim Xà Bí Kíp nhất định phải có một bí mật cực lớn, nên chúng mới chịu tìm kiếm mười tám năm liền, rồi khi tìm thấy lại liều mạng giành nhau như vậy. Thế thì pho bí kíp này viết những gì?”

Ý niệm này nổi lên, chàng không dằn được, bèn chui vào gầm giường lấy cái hộp sắt nhỏ đầy bụi bặm ra. Cái hộp này nhỏ hơn nhiều, nên Trương Xuân Cửu và tên trọc chưa phát hiện. Chúng vừa nhìn thấy cái hộp sắt lớn và pho bí kíp giả là đã mừng rỡ điên cuồng, chưa kịp tìm thêm vật khác.

Viên Thừa Chí mở hộp sắt nhỏ, lấy pho Kim Xà Bí Kíp thật ra đặt trên bàn, lật ra xem. Cuốn sách này hơi nhỏ hơn một chút, nhưng số trang lại nhiều hơn. Phần đầu tiên là bí quyết luyện công và tâm pháp phóng ám khí, không khác biệt gì lắm so với những gì mà sư phụ của chàng và Mộc Tang đạo nhân đã dạy. Ngoài ra còn nhắc đến những chỗ bí ảo trong võ công các môn các phái cùng phương pháp phá giải, có thể nói là phong phú. Sau đó thì đến phần võ công của Kim Xà Lang Quân tự sáng chế ra.

Đọc sơ qua, Viên Thừa Chí thấy những điều ghi trong bí kíp có nhiều chỗ không bằng sở học của mình, nhưng về mặt âm hiểm, ác độc thì hơn hẳn. Chàng nghĩ: “Lần này suýt nữa mình trúng phải quỷ kế đê tiện của địch thủ. Sau này đi lại giang hồ, khó mà tránh khỏi những thủ đoạn hiểm độc như thế. Loại thủ đoạn này dĩ nhiên mình không muốn sử dụng, nhưng biết người biết ta thì dễ phòng địch giữ mình, cũng nên đọc qua.” Chàng bèn nghiên cứu tỉ mỉ những tâm pháp ghi lại trong bí kíp.

Càng đọc, mồ hôi lạnh càng tuôn ra ướt đẫm cả tóc, rồi từng giọt nhỏ xuống. Trên thế gian có nhiều phương pháp ác độc hại người đến thế, thật khó mà tưởng tượng được. Thủ đoạn dùng thuốc mê của Trương Xuân Cửu và tên trọc đã dùng, có thể nói là không thấm vào đâu.

Đọc đến sáng ngày thứ ba, chàng thấy những võ công ghi trong bí kíp hoàn toàn khác với những gì mình đã học, chẳng những không liên quan chút nào tới võ công phái Hoa Sơn, mà trước nay chàng cũng chưa nghe sư phụ và Mộc Tang đạo nhân nhắc đến lần nào. Đây không chỉ là một con đường khác, mà có nhiều chỗ rất kỳ lạ, ngược hẳn những yếu chỉ võ công mình đã học, nhưng lại là phương pháp kỳ diệu để khắc địch chế thắng.

Ai đã giỏi một nghề thì học thêm nghề khác cũng dễ dàng hơn. Viên Thừa Chí đã có căn bản võ học thâm sâu, khi học những loại bàng môn tả đạo đương nhiên rất dễ. Trong bí kíp có nhiều quái chiêu kỳ lạ, nhưng chàng vừa đọc là hiểu ngay, nên cứ thế mà đọc tiếp.

Viên Thừa Chí đã luyện Hỗn Nguyên Công thâm hậu, nên học võ công gì khác cũng dễ dàng như trở bàn tay. Nhưng luyện được hai mươi mấy ngày thì chàng gặp phải một cửa ải khó qua. Bí quyết chỗ này ghi chép khá tường tận, nhưng lại không có đồ hình vẽ tư thế, nên chàng đành đọc sơ qua mà không luyện tập.

Mười mấy trang bí kíp cuối cùng ghi toàn những công phu dùng để đối phó với một trận pháp gọi là Ngũ Hành Trận, đòi hỏi người học phải thuộc phương vị bát quái cùng những chỗ biến hóa tương sinh tương khắc. Trận pháp này biến ảo vô cùng, phải có năm người mới hình thành được, năm phương vị bổ sung cứu trợ lẫn nhau. Kim Xà Lang Quân đưa ra phương pháp cực kỳ xảo diệu, chỉ dùng một chiêu mà phá được, nhưng trong chiêu đó bao hàm không ít võ công cao minh.

Viên Thừa Chí nghĩ chưa chắc mình sẽ gặp Ngũ Hành Trận, nhưng công phu để phá trận lại có công dụng rất rộng, luyện tập có nhiều lợi ích, nên chàng bỏ ra mấy ngày khổ luyện cho thấu hiểu.

Phần lớn võ công chép trong bí kíp đều viết một cách bình hòa, phân tích ưu điểm khuyết điểm hẳn hoi. Chỉ có mười mấy trang chép cách phá Ngũ Hành Trận là ngữ khí đầy vẻ oán giận. Rõ ràng Kim Xà Lang Quân thù hận năm địch thủ này rất sâu, nên phương pháp phá trận cực kỳ ác liệt, chiêu nào thức nào cũng muốn giết kẻ địch cho khoái chí.

Trong lúc luyện tập, Viên Thừa Chí nhiều lần lắc đầu thầm nghĩ: “Phá xong trận là được rồi, hà tất phải giận dữ như thế? Xem ra ông ấy sáng chế bộ võ công này là có mục đích, đối thủ thật sự có hình có dáng, không phải chỉ do tưởng tượng mà thôi.”

Viên Thừa Chí chỉ học chiêu thức mà bỏ qua thâm ý hiểm độc bên trong, nghĩ bụng: “Sư phụ vẫn dạy, võ công mình cao hơn thì phải nhớ hạ thủ lưu tình, chừa cho người khác một con đường sống.”

Trong bí kíp còn có một bộ Kim Xà Kiếm Pháp. Viên Thừa Chí nghĩ: “Kim Xà Lang Quân đặt tên pho kiếm pháp này là Kim Xà, nhất định ông rất coi trọng. Bên trong chắc có chỗ độc đáo.”

Chàng theo đó mà luyện, lúc đầu chưa thấy gì, nhưng về sau thì có nhiều chỗ không thuận tay, lại có mấy chiêu thức dường như hoàn toàn vô dụng, thử tới thử lui không được. Chàng liền nghĩ: “Trên vách động, chỗ mình mai táng Kim Xà Lang Quân có rất nhiều đồ hình, chẳng lẽ có liên quan đến phần này hay sao?”

Vừa nghĩ tới đó chàng đã không nhẫn nại được, lập tức gọi ông câm, mang dây và đuốc trèo xuống động. Lúc này thân hình chàng đã cao lớn rồi, may mà năm trước đã phá rộng cửa động nên rất dễ vào trong.

Chàng cầm đuốc soi lên vách động, nghiên cứu đồ hình tỉ mỉ. Quả nhiên đây là đồ hình để giải thích những yếu quyết trong bí kíp. Vách đá ở đây chẳng cứng gì, nhưng đồ hình lại vẽ sơ sài, nét khắc rất cạn. Rõ ràng lúc Kim Xà Lang Quân khắc những đồ hình này, ông chẳng còn bao nhiêu hơi sức nữa.

Viên Thừa Chí cả mừng, theo đồ hình mà tập thử, cố ghi khắc vào lòng. Chỉ tốn mấy giờ, chàng đã thuộc hết đồ hình trên vách. Chàng tới trước mộ Kim Xà Lang Quân lạy thêm mấy lạy, cảm tạ ông đã để lại võ công.

Đang định ra ngoài, đột nhiên chàng nhìn thấy chuôi kiếm trên vách động, lần trước còn bé chưa dám rút ra. Bây giờ chàng nắm chặt chuôi kiếm, chỉ khẽ vận sức là rút được ra nghe “sột” một tiếng. Bên dưới chuôi kiếm quả nhiên có lưỡi kiếm, cắm vào một kẽ nứt có sẵn trên vách đá. Lúc đó Kim Xà Lang Quân đã kiệt lực rồi, chắc không đủ sức đâm lút lưỡi kiếm này vào đá núi.

Viên Thừa Chí bỗng thấy kiếm khí lạnh ngắt ép người. Thanh kiếm này óng ánh màu vàng, hình dạng rất lạ, trông rất giống Kim xà truy trước kia đã gặp. Lưỡi kiếm giống như một con kim xà uyển chuyển bò tới, đuôi rắn uốn cong là chuôi kiếm, đầu rắn là mũi kiếm, lưỡi rắn thè ra chẻ đôi nên mũi kiếm cũng có hai nhánh hai bên.

Thanh kiếm này lấp lánh ánh hoàng kim, cầm trên tay thấy nặng, hình như khi đúc có pha lẫn vàng. Trên lưỡi kiếm có một vết máu phát ra những tia sáng xanh lục âm u, trông vừa lạ mắt vừa kỳ dị.

Viên Thừa Chí xem xét một hồi, trong lòng đột nhiên rờn rợn. Chàng nghĩ bụng: “Vết máu màu xanh lục này không biết là máu của ai? Của bậc trung thần nghĩa sĩ, của kẻ đại gian đại ác, hay là máu của hàng trăm hàng ngàn người ngưng tụ lại thành?”

Chàng cầm kiếm múa thử một lúc, bỗng hiểu được mấy chỗ quái lạ của Kim Xà Kiếm Pháp. Thì ra hai nhánh của mũi kiếm vừa có thể dùng để đâm, vừa có thể khóa chặt binh khí của địch thủ. Thanh kiếm này khi giật ngược về hoặc khi chém xéo đi đều có thể đả thương, so với trường kiếm bình thường thì có thêm không ít công dụng. Trước kia chàng cảm thấy nhiều chiêu thức trong Kim Xà Kiếm Pháp hoàn toàn vô dụng, nhưng nếu thi triển bằng thanh kiếm cổ quái này thì đó là những chiêu sát thủ.

Múa đến chỗ hăng say, Viên Thừa Chí vô ý vung kiếm chém vào vách động. Một tảng đá rơi ngay xuống, chẳng khác gì chém vào chỗ đất bùn, thì ra thanh kiếm này sắc bén vô cùng. Chàng vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, nhưng chợt nghĩ: “Kim Xà Lang Quân không có di ngôn tặng kiếm cho ta. Ta thấy bảo kiếm đã muốn chiếm ngay, không khỏi có lòng tham. Chi bằng để nó ở đây với chủ là hơn.”

Chàng cầm kiếm đâm trở vào vách đá. Nhát đâm này chưa dùng toàn lực, cũng không nhằm vào kẽ nứt trên vách đá, thế mà thanh kiếm chỉ còn lộ ra ngoài chưa đầy một thước. Lưỡi kiếm đu đưa, phát ra những tia sáng màu xanh lục dưới ánh lửa bập bùng, trông hệt như một con rắn còn sống đang run rẩy uốn mình, cố gắng chui vào vách đá.

Nhìn lại mười sáu chữ ghi ở trên vách động: “Trọng bảo bí thuật; Tặng người hữu duyên; Làm môn hạ ta; Gặp họa đừng oán”, Viên Thừa Chí không khỏi ngơ ngẩn xuất thần. Chàng nghĩ bụng: “Không hiểu vị Kim Xà Lang Quân tiền bối này tướng mạo ra sao? Hồi sinh tiền đã làm bao nhiêu chuyện kỳ lạ, kinh thế hãi tục? Cuối cùng sao lại bỏ xác trong sơn động này?”

Sau khi thấy Kim Xà Kiếm, Viên Thừa Chí càng ngưỡng mộ võ công chép trong Kim Xà Bí Kíp hơn, nên tự nhiên phát sinh tình cảm thân cận đối với vị quái hiệp này. Ra khỏi động, chàng lại mất hơn hai mươi ngày nữa để học hiểu hết toàn bộ võ công trong bí kíp. Trong đó, thủ pháp để bắn Kim xà truy là kỳ diệu nhất, so với tâm pháp phát xạ ám khí của Mộc Tang đạo nhân thì có thể nói mỗi môn có chỗ hay riêng.

Ba trang cuối cùng viết đầy khẩu quyết bằng chữ nhỏ xíu. Đối chiếu với những võ công ghi ở các trang trước thì rõ ràng ba trang này có nhiều chỗ biến hóa tinh xảo ảo diệu, nhưng lại cực kỳ khó hiểu. Chàng vùi đầu vào đọc tỉ mỉ ba trang khẩu quyết này, ngẫm nghĩ liên tiếp hai ngày nhưng vẫn thấy trong đó có rất nhiều mâu thuẫn. Chắc chắn còn có mấu chốt gì khác.

Viên Thừa Chí đã lật đi lật lại, nghiền ngẫm hết quyển bí kíp, toàn bộ đã thuộc lòng, chỉ còn ba trang cuối cùng là không hiểu. Chàng trở vào sơn động, xem lại đồ hình trên vách một lần, nhưng cũng không lý giải hết được.

Trong bí kíp có nhiều chiêu thức danh xưng cực kỳ quái lạ, như “Thứ niên biệt quân thời”, “Nhẫn lệ tường đế dị”, “Hàm tu bán khiết ni”, “Dương trường bách biến”, “Phấn lệ thiên thành”, “Bán tu hoàn bán hỷ”, “Dục thứ hựu y y”, “Lệ châu nan ký”, “Cựu hoa như mộng”, “Thúy ngã tảo quy gia”, “Cô nhạn thê lương”, “Đồng sinh cộng tử”, “Vọng lang hà nhật lai”… Đây là những lời lẽ yêu đương trai gái, tựa như tâm tình của người thiếu nữ phải xa cách tình lang, tương tư khổ sở ngày đêm. Lúc này Viên Thừa Chí chưa hiểu tình cảm nam nữ, cũng không đọc sách nhiều, nên cảm thấy tên gọi những chiêu thức này vô nghĩa, có vẻ dài dòng khó hiểu. Thử thi triển thì quyền chưởng hay kiếm pháp cũng vậy, muốn tiến lại lùi, muốn tấn công lại dừng bước, hư chiêu rất nhiều, thực chiêu lại hiếm. Đây giống như hai người đùa giỡn với nhau, không phải là những chiêu đoạt mạng, đem ra đối địch chắc không ích lợi gì.

Đến chiêu Ý Giả Tình Chân, đọc thấy trong bí kíp nói tỉ mỉ chiêu này như thật như ảo thế nào, lại chú thích: “Trên thế gian, người mang ý giả rất nhiều, người có chân tình thì hiếm thấy. Phải dùng nhiều cách để thăm dò chân ý của đối phương ở chỗ nào, nhưng thật khó mà biết được.” Viên Thừa Chí trằn trọc suốt đêm, ruột rối như tơ vò mà không sao lĩnh hội, cũng không thể dứt bỏ được.

Trong chiêu này bao hàm vô số hư chiêu, cuối cùng kết luận: “Đừng nói tới chuyện người khác có hay không có chân tình, mà ngay bản thân mình, chiêu này nhắm đến chỗ nào mình cũng chưa chắc đã biết. Kết liễu nửa hư nửa thực, tâm ý không định được.”

Viên Thừa Chí thầm nghĩ: “Sư phụ thường dặn mình, lúc luyện tập võ công phải tránh tẩu hỏa nhập ma. Bị nhập ma thì tinh thần hỗn loạn, không trấn tĩnh được. Kim Xà Lang Quân suy nghĩ thế này, đã tẩu hỏa nhập ma rồi hay sao? Ta không thể học theo chiêu đó.” Chàng gập bí kíp lại, đột nhiên cảm thấy chiêu này hư hư thực thực, biến ảo vô cùng, thật sự xảo diệu, không có chiêu nào so sánh được. Người xuất chiêu đã không biết chiêu này nhằm vào đâu, dĩ nhiên đối thủ càng không thể biết. Đã không biết nhằm vào đâu, làm sao mà chống đỡ?

Có thể nói đây là một chiêu thức không thể chống đỡ được. Mọi chiêu thức võ công trong thiên hạ, bất luận kỳ diệu đến đâu, cũng có cách chiết giải đối phó. Đâm trái thì đỡ phải, đánh trước thì lùi sau. Còn chiêu này không biết đánh vào chỗ nào, nên bất kể cách chống đỡ nào cũng có thể sai lầm.

Đêm hôm đó, Viên Thừa Chí nghĩ ngợi đến lý lẽ này mà trằn trọc trên giường, không sao yên giấc được. Nhìn ra ngoài cửa sổ thấy ánh trăng soi vào phòng, cả nền nhà như được nhuộm một màu trắng bạc, chàng bỗng nghĩ: “Hỗn Nguyên Công của mình đã luyện thành, chỉ vì bộ Kim Xà Bí Kíp này mà ở lại trên núi thêm hai tháng. Sư phụ từng nói Kim Xà Lang Quân là con người quái lạ, sách của ông ta đọc chỉ vô ích. Mình xuất thủ mà chính mình cũng không biết đánh vào chỗ nào, tâm ý không định, thì làm sao gọi là chiêu thức được? Nhưng nói gì thì nói, cái chiêu Ý Giả Tình Chân cũng là một chiêu xảo diệu.”

Viên Thừa Chí nghiên cứu võ công đã tới cảnh giới rất cao. Khi gặp võ học cao siêu mà không tham cứu đến cùng, thật sự ngứa ngáy không chịu nổi. Bây giờ chàng phải quyết tâm: “Mắt nhìn không thấy coi như sạch. Ta đốt quách nó đi là xong.”

Đã có chủ ý, chàng lập tức xuống giường, đốt đèn lên, cầm quyển bí kíp hơ vào ngọn lửa để thiêu cháy. Nhưng đốt rất lâu mà trang bìa của bí kíp chỉ dính đầy muội khói chứ không chịu bắt lửa.

Viên Thừa Chí kinh ngạc, dùng sức để xé mà quyển sách cũng không rách. Lúc này Hỗn Nguyên Công của chàng đã luyện thành, kình lực nội gia ở hai tay cực mạnh. Lực xé này không phải tầm thường, dù là một miếng sắt cũng phải bị kéo giãn ra. Thế mà quyển sách này vẫn y nguyên, chắc chắn bên trong phải có chỗ kỳ lạ. Nhìn lại tỉ mỉ, thì ra bìa sách dệt bằng một loại chỉ giống như kim ty, gồm có hai lớp.

Viên Thừa Chí lấy dao nhỏ cắt đứt những sợi chỉ đóng sách, tháo bìa rời ra, rồi đem từng trang bí quyết đốt trên ngọn lửa. Thế là tuyệt học cả đời của Kim Xà Lang Quân đã bị đốt thành tro bụi. Nhìn lại trang bìa, hình như giữa hai lớp có một vật gì đó. Viên Thừa Chí tỉ mỉ tháo bỏ những sợi chỉ may dính hai lớp bìa, quả nhiên bên trong còn giấu hai tờ giấy.

Một tờ giấy có ghi bốn chữ: “Trọng bảo chi đồ”. Bên cạnh có vẽ một cái bản đồ, ghi rất nhiều ký hiệu. Sau tấm bản đồ có viết hai câu: “Người được món bảo bối này, thật sự là tri kỷ của ta. Hãy đến Tịnh Nham, Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, tìm người con gái tên là Ôn Nghi, tặng giúp ta mười vạn lạng vàng.” Viên Thừa Chí nghĩ: “Khẩu khí người này lớn quá!”

Cuối tờ giấy còn mấy hàng chữ nhỏ: “Bây giờ gom hết châu báu trong thiên hạ cũng khó mua được nửa ngày gặp gỡ. Xem nặng báu vật mà coi thường ly biệt, cực kỳ ngu muội. Thật là hối hận, thật là hối hận.” Trong những chữ này có nhiều vết ố, hình như là nước mắt đã khô. Viên Thừa Chí suy nghĩ hồi lâu, vẫn không hiểu ý nghĩa ra sao.

Còn tờ giấy kia viết đầy những yếu quyết võ công, tham chiếu vào những chỗ mù mờ trong bí kíp, lập tức hiểu rõ ngay. Quả nhiên diệu dụng vô cùng. Chàng ngước mắt nhìn lên ánh trăng trong vắt trên trời, cảm thấy toàn bộ võ công bí ảo trong Kim Xà Bí Kíp bây giờ như một dòng suối trong xanh từ từ chảy qua lòng mình, trong suốt nhìn thấy đáy, không có một chút cặn bã nào. Viên Thừa Chí ngủ say một giấc, mãi đến khi mặt trời rọi vào cửa sổ mới tỉnh dậy.

Loại võ công này quá phức tạp phiền hà, chiêu thức biến ảo rất nhiều, xem ra bản tính của Kim Xà Lang Quân ở nơi bình dị vẫn thích quanh co khó hiểu, khiến cho người ta phải hoa cả mắt. Chữ trên hai tờ giấy này viết bằng bút mực, đương nhiên không phải viết trong sơn động. Đây là những khẩu quyết cuối cùng, quán xuyến hết những chiêu số cổ quái ở cuối sách.

Suy nghĩ một đêm, chẳng những Viên Thừa Chí hiểu hết bí lục của Kim Xà Lang Quân, mà đối với những võ công thượng thừa của sư phụ và Mộc Tang đạo nhân truyền thụ, chàng cũng hiểu sâu thêm một tầng nữa.

Viên Thừa Chí ngồi nhìn hai tờ giấy trắng và một đống tro tàn mà ngơ ngẩn xuất thần, âm thầm than thở: “Kim Xà Lang Quân dụng tâm đến thế, cố ý để lại trong bí kíp mấy chỗ không thể lý giải được, bắt người được bí kíp phải cố ý tìm tòi, cuối cùng mới tìm được bản đồ cất giấu bảo tàng. Nếu bí kíp này rơi vào tay những kẻ bình thường, không say mê nghiên cứu võ công tới chỗ tinh vi, thì chắc họ không phát hiện được bản đồ.”

Chàng kẹp lại hai tờ giấy vào trong bìa quyển bí kíp, lại vào sơn động lấy Kim Xà Kiếm để luyện tập nhuần nhuyễn pho kiếm pháp. Sau đó chàng trả lại thanh kiếm vào chỗ cũ.

Hai ngày sau Viên Thừa Chí thu thập hành trang, từ biệt ông câm. Chàng đã ở trên núi nhiều năm, bây giờ chia xa, trong lòng không khỏi bùi ngùi. Đại Oai và Tiểu Oai rất có linh tính, nắm lấy vạt áo của chàng mà kêu “chét chét”, mãi không chịu thả. Viên Thừa Chí lại càng cảm thấy bổi hổi bồi hồi. Ông câm phải dẫn hai con vượn khổng lồ này đưa chàng một quãng dài, chúng mới chịu rơi nước mắt mà tạm biệt.

*

*   *

Phen này Viên Thừa Chí thành tài xuống núi, thế giới chung quanh chàng cái gì trông cũng lạ lẫm. Dọc đường, bá tính người nào cũng áo quần lam lũ, ốm đói, sắc mặt vàng khè. Đi được hơn trăm dặm, vẫn còn thấy mấy chục người dân kéo nhau lên núi đào rễ cây mà ăn. Trong bọc chàng có bạc của sư phụ để lại, nhưng không chỗ nào mua được thức ăn, đành phải thi triển võ công để bắt chim thú làm bữa. Chỗ nào cũng thấy dân chúng đói khổ, cuộc sống thật là thê thảm.

Đi được mấy ngày, sắp vào địa giới Sơn Tây, thấy dân chúng đang chống chọi với cơn đói bằng chính xác chết của đồng loại. Chàng không dám nhìn lâu, co giò chạy qua cho lẹ.

Đến một thị trấn, Viên Thừa Chí thấy một đám đông lê dân rách rưới đang thất thểu ca hát. Bài hát như sau:

“Mẹ thương cho ăn; Mẹ thương cho mặc; Mở rộng cửa ải; Nghênh đón Sấm Vương; Sấm Vương mà đến; Khỏi đóng thuế lương.

Sáng cầu yên ổn; Chiều mong ấm no; Sống trong nghèo khó; Chết vẫn âu lo.

Mở rộng cửa ải; Nghênh đón Sấm Vương; Cuộc sống thanh bình; Ai cũng hân hoan.”

Một tên võ quan dẫn mười mấy tên lính tới, lớn tiếng quát tháo: “Bọn bay dám hát những lời yêu ngôn tạo phản thế này, không sợ chém đầu sao?” Hắn vung roi quất loạn xạ vào đám đông.

Đám dân đói la lên: “Sấm Vương không đến thì mọi người phải chết đói hết. Chúng ta đang muốn tạo phản đây!”

Họ ùa cả lên, túm lấy bọn quan quân, vừa đánh vừa cắn. Chỉ chốc lát là mười mấy tên chết sạch.

Viên Thừa Chí thấy tình hình thế này, nghĩ bụng: “Chẳng trách thanh thế Sấm Vương ngày càng vang dội. Bá tính không tìm được cái ăn, chỉ còn cách giết quan tạo phản mà thôi.”

Chàng hỏi một người dân đói: “Đại ca có biết Sấm Vương đang ở đâu không? Tại hạ muốn đến đó để đầu quân.”

Người ấy đáp: “Nghe nói đại quân của Sấm Vương đang ở vùng Tương Lân, Văn Hỷ, sắp đến đây rồi. Mọi người chúng ta sẽ đi đầu quân.”

Viên Thừa Chí lại hỏi: “Vừa rồi mọi người hát bài đó nghe hay thật. Còn bài nào nữa không?”

Người ấy đáp: “Còn nhiều bài lắm, đều do Lý công tử, thuộc hạ của Sấm Vương sáng tác.” Y hát mấy bài nữa, đại ý đều khuyên dân chúng giết quan tạo phản, đón tiếp Sấm Vương.

Viên Thừa Chí vừa đi đường vừa thám thính, đến sông Hoàng Hà thì gặp một toán nhỏ Sấm quân. Người chỉ huy nghe chàng nói đến tìm Sấm Vương, không dám chậm trễ liền phái người dẫn chàng đến chỗ đại quân.

Sấm Vương nghe nói đệ tử của Thần Kiếm Tiên Viên đến gặp, tuy việc quân bận bịu nhưng vẫn đích thân tiếp kiến. Thấy ông khí thế oai mãnh, phong độ hòa ái, Viên Thừa Chí đem lòng kính phục. Sấm Vương nói sư phụ của chàng đã đi về Giang Nam.

Chắc chắn khi trao đổi với Sấm Vương, Mục Nhân Thanh đã nhiều lời khen ngợi đứa đồ đệ thương yêu, nên Sấm Vương đối với Viên Thừa Chí đầy vẻ coi trọng, có ý mở lời chiêu dụng.

Viên Thừa Chí nghe thấy sư phụ không có ở đó, không khỏi kém vui. Hỏi đến Thôi Thu Sơn, thì họ Thôi cũng đi cùng Mục Nhân Thanh đến vùng Tô Hàng ở Giang Nam để tìm kiếm quân lương.

Viên Thừa Chí nói là phải đi tìm sư phụ trước, xin phép rồi mới về đầu quân sau. Sấm Vương không miễn cưỡng, hạ lệnh cho Tế tướng quân Lý Nhai tiếp đãi, lại còn tặng thêm một trăm lạng bạc làm lộ phí. Viên Thừa Chí tạ ơn nhận lấy.

Lý Nhai cũng là võ tướng trong Sấm quân, nhưng lại mặc y phục kiểu thư sinh, ăn nói nho nhã. Chàng là con của Binh bộ thượng thư Lý Tinh Bạch, trước đây từng đậu cử nhân. Vì chẩn tế dân chúng bị thiên tai mà chàng đắc tội với huyện quan và bọn hào phú trong vùng, bị chúng vu khống bắt giam vào ngục. Có một vị nữ hiệp ngưỡng mộ chàng nên tập hợp dân đói đi phá nhà lao, cứu Lý Nhai ra. Nữ hiệp này thích mặc áo đỏ, mọi người đều gọi là Hồng Nương Tử.

Lý Nhai bị ép đến mức không thể không tạo phản, liền kết phu thê với Hồng Nương Tử, gia nhập quân khởi nghĩa của Sấm Vương. Chàng hiến kế phân chia ruộng đất công bằng, miễn giảm thuế má, đối đãi tốt với bá tính. Sấm Vương nghe lời cố vấn, cực kỳ trọng dụng Lý Nhai.

Đầu tiên thì Sấm quân chỉ là một tập hợp dân chúng do đói khổ mà tạo phản, chẳng qua chỉ muốn tìm miếng cơm manh áo chứ không có lý tưởng gì. Vì thế họ đến đâu cũng ra tay cướp bóc, không được lòng dân nên cứ chạy đông chạy tây, lúc thắng lúc bại, không phát huy được chính nghĩa. Từ khi Lý Nhai đầu quân, Lý Tự Thành mới chỉnh đốn quân kỷ, nghiêm cấm lạm sát gian dâm, lập tức thanh thế lừng lẫy khắp nơi.

Lý Nhai trị quân rất nghiêm, lại soạn nhiều bài đồng dao, sai người dạy trẻ con ca hát, lưu truyền khắp nơi. Bá tính đang đói khổ không có cơm ăn, lại bị quan phủ ép nộp quân lương. Nghe nói khi Sấm Vương đến thì khỏi đóng thuế, đương nhiên ai cũng ủng hộ. Vì thế nhiều thành trì không cần tấn công cũng chiếm được.

Lý Nhai đối với Viên Sùng Hoán trước nay hết lòng kính ngưỡng. Nghe nói có công tử của Viên đốc sư đến đây, chàng hết lòng đối đãi, mời vào doanh của mình, lại gọi phu nhân Hồng Nương Tử ra gặp. Hồng Nương Tử đường đường khí thế, sảng khoái hào hùng chẳng kém gì tu mi nam tử. Ba người đàm luận tâm đầu ý hợp.

Viên Thừa Chí chỉ giỏi võ công, còn kiến thức thì rất nông cạn. Lý Nhai thuộc làu lịch sử hưng vong trong thiên hạ cổ kim, đem ra bàn luận. Viên Thừa Chí nghe tới đâu thấm thía tới đó, lại càng khâm phục Lý Nhai hơn. Hai người ý khí tương đồng, bèn lạy nhau tám lạy, kết nghĩa huynh đệ.

Viên Thừa Chí ở trong doanh của Lý Nhai ba ngày, mãi đến khi Sấm Vương phải chuyển quân về phía bắc, hai người mới lưu luyến chia tay.

Viên Thừa Chí mới bước vào chốn giang hồ, đối với phong cách của Lý Nhai vô cùng ngưỡng mộ. Chàng muốn bắt chước, bèn đi mua y phục kiểu thư sinh để mặc.

Viên Thừa Chí chỉ biết sư phụ đang ở Giang Nam, còn cụ thể ở đâu thì không biết, đành đi bừa về hướng nam, phó mặc cho số phận.

Đất đai Giang Nam trù phú, tuy quan lại ở đây cũng tham ô vơ vét, nhưng bá tính vẫn còn có cơm ăn. So với các vùng chàng đã đi qua thì nơi này thật là chốn thiên đường.

Hôm đó Viên Thừa Chí đến Ngọc Sơn ở phía đông tỉnh Cống. Ăn cơm xong, chàng đến bến đò, tìm thuyền đi về hướng đông. Thấy bên bờ sông có một chiếc thuyền lớn, hỏi thì biết thuyền này đã được một phú thương bao thầu để chở hàng đến Kim Hoa tỉnh Chiết Giang, Viên Thừa Chí liền xin quá giang.

Chủ thuyền muốn kiếm thêm mấy đồng, bèn thương lượng với Long Đức Lân, phú thương bao chiếc thuyền đó. Long Đức Lân thấy chàng ra vẻ nho sinh nên cũng ưng thuận.

Chủ thuyền đang nhổ neo định khởi hành, bỗng trên bến có một thiếu niên nhanh chân chạy tới, kêu lớn: “Thuyền lão đại! Ta có việc gấp phải đến Cù Châu, nhờ ông giúp đỡ. Chở thêm một người cũng chẳng sao.”

Viên Thừa Chí nghe thanh âm thánh thót êm tai, ngẩng lên nhìn, không khỏi ngẩn ngơ một chút. Đó là một thiếu niên tuấn tú, khoảng mười tám mười chín tuổi, mặc trường bào vải đoạn màu xanh, đầu buộc khăn xanh khảm một miếng bạch ngọc, áo quần giày dép đều rất tinh nhã, ngang hông đeo một cái bao. Da dẻ y trắng trẻo, trông chẳng khác một tiểu thư khuê các.

Long Đức Lân thấy người này sắc phục sang trọng, khí thái hơn người, cảm thấy vui vẻ liền bảo chủ thuyền hạ tấm ván xuống để đón y.

Khi thiếu niên áo xanh vừa bước lên, chiếc thuyền bỗng hơi lún xuống như bị một vật nặng đè lên vậy. Viên Thừa Chí kinh ngạc trong lòng. Thân hình y ốm yếu chưa tới trăm cân, cái bao mà y đeo cũng không lớn lắm, sao lại nặng như thế được?

Sau đó thuyền khởi hành ngay. Thiếu niên áo xanh đi vào trong khoang, gặp Long Đức Lân và Viên Thừa Chí thi lễ, tự xưng họ Ôn tên Thanh, nghe tin mẫu thân bệnh nặng nên gấp rút về thăm. Y nhìn qua Long Đức Lân, ánh mắt không có biểu hiện gì bất thường, nhưng khi hướng về Viên Thừa Chí, cái nhìn của y lại có ý dò xét. Y hỏi: “Nghe khẩu âm Viên huynh hình như không phải là người bản xứ?”

Viên Thừa Chí đáp: “Tại hạ quê quán ở Quảng Đông, từ nhỏ đã cư ngụ ở Thiểm Tây. Đây là lần đầu tiên tại hạ đến Giang Nam.”

Ôn Thanh hỏi: “Viên huynh đi Chiết Giang để làm gì vậy?”

Viên Thừa Chí đáp: “Đi thăm một người bạn.”

Nói đến đây, đột nhiên có hai chiếc thuyền nhỏ chèo nhanh như bay tới, lướt ngang qua hai bên chiếc thuyền này. Cặp mắt Ôn Thanh cứ dõi theo, mãi đến khi hai chiếc thuyền nhỏ đó qua một khúc quanh, bị những ngọn núi phía trước che khuất, y mới không nhìn theo nữa.

Tới giờ cơm trưa, Long Đức Lân tỏ tình hiếu khách, mời hai người cùng ăn. Sức ăn của Viên Thừa Chí rất mạnh, mỗi bữa phải ba chén cơm lớn, cá thịt cũng ăn không ít. Còn Ôn Thanh chỉ ăn chiếu lệ một chén, đầy vẻ tuấn tú văn nhã.

Vừa ăn cơm xong lại nghe tiếng mái chèo, thêm hai chiếc thuyền nhỏ nữa lướt qua mặt. Trên mũi một chiếc thuyền nhỏ có một gã đại hán đứng yên, nhìn chằm chằm qua thuyền này. Ôn Thanh dựng ngược lông mày lên, sắc mặt đầy vẻ giận dữ.

Viên Thừa Chí ngạc nhiên, không hiểu tại sao y thấy chiếc thuyền nhỏ lại nổi giận như thế. Hình như Ôn Thanh cảm giác được, bèn quay đầu mỉm cười một cái, sắc mặt lập tức trở lại hiền hòa. Bọn thuyền phu vừa pha một bình trà bưng lên. Y uống một hớp, hình như chê trà dở nên chau mày một cái, đặt ly xuống bàn.

Đến xế chiều, thuyền ghé vào một thị trấn nhỏ. Viên Thừa Chí muốn lên bờ dạo chơi một lát. Rủ Long Đức Lân thì y không muốn rời khỏi hàng hóa. Mời Ôn Thanh thì Ôn Thanh bĩu môi một cái, ra vẻ khinh miệt rồi nói: “Nơi này có gì vui đâu?” Hình như y chê Viên Thừa Chí hiểu biết nông cạn. Viên Thừa Chí cảm thấy thiếu niên này kiêu ngạo, nhưng cũng chẳng bận tâm.

Vùng Giang Nam sông núi hiền hòa, cảnh sắc đẹp đẽ, khác hẳn vẻ kỳ vĩ hiểm trở của chốn hoang sơn. Viên Thừa Chí không muốn bỏ qua dịp vui chơi tìm hiểu, bèn lên bờ, vào thị trấn nhỏ mua mấy cân quýt rồi trở về thuyền. Chàng định mời Long Đức Lân và Ôn Thanh ăn quýt, nhưng thấy hai người đã ngủ rồi, nên cởi áo ra nằm nghỉ.

Đến giữa khuya, đang mơ màng thì nghe xa xa có tiếng huýt sáo. Viên Thừa Chí lập tức tỉnh dậy, sực nhớ sư phụ từng dạy mình đề phòng những trò biến trá trên chốn giang hồ. Chàng biết sẽ có chuyện xảy ra, bèn nằm trong chăn âm thầm mặc lại quần áo.

Chẳng bao lâu nghe tiếng mái chèo nổi lên gấp rút, có thuyền từ hạ lưu chèo gấp đến đây. Ôn Thanh ngồi bật dậy. Y lấy trong chăn ra một thanh trường kiếm sáng đến chói mắt, nhảy lên đầu thuyền.

Viên Thừa Chí kinh hãi, thầm đoán: “Chẳng lẽ bọn thủy tặc phái y đến đây để làm nội ứng hay sao? Chắc chúng muốn cướp tài sản của thương gia họ Long này.”

Trước khi xuống núi, sư phụ chàng có nói là thời thế đang loạn lạc, đường đi không yên ổn, nếu mang theo trường kiếm lồ lộ trước mắt người ta thì khó mà tránh khỏi những chuyện vô duyên vô cớ. Viên Thừa Chí nghe lời sư phụ dặn nên chỉ mang theo một ngọn trủy thủ; còn thanh trường kiếm thường ngày luyện tập thì để lại Hoa Sơn. Chàng đưa tay sờ thử cây trủy thủ trong bọc, rồi cũng ngồi dậy.

Tiếng mái chèo của chiếc thuyền con lướt tới càng lúc càng gần. Trên mũi thuyền, một âm thanh thô lỗ quát lên: “Họ Ôn kia! Ngươi có hiểu đạo nghĩa giang hồ hay không?”

Ôn Thanh quát trả: “Hiểu thì sao? Không hiểu thì sao?”

Người kia mắng: “Bọn ta phải cực khổ theo dõi suốt con đường từ Cửu Giang đến đây, thế mà ngươi dám giữa đường can thiệp, bợ mất món hàng đó.”

Lúc này Long Đức Lân đã tỉnh dậy, thò đầu nhìn ra ngoài. Thấy bốn chiếc thuyền con thắp đuốc sáng rực, trên thuyền người nào cũng cầm binh khí; y lập tức hoảng sợ run lên bần bật. Viên Thừa Chí bèn tìm lời trấn an: “Đừng sợ! Không liên quan đến ông đâu.”

Long Đức Lân lắp bắp: “Không phải… không phải chúng… chúng định cướp hàng của ta ư?”

Lúc đó Ôn Thanh thét lên: “Tiền tài trong thiên hạ thì người thiên hạ đều lấy được. Chẳng lẽ chỗ tiền đó là của ngươi hay sao?”

Người kia nói: “Mau mau đem hai ngàn lượng vàng đó ra đây, chia đều ra. Hai bên chúng ta, mỗi bên được một ngàn lượng. Như vậy là dễ dãi cho ngươi rồi.”

Ôn Thanh quát: “Đừng hòng! Ngươi muốn gì thì cứ việc!”

Hai đại hán trên thuyền nhỏ giận dữ nói: “Sa đại ca, hà tất phải nhiều lời với tên gian tặc này. Hắn không muốn lấy một ngàn lạng thì thôi, một xu một cắc cũng đừng cho hắn!” Chúng cầm binh khí, tung người nhảy qua thuyền lớn.

Long Đức Lân mới nghe hai bên chửi nhau đã run rẩy toàn thân. Bây giờ thấy hai người từ thuyền nhỏ nhảy qua, y lại càng hồn phi phách tán, lớn tiếng la lên: “Viên… Viên tướng công! Bọn cướp… bọn cướp đến cướp… cướp…”

Viên Thừa Chí kéo y đến sát người mình, hạ giọng nói: “Đừng sợ.”

Thân hình Ôn Thanh hơi nghiêng một tí, chân trái phóng lên, “bõm” một tiếng đã đá người bên trái văng xuống sông, đồng thời trường kiếm bên tay phải vung lên. Người còn lại vội đưa đao lên đỡ. Nào ngờ trường kiếm đột nhiên xoay chuyển, tránh né lưỡi đao, thuận thế chém xuống. “Xoẹt” một tiếng, cả cánh tay lẫn thanh đao rơi xuống ván thuyền. Hắn ngã nhào xuống, ngất xỉu ngay tại chỗ.

Ôn Thanh cười nhạt, la lên: “Sa lão đại! Ngươi đừng bắt bọn vô dụng này đến đây chịu chết nữa.”

Đại hán đứng đối diện “hừ” một tiếng rồi nói: “Đi khiêng lão Lý về đây.”

Hai người tay không từ chiếc thuyền nhỏ tung người nhảy qua. Ôn Thanh chỉ cười nhạt, không lý gì đến chúng. Hai người đó khiêng tên bị chặt đứt cánh tay trở về thuyền nhỏ.

Chẳng bao lâu, tên bị đá lọt xuống sông cũng loi ngoi bò lên chiếc thuyền nhỏ, mình mẩy ướt như chuột lột.

Sa lão đại hô lớn: “Du Long Bang chúng ta và Kỳ Tiên Phái các ngươi, xưa nay nước sông không phạm nước giếng. Đương gia chúng ta nể mặt Ngũ Tổ của ngươi, không muốn làm khó ngươi. Nhưng ngươi muốn tốt thì đừng coi thường chúng ta.”

Viên Thừa Chí nghe nhắc đến Kỳ Tiên Phái, trong lòng bỗng nghĩ: “Ngày ấy, Trương Xuân Cửu và tên trọc không phải tự xưng là Kỳ Tiên Phái hay sao? Họ Ôn này cùng một phái với Trương Xuân Cửu, chắc chắn là quân gian ác rồi.”

Ôn Thanh nói: “Ngươi đừng lấy lòng ta. Đánh không lại, giở trò năn nỉ hay sao?”

Sa lão đại giận dữ hỏi: “Rút cuộc thì ngươi có tuân thủ quy luật giang hồ hay không?”

Ôn Thanh cười nhạt, đáp: “Ai muốn tuân thủ thì cứ việc tuân thủ. Sao phải nhiều lời vô ích như vậy?”

Sa lão đại nói: “Nghe ta nói đây. Du Long Bang chúng ta đã theo đúng quy luật, giữ đủ lễ số, nói chuyện đàng hoàng với ngươi, chỉ mong hai bên không tổn thương hòa khí. Ngũ Tổ của ngươi không thể trách chúng ta lấy nhiều hiếp ít, lấy lớn hiếp nhỏ.”

Cứ nghe khẩu khí cũng biết, tên này đối với Ngũ Tổ gì gì đó của Ôn Thanh vừa kính nể vừa sợ sệt.

Ôn Thanh mỉm cười nói: “Dựa vào bản lãnh mèo què như thế mà đòi bức hiếp ta ư?”

Viên Thừa Chí nghe hai bên càng nói càng cứng rắn, biết rằng nhất định sẽ xảy ra động thủ. Hình như Du Long Bang định cướp một số vàng, nhưng bị Ôn Thanh giữa chừng nhảy ra đoạt trước. Du Long Bang không phục, đuổi đến đây đòi chia một nửa chỗ vàng cướp được. Khi Ôn Thanh lên thuyền thân thể nặng nề như thế, chắc chắn có hai ngàn lượng vàng trong bao.

Viên Thừa Chí nghĩ bụng: “Hai bên đều chẳng tử tế gì. Mình cứ giả vờ không biết võ công, phủi tay đứng xem là được.”

Sa lão đại quát lên một tiếng, nắm chặt chuôi thanh Đại hoàn đao, nhảy qua thuyền lớn. Mười mấy đại hán tới tấp nhảy theo, đứng sau lưng hắn.

Sa lão đại chắp tay nói: “Võ công Kỳ Tiên Phái các vị có thể nói là độc đáo ở Giang Nam. Hôm nay Sa mỗ phải lãnh giáo cao chiêu của các hạ.”

Ôn Thanh “hừ” một tiếng rồi nói: “Một mình ngươi đánh với ta, hay là cả bọn ùa lên?”

Sa lão đại giận dữ nói: “Ngươi xem thường người khác quá rồi. Trên thuyền ngươi có bao nhiêu người, hãy mời hết ra đây làm chứng. Đừng để bằng hữu giang hồ nói là Sa mỗ không biết giữ thể diện.”

Nói xong, hắn quay lại hô lớn: “Mời những người trong khoang ra đây.”

Hai đại hán vào trong khoang, bảo Viên Thừa Chí và Long Đức Lân: “Đại ca của chúng ta mời hai vị ra ngoài.”

Long Đức Lân run rẩy toàn thân, nói không ra tiếng. Viên Thừa Chí nói: “Họ muốn đánh nhau, chỉ muốn gọi chúng ta ra để làm chứng, không có gì quan trọng đâu. Ra đi!” Chàng kéo tay Long Đức Lân, dắt ra mũi thuyền.

Ôn Thanh hình như không muốn đợi lâu phiền phức. Y không để Sa lão đại nói nhiều nữa, cười gằn rồi nói: “Ngươi đã muốn chuốc lấy tai họa về mình thì đừng trách ta ra tay ác độc. Xuất chiêu đi!”

Soạt soạt hai tiếng, y phóng kiếm đâm vào cánh tay trái và ngực phải đối thủ. Thân hình Sa lão đại khôi vĩ to lớn, nhưng thân pháp cũng khá linh hoạt. Hắn múa cây Bát phong đại hoàn đao ra chiêu Thiết Ngưu Đỉnh Canh, xoay ngược sống đao chém tới Ôn Thanh. Chiêu này vừa gạt được trường kiếm đâm tới, vừa có thể tấn công kẻ địch, lại ra vẻ hạ thủ lưu tình, chỉ dùng sống đao mà đánh.

Ôn Thanh quát lên: “Ngươi có bao nhiêu bản lĩnh thì đem ra hết đi. Ta không muốn lễ nghĩa với ngươi đâu.” Miệng chưa nói xong, trường kiếm trên tay đã liên tiếp đâm tới veo véo.

Sa lão đại hơi sơ suất một chút, vai áo đã bị đâm thủng một lỗ, da thịt trên vai cũng bị vạch trúng. Hắn chửi tục mấy câu, rồi điên cuồng thi triển những chiêu sát thủ ác độc của Bát phong đại hoàn đao. Ôn Thanh múa kiếm rất nhanh, đảo qua lượn lại, trường kiếm lấp loáng ánh xanh, trùm kín thân thể đối phương.

Mới nhìn hai bên tỉ đấu mấy chiêu, Viên Thừa Chí đã biết võ công của Ôn Thanh hơn hẳn Sa lão đại. Thanh đao của Sa lão đại trầm trọng, nhìn thì oai mãnh, nhưng đao pháp lại trì trệ, không qua được những chiêu xảo diệu của Ôn Thanh.

Thời gian càng kéo dài, đầu Sa lão đại càng ướt đẫm mồ hôi. Hắn thở nghe hổn hển, thân pháp không nhanh nhẹn như trước nữa.

Trong bóng kiếm bỗng nghe Ôn Thanh quát lên một tiếng, Sa lão đại trúng kiếm vào đùi. Sắc mặt hắn thay đổi hẳn, tung người nhảy lùi ba bước, tay phải vung lên, ba mũi Thấu cốt đinh bay tới Ôn Thanh. Ôn Thanh dùng kiếm gạt văng hai mũi, còn một mũi thì né mình tránh khỏi.

Hai mũi Thấu cốt đinh bị gạt ra, có một mũi bay thẳng tới trước ngực Viên Thừa Chí. Ôn Thanh giật mình, nghĩ chắc mình vô ý đả thương người khác. Nào ngờ Viên Thừa Chí đưa tay trái ra, chỉ dùng hai ngón tay kẹp gọn mũi đinh.

Bọn đại hán theo Sa lão đại nhảy qua đều cầm đèn đuốc, mũi thuyền sáng trưng như ban ngày. Ôn Thanh nhìn thấy rõ ràng, không khỏi ngẩn ra: “Chiêu này hay quá! Thì ra võ công người này rất khá.”

Sa lão đại thấy Ôn Thanh cứ chăm chú nhìn Viên Thừa Chí ra vẻ kinh ngạc, nhân lúc y không đề phòng lại bắn tới ba mũi Thấu cốt đinh. Viên Thừa Chí bất giác la lên: “Ôn huynh cẩn thận!”

Ôn Thanh vội vã quay đầu lại, thấy ba mũi đinh còn cách mình chưa tới ba thước. Nếu không nhờ Viên Thừa Chí kịp thời nhắc nhở, thì y giỏi lắm chỉ tránh được một mũi, còn hai mũi phía dưới chắc chắn không tránh được. Y nghiêng đầu tránh một mũi, vung kiếm đánh bật hai mũi khác, quay lại gật đầu ra vẻ cảm ơn Viên Thừa Chí, rồi vung trường kiếm đâm tới Sa lão đại.

Tên này đánh lén ba mũi Thấu cốt đinh không trúng, dĩ nhiên đã có phòng bị. Hắn cầm cây Bát phong đao đâm chém loạn xạ như người điên. Ôn Thanh tức giận hắn ra tay ác độc, phen này ra toàn những sát chiêu. Mới mấy chiêu, cánh tay phải của Sa lão đại đã trúng kiếm, buông cây Bát phong đao rơi xuống sàn thuyền loảng xoảng.

Ôn Thanh nhảy tới một bước, vung kiếm phạt xuống, chặt đứt lìa chân phải của hắn. Sa lão đại kêu lên một tiếng thảm khốc, lập tức ngất xỉu. Đám bộ hạ của hắn vô cùng kinh hãi, ùa vào giải cứu. Ôn Thanh vừa phóng chưởng vừa phóng kiếm, chỉ chốc lát đã giết chết bảy tám người.

Viên Thừa Chí thấy vậy không nỡ, bèn lên tiếng: “Ôn đại ca, tha cho họ đi.”

Nhưng Ôn Thanh mặc kệ, giết thêm hai tên nữa. Bọn còn lại thấy đối phương hung hãn, bèn gọi nhau nhảy xuống sông chạy trốn. Ôn Thanh thuận tay phóng kiếm đâm vào giữa ngực Sa lão đại, rồi thuận chân đá văng thi thể của hắn xuống sông.

Viên Thừa Chí cảm thấy bất mãn, thầm nghĩ: “Thắng là được rồi, hà tất phải ra tay ác độc như thế?” Chàng quay đầu nhìn Long Đức Lân, thấy gã đã hoảng sợ đến bủn rủn toàn thân, không động đậy được.

Đám bang chúng Du Long Bang từ dưới sông trèo lên thuyền nhỏ, khua mái chèo xuôi dòng chạy trốn.

Viên Thừa Chí nói: “Họ muốn đoạt lấy tài vật của huynh mà không được thì thôi, hà tất phải hại nhiều sinh mạng?”

Ôn Thanh liếc chàng một cái rồi nói: “Huynh không thấy vừa rồi chúng đê tiện độc ác thế nào hay sao? Nếu ta lọt vào tay chúng, e rằng còn thảm khốc hơn nhiều. Huynh đừng tưởng đã giúp đỡ một lần thì có thể tùy tiện dạy dỗ người khác.”

Viên Thừa Chí không nói gì nữa, nghĩ bụng: “Người này thật là không thông tình lý.”

Ôn Thanh lau khô những vết máu trên trường kiếm, rồi tra kiếm vào vỏ. Y chắp tay vái chào Viên Thừa Chí, mỉm cười nói: “Viên đại ca! Vừa rồi may được huynh lên tiếng nhắc nhở, nên ta mới tránh được ám khí. Đa tạ nhé.”

Mặt của Viên Thừa Chí hơi đỏ lên, chắp tay trả lễ, cảm thấy khó chịu vì không biết phải nói gì. Chàng cảm thấy người thiếu niên tuấn tú này lúc thì lễ độ đàng hoàng, lúc thì hung dữ ác ôn như lang sói. Không biết tính tình của y thật sự ra sao?

Ôn Thanh gọi chủ thuyền ra, bảo rửa sạch máu me trên mũi thuyền rồi cho thuyền đi tiếp. Người chủ thuyền thấy trận ác đấu vừa rồi, không dám ý kiến nửa câu. Hắn lập tức xách nước rửa sạch ván thuyền, rồi rút neo giương buồm, khởi hành lập tức.

Ôn Thanh lại bảo chủ thuyền dọn thức ăn và rượu của Long Đức Lân ra, đổi khách làm chủ, mời Viên Thừa Chí ra mũi thuyền ngắm trăng. Y hoàn toàn không nhắc đến trận ác đấu vừa rồi, uống mấy ly rồi nói: “Trăng sáng khi nào có; Nhấp rượu hỏi trời xanh.. Ái chà, e rằng trăng lúc nào muốn sáng thì sáng, không muốn sáng thì thôi, trời xanh cũng không biết đâu mà đáp. Viên đại ca! Huynh nghĩ có phải vậy không?”

Viên Thừa Chí nghe y đột nhiên nói chuyện văn chương, chỉ biết ừ à mấy tiếng. Chàng từng theo Ưng Tùng đọc mấy năm sách vở, mà lúc theo Mục Nhân Thanh học võ cũng đôi khi lật vài trang sách. Nhưng chàng không coi đó là chuyện chính, nên chữ nghĩa rất có giới hạn.

Ôn Thanh lại nói: “Viên huynh! Trăng trong gió mát thế này, chúng ta cùng làm câu đối có được không?”

Viên Thừa Chí nói: “Câu đối ư? Câu đối là cái gì? Chuyện này ta không hiểu.”

Ôn Thanh cười cười không đáp, rót đầy ly cho Viên Thừa Chí. Đột nhiên từ phía trước có một chiếc thuyền nhỏ lướt tới, tuy ngược dòng nhưng nhanh chóng khác thường. Sắc mặt Ôn Thanh thay đổi, cười lạnh mấy tiếng, nhưng vẫn tiếp tục uống rượu.

Thuyền lớn đang thuận gió thuận nước, chạy xuống hạ lưu. Trong chớp mắt hai chiếc thuyền đã tới sát nhau. Ôn Thanh đặt ly rượu xuống, đột nhiên tung người nhảy lên, chỉ chấm chân xuống ván thuyền một cái đã bay tới cuối thuyền. Y giành lấy tay lái trong tay thuyền phu, bẻ sang một bên. Mũi thuyền lập tức quặt sang bên trái, đâm thẳng vào chiếc thuyền nhỏ đang chạy tới.

Chiếc thuyền nhỏ muốn tránh né cũng không kịp nữa. Nghe một tiếng ầm dữ dội, hai chiếc thuyền va thẳng vào nhau. Viên Thừa Chí la lên một tiếng, nhìn thấy từ thuyền nhỏ có ba người nhảy lên rồi đáp xuống thuyền lớn, thân pháp không phải là tệ. Lúc này thuyền nhỏ đã bị lật úp, đáy thuyền hướng ngược lên trời.

Từ xa Viên Thừa Chí đã thấy trên thuyền nhỏ có năm người. Ngoài ba người này ra, còn hai người nữa, một cầm tay lái, một cầm mái chèo. Hai người này không kịp nhảy lên, đều rơi xuống sông. Họ chưa kịp kêu cứu mạng đã chìm xuống đáy. Đoạn sông này nước chảy xiết, đá ngầm lại nhiều. Dù là người bơi lội giỏi, nhưng đêm tối thế này mà rơi xuống lòng sông, không khỏi may ít rủi nhiều.

Viên Thừa Chí âm thầm chửi mắng Ôn Thanh ác độc, vô cớ làm tổn thương người khác. Chàng đợi hai người đó nhô đầu lên khỏi mặt nước, lập tức đưa tay giật đứt sợi dây cột buồm, cắn chặt vào miệng. Hai chân chàng đạp nhẹ lên be thuyền một cái, lộn người nhảy xuống sông, mỗi tay chụp lấy một người, nắm tóc kéo họ từ dưới nước lên. Chàng nương vào sợi dây cột buồm đang cắn chặt trong miệng, lượn nửa vòng trên mặt sông, xách cả hai người bay trở về thuyền.

Phen này chàng vừa vận dụng nội kình Hỗn Nguyên Công, vừa sử dụng khinh công của Mộc Tang đạo nhân đã dạy. Khi bay tới thuyền, chàng nghe bốn người cùng hoan hô vang dội. Một là Ôn Thanh, y đã từ đuôi thuyền nhảy trở ra mũi thuyền. Ba người khác là những người vừa từ chiếc thuyền nhỏ nhảy qua.

Viên Thừa Chí buông hai người phu thuyền xuống, dưới ánh trăng nhìn kỹ lại ba người kia. Có một ông lão gầy guộc ngoài năm mươi tuổi, để râu thưa thớt dưới cằm; một đại hán trung niên to khỏe; người còn lại là một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi.

Ông lão cười khẩy rồi nói: “Vị lão đệ này thân pháp tuyệt vời, xin thỉnh giáo tôn tính đại danh. Không hiểu tôn sư là ai?”

Viên Thừa Chí chắp tay nói: “Vãn bối họ Viên, vì thấy hai người này rơi xuống nước nguy hiểm nên mới kéo họ lên, chứ không phải cố ý khoe khoang công phu thô thiển, múa rìu qua mắt thợ trước mặt tiền bối. Xin đừng trách.”

Ông lão thấy Viên Thừa Chí khiêm cung như vậy, không khỏi bất ngờ. Lão tưởng Viên Thừa Chí sợ mình, nên cười nhạt rồi quay lại nói với Ôn Thanh: “Chẳng trách đứa bé này càng lúc càng lớn mật; thì ra có một tay cứng viện trợ sau lưng. Hắn có phải là huynh đệ của ngươi không?”

Ôn Thanh lập tức đỏ bừng mặt, giận dữ nói: “Ta tôn trọng ông là trưởng bối, nhưng ông phải ăn nói đàng hoàng một chút.”

Viên Thừa Chí nghĩ: “Xem thần sắc cũng biết những người này chẳng đứng đắn gì. Ta không nên để bị cuốn vào vòng xoáy thị phi.” Chàng bèn dõng dạc nói: “Tại hạ cùng Ôn huynh chỉ là bèo nước gặp nhau, không thể nói là có giao tình. Tại hạ khuyên quý vị có gì thì cứ thương lượng đàng hoàng, không nên động đao kiếm để tổn thương hòa khí.”

Ông lão kia nghe Viên Thừa Chí nói vậy, biết chàng không về phe Ôn Thanh, bèn mừng rỡ nói: “Viên bằng hữu đã không có dây mơ rễ má gì với tên họ Ôn này, thế thì tuyệt diệu. Lát nữa mọi việc xong xuôi, chúng ta sẽ thương thảo với nhau, kết thành bằng hữu. Dĩ nhiên chúng ta tuân thủ quy luật giang hồ, người nào có mặt người đó có phần.”

Lão nói chuyện lấy lòng, hình như hứa là cướp được số vàng đó sẽ chia cho chàng một phần. Viên Thừa Chí không tiện đáp, chỉ chắp tay thi lễ rồi lùi ra phía sau Ôn Thanh.

Ông lão kia gằn giọng với Ôn Thanh: “Ngươi tuổi tác còn nhỏ, mà hành sự lại tàn ác đến thế. Sa lão đại đánh không thắng ngươi, thì ngươi đuổi hắn đi là được rồi, sao phải đoạt mạng hắn?”

Ôn Thanh đáp: “Ta chỉ có một mình, còn các ngươi dùng số đông ùa lên một lúc, làm sao ta không tàn nhẫn được? Các ngươi mới là kẻ không sợ người khác chê cười, lấy lớn hiếp nhỏ, lấy đông hiếp ít. Nếu có bản lãnh thì cứ đoạt vàng của người ta trước đi, đằng này đợi ta lấy được rồi mới lẵng nhẵng đuổi theo như âm hồn bất tán. Muốn người khác dọn sẵn cho ăn, đúng là không biết giữ thể diện!”

Thanh âm của y dõng dạc, nói liền một thôi một hồi. Ông lão ngậm miệng, không cãi được tiếng nào.

Nữ nhân kia đột nhiên dựng ngược lông mày, cất tiếng thóa mạ: “Tên nhãi ranh kia! Nhà họ Ôn chiều chuộng ngươi quá mức, không biết quy củ là gì nữa. Ta phải đi hỏi gia gia của ngươi là ai mà không biết dạy ngươi kính trọng bậc trưởng bối.”

Ôn Thanh nói: “Muốn làm trưởng bối thì phải tỏ rõ tư cách trưởng bối mới được. Các ngươi ngông nghênh như thế, toan chiếm đoạt công sức người khác thì không được đâu!”

Ông lão kia giận dữ, tay trái phóng chưởng nghe vù một tiếng, đập vào cái bàn đặt ở mũi thuyền. Mặt bàn lập tức vỡ nát.

Ôn Thanh nói: “Công phu của Vinh lão gia thế nào, ta đã biết từ lâu rồi. Chỉ có chút xíu ngón nghề, hà tất phải khoe khoang trước mặt bọn tiểu bối làm gì. Muốn khoe khoang bản lãnh của mình, thì cứ đến trước mặt gia gia ta mà khoe.”

Ông lão kia nói: “Ngươi đừng đem ông ngoại ra mà hù dọa người khác. Ông ngoại của ngươi thì đã ra gì? Nếu họ thật sự có bản lãnh, thì con gái của họ đã không bị người ta làm nhục, đẻ ra một đứa tạp chủng như ngươi, làm mất mặt nhà họ Ôn.”

Sắc mặt Ôn Thanh thay đổi đến mức méo mó, y đưa tay nắm chặt chuôi kiếm. Bàn tay trắng trẻo như bạch ngọc của y không ngớt run rẩy, hiển nhiên tức giận đến cùng cực. Đại hán và nữ nhân kia cười rộ lên.

Viên Thừa Chí thấy trên mặt Ôn Thanh đã có hai hàng nước mắt chảy xuống, trong lòng bất nhẫn nghĩ thầm: “Huynh ấy hành sự lão luyện hơn ta rất nhiều, tại sao mới bị người ta khích bác đã khóc rồi? Còn lão già kia, tại sao lại chửi mắng cha mẹ người ta? Tuổi tác đã lớn mà ăn nói bừa bãi vô lý, thốt ra những lời khó nghe để làm tổn thương danh dự kẻ khác!”

Chàng vốn định không giúp bên nào, bây giờ thấy Ôn Thanh bị người ta bức hiếp, bèn quyết ý giúp yếu trừ bạo.

Ông lão gằn giọng nói: “Khóc thì ích gì? Mau mau đưa vàng ra đây! Chúng ta không tham lam lắm đâu. Chỗ vàng này phải chia một phần cho quả phụ của Sa lão đại, mà Viên bằng hữu đây cũng phải có một phần.”

Viên Thừa Chí lắc đầu nói: “Ta không cần.”

Ôn Thanh thì thân thể run rẩy, vừa khóc vừa nói: “Ta không đưa.”

Đại hán kia “hừ” một tiếng. Hắn thấy chiếc thuyền lớn đã hạ buồm xuống nhưng vẫn tiếp tục trôi theo dòng nước, bèn nhấc cái neo bằng sắt ở mũi thuyền lên, quay trên không trung một vòng rồi ném lên bờ. Cả neo lẫn dây xích phải nặng hơn trăm cân, mà hắn ném được xa như vậy, rõ ràng khí lực không nhỏ.

Neo sắt móc vào bờ, thuyền lớn lập tức dừng lại. Đại hán quát lên: “Rốt cuộc thì ngươi có chịu lấy ra hay không?”

Ôn Thanh đưa tay trái lên lau nước mắt, đáp: “Được! Ta đưa cho các ngươi.”

Y chạy vào khoang thuyền, chỉ chốc lát là hai tay bưng một cái bao ra, dáng vẻ trông rất nặng nề. Đại hán đưa tay ra đón, nhưng Ôn Thanh thét lên: “Hừ! Đâu có dễ dàng như thế?”

Y vận sức ném cái bao ra ngoài, rơi tõm xuống sông, rồi la lên: “Các ngươi có gan thì đến đây giết ta đi. Còn muốn lấy số vàng đó thì đừng hòng.”

Đại hán tức quá thét lên be be, rút đao ra chém tới. Ôn Thanh vừa ném cái bao là rút kiếm ra ngay, veo véo đâm trả hai chiêu. Ông lão vội la lên: “Dừng tay!”

Đại hán lập tức thu kiếm, nhảy lùi hai bước. Ông lão liếc xéo Ôn Thanh, cười nhạt rồi nói: “Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, con rùa lại đẻ ra rùa! Cha nào con nấy, có người cha như thế mới sinh ra thứ tiểu súc sinh này. Hôm nay mà lão phu để tên nhãi này làm bừa trước mặt, thì quyết không mang họ Vinh nữa.”

Thân thể lão không thấy lắc lư chút nào mà đột nhiên bay vọt lên, đáp xuống trước mặt Ôn Thanh. Ôn Thanh múa kiếm đâm tới, còn lão dùng tay không xuất chiêu, chưởng phong rít lên tiếng gió, chưởng thế rất lợi hại. Ôn Thanh có trường kiếm trên tay, nhưng cũng bị ép phải lùi liên tiếp.

Được mười mấy chiêu, cổ tay phải của Ôn Thanh bị ngón tay của lão điểm trúng, trường kiếm rơi xuống nghe loảng xoảng. Ông lão dùng mũi bàn chân hất thanh kiếm bay lên, đưa tay trái chụp lấy chuôi kiếm, tay phải vuốt dọc sống kiếm, chĩa mũi kiếm vào mặt Ôn Thanh. Lão hét lên: “Hôm nay ta phải ký tên vào mặt ngươi, kẻo sau này ngươi quên mất lão phu lợi hại.”

Lão cầm trường kiếm quẹt vào mặt Ôn Thanh, y kinh hãi lùi bước liên tục. Ông lão tiến từng bước một, tay trái đưa thẳng ra, lưỡi kiếm lấp loáng cứ nhằm thẳng vào mặt Ôn Thanh mà vạch.

Viên Thừa Chí thấy ông lão này xuất chiêu hiểm độc, nghĩ nếu mình không ra tay thì mặt mũi Ôn Thanh chắc chắn bị hủy hoại. Chàng quát lên: “Xin tiền bối dừng tay, đừng đả thương người khác.”

Ông lão không lý gì đến chàng, cứ chĩa kiếm vào mặt Ôn Thanh. Viên Thừa Chí liền lấy trong bọc ra một đồng tiền, búng vào thanh kiếm trong tay lão. “Keng” một tiếng, tay của ông lão bị chấn động kịch liệt, đau nhói lên, để trường kiếm tuột khỏi tay.

Ôn Thanh đang hoảng sợ đến co rúm người lại, bây giờ cất tiếng hoan hô rồi nhảy ra núp sau lưng Viên Thừa Chí, như muốn nhờ chàng bảo vệ.

Ông lão này họ Vinh, tên Thái, là bang chủ Du Long Bang. Ở vùng Giang Nam, ngoài Ngũ Tổ của Kỳ Tiên Phái và Lữ Thất tiên sinh ra, võ công của lão có thể coi là cao nhất.

Mười ngón tay của Vinh Thái đã luyện thành Đại Lực Ưng Trảo Công, so với đao kiếm bình thường còn lợi hại hơn. Thế mà một thứ ám khí nhỏ xíu của đối phương đánh rơi được binh khí trên tay lão, thật là suốt đời chưa từng gặp chuyện sỉ nhục nào lớn như vậy. Lão giận đến tía tai đỏ mặt, nhưng không giấu được vẻ kinh hãi: “Thủ kình của thằng lỏi này sao lại khủng khiếp đến thế?”

Đại hán và nữ nhân kia cũng đã thấy võ công Viên Thừa Chí cao cường, đều nghĩ: “Dù sao chỗ vàng kia cũng lọt xuống sông mất rồi. Hôm nay gặp phải cao thủ can thiệp, nhất định chúng ta không thể chiếm được lợi thế. Chi bằng nói mấy câu để lấy thể diện, rồi rút lui cho xong”.

Nữ nhân bèn hô lớn: “Lão gia, chúng ta đi thôi. Nể mặt Viên bằng hữu, hôm nay hãy tạm tha cho đứa nhóc đó. Hòa thượng bỏ đi, miếu còn ở lại. Sau này chúng ta sẽ đến Tịnh Nham ở Cù Châu, tìm Kỳ Tiên Phái tính sổ món nợ này.”

Ôn Thanh la lên: “Gặp người giỏi là chuồn ngay phải không? Du Long Bang các ngươi quen thói sợ mạnh hiếp yếu, thật là không biết xấu hổ.”

Viên Thừa Chí chau mày nghĩ bụng: “Người này vừa thoát khỏi đại nạn đã lập tức kiếm lời châm biếm, không để cho người ta một chút đường lùi”.

Nữ nhân kia bị Ôn Thanh mắng cho bối rối, mặt mũi sượng sùng. Vinh Thái cảm thấy khó thoát khỏi tình trạng khó xử này, bèn gượng cười nói: “Viên lão đệ công phu thật tuyệt. Hôm nay gặp nhau ở đây cũng là có duyên. Hai người chúng ta thi thố một phen quyền cước xem thử thế nào?”

Lão đã khổ công luyện tập Ưng Trảo Công không dưới hai mươi năm, rất tự tin. Lão nghĩ: “Thằng lỏi này giỏi công phu ám khí, nhưng về quyền cước chưa chắc đã thắng được ta.”

Viên Thừa Chí nghĩ: “Mình mà động thủ với ông lão này tức là ra mặt giúp Ôn Thanh rồi. Tên thiếu niên Kỳ Tiên Phái này lòng dạ hẹp hòi, điêu ngoa xảo trá. Vì vàng bạc mà hắn giết người bừa bãi, chắc chắn không phải là bạn tốt. Mình không nên vì hắn mà kết thêm thù oán.”

Chàng bèn chắp tay nói: “Vãn bối mới vào giang hồ, sao dám dựa vào chút xíu công phu nhỏ mọn mà múa rìu qua mắt thợ trước mặt tiền bối?”

Vinh Thái khen thầm: “Thiếu niên này thật là biết xử sự”. Lão nhân cơ hội để thoát khỏi khó xử, nói ngay: “Viên bằng hữu khách sáo rồi.” Rồi lão trừng to cặp mắt nhìn Ôn Thanh, giận dữ nói: “Sẽ có ngày lão phu dạy cho ngươi biết thế nào là lợi hại.”

Lão quay đầu lại, gọi đại hán và nữ nhân kia: “Chúng ta đi thôi.”

Ôn Thanh nói: “Ngươi lợi hại thế nào, ta biết từ lâu rồi. Hễ thấy công phu người ta giỏi thì không dám ra tay, chỉ muốn chuồn cho sớm, chạy gấp về nhà uống mấy gói thuốc an thần, rồi rúc đầu vào chăn mà nằm run như đuôi thằn lằn đứt.”

Miệng lưỡi Ôn Thanh không nhường nhịn chút nào, cố ý xúc xiểm cho lão đánh nhau với Viên Thừa Chí. Y đã thấy võ công Viên Thừa Chí cao cường, Vinh Thái không phải là địch thủ.

Câu nói này khiến cho Vinh Thái vô cùng khó xử, ngay cả Viên Thừa Chí cũng lộ vẻ không vui. Vinh Thái nổi giận nói: “Viên bằng hữu tuổi tuy còn trẻ, nhưng rất biết xử sự. Qua đây, chúng ta thử mấy chiêu, đừng để tên tiểu bối thiếu hiểu biết này tưởng là ta khiếp nhược.”

Viên Thừa Chí nói: “Lão tiền bối hà tất phải bận tâm. Huynh ấy chỉ nói đùa thôi mà.”

Vinh Thái cười ha hả rồi nói: “Lão đệ cứ yên tâm, nhất định ta không nặng tay với lão đệ đâu.”

Ôn Thanh lạnh nhạt nói: “Thế mà nói là không sợ! Chưa ra tay động thủ, đã lo liệu tình cảm trước rồi. Mau mau chuồn đi, đừng đánh nhau còn hay hơn. Ta sống đến tuổi này rồi, chưa bao giờ thấy tình hình như vậy, đúng là không biết nói gì nữa. Vinh lão gia! Lão sợ run đến như vậy, sao không mời Viên tướng công về, nhường ngôi bang chủ Du Long Bang đi?”

Mặt Vinh Thái nhăn nhúm lại, cơn giận như sắp vỡ toang ra. Đột nhiên trên bờ có ánh lửa lấp loáng, mấy chục người cầm binh khí và đèn đuốc chạy tới, kêu réo om sòm: “Vinh lão gia! Đã bắt được tên nhãi đó chưa? Chúng ta phải bằm nhuyễn nó ra, trả thù cho Sa lão đại.”

Ôn Thanh thấy đối phương đem toàn quân tới, tuy gan to không biết sợ gì, nhưng trong lòng không khỏi kinh hãi.

Vinh Thái hô lớn: “Lưu gia huynh đệ! Hai ngươi qua đây một chút.”

Hai người kia liền vâng dạ, chạy đến bờ sông. Thuyền lớn ở cách bờ khá xa, họ liền nhảy bừa xuống nước, bơi nhanh đến. Thủy tính của họ rất giỏi, chỉ nháy mắt đã áp mạn, tung mình nhảy lên thuyền.

Vinh Thái bảo: “Gói hàng đó đã bị tên nhãi này ném xuống sông rồi. Hai anh em ngươi xuống tìm đi.” Nói xong, lão chỉ tay xuống sông. Anh em họ Lưu liền nhảy ngay xuống, lặn mất hút.

Ôn Thanh kéo tay áo Viên Thừa Chí, kề vào tai chàng nói nhỏ: “Mau mau cứu ta đi! Chúng muốn giết ta.”

Viên Thừa Chí quay lại, dưới ánh trăng thấy sắc mặt y trông rất đáng thương. Chàng bất giác gật đầu một cái.

Ôn Thanh nắm chặt tay chàng, khẽ nói: “Chúng người đông thế mạnh. Huynh phải tìm cách chặt đứt sợi dây xích, rồi chúng ta cho thuyền rời khỏi đây chạy trốn.”

Viên Thừa Chí chưa đáp, chợt cảm thấy bàn tay Ôn Thanh mềm mại trơn tru như không có xương. Chàng kinh ngạc trong lòng, tự hỏi: “Tại sao bàn tay của thiếu niên này giống như bông gòn vậy? Thật là hiếm có.”

Lúc này, Vinh Thái đã để ý thấy hai người thầm thì bàn luận. Lão quay lại nhìn.

Ôn Thanh bỗng nhéo vào hông Viên Thừa Chí một cái, đột nhiên túm lấy cái bàn trên mũi thuyền, quét về phía ba người Vinh Thái. Đại hán và nữ nhân kia đang tập trung hết tinh thần theo dõi anh em họ Lưu dưới nước, nên không đề phòng. Họ bị cái bàn đập vào lưng, giật mình la lên một tiếng, cùng lúc té nhào xuống nước.

Vinh Thái tung người nhảy lên, vung tay chụp xuống. Năm ngón tay lão bấm thủng mặt bàn, vận sức kéo mạnh. Nghe mấy tiếng lách cách, hai cái chân bàn trên tay Ôn Thanh bị gãy lìa ra.

Vinh Thái biết đại hán và nữ nhân kia không biết bơi lội. Nước sông đang chảy xiết, anh em họ Lưu khó mà cứu họ kịp. Lão liền hất cái bàn xuống sông cho hai người nắm lấy, không đến nỗi chìm ngay. Rồi lão vung song chưởng lên vù vù, đánh vào mặt Ôn Thanh.

Ôn Thanh nắm lấy hai cái chân bàn che đỡ trước mặt, vội vã la lên: “Mau lên! Mau lên đi huynh!”

Viên Thừa Chí liền nắm lấy sợi dây xích, vận hết kình lực Hỗn Nguyên Công giật mạnh. Cái neo sắt rất lớn bị nhổ khỏi bờ sông, bay vù về phía mũi thuyền. Vinh Thái và Ôn Thanh đều kinh hãi, nhảy dạt sang hai bên tránh né. Lúc hai người quay đầu lại nhìn Viên Thừa Chí, đã thấy chàng đỡ cái neo sắt, từ từ đặt xuống mũi thuyền.

Neo vừa nhổ, chiếc thuyền lớn lập tức trôi về phía hạ lưu, xa dần mọi người đang đứng trên bờ. Vinh Thái thấy công lực đối phương như thế, biết mình ở đây chẳng được tích sự gì. Lão bèn vận sức vào chân đạp xuống ván thuyền, hít một hơi nhảy lên bờ.

Viên Thừa Chí nhìn thân pháp của lão, biết lão nhảy không đến được bờ. Chàng chụp lấy một miếng ván mặt bàn, ném mạnh ra.

Khi hết đà rơi xuống, Vinh Thái thấy dưới chân mình là mặt nước mênh mông. Lão chưa kịp kinh hãi, đột nhiên thấy một tấm ván bay tới, vừa vặn rơi vào chỗ mặt nước mà chân mình sắp chạm phải. Lão cả mừng, đưa chân trái đạp lên miếng ván đó, mượn sức nhảy lên bờ, vừa thầm cảm kích hảo ý của Viên Thừa Chí, vừa thán phục công lực của chàng. Lão nhảy ra trước, miếng ván ném theo sau mà cũng kịp tới nơi.

Ôn Thanh hừ một tiếng rồi nói: “Không biết xanh đỏ trắng vàng gì cả, đã ngốc nghếch lại cố giả làm người tốt. Rốt cuộc là huynh giúp ta hay giúp lão già thối tha kia? Để lão tắm mát một lúc, giải khát mấy ngụm nước sông không tốt hay sao? Đã đến nỗi chết chìm đâu?”

Viên Thừa Chí đã biết thiếu niên này tính tình cổ quái, nói chuyện không cần lý lẽ. Chàng nghĩ bụng: “Người như thế này, càng ít giây vào càng tốt. Mình vừa cứu mạng y, thế mà y không cảm ơn lại còn vô lễ như thế”. Chàng không nói gì, trở vào trong khoang nằm ngủ tiếp.

Chiều hôm sau thuyền đến Cù Châu. Viên Thừa Chí cảm tạ Long Đức Lân, rồi lấy năm đồng tiền ra trả cho chủ thuyền. Long Đức Lân nhất định đòi trả giúp, Viên Thừa Chí từ chối không được, đành phải chắp tay đa tạ.

Ôn Thanh nói với Long Đức Lân: “Ta biết ông không thích trả tiền thuyền giùm ta đâu. Hừ, cho dù ông đòi trả, ta cũng không chịu.” Nói xong, y lấy trong bọc ra một thỏi bạc nặng khoảng mười lượng, ném cho chủ thuyền rồi nói: “Cho ngươi hết!”

Chủ thuyền thấy thỏi bạc lớn quá, kinh hoảng đến ngẩn ra, vội nói: “Tiểu nhân không đủ tiền để thối.”

Ôn Thanh quát: “Ai bảo ngươi thối? Cho ngươi hết.”

Chủ thuyền không dám tin, lại nói: “Đâu có cần nhiều như thế?”

Ôn Thanh mắng luôn: “Lải nhải cái gì? Ta trả bao nhiêu thì ngươi phải nhận bấy nhiêu. Ngươi mà chọc ta nổi giận, thì ta phải đục thủng đáy thuyền ngươi mấy lỗ, nhận chiếc thuyền mục này chìm xuống nước.”

Đêm hôm qua chủ thuyền đã thấy thiếu niên này cất tay là giết người, hung hãn vô cùng. Hắn không dám nói nhiều, ngay cả cảm ơn cũng không dám, vội cất thỏi bạc vào trong bọc.

Ôn Thanh lấy cái bao trong người ra, trút lên bàn. Ánh hoàng kim lấp lánh, thì ra trong bao toàn là vàng ròng. Cứ mỗi thanh là mười lượng, tổng cộng có tới hai trăm thanh.

Ôn Thanh lấy tay gạt từ trên xuống, chia đống vàng làm hai phần. Y hốt lại một phần vào cái bao; dùng hai tay đẩy phần kia đến trước mặt Viên Thừa Chí, lên tiếng: “Cho huynh đây.”

Viên Thừa Chí không hiểu, hỏi lại: “Gì thế?”

Ôn Thanh mỉm cười nói: “Huynh tưởng ta ném cái bao vàng ấy xuống lòng sông thật hay sao? Để chúng mò tìm dưới đáy sông, mò tới mò lui cũng chỉ thấy cái bao đá để dằn thuyền.”

Nói xong y cười khanh khách, cười đến nỗi cong lưng nằm rạp xuống bàn, run bần bật cả người.

Viên Thừa Chí không khỏi thán phục cơ trí của y, thầm nghĩ: “Hắn nhỏ hơn mình một hai tuổi, thế mà lừa được cả một tay lão luyện như Vinh Thái.” Chàng nói: “Ta không cần, huynh cứ mang đi. Ta giúp huynh không phải vì số vàng này.”

Ôn Thanh nói: “Đây là ta tặng cho huynh, không phải huynh đòi lấy. Đừng giả vờ làm ngụy quân tử nữa.”

Viên Thừa Chí lắc đầu quầy quậy.

Long Đức Lân tuy là một phú thương, nhưng thấy đống vàng sáng lóa đặt trên bàn cũng không khỏi hoa mắt. Thế mà một người nhất định không lấy, một người cố gắng nài ép đối phương mang đi. Chuyện này thật sự hắn chưa nghe chưa thấy, bây giờ tai nghe mắt thấy cũng không tin được, bèn đoán là Viên Thừa Chí chê ít.

Ôn Thanh giận dữ nói: “Bất luận huynh chịu lấy hay không, ta cũng cho huynh.” Đột nhiên y nhảy vọt lên bờ.

Viên Thừa Chí bị bất ngờ, ngẩn ra một chút mới tung người nhảy theo. Chỉ hai cú nhảy, chàng đã đứng chặn trước mặt y, dang hai tay ra cản trở, quát bảo: “Khoan đã! Hãy đem vàng của huynh đi.”

Ôn Thanh chạy sang phải thì chàng chặn bên phải, chạy sang trái thì chàng chặn bên trái. Y cố gắng mấy lần cũng không vượt qua được, bèn vung tay phóng chưởng đánh vào mặt chàng. Viên Thừa Chí đưa tay trái ra, mới nhẹ nhàng đỡ một cái là Ôn Thanh đã không chịu được, phải lùi ba bước mới đứng vững.

Ôn Thanh biết không thể trốn thoát, bỗng ngồi phịch xuống đất, hai tay bưng mặt khóc rống lên. Viên Thừa Chí kinh ngạc vội hỏi: “Ta làm đau huynh hay sao?”

Ôn Thanh “hừ” một tiếng: “Chính huynh mới đau!” Rồi y mỉm cười, nhảy vọt lên. Viên Thừa Chí không dám đuổi theo nữa, chỉ đưa mắt nhìn theo bóng y khuất dần dọc bờ sông.

Người này võ công đầy mình, giết người không nháy mắt, rõ ràng là một hào khách trong chốn giang hồ, nhưng sao lại vừa khóc vừa cười, điêu ngoa cổ quái như vậy? Chàng bất giác lắc đầu, trở lại thuyền, chắp tay tạm biệt Long Đức Lân rồi gói chỗ vàng đó lại xách đi.

Viên Thừa Chí đến con đường lớn trong thành Cù Châu, tìm khách sạn nghỉ lại. Chàng nghĩ: “Một ngàn lượng vàng này chẳng biết đến từ đâu, nhất định ta không thể nhận. Chẳng qua ta thấy y đáng thương nên ra tay giúp đỡ, đâu thể nhận thù lao? Lão già kia nói y thuộc Kỳ Tiên Phái ở Tịnh Nham, Cù Châu. Sao ta không tìm đến nhà y? Nếu y từ chối nữa, ta chỉ cần bỏ vàng xuống rồi đi ngay là xong.”

Sáng hôm sau, Viên Thừa Chí hỏi kỹ đường đến Tịnh Nham, cầm gói vàng đi tìm. Tịnh Nham cách Cù Châu khoảng hai mươi dặm, chàng bước rất nhanh, chỉ hơn nửa giờ là đến.

Tịnh Nham là một thị trấn nhỏ ở cạnh núi Lạn Kha. Tương truyền vào đời nhà Tấn, có người tiều phu tên là Vương Chất vào trong núi kiếm củi. Thấy hai vị tiên đang chơi cờ, y đứng lại xem. Xem xong một ván quay đầu nhìn lại thì cán rìu của mình đã mục nát rồi, về nhà thấy mọi người khác hẳn. Thì ra chỉ một ván cờ mà mấy chục năm đã trôi qua.

Giữa hai đỉnh của núi Lạn Kha có một trụ đá rất lớn bắc qua. Công trình này thần kỳ như búa thần rìu quỷ, sức người không thể đưa lên được. Truyền thuyết vùng này kể rằng thần tiên đã dùng pháp lực để di chuyển trụ đá tới làm một chiếc cầu. Gần Tịnh Nham có một thị trấn nhỏ khác tên là Thạch Lương, gọi theo cái trụ đá này. Tên của Kỳ Tiên Phái cũng xuất phát từ ván cờ mấy chục năm của tiên nhân.

Viên Thừa Chí đến Tịnh Nham, thấy một bà nông dân từ phía trước đi tới. Chàng liền hỏi: “Đại tẩu! Xin hỏi nhà họ Ôn trong thị trấn này ở chỗ nào?”

Bà kia giật mình đáp: “Không biết!” rồi quay đầu bỏ đi ngay. Sắc mặt bà lộ vẻ khinh ghét.

Viên Thừa Chí đến một tiệm tạp hóa, hỏi thăm chủ tiệm. Y lạnh nhạt hỏi lại: “Lão đệ tìm nhà họ Ôn có việc gì không?”

Viên Thừa Chí đáp: “Tại hạ đến đó để giao trả một món đồ.”

Chủ tiệm cười nhạt, nói: “Thì ra lão đệ là bằng hữu của nhà họ Ôn. Cần gì hỏi ta nữa?”

Viên Thừa Chí mất hết hứng thú, nghĩ bụng cư dân ở đây chẳng hiếu khách chút nào.

Thấy hai đứa bé đang chơi ở vệ đường, chàng lấy mười đồng tiền nhét vào tay một đứa rồi bảo: “Tiểu huynh đệ! Ngươi dẫn ta đến nhà họ Ôn đi.”

Thằng bé đã nhận tiền rồi, nhưng nghe xong lập tức trả lại cho chàng, giận dữ nói: “Nhà họ Ôn ư? Chính là căn nhà lớn đằng kia. Cái chỗ quỷ quái đó ta không đến đâu.”

Viên Thừa Chí bây giờ mới hiểu. Chắc là nhà họ Ôn có chỗ đắc tội với hàng xóm nên bị người ta trách móc, không ai chịu đi lại, chứ không phải dân cư vùng này vô lễ.

Chàng đi về phía căn nhà thằng bé chỉ, xa xa đã nghe tiếng người rất ồn ào. Tới gần thì thấy có đến mấy trăm nông dân đang cầm cuốc xẻng bao vây trước cửa, lớn tiếng la lối: “Chúng bay đã đánh người ta trọng thương, tính mạng khó mà giữ được, lại bỏ mặc như vậy hay sao? Họ Ôn kia! Mau mau ra đây đền mạng.”

Trong đám người đó có bảy tám nữ nhân đầu tóc bù xù, ngồi bệt dưới đất khóc lóc. Viên Thừa Chí đi tới, hỏi một nông phu: “Lão huynh! Các vị ở đây làm gì vậy?”

Nông phu ấy nói: “Tướng công là khách qua đường nên mới không biết. Nhà họ Ôn này cùng hung cực ác, hết sức bá đạo. Hôm qua chúng xuống miền quê thu tô. Lão bá nhà họ Trình xin chúng cho trả chậm mấy ngày, bị chúng hất bắn vào tường, thọ thương rất nặng. Con cháu của Trình lão bá ra cãi lý, đều bị chúng đánh cho thừa sống thiếu chết, e rằng ba người không qua nổi. Tướng công nghĩ xem, chủ điền như vậy có ác ôn hay không?”

Trong lúc nói chuyện, đám nông dân càng la lối lớn tiếng hơn. Có người cầm cuốc xẻng đập ầm ầm vào cánh cổng; cũng có người nhặt đá ném vào trong cửa.

Đột nhiên cửa lớn mở “két” một tiếng, một gã ốm nhom chạy ra ngoài. Chưa ai kịp nhìn rõ, đã có bảy tám nông dân bị hắn hất văng ra ngoài hai ba trượng, ngã tét đầu chảy máu.

Viên Thừa Chí nghĩ: “Thủ pháp người này nhanh quá!” Chàng định thần nhìn lại, thấy người này vừa ốm vừa cao, khuôn mặt vàng khè, lông mày xếch lên, dáng vẻ vừa lanh lẹ vừa lưu manh. Hắn quát mắng: “Cái thứ chưa bằng con heo con chó mà cả gan đến đây giở trò! Chán sống rồi ư?”

Mọi người chưa kịp trả lời, hắn đã bước tới mấy bước, xách mấy người ném vù ra xa.

Viên Thừa Chí thấy gã này quăng người như quăng củi mục, không tốn sức chút nào. Chàng nghĩ: “Không biết người này có liên quan gì đến Ôn Thanh? Nếu hôm trước hắn ở cạnh Ôn Thanh thì thừa sức chống trả bọn Vinh Thái, không cần mình phải ra tay.”

Trong đám đông có ba nông phu bước ra, lớn tiếng nói: “Các ngươi đánh người ta trọng thương, chẳng lẽ bỏ qua hay sao? Chúng ta nghèo thật, nhưng người nghèo cũng có sinh mạng chứ?”

Gã ốm cười gằn mấy tiếng rồi nói: “Không đánh chết mấy tên thì bọn ngươi chưa biết lễ độ.”

Thân hình gã nhoáng lên, nắm lưng một nông phu to lớn quẳng đi rất mạnh, nhằm thẳng vào bờ tường phía Đông. Ngay lúc đó, hai thanh niên cùng đưa cuốc lên toan đập vào đầu hắn. Hắn đưa tay trái ra đỡ, hai cây cuốc văng tuốt lên trời. Hắn lại túm lấy hai người đó, quật vào cái bệ của cột cờ trước cổng.

Thấy gã bức hiếp đám nông dân, Viên Thừa Chí đã giận lắm rồi. Nhưng chàng thấy võ công của hắn cũng khá, sợ mình nhảy vào can thiệp sẽ gặp phiền hà. Chàng toan đợi tình hình êm dịu rồi xin vào gặp Ôn Thanh, trả vàng xong là lập tức bỏ đi.

Không ngờ gã ốm này đột nhiên hạ sát thủ, ba người kia sắp va vào góc tường và đá tảng, không chết cũng trọng thương, Viên Thừa Chí động lòng nghĩa hiệp, phi thân bay vèo tới. Tay trái chàng chụp được chân phải của nông phu to lớn, buông y xuống đất. Sau đó chàng xuất chiêu Nhạc Vương Thần Tiễn, thân hình như một mũi tên rời khỏi dây cung, bay tới chụp lấy lưng hai thanh niên, rồi uốn lưng đứng thẳng lại, đặt họ nhẹ nhàng xuống đất.

Nhạc Vương Thần Tiễn là tuyệt kỹ khinh công do Mộc Tang đạo nhân truyền thụ, nhanh hơn bất cứ phái nào. Chàng vốn không muốn hiển lộ võ công, nhưng phải gấp rút cứu người nên không thể không dùng.

Viên Thừa Chí nghĩ: “Phen này nhất định gã ốm kia rất hận mình. May mà đã biết nhà họ Ôn rồi, để tối nay mình âm thầm đến đây giao trả.” Chàng vừa thả hai thanh niên xuống đất là quay người đi ngay, không nhìn lại gã ốm nữa.

Ba nông phu vừa thoát chết đều ngẩn ngơ đứng đó, không ai nói được tiếng nào.

Gã ốm thấy võ công chàng như vậy, kinh hãi vô cùng. Nhưng thấy chàng quay lưng bỏ đi, hắn liền phi thân đuổi theo, vừa đưa tay chụp lấy vai chàng vừa hô lên: “Bằng hữu, khoan đi đã!”

Phát chụp này đã vận kình lực nặng đến ngàn cân. Thế mà Viên Thừa Chí không tránh né, chỉ hạ đầu vai xuống một chút để hóa giải lực đạo đối phương. Chàng cũng không vận kình lực đánh trả, cứ như không biết chuyện gì.

Gã ốm lại càng kinh hãi, quát hỏi: “Có phải các hạ được đám này mời tới để làm khó dễ chúng ta hay không?”

Viên Thừa Chí chắp tay lại nói: “Thật là xin lỗi. Tại hạ chỉ sợ gây ra án mạng, mọi người sẽ gặp phiền hà, nên mạo muội đỡ họ một chút, đắc tội với huynh đài. Lão huynh đã có bản lãnh như vậy, hà tất phải chấp nhất những người nơi thôn dã.”

Gã ốm nghe chàng nói chuyện khiêm cung, lập tức giảm phần đối địch. Gã hỏi: “Xin hỏi tôn tính đại danh các hạ, đến tệ xứ có việc gì không?”

Viên Thừa Chí nói: “Tại hạ họ Viên, có một bằng hữu trẻ tuổi họ Ôn, không biết có phải ở đây không?”

Gã ốm đáp: “Tại hạ cũng họ Ôn. Không biết người các hạ muốn tìm là ai?”

Viên Thừa Chí nói:

“Tại hạ muốn tìm Ôn Thanh tướng công.”

Đám nông dân thấy Viên Thừa Chí nói chuyện tình cảm với gã ốm kia, nên không dám ở lại nữa. Họ kéo nhau giải tán, vừa bỏ đi vừa chửi mắng, càng đi xa tiếng thóa mạ càng vang dội. Giọng miền quê rất khó nghe, Viên Thừa Chí không hiểu họ chửi mắng những gì.

Gã ốm kia mặc kệ, bảo Viên Thừa Chí: “Xin mời vào nhà uống nước.”

Viên Thừa Chí theo gã vào trong, đến một gian đại sảnh rộng lớn, chính giữa có một tấm hoành phi viết ba chữ Bát Đức Đường. Trong đại sảnh bài trí nhiều tấm bình phong cùng bình hoa, trông rất khí thế, đúng là nhà của cự phú.

Gã ốm mời Viên Thừa Chí ngồi vào thủ tọa, gọi gia nhân bưng trà lên. Gã không ngớt hỏi thăm lai lịch sư thừa của Viên Thừa Chí. Tuy lời nói khách sáo, nhưng chàng cảm thấy hắn vẫn còn mang địch ý, nên chỉ nói: “Xin mời Ôn Thanh tướng công ra đây gặp gỡ. Tại hạ muốn giao trả cho y một vật.”

Gã ốm nói: “Ôn Thanh là em trai của tại hạ. Tại hạ tên là Ôn Chính. Xá đệ đang ra ngoài, chắc chẳng bao lâu sẽ trở về. Xin huynh đài ở đây đợi một lát.”

Viên Thừa Chí không muốn kết giao với bọn hung bạo hiếp người này, nhưng Ôn Thanh không có ở đây nên chàng đành phải đợi. Chàng chẳng có chuyện gì để nói với Ôn Chính, hai người cứ yên lặng mà ngồi, không khí ngột ngạt.

Mãi đến trưa mà Ôn Thanh vẫn chưa về, nhưng Viên Thừa Chí không muốn đem số vàng lớn như vậy giao cho người khác. Ôn Chính bèn gọi gia nhân bày biện cơm trưa, có cả thịt ướp, thịt đùi, gà mập, cá tươi, thức ăn thật là phong phú.

Đến khi mặt trời ngả về phía Tây, Viên Thừa Chí không đợi nổi nữa. Chàng nghĩ bụng: “Dù sao đây cũng là nhà của Ôn Thanh, để vàng lại là được rồi.” Chàng bèn tháo cái bao vàng ra đặt lên bàn, nói: “Đây là vật của lệnh đệ, phiền huynh đài chuyển lại. Tại hạ xin cáo từ.”

Ngay lúc đó, đột nhiên từ ngoài cổng vọng vào tiếng cười đùa của một đám nữ nhân, hình như trong đó có lẫn giọng cười của Ôn Thanh. Ôn Chính nói: “Xá đệ đã về rồi.”

Gã đứng dậy chạy ra ngoài. Viên Thừa Chí muốn theo ra, nhưng Ôn Chính nói: “Xin Viên huynh chờ ở đây chốc lát.” Viên Thừa Chí đành phải dừng lại.

Ôn Thanh không vào nhà, chỉ có Ôn Chính quay lại nói: “Xá đệ phải thay đổi y phục, một lát sẽ ra ngay.”

Viên Thừa Chí nghĩ bụng: “Gã Ôn Thanh này thật là lắm chuyện. Chỉ gặp một người khách, phải thay đổi quần áo làm gì?”

Đợi hồi lâu, Ôn Thanh mới từ nhà trong bước ra. Y khoác trường bào màu tím, ngang lưng thắt một sợi dây tơ màu vàng lông ngỗng, đầu buộc khăn khảm minh châu. Y tươi cười nói: “Viên huynh đại giá quang lâm, thật là vinh dự.”

Viên Thừa Chí nói: “Ôn huynh để quên cái bao này, nên tại hạ đến đây giao trả.”

Ôn Thanh giận dữ hỏi: “Huynh xem thường ta có phải không?”

Viên Thừa Chí nói: “Tại hạ hoàn toàn không có ý này, chỉ vì hậu thưởng không dám nhận. Bây giờ tại hạ xin cáo từ.”

Chàng lập tức đứng dậy, chắp tay thi lễ với Ôn Chính và Ôn Thanh. Ôn Thanh bước tới, nắm chặt tay áo chàng mà nói: “Huynh không được đi!”

Viên Thừa Chí không khỏi ngạc nhiên, sắc mặt Ôn Chính cũng thay đổi. Ôn Thanh mỉm cười nói: “Tại hạ có một việc quan trọng cần hỏi Viên đại ca. Hôm nay huynh ở lại nhà tại hạ đi.”

Viên Thừa Chí nói: “Tại hạ còn nhiều việc cần làm ở Cù Châu này. Nếu lần sau có cơ duyên, nhất định sẽ đến đây quấy rầy.”

Ôn Thanh vẫn không chịu. Ôn Chính nói: “Viên đại ca đã có chuyện, chúng ta đừng làm lỡ việc người ta.”

Ôn Thanh nói: “Được! Nếu huynh có việc phải đi thì cứ xách cái bao này đi luôn. Nói gì thì nói huynh cũng không chịu ở lại, đúng là xem thường đệ quá.”

Viên Thừa Chí ngần ngừ một chút, thấy y chân thành muốn giữ mình lại, bèn nói: “Ôn huynh đã có hậu ý, tại hạ không dám chối từ nữa.”

Ôn Thanh mừng rỡ, liền kêu nhà bếp chuẩn bị thức ăn. Ôn Chính thì mặt sưng mày sỉa, nhưng không chịu bỏ đi mà cứ ngồi lì ra đó, chẳng nói câu nào. Ôn Thanh toan đàm luận với Viên Thừa Chí về chuyện sách vở, nhưng Viên Thừa Chí không hiểu gì về thi từ, hồi nhỏ chỉ đọc sơ qua các loại sách sử cùng binh pháp.

Ôn Thanh biết ý chàng, bèn chuyển sang bàn về những trận chiến ở Phì Thủy, dẫn ra không ít sử liệu về chuyện hành quân đánh trận. Viên Thừa Chí âm thầm thán phục, nghĩ bụng: “Người này tính tình cổ quái mà đọc không ít sách vở, chẳng bù với ta giả làm thư sinh mà thật ra vô học.”

Ôn Chính nghe chuyện chẳng hiểu chút nào, nhưng không chịu rời khỏi đó. Viên Thừa Chí áy náy khó chịu, định nói chuyện với hắn về võ công. Nhưng Ôn Chính chưa kịp mở miệng tiếp lời, Ôn Thanh đã xen vào, chuyển qua vấn đề khác.

Nhìn hai anh em này, Viên Thừa Chí thấy hơi kinh ngạc. Ôn Chính là huynh trưởng, nhưng đối với em trai lại vô cùng kính nể, không dám đắc tội chút nào. Đang nói chuyện mà bị Ôn Thanh cướp lời, hắn cứ mỉm cười ra vẻ lấy lòng. Lúc nào Ôn Thanh nói chuyện hòa nhã với hắn chút xíu, thì hắn lập tức nở mặt nở mày, vui vẻ khác thường.

Đêm đó bày tiệc rượu, thức ăn càng phong phú hơn. Dùng xong cơm tối, Viên Thừa Chí nói: “Hôm nay tại hạ mệt quá rồi, muốn nghỉ sớm một chút.”

Ôn Thanh nói: “Đệ ở vùng quê hẻo lánh, khó mà được Viên huynh đại giá quang lâm, đang định thắp đèn để nói chuyện thâu đêm, thêm phần lợi ích. Nhưng Viên huynh đã mệt thì thôi, ngày mai chúng ta nói chuyện tiếp.”

Ôn Chính bảo: “Tối nay Viên huynh đến phòng của ta mà ngủ.”

Ôn Thanh cãi ngay: “Phòng của huynh làm sao mà tiếp đãi quý khách? Viên huynh đến phòng đệ mà ngủ.”

Sắc mặt của Ôn Chính trầm hẳn xuống, hỏi lại: “Cái gì?”

Ôn Thanh nói: “Có gì không tốt đâu? Đệ qua ngủ chỗ mẫu thân.”

Ôn Chính lộ vẻ không vui, đứng dậy bỏ vào nhà trong, quên cả cáo từ. Ôn Thanh nói: “Hừ! Thật là vô lễ, không sợ người khác chê cười.”

Viên Thừa Chí thấy anh em nhà người ta cãi vã vì mình, không yên lòng, bèn nói: “Tại hạ đã quen ở vùng hoang sơn dã lãnh, Ôn huynh không cần bận tâm như thế.”

Ôn Thanh nói: “Thôi được! Đệ không bận tâm nữa là xong.”

Y cầm ngọn đèn lên, dẫn Viên Thừa Chí vào trong. Qua hai khoảnh sân, họ vào gian nhà thứ ba, theo cầu thang phía Đông mà lên lầu. Ôn Thanh vừa đẩy cửa phòng, trước mắt Viên Thừa Chí bỗng sáng rực lên.

Trong phòng thoang thoảng hương thơm, đang thắp một ngọn nến màu đỏ rất lớn, khiến cho không khí ấm áp. Giường buông rèm đỏ, chăn bằng lụa trắng có thêu một con phượng hoàng màu vàng. Đồ đạc bài trí thanh nhã, trên tường treo một bức Sĩ nữ đồ.

Trên bàn ngủ trước giường đặt một cái nghiên chạm hoa, vài món đồ chơi bằng bích ngọc, một cái ống có cắm sáu bảy cây viết lớn nhỏ đủ cỡ. Phía Tây cũng có một cái bàn nhỏ đặt chậu hoa lan, một con két trắng đậu trên cái giá.

Viên Thừa Chí từ chốn thâm sơn cùng cốc bước ra, chưa bao giờ nhìn thấy nơi nào sang trọng như thế, nên đứng ngẩn ra mà nhìn. Ôn Thanh mỉm cười nói: “Đây là phòng ngủ của đệ, cho Viên huynh mượn tạm một đêm.”

Y không đợi chàng trả lời, mở cửa ra ngoài.

Viên Thừa Chí nhìn quanh phòng thấy không có gì khác lạ, định cởi áo nằm ngủ. Đột nhiên có người gõ cửa nhẹ nhàng, chàng bèn hỏi: “Ai đấy?”

Người bước vào là một a hoàn mười lăm mười sáu tuổi, bưng một cái khay sơn màu đỏ chói. Ả lên tiếng: “Viên thiếu gia, xin mời dùng món ăn khuya.”

Ả đặt cái khay lên bàn, trong khay có một chén gì đó, trông như nhựa màu trắng. Tuy Viên Thừa Chí là con trai quan Đốc sư, nhưng từ nhỏ đã phải sống ở vùng thôn quê hẻo lánh, chưa từng nhìn thấy yến sào, nên không biết đó là thứ gì.

A hoàn mỉm cười nói: “Nô tì tên là Tiểu Cúc. Thiếu gia… thiếu gia… hí hí… đã dặn dò nô tì phụng sự Viên thiếu gia. Viên thiếu gia cần gì, xin cứ sai bảo nô tì.”

Viên Thừa Chí nói: “Không, không có gì.”

Tiểu Cúc từ từ lùi ra, đột nhiên quay đầu lại, vừa cười khúc khích vừa nói: “Bát yến sào này… hí hí… là thiếu gia của nô tì tự tay hầm cho Viên thiếu gia đó.”

Viên Thừa Chí thật sự kinh ngạc, không biết phải nói gì. Tiểu Cúc vừa cười vừa nhẹ nhàng bước ra ngoài, khép cửa lại.

Viên Thừa Chí chỉ hớp có ba miếng đã nuốt hết chén yến sào. Chàng cảm thấy món này ngọt ngào béo ngậy, vị thơm ngon không biết phải so sánh với cái gì. Rồi chàng cởi áo, lên giường. Khi giũ tấm chăn ra, mùi hương càng đậm đến say người. Một cảm giác vừa mềm mại vừa ấm áp.

Đến tuổi này Viên Thừa Chí vẫn chưa từng được ngủ với cảm giác như thế. Chàng mơ mơ hồ hồ, chỉ trong chốc lát đã thiếp đi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.