“Thần điêu hiệp lữ” được đăng tải lần đầu tiên tờ “Minh báo” ngày 20 tháng 5 năm 1959. Bộ tiểu thuyết được đăng báo chừng ba năm, cũng là được viết trong ba năm. Ba năm ấy là giai đoạn mới ra mắt và gian khổ nhất của tờ “Minh báo”. Khi tôi sửa lại, hầu như ở mỗi đoạn tôi đều nghĩ đến tình cảnh vất vả mà tôi cùng mấy vị đồng sự từng gánh chịu năm xưa.
“Thần điêu hiệp lữ” muốn thông qua nhân vật Dương Quá miêu tả sự trói buộc của tập tục lễ giáo thế gian đối với tâm linh và hành vi của con người. Tập tục lễ giáo đều mang tính chất tạm thời, nhưng trong thời gian tồn tại, chúng có một sức mạnh xã hội cực kỳ mạnh mẽ. Quan niệm thày trò không được kết hôn, trong ý nghĩ của con người hiện đại dĩ nhiên đã không còn tồn tại, song vào thời đại của Quách Tĩnh, Dương Quá, thì đó là thiên kinh địa nghĩa. Liệu rằng rất nhiều tập tục qui định mà thời nay chúng ta coi là thiên kinh địa nghĩa, vài trăm năm nữa có thể sẽ bị người ta cho là hoàn toàn vô nghĩa hay chăng?
Quy phạm đạo đức, chuẩn mực hành vi, phong tục tập quán là các mô hình hành vi xã hội thường tùy thời đại mà thay đổi, song tính cách và tình cảm của con người thì thay đổi rất chậm. Niềm vui, nỗi buồn, niềm đau, nỗi nhớ trong Kinh Thi ba ngàn năm trước, so với tình cảm của chúng ta thời nay hoàn toàn không có khác biệt gì lớn. Bản thân tôi thủy chung cảm thấy trong bộ tiểu thuyết, tính cách và tình cảm của con người quan trọng hơn rất nhiều so với ý nghĩa xã hội. Quách Tĩnh nói:“Vì nước vì dân mới là bậc đại hiệp”. Câu này đến thời đại ngày nay vẫn có ý nghĩa tích cực lớn lao. Nhưng tôi tin chắc rằng trong tương lai, giới hạn quốc gia nhất định sẽ bị xóa bỏ, khi đó những quan niệm như “yêu nước”, “chống địch” sẽ chẳng còn ý nghĩa gì đáng kể. Còn những tình cảm và phẩm đức, như tình ruột thịt giữa cha mẹ con cái anh em, tình bạn chân thành, tình yêu nam nữ, chính nghĩa, nhân thiện, dũng cảm cứu người, hiến thân cho xã hội v.v… tôi tin rằng từ nay trở đi trong một thời gian lâu dài vẫn sẽ được mọi người ca ngợi, mà có lẽ không một thứ lý luận chính trị, chế độ kinh tế, cải cách xã hội, tín ngưỡng tôn giáo nào thay thế được.
Truyện tiểu thuyết võ hiệp không tránh khỏi sự ly kỳ và trùng hợp quá mức. Tôi chỉ cố làm sao để chuyện võ công có thể không thành sự thực, nhưng tính cách con người thì cần phải thành sự thực. Chuyện li hợp của Dương Quá và Tiểu Long Nữ quá ly kỳ, tựa hồ toàn do ý trời và sự trùng hợp, thực ra nên coi đó là kết quả của tính cách hai người. Hai người ấy nếu không chung tình đến mức ấy, cả hai nhất định sẽ không nhảy xuống sơn cốc, Tiểu Long Nữ nếu tính cách không lạnh lùng, nhất định sẽ khó lòng sống một mình dưới đáy sơn cốc mười sáu năm trời. Dương Quá nếu không chí tình như thế, tất nhiên cũng sẽ không thủy chung suốt mười sáu năm, dù chết cũng không hối hận. Đương nhiên, nếu dưới đáy sơn cốc không phải là đầm sâu, mà là nham thạch cả, thì hai người nhảy xuống đó sẽ tan xương nát thịt, chỉ chết cùng một chỗ mà thôi. Thế sự ngẫu hợp biến ảo, thành bại cùng thông tuy có liên quan đến cơ duyên, vận khí, có may rủi, nhưng suy cho cùng, vẫn là do tính cách con người mà ra.
Giống quái điểu Thần điêu không có trong thế giới hiện thực. Ở đảo Madagasca châu Phi có một loài “chim voi” (Aepyornistitan) thân cao hơn mười thước Anh, trọng lượng một ngàn pound (khoảng 450 kg), là loài chim lớn nhất thế giới, đã tuyệt chủng vào khoảng năm 1660. Loài “chim voi” này chân rất nhỏ, thể trọng quá lớn, không thể bay được. Trứng của loài “chim voi” to gấp sáu lần trứng đà điểu. Tại Viện bảo tàng New York, tôi đã nhìn thấy trứng hóa thạch của loài “chim voi”, to hơn cái ấm tích một chút. Nhưng tôi tin rằng trí khôn của loài “chim voi” nhất định rất thấp.
Bản “Thần điêu hiệp lữ” đã tu sửa này có một số thay đổi không thật lớn, chủ yếu là bổ sung những chỗ bị bỏ sót trong nguyên tác.
Tháng 5 năm 1976