Hồi 16: Tu luyện thành thục Cửu Dương thần công

Trương Vô Kỵ bò tiếp vào cái hang hẹp thêm vài trượng, thấy phía trước càng lúc càng sáng hơn, bò thêm một đoạn, đột nhiên ánh nắng lóa mắt, cậu nhắm mắt định thần, khi mở mắt ra thì thấy phía trước là một thung lũng xanh tươi, cây cỏ hoa lá xen nhau đủ màu.

Cậu lớn tiếng reo mừng, từ trong hang bò ra. Cái hang này cao cách mặt đất chỉ hơn một trượng, khẽ nhảy là xuống tới nơi. Chân cậu đạp lên cỏ mượt như nhung, mũi ngửi mùi hoa thơm thoang thoảng, tai nghe chim hót ríu rít, mắt nhìn trái cây trĩu cành, đâu ngờ đằng sau cái hang hẹp tối om kia lại có một vùng phong cảnh thần tiên thế này. Giờ đây Trương Vô Kỵ đã quên vết thương đau đớn, chạy tung tăng một mạch đến hơn hai dặm mới gặp một ngọn núi cao chắn lại. Cậu đưa mắt nhìn tứ phía, thấy vây quanh thung lũng là núi cao trập trùng, tựa hồ thời xa xưa nơi đây chưa từng có vết chân người. Các đỉnh núi tuyết cao chọc trời, những vách núi cheo leo hiểm trở, quyết chẳng thể leo lên leo xuống.

Trương Vô Kỵ vô cùng sung sướng. Có bảy tám con sơn dương đang gặm cỏ, chúng thấy cậu tới gần mà chẳng hề sợ hãi chạy đi, trên cây có hàng chục con khỉ nhảy nhót chơi đùa, xem ra các loài hổ báo thân thể nặng nề đều không dám vượt các ngọn núi hiểm trở tới đây. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Kể ra ông Trời đãi mình cũng không bạc, sắp đặt cho mình một chốn yên nghỉ ngàn thu thần tiên như thế này”.

Cậu thong thả trở lại cửa hang, nghe tiếng gọi của Chu Trường Linh ở trong hang:

– Tiểu huynh đệ, ngươi mau bò ra đi, ở mãi trong ấy không sợ buồn chết hay sao?

Trương Vô Kỵ cười to:

– Ở trong này thú lắm!

Cậu với tay hái mấy trái cây không biết tên gì mọc ở các cành thấp, mới cầm trên tay đã ngửi mùi thơm dễ chịu, cắn thử một miếng cảm thấy ngon ngọt lạ thường, giòn hơn đào, thơm hơn táo, lại mọng nước hơn lê. Cậu ném một trái vào hang cho Chu Trường Linh, nói:

– Bắt lấy này, ngon phải biết!

Trái cây va vào vách đá mấy cái đã vỡ nát. Chu Trường Linh nhặt ăn cả vỏ lẫn hạt, ăn xong vẫn thấy đói cồn cào, lại gọi:

– Tiểu huynh đệ, cho ta vài trái nữa đi!

Trương Vô Kỵ nói:

– Chu bá bá là hạng người bất lương, có chết đói cũng đáng! Muốn ăn quả thì tự bò vào mà lấy.

Chu Trường Linh nói:

– Thân ta to quá, chui không lọt!

Trương Vô Kỵ cười:

– Liệu xẻ ra làm hai, có chui lọt được chăng?

Chu Trường Linh biết âm mưu của mình đã bại lộ, Trương Vô Kỵ hẳn sẽ mặc ông ta chết đói dần để báo thù, vết thương ở ngực lại đau nhói lên, ông ta bèn lớn tiếng chửi:

– Tặc tiểu quỷ kia, trái cây trong hang không lẽ đủ cho ngươi ăn suốt đời sao? Ta ở ngoài này chết đói, ngươi giỏi lắm cũng chỉ sống thêm vài ngày, trước sau gì cũng chết đói thôi.

Trương Vô Kỵ không thèm lý đến ông ta nữa, cậu ăn bảy tám trái nữa thì no bụng.

Sau đó hồi lâu, bỗng thấy một luồng khói từ trong hang bay ra. Trương Vô Kỵ kinh ngạc, nhưng lập tức vỡ lẽ: thì ra Chu Trường Linh ở bên ngoài hun khói vào hang để buộc mình phải bò ra, chứ đâu biết rằng Vô Kỵ đang ở một nơi trời đất bao la thế này, dù ông ta có đốt ngàn vạn cành tùng cũng uổng công. Cậu thấy tức cười, giả vờ ho sặc sụa, Chu Trường Linh gọi:

– Tiểu huynh đệ, bò ra đi, ta thề không hại ngươi đâu.

Trương Vô Kỵ kêu “ối” một tiếng, giả bộ ngất lịm, rồi bỏ đi.

Cậu đi về hướng tây được hơn hai dặm thì thấy một dòng thác từ trên núi cao đổ xuống, có lẽ do tuyết tan tạo thành, ánh nắng chiếu vào trông như một con rồng lớn bằng ngọc, vô cùng tráng lệ. Dòng thác đổ xuống một đầm nước màu trong xanh, nước hồ không dâng đầy, tức thị có đường thoát đi nơi khác. Cậu ngắm cảnh một lát, cúi xuống thấy chân tay mình lấm lem bùn đất và rêu xanh, lẫn với nhiều vết máu do bị cào xước, bèn tới bên bờ đầm cởi giày cỏ và xà cạp, lội xuống tắm rửa.

Đang tắm rửa, bỗng thấy một con cá trắng dài tới hơn một thước từ dưới đầm phóng mình lên khỏi mặt nước. Trương Vô Kỵ vội đưa tay chụp, tuy trúng mình cá nhưng nó trơn tuột đi. Cậu đứng yên nhìn kỹ, thấy dưới làn nước xanh trong có hơn một chục con cá trắng lớn đang bơi qua bơi lại.

Cách bắt cá, cậu đã học từ hồi còn nhỏ ở Băng Hỏa đảo. Cậu bẻ cành cây cứng, tạo một đầu nhọn, rồi đứng trên bờ đầm lặng lẽ chờ đợi, cứ hễ có con cá nào bơi gần lên mặt nước là cậu đâm mạnh mũi nhọn xuống, trúng vào thân con cá.

Vô Kỵ reo mừng, lại dùng cành nhọn rạch bụng con cá, vứt ruột đi, rửa sạch, rồi kiếm củi khô, dùng hỏa đao, hỏa thạch và bùi nhùi mang theo bên người mà nhóm lửa nướng cá. Lát sau mùi cá thơm phức, biết đã chín, cho vào miệng ăn thật thơm ngon vô cùng, tựa hồ trong đời chưa bao giờ được ăn món gì ngon hơn thế. Phút chốc, cậu đã chén hết cả một con cá to.

Trưa hôm sau, Trương Vô Kỵ lại bắt một con cá to, nướng ăn, nghĩ thầm: “Mình nhất thời còn sống, phải giữ lấy lửa, kẻo khi hết bùi nhùi thì phiền”, bèn vun tro thành vòng tròn, vùi cành củi cháy dở vào đó, đề phòng lửa tắt. Hồi ở Băng Hỏa đảo, mọi vật dụng đều phải tự chế lấy, nay một mình ở chốn hoang dã này, cậu cũng lấy đất nặn thành nồi, bện cỏ thành nệm.

Bận đến tận chiều tối, nghĩ Chu Trường Linh chắc đói meo, Trương Vô Kỵ bèn hái một bọc trái cây ném vào trong hang. Cậu sợ nếu cho ông ta ăn cá, lỡ như ông ta đủ sức khỏe chui qua hang thì nguy to, nên không cho món cá nướng.

Đến ngày thứ tư, Trương Vô Kỵ đang nặn một cái bếp bỗng nghe có tiếng khỉ kêu chí chóe ra chiều thảm thiết và cấp bách lắm. Cậu theo tiếng kêu chạy tới, thấy dưới chân vách núi có một con khỉ đang bị một hòn đá đè lên, không cựa quậy được, chắc là nó ngã từ trên vách núi xuống đây. Trương Vô Kỵ tới lăn hòn đá sang một bên, chân phải của con khỉ bị gãy, nó đau quá cứ kêu khèng khẹc luôn miệng.

Trương Vô Kỵ buộc hai cành cây vào chỗ chân gãy cho con khỉ, lại tìm một số thảo dược nhai nát đắp vào vết thương cho nó. Tuy ở đây khó tìm đúng dược thảo thích hợp cho bài thuốc kiến hiệu, nhưng nhờ thủ pháp tiếp cốt khéo léo của cậu, cái chân gãy của con khỉ cũng có thể lành.

Con khỉ kia cũng biết trả ơn, hôm sau nó đi hái rất nhiều trái cây mang về cho Trương Vô Kỵ. Mười ngày sau cái chân gãy của con khỉ quả nhiên đã lành hẳn.

Ở trong thung lũng ngày dài không có việc gì làm, Trương Vô Kỵ thường đùa giỡn cùng bầy khỉ, nếu chất hàn độc không bất chợt phát tác thì cuộc sống ở đây vô cùng thích thú. Có lần thấy bầy sơn dương đi qua, cậu toan giết một con nướng ăn, nhưng thấy bầy thú hiền lành dễ thương, cậu không nỡ ra tay. Cũng may cá trong đầm và trái cây quá nhiều nên thức ăn không thiếu. Vài hôm cậu lại bắt được một con gà rừng bên khe suối, ăn thịt thật là ngon.

Cứ như thế hơn một tháng, một buổi sớm Trương Vô Kỵ còn đang mơ màng chưa tỉnh giấc, bỗng cảm thấy có một bàn tay to lớn lông lá vuốt vuốt nhẹ vào má cậu. Trương Vô Kỵ giật mình bật ngay dậy, thấy một con vượn lớn lông trắng ngồi ngay bên cạnh, đang bế một con khỉ nhỏ vẫn cùng cậu đùa nghịch hàng ngày. Con khỉ nhỏ kêu chút cha chút chít luôn miệng, tay chỉ vào bụng con vượn. Trương Vô Kỵ ngửi thấy mùi hôi thối, trên bụng con vượn máu mủ bê bết, có một cái nhọt to tướng, bèn cười nói:

– Giỏi, giỏi, thì ra mi đem bệnh nhân tới cho thầy lang cơ đấy!

Con vượn trắng giơ tay, chìa ra một quả bàn đào to bằng nắm tay, cung kính dâng lên.

Trương Vô Kỵ nhìn trái bàn đào lớn chín đỏ, nghĩ thầm: “Mẫu thân ta từng kể chuyện cổ tích, ở núi Côn Luân có tiên nữ Vương Mẫu, mỗi lần sinh nhật lại thết tiệc bàn đào, mời quần tiên đến dự. Tây Vương Mẫu không biết có thật hay không, còn chuyện ở núi Côn Luân có bàn đào lớn thì chẳng phải hoang đường”. Cậu liền tươi cười nhận trái bàn đào, nói:

– Ta không lấy tiền công, dù không có đào tiên, ta cũng vẫn chữa bệnh cho ngươi.

Cậu đưa tay nắn nhẹ vào bụng con vượn, bất giác giật mình.

Thì ra cái nhọt của loài vượn chỉ nhỏ chừng một tấc, nhưng đằng này lại to gấp mười lần thông thường, mà cứng ngắc. Trong y thư không chép loại ung nhọt nào lớn cỡ ấy, nếu toàn bộ chỗ cứng đều thành mủ, chỉ e không chữa được. Cậu bắt mạch cho con vượn, thấy không có triệu chứng nguy hiểm, bèn vạch đám lông dày ở bụng nó ra xem, nhìn cái nhọt lại càng kinh ngạc, thấy giữa bụng nó lồi lên một cục vuông vuông, chu vi được khâu lại bằng chỉ, rõ ràng là do bàn tay con người, loài vượn dù thông minh đến mấy cũng không đời nào biết may vá. Cậu khám kỹ cái nhọt lần nữa, biết là vật bên trong lồi ra kia đã làm tắc nghẽn huyết mạch khiến cơ bụng bị thối rữa đã lâu, muốn chữa khỏi bệnh thì không thể không lấy cái vật trong bụng con vượn ra.

Nói tới việc mổ xẻ trị thương, Trương Vô Kỵ đã học được ở Hồ Thanh Ngưu rất thành thạo. Nhưng ở đây không có dao kéo, cũng chẳng có thuốc men, thật là khó. Cậu nghĩ một hồi, rồi cầm một hòn đá ném mạnh vào hòn đá khác, tìm một mảnh vỡ thật sắc cạnh, thong thả cắt các mối chỉ khâu trên bụng con vượn. Con vượn này đã già, rất có linh tính, nó biết Trương Vô Kỵ trị bệnh cho nó, nên tuy bị đau ghê gớm nhưng nó vẫn cố nhịn không cựa quậy.

Trương Vô Kỵ cắt xong đường chỉ khâu bên phải và đường bên trên, vạch lớp da bụng lên theo đường chéo góc, thấy một cái bọc bằng vải dầu. Cậu rất ngạc nhiên, nhưng lúc này chưa vội mở cái bọc ra xem, chỉ lấy ra đặt sang một bên, rồi may da bụng lại cho con vượn. Không có kim chỉ, cậu đành dùng xương cá làm kim, chọc lỗ nhỏ trên da bụng, lấy vỏ cây tước ra làm chỉ, xuyên qua lỗ kia mà buộc lại, khâu xong thì bôi thuốc lên vết thương. Công việc ấy mất ngót nửa buổi mới hoàn tất, con vượn tuy rất khỏe nhưng cũng nằm bệt dưới đất mệt nhoài.

Trương Vô Kỵ rửa sạch vết máu trên tay và trên cái bọc, mở ra xem, hóa ra trong đó có bốn cuốn kinh thư mỏng. Nhờ được gói chặt bằng lớp vải dầu, nên tuy nằm trong bụng con vượn rất lâu mà bốn cuốn kinh thư ấy không hề bị hư hại. Bìa bộ kinh thư viết mấy chữ loằng ngoằng, cậu không đọc được chữ nào cả, còn giở bên trong, thì cả bốn cuốn đều chi chít những chữ quái dị, song xen giữa mỗi hàng đều có viết chữ Hán theo kiểu chữ khải chỉ nhỏ bằng đầu ruồi.

Trương Vô Kỵ định thần, đọc kỹ từ đầu, hình như sách này viết về yếu quyết luyện khí vận công; cậu chầm chậm đọc dần xuống dưới, đột nhiên giật mình khi thấy có ba hàng kinh văn quá quen thuộc, chính là “Võ Đang cửu dương công” mà thái sư phụ và Du nhị bá đã dạy cho cậu, nhưng tiếp sau thì lời văn lại không giống. Vô Kỵ giở thêm vài trang, lại gặp câu nói về “Võ Đang cửu dương công”, song nội dung khác hẳn với những gì thái sư phụ và Du nhị bá đã dạy.

Trương Vô Kỵ gấp sách lại, trống ngực đập dồn, nghĩ thầm: “Bộ kinh thư này rốt cuộc là sách gì đây? Sao lại có đoạn nói về “Võ Đang cửu dương công” ở trong đó? Thế nhưng lại không hoàn toàn giống như võ công bản môn sở truyền? Kinh văn sao lại nhiều gấp mười lần của phái Võ Đang là sao?”

Nghĩ tới đây, cậu chợt nhớ câu chuyện thái sư phụ đã kể hồi dẫn cậu lên Thiếu Lâm tự: sư phụ của thái sư phụ là Giác Viễn đại sư học thuộc Cửu dương chân kinh, trước khi chết có tụng cuốn kinh đó, khi ấy ba người ở bên cạnh Giác Viễn đại sư là thái sư phụ Trương Tam Phong, Quách Tương nữ hiệp và Vô Sắc đại sư phái Thiếu Lâm, mỗi người ghi nhớ được một phần, nhờ đó võ công của ba phái Võ Đang, Thiếu Lâm, Nga Mi đại tiến, mấy chục năm qua mỗi phái một vẻ, danh chấn võ lâm. “Chẳng lẽ đây chính là bộ Cửu dương chân kinh đã bị người ta lấy cắp? Đúng rồi! Thái sư phụ bảo rằng bộ Cửu dương chân kinh được chép ở phần lề lẫn với bộ kinh Lăng Già, những chữ loằng ngoằng này hẳn là kinh Lăng Già viết bằng tiếng Phạn. Nhưng tại sao nó lại nằm trong bụng con vượn nhỉ?”

Bộ kinh thư này đích thị là Cửu dương chân kinh, còn việc tại sao nó lại nằm trong bụng con vượn thì chẳng còn ai trên thế gian biết được.

Chuyện rằng hơn chín chục năm về trước, Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây đã lấy cắp bộ kinh thư này khỏi Tàng kinh các của chùa Thiếu Lâm, bị Giác Viễn đại sư truy đuổi đến tận đỉnh núi Hoa Sơn, thấy không thể nào thoát thân, vừa hay bên cạnh có con vượn xám, Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây bèn nghĩ ra một kế liền mổ bụng con vượn giấu bộ kinh vào đó. Khi Giác Viễn, Trương Quân Bảo và Dương Quá lục soát trong người hai tên này đều không thấy kinh thư đâu cả, đành thả cho hai tên này cùng con vượn xuống núi. Việc mất bộ Cửu dương chân kinh trở thành đại nghi án trong võ lâm ngót trăm năm nay. Sau đó Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây đem con vượn chạy sang Tây Vực, nhưng hai tên đó trong bụng cứ nghi ngờ nhau, sợ đối phương tập được thứ võ công chép trong kinh thư trước rồi sẽ giết mình, nên cả hai cứ canh chừng nhau, lần lữa chưa dám lấy bộ kinh trong bụng con vượn ra. Cuối cùng hai tên đến ngọn núi Kinh Thần trong dải Côn Luân, ra tay sát hại nhau đến mức lưỡng bại câu thương, thành thử bộ kinh tâm pháp tối cao về tu luyện nội công này cứ nằm lại trong bụng con vượn xám.[62]

Võ công Tiêu Tương Tử vốn cao hơn Doãn Khắc Tây một bậc, nhưng vì lúc ở trên tuyệt đỉnh Hoa Sơn hắn có đánh Giác Viễn đại sư một quyền, bị lực dội lại mà trọng thương, thành thử khi đấu với Doãn Khắc Tây, hắn lại bỏ mạng trước. Còn Doãn Khắc Tây lúc hấp hối đã gặp Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo, lương tâm nhắc nhở, mới nhờ Hà Túc Đạo đến Thiếu Lâm tự nói cho Giác Viễn đại sư biết rằng bộ kinh ấy giấu ở trong bụng con vượn. Nhưng lúc ấy thần trí hắn đã không còn tỉnh táo, giọng nói thều thào, cho nên câu “kinh tại hầu trung”[63], Hà Túc Đạo lại nghe thành “kinh tại dầu trung”[64]. Hà Túc Đạo giữ lời hứa, quả nhiên đi Trung nguyên chuyển lại câu “kinh tại dầu trung” cho Giác Viễn đại sư. Giác Viễn đại sư không hiểu nghĩa là gì, cũng vì câu này mà nổi lên một trận đại phong ba, sau đó võ lâm có thêm hai phái Võ Đang và Nga Mi.

Con vượn xám kia cũng thật may, ở trong núi Côn Luân ăn đào tiên, được hưởng linh khí của trời đất, qua hơn chín chục năm vẫn còn chạy nhảy như bay, bộ lông dài màu xám ban đầu dần dần chuyển sang màu trắng xóa, thành một con vượn trắng. Riêng bộ kinh vẫn nằm trong bụng nó, đè ép bao tử và ruột, nên nó hay bị đau bụng, vết thương trong bụng khi lành khi loét, mãi đến hôm nay mới được Trương Vô Kỵ lấy kinh ra, đối với con vượn mà nói, quả là trừ được mối đại họa trong gan ruột.

Tất cả manh mối đầu đuôi ấy, dù có người thông minh gấp trăm lần Trương Vô Kỵ cũng chẳng thể nghĩ ra. Trương Vô Kỵ ngẩn người một hồi, tự biết mình không giải thích được, cũng chẳng nên phí tâm suy nghĩ làm gì, bèn lấy trái bàn đào mà con vượn trắng tặng cho, cắn một miếng, thấy nước đào chảy xuống cổ họng thật ngon ngọt, ngon hơn hết thảy các thứ trái cây không tên trong thung lũng này mà cậu vẫn ăn.

Trương Vô Kỵ ăn hết trái bàn đào, nghĩ thầm: “Thái sư phụ năm nào từng bảo, nếu ta luyện được Cửu dương thần công của cả ba phái Võ Đang, Thiếu Lâm, Nga Mi là có thể khu trừ âm độc trong cơ thể. Cửu dương công của cả ba phái đều bắt nguồn từ Cửu dương chân kinh, nếu bốn cuốn sách này đúng là bộ Cửu dương chân kinh thì mình cứ theo đó luyện tập, sẽ hơn hẳn học Cửu dương thần công của ba phái. Ở thung lũng này cũng chả có việc gì làm, mình cứ theo sách mà tập luyện thôi. Còn giả dụ mình đoán nhầm, tập theo bộ sách này là vô dụng, chỉ có hại, thì cũng chỉ chết là cùng”.

Yên tâm rồi, Trương Vô Kỵ bèn lấy ba quyển kinh thư cất vào một chỗ cao ráo, trên phủ cỏ khô, lại xếp chồng ba tảng đá lên trên để lũ khỉ khỏi nghịch ngợm lấy ra tranh giành nhau, xé rách không chừng. Cậu chỉ cầm quyển thứ nhất, trước tiên đọc đi đọc lại mấy lần cho thuộc lòng, sau đó tham cứu thể hội, bắt đầu tập từ câu thứ nhất trở đi.

Cậu nghĩ thầm: “Dẫu theo kinh thư này ta có tập được thần công, khu trừ âm độc trong cơ thể, nhưng lại bị giam hãm trong thung lũng bốn bề vách núi vây quanh thế này, cũng đâu có thoát ra được. Nơi đây ngày rộng tháng dài, hôm nay luyện xong cũng tốt, ngày mai luyện xong cũng hay, mà dẫu có luyện chẳng thành thì cũng coi như là một cách tiêu hao thời gian nhàn rỗi”. Với tâm trạng thành bại chẳng hệ trọng, việc luyện tập của cậu tiến triển rất nhanh, chỉ sau bốn tháng ngắn ngủi đã hiểu kỹ mọi điều ghi trong quyển kinh thứ nhất và luyện thành công.

Luyện xong quyển kinh thứ nhất, bấm đốt ngón tay, kỳ hạn mà Hồ Thanh Ngưu dự đoán chất hàn độc phát tác khiến Trương Vô Kỵ phải chết đã qua song cậu cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng khoan khoái, chân khí lưu động toàn thân, không có dấu hiệu bệnh tật nào cả; ngay cả chất hàn độc trước kia thường xuyên phát tác, bây giờ có khi cách cả tháng mới bị một lần, và bị cũng rất nhẹ. Không lâu sau Vô Kỵ đọc trong quyển kinh thứ hai, đến câu: “Đóng mở chín mạch dương, giữ chặt nguyên khí, sách này có tên là Cửu dương chân kinh”, thì cậu mới biết chính xác đây là Cửu dương chân kinh, bộ bảo điển mà thái sư phụ đêm ngày ghi nhớ. Thế là cậu vui mừng vô hạn, tập luyện càng thêm chăm chỉ. Con vượn trắng cảm cái ân trị bệnh, thường hái bàn đào đem đến tặng cậu, là một món ăn bổ nguyên kiện thể. Luyện mới xong nửa quyển kinh thứ hai thì âm độc trong người đã được khu trừ không còn tung tích gì nữa.

Ngày ngày ngoài việc luyện công, Trương Vô Kỵ chơi đùa với bầy khỉ vượn; mỗi lần hái trái cây, cậu lại chia cho Chu Trường Linh một nửa, cậu cứ thế sống cuộc đời không lo phiền, tự do tự tại. Còn Chu Trường Linh ở trên cái bình đài nho nhỏ bên kia hang, đúng là một ngày dài bằng cả một năm, mỗi khi mùa đông tới, núi ngập băng tuyết, gió lạnh thấu xương, cảnh khổ kể sao cho xiết.

Trương Vô Kỵ luyện xong quyển kinh thứ hai thì không còn sợ nóng sợ lạnh. Có điều càng luyện về sau, càng đi sâu vào sự huyền diệu, tiến triển càng chậm, luyện quyển kinh thứ ba tốn cả một năm mới xong, riêng quyển kinh thứ tư phải mất đứt hơn ba năm mới hoàn toàn thành tựu.

Trương Vô Kỵ ở thung lũng này đã hơn năm năm, từ một thiếu niên nay trở thành một chàng trai cao lớn. Hai năm sau cùng, thi thoảng nổi hứng, chàng lại cùng bọn khỉ vượn leo lên vách núi, từ trên cao nhìn xuống bốn bề. Với công lực của chàng hiện giờ, việc vượt núi mà ra không còn là chuyện khó. Nhưng nghĩ đến bụng dạ hiểm độc của người đời, chàng không khỏi rùng mình, nghĩ bụng tội gì phải ra bên ngoài chuốc lấy phiền não, tự chui đầu vào rọ? Cứ sống trong cái thung lũng thần tiên này cho đến già, đến chết, chẳng phải hay hơn không?

Chiều hôm đó, Trương Vô Kỵ lấy bốn quyển kinh thư ra đọc lại một lần từ đến chí cuối, đọc xong quyển cuối cùng, trong lòng vừa vui sướng, vừa bâng khuâng. Chàng khoét một cái hang mới sâu ba thước ở vách núi, bên trái cái hang cũ, đem bốn quyển Cửu dương chân kinh, bộ Y kinh của Hồ Thanh Ngưu, cuốn Độc kinh của Vương Nạn Cô, tất cả gói lại kỹ càng trong tấm vải dầu lấy từ bụng con vượn ra, chôn vào hang, vùi đất lên, nghĩ thầm: “Ta lấy được bộ kinh thư từ trong bụng con vượn, là cơ duyên cực lớn, không biết trăm, ngàn năm sau, có ai lạc đến chốn này, may mắn tìm thấy bộ kinh này chăng?” Chàng nhặt một hòn đá nhọn, viết lên vách núi sáu chữ “Nơi Trương Vô Kỵ cất kinh”.

Khi còn luyện công, ngày ngày có việc chú tâm vào làm nên Vô Kỵ không cảm thấy tịch mịch. Bây giờ đại công đã thành, trong lòng chàng lại thấy trống trải, hơn nữa thần công đã thành, lòng can đảm gia tăng, chàng nghĩ thầm: “Lúc này Chu bá bá có muốn hại ta, ta cũng chả sợ, chi bằng ta qua bên ấy nói chuyện chơi”, thế là chàng uốn mình chui vào hang. Ngày trước, từ hang này chui ra, chàng mới mười lăm tuổi, thân hình nhỏ bé; nay chui vào đã hai mươi tuổi, thân hình cao to, làm sao chui lọt cái hang nhỏ hẹp? Chàng hít một hơi, vận Thúc cốt công co rút xương toàn thân lại sát với nhau, nhẹ nhàng luồn vào hang.

Chu Trường Linh đang tựa lưng vào vách đá ngủ say, mơ thấy đang ở nhà mở đại tiệc, gia nhân bằng hữu tấp nập vô cùng vui vẻ; đột nhiên có người lay lay vai ông ta; ông ta giật mình choàng tỉnh, mở mắt ra thấy một bóng người cao lớn đứng ngay trước mặt. Chu Trường Linh bật dậy, thần trí chưa hoàn toàn tỉnh táo, kêu lên:

– Ngươi… ngươi…

Trương Vô Kỵ mỉm cười, nói:

– Chu bá bá, tiểu điệt đây, Trương Vô Kỵ đây mà.

Chu Trường Linh vừa kinh ngạc, vừa mừng, vừa hận vừa buồn, nhìn chàng hồi lâu, rồi nói:

– Cậu cao lớn quá rồi. Hừ, sao bấy lâu nay không ra nói chuyện với ta? Bất kể ta cầu khẩn thế nào, cậu cũng không lý đến, là sao?

Trương Vô Kỵ mỉm cười:

– Tiểu điệt sợ Chu bá bá hành hạ tiểu điệt.

Chu Trường Linh tay phải chộp ra, thi triển cầm nã thủ pháp, tóm vai Trương Vô Kỵ, xẵng giọng hỏi:

– Thế hôm nay không sợ nữa ư?

Đột nhiên lòng bàn tay ông ta nóng như phải bỏng, cánh tay bất giác giật lại, buông vai Vô Kỵ ra, ngực thì đau tức; ông ta vội lùi ba bước, ngơ ngẩn nhìn chàng, miệng lắp bắp:

– Cậu… cậu… có công phu gì vậy?

Từ khi luyện thành Cửu dương thần công, đây là lần đầu tiên Trương Vô Kỵ sử dụng, thấy uy lực như vậy. Chu Trường Linh là cao thủ bậc nhất, vậy mà bị thần công của chàng làm cho chấn động phải buông tay tức thì. Chàng nhìn Chu Trường Linh hốt hoảng, trong lòng không khỏi thầm đắc ý, cười nói:

– Bá bá thấy công phu ấy thế nào?

Chu Trường Linh chưa hoàn hồn, lại hỏi:

– Cái đó… môn đó là công phu gì thế?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Đó là Cửu dương thần công.

Chu Trường Linh hỏi:

– Làm cách nào cậu luyện thành?

Trương Vô Kỵ cũng chẳng buồn giấu, bèn kể lại việc trị thương cho con vượn trắng, nhờ đó lấy được bộ kinh thư trong bụng nó, theo đấy tu luyện.

Chu Trường Linh nghe xong chỉ càng ghen tức, nghĩ thầm: “Ta ở trên ngọn núi tuyết này năm năm trời chịu xiết bao khổ ải, còn tên tiểu tử này lại luyện được thần công tuyệt diệu”. Ông ta chẳng nghĩ rằng chính mình mưu toan hại người nên mới lạc tới đây, cũng không nhớ cái ơn năm năm qua Trương Vô Kỵ ngày ngày hái trái cây ném cho ông ta ăn, ông ta mới sống được tới hôm nay, chỉ nghĩ tiểu tử này sao quá may mắn, còn mình thì quá xui xẻo, thật quá bất công, bèn cố nén giận, cười hề hề, nói:

– Thế bộ Cửu dương chân kinh ấy đâu rồi, cho ta xem một chút được chăng?

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Cho ông ta xem một chút thì đã sao? Không lẽ trong giây lát có thể nhớ được hết ư?” liền nói:

– Tiểu điệt chôn trong hang, ngày mai sẽ lấy ra cho bá bá xem.

Chu Trường Linh hỏi:

– Cậu cao lớn như thế, làm sao chui lọt qua hang?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Cái hang cũng chả hẹp lắm đâu, chỉ cần co mình lại, dùng sức trườn một cái là qua thôi.

Chu Trường Linh hỏi:

– Cậu thấy liệu ta có trườn qua được hay không?

Trương Vô Kỵ gật đầu:

– Để mai chúng ta hãy thử xem, bên trong hang rộng rãi lắm, chứ ở mãi trên cái bình đài nhỏ hẹp này thật chẳng thích chút nào.

Trương Vô Kỵ nghĩ rằng nếu mình vận công ép hai vai, ngực, xương sườn, mông và các khớp xương cho Chu Trường Linh thì có thể giúp ông ta chui lọt qua hang. Chu Trường Linh cười, nói:

– Tiểu huynh đệ, cậu thật là tốt, bậc quân tử không nhớ chuyện cũ, trước kia ta có điều không phải với cậu, mong cậu bỏ qua cho.

Nói xong vái một cái thật dài. Trương Vô Kỵ vội hoàn lễ, nói:

– Chu bá bá không cần khách sáo! Ngày mai chúng ta sẽ cùng nghĩ cách rời khỏi nơi này.

Chu Trường Linh cả mừng, hỏi:

– Cậu bảo có thể rời khỏi nơi này ư?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Khỉ vượn có thể leo ra leo vào, chắc chắn mình cũng làm được.

Chu Trường Linh hỏi:

– Thế sao cậu không ra từ sớm?

Trương Vô Kỵ mỉm cười, nói:

– Trước kia tiểu điệt chả nghĩ tới chuyện rời khỏi nơi đây, chỉ sợ bị người ta hà hiếp, bây giờ không sợ nữa, nên tính chuyện về thăm thái sư phụ và các vị sư bá sư thúc.

Chu Trường Linh cười ha hả, vỗ tay reo:

– Hay quá, hay quá!

Chân ông ta lùi hai bước, đột nhiên trượt chân, người chao đi, kêu “Ối” một tiếng, chân đạp vào khoảng không, từ mép đá rơi xuống bên dưới.

Sự việc xảy ra đột ngột, Trương Vô Kỵ cả kinh, cúi nhìn xuống, gọi:

– Chu bá bá, bá bá có sao không?

Chỉ nghe bên dưới vọng lên hai tiếng rên yếu ớt. Trương Vô Kỵ cả mừng, nghĩ thầm: “May quá, chưa rơi xuống vực, nhưng có lẽ cũng bị thương”. Nghe tiếng rên, đoán chừng khoảng cách chỉ vài trượng, chàng nhìn kỹ thì thấy bên dưới mỏm đá này có một cây tùng mới nhô ra, Chu Trường Linh đang nằm vắt ngang trên cây, không dám động đậy. Trương Vô Kỵ quan sát tình thế, với công lực hiện tại của chàng, việc nhảy xuống ôm Chu Trường Linh mang lên đây cũng không mấy khó khăn, thế là chàng hít một hơi, nhắm một cành cây to bằng bắp tay, nhẹ nhàng thả mình xuống đó.

Chân chàng còn cách cành cây kia chừng nửa thước, đột nhiên cái cành ấy gãy rời, rớt xuống. Chàng đang lơ lửng trong không trung, làm gì có chỗ nào để mượn sức; dù chàng đã luyện thành thần công tuyệt đỉnh, nhưng vẫn là người chứ đâu phải chim chóc, đâu có thể bay ngược trở lên? Ý nghĩ vụt qua trong đầu như một ánh chớp: “Thì ra Chu Trường Linh lại dùng gian kế hại ta; hắn bẻ gãy cành cây kia cầm trong tay, chờ ta đáp xuống gần tới liền buông rơi”. Chàng hiểu được như thế thì đã muộn, thân hình cứ thế rơi thẳng xuống.

Chu Trường Linh ở trên cái bình đài nho nhỏ, rộng không quá mươi trượng kia hơn năm năm, từng ngọn cỏ, từng viên sỏi đều biết rõ. Trong bóng tối ông ta giả vờ trượt chân bị thương, biết Trương Vô Kỵ sẽ nhảy xuống cứu, quả nhiên gian kế thành công, khiến Trương Vô Kỵ rơi xuống vực sâu muôn trượng.

Chu Trường Linh cười ha hả, nghĩ thầm: “Hôm nay cho tên tiểu tử kia thành một đống thịt nát nhừ mới thỏa mối hận trong lòng ta hơn năm năm qua!” Họ Chu níu sợi dây leo ở bên cạnh cây tùng, leo ngược lên bình đài, nghĩ bụng: “Lần trước ta chui vào hang không lọt, cũng vì nôn nóng dùng sức quá mạnh, đến nỗi gãy xương sườn. Tên tiểu tử này thân xác to hơn hẳn ta, nó đã chui lọt, thì ta cũng sẽ chui lọt. Sau khi lấy được bộ Cửu dương chân kinh, ta sẽ tìm đường trở về, luyện thành thần công, vô địch trong thiên hạ, thật là sung sướng! Ha ha, ha ha!”

Chu Trường Linh càng nghĩ càng đắc ý, bèn chui luôn vào hang, chẳng bao lâu đã tới chỗ năm năm trước ông ta bị gãy xương sườn. Trong đầu ông ta chỉ có một ý nghĩ: “Tên tiểu tử ấy to lớn hơn ta mà chui lọt, ta đương nhiên cũng sẽ chui lọt”. Nghĩ thế là đúng, nhưng họ Chu lại quên một điều, là Trương Vô Kỵ đã luyện được phép thúc cốt[65] trong Cửu dương thần công.

Hắn bình tâm tĩnh khí, nhích từng tấc từng tấc qua chỗ hẹp trong hang, quả nhiên so với năm năm trước đã tiến sâu hơn một trượng, nhưng đến đây rồi, dẫu cố mấy cũng không thể nhích thêm được dù chỉ nửa tấc.

Hắn biết nếu lại làm mạnh, sẽ chỉ đi vào vết xe đổ năm năm trước, ắt bị gãy thêm vài dẻ xương sườn, nên ông ta định thần, cố thở khí trong phổi ra bằng hết, quả nhiên người thu nhỏ thêm được hai tấc, tiến sâu thêm ba thước nữa. Nhưng vì nhịn thở, ngực mỗi lúc một tức, tim đập cứ như tiếng trống hộ đê, chỉ muốn ngất xỉu, ông ta biết là không ổn, đành lùi lại tính sau.

Nào ngờ lúc tiến vào thì hai chân có thể tựa những chỗ lồi lõm trong hang đá mà đẩy người đi, lúc bò lui thì chẳng có gì để tựa. Khi tiến vào, ông ta giơ thẳng hai tay về phía trước để thu hẹp hai vai, bay giờ hai tay bị bốn bề là đá giữ chặt nên không có chút sức lực nào, song trong đầu vẫn nghĩ: “Tên tiểu tử ấy to lớn hơn ta mà chui lọt, ta đương nhiên cũng sẽ chui lọt. Tại sao ta lại bị kẹt ở đây, có lý nào thế được?”

Nhưng trên đời thiếu gì những chuyện như thế, một cao thủ văn tài võ công vào hàng thượng thừa, thông minh cơ trí vào bậc nhất, giờ bị mắc kẹt trong cái hang đá nhỏ hẹp, tiến chẳng được mà lùi cũng chẳng xong.

*

*   *

Trương Vô Kỵ lại trúng gian kế của Chu Trường Linh, từ trên mỏm núi rơi thẳng xuống vực, lòng vô cùng ân hận: “Trương Vô Kỵ ơi là Trương Vô Kỵ, mi quả là một tên vô dụng! Thừa biết Chu Trường Linh là kẻ cực kỳ gian trá, vậy mà vừa gặp đã lại bị ông ta đánh lừa, mi thật đáng chết, đáng chết!”

Chàng tự rủa mình đáng chết, song thực ra khát khao được sống hơn bao giờ hết nên cố vận khí lưu thông trong cơ thể, nhảy ngược lên để giảm bớt sức rơi, may ra lúc tiếp đất sẽ không bị tan xương nát thịt. Nhưng đang ở trên không rơi xuống vùn vụt, đâu thể điều khiển được thân mình, cũng chẳng có chỗ nào để mượn lực, chàng chỉ thấy bên tai gió thổi ù ù, hai mắt nhức nhối, ánh sáng từ lớp tuyết trắng bên dưới đã hắt thẳng lên mắt.

Chàng biết sống hay chết hoàn toàn là ở phút này, thấy cách hơn một trượng có một đống tuyết lớn, lúc này cũng chả phân biệt nổi đó là tuyết hay đá trắng, đang ở trên không bèn lộn người ba vòng, nhắm đống tuyết ấy lao tới. Thân hình chàng rơi xéo thành đường vòng cung, chân trái chạm xuống đống tuyết, nghe “phụp” một tiếng, cả người rơi ngập vào đống tuyết. Môn Cửu dương thần công chàng khổ luyện năm năm qua giờ đây phát sinh uy lực, mượn sức đẩy lại của đống tuyết mà vọt người lên cao. Nhưng sức rơi từ trên cao vạn trượng xuống đây rất mạnh, chàng cảm thấy đùi đau nhói, cả hai xương đùi đều bị gãy.

Chàng bị thương tuy nặng, song thần trí vẫn tỉnh táo, thấy rơm cỏ bay tứ tung, hóa ra bên dưới đống tuyết là đám cỏ khô do nhà nông đánh đống. Chàng bất giác reo thầm: “May quá, hú vía. Nếu bên dưới không phải cỏ khô mà là đất đá, thì Trương Vô Kỵ ta coi như tiêu đời luôn rồi”.

Chàng dùng hai tay từ từ bò ra khỏi đống cỏ, lăn ra chỗ tuyết bằng, xem lại vết thương ở đùi, hít một hơi dài, giơ tay nắn lại chỗ xương đùi bị gãy, nghĩ thầm: “Ta phải nằm đây tối thiểu một tháng, may ra mới có thể đi lại được. Ở đây chẳng có gì ăn, đến phải dùng tay thay chân, chứ không lẽ cứ nằm một chỗ nhịn đói đến chết hay sao?”

Chàng lại nghĩ thầm: “Đống cỏ này của nhà nông tích trữ, vậy gần đây phải có người ở”. Chàng đã định kêu cứu thật to, song nghĩ lại: “Trên đời này kẻ ác quá nhiều, ta một mình nằm dưỡng thương trên bãi tuyết cũng được rồi. Nếu kêu lên mà bị kẻ ác tới, chẳng hóa ra càng thêm khốn khổ sao”. Thế là Vô Kỵ lặng lẽ nằm trên tuyết, chờ ngày xương đùi lành dần.

Nằm thế ba ngày, bụng đói sôi từng chập. Vô Kỵ biết rằng những ngày đầu tiếp cốt nhất thiết không được cử động, vì nếu chỗ gãy bị lệch đi, cả đời sẽ thành kẻ đi khập khiễng, thành thử dầu gì cũng cố nhịn, không dám động đậy, lúc đói quá hết chịu nổi thì bốc vài vốc tuyết nhai cho đỡ đói. Trong ba hôm đó, chàng chỉ nghĩ: “Từ nay trở đi, mọi việc trên đời ta phải cẩn thận từng chút một, không để cho kẻ ác đánh lừa nữa. Sau này chắc gì còn được may mắn, gặp đại nạn lại thoát chết như lần này”.

Đến chiều tối ngày thứ tư, chàng đang nằm yên vận công, cảm thấy đầu óc thư thái, thân xác nhẹ nhõm, vết thương ở đùi tuy nặng thật, song thần công đã luyện cũng giúp cho thương thế chuyển biến tốt khá nhanh.

Đang trong cảnh vắng lặng, chợt có mấy tiếng chó sủa từ xa vọng tới, càng lúc càng gần, rõ ràng là lũ chó đang đuổi theo một con dã thú nào đấy. Trương Vô Kỵ giật mình: “Không lẽ đó là lũ chó của Chu Cửu Chân nuôi? Ồ, bọn ác khuyển của nàng ta đã bị Chu Trường Linh đánh chết rồi, ừ mà mấy năm qua, có lẽ nàng ta lại nuôi bầy chó khác không chừng”.

Trương Vô Kỵ chăm chú nhìn bãi tuyết, thấy có một người đang chạy như bay, phía sau có ba con chó lớn vừa đuổi theo vừa sủa vang. Người kia rõ ràng đã hết hơi kiệt sức, hai chân loạng choạng, chạy vài bước lại ngã một cái, nhưng sợ nanh vuốt của lũ chó dữ nên vẫn phải chạy thục mạng. Trương Vô Kỵ nhớ lại mấy năm trước mình cũng bị bầy chó vây cắn khổ sở ngần nào, bất giác sôi máu lên.

Chàng muốn ra tay cứu người kia, khổ nỗi hai chân bị gãy, không thể xê dịch. Bỗng nghe người kia rú lên, ngã lăn ra, hai con chó dữ chồm lên người y. Trương Vô Kỵ giận dữ lên tiếng:

– Ác cẩu, lại đây coi!

Ba con chó nghe tiếng người, chạy tới đánh hơi thấy Trương Vô Kỵ không phải là người quen, sủa mấy tiếng rồi xông vào cắn.

Trương Vô Kỵ giơ ngón tay búng một cái vào mũi từng con, cả ba con ác khuyển cùng lăn lộn, chết liền. Chàng không ngờ chỉ một cái búng ngón tay đã dễ dàng giết chết tươi ba con chó thì không khỏi thầm kinh ngạc về uy lực của “Cửu dương thần công”.

Chàng nghe tiếng rên rỉ yếu ớt của người kia, bèn hỏi:

– Đại ca, lũ chó cắn đại ca nặng quá ư?

Người kia đáp:

– Tôi… tôi… chắc nguy… không sống…

Trương Vô Kỵ nói:

– Tôi bị gãy chân, không đi được. Đại ca cố bò lại đây, tôi xem vết thương cho.

Người kia nói:

– Vâng… vâng…

Y thở hổn hển, cố lết tới, lết một đoạn ngắn lại dừng nghỉ, lúc còn cách Trương Vô Kỵ hơn một trượng, bỗng kêu “Ối” một tiếng, rồi gục xuống bất động.

Đôi bên cách nhau một đoạn như thế, người này không bò tiếp nổi, người kia thì phải nằm yên. Trương Vô Kỵ hỏi:

– Đại ca bị thương ở chỗ nào?

Người kia đáp:

– Tôi… bị ở ngực… ở bụng… chó cắn lòi ruột…

Trương Vô Kỵ lo lắng, biết rằng người kia đã bị chó cắn lòi ruột ra như thế thì chắc không sống nổi, chỉ hỏi thêm:

– Vì sao lũ chó dữ lại đuổi đại ca?

Người kia đáp:

– Tôi… ban đêm ra… đuổi heo rừng phá rẫy, gặp đại tiểu thư nhà họ Chu… nói chuyện với một công tử dưới gốc cây, dại dột… tới gần xem sao… tôi… ối!

Y kêu to một tiếng, rồi im luôn.

Tuy y nói chưa hết câu, song Trương Vô Kỵ mười phần cũng đoán được tám chín, hẳn là Chu Cửu Chân và Vệ Bích hẹn hò gặp nhau ban đêm, bị người nông phu kia bắt gặp, Chu Cửu Chân bèn thả chó dữ ra cắn chết y. Trương Vô Kỵ đang tức giận, bỗng có tiếng vó ngựa từ xa phi tới, tiếng người huýt sáo liên tiếp, chính là Chu Cửu Chân gọi bầy ác khuyển.

Trong giây lát, hai người một nam một nữ phi ngựa tới, giọng nữ kêu lên:

– Ồ, sao các Bình Tây tướng quân lại chết cả thế này?

Giọng nói ấy chính là Chu Cửu Chân. Lũ chó nàng ta nuôi đều được phong danh hiệu tướng quân chẳng khác gì ngày trước. Kẻ đi cùng chính là Vệ Bích. Hắn xuống ngựa, lạ lùng nói:

– Có hai người nằm chết ở đây này!

Trương Vô Kỵ định bụng: “Nếu các ngươi tới hại ta, chắc ta sẽ phải thẳng tay với các ngươi”.

Chu Cửu Chân thấy người nông phu vỡ bụng lòi ruột, chết trông ghê rợn, còn Trương Vô Kỵ quần áo rách bươm, đầu bù tóc rối, râu lồm xồm nằm bất động trên mặt tuyết, xem ra cũng bị chó cắn chết rồi. Nàng ta không muốn ở đây thêm kẻo lỡ mất thời gian tình tự với Vệ Bích, bèn giục:

– Biểu ca, đi thôi! Hai gã nông phu kia trước khi chết còn liều mạng hạ sát mất ba viên tướng của muội.

Nàng ta quay ngựa, phóng về phía tây. Vệ Bích thấy ba con chó đã chết cả, trong bụng hơi lấy làm lạ, nhưng Chu Cửu Chân đã giục ngựa đi xa rồi, hắn cũng chẳng xét kỹ nữa, nhảy lên ngựa phóng theo.

Trương Vô Kỵ nghe tiếng cười trong trẻo của Chu Cửu Chân từ xa vọng lại văng vẳng, chàng vừa buồn vừa giận. Năm năm trước, chàng yêu kính Chu Cửu Chân khác gì tiên nữ, chỉ cần nàng ta ra lệnh, bảo chàng nhảy vào rừng đao chảo lửa, chàng cũng không chút do dự. Hôm nay gặp lại, không hiểu vì sao chàng chỉ thấy dửng dưng, nàng ta chẳng còn sức quyến rũ đối với chàng như trước đây nữa. Trương Vô Kỵ đoán chắc là vì chàng đã tu luyện Cửu dương chân kinh, hoặc vì chàng đã phát giác gian kế của cô ả đối với mình. Chàng đâu biết rằng tất cả nam nhân trên thế gian phần lớn đều vướng vào mối tình si ban đầu, say mê một thiếu nữ đến quên ăn quên ngủ, bất kể sống chết. Nhưng rồi tình đầu mau tan, về sau nhớ lại niềm si mê thuở nào, không khỏi tự cười thầm.

Lúc này bụng chàng quá đói, cứ sôi lên ùng ục, chàng chỉ muốn xé một cái đùi chó mà ăn tươi nuốt sống. Nhưng chàng sợ Chu Cửu Chân và Vệ Bích quay trở lại, phát hiện chàng còn sống, lại ăn thịt tướng quân của nàng ta, dĩ nhiên sẽ tức giận hành hung; chàng đang bị gãy chân thế này, chưa chắc chống cự nổi.

Sáng sớm hôm sau, một con chim kên kên thấy dưới đất có người chết, chó chết, lượn mấy vòng trên không, rồi sà xuống rỉa thịt. Con chim này chắc tới số, người chết chó chết chẳng ăn, lại mổ ngay vào mặt Trương Vô Kỵ. Chàng chộp luôn cổ nó, bóp nhẹ một cái là nó chết liền, vui mừng nói:

– Đúng là bữa điểm tâm từ trên trời rơi xuống.

Chàng vặt sạch lông con kên kên, xé đùi nó ra nhai, tuy là thịt sống, nhưng nhịn đói đã ba ngày liền nên ăn cũng thấy ngon lành.

Chàng chưa ăn hết con chim thứ nhất, con thứ hai đã bay tới. Cũng nhờ thế mà Trương Vô Kỵ có thịt chim để ăn, nằm trên tuyết dưỡng thương, đợi xương đùi liền lại.

Mấy ngày liền ở chốn đồng không mông quạnh này, không ai lai vãng. Cạnh Trương Vô Kỵ là ba con chó chết, một xác người, cũng may đang giữa mùa đông, khí trời lạnh giá, xác chết không thối rữa, cảnh sống tĩnh mịch một mình chàng đã quá quen, nên không cho là khổ.

Chiều hôm ấy, chàng đang vận nội công, thấy trên đầu có hai con chim kên kên lượn qua lượn lại rất lâu vẫn không dám đáp xuống. Rồi một con sà xuống cách Trương Vô Kỵ chừng ba thước, lại chuyển hướng bay vút lên, dáng dấp xoay mình thật đẹp mắt. Chàng bỗng nhiên nghĩ thầm: “Cái lối xoay mình này, nếu vận dụng vào võ công thì lúc ta tấn công đối phương sẽ khó bề phòng bị, dù ra đòn không trúng thì mình cũng đã vọt ra xa, kẻ địch chẳng kịp trả đòn”.

“Cửu dương chân kinh” mà chàng tu luyện chỉ liên hệ tới nội công và yếu chỉ võ học, còn về chiêu số tấn công phòng thủ thì nửa chiêu cũng không nhắc tới. Bởi thế năm xưa Giác Viễn đại sư tuy đã luyện thành thần công, song khi bị Tiêu Tương Tử và Hà Túc Đạo tấn công thì chân tay ngài lại luống cuống, hoàn toàn không biết cách chống đỡ. Trương Tam Phong cũng nhờ Dương Quá dạy cho bốn chiêu mới đối phó được với Doãn Khắc Tây. Trương Vô Kỵ từ nhỏ đã học võ công, căn cơ hơn hẳn Giác Viễn và Trương Tam Phong hồi trẻ, song Tạ Tốn dạy cho chàng chỉ toàn là các yếu quyết quyền thuật, không có lấy một chiêu thức thực dụng nào cả.

Trương Vô Kỵ lúc này đã hiểu rõ nỗi khổ tâm của nghĩa phụ, Tạ Tốn đầy thân võ công bác đại tinh thâm, nếu cứ dạy tuần tự từng bước một, thì dạy hai chục năm chưa chắc đã hết, thấy thời gian ở bên nhau không nhiều, nên Tạ Tốn chỉ truyền thụ cho Vô Kỵ phải nhớ mọi yếu quyết của võ công thượng thừa, sau này tự mình thực hành mà hiểu ra. Quyền thuật thực sự mà Trương Vô Kỵ học được chỉ có ba mươi hai thế Võ Đang trường quyền do cha chàng dạy cho khi lênh đênh trên bè gỗ. Chàng biết rằng từ nay ngoài việc tiếp tục tham tập Cửu dương thần công, muốn tinh tiến thì chàng phải làm sao dung hợp được nội công thượng thừa đã luyện thành với võ công. Do đó, mỗi khi nhìn cánh hoa rơi xuống đất, cây lạ chĩa cành lên trời, cả đến động tác của loài chim loài thú, sự biến đổi của gió của mây, Vô Kỵ đều liên tưởng đến chiêu số võ công.

Lúc này Trương Vô Kỵ chăm chú quan sát hai con chim kên kên lượn vòng, sà xuống vút lên với các tư thế khác nhau, đang mải ngắm, bỗng nghe có tiếng chân người từ phía xa đi tới, bước chân nhẹ nhàng, xem chừng là một nữ nhân.

Trương Vô Kỵ ngoảnh đầu lại, thấy một thôn nữ tay xách chiếc làn tre, xăm xăm đi tới. Thôn nữ thấy có xác người chết, chó chết ở trên tuyết, kêu “ủa” một tiếng, ngạc nhiên dừng bước. Trương Vô Kỵ nhìn kỹ, thấy nàng ta tuổi chừng mười bảy mười tám, áo vải trâm gai, là con nhà nghèo; mặt mũi đen đủi, sưng u từng cục, diện mạo xấu xí, chỉ riêng đôi mắt là có hồn, thân hình thon thả.

Thôn nữ tới gần Trương Vô Kỵ, nhìn chằm chằm, hơi ngạc nhiên, hỏi:

– Đằng ấy… chưa chết à?

Trương Vô Kỵ nói:

– Xem ra chưa chết.

Người hỏi đã không thông, người đáp càng ngộ nghĩnh, hai bên cùng nghĩ thế thì không nhịn được cùng bật cười. Thôn nữ nói:

– Đằng ấy chưa chết, nằm thẳng cẳng ở đây, khiến ta giật mình.

Trương Vô Kỵ nói:

– Ta bị rơi từ trên núi xuống, gãy cả hai chân, nên phải nằm ở đây.

Thôn nữ hỏi:

– Người kia cùng đi với đằng ấy à? Sao lại có ba con chó chết?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Ba con chó kia ác quá, cắn chết anh kia, nhưng chúng nó cũng chết luôn.

Thôn nữ nói:

– Đằng ấy nằm đây rồi sống bằng gì? Có đói bụng không?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Dĩ nhiên là đói, nhưng ta không được cử động, đành nằm một chỗ chờ vậy.

Thôn nữ mỉm cười, lấy trong làn ra hai cái bánh bao đưa cho Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ nói:

– Đa tạ cô nương.

Chàng nhận bánh, song chưa ăn. Thôn nữ hỏi:

– Ngươi sợ bánh của ta tẩm thuốc độc hay sao mà không ăn?

Trương Vô Kỵ hơn năm năm qua chỉ đôi lần nói chuyện vài câu với Chu Trường Linh trong hang núi, chả có ý vị gì cả; ngoài ra chưa có dịp trò chuyện với ai nửa lời, bây giờ thấy thôn nữ này tuy hình dạng xấu xí, nhưng nói năng có duyên, thì trong bụng vui thích, đáp:

– Vì là bánh của người cho, nên ta còn tiếc chưa nỡ ăn ngay.

Câu này có vài phần đùa cợt, chàng vốn ăn nói thật thà, chưa bao giờ biết đùa lém lỉnh, nay trước mặt thôn nữ chàng cảm thấy thoải mái tự nhiên, không hiểu sao tự dưng buột miệng nói như thế.

Thôn nữ nghe vậy tức thì sầm mặt, hứ một tiếng. Trương Vô Kỵ hối hận, vội đưa bánh lên miệng ăn luôn, nhưng vì ăn hấp tấp nên bị nghẹn ở cổ, ho sù sụ.

Thôn nữ đổi giận làm vui, nói:

– Trời đất, đáng kiếp cái đồ tham ăn! Đã xấu như ma mà bụng dạ còn không tốt, hèn gì ông Trời chẳng phạt cho què. Ai đời người khác không sao, riêng đằng ấy lại bị gãy cả hai chân như thế?

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Ta năm năm nay không chải đầu cạo râu, chắc là xấu như ma thật, nhưng nàng cũng đẹp đẽ gì cho cam, hai ta tám lạng nửa cân như nhau, chuột chù lại còn chê khỉ rằng hôi”. Vô Kỵ nghĩ thế nhưng đâu dám nói ra, chỉ nghiêm mặt nói:

– Ta nằm đây đã chín ngày, may gặp cô nương đi qua, được cô nương cho bánh, xin đa tạ.

Thôn nữ bĩu môi cười:

– Ta hỏi, sao người khác không gãy chân, chỉ mình đằng ấy bị gãy cẳng? Đằng ấy không trả lời, vậy ta đòi lại bánh đấy.

Trương Vô Kỵ thấy nàng ta chúm chím cười, ánh mắt lộ rõ vẻ tinh quái, bất giác rung động trong lòng: “Ánh mắt nàng sao lại giống mẫu thân ta đến thế. Lúc sắp chết, mẫu thân ta đánh lừa lão hòa thượng Thiếu Lâm tự, ánh mắt của mẫu thân cũng hệt như thế này”. Nghĩ vậy, nước mắt chàng ứa ra.

Thôn nữ “ồ” một tiếng, nói:

– Ta không đòi lại bánh đâu, thôi đừng khóc. Thì ra đằng ấy là một gã khờ vô tích sự.

Trương Vô Kỵ nói:

– Không phải ta sợ nàng đòi lại bánh, mà ta chợt nhớ lại một chuyện riêng.

Thôn nữ vốn đã quay mình đi được hai bước, nghe thế bèn dừng lại, ngoảnh đầu hỏi:

– Chuyện riêng gì vậy? Một gã khờ như đằng ấy mà cũng có tâm sự ư?

Trương Vô Kỵ thở dài, nói:

– Ta nhớ đến thân mẫu quá cố của ta.

Thôn nữ cười to, hỏi:

– Trước kia thân mẫu đằng ấy hay cho đằng ấy ăn bánh chứ gì?

Trương Vô Kỵ nói:

– Mẫu thân ta thường cho ta ăn bánh đã đành, nhưng ta nhớ mẹ vì khi nàng cười trông giống mẫu thân ta hết sức.

Thôn nữ tức giận:

– Đồ chết toi! Bộ ta già lắm sao? Già bằng mẫu thân của ngươi ư?

Nói đoạn nhặt một que củi dưới đất lên, quật hai cái vào người Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ muốn cướp que củi đó quá dễ dàng, nhưng chàng nghĩ thầm: “Nàng ta đâu biết mẫu thân trẻ trung xinh đẹp, tưởng đâu mẫu tử mình xấu xí như nhau, nên tức giận cũng phải;” chàng để nàng ta đánh xong hai cái, mới nói:

– Khi mẫu thân ta qua đời, diện mạo người trẻ đẹp vô cùng.

Thôn nữ xịu mặt, nói:

– Ngươi chê ta xấu xí, bộ không thiết sống nữa hả? Để ta kéo chân ngươi cho biết tay!

Nói xong nàng ta liền cúi xuống, làm như sắp kéo chân Vô Kỵ vậy. Trương Vô Kỵ cả kinh, xương đùi của chàng bị gãy, đang liền lại, nếu để cho nàng ta kéo một cái thì bao nhiêu công lao giữ gìn chỉ chớp mắt là mất tiêu. Thế là chàng vốc một nắm tuyết, đợi nếu nàng ta đưa tay đụng tới chân mình thì chàng sẽ lập tức búng tuyết vào huyệt đạo ở mi tâm khiến nàng ta bất tỉnh tại trận.

Cũng may thôn nữ chỉ dọa thôi, thấy chàng hoảng hốt, liền nói:

– Nhìn ngươi sợ hết hồn kìa, ai bảo ngươi dám trêu ta?

Trương Vô Kỵ nói:

– Ta mà có ý trêu tức cô nương thì cả hai chân ta sau khi lành sẽ gãy lại, vĩnh viễn không khỏi, cả đời sẽ thành thằng què.

Thôn nữ cười hì hì, nói:

– Vậy được rồi!

Nàng ngồi xuống bên Trương Vô Kỵ, nói:

– Mẫu thân đằng ấy là người xinh đẹp, sao lại đem ví với ta, chẳng lẽ trông ta cũng dễ coi ư?

Trương Vô Kỵ thừ người, nói:

– Ta cũng chả biết vì sao, chỉ cảm thấy nàng rất giống mẫu thân ta. Tuy nàng không xinh đẹp như mẫu thân, song ta thích ngắm nàng.

Thôn nữ cong ngón tay giữa, gõ nhẹ vào trán chàng hai cái, cười:

– Con ngoan ơi, vậy hãy gọi ta là mẫu thân đi nào!

Nói xong, lập tức cảm thấy bất nhã, vội bịt miệng quay mặt đi, nhưng vẫn không nhịn được cười.

Trương Vô Kỵ nhìn thần thái của thôn nữ, nhớ hồi ở Băng Hỏa đảo, mẹ mình lúc nói đùa với cha, mỗi khi lỡ lời cũng có bộ dạng như thế, chàng chợt thấy thôn nữ này thanh nhã dễ thương, không còn gì dáng vẻ khó coi nữa nên cứ đăm đăm nhìn nàng.

Thôn nữ ngoảnh lại thấy Trương Vô Kỵ đang ngây ra nhìn mình, cười hỏi:

– Huynh tại sao lại thích ngắm muội, nói muội nghe coi.

Trương Vô Kỵ ngẩn người hồi lâu, lắc đầu:

– Ta không biết nói sao. Ta chỉ cảm thấy mỗi khi ngắm nàng, trong lòng ta thật thư thái bình an, nàng đối với ta rất tốt, không ăn hiếp, cũng không hại ta.

Thôn nữ cười:

– Ha ha, huynh tưởng lầm rồi đó, muội bình sinh rất thích hại người.

Đột nhiên thôn nữ cầm que củi trong tay quật vào đùi chàng hai cái, rồi nhỏm dậy đi liền. Hai cái quật ấy đánh đúng vào chỗ gãy xương, Trương Vô Kỵ bị bất ngờ, kêu tướng lên Ối cha!” Chỉ thấy nàng ta cười khanh khách, ngoảnh đầu lại, nhăn mặt trêu chàng.

Trương Vô Kỵ nhìn theo nàng ta xa dần, chỗ gãy xương đau không chịu nổi, chàng nghĩ thầm: “Thì ra nữ nhân đều thích hại người, mỹ nữ đã đành, ngay cả xú nữ cũng làm cho ta đau khổ”.

Đêm ấy trong giấc ngủ, mấy lần Vô Kỵ mơ thấy thôn nữ này, cũng mấy lần mơ thấy mẫu thân mình, cuối cùng mơ lẫn lộn thấy mẫu thân là thôn nữ. Trong giấc mơ chàng không nhìn rõ nàng ta xấu hay đẹp, chỉ thấy rõ đôi mắt đen láy vừa tinh quái vừa trìu mến nhìn mình. Chàng nằm mơ hồi nhỏ, mẫu thân thường đùa nghịch với chàng, cố ý ngáng chân cho chàng ngã, khiến chàng đau quá khóc ré lên, mẫu thân mới ôm chàng mà hôn hít tới tấp, luôn miệng nói:

– Nín đi con, ôi mẹ làm đau con của mẹ rồi!

Đột nhiên chàng tỉnh giấc, trong đầu bỗng nảy sinh một câu hỏi mà chàng chưa bao giờ nghĩ tới: “Sao mẹ ta lại thích làm khổ người khác? Đôi mắt của nghĩa phụ là do mẹ ta bắn mù, Du tam bá là do mẹ ta làm cho tàn phế, toàn gia của tiêu cục Long Môn ở phủ Lâm An cũng do một tay mẹ ta giết hại, rốt cuộc mẹ ta là người tốt hay kẻ xấu?”

Chàng ngước nhìn các ngôi sao trên trời, nhìn một hồi thật lâu, rồi thở dài, nói:

– Bất kể là tốt hay xấu, cũng vẫn là mẫu thân ta.

Chàng lại nghĩ tiếp: “Nếu mẫu thân ta còn sống đến bây giờ, không biết ta sẽ yêu bà đến mức nào”.

Chàng nghĩ về cô thôn nữ kia, tự dưng vô cớ nàng ta lại quật que củi vào chân chàng: “Mình không hề đắc tội với nàng ta, cớ sao nàng ta phải làm cho mình đau đớn kêu toáng lên mới hả dạ? Không lẽ nàng ta quả thật thích hại người?” Chàng rất mong nàng ta trở lại, nhưng lại sợ nàng ta nghĩ ra trò quái ác để hại mình. Chàng sờ thấy bên mình cái bánh ăn dở, nhớ đến câu nói của nàng ta “Mẫu thân đằng ấy là người xinh đẹp, sao lại đem ví với ta, chẳng lẽ trông ta cũng dễ coi ư?” Chàng không nhịn được, bèn lẩm bẩm:

– Phải, nàng dễ coi, ta thích ngắm nàng.

Chàng nằm đó nghĩ vơ nghĩ vẩn hết hai ngày, vẫn không thấy thôn nữ kia quay lại. Trương Vô Kỵ nghĩ bụng chắc nàng ta không bao giờ đến nữa. Nào ngờ đến chiều ngày thứ ba, thôn nữ lại xách cái làn tre, từ phía sau dốc núi đi tới, cười nói:

– Gã quỷ sứ kia, vẫn chưa chết đói đấy chứ?

Trương Vô Kỵ cười đáp:

– Chết đói già nửa, còn sống non nửa thôi.

Thôn nữ cười hì hì ngồi xuống bên cạnh, đột nhiên giơ chân đá vào đùi chàng, hỏi:

– Thế chỗ này là nửa chết hay nửa sống?

Trương Vô Kỵ kêu to:

– Ối đau! Cô nương không có lương tâm hay sao vậy?

Thôn nữ nói:

– Lương với chả tâm, ngươi thì tử tế gì với ta nào?

Trương Vô Kỵ ngẩn ra, nói:

– Ba hôm trước, cô nương đánh ta đau quá, nhưng ta không giận cô nương đâu, hai ngày qua ta vẫn luôn nhớ cô nương đó.

Thôn nữ đỏ mặt, đã định nổi giận, nhưng cố nén lại, nói:

– Ai cần kẻ xấu như ma nhà ngươi nhớ ta kia chứ? Chắc ngươi chẳng nghĩ tốt gì về ta, thầm rủa ta vừa xấu vừa ác chứ gì?

Trương Vô Kỵ nói:

– Cô nương hoàn toàn không xấu, nhưng tại sao cứ phải làm cho người ta khổ sở, cô nương mới vui thích?

Thôn nữ cười khanh khách nói:

– Kẻ khác không khổ sở, làm sao hiện rõ cái vui trong lòng ta được?

Nàng ta thấy vẻ mặt Trương Vô Kỵ dường như không hiểu điều đó, lại thấy tay chàng vẫn còn cầm cái bánh ăn dở bữa trước, ba hôm rồi vẫn còn đó, bèn hỏi:

– Miếng bánh vẫn còn nguyên, chắc thấy không ngon chứ gì?

Trương Vô Kỵ nói:

– Vì là bánh cô nương cho nên ta không nỡ ăn.

Ba hôm trước chàng đã nói câu này, nhưng quá nửa có ý đùa cợt, còn bây giờ nói ra là hoàn toàn thành thực.

Thôn nữ biết đó không phải là lời đãi bôi, hơi e thẹn, nói:

– Muội có đem bánh mới hấp tới đây.

Nói xong lấy trong làn ra nhiều thức ăn, ngoài bánh bao còn có một con gà luộc, một đùi dê thui.

Trương Vô Kỵ cả mừng, mười mấy hôm rồi chỉ ăn thịt chim sống, máu ròng ròng, vừa tanh vừa dai, con gà luộc này thơm phức, cầm còn thấy ấm, ăn vào miệng ngon lạ thường.

Thôn nữ thấy chàng ăn ngon lành, chỉ ngồi ôm gối cười hì hì, nói:

– Gã ma quái này, trông huynh ăn mà muội mát cả ruột. Muội đối với huynh hình như có điểm khác người, không cần hại huynh mà muội vẫn thấy vui.

Trương Vô Kỵ nói:

– Người khác vui, cô nương cũng vui, như thế mới thật là vui.

Thôn nữ cười khẩy:

– Muội phải nói trước với huynh, lúc này muội đang vui nên không hại huynh. Hôm khác muội không vui, không chừng sẽ làm cho huynh sống dở chết dở đấy, lúc đó đừng có trách muội.

Trương Vô Kỵ lắc đầu nói:

– Ta từ nhỏ đã quen bị người ta hành hạ, càng bị hành hạ, ta càng cứng cỏi thêm.

Thôn nữ cười lạnh lùng:

– Thôi đừng nói trước, đợi đến lúc ấy sẽ biết.

Trương Vô Kỵ nói:

– Đợi khi chân ta lành rồi, ta sẽ cao chạy xa bay, cô nương có muốn hành hạ hay muốn hại ta thì cũng chẳng tìm được ta nữa.

Thôn nữ nói:

– Đã vậy, muội đánh gãy chân huynh trước, để huynh suốt đời không chạy xa muội được.

Trương Vô Kỵ nghe giọng nói lạnh như băng của thôn nữ, không khỏi rùng mình, tin rằng nàng ta đã nói là làm, hoàn toàn không phải thuận miệng nói suông.

Thôn nữ chăm chú nhìn chàng, lại thở dài, vẻ mặt đột nhiên thay đổi, gằn giọng hỏi:

– Gã quỷ quái kia, ngươi có chịu để ta đánh gãy đôi cẳng chó của ngươi hay không?

Nói xong nàng ta đứng dậy giật lại con gà luộc chàng đang ăn dở, cái đùi dê, mấy chiếc bánh bao mà quẳng ra xa, lại còn định nhổ một bãi nước miếng vào mặt chàng.

Trương Vô Kỵ sững sờ nhìn thôn nữ, chỉ cảm thấy nàng ta dường như không phải nổi giận, cũng không phải khinh miệt chàng mà vẻ mặt quá ư thiểu não, hẳn trong lòng có chuyện gì uất ức lắm. Chàng định an ủi nàng ta vài câu, song nhất thời chưa biết nói sao cho hợp.

Thôn nữ thấy vẻ mặt của chàng như vậy thì không nhổ nữa, quát:

– Gã quái quỷ kia, ngươi nghĩ gì vậy?

Trương Vô Kỵ nói:

– Cô nương, vì sao cô nương không vui như thế? Nói cho ta nghe đi, được chăng?

Thôn nữ nghe giọng nói dịu dàng của Vô Kỵ, không tức giận nữa, ngồi bệt xuống cạnh chàng, hai tay ôm đầu khóc nức nở.

Trương Vô Kỵ nhìn bờ vai nàng ta rung rung, cái eo thon thả trông thật đáng thương, thì dịu giọng nói nhỏ:

– Cô nương, kẻ nào ăn hiếp cô nương? Chờ khi chân ta lành rồi, ta sẽ làm cho cô nương hả dạ.

Thôn nữ nhất thời chưa nín được, lát sau mới nói:

– Không ai ăn hiếp muội cả, chỉ là cái số muội khổ sở đấy thôi! Muội ngu lắm, cứ nghĩ đến một người, không sao quên y được.

Trương Vô Kỵ gật đầu, nói:

– Chắc là một chàng trai chứ gì? Hắn đối xử với cô nương tệ lắm ư?

Thôn nữ đáp:

– Đúng thế, chàng ta rất anh tuấn, song cũng kiêu ngạo vô cùng. Muội bảo y đi theo muội, suốt đời ở bên muội, y không chịu thì thôi, lại còn mắng chửi muội, đánh muội, cắn muội máu chảy dầm dề khắp người.

Trương Vô Kỵ giận dữ nói:

– Con người ngang ngạnh vô lý như hắn, từ rày cô nương đừng thèm để ý tới nữa!

Thôn nữ ứa nước mắt, nói:

– Nhưng… nhưng lòng muội không sao quên được y! y bỏ đi xa mất tăm, muội tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy.

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Chuyện tình ái nam nữ, ép uổng sao được. Cô nương này tuy dung mạo xấu xí, nhưng rõ ràng là người chí tình. Tính nết nàng ta có điểm kỳ quái, chẳng qua là vì trong lòng đau khổ, thất tình. Không ngờ chàng trai nọ lại đối xử với nàng ta tàn nhẫn như thế”. Chàng dịu dàng nói:

– Cô nương đừng buồn nữa, thiên hạ thiếu gì người tử tế, hà tất cứ phải thương nhớ một kẻ tàn nhẫn vô lương tâm như thế?

Thôn nữ thở dài, mắt nhìn xa xăm, thừ người hồi lâu. Trương Vô Kỵ biết nàng ta không sao quên được tình lang, bèn nói:

– Hắn chẳng qua chỉ mắng chửi và đánh đập cô nương, chứ tình cảnh ta phải chịu còn đáng buồn gấp mười lần thế.

Thôn nữ hỏi:

– Như thế nào? Huynh bị một cô nàng xinh đẹp lừa dối à?

Trương Vô Kỵ nói:

– Kể ra nàng ta cũng không phải có ý lừa dối ta, chỉ vì chính ta ngớ ngẩn, thấy nàng ta quá xinh đẹp nên ngơ ngẩn si mê. Chứ thực sự ta làm sao xứng đôi với nàng ta kia chứ? Ta chưa bao giờ hoang tưởng chuyện đó. Thế nhưng hai cha con nàng ta đã lén bày độc kế, hãm hại ta không sao kể xiết.

Nói đoạn chàng vén tay áo chỉ cho thôn nữ thấy các vết sẹo nhằng nhịt trên cánh tay mình, nói:

– Đây là các vết răng, đều do đàn chó dữ của nàng ta cắn đấy.

Thôn nữ nhìn các vết sẹo, đột nhiên nổi giận, nói:

– Có phải là ả Chu Cửu Chân hại huynh không?

Trương Vô Kỵ kinh ngạc:

– Làm sao cô nương biết?

Thôn nữ đáp:

– Cô ả ấy thích nuôi chó dữ, vài trăm dặm quanh đây ai chẳng biết.

Trương Vô Kỵ gật đầu, thản nhiên nói:

– Đúng là Chu Cửu Chân cô nương. Nhưng các vết thương này cũng lành từ lâu rồi, ta không còn thấy đau đớn gì nữa, chỉ tự chủ cũng may là mình không chết, nên cũng chẳng hận nàng ta.

Thôn nữ chăm chú nhìn Vô Kỵ, thấy vẻ mặt chàng ôn hòa, an nhiên tự tại thì trong bụng hơi lạ, hỏi:

– Vậy tên huynh là gì? Cớ sao lại lạc tới đây?

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Từ khi mình trở về Trung thổ, ai ai cũng muốn mình tiết lộ chỗ ở của nghĩa phụ Tạ Tốn, hoặc đe dọa ép buộc, hoặc dụ dỗ, đánh lừa, thôi thì đủ mọi thủ đoạn, khiến mình phải chịu bao nhiêu là đau khổ. Từ nay trở đi, ba tiếng Trương Vô Kỵ coi như chết rồi, trên thế gian không còn ai biết Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn ở nơi nào nữa. Nếu sau này mình có gặp một kẻ lợi hại gấp mười lần Chu Trường Linh chăng nữa, mình cũng không sợ bị rơi vào bẫy của hắn, khỏi vô tình làm hại nghĩa phụ”. Nghĩ vậy, Vô Kỵ đáp:

– Ta là A Ngưu[66].

Thôn nữ mỉm cười:

– Vậy còn họ là gì?

Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Mình nói họ Trương, họ Ân, họ Tạ đều không ổn, thôi thì nói lái hai chữ Trương, Ân thành Tăng”, bèn đáp:

– Ta họ Tăng, còn cô nương họ gì?

Thôn nữ rùng mình, nói:

– Muội không có họ.

Lát sau, nàng thong thả kể:

– Cha muội không cần muội, tìm thấy muội sẽ giết liền, làm sao muội có thể mang họ cha? Mẹ của muội thì do muội làm hại mà chết, muội cũng chẳng thể mang họ mẹ. Trời sinh muội xấu xí, huynh cứ gọi muội là Xú cô nương cho xong chuyện.

Trương Vô Kỵ kinh hãi:

– Cô nương… cô nương làm cho mẹ phải chết ư? Vì đâu nên nỗi?

Thôn nữ thở dài, nói:

– Chuyện này kể ra dài lắm. Mẹ của muội nguyên là vợ cả của cha muội, mãi không sinh con; cha muội bèn lấy vợ hai. Vợ hai sinh được hai người anh muội, nên cha muội cưng chiều bà ta lắm. Sau mẹ muội sinh ra muội, nhưng lại là con gái. Bà vợ hai ỷ được cha muội cưng chiều, luôn luôn lấn át mẹ muội. Hai người anh của muội cũng ghê gớm, cứ về hùa với mẹ hành hạ mẹ muội. Mẹ muội chỉ biết nuốt lệ khóc thầm. Huynh bảo muội phải làm sao chứ?

Trương Vô Kỵ nói:

– Cha của cô nương phải đứng giữa đối xử cho công bằng mới phải.

Thôn nữ nói:

– Đằng này ông ta lại bênh vợ hai, muội tức quá hết chịu nổi, bèn giết luôn mụ dì ghẻ.

Trương Vô Kỵ kinh hãi kêu “Trời đất!” Chàng nghĩ, người trong giới võ lâm đánh nhau, giết nhau cũng là chuyện thường, đằng này một cô thôn nữ mà lại ra tay giết người thì quả thực không thể ngờ.

Thôn nữ nói:

– Mẹ muội thấy muội gây ra đại họa, vội đem muội trốn đi luôn. Hai người anh muội đuổi theo, định bắt muội đem về; mẹ muội không ngăn được, vì để cứu muội nên đã cứa cổ tự vẫn. Huynh coi, tính mạng của mẹ muội chẳng phải do muội làm hại là gì? Cha muội mà tìm thấy muội, hẳn sẽ giết muội ngay.

Nàng ta kể chuyện đó với giọng thản nhiên, không chút xúc động. Trương Vô Kỵ nghe mà trống ngực đập rộn lên, tự nhủ: “Mình tuy bất hạnh, cha mẹ mất cả, song cha mẹ mình lúc còn sống thương yêu nhau biết bao, mình luôn được cưng chìu, so với những gì cô nương này phải chịu xem ra mình còn may mắn hơn gấp trăm lần”. Nghĩ vậy, chàng bỗng cảm thấy đồng tình với thôn nữ, dịu giọng nói:

– Cô nương bỏ nhà đi lâu chưa? Bấy lâu nay chỉ một mình bơ vơ thôi ư?

Thôn nữ gật đầu. Trương Vô Kỵ lại hỏi:

– Thế cô nương tính đi đâu?

Thôn nữ nói:

– Muội cũng chả biết nữa, thế gian rộng lớn, đi đâu cũng được, miễn sao không phải chạm mặt cha và các anh muội là được.

Trương Vô Kỵ nổi hứng đồng bệnh tương liên, nói:

– Đợi chân ta lành rồi, ta sẽ cùng cô nương đi tìm cái… cái anh chàng nọ, hỏi xem hắn định thế nào với cô nương.

Thôn nữ nói:

– Lỡ y lại mắng chửi, lại cắn muội thì sao?

Trương Vô Kỵ hiên ngang đáp:

– Hừ, hắn dám động đến một sợi tóc của cô nương, ta quyết không để yên cho hắn.

Thôn nữ hỏi:

– Lỡ y chẳng thèm để mắt tới muội, chẳng buồn nhìn hoặc nói một lời thì sao?

Trương Vô Kỵ á khẩu vô ngôn, nghĩ thầm dẫu mình võ công cao cường đến mấy cũng chẳng tài gì ép buộc một chàng trai phải yêu một cô gái mà y không thích. Chàng thừ người hồi lâu, nói:

– Ta sẽ cố hết sức.

Thôn nữ đột nhiên cười ha hả, ôm bụng mà cười, tựa hồ nghe một chuyện quá tức cười.

Trương Vô Kỵ hỏi:

– Có gì đáng cười?

Thôn nữ nói:

– Cái gã quái quỷ kia, huynh là cái thá gì mà đòi làm thế? Hơn nữa, muội cũng đã tìm khắp nơi nhưng chẳng thấy y đâu, không rõ y còn sống hay chết. Huynh bảo sẽ cố hết sức, nhưng huynh có tài cán gì kia chứ? Ha ha, ha ha.

Trương Vô Kỵ vừa định mở miệng nói một câu, nhưng nghe nàng ta cười như thế, bỗng đỏ mặt, không nói ra lời. Thôn nữ nhìn chàng ngượng ngùng thì không cười nữa, hỏi:

– Huynh vừa định nói gì?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Cô nương cười ta, ta không nói nữa.

Thôn nữ lạnh lùng nói:

– Hừ, đằng nào muội cũng đã cười rồi, cùng lắm thì muội được cười thêm trận nữa, cũng chẳng chết ai.

Trương Vô Kỵ nói to:

– Ta có lòng tốt đối với cô nương, cô nương không nên cười ta như vậy.

Thôn nữ hỏi:

– Muội hỏi huynh, huynh vừa định nói gì với muội?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Cô nương bơ vơ, không nhà không cửa. Tình cảnh ta cũng vậy. Cha mẹ ta đều đã mất, anh chị em cũng chẳng có ai. Ta vốn định nói với cô nương là, nếu cái gã ác nhân kia không thèm lý đến cô nương, thì hai đứa mình làm bạn với nhau, ta có thể kể chuyện giúp cô nương giải sầu. Nhưng cô nương cười ta không xứng, ta đâu dám nói ra nữa.

Thôn nữ bực bội nói:

– Huynh dĩ nhiên không xứng! Gã ác nhân ấy so với huynh dễ coi gấp trăm lần, thông minh cũng gấp trăm lần. Muội ở đây nói chuyện vớ vẩn với huynh, thật phí cả lời.

Nói đoạn nàng ta đá tung đùi dê thịt gà trên tuyết, rồi ôm mặt chạy đi.

Trương Vô Kỵ tuy bị thôn nữ mắng nhiếc vô lý như thế, song chàng cũng chả giận, chỉ nghĩ thầm: “Nàng ta quả thật tội nghiệp, trong lòng đủ chuyện không vui, cũng chẳng đáng trách”.

Bỗng thấy thôn nữ chạy trở lại, mặt hầm hầm, nói:

– Này huynh, chắc huynh trong bụng không phục, cho rằng muội tướng mạo đã xấu xí, lại còn coi thường huynh, phải vậy không?

Trương Vô Kỵ lắc đầu:

– Không phải thế, cô nương tướng mạo không thật dễ ưa, song ta vừa gặp đã thấy hợp bụng, nếu như cô nương không biến ra xấu xí, trước đây hẳn cũng…

Thôn nữ đột nhiên kêu lên:

– Sao… sao huynh biết trước đây muội không xấu xí thế này?

Trương Vô Kỵ nói:

– Mặt cô nương hôm nay, so với lần gặp trước có bị sưng hơn, nước da cũng sạm hơn, đủ biết không phải vốn dĩ như thế.

Thôn nữ sợ hãi nói:

– Muội… mấy hôm rồi không dám soi gương. Huynh bảo muội mỗi ngày một khó coi ư?

Trương Vô Kỵ dịu dàng nói:

– Con người ta chỉ cần có lòng tốt, diện mạo xấu đẹp đâu hệ trọng gì? Mẫu thân có dặn ta rằng nữ nhân càng đẹp, tâm địa càng đáng sợ, càng giỏi lừa người, dặn ta phải cẩn thận đề phòng.

Thôn nữ đâu còn bụng dạ nào nghe chuyện mẹ chàng dặn chàng những gì, sốt ruột hỏi:

– Muội hỏi huynh, lần trước huynh thấy muội chưa đến nỗi xấu như hôm nay, phải không?

Trương Vô Kỵ biết rằng chỉ cần “ừ” một tiếng là nàng ta sẽ rất đau lòng, thành thử chàng cứ ngẩn ra nhìn nàng ta, lòng tràn ngập thương cảm.

Thôn nữ thấy vẻ mặt của chàng như vậy, hiểu ngay câu trả lời là thế nào, liền ôm mặt khóc nức nở:

– Gã quỷ kia, ta hận ngươi, ta hận ngươi!

Rồi nàng ta chạy đi, lần thì không thấy quay lại nữa.

Trương Vô Kỵ lại nằm thêm hai ngày. Tối hôm đó có một con chó sói đánh hơi mò tới bên cạnh, bị chàng đấm một quyền chết tươi. Nó đã không được ăn gì, lại biến thành thức ăn trong bụng chàng.

Mấy ngày nữa, vết thương đã lành quá nửa, chắc độ mươi ngày tới là có thể đi lại như thường, Trương Vô Kỵ nghĩ đến cô thôn nữ đôi lần gặp gỡ rồi thôi, ngay cái tên cũng chưa kịp hỏi, lại nghĩ thầm: “Tại sao dung mạo nàng ta ngày một xấu đi nhỉ? Thật khó hiểu”. Chàng nghĩ mãi không ra, bèn gác chuyện đó sang một bên, mơ màng ngủ thiếp đi.

Ngủ đến nửa đêm, bỗng nghe từ xa có tiếng chân mấy người đạp tuyết đi tới. Chàng lập tức tỉnh giấc, ngồi dậy nhìn về hướng đó.

Đêm nay trăng treo lưỡi liềm, dưới ánh sáng nhàn nhạt, chàng thấy có bảy người đi tới, người đi đầu hình dáng thon thả, dường như chính là cô thôn nữ. Khi bảy người kia tới gần, quả nhiên người ấy là cô thôn nữ xấu xí, sáu người phía sau tản ra thành hình cánh quạt, tựa hồ đề phòng nàng ta bỏ chạy. Trương Vô Kỵ hơi ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Không lẽ nàng ta đã bị cha và anh bắt được chăng?”

Chàng chưa nghĩ xong, thôn nữ và sáu kẻ theo sau đã tới gần. Trương Vô Kỵ vừa nhìn rõ thì vô cùng kinh hãi. Thì ra cả sáu người kia chàng đều biết cả, đi bên trái là Võ Liệt, Võ Thanh Anh, Vệ Bích; đi bên phải là vợ chồng Hà Thái Xung, Ban Thục Nhàn, ngoài cùng bên phải là một nữ nhân trung niên, chẳng ai xa lạ, chính là Đinh Mẫn Quân phái Nga Mi.

Trương Vô Kỵ lấy làm lạ: “Tại sao thôn nữ lại quen với những người kia? Không lẽ nàng ta cũng là nhân vật trong võ lâm, biết được lai lịch của ta, nên dẫn bọn kia tới bắt ta, tra hỏi chỗ ở của nghĩa phụ?” Nghĩ thế, trong bụng Vô Kỵ không còn hoài nghi, cả giận: “Ta với nàng không thù không oán, tại sao nàng cũng đến hại ta! Hiện giờ hai chân ta chưa thể cử động, sáu kẻ kia chẳng ai non kém cả, mà cô thôn nữ không chừng cũng giỏi võ công. Ta đành nhất thời khuất phục, nhận lời đi tìm nghĩa phụ; đợi khi hai chân lành hẳn, ta sẽ thanh toán từng tên một”.

Nếu là năm năm trước, chàng sẽ chỉ đem tính mệnh ra thí bỏ, mặc kệ đối phương hành hạ ép buộc thế nào cũng quyết cắn răng không nói. Còn bây giờ một là chàng đã khôn lớn, hai là sau khi luyện thành Cửu dương chân kinh thì thần trí sáng suốt, bình tĩnh, gặp nguy nan biết cách ứng phó, dù cường địch trước mặt cũng không run sợ chút nào. Có điều chàng không ngờ cô thôn nữ kia lại đem bán đứng chàng như thế, nên vừa tức giận vừa hơi đau lòng; bèn nằm xuống, gối đầu lên tay, chẳng buồn để ý tới bảy người kia.

Thôn nữ tới trước mặt chàng, chăm chú nhìn một hồi rồi thong thả quay đi. Trương Vô Kỵ nghe tiếng nàng ta thở dài, tuy rất nhẹ, nhưng đầy vẻ đau buồn. Chàng cười thầm: “Không biết bụng dạ ngươi tính chuyện ác độc gì, lại còn giả bộ thương cảm ta nữa chứ?”

Chỉ thấy Vệ Bích rung thanh kiếm một cái, miệng cười khẩy nói:

– Ngươi bảo trước khi chết muốn được gặp một người, ta cứ ngỡ đó phải là một thiếu niên anh tuấn như Phan An, hóa ra lại là một kẻ xấu như ma, ha ha, thật quá tức cười! Gã kia với ngươi quả là duyên trời sắp đặt, nồi nào vung nấy.

Thôn nữ không hề tức giận, chỉ thản nhiên nói:

– Đúng thế, ta trước khi chết chỉ mong nhìn chàng một lần cuối. Ta chỉ muốn hỏi rõ chàng một câu, ta nghe trả lời xong, có chết cũng cam lòng.

Trương Vô Kỵ kinh ngạc, chưa hiểu ra ý tứ hai người kia, đã nghe thôn nữ nói:

– Muội có một câu muốn hỏi huynh, huynh hãy trả lời cho thật bụng nghe chưa.

Trương Vô Kỵ nói:

– Nếu là chuyện của ta, thì ta nói thật, nói rõ; còn là chuyện của người khác, ta không dễ gì nói đâu.

Chàng ngỡ thôn nữ sẽ hỏi chỗ ở của Tạ Tốn, nên đã tính cách đối phó với bọn họ, trả lời nước đôi để còn có chỗ xoay xở sau này.

Thôn nữ nói:

– Chuyện của người khác thì muội nhọc công làm gì? Muội hỏi huynh, hôm trước huynh có nói với muội, hai đứa mình cùng bơ vơ cô khổ, huynh bằng lòng kết bạn với muội. Câu nói ấy có thực lòng hay không?

Trương Vô Kỵ nghe liền cảm thấy rất bất ngờ, vội nhỏm dậy, thấy ánh mắt nàng lộ rõ vẻ bi thương, bèn đáp:

– Câu đó quả thật từ đáy lòng ta nói ra.

Thôn nữ nói:

– Huynh quả thật không hiềm muội mặt mày xấu xí, bằng lòng ở chung một chỗ với muội chứ?

Trương Vô Kỵ sững người, câu “ở chung một chỗ” trong đầu chàng chưa hề nghĩ tới, nhưng thấy vẻ buồn rầu não nề của nàng ta thì không khỏi cảm thương, đáp:

– Chuyện xấu hay đẹp, ta chẳng hề để tâm. Nếu cô nương muốn trò chuyện nói cười với ta, không ngại ta, thì ta sẵn lòng. Còn nếu cô nương định lừa dối ta…

Thôn nữ hỏi, giọng run run:

– Thế huynh có bằng lòng lấy muội làm vợ hay không?

Trương Vô Kỵ giật mình, hồi lâu chưa trả lời được, rồi lẩm bẩm:

– Ta… ta chưa nghĩ đến chuyện… lấy vợ.

Bọn Hà Thái Xung sáu người cùng cười phá lên. Vệ Bích cười, nói:

– Ngay một gã nhà quê xấu xí ma chê quỷ hờn kia cũng chẳng thèm lấy ngươi, bọn ta không giết ngươi đi thì ngươi sống trên đời cũng bằng thừa. Chi bằng ngươi hãy đập đầu vào đá chết đi cho rồi.

Trương Vô Kỵ nghe sáu người kia cười giễu, rồi Vệ Bích lại nói mỉa như thế, mới biết thôn nữ không cùng một phe với bọn kia, dường như bọn Vệ Bích sắp sửa giết nàng ta chứ không phải nàng ta dẫn bọn kia tới hại mình, thì cảm thấy lòng ấm lại. Chàng thấy thôn nữ cúi đầu, mấy giọt lệ lăn dài trên má, rõ ràng trong lòng rất đỗi bi thương, chàng chỉ không biết đấy là do nàng ta sắp phải chết, hay do diện mạo xấu xí, hay vì lời lẽ chua cay của Vệ Bích? Trương Vô Kỵ xúc động mạnh, nghĩ: “Kể từ khi phụ mẫu chết, ta một mình bơ vơ khốn khổ, phải chịu bao điều nhục nhằn; thôn nữ này mảnh mai yếu đuối, lại ít tuổi hơn ta, nhưng thân thế còn bất hạnh hơn cả ta, giờ tới đây chẳng hiểu vì sao hỏi ta mấy câu khiến nàng thêm đau lòng rơi lệ, để kẻ khác khinh rẻ? Mà câu hỏi của nàng chứng tỏ tấm lòng thành trao thân gửi phận cho ta. Từ ngày sinh ra, trừ phụ mẫu, nghĩa phụ ta, thái sư phụ, các vị sư bá sư thúc, làm gì có ai thật sự quan hoài ta như thế? Từ rày trở đi ta phải đối tốt với nàng, nàng cũng đối tốt với ta, hai đứa sống chết có nhau, có gì mà không được chứ?”

Chàng thấy thân hình thôn nữ run run, sắp bước đi, vội đưa tay nắm cánh tay phải của nàng, nói to:

– Cô nương, ta thành tâm thành ý nguyện lấy cô nương làm vợ, chỉ mong cô nương đừng chê ta không xứng.

Thôn nữ nghe câu ấy, mắt liền sáng bừng lên, nói nhỏ:

– A Ngưu ca ca, ca ca không dối muội chứ?

Trương Vô Kỵ nói:

– Dĩ nhiên ta không dối cô nương. Từ rày trở đi, ta sẽ hết lòng yêu thương cô nương, lo lắng cho cô nương, dẫu bất cứ kẻ nào làm khó với cô nương, bất cứ kẻ nào tài giỏi mấy dám khinh khi cô nương, ta thà chết cũng quyết bảo vệ cô nương chu toàn. Ta muốn cô nương bình yên vui vẻ, quên hết mọi nỗi khổ ải từng chịu bấy lâu.

Thôn nữ ngồi xuống, tựa vào người Vô Kỵ, nắm lấy tay chàng, dịu dàng nói:

– Nếu huynh có lòng như thế, muội sung sướng vô cùng.

Nàng nhắm mắt lại, nói:

– Huynh hãy nhắc lại một lần nữa cho muội nghe, muội muốn ghi nhớ từng lời của huynh. Huynh nói đi, huynh sẽ đối với muội như thế nào?

Trương Vô Kỵ thấy nàng vô cùng sung sướng thì tự chàng cũng được an ủi, bèn cầm hai bàn tay nhỏ nhắn của nàng, thấy bàn tay mềm dịu, ấm áp, nói:

– Ta sẽ hết lòng yêu thương cô nương, lo lắng cho cô nương, dẫu bất cứ kẻ nào làm khó với cô nương, bất cứ kẻ nào tài giỏi mấy dám khinh khi cô nương, ta thà chết quyết bảo vệ cô nương chu toàn.

Thôn nữ mặt tươi như hoa, ngả đầu vào ngực chàng, dịu dàng nói:

– Trước đây muội bảo huynh hãy đi theo muội, huynh đã không chịu, lại còn đánh muội, mắng muội, cắn muội… Bây giờ huynh nói thế, muội không còn gì sung sướng hơn.

Trương Vô Kỵ nghe câu ấy, lòng lập tức nguội lạnh, thì ra thôn nữ nhắm mắt nghe chàng nói, lại mơ màng nghĩ đến tình lang trong mộng của nàng.

Thôn nữ thấy người chàng run lên một cái, bèn mở mắt ra nhìn chàng, vẻ mặt cũng thay đổi hẳn, lộ vẻ vừa thất vọng, vừa tức giận, song lại xen lẫn vẻ dịu dàng chấp nhận. Sau khi định thần, nàng nói:

– A Ngưu ca ca, huynh bằng lòng lấy muội làm vợ, muội xấu xí thế này mà huynh không chối bỏ, muội thật cảm kích vô cùng. Nhưng từ mấy năm trước trái tim muội đã thuộc về người khác. Người ấy khi đó đã chẳng thèm để mắt đến muội, bây giờ thấy muội thế này, chắc càng không coi muội ra gì. Cái kẻ lang tâm đoản mệnh đáng ghét nọ

Tuy nàng chửi kẻ ấy là “kẻ lang tâm đoản mệnh đáng ghét”, nhưng giọng nói vẫn không giấu được tình cảm trìu mến.

Võ Thanh Anh lạnh lùng lên tiếng:

– Hắn đã chịu lấy ngươi làm vợ, tâm sự cũng nói xong rồi, có đứng dậy hay không nào?

Thôn nữ thong thả đứng dậy, nói với Trương Vô Kỵ:

– A Ngưu ca ca, muội sắp chết rồi, mà dù có sống cũng chẳng thể lấy huynh. Nhưng muội rất thích nghe những lời huynh vừa nói. Huynh đừng buồn muội nhé! Khi nào không bận bịu, hãy nhớ một chút đến muội.

Mấy câu này nàng nói rất dịu dàng, rất ngọt ngào. Trương Vô Kỵ không khỏi thương xót cho nàng.

Chỉ nghe Ban Thục Nhàn cất giọng the thé:

– Bọn ta đã cho ngươi thỏa nguyện, được gặp mặt gã này lần cuối. Ngươi nói thì phải giữ lời, hãy cho biết kẻ đó hiện giờ ở đâu.

Thôn nữ đáp:

– Được! Ta biết người ấy từng trốn ở nhà vị này.

Nói rồi giơ tay chỉ Võ Liệt. Võ Liệt mặt biến sắc, hừ một tiếng, quát:

– Nói nhăng nói cuội!

Vệ Bích giận dữ nói:

– Mau nói thực ra, ngươi giết biểu muội của ta, rốt cuộc là do ai sai khiến?

Trương Vô Kỵ giật mình hoảng sợ, giọng run run hỏi:

– Giết Chu… Chu Cửu Chân tiểu thư ư?

Vệ Bích trừng mắt nhìn Trương Vô Kỵ, vẻ mặt hầm hầm, hỏi:

– Ngươi cũng biết Chu Cửu Chân cô nương hả?

Trương Vô Kỵ nói:

– Đại danh của Tuyết Lĩnh Song Chu, ai chẳng biết?

Võ Thanh Anh hình như nhếch mép cười, lớn tiếng hỏi thôn nữ:

– Ồ, thế ai là người sai khiến ngươi giết Chu Cửu Chân?

Thôn nữ đáp:

– Xúi ta giết Chu Cửu Chân chính là vợ chồng Hà Thái Xung phái Côn Luân, Diệt Tuyệt sư thái phái Nga Mi.

Võ Liệt quát to:

– Ngươi đừng hòng giở trò ly gián chia rẽ chúng ta, chỉ uổng công.

Nghe vù một tiếng, lão ta đã đánh thôn nữ một chưởng. Tiếng quát của Võ Liệt đầy uy phong, lời chưa dứt chưởng đã đánh ra, chưởng lực làm cho tuyết dưới đất bay lên lả tả. Thôn nữ nghiêng người né tránh, thân pháp vô cùng kỳ ảo.

Trương Vô Kỵ trong đầu ý nghĩ rối bời: “Nàng… nàng ta hóa ra là người trong võ lâm! Nàng giết Chu Cửu Chân là vì ta. Ta kể với nàng là bị Chu Cửu Chân lừa dối, bị bầy chó của Chu Cửu Chân cắn khắp người, nhưng ta đâu có bảo nàng đi giết Chu Cửu Chân. Ta cứ ngỡ nàng tính khí quái dị là vì tướng mạo hóa ra xấu xí, chuyện gia đình đau buồn, ai ngờ động một tí liền ra tay giết người”.

Vệ Bích và Võ Thanh Anh cùng vung trường kiếm, tả hữu giáp công; thôn nữ né đông lùi tây, cố tránh chưởng lực lợi hại của Võ Liệt, đột nhiên nàng ta xoay cái lưng ong lướt tới bên cạnh Võ Thanh Anh, nghe “bốp” một tiếng, đã giáng cho Võ Thanh Anh một cái bạt tai, tay trái cướp luôn thanh kiếm của cô ả. Võ Liệt và Vệ Bích quát chửi, cùng xông lại cứu. Thôn nữ rung mũi kiếm, nói:

– Xem đây!

Nói rồi nàng ta dùng mũi kiếm rạch ngay trên mặt Võ Thanh Anh một đường. Võ Thanh Anh kinh hãi rú lên, ngã ngửa ra phía sau. Thực tình cô ả chỉ bị thương rất nhẹ, nhưng vì lo cho dung nhan của mình nên vừa thấy đau nhói ở mặt đã sợ hết hồn.

Võ Liệt giơ tả chưởng ấn vào người thôn nữ. Nàng ta nghiêng người né tránh, “keng” một tiếng, kiếm của nàng ta chạm vào kiếm của Vệ Bích. Ngay lúc đó, ngón trỏ tay phải của Võ Liệt đã điểm trúng huyệt Phục Thố và Phong Thị ở chân trái thôn nữ. Thôn nữ rên một tiếng nhỏ, chân đứng không vững liền ngã ngay xuống chỗ Trương Vô Kỵ, chỉ thấy cả người nóng bừng, không còn chút hơi sức nào, tựa hồ muốn giơ một ngón tay cũng chẳng nổi.

Võ Thanh Anh nhặt thanh kiếm lên, căm hận nói:

– Con quỷ dạ xoa này, ta sẽ không cho mi được chết yên lành mà sẽ chặt hai chân hai tay mi, bỏ mi nằm đây cho chó sói cắn xé mi.

Đoạn vung kiếm nhắm cánh tay phải của thôn nữ chém xuống. Võ Liệt nói:

– Khoan đã!

Lão ta nắm lấy cổ tay con gái, đẩy nhát kiếm ra ngoài, nói với thôn nữ:

– Ngươi chịu nói ai sai khiến ngươi, ta sẽ cho ngươi được chết yên lành, nếu không, hừ, tứ chi bị chém đứt, ngươi lăn lộn trên tuyết cũng sẽ thích thú gì cho cam.

Thôn nữ mỉm cười:

– Các người cứ nhất định muốn ta nói, ta cũng chả cần giấu. Chu Cửu Chân cô nương muốn lấy một chàng trai, nhưng có một thiếu nữ xinh đẹp khác cũng muốn lấy gã trai đó, thiếu nữ ấy bèn cho ta năm trăm lạng bạc, bảo ta đi giết Chu Cửu Chân. Việc này ta vốn muốn giữ thật kín…

Thôn nữ nói chưa hết câu, Võ Thanh Anh đã giận tái mặt, giơ kiếm đâm thẳng vào giữa ngực thôn nữ.

Thôn nữ nhìn mặt đặt tên, đã phần nào đoán biết tình trạng khó nói giữa Võ Thanh Anh, Vệ Bích và Chu Cửu Chân ba người. Thôn nữ nói khích cho Võ Thanh Anh nổi giận chính là để cô ả kia đâm mình một kiếm chết ngay, cho mình khỏi bị hành hạ. Chỉ thấy một luồng thanh quang loáng lên, trường kiếm đã đâm tới ngực nàng ta.

Lúc ấy, đột nhiên có một vật lặng lẽ bay vút tới chạm vào thanh kiếm, nghe “cách” một tiếng, thanh kiếm liền văng xa hơn mười trượng mới rớt xuống đất. Trong đêm tối không ai nhìn rõ thanh kiếm của Võ Thanh Anh tuột khỏi tay như thế nào, nhưng với sức văng xa như thế, dù cho cô ả có tự mình ráng sức quẳng đi thì kiếm cũng chẳng bay xa đến chừng ấy. Hiển nhiên thôn nữ có cường viện đâu đây.

Sáu người cùng kinh hãi lùi lại vài bước, quay đầu nhìn xung quanh. Tứ bề quang đãng, không có một tảng đá hoặc bóng cây để ẩn nấp, cũng chẳng thấy bóng người nào, sáu người đưa mắt nhìn nhau, không hiểu ra sao cả. Võ Liệt thấp giọng hỏi nhỏ:

– Thanh nhi, con sao vậy?

Võ Thanh Anh nói:

– Hình như có một ám khí vô cùng lợi hại bắn văng kiếm của con đi.

Võ Liệt đảo mắt nhìn tứ phía, quả thực không thấy ai, hừ một tiếng, nói:

– Chắc con a đầu kia giở trò quỷ gì đây.

Trong bụng Võ Liệt nghĩ thầm: “Rõ ràng con nhãi kia đã bị trúng Nhất dương chỉ của ta, làm sao nó còn hơi sức đánh văng kiếm của Thanh Anh đi xa chứ? Võ công của con a đầu kia chắc chắn là tà môn”. Lão sấn tới vỗ một chưởng vào vai trái của thôn nữ. Chưởng này Võ Liệt vận kình cực mạnh, tính đánh gãy luôn xương vai của thôn nữ, khiến nàng ta bị mất hết võ công, để cho con gái lão ta sau đó muốn làm gì thì làm.

Chỉ thấy thôn nữ sắp nát vai, thì tay trái của nàng ta hất lên, hai chưởng đụng nhau, Võ Liệt thấy ngực nóng rát, chưởng lực của đối phương như cuồng phong nộ triều tràn tới, thật không sao cản nổi. Chỉ nghe Võ Liệt kêu Ối!” một tiếng kinh hãi, thân hình bay về phía sau, rơi xuống nghe “bịch” một cái. May mà võ công lão ta cao cường, lưng vừa chạm đất đã bật dậy ngay, nhưng trong ngực huyết khí nhộn nhạo, đầu váng mắt hoa, vừa đứng thẳng lên định điều hòa hơi thở thì đã loạng choạng ngã rụi xuống.

Vệ Bích và Võ Thanh Anh cả kinh, vội chạy tới đỡ Võ Liệt dậy, nhưng nghe Hà Thái Xung nói:

– Hãy để ông ấy nằm yên một lát.

Võ Thanh Anh quay đầu lại, giận dữ hỏi:

– Tiền bối bảo sao?

Trong bụng nghĩ thầm: “Cha ta bị kẻ địch ám toán, lão còn mừng thầm, đứng ngoài mỉa mai”.

Hà Thái Xung nói:

– Khí huyết đang nhộn nhạo, nằm yên tốt hơn.

Vệ Bích hiểu ra, nói:

– Đúng thế.

Lại nhẹ nhàng đỡ cho sư phụ nằm xuống đất.

Hà Thái Xung và Ban Thục Nhàn nhìn nhau, vô cùng kinh ngạc. Vợ chồng họ đã động thủ với thôn nữ, thấy nàng ta chiêu thuật tinh diệu, quả có chỗ hơn người, song nội lực rất bình thường, thế nhưng vừa rồi đối chưởng với Võ Liệt lại tỏ ra sở hữu nội công hiếm có, đánh ngã được đối phương như thế thì thật không sao hiểu nổi.

Về phần thôn nữ, trong lòng cũng kinh ngạc muôn phần. Sau khi nàng ta bị Võ Liệt điểm huyệt, ngã đè lên người Trương Vô Kỵ, không sao cử động được, mắt thấy Võ Thanh Anh giơ kiếm chém xuống mình thì bỗng có một vật bay tới bắn văng thanh kiếm của đối phương đi xa, tiếp đó một luồng khí lực nóng hổi truyền vào hai đùi nàng ta làm thúc đẩy hai huyệt Phục Thố và Phong Thị, giải khai luôn hai huyệt đó. Nàng ta chấn động toàn thân, cúi nhìn chỉ thấy Trương Vô Kỵ hai tay nắm chặt hai mắt cá chân nàng, khí ấm từ huyệt Huyền Chung cuồn cuộn tràn vào cơ thể. Việc đó diễn ra rất nhanh, chưa kịp suy nghĩ gì đã thấy chưởng của Võ Liệt đánh tới vai. Nàng ta tiện tay giơ lên đỡ, nghĩ bụng thà để gãy cổ tay còn hơn để vai nát vụn. Ai ngờ hai chưởng vừa chạm nhau thì Võ Liệt lại bị chưởng của nàng ta đẩy ra xa hơn một trượng. Thiếu nữ kinh ngạc nghĩ thầm: “Không lẽ anh chàng nhà quê xấu xí này lại là một đại cao thủ võ công khó lường?”

Hà Thái Xung vẫn ngại ngần nên không muốn tỷ thí chưởng lực với thôn nữ, bèn rút kiếm ra, nói:

– Để ta lĩnh giáo kiếm pháp của cô nương.

Thôn nữ cười:

– Ta không có kiếm.

Vệ Bích nói:

– Được, ta cho ngươi mượn.

Hắn giơ kiếm ra, mũi kiếm chĩa thẳng vào ngực thôn nữ, vận sức ném tới. Thôn nữ chộp ngang thân kiếm, cười nói:

– Võ công ngươi thấp kém lắm, giết ta làm sao nổi?!

Hà Thái Xung là chưởng môn của một phái, không muốn chiếm lợi thế so với hạng tiểu bối, nói:

– Ngươi ra chiêu đi, ta nhường ngươi ba chiêu rồi mới trả đòn.

Thôn nữ đâm một kiếm thẳng vào bụng Hà Thái Xung. Hà Thái Xung hừ một tiếng, nói nhỏ:

– Tiểu bối vô lễ!

Lão họ Hà giơ kiếm gạt đòn. Chỉ nghe “keng” một tiếng, cả hai thanh kiếm cùng gãy đôi. Hà Thái Xung sắc mặt đại biến, người loạng choạng, phải lùi lại nửa trượng. Thôn nữ nghĩ thầm: “Tiếc quá, tiếc quá!”

Thì ra Trương Vô Kỵ đem Cửu dương chân khí truyền sang cơ thể thôn nữ, nhưng nàng ta không biết phát huy uy lực của thần công nên hai thanh kiếm cùng gãy. Giá như biết cách công địch thì chỉ có binh khí của đối phương bị đánh gãy thôi. Ban Thục Nhàn lạ quá, hỏi nhỏ:

– Sao thế?

Hà Thái Xung cánh tay tê dại, nói:

– Tà môn!

Ban Thục Nhàn rút phăng trường kiếm, sầm mặt nói:

– Để ta lĩnh giáo!

Thôn nữ chìa cả hai bàn tay, ngụ ý mình không có kiếm. Ban Thục Nhàn chỉ thanh kiếm của Võ Thanh Anh ở ngoài xa mươi trượng, quát:

– Ra lấy kiếm đó mà dùng.

Thôn nữ đâu dám rời xa Trương Vô Kỵ, đành cầm thanh kiếm gãy, cười nói:

– Ta dùng tạm kiếm gãy cũng được!

Ban Thục Nhàn cả giận, nghĩ thầm: “Con a đầu chết tiệt này lớn lối thật, dám coi thường ta!” Mụ ta chẳng cần như Hà Thái Xung phải giữ gìn danh phận cao nhân tiền bối, lập tức vung luôn trường kiếm chém vào gáy thôn nữ. Thôn nữ giơ kiếm gãy lên chống đỡ, nhưng kiếm pháp của Ban Thục Nhàn cực kỳ khinh linh đã tức thời chuyển qua chém xuống vai trái. Thôn nữ vội múa kiếm đỡ gạt, Ban Thục Nhàn bèn đâm chéo xuống mạng sườn thôn nữ, liên tiếp tám đường, thế như gió cuốn, trước sau vẫn không để cho kiếm đụng phải kiếm gãy của thôn nữ, cứ phát huy sở trường kiếm pháp của mình, không cho đối phương có cơ hội thi triển nội lực.

Thôn nữ né phải nghiêng trái, lâm vào tình thế cực kỳ hung hiểm. Kiếm pháp của nàng ta vốn thua xa Ban Thục Nhàn, trên tay lại chỉ cầm nửa thanh kiếm gãy, hai chân thì không di động, rơi vào cái thế chỉ thủ không công. Đối phó thêm vài chiêu nữa thì mũi kiếm của Ban Thục Nhàn đã đâm tới trúng vào vai bên trái của thôn nữ. Kiếm pháp của phái Côn Luân một khi đã thắng một chiêu thì sẽ không để cho đối phương một giây nghỉ ngơi, thừa thế đánh ép tới, thôn nữ kêu ối một tiếng, vai lại trúng thêm một kiếm. Thôn nữ nói:

– Ủa, sao không giúp ta, cứ giương mắt nhìn ta bị kẻ khác giết ư?

Ban Thục Nhàn lùi hai bước, giơ kiếm ngang ngực, nhìn tứ phía, không thấy một ai, tức thì trường kiếm rung động, mũi kiếm loang loáng thành từng đóa hoa mai, lại tấn thôn nữ tới tấp.

Thôn nữ múa tít thanh kiếm gãy, đối phó liền ba đường kiếm. Kiếm chiêu của đối phương quá thần tốc, nàng ta đối phó cũng nhanh vô cùng, quả thật mắt tinh tay lẹ, chiêu nào cũng xác đáng trong đường tơ kẽ tóc. Ban Thục Nhàn khen ngợi:

– Con a đầu chết giẫm, thủ pháp khá linh hoạt!

Thôn nữ không chịu kém, chửi lại:

– Mụ già chết dấp, thủ pháp đâu có chậm!

Nhưng Ban Thục Nhàn là đại danh gia về kiếm thuật, tập luyện đã mấy chục năm, miệng nói mà tay không chậm lại chút nào. Thôn nữ kia chẳng qua mới mười bảy, mười tám tuổi, tuy đã được danh sư chỉ giáo nhưng làm sao có được kiếm pháp như Ban Thục Nhàn? Do nói chuyện nên nàng ta phân tâm đôi chút liền thấy cổ tay hơi tê dại, cây kiếm gãy đã tuột khỏi tay bay đi. Thôn nữ chỉ kịp hốt hoảng kêu “Ối!” một tiếng thì kiếm của Ban Thục Nhàn đã đâm tới mạng sườn.

Đinh Mẫn Quân từ đầu tới giờ đứng ngoài khoanh tay quan chiến, lúc này thấy dịp may đã tới, không cần rút kiếm mà vội sử chiêu “Thôi song vọng nguyệt”[67], hai tay cùng đánh vào lưng thôn nữ. Cùng lúc đó Võ Thanh Anh nhảy tới, tung cước đá vào mạng sườn bên phải của thôn nữ. Thôn nữ cả sợ, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, chợt cảm thấy toàn thân nóng bừng như đứng cạnh lò lửa, tiện tay búng một cái vào thanh kiếm của Ban Thục Nhàn. Ngay lúc đó, lưng nàng trúng chưởng, sườn phải cũng trúng cước. Chỉ nghe tiếng kêu “Ối!” và “Ái!” đau đớn, cả Đinh Mẫn Quân lẫn Võ Thanh Anh đều bị bắn văng ra xa, còn thanh kiếm của Ban Thục Nhàn bị gãy đôi.

Thì ra Trương Vô Kỵ thấy tình thế nguy ngập, liền đem chân khí toàn thân truyền gấp sang người thôn nữ. Cửu dương thần công của chàng đã có ba, bốn thành công lực, uy lực không phải tầm thường, cho nên trường kiếm của Ban Thục Nhàn, cả hai cổ tay của Đinh Mẫn Quân và cổ chân của Võ Thanh Anh đều bị gãy rời. Hà Thái Xung, Võ Liệt, Vệ Bích ba người trố mắt há mồm kinh hãi, đứng ngay như phỗng.

Ban Thục Nhàn vứt nửa thanh kiếm gãy xuống đất, hậm hực nói:

– Đi thôi, thế này còn chưa đủ xấu mặt sao?

Mụ ta giận dữ nhìn chồng, như muốn trút hết bực bội xuống đầu trượng phu.

Hà Thái Xung nói:

– Thì đi!

Hai vợ chồng sánh vai chạy thẳng, trong giây lát đã mất hút. Khinh công của phái Côn Luân quả là một tuyệt kỹ trong võ lâm. Còn chuyện Ban Thục Nhàn về đến nhà sẽ trút giận xuống đầu Hà Thái Xung như thế nào, có bắt quỳ trên mũi kiếm hay phải chịu hình phạt quái đản nào khác, là chuyện riêng của phái Côn Luân, người ngoài không thể biết.

Vệ Bích một tay đỡ sư phụ, một tay dìu sư muội, chầm chậm bước đi. Ba kẻ đó chỉ sợ thôn nữ thừa thắng đuổi theo, nhưng đâu có thể chạy nhanh như hai vợ chồng Hà Thái Xung, nên mỗi bước một lo ngay ngáy.

Đinh Mẫn Quân tuy gãy hai cổ tay, nhưng chân không sao, cắn răng bỏ đi một mình.

Thôn nữ cười ha hả đắc ý, nói:

– Anh chàng xấu như ma này, huynh…

Đột nhiên nàng ta thấy ngộp thở, ngất đi. Hoá ra Trương Vô Kỵ thấy sáu kẻ đối đầu kia đã bỏ đi cả, bèn rụt tay lại, buông hai gót chân thôn nữ ra. Cửu dương chân khí trong cơ thể thôn nữ lập tức thoát ra hết, tứ chi và các khớp hầu như chẳng còn chút hơi sức nào. Trương Vô Kỵ chợt hiểu, vội dùng hai ngón tay cái ấn nhẹ vào huyệt Ti Trúc Không ở đuôi lông mày, hơi vận thần công, thế là thôn nữ từ từ hồi tỉnh.

Nàng ta mở mắt, thấy mình nằm trong lòng Trương Vô Kỵ, chàng đang mỉm cười nhìn mình thì không khỏi thẹn thùng vội nhỏm dậy, lườm chàng một cái, đột nhiên giơ tay véo tai trái của chàng, mắng:

– Cái nhà anh này, giỏi đánh lừa muội! Huynh một thân võ công lợi hại như thế, sao không nói cho muội hay?

Trương Vô Kỵ đau quá, kêu:

– Ái, cô nương làm gì vậy?

Thôn nữ cười ha hả, nói:

– Ai bảo huynh lừa muội?

Trương Vô Kỵ nói:

– Ta lừa cô nương lúc nào, cô nương cũng đâu có cho ta hay là cô nương biết võ công.

Thôn nữ nói:

– Được rồi, muội tha cho huynh lần này. Vừa rồi huynh có ra tay giúp muội, lấy công chuộc tội, muội sẽ không phạt huynh nữa. Chân huynh đã đi được chưa?

Trương Vô Kỵ nói:

– Vẫn chưa đi được.

Thôn nữ thở dài, nói:

– Vậy là lòng tốt được báo đáp, nếu muội không nhớ đến huynh, đòi quay lại gặp huynh lần cuối, thì huynh đâu có thể cứu muội.

Ngừng giây lát, nàng nói tiếp:

– Giá muội sớm biết tài nghệ cao siêu của huynh, thì muội đâu cần phải thay huynh đi giết con quỷ a đầu Chu Cửu Chân làm gì.

Trương Vô Kỵ sầm mặt, nói:

– Ta không hề bảo cô nương đi giết nàng ta.

Thôn nữ nói:

– Ái chà, ái chà! Thì ra lòng huynh vẫn còn tơ tưởng cô nương xinh đẹp ấy, muội hóa thành kẻ chẳng ra gì, giết mất ý trung nhân của huynh.

Trương Vô Kỵ nói:

– Chu Cửu Chân không phải là ý trung nhân của ta; nàng ta đẹp hay xấu chẳng liên quan đến ta.

Thôn nữ ngạc nhiên,nói:

– Lạ thật, cô ta làm hại huynh như thế, muội giết cô ta cho huynh được hả dạ, chẳng lẽ là không tốt ư?

Trương Vô Kỵ thản nhiên nói:

– Số người hại ta quá đông, nếu ai cũng đem giết cho bõ tức, vậy phải giết bao nhiêu người cho xuể? Huống hồ có một số người định bụng hại ta, song thực ra chính họ cũng rất đáng thương. Chẳng hạn như Chu cô nương, nàng ta đêm ngày phập phồng lo sợ, chỉ sợ biểu huynh không còn đối xử tốt với nàng ta, đổi ý lấy Võ cô nương làm vợ. Như thế Chu Cửu Chân có sung sướng gì cho cam?

Thôn nữ giận dữ nói:

– Huynh nhạo báng muội đấy à?

Trương Vô Kỵ ngẩn người, đâu ngờ khi mình nói chuyện Chu Cửu Chân đã vô ý làm cho thôn nữ chạnh lòng, vội nói:

– Không, không đâu! Ta chỉ bảo mỗi người có nỗi bất hạnh riêng của mình. Ai đối xử không đúng với cô nương, cô nương liền giết họ đi, như thế nhất thiết không được.

Thôn nữ cười:

– Huynh học võ nếu không để giết người, vậy học để làm gì nào?

Trương Vô Kỵ trầm ngâm nói:

– Học võ cho giỏi, để kẻ xấu đến hại ta, ta đủ sức đối phó.

Thôn nữ nói:

– Thán phục huynh thật đấy! Thì ra huynh là bậc chính nhân quân tử, một người tốt bụng quá chừng!

Trương Vô Kỵ ngơ ngác nhìn nàng, nhìn cử chỉ dáng điệu của nàng, chàng cảm thấy nàng sao mà thân thiết, gần gũi biết bao, khó nói thành lời. Thôn nữ bĩu môi, hỏi:

– Huynh nhìn gì vậy?

Trương Vô Kỵ đáp:

– Mẹ ta thường cười cha ta là người tốt quá mức, là một thư sinh dễ mềm lòng. Khi mẹ ta trò chuyện, cung cách cử chỉ chẳng khác gì cô nương.

Thôn nữ đỏ mặt, trách:

– Hứ, lại định ăn gian, bảo muội giống mẹ huynh, còn huynh thì giống cha huynh chứ gì!

Lời là trách móc, nhưng ánh mắt lại ẩn một nụ cười.

Trương Vô Kỵ vội nói:

– Có trời chứng giám, nếu ta có ý ăn gian với cô nương thì trời tru đất diệt.

Thôn nữ nói:

– Nói hờn nhau có một câu, làm gì huynh phải thề thốt ghê vậy?

Lúc này, bỗng nghe phía đông bắc có tiếng người hú lên, âm thanh trong trẻo và ngân nga, rõ là tiếng nữ giới. Tiếp đó có tiếng gần hơn đáp lại, chính là tiếng của Đinh Mẫn Quân rời khỏi đây chưa xa. Đinh Mẫn Quân hú xong thì dừng lại, không chạy nữa.

Thôn nữ mặt hơi biến sắc, thấp giọng nói:

– Phái Nga Mi lại có người đến!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.