Mùa xuân bao phủ đất trời. Tiết Thanh minh hoa lê nở rộ. Cây ngọc phủ tấm áo choàng trắng như tuyết. Đêm khuya thanh vắng, vầng trăng vừa tắm, sương lạnh dăng dăng. Trên trời dưới đất, ánh trăng dát bạc.
Thiếu nữ như một nàng tiên, thiên tư linh tú, vạn phần thanh khiết; dáng vẻ dịu dàng, khí phách tinh anh, tài hoa lạ thường, người phàm khó sánh. Gót sen nàng in dấu muôn nơi.
Đó là bài từ nhan đề “Vô tục niệm” của một bậc võ học danh gia thời Nam Tống, họ Khưu, tên Xứ Cơ, đạo hiệu Trường Xuân Tử, một trong bảy vị Toàn Chân thất tử, một nhân vật xuất sắc của giáo phái Toàn Chân. Sách Từ phẩm bình phẩm rằng “Trường Xuân Tử được người đời coi là vị tiên, mà thi từ của vị tiên ấy cũng bất hủ như ngài”. Bài từ này ca ngợi hoa lê, thực ra là tán thưởng một bạch y thiếu nữ vô cùng diễm lệ, ví “như một nàng tiên, thiên tư linh tú, vạn phần thanh khiết; dáng vẻ dịu dàng, khí phách tinh anh, tài hoa lạ thường, người phàm khó sánh”. Mỹ nữ tuyệt trần ấy là Tiểu Long Nữ, truyền nhân phái Cổ Mộ. Nàng quanh năm vận bộ bạch y, trông chẳng khác gì “cây ngọc phủ tấm áo choàng trắng như tuyết”, cộng với thiên tính thanh khiết, y hệt “vầng trăng vừa tắm”, thật xứng với ba chữ “Vô tục niệm”. Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ là láng giềng của nàng trên núi Chung Nam, sau lần gặp gỡ ấy đã viết bài từ trên.
Giờ đây Khưu Xứ Cơ lánh về cõi hạc đã lâu, nàng Tiểu Long Nữ cũng đã kết duyên với Thần điêu đại hiệp Dương Quá. Trên con đường rừng ở núi Thiếu Thất tỉnh Hà Nam lúc này có một thiếu nữ đang cúi đầu ngâm ngợi bài từ kia.
Thiếu nữ tuổi chừng đôi tám, vận bộ hoàng y, cưỡi con lừa xanh, đang thong thả đi lên núi, nghĩ thầm trong bụng: “Cũng chỉ có người như Long tỷ tỷ mới xứng với chàng”. Chữ “chàng” dĩ nhiên là chỉ Thần điêu đại hiệp Dương Quá. Nàng cũng chẳng buồn cầm cương, cứ mặc cho con lừa xanh chở nàng đi. Khá lâu sau nàng lại ngâm nga: “Hoan lạc thú, ly biệt khổ, tựu trung chỉ có nhi nữ si tình. Chàng thử nói xem, chàng đang ở chân trời góc bể nào đây?”
Đoản kiếm bên lưng, sắc diện lộ vẻ phong trần, rõ ràng nàng viễn du đã lâu. Tuổi xuân như hoa, chính đang lúc hồn nhiên vô ưu, vậy mà sắc diện nàng lại phảng phất nỗi sầu muộn, đầu mày cuối mắt không thể che giấu được.
Thiếu nữ này họ Quách, đơn danh có một chữ Tương, là thứ nữ của đại hiệp Quách Tĩnh và nữ hiệp Hoàng Dung, có một ngoại hiệu là Tiểu Đông Tà. Một lừa một kiếm, nàng chu du tha thẩn nơi này chốn nọ cho vơi nỗi sầu. Nào ngờ chốn danh sơn lẻ bóng chỉ càng thêm hiu quạnh, chẳng khác gì uống rượu quên sầu càng sầu thêm.
Thế núi Thiếu Thất tỉnh Hà Nam hiểm trở, nhưng sơn đạo lại khá rộng và được lát các bậc đá, quy mô đồ sộ, tốn bao sức người, dài tám dặm này, được mở ra để vua Cao Tông đời Đường ngự giá Thiếu Lâm tự. Con lừa xanh của Quách Tương cứ cắm cúi đi, chỉ thấy từ trên quả núi đối diện có năm thác nước nhỏ đổ xuống, tung tóe muôn ngàn hạt ngọc; xung quanh trập trùng đồi núi, nhìn xuống bên dưới, vạn vật đã nhỏ như đàn kiến. Qua một khúc quành, thấy xa xa hiện ra một tòa tự viện tường vàng ngói xanh vô cùng bề thế.
Nàng ngắm tòa đại tự một hồi, thầm nghĩ: “Thiếu Lâm tự vốn là nguồn gốc võ học của thiên hạ, nhưng hai phen luận kiếm ở Hoa Sơn, tại sao trong số Ngũ tuyệt hoàn toàn không thấy một vị cao tăng nào của Thiếu Lâm tự? Chẳng lẽ các vị hòa thượng Thiếu Lâm tự biết không nắm chắc phần thắng, sợ làm mất uy danh nên không dám phó hội? Hay họ dốc lòng tu luyện tinh thâm, võ công cái thế, nhưng không muốn tranh cường đồ thắng với người ngoài?”
Nàng xuống lừa, thong thả đi bộ tới trước chùa, chỉ thấy cây cối um tùm, có một dãy bia đá. Các tấm bia đã bị hủy hoại quá nửa, chữ khắc mờ đi không còn đọc nổi. Nàng nghĩ: “Chữ khắc vào bia đá sau bao năm tháng còn bị mờ đi; vậy mà sao những gì khắc trong tim ta thì cứ càng ngày lại càng sâu đậm?”
Trên một tấm bia lớn có khắc lời Đường Thái Tông khen ngợi tăng chúng Thiếu Lâm tự đã lập công giúp Đường Thái Tông dẹp loạn Vương Thế Sung. Khi Đường Thái Tông cất binh thảo phạt, các hòa thượng Thiếu Lâm tự đã đầu quân, trong đó mười ba vị lập công lớn. Nhưng chỉ có một hòa thượng là Đàm Tông nhận tước phong Đại tướng quân, còn mười hai vị kia không muốn làm quan. Đường Thái Tông bèn ban cho mỗi vị một tấm áo cà sa bằng lụa tía.
Quách Tương nghĩ thầm: “Thời Tùy – Đường, võ công của Thiếu Lâm tự đã vang danh thiên hạ, mấy trăm năm nay lại càng thêm tinh xảo, chùa này ngọa hổ tàng long, hẳn có không biết bao nhiêu cao thủ”.
Ba năm trước, Quách Tương chia tay với Dương Quá và Tiểu Long Nữ trên đỉnh Hoa Sơn, từ bấy đến nay nàng không nhận được tin tức gì về hai người ấy nữa. Nàng nhớ họ da diết, liền thưa với phụ mẫu, rằng nàng muốn đi du sơn ngoạn thủy; thực ra là để nghe ngóng tin tức của Dương Quá. Không nhất thiết nàng phải gặp gỡ phu phụ Dương Quá, chỉ cần hay tin họ hành hiệp như thế nào trên giang hồ là nàng đủ mãn nguyện rồi. Đằng này từ sau khi từ biệt, phu phụ Dương Quá không hề lộ diện trên giang hồ, chẳng biết họ ẩn cư chốn nào. Quách Tương đã đi từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, cơ hồ đi quá nửa đất Trung nguyên mà không nghe chút phong thanh gì về Thần điêu đại hiệp.
Hôm nay tới Hà Nam, nàng chợt nhớ ở Thiếu Lâm tự có một vị hòa thượng là Vô Sắc thiền sư vốn là hảo hữu của Dương Quá, khi nàng tròn mười sáu tuổi, do nể tình Thần điêu đại hiệp, Vô Sắc thiền sư đã cho người mang quà đến mừng tặng nàng. Tuy đôi bên chưa diện kiến, nhưng nàng cứ thử tới thăm hỏi Vô Sắc thiền sư một phen, không chừng thiền sư biết được tung tích của Dương Quá cũng nên. Vậy là nàng tới Thiếu Lâm tự.
Đang lúc xuất thần, bỗng từ phía sau cánh rừng có hàng bia vọng tới tiếng xích sắt loảng xoảng, một người đang tụng niệm kinh Phật: “Thị thời dược xoa cộng vương lập yếu, tức ư vô lượng bách thiên vạn ức đại chúng chi trung, thuyết thắng diệu già tha viết: Do ái cố sinh ưu, do ái cố sinh bố; nhược ly ư ái giả, vô ưu diệc vô bố”[1].
Quách Tương nghe mấy câu kệ đó, bất giác sững người, nghĩ thầm: “Vì ái tình mà sinh lo buồn, vì ái tình mà sinh sợ hãi; nếu từ bỏ ái tình, sẽ khỏi lo buồn cùng sợ hãi”. Tiếng xích sắt và tiếng tụng kinh xa dần.
Quách Tương nói nhỏ: “Ta phải hỏi người ấy làm thế nào mới từ bỏ được ái tình, làm thế nào mới khỏi lo buồn cùng sợ hãi?” Nàng bèn buộc con lừa vào một gốc cây, rồi vạch lá đuổi theo người kia. Chỉ thấy trên con đường mòn có một hòa thượng quẩy đôi thùng lớn, thong thả đi lên núi. Quách Tương rảo bước theo, khi còn cách vị hòa thượng bảy, tám trượng, thì nàng bất giác cả kinh – hóa ra đó là đôi thùng bằng sắt, to gấp đôi loại thùng gánh nước quen dùng; mà vị hòa thượng thì cổ, tay và chân đều bị tròng xích sắt to tướng, mỗi bước đi lại kéo dây kêu loảng xoảng. Riêng đôi thùng sắt đã nặng hai trăm cân lại đựng đầy nước, sức nặng thật kinh hồn. Quách Tương gọi: “Đại hòa thượng, xin dừng bước, tiểu nữ có điều cần thỉnh giáo!”
Vị hòa thượng kia ngoảnh đầu lại, hai người nhìn thấy nhau cùng ngạc nhiên. Thì ra vị hòa thượng chính là Giác Viễn. Ba năm trước, hai bên đã có duyên diện kiến trên đỉnh Hoa Sơn. Quách Tương biết vị hòa thượng này tuy tính nết cổ hủ, nhưng nội công thâm hậu không thua kém bất cứ cao thủ nào, bèn nói:
– Tưởng ai, hóa ra Giác Viễn đại sư. Tại sao đại sư lại đến nông nỗi này?
Giác Viễn gật đầu, mỉm cười, chắp tay hành lễ, không nói một lời, quay mình đi. Quách Tương gọi:
– Giác Viễn đại sư, đại sư không nhận ra tiểu nữ sao? Tiểu nữ là Quách Tương đây mà.
Giác Viễn quay đầu lại, mỉm cười gật đầu, song vẫn không dừng bước.
Quách Tương hỏi:
– Ai xiềng xích đại sư như thế? Tại sao người ta lại ngược đãi đại sư tới mức này chứ?
Giác Viễn giơ tay trái ra sau gáy xua xua ngụ ý nàng khỏi cần hỏi han.
Quách Tương thấy có chuyện kỳ quái như vậy, chưa rõ nguồn cơn, lẽ nào nàng chịu để yên? Nàng chạy vọt lên tính chắn đường Giác Viễn, ai ngờ Giác Viễn tuy toàn thân đầy xích sắt, lại phải gánh đôi thùng sắt cực nặng, song Quách Tương chạy nhanh mấy cũng không thể đuổi kịp. Tính tự ái trẻ con trỗi dậy, nàng bèn thi triển thuật khinh công gia truyền, hai chân lướt như bay trên mặt đất. Khi tới gần, nàng giơ tay định chụp lấy miệng thùng sắt, nào ngờ chụp hụt, bàn tay vẫn còn cách miệng thùng hai phân. Quách Tương nói:
– Bản lĩnh của đại sư quả lợi hại, tiểu nữ phải theo cho kịp mới được.
Chỉ thấy Giác Viễn cứ thế đi tiếp, tiếng xích sắt vang lên như tiếng nhạc, càng lúc càng lên cao, vang đến tận sau núi.
Quách Tương đuổi đã mệt, hơi thở hổn hển mà vẫn còn cách Giác Viễn hơn một trượng, bất giác thán phục thầm: “Hồi trên đỉnh Hoa Sơn, phụ mẫu ta có nói vị hòa thượng này nội công rất cao, ta không tin lắm. Hôm nay thử tài một chút, mới biết lời phụ mẫu ta quả nhiên chẳng sai chút nào”.
Chỉ thấy Giác Viễn quay mình rẽ vào một tiểu thất, đổ hai thùng nước vào một cái giếng. Quách Tương rất đỗi ngạc nhiên, liền hỏi:
– Đại sư có khùng hay không mà lại đi gánh nước đổ vào giếng chứ?
Giác Viễn sắc diện vẫn bình thản, chỉ lắc đầu. Quách Tương chợt hiểu, cười nói:
– Chà, thì ra đại sư đang luyện một môn võ công cao siêu.
Giác Viễn lại lắc đầu.
Quách Tương bực tức, nói:
– Vừa nãy tiểu nữ đã nghe thấy đại sư tụng kinh rõ ràng không phải người á khẩu, tại sao đại sư không trả lời tiểu nữ?
Giác Viễn chắp tay hành lễ, vẻ mặt sượng sùng, không thốt một lời, lại quẩy đôi thùng đi xuống núi. Quách Tương ngó thử vào trong giếng, chỉ thấy nước trong veo, cũng chẳng có gì lạ; nàng ngẩn người nhìn theo Giác Viễn đang đi xuống núi, trong lòng khó hiểu.
Vừa rồi nàng gắng sức đuổi theo Giác Viễn nên bây giờ đã thấy thấm mệt, hơi thở còn hổn hển, nàng bèn ngồi xuống thành giếng ngắm phong cảnh. Chỗ nàng ngồi cao hơn Thiếu Lâm tự, nhưng nhìn lên thì núi Thiếu Thất vẫn còn cao ngất trời với những dải sương mù vắt ngang. Gió đưa tiếng chuông chùa từ phía dưới vọng lên khiến người nghe như trút hết phiền tục. Quách Tương nghĩ thầm: “Không biết đệ tử của vị đại sư kia ở đâu? Đại sư không chịu mở miệng thì mình đành tìm gã thiếu niên nọ hỏi cho ra lẽ”. Đoạn nàng lững thững đi xuống núi để tìm đệ tử của Giác Viễn tên là Trương Quân Bảo. Nàng đi một quãng, chợt nghe tiếng xích sắt loảng xoảng, thì ra Giác Viễn đã lại gánh nước lên núi rồi. Nàng bèn nấp sau một gốc cây, nghĩ thầm: “Mình phải ngầm theo dõi xem lão hòa thượng này rốt cuộc làm trò quỷ gì đây”.
Tiếng xích sắt đã tới gần, chỉ thấy Giác Viễn vẫn gánh đôi thùng sắt, một tay cầm cuốn sách gì đó, chăm chú thấp giọng tụng kinh. Quách Tương chờ vị hòa thượng đi ngang qua thì thình lình nhảy ra hỏi:
– Đại sư đang đọc sách gì vậy?
Giác Viễn thất thanh la lên:
– Ối chà, làm bần tăng giật cả mình! Vẫn lại là cô nương.
Quách Tương cười thích thú:
– Đại sư giả câm không thành rồi.
Giác Viễn có vẻ hoảng hốt, nhìn sang hai bên rồi xua xua tay. Quách Tương hỏi:
– Đại sư sợ ai chứ?
Giác Viễn chưa kịp đáp, thì đột nhiên từ sau các bụi cây có hai hòa thượng mặc áo màu tro bước ra, một cao gầy, một thấp mập. Vị cao gầy quát:
– Giác Viễn không tuân thủ giới pháp, tự tiện mở miệng đối đáp với người ngoài bổn tự, huống hồ người ấy lại là một thiếu nữ. Vậy hãy theo ta lên gặp thủ tọa Giới luật đường.
Giác Viễn cúi mặt buồn bã, gật gật đầu, đi theo hai hòa thượng kia.
Quách Tương vừa ngạc nhiên vừa tức giận, nói lớn:
– Thiên hạ lại có luật cấm người ta mở miệng ư? Ta quen biết vị đại sư này, ta hỏi chuyện vị đó thì can hệ gì tới hai vị kia chứ?
Vị hòa thượng cao gầy trợn mắt nói:
– Cả ngàn năm nay Thiếu Lâm tự vẫn cấm nữ lưu lai vãng. Mời cô nương xuống núi ngay cho để khỏi chuốc lấy những điều khó xử.
Quách Tương càng giận, nói:
– Nữ lưu thì sao? Chẳng lẽ nữ lưu không phải là người? Tại sao các vị gây khó dễ cho Giác Viễn đại sư, đã xiềng xích đại sư, còn cấm đại sư nói là nghĩa lý gì?
Vị hòa thượng kia lạnh lùng đáp:
– Việc của bổn tự, ngay hoàng đế cũng không được can thiệp, cô nương hà tất đa vấn.
Quách Tương cả giận:
– Ta biết vị đại sư này là người hiền lành trung hậu, vậy mà các người lại hành hạ đại sư như thế thì lạ thật. Còn Thiên Minh thiền sư đâu rồi? Vô Sắc thiền sư, Vô Tướng thiền sư ở đâu cả? Các người mau gọi mấy vị ấy ra đây, ta muốn hỏi thử việc này là nghĩa lý gì.
Hai hòa thượng kia nghe nàng nói vậy thì giật mình. Thiên Minh thiền sư là Phương trượng của Thiếu Lâm tự, Vô Sắc thiền sư là Thủ tọa La Hán đường, Vô Tướng thiền sư là Thủ tọa Đạt Ma đường, ba vị ấy đức cao vọng trọng, tăng nhân trong chùa đều kính cẩn gọi các vị ấy là “lão Phương trượng”, “Thủ tọa La Hán đường”, “Thủ tọa Đạt Ma đường” chứ không dám gọi ngay pháp danh của họ; ai ngờ con nhỏ này lại dám lên núi lớn tiếng gọi thẳng pháp danh của họ ra như vậy.
Hai hòa thượng kia đều là đệ tử của Thủ tọa Giới luật đường, phụng mệnh Thủ tọa thiền sư giám thị Giác Viễn. Lúc này nghe thấy Quách Tương nói năng vô lễ, vị hòa thượng cao gầy liền quát:
– Nữ thí chủ kia nếu còn gây sự trước Phật môn thanh tịnh thì đừng trách bần tăng không khách khí.
Quách Tương nói:
– Chẳng lẽ ta ngán nhà ngươi ư? Nhà ngươi hãy mau mau cởi bỏ xiềng xích cho Giác Viễn đại sư, bằng không ta sẽ đi tìm Thiên Minh hòa thượng mà hỏi cho ra lẽ.
Vị hòa thượng thấp mập nghe Quách Tương nói năng lỗ mãng, lại thấy nàng đeo đoản kiếm, bèn xẵng giọng:
– Nữ thí chủ hãy để binh khí lại, bần tăng cũng không định tranh hơn thua làm gì, nữ thí chủ hãy mau xuống núi cho yên chuyện.
Quách Tương gỡ thanh đoản kiếm ra, hai tay nâng lên, cười nhạt:
– Thì đây, xin tuân lệnh.
Hòa thượng này xuất gia ở Thiếu Lâm tự từ nhỏ, luôn nghe thấy các sư bá, sư thúc và sư huynh kể rằng Thiếu Lâm tự là khởi nguyên của võ học trong thiên hạ, rằng bất cứ nhân vật nào danh vọng lớn đến đâu, bất cứ cao thủ võ lâm nào tài ba đến mấy, xưa nay cũng chẳng dám mang theo binh khí vào cổng Thiếu Lâm tự. Cô nương này tuy chưa bước qua cổng Thiếu Lâm tự, nhưng đã ở trong phạm vi nhà chùa; nay nàng ta hai tay nâng kiếm thế kia hẳn là biết sợ rồi, hòa thượng bèn giơ tay cầm lấy thanh kiếm. Ngón tay của hòa thượng vừa chạm cán kiếm thì đột nhiên cánh tay ấy như bị điện giật, cảm thấy một cường lực từ thanh kiếm truyền sang, đẩy hòa thượng ngã ngửa ra phía sau, hai chân loạng choạng không vững, bị ngã sóng soài, chỗ ngã lại dốc, thế là y lăn xuống phía dưới mấy trượng mới chộp được búi cỏ khỏi bị lăn tiếp.
Hòa thượng cao gầy vừa ngạc nhiên vừa tức giận, quát:
– Ngươi đúng là ăn tim sư tử, uống mật hổ báo nên mới dám đến Thiếu Lâm tự gây sự mà.
Đoạn tiến một bước, hữu thủ vung quyền, tả chưởng tiếp theo hữu quyền, thành song chưởng chém xuống, chính là thế thứ hai mươi tám “Phiên thân phách kích” của Sấn Thiếu Lâm.
Quách Tương cầm thanh kiếm còn nằm trong bao chém vào vai hòa thượng kia. Y trầm vai thu một tay về, tay kia chộp thanh kiếm. Giác Viễn đứng bên nhìn cảnh ấy, hoảng sợ kêu to:
– Đừng động thủ, đừng động thủ! Có gì hãy thương lượng thì hơn.
Lúc ấy vị hòa thượng kia đã chộp tới thanh kiếm, chính đang vận sức định giành lấy bỗng cảm thấy lòng bàn tay chấn động, rồi cả cánh tay tê dại, chỉ kịp kêu “Nguy tai!” thì Quách Tương đã dùng chân trái gạt ngang, đẩy y ngã lăn lông lốc xuống dốc, đầu và mặt y bị va nhiều chỗ, xây xát rớm máu, rồi mới dừng được.
Quách Tương nghĩ thầm: “Mình lên Thiếu Lâm tự là định thăm dò tin tức của đại ca, vô duyên vô cớ lại động thủ với hai hòa thượng kia, thật chẳng hay ho chút nào”. Nàng thấy Giác Viễn đứng bên với vẻ mặt khổ sở, bèn vung thanh kiếm chặt đứt xiềng xích ở chân tay của đại sư. Kiếm của nàng tuy chưa thuộc vào hàng bảo kiếm, nhưng cũng cực kỳ sắc bén nên vừa nghe “keng keng” mấy tiếng thì xiềng xích đã đứt thành ba đoạn. Giác Viễn luôn miệng kêu: “Không được đâu! Không được đâu!” Quách Tương nói:
– Sao lại không được?
Đoạn nàng chỉ về phía hai hòa thượng một cao một thấp đang chạy vào chùa, nói:
– Hai gã ác tăng kia chắc là chạy đi báo tin, chúng ta hãy đi thôi. Tiểu đồ đệ họ Trương của đại sư đâu rồi? Hãy đem gã đi luôn thể!
Giác Viễn chỉ xua xua tay. Chợt nghe sau lưng có tiếng người nói:
– Đa tạ cô nương quan tâm, tiểu đệ đây.
Quách Tương quay đầu lại, thấy phía sau có một thiếu niên trạc mười sáu mười bảy tuổi, mắt to mày thô, thân hình vạm vỡ, song vẻ mặt trông hết sức thơ ngây, chính là Trương Quân Bảo mà nàng đã gặp trên đỉnh Hoa Sơn ba năm về trước. Bây giờ Trương Quân Bảo cao lớn hơn hẳn hồi ấy, riêng vẻ mặt chẳng thay đổi chút nào. Quách Tương cả mừng, nói:
– Các ác tăng nơi đây khinh khi sư phụ của đệ, chúng ta rời bỏ nơi này thôi.
Trương Quân Bảo lắc đầu nói:
– Chẳng ai khinh khi sư phụ của đệ cả.
Quách Tương chỉ Giác Viễn nói:
– Hai gã ác tăng ban nãy đã dùng xiềng xích trói buộc sư phụ của đệ lại còn không cho nói nửa lời, chẳng phải là khinh khi đó sao?
Giác Viễn cười khổ, lắc đầu, chỉ tay xuống núi, ý bảo Quách Tương hãy mau thoát thân, kẻo ở lại sẽ gặp rắc rối.
Quách Tương thừa biết Thiếu Lâm tự có biết bao nhiêu cao thủ võ công hơn hẳn nàng, nhưng chứng kiến cảnh bất bình nhãn tiền thế này, nàng không thể khoanh tay làm ngơ. Song nàng lo ngại các cao thủ trong chùa ra ngăn chặn, bèn một tay kéo Giác Viễn, một tay kéo Trương Quân Bảo, giậm chân nói:
– Mau mau chạy đi đã, có việc gì xuống được dưới núi hãy nói.
Hai người kia cứ đứng im một chỗ.
Bỗng thấy trên sườn núi bên cửa hông Thiếu Lâm tự có bảy tám tăng nhân xông ra, tay cầm gậy, miệng quát:
– Con nhóc nào cả gan đến Thiếu Lâm tự gây sự đó?
Trương Quân Bảo lớn tiếng đáp:
– Các vị sư huynh chớ vô lễ, vị này là… Quách Tương vội ngăn:
– Đừng nói lộ tên của ta.
Nàng nghĩ vụ rắc rối này xem ra không nhỏ, không khéo chẳng thể dàn xếp ổn thỏa; bởi vậy không nên để liên lụy đến phụ mẫu. Thế là nàng giục thêm:
– Ba chúng ta cứ băng rừng mà chạy. Dù thế nào cũng chớ nhắc đến tên phụ mẫu và bằng hữu của tiểu nữ!
Chợt trên đỉnh núi phía sau nghe mấy tiếng quát, lại thêm bảy, tám tăng nhân xông tới.
Quách Tương thấy trước sau đều có các tăng nhân xuất hiện, bèn cau mày nói:
– Sao hai người cứ rụt rụt rè rè như thiếu nữ thế? Chẳng có chí khí nam nhi gì cả! Hai người có định chạy hay không nào?
Trương Quân Bảo nói:
– Thưa sư phụ, Quách cô nương đã có thiện ý như thế…
Lúc ấy từ bên cửa hông Thiếu Lâm tự lại có bốn hoàng y hòa thượng xông ra và lao về phía Quách Tương; tay họ không có khí giới, nhưng thân pháp lanh lẹ, tay áo quạt gió đủ biết võ công thuộc loại khá cao siêu. Quách Tương thấy tình thế này dù nàng muốn một mình thoát thân cũng chẳng nổi, bèn đứng yên coi diễn biến ra sao.
Một hòa thượng chạy tới cách nàng bốn trượng, dõng dạc cất tiếng:
– Tôn sư Thủ tọa La Hán đường truyền dụ: kẻ lạ mặt hãy bỏ khí giới, xuống Nhất Lô đình dưới chân núi tường trình sự việc và nghe pháp dụ.
Quách Tương cười nhạt:
– Đại hòa thượng của Thiếu Lâm tự thật là quan cách quá chừng! Chẳng hay các vị đại hòa thượng làm quan cho hoàng đế Đại Tống hay hoàng đế Mông Cổ vậy?
Thời gian này từ sông Hoài trở lên phía bắc, quốc thổ của Đại Tống đều đã rơi vào tay quân Mông Cổ; Thiếu Lâm tự nằm trên địa phận do Mông Cổ cai quản, nhưng vì đại quân Mông Cổ mấy năm nay liên tục tấn công vẫn chưa hạ nổi thành Tương Dương, còn bận điều binh khiển tướng, không có lực lượng cai quản chùa chiền am miếu nên Thiếu Lâm tự mới được giữ nguyên vẹn. Vị hòa thượng kia nghe Quách Tương mỉa mai lợi hại như vậy thì bất giác đỏ mặt, thầm nghĩ hạ lệnh cho người ngoài như vừa rồi cũng hơi quá, bèn đổi giọng, chắp tay nói:
– Không biết nữ thí chủ có việc gì mà quang lâm tệ tự, xin hãy bỏ khí giới, xuống Nhất Lô đình dưới chân núi dùng trà, nói chuyện.
Quách Tương nghe đối phương đổi giọng ôn hòa thì muốn nhân đây rút lui cho xong, bèn nói:
– Các vị không cho ta vào chùa thì thôi, ta đâu cần. Hừ, cứ làm như trong Thiếu Lâm tự có báu vật, ta được trông thấy thì sẽ vẻ vang hơn không bằng.
Đoạn nàng đưa mắt cho Trương Quân Bảo, thấp giọng hỏi:
– Thế nào? Có đi hay không?
Trương Quân Bảo lắc đầu, liếc mắt về phía Giác Viễn, ngụ ý là mình còn phải theo hầu sư phụ. Quách Tương nói rõ:
– Thôi được, vậy ta mặc các người, ta đi đây.
Đoạn nàng đi nhanh xuống núi.
Hoàng y hòa thượng thứ nhất né sang một bên nhường đường, nhưng vị thứ hai và thứ ba thì cùng giơ tay ngăn lại và nói:
– Hãy khoan. Bỏ khí giới lại đã!
Quách Tương cau mày, tay nắm cán kiếm. Hoàng y hòa thượng thứ nhất nói:
– Chúng tăng cũng không dám giữ khí giới của nữ thí chủ đâu. Nữ thí chủ xuống dưới kia rồi, chúng tăng sẽ hoàn trả bảo kiếm tức thì, đó là luật lệ của Thiếu Lâm tự đã có từ ngàn năm nay, mong nữ thí chủ hiểu cho.
Quách Tương nghe vị kia nói năng từ tốn, nghĩ thầm: “Nếu không để kiếm lại, ắt xảy ra quyết đấu, ta chỉ có một mình, làm sao địch nổi từng kia tăng chúng? Nhưng để kiếm lại, hóa ra làm mất hết thể diện của ông ngoại, của phụ mẫu, của đại ca ca và Long tỷ tỷ ư?”
Nàng đang phân vân chưa quyết, chợt loáng một cái bóng vàng phía trước, kèm theo tiếng quát:
– Cả gan mang kiếm tới Thiếu Lâm tự, lại còn đả thương người khác, có lý nào như vậy?
Rồi kình phong tràn tới, chỉ thấy năm ngón tay chộp lấy thanh đoản kiếm.
Nếu hòa thượng kia không đột nhiên động thủ, có lẽ sau giây lát phân vân, Quách Tương hẳn sẽ để kiếm lại. Tính nàng khác hẳn tính của Quách Phù là tỷ tỷ của nàng, tuy hào sảng, nhưng không thô lỗ; tình cảnh trước mắt quá ư bất lợi, thì đành nín nhịn, sau đó sẽ bàn với ông ngoại và phụ mẫu, trở lại vụ này. Đằng này đối phương lại bất ngờ cậy thế mạnh, nàng há có thể trơ mắt để người ta tước đoạt khí giới của mình?
Cầm nã thủ pháp của tăng nhân kia vừa độc địa vừa tinh xảo, y vừa chộp lấy bao kiếm bèn nghĩ thầm: “Con nhỏ thể nào cũng giằng lại, mà một hòa thượng đi giằng co với thiếu nữ thì coi sao được”, y liền vận nội công đẩy chếch sang bên tả, rồi kéo mạnh về bên hữu. Quách Tương bị y đẩy và kéo như thế, quả nhiên không giữ chắc nổi bao kiếm, nàng bèn nắm cán kiếm rút phắt ra; chỉ nghe “xoẹt” một tiếng, hàn quang lóe lên. Hòa thượng kia hữu thủ đoạt được bao kiếm, nhưng hai ngón tay của tả thủ thì bị thanh kiếm tiện đứt, đau quá, y buông rơi bao kiếm, nhảy lùi sang một bên.
Các tăng nhân thấy đồng môn bị thương thì hết thảy tức giận, cùng vung côn và trượng xông tới. Quách Tương nghĩ thầm: “Đã trót thì trét; dầu sao hôm nay cũng không yên rồi”, nàng liền thi triển “Lạc Anh kiếm pháp” gia truyền, vừa đánh vừa chạy xuống núi.
Lạc Anh kiếm pháp là do Hoàng Dược Sư diễn hóa từ “Lạc Anh chưởng pháp” mà ra, tuy không tinh diệu như Ngọc Tiêu kiếm pháp, song cũng là một tuyệt kỹ của Đào Hoa đảo; chỉ thấy thanh quang loang loáng, kiếm hoa điểm điểm tựa như các cánh hoa rơi rụng tản mác tứ phía. Trong chớp mắt đã có hai tăng nhân bị thương, nhưng mấy người khác từ phía sau cùng xông tới, từ trên đánh xuống. Quách Tương bị hai mũi giáp công, lẽ ra nàng khó bề chống cự, song các hòa thượng Thiếu Lâm tự lấy từ bi làm gốc, không định hạ sát nàng, nên chiêu thức của họ chỉ cốt đánh ngã nàng hòng giáo huấn nàng một phen, tước khí giới rồi đuổi nàng xuống núi. Thế nhưng kiếm quang của Quách Tương rất lợi hại, họ chẳng dễ gì tiếp cận được.
Ban đầu các tăng nhân cứ tưởng hàng phục một thiếu nữ đâu có gì khó. Nhưng sau thấy kiếm pháp tinh xảo của nàng, mới đoán rằng nếu nàng không phải là môn hạ của một môn phái danh tiếng thì cũng là đệ tử của một danh sư; thế là họ sợ đắc tội, xuất chiêu càng thêm thận trọng, một mặt cho người cấp báo với Thủ tọa La Hán đường là Vô Sắc thiền sư.
Trong lúc diễn ra cuộc đấu, có một lão tăng cao gầy, hai tay lồng vào tay áo, thong thả đi tới, mỉm cười quan sát. Hai tăng nhân đến bẩm nhỏ vài câu với vị lão tăng. Quách Tương đấu đã mệt, kiếm pháp đã rối, liền lớn tiếng:
– Thế cũng đòi là nguồn gốc của võ học thiên hạ! Chẳng qua hàng chục hòa thượng vây đánh một người, cậy đông để thắng thôi.
Vị lão tăng kia chính là Vô Sắc thiền sư, Thủ tọa La Hán đường, thấy nàng nói vậy, bèn lên tiếng:
– Các người dừng tay!
Các tăng nhân lập tức xuôi tay nhảy sang hai bên. Vô Sắc thiền sư nói:
– Cô nương quý tính là gì, lệnh tôn và lệnh sư là ai? Cô nương quang lâm Thiếu Lâm tự chẳng hay có việc chi?
Quách Tương nghĩ thầm: “Mình không thể cho vị này biết danh tính của phụ mẫu. Ngay cả việc mình đến Thiếu Lâm tự để nghe tin tức của đại ca, cũng không thể nói ra trước mặt mọi người. Hôm nay mình gây chuyện rắc rối, ngày sau phụ mẫu và đại ca biết chuyện sẽ trách cứ mình, chi bằng mình cứ lẳng lặng mà đi thì hơn”. Nghĩ đoạn, nàng đáp:
– Tính danh tiểu nữ không tiện thưa với đại sư. Tiểu nữ chẳng qua thấy phong cảnh trên núi quá đẹp, nên tiện đường ghé qua du ngoạn. Nào ngờ Thiếu Lâm tự còn lợi hại hơn cả hoàng cung, động một chút đã bị người ta đòi tước binh khí. Thỉnh vấn đại sư, tiểu nữ đã bước vào đại môn của quý tự hay chưa? Năm xưa Đạt Ma tổ sư truyền lại võ nghệ chẳng qua cốt giáo huấn chúng tăng khỏe mạnh để tu hành tăng tiến; nào ngờ danh tiếng của Thiếu Lâm tự càng lớn, võ công càng cao, thì những vị cậy thế hiếp đáp người khác càng nhiều. Được thôi, các vị muốn tước khí giới của tiểu nữ thì cứ việc tước, cũng nên hạ sát tiểu nữ luôn, kẻo giới giang hồ thể nào cũng hay biết chuyện hôm nay.
Lý lẽ của Quách Tương khá sắc sảo, vả lại vụ này cũng không hoàn toàn do lỗi của nàng nên Vô Sắc thiền sư lúng túng chưa biết trả lời ra sao. Quách Tương quan sát sắc diện, nghĩ thầm: “Vụ rắc rối hôm nay mình sợ người ta biết đã đành, xem ra Thiếu Lâm tự càng không muốn lan rộng ra ngoài. Mười mấy hòa thượng vây đánh một thiếu nữ mà lộ ra thì hay ho nỗi gì?” Nàng bèn hừ một tiếng, ném thanh kiếm xuống đất, dợm chân bỏ đi.
Vô Sắc thiền sư bước tới, phất tay áo một cái, đã cuốn thanh kiếm lên, dùng hai tay nâng thân kiếm, nói:
– Cô nương đã không muốn để lộ gia môn sư thừa thì hãy thâu lại thanh bảo kiếm, lão tăng sẽ thân chinh tiễn cô nương xuống núi.
Quách Tương nhếch mép cười:
– Vị đại sư này còn thấu tình đạt lý, thế mới đúng phong cách của một danh gia.
Nàng được thể liền thuận miệng tán dương Vô Sắc thiền sư một câu, rồi giơ tay ra nhận thanh kiếm, nhưng bất giác kinh hãi vì đối phương phát ra từ lòng bàn tay một luồng lực đạo giữ chặt thanh kiếm, khiến nàng tuy đã nắm cán kiếm rồi nhưng không tài nào nhấc nổi. Mấy phen nàng vận lực vẫn không sao lấy được thanh kiếm, bèn nói:
– Được, thì ra đại sư định biểu diễn võ công kia đấy!
Đoạn nàng phẩy tả thủ, định điểm nhẹ vào hai huyệt Thiên Đỉnh và Cự Cốt ở phía cổ bên trái của Vô Sắc thiền sư. Vô Sắc thiền sư hơi rùng mình, nghiêng người né tránh, lực giữ thanh kiếm giảm đi, nhờ vậy Quách Tương lấy được thanh kiếm về.
Vô Sắc thiền sư nói:
– Công phu “Lan hoa phất huyệt thủ”[2] quả là lợi hại! Chẳng hay cô nương xưng hô thế nào với Đào Hoa đảo chủ?
Quách Tương vừa cười vừa đáp:
– Đào Hoa đảo chủ ấy ư? Tiểu nữ gọi vị ấy là Lão Đông Tà.
Đào Hoa đảo chủ Đông Tà Hoàng Dược Sư là ông ngoại của Quách Tương, tính nết quái dị, xưa nay không câu nệ lễ giáo, thường gọi đứa cháu gái nhỏ là Tiểu Đông Tà; còn Quách Tương gọi ông ngoại là Lão Đông Tà. Nghe đứa cháu gọi mình như thế, Hoàng Dược Sư chẳng cho là hỗn xược mà còn lấy làm thích thú.
Nguyên Vô Sắc thiền sư thuở thiếu thời xuất thân lục lâm, sau vào cửa thiền tu luyện đã mấy chục năm, rất tinh thâm Phật học, nhưng hào khí thuở nào vẫn không giảm, nếu không đã chẳng kết thành hảo hữu với Dương Quá. Nay thấy tiểu cô nương không chịu để lộ lai lịch sư thừa, Vô Sắc thiền sư càng muốn nàng phải nói ra, bèn vừa cười vừa nói to:
– Cô nương thử tiếp mười chiêu của lão tăng, xem nhãn lực của lão tăng có thể nhận biết môn phái của cô nương hay chăng?
Quách Tương hỏi:
– Nếu trong mười chiêu mà không nhận biết nổi thì sao?
Vô Sắc thiền sư cười ha hả:
– Nếu tiểu cô nương tiếp được mười chiêu của lão tăng thì còn nói gì nữa, lão tăng nguyện làm theo ý của tiểu cô nương.
Quách Tương chỉ Giác Viễn, nói:
– Tiểu nữ và vị đại sư này từng có duyên diện kiến một lần, nên tiểu nữ muốn thỉnh cầu giúp đại sư này một việc. Nếu trong mười chiêu mà đại sư không nói được sư phụ của tiểu nữ là ai thì đại sư phải nhận lời tiểu nữ không hành tội vị này nữa.
Vô Sắc thiền sư hết sức ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Giác Viễn tính nết cổ hủ, mấy chục năm nay chuyên trông coi sách ở Tàng kinh các, không hề giao du với người ngoài, tại sao lại quen biết cô nàng này?” Nghĩ đoạn, liền đáp:
– Thực ra không ai hành tội Giác Viễn cả. Mọi tăng chúng bổn tự, hễ phạm giới luật, bất kể là ai, đều bị phạt cả; hơn nữa phạt như thế cũng không thể coi là hành tội.
Quách Tương bĩu môi cười nhạt, nói:
– Hừ, nói đi nói lại, các vị cũng chỉ tìm cách biện hộ thôi.
Vô Sắc thiền sư giơ song chưởng nói:
– Được, lão tăng chấp nhận. Nếu thua, lão tăng sẽ thay Giác Viễn sư đệ gánh ba ngàn một trăm lẻ tám gánh nước. Cô nương chú ý, lão tăng xuất chiêu đây!
Trong lúc đối đáp với Vô Sắc, Quách Tương sớm đã tính thầm: “Lão hòa thượng này nội công thâm hậu, võ công tất lợi hại. Nếu để lão động thủ trước, mình phải hết sức chống đỡ, ắt phải giở võ công của phụ mẫu ra. Chi bằng mình hãy chiếm tiên cơ, xuất liền mười chiêu”. Nghĩ tới đó đã nghe Vô Sắc nói “Cô nương chú ý, lão tăng xuất chiêu đây”, thế là nàng không đợi Vô Sắc xuất chưởng, liền vung đoản kiếm đâm thẳng tới ngực đối phương. Đây là chiêu “Vạn tử thiên hồng”[3] trong Lạc Anh kiếm pháp của Đào Hoa đảo, mũi kiếm trong lúc đâm cứ không ngừng di động, khiến đối thủ chẳng biết rốt cuộc mũi kiếm định nhắm vào đâu. Vô Sắc thiền sư biết thế công lợi hại, không dám đỡ, phải nhảy sang bên né tránh.
Quách Tương quát:
– Chiêu thứ hai!
Đoản kiếm thu về, rồi từ phía dưới xọc lên, đây là chiêu “Thiên thân đảo huyền”[4] của Toàn Chân kiếm pháp. Vô Sắc thiền sư nói:
– Khá lắm, đó là Toàn Chân kiếm pháp!
Quách Tương đáp:
– Vị tất như thế!
Đoản kiếm của nàng đâm không trúng, chỉ thấy Vô Sắc thiền sư chuyển từ thủ sang công, các ngón tay của thiền sư chộp tới cổ tay nàng thì kinh hãi nghĩ thầm: “Lão hòa thượng quả lợi hại, trước kiếm chiêu hung hiểm như thế, chỉ tay không mà vẫn tấn công trở lại được”. Nàng thấy các ngón tay của đối phương tới trước mặt liền vội thi triển chiêu “Ác khuyển lan lộ” thuộc chữ Phong trong “Đả cẩu bổng pháp”.
Nguyên hồi nhỏ nàng từng giao hảo với Lỗ Hữu Cước, bang chủ tiền nhiệm của Cái Bang. Cái Bang có luật lệ quy định, rằng Đả cẩu bổng pháp[5] là thần kỹ trấn bang, chỉ có bang chủ mới được truyền lại. Trong lúc trà dư tửu hậu, Lỗ Hữu Cước thường biểu diễn Đả cẩu bổng pháp, nhờ thế Quách Tương mới học lóm được vài chiêu thức. Huống hồ mẫu thân nàng là Hoàng Dung cũng từng làm bang chủ nhiệm kỳ trước; còn bang chủ đương nhiệm Gia Luật Tề là anh rể của nàng; nàng nhiều lần được thấy “Đả cẩu bổng pháp”, tuy không rõ quyết yếu của phép đó, nhưng sử một chiêu y chang cũng đủ khiến người ngoài kinh hãi.
Ngón tay của Vô Sắc thiền sư vừa chạm cổ tay nàng, thì đột nhiên một đường bạch quang như tia chớp xẹt qua, mũi kiếm biến ảo thần diệu, suýt nữa tiện ngọt cả năm ngón tay của Vô Sắc thiền sư. May mà thiền sư võ công cao siêu, biến chiêu thần tốc, kịp thoái lui hai bước, chỉ nghe “soạt”, ống tay áo bên tả đã bị đoản kiếm lia đứt một mảnh dài. Vô Sắc thiền sư mặt biến sắc, lưng toát mồ hôi lạnh.
Quách Tương đắc chí hỏi:
– Vừa rồi là kiếm pháp gì nào?
Thực ra trong thiên hạ làm gì có thứ kiếm thuật đó, chẳng qua nàng học lóm được một chiêu trong Đả cẩu bổng pháp, đem ra sử dụng nửa thực nửa hư, khiến cho vị cao tăng lừng danh của Thiếu Lâm tự cũng phải ngẩn người không hiểu là kiếm pháp gì.
Quách Tương nghĩ thầm: “Mình chỉ cần thi triển tiếp vài chiêu của Đả cẩu bổng pháp là đánh bại lão hòa thượng kia; tiếc rằng mình nắm vững mỗi chiêu này thôi”. Không để Vô Sắc thiền sư kịp thở, thanh đoản kiếm đã lướt tới, thân hình nàng phiêu diêu như tiên nữ giáng trần, mũi kiếm cứ nhắm phía gối của thiền sư mà điểm lia lịa. Đây là chiêu “Tiểu viên nghệ cúc”[6] của Ngọc Nữ kiếm pháp mà nàng học được qua Tiểu Long Nữ.
Ngọc Nữ kiếm pháp do nữ hiệp Lâm Chiêu Anh sáng tạo từ hồi xưa, chẳng những kiếm chiêu lợi hại, mà phong thái thoát tục, tư thế tao nhã, chúng tăng chưa từng gặp qua, ai nấy vừa kinh ngạc vừa thích thú. Nên biết Đạt Ma kiếm pháp, La Hán kiếm pháp của phái Thiếu Lâm đều thuộc loại cương mãnh, còn Ngọc Nữ kiếm pháp thì tuyệt tích giang hồ từ lâu, vốn có bản chất tương phản với kiếm thuật của phái Thiếu Lâm. Thực ra luận về kiếm pháp vị tất đã hơn được kiếm thuật của phái Thiếu Lâm, có điều là ngắm nó uyển chuyển mỹ lệ vô cùng, hệt như kinh Phật có câu: “Dung nghi uyển mị, trang nghiêm hòa nhã, đoan chính khả hỉ, quan giả vô yếm”.
Vô Sắc thiền sư thấy kiếm thuật này quá mỹ diệu, chỉ mong ngắm một lần nữa, bèn né người sang bên chờ nàng sử thêm một chiêu nữa.
Kiếm chiêu của Quách Tương biến hóa, chỉ sang đông lại chém về tây, đoản kiếm rạch mấy đường nữa. Trương Quân Bảo đứng bên cạnh mà ngắm, đang ngẩn cả người, bỗng kêu “Ơ” một tiếng. Thì ra Quách Tương vừa sử chiêu “Tứ thông bát đạt” ba năm trước trên đỉnh Hoa Sơn Dương Quá đã truyền thụ cho Trương Quân Bảo. Lúc ấy Quách Tương đứng xem bên cạnh, bây giờ nàng đem ra sử dụng. Nhưng thứ Dương Quá truyền thụ là chưởng pháp, bây giờ Quách Tương biến thành kiếm pháp, uy lực tuy giảm đi mấy thành, song kiếm thuật kỳ diệu cũng đủ khiến Vô Sắc thiền sư kinh ngạc.
Tính ra Quách Tương đã sử năm chiêu mà Vô Sắc thiền sư vẫn chưa nhận biết được lai lịch. Thời trẻ tung hoành trên giang hồ, lịch duyệt phong phú; mười mấy năm nay làm thủ tọa La Hán đường, càng có dịp nghiên cứu võ công của các môn phái, đem so sánh với võ công Thiếu Lâm tự, chọn lấy sở trường của các môn phái bổ khuyết cho sở đoản của bổn tự. Do đó Vô Sắc thiền sư tự tin rằng bất cứ cao nhân của môn phái nào chỉ sử vài chiêu là sẽ nhận ra lai lịch ngay. Vô Sắc thiền sư giao hẹn với Quách Tương mười chiêu là đã dự phòng quá dư rồi. Ai ngờ phụ mẫu, sư phụ và bằng hữu của Quách Tương đều là những đệ nhất cao thủ đương thời, nàng chỉ cần sử một chiêu trong võ công của mỗi người ấy rồi kết nối với nhau cũng đủ khiến Vô Sắc thiền sư hoa mắt, làm sao đoán ra nổi lai lịch.
Sau bốn thức kiếm “Tứ thông bát đạt” của Quách Tương, Vô Sắc thiền sư nghĩ thầm: “Nếu cứ để cô nương ấy xuất chiêu trước, chỉ e sẽ giở hết quái chiêu này quái chiêu nọ, thì đừng nói mười chiêu, sau cả trăm chiêu ta cũng chẳng thể nhận ra lai lịch. Bây giờ ta phải chủ động tấn công, buộc cô nương ấy sử dụng võ công bản môn chống đỡ mới ổn”. Nghĩ đoạn Vô Sắc thiền sư xoay người sang bên trái, dùng chiêu “Song quán nhĩ”, hổ khẩu của hai quyền đối xứng với nhau, vạch thành hình cánh cung, thay nhau công kích.
Quách Tương thấy kình lực của thế quyền quá mạnh, không dám chống đỡ, vội xoay mình thoát ra khỏi phạm vi tấn công của hai quyền. Nguyên hồi trước ở đầm Hắc Long, nàng thấy cảnh Anh Cô đấu với Dương Quá, yếu không địch nổi mạnh, Anh Cô đã dùng “Nê thu công” thoái lui, nên lúc này nàng bắt chước y chang. Công lực và thân pháp của nàng đều không thể sánh với Anh Cô, nhưng Vô Sắc thiền sư hoàn toàn không định hạ sát nàng, để nàng nhẹ nhàng luồn ra.
Vô Sắc thiền sư khen:
– Thân pháp khá lắm, hãy tiếp thêm chiêu này!
Nói đoạn, tả chưởng xoay một vòng, khuỷu tay ở trước ngực, hổ khẩu hướng lên phía trên, chính là chiêu “Hoàng oanh lạc giá” trong Thiếu Lâm quyền. Vô Sắc thiền sư là đại sư võ học của Thiếu Lâm tự, thân phận không phải tầm thường, tuy am hiểu các loại võ công nhiều hơn hẳn Quách Tương; song mỗi chiêu thức sử dụng đều là võ công thuần chính của bổn tự. Các pho quyền của phái Thiếu Lâm quang minh chính đại, trông rất bình thường, không có gì lạ, nhưng luyện đến chỗ tinh thâm thì uy lực khôn cùng. Tả chưởng của Vô Sắc thiền sư vừa xoay một vòng, Quách Tương đã cảm thấy nửa thân mình phía trên của nàng nằm trong tầm khống chế của chưởng lực, vội quay cán kiếm, dùng kiếm thay ngón tay mà sử một chiêu “Nhất dương chỉ” học được của Võ Tu Văn, điểm tới ba huyệt Oản Cốt, Dương Cốc, Dưỡng Lão ở cổ tay Vô Sắc thiền sư. Phép điểm huyệt “Nhất dương chỉ” nàng mới học sơ sơ, nhưng thủ pháp dùng một ngón tay điểm ba huyệt lại chính là yếu quyết của nó.
Võ công “Nhất dương chỉ” của Nhất Đăng đại sư lừng danh thiên hạ, Vô Sắc thiền sư dĩ nhiên nhận biết, thấy Quách Tương sử một chiêu thì ngạc nhiên lắm, vội thu tay biến chiêu.
Thực ra, nếu Vô Sắc thiền sư không thu tay lại mà cứ để nàng điểm vào ba yếu huyệt, sẽ phát giác thứ “Nhất dương chỉ” mà nàng sử dụng là giả chứ đâu phải thật. Nhưng đôi bên đang giở toàn lực giao đấu, Vô Sắc thiền sư sao dám mạo hiểm để mất thanh danh một đời?
Quách Tương cười to:
– Đại sư đã thấy lợi hại chưa?
Vô Sắc thiền sư hừ một tiếng, đánh ra chiêu “Đơn phụng triều dương”[7], hai tay vung rộng lên cao rồi chém xuống, đoản kiếm trong tay Quách Tương không giữ được, bị rớt xuống đất.
Quách Tương thừa biết đối phương không định tâm hạ sát nàng, nên dù bị rơi mất kiếm nàng cũng chẳng sợ, hai quyền giao nhau, như có như không, sử dụng thức thứ năm mươi tư “Diệu thủ không không” trong bảy mươi hai thức “Không Minh quyền” – kiệt tác của Chu Bá Thông.
Không Minh quyền là do Chu Bá Thông sáng tạo, chưa hề lưu truyền trong giang hồ; Vô Sắc thiền sư dù uyên bác đến mấy cũng chẳng thể nhận biết, liền dùng chiêu “Thiên hoa thất tinh”, song chưởng vạch hình cánh cung, nhanh như chớp chặt xuống bàn tay Quách Tương; nếu nàng không xuất nội lực chống đỡ, bàn tay sẽ bị chặt gãy liền. Chiêu “Thiên hoa thất tinh” này của phái Thiếu Lâm tưởng chậm mà nhanh, tưởng nhẹ mà nặng, tuy là thức của Sấn Thiếu Lâm, nhưng kình lực lại xuất phát từ chỗ kỳ ảo của Thần hóa Thiếu Lâm.
Bàn tay Quách Tương bị khống chế, nàng nghĩ thầm: “Lẽ nào lão ta thực tâm đánh gãy bàn tay mình?”, bèn phẩy tay một cái, sử chiêu “Thiết bồ phiến thủ”, lấy chưởng đối chưởng, phản công tức thời. Chiêu này nàng học của Hoàn Nhan Bình là vợ của Võ Tu Văn, là tâm pháp mà Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận truyền lại. Môn “Thiết Chưởng công” này được các phái chưởng pháp trong võ lâm tôn là đệ nhất cương mãnh, Vô Sắc thiền sư nghiên cứu chưởng pháp tinh thâm, chắc hẳn phải biết. Thấy nàng sử chiêu thiết chưởng quan yếu này, Vô Sắc thiền sư bất giác giật mình, vội thâu chưởng về, một là không muốn đả thương nàng, hai là quả cũng hơi ngán môn võ công ấy. Thiền sư là người trung hậu, thấy chiêu nào của Quách Tương cũng đều đại diện cho một môn phái, không ngờ một thiếu nữ chưa đầy hai mươi tuổi lại am hiểu nhiều môn võ công đến thế thì vội thu chưởng về, thoái lui nửa trượng.
Quách Tương cười, nói to:
– Đây là chiêu thứ mười rồi, đại sư hãy xem tiểu nữ thuộc môn phái nào?
Đoạn nàng giơ tả thủ, rướn người lên, hữu thủ đẩy thẳng vào dưới cằm của Vô Sắc thiền sư.
Vô Sắc thiền sư và tăng chúng đứng xem bất giác cùng ồ lên kinh ngạc. Thì ra đây chính là chiêu “Khổ hải hồi đầu”, một chiêu trong La Hán quyền chính tông của phái Thiếu Lâm, chứ phái khác không hề có. Thủ pháp của chiêu này là tay trái nắm đỉnh đầu đối phương, tay phải tựa vào dưới cằm của địch thủ mà vặn đầu một cái, mạnh thì địch thủ gãy cổ, nhẹ cũng trật khớp xương, là một sát chiêu cực kỳ lợi hại.
Vô Sắc thiền sư thấy nàng dám sử dụng chiêu thức La Hán quyền, thật chẳng khác gì kẻ đánh trống trước cửa nhà sấm, múa búa trước cửa Lỗ Ban, thiền sư vừa giận vừa buồn cười. Chiêu thức này thiền sư luyện thành thạo từ mấy chục năm trước, dù đang ngủ gật mà gặp chiêu này cũng có thể đối phó khỏi cần suy tính. Vô Sắc thiền sư liền né mình bước lên, tả thủ tạt ngang qua phía trước ngực Quách Tương, phẩy tay một cái đã chộp được vai bên hữu của nàng; hữu thủ nhanh như chớp vỗ vào gáy nàng. Chiêu này gọi là “Hiệp sơn siêu hải”, vốn là chiêu thức hóa giải chiêu “Khổ hải hồi đầu”, hai tay nhấc bổng địch thủ lên khỏi mặt đất. Đáng lẽ Quách Tương phải dùng thức “Bàn trửu”[8] đè khuỷu tay của Vô Sắc thiền sư thì vừa có thể thoát nạn, vừa có thể phản kích đối phương, nhưng thủ pháp của Vô Sắc thiền sư quá mau lẹ; trong nháy mắt thân hình nàng đã bị nhấc bổng lên, cả hai chân rời khỏi mặt đất thì còn làm gì được nữa; dĩ nhiên là nàng đã thua.
Vô Sắc thiền sư tuy chế phục được Quách Tương, nhưng sực nghĩ: “Nguy tai! Ta chỉ mải mê hơn thua, chẳng để ý nhận biết môn phái sư thừa của cô nương ấy. Trong mười chiêu, cô nương ấy sử dụng quyền pháp của mười môn phái khác nhau, mình biết nói sao đây? Không thể bảo cô nương thuộc phái Thiếu Lâm được!”
Quách Tương cố giãy giụa, miệng la:
– Buông tiểu nữ ra đi!
Bỗng nghe “keng” một tiếng, từ trong người nàng có một vật gì đó rơi xuống đất. Quách Tương lại kêu:
– Lão hòa thượng còn không biết xấu hổ mà buông tiểu nữ ra ư?
Vô Sắc thiền sư là một cao tăng, coi chúng sinh đều bình đẳng, chẳng phân biệt nam nữ đã đành, ngay cả trâu bò heo chó cũng coi như nhau, liền cười nói:
– Lão tăng đáng tuổi tổ phụ của tiểu cô nương, có gì phải xấu hổ.
Nói đoạn thiền sư hẩy nhẹ tay một cái, Quách Tương đã văng xa hơn hai trượng.
Trận đấu vừa rồi Quách Tương tuy thua, nhưng qua mười chiêu mà Vô Sắc thiền sư rốt cuộc không nhận biết nàng thuộc môn phái nào, đang định mở miệng chịu thua, nhưng vừa cúi đầu chợt nhìn thấy dưới đất có một chùm vật gì đó màu đen, ngó kỹ thì ra hai vị La Hán bằng sắt đúc.
Quách Tương đứng vững rồi, bèn hỏi:
– Đại sư đã chịu thua hay chưa?
Vô Sắc thiền sư ngẩng lên, vui vẻ đáp:
– Lão tăng thua sao được? Lão tăng biết lệnh tôn là đại hiệp Quách Tĩnh, lệnh đường là nữ hiệp Hoàng Dung, Đào Hoa đảo Hoàng đảo chủ là ông ngoại của cô nương. Phương danh của Quách nhị tiểu thư là chữ Tương trong Tương Dương. Lệnh tôn học kiêm các vị tôn trưởng của Giang Nam thất quái, Đào Hoa đảo, Cửu chỉ thần cái và Toàn Chân phái. Quách nhị tiểu thư gia học uyên thâm, thân thủ quả nhiên bất phàm.
Nghe Vô Sắc thiền sư nói ra vanh vách, Quách Tương tròn mắt cứng lưỡi, không nói được gì nghĩ thầm: “Lão hòa thượng này hẳn là tà môn, mình sử mười chiêu lung tung mà lão ta vẫn nhận biết lai lịch của mình thì quái dị thật”.
Vô Sắc thiền sư thấy nàng ngẩn người như kẻ mất hồn, liền tủm tỉm cười, cúi xuống nhặt đôi La Hán nhỏ bằng sắt lên, nói:
– Quách nhị cô nương, lão tăng không thể nói dối tiểu bối được, lão tăng nhận biết cô nương là nhờ đôi La Hán này. Dương đại hiệp thế nào, cô nương có gặp Dương đại hiệp hay không?
Quách Tương chợt hiểu, liền vui mừng hỏi:
– Ồ, thì ra là Vô Sắc thiền sư, đôi La Hán này đại sư đã tặng tiểu nữ nhân dịp sinh nhật, cho nên đại sư nhận ra tiểu nữ! Chẳng hay đại sư có biết Dương đại ca và Long tỷ tỷ của tiểu nữ hiện ở đâu hay không? Tiểu nữ đến quý tự chính là để gặp đại sư, hỏi thăm tin tức hai người ấy, nghĩa là phu thê Dương đại hiệp ấy mà.
Vô Sắc thiền sư đáp:
– Mấy năm trước Dương đại ca có tới thăm bổn tự và ở chơi vài ngày, rất hợp chuyện với lão tăng. Sau nghe tin Dương đại hiệp ở thành Tương Dương chống giặc; lão tăng theo lời kêu gọi của Dương đại hiệp, cũng từng tham gia chống ngoại xâm. Còn hiện giờ thì không biết Dương đại hiệp ở đâu.
Quách Tương ngẩn người một lát, thở dài:
– Đại sư mà còn không rõ Dương đại hiệp đi đâu, thì ai biết nổi kia chứ?
Rồi nàng định thần nói:
– Đại sư là hảo bằng hữu của Dương đại ca, hèn chi võ công cao minh như thế. À, tiểu nữ còn chưa đa tạ đại sư đã tặng quà sinh nhật, hôm nay tiện đây xin đa tạ!
Vô Sắc thiền sư cười:
– Chúng ta đúng là đánh nhau bể đầu mới nhận họ. Khi nào có dịp gặp Dương đại hiệp, cô nương chớ có bảo lão tăng ỷ lớn bắt nạt tiểu cô nương nhé.
Quách Tương ngước mắt nhìn mấy ngọn núi xa xa, lẩm bẩm một mình:
– Biết bao giờ mới gặp được đây?
Lần sinh nhật năm Quách Tương mười sáu tuổi, Dương Quá bỗng nảy ra ý tưởng mới là viết thiếp mời đồng đạo giang hồ đến quây quần ở Tương Dương mừng sinh nhật nàng. Bấy giờ rất nhiều cao thủ võ lâm của Hắc – Bạch hai đạo đều nể mặt Dương Quá đến chúc mừng; ai không thể đến thì cũng cho người mang lễ vật quý giá tới tặng. Vô Sắc thiền sư nhờ người mang tặng cho nàng chính là đôi thiết La Hán tinh xảo này. Trong ruột đôi thiết La Hán có bố trí máy móc, mỗi khi lên dây là hai thiết La Hán lại đấu với nhau cả một pho La Hán quyền của phái Thiếu Lâm. Đôi thiết La Hán này do một vị kỳ tăng ở Thiếu Lâm tự hơn một trăm năm trước đã tốn bao tâm huyết sáng chế ra, thật vô cùng linh xảo tinh diệu. Quách Tương rất thích chơi món quà này, nàng luôn đem theo bên mình. Không ngờ vừa nãy nó từ trong túi rơi ra, nhờ đó Vô Sắc thiền sư nhận biết lai lịch của nàng. Chiêu thức quyền pháp Thiếu Lâm mà nàng sử dụng ban nãy cũng là học từ đôi thiết La Hán này.
Vô Sắc thiền sư mỉm cười nói:
– Do quy củ nhiều đời của bổn tự, không thể mời Quách nhị cô nương vào chùa du ngoạn, xin cô nương lượng thứ.
Quách Tương có vẻ buồn, đáp:
– Không có chi, việc tiểu nữ muốn biết thì cũng đã hỏi rồi.
Vô Sắc thiền sư chỉ Giác Viễn, nói:
– Còn về việc của vị sư đệ này, thư thả lão tăng sẽ giải thích cho cô nương rõ. Bây giờ lão tăng sẽ cùng cô nương xuống núi, tìm một phạn điếm để lão tăng thực hiện nghĩa vụ đãi khách uống rượu cái đã, cô nương nghĩ sao?
Địa vị của Vô Sắc thiền sư trong Thiếu Lâm tự rất cao, nay lại tỏ ý tôn kính một thiếu nữ tới mức thân chinh tiễn xuống núi và trịnh trọng khoản đãi, các tăng nhân nghe vậy hết thảy không khỏi kinh ngạc. Quách Tương đáp:
– Đại sư khỏi cần khách sáo. Tiểu nữ vừa rồi ra tay quá trớn, đắc tội với mấy vị đại sư, mong lão thiền sư xin lỗi giùm tiểu nữ. Giờ thì xin cáo biệt. Hậu hội hữu kỳ.
Nói đoạn nàng vái chào rồi quay mình đi thẳng xuống núi.
Vô Sắc thiền sư mỉm cười:
– Cô nương không cần lão tăng tiễn chân, lão tăng cũng cứ tiễn. Năm sinh nhật cô nương, lão tăng phụng mệnh Dương đại hiệp đi đốt kho lương thảo và thuốc súng của đại quân Mông Cổ ở Nam Dương, sau đó liền về bổn tự, không thể đến thành Tương Dương chúc mừng nên trong lòng áy náy không yên. Hôm nay cô nương quang lâm bổn tự, nếu không cung kính tiễn đưa ba mươi dặm, há là phải phép với quý khách?
Quách Tương thấy thiền sư thật lòng, nói năng hào sảng, nàng cũng muốn kết bạn vong niên với ngài, bèn mỉm cười nói:
– Vậy mời thiền sư đi cùng!
Hai người sánh vai xuống núi, sau khi ngang qua Nhất Lô đình, nghe có tiếng chân phía sau, nhìn lại thấy Trương Quân Bảo đi theo sau, nhưng cậu ta không dám đến gần. Quách Tương cười nói:
– Trương huynh đệ, huynh đệ cũng tiễn khách xuống núi phải không?
Trương Quân Bảo đỏ mặt, khẽ đáp: “Dạ!”
Lúc đó, từ trên Thiếu Lâm tự có một tăng nhân thi triển khinh công chạy như bay xuống núi, dáng vẻ hết sức vội vã. Vô Sắc thiền sư cau mày, hỏi:
– Làm gì mà hấp tấp thế?
Tăng nhân kia chạy tới bên Vô Sắc thiền sư, hành lễ, nói nhỏ mấy câu. Vô Sắc thiền sư mặt biến sắc, nói lớn:
– Có chuyện như thế được sao?
Tăng nhân kia đáp nói:
– Lão Phương trượng mời Thủ tọa về nghị sự ạ.
Quách Tương nhìn thần sắc của thiền sư liền biết là Thiếu Lâm tự có việc nghiêm trọng, nói:
– Lão thiền sư, bằng hữu tương giao quý ở chỗ tri tâm, đâu cần giữ lễ khách sáo. Lão thiền sư có việc cần kíp, xin cứ quay về quý tự. Dịp khác hữu duyên tương ngộ trên giang hồ, chúng ta sẽ uống rượu luận võ thỏa chí.
Vô Sắc thiền sư cả mừng:
– Thảo nào Dương đại hiệp quý trọng cô nương cũng phải. Cô nương quả là anh hiệp trong nhân quần, trượng phu trong nữ lưu, lão tăng vui lòng kết bạn với cô nương.
Quách Tương mỉm cười:
– Thiền sư là bằng hữu của Dương đại ca thì đã là bằng hữu của tiểu nữ từ sớm rồi còn gì.
Đoạn hai người cáo biệt nhau, Vô Sắc thiền sư trở lên Thiếu Lâm tự.
Quách Tương tiếp tục xuống núi. Trương Quân Bảo theo sau nàng, cách dăm sáu bước, không dám sánh vai đi ngang hàng. Quách Tương hỏi:
– Trương huynh đệ, vì sao các tăng nhân lại hành hạ sư phụ của huynh đệ như thế? Sư phụ của huynh đệ nội công thâm hậu, sợ gì bọn họ kia chứ?
Trương Quân Bảo tới gần hai bước, nói:
– Giới luật Thiếu Lâm tự rất nghiêm khắc, tăng chúng hễ phạm lỗi đều bị phạt, chứ không phải có ai cố ý hà hiếp sư phụ đâu.
Quách Tương ngạc nhiên:
– Sư phụ của huynh đệ là bậc chính nhân quân tử, thiên hạ chưa thấy ai tốt như thế, người đã phạm lỗi gì vậy? Ta nghĩ chắc sư phụ của huynh đệ chịu phạt thay cho ai đó, chứ người như thế còn phạm lỗi gì nữa.
Trương Quân Bảo nói:
– Nguyên ủy của việc này thực ra cô nương cũng biết đấy, tất cả chỉ bởi bộ kinh Lăng Già.
Quách Tương hỏi:
– Ồ, là bộ kinh bị hai tên Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây lấy trộm ấy à?
Trương Quân Bảo đáp:
– Phải. Hôm ấy trên đỉnh Hoa Sơn tiểu đệ được Dương đại hiệp chỉ giáo, chính tiểu đệ đã tự tay lục xét toàn thân hai kẻ đó, sau khi xuống núi thì không còn thấy tung tích của chúng đâu nữa. Hai thầy trò tiểu đệ đành trở về bẩm báo lão Phương trượng. Bộ kinh Lăng Già có bút tích của Đạt Ma tổ sư, Thủ tọa Giới luật đường khiển trách sư phụ tiểu đệ trông coi không cẩn thận, để mất bộ kinh vô giá đó nên mới phạt nặng như vậy. Phạt thế là đáng tội mà.
Quách Tương thở dài một tiếng, nói:
– Chẳng qua sư phụ của đệ gặp vận xui, chứ không thể bảo là đáng tội được.
Nàng chỉ lớn hơn Trương Quân Bảo vài tuổi, nhưng nghiễm nhiên tự coi mình là bề trên, lại hỏi: – Vì vụ ấy mà phạt không cho sư phụ của đệ nói năng hay sao?
Trương Quân Bảo đáp:
– Đó là giới luật truyền từ nhiều đời của bổn tự. Kẻ phạm lỗi phải đeo xiềng gánh nước, không được nói chuyện. Tiểu đệ nghe các lão thiền sư bổn tự bảo rằng tuy gọi là xử phạt, nhưng rất có ích cho kẻ bị phạt: một người không nói năng gì thì tu luyện càng dễ tăng tiến; còn bị xiềng mà gánh nước cũng là dịp tốt để rèn luyện thể phách.
Quách Tương cười:
– Nói thế chẳng hóa ra sư phụ của đệ không hề bị phạt mà đang luyện võ công, còn ta chính là kẻ đa sự.
Trương Quân Bảo vội biện bạch:
– Hảo tâm của cô nương, sư đồ tiểu đệ vô cùng cảm kích, vĩnh viễn không quên.
Quách Tương khe khẽ thở dài, nhủ thầm:
– “Nhưng có người hẳn đã quên ta rồi”.
Bỗng nghe có tiếng lừa kêu trong rừng cây. Chính là con lừa xanh của nàng đang gặm cỏ. Quách Tương nói:
– Trương đệ, đệ cũng khỏi cần tiễn tỷ nữa.
Đoạn nàng huýt một tiếng sáo miệng gọi con lừa xanh tới trước mặt. Trương Quân Bảo có vẻ quyến luyến, song chưa biết nói thế nào.
Quách Tương đưa đôi thiết La Hán đang cầm trong tay cho cậu:
– Tặng cho đệ đấy.
Trương Quân Bảo ngơ ngác, không dám giơ tay nhận, miệng ấp úng:
– Cái… cái này…
Quách Tương nói:
– Đã bảo là tặng đệ thì đệ cứ nhận lấy.
Trương Quân Bảo nói:
– Đệ… tiểu đệ…
Quách Tương liền nhét đôi thiết La Hán vào tay cậu, rồi nhảy lên lưng lừa.
Đột nhiên từ trên bậc đá lát đường sườn núi có tiếng người gọi vọng xuống:
– Quách nhị cô nương, hãy tạm dừng bước.
Chính là Vô Sắc thiền sư vừa từ Thiếu Lâm tự chạy ra. Quách Tương nghĩ thầm: “Lão hòa thượng này cũng đa lễ thật, hà tất cứ phải tiễn mình mới được?” Vô Sắc thiền sư đi rất nhanh, chỉ giây lát đã đuổi kịp Quách Tương. Thiền sư nói với Trương Quân Bảo:
– Ngươi hãy hồi tự, đừng đi lung tung trong rừng nữa.
Trương Quân Bảo cung thân vâng lệnh, nhìn Quách Tương một cái rồi đi lên núi.
Đợi cậu đi rồi, Vô Sắc thiền sư lấy trong tay áo ra một mảnh giấy nói:
– Quách nhị cô nương, cô nương có biết ai viết giấy này chăng?
Quách Tương nhảy xuống khỏi lưng lừa, cầm lấy mảnh giấy, thấy trên đó viết hai hàng chữ đậm, mực vẫn chưa ráo hẳn: “Võ công phái Thiếu Lâm, xưng hùng Trung nguyên, Tây Vực nhiều năm, Côn Luân Tam Thánh ít hôm nữa sẽ tới liều chết lĩnh giáo”.
Nét bút rất phóng khoáng và cứng cát. Quách Tương hỏi:
– Côn Luân Tam Thánh là ai vậy? Xem ra khẩu khí của ba người này khá ngông cuồng.
Vô Sắc thiền sư nói:
– Thì ra cô nương cũng không quen biết họ.
Quách Tương lắc đầu:
– Chẳng những không quen biết, mà ngay mấy chữ Côn Luân Tam Thánh tiểu nữ cũng chưa nghe phụ mẫu nhắc bao giờ.
Vô Sắc thiền sư nói:
– Thế thì lạ thật!
Quách Tương hỏi:
– Có gì lạ kia ạ?
Vô Sắc thiền sư nói:
– Lão tăng và cô nương tuy gặp nhau lần đầu, nhưng lão tăng coi cô nương như chỗ thân tình, có thể nói thật cho cô nương hay. Cô nương có biết mảnh giấy này tìm thấy ở đâu không?
Quách Tương nói:
– Côn Luân Tam Thánh sai người mang đến phải không ạ?
Vô Sắc thiền sư đáp:
– Nếu họ sai người mang đến thì không có gì lạ. Tục ngữ có câu “Cây cao chịu gió lớn”. Thiếu Lâm tự mấy trăm năm nay được coi là nguồn gốc võ lâm thiên hạ, cho nên liên tiếp có các bậc cao thủ đến chùa đòi tỷ võ tranh tài. Lần nào có người đến đòi so sánh tài nghệ, bổn tự cũng khoản đãi tử tế, cố tìm cách thoái thác, né tránh việc tỷ thí. Những người tu hành chú trọng tránh né sân si hỷ nộ, đâu muốn trình cường tranh thắng. Nếu ngày ngày chỉ lo tỷ thí với mọi người, còn gọi là đệ tử của Phật môn ư?
Quách Tương gật đầu:
– Lão thiền sư nói chí phải.
Vô Sắc thiền sư nói tiếp:
– Có điều là các võ sư đã tới bổn tự, nếu không thi thố vài miếng võ tất không cam chịu. La Hán đường của Thiếu Lâm tự phải chuyên trách cái việc tiếp các võ sư từ bên ngoài tới.
Quách Tương cười:
– Thế ra lão thiền sư phải chuyên trách cái vụ đánh nhau với người ngoài.
Vô Sắc thiền sư gượng cười:
– Nhìn chung các võ sư tới, dù võ công tài giỏi mấy, đệ tử của bổn đường cũng đủ khả năng đối phó, khỏi cần lão tăng phải ra tay. Riêng bữa nay thấy cô nương thân thủ bất phàm, lão tăng mới đứng ra đấu thử.
Quách Tương cười:
– Lão thiền sư coi trọng tiểu nữ quá rồi.
Vô Sắc thiền sư nói:
– Chà, lão tăng càng nói càng xa đề! Chẳng giấu gì cô nương, mảnh giấy này được lấy xuống từ bàn tay tượng Phật Giáng Long trong La Hán đường.
Quách Tương hỏi:
– Ai đã gài nó vào bàn tay tượng Phật?
Vô Sắc thiền sư gãi đầu:
– Nào có biết. Thiếu Lâm tự đến mấy trăm tăng nhân, nếu có người lạ lẻn vào chùa, lẽ nào không ai phát hiện? Riêng La Hán đường luôn luôn có tám đệ tử luân phiên canh gác suốt ngày đêm. Vừa rồi có người phát hiện mảnh giấy này, vội phi báo với Phương trượng, ai nấy cho là kỳ quái nên mới triệu lão tăng về nghị sự.
Quách Tương nghe tới đây, đã hiểu ý của Vô Sắc thiền sư, bèn nói:
– Có phải lão thiền sư nghi tiểu nữ thông đồng với
Côn Luân Tam Thánh, tiểu nữ ở bên ngoài quấy nhiễu để ba kẻ kia lẻn vào La Hán đường gài mảnh giấy này, phải vậy không?
Vô Sắc thiền sư nói:
– Lão tăng đã gặp cô nương, dĩ nhiên không chút nghi ngờ. Nhưng có một sự trùng hợp là cô nương vừa rời khỏi bổn tự, thì người ta phát hiện ra mảnh giấy này trong La Hán đường. Phương trượng và Vô Tướng thiền sư không thể không nghi cho cô nương.
Quách Tương nói:
– Tiểu nữ không hề quen biết ba kẻ nọ. Lão thiền sư sợ gì kia chứ? Mươi ngày sau nếu chúng cả gan kéo đến, cứ tỷ thí với chúng một phen xem ai hơn ai kém là xong.
Vô Sắc thiền sư nói:
– Sợ gì, dĩ nhiên là không sợ gì. Nếu cô nương không liên can gì tới chúng thì lão tăng khỏi cần lo ngại.
Quách Tương hiểu rằng Vô Sắc thiền sư có hảo ý, lo ngại Côn Luân Tam Thánh có quen biết với nàng, khi giao đấu sẽ phải giữ ý giữ tứ để khỏi đắc tội với bằng hữu, nàng bèn nói:
– Lão thiền sư, nếu bọn chúng thực tình muốn nghiên cứu võ công với quý tự thì thôi, bằng không lão thiền sư cứ giã cho chúng một trận nên thân. Cứ xem khẩu khí qua mảnh giấy này đủ thấy bọn chúng ngông cuồng lắm. Thế nào là “liều chết lĩnh giáo”? Chẳng lẽ Thiếu Lâm tự có bảy mươi hai tuyệt kỹ võ nghệ, bọn chúng đều muốn “liều chết lĩnh giáo” cả hay sao?
Nói đến đây, như chợt nghĩ ra việc gì, nàng tiếp:
– Không chừng trong quý tự có kẻ thông đồng với bọn chúng mà lén gài mảnh giấy này vào bàn tay tượng Phật cũng nên.
Vô Sắc thiền sư nói:
– Điều này các lão tăng cũng đã tính đến, nhưng chắc chắn bổn tự không có kẻ phản trắc như thế. Bàn tay của Phật Giáng Long La Hán ở trên cao, cách mặt đất hơn ba trượng, ngày thường quét bụi đều phải kê giá leo lên. Hiếm người có tài khinh công đủ nhảy cao tới đó. Bổn tự dù có kẻ phản nghịch chăng nữa, hắn cũng không thể tài giỏi như vậy.
Lòng hiếu kỳ của Quách Tương trỗi dậy, nàng rất muốn gặp mặt xem Côn Luân Tam Thánh rốt cuộc là các nhân vật thế nào, muốn xem bọn chúng tỷ thí võ nghệ với các tăng nhân Thiếu Lâm tự, xem ai thắng ai bại. Nhưng Thiếu Lâm tự có lệ không tiếp đãi nữ khách, xem ra nàng chẳng thể chứng kiến trận tỷ thí ngoạn mục kia.
Vô Sắc thiền sư thấy nàng cúi đầu trầm tư, tưởng nàng đang nghĩ kế hộ Thiếu Lâm tự, bèn nói:
– Một ngàn năm nay Thiếu Lâm tự từng trải qua bao phong ba bão tố mà vẫn bình yên. Nay nếu Côn Luân Tam Thánh cố ý gây khó dễ, họ sẽ biết thế nào là uy phong của Thiếu Lâm tự. Quách cô nương, nửa tháng nữa trên giang hồ cô nương hãy lắng nghe tin tức, xem Côn Luân Tam Thánh có làm gì nổi Thiếu Lâm tự hay không.
Nói tới đây, Vô Sắc thiền sư bỗng trở nên bừng bừng hào sảng như hồi tráng niên. Quách Tương mỉm cười nói:
– Ban nãy lão thiền sư vừa bảo còn sân si hỷ nộ thì không phải là đệ tử Phật môn kia mà? Được rồi, nửa tháng sau tiểu nữ sẽ chờ nghe tin mừng.
Đoạn nàng quay người nhảy lên lưng lừa, hai người nhìn nhau cùng mỉm cười.
Quách Tương giục con lừa xanh đi thẳng xuống núi, lòng đinh ninh thể nào cũng phải tìm cách mục kích cuộc nhiệt náo sắp tới cho bằng được.
Nàng nghĩ thầm: “Mình phải tìm một cách thật hoàn hảo để mươi ngày sau trà trộn vào Thiếu Lâm tự thưởng thức trận đấu ngoạn mục kia mới được”. Lại nghĩ: “Chỉ e Côn Luân Tam Thánh không có chân tài thực học, chưa chi đã bị các vị hòa thượng đánh bại thì cuộc nhiệt náo bất thành. Giả như bọn chúng có được nửa bản lĩnh của ông ngoại, của phụ thân hoặc của đại ca, thì sự kiện “Côn Luân Tam Thánh đại náo Thiếu Lâm tự” mới đáng xem”.
Nghĩ tới Dương Quá, nàng lại ấm ấm ức ức. Ba năm nay Quách Tương tìm kiếm chàng khắp nơi, nhưng hình bóng chàng vẫn biền biệt. Núi Chung Nam cổ mộ từng dãy, lũng Vạn Hoa muôn đóa rời cành, Tuyệt Tình cốc vắng vẻ tịch mịch, bến Phong Lăng ánh nguyệt lạnh lùng. Nàng đã bao lần tự nhủ: “Thực ra, dù ta tìm thấy chàng, thì cũng có nghĩa lý gì đâu? Hay chỉ nặng thêm mối tương tư, sầu não? Chàng sở dĩ lánh đi thật xa có lẽ chỉ cốt cho ta đỡ đau khổ cũng nên. Vốn biết chỉ là hoa trong gương, trăng dưới nước, hoàn toàn ảo ảnh, chẳng hiểu sao ta vẫn cứ nhớ nhung, tìm kiếm”.
Nàng để mặc con lừa xanh muốn đưa tới đâu thì tới, cứ thẩn tha trong núi Thiếu Thất, đi mãi về hướng tây, đã vào địa giới Tung Sơn, nhìn lại đỉnh núi Đông của núi Thiếu Thất chỉ thấy nó cao chót vót, dọc đường phong cảnh khá đẹp, ngắm không chán mắt. Cứ thế ngao du mấy hôm thì tới Tam Hưu đài, nàng nghĩ thầm: “Tam Hưu, Tam Hưu! Tại sao chỉ có Tam Hưu? Đời người có hàng ngàn hàng vạn Hưu, há chỉ có Tam Hưu?”
Nàng rẽ sang hướng bắc, qua một đỉnh núi, chỉ thấy có tới hơn ba trăm cây bách cổ thụ cao vút, rễ quấn quýt bên dưới, lá kết hoa trên ngọn, sáng đẹp cả một vùng. Nàng đang mải ngắm cảnh, bỗng nghe từ phía sau thung lũng văng vẳng tiếng đàn vọng lại, ngạc nhiên nghĩ thầm: “Giữa chốn hoang vu này lại có cao nhân nhã sĩ nào tới đây dạo đàn nhỉ”. Từ nhỏ nàng đã được mẫu thân giáo huấn, cầm kỳ thi họa môn gì cũng am hiểu, tuy chưa tinh thông nhưng nhờ bẩm tính thông tuệ, lại ưa tìm tòi phát hiện, nên khi đàm luận với mẫu thân về đàn, về sách, nàng thường đưa ra những kiến giải độc đáo, những phát hiện mới mẻ. Lúc này nghe thấy tiếng đàn, lòng hiếu kỳ trỗi dậy, nàng bèn xuống lừa, đi tìm về phía tiếng đàn.
Đi hơn chục trượng, thoạt nghe trong tiếng đàn có lẫn vô số tiếng chim; nhưng khi lắng nghe mới hay tiếng đàn và tiếng chim như đang ứng đáp, phối hợp tiết tấu với nhau hết sức ăn ý. Quách Tương nấp sau một bụi hoa, đưa mắt về phía phát ra tiếng đàn, thì thấy dưới gốc ba cây thông lớn có một bạch y nam tử ngồi quay lưng về phía nàng, cây tiêu vĩ cầm đặt trên gối, đang gảy đàn. Trên các cành cây xung quanh chàng ta có vô số loài chim như hoàng oanh, đỗ quyên, hỷ thước, sơn ca, sáo sậu, và nhiều giống chim không rõ tên hoặc đang đối đáp, hoặc hòa tấu cùng tiếng đàn. Quách Tương nghĩ thầm: “Mẫu thân kể rằng trong các nhạc khúc có khúc “Không sơn điểu ngữ” bị thất truyền từ lâu, chẳng lẽ chính là khúc này?”
Nàng nghe một lát, thấy tiếng đàn lên cao dần, tới mức bầy chim không kêu hót nữa; trên không trung bỗng tràn ngập tiếng chim vỗ cánh, từ bốn phía đông tây nam bắc cơ man nào là chim bay đến hoặc tụ tập trên các cành cây, hoặc bay lượn xập xòe khoe những bộ lông ngũ sắc, cứ y như một kỳ quan. Tiếng đàn trung chính bình hòa, cho thấy người gảy đàn có phong thái của bậc vương giả.
Quách Tương kinh ngạc nghĩ thầm: “Người kia dùng tiếng đàn mà quy tụ được ngần ấy chim muông, chẳng lẽ vừa rồi là nhạc khúc ‘Bách điểu triều phụng’? Chỉ tiếc ông ngoại không có ở đây, chứ không thì cây ngọc tiêu thiên hạ vô song của ông ngoại hòa với tiếng đàn người kia sẽ tuyệt diệu vô cùng”.
Người kia gảy tới khúc cuối, tiếng đàn thấp dần, bầy chim trên cây cùng nhau cất cánh bay lượn. Chợt “keng” một tiếng, tiếng đàn im bặt, chim muông dần dần bay tản đi.
Người kia tiện tay gảy vài âm ngắn, rồi ngửa mặt lên trời thở dài:
– Ôm trường kiếm, ngước nhìn trời, kìa nước xanh, nọ đá trắng, sao chẳng ở bên nhau! Thế gian không có tri âm tri kỷ, dù sống ngàn năm phỏng ích gì?
Nói đến đây, người nọ đột nhiên rút từ bên dưới cây đàn ra một thanh trường kiếm, chỉ thấy một đạo thanh quang lóe lên trong bóng cây. Quách Tương nghĩ thầm: “Thì ra người này văn võ toàn tài, không rõ kiếm pháp của y như thế nào?”
Người kia thong thả bước tới khoảng đất trống trước cây thông cổ thụ, dùng mũi kiếm vạch xuống đất các đường ngang dọc. Quách Tương ngạc nhiên nghĩ thầm: “Thế gian sao lại có thứ kiếm pháp quái lạ như vậy? Lẽ nào vạch mũi kiếm loạn xạ trên mặt đất là có thể thắng địch thủ được sao? Người này thật kỳ dị, khó đoán biết!”
Thử để ý chiêu thức, thấy chàng ta vạch ngang mười chín đường, rồi chuyển sang vạch dọc cũng mười chín đường; kiếm chiêu trước sau không thay đổi, toàn là vạch đường thẳng. Quách Tương dựa theo kiếm thế, dùng tay vạch theo trên mặt đất, suýt cười thành tiếng, thì ra có phải kiếm pháp kỳ quái gì đâu, chẳng qua chàng ta dùng mũi kiếm vẽ một bàn cờ, ngang dọc mỗi chiều mười chín đường.
Vẽ bàn cờ xong, chàng ta dùng mũi kiếm vẽ một vòng tròn ở phía trên góc trái và phía dưới góc phải, vạch dấu chữ X phía trên góc phải và phía dưới góc trái. Quách Tương đã thấy rõ đó là bàn cờ vây, những vòng tròn là quân trắng, dấu X là quân đen. Đoạn chàng ta khuyên một vòng tròn nữa ở phía trên góc trái, cách vòng tròn ban đầu ba ô, còn bên dưới vòng tròn hai ô thì vạch một dấu X. Khi chàng ta đặt đến quân cờ thứ mười chín thì chống mũi kiếm, cúi đầu suy tư, chưa quyết định nên thí quân lấy thế, hay là tranh lực ở góc bàn cờ.
Quách Tương nghĩ thầm: “Hóa ra người kia cũng cô đơn lẻ bóng như ta, ngồi gảy đàn chốn núi hoang, lấy chim muông làm tri âm, đánh cờ không đối thủ, đành tự đấu với mình vậy”.
Người kia nghĩ một lát, quân trắng chưa chịu thua, đang triển khai kịch chiến với quân đen ở góc trái; đôi bên tranh giành ngang ngửa, từ bắc xuống nam, dần dần tới vùng Trung nguyên là giữa bàn cờ. Quách Tương chăm chú theo dõi, cứ bước tới mỗi lúc một gần, thấy quân trắng ở thế thua, trước sau luôn luôn bị lép vế, đến nước thứ chín mươi ba thì gặp thế công liên hoàn của quân đen, đã vô cùng nguy cấp, song chàng ta vẫn cố chống chọi. Tục ngữ có câu “Cờ ngoài bài trong”. Quách Tương tuy không cao cờ, nhưng cũng nhận ra, nếu quân trắng không chịu thí quân thì khó tránh toàn quân ở Trung nguyên bị tiêu diệt; nàng không nhịn được, bèn buột miệng nói to:
– Sao không bỏ Trung nguyên mà giành lấy Tây Vực?
Người kia rùng mình, thấy ở mé tây bàn cờ có một khoảng trống rộng lớn, nếu nhân lúc này đặt luôn hai quân chiếm lấy, thì dù có bỏ mảng giữa, cũng vẫn duy trì được cục diện bất phân thắng bại. Người kia được Quách Tương mách nước, ngửa mặt lên trời cả cười, miệng nói:
– Hay, hay lắm!
Đoạn đi tiếp vài nước, mới sực nhớ có người lạ ở bên cạnh, bèn quẳng kiếm xuống đất, quay người lại hỏi:
– Tại hạ đa tạ vị cao nhân nào vừa chỉ giáo?
Rồi chàng ta hướng về phía Quách Tương ẩn núp mà vái một vái.
Quách Tương thấy người kia mặt dài, mắt sâu, má hõm, trạc ba mươi tuổi. Tính nàng vốn phóng khoáng, chẳng câu nệ nam nữ, liền từ phía sau bụi cây bước ra, cười nói:
– Vừa rồi được nghe tiên sinh tấu khúc nhạc “Không sơn điểu ngữ” khiến chim muông quây quần, tiểu nữ thật thán phục! Sau lại thấy tiên sinh vẽ bàn cờ trên mặt đất, tự đấu cờ tài tình, tiểu nữ đứng ngoài xem không nhịn nổi mới lên tiếng xen vô, mong tiên sinh lượng thứ.
Người kia thấy Quách Tương là một thiếu nữ thì quá ngạc nhiên, nhưng nghe nàng ca ngợi tiếng đàn liền cao hứng đáp lại:
– Cô nương thông hiểu nhạc lý, liệu có thể cho tại hạ thưởng thức vài bản đàn hay chăng?
Quách Tương cười nói:
– Tiểu nữ tuy có được thân mẫu dạy đàn, song không thể so với tuyệt kỹ thần kỳ của tiên sinh. Có điều tiểu nữ đã được nghe diệu khúc của tiên sinh, mà không hồi đáp thì e thất lễ quá. Vậy tiểu nữ xin gảy một bài, chỉ mong tiên sinh đừng cười.
Người kia nói:
– Đâu dám.
Đoạn dùng cả hai tay nâng cây đàn đến trước mặt Quách Tương.
Quách Tương thấy cây đàn rất cổ, có nhiều vết rạn nứt; nàng lên dây, dạo thử vài tiếng, rồi gảy khúc “Khảo bàn”. Thủ pháp của nàng dĩ nhiên không có gì kỳ diệu, nhưng người kia nghe đàn với vẻ mặt ngạc nhiên xen lẫn vui mừng. Thì ra khúc nhạc này xuất xứ từ một bài thơ trong Kinh Thi, ca ngợi bậc ẩn sĩ, đại ý là có một đấng trượng phu ngao du sơn thủy, bên dòng suối vắng, đơn độc một mình, dáng vẻ tiều tụy, nhưng chí hướng cao khiết thì không bao giờ thay đổi.
Người kia nghe tiếng đàn diễn tả đúng tâm sự của mình liền cảm kích vô cùng; tiếng đàn đã dứt mà chàng ta vẫn cứ đứng ngây ra đó.
Quách Tương đặt nhẹ cây đàn xuống, quay mình rời khỏi chốn này, vừa cất tiếng ca bài Kinh Thi vừa rồi, vừa vẫy con lừa xanh tới, nàng lại cưỡi lừa đi tiếp vào rừng sâu.
Ba năm lang thang đây đó trên giang hồ, nàng từng gặp biết bao nhiêu điều kỳ dị, chuyện người kia gảy đàn rủ chim, vạch bàn cờ tự đấu cũng chỉ như cánh bèo tụ tán, nhanh chóng thoảng qua, chẳng còn dấu vết.
Hai ngày sau, bấm đốt ngón tay, nàng nhớ từ hôm rời Thiếu Lâm tự đến nay đã mười ngày, đã gần tới thời gian Côn Luân Tam Thánh hẹn ước tỷ thí võ nghệ với chúng tăng Thiếu Lâm tự. Quách Tương chưa biết làm cách thế nào lẻn vào trong chùa xem cuộc nhiệt náo, nghĩ thầm: “Mẫu thân ta gặp việc gì cũng chỉ cau mày một cái là nghĩ ngay ra mười mấy diệu kế, mình thì quá ngu xuẩn, một kế tính mãi cũng chẳng xong. Thôi được, dẫu sao bây giờ mình hãy cứ đến bên ngoài Thiếu Lâm tự xem rồi liệu sau. Không chừng các tăng nhân mải lo đối phó với kẻ địch mà quên cả việc ngăn cản ta vào chùa cũng nên”.
Nàng ăn qua loa chút lương khô, rồi cưỡi con lừa xanh đi về phía Thiếu Lâm tự. Cách chùa mươi dặm, chợt nghe tiếng vó ngựa; trên con đường núi bên trái có ba người phóng ngựa tới. Ba con ngựa ấy phi rất nhanh, thoáng một cái đã lướt qua chỗ Quách Tương, thẳng về phía Thiếu Lâm tự. Ba người cưỡi ngựa đều trạc ngũ tuần, bận y phục ngắn màu xanh, treo túi binh khí trên yên.
Quách Tương liền nghĩ thầm: “Ba lão kia đều có võ công, dám mang binh khí tới chùa, hẳn là Côn Luân Tam Thánh. Mình mà đến chậm một bước, chỉ e lỡ mất dịp may”. Nghĩ đoạn nàng đét mạnh vào mông con lừa, nó ngẩng cao đầu hí một tiếng dài, phóng vội theo ba con ngựa.
Ba lão già cưỡi ngựa luôn tay vung roi giục ngựa; ba con ngựa tung vó lao nhanh, loáng một cái đã bỏ xa con lừa của Quách Tương. Một lão già ngoảnh nhìn lại, vẻ mặt hơi lạ.
Quách Tương thúc lừa đuổi theo hai, ba dặm nữa thì mất hút nhóm kỵ sĩ kia. Con lừa xanh của nàng sau một hồi gắng sức đã thở phì phò gấp gáp, có vẻ sắp kiệt sức. Quách Tương quát to:
– Con súc sinh vô dụng này, ngày thường chẳng vội thì cứ giở quẻ phóng nhanh; đến lúc bổn cô nương cần mi phóng thật nhanh thì mi chạy chậm như rùa.
Thấy thúc nó cũng chẳng xong, nàng bèn xuống lừa, vào một thạch đình bên đường ngồi nghỉ đôi chút, cho con lừa uống nước suối cạnh đó. Lát sau, bỗng nghe tiếng vó ngựa, thì ra ba lão già lúc nãy phi ngựa trở lại. Quách Tương ngạc nhiên quá đỗi, nghĩ thầm: “Tại sao họ phi ngựa trở lại, chẳng lẽ họ không chịu nổi vài đòn?”
Ba người kia phóng thẳng vào thạch đình, cùng nhảy xuống ngựa. Quách Tương bây giờ có dịp nhìn kỹ họ. Một lão lùn mặt đỏ như chu sa, mũi cũng đỏ choét, miệng tủm tỉm cười, trông hòa nhã dễ mến; lão thứ hai cao như sếu vườn, mặt xanh tái, tựa hồ quanh năm suốt tháng không ra nắng. Hai lão già kia thân hình và diện mạo hoàn toàn tương phản nhau; còn lão thứ ba tướng mạo bình thường, nhưng sắc mặt vàng khè như kẻ có bệnh.
Quách Tương nổi lòng hiếu kỳ, lên tiếng hỏi:
– Ba vị lão tiên sinh đã tới Thiếu Lâm tự hay chưa? Tại sao vừa mới lên đó đã quay trở xuống?
Lão mặt xanh lườm nàng một cái, tựa hồ trách cứ nàng dám lục vấn lung tung. Lão lùn mặt hồng mũi đỏ cười hỏi lại:
– Sao cô nương biết bọn ta đến Thiếu Lâm tự?
Quách Tương nói:
– Có mỗi con đường này, không đến Thiếu Lâm tự thì còn đi đâu kia chứ?
Lão lùn nói:
– Cô nương nói không sai, thế còn cô nương định đi đâu?
Quách Tương đáp nói:
– Các vị đến Thiếu Lâm tự, tiểu nữ cũng đến Thiếu Lâm tự.
Lão mặt xanh nói:
– Thiếu Lâm tự xưa nay không cho phép nữ lưu đến đó và cũng cấm người ngoài mang khí giới vào chùa.
Giọng nói của lão rất ngạo mạn, thân hình lại quá cao, nên lúc nói ánh mắt lão nhìn qua đầu chứ không phải nhìn vào mặt Quách Tương.
Quách Tương khó chịu nói:
– Thế sao các vị lại mang theo khí giới? Cái túi đeo bên yên ngựa kia chẳng phải đựng khí giới đó sao?
Lão mặt xanh lạnh lùng đáp:
– Ngươi làm sao có thể so bì với bọn ta?
Quách Tương cười nhạt:
– Ba vị thì hơn nỗi gì? Hơn ở sự ngang ngạnh chăng? Côn Luân Tam Thánh đã tỷ thí với các hòa thượng Thiếu Lâm tự hay chưa? Ai thắng ai bại vậy?
Ba lão già nghe vậy hơi biến sắc. Lão mặt đỏ hỏi:
– Tiểu cô nương, tại sao ngươi biết chuyện Côn Luân Tam Thánh?
Quách Tương đáp:
– Thì tự nhiên biết thôi!
Lão mặt xanh bỗng tiến một bước, quát hỏi:
– Tên họ mi là gì? Môn hạ của ai? Đến Thiếu Lâm tự làm gì?
Quách Tương trừng mắt nói:
– Không liên can tới ngươi.
Lão mặt xanh tức giận, giơ tay lên định cho nàng một cái tát, nhưng sực nghĩ mình cậy lớn hiếp nhỏ, cậy nam khinh nữ chẳng hay hớm gì; hơn nữa thân phận cao quý sao lại đi dính vào chuyện con nít nhà người. Nghĩ vậy, lão hơi chuyển mình, giơ tay rút thanh đoản kiếm đang đeo ở lưng Quách Tương. Thủ pháp của lão nhanh khôn tả. Quách Tương chỉ cảm thấy một làn gió lạnh thoảng qua, bóng người loáng một cái, thanh kiếm của nàng đã bị người ta đoạt mất.
Bất ngờ không kịp đề phòng, bị kẻ khác đoạt vũ khí, thật là điều chưa từng xảy ra từ khi nàng bước chân vào chốn giang hồ. Thực ra, võ công và lịch duyệt của nàng hoàn toàn chưa đủ để dấn thân vào chốn giang hồ, nhưng tám chín phần trong giới võ lâm đều biết nàng là quý nữ của Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Sau lần Dương Quá tổ chức mừng sinh nhật cho nàng, ngay trong giới bàng môn tả đạo hầu hết ai cũng đều biết nàng; nếu không trọng Quách Tĩnh và Hoàng Dung thì cũng phải nể mặt Dương Quá. Thêm vào đó, Quách Tương vừa xinh đẹp, vừa hào phóng hiếu khách, dù là dân bán hàng rong hay chủ tiệm thịt chó, nàng cũng coi trọng như nhau, thi thoảng vẫn thết họ chén rượu. Vì thế, tuy giang hồ đầy rẫy phong ba hiểm ác, song nàng đều hóa hung thành cát, chưa hề bị thất thế một lần. Bây giờ bất ngờ bị lão già mặt xanh kia đoạt kiếm, nàng chưa biết đối phó ra sao. Nếu xông lên giành lại, tự nghĩ võ công còn thua xa lão; song nếu bó tay, thì há cam lòng?
Lão mặt xanh dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái kẹp bao kiếm, lạnh lùng nói:
– Kiếm của mi, lão đây tạm giữ. Mi dám vô lễ với ta, hẳn do phụ mẫu và sư phụ của mi thiếu giáo huấn mà nên. Mi hãy về bảo họ tới gặp ta mà nhận lại kiếm; để ta hướng dẫn cho phụ mẫu và sư phụ của mi cách giáo huấn mi.
Lời lẽ đó khiến Quách Tương đỏ bừng mặt; nói thế khác gì bảo nàng không phải con nhà gia giáo. Nàng tự nhủ: “Được lắm! Lão chửi mắng ta, chửi cả ông bà cha mẹ ta nữa. Lão có bản lĩnh thông thiên hay sao mà dám cả gan như vậy?” Nàng định thần giây lát, cố nén giận, hỏi:
– Này lão kia, tên lão là gì?
Lão mặt xanh hừ một tiếng, nói:
– Ai bảo mi nói năng vô lễ như thế? Để lão dạy cho, mi phải hỏi: Xin thỉnh giáo quý tính đại danh của lão tiền bối là chi?
Quách Tương tức giận nói:
– Ta cứ thích hỏi lão tên gì đấy. Lão không muốn nói thì thôi, ta chẳng cần biết. Thanh kiếm kia cũng chẳng đáng gì, lão lớn tuổi mà không biết tự trọng lại đi cướp giật của kẻ hậu bối, ta chẳng thèm đòi.
Đoạn nàng quay người ra khỏi thạch đình.
Bỗng một cái bóng đỏ loáng qua trước mặt, lão lùn mặt đỏ đã chắn đằng trước, lim dim mắt, nói:
– Con gái chớ nên nóng nảy như thế. Rồi đây sắp về làm dâu nhà người, chẳng lẽ cứ thế nói năng với cha mẹ chồng hay sao? Thôi được, để lão nói cho cô nương biết, ba lão đây là sư huynh sư đệ, mấy ngày qua từ ngoài Tây Vực xa hàng vạn dặm tới Trung nguyên…
Quách Tương bĩu môi, ngắt lời:
– Lão không nói, ta cũng biết. Ở Thần Châu Trung nguyên này người ta không hề biết đến tự hiệu của ba lão.
Ba lão già đưa mắt nhìn nhau. Lão mặt đỏ hỏi:
– Xin hỏi cô nương, tôn sư là vị nào vậy?
Ở Thiếu Lâm tự, Quách Tương không chịu nói tên phụ mẫu; còn lúc này vì tức giận, nên nàng liền nói:
– Thân phụ ta họ Quách tên Tĩnh, thân mẫu ta họ Hoàng, tên Dung. Ta không có sư phụ, võ nghệ là do phụ mẫu chỉ dẫn qua loa đôi chút.
Ba lão già lại đưa mắt nhìn nhau. Lão mặt xanh lẩm bẩm: “Quách Tĩnh? Hoàng Dung? Họ thuộc môn phái nào vậy? Là đệ tử của ai nhỉ?”
Quách Tương nghe lão mặt xanh lẩm bẩm như thế thì càng bực, nghĩ thầm: “Phụ mẫu ta danh tiếng lẫy lừng thiên hạ, chẳng riêng người trong võ lâm, ngay cả bá tánh tầm thường ai ai cũng biết Quách đại hiệp vì nghĩa giữ thành Tương Dương như thế nào”.
Nhưng nhìn mặt ba lão già kia, nàng thấy không có vẻ gì là giả dối, nàng chợt hiểu: “Côn Luân Tam Thánh ở tận Tây Vực xa xôi, chưa hề tới đất Trung nguyên. Võ công của họ cao siêu, phụ mẫu ta cũng chưa lần nào nhắc đến họ; thế thì họ không biết danh tiếng phụ mẫu ta cũng chẳng có gì là lạ. Chắc xưa nay họ ẩn cư chốn thâm sơn cùng cốc ở Côn Luân, chuyên tâm tập luyện võ nghệ, nên không hay biết gì chuyện bên ngoài”. Nghĩ tới đó, cơn giận tiêu tan, nàng vốn không phải là một thiếu nữ xấc xược, bèn nói:
– Tiểu nữ họ Quách, tên Tương, là chữ Tương trong “Tương Dương” ấy mà. Vậy là tiểu nữ đã xưng danh rồi đó. Còn ba vị, xin thỉnh vấn ba vị lão tiên sinh quý tính đại danh là chi?
Lão mặt đỏ cười hì hì:
– Hay lắm, tiểu cô nương như thế mới ngoan, vừa dạy đã hiểu liền. Thế mới là đạo tôn kính bề trên.
Lão chỉ người mặt vàng, nói:
– Đây là đại sư huynh của các lão, họ Phan, tên Thiên Canh. Lão đây là nhị sư huynh, họ Phương, tên Thiên Lao.
Đoạn chỉ người mặt xanh, nói:
– Còn đây là tam sư đệ, họ Vệ, tên Thiên Vọng. Ba huynh đệ lão đều có đệm chữ Thiên.
Quách Tương vừa nghe vừa lẩm nhẩm ghi nhớ, rồi hỏi:
– Chẳng hay ba vị đã tới Thiếu Lâm tự chưa? Ba vị tỷ thí võ công với các hòa thượng phải không? Võ nghệ bên nào cao hơn?
Lão mặt xanh, tức Vệ Thiên Vọng, hừ một tiếng, quát nói:
– Sao chuyện gì mi cũng biết hết vậy? Bọn ta tính tỷ thí với đám hòa thượng Thiếu Lâm tự, thiên hạ này chưa ai hay biết, làm sao mi biết hả? Nói mau!
Vừa nói lão vừa sấn đến trước mặt Quách Tương, tay phải nắm chặt lại, mắt trừng trừng dữ tợn.
Quách Tương nghĩ thầm: “Ta há sợ sự uy hiếp của lão? Ta cũng định nói cho lão biết, nhưng lão càng tỏ vẻ hung ác, ta càng không nói”, đoạn nàng cũng trừng mắt nhìn lại, lạnh lùng nói:
– Cái tên của lão không hợp đâu, phải đổi thành Thiên Ác mới đúng.
Vệ Thiên Vọng cả giận, hỏi:
– Mi bảo sao hả?
Quách Tương đáp nói:
– Một nhân vật hung thần ác sát như lão, bổn cô nương đây chưa từng gặp. Lão đã cướp binh khí của người ta, lại còn hung hung hăng hăng, chẳng phải ác thần hạ phàm thì là gì?
Vệ Thiên Vọng kêu mấy tiếng ồ ồ trong họng như tiếng thú rống, ngực lão ta đột nhiên phình to gấp đôi lúc bình thường, râu tóc và lông mày như dựng đứng cả lên.
Lão mặt đỏ, tức Phương Thiên Lao, vội nói:
– Tam đệ, đừng nổi nóng!
Rồi cầm tay Quách Tương kéo nàng về phía sau mấy thước, tự mình đứng chắn ở giữa hai người.
Quách Tương thấy bộ điệu của Vệ Thiên Vọng như thế, lão ta mà động thủ hẳn khí thế phải đáng sợ lắm. Bất giác nàng ngầm lo sợ.
Vệ Thiên Vọng dùng tay phải rút kiếm khỏi bao, lấy hai ngón tay trái kẹp lưỡi kiếm, vận sức bẻ nghe “cắc” một tiếng, thanh đoản kiếm gãy đôi. Đoạn lão ta cắm nửa kiếm gãy vào bao, nói:
– Ai thèm lấy thanh đoản kiếm vô dụng của mi làm gì?
Quách Tương thấy sức mạnh của hai ngón tay lão ta như thế lại càng thêm kinh hãi.
Vệ Thiên Vọng thấy nàng tái mặt thì đắc chí, ngửa mặt cười ha hả; tiếng cười nghe chói cả tai, làm rung cành cạch cả lớp ngói lợp thạch đình.
Bỗng nghe “ịch” một tiếng, đỉnh thạch đình vỡ toác, hất xuống đất một vật lớn. Mấy người cùng cả kinh, ngay Vệ Thiên Vọng cũng không ngờ rằng mình vận nội lực để phát ra tiếng cười lại có thể làm chấn động lớp ngói lợp thạch đình, như vậy là trong thời gian gần đây nội công của lão ta đã tiến triển vượt bậc. Khi lão ta nhìn kỹ vật vừa rơi xuống thì càng kinh dị hơn, vì đó là một bạch y hán tử trạc tam tuần, hai tay ôm cây đàn, đang nằm đó ngủ khì.
Quách Tương mừng rỡ:
– Kìa, sao tiên sinh lại ở đây?
Thì ra đó chính là người gảy đàn và tự đấu cờ trong rừng thông ít hôm trước Quách Tương đã gặp.
Người kia nghe giọng nói của Quách Tương, liền choàng dậy, nói:
– Cô nương, ta tìm cô nương khắp nơi chẳng thấy, không ngờ lại gặp ở đây.
Quách Tương hỏi:
– Tiên sinh tìm tiểu nữ làm chi?
Người kia đáp nói:
– Vì ta quên thỉnh vấn quý tính đại danh của cô nương.
Quách Tương nói:
– Thỉnh với chả vấn quý tính đại danh, nghe văn vẻ sáo rỗng lắm, tiểu nữ chẳng thích nghe đâu.
Người kia ngẩn ra giây lát, rồi cười:
– Đúng lắm, đúng lắm! Càng văn vẻ sáo rỗng, càng làm bộ làm tịch, thì càng không có chân tài thực học. Những kẻ đó chỉ lừa dối được dân quê thôi.
Đoạn nhìn chằm chằm vào mặt Vệ Thiên Vọng mà cười nhạt mấy tiếng. Quách Tương cả mừng, không ngờ chàng ta hiểu hàm ý của nàng nhanh đến thế, lại còn lên tiếng bênh vực nàng nữa.
Vệ Thiên Vọng cũng trợn mắt nhìn người kia, mặt càng xanh thêm, lạnh lùng hỏi:
– Các hạ là ai?
Người kia chẳng buồn trả lời, nói với Quách Tương:
– Cô nương, cô nương tên là gì nhỉ?
Quách Tương đáp nói:
– Tiểu nữ họ Quách, tên Tương.
Người kia vỗ tay reo lên:
– Ồ, tại hạ quả có mắt mà không thấy Thái Sơn. Thì ra đây là Quách đại cô nương lừng danh bốn bể. Lệnh tôn Quách Tĩnh đại hiệp, lệnh đường Hoàng Dung nữ hiệp, trừ mấy kẻ vô tri vô thức, lẫn lộn tốt xấu ra, trên giang hồ có ai không biết. Hai vị đó văn võ song toàn, đao thương kiếm kích, quyền chưởng khí công, cầm kỳ thi họa, thi từ ca phú, môn nào cũng thông hiểu hơn người. Ha ha, chỉ có mấy gã ngông cuồng ngu xuẩn mới không biết hai vị ấy thôi!
Quách Tương thầm khoái chí: “Thì ra chàng ta nấp trên thạch đình đã nghe thấy ta đối đáp với ba lão già kia, chớ thực ra chàng ta cũng có biết phụ mẫu ta là người thế nào đâu. Mình thứ hai, mà chàng ta lại gọi mình là Đại cô nương, lại bảo phụ thân ta thông hiểu cầm kỳ thi họa, thi từ ca phú, quả thật tức cười”. Nghĩ đoạn, nàng hỏi:
– Thế còn tiên sinh tên chi?
Người kia đáp:
– Ta họ Hà, tên Túc Đạo.
Quách Tương cười:
– Hà Túc Đạo ư! “Hà Túc Đạo” là có gì đáng nói đâu. Sao tiên sinh lại dùng cái tên khiêm nhường như thế?
Hà Túc Đạo giải thích:
– Vì ta không muốn bắt chước mấy gã tiểu tử ngông cuồng tự đại, dám ví mình như thiên như địa này nọ, mới nghe qua cái tên đã thấy lờm lợm.
Hà Túc Đạo cứ liên tiếp mỉa mai ba huynh đệ Vệ Thiên Vọng. Bọn họ thấy chàng ta đè vỡ được mái thạch đình mà xuống, hẳn chẳng phải tầm thường, nhưng ban đầu cố nhịn để xem lai lịch của Bạch y quái khách này ra sao. Thế nhưng càng nghe càng thấy lời lẽ của y quá mai mỉa, thì Vệ Thiên Vọng hết chịu nổi, bèn vung chưởng nhắm vào má trái của Hà Túc Đạo.
Hà Túc Đạo cúi đầu luồn bên dưới cánh tay của lão già; Vệ Thiên Vọng chỉ cảm thấy cổ tay trái hơi tê, thì thanh đoản kiếm trong tay đã bị cướp mất. Khi Vệ Thiên Vọng đoạt kiếm của Quách Tương, thân pháp lanh lẹ vô cùng, khiến người ta không sao nhìn rõ; đằng này khi Hà Túc Đạo đoạt kiếm của Vệ Thiên Vọng thì thân pháp và thủ pháp hết sức đơn giản nhẹ nhàng, chẳng có gì kỳ lạ.
Vệ Thiên Vọng giật mình, tiến lên một bước, giơ năm ngón tay như năm cái móc chộp tới vai Hà Túc Đạo. Hà Túc Đạo né người một chút, bàn tay của Vệ Thiên Vọng bị chộp hụt. Phan Thiên Canh và Phương Thiên Lao đột nhiên nhảy lùi khỏi thạch đình. Lúc ấy Vệ Thiên Vọng đã dùng tả quyền hữu chưởng tấn công dồn dập bảy, tám chiêu liền, còn Hà Túc Đạo tránh phải né trái, ngay vạt áo của chàng ta cũng chưa bị chạm tới. Tay chàng cầm đoản kiếm mà chẳng buồn sử dụng, mặc cho quyền chưởng của đối phương tấn công tới tấp, trước sau chàng vẫn chỉ hơi lắc thân tránh né. Các chiêu đòn của Vệ Thiên Vọng đều bị lạc vào khoảng không.
Quách Tương còn ít tuổi, võ công tuy chưa tinh thâm, nhưng thân hữu của nàng toàn là những cao thủ võ lâm đệ nhất đương thời, nên nàng có kiến thức rất cao. Nay thấy Hà Túc Đạo thân pháp vô cùng uyển chuyển, né tránh được mọi chiêu thức cương mãnh của đối phương, võ công cao siêu khác hẳn các môn phái lừng danh ở Trung nguyên, nàng càng xem càng kinh ngạc.
Vệ Thiên Vọng tấn công liền hơn hai mươi chiêu vẫn không buộc được đối phương xuất thủ thì tức giận gầm một tiếng, biến đổi quyền pháp, xuất chiêu chậm lại, nhưng quyền lực rất nặng và mạnh. Quách Tương đứng trong thạch đình, cảm thấy quyền phong cứ dồn ép vào người mình, đẩy nàng lùi dần ra bên ngoài.
Lúc này Hà Túc Đạo cũng không dám chỉ né tránh mà không phản công; chàng cắm thanh kiếm vào bao thắt lưng, hai chân đứng vững như bàn thạch, quát to:
– Ngươi biết Ngạnh công, chẳng lẽ ta không biết sử dụng hay sao?
Chờ song chưởng của Vệ Thiên Vọng đẩy tới, mới dùng tả chưởng phản kích, lấy Ngạnh công đối phó Ngạnh công; nghe “bùng” một tiếng, Vệ Thiên Vọng loạng choạng thoái lui hai bước. Hà Túc Đạo vẫn đứng nguyên chỗ cũ.
Vệ Thiên Vọng ỷ mình có ngoại môn Ngạnh công cao siêu, hiếm có đối thủ trong thiên hạ, nào ngờ Ngạnh công của đối phương chẳng cần lấy đà tạo thế gì cả vẫn có thể đẩy lão ta thoái lui mấy bước. Lão ta chưa phục, liền hít mạnh một hơi, thét to một tiếng, lại dùng song chưởng tấn công lần nữa. Hà Túc Đạo cũng quát một tiếng, phản kích lại một chưởng; chỉ nghe mấy tiếng răng rắc, nóc thạch đình rung chuyển, cát bụi rớt xuống mù mịt.
Vệ Thiên Vọng thoái lui bốn bước mới đứng vững nổi. Sau khi đối chưởng, lão ta đầu tóc rối bù, hai mắt lồi ra, trông bộ dạng thật đáng sợ. Lão ta hai tay ôm đan điền, vận khí mấy cái, ngực lõm vào, bụng phình ra như cái trống, các khớp xương toàn thân kêu lách cách, thong thả tiến từng bước về phía Hà Túc Đạo.
Hà Túc Đạo thấy tư thế của đối phương như vậy, không dám khinh thường, vội điều vận chân khí đối địch.
Tới cách đối phương chừng bốn, năm thước, Vệ Thiên Vọng lẽ ra cần phải phát chiêu, song chân lão ta vẫn chưa dừng mà tiến thêm hai bước, tới mức mặt đôi bên rất gần, hơi thở phả vào mặt nhau thì mới giơ song chưởng lên, một đánh vào mặt, một đánh vào bụng dưới kẻ địch. Lần này song chưởng một trên một dưới như thế là nhằm buộc địch thủ phải phân tán sức lực. Cả thế công lẫn chưởng lực đều vô cùng lợi hại.
Hà Túc Đạo cũng giơ song chưởng cùng lúc, nhưng chưởng lực của chàng một cương một nhu. Vệ Thiên Vọng chỉ cảm thấy tả chưởng đánh vào bụng dưới của đối phương như đánh vào chỗ trống không, còn hữu chưởng đánh vào mặt thì như đụng phải tường đồng vách sắt. Biết là nguy tai, thì một luồng lực đã lùa tới đẩy lão bật khỏi thạch đình.
Đây là cách dùng cương đối cương, lực đối lực, bên nào lực yếu hơn ắt bị thụ thương, hoàn toàn không có sự nửa vời; bất luận Vệ Thiên Vọng còn đứng vững hay ngã sóng soài, thì chưởng lực phản kích của lão ta cộng với chưởng lực của Hà Túc Đạo cũng đủ làm cho lão ta phải hộc máu tươi.
Phan Thiên Canh và Phương Thiên Lao đồng thanh la to:
– Xuất thủ!
Hai lão cùng giơ tay ra, mỗi người đỡ một bên cánh tay của Vệ Thiên Vọng nhấc vội lên mới làm tiêu tan chưởng lực cương mãnh của Hà Túc Đạo. Vệ Thiên Vọng tuy chưa thụ thương, nhưng ngũ tạng đảo lộn, xương cốt toàn thân tưởng như sắp gãy vụn, mệt tưởng đứt hơi, chân tay bủn rủn.
Lão già mặt đỏ, tức Phương Thiên Lao, thấy sư đệ bị đòn đau như vậy thì ngầm kinh hãi và tức giận, nhưng ngoài mặt lại cười hi hi nói:
– Chưởng lực của các hạ mạnh như vậy, quả là thế gian hiếm có, thán phục, thán phục!
Quách Tương nghĩ thầm: “Nói về sức cương mãnh của chưởng lực, ai dám sánh với Giáng Long thập bát chưởng của phụ thân ta chứ? Ba lão Côn Luân Tam Thánh ở chốn khỉ ho cò gáy, ếch ngồi đáy giếng, ngông cuồng tự đại, tất có ngày được nếm tài ba của các nhân vật Trung nguyên”. Nghĩ tới đây, nàng chợt đau nhói trong lòng, vì người mà nàng muốn Côn Luân Tam Thánh được nếm tài ba của các nhân vật Trung nguyên không phải phụ thân, mà chính là Dương Quá.
Chỉ nghe Phương Thiên Lao nói tiếp:
– Tiểu lão nhi bất tài, mong được lĩnh giáo kiếm pháp của các hạ.
Hà Túc Đạo nói:
– Phương huynh đối với Quách cô nương rất chu đáo, tại hạ không dám trách cứ. Hai ta cũng chẳng nên tỷ thí.
Quách Tương ngẩn người: “Thế ra chàng ta làm cho lão họ Vệ khổ sở là vì lão đối xử xấu với ta ư?”
Phương Thiên Lao đi tới bên con ngựa, lấy từ trong túi khí giới ra một thanh trường kiếm, rút xoẹt khỏi bao, búng ngón tay vào thân kiếm nghe nó ngân lên “coong coong” hồi lâu. Với thanh kiếm trong tay, lão ta nghiêm mặt không cười nữa, tay trái trình kiếm quyết, từ từ đưa ra, quyết chỉ hướng lên trời, hữu thủ cầm kiếm chỉ lên trời bất động, chính là thế “Tiên nhân chỉ lộ”.
Hà Túc Đạo nói:
– Phương huynh cứ đòi động thủ, tại hạ đành dùng đoản kiếm của Quách cô nương hầu vài chiêu vậy.
Nói đoạn chàng nhặt thanh đoản kiếm gãy của Quách Tương; thanh kiếm này vốn dài hai thước, sau khi bị Vệ Thiên Vọng bẻ gãy, lưỡi kiếm chỉ còn dài bảy, tám tấc, mũi kiếm thì tù, hết cả nhọn, chẳng thể gọi là kiếm. Tay trái chàng cầm bao kiếm, tay phải cầm thanh kiếm gãy, đột nhiên tấn công.
Lần này chàng xuất chiêu cực nhanh, Phương Thiên Lao chỉ thấy cái bóng trắng loáng trước mắt một cái. Hà Túc Đạo đã tấn công liền ba chiêu. Tuy thanh kiếm quá ngắn, không thể đả thương lão ta, nhưng lão ta cũng thầm kinh hãi: “Ba chiêu tấn công lẹ quá, không tài nào chống đỡ, là thứ kiếm pháp gì chứ? Ví thử trong tay y là thanh trường kiếm, chỉ e lúc này mình mất mạng rồi”.
Sau khi tấn công liền ba chiêu, Hà Túc Đạo bèn nhảy sang một bên, đứng bất động. Phương Thiên Lao triển khai kiếm pháp, nửa thủ nửa công, chém tới. Hà Túc Đạo chỉ né tránh chứ không phản công, nhưng chốc chốc lại tấn công liền ba chiêu thần tốc khiến thủ vong cước loạn, rồi chàng lại nhảy ra ngoài. Phương Thiên Lao bây giờ dồn dập tấn công, kiếm quang vùn vụt, xuất thủ cực kỳ mau lẹ.
Quách Tương nghĩ thầm: “Chiêu thức của lão này cương mãnh giống như chưởng pháp của lão họ Vệ kia, nhưng linh hoạt hơn, cho nên cũng lợi hại hơn mấy phần…” Nàng vừa nghĩ tới đó bỗng nghe Hà Túc Đạo quát “Cẩn thận này!” Chữ “này” vừa dứt thì bao kiếm ở tay trái chàng đã nhanh như chớp chụp vào mũi kiếm của Phương Thiên Lao, còn đoản kiếm gãy bên tay hữu gí vào cổ họng lão ta.
Trường kiếm đã bị chụp vào bao, Phương Thiên Lao không cách gì chống đỡ, trước mũi kiếm tuy cùn nhưng gí sát cổ họng, lão ta chỉ còn cách buông rơi trường kiếm, ngã người lăn một vòng tránh thế công. Lão ta chưa đứng lên thì một bóng người vút tới, Phan Thiên Canh đã chộp được cán kiếm, rút đánh xoẹt ra khỏi bao. Hà Túc Đạo và Quách Tương cùng lúc thốt lên:
– Thân pháp tuyệt vời!
Lão già mặt vàng như nghệ, trước sau chưa nói nửa lời, võ công hẳn là cao hơn hai lão kia. Hà Túc Đạo nói:
– Võ công của các hạ cao siêu, tại hạ thán phục vô cùng!
Đoạn chàng quay sang nói Quách Tương:
– Quách cô nương, sau hôm nghe cô nương nhã tấu, ta có sáng tác một nhạc khúc, muốn được cô nương phẩm bình.
Quách Tương hỏi:
– Nhạc khúc gì vậy?
Hà Túc Đạo ngồi xếp chân bàn tròn, đặt cây đàn trên đùi, so dây, định gảy.
Phan Thiên Canh nói:
– Các hạ liên tiếp đánh bại hai sư đệ của tại hạ, tại hạ muốn được thỉnh giáo.
Hà Túc Đạo xua xua tay:
– Võ công tỷ thí xong rồi, tại hạ không còn hứng cái trò ấy nữa. Để tại hạ gảy đàn cho Quách cô nương nghe. Đây là một nhạc khúc mới. Ba vị muốn thưởng thức thì xin mời ngồi xuống nghe, hiểu hay không là tùy các vị.
Nói rồi tay trái vê dây, tay phải gảy đàn tức thì.
Quách Tương chỉ nghe vài cung đã vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Thì ra nhạc khúc này một phần là điệu “Khảo bàn” trong Kinh Thi mà nàng đã gảy bữa trước, một phần là điệu “Kiêm hà” trong Tần Phong[9]. Hai điệu thơ này khác hẳn nhau, được chàng phối hợp thành một nhạc khúc, một ứng một đáp, nghe xúc động diệu kỳ. Khi nghe cầm vận tấu tới đoạn “Khảo bàn tại giản, thạc nhân chi khoan. Kiêm hà thương thương, bạch lộ vi sương, sở vị y nhân, tại thủy nhất phương… thạc nhân chi khoan, thạc nhân chi khoan… Tố hồi tòng chi, đạo trở thả trường, tố du tòng chi, uyển tại thủy trung ương… độc mỵ ngụ ngôn, vĩnh thỉ phất huyên, vĩnh thỉ phất huyên…”, thì Quách Tương có cảm tưởng nhạc khúc này bày tỏ sự nhớ nhung gắn bó, dường như có nhắc đến nàng; bất giác nàng đỏ mặt thẹn thùng.
Nhạc khúc quá ư huyền diệu, nguyên vận hai bài “Khảo bàn” và “Kiêm hà” không lạc nhau chút nào, cứ nhịp nhàng ứng đáp, mỗi bên vẫn giữ đầy đủ sự hoa mỹ của mình. Đời nàng chưa bao giờ có diễm phúc được nghe một nhạc khúc như thế cả.
Ba lão già nghe đàn chẳng hiểu gì hết. Bọn họ không biết Hà Túc Đạo tính tình cuồng phóng, si tình, pha chút hủ nho, chàng mới sáng tác nhạc khúc này nên phải tìm Quách Tương để nàng thưởng thức cho bằng được; huống hồ nhạc khúc này đúng là vì nàng mà sáng tác, nên chàng chẳng còn để ý đến mọi chuyện khác. Thấy chàng chăm chú gảy đàn, chẳng buồn để mắt tới ba lão già, hiển nhiên là không coi họ ra gì, thử hỏi họ chịu sao đặng? Phan Thiên Canh liền cầm trường kiếm chỉ vào vai trái Hà Túc Đạo, quát lớn:
– Mau đứng dậy, ta phải đấu thử với các hạ một phen!
Hà Túc Đạo đang đắm mình say sưa theo khúc nhạc, tựa hồ một gã cuồng sinh đang ngao du sơn thủy, thấy trên tiểu đảo xa xa giữa hồ nước hình bóng một thiếu nữ dịu dàng, thế là bất chấp núi non cách trở, chàng liền lao về phía nàng… Bỗng nghe vai trái đau nhói, chàng ngẩng nhìn lên, thấy trường kiếm của Phan Thiên Canh điểm vào vai chàng làm rách một chút da thịt; nếu chàng không mau chống đỡ, e sẽ bị kiếm đả thương. Nhưng nhạc khúc chưa gảy xong, lại có kẻ phàm tục kè kè quấy nhiễu, bảo sao Hà Túc Đạo không nổi giận; chàng liền rút phắt thanh kiếm gãy, hất trường kiếm của Phan Thiên Canh bật ra, tay phải vẫn tiếp tục dạo đàn.
Lúc này Hà Túc Đạo mới giở hết tuyệt kỹ bình sinh, tay trái sử kiếm, tay phải gảy đàn, không còn tay nào để nắn dây nên khi nào âm vực cần lên cao thì chàng vận khí thổi cho dây đàn lõm xuống như dùng tay nắn vậy, nhờ đó tiếng đàn vẫn dìu dặt luyến láy như thường.
Phan Thiên Canh tới tấp tấn công mấy chiêu, Hà Túc Đạo chỉ thuận tay chống đỡ, hai mắt vẫn chăm chú vào dây đàn, miệng lo thổi hơi sao cho âm thanh của đàn đúng nốt. Phan Thiên Canh cả giận, kiếm chiêu càng nhanh càng hiểm, song trường kiếm của lão đâm tới bất cứ chỗ nào cũng đều bị Hà Túc Đạo dễ dàng gạt đi.
Quách Tương mải nghe đàn, thả hồn theo nhạc điệu, cũng chẳng để ý tới kiếm thế lợi hại của Phan Thiên Canh, chỉ đôi lúc nhận thấy tiếng kiếm va nhau không ăn nhập với tiếng đàn. Nàng dùng hai tay nhè nhẹ đánh nhịp, cau mày trách Phan Thiên Canh:
– Vị này xuất chiêu lúc nhanh lúc chậm, chẳng hợp nhịp đàn, lẽ nào không hiểu chút gì về âm vận? Giá như biết xuất chiêu hợp theo tiết tấu bản đàn, có phải dễ nghe hơn không.
Phan Thiên Canh không đếm xỉa gì đến nàng. Lão ta thấy đối thủ ngồi dưới đất, chăm chú chơi đàn, một tay sử dụng thanh kiếm gãy, chẳng thèm để mắt tới mình, thì lão ta càng giận thêm, đột ngột thay đổi kiếm pháp tấn công dồn dập liên hồi. Tiếng hai thanh kiếm va chạm nhau sầm sập như tiếng mưa rào. Tiếng đàn cũng gấp gấp một chập, không hòa hợp với âm vận dìu dặt ôn hòa.
Hà Túc Đạo trừng mắt, truyền kình lực vào đoản kiếm, chỉ nghe “coong” một tiếng, trường kiếm của Phan Thiên Canh bị gãy đôi, nhưng lúc này dây thứ năm của cây thất huyền cầm cũng đứt phựt.
Phan Thiên Canh mặt nhợt nhạt như kẻ mất hồn, không nói nửa lời, quay người ra khỏi thạch đình. Ba lão già cùng nhảy lên ngựa, phóng vội lên núi.
Quách Tương vô cùng ngạc nhiên, hỏi:
– Ủa, ba người kia đã bại trận, sao lại còn lên Thiếu Lâm tự làm gì? Chẳng lẽ họ định đánh chí chết hay sao?
Nàng quay lại, thấy Hà Túc Đạo vẻ mặt rầu rĩ, tay xoa xoa sợi dây đàn bị đứt, tựa hồ đau đớn không nói nên lời. Quách Tương nghĩ thầm: “Đứt một sợi dây đàn, hà tất phải rầu rĩ đến thế?” Nàng liền đỡ cây thất huyền cầm, tháo đoạn dây đứt ra, kéo đoạn dây bên trên buộc vào trụ bên dưới, rồi lên dây thử tiếng.
Hà Túc Đạo lắc đầu thở dài:
– Tu luyện ngần ấy năm, rốt cuộc tâm vẫn chưa an. Tuy tay trái vận sức đánh gãy khí giới đối phương nhưng tay phải lại gảy đứt dây đàn.
Giờ Quách Tương mới hiểu thì ra Hà Túc Đạo buồn phiền vì võ công của chàng luyện chưa tới mức thuần thục, liền cười an ủi:
– Tiên sinh thử nghĩ xem, tay trái giao đấu với địch lợi hại như vậy mà tay phải vẫn thong thả dạo đàn, gọi là phép phân tâm nhị dụng, thiên hạ chỉ có ba vị đạt tới mức tuyệt kỹ mà thôi. Tiên sinh cũng chẳng nên vì thế mà phiền lòng.
Hà Túc Đạo hỏi:
– Ba vị nọ là những ai?
Quách Tương đáp:
– Người thứ nhất là Chu Bá Thông, người thứ hai là phụ thân của tiểu nữ, người thứ ba là Dương phu nhân Tiểu Long Nữ. Ngoài ba vị ấy, ngay những người võ công cao siêu như ông ngoại của tiểu nữ là Đào Hoa đảo chủ, thân mẫu của tiểu nữ và Thần điêu đại hiệp Dương Quá cũng chưa luyện thành tuyệt kỹ.
Hà Túc Đạo nói:
– Thế gian có các kỳ nhân vậy ư? Chẳng hay khi nào cô nương dẫn kiến ta gặp họ?
Quách Tương thản nhiên đáp:
– Muốn gặp phụ thân của tiểu nữ không khó, còn hai vị kia thì không biết đã đi đâu mất dạng.
Thấy Hà Túc Đạo ngẩn ngơ, Quách Tương tưởng chàng ta vẫn nghĩ đến việc đứt dây đàn, bèn an ủi:
– Một mình tiên sinh đã đánh bại Côn Luân Tam Thánh cũng đủ hãnh diện với thế gian, hà tất phải buồn phiền về sợi dây đàn bị đứt?
Hà Túc Đạo kinh ngạc, hỏi:
– Côn Luân Tam Thánh? Cô nương bảo sao? Sao cô nương biết?
Quách Tương cười:
– Ba lão già ban nãy từ Tây Vực đến chính là Côn Luân Tam Thánh chứ còn ai. Võ công của họ quả có chỗ độc đáo, nhưng đòi khiêu chiến với Thiếu Lâm tự thì e rằng không biết tự lượng sức…
Nói tới đây, thấy vẻ mặt Hà Túc Đạo càng thêm kinh ngạc nàng bất giác ngừng lời, hỏi:
– Có gì lạ chăng, tiên sinh?
Hà Túc Đạo lẩm bẩm:
– Côn Luân Tam Thánh… Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo chính là ta đây.
Quách Tương sửng sốt:
– Tiên sinh là Côn Luân Tam Thánh ư? Vậy còn hai người nữa đâu?
Hà Túc Đạo nói:
– Côn Luân Tam Thánh trước giờ chỉ có một người, đâu phải có ba. Ta ở Tây Vực có chút danh tiếng, được bằng hữu khen là có ba tuyệt kỹ cầm – kỳ – kiếm, đáng gọi là cầm thánh, kỳ thánh, kiếm thánh. Ta lại sống ở Côn Luân nên họ mới đặt cho ta ngoại hiệu Côn Luân Tam Thánh. Song ta nghĩ đâu dễ xứng với chữ “thánh”, nên mới thêm hai chữ “túc đạo” vào họ Hà, hợp lại thành Côn Luân Tam
Thánh Hà Túc Đạo, nghĩa là “không đáng gọi là Côn Luân Tam Thánh” để người trong thiên hạ khỏi chê ta ngông cuồng tự đại.
Quách Tương cười:
– Hóa ra vậy, thế mà tiểu nữ cứ ngỡ Côn Luân Tam Thánh tức là phải có ba người. Vậy ba lão già ban nãy là ai?
Hà Túc Đạo nói:
– Bọn họ ư? Bọn họ thuộc phái Thiếu Lâm.
Quách Tương càng thêm kinh ngạc, nói:
– Hóa ra ba người ấy lại là đệ tử của phái Thiếu Lâm! Phải rồi, võ công của họ quả nhiên cùng một kiểu cương mãnh. Đúng rồi, lão mặt đỏ chẳng đã sử dụng Đạt Ma kiếm pháp là gì? Còn lão mặt vàng trông như bệnh nhân cứ tấn công tới tấp hẳn là Vĩ Đà phục ma kiếm? Lão ta có biến đổi một chút nên nhất thời tiểu nữ chưa nhận ra. Tại sao họ từ Tây Vực lại tới đây?
Hà Túc Đạo nói:
– Chuyện này kể ra có duyên cớ của nó. Mùa xuân năm ngoái, ta đang gảy đàn trên đỉnh Kinh Thần Phong tại Côn Luân, bỗng nghe bên ngoài lều tranh có tiếng ẩu đả, bèn ra xem, thì thấy có hai kẻ đang vật lộn nhau kịch liệt, mà cả hai đã cùng thụ thương trí mạng. Ta quát họ dừng tay, họ không nghe, ta đành xông vào gỡ họ ra. Một người trợn mắt nhìn ta, rồi thở hắt ra chết liền. Người thứ hai còn thoi thóp, ta bèn dìu vào trong lều, cho uống một viên
Thiếu Dương đan, nhưng vì thương thế quá nặng, linh đan cũng chẳng cứu sống nổi, được nửa ngày cũng tắt thở. Lúc lâm chung, y trăn trối, rằng y là Doãn Khắc Tây…
Quách Tương “ồ” một tiếng, hỏi:
– Vậy kẻ ẩu đả với y là Tiêu Tương Tử rồi. Có phải hắn vừa gầy vừa cao, mặt trông chẳng khác gì tử thi?
Hà Túc Đạo ngạc nhiên:
– Phải đó, tại sao chuyện gì cô nương cũng biết?
Quách Tương nói:
– Tiểu nữ có biết mặt họ, ai ngờ hai kẻ đó cuối cùng lại đánh lẫn nhau mà mất mạng.
Hà Túc Đạo kể:
– Doãn Khắc Tây nói rằng trong đời hắn tác ác đa đoan, lúc chết có hối cũng đã muộn. Hắn nói hắn cùng Tiêu Tương Tử có lấy trộm một cuốn kinh của Thiếu Lâm tự. Hai gã cứ canh chừng lẫn nhau, quyết không cho người kia đọc trước, vì sợ đối phương học được võ công cao hơn sẽ ra tay hạ thủ mình để độc chiếm cuốn kinh. Hai gã ăn cùng bàn, ngủ cùng giường, quả thật không rời nhau nửa bước; nhưng khi ăn thì sợ kẻ kia hạ độc, khi ngủ thì lo kẻ kia ám hại, lúc nào cũng lo sợ thấp thỏm chẳng yên. Chúng còn lo các hòa thượng Thiếu Lâm tự truy đuổi nên mới chạy đến tận Tây Vực. Khi tới đỉnh Kinh Thần Phong, cả hai đều kiệt sức hẳn, đều biết nếu cứ tiếp tục sống như thế thì sẽ chết vì mệt; rốt cuộc đôi bên xáp vào ẩu đả nhau. Doãn Khắc Tây nói võ công của Tiêu Tương Tử vốn cao hơn hắn, ngờ đâu Tiêu Tương Tử ra tay trước, mà kết quả hắn lại chiếm được thượng phong. Sau đó hắn mới nghĩ ra, Tiêu Tương Tử vốn bị trọng thương trên đỉnh Hoa Sơn, nguyên khí vẫn chưa phục hồi. Nếu hai gã không tranh giành nhau, hẳn chúng chẳng khi nào tới vùng Côn Luân làm gì.
Quách Tương nghe kể, tưởng tượng cái cảnh suốt dọc đường hai gã kia lúc nào cũng lo ngay ngáy đủ điều, bất giác nàng sinh lòng thương hại, thở dài nói:
– Vì một cuốn kinh mà phải khổ sở rồi mất mạng như thế, thật chẳng đáng!
Hà Túc Đạo kể tiếp:
– Doãn Khắc Tây nói tới đó thì thở dốc, cuối cùng hắn cầu xin ta đến Thiếu Lâm tự một phen, để nói với Giác Viễn hòa thượng ở đó, rằng cuốn kinh nào đó vẫn ở trong dầu. Ta nghe rất lạ, cuốn kinh ở trong dầu là nghĩa làm sao? Định hỏi hắn cho rõ chi tiết thì hắn đã ngất lịm đi. Ta tính chờ hắn ngủ dậy, lại sức, sẽ hỏi cho rõ. Nào ngờ, đó là giấc ngủ ngàn thu của hắn. Ta nghĩ, liệu có phải cuốn kinh được gói trong giấy dầu? Nhưng khám kỹ cả hai gã, chẳng thấy có dấu vết kinh kệ gì cả. Đã nhận lời ủy thác của người, vốn bình sinh chưa bao giờ đặt chân vào Trung nguyên, nên nhân cơ hội này muốn ngao du một chuyến, thế là ta đến Thiếu Lâm tự đây.
Quách Tương hỏi:
– Tại sao tiên sinh lại vào chùa hạ chiến thư, đòi tỷ thí võ nghệ với họ?
Hà Túc Đạo mỉm cười:
– Việc ấy là do ba lão vừa rồi mà ra. Ba người kia là đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm Tây Vực. Theo lời giới võ lâm ở Tây Vực thì cả ba đều có vai vế chữ “Thiên”, ngang hàng lão phương trượng Thiếu Lâm tự hiện thời là Thiên Minh thiền sư. Nghe đâu sư tổ của họ xưa kia vì bất đồng ý kiến với sư huynh đệ trong chùa nên đã giận dữ bỏ đi tới tận Tây Vực xa xôi, lập ra một chi phái Thiếu Lâm tự ở Tây Vực. Võ công của phái Thiếu Lâm vốn do Đạt Ma tổ sư truyền từ Thiên Trúc tới Trung nguyên, rồi từ Trung nguyên phân chia ra một chi phái ở Tây Vực thì cũng đâu có gì lạ. Ba người kia nghe ngoại hiệu Côn Luân Tam Thánh của ta, cứ theo đòi tỷ võ với ta. Đi đâu họ cũng luôn miệng dương ngôn rằng võ công của phái Thiếu Lâm là thiên hạ vô địch, ta muốn xưng là “cầm thánh”, “kỳ thánh” gì gì cũng được tuốt, nhưng họ quyết không cho phép ta xưng “kiếm thánh”, họ đòi ta phải từ bỏ ngoại hiệu Tam Thánh. Đúng lúc đó ta gặp Doãn Khắc Tây, nghĩ bụng thôi thì nhân tiện đi Thiếu Lâm tự làm luôn hai việc một lần; ta bèn phái người hẹn với ba lão kia ở Thiếu Lâm tự, rồi khởi hành đi Trung nguyên liền. Ai dè ba vị ấy cũng nhanh chân phải biết, họ khởi hành sau ta mà cũng tới kịp rồi.
Quách Tương cười:
– Ồ, đầu đuôi câu chuyện là thế, hóa ra tiểu nữ đoán sai hết cả! Ba lão đó lúc này hẳn đã tới Thiếu Lâm tự, không biết họ sẽ nói gì đây?
Hà Túc Đạo nói:
– Ta với đám hòa thượng Thiếu Lâm tự vốn không quen biết, cũng chẳng thù oán gì nhau; sở dĩ ta hẹn mươi ngày là muốn chờ cho ba lão này tới kịp, ta mới hành động. Vừa nãy đánh nhau rồi, bây giờ hai ta cùng lên trên đó, đợi ta chuyển lại lời trối trăn của Doãn Khắc Tây, rồi xuống núi là xong.
Quách Tương cau mày, nói:
– Luật lệ của giới hòa thượng nhiều và nghiêm lắm, không cho nhi nữ vào chùa.
Hà Túc Đạo nói:
– Luật với chả lệ! Hai ta cứ tiến thẳng vào trong chùa, để xem ai giết nổi ai?
Quách Tương vốn tính hiếu kỳ, nhưng nàng đã kết giao với Vô Sắc thiền sư, cũng không có ý thù địch với Thiếu Lâm tự, nên nàng cười, lắc đầu:
– Tiểu nữ ở bên ngoài chờ tiên sinh, tiên sinh cứ vào trong mà chuyển lời cho đỡ phiền phức.
Hà Túc Đạo gật đầu:
– Vậy cũng được. Nhạc khúc ban nãy ta chưa đàn xong, chờ lát nữa ta sẽ đàn lại hầu cô nương.