Hồi 12: Kho báu

Địch Vân vượt tường vào, đến thư phòng của Vạn Chấn Sơn. Trời đã tờ mờ sáng, trong ánh sáng tờ mờ thấy một người nằm dưới đất, lại chính là Thích Phương. Địch Vân cả sợ, vội đánh lửa, thắp cây nến trên bàn, dưới ánh nến, thấy thân hình Thích Phương đầm đìa máu tươi, một cây chủy thủ cắm trên bụng.

Bên cạnh cô là cả một đống gạch ngổn ngang, tường đã bị thủng một lỗ hổng lớn, cha con họ Vạn đã không còn ở đó nữa.

Địch Vân cúi mình quỳ xuống bên cạnh Thích Phương, gọi:

– Sư muội, sư muội!

Chàng sợ hãi toàn thân run rẩy, giọng không thốt ra nổi, đưa tay sờ lên mặt Thích Phương, cảm thấy còn hơi ấm, mũi còn thở nhẹ. Chàng hơi định thần, lại gọi:

– Sư muội!

Thích Phương từ từ mở mắt, mặt thoáng một nét cười khổ, thều thào nói:

– Sư ca… muội… muội có lỗi với huynh.

Địch Vân khẽ nói:

– Muội đừng nói. Huynh… huynh đến cứu muội.

Chàng nhẹ nhẹ đặt Không Tâm Thái xuống một bên, tay phải ôm lấy thân thể Thích Phương, tay trái cầm lấy cây đoản đao muốn rút ra. Nhưng thấy lưỡi đao cắm sâu vào bụng cô, rút cây đao ra thì cô sẽ chết ngay lập tức, nên không dám rút, lo lắng không biết làm sao.

– Làm sao đây? Làm sao đây? Ai… ai đã hại muội?

Thích Phương cười khổ:

– Sư ca, người ta nói: một ngày chồng vợ… ôi, đừng nói nữa, muội… huynh đừng trách muội. Muội không nỡ nhẫn tâm, đến cứu chồng muội ra… y… y…

Địch Vân nghiến răng nói:

– Hắn… hắn… hắn lại đâm muội một đao, có phải không?

Thích Phương cười khổ, khẽ gật gật đầu.

Địch Vân lòng đau như dao cắt, mắt thấy Thích Phương tính mạng chỉ còn trong khoảnh khắc, nhát đao của Vạn Khuê đâm cô ghê gớm đến thế, dẫu thế nào cũng không thể cứu được nữa. Trong lòng chàng lại có một con rắn độc của nỗi ghen tuông đang cắn rứt: “Muội… muội rốt cuộc vẫn yêu chồng, thà mình chết cũng phải cứu hắn.”

Thích Phương thều thào:

– Sư ca, huynh nhận lời với muội chăm sóc cho Không Tâm Thái, coi nó là… là con gái của huynh.

Địch Vân ngậm ngùi, không nói, gật gật đầu, nghiến chặt răng:

– Thằng giặc ấy… đi đâu rồi?

Ánh mắt Thích Phương dại đi, giọng nói mơ hồ như vọng về từ cõi xa xăm:

– Trong hang núi ấy… hai con bướm hoa bay vào, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài… Sư ca, huynh nhìn, huynh nhìn kìa! Một con là huynh, một con là muội. Hai đứa mình… bay đi bay lại như thế, mãi mãi không phân ly, huynh bảo có tốt không?

Giọng cô nhỏ dần, hơi thở yếu dần.

Địch Vân một tay ôm Không Tâm Thái, một tay ôm Thích Phương nhảy qua bức tường nhà họ Vạn ra ngoài. Chàng vốn muốn cho một mồi lửa đốt rụi nhà họ Vạn, nhưng rồi lại nghĩ: “Nhà này mà bị cháy thì cha con họ Vạn không trở về nữa, muốn báo thù cho sư muội thì phải để ngôi nhà này lại.”

Địch Vân chạy đến mảnh vườn hoang nơi Đinh Điển qua đời, đào một cái huyệt dưới gốc mai chôn thi thể Thích Phương, cây đoản đao thì giữ bên mình. Chàng quyết tâm dùng cây đao này lấy mạng cha con họ Vạn.

Chàng đau lòng đến nỗi không khóc được, chỉ tự trách mình: “Sao không đánh chết hai tên ác tặc trước khi nhét chúng vào hốc tường? Vì sao lại sơ suất đến thế để sư muội bị chúng hại chết?”

Không Tâm Thái khóc hoài không nín, cứ kêu gào:

– Mẹ, mẹ!

Nó kêu đến nỗi Địch Vân tâm thần hoảng loạn. Thế là chàng tìm một nhà nông ở ngoài thành Giang Lăng, gửi mười lạng bạc nhờ một bà nông dân chăm sóc con bé.

Chàng ngày ngày đêm đêm rình quanh nhà họ Vạn, nửa tháng trôi qua, không hề thấy tung tích cha con họ Vạn. Điều quái lạ là mấy người bọn Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên, Phùng Thản, Thẩm Thành cũng “bốc hơi” đâu hết không hề đến nhà họ Vạn. Bọn đầy tớ thì hoảng loạn cuống cuồng như đám nhặng xanh, có đứa bắt đầu ăn trộm đồ đạc trốn đi, có đứa thì cãi lộn đánh mắng nhau.

Trong thành Giang Lăng lại có rất nhiều nhân vật võ lâm từ bốn phương tám hướng tụ về.

Một buổi tối, Địch Vân nghe cuộc trò chuyện của mấy nhân vật giang hồ hào khách:

– Bộ Liên thành kiếm quyết kia thì ra là giấu trong một bộ “Đường thi tuyển tập”, bốn chữ đầu là “Giang Lăng thành nam”.

– Đúng đấy, mấy ngày nay nhiều người nghe phong thanh mà tìm đến. Nhưng không biết sau bốn chữ kia còn những chữ gì.

– Cần gì biết những chữ sau nữa? Chúng ta chỉ cần phục ở phía nam thành Giang Lăng. Có người đào kho báu, cho họ lấy rồi mình chặn đường cướp.

– Không sai. Dù không cướp được thì ít nhất cũng được chia một phần. Người thấy là có phần, anh em ta không được chút gì sao?

– Hi hi! Các hiệu sách trong thành Giang Lăng mấy hôm nay người mua “Đường thi tuyển tập” rõ nhiều. Hôm nay tớ đến một hiệu sách, còn chưa mở miệng, người bán sách đã hỏi: “Đại gia ngài muốn mua “Đường thi tuyển tập” phải không? Bộ sách này chúng tôi mua từ Hán Khẩu về, muốn mua xin đến sớm, đến muộn e rằng bán hết rồi.” Tớ rất lấy làm lạ, bèn hỏi: “Sao ông biết tôi muốn mua “Đường thi tuyển tập”?” Đằng ấy đoán xem y nói sao?

– Chả biết! Y nói sao?

– Mẹ nó chứ. Y nói: Không giấu gì lão nhân gia, mấy hôm nay rất nhiều người ngực nở bụng lớn mang đao mang kiếm đến hiệu sách, mười người thì mười một người muốn mua “Đường thi tuyên tập”, năm lạng bạc một quyển, ngài chịu không?

– Tổ cha nó, đâu có sách nào đắt thế?

– Đằng ấy biết giá sách à? Đằng ấy đã mua chưa?

– Ha ha, bố già này cả đời có đến cửa hiệu sách bao giờ. Sách mấy chả vở, bố già này một đời chỉ thích đánh bạc, ăn là được, mua sách xưa nay chưa từng. Hi hi, hi hi!

Địch Vân nghĩ thầm: “Bí mật trong “Liên thành kiếm quyết” đã truyền ra rồi, ai truyền ra nhỉ? Phải rồi, lời của cha con họ Vạn đã bị đám Lỗ Khôn nghe lỏm được. Vạn Chấn Sơn muốn truy cho ra, mấy đứa đồ đệ đào tẩu hết. Thế là người biết càng ngày càng đông.”

Nhớ lại những ngày cùng ở trong tù với Đinh Điển, cũng có nhiều giang hồ hào sĩ nghe phong thanh mà tìm đến nhưng đều bị Đinh Điền đánh chết hết. “Ôi, đại sự của Đinh đại ca còn chưa làm. Việc của Đinh đại ca còn quan trọng hơn việc báo thù của mình.”

* * *

Thân phụ của Lăng tiểu thư là tri phủ phủ Giang Lăng. Địch Vân đến hiệu quan tài, hiệu bán bia mộ lớn nhất thành Giang Lăng để nghe ngóng, biết được phần mộ của Lăng tiểu thư táng ở trên một ngọn đồi nhỏ cách cửa đông thành Giang Lăng mười hai dặm.

Chàng mua cái cuốc chim, một cái xẻng, đi ra cửa đông, tìm đến phần mộ. Trên bia mộ đề: “Ái nữ Lăng Sương Hoa chi mộ”. Trước mộ không có hoa cũng không có cây. Lăng cô nương lúc sống rất yêu hoa tươi, phụ thân của nàng lại chẳng trồng cho nàng lấy một cây.

“Ái nữ, ái nữ, hi hi, ngươi thực yêu con gái ư?” Chàng cười nhạt, nghĩ đến Đinh Điển và Thích Phương, không cầm được nước mắt.

Vạt áo chàng đẫm ướt vì nước mắt nhớ thương Thích Phương, trước mộ Lăng Sương Hoa lại thấm thêm nước mắt.

Quanh quả đồi không có nhà cửa, lại ở rất xa đường lớn nên chẳng có người qua lại. Nhưng ban ngày cũng không thể đào mộ. Đợi mãi đến khi trời tối chàng mới bắt đầu đào, lại đào cả những phiến đá bao quanh, quan tài hiện ra.

Trải qua mấy năm gian nan khốn khổ, Địch Vân đã không còn dễ xúc động, không dễ dàng rơi lệ, nhưng dưới ánh trăng thê lương ảm đạm, thấy cỗ quan tài nhớ đến Đinh đại ca vì cỗ quan tài này mà chết lại không thể không đau lòng đau lòng rơi lệ. Lăng Thoái Tư đã bôi chất kịch độc “Kim ba tuần hoa” lên cỗ quan tài này, tuy ngày tháng đã lâu rồi, hơn nữa khi đem cỗ quan tài này đi chôn chắc cũng đã lau chất độc đi rồi nhưng chàng không dám đụng tay vào nắp quan tài. Chàng rút cây huyết đao, lách mũi đao vào kẽ hở nắp quan tài khẽ nạy lên. Cây huyết đao này chém sắt chặt đá như không, gặp gỗ chỉ như thái đậu phụ, chàng không cần dùng sức đã có thể nhanh chóng bóc được nắp quan tài.

Bỗng thấy trong quan tài hai cánh tay đã rữa nát vẫn còn giơ lên, nắp quan tài vừa bay ra, hai cánh tay liền rơi xuống như là đang cử động. Địch Vân giật mình, thầm nghĩ: “Tại sao khi nhập quan hai cánh tay Lăng tiểu thư lại giơ lên như thế? Thật lạ lùng.” Chỉ thấy trong quan tài không có áo liệm cũng không có chăn và vải liệm. Lăng tiểu thư chỉ mặc một bộ áo quần mỏng.

Địch Vân lầm rầm khấn:

– Đinh đại ca, Lăng tiểu thư, hai người khi sống không được thành vợ chồng, sau khi chết ý nguyện được chôn chung một mồ cuối cùng đã được đền bù. Huynh tẩu có thiêng cũng có thể ngậm cười nơi chín suối.

Chàng mở cái bao mang trên lưng, mở ra, dốc tro thi hài Đinh Điển lên thi thể Lăng Tiểu thư. Chàng quỳ dưới đất cung cung kính kính lạy bốn lạy, rồi đứng dậy, lấy cái túi đựng tro bao tay lại rồi nhắc cái nắp lên, định đậy quan tài lại.

Dưới ánh trăng nghiêng soi, thấy phía trong nắp quan tài có nét chữ mờ mờ. Địch Vân ghé lại gần xem, thấy mấy chữ ấy xiên xiên xẹo xẹo, viết rằng: “Đinh lang, Đinh lang, kiếp sau nguyện làm chồng vợ”.

Trong lòng Địch Vân lạnh buốt, ngồi ngay xuống đất, mấy chữ này rõ ràng là khắc bằng móng tay. Chàng trầm ngâm suy nghĩ một lúc bỗng hiểu ra: “Lăng tiểu thư bị phụ thân của nàng chôn sống. Khi bị bỏ vào quan tài nàng vẫn chưa chết. Mấy chữ này là do nàng dùng móng tay khắc lúc sắp chết. Vì thế mà đến khi chết hai tay nàng vẫn giơ lên. Thiên hạ lại có người cha lòng lang dạ sói như thế! Đinh đại ca thủy chung bất khuất, Lăng cô nương thủy chung không phụ Đinh đại ca.

Phụ thân nàng càng chờ càng hận, cuối cùng đã hạ độc thủ thế này đây.” Lại nghĩ: “Lăng tri phủ phát hiện Đinh đại ca vượt ngục, biết nhất định sẽ tìm đến thăm Lăng cô nương, nên đã bôi chất kịch độc “Kim ba tuần hoa” lên ngoài quan tài làm một cái bẫy. Lòng dạ của kẻ này còn độc gấp trăm lần chất độc Kim ba tuần hoa.”

Chàng ghé đến gần cái nắp áo quan, xem lại hai hàng chữ kia một lần nữa. Chỉ thấy dưới hai hàng chữ kia lại có ba hàng chữ, đều là những số: “Năm mươi mốt, ba mươi ba, hai mươi tám…”, Địch Vân hít vào một hơi, nghĩ thầm: “Đúng rồi, Lăng cô nương cho đến khi lâm chung vẫn nhớ tâm nguyện hợp táng với Đinh đại ca. Nàng đã đáp ứng lời Đinh đại ca, nếu có ai hợp táng nàng với Đinh đại ca thì sẽ báo với người đó bí mật của “Liên thành kiếm quyết”. Trong mảnh vườn hoang kia Đinh đại ca đã nói với mình một ít, nhưng chưa nói xong thì chất độc phát mà chết, bí mật trên bản kiếm phổ kia của sư phụ bị nước mắt của sư muội làm ướt mới hiện ra được mấy chữ thì lại bị cha con họ Vạn xé nát. Mình đã nghĩ rằng bí mật kia từ đó tan thành mây khói, nào ngờ Lăng cô nương lại viết ở đây.”

Chàng ngậm ngùi khấn: “Lăng cô nương, cô nương thật là người giữ chữ tín, đa tạ lòng tốt của cô nương, nhưng lòng tôi đã thành tro nguội, hận không thể đào một cái huyệt tự chôn mình, ở bên cạnh cô nương và Đinh đại ca. Chỉ vì đại thù chưa báo, còn phải giết cha con họ Vạn và phụ thân của cô nương. Vàng bạc châu báu trong mắt tôi chỉ như bùn đất.” Nói rồi chàng nhấc cái nắp quan tài, đang sắp đậy lại, chợt một ý nghĩ lóe lên: “A, đúng rồi! Cha con họ Vạn lúc này không biết đang trốn ở đâu, kiếp này chỉ sợ không tìm được chúng, nhưng nếu đem bí mật của kho báu viết lên một chỗ nào dễ thấy, cha con họ Vạn tất nhiên sẽ nghe tin mà đến xem. Không sai, bí mật này là miếng mồi lớn. Cha con họ Vạn dù có nghi ngờ, mười phần cẩn thận cũng không thể không đến xem bí mật này.”

Chàng đặt cái nắp quan tài xuống, xem rõ ràng các chữ số, dùng mũi huyết đao khắc từng chữ từng chữ lên lưỡi xẻng, sau khi khắc xong lại đối chiếu cho khỏi sai rồi mới đậy nắp quan tài, đặt các phiến đá vào xung quanh, cuối cùng đắp mộ lại tử tế.

“Tâm nguyện lớn này đã hoàn thành! Sau khi báo thù xong, phải trồng ở đây mấy trăm cây hoa cúc. Đinh đại ca và Lăng cô nương yêu hoa cúc nhất. Tốt nhất là tìm được loại lục cúc nổi tiếng xuân thủy bích ba.”

* * *

Sáng sớm hôm sau, trên bức tường bên cạnh cửa nam thành Giang Lăng xuất hiện rõ mồn một ba hàng chữ số viết bằng vôi. Mỗi chữ vuông lớn một thước, từ xa đã có thể nhìn thấy: “Bốn, năm mươi mốt, ba mươi ba, hai mươi tám…” Kỳ lạ nhất là mấy hàng chữ này cách mặt đất hơn hai trượng, trong thành Giang Lăng này e rằng không có cái thang nào dài đến thế để có thể trèo lên đến đó mà viết, trừ phi là dùng dây buộc vào mình, từ trên mặt thành thòng xuống treo mình lơ lửng mà viết.

Ở bên chân thành cách mấy hàng chữ kia hơn mười trượng, Địch Vân đóng giả làm ăn mày, cởi chiếc áo bông rách ngồi dưới ánh mặt trời bắt rận.

Người người đổ đến cửa nam, chỉ mấy canh giờ, trên đường phố, trong quán trà… khắp thành Giang Lăng đâu đâu cũng có người bàn tán, cũng có nhiều người đến cửa nam để nhìn tận mắt. Nhưng những chữ số này, ngoài vị trí viết đặc biệt ra thì chẳng có gì là đẹp, những người vô công rỗi nghề xem một lúc, đoán già đoán non một hồi rồi lại bỏ đi, chỉ có mấy kẻ giang hồ hào khách là ở lại.

Trong tay những người này đều cầm một bản “Đường thi tuyển tập”, sao những chữ số trên tường thành lại, nhăn mày nhăn mặt suy nghĩ.

Địch Vân thấy Tôn Quân đến, Thẩm Thành đến. Một lúc sau Lỗ Khôn cũng đến.

Nhưng bọn họ không biết thứ tự các chiêu trong “Liên thành kiếm pháp”, tuy trong tay mỗi người đều có một bản “Đường thi tuyển tập”, tuy những chữ số viết thật to trên tường thành, lại biết rằng những chữ số này nhất định là bí mật trong kiếm phổ, tuy có nghe lỏm được từ sư phụ và con trai lão cách tra tìm bí mật nhưng không biết mỗi chữ số là ở trong bài thơ nào để tra.

Trên đời này chỉ có ba người Vạn Chấn Sơn, Ngôn Đạt Bình, Thích Trường Phát là biết được.

Ba người bọn Lỗ Khôn xì xào bàn bạc. Cách quá xa, Địch Vân không nghe được lời của họ. Chỉ thấy ba người nói chuyện một lúc rồi bỏ đi.

Một lúc sau ba người đều hóa trang quay trở lại. Một người giả làm người bán trái cây gánh một gánh quýt, một người đóng vai bán rau, còn một người giả làm nông phu vác cuốc. Ba người ngồi dưới chân tường thành, chăm chú nhìn người qua lại.

Địch Vân đoán được tâm tư của chúng – chúng đang đợi Vạn Chấn Sơn tới. Chúng không giải được bí mật này, nhưng chỉ cần đi theo Vạn Chấn Sơn thì có thể tìm được kho báu, dù không đoạt được thì cũng hy vọng được chia một phần. Gặp lại sư phụ đương nhiên là nguy hiếm muôn phần, nhưng muốn phát đại tài thì sá gì nguy hiểm.

Bốn chữ số đầu của “Liên thành kiếm phổ” sớm đã được truyền ra – “bốn, năm mươi mốt, ba mươi ba, hai mươi tám”, đó là “Giang Lăng thành nam”. Sau bốn chữ số đó là một dãy chữ số nữa, dẫu có là người ngu xuẩn thì cũng nghĩ đó là những bí mật trong kiếm phổ.

Người đến ngồi dưới chân tường thành mỗi lúc một đông, có người hóa trang, có người thì xuất hiện với bản lai diện mục, Địch Vân đếm cả thảy bảy mươi tám người. Lại một lúc sau, Bốc Viên và Phùng Thản cũng đến, hai đứa không hiểu vì tranh chấp việc gì mà đỏ mặt tía tai, suýt đánh nhau, nhưng rồi cũng bình tĩnh lại, ngồi xuống bên hộ thành hà.

Đợi đến chiều, cha con họ Vạn vẫn không xuất hiện. Đợi đến gần tối, cha con họ Vạn vẫn không xuất hiện. Nhiều người đã mở miệng chửi. Tổ tông nhà họ Vạn bỗng danh tiếng vang lừng, đặc biệt là bà già của Vạn Chấn Sơn.

Trời sắp tối, một người dáng vẻ thầy đồ cầm tờ giấy, một hộp mực, một cây bút, nghiêng nghiêng ngó ngó sao lại mấy hàng chữ trên tường. Một đại hán đang bực bội mà không có chỗ xả hơi, túm lấy người kia, hỏi:

– Ngươi sao những chữ này làm gì?

Thầy đồ nói:

– Lão phu tự có chỗ dùng, tha nhân hà tất vấn dã.

Đại hán kia sừng sộ:

– Ngươi có nói không? Không nói, bố mày tẩn cho bây giờ.

Rồi y vung nắm đấm to như cái tô dứ dứ trên mũi “thầy đồ” nọ.

Thầy đồ run bắn, nói:

– Là người… người ta bảo tôi tới sao.

Đại hán lại quát hỏi:

– Ai bảo ngươi sao?

Thầy đồ đáp:

– Một vị lão tiên sinh. Không… không giấu gì ông, chính là lão tiên sinh Vạn Chấn Sơn đại danh lừng lẫy ở bản thành. Ngài… ngài có dám đắc tội với lão nhân gia không?

Ba tiếng “Vạn Chấn Sơn” vừa buột khỏi mồm y, mọi người vui mừng “ồ” lên. Địch Vân càng vui mừng, trong nỗi vui mừng ấy pha lẫn bao nỗi cừu hận và xót xa.

* * *

Thầy đồ run rẩy đi trước, bước thấp bước cao, chấm chấm phết phết đi về hướng đông, hơn trăm người đi theo từ xa xa. Vạn Chấn Sơn đã không đến thì đi tìm Vạn Chấn Sơn. Chỉ có lão mới am hiểu bí mật. Điều này đã quá rõ. Họ người đông thế mạnh quyết bức Vạn Chấn Sơn phải đi tìm kho báu. Nhiều người khen đại hán kia:

– May nhờ có ông anh thông minh, tại sao chúng ta lại không nghĩ đến việc Vạn Chấn Sơn sẽ phái người đến sao các chữ số nhỉ? Nếu không có ông anh tụi này cứ đợi bên chân tường thành ba ngày ba đêm, Vạn Chấn Sơn đã bệ mất kho báu rồi.

Đại hán kia rất đắc ý:

– Lão tú tài kiết xác này cứ ma ma quỷ quỷ, tôi đoán việc lão làm chẳng tốt lành gì.

Y nói cứ như việc y làm là tốt lành vậy.

Địch Vân trà trộn trong đám người, thoáng cảm thấy: “Vạn Chấn Sơn là tay cáo già quyết không thể để cho người ta tìm thấy được. Trong việc này chắc chắn có quỷ kế gì đây.”

Lúc đoàn người đã rời cửa nam mấy dặm, Địch Vân ngoảnh đầu lại nhìn về phía tường thành, thoáng thấy một bóng người từ phía tường thành chạy qua nhanh như bay, lao về hướng tây.

Địch Vân nghĩ: “Đám người này bám theo thầy đồ kia, không sợ y chạy mất. Nếu họ tìm được Vạn Chấn Sơn sớm cũng quyết không rời lão. Trong cái thành Giang Lăng to lớn này, muốn tìm cha con họ Vạn thì rất khó khăn nhưng muốn tìm một đám đông huyên náo thì dễ như trở bàn tay, mình hà tất phải đi cùng đám người này.”

Chàng lập tức vụt tới nấp sau một gốc cây, quay mình triển khai khinh công lao về cửa nam, rồi chạy về hướng tây. Địch Vân lao nhanh theo bóng người kia, uống chưa xong chén trà thì đã đuổi kịp. Người kia khinh công rất giỏi nhưng so với Địch Vân thì còn kém xa. Người ấy cũng không hề biết có người bám theo, vẫn cứ vùn vụt lao đi.

Địch Vân thấy người ấy chạy đến trước một căn nhà nhỏ, đẩy cửa bước vào. Địch Vân giữ ở ngoài cửa, đợi người ấy ra. Lát sau, lại thấy ánh đèn hắt ra từ cửa sổ ngôi nhà nhỏ.

Chàng phóng đến bên cửa sổ, qua khe cửa nhìn vào trong nhà, thấy một ông già đang ngồi xoay lưng ra phía cửa sổ, nhìn không thấy mặt.

Ông già kia mở ra một cuốn sách trên bàn, Địch Vân thấy liền biết ngay là “Đường thi tuyển tập”.

Cuốn sách này những ngày gần đây lưu hành rộng rãi trong thành Giang Lăng, ông già này có một bản cũng là chuyện dễ hiểu. Chỉ thấy ông ta lấy ra một cây bút cùn, viết ra trên giấy bốn chữ “Giang Lăng thành nam”, rồi ông ta lẩm nhẩm đếm:

– Năm, mười, mười lăm, mười sáu, chữ thứ mười sáu. Rồi viết lên giấy một chữ “thiên” (chếch về).

Địch Vân giật mình: “Người này có thể tra được chữ trong “Đường thi tuyển tập”, lẽ nào ông ta cũng biết “Liên thành kiếm pháp”?” Nhìn sau lưng thì biết ông ta không phải là Vạn Chấn Sơn. Ông già mặc một bộ áo màu tro cũ kỹ, nhìn không ra thân thế.

Chỉ thấy ông ta tra sách một hồi, bấm đốt ngón tay đếm rồi lại viết ra một chữ, cả thảy hai mươi sáu chữ, với cả bốn chữ đã biết kia nữa là ba mươi chữ:

Giang Lăng thành nam thiên tây

Thiên Ninh tự đại điện Phật tượng

Hướng chi kiền thành mô bái

Thông linh chúc cáo

Như Lai tứ phúc

Vãng sinh cực lạc.”

(Chếch về phía tây nam thành Giang Lăng

Tượng Phật ở đại điện chùa Thiên Ninh,

Thành kính vái lạy tượng Phật,

Cầu khấn thông linh

Như Lai ban phúc

(cho) Vãng sinh cực lạc)

* * *

Lão già nổi giận, nện cán bút xuống bàn, nói:

– “Thành kính vái lạy tượng Phật, cầu khấn thông linh” cái đếch gì, lại “Như Lai ban phúc vãng sinh cực lạc” cái đếch gì! Con mẹ nó chứ, “vãng sinh cực lạc”, thế chẳng phải là bảo người ta đi gặp Diêm Vương sao?

Địch Vân nghe giọng nói của người này quen quen, đang còn suy nghĩ, thì lão già bỗng nghiêng đầu quay mặt lại. Địch Vân vội rùn người nấp xuống dưới cửa sổ, thầm nói: “Là nhị sư bá, thảo nào ông ta biết kiếm chiêu. Đây mà là bí mật gì? Thì ra là đùa cợt người ta.” Nhịn không được tức cười: “Bao nhiêu người phí bao nhiêu tâm huyết, không tiếc tay giết thầy, hại đồng môn, hóa ra chỉ là một lời đùa bỡn người ta.”

Chàng chưa cười ra tiếng, nhưng trong nhà, Ngôn Đạt Bình lại cười lớn:

– Ha ha, bảo ta thành kính vái lạy Phật Như Lai, cầu khấn thông linh, cái lão Bồ Tát thối tha bằng đất sét này lại ban phúc cho ta, ha ha, con mẹ nó chứ, bảo bố mày “vãng sinh cực lạc”. Chúng ta hợp lực giết sư phụ, ba huynh đệ lại tranh đoạt nhau, hóa ra là mọi người tranh nhau “vãng sinh cực lạc”. Mấy trăm anh hùng hảo hán, lưu manh trộm cướp trong thành Giang Lăng tranh đi đoạt lại, đều chỉ vì muốn “vãng sinh cực lạc”, ha ha, ha ha!

Trong tiếng cười lại đầy vẻ thê lương. Lão vừa cười vừa xé tan nát quyến sách giấy vàng.

Bỗng lão đứng im, hai mắt ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ.

Địch Vân nghĩ: Sở dĩ mình gặp đại nạn, Thích Phương sở dĩ chết thảm, nguyên nhân đều tại bí mật “Liên thành kiếm quyết” này, không nhịn được cũng muốn cất tiếng cười dài.

Chính lúc ấy, chỉ thấy Ngôn Đạt Bình nhìn ra cửa sổ, tựa hồ như thấy cái gì. Lão lẩm bẩm:

– Đã đến nước này rồi, đi đến chùa Thiên Ninh xem xem, cũng chẳng hại gì. Ở phía nam thành Giang Lăng chếch về tây đúng là có một ngôi chùa cổ.

Lão vẫy tay một cái tắt ngọn đèn dầu, đẩy cửa bước ra, triển khai khinh công chạy về hướng tây.

Địch Vân hơi do dự: “Mình đi tìm Vạn Chấn Sơn chứ? Hay là đi theo Ngôn sư bá? Ầ y, một đám người đông thế kia thì tìm dễ ợt, hay là hãy đi theo Ngôn sư bá xem sao cái đã.” Bèn bám sát theo bóng Ngôn Đạt Bình.

Chưa tới nửa canh giờ, Ngôn Đạt Bình đã đến phía ngoài chùa Thiên Ninh. Trước hết lão ở ngoài chùa nghe ngóng một lúc, lại đi quanh chùa một vòng, nghe thấy trong chùa ngoài chùa đều im ắng, không một bóng người, lão mới đẩy cửa bước vào.

Chùa Thiên Ninh này ở nơi vắng vẻ, lâu năm không được tu sửa, trong chùa cũng không có hòa thượng. Ngôn Đạt Bình đến đại điện, đánh lửa định thắp cây nến trên bệ thờ, dưới ánh lửa thấy lệ nến hình như mới nhỏ ra, hơi giật mình, đưa tay miết miết, quả nhiên lệ nến còn mềm, hẳn là có người mới thắp nến. Lão sinh nghi, thổi tắt mồi lửa, đang định bước ra ngoài xem xét, bỗng cảm thấy sau lưng đau nhói, một lưỡi đao sắc đã cắm vào thân, lão rú lên một tiếng, mất mạng tức thì.

Địch Vân nấp ở sau lớp cửa thứ hai, chỉ thấy ánh lửa tắt, Ngôn Đạt Bình rú lên, biết là lão đã bị ám toán, sự việc xảy ra quá đột ngột, chàng không kịp cứu. Chàng lặng yên bất động, muốn nhìn xem người đã ám sát Ngôn Đạt Bình là ai. Trong tối tăm chỉ nghe thấy một người cười lạnh lẽo “Hi hi hi”. Âm thanh đập vào tai, Địch Vân nổi gai xương sống, tiếng cười thật âm sâm rùng rợn mà lại vô cùng quen thuộc.

Bỗng ánh sáng lóe lên, có người thắp nến, ánh nến chiếu lên thân hình người kia. Người kia chầm chậm quay mặt lại.

Địch Vân suýt buột mồm kêu lên: “Sư phụ!”

Người ấy chính là Thích Trường Phát.

Lão đá vào thi thể Ngôn Đạt Bình một cú, rút thanh trường kiếm sau lưng, lại đâm mấy nhát vào lưng.

Địch Vân thấy sư phụ giết sư huynh đồng môn, thủ đoạn lang độc tàn nhẫn đến thế, hai tiếng “sư phụ” mới đến cửa miệng đã nghẹn cứng lại.

Thích Trường Phát hi hi cười lạnh lẽo:

– Nhị sư ca, sư ca cũng đã tra được bí mật trong “Liên thành kiếm phổ” rồi, phải không? Hi hi! “Giang lăng thành nam thiên tây, Thiên Ninh tự đại điện Phật tượng, hướng chi kiền thành mô bái, thông linh chúc cáo”, ha ha, nhị sư ca, trong kiếm phổ nói “Như Lai tứ phúc vãng sinh cực lạc”, sư ca bây giờ chẳng phải là đã “vãng sinh cực lạc” rồi ư?

Lão quay đầu lại, nhìn pho tượng Phật Như Lai gương mặt hiền từ. Mặt Thích Trường Phát trông gớm ghiếc, hăm hăm nhìn pho tượng một lúc rồi cất tiếng:

– Con mẹ mày chứ, lão phật thối tha kia, giễu cợt bố mày suốt một đời, làm hại ta thật là đến khổ!

Lão vọt lên bệ thờ, vung trường kiếm, “choang choang choang choang” ba tiếng chém mạnh ba nhát vào bụng pho tượng Phật.

Tượng Phật bằng đất sét, nhưng ba nhát kiếm chém vào lại phát ra tiếng choang choang của kim thuộc. Thích Trường Phát ngớ người, lại chém hai nhát, cảm thấy chỗ kiếm chém vào cực kỳ cứng rắn. Lão cầm chiếc nến ghé đến gần xem thử, thấy vết kiếm hằn sâu, lóe ra ánh sáng vàng chói lọi, Thích Trường Phát ngẩn ra, đưa ngón tay lột đất sét ở nơi hai vết chém, thấy lấp lánh phát sáng, bên trong là vàng. Lão không nhịn được reo lên:

– Phật vàng, đều là vàng, đều là vàng!

Pho tượng Phật cao hơn ba trượng, to lớn béo mập, vượt xa những pho tượng bình thường, nếu toàn thân đều toàn bằng vàng đúc thành thì ít ra cũng đến năm sáu vạn cân, chẳng phải kho báu thì còn là gì nữa?

Lão vui sướng phát cuồng, nghĩ ngợi một chút rồi đi vòng ra sau lưng pho tượng, đưa kiếm lên nậy, bóc, thấy ngang eo lưng pho tượng hình như có một cánh cửa chìm nho nhỏ, lão tiếp tục bóc, đất sét rơi lả tả, trường kiếm bóc mấy chục lỗ mới bóc hết đất sét quanh cánh cửa chìm.

Cánh cửa chìm cũng đúc bằng vàng. Thích Trường Phát lách mũi kiếm vào khe hở cạy mấy nhát, mừng không kể xiết, tâm thần hoảng loạn cả lên, “phách” một tiếng, trường kiếm gãy lìa.

Lão đưa nửa thanh kiếm gãy, lại cạy ở phía khác cánh cửa chìm. Cạy mấy nhát nữa thì cánh cửa chìm từ từ rời ra. Thích Trường Phát vứt đoạn kiếm gãy, thò ngón tay nhẹ nhàng gỡ cánh cửa chìm ra, giơ cây nến rọi vào, chỉ thấy trong bụng pho tượng lấp lánh ánh sáng ngọc ngà châu báu xán lạn, không biết trong khoang bụng to lớn này cất giấu bao nhiêu trân châu bảo bối.

Thích Trường Phát nuốt nước miếng, đang muốn thò tay vào trong bụng Phật lôi châu báu ra xem, chợt cảm thấy bệ thờ hơi rung rinh, lão biết có chuyện khác lạ, nhảy phắt xuống, chân trái vừa chạm đất thì bụng dưới đau nhói, đã bị điểm huyệt, “bịch” một tiếng, lão ngã phịch xuống đất.

Dưới bệ thờ chui ra một người, ngoẹo đầu cười nhạt nói:

– Thích sư đệ, đệ tìm được đến đây, lão nhị tìm được đến đây, sao không nghĩ rằng đại sư ca cũng tìm được đến đây!

Người nói chính là Vạn Chấn Sơn.

Thích Trường Phát phát hiện ra kho báu là nhờ lão tinh tế hơn người, nhưng thấy bao nhiêu là châu báu rốt cuộc lão cũng không khỏi mừng rơn mà sơ suất. Lão hậm hực nhìn Vạn Chấn Sơn, hằn học nói:

– Lần thứ nhất ngươi giết ta không chết không ngờ cuối cùng ta lại chết dưới tay ngươi.

Vạn Chấn Sơn cực kỳ đắc ý:

– Ta đang lấy làm lạ, Thích sư đệ, ta bóp chết ngươi, chôn ngươi vào trong hốc tường, làm sao ngươi lại sống lại được?

Thích Trường Phát nhắm mắt không đáp.

Vạn Chấn Sơn nói tiếp:

– Ngươi không trả lời, lẽ nào ta không đoán ra. Lúc ấy ngươi địch không nổi ta bèn nín thở giả chết, sau khi bị chôn vào hốc tường, ngươi lại thoát ra. Giỏi lắm! Bản lĩnh thật cao cường! Lúc ấy ta thấy có một viên gạch nhô ra cảm thấy hơi lạ, nhưng không thể nào nghĩ ra rằng, nó bị ngươi trong khi vùng vẫy đã đạp lồi ra.

Vạn Chấn Sơn ngày ấy, sau khi chôn Thích Trường Phát vào trong hốc tường, hôm sau thấy có một viên gạch nhô ra, việc ấy khiến lão không yên tâm nên mới mắc bệnh mộng du, cứ trong mơ lại dậy xây tường. Lão luôn sợ xác chết của Thích Trường Phát từ trong hốc tường chui ra, vì thế trong lúc ngủ mơ cứ hết lần này đến lượt khác dậy xây cho thật kín bức tường. Lão lại cười nhạt nói:

– Hi hi, ngươi thật là lợi hại, giương mắt nhìn con gái làm con dâu của ta mà vẫn không xuất hiện. Ta hỏi ngươi, vì sao lại thế? Vì sao lại thế?

Thích Trường Phát nhổ một bãi đờm vào Vạn Chấn Sơn.

Vạn Chấn Sơn né người tránh, lại cười:

– Lão tam, đệ muốn chết một cách gọn ghẽ, hay thích huynh băm vằm ra?

Nét mặt Thích Trường Phát đầy vẻ sợ hãi. Lão nói:

– Được, ta nói cho ngươi biết. Con gái ta lấy trộm kiếm phổ của ta, giấu vào trong hang núi, ngươi bảo nó có phải là người tốt không? Ta vẫn ngầm theo dõi. Họ Vạn kia, ngươi cứ thoải mái giết ta đi!

Vạn Chấn Sơn cười nanh ác:

– Được, cho đệ được thoải mái. Theo lý mà nói, không cho đệ được hưởng cái thú phân thây vạn mảnh là vì sư ca của đệ không có thời gian; huynh còn phải mau mau lấy đất sét tô lại pho tượng. Hảo sư đệ, đệ ngoan ngoãn lên đường nhé!

Nói rồi lão vung trường kiếm, nhằm ngực Thích Trường Phát đâm tới.

Bỗng, một đạo hồng quang lóe sáng, cánh tay phải của Vạn Chấn Sơn bị tiện ngang cùi chỏ cùng với thanh kiếm rơi xuống đất, rồi thân hình lão bị đá một cú văng ra. Chính là Địch Vân đã dùng huyết đao cứu tính mạng Thích Trường Phát.

Chàng cúi mình giải khai huyệt đạo cho Thích Trường Phát, nói:

– Sư phụ, sư phụ bị kinh hãi rồi!

Biến cố quá nhanh, Thích Trường Phát ngớ người ra một lúc, rồi mới nhận ra:

– Vân… Vân nhi, là con đấy à?

Địch Vân và sư phụ xa nhau đã lâu, nay mới lại được nghe hai tiếng “Vân nhi”, không nén nổi xúc động buồn thương, chàng khẽ nói:

– Dạ, sư phụ, chính là Vân nhi đây.

Thích Trường Phát nói:

– Tất cả những việc này, con đều nhìn thấy hết rồi.

Địch Vân khẽ gật đầu, chàng nói:

– Sư muội, sư muội… muội… muội…

Vạn Chấn Sơn đứt một cánh tay, giãy giụa bò dậy, lao ra ngoài chùa. Thích Trường Phát chạy vọt tới, đâm một nhát kiếm từ sau lưng tới, thâu xuyên qua ngực. Vạn Chấn Sơn rú lên thảm thiết, chết ngay tại chỗ.

Thích Trường Phát nhìn thi thể hai vị sư huynh, chậm rãi nói:

– Vân nhi, may nhờ con đến kịp cứu tính mạng sư phụ. Ê, có ai đang tới kìa? Là Phương nhi à? Nói rồi lão đưa tay chỉ về phía góc điện thờ.

Địch Vân nghe hai tiếng “Phương nhi”, trái tim rúng động, quay đầu nhìn nhưng chẳng thấy ai, đang kinh ngạc bỗng cảm thấy lưng đau nhói. Chàng trở tay chụp lấy cổ tay của kẻ đánh lén, ngoảnh đầu lại, chỉ thấy tay người ấy cầm một cây chủy thủ sáng loáng, chính là sư phụ Thích Trường Phát. Địch Vân hoang mang ngỡ ngàng, lắp bắp:

– Sư… sư phụ… đệ tử phạm tội gì? Sư phụ muốn giết con à?

Lúc này chàng mới nghĩ ra, vừa rồi sư phụ đã đâm một nhát dao găm (chủy thủ) vào lưng mình, nhờ mình có áo tằm đen hộ thân mới thoát chết.

Thích Trường Phát bị chàng nắm chặt cổ tay, nửa người tê dại, không còn một chút khí lực, lão sợ hãi và giận dữ, gằn giọng:

– Được, ngươi học được một thân võ công cao minh không coi sư phụ ra gì. Ngươi giết ta đi, mau giết đi, giết mau đi, sao không giết?

Địch Vân nới lỏng tay nhưng vẫn không buông, chàng nói:

– Con làm sao dám giết hại sư phụ?

Thích Trường Phát la lên:

– Ngươi vờ vịt cái gì? Đây là một pho tượng đại phật đúc bằng vàng ròng, ngươi lẽ nào không muốn một mình nuốt chửng? Ta không giết ngươi thì ngươi giết ta, có gì là lạ? Đây là Phật vàng, trong bụng Phật đều là trân bảo giá trị liên thành[1], vì sao ngươi không giết ta? Vì sao ngươi không giết ta?

Lão lớn tiếng gào thét, trong tiếng kêu tràn đầy lòng tham lam, giận dữ, tiếc nuối… Tiếng ấy không phải là tiếng của con người mà như là tiếng gào rú của một con thú dữ bị thương tru lên nơi đồng hoang rừng thẳm.

Địch Vân lắc đầu, lùi lại mấy bước, nghĩ bụng: “Sư phụ muốn giết mình hóa ra là vì pho tượng Phật bằng vàng này ư?” Trong khoảnh khắc, chàng đã hiểu rõ tất cả: Thích Trường Phát vì tiền tài châu báu mà có thể giết sư phụ, sư huynh của mình, nghi ngờ cả con gái ruột thì vì sao lại không thể giết đồ đệ?” Trong lòng chàng lại vang lên lời Đinh Điển: “Ngoại hiệu của lão là “Thiết tỏa hoành giang”, việc gì mà chẳng dám làm?”

Chàng lại lùi thêm một bước, nói:

– Sư phụ, con không cần chia Phật vàng của sư phụ đâu. Sư phụ cứ một mình phát tài đi.

Chàng không sao hiểu nổi: một người mà không cần người thân, không cần sư phụ, sư huynh, đồ đệ, đến con gái ruột của mình cũng không quan tâm thì có cả một kho báu giá trị liên thành cũng có gì là sung sướng?

Thích Trường Phát không tin ở tai mình. Lão nghĩ bụng: “Trên đời sao lại có người thấy bao nhiêu vàng ngọc châu báu mà không động lòng tham? Cái thằng tiểu tử Địch Vân này nhất định là có quỷ kế gì khác.” Lão không dằn được tức giận, lớn tiếng:

– Ngươi làm trò ma gì thế? Đây là một pho tượng đại Phật bằng vàng ròng, trong bụng tượng toàn là châu báu, sao ngươi lại không cần? Ngươi muốn thực hiện quỷ kế gì?

Địch Vân lắc đầu, đang muốn đi ra khỏi chùa, bỗng nghe tiếng bước chân rầm rập, rất nhiều người kéo đến như ong. Chàng tung mình nhảy lên nóc nhà nhìn ra ngoài, hơn trăm người tay cầm đuốc, kêu gào ầm ĩ đi nhanh đến, chính là đám giang hồ hào khách kia. Nghe thấy có người quát:

– Vạn Khuê, mẹ nó chứ, đi mau, đi mau!

Địch Vân vốn đang định bỏ đi, nghe thấy hai tiếng Vạn Khuê liền dừng bước. Chàng còn chưa báo thù cho Thích Phương.

Đám người này ai cũng chạy vội vào chùa, chỉ sợ mình đến sau kẻ khác. Địch Vân nhìn thật rõ, Vạn Khuê bị mấy đại hán lôi đi, mắt tím mũi sưng, đã bị cho ăn no đòn, trên mình vẫn còn mặc bộ áo tú tài nghèo khổ. Thì ra hắn cải trang thành một thầy đồ, cố ý dẫn đám giang hồ hào sĩ dưới chân tường thành đi, để Vạn Chấn Sơn đến chùa Thiên Ninh tìm kho báu. Nhưng bị đám người kia tra khảo, cuối cùng đã lộ tẩy. Họ đe dọa tính mạng hắn, bức hắn phải dẫn đến chùa Thiên Ninh.

Thích Trường Phát nghe tiếng người, vội vàng nhảy lên bệ thờ muốn che giấu vàng lộ ra ở những vết chém tượng Phật. Nhưng đã chậm một bước, mọi người dã thấy lão đứng trên bệ thờ, hai tay cố đậy cái bụng to tướng của pho tượng Phật. Lúc này, dưới ánh sáng của mấy chục bó đuốc, trong chùa sáng như ban ngày. Mọi người thấy ánh vàng lấp lánh đều kêu gào, nhào tới tranh cướp. Họ ba chân bốn cẳng chạy đến, ra sức chém, bóc, lột đất sét bọc ngoài pho tượng. Họ đao chém kiếm lột, chẳng bao lâu, toàn thân tượng Phật tỏa ánh vàng chói lọi.

Tiếp đó, có người phát hiện ra cánh cửa chìm sau lưng tượng Phật, thò tay vào, quào ra cơ man là châu báu, người ở phía sau bèn ra sức chen bật y ra. Châu báu bị lôi ra từng vốc từng vốc. Hào sĩ có sức mạnh thì cướp đoạt từ trong tay người khác.

Đột nhiên từ bên ngoài có tiếng tù và thổi lên u u, cửa chùa mở rộng, mấy chục tên lính xông vào, cao giọng:

– Tri phủ đại nhân đến, tất cả đứng im.

Theo sau là một người mặc quan phục, ngạo nghễ bước vào, chính là tri phủ Lăng Thoái Tư. Tai mắt của lão ở trong thành ngoài thành rất nhiều, trong đám giang hồ hào khách kia cũng có nhiều thuộc hạ của lão trà trộn, hay tin lão lập tức dẫn quân lính hộc tốc chạy đến.

Nhưng đám giang hồ hào khách thấy bao nhiêu là châu báu, đâu thèm sợ gì quan phủ? Người nào cũng liều mạng cướp đoạt châu báu. Trân châu, đá quý, đồ bằng vàng, bạch ngọc, phỉ thúy, san hô, ngọc tổ mẫu, ngọc mắt mèo… lăn lóc đầy mặt đất.

Thuộc hạ của Lăng Thoái Tư chẳng lẽ lại không cướp? Bọn lính cúi nhặt trước, rồi tri phủ cũng xông vào cướp. Ai cũng không chịu “lạc hậu”. Thích Trường Phát cướp, Vạn Khuê cướp, đến đường đường tri phủ đại nhân Lăng Thoái Tư không nhịn được cũng bốc từng nắm châu báu nhét vào người.

Đã có tranh cướp khó tránh khỏi ẩu đả. Thế là có người thắng, có người đổ máu, có người chết.

Bọn người kia càng đấu càng ác liệt ghê gớm, có người vọt lên trên Phật vàng, ôm lấy tượng Phật mà cắn như điên, có người thì lấy đầu húc mạnh…

Địch Vân rất lấy làm lạ: “Vì sao lại thế? Dầu của cải có làm mờ mắt mờ tim, thì cũng không đến nỗi phải phát điên lên như thế.”

Không sai. Mọi người đều đã phát điên, mắt đỏ nọc điên cuồng cào cấu bấu xé. Địch Vân thấy Uông Khiếu Phong của đôi “Linh kiếm song hiệp” trong đám, thấy Hoa Thiết Cán thuộc bộ tứ “Lạc Hoa Lưu Thủy” cũng trong đám ấy. Họ đều đã biến thành dã thú, cắn xé loạn xị, tranh cướp loạn xị, bốc châu báu nhét đầy mồm.

Địch Vân chợt hiểu ra: “Trên châu báu này đều có chất độc ghê gớm. Năm xưa vị hoàng đế cất giấu kho tàng bảo vật, vì sợ quân nước Ngụy cướp đoạt nên đã tẩm chất kịch độc lên châu báu.”

Chàng muốn đến cứu sư phụ nhưng đã không kịp nữa rồi.

* * *

Địch Vân trồng mấy trăm cây hoa cúc dưới phần mộ của Đinh Điển và Lăng Sương Hoa. Chàng không thuê người mà toàn tự mình trồng. Chàng là nông dân, cuốc đất, trồng cây là việc quen làm. Nhưng trước đây chàng rất ít trồng hoa, những thứ chàng trồng là ớt, cà, bí đỏ, bí đao, rau muống, rau cải…

Chàng rời thành Kinh Châu, bồng Không Tâm Thái, một ngựa ruổi đường trường. Chàng không muốn sống trên giang hồ. Chàng muốn tìm một nơi hoang vắng không có dấu chân người, nuôi dưỡng Không Tâm Thái lớn lên.

Chàng về đến tuyết cốc ở Tạng Biên. Những bông tuyết như lông ngỗng lại bắt đầu rơi lả tả dưới hang núi ngày xưa.

Bỗng, xa xa chàng nhìn thấy có một người thiếu nữ đứng trước cửa hang núi.

Chính là Thủy Sinh!

Gương mặt cô rạng rỡ nét cười, lao như bay về phía chàng, reo lên:

– Muội đợi huynh đã lâu rồi! Muội biết là huynh thế nào cũng trở về.

HẾT

——————————————-

[1]       Giá trị liên thành: điển cố. Thời Chiến Quốc (475-221 TCN) vua nước Triệu có viên ngọc “Hòa thị bích” rất quý. Vua Tần xin đem 15 thành liền nhau đổi lấy viên ngọc ấy không được. Sau, Tần diệt sáu nước, thống nhất Trung Quốc. Tần Thủy Hoàng dùng viên ngọc ấy khắc thành ấn ngọc (ngọc tỉ) truyền quốc. “Giá trị liên thành” chỉ giá trị cực lớn. Tên sách “Liên thành quyết” do ý này mà ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.