Mọi người lo lắng cho thương thế của Trương Vô Kỵ nên không đuổi theo, vội vàng xúm lại quanh chàng. Chàng mỉm cười, tay phải xua xua nhẹ, ý nói không sao cả. Cửu dương thần công trong cơ thể phát động, đẩy khí âm hàn của Huyền Minh thần chưởng ra ngoài; đỉnh đầu chàng giống như một cái nồi hấp, từng làn hơi trắng cứ không ngớt bốc lên. Chàng cởi áo ngoài, hai mạng sườn in đậm vết hai bàn tay đen sậm. Cửu dương thần công vận hành một hồi, hai vết tay đó từ màu đen chuyển sang màu tím, từ màu tím chuyển sang màu tro, cuối cùng biến mất hoàn toàn. Trước sau chưa đến nửa canh giờ; ngày xưa mấy năm chưa khu trừ được khí âm độc của Huyền Minh thần chưởng; ngày nay trong giây lát đã trừ sạch. Chàng đứng dậy, nói:
– Lần này tuy hung hiểm thật, nhưng cuối cùng chúng ta đã nhận biết mặt mũi kẻ thù.
Khi “Huyền Minh nhị lão” đối chưởng với Dương Tiêu và Vi Nhất Tiếu, thì trước đó đã bị Cửu dương thần công của Trương Vô Kỵ xung kích, khí âm độc trong chưởng lực chưa đến hai thành so với khi bình thường, vậy mà Dương, Vi hai người phải ngồi vận khí rất lâu mới đẩy hết khí độc. Trương Vô Kỵ quan tâm đến thương thế của thái sư phụ, nhưng Trương Tam Phong nói:
– Nội công của hỏa công đầu đà không đáng ngại, ngoại công tuy cương mãnh, song còn thua xa Huyền Minh thần chưởng; thương thế của ta không đáng ngại.
Lúc đó chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim kỳ là Ngô Kình Thảo bước vào bẩm báo đã đuổi hết bọn địch xâm phạm xuống chân núi. Du Đại Nham sai tri khách đạo sĩ bày tiệc chay thết đãi quần hào Minh giáo. Trong bữa tiệc, Trương Vô Kỵ kể lại duyên do từ ngày cáo biệt tới giờ cho Trương Tam Phong và Du Đại Nham nghe. Ai nấy kinh ngạc thở dài. Trương Tam Phong nói:
– Năm xưa cũng tại điện Tam Thanh này, ta từng đối chưởng với một ông già, song hồi ấy lão ta mặc giả làm quan quân Mông Cổ, không biết là ai trong hai lão già vừa rồi. Nói ra thật hổ thẹn, đến tận hôm nay chúng ta vẫn chưa biết lai lịch kẻ thù như thế nào.
Dương Tiêu nói:
– Không biết thiếu nữ họ Triệu kia lai lịch ra sao, mà ngay cả hai cao thủ như Huyền Minh nhị lão cũng cam tâm để cho cô ả sai khiến.
Mọi người sôi nổi suy đoán, nhưng chưa biết đúng sai thế nào.
Trương Vô Kỵ nói:
– Trước mắt có hai việc lớn. Một là đi lấy Hắc ngọc đoạn tục cao để trị thương cho Du tam sư bá và Ân lục sư thúc. Hai là nghe ngóng tin tức xem nhóm Tống đại sư bá đang ở đâu. Cả hai chuyện lớn đó đều dính dáng tới cô nương họ Triệu.
Du Đại Nham cười gượng nói:
– Ta tàn phế đã hai mươi năm, dù có tiên đan thần dược chắc cũng chả chữa khỏi; hãy lo việc cứu đại ca, lục đệ cần hơn.
Trương Vô Kỵ nói:
– Việc không nên chậm trễ. Ba vị Dương tả sứ, Vi Bức Vương và Thuyết Bất Đắc cùng bổn nhân xuống núi truy tìm tung tích bọn địch. Các vị chưởng kỳ phó sứ Ngũ Hành kỳ hãy chia nhau đến các phái Nga Mi, Côn Luân, Không Động, Thiếu Lâm, nam Phúc Kiến, năm nơi ấy liên lạc, nghe ngóng tin tức. Ông ngoại và cậu đi Giang Nam chỉnh đốn giáo chúng Thiên Ưng kỳ. Thiết Quan đạo trưởng, Chu tiên sinh, Bành đại sư cùng các chưởng kỳ sứ Ngũ Hành kỳ tạm ở lại núi Võ Đang, nghe lệnh thái sư phụ ta Trương chân nhân, sẵn sàng ứng phó.
Chàng thuận miệng phát lệnh ngay tại bàn tiệc. Ân Thiên Chính, Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu mọi người nghe nhắc đến mình đều đứng dậy, cúi mình nhận lệnh.
Trương Tam Phong thoạt đầu còn lo chàng quá trẻ, làm sao đủ khả năng thống lĩnh quần hào, lúc này thấy chàng ban phát hiệu lệnh, các đại hào kiệt võ lâm như Ân Thiên Chính, Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu đều nhất nhất tuân theo, thì cả mừng, nghĩ thầm: “Y học được Thái cực quyền và Thái cực kiếm của ta, chẳng qua là nhờ nội công có căn bản, ngộ tính cao, tuy cũng hiếm có, nhưng chưa thật quý. Còn như y có thể cai quản các đại ma đầu của Minh giáo, Thiên Ưng giáo, đưa họ trở lại con đường chính nghĩa, thế mới thực chuyện đại sự. Ôi, Thúy Sơn có người nối dõi, Thúy Sơn có người nối dõi rồi!” Nghĩ đến đó, Trương lão vuốt râu mỉm cười.
*
* *
Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu và Thuyết Bất Đắc bốn người ăn no rồi, liền từ biệt Trương Tam Phong, xuống núi thám thính hành tung của Triệu Mẫn. Nhóm Ân Thiên Chính tiễn một quãng xa. Dương Bất Hối lưu luyến không muốn rời xa phụ thân, lại tiễn thêm một dặm nữa. Dương Tiêu nói:
– Bất Hối, con về đi, hãy cố săn sóc cho Ân lục thúc.
Dương Bất Hối đáp:
– Vâng.
Nàng nhìn Trương Vô Kỵ, đột nhiên má đỏ bừng, nói nhỏ:
– Vô Kỵ ca ca, muội muốn nói với huynh vài lời.
Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu và Thuyết Bất Đắc ba người cười thầm: “Hai cô cậu có tình thanh mai trúc mã, thân nhau từ nhỏ, thể nào chẳng có chuyện muốn thổ lộ với nhau”, họ bèn rảo bước đi cách xa hẳn ra.
Dương Bất Hối nói:
– Vô Kỵ ca ca, lại đây nào.
Bất Hối dắt tay chàng ngồi xuống một tảng đá lớn bên sườn núi.
Trương Vô Kỵ trong lòng nghi hoặc, tự hỏi: “Ta và Bất Hối muội quen nhau từ nhỏ, giao tình thân mật. Thế mà lần này gặp lại sau bao lâu xa cách, nàng tỏ ra hết sức lạnh nhạt với ta, bây giờ lại bảo muốn nói chuyện là sao?” Chỉ thấy Dương Bất Hối chưa mở miệng đã đỏ mặt, cúi đầu lặng thinh hồi lâu, rồi mới nói:
– Vô Kỵ ca ca, khi mẫu thân muội qua đời, có ủy thác cho ca ca trông nom muội phải không?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Đúng thế.
Dương Bất Hối nói:
– Ca ca không quản vạn dặm xa xôi đưa muội từ bên bờ Hoài Hà đến tận Tây Vực giao cho phụ thân muội, dọc đường bao lần vào sinh ra tử, trăm cay ngàn đắng. Đại ân không thể đền đáp bằng lời, ân tình ấy muội ghi khắc trong đáy lòng, trước nay chưa nói với ca ca một lời.
Trương Vô Kỵ nói:
– Chuyện đó có gì đáng nói kia chứ? Nếu huynh không đưa muội đi Tây Vực, chắc huynh không có cơ duyên gặp gỡ kỳ ngộ, chỉ e đã chết vì chất độc phát tác từ lâu rồi.
Dương Bất Hối nói:
– Không, không đâu! Ca ca nhân hậu, hiệp nghĩa thì mọi việc gặp hung sẽ đều hóa cát. Vô Kỵ ca ca, mẹ muội mất sớm, cha muội tuy thân, nhưng có một vài chuyện muội không dám thưa với cha. Ca ca là giáo chủ của bản giáo thật, nhưng trong lòng muội, muội vẫn coi ca ca như anh ruột của mình. Bữa nọ trên đỉnh Quang Minh, thấy ca ca lành lặn trở về, muội mừng quá không nói nên lời, có điều là chưa tiện nói với ca ca, ca ca không giận muội chứ?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Không trách, dĩ nhiên là không giận.
Dương Bất Hối nói:
– Muội đối xử với Tiểu Chiêu quá hung ác, tàn nhẫn, chắc ca ca thấy chướng mắt lắm. Chỉ vì mẹ muội bị chết thảm, nên đối với kẻ ác, muội rất căm giận. Về sau thấy Tiểu Chiêu đối tốt với ca ca, muội không ghét nó nữa.
Trương Vô Kỵ mỉm cười, nói:
– Tiểu a hoàn Tiểu Chiêu quả có điều kỳ dị, nhưng huynh thấy cô nàng không phải kẻ xấu.
Lúc này trời đã ngả chiều, gió thu thổi vào mặt se se lạnh. Dương Bất Hối mắt long lanh, giọng dịu dàng, hỏi:
– Vô Kỵ ca ca, ca ca bảo cha mẹ muội đối xử không phải với Ân… Ân… lục thúc, có đúng không?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Chuyện dĩ vãng, mình cũng không nên nhắc đến nữa.
Dương Bất Hối nói:
– Không, đối với người ngoài thì đó là chuyện dĩ vãng, nhưng muội cũng đã mười bảy tuổi rồi. Thế nhưng Ân lục thúc thủy chung vẫn không quên mẹ của muội. Hiện tại Ân lục thúc bị trọng thương, mê nhiều hơn tỉnh, vẫn thường cầm tay muội không ngớt gọi “Hiểu Phù! Hiểu Phù! Nàng đừng bỏ ta, chân tay ta gãy cả, ta thành phế nhân rồi, ta van nàng đừng rời bỏ ta, đừng làm ngơ với ta!’”
Dương Bất Hối nói tới đây thì nước mắt rưng rưng, vô cùng xúc động.
Trương Vô Kỵ nói:
– Lời đó chẳng qua Ân lục thúc nói ra trong lúc thần trí nửa mê nửa tỉnh thôi.
Dương Bất Hối nói:
– Chẳng phải đâu! Ca ca không rõ, chứ muội biết rõ lắm. Khi tỉnh lại, Ân lục thúc nhìn muội, ánh mắt và vẻ mặt vẫn thế, có ý cầu khẩn muội đừng bỏ rơi, chỉ là không dám nói thành lời mà thôi.
Trương Vô Kỵ thở dài, biết vị sư thúc này võ công tuy cao song tính tình quá yếu đuối. Hồi nhỏ chàng thường thấy chỉ vì một chuyện nhỏ, Ân lục thúc cũng khóc một hồi, cái chết của Kỷ Hiểu Phù đối với ông quả là một cú đòn quá mạnh; bây giờ tứ chi lại bị gãy, chẳng trách ông kinh hoảng bất an. Chàng bèn nói:
– Huynh sẽ bằng mọi cách đoạt lấy Hắc ngọc đoạn tục cao để chữa trị cho tam sư bá và lục sư thúc.
Dương Bất Hối nói:
– Mỗi lần Ân lục thúc nhìn muội như thế, muội lại thấy cha mẹ muội đã có lỗi với Ân lục thúc, lại càng thấy ông ấy đáng thương hơn. Vô Kỵ ca ca, muội đã chính miệng nói bằng lòng với Ân… Ân lục thúc, chân tay ông ấy khỏi cũng thế, cả đời tàn phế cũng thế, muội sẽ ở bên cạnh Ân lục thúc suốt đời, mãi mãi không xa rời.
Nói tới đây, nước mắt nàng chảy ròng ròng, song thần thái lại nửa phần thẹn thùng, nửa phần vui thích.
Trương Vô Kỵ kinh ngạc, không ngờ cuối cùng nàng lại phó thác cả cuộc đời cho Ân Lê Đình, chàng nhất thời chưa biết nói sao, chỉ ấp úng:
– Muội… muội…
Dương Bất Hối nói:
– Muội đã nói chắc như đinh đóng cột với Ân lục thúc rằng sẽ theo ông. Dù cả đời Ân lục thúc không cử động được, muội cũng sẽ suốt đời hầu hạ ở bên giường, lo liệu việc ăn uống, trò chuyện giải sầu cho ông.
Trương Vô Kỵ nói:
– Thế nhưng muội…
Dương Bất Hối cướp lời:
– Chẳng phải vì xúc động nhất thời mà muội hứa thế với Ân lục thúc. Trên đường đi muội đã suy nghĩ rất nhiều, rất kỹ rồi. Chẳng riêng Ân lục thúc không xa rời muội được, mà muội cũng không thể xa rời ông ấy. Nếu Ân lục thúc bị thương nặng quá, không chữa nổi, thì muội cũng chẳng thiết sống nữa. Mỗi khi ở bên nhau, Ân lục thúc thẫn thờ nhìn muội khiến muội cảm thấy sung sướng vô cùng. Vô Kỵ ca ca, hồi bé chuyện gì muội cũng kể với ca ca; muội muốn ăn bánh nướng, muội liền nói với ca ca; trên đường đi thấy người ta bán kẹo, muội thèm kẹo cũng nói với ca ca. Hồi đó chúng mình làm gì có tiền mua, nửa đêm ca ca lấy trộm kẹo về cho muội, ca ca còn nhớ chứ?
Trương Vô Kỵ nhớ lại hồi dẫn cô bé đi tìm cha, hai đứa trẻ bơ vơ sống chết có nhau, bất giác bồi hồi, thấp giọng nói:
– Huynh vẫn nhớ.
Dương Bất Hối nói:
– Ca ca đưa kẹo cho muội, muội không nỡ ăn, cứ cầm trong tay đi đường, nắng chiếu làm kẹo chảy mất, muội tiếc rẻ cứ khóc mãi. Ca ca bảo sẽ kiếm cho muội cái kẹo khác, nhưng từ đó đâu còn gặp loại kẹo kia nữa. Về sau tuy ca ca có mua cho muội loại kẹo vừa to vừa ngon hơn, song muội không thích, lại khóc dai, ca ca dỗ không được, bực quá mắng muội là hư, không chịu nghe lời, có đúng không?
Trương Vô Kỵ mỉm cười:
– Chuyện mắng muội thì huynh không nhớ.
Dương Bất Hối nói:
– Tính muội rất cố chấp. Ân lục thúc là chiếc kẹo đầu tiên muội thích, muội sẽ không còn thích chiếc kẹo thứ hai nào khác. Vô Kỵ ca ca, có khi muội nghĩ hết sức trẻ con, rằng ca ca tốt với muội như thế, mấy phen cứu sống muội, muội… muội phải suốt đời nâng khăn sửa túi cho ca ca mới phải. Nhưng muội coi ca ca như anh ruột, trong lòng muội yêu kính ca ca, còn đối với Ân lục thúc thì muội thương và mến không để đâu cho hết. Ân lục thúc gấp mấy lần tuổi muội, lại là trưởng bối của muội, người đời chắc sẽ cười chê muội, cha muội lại là kẻ thù của ông ấy, muội… muội biết là không ổn… nhưng dù thế nào chăng nữa, muội cũng nói hết với ca ca rồi đấy.
Nói tới đó, Dương Bất Hối không dám nhìn mặt Trương Vô Kỵ nữa, đứng dậy chạy lên núi.
Trương Vô Kỵ nhìn theo, khi dáng Bất Hối khuất sau sườn núi, trong lòng tình cảm lẫn lộn, đứng ngẩn ngơ hồi lâu, mới đuổi theo ba người đi trước. Thuyết Bất Đắc, Vi Nhất Tiếu thấy mắt chàng hình như có ngấn lệ thì liếc Dương Tiêu, mỉm cười, ngụ ý: “Chúc mừng huynh nhé, huynh sắp thành nhạc phụ đại nhân của Trương giáo chủ rồi đó”.
Bốn người xuống đến chân núi Võ Đang. Dương Tiêu nói:
– Triệu cô nương tiền hô hậu ủng, chắc chắn sẽ không đi một mình, muốn tìm tung tích nàng ta hoàn toàn không khó. Chúng ta chia ra bốn hướng đông tây nam bắc mà tìm, hẹn trưa mai gặp nhau tại Cốc Thành. Tôn ý của giáo chủ ra sao?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Hay lắm, cứ làm như thế! Bổn nhân sẽ đi về hướng tây.
Cốc Thành nằm ở phía đông núi Võ Đang, chàng đi về hướng tây tra xét, có nghĩa là phải đi xa hơn ba người kia. Chàng dặn họ:
– Huyền Minh nhị lão võ công cực kỳ lợi hại, ba vị nếu gặp họ, tránh được thì nên tránh, chớ một mình động thủ với họ.
Ba người vâng lệnh, lập tức hành lễ từ biệt, chia ra ba hướng đông, nam, bắc mà đi.
*
* *
Về hướng tây là đường núi, Vô Kỵ thi triển khinh công chạy thật nhanh, chỉ hơn một canh giờ đã tới trấn Thập Yển. Chàng ghé vào quán ăn một tô mì, hỏi tiểu nhị có thấy một chiếc kiệu bọc gấm vàng đi qua hay không, điếm tiểu nhị nói:
– Có đấy, còn thêm ba người bị bệnh nặng, nằm trên võng khiêng theo, họ mới đi về hướng trấn Hoàng Long, cách đây chưa đến một canh giờ.
Trương Vô Kỵ cả mừng, nghĩ bụng bọn họ không thể đi nhanh, đợi trời tối đuổi theo sẽ không lộ tung tích mà vẫn chưa muộn. Chàng bèn tìm một nơi kín đáo nằm ngủ một giấc, đến canh một mới đi về hướng trấn Hoàng Long.
Tới trấn Hoàng Long, vẫn chưa sang canh hai, chàng ẩn mình bên một góc tường, thấy đường phố hoàn toàn yên tĩnh, không một bóng người, nhưng trong một gian phòng ở một khách điếm lớn có ánh đèn sáng trưng. Chàng tung mình nhảy lên mái nhà, nhảy vài cái đã tới mái nhà bên cạnh khách điếm, nhìn quanh thấy ở bãi trống bên bờ sông có một cái lều vải lớn, đằng trước đằng sau lều có nhiều bóng người qua lại, canh gác nghiêm mật, chàng nghĩ thầm: “Triệu cô nương ở trong cái lều kia chăng? Nàng ta hình dạng lời lẽ không khác gì người Hán, nhưng hành sự ngang tàng, có vài phần phong thái người Mông Cổ”. Bấy giờ người Mông Cổ cai trị Trung Hoa đã lâu, không ít người Hán khá giả học cách làm sang theo kiểu Mông Cổ, cũng ở trong lều vải, như thế không có gì lạ.
Trương Vô Kỵ đang tính cách làm sao tới gần cái lều kia, bỗng nghe có mấy tiếng rên rỉ vọng ra từ cửa sổ khách điếm. Chàng nghĩ ra một cách, bèn rón rén men tới bên cửa sổ, ngó vào.
Trong phòng có ba người nằm trên ba chiếc giường, trong đó hai người nhìn không rõ mặt. Người thứ ba nằm gần cửa sổ, tay chân đều quấn băng trắng, chính là A Tam; hắn đang rên rỉ, rõ ràng vết thương rất đau đớn. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Chân tay hắn bị ta đánh gãy, thể nào hắn cũng được chữa trị bằng linh dược bản môn Hắc ngọc đoạn tục cao. Giờ ta không cướp lấy, còn đợi khi nào nữa?” Chàng bèn đẩy tung cửa sổ, nhảy vào phòng, có một người đứng trong phòng kinh hãi kêu lên, đấm tới. Trương Vô Kỵ tay trái chộp quyền, tay phải điểm huyệt y, quay lại nhìn hai người nằm kia, chính là A Nhị và Bát Tí Thần Kiếm Phương Đông Bạch. Kẻ vừa bị chàng điểm huyệt mặc áo vải xanh, tay cầm hai cây kim, có lẽ định châm cứu cho ba người kia đỡ đau. Trên bàn có một cái bình màu đen, cạnh bình có mấy nắm ngải cứu.
Trương Vô Kỵ cầm cái bình lên, mở nút ra ngửi, thấy một mùi cay nồng xộc lên mũi. A Tam kêu lên:
– Người đâu, có kẻ đến cướp thuốc…
Trương Vô Kỵ nhanh như gió điểm á huyệt luôn cả ba người, gỡ băng quấn tay chân của A Tam ra xem, quả nhiên thấy tay chân hắn bôi một lớp cao mỏng màu đen. Chàng sợ Triệu Mẫn ngụy kế đa đoan, cố ý bỏ thuốc giả vào trong cái bình kia để đánh lừa chàng, nên chàng vét hết lớp cao trên người A Tam lẫn gã hói A Nhị, bọc vào băng cuốn, dù thuốc trong bình có giả, song thuốc bôi ở vết thương hẳn là phải thật. Kẻ canh gác bên ngoài nghe tiếng kêu, đạp cửa xông vào; Trương Vô Kỵ không thèm nhìn đến, giơ chân đá mỗi người một cái văng hết ra ngoài; trong giây lát tiếng kêu la náo loạn cả lên.
Trương Vô Kỵ liên tiếp đá sáu tên mới vét được già nửa số thuốc cao trên người hai gã A Tam và A Nhị, nghĩ thầm nếu mình dây dưa thêm, để Huyền Minh nhị lão kịp tới thì hỏng hết, bèn nhét bình thuốc và cuộn băng vào bọc, nhấc gã thầy thuốc lên ném qua cửa sổ.
Không ngoài dự liệu của chàng, nghe “bốp” một tiếng, gã thầy thuốc đã bị trúng một chưởng ngã lăn quay, bên ngoài cửa sổ có cao thủ mai phục. Trương Vô Kỵ lợi dụng sát-na đó, phi thân ra, trong bóng đêm thấy bạc quang loang loáng, hai thứ binh khí đâm tới. Chàng bèn tay trái kéo, tay phải dẫn, thi triển tâm pháp Càn khôn đại na di, khiến kiếm của kẻ bên trái đâm trúng gã bên phải, còn mũi giáo của gã bên phải đâm vào kẻ bên trái; bọn kia đang kêu la ầm ỹ thì chàng đã chạy xa rồi.
Trên đường về chàng rất vui; tuy chưa tìm ra Triệu Mẫn, nhưng đã lấy được Hắc ngọc đoạn tục cao, vậy còn hay hơn. Chàng liền về núi Võ Đang, sai Hồng Thủy kỳ phái người tới Cốc Thành báo cho nhóm Dương Tiêu quay trở lại. Trương Tam Phong và những người khác nghe tin lấy được Hắc ngọc đoạn tục cao đều cả mừng.
Trương Vô Kỵ xem kỹ thứ thuốc cao đắp trên người A Tam lấy về, so sánh với thuốc đựng trong chiếc bình, quả đúng là cùng một loại. Chiếc bình này là một khối ngọc lớn tạc nên, đen trong, sờ vào thấy ấm ấm, trông rất cổ kính. Chỉ riêng chiếc bình đã là một báu vật quý hiếm rồi. Chàng không còn nghi ngờ gì nữa, lập tức sai khiêng Ân Lê Đình và Du Đại Nham vào một phòng riêng, kê hai chiếc giường song song.
Dương Bất Hối đi theo vào, nàng không dám nhìn thẳng vào mặt Trương Vô Kỵ, chỉ thấy vẻ mặt nàng rạng rỡ, tâm tình có vẻ vô cùng cảm kích; chứng tỏ việc Trương Vô Kỵ ngày trước dẫn nàng đi Tây Vực tìm cha, uống thay nàng ly rượu độc ở nhà Hà Thái Xung, bấy nhiêu ân tình cũng chưa bằng việc Vô Kỵ chữa khỏi thương tích cho Ân Lê Đình.
Trương Vô Kỵ nói:
– Tam sư bá, các vết thương cũ của sư bá nay đã liền lại, bây giờ muốn chữa bệnh thì điệt nhi phải đánh gãy các xương chân tay rồi nối lại đúng cách, xin sư bá cố chịu đựng cái đau nhất thời này.
Du Đại Nham thực không tin là mình tàn phế đã hai mươi năm giờ lại có thể chữa lành; nhưng cùng lắm dẫu không khỏi thì cũng đến như thế này là cùng; hai chục năm qua ông đã không coi điều gì là đáng sợ nữa, chỉ nghĩ: “Vô Kỵ tận tâm kiệt lực, muốn bù đắp lỗi lầm của cha mẹ, nếu không làm thế thì suốt đời nó không yên tâm. Cái đau nhất thời của ta đâu có đáng kể?” Ông bèn mỉm cười, nói:
– Điệt nhi cứ mạnh tay mà làm.
Trương Vô Kỵ bảo Dương Bất Hối ra ngoài, chàng cởi quần áo Du Đại Nham, dùng tay sờ nắn các chỗ xương gãy thật cẩn thận, sau đó điểm huyệt cho ông mê đi, vận kình ra mười ngón tay, nghe “rắc rắc” liên tiếp nhiều tiếng, chàng bẻ gãy lại nhiều chỗ gãy cũ nay đã liền. Du Đại Nham tuy bị điểm huyệt cho mê đi, song đau quá đến nỗi phải tỉnh lại. Bằng thủ pháp nhanh như gió, Trương Vô Kỵ bẻ gãy xương lớn xương nhỏ, sau đó nối lại chuẩn xác mọi vị trí, bôi Hắc ngọc đoạn tục cao lên trên rồi băng bó lại, cặp nẹp gỗ bên ngoài, cuối cùng là châm cứu cho bớt đau.
Chữa cho Ân Lê Đình dễ dàng hơn nhiều, các chỗ xương gãy khi còn ở Tây Vực chàng đã nắn lại đâu vào đấy, bây giờ chỉ cần bôi Hắc ngọc đoạn tục cao là đủ. Xong xuôi, chàng lệnh cho chánh phó kỳ sứ Ngũ Hành kỳ luân phiên canh gác, đề phòng địch nhân quấy nhiễu.
Chiều hôm đó, Trương Vô Kỵ ăn xong, đang nằm chợp mắt trong vân phòng, bù cho đêm qua vất vả, đang mơ màng thì nghe có tiếng bước nhẹ ngoài cửa, liền tỉnh ngay dậy. Tiểu Chiêu đứng ở ngoài cửa, hỏi nhỏ:
– Có chuyện gì vậy? Giáo chủ đang nghỉ.
Chưởng kỳ sứ Hậu Thổ kỳ là Nhan Viên đáp khẽ:
– Ân lục hiệp đau quá, ngất đi mấy lần, không biết giáo chủ…
Trương Vô Kỵ không đợi y nói hết câu, liền bật dậy, chạy ngay tới phòng bệnh, thấy Ân Lê Đình hai mắt trợn ngược, đã ngất đi. Dương Bất Hối lo cuống quýt, không biết phải làm thế nào, mặt đẫm lệ. Du Đại Nham nằm bên cạnh thì nghiến răng ken két, rõ ràng đang cố nhịn đau, do tính kiên cường nên ông không rên rỉ thôi.
Trương Vô Kỵ thấy tình hình đó, vội nắn bóp các huyệt Thừa Khấp, Thái Dương, Đản Trung của Ân Lê Đình để cứu ông tỉnh lại, rồi quay sang hỏi Du Đại Nham:
– Tam sư bá, các chỗ gãy xương đau lắm sao?
Du Đại Nham đáp:
– Chỗ gãy xương đau thì đã đành, đằng này lục phủ ngũ tạng cứ như bị hàng ngàn vạn con giòi đang rỉa rói, không thể chịu nổi.
Trương Vô Kỵ cả kinh, nghe Du Đại Nham nói, hiển nhiên bị trúng độc nặng, bèn hỏi Ân Lê Đình:
– Còn lục sư thúc chủ yếu thế nào?
Ân Lê Đình nửa tỉnh nửa mê, đáp:
– Ôi, đủ các màu, đỏ có, tím có, xanh có, lục có, vàng có, trắng có, lam có, màu thật đẹp tươi; bao nhiêu bong bóng bay lòng vòng qua lại, thật là đẹp mắt, xem kìa, xem kìa…
Trương Vô Kỵ kêu to “Ối chà!” tưởng ngất ngay tại chỗ. Chàng nghĩ ngay đến trong cuốn Độc kinh của Vương Nạn Cô có chép: “Thất trùng thất hoa cao gồm bảy loại trùng độc, bảy loại hoa độc, nghiền lẫn với nhau, đem nấu mà thành. Người bị trúng độc ban đầu thấy nội tạng bị ngứa ngáy như có bảy loại trùng rỉa rói, sau đó trước mắt thấy hiện ra bảy màu huyền ảo như bảy loại hoa bay lượn chập chờn. Bảy loại trùng, bảy loại hoa dùng để nấu Thất trùng thất hoa cao thì mỗi vùng mỗi người phối chế một kiểu, song linh nghiệm thần hiệu nhất tổng cộng có bốn mươi chín cách, biến hóa thành sáu mươi ba bài thuốc. Chỉ có người chế thuốc biết cách giải thôi”.
Trương Vô Kỵ vã mồ hôi trán, biết rằng vậy là mình lại mắc lừa Triệu Mẫn, nàng đã bỏ “Thất trùng thất hoa cao” vào trong chiếc bình ngọc, lại bôi thứ cao cực độc đó lên người hai gã A Tam, A Nhị, sẵn sàng thí bỏ hai cao thủ đó, cốt sao dụ chàng vào tròng; tâm địa độc ác đến thế, thật ngoài sức tưởng tượng.
Chàng hết sức ân hận, lập tức hành động thật nhanh, tháo mọi nẹp gỗ, dùng rượu rửa sạch chất cao độc đắp trên hai người. Dương Bất Hối thấy Vô Kỵ vẻ mặt nghiêm trọng, biết rằng có chuyện chẳng lành, cũng không hiềm kỵ gì nữa, giúp chàng rửa sạch chân tay cho Ân Lê Đình. Nhưng màu cao đen thấm vào trong da thịt, rửa không sạch, chẳng khác gì thợ sơn bị sơn dính vào tay, không dễ gì rửa một lần sạch luôn.
Trương Vô Kỵ không dám dùng thuốc một cách khinh suất, chỉ dám cho hai người uống loại trấn thống an thần. Chàng bước ra phòng ngoài, vừa lo sợ, vừa xấu hổ, mệt mỏi cả về tâm lẫn xác, hai đầu gối tự nhiên bủn rủn, khuỵu xuống đất mà khóc òa lên.
Dương Bất Hối kinh hãi, gọi:
– Vô Kỵ ca ca, Vô Kỵ ca ca!
Trương Vô Kỵ nức nở:
– Chính tay ta giết hại tam sư bá và lục sư thúc mất rồi!
Chàng chỉ nghĩ: “Thất trùng thất hoa cao có hàng trăm cách phối chế khác nhau, ai biết Triệu Mẫn dùng bảy loại hoa độc, trùng độc nào? Muốn hóa giải chất cực độc này, chỉ có cách dĩ độc công độc, nếu dùng sai một loại độc thôi cũng có thể làm cho tam sư bá và lục sư thúc mất mạng ngay”. Lúc này đột nhiên chàng hiểu ra tâm trạng của cha mình khi tự vẫn, sai lầm quá lớn đã gây ra, ngoài việc lấy cái chết để tạ tội, chẳng còn con đường nào khác. Chàng uể oải đứng dậy. Dương Bất Hối hỏi:
– Quả thật không có loại thuốc nào cứu được ư? Ngay cả miễn cưỡng làm thử cũng không được hay sao?
Trương Vô Kỵ lắc đầu. Dương Bất Hối thở dài:
– Thôi xong!
Thần sắc nàng thản nhiên, không còn vẻ kinh hoảng nữa.
Trương Vô Kỵ chợt nhớ câu nàng nói hôm qua: “Nếu Ân lục thúc không sống được thì muội cũng chả thiết sống nữa”. Chàng nghĩ bụng: “Lần này ta hại chết không phải hai người, mà là ba người”. Đang nghĩ thế, thì thấy Ngô Kình Thảo đến trước cửa phòng bẩm:
– Giáo chủ, Triệu cô nương đang ở ngoài đạo quan xin được gặp.
Trương Vô Kỵ vừa nghe thế thì không nén được bi phẫn, nói:
– Chính ta đang muốn tìm nàng ta đây!
Chàng rút phắt thanh trường kiếm Dương Bất Hối đeo bên hông, cầm lăm lăm trong tay, rảo bước đi ra.
Tiểu Chiêu gỡ đóa hoa ngọc cài đầu, đưa Trương Vô Kỵ, nói:
– Công tử hãy trả lại cho Triệu cô nương.
Trương Vô Kỵ nhìn nàng, nghĩ thầm: “Nàng thật hiểu tâm tư của ta. Ta và Triệu Mẫn thù sâu như biển, chúng ta chẳng nên giữ của cô ta bất cứ vật kỷ niệm gì”. Một tay cầm kiếm, một tay cầm đóa hoa, chàng đi ra cửa đạo quan.
Chỉ thấy Triệu Mẫn một mình đứng đó, vẻ mặt tươi cười. Ánh tịch dương đỏ như máu chiếu xiên xiên vào đôi má nàng, trông xinh đẹp bội phần. Huyền Minh nhị lão đứng phía sau, cách nàng mười mấy trượng, tay dắt ba con ngựa, mắt nhìn đâu đâu.
Trương Vô Kỵ thoắt một cái đã tới ngay trước mặt Triệu Mẫn, tay trái chộp luôn hai cổ tay nàng, tay phải chĩa mũi kiếm vào ngực, quát:
– Mau đưa thuốc giải ra đây!
Triệu Mẫn mỉm cười, nói:
– Công tử đã bức bách bổn cô nương một lần, bây giờ lại bức bách lần nữa ư? Bổn cô nương lên đây là để thăm hỏi công tử, vậy mà công tử mặt mày hầm hầm, đạo hiếu khách lẽ nào như thế?
Trương Vô Kỵ nói:
– Ta đang cần thuốc giải! Nếu cô nương không đưa ra, ta… ta không thiết sống nữa, cô nương cũng đừng hòng sống được.
Triệu Mẫn hơi đỏ mặt, hừ một tiếng nhỏ, nói:
– Công tử nói hay gớm! Công tử chết kệ công tử, liên can gì đến bổn cô nương, mà bắt bổn cô nương phải chết theo?
Trương Vô Kỵ nghiêm mặt, nói:
– Ai hơi đâu nói đùa với cô nương? Cô nương không đưa thuốc giải, thì hôm nay là ngày cuối cùng trước khi ta và cô nương cùng bỏ mạng.
Triệu Mẫn bị chàng nắm chặt hai cổ tay, cảm thấy người chàng run bần bật, cực kỳ kích động, lại thấy trong lòng bàn tay chàng có vật gì cồm cộm, bèn hỏi:
– Công tử cầm cái gì trong tay vậy?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Là đóa hoa của cô nương, ta trả lại đó!
Chàng nhấc tay trái lên một cái, đóa hoa bằng ngọc đã cài lên tóc Triệu Mẫn; tay chàng lại hạ xuống chộp ngay cổ tay nàng, buông rồi chộp lại, thủ pháp nhanh như chớp. Triệu Mẫn nói:
– Cái đó bổn cô nương tặng công tử, sao công tử trả lại ta?
Trương Vô Kỵ hậm hực nói:
– Cô nương làm ta khổ sở như vậy, ta không muốn nhận quà gì của cô nương hết!
Triệu Mẫn nói:
– Có thật công tử không muốn nhận thứ gì hay không? Thế thì tại sao công tử vừa mở miệng đã đòi bổn cô nương cho thuốc giải?
Trương Vô Kỵ mỗi lần đấu khẩu với Triệu Mẫn đều bị lép vế, bây giờ cũng cứng lưỡi, nghĩ Du Đại Nham và Ân Lê Đình sẽ không còn sống được bao lâu thì lòng đau như cắt, nước mắt rưng rưng chỉ chực trào ra. Chàng đã định mở miệng khẩn cầu, nhưng nghĩ đến bao hành vi tàn ác của Triệu Mẫn, nên không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt nàng ta.
Lúc này nhóm Dương Tiêu biết tin đã kéo nhau ra cửa đạo quan thấy Triệu Mẫn đã bị Trương Vô Kỵ bắt giữ, Huyền Minh nhị lão đứng đằng xa, tựa hồ không quan tâm, lại cũng chẳng có vẻ gì sợ hãi, thì mọi người cùng đứng một bên bình tĩnh quan sát diễn biến.
Triệu Mẫn mỉm cười, nói:
– Công tử làm giáo chủ Minh giáo, võ công chấn động thiên hạ, vậy mà vừa gặp việc khó một chút đã khóc hu hu như trẻ con, công tử mới vừa khóc xong, đúng không nào? Thật không biết xấu hổ! Bổn cô nương nói đây, công tử bị trúng hai chưởng của Huyền Minh nhị lão, bổn cô nương tới hỏi thăm thương thế ra sao. Không ngờ công tử vừa mới thấy mặt người ta đã nói những gì sống chết đâu đâu, rốt cuộc công tử có chịu buông tay người ta ra không đấy?
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm, dù Triệu Mẫn có muốn thừa cơ bỏ chạy cũng không thể, chỉ cần nàng ta dợm bước, chàng sẽ tóm lấy ngay, thế là chàng buông cổ tay nàng ta ra.
Triệu Mẫn đưa tay nắn nắn đóa hoa ngọc trên đầu, mỉm cười nói:
– Sao trông công tử chẳng có vẻ gì là bị thương thế nhỉ?
Trương Vô Kỵ lạnh lùng nói:
– Chỉ có môn Huyền Minh thần chưởng thì dễ gì đả thương nổi người ta.
Triệu Mẫn nói:
– Thế còn Đại lực kim cương chỉ? Thất trùng thất hoa cao thì sao?
Hai câu đó như hai cái búa giáng mạnh vào ngực Trương Vô Kỵ, chàng hậm hực nói:
– Đúng là “Thất trùng thất hoa cao” thật.
Triệu Mẫn nghiêm nghị nói:
– Trương giáo chủ, công tử muốn lấy Hắc ngọc đoạn tục cao, bổn cô nương có thể cho. Công tử muốn có thuốc giải Thất trùng thất hoa cao, bổn cô nương cũng có thể cho. Chỉ cần công tử bằng lòng làm cho bổn cô nương ba việc, bổn cô nương sẽ tình nguyện dâng tặng. Còn nếu công tử dùng vũ lực cưỡng bức, giết bổn cô nương thì dễ thôi, chứ muốn có thuốc giải thì quá khó đấy. Công tử mà dùng cực hình tra khảo, bổn cô nương sẽ cho thuốc giả, thuốc độc.
Trương Vô Kỵ cả mừng, sắp khóc thì vẻ mặt lại trở nên tươi tỉnh, vội giục:
– Ba việc gì? Nói mau, nói mau!
Triệu Mẫn mỉm cười:
– Vừa khóc vừa cười, thật không biết ngượng! Bổn cô nương đã nói với công tử rồi, hiện tại bổn cô nương chưa nghĩ ra, bao giờ nghĩ ra, sẽ nói cho công tử biết. Chỉ cần công tử hứa cho một câu, quyết không nuốt lời là được. Bổn cô nương sẽ không bắt công tử hái trăng trên trời, không đòi công tử làm việc ác trái đạo hiệp nghĩa, cũng không bảo công tử tự sát, càng không đòi công tử phải làm heo làm chó.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Chỉ cần không trái đạo hiệp nghĩa, thì dù việc khó mấy, ta cũng làm cho bằng được”, liền khẳng khái nói:
– Triệu cô nương, nếu cô nương tặng cho linh dược, chữa khỏi cho tam sư bá và lục sư thúc của ta, dẫu cô nương sai ta làm việc gì, Trương Vô Kỵ này cũng không dám từ nan, thậm chí phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng.
Triệu Mẫn ngửa bàn tay ra nói:
– Hay lắm, vậy hai ta đập tay ăn thề. Bổn cô nương sẽ tặng thuốc giải để công tử chữa trị cho tam sư bá và lục sư thúc của công tử; sau này bổn cô nương đòi công tử làm cho ba việc, chỉ cần không trái đạo hiệp nghĩa, là công tử phải gắng sức làm, không được từ nan.
Trương Vô Kỵ nói:
– Nhất quyết làm theo lời vàng ngọc của cô nương.
Hai người nhè nhẹ đập tay vào nhau ba lần.
Triệu Mẫn gỡ đóa hoa trên đầu, nói:
– Thế bây giờ công tử có chịu nhận quà bổn cô nương tặng hay không?
Trương Vô Kỵ sợ nàng không đưa thuốc giải, không dám trái ý, vội cầm lấy đóa hoa. Triệu Mẫn nói:
– Nhưng bổn cô nương không muốn công tử đem tặng cho a hoàn đâu đấy.
Trương Vô Kỵ nói:
– Được rồi.
Triệu Mẫn cười, lùi lại ba bước, nói:
– Thuốc giải sẽ được đem tới ngay, tạm biệt Trương giáo chủ!
Nàng phất tay áo, quay mình đi liền. Huyền Minh nhị lão dắt ngựa tới, đỡ nàng lên yên đi trước. Ba con ngựa gõ vó cồm cộp, thong thả xuống núi.
Họ vừa khuất sau một sườn núi, thì từ sau một cây lớn phía bên trái nhô ra một hán tử, chính là Tiền Nhị Bại trong “Thần tiễn bát hùng”. Y giương cây cung sắt, lắp mũi tên dài, nói to:
– Chủ nhân chúng tôi kính trình Trương giáo chủ một phong thư, xin hãy tiếp nhận.
Nói xong thì bắn mũi tên tới. Trương Vô Kỵ giơ tay trái chộp được mũi tên, thấy nó không bịt sắt, thân cuốn một bức thư; chàng gỡ thư ra xem, ngoài bì đề: “Thân khải Trương giáo chủ”, bên trong viết mấy dòng chữ tiểu khải như sau: “Hộp vàng hai tầng, linh cao cất bên trong từ lâu. Đóa hoa ngọc rỗng ruột, đựng bài thuốc ở đó. Hai thứ ấy đã tặng chàng lâu rồi, sao còn phải vất vả kiếm tìm? Hay là thấy vật mọn mà rẻ rúng, đem tặng lại con hầu? Chẳng hóa ra phụ tấm chân tình của tiện thiếp lắm ru?”
Trương Vô Kỵ đọc đi đọc lại ba lần, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, lại thấy ngượng ngùng, vội coi kỹ đóa hoa ngọc, vặn thử thì quả nhiên viên ngọc có thể chuyển động; chàng bèn tháo ra, thấy cuống hoa được đúc rỗng, bên trong chứa một vật màu trắng. Trương Vô Kỵ lấy trong bọc ra một cây kim châm cứu, khều vật đó ra, là một tờ giấy mỏng viết tên bảy loại trùng độc, hoa độc và cách giải cứu.
Thực ra, chàng chỉ cần biết tên bảy loại trùng độc, hoa độc; còn cách giải cứu, chàng khỏi cần người khác chỉ vẽ. Chàng đọc thử cách giải, thấy hoàn toàn đúng, biết Triệu Mẫn không phá mình nữa thì cả mừng, chạy ngay vào nội viện phối chế thuốc cứu chữa. Quả nhiên chỉ hơn một canh giờ sau, tình trạng trúng độc của Du Đại Nham và Ân Lê Đình đỡ hẳn, trong người bớt ngứa ngáy khó chịu, mắt không còn bị hoa.
Chàng lại lấy cái hộp vàng đựng đóa hoa ngọc Triệu Mẫn đã tặng, mở ra xem kỹ, đúng là có hai tầng, tầng dưới đựng đầy một thứ thuốc cao màu đen có mùi thơm mát.
Lần này chàng không dám bộp chộp, bắt một con chó, bẻ gãy cẳng sau, bôi thử cao lên chỗ gãy, chờ đến sáng hôm sau, thấy con chó ấy vẫn tỉnh táo nhanh nhẹn, không có vẻ gì trúng độc cả, chỗ vết thương khá hơn hẳn.
Ba ngày trôi qua, chất độc trong người Du Đại Nham và Ân Lê Đình đã được tận trừ. Trương Vô Kỵ bèn đem Hắc ngọc đoạn tục cao thật bôi lên tứ chi hai người.
Lần này không có biến cố gì. Hắc ngọc đoạn tục cao quả nhiên công hiệu như thần. Hơn hai tháng sau, hai tay của Ân Lê Đình đã có thể hoạt động, xem ra sau này không những tứ chi có thể cử động bình thường, mà võ công cũng không bị mất nhiều lắm. Riêng Du Đại Nham tàn phế quá lâu, muốn phục hồi như xưa thật là khó; nhưng cứ đà này, chỉ sau nửa năm có thể dùng nạng, đi thong thả, tuy chưa khỏi tàn phế, song không còn nằm liệt một chỗ nữa.
*
* *
Trương Vô Kỵ ở trên núi Võ Đang lâu như thế, người của Ngũ Hành kỳ cử đi các phái trước sau đều về núi, đem theo những tin tức khiến ai nấy vô cùng kinh ngạc. Quần hào các phái Nga Mi, Hoa Sơn, Không Động, Côn Luân viễn chinh đỉnh Quang Minh đều không một ai trở về bản phái. Trên giang hồ người ta đồn nhau rằng Minh giáo người nhiều thế mạnh đã tiêu diệt toàn bộ cao thủ sáu đại môn phái đến Tây Vực, nay đang chia nhau đi đánh các phái. Việc tăng chúng Thiếu Lâm tự đột nhiên mất tích đã gây nên một trận phong ba chưa từng thấy trong võ lâm. Cũng may các chưởng kỳ phó sứ của Ngũ Hành kỳ đi chuyến này đều mang theo tín phù của Trương Tam Phong phái Võ Đang, lại không tiết lộ thân phận của mình, nếu không có lẽ đã bị các phái đánh cho tơi tả. Các chưởng kỳ phó sứ nói rằng trên giang hồ hiện nay các môn phái, bang hội, cả các tiêu hãng, sơn trại, thuyền bang, bến bãi… đâu đâu cũng canh phòng nghiêm mật, sợ Minh giáo vây đánh bất ngờ.
Mấy hôm sau cha con Ân Thiên Chính và Ân Dã Vương cũng trở lại núi Võ Đang, cho hay Thiên Ưng kỳ đã được chỉnh đốn xong xuôi, hoàn toàn quy thuộc Minh giáo. Lại kể ở vùng đông nam quần hùng nổi dậy chống Nguyên hết đám này đám khác, thiên hạ thành ra đại loạn. Bấy giờ quân Nguyên còn rất mạnh, nơi nào nổi dậy cũng tự mình chiến đấu, không liên lạc hưởng ứng với nhau, thành thử chẳng mấy chốc đã bị tiêu diệt.
Tối hôm đó Trương Tam Phong bày tiệc chay ở hậu điện thết đãi cha con Ân Thiên Chính. Trong bữa tiệc, Ân Thiên Chính nói về nguyên nhân thất bại của các cuộc khởi nghĩa, cuộc nào cũng có đệ tử của Minh giáo và Thiên Ưng giáo tham gia, bị quân Nguyên hoặc bắt hoặc giết, số người tuẫn nạn rất đông. Quần hào nghe vậy không khỏi ngậm ngùi thở dài.
Dương Tiêu nói:
– Trăm họ trong thiên hạ khổ sở điêu đứng, ai ai cũng mong thời thế thay đổi, đấy chính là thời cơ đánh đuổi bọn Thát tử, lấy lại giang sơn ta. Năm xưa Dương giáo chủ còn sống, ngày đêm nghĩ việc phục hưng; có điều bổn giáo lâu nay hành sự lệch lạc, hơn trăm năm qua toàn đi gây thù chuốc oán với võ lâm Trung nguyên, thành thử khó lòng liên thủ chống địch. Nay Trời thương nên đưa Trương giáo chủ lên coi sóc giáo vụ, oán thù với các phái đã cởi bỏ dần, chúng ta hãy đồng tâm hiệp lực chống bọn Hồ Lỗ.
Chu Điên nói:
– Dương tả sứ, lời tả sứ nghe có vẻ không sai, nhưng có nói cũng bằng thừa thôi.
Dương Tiêu không giận, nói:
– Vậy mong được Chu huynh chỉ giáo.
Chu Điên nói:
– Giang hồ đều đồn rằng Minh giáo chúng ta đã giết sạch cao thủ sáu đại môn phái, họ vừa nghe hai chữ “Minh giáo” thì đã hận thấu xương, làm sao đòi “đồng tâm hiệp lực chống bọn Hồ Lỗ”? Nói nghe hay lắm, nhưng có làm nổi không?
Dương Tiêu nói:
– Chúng ta tuy bị mang tiếng xấu, nhưng rồi sẽ có ngày sáng tỏ chân tướng, huống hồ có Trương chân nhân minh chứng đây.
Chu Điên cười nói:
– Giả dụ quả thật bọn ta có giết Tống Viễn Kiều, Diệt Tuyệt lão ni, Hà Thái Xung, thì ngay Trương chân nhân cũng không biết, lấy gì mà minh chứng?
Thiết Quan đạo nhân quát lên:
– Chu Điên, trước mặt Trương chân nhân và Trương giáo chủ, không được ăn nói bậy bạ!
Chu Điên lè lưỡi, không dám nói thêm. Bành Oánh Ngọc nói:
– Lời của Chu huynh cũng không phải hoàn toàn vô lý, theo ý bần tăng, chúng ta nên triệu tập đại hội các lộ thủ lĩnh Minh giáo, nói rõ chủ trương của Trương giáo chủ thân thiện với các phái võ lâm. Đồng thời, người đông, biết rộng hơn, rốt cuộc tại đại hội có thể biết được Tống đại hiệp, Diệt Tuyệt sư thái hiện đang ở đâu.
Chu Điên nói:
– Muốn biết tung tích Tống đại hiệp thật quá dễ, chẳng cần tốn sức chút nào.
Mọi người nhao nhao hỏi:
– Thế ư? Sao không nói sớm?
Chu Điên dương dương đắc ý, tợp một ngụm rượu, nói:
– Chỉ cần Trương giáo chủ đi hỏi Triệu cô nương một tiếng, ít ra mười phần cũng rõ đến chín. Lão phu cho rằng mấy người ấy nếu không bị Triệu Mẫn giết thì cũng bị cô ta bắt giữ rồi.
Hơn hai tháng qua Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc đã chia nhau xuống núi nghe ngóng tung tích và lai lịch của Triệu Mẫn, nhưng từ sau hôm nàng đến cửa đạo quan đập tay thề thốt với Trương Vô Kỵ thì không biết cô nương ấy biến đi đâu mất tăm. Ngay đám thuộc hạ đông đảo của nàng cũng chẳng để lại dấu vết gì. Quần hào đoán già đoán non, đều cho rằng bọn đó liên quan với triều đình, song không lần ra manh mối nào cả. Bây giờ nghe Chu Điên nói vậy, bèn cự lại:
– Chu huynh nói cũng bằng thừa thì có, nếu như tìm gặp được Triệu cô nương, chẳng lẽ bọn ta lại không biết dò hỏi hay sao?
Chu Điên cười, nói:
– Các vị dĩ nhiên không tìm gặp được. Chứ giáo chủ thì khỏi cần đi tìm, tự cô nàng sẽ tìm đến. Giáo chủ còn nợ cô ta ba việc chưa làm; một tiểu thư lợi hại như thế há bỏ qua hay sao? Hì hì, cô nương ấy hoa nhường nguyệt thẹn, vậy mà mỗi khi nghĩ đến cô nàng, Chu Điên ta lại sởn tóc gáy, sợ muốn chết.
Mọi người nghe lão nói đều cười ồ lên, song nghĩ lại thì quả đúng như thế.
Trương Vô Kỵ thở dài, nói:
– Bản nhân cũng chỉ mong nàng ta mau đưa ra ba việc, để cố sức làm cho hết nợ, khỏi phải ngày đêm khắc khoải lo lắng, không biết nàng ta sẽ còn giở trò gì quái đản nữa đây. Bành đại sư vừa kiến nghị triệu tập các lộ thủ lĩnh bản giáo, việc đó nên lắm, ý các vị thế nào?
Quần hào đều nói:
– Nên lắm. Cứ ngồi không trên núi Võ Đang thì chả làm được việc gì.
Dương Tiêu nói:
– Giáo chủ, ta nên tụ họp ở đâu là hay nhất?
Trương Vô Kỵ ngẫm nghĩ một lát, nói:
– Bản nhân hiện thời đảm nhận chức giáo chủ, vẫn thường nhớ đến ân tình của hai nhân vật trong bản giáo. Một là Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu tiên sinh, lão nhân gia đã chết bởi tay Kim Hoa bà bà. Vị thứ hai là Thường Ngộ Xuân đại ca, hiện giờ không biết đang ở đâu. Bản nhân cho rằng đại hội kỳ này nên cử hành ở Hồ Điệp cốc, tỉnh Hoài Bắc.
Chu Điên vỗ tay, nói:
– Hay lắm, hay lắm! Cái thằng cha “Kiến Tử Bất Cứu” hồi xưa lão phu chuyên đấu khẩu với hắn, xem ra người không phải loại tệ, có điều là tính khí thất thường, song cũng tài tình giống như Dương tả sứ vậy. Hắn thấy chết không cứu, thành ra lúc hắn chết cũng chẳng ai cứu cho, đúng là báo ứng. Chu Điên ta cũng muốn đến trước mộ hắn rập đầu vài cái.
Quần hào không ai có ý kiến gì khác, định rõ là ngày rằm Trung thu, tức là hơn ba tháng sau, các lộ thủ lĩnh của Minh giáo sẽ tề tựu tại ngôi nhà cũ của Hồ Thanh Ngưu ở Hồ Điệp cốc tỉnh Hoài Bắc.
Sáng sớm hôm sau, các tín sứ của Ngũ Hành kỳ và Thiên Ưng kỳ chia nhau xuất phát từ núi Võ Đang, truyền đi hiệu lệnh của giáo chủ: các lộ giáo chúng, từ hương chủ trở lên, hãy giao giáo vụ cho người phụ tá đảm trách, đến Hồ Điệp cốc tỉnh Hoài Bắc trước ngày rằm Trung thu tham kiến tân giáo chủ.
*
* *
Từ nay đến ngày rằm Trung thu còn lâu, Trương Vô Kỵ thấy Du Đại Nham và Ân Lê Đình chưa khỏi hẳn, sợ thương thế tái phát thì uổng phí bao công phu, nên chàng tạm ở lại núi Võ Đang săn sóc hai vị Du, Ân; khi rảnh rỗi chàng thỉnh giáo Trương Tam Phong về Thái cực quyền và Thái cực kiếm. Mấy người Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc, đi các nơi thám thính tung tích của Triệu Mẫn và thuộc hạ của nàng ta.
Dương Tiêu theo lệnh giáo chủ ở lại núi Võ Đang, vì chuyện của Kỷ Hiểu Phù mà ngượng ngùng với Ân Lê Đình nên thường ngày chỉ đóng cửa đọc sách, không mấy khi ra khỏi phòng. Cứ thế hơn hai tháng, một buổi chiều, Trương Vô Kỵ sang gặp Dương Tiêu bàn về đại hội sắp tới ở Hồ Điệp cốc, mấy việc lớn cần đề xuất với các giáo chúng. Chàng trẻ tuổi, kiến thức nông cạn, đột nhiên giữ trọng nhiệm, nên thường vẫn lo ngay ngáy, chỉ sợ thất thố làm hỏng đại sự. Dương Tiêu rất thông hiểu giáo vụ, nên chàng muốn giữ ông ta ở bên mình, để khi cần thì hỏi.
Hai người trò chuyện một lát, Trương Vô Kỵ thuận tay cầm một cuốn sách trên bàn của Dương Tiêu lên xem, thấy trên bìa đề bảy chữ Minh giáo lưu truyền Trung thổ ký, bên dưới chú một hàng chữ nhỏ hơn “Đệ tử Quang Minh tả sứ Dương Tiêu cung soạn”.
Trương Vô Kỵ nói:
– Dương tả sứ văn võ toàn tài, thật là bậc lương đống của bản giáo.
Dương Tiêu nói:
– Đa tạ giáo chủ khen ngợi.
Trương Vô Kỵ mở sách ra, thấy viết bằng chữ nhỏ theo lối chữ khải, mọi sự việc được dẫn chứng sách vở đâu ra đó. Sách viết rõ ràng, Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, vốn tên là Ma ni giáo, truyền sang Trung thổ vào năm Diên Tải thứ nhất, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phất Đa Diên mang bộ Tam tông kinh của Minh giáo vào triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này.
Ngày hai mươi chín tháng sáu năm Đại Lịch thứ ba nhà Đường, Đại Vân Quang Minh tự được xây cất tại Lạc Dương, Tràng An. Sau đó, tại các trọng trấn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu, Việt Châu đều có Đại Vân Quang Minh tự. Đến năm Hội Xương thứ ba, triều đình hạ lệnh giết các giáo đồ thì thế lực của Minh giáo đại suy.
Từ đó trở đi, Minh giáo trở thành một giáo phái bí mật, bị nghiêm cấm, triều đại nào cũng bị quan phủ truy lùng, giết hại. Để sinh tồn, Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ “ni” trong “Ma ni giáo” bị lược mất, chỉ còn là “Ma giáo”, và chữ “Ma” lẽ ra phải viết có bộ “thủ” lại bị viết thành có bộ “quỷ”.
Trương Vô Kỵ đọc tới đây, bất giác thở dài, nói:
– Dương tả sứ, tôn chỉ của bản giáo vốn là hành thiện trừ ác, không khác đạo Phật là mấy, tại sao từ đời Đường tới giờ, đời nào cũng bị thảm sát là sao?
Dương Tiêu nói:
– Người theo đạo Phật tuy nói phổ độ chúng sinh nhưng tăng chúng xuất gia đều giữ thanh tu, không màng thế sự. Đạo gia cũng vậy. Bản giáo thì quy tụ hương dân, bất kỳ ai gặp nguy nan khốn khổ, mọi giáo chúng đều ra tay giúp đỡ. Quan phủ áp bức dân lành, đời nào chẳng có, vùng nào chẳng có? Hễ có ai bị quan phủ áp bức, bị oan khuất, bản giáo tất phải đứng ra chống lại quan phủ.
Trương Vô Kỵ gật đầu, nói:
– Chỉ khi nào triều đình, quan lại không còn áp bức dân lành, thổ hào ác bá không hoành hành ngang ngược thì bấy giờ bản giáo mới có thể thực sự hưng vượng.
Dương Tiêu vỗ bàn đứng dậy, nói:
– Lời giáo chủ quả nói đúng điểm cốt lõi của tôn chỉ bản giáo.
Trương Vô Kỵ nói:
– Dương tả sứ, liệu sẽ có ngày được như thế hay không?
Dương Tiêu ngẫm nghĩ một hồi, nói:
– Ước sao sẽ có ngày như thế. Đời Tống, Phương Lạp Phương giáo chủ của bản giáo khởi nghĩa cũng chỉ vì muốn quan lại không áp bức dân lành mà thôi.
Dương Tiêu giở sách, chỉ đoạn viết về giáo chủ Minh giáo Phương Lạp nổi dậy khởi nghĩa ở Chiết Đông làm chấn động thiên hạ. Trương Vô Kỵ đọc xong, gấp sách lại, nói:
– Đại trượng phu cố nhiên phải như thế. Tuy Phương giáo chủ tuẫn nạn mà chết, song cũng dấy lên một sự nghiệp oanh liệt.
Hai người tâm ý tương thông, cảm thấy nhiệt huyết dâng lên bừng bừng.
Dương Tiêu lại nói:
– Bản giáo đời nào cũng bị nghiêm cấm, nhưng thủy chung vẫn đứng vững chứ không sụp đổ. Năm Thiệu Hưng thứ tư đời Nam Tống, có một viên quan tên là Vương Cư Chính gửi lên hoàng đế một bản tấu, nói về việc của bổn giáo, giáo chủ hãy xem qua.
Nói rồi Dương Tiêu giở cuốn sách, đoạn chép lại bản tấu của Vương Cư Chính. Trương Vô Kỵ thấy trong đó viết như sau:
“Thần thấy hai huyện ở Chiết Đông có tục ăn rau thờ Ma vương. Trước đời Phương Lạp, pháp cấm còn lỏng lẻo, mà tục thờ cúng ma quỷ chưa đến nỗi mạnh. Phương Lạp chết rồi, pháp cấm càng nghiêm, song việc thờ ma càng không thể cấm nổi… Thần nghe về việc thờ ma, mỗi thôn xóm có một hai tên kiệt hiệt, gọi là ma đầu, có chép họ tên những ai trong thôn xóm thề thốt gia nhập đảng ma. Kẻ thờ ma không ăn thịt. Một nhà có chuyện gì, đồng đảng của y đều hết lòng cứu giúp. Họ không ăn thịt nên giảm được chi tiêu, giảm chi tiêu nên dễ đầy đủ. Cùng một đảng nên thân thiết với nhau, thân nhau nên có chuyện gì thì dễ giúp nhau…” Trương Vô Kỵ đọc tới đây, nói:
– Vương Cư Chính tuy căm ghét bản giáo, song vẫn biết giáo chúng bản giáo sống tằn tiện, chất phác, tương thân tương ái.
Rồi chàng đọc tiếp đoạn sau của bản tấu:
“… Bởi vậy thần cố theo đạo của tiên vương làm cho dân tương thân, tương hữu, tương trợ. Cốt sống đạm bạc, dạy tiết kiệm, khuyên lối sống giản dị. Nay làm người dẫn dắt dân chúng, lại không còn có thể lấy đó là cách cai trị, bởi vì bọn ma đầu trộm theo cách của triều đình mà khuyến dụ dân chúng, khiến người người ca tụng đạo ma, trợ giúp tà thuyết. Dân ngu vô tri, nghe lời ma, thờ đạo ma, dễ đủ ăn, dễ giúp nhau, thành thử những gì ma đầu nói ra đều tin, đua nhau theo đạo ma. Cho nên càng nghiêm cấm, lại càng không kiến hiệu”.
Trương Vô Kỵ đọc tới đây, quay sang nói với Dương Tiêu:
– Dương tả sứ, cái câu “càng nghiêm cấm, lại càng không kiến hiệu” chính là chứng tỏ bản giáo được lòng dân. Dương tả sứ có thể cho bản nhân mượn đọc cuốn sách này để biết thêm sự nghiệp cùng di huấn của các vị tiên hiền của bản giáo, được chăng?
Dương Tiêu nói:
– Xin giáo chủ cứ cầm lấy.
Trương Vô Kỵ nói:
– Thương thế của Du tam bá và Ân lục thúc đã gần khỏi, ngày mai chúng ta lên đường đi Hồ Điệp cốc. Bổn nhân còn một việc muốn bàn với Dương tả sứ, có liên quan đến Bất Hối muội muội.
Dương Tiêu ngỡ chàng lên tiếng cầu hôn, trong lòng mừng thầm, nói:
– Tính mạng của Bất Hối là do giáo chủ ban cho, cha con thuộc hạ đâu dễ báo đáp ân tình ấy. Giáo chủ có điều gì xin cứ sai bảo.
Trương Vô Kỵ bèn kể lại chuyện Dương Bất Hối thổ lộ với chàng hai tháng trước. Dương Tiêu nghe xong, kinh ngạc quá đỗi, thừ người ra hồi lâu mới nói:
– Tiểu nữ được Ân lục hiệp để mắt tới, là vinh hạnh cho nhà họ Dương. Có điều hai bên tuổi quá chênh lệch, vai vế kẻ thấp người cao, việc này… việc này…
Dương Tiêu ấp úng hai tiếng “việc này”, rồi không nói tiếp được nữa.
Trương Vô Kỵ nói:
– Ân lục thúc cũng chưa đến bốn mươi, đang tuổi cường tráng. Bất Hối muội muội có gọi hai tiếng “thúc thúc”, mà thực ra đâu có thân thích gì, sư môn cũng tiện thôi. Hai người tình đầu ý hợp, nếu thành được nhân duyên, thì mối cừu hiềm đời trước sẽ được hóa giải hoàn toàn, chính là một việc rất hay.
Dương Tiêu vốn là người vô cùng khoáng đạt, vì chuyện Kỷ Hiểu Phù mà mỗi lần gặp Ân Lê Đình đều không khỏi sượng sùng, nghĩ thầm nếu Bất Hối đã thương yêu ông ta, kết duyên với nhau thì cũng xóa bỏ được cái khó xử của mình, mà từ nay giữa Minh giáo và phái Võ Đang cũng không còn lấn cấn gì nữa, bèn vái dài, nói:
– Giáo chủ tác thành việc này, đủ biết quan hoài thế nào. Thuộc hạ xin đa tạ trước.
Tối hôm ấy Trương Vô Kỵ truyền tin đó ra, quần hào lần lượt chúc mừng Ân Lê Đình. Dương Bất Hối thẹn thùng, trốn ở trong buồng không chịu ló mặt ra.
Trương Tam Phong và Du Đại Nham nghe chuyện đó, thoạt tiên cũng lấy làm lạ, nhưng rất mừng cho Ân Lê Đình. Về chuyện cưới hỏi, Ân Lê Đình nói:
– Đợi đại sư ca và các huynh đệ về núi đoàn tụ rồi, lúc đó làm lễ thành thân cũng chưa muộn.
Hôm sau Trương Vô Kỵ cùng Dương Tiêu, Ân Thiên Chính, Ân Dã Vương, Chu Điên, Thiết Quan đạo nhân, Tiểu Chiêu… từ biệt thầy trò Trương Tam Phong lên đường đi Hoài Bắc.
Dương Bất Hối ở lại núi Võ Đang săn sóc Ân Lê Đình. Thời đó chuyện nam nữ giao tiếp tuy nghiêm ngặt, nhưng hai người đều ở trong võ lâm nên cũng không mấy để ý đến tiểu tiết.
*
* *
Đoàn người Minh giáo ngày đi đêm nghỉ, đi về phía đông bắc. Dọc đường chỉ thấy ruộng đất bỏ hoang, dân chúng đói khổ. Các tỉnh vùng duyên hải vốn trù phú màu mỡ, thế mà đâu đâu cũng gặp người ăn xin, dân chúng khốn khó cùng cực. Quần hào thương trăm họ bị tai họa, biết rằng bọn Mông Cổ tàn bạo bá chiếm Trung thổ sẽ không còn tồn tại được lâu, hiện nay chính là cơ hội tốt để anh hùng hào kiệt thiên hạ vùng lên khởi nghĩa.
Hôm ấy đến Giới Bài Tập, cách Hồ Điệp cốc không xa, đoàn người đang đi bỗng nghe tiếng la hét chém giết ở phía trước, có hai phe đang giao tranh. Quần hào thúc ngựa chạy lên, qua một cánh rừng, thấy khoảng hơn một ngàn quân Mông Cổ chia ra hai cánh tấn công vào một sơn trại.
Trên nóc sơn trại phấp phới một lá cờ lớn vẽ hình ngọn lửa đỏ, chính là cờ hiệu của Minh giáo. Quân số trong sơn trại không nhiều, xem chừng khó đứng vững, song vẫn kiên cường chống trả. Quân Mông Cổ bắn tên như mưa, gọi to:
– Bọn phản tặc Ma giáo, hãy mau đầu hàng!
Chu Điên nói:
– Giáo chủ, mình tiến lên chứ?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Phải! Hãy giết bọn quan chỉ huy trước!
Dương Tiêu, Ân Thiên Chính, Ân Dã Vương, Chu Điên, Thiết Quan đạo nhân vâng lệnh xông thẳng vào trận địa quân Mông Cổ, trường kiếm tung hoành, hai tên bách phu trưởng bị chém ngã trước, kế đến một tên thiên phu trưởng chỉ huy đội quân này cũng bị Ân Dã Vương một đao giết luôn. Quân Nguyên như rắn mất đầu, tức thì đại loạn.
Người trong sơn trại thấy có viện binh liền lớn tiếng reo hò. Cổng trại mở rộng, một hắc y đại hán cầm trường mâu xông ra trước, quân Mông Cổ dạt cả ra, không tên nào dám ngăn cản. Chỉ thấy cây mâu loáng lên một cái, một tên lính Mông Cổ bị đâm ngã ngựa, quân Mông Cổ hô hoán, bỏ chạy loạn xạ.
Bọn Dương Tiêu thấy gã đại hán uy phong lẫm liệt, trông như tướng nhà trời, tấm tắc khen ngợi:
– Quả là một vị tướng anh hùng!
Lúc này Trương Vô Kỵ đã nhìn rõ diện mạo viên tướng, chính là Thường Ngộ Xuân đại ca chàng hằng mong nhớ. Hiềm một nỗi đang giao tranh, không tiện tiến lại gặp nhau. Người của Minh giáo trước sau giáp công, quân Nguyên tử thương năm, sáu trăm tên, bọn còn lại không ham đánh tiếp mà chia nhau bỏ đi.
Thường Ngộ Xuân cầm ngang cây mâu, hỏi:
– Huynh đệ ở lộ nào đến cứu viện đó? Thường mỗ vô cùng cảm kích!
Trương Vô Kỵ gọi to:
– Thường đại ca, còn nhớ tiểu đệ hay chăng?
Chàng chạy tới, nắm chặt tay Thường Ngộ Xuân.
Thường Ngộ Xuân cúi lạy, nói:
– Giáo chủ, Thường Ngộ Xuân này tuy là đại ca ngày trước, nhưng giờ là thuộc hạ của giáo chủ, thật mừng không để đâu cho hết.
Thì ra Thường Ngộ Xuân thuộc Cự Mộc kỳ do Ngũ Hành kỳ cai quản. Việc Trương Vô Kỵ tiếp nhiệm chức giáo chủ thế nào, y đã được chưởng kỳ sứ Văn Thương Tùng cho biết. Từ đó y cùng huynh đệ dưới quyền ngày đêm mong ngóng Trương giáo chủ tới, không ngờ bị quân Nguyên tấn công. Thường Ngộ Xuân thấy quân địch quá đông, bèn giả bộ khiếp sợ để dụ quân địch vào sơn trại mà tiêu diệt chúng. Song Trương Vô Kỵ tình cờ đã đến tiếp ứng, nên y liền thừa thế xông ra. Chức vị của Thường Ngộ Xuân trong Minh giáo không cao, y vội quay sang chào Dương Tiêu, Ân Thiên Chính, Vi Nhất Tiếu… Quần hào thấy y là huynh đệ kết nghĩa của giáo chủ thì không ai dám tỏ vẻ bề trên, đều chắp tay hành lễ, thăm hỏi trân trọng.
Thường Ngộ Xuân mời quần hào vào sơn trại, giết dê cừu làm tiệc rượu, kể lại mọi sự tình. Mấy năm nay Hoài Nam Hoài Bắc liên tiếp bị thiên tai, trăm họ khổ sở điêu đứng. Thường Ngộ Xuân không còn cách sinh nhai, bèn tụ tập một số huynh đệ làm lục lâm thảo khấu, sống cũng đầy đủ. Trong trại lương thực tiền bạc cướp được kha khá, liền đem đi cứu tế dân nghèo. Quân Mông Cổ mấy lần tiến đánh đều không làm gì được.
Mọi người nghỉ lại ở sơn trại một đêm, hôm sau cùng Thường Ngộ Xuân kéo đi Hoài Bắc, liệu rằng quân Nguyên mới đại bại, trong vòng vài tháng tới quyết chưa thể quay lại tấn công.
*
* *
Mấy hôm sau, đoàn người tới bên ngoài Hồ Điệp cốc. Những giáo chúng tới trước hay tin giáo chủ giá lâm, liền xếp hàng ra khỏi sơn cốc nghênh tiếp. Lúc này Cự Mộc kỳ đã xây dựng trong sơn cốc nhiều ngôi nhà tranh để các lộ giáo chúng có chỗ nghỉ ngơi. Vi Nhất Tiếu, Bành Oánh Ngọc, Thuyết Bất Đắc đã tới đây từ trước, bẩm rằng chưa nghe được tin tức về Triệu Mẫn.
Sau khi tiếp kiến các lộ giáo chúng, Trương Vô Kỵ đem hương hoa đến viếng mộ Kỷ Hiểu Phù và vợ chồng Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu. Nhớ lại tình trạng thê thảm năm xưa khi rời Hồ Điệp cốc, còn nay trở lại vinh hiển xiết bao, chàng cảm thấy y như ở một kiếp khác.
Ba hôm sau đúng ngày rằm tháng Tám. Trong Hồ Điệp cốc dựng một cái đàn cao, trước đàn đốt một đống lửa lớn, cháy rừng rực. Trương Vô Kỵ bước lên đàn, tuyên thị từ nay xóa bỏ hết mọi hiềm khích vốn có với các môn phái ở Trung nguyên, quyết ý chống Nguyên kháng Hồ, lại ban bố giáo quy, nhắc lại tôn chỉ hành thiện trừ ác, trừ bạo an dân. Giáo chúng cùng đứng dậy, đốt nhang cầm tay, thề tuân hành lệnh chỉ của giáo chủ, quyết không vi phạm.
Hôm đó trước đàn, ngọn lửa bốc cao, khói hương mờ mịt, Minh giáo cường thịnh hơn hẳn các đời trước. Các giáo chúng đứng tuổi nhìn khí thế này, nghĩ đến tình trạng ngót hai chục năm qua chia năm xẻ bảy, mấy phen sụp đổ tới nơi, giờ cảm thấy sung sướng quá, khóc òa lên.
Buổi chiều, thuộc hạ bẩm báo:
– Đệ tử Hồng Thủy kỳ Chu Nguyên Chương, Từ Đạt cầu kiến.
Trương Vô Kỵ cả mừng, đích thân ra cửa đón chào. Chu Nguyên Chương, Từ Đạt cùng bọn Ngô Lương, Ngô Trinh, Đặng Dũ, Thang Hòa, Hoa Vân cung kính đứng ngoài, thấy Trương Vô Kỵ bước ra, đều nhất tề khom lưng hành lễ, nói:
– Tham kiến giáo chủ.
Trương Vô Kỵ vẫn thường nhớ ơn Từ Đạt cứu mạng, nay gặp lại, mừng không để đâu cho hết; chàng vội đáp lễ, rồi tay trái dắt Chu Nguyên Chương, tay phải dắt Từ Đạt cùng đi vào nhà, mời mọi người ngồi xuống. Mọi người xin phép rồi mới dám ngồi.
Hiện thời Chu Nguyên Chương đã hoàn tục, không còn ăn mặc theo lối hòa thượng, nói:
– Chúng tại hạ phụng chỉ của giáo chủ, đến Hồ Điệp cốc này, vốn định đi sớm để nghe sai bảo, nhưng dọc đường gặp một sự việc quái dị, chúng tại hạ phải bám theo để tra cứu, thành thử tới đây muộn, xin giáo chủ tha tội.
Trương Vô Kỵ hỏi:
– Các vị gặp sự việc gì?
Chu Nguyên Chương nói:
– Thượng tuần tháng Sáu, chúng tại hạ nhận được lệnh chỉ của giáo chủ, ai nấy mừng rỡ, bàn tính phải đi tìm một lễ vật gì đó để mừng giáo chủ. Đất Hoài Bắc đang đói khổ, chẳng có gì đáng giá, cũng may hội kỳ còn xa, huynh đệ chúng tôi bèn sang Sơn Đông một chuyến. Sợ quan phủ nhận biết, chúng tại hạ giả làm phu đánh xe, tại hạ làm trưởng nhóm. Đến phủ Quy Đức, tỉnh Hà Nam, có một số khách thuê xe đi Hà Trạch, Sơn Đông. Chúng tại hạ đang chở khách đi thì đột nhiên có một bọn chặn đường, bộ dạng hung dữ, dùng binh khí đuổi khách trên các xe xuống, bảo chúng tại hạ phải chở khách của chúng. Lúc đó Hoa Vân đã toan chống cự, song Từ Đạt đưa mắt ra hiệu, ngụ ý cứ dò xét nguyên do đã, có gì động thủ sau cũng chưa muộn. Bọn kia dẫn chín cỗ xe của chúng tại hạ tới một hẻm núi, tại đó đã có hơn chục cỗ xe khác đang chờ sẵn, ngồi dưới đất toàn là các hòa thượng.
Trương Vô Kỵ hỏi:
– Toàn là hòa thượng ư?
Chu Nguyên Chương đáp:
– Vâng. Các hòa thượng ấy cúi đầu ủ rũ, song có mấy người hình dáng không phải loại tầm thường, người thì huyệt Thái Dương gồ hẳn lên, người lại cao lớn vạm vỡ. Từ huynh đệ nói nhỏ với tại hạ rằng mấy vị hòa thượng này võ nghệ rất cao cường. Bọn người dữ tợn kia bảo các hòa thượng lên xe, rồi bảo chúng tại hạ cho xe chạy về hướng bắc. Tại hạ nghĩ rằng bên trong tất có sự lạ, bèn kín đáo dặn các huynh đệ đề phòng, nhất thiết không để lộ hình tích. Dọc đường chúng tại hạ cố nghe xem bọn người dữ dằn nói những gì, song trước mặt chúng tại hạ, bọn hắn chẳng nói gì hết. Về sau Ngô Lương lấy hết can đảm, ban đêm mò đến gần chỗ chúng nằm, nghe lén suốt bốn năm đêm mới biết chút manh mối, thì ra số hòa thượng kia đều là người của Thiếu Lâm tự tại Tung Sơn, tỉnh Hà Nam.
Trương Vô Kỵ vốn đã đoán được vài phần, song vẫn kêu “A!” một tiếng.
Chu Nguyên Chương kể tiếp:
– Ngô Lương nghe một tên trong bọn hung dữ kia nói: “Chủ nhân quả thật thần cơ diệu toán, khiến ai nấy thán phục. Các cao thủ sáu môn phái Thiếu Lâm, phái Võ Đang… đều rơi vào tay ta cả, xưa nay có ai làm được như thế bao giờ?” Một tên khác nói: “Cái đó cũng chưa lấy làm lạ. Một mũi tên trúng hai đích, làm cho bọn ma đầu Ma giáo bị lôi vào tròng”. Bảy huynh đệ chúng tại hạ giả bộ đi đại tiện, ở trong nhà xí bàn nhỏ với nhau, thấy việc này có liên quan đến bản giáo, may sao mình lại nghe được thì phải tra xét cho ra ngọn nguồn để còn bẩm lên giáo chủ.
Trương Vô Kỵ nói:
– Các vị tính thế đúng lắm.
Chu Nguyên Chương nói tiếp:
- Chúng tại hạ tiếp tục hành trình lên phía bắc, càng giả bộ ngu ngốc khờ khạo. Thang Hòa và Đặng Dũ giả vờ tranh giành năm tiền, đánh lẫn nhau mà tay chân quờ quạng, ra điều không biết chút võ công. Bọn kia vỗ tay cười khoái trá, không còn để ý tới chúng tại hạ nữa. Chúng tại hạ lại cung kính hầu hạ bọn hắn, một điều lão gia, hai điều lão gia, nịnh bợ đủ điều. Ngô Trinh có tính đến việc đi kiếm thuốc mê, giữa đường cho bọn chúng uống ngã lăn ra để giải cứu cho các hòa thượng Thiếu Lâm tự. Song chúng tại hạ nghĩ lại, sự việc này đầu đuôi ra sao mình hoàn toàn không biết, còn bọn người hung dữ kia xem ra tinh minh lão luyện, võ công cao cường, lỡ như đánh rắn không xong, động hang động ổ, lại làm hỏng cả đại sự, cho nên thủy chung không dám ra tay. Đến phủ Hà Giang, lại gặp sáu cỗ xe nữa, cũng có người áp giải, nhưng trong xe toàn là tục gia nhân. Lúc ăn cơm, tại hạ nghe một hòa thượng Thiếu Lâm nói với một người mới gặp: “Tống đại hiệp cũng ở đây ư?”
Trương Vô Kỵ đứng bật dậy, hỏi dồn:
– Nhà sư gọi người kia là Tống đại hiệp ư? Người ấy hình dáng thế nào?
Chu Nguyên Chương nói:
– Người ấy dáng cao gầy, trạc năm sáu chục tuổi, râu ba chòm, tướng mạo thanh nhã.
Trương Vô Kỵ thấy đúng là hình dạng Tống Viễn Kiều, vừa mừng vừa lo, lại hỏi thêm hình dạng mấy người còn lại, quả nhiên có Du Liên Châu, Trương Tòng Khê, Mạc Thanh Cốc trong số đó, nên hỏi tiếp:
– Mấy người ấy có bị thương không? Chân tay có bị xiềng xích hay không?
Chu Nguyên Chương đáp:
– Không bị xiềng xích, cũng không thấy bị thương tích gì, vẫn ăn uống nói năng không khác gì người bình thường, chỉ có tinh thần uể oải, đi đứng loạng choạng. Vị Tống đại hiệp kia nghe hòa thượng Thiếu Lâm hỏi thế nhưng chỉ cười gượng, không trả lời. Vị hòa thượng kia toan hỏi thêm, nhưng tên áp giải đã kéo ông ta ra chỗ khác. Sau đó hai tốp đi cách nhau hơn mười dặm, không cùng ăn cùng ngủ, thành thử chúng tại hạ không còn gặp lại nhóm Tống đại hiệp nữa. Ngày mồng ba tháng Bảy, chúng tại hạ chở các hòa thượng Thiếu Lâm tới Đại Đô[106]. Trương Vô Kỵ kêu lên:
– Ồ, tới Đại Đô! Quả nhiên là triều đình hạ độc thủ. Sau đó thế nào?
Chu Nguyên Chương nói:
– Bọn hắn dẫn chúng tại hạ chở các hòa thượng Thiếu Lâm đến một ngôi chùa lớn ở phía tây, bảo chúng tại hạ ngủ lại trong đó.
Trương Vô Kỵ hỏi:
– Ngôi chùa ấy tên gì?
Chu Nguyên Chương đáp:
– Lúc đi vào cổng, tại hạ có ngẩng lên nhìn tấm biển, trên đề ba chữ “Vạn An tự”, chỉ vì ngẩng nhìn mà bị một tên hung dữ quất cho một roi. Đêm đó chúng tại hạ lén bàn nhau rằng bọn hung ác kia thể nào cũng giết người diệt khẩu, không tha cho mình đâu, nên trời tối là chúng tại hạ trốn đi liền.
Trương Vô Kỵ nói:
– Tình thế quả thật hung hiểm, cũng may bọn chúng không đuổi theo.
Thang Hòa mỉm cười nói:
– Chu đại ca cũng đã tính đến nước đó, nên ra tay sắp đặt trước. Chúng tại hạ tới mấy hãng xe lừa lân cận, bắt bảy gã phu xe, đổi lấy quần áo của bọn họ, sau đó giết luôn cả bảy người trong chùa, băm vằm mặt mũi để bọn người hung ác kia không thể nhận ra ai. Rồi chúng tại hạ giết nốt các phu xe đi cùng, rắc tiền bạc vung vãi khắp nơi, làm như hai bọn tranh nhau tiền mà giết lẫn nhau. Có thế thì khi bọn hung ác trở lại chùa, chúng mới không nghi.
Trương Vô Kỵ kinh hãi, thấy Từ Đạt tỏ vẻ bất nhẫn, Đặng Dũ hơi xấu hổ, Thang Hòa tỏ vẻ nhơn nhơn, chỉ riêng Chu Nguyên Chương thản nhiên như không có chuyện gì. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Đám này ra tay tàn bạo quá thể!” bèn nói:
– Kế đó của Chu đại ca tuy hay, nhưng từ rày trở đi, chúng ta nhất thiết không được lạm sát người vô tội.
Đây là huấn dụ của giáo chủ, bọn Chu Nguyên Chương cùng đứng dậy, cúi mình, nói:
– Cẩn tuân lệnh chỉ của giáo chủ.
Sau đó bọn Chu Nguyên Chương, Đặng Dũ, Thang Hòa… hành quân giao chiến, quả nhiên tuân lệnh Trương Vô Kỵ, không dám giết người bừa bãi, nhờ đó lấy được lòng dân, làm nên sự nghiệp lớn.
Trương Vô Kỵ nói:
– Các vị đã thám thính được tin tức về các cao thủ của phái Thiếu Lâm và Võ Đang, công này thật không nhỏ. Đợi sắp đặt xong đại sự khởi nghĩa chống Nguyên, chúng ta sẽ tới Đại Đô giải cứu cao thủ hai phái đó.
Nói xong việc chung, chàng lại cùng bọn Từ Đạt nói chuyện riêng, nhắc lại chuyện năm xưa ăn trộm bò của Trương viên ngoại, cả bọn cùng cười ha hả.
Tối hôm ấy, Trương Vô Kỵ tập hợp tất cả giáo chúng, đốt lửa thắp nhang, tuyên cáo các nơi cùng nổi dậy, chung sức chống triều Nguyên, các lộ giáo chúng phối hợp hưởng ứng với nhau làm cho quân Nguyên phải lúng túng đối phó hết nơi này nơi khác thì đại sự ắt thành.
Rồi định ra phương sách, giáo chủ Trương Vô Kỵ cùng Quang Minh tả sứ Dương Tiêu, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu chấp chưởng tổng đàn, làm tổng soái của toàn giáo.
Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính thống lĩnh giáo chúng Thiên Ưng kỳ nổi dậy ở Giang Nam.
Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Ngô Lương, Ngô Trinh, Đặng Dũ, Thang Hòa, Hoa Vân cùng với lực lượng của Thường Ngộ Xuân và Tôn Đức Nhai khởi binh tại Hào Châu, Hoài Bắc.
Bố đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc thống lĩnh Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông, Đỗ Tôn Đạo, La Văn Tố, Thịnh Văn Uất, Vương Hiển Trung, Hàn Hiệu Nhi khởi binh tại Dĩnh Châu, Hà Nam.
Bành Oánh Ngọc chỉ huy Từ Thọ Huy, Trâu Phổ Vượng, Minh Ngũ khởi sự tại các châu Cán, Nhiêu, Viên, Tín vùng Giang Tây.
Thiết Quan đạo nhân chỉ huy Bố Tam Vương, Mạnh Hải Mã khởi binh tại một dải Tương, Sở, Kinh Tương.
Chu Điên chỉ huy Chi Ma Lý, Triệu Quân Dụng khởi sự ở một dải Từ, Túc, Phong, Bái.
Lãnh Khiêm cùng giáo chúng Tây Vực sẽ ngăn chặn và chia cắt các đội quân tiếp viện của Mông Cổ từ Tây Vực đến Trung nguyên.
Ngũ Hành kỳ thuộc quyền điều động của tổng đàn, nơi nào nguy cấp thì tới đó cứu viện.
Phương sách bố trí đó, mười phần đến chín là do Dương Tiêu và Bành Oánh Ngọc đưa ra, sau khi Trương Vô Kỵ công bố, giáo chúng hoan hô vang trời.
Trương Vô Kỵ lại nói:
– Nếu chỉ dựa vào lực lượng của một mình bản giáo, rất khó lòng làm lung lay cơ nghiệp đã có gần trăm năm của triều Nguyên. Cho nên bản giáo cần phải liên lạc với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, chung sức lo toan mới đại thành công. Hiện thời một nửa số nhân vật thủ lĩnh của võ lâm Trung nguyên đang bị triều đình bắt giữ, tổng đàn phải tìm cách giải cứu họ. Ngày mai các huynh đệ tản về các nơi, gặp cơ hội thì cứ việc giết bọn Thát tử, còn tổng đàn sẽ đi Đại Đô cứu người. Tối nay tất cả cứ vui say một chuyến, sau này chưa biết bao giờ tái ngộ. Các huynh đệ cần lấy nghĩa khí làm trọng, đại sự trên hết, chớ nên tranh quyền đoạt lợi, tàn sát lẫn nhau, kẻ nào hành sự bất nghĩa, tổng đàn quyết không dung tha.
Mọi người đồng thanh đáp ứng:
– Lệnh chỉ của giáo chủ, quyết không vi phạm!
Tiếng reo hò vang động sơn cốc. Mọi người trích máu ăn thề, thắp nhang làm chứng, thà chết không phụ đại nghĩa.
Đêm nay trăng sáng vằng vặc, các lộ giáo chúng ngồi cả dưới đất. Các nhân viên chấp sự của tổng đàn mang bánh nhân chay ra phân phát cho mọi người. Mọi người thấy bánh tròn như mặt trăng nên gọi là bánh Trung thu. Hậu thế truyền tụng, rằng người Trung Hoa ăn bánh Trung thu để hẹn nhau giết bọn Thát tử chính là từ đại hội này của Minh giáo mà ra.
Trương Vô Kỵ lại tuyên bố:
– Bản giáo truyền đời cấm ăn thịt uống rượu. Thế nhưng hiện nay khắp nơi mất mùa đói kém, gặp gì ăn nấy. Huống hồ hiện nay đại sự số một của chúng ta là trừ diệt Thát tử, nếu không ăn thịt uống rượu thì tinh thần kém hăng hái, không đủ sức chiến đấu. Từ nay trở đi bãi bỏ giáo quy cấm ăn thịt uống rượu. Chúng ta lập thân xử thế lấy đại tiết làm trọng, cấm kỵ ăn uống chỉ là tiểu tiết.
Cũng từ đó, bánh Trung thu của giáo chúng Minh giáo có làm nhân thịt.
Sáng hôm sau, các lộ giáo chúng cáo biệt Trương Vô Kỵ. Ai nấy tuy là hào kiệt khảng khái, nhưng nghĩ rồi đây cuộc chiến ác liệt, không biết ai còn ai mất, khi đại sự quần hào dự đại hội ở Hồ Điệp cốc hôm nay liệu có còn sống được non nửa, đều không khỏi lưu luyến. Lúc này trước Hồ Điệp cốc có một đống lửa được đốt bốc lên cao, bỗng ai đó cất tiếng ca:
Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh cháy bừng bừng,
Sống chẳng có gì vui,
Thì chết có gì khổ?
Tức thì giáo chúng cùng phụ họa:
Thiêu đốt thân tàn ta,
Hỏa thánh cháy bừng bừng,
Sống chẳng có gì vui,
Thì chết có gì khổ?
Nguyện hành thiện trừ ác,
Làm sao cho quang minh,
Bao hỉ lạc bi sầu,
Đều hóa thành cát bụi.
Thương thay cho con người,
Sao lo buồn lắm vậy!
Thương thay cho con người,
Sao lo buồn lắm vậy!
Điệp khúc Thương thay cho con người, Sao lo buồn lắm vậy! cứ vang vọng trong Hồ Điệp cốc. Quần hào ai nấy mặc y phục màu trắng, tới trước mặt Trương Vô Kỵ cúi mình hành lễ, rồi ngẩng đầu hiên ngang bước đi, không quay đầu nhìn lại. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm bao nhiêu dũng sĩ thế này, trong vòng một hai chục năm tới, máu của họ sẽ thấm khắp cả Trung nguyên thì nước mắt cứ rưng rưng.
Tiếng ca xa dần, tráng sĩ ly tán, Hồ Điệp cốc ồn ào náo nhiệt mấy hôm nay trở lại vắng lặng, chỉ còn Dương Tiêu, Vi Nhất Tiếu, Chu Nguyên Chương và vài người khác.
Trương Vô Kỵ hỏi kỹ địa điểm chùa Vạn An, hình dạng của bọn người hung dữ kia, rồi nói:
– Chu đại ca, ở vùng Hào Tứ này đang đại loạn, không nên bỏ lỡ cơ hội khởi sự. Mấy vị không cần theo bản nhân lên Đại Đô, chúng ta từ biệt ở đây.
Chu Nguyên Chương, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân cùng nói:
– Những mong giáo chủ mã đáo thành công, bọn thuộc hạ chờ đón tin mừng.
Rồi cả bọn bái biệt Trương Vô Kỵ, rời Hồ Điệp cốc đi lo chuyện khởi nghĩa.
Trương Vô Kỵ nói:
– Chúng ta cũng đi thôi. Tiểu Chiêu, cô nương vướng xiềng xích, đi lại bất tiện, hãy ở lại đây chờ ta nhé.
Tiểu Chiêu buồn bã vâng lời, nhưng khi tiễn chân, ra khỏi sơn cốc ba dặm rồi lại tiễn thêm ba dặm nữa, vẫn chưa chịu chia tay.
Trương Vô Kỵ nói:
– Tiểu Chiêu, cô nương tiễn xa quá, coi chừng lúc về bị lạc đường đó.
Tiểu Chiêu nói:
– Trương công tử, công tử lên Đại Đô, liệu có gặp Triệu cô nương hay không?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Rất có thể sẽ gặp.
Tiểu Chiêu nói:
– Nếu công tử gặp Triệu cô nương, công tử có thể nhờ Triệu cô nương giúp tiểu nữ một việc được chăng?
Trương Vô Kỵ lấy làm lạ, hỏi:
– Cô nương muốn nhờ việc gì?
Tiểu Chiêu nhún vai, nói:
– Công tử hãy mượn kiếm Ỷ Thiên chém đứt cái dây xích này, chứ không suốt đời tiểu nữ sẽ không được tự do.
Trương Vô Kỵ thấy vẻ ủ rũ đáng thương của Tiểu Chiêu cảm thấy, trong lòng không nỡ, bèn nói:
– Chỉ e Triệu cô nương không cho ta mượn bảo kiếm, huống hồ là mượn đem về đây.
Tiểu Chiêu nói:
– Vậy thì… vậy thì công tử đưa tiểu nữ đến trước mặt Triệu cô nương, nhờ nàng ta dùng bảo kiếm chặt một nhát, có phải hơn không?
Trương Vô Kỵ cười:
– Nói đi nói lại, chẳng qua cô nương muốn theo ta lên Đại Đô. Dương tả sứ, tả sứ thấy chúng ta có thể cho cô nương này đi theo được không?
Dương Tiêu biết Trương Vô Kỵ hỏi thế là đã có ý cho Tiểu Chiêu đi cùng, bèn đáp:
– Cũng được. Việc trà nước, y phục của giáo chủ đã có cô nương ấy lo, chỉ có điều dây xích kêu leng keng, sợ bị người ta để ý. Vậy cô nương hãy giả vờ bị bệnh, chỉ ngồi trong xe, ít đi ra ngoài.
Tiểu Chiêu cả mừng, vội nói:
– Đa tạ công tử. Đa tạ Dương tả sứ!
Rồi quay sang nhìn Vi Nhất Tiếu, nói thêm:
– Đa tạ Vi pháp vương!
Vi Nhất Tiếu cười, nói:
– Sao cô nương lại cảm ơn ta? Cô nương hãy coi chừng, bệnh của ta mà tái phát là ta hút máu cô nương đó!
Nói xong ông ta nhe hai hàm răng trắng nhởn, giả vờ làm dữ. Tiểu Chiêu biết ông ta chỉ đùa bỡn, song cũng hơi hoảng, lùi lại ba bước, nói:
– Pháp vương… đừng dọa tiểu nữ.