Trong lúc mọi người nói chuyện, thiếu niên mặt đen đi cùng Điền Kiến Tú bỗng nhảy vọt từ chỗ ngồi ra phía ngoài, đứng chặn ngay trước cửa. Mọi người đều bất ngờ, không biết xảy ra việc gì, tất cả đều đứng bật dậy. Thiếu niên mặt đen chỉ mặt hai hán tử trung niên trong đám đông, quát hỏi: “Hai ngươi là tay chân của Tào thái giám! Đến đây để làm gì?”
Mọi người nghe câu này đều kinh hãi một phen. Ai cũng biết hoàng đế Sùng Trinh đã tru diệt Ngụy Trung Hiền và bọn Khách Thị, nghịch đảng hoạn quan trong triều đã bị quét sạch; nhưng hoàng đế tính đa nghi, thừa hưởng dòng máu từ ông cha Thái Tổ, Thành Tổ. Vì thế Sùng Trinh chỉ tin dùng đám thái giám đến từ Tín Vương Phủ của y, trong đó được sủng ái nhất là Tào Hóa Thuần.
Tào Hóa Thuần thống lãnh cả cẩm y thị vệ lẫn thám tử ở Đông Xưởng của hoàng đế, gọi chung là Xưởng Vệ, chuyên việc dò xét chuyện riêng tư của các đại thần trong triều và tướng soái khắp nơi. Văn võ đại thần rất thường bị hoàng đế hạ chỉ giết hại một cách không minh bạch, hoặc bắt nhốt vào thiên lao không cần tuyên bố tội danh. Sử sách về sau chỉ chép mơ hồ là họ bị bắt giết theo lời bẩm báo của bọn thân tín của Tào thái giám.
Ba chữ Tào thái giám vừa nhắc đến là quần hùng nơi đây đều thay đổi sắc mặt.
Hai người đó, một người cằm đầy râu vàng, trên dưới bốn mươi tuổi; còn người kia mặt trắng không râu, thân hình hơi lùn mập. Người lùn mập cũng biến sắc, nhưng trấn tĩnh lại được ngay, mỉm cười hỏi lại: “Ngươi nói ta đó phải không? Giỡn kiểu gì vậy?”.
Thiếu niên mặt đen nói: “Giỡn cái gì? Hai ngươi lén lút bàn bạc trong khách điếm, tìm cách lẩn vào Sơn Tông, lại nói đã bẩm báo Tào thái giám rồi, phải phái binh đến đây để bủa lưới giết cho tận tuyệt. Những chuyện đó ta đều nghe hết.”
Người râu vàng rút soạt đao, ra vẻ muốn xông lên liều mạng. Người mập mạp mặt trắng thì cười ha hả, lại nói: “Vương Tự Dũng muốn thu gom bằng hữu Sơn Tông để lập thành doanh thứ ba mươi bảy của mình. Tâm địa hiểm ác như thế, ai mà không hiểu? Còn ngươi đến đây là muốn tung tin đồn, khiêu khích ly gián. Hừ, làm sao thành công được?”.
Hắn nói chuyện nhỏ nhẹ ẻo lả, rõ ràng là giọng điệu thái giám. Nhưng mấy câu nói này cũng có hiệu lực, rất nhiều người trong đại điện đưa mắt nhìn nhau, ra vẻ nghi ngờ sứ giả của Vương Tự Dũng.
Điền Kiến Tú xuất thân làm ruộng, nhưng chiến trận lâu ngày nên đã luyện được tinh thần gang thép. Y nhìn thấy thần sắc mọi người, biết họ đã bị mấy câu này làm động tâm, liền quát hỏi: “Các hạ là ai? Có phải là bằng hữu Sơn Tông hay không?”.
Câu này đã chọc trúng vào yếu điểm. Người kia không nói được tiếng nào, chỉ biết cười nhạt.
Tôn Trọng Thọ hét lên: “Ngươi có phải là bộ hạ của Viên đốc sư không? Sao ta chưa gặp ngươi? Ngươi thuộc quyền vị tổng binh nào?”
Tên mặt trắng biết sự tình bại lộ, liền nháy mắt với tên râu vàng. Cả hai lập tức tung người nhảy ra phía cửa. Tên râu vàng vung đao chém tới thiếu niên mặt đen. Còn tên mặt trắng có vẻ bán nam bán nữ, nhưng thân thủ lại cực kỳ nhanh nhẹn. Cổ tay hắn chỉ lật một cái đã rút được đôi phán quan bút ra, điểm ngay vào trước ngực thiếu niên mặt đen.
Thiếu niên mặt đen đến đây bái tế để tỏ lòng tôn kính, không muốn bị nghi ngờ nên khi lên núi không mang theo vũ khí. Mọi người thấy chàng tay không mà bị hai địch thủ giáp công, lập tức bảy tám người xông lên cứu viện. Không ngờ võ công của thiếu niên đó không phải tầm thường. Tay trái chàng vẫy ra như gió, thi triển cầm nã thủ, túm vào cổ tay của tên râu vàng. Đồng thời ngón trỏ và ngón giữa tay phải chia ra đâm tới cặp mắt của tên mặt trắng. Hai chiêu này phát sau nhưng đến trước, lập tức ép địch phải lùi hai bước.
Quần hùng Viên đảng thấy chàng chỉ trong một chiêu vừa phòng thủ nghiêm mật vừa phản kích đối phương, đều âm thầm khen ngợi, dừng bước đứng nhìn.
Hai tên kia thấy không chạy ra cửa được, biết mình đã vào hang cọp, tình thế cực kỳ nguy hiểm. Chúng vừa lùi hai bước vào trong, lại tiếp tục xông ra. Thiếu niên mặt đen múa tít song chưởng, một mình quẫy lộn giữa đơn đao và song bút, nhưng vẫn công nhiều thủ ít. Hai tên kia mấy lần xông đến ngưỡng cửa, đều bị chàng ép trở vào.
Ba người tỷ đấu kịch liệt trong đại điện, càng lúc càng hăng. Đột nhiên tên râu vàng kinh hãi la lên một tiếng, đơn đao rời khỏi tay bay vào giữa đám đông. Chu An Quốc nhảy lên đưa tay bắt lấy. Ngay lúc đó, thiếu niên mặt đen bước tới một bước, phóng chân trái ra đá ngã ngay tên râu vàng. Chân trái của chàng chưa thu về, chân phải lại thừa thế đá lên.
Tên mặt trắng lại càng kinh hãi, chỉ muốn ép đối phương ra khỏi cửa để cướp đường chạy xuống núi. Hắn vận hết sức bình sinh, song bút một trước một sau điểm vào ngực địch thủ. Thiếu niên mặt đen đưa tay phải ra chụp được cán cây tả bút, vận sức vặn ngược lại giằng được. Bây giờ hữu bút của đối phương đã điểm tới, chàng thuận tay đưa cây bút của mình ra cản trở. Hai cây bút giao nhau nghe “keng” một tiếng, lửa bắn tứ tung. Cổ tay tên mặt trắng bị chấn động trật khớp, hữu bút vuột nốt khỏi tay.
Thiếu niên mặt đen cười dài một tiếng, đưa tay phải túm lấy ngực áo của hắn xách bổng người lên, còn tay trái nắm lấy thắt lưng của hắn. Hai tay chàng dang ra, cái quần tên mặt trắng bị tụt xuống, roạt một tiếng, hạ thể lõa lồ. Mọi người còn ngạc nhiên, thiếu niên mặt đen đã mỉm cười nói: “Đây có phải là thái giám hay không, mọi người cứ nhìn là biết.”
Hàng trăm cặp mắt đều tập trung vào một chỗ, quả nhiên thấy tên mặt trắng đã bị thiến trụi lủi rồi. Trong tiếng cười nói ồn ào, mọi người đều quây cả lại. Thấy thiếu niên mặt đen thân thủ cực nhanh, võ công cao cường, ai cũng đem lòng khâm phục.
Lúc này nhiều người đã ùa lên, đè tên mặt trắng và tên râu vàng xuống. Tôn Trọng Thọ quát hỏi: “Tào thái giám phái ngươi đến đây làm gì? Còn bao nhiêu đồng đảng? Làm sao bọn ngươi đột nhập vào đây được?”
Hai tên đó im lặng không nói lời nào. Tôn Trọng Thọ đưa mắt một cái, người họ La bèn xách đơn đao tới, chỉ xoẹt xoẹt hai cái đã cắt thủ cấp của chúng, đặt lên bàn thờ ở trước thần tượng.
Tôn Trọng Thọ chắp tay lại nói với Điền Kiến Tú: “Nếu không nhờ ba vị phát hiện gian tặc, bọn tại hạ đại họa đến trước mắt còn chưa biết.”
Điền Kiến Tú nói: “Cũng là may mắn mà thôi. Bọn tại hạ dọc đường gặp hai tên này, thấy thần sắc của chúng kỳ lạ, thân thủ lại nhanh nhẹn, nên đêm đó theo vào khách điếm để dò xét. May mà điều tra được tung tích của chúng.”
Tôn Trọng Thọ hỏi hai người đi theo Điền Kiến Tú: “Xin thỉnh giáo tôn tính đại danh hai vị.”
Hai người kia xưng tên, người da dẻ trắng trẻo là Lưu Phương Lượng, còn thiếu niên mặt đen là Thôi Thu Sơn. Chu An Quốc bước tới nắm tay Thôi Thu Sơn, tán dương mãi không dứt.
Điền Kiến Tú, Tôn Trọng Thọ, mấy nhân vật đầu não vào trong hậu đường để đàm đạo. Điền Kiến Tú nói: “Vương tướng quân mong mọi người kết nghĩa, nắm tay nhau làm đại sự phản lại triều đình.”
Ba người này là thuộc hạ dưới trướng Sấm tướng Lý Tự Thành. Sấm tướng là cháu gọi Sấm vương Cao Nghênh Tường bằng cậu. Trong tam thập lục doanh, doanh của y là doanh có thanh thế hùng mạnh nhất.
Người bên Viên đảng đều ra vẻ trù trừ. Tuy mọi người đều rất hận hoàng đế Sùng Trinh, đã quyết âm thầm hành thích, những chuyện giết quan trừ tặc cũng đã làm không ít, nhưng ai cũng vốn là mệnh quan của nhà Đại Minh, nên thật sự không muốn tạo phản. Họ chỉ mong giết được Sùng Trinh, rồi lập một vị tôn thất lên làm vua nhà Minh.
Huống hồ, dù sao Vương Tự Dũng cũng là lưu khấu, danh tiếng tuy lớn nhưng vẫn làm những chuyện cường đạo, cướp bóc khắp nơi, nên trong lòng mọi người vẫn coi thường. Tam thập lục doanh lại ở xa xôi, khó mà chi viện. Mọi người trong Viên đảng sau khi rời quân ngũ, vì sinh kế mà không khỏi cướp bóc mấy vụ, nhưng trước giờ họ quyết không tự coi mình là quân cường đạo. Thân phận hai bên có chỗ khác nhau, nên bàn luận mãi mà không quyết định được gì.
Cuối cùng, Tôn Trọng Thọ nói: “Việc của chúng ta đã bị Tào thái giám biết rồi. Nếu không kết hợp với Vương tướng quân để mưu đồ đại sự, không những việc hành thích Sùng Trinh trả thù cho Viên đốc sư khó mà thành được, còn sợ Tào thái giám sẽ phái người lùng xét, chặn giết khắp nơi. Chúng ta thế đơn lực bạc, không tránh khỏi bị hạ độc thủ. Điền huynh, hay là chúng ta quyết định thế này. Sơn Tông chúng ta sẽ giúp Vương tướng quân đánh lại quan binh, nhưng sau khi đại sự thành công, Vương tướng quân phải nỗ lực đi đánh bọn Thát tử Mãn Thanh. Nói trước một câu, nếu sau này Vương tướng quân xưng làm hoàng đế thì bằng hữu Sơn Tông chúng ta không để yên đâu. Nhất định hoàng đế phải là con cháu họ Chu của Thái Tổ.”
Điền Kiến Tú nói: “Vương tướng quân và Cao Sấm vương, Lý Sấm tướng quân đều bị bọn quan phủ ép không chịu nổi, muốn sống nên mới tạo phản, chứ bản ý không muốn làm hoàng đế. Chuyện này tại hạ dám vỗ ngực đảm bảo. Bọn tại hạ bị kêu là lưu khấu, thật ra đều là nông phu quen nghề trồng trọt, chỉ mong miệng có miếng ăn, đầu yên trên cổ là mãn nguyện. Bọn tại hạ bôn ba khắp đông tây cũng là bắt buộc, chứ bản lãnh thật sự không đủ làm hoàng đế, đại quan gì hết. Còn về chuyện đánh bọn Thát tử Mãn Châu, thì tâm ý của Lý tướng quân hoàn toàn giống như quý vị ở đây. Bình thời nhắc đến chuyện này, Lý tướng quân vẫn thường nghiến răng căm hận bọn Thát tử đến tận xương tận tủy. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Sấm tướng Lý đại ca. Lý đại ca thật sự anh hùng hào kiệt, nhân nghĩa vô song”.
Minh chủ của Tam Thập Lục Doanh là Vương Tự Dũng, nhưng nghe nói chuyện thì rõ ràng họ tuân phục Lý Tự Thành hơn.
Tôn Trọng Thọ đáp: “Nếu vậy thì không còn gì hay hơn nữa.” Mọi người trong Viên đảng không dị nghị gì, thế là việc kết nghĩa đã thành.
*
* *
Trong điện thì thương nghị đại kế kết liên, còn ngoài điện thì Chu An Quốc và Nghê Hào dắt tay Thôi Thu Sơn vào một góc yên tĩnh nói chuyện.
Chu An Quốc nói: “Thôi đại ca! Chúng ta tuy mới gặp nhau, nhưng có thể nói là tình như cố cựu. Huynh đừng xem bọn ta như người ngoài.”
Thôi Thu Sơn nói: “Trước kia hai vị đại ca đánh bọn Thát tử bảo vệ giang sơn, tại hạ khâm phục từ lâu. Hôm nay được gặp gỡ nhiều bằng hữu Sơn Tông, thật sự là chuyện vui mừng.”
Nghê Hào hỏi: “Mạo muội xin hỏi, sư thừa của Thôi đại ca là vị tiền bối anh hùng nào?”
Thôi Thu Sơn đáp: “Ân sư thụ nghiệp của tại hạ là Nhất thanh lôi Bạch Giả lão gia ở phủ Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Lão nhân gia đã tạ thế nhiều năm rồi”.
Chu An Quốc và Nghê Hào nhìn nhau một cái, đều cảm thấy hoài nghi. Nghê Hào nói: “Đại danh của Nhất thanh lôi Bạch lão tiền bối thì bọn tại hạ đã ngưỡng mộ từ lâu, nhưng có một câu xin Thôi đại ca đừng trách. Võ công Bạch lão tiền bối tuy cao, nhưng hình như không bằng được Thôi đại ca”.
Thôi Thu Sơn im lặng không đáp. Chu An Quốc nói: “Màu xanh phát xuất từ màu lam, Trường Giang sóng sau đè sóng trước, trò giỏi hơn thầy cũng là việc thường gặp. Nhưng vừa rồi nhìn thân thủ Thôi đại ca đánh ngã hai tên gian tế đó, hình như là một loại võ công khác hẳn”.
Thôi Thu Sơn ngần ngừ một lát rồi nói: “Hai vị là hảo bằng hữu, tại hạ không dám giấu giếm. Sau khi sư phụ tạ thế, tại hạ có cơ duyên gặp gỡ một vị thế ngoại cao nhân. Lão nhân gia chỉ điểm cho một chút võ công, nhưng lại bắt tại hạ thề không được nói tới danh hiệu của ông. Vì vậy, việc này phải xin hai vị đại ca tha thứ”.
Hai người Nghê, Chu thấy chàng nói rất thành khẩn, vội lên tiếng: “Thôi đại ca đừng nói thế. Bọn tại hạ có việc cần nhờ vả, nên mới cả gan hỏi vậy”.
Thôi Thu Sơn nói: “Hai vị có việc gì cứ nói thẳng đi. Chúng ta là người một nhà, hà tất phải khách sáo như vậy.”
Chu An Quốc nói:
“Xin Thôi đại ca chờ một chút. Bọn tại hạ phải đi tìm hai người bạn để thương lượng mấy câu đã”.
Chu, Nghê bèn kéo Ưng, La qua một bên. Chu An Quốc nói: “Vị Thôi huynh đệ này võ nghệ cao cường, chỗ chúng ta không có ai sánh kịp. Nghe y nói chuyện, biết tính cách cũng rất hào phóng”.
Nghê Hào nói: “Chỉ khi nói đến sư thừa thì có phần giấu giếm mà thôi”. Họ bèn kể lại câu chuyện với Thôi Thu Sơn vừa rồi.
Người họ Ưng là Ưng Tùng, mưu sĩ dưới trướng Viên Sùng Hoán, năm xưa đã góp sức không ít giữ thành Ninh Viễn. Còn người họ La là La Đại Thiên, một pháo thủ trứ danh. Trận chiến ở Ninh Viễn, y đã dùng hỏa pháo giết chết vô số Thanh binh, luận công được thăng đến Tham tướng.
Ưng Tùng nói: “Chúng ta đừng ngại, cứ thẳng thắn mà nhờ vả, xem thử y nói thế nào”.
Chu An Quốc nói: “Việc này phải hỏi Tôn tướng quân trước”.
Ưng Tùng đáp: “Không sai”.
Họ ra sau hậu điện, thấy Tôn Trọng Thọ và Điền Kiến Tú đang nói chuyện rất thân thiết, bèn mời Tôn Trọng Thọ ra thương lượng. Chu An Quốc và bằng hữu chuyên về hành quân đánh trận, sử dụng thương dài cung cứng, đụng trận là quyết tử lập công, dũng cảm khó ai sánh kịp. Nhưng về võ công quyền cước hay binh khí, thì họ tự biết mình không sao bì được Thôi Thu Sơn.
Tôn Trọng Thọ nói: “Ưng sư gia! Chuyện này liên quan đến cả đời ấu chúa. Huynh hãy thăm dò khẩu khí của họ Thôi trước đã”.
Ưng Tùng gật đầu đồng ý, cùng ba người Chu An Quốc, Nghê Hào, La Đại Thiên đi gặp Thôi Thu Sơn.
Ưng Tùng nói: “Chúng ta có một việc, chỉ có Thôi đại ca mới giúp được mà thôi. Cho nên…”
Thôi Thu Sơn thấy họ cứ ấp a ấp úng, ra vẻ khó nói nên lời, bèn đáp ngay: “Tại hạ là người thô lỗ. Các vị có gì sai bảo, chỉ cần tại hạ làm được thì không điều gì không tuân lệnh”.
Ưng Tùng nói: “Thôi huynh thật là sảng khoái! Thế thì tại hạ xin nói thẳng. Khi bị hại, Viên đốc sư có để lại một vị công tử, lúc đó mới bảy tuổi. Bọn tại hạ phải tử chiến ba trận với bọn cẩm y vệ do hôn quân phái tới bắt bớ gia đình Đốc sư, hy sinh bảy huynh đệ mới bảo vệ được chút xíu cốt nhục cho cựu chủ”.
Thôi Thu Sơn “À” một tiếng. Ưng Tùng tiếp: “Ấu chúa tên là Viên Thừa Chí, do bốn người bọn tại hạ phụ trách dạy chữ và luyện võ. Ấu chúa rất thông minh, hễ dạy là hiểu ngay, nên nếu tiếp tục theo bọn tại hạ luyện tập thì nhất định tiến bộ không nhiều. Bọn tại hạ là kẻ dũng phu, chỉ biết hành quân đánh trận chứ võ công phòng thân chẳng được bao nhiêu”.
Thôi Thu Sơn đã hiểu ý, bèn hỏi: “Chắc quý vị muốn cho ấu chúa theo tại hạ học võ?”
Chu An Quốc nói: “Vừa rồi thấy Thôi đại ca ra tay giết giặc, võ công gấp mười bọn tại hạ. Nếu Thôi đại ca chịu nhận đồ đệ, dạy dỗ ấu chúa thành tài, thì anh linh của Viên đốc sư trên trời nhất định cảm kích vô cùng”.
Nói xong bốn người đều chắp tay vái lạy. Thôi Thu Sơn trả lễ, suy nghĩ một hồi mới nói: “Quý vị nể mặt như thế, tại hạ thật không dám chối từ. Nhưng bây giờ tại hạ đang ở trong quân ngũ của Sấm tướng Lý đại ca, đi lại không nơi nhất định, thường xuyên đánh trận với quan quân, chưa biết sống đến ngày nào. Nếu dẫn theo Viên công tử vào quân ngũ, tại hạ chỉ sợ không có thời gian dạy dỗ, vả lại cũng quá nguy hiểm”.
Ưng Tùng và mọi người đều biết đây là chuyện thật, không khỏi hơi thất vọng. Họ gọi Viên Thừa Chí đến gặp mặt Thôi Thu Sơn. Thôi Thu Sơn thấy Viên Thừa Chí hoạt bát linh động, da mặt ngăm đen, chẳng có chút gì ra vẻ công tử phú quý sống trong nhung lụa, bèn đem lòng yêu mến. Chàng hỏi về võ nghệ Viên Thừa Chí đã học.
Viên Thừa Chí trả lời, rồi hỏi lại: “Thôi thúc thúc! Vừa rồi thúc thúc sử dụng công phu gì để bắt hai tên khốn kia?”.
Thôi Thu Sơn đáp: “Đó là Phục Hổ Chưởng.”
Viên Thừa Chí nói: “Thúc thúc đánh nhanh quá, con nhìn không kịp”.
Thôi Thu Sơn mỉm cười hỏi: “Ngươi muốn học không?”.
Viên Thừa Chí đáp ngay: “Thôi thúc thúc! Xin thúc thúc dạy cho con”.
Thôi Thu Sơn cười bảo Ưng Tùng: “Để tại hạ xin phép Điền tướng quân ở lại đây mấy ngày, truyền pho chưởng pháp này cho ấu chúa”.
Viên Thừa Chí và ba người Ưng, Chu, Nghê đều cả mừng, cảm ơn liền miệng.
*
* *
Sáng sớm hôm sau, Trương Triều Đường, Dương Bằng Cử xin cáo biệt. Tôn Trọng Thọ nói: “Chúng ta gặp nhau phen này, coi như là có duyên. Việc ở đây chỉ cần tiết lộ nửa câu, hậu quả thế nào không cần tại hạ phải nói nhiều”.
Hai người Trương, Dương đều vâng dạ. Tôn Trọng Thọ tặng cho mỗi người năm chục lạng bạc để làm lộ phí đi đường, rồi phái hai huynh đệ tiễn họ xuống núi. Trương Triều Đường và Dương Bằng Cử đi đến Quảng Châu, dọc đường không gặp sự cố gì nữa.
Phen này Dương Bằng Cử thảm bại, sinh ra nản lòng thoái chí, biết trên giang hồ còn rất nhiều kẻ hơn hẳn mình. Đúng là ngoài trời lại có trời, trên người có người, dựa vào chút xíu võ công kém cỏi của mình mà sống được đến nay đã là may mắn lắm rồi. Nếu không nhờ chú bé Viên Thừa Chí nói giúp một câu thì Dương Bằng Cử đã trở thành phế nhân mù mắt.
Y nghĩ lại vẫn còn kinh hãi, lập tức từ bỏ công việc ở tiêu cục, định về nhà làm ruộng. Trương Triều Đường nghĩ y có ơn cứu mạng, thấy tâm sự của y ưu uất không vui, bèn mời y cùng đến nước Bột Nê du ngoạn giải sầu. Dương Bằng Cử thấy mình chẳng có việc gì để làm, mà cũng không có vợ con níu kéo, nên lập tức đồng ý.
Ba người tới Quảng Châu thuê được một chiếc thuyền, vượt biển về nước Bột Nê. Dương Bằng Cử ở đó hơn một tháng, thấy xứ này thái bình an lạc, giống như một cõi đào nguyên bên ngoài thế tục, không muốn trở về nữa. Y lưu lại đốc phủ của Trương Tín, cha của Trương Triều Đường, lãnh một công việc nhỏ, mỗi ngày trực khoảng hai giờ cũng đủ tiền uống rượu đánh bạc, khoái hoạt vô cùng.
*
* *
Điền Kiến Tú và Tôn Trọng Thọ bàn xong việc liên minh kết nghĩa, mọi người bèn tới trước thần tượng Viên Sùng Hoán lập lời thề: “Huynh đệ Sơn Tông và huynh đệ bên Sấm tướng kết thành bằng hữu, thà chết quyết chẳng phụ nhau.”
Điền Kiến Tú đang có ý giao kết với Viên đảng, nghe nói Thôi Thu Sơn dạy võ cho Viên Thừa Chí bèn rất vui mừng. Y cùng Lưu Phương Lượng xuống núi về trước.
Các lộ hảo hán Viên đảng thì có người đi tìm nơi dụng võ; có người về quê chuẩn bị cử sự; cũng có người nói rõ là không muốn tạo phản làm loạn, nhưng nhất định không tiết lộ bí mật, nhất định không chống đối anh em. Mỗi người có chí hướng riêng, không ai cưỡng ép ai.
Tôn Trọng Thọ, Chu An Quốc, Nghê Hào, Ưng Tùng ở lại trên núi để thương lượng tỉ mỉ về tương lai Viên Thừa Chí.
Từ lúc được Thôi Thu Sơn hứa dạy Phục Hổ Chưởng, Viên Thừa Chí vui mừng đến nỗi suốt đêm không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, mọi người bận rộn về việc liên minh kết nghĩa, không rảnh để nhắc lại việc này. Buổi chiều mọi người cáo biệt xuống núi, ai cũng tới tạ từ ấu chúa, lại bận rộn thêm nửa ngày.
Đến đêm, Tôn Trọng Thọ và Ưng Tùng mới sai người thắp nến, đặt ghế mời Thôi Thu Sơn ngồi trên cao, bảo Viên Thừa Chí làm lễ bái sư.
Thôi Thu Sơn nói: “Tại hạ vừa gặp Viên tiểu huynh đệ đã cảm thấy thương mến. Viên tiểu huynh đệ thích bộ Phục Hổ Chưởng này, thì tại hạ sẽ bỏ ra mấy ngày để truyền đại khái. Còn trong mấy ngày học được tới đâu, và học xong có dùng được hay không, thì còn tùy theo tâm ý và công phu rèn luyện sau này của Viên tiểu huynh đệ. Đây chỉ là bằng hữu chỉ bảo lẫn nhau, còn danh phận sư đồ thì thế nào đi nữa cũng không thể nhắc đến”.
Ưng Tùng nói: “Dù chỉ dạy một chiêu nửa thức, cũng có thể suốt đời gọi là sư phụ rồi. Thôi đại ca hà tất phải khiêm cung đến thế”.
Thôi Thu Sơn nhất quyết không chịu, nên mọi người đành bỏ qua chuyện bái sư. Quy luật võ lâm là trong lúc truyền võ nghệ, người khác không tiện đứng xem, nên mọi người nói mấy câu khách sáo rồi cáo từ ra ngoài.
Đợi mọi người đi hết, Thôi Thu Sơn mới nghiêm giọng nói: “Thừa Chí! Pho Phục Hổ Chưởng này, ta được một vị cao nhân tiền bối truyền thụ. Chính ta cũng chưa lãnh hội được hết chỗ ảo diệu bên trong, công phu còn kém cỏi, nhưng dùng để đối phó với kẻ địch bình thường trên giang hồ thì thừa sức. Khi vị tiền bối đó truyền thụ chưởng pháp, đã từng bắt ta lập thệ: Sau khi học được, nhất định không được dùng để hà hiếp kẻ lương thiện, đả thương người vô cớ”.
Viên Thừa Chí nghe xong hiểu ý, lập tức quỳ xuống nói: “Đệ tử Viên Thừa Chí sau khi học được Phục Hổ Chưởng quyết không dám hà hiếp kẻ lương thiện, đả thương người vô cớ. Nếu không… nếu không…”
Cậu chưa biết quy luật thề thốt như thế nào, ấp úng rồi nói tiếp: “Nếu không sẽ bị Thôi thúc thúc đánh chết”.
Thôi Thu Sơn bật cười rồi nói: “Hay lắm!”
Đột nhiên thân hình chàng lắc lư một cái, không thấy bóng dáng đâu nữa. Viên Thừa Chí vội vã quay lại, thì ra Thôi Thu Sơn đã đứng sau lưng cậu, vừa vỗ vai cậu vừa mỉm cười bảo: “Ngươi bắt ta đi!”.
Viên Thừa Chí đã được Chu An Quốc, Nghê Hào và La Đại Thiên ba vị sư phụ chỉ điểm, có chút cơ bản võ công. Cậu lập tức cúi người xuống, tay trái đưa hờ lên, tay phải quờ ra. Đầu không quay lại, chỉ nghe tiếng gió mà đoán phương hướng, cậu toan nắm lấy chân Thôi Thu Sơn.
Thôi Thu Sơn khoái chí khen: “Chiêu này không tệ!” Lời vừa dứt, chàng lại đưa bàn tay khẽ vỗ lên vai Viên Thừa Chí, bóng người lại không thấy nữa.
Thừa Chí tập trung hết tinh thần cùng khí lực, bàn tay nhỏ xíu triển khai ra bảo vệ những chỗ quan trọng trên người. Thấy thân pháp của Thôi Thu Sơn cực nhanh, cậu biết mình không thể bắt được, bèn không chơi cút bắt với Thôi Thu Sơn nữa mà lùi từng bước về phía vách tường. Đột nhiên cậu quay người lại, tựa vào vách tường, mỉm cười nói: “Thôi thúc thúc! Con nhìn thấy thúc thúc rồi.”
Thôi Thu Sơn không thể xoay ra sau lưng cậu bé được nữa, bèn mỉm cười nói: “Được, được! Ngươi thông minh lắm, nhất định sẽ luyện thành Phục Hổ Chưởng.” Chàng bắt đầu dạy Viên Thừa Chí từng chiêu, từng thức một từ đầu đến cuối.
Pho chưởng pháp này tổng cộng có một trăm lẻ tám thức, mỗi thức lại có nhiều biến hóa, chiêu chẵn chiêu lẻ tương sinh tương khắc. Viên Thừa Chí dụng tâm ghi nhớ, chỉ học mấy lần đã đại khái nhớ được hết, không lẫn lộn nữa.
Thôi Thu Sơn vừa nói vừa ra điệu bộ làm mẫu, truyền dạy tỉ mỉ công dụng của mỗi chiêu thức, mỗi chỗ biến hóa. Viên Thừa Chí vốn có căn bản võ công, ngộ tính lại cao, nên Thôi Thu Sơn vừa nói là lãnh hội được ngay. Một người hăng say mà dạy, một người dụng tâm mà học, mãi đến khuya mới đi nghỉ.
Mờ sáng hôm sau Thôi Thu Sơn lên núi tản bộ, thấy Viên Thừa Chí đang luyện quyền, ôn lại một trăm lẻ tám chiêu biến hóa của Phục Hổ Chưởng. Quả nhiên cậu đã hiểu được nhiều chỗ tinh diệu trong tám đại yếu quyết “câu, phiệt, nại, đức, tư, nãi, băng, thố” trong chưởng pháp. Thôi Thu Sơn cao hứng, đợi đến khi Viên Thừa Chí luyện đến chỗ nhập thần, đột nhiên nhảy tới phóng cước đá vào sau lưng cậu bé.
Viên Thừa Chí đột nhiên nghe sau lưng có tiếng gió, liền nghiêng người tránh né, quờ tay phải ra sau toan bắt lấy chân địch thủ. Vừa thấy người sau lưng chính là Thôi Thu Sơn, cậu đã vội thu tay về, kinh hãi kêu lên: “Thôi thúc thúc!”
Thôi Thu Sơn mỉm cười bảo: “Đừng dừng tay, cứ đánh đi.” Chàng lại đánh một chưởng đến trước mặt.
Viên Thừa Chí biết Thôi Thu Sơn đang rèn luyện cho mình, bèn bước qua tránh né, rồi vung nắm đấm nhỏ xíu đánh vào eo lưng Thôi Thu Sơn. Đó đúng là Thâm Nhập Hổ Huyệt, chiêu thứ tám mươi chín trong Phục Hổ Chưởng. Thôi Thu Sơn cất tiếng khen ngợi: “Hay lắm! Đúng rồi.”
Miệng chàng chỉ điểm, tay xuất chiêu không dứt, mỗi khi thấy chiêu thức của Viên Thừa Chí có chỗ sai lầm liền sửa lại cho. Hai người tay đấm chân đá, ôn đi ôn lại một trăm lẻ tám thức trong Phục Hổ chưởng pháp. Viên Thừa Chí thấy bộ chưởng pháp này biến hóa vô cùng, Thôi Thu Sơn vận dụng mỗi lúc thêm kỳ ảo, lại càng mừng rỡ mà cố dụng tâm ghi nhớ.
Tỉ đấu khá lâu, Thôi Thu Sơn thấy đầu Viên Thừa Chí ướt đẫm mồ hôi, biết cậu bé đã mệt liền kêu lên: “Dừng tay!”.
Hai người ngồi xuống nghỉ ngơi, thầy vẫn không dừng giảng giải thêm cho trò hiểu. Nói được một giờ, Thôi Thu Sơn lại bảo Viên Thừa Chí đứng dậy tiếp tục tỉ đấu.
Hai người cứ thế mà luyện tập chưởng pháp không dừng, từ sáng sớm đến tối mịt, thấm thoát đã bảy ngày. Tối ngày thứ tám, Thôi Thu Sơn bảo: “Tất cả những điều ta biết, đã truyền dạy cho ngươi cả rồi. Ngươi nên ghi nhớ cho thật kỹ, sau này thành tựu tới đâu là hoàn toàn dựa vào công phu luyện tập của bản thân. Khi gặp địch, cục diện sẽ thay đổi biến hóa vô cùng, công phu chỉ dựa được bảy phần, còn ba phần phải trông vào cơ trí linh mẫn. Nếu mù quáng mà đánh thì chẳng thắng được ai”.
Viên Thừa Chí gật đầu vâng dạ. Thôi Thu Sơn lại nói: “Ngày mai ta phải về chỗ Lý tướng quân, mong ngươi tiếp tục dụng công luyện tập. Vị cao nhân truyền bộ chưởng pháp này cho ta đã dạy: Võ học cao hay thấp là ở đầu óc chứ không phải ở tay chân, suy nghĩ nhiều còn quan trọng hơn luyện tập nhiều. Tiếc là đầu óc của ta không được linh mẫn lắm, khó đặt đến chỗ tinh diệu. Hy vọng sau này ngươi sẽ giỏi pho chưởng pháp này hơn ta”.
Viên Thừa Chí chỉ ở cùng Thôi Thu Sơn tám chín ngày, nhưng họ Thôi đã đem Phục Hổ Chưởng ra dốc túi truyền thụ xong xuôi, đủ biết cậu bé được yêu thương sâu sắc. Nghe nói ngày mai đã phải chia tay, bất giác khóe mắt cậu bé rưng rưng. Thôi Thu Sơn thấy cậu luyến tiếc mình không nỡ rời xa, cũng không nén nổi xúc động, khẽ xoa đầu Viên Thừa Chí mà nói: “Tư chất ngươi thông minh như thế, trong võ lâm thật là hiếm thấy. Đáng tiếc chúng ta không có cơ duyên cùng ở lâu dài”.
Viên Thừa Chí nói: “Thôi thúc thúc! Con theo thúc thúc đến chỗ Lý tướng quân”.
Thôi Thu Sơn mỉm cười bảo: “Ngươi còn nhỏ thế này, làm sao mà đến đó được. Chúng ta đi theo Lý tướng quân, giờ phút nào cũng phải thí mạng, ăn bữa đói bữa no, chỉ biết chuyện hôm nay chứ ngày mai không biết sẽ ra sao”.
Đang nói chuyện, bỗng nghe tiếng dã thú kêu ở bên ngoài. Thừa Chí kinh ngạc hỏi: “Con gì mà lạ thế? Không phải cọp cũng không phải sói”.
Thôi Thu Sơn đáp: “Đó là con báo.”
Chàng bỗng nảy ra một ý, lại nói: “Chúng ta đi bắt con báo này. Thúc thúc cần dùng đến nó”.
Thừa Chí nghe vậy cao hứng, liền hỏi: “Thúc thúc bắt con báo để làm gì?”.
Thôi Thu Sơn không đáp. Thừa Chí đi theo, nhưng thấy chàng không mang theo binh khí, lại hỏi: “Thôi thúc thúc! Thúc thúc dùng binh khí gì để đánh con báo đó?”
Thôi Thu Sơn tới gõ cửa phòng Tôn Trọng Thọ, lên tiếng hỏi: “Chu đại ca, Nghê đại ca ở đây phải không?”
Chu An Quốc cùng mọi người đang nói chuyện, nghe gọi liền mở cửa ra. Thôi Thu Sơn nói: “Nhờ quý vị giúp một tay, dồn con báo ngoài kia vào trong nhà. Tại hạ cần dùng đến nó”.
Nghê Hào là tay giỏi nghề săn bắn, lập tức xách cây Liệt hổ xoa nhảy ra cửa sổ. Thôi Thu Sơn gọi theo: “Nghê đại ca, đừng giết con súc sinh đó!”.
Nghê Hào đáp vọng lại: “Được rồi!”.
Chỉ chốc lát là tiếng gầm gừ đã vang lên. Thôi Thu Sơn, Chu An Quốc, La Đại Thiên cũng tung người ra khỏi cửa. Viên Thừa Chí xách một cây đoản thương muốn chạy theo, nhưng Tôn Trọng Thọ đã lên tiếng: “Thừa Chí! Chúng ta đừng ra ngoài đó, cứ ở đây xem”.
Viên Thừa Chí đành ở lại với Tôn Trọng Thọ, đứng tựa vào cửa sổ mà nhìn.
Ngoài kia ba người cầm đuốc chia ra đứng ở ba hướng Đông, Nam, Bắc. Nghê Hào cầm cây Liệt hổ xoa đang lăn xả vào đánh nhau với một con Kim tiền báo khá lớn bên sườn núi. Y múa cây xoa bảo vệ toàn thân, không cho con báo phóng lại gần; đồng thời chĩa mũi xoa ra đâm không ngớt.
Con báo thấy lửa hoảng sợ muốn chạy, nhưng bị ba người Chu, Thôi, La cản mất đường. Nó thấy Thôi Thu Sơn tay không binh khí, liền gầm một tiếng, phóng lên người chàng. Thôi Thu Sơn đảo người thoát khỏi móng vuốt sắc nhọn, tả chưởng đánh ngược lên trên. Con báo bị hất lộn lại, xoay mình hướng về phía Nam. Cánh cửa phía Nam đã mở sẵn, nhưng con báo không dám vào trong phòng. Nó chạy loạn xạ bên ngoài, nhưng bị mọi người vây chặt, không còn đường nào khác để đi. Thôi Thu Sơn tung người nhảy tới, đá mạnh một phát vào mông nó. Con báo bị đau, gầm lên một tiếng rồi nhảy vào trong nhà.
Lúc này Ưng Tùng đã khóa chặt cửa nẻo bên trong, chỉ chừa lại một cánh cửa phía Tây. Con báo thấy hai người cầm đuốc đuổi theo, chạy nhảy lung tung bên trong một hồi, rồi vừa gừ gừ trong họng vừa chạy vào tòa điện phía Tây. La Đại Thiên đóng nốt cánh cửa, thế là con báo đã bị nhốt bên trong.
Mọi người đều hoan hỉ nhìn Thôi Thu Sơn, không biết chàng dùng con báo này để làm gì. Thôi Thu Sơn mỉm cười bảo: “Thừa Chí! Ngươi vào trong đó đánh báo đi.”
Câu này vừa nói ra, mọi người đều giật mình kinh hãi. Tôn Trọng Thọ vội nói: “Chuyện này xem chừng không ổn”.
Thôi Thu Sơn nói: “Tại hạ đứng bên trông chừng, con thú này không làm Viên tiểu huynh đệ bị thương được đâu”.
Thừa Chí vâng dạ, rồi lập tức cầm lấy cây đoản thương, định tới mở cửa. Thôi Thu Sơn nói: “Bỏ thương xuống, đi tay không vào trong đó”.
Thừa Chí ngẩn ra, hiểu Thôi Thu Sơn muốn mình dùng Phục Hổ Chưởng vừa học để đánh con báo này, nhưng không khỏi có phần khiếp sợ. Thôi Thu Sơn hỏi: “Ngươi không dám hay sao?”.
Thừa Chí không ngần ngừ nữa, liền mở chốt ra, đẩy cửa đi vào. Nghe tiếng gầm vang dội, rồi thấy một bóng đen phóng tới trước mặt, cậu lùi chân phải nửa bước để tránh thế tấn công, xoay tay phóng chưởng đánh trúng ngay vai con báo. Chiêu này đúng là La Hán Truyền Tinh trong Phục Hổ Chưởng.
Phát chưởng này đánh trúng, nhưng bàn tay nhỏ bé chưa đủ sức, nên con báo không đau chút nào, quay đầu lại muốn cắn. Viên Thừa Chí luồn ra sau lưng nó, dùng tay kéo chặt đuôi báo.
Lúc này Thôi Thu Sơn đã ở bên hộ vệ, sợ con báo quá hung dữ, Thừa Chí không kiềm chế nổi. Nhưng cậu bé mới học Phục Hổ Chưởng mà đã sử dụng khá nhuần nhuyễn. Con báo ba lần phóng tới, ba lần đưa móng vuốt ra cào, nhưng không đụng được vào y phục Viên Thừa Chí chút nào, lại còn trúng một chưởng và một cước. Họ Thôi thấy vậy lòng thầm mừng rỡ.
Tôn Trọng Thọ cùng mọi người thấy Thừa Chí tay không đánh báo, tuy có Thôi Thu Sơn ở bên lo liệu, nhưng dù sao cũng không thể yên tâm. Họ bèn cầm đuốc, đứng trong góc điện để nhìn. Chu An Quốc và Nghê Hào còn nắm sẵn ám khí, để trong lúc khẩn cấp có thể giết báo cứu người.
Trong ánh lửa sáng, Thừa Chí nhảy lên hụp xuống, tràn qua xoay lại, thân pháp cực kỳ linh hoạt. Lúc đầu cậu bé chạy loạn xạ, không dám để con báo đến gần. Về sau cậu thử thi triển chưởng pháp vừa học, thấy diệu dụng vô cùng, vừa thủ vừa công, hình như muốn sao là được vậy. Thế là cậu bé càng đánh càng trấn tĩnh hơn, hăng say hơn.
Viên Thừa Chí thấy mình phóng chưởng đánh trúng con báo cũng chỉ vô ích, bèn chuyển từ đánh sang kéo. Hễ cậu đánh tới một chưởng, khi rút tay về lại giật theo một nhúm lông. Con báo bị đau gầm thét om sòm, bắt đầu thấy sợ bàn tay nhỏ xíu đó. Vì thế nó vừa kêu gào vừa lùi lại tránh né, nhe hàm răng ra chống đỡ.
Nhưng thủ pháp của Thừa Chí rất nhanh, nhiều lần con báo không tránh kịp. Lát sau, lông báo bay tứ tung trong điện. Thật là đáng tiếc, con kim tiền báo có bộ lông đẹp như vậy mà bị cậu bé giật chỗ này một miếng, giật chỗ kia một miếng, mất đi không ít lông gấm trên mình. Mọi người đều cười rộ.
Tuy Viên Thừa Chí đã giật được khá nhiều lông báo, nhưng không đủ sức kiềm chế con báo bằng tay không. Tới lúc cao hứng, cậu đột nhiên sử chiêu Bồ Tát Đê Mi, cúi rạp người, xông thẳng vào trước mặt con báo. Con báo kinh hãi lùi lại hai bước, sau đó bay người phóng tới, chụp Viên Thừa Chí vào dưới bụng.
Nghê Hào hoảng hốt, phóng ra hai mũi phi tiêu, nhưng bị con báo đưa chân gạt rơi mất. Mọi người không biết Thừa Chí ở đâu, nhìn mãi mới thấy cậu bé đang nấp dưới bụng con báo, đôi chân kẹp vòng lên lưng con vật, dùng đầu đỡ dưới cằm nó, khiến cho con báo không thể cắn, móng vuốt cũng không chụp trúng được mình.
Con báo nhảy chồm chồm, lật người lăn lộn, Thừa Chí cũng không chịu thả. Nhưng cậu biết, nếu kéo dài thì sức lực mình không đủ, tay chân chỉ buông lỏng một chút là khó tránh khỏi bị thương dưới móng vuốt con báo này, bèn kêu lớn: “Thôi thúc thúc! Tới đây nhanh lên.”
Thôi Thu Sơn bảo: “Móc mắt nó ra.”
Nghe nhắc, Thừa Chí liền đưa tay phải ra, chĩa hai ngón tay đâm vào mắt trái của con báo. Con báo đau đớn điên cuồng, vừa gầm thét vừa giãy giụa mạnh hơn. Thôi Thu Sơn bước lên mấy bước, đánh liền hai chưởng liên hoàn nghe “bịch bịch”. Con báo váng đầu hoa mắt, ngã nhào dưới đất.
Thôi Thu Sơn đưa tay ôm lấy Thừa Chí dỗ dành: “Không tồi, không tồi! Ta làm khó ngươi rồi.”
Tôn Trọng Thọ cùng mọi người đều hoảng sợ đến vã mồ hôi trán. Ai cũng nghĩ: “Thôi Thu Sơn là người tốt, nhưng dù sao cũng là thủ hạ của Lý Tự Thành, ngày nào cũng phải liều mạng, sống nay đây mai đó, can đảm có thừa nhưng khả năng suy nghĩ không nhiều. Chắc y không biết tính mạng Viên công tử quý tới mức nào. Nhưng phải nói Viên công tử mới được y dạy dỗ tám chín ngày, mà võ nghệ đã tiến bộ rất nhiều.”
Thôi Thu Sơn mở cửa điện, đá vào mông hất con báo ra ngoài, lên tiếng: “Cho ngươi đi!”
Đột nhiên bên ngoài có tiếng la lên. Mọi người cứ tưởng con báo vừa được tha đã cắn người, liền chạy ra xem, lập tức bất ngờ kinh hãi. Cả một quả núi sáng rực ánh đuốc, đao thương lấp lóe vây kín xung quanh. Thì ra quan binh đã kéo tới rất đông, tấn công lên đỉnh Thánh Phong. Tình hình thế này, muốn thoát thân không phải dễ. Nhất định những người canh gác dưới núi đã bị giết sạch, nên hoàn toàn không có báo động gì.
Tôn Trọng Thọ cùng mọi người đã đánh quen trăm trận, lúc này tuy có kinh hãi nhưng không hoảng loạn. Ai cũng nghĩ: “Tiếc là huynh đệ đã xuống núi hết rồi. Không thì cũng như trận đại chiến Ninh Viễn năm xưa, mười mấy vạn tinh binh Thát tử còn bị chúng ta đánh cho cúp đuôi chạy trốn, sá gì bọn lính lác Quảng Đông này?” Thời đó, tinh binh Liêu Sóc đứng đầu thiên hạ. Thuộc hạ Viên Sùng Hoán trước nay vẫn rất coi thường quan binh ở phương Nam.
Tôn Trọng Thọ lập tức ra lệnh: “La tướng quân! Huynh tập hợp số huynh đệ nấu cơm quét tước từ đường, chạy tới đỉnh núi phía Đông phóng hỏa hò hét, làm nghi binh.” La Đại Thiên tuân lệnh đi ngay.
Tôn Trọng Thọ lại bảo: “Chu tướng quân, Nghê tướng quân! Hai vị ra phía trước núi, mỗi người bắn khoảng mười mũi tên để bọn quan binh không dám tới gần ngay. Bắn tên xong, quay trở về đây.” Hai người Chu, Nghê cũng vâng dạ rồi đi.
Tôn Trọng Thọ quay lại nói: “Tại hạ có một chuyện quan trọng, phải nhờ đến Thôi huynh.”
Thôi Thu Sơn hỏi: “Các vị muốn tại hạ bảo vệ Thừa Chí phải không?”
Tôn Trọng Thọ đáp: “Đúng thế!” Y cùng với Ưng Tùng quỳ xuống đất khấu đầu.
Thôi Thu Sơn kinh hãi, vội vàng trả lễ rồi nói: “Hai vị đã dặn dò thì tại hạ nhất định làm ngay. Xin đừng đa lễ như thế.”
Giữa tiếng hò hét vang trời, bỗng lờ mờ có tiếng trống, tiếng chuông từ trên núi vọng xuống. Thì ra La Đại Thiên đã khiêng trống chuông trong từ đường ra ngoài, khua lên dữ dội để nhiễu loạn quan binh.
Tôn Trọng Thọ nói: “Viên đốc sư chỉ còn một giọt máu này thôi. Xin Thôi đại ca ra sức, bảo vệ Viên công tử thoát hiểm.”
Thôi Thu Sơn đáp: “Nhất định tại hạ sẽ cố hết sức.”
Lúc này Chu An Quốc và Nghê Hào đã bắn tên xong, quay trở lại. Tôn Trọng Thọ nói: “Ta và Chu tướng quân đi một đường, tới gặp La tướng quân rồi chạy xuống phía Đông. Ưng tiên sinh và Nghê tướng quân đi một đường, chạy xuống phía Tây. Chúng ta chạy trước để dụ chủ lực quân địch chia ra mà đuổi, rồi Thôi đại ca dẫn Thừa Chí ra sau núi chạy xuống. Sau này mọi người đến chỗ Lý tướng quân để gặp nhau.”
Mọi người đồng thanh vâng dạ.
Thừa Chí đã được Ưng Tùng và mọi người dạy dỗ từ bé, bây giờ phải chia tay. Trong lòng cậu khó chịu vô cùng, liền quỳ xuống vừa lạy vừa gọi: “Tôn thúc thúc, Ưng thúc thúc, Chu thúc thúc, Nghê thúc thúc! Con… con…”
Cổ họng cậu bé bất giác nghẹn lại, không sao nói được nữa. Tôn Trọng Thọ bảo: “Con đi theo Thôi thúc thúc, phải ngoan ngoãn nghe lời.” Thừa Chí gật đầu.
Từ lưng chừng núi, quan binh la hét như vỡ chợ, hò nhau xung phong lên đỉnh núi. Ưng Tùng nói: “Chúng ta đi thôi! Thôi đại ca, huynh đợi một lát rồi hãy đi.”
Mọi người đều cầm binh khí xông xuống núi. Nghê Hào thấy Thôi Thu Sơn không mang binh khí, liền ném cây Liệt hổ xoa cho chàng, gọi: “Thôi đại ca, đón lấy!”
Thôi Thu Sơn nói: “Nghê huynh cứ dùng đi!” Chàng bắt được cây Liệt hổ xoa, muốn ném trả lại, nhưng Nghê Hào đã đi xa rồi. Thế là tay phải chàng cầm xoa, tay trái dẫn Viên Thừa Chí đi về phía sau núi. Hướng này cũng sáng rực đèn đuốc, không biết bao nhiêu quan binh vây chặt không có kẽ hở. Tên từ dưới núi bắn lên như mưa.
Thôi Thu Sơn lùi vào trong từ đường, chạy xuống bếp lấy hai cái nắp nồi, một lớn một nhỏ. Chàng cầm cái lớn, đưa cái nhỏ cho Thừa Chí rồi bảo: “Lấy cái này làm thuẫn. Chúng ta đi thôi!” Chàng thi triển khinh công, dắt Viên Thừa Chí chạy biến vào màn đêm.
Một lúc sau, bọn quan binh phát hiện tung tích hai người, vừa reo hò vừa đuổi theo. Mấy chục mũi tên đồng thời bắn tới. Thôi Thu Sơn che sau lưng Viên Thừa Chí, khua cái nắp nồi cản tên bắn tới, nghe những tiếng keng keng không dứt. Không ít mũi tên đã bắn trúng nắp nồi.
Hai người chạy thẳng xuống núi, quan binh kéo ra cản trở. Thôi Thu Sơn sử cây Liệt hổ xoa vừa đâm vừa quật, lập tức đả thương mười mấy tên lính. Cây đoản thương của Thừa Chí chẳng giết được ai, nhưng có thể tự bảo vệ mình. Quan binh thấy cậu chỉ là một đứa trẻ, nên không quan tâm gì lắm. Nhờ thế mà trong chốc lát hai người đã chạy xuống lưng chừng núi.
Mới hít thở mấy hơi, lại nghe tiếng reo hò vang dội, một đội quan binh từ kế bên xông tới, chạy đầu tiên là một tên thiên hộ. Hắn cầm đại đao hung dữ chém tới. Thôi Thu Sơn đưa cây xoa ra cản, cảm thấy sức lực tên này cực mạnh.
Chàng ra chiêu Độc Long Xuất Động đâm thẳng tới. Tên thiên hộ đưa đao gạt ra, la lớn: “Anh em xông vào cả đi!”
Thôi Thu Sơn không dám ham chiến, cầm cái nắp nồi quạt vào trước mặt tên thiên hộ. Hắn vừa né sang bên phải, Thôi Thu Sơn quát lớn vung tay, cây xoa cắm lút vào dưới nách hắn. Khi rút cây xoa ra, chàng quay đầu lại thì không thấy Thừa Chí đâu nữa.
Thôi Thu Sơn không khỏi kinh hãi, đảo mắt nhìn quanh thì thấy bên trái có một đám đông đang bao vây hò hét. Chàng sải bước chạy tới đó, múa xoa đâm loạn xạ, bọn quan binh phải dạt ra tránh né. Đến gần, quả nhiên thấy Thừa Chí bị vây ở giữa, cây đoản thương đã bị đánh rơi mất. Cậu đang thi triển Phục Hổ Chưởng đối địch với ba tên lính.
Dù sao Thừa Chí cũng tuổi nhỏ sức yếu, chưởng pháp lại mới học, nên bị giáp công cả hai bên, tình thế rất nguy hiểm. Thôi Thu Sơn không dám để lâu, vung xoa soạt soạt hai chiêu đâm ngã ngay hai tên lính, tay trái kéo Thừa Chí bỏ chạy.
Quan binh hò hét đuổi theo. Thôi Thu Sơn đột ngột quay lại, hươi xoa đâm ngã hai tên lính đuổi gần nhất. Chàng nhảy tới một bước, cây xoa quét ra lại hất một tên văng xuống núi đá. Hắn gào lên một tiếng dài như bất tận, rồi mới chết.
Bọn quan binh thấy đối thủ dũng mãnh phi thường, hoảng sợ dừng hết lại không dám đuổi theo. Thôi Thu Sơn liền kẹp Thừa Chí dưới nách, thi triển khinh công Đề Tung Thuật chạy vào những chỗ vắng vẻ âm u, chỉ chốc lát đã cách xa bọn quan binh.
Thôi Thu Sơn thả Thừa Chí xuống, cất tiếng hỏi: “Ngươi có bị thương không?”
Thừa Chí đưa tay chùi mồ hôi trên miệng, cảm thấy tay hơi rít. Cậu nhìn lại, dưới ánh trăng thấy bàn tay đầy máu. Nhìn qua Thôi Thu Sơn, thấy trên mặt, trên tay, trên áo chỗ nào cũng dính máu, cậu hoảng sợ hỏi: “Thôi thúc thúc! Máu… máu…”
Thôi Thu Sơn nói: “Không sao, toàn là máu của địch. Ngươi có đau chỗ nào không?”
Thừa Chí lắc đầu. Thôi Thu Sơn bèn nói: “Hay lắm! Vậy chúng ta chạy tiếp.”
Hai người khom lưng, luồn vào một khu rừng. Đi hơn nửa giờ, rừng cây sắp hết, Thôi Thu Sơn thò đầu nhìn ra ngoài, thấy dưới núi đèn đuốc sáng trưng, mấy trăm quan binh canh gác. Chàng khẽ nói: “Không xuống dưới được, lùi lại đi!”
Hai người quay lại mấy trăm bước, nhìn thấy một sơn động, trước động có mấy bụi cây. Họ liền chui vào trong.
Thừa Chí còn nhỏ, tuy ở nơi nguy hiểm nhưng lúc này đã quá mệt, nằm xuống chẳng bao lâu đã ngủ say. Thôi Thu Sơn nhẹ nhàng ôm cậu vào lòng, lắng tai nghe ngóng những tiếng la ó vang lên không dứt. Lát sau chàng thấy trên đỉnh núi có khói đen bay lên, ánh lửa đỏ rực soi sáng một vùng trời. Thế là từ đường của Viên Sùng Hoán đã bị quan binh đốt mất.
Qua nửa giờ nữa, nghe tiếng tù và trên núi vang lên. Thôi Thu Sơn đã đánh nhau mấy chục trận với bọn quan binh này, biết đó là hiệu lệnh thu quân xuống núi. Một lúc sau, đại đội nhân mã rầm rập kéo ngang qua kế bên, rất lâu vẫn chưa dứt. Thì ra sơn động này nằm ngay cạnh đường xuống núi của bọn quan binh.
Một lát sau, phía ngoài lùm cây có tiếng người ngồi xuống. Thôi Thu Sơn tay phải cầm cương xoa lên, tay trái đặt bên miệng Thừa Chí đề phòng cậu bé ngủ mơ thành tiếng, để hết tinh thần lắng nghe. Một người quát hỏi: “Tên nghịch tặc họ Viên có để lại một đứa con trai. Nó đâu rồi?”
Câu hỏi này rất vang dội, làm Thừa Chí thức dậy. Tay trái Thôi Thu Sơn liền khẽ ấn vào miệng cậu. Người kia lại quát tháo: “Ngươi chịu nói hay không? Không nói thì ta phải chặt đứt một cánh tay của ngươi trước”.
Một thanh âm khác mắng lại: “Ngươi muốn chặt thì chặt đi! Chúng ta vùng vẫy biên cương, cứ một đao một thương là lấy mạng một tên Thát tử, há sợ gì ngươi?”.
Đúng là giọng của Ưng Tùng. Thừa Chí khẽ la lên: “Ưng thúc thúc!”
Người kia gằn giọng: “Ngươi không chịu nói thật à?”
“Phẹt” một tiếng, hình như Ưng Tùng đã nhổ một bãi nước bọt lên mặt người đó. Tiếp theo là một tiếng la thê thảm, hình như họ Ưng đã bị tên kia chém cho một đao.
Thừa Chí không nhẫn nại được nữa, dùng sức giãy thoát khỏi tay Thôi Thu Sơn, la lớn: “Ưng thúc thúc!” Rồi cậu chạy thẳng ra ngoài.
Dưới ánh lửa, thấy rõ một người đang cầm đao chém xuống Ưng Tùng nằm dưới đất. Thừa Chí phóng người lên, thi triển thủ pháp Tả Kích Hữu Cầm của Phục Hổ Chưởng, đấm trúng ngay mắt phải của tên kia một quyền. Hắn thấy trước mắt đầy sao nhấp nháy, rồi cổ tay nhói lên một cái, thanh đao trong tay đã bị đoạt mất.
Thừa Chí thuận tay vung đao chém trúng vào vai hắn. Lực đạo yếu ớt, không chặt rớt được cánh tay, nhưng hắn đau quá thét lên ầm ĩ. Bọn quan binh bị bất ngờ, kinh hãi chạy tán loạn. Khi thấy rõ chỉ là một đứa bé, chúng lập tức quay trở lại, đao thương cùng đưa lên, rõ ràng chuẩn bị băm vụn Viên Thừa Chí ra.
Đột nhiên một cây cương xoa bay vù ra, cổ tay bọn quan binh đều chấn động, mấy tên để khí giới tuột khỏi tay. Thôi Thu Sơn túm lấy lưng Thừa Chí phóng vọt đi. Khi bọn quan binh bắn được tên, hai người đã chạy xuống dưới núi rồi.
Bọn chó săn Đông Xưởng nhận lệnh của thái giám Tào Hóa Thuần đến đây cốt ý lùng bắt Thôi Thu Sơn. Chàng vừa lộ diện, bốn tay hảo thủ lập tức rượt theo. Dưới nách chàng kẹp một đứa bé mà vẫn chạy như bay, nhanh chóng lạ thường. Một tên chó săn lấy tụ tiễn ra, vận hết kình lực ném tới sau lưng Thôi Thu Sơn.
Thôi Thu Sơn nghe sau gáy có tiếng gió, lập tức cúi người xuống, mũi tụ tiễn bay qua trên đỉnh đầu. Chàng vừa khựng lại một chút, một tên khác phóng liền ba mũi cương tiêu đến. Thôi Thu Sơn liền đặt Thừa Chí xuống đất, xoay tay trái lại chụp được hai mũi cương tiêu, né mũi thứ ba. Chàng chưa kịp phóng trả, tụ tiễn và phi hoàng thạch của địch đã phóng ào ào tới trước mặt. Thôi Thu Sơn vừa đón bắt, vừa múa xoa để gạt, vừa tránh né ám khí, kéo tay Thừa Chí chạy xuống núi.
Bốn tên chó săn của thiên tử nhìn thấy võ công Thôi Thu Sơn tinh diệu, không dám đuổi theo. Chúng chỉ đứng đó ngoác mồm ra thóa mạ, đồng thời tiếp tục phóng ám khí. Từ trên cao ném xuống, lực đạo càng thêm mãnh liệt.
Trong đêm tối chỉ nghe tiếng gió rít không dứt. Thôi Thu Sơn ôm Thừa Chí trước ngực, bước cao bước thấp vừa chạy vừa tránh né. Dù sao thì chàng phải ôm một người, chạy nhảy không tiện lợi. Né được ba hạt bồ đề tử bên phải, đùi trái chàng bỗng nhói lên một cái, trúng đoản tiễn. Vết thương chưa kịp đau đã ngứa ngáy dữ dội.
Chàng kinh hãi trong lòng, biết đoản tiễn có độc, nhưng không dám dừng lại mà cứ gấp rút chạy xuống núi. Vì chạy như thế, chất độc phát tán càng nhanh hơn. Chạy thêm được vài bước, chân trái chàng tê liệt, loạng choạng té nhào xuống đất. Thừa Chí kinh hãi, vội kêu lên: “Thôi thúc thúc!”
Bốn tên chó săn thấy địch thủ té ngã, vừa reo hò vừa chạy tới.
Thôi Thu Sơn bảo: “Thừa Chí! Chạy nhanh lên, nhanh lên! Để ta cản chúng.”
Nhưng Viên Thừa Chí bắt chéo song chưởng, nhảy ra đứng sau lưng Thôi Thu Sơn, đợi địch thủ đến. Thôi Thu Sơn nghĩ bụng: “Dựa vào chút xíu võ công của ngươi mà muốn bảo vệ ta hay sao?” Nhưng trong lòng chàng vô cùng cảm động.
Trong chớp nhoáng địch đã đuổi tới nơi, chạy đầu là hai tên sử đao. Một tên cầm quỷ đầu đao muốn bắt sống hai người, bèn trở sống đao lại gõ vào mắt cá chân Viên Thừa Chí. Cậu bé liền nhảy lên tránh né.
Thôi Thu Sơn dùng tay phải chống người dậy, quỳ một chân dưới đất, nhặt một tảng đá ném vào đầu tên cầm song đao. Hắn quá bất ngờ, muốn tránh né nhưng không thể kịp, bị đập trúng ngay trán, lập tức ngất xỉu. Tên sử quỷ đầu đao vừa ngẩn ra một chút, Thôi Thu Sơn đã phóng người tới, mười ngón tay siết chặt cổ họng của hắn.
Hắn vung đao chém lên vai Thôi Thu Sơn, nhưng chàng đã vận thêm kình lực vào tay, nên nhát đao tuy chém trúng nhưng không đủ mạnh. Chốc lát hắn đã tắt thở mà chết. Hai tên còn lại thấy đối thủ hung hãn như vậy, hoảng sợ đến nỗi hồn phi phách tán, vội vàng chạy ngược trở lại.
Cánh tay Thôi Thu Sơn chảy máu ròng ròng, nhưng vết thương không sâu lắm. Lúc này chân trái của chàng đã hoàn toàn mất hết cảm giác.
Thôi Thu Sơn nghiến chặt răng, dùng tay trái lượm thanh đao chống xuống đất, đẩy người đứng dậy. Bây giờ địch thủ đã chạy trốn, nhưng không bao lâu chắc chắn sẽ có viện binh kéo tới. Dĩ nhiên chàng không thể ở lại đây lâu, đành phải co chân trái lên, nhảy lò cò xuống dưới núi. Viên Thừa Chí đứng bên phải, kéo tay phải của chàng gác lên vai mình, từng bước đi về phía trước.
Đi được một hồi, độc tính của mũi đoản tiễn bên chân trái Thôi Thu Sơn dần dần xông lên phía trên, khiến cho tay trái cũng bắt đầu tê liệt, chỉ còn cách dùng tay phải để chống đỡ. Viên Thừa Chí cảm thấy vai mình càng lúc càng nặng, nhưng cậu không than thở tiếng nào, vẫn cố gắng hết sức dìu Thôi Thu Sơn xuống núi.
Chỉ chốc lát, hai người đã mệt mỏi vô cùng. Viên Thừa Chí thấy bên sườn núi có một nông trại, bèn gọi: “Thôi thúc thúc! Phía trước có người, chúng ta tới đó mà ẩn nấp.”
Thôi Thu Sơn gật đầu, miễn cưỡng kéo lê thân mình về phía trước. Đến trước cửa thì chàng hoàn toàn không gượng được nữa, té nhào xuống đất.
*
* *
Viên Thừa Chí kinh hãi, cúi xuống la lên: “Thôi thúc thúc!”
Có tiếng mở cửa ken két rồi một phụ nữ trung niên bước ra. Viên Thừa Chí nói: “Đại nương! Bọn con gặp phải quan binh. Thúc thúc của con bị thương, xin đại nương cho chúng con tá túc một đêm”.
Nông phụ đó gọi một thiếu niên khoảng mười sáu mười bảy tuổi ra giúp một tay đỡ Thôi Thu Sơn vào trong, rồi xếp ba cái ghế dài lại cho chàng nằm tạm.
Thôi Thu Sơn trúng độc không nhẹ, may nhờ võ công tinh thâm nên tâm trí không hôn mê điên loạn. Chàng bảo Viên Thừa Chí cầm cây đèn dầu rọi vào vết thương bên đùi trái mà xem xét. Hai người đều giật mình hoảng sợ, thì ra bắp đùi này đã sưng to gấp đôi bình thường, chỗ tím ngắt, chỗ đen thẫm lại, trông rất kinh người.
Thôi Thu Sơn nhờ thiếu niên nhà nông đó bó lại vết thương trên cánh tay, rồi lấy vải siết mạnh đùi bên trái, đề phòng chất độc theo máu di chuyển vào tim. Sau đó chàng nắm chặt đuôi mũi đoản tiễn, dùng sức rút ra. Máu theo vết thương chảy ra, toàn là máu đen. Thôi Thu Sơn muốn cúi xuống hút máu độc ra, nhưng đùi sưng to quá, miệng không kề tới được.
Viên Thừa Chí bèn cúi xuống, dùng miệng hút từng ngụm máu đen trong vết thương ra, nhổ xuống đất. Hút được ba bốn chục ngụm, máu mới dần dần trở thành màu đỏ. Thôi Thu Sơn thở ra một hơi rồi nói: “May mà loại thuốc độc này chưa phải lợi hại nhất. Con mau đi súc miệng đi”.
Nông phụ đứng bên, mắt nhìn nhưng miệng không ngừng niệm Phật.
Trưa hôm sau, thiếu niên về nói là quan binh đã rút đi hết. Chân Thôi Thu Sơn đã bớt sưng, nhưng người phát sốt, bắt đầu nói năng lộn xộn như mê sảng. Viên Thừa Chí không biết làm sao, lo sợ khóc thút thít.
Nông phụ bảo: “Ta thấy chất độc trong mình thúc thúc của cháu chưa hút hết ra, phải lên thị trấn nhờ đại phu khám mới được”.
Viên Thừa Chí đáp: “Vâng, vâng. Nhưng làm sao con đưa thúc thúc đi được?”
Nông phụ này rất tốt bụng, cho mượn một chiếc xe bò, bảo thiếu niên đưa họ lên thị trấn. Thiếu niên đưa họ vào khách điếm rồi về ngay.
Khi hai người chạy xuống núi, không ai mang tiền theo. Viên Thừa Chí không biết làm sao, cứ rầu rĩ ngồi nhìn Thôi Thu Sơn hôn mê trên giường. Tiểu nhị trong khách điếm đến hỏi có ăn gì không, Thừa Chí không dám nói mình không có tiền, chối là không đói rồi cứ ngồi một chỗ mà khóc lóc.
Hồi lâu, rốt cuộc Thôi Thu Sơn cũng tỉnh lại một chút. Viên Thừa Chí liền hỏi mình phải làm gì. Thôi Thu Sơn hỏi: “Trong mình ngươi có mang theo món đồ nào giá trị hay không?”
Viên Thừa Chí đáp: “Chỉ có cái vòng cổ này, không hiểu có được không.”
Cậu bé tháo cái vòng cổ đeo bên trong áo ra. Thôi Thu Sơn thấy cái vòng này làm bằng vàng, có khảm tám hạt châu nhỏ. Trên cái chốt khóa có khắc bốn chữ “Phú quý hằng xương”. Còn có hai hàng chữ nhỏ, một hàng là: “Viên công tử Thừa Chí chu tuế chi khánh”; một hàng là: “Tiểu tướng Triệu Suất Giáo kính tặng.” Thì ra đây là quà của đại tướng Triệu Suất Giáo, bộ hạ của Viên Sùng Hoán, tặng ngày Thừa Chí thôi nôi.
Triệu Suất Giáo cùng với ba người Tổ Đại Thọ, Hà Khả Cương, Mãn Quế là bốn đại danh tướng dưới trướng Viên Sùng Hoán. Năm đại thắng ở Ninh Viễn, Triệu Suất Giáo đã dẫn quân bản bộ giết được rất nhiều Thanh binh, thăng quan đến chức Tả đô đốc Bình Liêu tướng quân.
Tháng mười năm Sùng Trinh thứ hai, quân Thanh vòng qua Sơn Hải Quan, từ Đại An Khẩu tiến vào đánh úp kinh sư. Viên Sùng Hoán thống lĩnh bốn vị tướng này từ ngàn dặm xa xôi trở về cứu viện, nhưng lại bị Sùng Trinh nghi ngờ bắt giam nhốt vào đại lao. Triệu Suất Giáo và Mãn Quế xuất chiến, hy sinh trong trận đó. Còn Tổ Đại Thọ và Hà Khả Cương giận dữ, thống lãnh bộ hạ rời bỏ quân đội triều đình. Sau này, Viên Sùng Hoán từ trong ngục viết thư khuyên can, hai tướng Tổ Đại Thọ và Hà Khả Cương mới quy thuận về triều kháng địch, phòng thủ kinh sư.
Triệu Suất Giáo là danh tướng bộ hạ của Viên Sùng Hoán, thiên hạ ai cũng biết tên. Nhưng lúc này Thôi Thu Sơn thần trí mơ hồ, chưa suy nghĩ kỹ đã nói: “Bảo tiểu nhị của khách điếm dẫn ngươi đến tiệm cầm đồ, cầm tạm cái vòng cổ này. Sau này chúng ta sẽ chuộc lại”.
Viên Thừa Chí đáp: “Vâng, con đi ngay!” Rồi cậu lập tức nhờ tiểu nhị dẫn đến tiệm cầm đồ trong thị trấn.
Chủ tiệm cầm đồ vừa xem cái vòng đã giật mình kinh hãi, hỏi gặng: “Tiểu bằng hữu! Chiếc vòng này ở đâu cháu có?”
Viên Thừa Chí đáp: “Chính là của con”.
Chủ tiệm thay đổi sắc mặt, ngắm nghía Viên Thừa Chí từ đầu xuống chân rất lâu, rồi bảo: “Chờ ta một chút.”
Hắn đem cái vòng cổ đi vào trong nhà, nửa ngày vẫn chưa trở ra. Viên Thừa Chí và tiểu nhị ngồi chờ, lo lắng đến sốt ruột. Rất lâu, chủ tiệm mới bước ra nói: “Cầm được hai mươi lạng”.
Viên Thừa Chí không hiểu luật lệ, biếu tên tiểu nhị của khách điếm tới hai lạng bạc vì đã cố gắng giúp mình. Cậu cất bạc và giấy cầm đồ, tiện thể nhờ tiểu nhị dẫn đi mời đại phu, rồi mới trở về khách điếm. Nào ngờ sau lưng đã có hai tên công sai âm thầm theo dõi.
Viên Thừa Chí về phòng trọ, thấy Thôi Thu Sơn nằm thiêm thiếp, trán nóng hầm hập. Đại phu chưa tới, cậu sốt ruột chạy ra ngoài cửa nhìn xem. Đột nhiên bảy tám tên công sai cầm xích sắt và thước sắt xuất hiện, một tên nói: “Chính là thằng bé này”.
Tên công sai đi đầu quát hỏi: “Thằng nhóc kia! Ngươi họ Viên phải không?”
Viên Thừa Chí hoảng hốt đến nhảy dựng lên, chối ngay: “Không phải.”
Tên công sai cười ha hả, thò tay vào bọc lấy chiếc vòng cổ ấy ra, hỏi: “Cái vòng cổ này ngươi ăn cắp ở đâu?”
Viên Thừa Chí lo sợ đáp: “Không phải ăn cắp, mà là của con”.
Tên công sai cười gằn: “Viên Sùng Hoán là gì của ngươi?”
Viên Thừa Chí không dám trả lời, chạy vào phòng, dùng hết sức lay Thôi Thu Sơn dậy. Phía ngoài bọn công sai đã la lên: “Bọn gian tặc ở núi Thánh Phong đang trốn trong này. Đừng để chúng trốn thoát!”.
Thôi Thu Sơn nghe vậy lập tức ngồi dậy, cựa quậy muốn bước xuống đất, nhưng không cách nào gượng nổi. Chân chàng vừa chấm đất, người đã ngã nhào.
Bọn công sai ùa đến trước cửa phòng. Viên Thừa Chí không kịp dìu Thôi Thu Sơn dậy, vội chạy ra cửa, bắt chéo song chưởng đứng cản đường. Trong lòng cậu bé chỉ có một suy nghĩ: “Nhất định không để chúng bắt Thôi thúc thúc đi.”
Ngoài cửa là một khu vườn lớn. Những người giúp việc và khách trọ trong khách điếm này nghe có quan sai đến bắt phạm nhân, kéo nhau chạy tới khu vườn để xem náo nhiệt. Họ thấy bảy tám công sai đang ra oai với một đứa bé chỉ khoảng mười tuổi, đều cảm thấy kỳ lạ.
Một tên công sai vung sợi xích sắt lên, toan tròng vào cổ Viên Thừa Chí. Viên Thừa Chí lùi lại một bước tránh né, vẫn cản trước cửa không để chúng vào. Tên công sai đó rất giỏi nghề dùng xích bắt người, đã ăn mười mấy năm cơm của nha môn rồi, có thể nói không bao giờ thất thủ. Nào ngờ cậu bé này thân thủ nhanh nhẹn, hắn không tròng được xích vào đầu, nên tức giận vung tay phải ra toan chụp lấy tóc Viên Thừa Chí.
Viên Thừa Chí thấy rất nhiều công sai hùng hổ, vốn đã hoảng sợ muốn khóc. Nhưng khi thấy đối phương đưa tay bắt mình, tự nhiên cậu ra chiêu Hoành Kha Đơn Tiên trong Phục Hổ Chưởng, nắm được cổ tay hắn giật một phát.
Tên công sai bước chân loạng choạng, suýt nữa té nhào, lại càng giận dữ hơn. Hắn vung cước đá mạnh, vừa đá vừa thóa mạ: “Thằng giặc con này! Hôm nay lão gia phải cho ngươi xem bản lãnh”.
Thừa Chí cúi xuống, hai tay ôm lấy đùi và mông của hắn, mượn sức đẩy ra phía ngoài. Thân hình mập mạp đó lập tức ngã ngửa ra sau, đập xuống đất nghe “bình” một tiếng sướng tai. Thật ra Viên Thừa Chí không có sức mạnh như thế, nhưng thừa lúc hắn đá chân lên cậu đã dùng sức của hắn mà hất hắn, nên hắn mới té nhào. Đây chính là một chiêu trong Phục Hổ chưởng pháp.
Những người đứng xem đều cất tiếng hoan hô. Thấy người lớn ăn hiếp con nít là họ đã ngứa mắt, huống chi bọn công sai quan phủ hoành hành bá đạo đã lâu, dân chúng hễ thấy là liếc xéo nghiến răng chửi bới. Phen này họ thấy công sai bị thua thảm hại, bất giác vui mừng.
Bọn công sai còn lại đều ngẩn ra, thầm nghĩ: “Hình như thằng nhóc này có tà pháp gì đó.” Chúng nháy mắt với nhau, vung đơn đao và thước sắt lên, cùng lúc ào tới. Mọi người thấy chúng đã dùng võ khí, ai cũng hoảng sợ lùi lại phía sau.
Tuy Thừa Chí đã học mấy năm võ nghệ, nhưng tuổi còn quá nhỏ, địch thủ lại nhiều, nên cậu không làm gì được nữa, chỉ liều mạng cản trở mà thôi. Chẳng bao lâu, vai cậu đã bị thước sắt đánh trúng rất nặng, nhịn không nổi phải khóc ầm lên.
Trong lúc nguy cấp, đột nhiên từ gian phòng bên trái có một đại hán xông ra, tung vọt người lên không, đáp xuống trước mặt Thừa Chí. Y đưa hai tay quơ chụp loạn xạ, không biết sử dụng thủ pháp gì mà chỉ chốc lát đã đoạt hết khí giới trong tay bọn công sai. Mấy tên công sai lùi lại chậm chạp một chút đã bị y đánh cho mấy quyền, mũi miệng sưng húp lên. Đại hán vừa đánh vừa kêu oa oa, thanh âm nghe rất kỳ lạ.
Một tên công sai hét lên: “Chúng ta đến đây để bắt yếu phạm. Ngươi là loại người nào? Mau mau biến khỏi đây!”.
Đại hán đó mặc kệ, nhoáng một cái đã bước tới trước mặt hắn, đưa tay phải túm lấy ngực áo quẳng ra. Tên công sai đó giống một con diều bị đứt dây, bay thẳng ra ngoài, nhào xuống đất nghe ầm một tiếng, đau đớn quằn quại. Bọn công sai còn lại không dám đứng đó nữa, kéo nhau chạy ào ra ngoài hết.
Đại hán đó bước tới trước mặt Viên Thừa Chí, hai tay quơ loạn lên, trong miệng chỉ phát ra những tiếng oa oa. Thì ra đây là một người câm, hình như đang hỏi lai lịch Viên Thừa Chí. Cậu bé không biết phải trả lời như thế nào, lo lắng trong lòng.
Đại hán đột nhiên đưa tả chưởng hướng lên trên, hữu chưởng hướng xuống đất, bắt đầu biểu diễn những chiêu thức Phục Hổ Quyền. Đến chiêu thứ mười Tỵ Thục Tiết Thủ, y thu chiêu lại.
Viên Thừa Chí hiểu ý, bắt đầu từ chiêu thứ mười một Hoành Suyễn Hổ Yêu, thi triển tiếp bốn chiêu. Ông câm mỉm cười gật đầu lia lịa, đưa tay ôm lấy Viên Thừa Chí, ra vẻ rất thân mật.
Viên Thừa Chí chỉ vào trong, ra hiệu trong phòng có người. Ông câm liền bế cậu vào phòng. Thấy Thôi Thu Sơn đang ngồi dưới đất, mặt nhợt nhạt như người chết, y giật mình kinh hãi chạy tới. Hình như Thôi Thu Sơn quen biết y, đưa tay chỉ vào chân mình ra hiệu. Ông câm gật đầu, tay trái dẫn Viên Thừa Chí, tay phải bế Thôi Thu Sơn, sải bước ra khỏi khách điếm. Thôi Thu Sơn nặng tới một trăm mấy chục cân, thế mà ông câm này bế chàng như như bế trẻ nít, chẳng thấy gắng sức gì cả, chân chạy như bay.
Hai tên công sai đang trốn bên vệ đường, thấy ông câm chạy về hướng Tây, bèn chạy xa xa theo dõi. Nhất định chúng muốn xem họ dừng ở đâu, để gọi người tới bắt.
Lúc này Thôi Thu Sơn lại mê man bất tỉnh nhân sự trên tay ông câm. Ông câm không nghe được âm thanh ở xa. Viên Thừa Chí kéo tay y, hất đầu ra sau bĩu môi một cái. Ông câm quay lại, thấy phía sau có công sai, nhưng mặc kệ, cứ tiếp tục đi về phía trước.
Bốn bề hoang vu không một nóc nhà, cũng không có người qua lại. Đi được khoảng hai ba dặm, ông câm đột nhiên đặt Thôi Thu Sơn xuống đất, tung người nhảy ngược lại, đến chỗ hai tên công sai đó. Chúng quay người chạy trốn nhưng không kịp nữa, bị y túm lấy sau lưng, xách mỗi tay một người quăng xuống thung lũng. Nghe tiếng la lên thê thảm rồi tắt lịm, rõ ràng cả hai đã chết rồi.
Ông câm lại bế Thôi Thu Sơn lên, sải bước như bay về phía trước. Phen này Viên Thừa Chí không theo kịp được nữa. Cậu miễn cưỡng sải cặp giò vừa ngắn vừa nhỏ cố gắng chạy theo, nhưng chỉ hơn một dặm là thở hổn hển rồi. Ông câm bật cười, cúi xuống ôm lấy Viên Thừa Chí nhấc lên. Y hai tay bế hai người, nhưng chạy càng nhanh hơn trước. Rất lâu y mới rẽ sang trái, chạy về phía chân núi.
*
* *
Vượt qua hai ngọn núi, thấy ở lưng chừng núi có ba gian nhà tranh. Ông câm chạy về hướng đó. Đến gần thì thấy một người từ trong nhà bước ra, đó là một thiếu phụ chưa tới ba mươi tuổi. Bà gật đầu với ông câm một cái, rồi nhìn thấy hai người Thôi, Viên, ra vẻ kinh ngạc. Bà đưa tay ra hiệu với ông câm một hồi, rồi dẫn mọi người vào trong nhà. Thiếu phụ kêu lên: “Tiểu Huệ, mau đem trà ra đây!”
Một bé gái ở phòng bên vâng dạ, rồi xách bộ ấm chén thô kệch qua, ngẩn ra nhìn hai người Thôi, Viên. Đôi mắt của cô bé tròn xoe đen nhánh, xoay chuyển nhìn hết chung quanh.
Thiếu phụ tuy không nhung gấm phấn son, nhưng nét mặt xinh đẹp, dáng người cân đối. Đứa bé gái cũng rất linh lợi khả ái.
Thiếu phụ cất tiếng hỏi Viên Thừa Chí: “Con tên gì? Sao lại gặp ông ấy?”
Viên Thừa Chí biết bà là bạn của ông câm, nên trả lời ngay, không giấu giếm gì.
Thiếu phụ nghe nói Thôi Thu Sơn trúng độc bị thương, liền lấy trong túi ra mấy cái bình nhỏ, đổ thuốc bột màu trắng và màu đỏ ra, trộn chung lại, khuấy nước cho Thôi Thu Sơn uống. Rồi bà lấy một con dao nhỏ cắt bỏ hết chỗ thịt thối rữa trên chân Thôi Thu Sơn, bó thuốc bột màu vàng lên. Để một lúc, bà lấy nước rửa sạch, rồi lại bó thuốc khác lên. Cứ thế rửa đi bó lại ba lần, Thôi Thu Sơn đã rên được mấy tiếng.
Thiếu phụ mỉm cười với Viên Thừa Chí, nói: “Hết nguy hiểm rồi.” Bà đưa tay ra hiệu, bảo ông câm bế Thôi Thu Sơn vào trong nghỉ ngơi.
Thiếu phụ vừa thu dọn thuốc men, vừa nói với Viên Thừa Chí: “Ta họ An, con kêu ta bằng An thẩm thẩm là được. Đây là con gái của ta, nó tên là Tiểu Huệ. Con cứ ở lại đây với thẩm thẩm.”
Viên Thừa Chí gật đầu vâng dạ. An đại nương xuống bếp nấu mì.
Viên Thừa Chí đã mệt mỏi một ngày một đêm nên không gượng được nữa, ăn xong nằm gục ngay trên bàn mà ngủ thiếp đi.
Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, cậu bé nhận ra mình đang nằm trên giường. Tiểu Huệ dẫn đi rửa mặt, Thừa Chí nói: “Để ta đi thăm Thôi thúc thúc đã. Vết thương của thúc thúc đã đỡ chưa?”
Tiểu Huệ nói: “Bác câm đã cõng Thôi thúc thúc đi từ sớm rồi.”
Thừa Chí giật mình hỏi lại: “Thật không?”
Tiểu Huệ gật đầu. Thừa Chí chạy vào trong phòng, quả nhiên không thấy Thôi Thu Sơn và ông câm đâu nữa. Cậu đột nhiên không tự chủ được, khóc òa lên. Tiểu Huệ dỗ: “Đừng khóc, đừng khóc nữa.”
Thừa Chí không nghe lời, Tiểu Huệ liền kêu lên: “Mẹ, mẹ ơi! Đến đây nhanh lên.”
An đại nương chạy tới, Tiểu Huệ nói: “Huynh ấy thấy Thôi thúc thúc và bác câm đi rồi, khóc mãi không chịu nín.”
An đại nương dịu dàng dỗ: “Con ngoan! Thôi thúc thúc của con bị thương rồi, mà bị thương rất nặng, có phải vậy không?”
Thừa Chí gật đầu. An đại nương lại nói: “Ta chỉ cấp cứu tạm thời, giữ cho độc khí ở vết thương không chạy lung tung, chứ không chữa Thôi thúc thúc lành hẳn được đâu. Vì thế bác câm phải cõng Thôi thúc thúc đi tìm người khác để chữa trị. Khi lành vết thương, thúc thúc sẽ đến đây với con.”
Thừa Chí nghe vậy mới từ từ nín khóc. An đại nương nói: “Thúc thúc sẽ lành bệnh nhanh thôi. Bây giờ con đi rửa mặt đi, rồi vào ăn cơm.”
Ăn cơm xong, An đại nương bảo Viên Thừa Chí kể lại tỉ mỉ những chuyện đã qua, vừa nghe vừa không ngớt than thở. Thế là Viên Thừa Chí tạm trú lại đây.
*
* *
An đại nương bảo Viên Thừa Chí biểu diễn lại tất cả những võ công đã học cho bà xem. Xem xong, bà gật đầu nói: “Vậy là khó cho con lắm rồi.”
Từ đó, ngày nào An đại nương cũng bảo Viên Thừa Chí tự mình luyện võ. Hay dở thế nào, bà chẳng bao giờ chỉ điểm thêm, mà lúc Viên Thừa Chí luyện võ bà cũng rất ít khi đứng xem. Tiểu Huệ thường chơi chung với cậu, nhưng khi cậu luyện võ, cô bé cũng bị mẹ kêu đi chỗ khác.
Thừa Chí từ nhỏ đã mất cha mẹ. Tuy rằng Ưng Tùng, Chu An Quốc mọi người chăm lo cho cậu rất chu đáo, nhưng họ đều là tướng quân quát gió gầm mây, dĩ nhiên chăm sóc trẻ nít không chu đáo được. Bây giờ cậu được An đại nương đối xử như một người mẹ hiền, quan tâm chu đáo, lại có Tiểu Huệ làm bạn, nên cuộc sống lúc này có thể nói là những ngày tháng ấm cúng nhất, hạnh phúc nhất mà từ nhỏ cậu chưa được biết. Chỉ có điều ngày nào cậu cũng lo lắng, không biết Thôi thúc thúc bao giờ mới trở về.
Mới đó mà đã mười mấy ngày. Hôm đó An đại nương phải lên thị trấn để mua thực phẩm, lại còn phải đi cắt vải để may quần áo cho Viên Thừa Chí. Hôm gặp nạn trên đỉnh Thánh Phong, cậu phải lăn lê bò lết, quần áo bị đá núi cành cây làm cho rách nát hết. Tuy An đại nương đã vá lại cho, nhưng đầy người vá víu chẳng dễ coi gì.
An đại nương dặn dò hai đứa bé ở nhà, đừng vào trong núi kẻo gặp sói. Chúng ngoan ngoãn vâng dạ.
An đại nương đi rồi, hai đứa bé đều vâng lời không bước ra ngoài, ở trong nhà kể chuyện cho nhau nghe. Chúng chơi trốn tìm được nửa ngày, rồi lấy chén đũa nhỏ để chơi đồ hàng, giả bộ nấu cơm. Tiểu Huệ nói: “Huynh ở đây làm gà đi, để muội đi mua thịt.”
Làm gà chính là xắt củ cải thành miếng nhỏ, còn mua thịt là đi nhặt hạt dẻ ở ngoài cửa.
Tiểu Huệ ra ngoài nhặt hạt dẻ, khá lâu không thấy trở vào. Viên Thừa Chí kêu lớn tiếng: “Tiểu Huệ, Tiểu Huệ”, cũng không nghe trả lời. Cậu nhớ đến lời An đại nương dặn, sợ cô bé gặp sói thật, liền xuống bếp lấy một cây chĩa dùng để đun củi, chạy ra ngoài cửa.
Vừa ra khỏi cửa, cậu giật mình nhìn thấy Tiểu Huệ bị một tên võ quan kẹp vào nách, định bắt xuống núi. Tiểu Huệ vừa giãy giụa vừa la ầm lên. Thừa Chí quát một tiếng, cầm cây chĩa đâm vào sau lưng tên võ quan.
Tên võ quan không kịp đề phòng, bị đâm trúng ngay. Nhưng Viên Thừa Chí thấp bé nên không đâm được vào lưng, chỉ đâm tới mông hắn. May mà cây chĩa này dùng để cời than nên không bén nhọn gì, không đâm sâu vào thịt.
Đại hán giận dữ thả Tiểu Huệ xuống, rút soạt đơn đao, quay lại chém tới. Viên Thừa Chí từng học thương pháp với Nghê Hào, liền cầm cây chĩa thi triển những chiêu thức Nhạc Gia Thần Thương, có công có thủ, đánh nhau kịch liệt với tên võ quan đó.
Đại hán kia sức mạnh đao bén, thế mà Viên Thừa Chí dựa vào thân pháp nhanh nhẹn cũng đối phó được mười mấy chiêu. Đại hán thấy mình đánh mãi không thắng một đứa bé, trong lòng không khỏi lo thầm. Hắn khom người xuống, thay đổi đấu pháp.
Lúc đầu hắn ra chiêu quá nửa là vô dụng, vì thân hình của Viên Thừa Chí quá thấp nên hễ hắn nhắm vào thượng bàn là hụt hết. Hắn phát giác ra, liền chuyển sang dùng địa đường đao pháp, nhưng cảm thấy đối phó với một đứa trẻ nít không cần phải dùng toàn lực, nên không nằm rạp xuống đất để xuất chiêu.
Chỉ như thế Viên Thừa Chí cũng khó chống đỡ lắm rồi. Trong lúc nguy cấp, An Tiểu Huệ bỗng xách một cây trường kiếm ra, đâm vào người tên đại hán. Hắn cất tiếng thóa mạ: “Ái chà! Con bé này cũng muốn chết phải không?”
Tên võ quan cầm đơn đao gạt ngang ra, muốn đánh văng thanh trường kiếm trong tay Tiểu Huệ. Cô bé thân thủ cũng rất linh hoạt, xoay trường kiếm lại đâm vào sau đùi hắn. Đồng thời Thừa Chí cũng đâm cây chĩa tới. Đại hán cùng lúc bị hai đứa bé làm bối rối cả tay chân, quát tháo chửi mắng lung tung.
Lúc đầu thấy Tiểu Huệ tới giúp một tay, Viên Thừa Chí cứ lo cô bé bị thương. Nhưng xem được hai chiêu ba thức, cậu mới thấy thân thủ của cô khá nhanh, kiếm pháp cũng rất thuần thục. Viên Thừa Chí trẻ con hiếu thắng, quyết không chịu thua kém, nên múa cây chĩa càng gấp rút hơn.
Đại hán thấy thương pháp và kiếm pháp của hai đứa trẻ này rất bài bản, chỉ vì khí lực quá yếu nên thành vô dụng. Dù sao hắn cũng phải phong tỏa hết những chỗ sơ hở của mình, vừa cười gằn vừa mắng nhiếc mà cầm cự. Cứ thế một hồi, quả nhiên hai đứa bé bị hao sức, gượng không nổi nữa. Đại hán đưa đơn đao lên, dùng hết sức gạt vào trường kiếm của Tiểu Huệ.
Tiểu Huệ tránh không kịp, để trường kiếm bị đơn đao chạm vào. Cô bé nắm không vững, kiếm lập tức vuột khỏi tay bay tít ra xa. Thừa Chí kinh hãi, vội múa cây chĩa đâm vào trước mặt hắn. Đại hán đưa đao lên cản, đồng thời phóng cước ra đá vào Tiểu Huệ.
Viên Thừa Chí không đếm xỉa gì đến tính mạng mình nữa, cầm chĩa cố hết sức tấn công. Nhưng trong lòng cậu bé đã hoảng loạn, nên sử cây chĩa không thành bài bản nữa.
Đại hán cười lên ha hả, tiến lên một bước, vung đao chém từ trên đầu xuống. Thừa Chí đưa chĩa lên đỡ, hắn dùng tay trái túm được, vận sức bẻ mạnh. Thừa Chí vừa thấy cổ tay đau nhói, cây chĩa đã tuột khỏi tay.
Đại hán bỏ mặc cậu, tiện tay quẳng cây chĩa đi, chạy đến bên Tiểu Huệ. Hắn vung tay phải ra ôm lấy lưng Tiểu Huệ, bế thốc cô bé chạy xuống núi.
Cổ tay Viên Thừa Chí rất đau, nhưng cậu thấy Tiểu Huệ bị bắt, liền lượm cây chĩa rượt theo. Gã đại hán kia mắng: “Thằng tiểu quỷ này, muốn chết hay sao?”
Tay trái hắn ôm chặt Tiểu Huệ, tay phải vung đao quay lại chém. Viên Thừa Chí tránh được năm sáu chiêu, cuối cùng tay trái bị đơn đao xén đi một mảnh áo, da bị rạch một đường, máu tươi ứa ra ngoài. Đại hán mỉm cười hỏi: “Tiểu quỷ! Còn dám đuổi nữa không?”
Viên Thừa Chí vẫn không lùi bước, la lên: “Ngươi bỏ Tiểu Huệ xuống đi, ta sẽ không đuổi nữa.” Cậu bé cứ xách cây chĩa mà đuổi mãi không chịu thôi.
Đại hán nổi giận, sinh ra ác tâm. Hắn nghĩ bụng: “Hôm nay mà không kết liễu thằng tiểu quỷ này, thì nó cứ lẵng nhẵng mãi không sao thoát được”.
Hắn quát lên một tiếng, quay người lại vung đao chém loạn lên. Mới được vài hiệp, hắn đã dùng chân phải quét ngang, đá ngã được Viên Thừa Chí. Phen này hắn không dung tình nữa, vung đao lên muốn chém chết cậu bé. Tiểu Huệ vô cùng kinh hãi, dùng cả hai tay níu kéo cánh tay của hắn, ra sức cắn vào cổ tay một cái. Đại hán đau quá, giận dữ thét lên be be. Thừa Chí thừa cơ lăn người ra ngoài thoát được.
Gã đại hán vung tay tát bốp vào mặt Tiểu Huệ, lại múa đao chém tới Thừa Chí. Cậu nghiêng người tránh né, nhưng cũng bị mũi đao nhọn hoắt vạch trúng lông mày bên trái, máu tươi đã chảy ra.
Đại hán nghĩ rằng cậu bé không dám đuổi theo nữa, nên xách Tiểu Huệ lên chạy đi. Nào ngờ Thừa Chí như lên cơn điên, lại xô tới ôm chặt lấy hắn. Trong lúc gấp rút mà cậu vẫn nhớ được Phục Hổ Chưởng, ra chiêu Đảo Ngũ Kim Chung toan bẻ ngược chân trái của hắn lại.
Đúng là Thừa Chí đã thừa hưởng tính cách quật cường, thà chết không khuất phục của phụ thân. Tình thế nguy cấp đến thế, mà cậu vẫn không chịu để Tiểu Huệ bị địch thủ bắt đi.
Gã đại hán kia vừa đau vừa tức, co chân phải lên đá Viên Thừa Chí lộn ngửa ra ngoài. Hắn vung đao lên, đang muốn chém xuống, đột nhiên nghe phía sau có tiếng hét, rồi sau gáy nghe một tiếng “bốp”. Gáy hắn ướt đẫm, có cái gì đó bầy nhầy dính dính. Hắn không biết có phải mình bị người ta đánh cho chảy máu hay không, giật mình quay đầu lại thì thấy An đại nương đứng xa mấy trượng, hai tay đang vung lên.
Gã đại hán biết bà lợi hại, liền bỏ Thừa Chí lại, toan ôm Tiểu Huệ chạy trốn. An đại nương lại vẫy tay, ba quả trứng gà liên tiếp ném vào mặt hắn. Đại hán né tả né hữu tránh được hai quả, còn quả thứ ba không thể né kịp nữa. “Bụp” một tiếng, hắn bị trúng ngay sống mũi, lòng trắng lòng đỏ chảy xuống đầy mặt.
An đại nương nhặt đến quả trứng cuối cùng, lại ném trúng vào mắt trái hắn. Thủ kình của bà không yếu, tuy chỉ là một quả trứng mà đối phương cũng phải váng cả mặt mày.
Gã đại hán cất tiếng thóa mạ: “Con mẹ nó! Ngươi không xào trứng để mời lão gia ăn thì thôi, lại còn dùng trứng để đánh lão gia.”
Hắn ném Tiểu Huệ xuống đất, đưa tay trái lên xoa mắt mấy cái, xách đao nhảy về phía An đại nương. Trong tay An đại nương không có binh khí, chỉ còn cách tránh né liên tục.
Viên Thừa Chí thấy bà nguy cấp, liền xách chĩa tới đâm vào sau lưng gã đại hán. Cậu bé thấy đã có người trợ giúp, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Cây chĩa trên tay vừa gạt vừa đâm, vừa công vừa thủ, quả nhiên sử được Nhạc Gia Thần Thương tới ba phần công lực.
An đại nương rảnh tay một chút, liền nảy ra một ý. Bà lấy trong giỏ ra tấm vải mới mua để may quần áo cho Viên Thừa Chí, giũ thẳng ra trước gió, ném xuống khe suối sau lưng mình. Bà lại nhặt ba hòn đá ném tới.
Gã đại hán vừa phải tránh né mấy cục đá, vừa phải đề phòng cây chĩa, liền lùi ba bước. An đại nương nhặt lấy tấm vải đã thấm nước, hét lên: “Hồ lão tam! Ngươi thừa lúc ta không có nhà mà đến đây ăn hiếp bọn trẻ con, như vậy gọi là hảo hán sao?”
Bà vừa quát vừa vung tấm vải ướt đẫm lên, đánh tới gã đại hán. Tuy nội lực của bà không đủ để múa tấm vải ướt thành một cây côn, nhưng tấm vải dài thấm nước khi vẫy ra cũng khá có lực đạo.
Hồ lão tam chau mày, phóng cước đá ngã Viên Thừa Chí, rồi quay lại đánh với An đại nương. Viên Thừa Chí bò dậy, nhặt lấy cây chĩa, lại nhảy vào đánh tiếp.
Võ công của An đại nương vốn đã trên Hồ lão tam, bây giờ trong lòng phẫn nộ, tấm vải ướt càng lúc càng lợi hại hơn. Lưng của Hồ lão tam liên tục bị tấm vải đánh trúng, nước bắn tung toé, sau lưng đã cảm thấy tê nhức. Hắn xuất thủ hơi chậm một chút, đơn đao đã bị tấm vải quấn lấy kéo ngược lại, tuột khỏi tay.
Hắn tung người nhảy lùi hai bước, vừa cười gằn dữ tợn vừa nói: “Ta được chồng ngươi nhờ vả, nên mới đến đây đón con gái của ông ấy về. Đã là âm hồn bất tán, nhất định có ngày chúng ta sẽ quay trở lại. Con mụ kia! Cẩm y vệ như ta mà ngươi cũng dám đắc tội, thật sự không sợ vương pháp hay sao?”.
An đại nương nhíu đôi lông mày, lại vung tấm vải ướt lên quét ngang tới. Hồ lão tam đã đề phòng chiêu này, nói vừa dứt câu đã tung người nhảy lùi ra. Hắn đứng xa xa, chỉ trỏ chửi mắng: “Con mẹ nó! Hôm nay coi như ngươi mời ta ăn hột gà sống. Có ngày lão gia cũng bắt được ngươi nhốt vào thiên lao. Lúc đó ta sẽ xẻo thịt mông của mụ để xào măng, lại cắm mười cây tăm tre vào mười đầu ngón tay mụ, cho mụ nếm thử mùi vị. Hôm nay nể mặt chồng mụ, ta tạm tha cho mụ một phen”.
Chửi được mấy câu, hắn quay đầu chạy xuống núi. An đại nương không đuổi theo, quay lại xem xét Tiểu Huệ và Thừa Chí.
Tiểu Huệ không bị thương, nhưng hoảng sợ đến nỗi ngơ ngác thất thần, hồi lâu mới nhảy vào lòng mẹ khóc rống lên. Còn Thừa Chí thì máu tươi chảy đầy mặt đầy người. An đại nương liền rửa sạch vết thương cho cậu, lấy thuốc ra băng bó. May mà hai nhát đao không sâu lắm, chảy máu nhiều nhưng thương thế không nặng.
An đại nương bế Viên Thừa Chí vào giường ngủ, rồi mới bảo Tiểu Huệ kể lại tỉ mỉ vừa rồi Viên Thừa Chí liều mạng cứu mình như thế nào.
An đại nương nhìn Thừa Chí, trong lòng thầm nghĩ: “Không ngờ tuổi nó còn nhỏ như vậy mà đã có tấm lòng nghĩa hiệp rồi. Chúng ta không thể ở đây lâu dài nữa, phải có cách để giúp đỡ nó cho tốt đẹp hơn”.
Bà bảo Tiểu Huệ: “Con cũng đi ngủ đi. Tối nay chúng ta phải rời khỏi đây”.
Tiểu Huệ đã cùng mẹ chuyển chỗ ở quen lắm rồi, nên không ra vẻ kinh ngạc gì. An đại nương thu dọn một ít đồ đạc cần dùng, xếp vào hai cái bao.
Ăn cơm tối xong, ba người thắp đèn cầy ngồi đó. An đại nương không chốt cửa, hình như đang đợi cái gì.
Đôi mày xinh đẹp khẽ chau lại, bà chống cằm ngơ ngẩn. Lát sau khóe mắt bà hơi đỏ lên, hình như nước mắt sắp lăn xuống. Viên Thừa Chí thấy vậy thầm nghĩ: “Tên Hồ lão tam kia nói là chồng của An thẩm thẩm bảo hắn đến đây đón Tiểu Huệ về, không biết vì lý do gì. Chồng của An thẩm thẩm bức hiếp bà, khi mình lớn lên, luyện võ nhiều rồi, nhất định phải đánh cho hắn một trận để An thẩm thẩm hả dạ. Nhưng khi Tiểu Huệ thấy gia gia bị mình đánh, không biết có vui mừng hay không?”.
Cậu lại nghĩ: “Hồ lão tam tự xưng là cẩm y vệ. Hừ, bọn cẩm y vệ cực kỳ tệ hại, má má của mình cũng bị chúng bắt đi hại chết. Sẽ có một ngày mình giết sạch bọn cẩm y vệ, trả thù cho má má”.
Sau khi Viên Sùng Hoán bị Sùng Trinh xử tử, huynh đệ và thê tử của ông đều bị hoàng đế hạ chỉ sung quân, đày ra ngoài ba vạn dặm. Khi cẩm y vệ đến bắt người nhà họ Viên, đám thuộc hạ của Viên Sùng Hoán biết tin kéo đến cứu Viên Thừa Chí ra, nhưng Viên phu nhân thì không cứu được. Năm xưa cẩm y vệ đến bắt người tịch thu gia sản, tên nào cũng ra vẻ hung dữ như sài lang hổ báo. Hình ảnh đó đã in rất sâu trong trí của Viên Thừa Chí từ thuở nhỏ.