Các vị thần Olympe đều nhìn thấy hành động trả thù rất man rợ của Achille. Các thần đều thương xót cho số phận bất hạnh của người anh hùng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành Troie. Mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ. Các thần liền bàn với vị thần Hermès-Người Truyền lệnh không thể chê trách được, mau xuống trần đánh cắp thi hài Hector để trả lại cho gia đình chàng, nhưng có ba vị thần nhất quyết chống lại ý định tốt đẹp đó. Đó là nữ thần Héra, người vợ có cánh tay trắng muốt của Zeus; Athéna, người con gái của Zeus; và Poséidon, vị thần Đại dương có cây đinh ba vàng gây bão tố. Vì lẽ đó mà đã mười một ngày trời kể từ ngày Hector tử trận, thi hài người anh hùng vẫn bị Achille hành hạ. Đến ngày thứ mười hai thì thần Apollon không thể chịu đựng được nữa. Thần chê trách các thần linh là đồ vô ơn bạc nghĩa, độc ác, tàn nhẫn, đã can tội phụ họa với hành động vô liêm sỉ và bạo ngược của Achille. Nữ thần Héra nghe Apollon kết án, bèn nổi nóng, phản bác lại, thậm chí còn mắng nhiếc Apollon thậm tệ. Nghe vợ nổi nóng ăn nói chẳng có lý có lẽ gì, thần Zeus thấy cần phải ra tay phân xử. Thần nói:
– Chúng ta nên từ bỏ ý định lấy trộm thi hài Hector đi. Việc đó không thể nào thoát khỏi con mắt của Achille đâu. Vì hắn lúc nào cũng được mẹ hắn ngày đêm săn sóc giúp đỡ, nhưng giá bây giờ một vị nào ở đây đi triệu nữ thần Biển-Thétis về ngay đây cho ta thì tốt hơn cả. Ta sẽ nói cho nàng rõ điều hay lẽ phải để nàng bảo Achille con nàng từ bỏ ngay cái lòng căm thù man rợ, nhận lễ vật của lão vương Priam và trả thi hài người con xấu số cho lão để lão làm lễ hỏa táng.
Zeus nói thế và nữ thần Cầu vồng-Iris bay nhanh hơn gió thổi liền phụng mệnh đứng dậy ra đi. Chẳng mấy chốc nữ thần Thétis đã có mặt trên đỉnh Olympe, ngồi bên cạnh đấng phụ vương Zeus. Nữ thần Biển-Thétis liền xuống ngay hạ giới đến doanh trại của quân Hy Lạp, gặp đứa con trai yêu quý của mình truyền lại chỉ lệnh của Zeus, bởi vì thần Zeus không muốn vì chuyện cái thi hài Hector mà thế giới thiên đình kéo dài mãi những cuộc đấu khẩu, bất hòa. Tính từ ngày các vị thần cãi cọ, đấu đá với nhau về chuyện thi hài Hector đến lúc nữ thần Biển-Thétis được lệnh triệu lên thiên đình thì cuộc xung đột làm chia rẽ thế giới thần thánh kéo dài tới chín ngày; chín ngày trời rất căng thẳng, đau đầu, nhức óc đối với đấng phụ vương Zeus! Không thể để kéo dài thêm được nữa!
Trong khi Zeus nói chuyện với nữ thần Thétis thì nữ thần Cầu vồng-Iris theo lệnh Zeus đến báo cho lão vương Priam sắm sửa xe và lễ vật đến doanh trại quân Hy Lạp xin chuộc xác con. Tuân theo lệnh Zeus, lão vương Priam sai quân hầu chất đầy lễ vật quý lên xe rồi xuất hành. Đi trước là chiếc xe bốn bánh do Idaios điều khiển, đi sau là xe ngựa của lão vương Priam. Họ hàng bà con gần gũi tiễn cụ, than khóc chẳng khác gì tiễn cụ về nơi an nghỉ vĩnh viễn.
Mọi người tiễn cụ ra khỏi thành và đi theo cụ một quãng đường ra đến cánh đồng thì quay trở lại thành Ilion thần thánh, và trên đồng không mông quạnh trong đêm tối mịt mùng chỉ còn hai người. Đấng phụ vương Zeus, người có tầm mắt nhìn bao la rộng khắp đã thấy cảnh tượng ấy. Động lòng thương xót số phận tội nghiệp của cụ già, Zeus bèn ra lệnh cho thần Hermès xuống trần dẫn đường cho cụ. Giả dạng làm một chàng trai xinh đẹp, Hermès đứng đón xe của lão vương Priam ở giữa đường và bắt chuyện làm quen. Thần tự xưng là lính hầu của Achille và sẵn lòng dẫn đường cho cụ già tội nghiệp đi đến doanh trại của Achille.
Đến doanh trại của Achille, bằng chiếc đũa thần của mình, Hermès làm cho quân canh ngủ say như chết, nhờ đó mở cổng được dễ dàng. Hai chiếc xe vào thẳng trước lều của người anh hùng Achille. Tới đây, thần Hermès làm xong nhiệm vụ của Zeus giao phó. Trước khi trở về thế giới Olympe, Hermès nói cho lão vương Priam biết rõ sự thật và khích lệ lòng can đảm, tính bình tĩnh của cụ để cụ đi vào trong lều gặp Achille.
Cụ già Priam bước vào lều của Achille. Không một ai trông thấy cụ đi vào cả. Khi ấy Achille vừa ăn xong đang ngồi trước bàn còn bè bạn thì ngồi ở xa. Cụ già tiến đến trước mặt Achille, quỳ xuống ôm lấy đầu gối của người anh hùng và hôn lên đôi bàn tay đã từng sát hại không biết bao nhiêu người con của cụ. Cụ cất tiếng van xin:
– Hỡi Achille sánh tựa thần linh! Xin ngài hãy nhớ đến thân phụ ngài. Thân phụ ngài tuổi tác cũng già nua như ta và cũng gần đất xa trời như ta. Chẳng rõ số phận của người hiện nay như thế nào. Rất có thể ở quê hương, Người sống chẳng được yên bình vì giặc giã luôn luôn quấy nhiễu. Chẳng có ai ở bên người để bảo vệ người lúc tính mạng bị đe dọa, săn sóc người khi trái gió trở trời, nhưng thưa ngài, dù sao khi biết ngài còn sống, đang sống, người vẫn yên lòng mát dạ và người vẫn được hưởng niềm hy vọng nhìn thấy đứa con trai yêu quý từ thành Troie xa xôi trở về. Còn ta thì bất hạnh, khốn khổ biết bao, ngay đến niềm hy vọng đó cũng không còn! Trên đất Troie bao la này, ta đã hạ sinh ra biết bao nhiêu người con trai lỗi lạc, nhưng giờ đây ta không còn lấy một người nào. Vừa mới đây, Hector, đứa con còn lại duy nhất của ta để bảo vệ đô thành cho ta đã bị ngài giết. Nó đã chết mất rồi! Hôm nay ta đến đây là vì nó, là để cứu nó thoát khỏi tay ngài. Hỡi Achille! Xin ngài hãy kính trọng thần linh và rủ lòng thương hại cho số phận tủi cực của ta. Xin ngài hãy nhận số của chuộc ta mang đến và trao cho ta thi hài của nó. Xin ngài hãy nghĩ đến thân phụ ngài mà xót xa cho thân phận của ta. Ta còn đáng thương hơn thân phụ ngài nhiều, bởi vì ta đã dám làm một việc mà trên cõi đời này chưa một ai dám làm: ta đã hôn bàn tay người đã giết con ta!
Cụ già Priam nói như vậy khiến Achille vô cùng xúc động. Chàng nghĩ đến số phận người cha yêu quý của mình mà không cầm lòng được. Chàng nghẹn ngào, nước mắt trào ra lăn trên khuôn mặt rắn rỏi, sạm đen vì nắng gió. Chàng đặt tay lên vai lão vương Priam và khẽ đẩy cụ ra. Cả hai người đều nhớ đến những người thân thích của mình. Quỳ dưới chân Achille là lão vương Priam mái tóc bạc phơ, khóc nhớ thương con. Ngồi trên ghế là Achille khóc nhớ thương người cha và người bạn thân thiết đã tử trận.
Achille sau nỗi xúc động bèn từ trên ghế cúi xuống đỡ cụ già đứng lên. Nhìn cụ già mái tóc bạc phơ trên khuôn mặt hằn nỗi khổ đau, Achille an ủi cụ. Chàng sai quân hầu xức dầu thơm lên thi hài Hector, bọc quấn lại cẩn thận bằng những tấm vải đẹp và đặt lên cỗ xe do những con la kéo của Idaios. Tiếp đó chàng mời lão vương Priam ăn cơm rồi đi nghỉ. Lão vương Priam bày tỏ nguyện vọng đình chiến mười ngày để tổ chức lễ tang cho Hector. Achille chấp thuận kiến nghị ấy. Chàng hứa trong những ngày thành Troie tổ chức lễ tang cho Hector, chàng sẽ không cho quân Hy Lạp xuất trận.
Khi mọi người đang chìm đắm trong giấc ngủ ngon lành, bỗng đâu thần Hermès từ đỉnh Olympe bay xuống. Thần đến bên giường của lão vương Priam để đánh thức cụ dậy, giục cụ phải đi ngay kẻo lát nữa trời sáng e quân Hy Lạp bắt gặp lại phải mất của chuộc mới đi được. Lão vương Priam liền đánh thức Idaios dậy và dưới sự hướng dẫn của thần Hermès, đoàn xe đưa thi hài Hector rời khỏi doanh trại quân Hy Lạp trở về thành Troie.
Thần Hermès từ biệt hai người khi đoàn xe về tới bờ sông Scamandre. Cho đến lúc nữ thần Rạng đông có tấm áo dài vàng óng ả, trải tà áo ra trên mặt đất rộng mênh mông thì đoàn xe về tới chân thành Troie. Người con gái của vua Priam, nàng Cassandre trông thấy đoàn xe đầu tiên. Nàng khóc ầm lên và vừa khóc vừa kêu gọi mọi người ra đón. Thế là lão bà Hécube, nàng Andromaque, các anh em, chị em họ hàng của Hector cùng với những người dân thành Troie, đàn ông cũng như đàn bà kéo nhau ra cổng thành. Họ đến vây quanh lấy thi hài của Hector, than khóc vật vã. Lão vương Priam phải ra lệnh cho mọi người giãn ra để lấy lối cho xe đi vào trong thành.
Lễ tang Hector được cử hành rất trọng thể. Chín ngày trời nhân dân thành Troie đi đẵn củi trên rừng về để lập giàn thiêu. Ngày thứ mười, thi hài Hector được đặt lên giàn củi và làm lễ hỏa thiêu. Sau đó những người dân Troie thu lượm hài cốt của chàng bỏ vào một cái tiểu vàng và chôn xuống dưới một nấm mồ đá. Chôn cất cho Hector xong, lão vương Priam mới làm lễ cúng hương hồn Hector ở trong cung điện.
Cũng cần kể qua một chút về lễ tang Patrocle. Sau khi Achille trả thù được cho Patrocle, chàng ra lệnh cho quân sĩ Myrmidon của mình diễu hành tưởng niệm người chiến sĩ đã hy sinh. Ba lần quân lính diễu hành vòng quanh thi hài Patrocle là ba lần tiếng khóc than ai oán, kể lể vang lên. Achille cho đặt thi hài Patrocle lên một chiếc giường xinh đẹp, nhưng ngay cạnh đấy dưới chân giường, chàng đày đọa thi hài của Hector đằm trong cát bụi. Chàng cho giết cừu, giết bò, nướng thịt mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Đêm hôm đó trong một giấc ngủ say, Achille đã gặp linh hồn Patrocle. Patrocle đến đứng trước đầu giường Achille than vãn. Chàng đòi Achille hãy mau mau làm lễ an táng cho mình, khâm liệm cho mình. Nếu không, linh hồn chàng vẫn lang thang chưa được bước vào vương quốc của thần Hadès. Các linh hồn của người đã quá cố ngăn cấm linh hồn chàng, tránh xa chàng, cấm chàng không được qua sông Styx và gia nhập vào thế giới của họ. Chàng cũng bày tỏ nguyện vọng với Achille là xin Achille đừng chôn bình đựng tro thi hài của chàng quá xa Achille. Chàng muốn khi Achille từ giã cõi đời, tro hài cốt của Achille bỏ chung vào bình đựng tro hài cốt của chàng và mai táng chung trong một nấm mồ. Thể theo nguyện vọng của Patrocle, quân Hy Lạp cho làm hỏa thiêu thi hài Patrocle. Tang lễ tổ chức vô cùng trọng thể. Đích thân chủ tướng Agamemnon ra lệnh cho quân sĩ đi lấy củi về thiết lập giàn thiêu. Tướng Mérion được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy quân lính. Sau khi thiết lập xong giàn thiêu, Achille ra lệnh đưa thi hài Patrocle đặt vào đỉnh giàn. Quân sĩ xếp thành một đội ngũ uy nghiêm, chiến xa đi trước, lính bộ đi sau, thi hài Patrocle đi giữa hàng quân, theo sau là Achille. Để chuẩn bị cho lễ thiêu, người ta giết súc vật lọc mỡ béo ra bọc phủ lấy thi hài, còn quanh thi hài xếp những con vật bị giết. Achille còn cho đặt vào giàn lửa những bình mật ong và dầu. Bốn con ngựa chạy nhanh cũng bị đưa vào giàn củi. Hai con chó trong số chín con của Patrocle cũng bị chọc tiết rồi xếp vào giàn. Cuối cùng là mười hai tù binh Troie bị đưa ra trước giàn thiêu. Achille dùng ngọn lao đồng giết chết tù binh mà trái tim không hề xúc động. Tiếp đó, chàng tung ngọn lửa hung dữ vào giàn củi, và chàng vừa khóc vừa cầu khấn hương hồn Patrocle bằng những lời lẽ như sau:
– Hỡi Patrocle! Xin chào bạn dù ở tận nơi sâu thẳm của vương quốc của thần Hadès. Tất cả những gì ta đã hứa với bạn, ta đã hoàn thành. Ngọn lửa hung tàn sẽ thiêu đốt đi mười hai chàng trai dũng cảm và cường tráng của quân Troie cùng với bạn. Còn Hector, con của Priam thì chẳng phải là ngọn lửa hung tàn mà là những bầy chó đói. Xin bạn chứng giám cho lòng ta.
Achille đã khấn hương hồn Patrocle như vậy. Nữ thần Aphrodite, người con gái của Zeus nghe thấy hết. Nàng không cho một con chó nào bén mảng đến gần thi hài Hector. Nàng tưới xuống thi hài người anh hùng một thứ dầu thơm thần diệu của hoa hồng để giữ gìn cho thi thể người anh hùng được toàn vẹn. Còn thần Apollon tung ra một đám mây mù che phủ quanh thi hài Hector để cho không một ai trông thấy, hơn nữa để ngăn những tia nắng mặt trời nóng bỏng thiêu đốt thi thể người anh hùng.
Giàn thiêu mặc dù đã được tưới dầu và châm lửa nhưng vẫn không sao bốc cháy lên được. Achille cho bầy bàn thờ cầu khấn thần Gió-Borée và thần Gió-Zéphyr. Chàng hứa sẽ làm lễ tạ hơn hai vị thần rất hậu. Nữ thần Iris đón nhận những lời khấn nguyện ấy và bay đến nơi ở của hai vị thần Gió để truyền đạt lại. Lúc này các vị thần Gió đang ngồi chè chén quanh bàn tiệc. Biết chuyện, các vị liền đứng dậy và ra tay. Thế là trời nổi gió, dồn mây về phía vùng đồng bằng Troade phì nhiêu. Sóng biển nổi lên cuồn cuộn. Gió ùa vào giàn củi đang cháy lom rom. Chỉ trong chốc lát ngọn lửa có lưỡi dài bùng lên liếm lem lém những thanh củi làm chúng bốc khói cuồn cuộn. Suốt đêm hôm ấy gió quất tới tấp vào ngọn lửa hung tàn và cũng suốt đêm hôm ấy chàng Achille có đôi chân nhanh tưới rượu vang trên mặt đất để cầu nguyện vong hồn Patrocle. Khi củi cháy đã hết, mọi người đem tưới rượu vang để dập tắt những thỏi than hồng. Hài cốt của Patrocle được thu lượm bỏ vào trong một chiếc bình vàng để chờ khi Achille đến hạn kỳ của số phận sẽ bỏ hài cốt vào rồi mai táng chung trong một nấm mồ nhỏ nhắn xinh đẹp bằng đá. Sau đó là những cuộc thi đấu thể thao: đua ngựa, đấu võ, đấu vật, thi chạy, đấu lao, ném đá, bắn cung, phóng lao…
Sau khi Hector tử trận, thành Troie lâm vào một tình cảnh rất khó khăn. Thiếu hẳn một vị tướng có tài để có thể đương đầu với quân Hy Lạp. Chỉ còn mỗi cách là án binh bất động cố thủ trong thành. Trong tình hình nguy cấp ấy, bỗng đâu quân Troie được một đạo quân đến chi viện. Đó là đạo quân của nữ chiến sĩ Amazones do nữ hoàng Panthésilée chỉ huy. Từ vùng bờ biển Pont-Euxin, Panthésilée dẫn đoàn kỵ binh này đi tới đâu thì tưởng chừng như nơi ấy gò đống mấp mô biến thành đường đi bằng phẳng, đồng cỏ xanh mơn mởn chốc lát hóa xác xơ. Người xưa kể sở dĩ Panthésilée đứng về phía quân Troie vì quân Troie được nữ thần Artémis phù trợ. Nữ hoàng hy vọng bằng nghĩa cử này nữ thần Artémis sẽ vừa lòng mà tha thứ cho mình tội đã vô tình sát hại người chị ruột là nàng Hippolyte trong một cuộc đi săn. Có người kể, chính là đích thân lão vương Priam đã làm lễ rửa sạch tội sát nhân cho Panthésilée, và để đền ơn vị vua cai quản thành Troie, nàng kéo đạo quân Amazones xuống vùng đồng bằng Troade đọ sức với quân Hy Lạp.
Đạo quân của vị nữ hoàng Panthésilée, người con gái yêu của thần Chiến tranh-Arès, được lão vương Priam và nhân dân thành Troie đón tiếp rất trọng thể. Trong niềm hân hoan của tình chiến hữu, hội ngộ, Panthésilée đã kiêu căng nói rằng đạo quân Amazones của nàng sẽ quét sạch quân Hy Lạp khỏi vùng đồng bằng Troade, sẽ đốt sạch chiến thuyền của quân Hy Lạp.
Ngày hôm sau những nữ chiến sĩ Amazones xuất trận. Lão vương Priam làm lễ hiến tế cầu khấn thần linh ban cho đạo quân đồng minh của ông thắng lợi, nhưng các vị thần Olympe không chấp nhận lời cầu xin đó.
Cuộc chiến đấu diễn ra khá thuận lợi cho những nữ chiến sĩ Amazones. Với tài cưỡi ngựa bắn cung, phóng lao, các nữ chiến sĩ Amazones đã đánh đuổi quân Hy Lạp từ cửa thành Troie phải bỏ chạy về tận khu vực chiến lũy của mình. Thừa thắng, Panthésilée ra lệnh cho đội kỵ binh tiến công chọc thẳng vào khu vực chiến thuyền. Tình hình quả là cực kỳ nguy hiểm.
Đúng lúc ấy, Achille và Ajax Lớn xuất trận. Nguyên do là trong mấy ngày gần đây hai vị tướng này không tham chiến. Cả hai, ngày ngày đến ngồi bên nấm mồ nhỏ nhắn xinh đẹp bằng đá của Patrocle khóc than, nấm mồ đã được Achille chỉ dẫn cho những người Achéens xây đắp trong lễ hỏa thiêu Patrocle. Được biết tình hình chiến trận đã xấu đến như thế, hai dũng tướng lập tức mặc áo giáp, cầm vũ khí băng ngay ra chiến trường đánh chặn quân địch. Quân Amazones và quân Troie không thể nào địch nổi hai dũng tướng Hy Lạp có sức mạnh như hùm beo ấy. Từ tiến công họ bị chặn đứng lại rồi bị đẩy lùi ra ngoài khu vực chiến lũy của quân Hy Lạp. Nữ tướng Panthésilée thấy vậy bèn xông lên quyết đối mặt đương đầu với Achille. Nàng phóng liên tiếp hai ngọn lao về phía Achille nhưng không hạ được địch thủ. Một ngọn lao trúng chiếc khiên đồng nhưng không xuyên thủng được. Achille đánh trả. Chàng xông thẳng đến đâm một mũi lao trúng ngực Panthésilée. Nàng đưa tay ôm ngực, nhưng còn một tay cố thu hết sức lực còn lại rút thanh kiếm ở bên sườn ra, nhưng Achille lại bồi tiếp một mũi lao nữa vào con ngựa nàng đang cưỡi. Con ngựa đau đớn hất tung nàng từ trên lưng xuống đất rồi ngã vật ra giãy giụa. Achille liền xông đến để lột bộ áo giáp và tước đoạt vũ khí của nữ hoàng. Khi nâng vành mũ đồng che vầng trán và khuôn mặt của Panthésilée lên, chàng vô cùng xúc động trước vẻ đẹp lạ lùng của nữ hoàng, chàng vô cùng xót xa thương tiếc người đẹp sớm phải đón nhận một số phận bất hạnh. Trái tim chàng bâng khuâng như vừa đánh mất, để rơi một báu vật trong đời. Chàng đứng sững sờ, ngơ ngẩn hồi lâu, mắt rớm lệ, bên thi hài Panthésilée. Bỗng đâu Thersitès đến. Anh chàng có hình thù quái dị này, hẳn chúng ta còn nhớ, đã từng bị Ulysse đánh cho một trận nên thân trong Hội nghị vì tội láo xược. Chứng nào vẫn tật ấy, Thersitès thấy Achille xúc động trước cái chết của Panthésilée bèn cất lời chế nhạo:
– Này hỡi Achille! Ngài làm sao mà đứng tần ngần mãi bên cái xác của con giặc cái ấy? Hẳn rằng ngài tiếc cho mũi lao của ngài chứ gì? Giá mà người ta bắt sống được nàng và đem dâng cho ngài như đã dâng nàng Briséis thì có phải hay không? Hay ngài phải nhìn kỹ xem nàng đã chết thật hay chưa? Thôi được, như vậy để ta xin giúp một tay cho ngài yên tâm.
Nói xong, Thersitès đâm một mũi lao nhọn vào giữa khuôn mặt xinh đẹp của Panthésilée làm bật hai con mắt của nàng ra ngoài. Hành động láo xược của tên lính quái dị này khiến cho Achille nổi cơn thịnh nộ. Chàng giáng cho hắn một trái đấm vào đầu. Hắn ngã vật xuống đất, vỡ sọ, chết thẳng cẳng. Dũng tướng Diomède, người có quan hệ huyết tộc gần gũi với Thersitès bất bình với Achille về chuyện này liền đem thi hài của Panthésilée vứt xuống sông Scamandre nhưng Achille tìm được, vớt lên và làm lễ tang trọng thể cho nàng.
Có chuyện kể Achille và quân Hy Lạp trao trả thi hài Panthésilée và mười hai nữ tù binh cho quân Amazones để những người Amazones làm lễ tang trọng thể cho vị nữ hoàng của họ. Cũng có chuyện kể khác đi một chút: Achille bắt sống được Panthésilée và cưới nàng làm vợ. Quanh cái chết của Thersitès cũng có chỗ kể hơi khác. Có chuyện kể Thersitès mưu đồ một cuộc phản nghịch, biến loạn, bị Ulysse phát hiện và giết chết.
Nói về Achille sau khi giết Thersitès, chàng phải được rửa tội, nếu không sẽ bị các nữ thần Érinyes truy đuổi trừng phạt. Achille vì thế phải trở về đảo Lesbos để dâng lễ vật lên nữ thần Léto, thần Apollon và nữ thần Artémis để cầu xin các thần tha tội, tẩy rửa sạch bàn tay ô uế đã nhuốm máu người. Tuân theo lời phán bảo của thần Apollon, dũng tướng Ulysse được lãnh sứ mạng rửa sạch tội sát nhân của Achille.
Thấy tình cảnh quân Troie núng thế như vậy, chủ tướng Memnon cầm đầu một đạo quân Éthiopie từ một vùng xa xôi có bờ biển dài quanh năm sóng dữ kéo sang giúp đỡ quân Troie. Chàng là con của nữ thần Rạng đông-Éos và người anh hùng Tithonos. Cuộc đời chàng kể ra cũng khá gian truân. Sau khi vua cha qua đời, chàng bị người em ruột là Émathion cướp quyền thừa kế ngôi báu, nhưng người anh hùng Héraclès trong cuộc hành trình đi đoạt những quả táo vàng ở khu vườn cấm do ba chị em tiên nữ Hespérides coi giữ, đã “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”, giết chết tên tiếm vương, trao lại ngai vàng cho Memnon.
Đạo quân Éthiopie dưới sự chỉ huy của chủ tướng Memnon kéo sang Troie với khí thế hừng hực lửa giao tranh. Quân Hy Lạp phải đương đầu với liên minh quân Troie-Éthiopie, nhất là với dũng tướng Memnon, quả là không thể coi thường. Họ biết Memnon có mối quan hệ họ hàng thân thiết với lão vương Priam và là một vị tướng có sức mạnh và vẻ đẹp sánh ngang thần thánh. Chính tay thần Thợ rèn-Héphaïstos đã rèn cho chàng bộ áo giáp và cái khiên cùng với ngọn lao, thanh kiếm để chàng lập chiến công.
Quân Hy Lạp xuất tướng, Achille ra đương đầu với Memnon, nhưng Achille lại tránh không giáp chiến với Memnon, bởi vì theo điều tiền định của Số mệnh, nếu Achille giết chết Memnon thì sau đó chàng sẽ bị một mũi tên của thần Apollon kết liễu cuộc sống. Vậy ai sẽ là người chấp nhận cuộc đọ sức này? Một ông già tiến lên giương khiên, chĩa lao ra trước mặt đối thủ. Đó là lão vương Nestor đứng trên chiến xa với dáng vẻ quắc thước hào hùng. Tuy nhiên làm sao một vị tướng già nua gầy yếu có thể chống đỡ được những đòn đánh dẻo dai, ác hiểm của một vị tướng trẻ đầy tài năng. Giao đấu được mười đường gươm, mũi lao thì Nestor yếu thế phải bỏ chạy. Thấy vậy tướng Paris giương cung bắn một phát. Mũi tên không trúng ông già Nestor mà lại trúng vào con ngựa trong cỗ xe. Con ngựa bị đau lồng lên kéo vật đổ cỗ xe xuống đất. Cái chết như đang đổ ập xuống đầu cụ già. May mắn làm sao, người con trai của cụ, dũng tướng Antiloque kịp thời đến ứng cứu. Chàng bê ngay một tảng đá lớn có dễ đến hai ba người khiêng mới nổi, ném mạnh về phía Memnon. Tảng đá bay đi trượt trên đầu Memnon, khẽ quệt phải chiếc mũ trụ bằng đồng và vàng dày dặn. Nếu như không có chiếc mũ trụ ấy do thần Thợ rèn-Héphaïstos ban cho thì Memnon đã hồn lìa khỏi xác. Memnon loạng choạng rồi đứng vững lại được ngay. Chàng đánh trả. Một ngọn lao bay đi xuyên thẳng vào ngực Antiloque làm vỡ nát trái tim người con trai của lão vương Nestor, và Antiloque ngã ngửa người ra, hai tay giơ lên chới với. Quân Hy Lạp lập tức xông lên bảo vệ thi hài Antiloque quyết không cho Memnon tước đoạt bộ áo giáp, vũ khí và chiếc khiên. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Lão vương Nestor trước tình hình bất lợi như thế phải cử ngay người đi cấp báo cho Achille biết diễn biến trên chiến trường. Được tin Antiloque chết, Achille hốt hoảng băng ngay ra trận. Chàng biết rằng giáp chiến với Memnon là chàng đã tự rút ngắn đời mình. Song trước tình hình nước sôi lửa bỏng như lúc này đây, Achille chỉ biết xông tới dốc hết sức mình ra để phò cứu nguy khốn. Antiloque chết làm cho Achille vô cùng đau đớn. Bởi vì sau Patrocle, chàng là người bạn gần gũi thân thiết hơn cả với Achille. Thấy Achille, Memnon liền vác ngay một tảng đá ném mạnh. Tảng đá trúng chiếc khiên đồng nhưng không đè bẹp nổi khiên mà lại bị văng ra tận xa. Achille đánh trả. Chàng phóng một mũi lao, và mũi lao bay đi không đến nỗi vô ích. Nó đâm trúng vai Memnon làm Memnon bị thương, nhưng Memnon đâu có phải vừa. Mũi lao đánh trả của chàng làm Achille bị thương vào tay. Không còn lao, hai người rút gươm xông vào nhau. Tiếng vũ khí va chạm, gươm chém gươm, gươm chém khiên vang lên xoang xoảng nghe rợn cả người… Cuộc giao đấu diễn ra bất phân thắng bại vì hai dũng tướng đều là con của các vị thần và đều có sức mạnh và tài năng ngang nhau. Nữ thần Thétis và nữ thần Éos ngồi trên đỉnh Olympe theo dõi cuộc giao tranh của hai đứa con. Hai nữ thần đều cầu khấn thần Zeus bênh vực con mình, ban cho con mình thắng lợi và chiến công vinh quang bất diệt. Thần Zeus bèn lấy chiến cân vàng ra và đặt vào hai đĩa cân hai miếng đồng tượng trưng cho số phận của hai người. Đoạn thần cầm giữa cân nâng lên. Đĩa cân Memnon nặng nghiêng về phía dưới. Thế là Memnon phải chết vì tay Achille. Bằng một đòn ác hiểm, Achille thọc gươm trúng ngực Memnon. Memnon kêu rú lên một tiếng rồi ngã xuống kết thúc số phận của mình. Nữ thần Rạng đông-Éos đau đớn khóc than cho cái chết của đứa con trai yêu quý, còn thần Zeus, xót thương số phận người anh hùng con của Éos, đã ban cho chàng sự bất tử. Thi hài của chàng được quấn bọc trong những tấm vải đỏ rực rỡ và được các vị thần Gió đưa đến bờ sông Ésépe217 xa xôi để làm lễ an táng. Các nàng Nymphe dựng cho chàng một nấm mồ đẹp và khóc thương chàng. Còn đạo quân Éthiopie được các vị thần biến thành một bầy chim mang tên Memnodides. Bầy chim này mỗi năm một lần bay về hạ cánh ở ngôi mộ của Memnon thăm viếng thủy chung. Còn những giọt nước mắt đau xót của nữ thần Rạng đông-Éos khóc thương đứa con trai yêu quý của mình thì ngày nay chúng ta vẫn thường thấy, đó là những hạt sương sớm long lanh trên ngọn lá cây.
[217] Ésépe là một con sông ở đất Tiểu Á ngày nay là Saltaldere, có chuyện kể ở bờ biển Hellespont.
Sau khi hạ được dũng tướng Memnon, Achille tiếp tục cầm đầu quân Hy Lạp tiến công quân Troie. Chàng tả xung hữu đột hạ hết danh tướng này đến danh tướng khác của quân Troie. Quân Troie từ lâu đã biết sức mạnh và tài năng của người anh hùng Achille cho nên khi thấy các vị tướng của mình lần lượt ngã xuống trước mũi lao của Achille thì họ chỉ còn nghĩ đến việc tháo chạy cho nhanh về thành. Đứng trước nguy cơ thành Troie bị thất thủ, thần Apollon bèn xông ra ứng cứu. Thần thét lên bắt Achille ngừng cuộc tấn công, nhưng Achille bất tuân thượng lệnh. Chàng cứ lao vào quân Troie. Hơn nữa chàng vẫn nuôi giữ một mối căm tức đối với thần Apollon vì thần đã nhiều lần phù hộ cho Hector và quân Troie làm giảm đi chiến công của chàng. Apollon đến trước mặt Achille ngăn chàng lại. Achille nổi giận, tiện tay đang cầm ngọn lao bèn giương lên chĩa vào mặt vị thần và quát:
– Hỡi vị thần mang cây cung bạc! Hãy mau mau tránh xa khỏi cuộc chiến bạo tàn này, nếu không sẽ bị ngọn lao của Achille làm thủng da rách thịt đó!
Chà, chà! Quả là những lời nói khinh thị thánh thần, muôn phần ngạo mạn. Một số phận nghiệt ngã đã làm cho Achille mù quáng. Thần Apollon làm sao có thể chịu đựng được những lời xấc xược như thế. Thần không còn nhớ đến lời thề hứa trong đám cưới Pélée-Thétis, lời thề hứa sẽ bảo vệ cho người con do nữ thần Thétis sinh ra. Thần quyết bắt Achille phải đền tội.
Lúc này Paris đang giương cung bắn tới tấp về phía quân Hy Lạp và Achille. Nhiều chiến binh Hy Lạp đã ngã gục dưới trận mưa tên của Paris. Song Achille thì vẫn vững như bàn thạch. Bởi chàng xưa kia đã được tôi luyện trong nước sông âm phủ Styx và trong ngọn lửa hồng bất diệt. Chàng tuy không được trở thành bất tử song giết được chàng đâu phải là chuyện dễ dàng. Chỉ có đánh trúng gót chân của chàng mới có thể bắt chàng từ giã cõi đời. Còn đánh vào bất cứ nơi nào trên thân thể chàng thì chỉ có thể làm chàng bị thương. Thần Apollon nắm bắt ngay lấy tình thế đó. Những trận mưa tên đang đổ xuống quân Hy Lạp. Thần bèn hóa thành một đám mây đen để cho không một ai trông thấy và bằng cách ấy thần đón một mũi tên của Paris bắn về phía Achille, điều khiển nó, hướng nó đâm vào gót chân người con của Pélée. Chính xác thay khi các vị thần đã ra tay! Một mũi tên bay đi, xé gió nhanh như một ánh chớp cắm phập vào gót chân của Achille. Đang chiến đấu say sưa, Achille bỗng thấy đau nhói ở gót chân. Chàng biết ngay số phận chàng đến đây là kết thúc. Bởi vì xưa nay với đặc ân của mẹ chàng ban cho, chàng không hề cảm thấy nỗi đau đớn khi mũi lao đồng hay nhát gươm sắc đâm chém vào thân thể chàng. Chàng thu hết sức lực đưa tay xuống gót chân rút mũi tên ra rồi ngã vật xuống đất, nhưng rồi chàng lại bật dậy cầm lấy vũ khí lao vào quân Troie giết thêm nhiều tên nữa. Song chàng đuối sức dần. Chàng lảo đảo như muốn ngã. Chàng nắm lấy lao cắm xuống đất tựa vào nó để cố đứng được. Chàng nhìn vào đám quân Troie hét lớn:
– Hỡi những người Troie không trung thực! Các ngươi sẽ còn phải chịu những tai họa lớn hơn nữa. Đô thành của các ngươi sắp đến ngày bị đốt thành tro bụi. Ta sẽ trả thù các ngươi ngay cả khi ta đã từ giã cuộc sống tràn đầy ánh sáng này! Các ngươi sẽ phải đền tội.
Nghe tiếng thét của Achille, quân Troie kinh hãi quá chừng. Một cảnh tháo chạy cuống cuồng, hỗn loạn diễn ra trước mắt người anh hùng đang hấp hối. Achille đã kiệt sức. Chàng rời tay khỏi ngọn lao và ngã vật xuống đất. Bộ áo giáp đồng sáng choang, vàng chói rung lên những tiếng giận dữ, và mặt đất cũng nghiến răng rền rĩ theo. Thế là người anh hùng con của Pélée và nữ thần Biển-Thétis từ bỏ cuộc chiến đấu sục sôi ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Thấy Achille bị giết, quân Troie sau một hồi thăm dò liền bổ đến bao vây định cướp thi hài. Cuộc chiến đấu quanh thi hài Achille diễn ra hết sức ác liệt. Máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Cát bụi mù trời. Cứ như cục diện giao tranh diễn ra thì không ai biết đến bao giờ mới phân thắng bại, nhưng thần Zeus dồn mây mù không muốn kéo dài cuộc giao tranh. Từ đỉnh Olympe, thần vung tay giáng xuống một tiếng sét nổ vang, khói bụi bốc lên như một đám mây dày đặc, lửa cháy bừng bừng. Quân Troie phải lui xa khỏi thi hài Achille. Lợi dụng tình hình đó, tướng Ajax Lớn, con của Télamon lao vào vác thi hài Achille chạy về khu vực chiến thuyền. Tướng Ulysse ngăn chặn quân Troie để yểm hộ cho Ajax, vừa chống đỡ vừa rút lui.
Achille tử trận! Tổn thất này thật là lớn lao đối với quân Hy Lạp. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của một vị tướng kiệt xuất, quân Hy Lạp tổ chức lễ tang cho người anh hùng rất trọng thể. Họ rửa ráy sạch sẽ thi hài Achille, xức dầu thơm cùng với các thứ hương liệu khác, sau đó đặt Achille lên một chiếc giường được trang hoàng rất lộng lẫy. Rồi mọi người từ các tướng lĩnh cho đến chiến binh đứng túc trực quanh thi hài của chàng khóc than, kể lể công lao của chàng và nỗi đau đớn xót xa trước việc chàng phải từ giã cuộc sống chiến đấu với những chiến công vinh quang mà không một vị tướng nào sánh kịp. Tiếng khóc của họ vang lên trời cao, dội xuống biển sâu. Nữ thần Biển-Thétis và các chị em Néréides của nàng nghe tiếng khóc dội xuống, bủn rủn cả người, vội vàng đội sóng biển đi lên mặt đất. Thấy con mình đã chết, nữ thần Thétis thét lên một tiếng. Tiếng thét của vị nữ thần Biển thật khác thường. Quân Hy Lạp nghe tiếng ấy kinh hoàng thất đảm vội vã bỏ chạy. May thay lão vương Nestor kịp thời can ngăn họ lại. Suốt mười bảy ngày liền nữ thần Thétis, các tiên nữ Néréides, các tướng lĩnh cũng như các chiến binh Hy Lạp khóc than bên thi hài người anh hùng Achille. Các nàng Muses, những con gái yêu của Zeus, từ đỉnh Olympe bay xuống, đứng quanh thi hài Achille hát những bài ca tang lễ. Các vị thần Olympe cũng khóc than thương tiếc cho cái chết của người anh hùng con của lão vương Pélée và nữ thần Biển-Thétis vốn là dòng dõi của đấng phụ vương Zeus uy nghiêm. Cho đến ngày thứ mười tám khi giàn củi đã thiết lập xong, người ta mới khiêng thi hài Achille ra làm lễ hỏa táng. Biết bao nhiêu lễ vật quý giá được dâng hiến cho buổi lễ này. Cũng như xưa kia trong lễ tang của Patrocle, quân Hy Lạp đem những tù binh Troie ra giết rồi ném thi hài vào giàn lửa để tế vong hồn người chết. Sau khi giàn củi cháy hết, quân Hy Lạp đi thu nhặt hài cốt của Achille bỏ vào một chiếc bình vàng đẹp đẽ vốn của thần Rượu nho-Dionysos dâng tặng cho nữ thần Thétis, mẹ của Achille. Tiếp đó, quân Hy Lạp lấy hài cốt của Patrocle đem bỏ chung vào chiếc bình đó rồi làm lễ an táng. Người ta đào một cái huyệt để chung ba danh tướng của quân Hy Lạp: Patrocle, Antiloque và Achille. Quân Hy Lạp xây cho những vị anh hùng một ngôi mộ rất to, rất cao để cho thuyền bè đi ngoài khơi xa cũng nhìn thấy. Phần cuối của lễ tang là những cuộc thi đấu thể thao. Nữ thần Thétis mang từ dưới biển lên những tặng vật quý giá để làm phần thưởng cho những người chiến thắng. Quân Hy Lạp bảo nhau: những phần thưởng đó quý giá đến nỗi nếu như Achille còn sống hẳn rằng chàng cũng phải ham thích say mê, và nếu chàng tham dự các cuộc thi, chắc chắn chàng sẽ đoạt hầu hết các giải. Người xưa kể, Achille tuy đã được chôn cất dưới một nấm mồ to đẹp nhưng chàng không yên nghỉ tại đấy. Nữ thần Thétis đưa chàng đến một hòn đảo xa tít tắp ở biển Pont-Euxin và ở đây chàng tiếp tục cuộc sống của mình, một cuộc sống đầy bí ẩn. Cho mãi đến tận sau này mỗi khi thuyền bè đi ngang qua hòn đảo đó, các thủy thủ đôi khi vẫn còn nghe thấy tiếng binh khí va chạm nhau xoang xoảng tưởng chừng như những cuộc giao tranh long trời lở đất vẫn đang diễn ra. Đêm đêm có khi lại nghe thấy vẳng lên những câu ca, điệu hát như trong các buổi yến tiệc tưng bừng. Người ta bảo, đó là Achille và các chiến hữu của mình đang tiếp tục cuộc sống của những dũng tướng anh hùng của thời đại trước.
Sau khi Achille chết, trong hàng ngũ quân Hy Lạp xảy ra một câu chuyện vừa xấu xa bỉ ổi vừa đau đớn thương tâm. Đó là việc quyết định xem ai là người được thừa kế bộ áo giáp và chiếc khiên của Achille, một báu vật do thần Thợ rèn-Héphaïstos đã tốn bao công sức mới tạo nên được. Nữ thần Thétis không thể chỉ định xem ai là người được nhận cái vinh dự này bởi nàng chẳng biết dựa vào điều gì để phán quyết. Achille cũng chẳng dặn lại trao báu vật của mình cho ai. Quả là khó xử. Cuối cùng nữ thần Thétis phán truyền cho hai anh em Agamemnon và Ménélas biết chủ kiến của bà: hãy trao báu vật đó cho vị tướng nào đã chiến đấu xuất sắc nhất trong trận đánh bảo vệ thi hài Achille. Căn cứ vào lời phán truyền ấy thì tướng Ajax Lớn hoặc Ulysse phải được nhận bộ áo giáp và chiếc khiên vì hai chàng là những người đã có công lớn trong việc đẩy lui quân Troie và mang thi hài Achille về doanh trại, nhưng phần thưởng chỉ có một mà người xứng đáng lại có hai. Chỉ còn cách bỏ phiếu kín để quyết định. Người ta nêu ra một câu hỏi cho các tù binh Troie: trong hai vị tướng Hy Lạp, Ajax và Ulysse, ai là người xuất sắc nhất, đáng sợ nhất? Và đặt hai bình đựng phiếu, một của Ajax, một của Ulysse. Tưởng việc làm như thế thì minh bạch và công bằng, nhưng không, nữ thần Athéna vì yêu quý Ulysse và thù ghét Ajax đã xúi giục, bày đặt cách gian lận cho anh em Atrides để khi kiểm phiếu Ulysse được nhiều phiếu hơn. Sở dĩ nữ thần ghét Ajax là vì trong những trận chiến đấu với quân Troie đã có lần Ajax coi thường, khước từ sự giúp đỡ của nữ thần. Đó là một hành động ngạo mạn, kiêu căng đáng phải trừng phạt. Kết quả là bằng những thủ đoạn gian lận, bỉ ổi, xấu xa do nữ thần Athéna bày đặt, Ulysse đã thắng, được thừa hưởng bộ áo giáp và cái khiên của Achille. Căm giận việc làm xấu xa, bỉ ổi của hai anh em Atrides, Ajax tìm cách trả thù. Đêm khuya hôm đó, Ajax mang gươm đột nhập vào đại bản doanh quân Hy Lạp mưu toan giết lũ quân canh rồi hạ sát hai anh em Atrides và Ulysse, nhưng nữ thần Athéna luôn luôn quan tâm đến Ulysse, luôn luôn ở bên cạnh Ulysse cũng như hai anh em Atrides để bảo vệ, giúp đỡ bộ ba tướng lĩnh này. Vì thế, khi thấy Ajax cầm gươm lẻn ra đi, nữ thần Athéna bèn làm cho người dũng sĩ này mất trí đi lạc đường ra bãi chăn nuôi. Nữ thần còn làm cho Ajax mất trí đến nỗi trông cuốc hóa gà, trông thấy đàn bò của quân Hy Lạp bắt được thả trên bãi hóa ra những chiến binh Hy Lạp, và thế là Ajax vung gươm xông vào chém giết và bắt một số giải về lều của mình. Chàng đinh ninh rằng mình đã giết chết hai anh em Atrides và bắt sống được Ulysse.
Trời sáng, quân Hy Lạp thấy súc vật bị giết bị mất bèn truy tìm và phát hiện ra thủ phạm là Ajax. Ulysse được lệnh đi rình bắt Ajax đem về nộp cho hai anh em Atrides để trị tội. Trong khi rình nấp, Ulysse được nữ thần Athéna hiện ra nói cho biết rõ đầu đuôi câu chuyện, và thế là câu chuyện Ajax tả xung hữu đột giữa đàn bò tưởng như là mình tả xung hữu đột giữa quân Hy Lạp, giết Agamemnon, hạ Ménélas, bắt sống Ulysse không cánh mà bay lan truyền từ miệng người này sang miệng người khác khắp trong toàn quân Hy Lạp.
Còn Ajax, sau cuộc tung hoành, hồi tỉnh lại. Nữ thần Athéna đã trả lại trí khôn cho chàng. Vì thế chàng đã tỉnh táo để nghe rõ tường tận câu chuyện do mình gây ra vừa qua, một câu chuyện lố bịch, tức cười do hành động điên rồ của chàng. Chao ôi! Thật quá ư xấu hổ, quá ư đau xót! Đúng là một hành động đê nhục không xứng đáng với danh dự của một dũng tướng danh tiếng, chiến công lừng lẫy. Chàng càng nghĩ lại càng thấy hổ thẹn, đau xót, càng thấy nhục nhã. Chàng thấy không thể sống được khi danh dự đã bị ô uế. Chỉ có cái chết mới giải thoát nổi cho chàng. Ajax nhờ người nữ tì Termesse nhắn lại người em ruột của mình và Teucer trông nom hộ chàng đứa con trai còn nhỏ, sau đó gửi đứa bé về quê hương Salamine để ông bà nội nuôi nấng giúp. Chàng lại dặn khi con chàng khôn lớn, Teucer sẽ trao cho nó chiếc khiên quý của mình, chiếc khiên dày bảy lớp da bò mà không một vũ khí nào đâm thủng được. Chàng mong muốn con chàng sẽ mang tên của chiếc khiên: Eurysaces. Dặn dò mọi việc xong, Ajax lấy thanh gươm mà xưa kia Nestor trao tặng cho mình, ra đi, nói là đi cầu xin các vị thần tha thứ cho hành động phạm thượng của mình và hiến dâng cho thần Hadès thanh gươm báu.
Teucer từ Mysie trở về. Chàng được nhà tiên tri Calchas báo cho biết, phải giữ Ajax lại trong lều trại hết ngày hôm nay, nếu để Ajax đi ra khỏi nhà sẽ gặp tai họa nguy hiểm đến tính mạng. Teucer vội cho quan hầu về phi báo cho mọi người biết, nhưng không kịp nữa rồi, Ajax đã ra đi. Mọi người chạy vội đi tìm Ajax, và người ta thấy chàng đã nằm chết bên bờ biển, một thanh gươm xuyên suốt qua ngực.
Được tin Ajax chết, hai anh em Atrides liền đến tận nơi xem xét. Họ ra lệnh cấm không cho chôn cất thi hài Ajax và coi đó là một hình phạt xứng đáng với tội phản nghịch của Ajax. Mệnh lệnh này của họ ban ra gây cho tướng Teucer một sự phẫn nộ, chàng kiên quyết kháng cự lại lệnh này, sẵn sàng đứng ra chấp nhận mọi thử thách, đương đầu để bảo vệ quyền được chôn cất cho thi hài người anh mình, dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Quân Hy Lạp lại đứng trước nguy cơ của một sự chia rẽ phân biệt. May thay, người anh hùng Ulysse tới can thiệp. Chàng chỉ ra cho anh em Atrides biết, hành động trừng phạt đối với thi hài Ajax là vô nhân đạo và không cao thượng, hơn nữa vi phạm vào điều ngăn cấm của thánh thần. Chàng phân giải cho họ rõ, mặc dù Ajax vừa qua đã có hành động chống đối, thù địch đối với họ song dù sao Ajax cũng là một vị tướng có công lớn trong cuộc Chiến tranh Troie. Không thể đối xử bạc nghĩa như thế với một vị tướng có công, không nên căm thù, trả thù đối với một cái xác chết. Ajax xứng đáng được hưởng, và phải được hưởng những nghi lễ trọng thể trong việc an táng.
Cuối cùng hai anh em Atrides phải nhượng bộ. Quân Hy Lạp lại có thêm một nấm mồ được xây dựng to đẹp bên cạnh nấm mồ chung của những người anh hùng: Patrocle, Antiloque và Achille. Đó là nấm mồ của Ajax Lớn, con của Télamon, quê ở Salamine, người anh hùng mà tài năng và sức mạnh trong toàn quân Hy Lạp chỉ chịu thua kém có Achille.
Sau khi hai vị tướng kiệt xuất của quân Hy Lạp là Achille và Ajax chết, quân Hy Lạp vẫn không vì thế mà từ bỏ ý định đánh chiếm thành Troie. Ngược lại, họ càng hăng hái hơn, quyết tâm hơn, vì như lời phán truyền của Số mệnh, thành Troie sẽ bị hạ vào năm thứ mười của cuộc giao tranh, và bây giờ chính là thời điểm ấy. Họ, quân Hy Lạp, đang ở vào thời điểm ấy. Từ đây trong hàng ngũ của quân Hy Lạp nổi bật lên một tài năng mới vô cùng kiệt xuất, nếu kể về lòng dũng cảm và tài võ nghệ xem ra chẳng thua kém Achille, Ajax là bao, nhưng về tài tháo vát, trí thông minh, đầu óc đặt mưu sâu, bày kế hiểm thì chưa từng một ai sánh nổi. Đó là Ulysse hay còn gọi là Odyssée, tên tuy hai nhưng người chỉ một, con của lão vương Laerte, quê hương ở hòn đảo Ithaque nhỏ bé nghèo nàn, quanh năm bốn bề sóng vỗ. Chiến công của Ulysse thì nhiều nhưng chúng ta làm sao có thể kể hết được. Chỉ xin kể một chiến công có ý nghĩa quyết định đối với số phận thành Troie.
Trước hết ta phải kể chiến công bắt sống Hélénos, con của lão vương Priam, vốn là một nhà tiên đoán tài giỏi, anh em sinh đôi với Cassandre cũng nổi danh vì tài tiên đoán. Được biết Hélénos giữ kín một lời sấm ngôn của thần thánh về số phận thành Troie, một lời sấm ngôn rất cơ mật và tối ư hệ trọng, Ulysse ngày đêm vắt óc tính kế đoạt bằng được điều bí mật đó. Kế gì? Đem đại binh vây đánh để bắt sống Hélénos ư? Chắc gì đã được? Hơn nữa, trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, tên bay đạn lạc, có thể Hélénos bị chết. Như thế thì mưu lớn không thành mà đại sự cũng hỏng. Vả lại quân Troie chẳng dại gì mà để Hélénos xông pha ra nơi trận tiền mà không ai bảo vệ. Tính toán hết mọi đường mọi nẻo, Ulysse thấy chỉ có cách cải trang lọt vào thành Troie bắt sống Hélénos đem ra là hay hơn cả, và chàng đã đích thân thực thi kế hiểm của mình. Sau nhiều ngày đêm lăn lội điều tra, dò xét để biết được nơi ăn chốn ở của Hélénos cùng sự canh phòng của quân Troie, bữa kia nhằm vào một đêm tối trời không trăng không sao, Ulysse đột nhập vào thành Troie bắt sống Hélénos, bắt một cách rất êm thấm, đưa về doanh trại quân Hy Lạp. Thế là quân Hy Lạp đoạt được lời sấm ngôn cơ mật, bí truyền. Theo lời khai của Hélénos, thành Troie chỉ có thể bị hạ nếu quân Hy Lạp thực hiện được những việc sau đây: Một là, đưa dũng tướng Philoctète cùng cây cung của người anh hùng Héraclès mà Philoctète được thừa hưởng tới thành Troie tham chiến. Hai là, đưa người con trai của Achille là chàng Néoptolème từ đảo Skyros tới tham chiến. Ba là, di chuyển hài cốt của người anh hùng Pélops tới đất Troie.
Trong ba việc này thì việc thứ nhất là khó khăn hơn cả. Ulysse dù sao cũng quyết thực hiện bằng được. Trước hết, chàng từ thành Troie trở về đảo Skyros xin với vua Lycomède cho Néoptolème, người cháu ngoại của nhà vua, con của Achille và công chúa Déidamie, xuất trận. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, Néoptolème tính nết cũng như cha, vừa được ông ngoại cho biết là nóng sôi lên sùng sục chỉ muôn bay ngay sang thành Troie. Mặc dù mẹ chàng khóc lóc, khuyên can chàng đừng dấn thân vào cuộc đời chinh chiến, nhưng chàng vẫn cứ lên đường. Chàng đang khát khao những chiến công vĩ đại để tỏ ra xứng đáng với dòng dõi Achille.
Trên đường từ đảo Skyros sang thành Troie, Ulysse cho thuyền ghé lại đảo Lemnos. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ trong hành trình vượt biển sang thành Troie xưa kia, chín năm trước kia, quân Hy Lạp đã bỏ lại, bỏ lại một cách vô cùng tàn nhẫn tướng Philoctète trên đảo Lemnos. Hồi đó, Philoctète bị rắn cắn, vết thương sưng tấy, mưng mủ hôi thối khiến Philoctète luôn miệng rên la, than vãn. Điều đó ảnh hưởng tới cuộc hành binh, nhất là làm ô uế, phàm tục những lễ hiến tế trọng thể. Giờ đây trở lại Lemnos, nhưng làm sao, làm thế nào mà đưa Philoctète sang tham chiến với quân Hy Lạp ở thành Troie? Ulysse thì không dám xuất đầu lộ diện rồi, chỉ vì trông thấy Ulysse là Philoctète đã bừng bừng nộ khí và chắc chắn rằng sẵn cung tên trong tay, Philoctète không ngần ngại gì mà không nã cho cái kẻ đã đề xuất ra việc làm độc ác, tàn nhẫn đó một phát. Trúng một phát tên tẩm máu độc của con mãng xà Hydre thì không danh y nào, thần y nào cứu chữa được. Ulysse bèn nghĩ ra một kế khá thâm độc. Chàng và một số thuộc hạ đứng chờ Néoptolème ở ngoài thuyền, Néoptolème sẽ lên đảo tìm bằng được chỗ ở của Philoctète, lân la trò chuyện, kể một câu chuyện bịa đặt để gây cảm tình với Philoctète đặng rủ được Philoctète xuống thuyền trở về quê hương Hy Lạp, và khi biết Philoctète đã xuống thuyền rồi thì coi như trót lọt. Nghe Ulysse bày mưu đặt kế, Néoptolème đã thấy ngài ngại. Với tuổi trẻ trong sáng, thẳng thắn của mình, Néoptolème thực tâm không muốn làm một việc dối trá lừa gạt, nhưng trước quyền uy và sự thúc ép, thuyết phục của Ulysse, cuối cùng Néoptolème nhận thi hành kế sách. Néoptolème tìm được chỗ ở của Philoctète. Đó là một cái hang khá sâu có hai cửa, ở bên một dòng suối không bao giờ cạn. Đang khi chờ đợi thì Philoctète từ đâu khập khiễng lê bước về. Vết thương ở chân ông vẫn chưa khỏi, đi lại vẫn rất khó khăn và đau đớn. Sau vài lời thăm hỏi, xưng danh, Néoptolème thuật lại cho Philoctète nghe, nguyên do vì sao chàng đến nơi này. Và đây là câu chuyện do Ulysse bịa đặt ra và giao cho Néoptolème kể:
– Một hôm, Ulysse và lão ông Phénix, người bố nuôi của cha tôi từ thành Troie về tìm tôi. Hai người cho tôi biết, Achille đã tử trận và các đấng thần linh dành cho tôi cái vinh dự kết thúc số phận thành Troie. Nghe những lời nói đẹp đẽ của họ, tôi xuống thuyền cùng với họ vượt biển sang Troie vì trước hết tôi muốn nhìn mặt cha tôi lần cuối trước khi quân Hy Lạp làm lễ mai táng cho người. Khi tôi đến, quân Hy Lạp đứng đón tôi đông nghịt. Gặp tôi, người nào cũng nói cứ như là được nhìn thấy Achille sống lại. Tôi đến bên thi hài cha tôi để vĩnh biệt người. Sau đó, tôi đến gặp hai anh em Atrides và hỏi xin lại những đồ binh khí của cha tôi cũng như tất cả những gì là tài sản của người, nhưng họ trả lời tôi với một giọng lưỡi trắng trợn không thể nào lọt tai được: “Này, hỡi người con của Achille thần thánh! Của cải, tài sản của cha anh thì trước sau vẫn là của anh, sẽ trả lại cho anh thôi! Nhưng còn bộ áo giáp và chiếc khiên cùng với ngọn lao, thanh kiếm thì đã trao cho một vị tướng khác rồi, vị đó và Ulysse. Hiện nay Ulysse đang sử dụng những thứ đó!” Nghe họ nói thế, tôi không thể nín nhịn được sự căm giận. Tôi mắng họ: “Các ông làm ăn như thế là thế nào? Thật là một lũ khốn nạn! Mặt mũi nào mà các ông đem những thứ đồ binh khí của cha tôi đi trao cho người khác mà không thèm hỏi tôi lấy một lời”. Lúc đó Ulysse cũng có mặt tại đấy. Ông ta trả lời tôi: “Các vị ấy làm như thế là đúng đấy cháu ạ! Cháu thử nghĩ xem nếu không có ta thì những đồ binh khí đó cùng bộ áo giáp và chiếc khiên cũng như thi hài của cha cháu đã rơi vào tay quân Troie rồi”. Thế là tôi chẳng còn nể nang gì nữa, tôi làm ầm lên, chửi thẳng vào mặt bọn họ và bỏ ra về. Tôi quyết định không ở lại chiến đấu với họ nữa. Trở về quê hương Hy Lạp, trở về hòn đảo Skyros thân yêu của tôi là hơn hết.
Sau khi thuật hết câu chuyện, Néoptolème rủ Philoctète trở về quê hương Hy Lạp với mình. Còn gì sung sướng hơn nữa, Philoctète nhận lời ngay. Đối với ông, kéo dài mãi cái cuộc sống khổ nhục ở chốn rừng xanh hoang dại này trong cảnh bị vết thương dày vò đau đớn, lê từng bước đi tìm kiếm thuốc, kiếm miếng ăn bằng săn bắn là việc ngoài ý muốn của ông. Chỉ vì không gặp được người đồng hương, đồng chí, đồng tình nên ông mới phải chịu cảnh sống đọa đầy suốt chín năm trường. Ông khắc cốt ghi xương mối thù với bọn người tàn bạo, hai anh em Atrides và Ulysse.
Hai người vừa đi được vài bước thì Ulysse cho một tên thuộc hạ cải trang làm một thương nhân đến gặp Néoptolème báo tin cho biết: quân Hy Lạp cử lão vương Phénix và những người con trai của Thésée xuống thuyền truy đuổi Néoptolème. Tướng Ulysse và Diomède đang trên đường tới hòn đảo này để tìm Philoctète, mời Philoctète về tham dự cuộc Chiến tranh Troie. Nếu Philoctète chống cự lại thì họ sẽ dùng vũ lực cưỡng bức, bắt bằng được Philoctète về. Hãy mau mau đi thoát khỏi hòn đảo này kẻo sa vào tay bọn họ.
Tình cảnh thật hiểm nghèo như vậy mà Philoctète lại không lê nổi bước chân. Mỗi bước đi của ông thật khó nhọc và đau đớn. Ông trao cây cung cho Néoptolème và cầu xin chàng trẻ tuổi đừng bỏ rơi ông, trong bước đường khó khăn gian khổ. Một cơn đau dữ dội khiến Philoctète tưởng chừng muốn ngất. Ông phải nghỉ ngơi một hồi lâu rồi mới tiếp tục lê bước được.
Thấy tình cảnh cơ cực, thương tâm của Philoctète như vậy, Néoptolème không đành lòng che giấu sự thật, lừa gạt một con người trung thực. Chàng nói rõ cho Philoctète biết đầu đuôi câu chuyện, nói rõ tất cả những trò bày đặt ra từ nãy đến giờ chỉ là nhằm dụ dỗ, lừa được Philoctète xuống thuyền để đưa ông sang thành Troie. Chàng thuyết phục ông sang thành Troie với mình để cùng chiến đấu vì sự nghiệp của quân Hy Lạp. Philoctète kiên quyết khước từ. Ông đòi Néoptolème trả lại cho ông cây cung vì đó là chỗ dựa duy nhất của ông, phương tiện duy nhất của ông để kiếm nguồn thức ăn nuôi sống cuộc đời cô quạnh trong hang sâu rừng thẳm. Đang lúc đó thì Ulysse vì chờ đợi quá lâu, từ ngoài biển chạy vào xem sự thể ra sao. Ulysse bực tức ra lệnh cho Néoptolème phải trao cho mình cây cung và thét vang sai đám thuộc hạ xông vào áp giải Philoctète. Philoctète kiên quyết chống lại. Ông quyết định nếu chúng áp sát ông gieo mình xuống vực sâu kết liễu cuộc đời. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, Néoptolème không thể nào làm một việc tàn nhẫn là trao cho Ulysse cây cung của Philoctète và cùng xuống thuyền với Ulysse, bỏ mặc Philoctète lại. Chàng thấy căm thù Ulysse. Chàng trao trả cây cung cho Philoctète. Được trả lại vũ khí, Philoctète vô cùng mừng rỡ, ông lắp tên, giương cung toan cho Ulysse, cái con người xảo quyệt lừa lọc ấy, một phát để hắn biết thế nào là nỗi uất hận của ông. May làm sao là may! Néoptolème kịp thời ngăn chặn lại được. Nhờ đó Ulysse chạy thoát.
Néoptolème ra sức thuyết phục Philoctète đi cùng với mình sang thành Troie. Vô ích. Thuyết phục thế nào Philoctète cũng không nghe, không chuyển. Thật là vô cùng rắc rối và bế tắc. Nếu Philoctète không ưng thuận sang thành Troie chiến đấu với quân Hy Lạp thì biết đến bao giờ thành Troie mới bị hạ. Số mệnh và lời phán truyền của thần thánh đã tiền định rõ ràng, nhưng muốn thực hiện được điều tiền định của Số mệnh và lời phán truyền của thần thánh thì phải thực hiện được việc mời Philoctète tới thành Troie để tham gia chiến trận.
Bỗng trên không trung có tiếng nổ ầm vang. Thần Héraclès xuất hiện trong ánh hào quang rực rỡ, uy nghi và thiêng liêng. Từ trên cao người anh hùng con của Zeus được gia nhập vào thế giới thần linh bất tử, người anh hùng, sư phụ của Philoctète phán truyền:
– Hỡi Philoctète, người đồ đệ thân yêu của ta, người đã được ta trao cho cây cung và ống tên kỳ diệu, để kế tục sự nghiệp của ta! Ta đã biết rõ tất cả mọi chuyện, nhưng dù sao nhà ngươi hãy dẹp đi nỗi uất hận với quân Hy Lạp vì tội họ đã đối xử tệ bạc với ngươi. Nhà ngươi hãy nghĩ đến sự nghiệp vẻ vang của thần dân Hy Lạp trong cuộc viễn chinh sang thành Troie và trách nhiệm của nhà ngươi đối với sự nghiệp đó. Lẽ nào nhà ngươi thừa hưởng cây cung và ống tên thần của ta chỉ để săn bắt chim muông sống cho qua ngày đoạn tháng ở cái hòn đảo cô quạnh này ư? Nhà ngươi định chôn vùi sự nghiệp của một danh tướng Hy Lạp ở hòn đảo này ư? Và chiến công cũng như vinh quang của nhà ngươi là đã giết thú, hạ chim ư? Không, không thể như vậy được. Nhà ngươi hãy lên đường sang thành Troie để tham gia chiến trận. Chính nhà ngươi lãnh sứ mạng rất quan trọng là góp phần công sức lớn vào việc hạ thành Troie. Quân Hy Lạp phải chữa cho nhà ngươi lành vết thương để nhà ngươi xuất trận. Quân Hy Lạp phải suy tôn, trọng vọng nhà ngươi như một vị danh tướng không thua kém bất cứ một danh tướng nào. Philoctète hỡi! Ngươi khá yên lòng! Ngươi hãy xứng danh là đồ đệ không thể chê trách được của ta – người anh hùng con của Zeus chí kính toàn năng.
Nghe những lời phán truyền ấy, Philoctète chấp nhận việc tham chiến cùng với quân Hy Lạp. Việc đầu tiên khi con thuyền cập bến là người ta khiêng Philoctète lên lều trại để chữa chạy vết thương ở chân cho ông. Vị danh y thần thánh Asclépios, con của thần Apollon cùng với người con trai của ông là nhà danh y Machaon đích thân chữa cái vết thương đã thành ung nhọt ăn sâu vào xương tủy ấy. Thần Apollon cũng đến giúp sức trong việc chữa chạy này. Thế là cả ba thế hệ từ ông cho đến cháu chữa cho Philoctète. Người ta đặt Philoctète nằm trên một chiếc giường đẹp và cao. Thần Apollon bằng pháp thuật của mình làm cho Philoctète ngủ đi một giấc dài, một giấc ngủ thật say, khi đó Machaon xem xét vết thương, lấy dao cắt những chỗ thịt thối vứt đi rồi đem rượu vang thần thánh rửa vết thương cho thật sạch, sau đó đắp vào vết thương một thứ lá thuốc thần diệu mà chỉ có vị thần y Asclépios và người con trai trứ danh của mình là Machaon biết. Thần Asclépios may mắn được thần Centaure Chiron truyền dạy cho. Thần đã lặn lội vào rừng sâu tìm thứ lá thuốc thần diệu để về chữa chạy cho Philoctète. Mấy ngày sau, vết thương ở chân của Philoctète khỏi, khỏi hẳn, và người chiến sĩ, đồ đệ trung thành của thần Héraclès, với cây cung và ống tên thần của mình bước vào cuộc giao tranh.
Qua việc chữa vết thương cho Philoctète, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vào thời đó người Hy Lạp cổ đã biết cách “gây mê” để thực hiện một phẫu thuật, và vị “bác sĩ gây mê” chính là thần Apollon đã gây ra giấc ngủ thần thánh. Trong trường hợp này, không phải là nhiệm vụ của thần Giấc ngủ-Hypnos, vì Hypnos chỉ là Giấc ngủ nói chung, còn giấc ngủ của Apollon gây ra là giấc ngủ riêng biệt nằm trong “phạm trù” chữa bệnh! Dự đoán nói trên của những nhà nghiên cứu về trình độ y học của người Hy Lạp cổ có những cơ sở khoa học. Trong anh hùng ca Iliade của Homère, tác giả đã miêu tả, thường là khá cụ thể và rõ ràng, một trăm bốn mươi mốt trường hợp các dũng sĩ bị thương, các vết thương. Để chữa những vết thương đó, Homère cũng đã miêu tả cho chúng ta biết vai trò và hoạt động của những thầy thuốc như: rửa vết thương cho sạch máu mủ, băng bó, dịt vết thương bằng cách rắc vào vết thương một loại bột nghiền ra từ những loại rễ cây. Nghề thầy thuốc trong anh hùng ca Iliade được đánh giá rất cao. Một thầy thuốc giá trị bằng nhiều người – Homère đã viết như thế218. Ngày nay, Machaon trong văn học thế giới chuyển nghĩa như một danh từ chung chỉ người thầy thuốc tài giỏi.
Lại nói về Philoctète. Bước vào cuộc giao tranh, chiến công đầu tiên của người anh hùng này là kết liễu số phận Paris, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh núi xương sông máu. Bằng một phát tên, Philoctète bắn bị thương người con trai của vua Priam giàu có. Chất độc ở mũi tên làm cho Paris đau đớn, quằn quại kéo dài. Chàng nói với gia nhân khiêng chàng vào ngọn núi Ida với hy vọng rằng có thể được người vợ xinh đẹp là tiên nữ Nymphe Oenone cứu chữa.
Xưa kia khi Paris còn là một người chăn chiên trong núi rừng Ida trước khi chàng được vinh dự đứng ra phân xử vụ tranh giành quả táo vàng Tặng người đẹp nhất, chàng đã có một mối tình rất trong trẻo và thơ mộng với người thiếu nữ con của thần Sông-Cébren. Oenone yêu Paris say đắm, tha thiết. Nàng có tài tiên đoán. Nàng đã tiên báo trước cho Paris biết sẽ xảy ra cuộc Chiến tranh Troie và trong cuộc chiến tranh ấy chàng sẽ gặp phải một số phận bi thảm cũng như thành Troie sẽ không tránh khỏi thảm họa tiêu vong. Nàng hy vọng vì thế Paris sẽ sống gắn bó với nàng, không bỏ nàng, nhưng Paris lại bị bắt để đứng ra phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng, và chàng đã xử cho Aphrodite thắng. Aphrodite giữ lời hứa “hậu tạ” lại chàng. Chẳng nhẽ chàng khước từ tặng phẩm của một nữ thần đầy quyền uy và pháp thuật, và như chúng ta đã biết Paris trở về thành Troie như thế nào, vượt biển sang đất Sparte chinh phục được Hélène như thế nào… Oenone ở lại nơi rừng xanh núi biếc với nỗi giận hờn và buồn tủi. Tuy nhiên trước khi chia tay với Paris, Oenone có dặn lại Paris như sau:
– Chàng ơi! Thế là chàng đã không nghe em, không nghĩ đến những tai họa do điều tiên đoán của em mách bảo. Chiến tranh sẽ xảy ra. Thành Troie sẽ bị vây hãm. Con dân thành Troie sẽ bị ném vào những cuộc chém giết núi xương sông máu, và số phận chàng chắc chẳng thể thoát được những tai họa khôn lường trong cuộc đao binh. Thôi thì trước khi ly biệt, em chỉ biết dặn chàng một điều: nếu rủi ro sau này trong chiến trận chàng gặp phải cảnh ngộ không may, bị lao đâm, gươm chém, tên bắn trọng thương thì chàng hãy nhớ đến em. Chàng hãy trở về vùng núi Ida tìm em. Em có thể chữa lành cho chàng dù bệnh tật của chàng có hiểm nghèo đến đâu chăng nữa. Bởi vì ngoài em ra chẳng ai biết liều thuốc thần diệu và quý giá đó ở vùng rừng núi Ida này.
Vì lẽ đó nên Paris mới bảo gia nhân khiêng mình vào vùng rừng núi Ida, tìm đến nơi ở của tiên nữ Nymphe Oenone. Nhưng sự đời ai học được chữ ngờ, Oenone gặp lại Paris trong cảnh chàng bị trọng thương, hấp hối, nhưng từ trái tim nàng không phải là lòng thương người, và lòng vị tha dâng lên, ngược lại, một nỗi giận hờn ghen tuông bùng cháy dữ dội. Nàng chẳng thấy trước mắt nàng là người bạn tình đang đau đớn vì chất độc của mũi tên, chỉ còn thoi thóp. Nàng chỉ thấy đây là con người đã phụ bạc nàng, bỏ nàng sống trong nỗi cô đơn và buồn tủi, gieo xuống đời nàng bao sầu muộn, khổ đau. Thế là nàng bỏ mặc Paris nằm đấy. Nàng ra đi, nàng chẳng cần giữ lời hứa tình nghĩa và cao thượng xưa kia. Nàng bỏ mặc Paris, và Paris chết. Paris chết không ai biết, không một người thân thích ở bên. Tình cờ những người chăn chiên bắt gặp xác chàng. Họ nhận ra ngay được người bạn xưa kia đã từng sống với họ trong cảnh gió ngàn đồng nội bên đàn súc vật hiền lành. Đau đớn xiết bao! Họ khóc than thương tiếc cho số phận của chàng, và chính họ, những người bạn của Paris, bảo nhau đốn củi rừng thiết lập giàn thiêu để làm lễ hỏa táng cho chàng. Họ chôn bình đựng hài cốt của chàng xuống một cái huyệt sâu và khuân đá xếp dựng cho chàng một nấm mồ to đẹp để tưởng nhớ đến chiến công của chàng. Còn Oenone, sau đó ít lâu, hối hận về hành động của mình đã treo cổ tự tử.
Thế là Philoctète đã tham chiến và lập được chiến công lừng lẫy trả thù được cho Achille. Việc thứ nhất đã được thực hiện.
Việc thứ hai thì không có gì khó khăn. Néoptolème vừa đặt chân lên mảnh đất Troie là chàng xin được thử sức. Ngay trận đầu chàng đã tỏ ra xứng đáng là con dòng cháu giống. Chàng hạ được khá nhiều dũng tướng của quân Troie. Trong số những danh tướng bị hạ, ta phải kể đến chiến công quật ngã tướng Eurypylos người cầm đầu đạo quân xứ Mysie tới chi viện cho quân Troie. Eurypylos là con của nhà vua Télèphe và hoàng hậu Astyoché. Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện vua xứ Mysie bị thương vào bụng, được Achille chữa khỏi, sẵn sàng giúp quân Hy Lạp, dẫn đường cho họ đổ bộ lên đất Troie. Đó chính là vị vua đã sinh ra danh tướng Eurypylos giờ đây đang là bạn đồng minh của quân Troie. Mẹ Eurypylos là Astyoché, mà Astyoché lại là chị ruột của vua Priam. Vì lẽ đó bà không thể ngồi yên nhìn thành Troie ngày một tiến gần đến thảm họa. Lão vương Priam đã gửi biếu bà chị một dây nho vàng để cầu xin sự giúp đỡ. Người xưa kể, dây nho vàng này vốn là từ cây nho của thần Zeus trồng cho chàng thiếu niên xinh đẹp Ganymède, con của Tros, mà thần Zeus đem lòng yêu mến đã biến mình thành con đại bàng bắt chàng về thế giới Olympe để hầu hạ. Vì lẽ đó, Astyoché thúc giục người con trai của mình thống lĩnh ba quân sang chi viện cho thành Troie, mặc dù người con trai ấy không hào hứng gì trong việc dấn thân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Eurypylos xuất trận. Chàng đã lập được những chiến công xuất sắc đáng làm cho quân Hy Lạp phải kiêng nể. Danh tướng và danh y Machaon con của vị thần y Asclépios đã đọ tài với chàng và phải đền mạng. Néoptolème đụng độ với chàng trong một cuộc giao tranh kéo dài và ác liệt. Đó là lúc sau khi Eurypylos hạ hết vị tướng này đến chiến binh khác của quân Hy Lạp, xông tràn vào khu vực chiến thuyền và toan phóng hỏa, nhưng Số mệnh không cho quân Troie và quân Mysie thắng lợi. Vì thế Néoptolème đã kết liễu đời chàng.
Còn việc thứ ba thì hoàn toàn không gặp trở ngại khó khăn gì. Hài cốt của nhà vua Pélops được đưa sang vùng đồng bằng Troade và mai táng tại mảnh đất nóng bỏng này.
Lại nói về Ulysse. Chàng lại lập tiếp một cuộc chiến công xuất sắc nữa. Đó là việc đột nhập vào thành Troie, vào hẳn trong nội thành, đoạt bức tượng thờ mang tên Palladion. Mặc dù quân Troie ngày càng suy yếu đi rõ rệt, các danh tướng lần lượt theo nhau về vương quốc của bóng tối âm u dưới quyền cai quản của thần Hadès, nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao phá vỡ được bức thành cao ngất tận trời xanh. Ulysse quyết định dấn thân vào một công việc cực kỳ mạo hiểm. Chàng làm cho khuôn mặt mình biến dạng đi, thay đổi đi, bằng cách sai người đấm, vả vào mặt mình. Sau đó chàng cải trang thành một ông già ăn mặc rách rưới, một ông lão hành khất, đột nhập vào trong nội thành dò xét tình hình. Chẳng người dân, người lính Troie nào nhận ra được chàng. Chỉ có nàng Hélène là chàng không thể lừa được. Hélène gọi chàng vào nhà, tiếp đãi ân cần. Chàng hỏi Hélène nhiều điều và được Hélène trả lời tỉ mỉ. Nhờ đó chàng biết được thành Troie có một bức tượng hộ mệnh, bức tượng đó tên gọi là Palladion. Chàng quyết định ngay: phải đoạt bằng được bức tượng này thì thành Troie mới có thể bị hạ.
Trở về doanh trại quân Hy Lạp, Ulysse cùng với Diomède chiêu tập một đội tinh binh để thực hiện nhiệm vụ. Cũng bằng cách cải trang đột nhập vào nội thành, hai vị tướng này đã hoàn thành sứ mạng một cách vẻ vang, khôn khéo. Mất bức tượng hộ mệnh này, số phận thành Troie dường như có thể tính trên đầu ngón tay được.
Có một nguồn khác lại kể, Hélénos bị Ulysse bắt sống sau khi Paris chết. Do Paris chết, những người con trai của Priam tranh nhau nàng Hélène, nhưng vua Priam không gả Hélène cho Hélénos mà lại gả cho Déiphobe. Hélénos tức giận bỏ vào núi ở. Do đó anh ta mới bị Ulysse bắt sống.
[218] Un médecin vaut beaucoup d’autres hommes. Xem Homère, Iliade, chant XI, 510-520, traduit par Paul Mazon, Les Belles Lettres, Paris 1956.
Cuộc Chiến tranh Troie kéo dài đã mười năm. Từ khi Ulysse xuất hiện như một vị tướng tài giỏi nhất trong Hội đồng Tướng lĩnh thì cuộc chiến tranh dưới sự chỉ huy của chàng được tiến hành theo một hướng khác. Chàng không như Achille chỉ nhất nhất dùng sức mạnh của quân nhiều tướng giỏi vây hãm, công kích thành Troie. Chàng chủ trương phải dùng mưu. Xưa kia khi Achille còn sống, đã có lần hai người, trong một bữa tiệc, tranh cãi nhau rất gay gắt về cách tiến hành chiến tranh. Ulysse cho rằng muốn hạ được thành Troie mà chỉ dùng sức mạnh của quân sĩ và binh khí không thôi thì không thể nào thành công được. Phải dùng mưu, phải biết dùng mưu sâu kế hiểm, dụ địch, lừa địch thì mới có thể hy vọng giành thắng lợi. Nhưng Achille chống lại chủ trương đó, cho rằng không thể tiến hành chiến tranh bằng cách lừa dối được. Phải dùng sức mạnh, và chỉ có thể dùng sức mạnh mà thôi. Mưu mẹo, lừa lọc là xấu xa, là không cao thượng. Quân Hy Lạp suốt mười năm trời đã tiến hành chiến tranh theo cách của Achille, và suốt mười năm đó, quân Troie tuy có bị tổn thất nặng nề nhưng thành Troie vẫn đứng sừng sững uy nghi với những bức tường thành cao ngất như thách thức quân Hy Lạp.
Bây giờ đến lúc Ulysse phải thanh toán sự thách thức, kiêu ngạo ấy. Chàng quyết định dùng mưu để hạ thành Troie, phải dùng một kế hiểm để lừa quân Troie thì mới hy vọng hạ nổi cái đô thành cao ngất, vững chãi, rộng lớn và giàu có này. Chính nhà tiên tri tài giỏi Calchas cũng khuyên quân Hy Lạp nên dùng mưu để tiến hành chiến tranh, bởi vì thần Zeus đã giáng xuống một điềm báo ngụ ý như thế. Sau nhiều đêm suy nghĩ thao thức, Ulysse nghĩ ra một kế hiểm. Chàng tường trình với Hội đồng Tướng lĩnh: đóng một con ngựa gỗ thật to, cho quân cảm tử vào trong bụng ngựa, sau đó quân Hy Lạp giả rút lui để lại con ngựa trên bãi chiến trường, bày mưu lừa quân Troie để chúng đưa con ngựa vào trong thành, quân cảm tử sẽ từ trong bụng ngựa chui ra giết quân canh, mở cổng thành cho đại binh quay trở lại, đổ bộ, tiến vào thành. Không một ai phản bác mưu kế này của Ulysse cả. Ngược lại, mọi người còn tin chắc rằng chỉ có dùng mưu như thế mới mong hạ nổi thành Troie.
Quân Hy Lạp bắt tay vào công việc. Danh tướng Épéios, một người nổi tiếng vì có nhiều sáng kiến và có bàn tay thợ khéo léo được giao nhiệm vụ đóng con ngựa gỗ khổng lồ. Nhà tiên tri Prylis con của thần Hermès, vốn là người biết tài năng của Épeios nên đã tiến cử chàng với Hội đồng Tướng lĩnh. Quả là danh bất hư truyền, Épeios chỉ huy quân Hy Lạp đốn gỗ, xẻ ván, đóng ghép rất tài tình, đâu vào đấy răm rắp như khi chàng chỉ huy đạo quân ba mươi chiến thuyền của chàng đổ bộ lên đất Troie. Thật ra chủ trương của Ulysse không phải được chấp nhận dễ dàng như ta kể đâu. Các chủ tướng Hy Lạp đã bàn đi tính lại đủ mọi phương diện và cũng có không ít người lúc đầu tỏ vẻ không tin và không chấp thuận mưu chước của Ulysse. Nhưng Ulysse đã thuyết phục được tất cả, và tất cả sau khi nghe ra đều nhất trí tán thưởng chủ trương của Ulysse.
Nhưng mới xong được việc đầu tiên. Ulysse lại phải đột nhập vào thành Troie một lần nữa. Lần này chàng giả làm một tên lính Hy Lạp bị bạc đãi, mình mẩy bị đánh đập thâm tím, mặt sưng húp, những vết máu trên người còn chưa khô. Tên lính này chạy sang hàng ngũ quân Troie cầu xin sự che chở. Hắn khai hắn bị Ulysse ngược đãi, ức hiếp khiến hắn không thể nào sống nổi trong hàng ngũ quân Hy Lạp. Quân Troie tưởng thật, đón nhận ngay tên hàng binh đó. Thế là Ulysse tìm cách lẻn đến gặp Hélène, nói cho nàng biết kế sách của quân Hy Lạp giả vờ hồi hương nhưng mai phục ở một vùng biển kín đáo gần đây. Khi quân Troie đưa con ngựa gỗ vào thành thì Hélène, vào lúc trời sẩm tối, phải lên ngay bờ thành cao đốt một đống lửa to làm tín hiệu. Nhìn thấy ánh lửa đó tức khắc các chiến thuyền của đại quân lao nhanh về vùng đồng bằng Troade, đổ quân lên bờ. Trong khi đó quân cảm tử từ trong bụng ngựa chui ra, giết quân canh, mở cổng thành. Nội công ngoại kích, trong đánh ra, ngoài đánh vào như vậy phần thắng có thể cầm chắc. Thành Troie bị đánh bất ngờ như thế chắc không thể nào chống đỡ nổi.
Hélène nghe xong, lòng những nửa mừng nửa lo. Còn Ulysse, chàng phải trở về ngay doanh trại quân Hy Lạp để tiếp tục thực thi kế sách của mình.
Con ngựa gỗ khổng lồ đã làm xong. Épeios được nữ thần Athéna giúp đỡ đã đóng xong một con ngựa gỗ tuyệt đẹp. Bây giờ chỉ còn việc mời các chiến sĩ cảm tử chui vào nằm trong bụng ngựa. Trong số những chiến sĩ đó ta thấy có Ulysse, Ménélas, Philoctète, Diomède, Ajax Bé con của Oïlée, Idoménée, Mérion và Néoptolème, v.v.
Một buổi sáng kia khi nàng Rạng đông có đôi má ửng hồng vừa đặt những bước chân nhẹ nhàng lên mặt biển nhoẻn nụ cười sáng chào đón thế gian thì từ trên bờ thành cao của quân Troie, các tướng sĩ, chiến binh nhìn xuống chiến địa bỗng thấy một cảnh tượng rất đỗi lạ lùng. Họ tưởng như không tin vào mắt mình nữa. Chiến trường vắng bặt bóng quân Hy Lạp, vắng tanh, vắng ngắt. Chỉ còn lại lác đác một số ít đang nhổ trại để đưa xuống dăm ba con thuyền đang chờ ở bờ biển. Bọn này trước khi đi đã đốt hết những gì mà chúng không đem theo được. Thì ra đại quân của chúng đã bí mật cuốn gói rút lui từ đêm hôm trước rồi. Đây chỉ là toán rút cuối cùng. Nhưng trên bãi chiến trường hoang vắng, ngoài những đống lửa đang bừng bừng thiêu cháy những lều trại, quân Hy Lạp bỏ lại một con vật kỳ lạ. Đó là một con ngựa gỗ khổng lồ, một con ngựa đồ sộ, cao ngất tưởng như muốn sánh mình với những bức tường hùng vĩ của thành Troie. Những người Troie đứng trên bờ thành cao tưởng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Thế là cuộc chiến tranh núi xương sông máu này tưởng chừng như vô cùng vô tận lại có ngày chấm dứt, chấm dứt một cách không ai ngờ được như thế này. Lại một lần nữa, nữ thần Até-Lầm lẫn làm cho những người Troie phạm sai lầm. Những người Troie loan báo cho nhau biết cái tin vui đó. Thế là mọi người trong thành chạy ùa ra ngoài bờ biển ca hát, reo hò. Họ kéo đến vây quanh lấy con ngựa gỗ khổng lồ ngắm nghía, xem xét, bàn tán. Người thì bảo nên đẩy nó xuống biển, người thì bảo châm cho nó một mồi lửa, kẻ thì lại khuyên nên đưa nó vào trong thành đặt ở quảng trường để ghi nhớ chiến công vĩ đại của người Troie. Đang khi mọi người bàn cãi thì bỗng nổi lên tiếng quát tháo, chửi rủa ầm ầm. Thì ra có người tìm được trong một bụi cây gần đấy một tên lính Hy Lạp. Đó là một tên lính Hy Lạp bị đồng đội bỏ rơi. Người ta xông đến chửi bới, đánh đập tên lính không tiếc tay, tiếc lời. Người ta giải tên lính đến trình lão vương Priam, nhà vua trị vì thành Troie. Priam ra lệnh xét hỏi. Nhưng tên lính mặt tái xanh tái xám đi vì sợ hãi, vì đau đớn cứ ấp a ấp úng không nói được nên lời. Dọa nạt, dụ dỗ, gạn hỏi mãi hắn mới nói, hắn mới hứa xin cung khai hết, cung khai thật đầy đủ, không giấu giếm một tí gì, song chỉ xin lão vương Priam và thần dân Troie sinh phúc tha tội cho hắn. Tất nhiên lão vương Priam sẵn sàng rộng lượng đối với một tên tiểu tốt vô danh.
Hắn khai tên hắn là Sinon. Theo lời Sinon kể thì, hắn bị Ulysse, ngược đãi ức hiếp đủ đường. Sở dĩ Ulysse thù ghét hắn như thế là vì hắn là người có họ hàng máu mủ, bà con với Palamède. Chúng ta chắc chưa ai quên Palamède, người anh hùng đã bằng đầu óc sáng suốt của mình phát hiện ra cái trò giả vờ điên của Ulysse để trốn tránh khỏi phải tham dự cuộc Chiến tranh Troie, và vì thế đã bị Ulysse trả thù lập mưu vu cáo là phản bội, tư thông với quân địch đến nỗi bị xử tử oan uổng.
Tệ hại hơn nũa, Ulysse còn mưu toan giết Sinon. Khi quân Hy Lạp định từ bỏ cuộc vây hãm thành Troie, hồi hương, thì Ulysse bảo nhà tiên tri Calchas phải làm một lễ hiến tế thần linh cầu xin cho hành trình trở về được thuận buồm xuôi gió. Nhưng vật hiến tế không phải là dê, cừu, bò, ngựa… mà phải là một người, một chiến binh Hy Lạp trai trẻ, khỏe mạnh. Lệnh Ulysse ban ra như vậy, Calchas không dám bác bỏ. Nhưng ai sẽ là vật hy sinh trong lễ hiến tế này? Đó là điều Calchas băn khoăn. Nhưng Ulysse đã áp đặt ngay cho Calchas biện pháp thi hành. Calchas phải nhân danh quyền uy của mình và thần thánh đòi hỏi, chỉ định Sinon. Sinon phải là người làm vật hiến tế cho thần linh. Tuân theo lời phán truyền của thần thánh, quân Hy Lạp bắt trói Sinon lại chờ lệnh ban ra là dẫn Sinon đến trước bàn thờ. Nhưng may sao, Sinon lợi dụng sơ hở của quân Hy Lạp gỡ được dây trói, trốn tránh, chui vào nấp trong một bụi cây.
Lão vương Priam nghe xong liền quát hỏi:
– Được, được! Ta tạm coi như nhà ngươi đã khai báo thành thật. Thế nhưng còn chuyện con ngựa gỗ to tướng kia là duyên cớ làm sao? Vì sao quân Hy Lạp lại bỏ lại trên chiến trường một vật quý giá, kỳ công như vậy? Nhà ngươi muốn được ta mở lượng khoan hồng hãy khai báo trung thực rõ ràng. Nếu không đừng trách ta là người tàn ác.
Sinon lại ngoan ngoãn khai báo. Nguyên do là trước kia quân Hy Lạp đã có lần đột nhập vào nội thành ăn cắp bức tượng thần hộ mệnh Palladion, bảo vật của thành Troie. Hành động đó đã gây nên sự tức giận của nữ thần Athéna. Nhà tiên tri Calchas phát hiện thấy trên bầu trời nhiều điềm gở chứng tỏ nữ thần Athéna đang nổi cơn thịnh nộ. Muốn tránh khỏi đòn trừng phạt, những tai ương chướng họa giáng xuống đầu quân Hy Lạp, quân Hy Lạp phải lập tức bồi thường một báu vật thay cho tượng Palladion. Báu vật đó, theo nhà tiên tri Calchas phán truyền, phải là một con ngựa gỗ. Con ngựa gỗ này sẽ được tôn thờ như một vị thần hộ mệnh của thành Troie. Nhưng đáng ra phải làm một con ngựa gỗ với kích thước vừa phải thì người Hy Lạp lại làm một con ngựa gỗ thật to, to đến mức sao cho người Troie không đưa được vào trong thành, và như vậy, theo mưu tính của người Hy Lạp, thành Troie sẽ không còn tượng thần hộ mệnh và quân Hy Lạp mới hy vọng trong cuộc viễn chinh sau này sẽ kết thúc được số phận thành Troie.
Đó là tất cả lời khai của Sinon, nhưng là một lời khai bịa đặt do Ulysse tạo dựng, bày đặt. Nhưng người Troie lại tin rằng Sinon nói thật. Lão vương Priam suy tính; nếu âm mưu của họ là làm cho ta không đưa được con ngựa gỗ vào thành, để không có thần hộ mệnh thì ta phải phá bằng được âm mưu đó. Ta sẽ đưa bằng được con ngựa gỗ vào trong thành, và lão vương lớn tiếng truyền phán chỉ lệnh cho con dân thành Troie:
– Hỡi thần dân Troie! Hỡi ba quân người Hy Lạp đã can tội lấy trộm của đô thành chúng ta bức tượng thần hộ mệnh Palladion. Các vị thần Olympe coi đó là một hành động phạm thượng. Để tránh đòn trừng phạt của thánh thần, họ đền bồi lại cho chúng ta con ngựa gỗ này đây. Chúng bày mưu sâu kế hiểm những tính toán rằng chúng ta phải chịu bó tay trước con vật khổng lồ mà họ làm ra, vì thế thành Troie hùng cường của chúng ta sẽ không có tượng thần hộ mệnh sẽ chẳng có thần thánh bảo hộ. Nhờ thế bọn chúng sẽ ngày một ngày hai trở lại vùng đồng bằng này và chỉ bằng vài trận giao tranh sẽ san bằng đô thành của chúng ta, đô thành Troie hùng vĩ giàu có, danh tiếng lẫy lừng của chúng ta. Nhưng chúng đã lầm. Thành Troie không bao giờ lại cam chịu là một đô thành không có tượng thần hộ mệnh. Hỡi thần dân! Hỡi ba quân! Hãy phá ngay một mảng tường thành và huy động mọi người kéo con ngựa gỗ vào quảng trường.
Lão vương Priam vừa dứt lời thì lập tức Laocoon, một viên tư tế của thần Apollon, xông ra can ngăn mọi người lại. Laocoon khuyên mọi người hãy đề phòng kẻo trúng kế của Ulysse, một tướng nổi danh là con người xảo trá, lừa lọc. Nhưng chẳng ai nghe lời khuyên của ông già tư tế. Người ta gạt phăng ông ta và bắt tay vào việc. Cực chẳng đã, ông liền giật lấy một ngọn lao và phóng thẳng vào bụng con ngựa gỗ. Ngọn lao đâm vào mặt gỗ rắn không xuyên thủng được và cũng chẳng cắm chặt được. Lao bật nảy ra làm vang lên một âm thanh rền rĩ, ngân nga chứ không khô khốc, ngắn gọn. Điều đó chứng tỏ con ngựa là một vật rỗng. Hơn nữa lại nghe thấy dường như có tiếng va chạm lích kích của kim khí. Tưởng thế thì quân Troie phải xem xét lại kỹ lưỡng con ngựa rồi mới đưa vào thành. Nhưng chẳng ai để ý lắng nghe được cái âm thanh ấy, và cũng chẳng ai hiểu được việc làm tinh tế và thận trọng của Laocoon, hiểu được ý đồ của ông khi phóng vội ngọn lao vào bụng con ngựa gỗ. Liền sau đó một sự việc vô cùng khủng khiếp diễn ra trước mắt mọi người khiến mọi người lại càng lầm lạc. Sau khi Laocoon phóng ngọn lao, từ dưới biển bỗng đâu nổi lên hai con mãng xà. Mắt hau háu, màu đỏ lừ chúng lao thẳng vào bờ và quăng mình vun vút tới chỗ Laocoon và hai đứa con trai của ông đang đứng cạnh bàn thờ thần Poséidon. Chúng lao tới chồm lên hai người con trai của Laocoon quấn thắt lại quanh người hai chàng trai như những sợi dây chão của một con thuyền xiết chặt vào gốc cây. Thấy vậy, Laocoon xông vào gỡ cho hai đứa con. Nhưng vô ích. Hai con rắn quấn luôn cả Laocoon và mổ, cắn chết cả ba cha con. Vì sao lại xảy ra câu chuyện khủng khiếp như thế. Ta phải dừng lại một chút để kể qua về Laocoon thì mới rõ được ngọn ngành.
Laocoon là con của một vị anh hùng danh tiếng của thành Troie, Anténor, mẹ của Laocoon là Théano, em ruột của Hécube. Laocoon được giao cho trọng trách chăm nom, trông coi việc thờ cúng thần Apollon. Theo luật lệ của người xưa, những ai đã “bán mình” vào cửa thần thánh như thế, nguyện làm con thần cháu thánh, như thế thì không được lấy vợ, phải thề nguyền hiến dâng trọn đời mình cho thế giới thiêng liêng, cao cả của thần thánh và quên đi mọi lạc thú của cuộc đời trần tục tầm thường. Nhưng Laocoon không làm sao quên được cái lạc thú trần tục tầm thường của những con người trần tục tầm thường. Vì thế chàng Laocoon đã vi phạm điều lệ nghiêm ngặt của những người làm nghề tư tế. Chàng lấy vợ, cứ lấy vợ và chẳng xin phép vị thần mình suy tôn, thờ cúng. Hành động đó khiến thần Apollon nổi giận. Nhưng cho đến bây giờ, đến lúc này khi chàng trai Laocoon đã trở thành một ông già có hai con thì thần Apollon mới giáng đòn trừng phạt. Tai họa khủng khiếp vừa xảy ra trước mắt những người Troie chính là đòn trừng phạt của Apollon.
Nhưng những người Troie lại không hiểu được cội nguồn của sự việc đó. Một lần nữa thần Até-Lầm lẫn lại làm cho đầu óc họ lầm lẫn, mất cả tỉnh táo, khôn ngoan. Họ lại cho rằng Laocoon bị trừng phạt là vì chống lại việc đưa con ngựa gỗ vào thành, là vì đã xúc phạm đến báu vật thiêng liêng mà người Hy Lạp đến bồi thường cho việc lấy mất bức tượng thần hộ mệnh Palladion, chống lại ý định của thần thánh. Và thế là người người nhà nhà, già trẻ gái trai dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, kẻ dọn đường mở lối, kẻ phá tường thành, người trước kéo, người sau đẩy, hò la ầm ĩ, đưa con ngựa gỗ thẳng hướng tiến về quảng trường. Nhưng không phải chỉ có một Laocoon can ngăn. Còn một người nữa, đó là nàng Cassandre. Với tài tiên đoán kỳ diệu của mình, nàng đã nói lên những dự cảm đen tối cho quân Troie biết. Nhưng như đã kể trên, thần Apollon đã làm cho lời tiên tri của nàng từ bao lâu nay, những lời tiên tri kỳ diệu của Cassandre đều bị vô hiệu. Số phận của thành Troie không còn cách gì cứu vãn khỏi thảm họa diệt vong.
Lại có chuyện kể, hai con mãng xà từ dưới biển lên là do nữ thần Athéna ra lệnh. Nữ thần sợ Laocoon can ngăn, thuyết phục được người Troie do đó âm mưu của Ulysse sẽ bị bại lộ, vì thế phải giết Laocoon ngay để “bịt đầu mối”.
Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ-điển tích Tặng vật của những người Danaens (Les présents des Danaens; Les dons le Danaens; Les offrandes des Danaens) với ý nghĩa ẩn dụ chỉ một sự việc gì, một vật gì bề ngoài thì có vẻ vô sự nhưng bên trong chứa đựng những mối hiểm nguy, hậu họa khôn lường. Nó bắt nguồn từ câu nói Laocoon: “Hỡi những người Troie! Ta sợ những người Danaens và tặng vật của họ đưa tới” (Je crains les Danaens et leurs présents).219
Sau khi con ngựa gỗ được đưa vào thành thì tất cả mọi việc diễn ra tiếp theo đúng như sự hoạch định của Ulysse. Hélène được Sinon lẻn đến giúp đỡ, đốt một đống lửa to trên bờ thành cao để làm ám hiệu cho quân Hy Lạp. Nhìn thấy ánh lửa, các chiến thuyền Hy Lạp nấp ở sau hòn đảo Ténédos lập tức rẽ sóng lao về vùng biển Troie. Chờ cho tới nửa đêm, Sinon lẫn đến bên con ngựa gỗ báo hiệu cho các chiến sĩ cảm tử biết đã đến giờ hành động. Các chiến sĩ Hy Lạp thoát nhanh ra khỏi bụng ngựa. Họ hành động hết sức nhẹ nhàng, khéo léo bởi vì chỉ sơ ý một chút là có thể làm tiêu tan công lao, mồ hôi nước mắt và xương máu của bao người. Ulysse và Épeios là hai người thoát ra trước tiên, tiếp đó đến những người khác. Việc đầu tiên là họ tiến thẳng đến chỗ mảng tường thành Troie bị phá, tiêu diệt lũ quân canh ở đó, và trụ lại ở đấy cho đến khi đại quân tới. Ulysse ra lệnh bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh chiếm bằng được chỗ đó và giữ bằng được chỗ đó. Nhưng chàng không cho tập trung toàn đội cảm tử đánh vào chỗ đó. Chàng tách ra một bộ phận để làm nhiệm vụ gây rối bằng cách phóng hỏa đốt các kho tàng và nhà cửa. Thành Troie bắt đầu náo loạn. Trong khi đó đại quân Hy Lạp đã đổ bộ và ào ạt tiến vào. Nghe tin quân Hy Lạp tiến đánh, tình hình trong thành lại càng rối loạn thêm. Quân Troie không hiểu sự thể ra sao, hoàn toàn bị bất ngờ và từ bất ngờ chuyển sang hoang mang, tan rã. Chỉ có cuộc chiến đấu ở trong khu vực cung điện là ác liệt song quân Troie chống trả một cách cùng đường, tuyệt vọng và không có tổ chức. Những người Troie có ngờ đâu tới cơ sự, nông nỗi này. Sau khi đưa được con ngựa vào thành, toàn dân Troie vui mừng làm lễ hiến tạ ơn các thần linh và mở tiệc ăn mừng vui chơi cho tới khuya.
Cuộc tàn sát của quân Hy Lạp thật vô cùng man rợ và khủng khiếp. Người già, trẻ em bị giết ngay. Phụ nữ bị bắt làm tù binh. Tướng Néoptolème dùng rìu phá vỡ cửa cung điện của vua Priam rồi xông vào, theo sau là một toán tướng sĩ đông đảo. Con gái, con dâu, cháu chắt, họ hàng thân thiết của vua Priam sợ hãi ngồi quây quần phủ phục dưới chân bàn thờ các vị thần để cầu xin sự bảo hộ. Tiếng cầu khấn, than khóc vang lên ầm ĩ, ai oán. Thấy quân Hy Lạp xông vào, mọi người thét lên, rú lên kinh hãi, nép mình vào nhau. Lão vương Priam toan cầm lao xông ra quyết một phen tử chiến cho hả lòng căm phẫn nhưng bị lão bà Hécube ngăn lại. Trông thấy Néoptolème, Politès, một người con trai của lão vương Priam vùng bỏ chạy. Chàng bị thương trong cuộc giao tranh, giờ đây không còn sức lực để tiếp tục đương đầu với kẻ thù, vì thế chàng bỏ chạy hy vọng tránh khỏi cái chết. Nhưng Néoptolème đã nhanh chân đuổi theo, phóng luôn một ngọn lao trúng lưng Politès khiến chàng ngã chúi xuống tắt thở ngay trước mắt Priam. Thấy Priam tay đang cầm một ngọn lao, Néoptolème xông tới. Priam phóng lao. Nhưng ngọn lao từ tay một người già yếu phóng đi chỉ quệt được vào chiếc khiên của Néoptolème là rơi xuống. Néoptolème hung hãn như cha mình khi xưa, chạy tới túm ngay mớ tóc bạc của cụ già, kéo lôi cụ xềnh xệch trên mặt đất và rút kiếm ra thọc mạnh vào ngực cụ. Số phận những con đàn cháu đống của lão vương Priam cũng kẻ bị giết, người bị bắt làm tù binh rất bi thảm. Néoptolème còn làm một việc tàn bạo không thể tưởng tượng được: chàng giật lấy đứa bé Astyanax, con của Hector, từ tay người mẹ thương yêu của nó là Andromaque, ném từ trên mặt thành cao xuống dưới chân thành. Tướng Ménélas tìm giết Déiphobe, kẻ đã lấy Hélène sau khi Paris chết. Trong cơn tức giận điên cuồng khi gặp Hélène bên Déiphobe, chàng toan kết liễu luôn cuộc đời Hélène, người đàn bà đã gây ra bao nỗi bất hạnh cho chàng và cho cuộc đời của thần dân Hy Lạp. May thay chủ tướng Agamemnon kịp thời can ngăn lại, và đáng quý hơn nữa, nữ thần Aphrodite lại truyền vào trái tim Ménélas lòng vị tha, tình yêu nồng thắm, đắm say đối với nàng Hélène diễm lệ. Vì thế Ménélas nguôi nỗi ghen giận, dắt tay vợ đưa xuống thuyền nghỉ để chờ ngày trở về Hy Lạp.
Nàng Cassandre trong cơn binh lửa, chạy vào trong đền thờ nữ thần Athéna ẩn nấp. Tướng Ajax Bé xộc vào đền bắt nàng. Mặc dù lúc ấy Cassandre đã quỳ trước tượng nữ thần Athéna và ôm lấy chân nữ thần nhưng Ajax Bé vẫn không tha. Chàng nắm lấy cánh tay nàng, giật mạnh lôi đi. Bức tượng Athéna vì thế mà bị đổ, vỡ tan ra từng mảnh. Quân Hy Lạp bất bình vì hành động xúc phạm đến thần linh của Ajax. Còn nữ thần Athéna đương nhiên là giận dữ gấp bội rồi, chắc chắn sẽ có ngày nữ thần trừng phạt.
Thành Troie bị tàn sát, cướp bóc, đốt phá khủng khiếp đến mức các vị thần của thế giới Olympe cũng phải rùng mình hãi hùng, ghê sợ. Xác người chết ngổn ngang. Tiếng người rên la kêu khóc hòa lẫn với tiếng hò la, cười đùa đắc chí của kẻ chiến thắng tạo thành một bầu không khí hỗn loạn điên cuồng. Nhà cửa bị cháy đổ sập, cột kèo nham nhở, gạch ngói ngổn ngang, của cải, đồ đạc vương vãi, hỗn độn. Trong cơn binh lửa bạo tàn ấy chẳng biết ai chết, ai bị bắt làm tù binh, còn mất những ai. Quân Hy Lạp thì đua nhau khuân vác của cải đưa xuống thuyền. Còn quân Troie thì những người sống sót lê bước tìm những người thân. Ở một góc thành Troie dần dần tụ tập một nhóm người. Trong số này có vị anh hùng Énée, con của lão vương Anchise và nữ thần Aphrodite. Chàng cõng người cha già trên lưng, còn tay dắt đứa con nhỏ tên là Ascagne. Chàng không quên đeo, ôm bên người mấy bức tượng thờ của đô thành Troie, những bức tượng tuy nhỏ bé nhưng rất thiêng liêng vì đó là những bức tượng biểu trưng cho dòng giống người Troie và bảo hộ cho giống nòi Troie. Len lỏi qua các đường, ngõ bị nhà cửa đổ, cháy làm tắc nghẽn, chàng đưa được người cha già và đứa con nhỏ đến nơi an toàn. Tại đây, chàng gặp lão vương Anténor. Quân Hy Lạp đã bắt được cụ nhưng không giết cụ vì họ nhớ cụ là người thường khuyên nhủ những người Troie trả lại nàng Hélène diễm lệ cho Ménélas để tránh một cuộc chiến tranh tổn hại cho sinh linh trăm họ. Dưới sự chỉ huy của Énée, những người sống sót xuống thuyền vượt biển đi sang phía tây để tìm đất xây dựng một cơ nghiệp mới, một đô thành mới thừa kế truyền thống hùng mạnh của thành Troie. Đô thành đó, như điều tiền định của Số mệnh sẽ là đô thành Rome trên vùng đồng bằng Latium ở miền trung bán đảo Ý. Nhưng đó là chuyện tương lai, và tương lai nằm trong sự tiên định của Số mệnh và thần thánh. Còn bây giờ, sau lưng đám người Troie rời bỏ quê hương ra đi, đô thành Troie vẫn bốc cháy tỏa khói ngùn ngụt lên tận trời xanh. Các vị thần Olympe xót xa thương tiếc cho một đô thành vĩ đại nhất ở châu Á bị sụp đổ. Nhân dân ở các đô thành láng giềng quanh Troie nhìn thấy quầng lửa sáng rực một góc trời, chẳng cần ai báo tin, cũng biết rằng thành Troie hùng vĩ trấn giữ eo biển Hellespont lối đi vào biển Pont-Euxin đã bị quân Hy Lạp kết liễu cuộc đời oanh liệt của nó.
Ngày nay trong văn học thế giới, thành ngữ-điển tích Con ngựa thành Troie (Le cheval de Troie) chỉ một lực lượng nội ứng, một nhân tố phá hoại từ bên trong, một công việc có tay trong giúp đỡ. Cũng có khi nó được hiểu và sử dụng tương đương với thành ngữ-điển tích Tặng vật của những người Danaens.
[219] Những người Danaens là con, cháu của nàng Danaé, có nghĩa là những người Hy Lạp. Danaé là người đã sinh ra vị anh hùng Persée do thụ thai với thần Zeus khi thần biến mình thành những hạt mưa vàng.
Hạ được thành Troie, quân Hy Lạp cướp bóc được rất nhiều của cải và bắt được rất nhiều tù binh, nhất là những nữ tù binh trẻ đẹp. Họ chỉ còn lo mỗi việc chất hết mọi thứ đã cướp bóc được xuống thuyền và nhổ neo. Tuy nhiên không phải mọi việc diễn ra đều thuận lợi êm đẹp như lòng mong muốn của người Hy Lạp. Cũng như khi xưa lúc ra đi, thần Zeus và các vị thần Olympe và hơn nữa Số mệnh chẳng dành cho họ toàn là niềm vui và sự may mắn.
Việc đầu tiên xảy ra đối với quân Hy Lạp sau khi hạ được thành Troie là vong hồn Achille hiện lên đòi nàng Polyxène. Polyxène là người thiếu nữ đẹp nhất trong số những con gái của lão vương Priam. Người xưa kể rằng chính Polyxène đã gây ra cái chết của Achille. Không rõ Achille gặp Polyxène ở đâu và vào dịp nào, chỉ rõ sau khi gặp người thiếu nữ đó, người anh hùng kiệt xuất của Hy Lạp bỗng thấy nhớ nhung, bứt rứt. Có người kể, Achille gặp Polyxène trong dịp nàng cùng với lão vương Priam và lão bà Hécube đến lều của Achille xin chuộc xác Hector. Nếu như chuyện này là đúng thì ắt nó phải là lần đi xin chuộc xác không thành của lão vương Priam. Vì quá yêu thương, nhớ nhung Polyxène nên Achille tìm cách bày tỏ tình cảm của mình. Chàng hẹn gặp nàng ở đền thờ thần Apollon. Paris biết chuyện này, mai phục, và như đã kể, với sự giúp đỡ của thần Apollon, bắn một phát tên kết thúc cuộc đời người anh hùng con của lão vương Pélée. Có người còn kể, cuộc hò hẹn đó là để làm lễ cưới trong đền thờ Apollon. Lại có người kể, trong cuộc hò hẹn đó, để chinh phục được tình yêu của Polyxène, Achille đã hứa sẵn sàng rời bỏ hàng ngũ quân Hy Lạp chạy sang hàng ngũ quân Troie, hoặc trở về quê hương Hy Lạp từ bỏ cuộc chiến đấu.
Thành Troie bị hạ, Polyxène bị bắt làm tù binh. Quân Hy Lạp lúc này đã chuyển nàng sang bờ phía Tây (châu Âu) của biển Hellespont. Chính lúc đó, vong hồn của Achille hiện lên đòi phải hiến tế nàng. Nàng Cassandre cũng bị bắt và giải đi cùng với em, tha thiết van xin quân Hy Lạp đừng giết em gái mình. Cả chủ tướng tối cao Agamemnon cũng không muốn đem người con gái trẻ đẹp như thế ra làm lễ hiến tế. Nhưng danh tướng Ulysse đòi hỏi mọi người phải tuân thủ sự đòi hỏi của vong hồn Achille. Riêng Polyxène, nàng không hề cầu xin một sự gia ân khoan hồng. Nàng xem ra sẵn sàng đón nhận cái chết. Người ta đoán có lẽ nàng chỉ nghĩ đến thân phận phải làm nô lệ mua vui cho các tướng lĩnh Hy Lạp, một thân phận nhục nhã, ê chề thì thà rằng chết đi còn hơn. Polyxène thản nhiên đi đến trước bàn thờ Achille quỳ xuống phanh áo ngực. Néoptolème xúc động, cầm kiếm đâm mạnh vào cổ Polyxène. Máu chảy tràn ra, ghê rợn, khủng khiếp.
Đến chuyện trở về quê hương cũng lại xảy ra lắm điều rắc rối. Nữ thần Athéna không rõ vì chuyện gì, bất bình, gây ra mối bất hòa giữa hai anh em Atrides. Tổng Chỉ huy Agamemnon muốn quân Hy Lạp ở lại trên đất Troie làm một lễ hiến tế trọng thể để cầu xin nữ thần nguôi giận, và đoàn thuyền Hy Lạp chỉ khi nào đón nhận được điềm báo tốt lành mới nhổ neo hồi hương. Nhưng tướng Ménélas chống lại ý định đó. Ông muốn cho quân sĩ lên đường ngay, ra đi sớm ngày nào hay ngày ấy, giờ ấy. Hai người tranh cãi với nhau suốt từ sáng đến chiều. Chẳng ai chịu nghe ai và chẳng đi đến một kết luận rõ ràng như thế nào cả. Thế là hai anh em Atrides ra lệnh triệu tập Đại hội Binh sĩ, họp ngay, mà lúc đó chiều đã tàn, nắng đã tắt. Tuân theo lệnh hai vị chủ tướng, các tướng lĩnh và quân sĩ kéo đến quảng trường. Thật ra họ chẳng muốn họp, vì họ vừa mới ăn xong, miệng còn sặc hơi men và bước đi còn chếnh choáng. Đại hội cũng chẳng đem lại kết quả gì. Nói năng cãi vã với nhau một hồi lâu rồi cuối cùng đi đến một tình hình phân liệt. Quân Hy Lạp chia thành hai phái. Phái theo Ménélas, sáng sớm hôm sau ra đi ngay. Phái theo Agamemnon ở lại để làm lễ hiến tế. Tướng Ulysse, lão vương Nestor rồi tướng Philoctète, Diomède gia nhập vào phái Ménélas. Họ ra đi đầu tiên dưới sự cầm đầu của Ulysse. Nhưng thần Zeus lại giáng tai họa xuống họ. Một cuộc bất hòa xảy ra khi đoàn thuyền tới đảo Ténédos, khiến Ulysse cùng một số anh em tách ra quay trở về Troie, nói là để thuyết phục Agamemnon. Số còn lại đi tới đảo Lesbos thì Ménélas đi sau anh em, đuổi kịp và nhập bọn.
Tới đảo Lesbos, các vị anh hùng Hy Lạp dừng lại một ngày nghỉ ngơi rồi cho thuyền đi thẳng về đảo Eubée, và như vậy là đã về tới quê hương Hy Lạp. Đoàn thuyền dừng lại ở đảo Eubée làm lễ hiến tế tạ ơn thần Poséidon rồi ra đi tiếp. Bốn hôm sau thuyền của Diomède về đến Argos, thuyền của lão vương Nestor về đến Pylos. Các dũng tướng Idoménée, Philoctète và Néoptolème cũng về tới quê hương bình yên vô sự. Chỉ có hành trình trở về của Ménélas là gặp nhiều trở ngại. Từ đảo Eubée thuyền của Ménélas đi theo ven biển Attique xuống phía nam. Khi ấy thuyền của lão vương Nestor cùng đi bên thuyền của Ménélas. Tới mũi Sounion thần Apollon bắt gặp. Thần bèn giương cung bắn chết chiến sĩ lái thuyền danh tiếng của Ménélas là Phrontis con của Onétor. Ménélas đành phải cho thuyền ghé vào bờ để làm lễ an táng cho người thủy thủ tài năng ấy. Xong công việc, thuyền của Ménélas đi xuôi xuống phía nam vòng qua mũi Malée. Nhưng vừa tới đây thì thần Zeus dồn mây mù cho nổi lên một trận cuồng phong. Mây đen phủ kín bầu trời. Bão nổi lên. Mưa giáng xuống. Sóng cuồn cuộn dâng cao như những trái núi rồi đổ xuống. Đoàn thuyền của Ménélas không sao chống đỡ nổi. Một số thuyền trôi giạt vào đảo Crète va vào các mỏm đá, vỡ tan tành. Một số người vật lộn với biển khơi đến kiệt sức và may mắn lắm mới sống sót được một số ít. Còn lại có năm thuyền, trong đó có thuyền của Ménélas lênh đênh phiêu bạt trên biển cả không biết bao ngày, sau cùng trôi giạt vào bờ biển xứ Ai Cập, và từ đó bắt đầu một cuộc hành trình phiêu lưu suốt bảy năm ròng, từ Ai Cập sang đảo Chypre, rồi sang xứ Phénicie, Arabie, Sidon, Libye. Đi đến nơi nào Ménélas cũng thu thập được nhiều của cải quý giá. Ông đặc biệt thích thú khi thấy ở những đất nước xa lạ có những đàn súc vật rất kỳ lạ: mỗi năm đẻ ba lứa và bê, cừu, bò vừa mới đẻ ra đã có sừng ngay. Ở Ai Cập cũng như ở các nơi khác, đi đến đâu Ménélas và Hélène cũng được tiếp đãi nồng hậu, được trao cho những tặng phẩm quý giá, trong số những tặng phẩm quý giá ta phải kể đến thứ thuốc tiên mà Hoàng hậu Polydamna, vợ của vua Thon ở Ai Cập tặng riêng cho Hélène. Chỉ cần bỏ một viên thuốc tiên này vào nước và uống đi là bao nhiêu nỗi đau khổ, u uất, phiền não, sầu muộn trong người lập tức tiêu tan. Trái tim dường như rắn lại không còn biết xúc động trước nỗi khổ đau nữa, thậm chí trông thấy những người thân thích đang ngã xuống trước mũi lao đồng của quân thù cũng không hề xót xa, rơi một giọt nước mắt. Trải qua nhiều năm tháng, cuối cùng Ménélas từ giã đất Ai Cập trở về quê hương. Chàng ghé lại đảo Pharos vì không được các vị thần cho nổi gió nên thuyền của chàng phải nằm lại ở hòn đảo này mất hai chục ngày. Trong khi đó thì lương thực cạn hết. Đảo hoang không một bóng người nên không thể tìm ra được một thứ gì để có thể ăn được. Tình hình quẫn bách tưởng chừng chỉ còn cách nằm chờ chết. May sao tiên nữ Idothée con của vị thần Biển-Protée biết chuyện. Động lòng thương cảm, nàng đến gặp Ménélas bày cách cho Ménélas đến hỏi cha mình cách ứng xử trong trường hợp khó khăn như thế này. Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông-Éos vừa xòe những ngón tay hồng trên biển khơi còn mờ đục sương mù, Ménélas cùng ba người bạn đồng hành tới nơi Idothée dặn. Nàng trao cho bốn người bốn bộ da con hải cẩu, bảo mặc vào người rồi nằm phơi mình trên bãi cát để rình cha nàng cùng với đàn hải cẩu từ dưới biển bơi lên nghỉ. Idothée quả là một thiếu nữ tế nhị và chu đáo. Biết mùi da hải cầu hôi thối, tanh tưởi đến lộn mửa, nàng trao cho mỗi người một thứ dầu thơm thần thánh để bôi vào mũi. Nhờ đó bốn người có thể nằm yên trên bãi cát rình đón thời cơ.
Bốn người nằm chờ, chờ mãi trên bãi cát cho đến tận trưa thì thấy một đàn hải cẩu bơi lên nằm phơi mình trên bãi cát gần chỗ họ. Tất cả đều hồi hộp theo dõi. Một lát sau thần Biển-Protée mới từ dưới nước đi lên. Sau khi đi một lượt điểm lại đàn hải cầu của mình, ông già nằm xuống nghỉ ngay bên cạnh Ménélas. Lập tức Ménélas rồi tiếp các bạn xông đến, chồm lên ôm chặt lấy cụ. Bằng pháp thuật của mình, Protée biến hóa ra thiên hình vạn trạng: sư tử, hổ, báo, rắn, gấu, chim, chuột, chó… Nhưng Ménélas và các bạn không chịu rời bỏ cụ. Cuối cùng cụ già đành phải hiện lại nguyên hình và hỏi rõ ý đồ của Ménélas. Tất cả chỉ chờ có lúc này, Ménélas bèn bày tỏ nguyện vọng. Chàng cầu xin vị thần Biển có tài tiên tri nói cho biết rõ con đường trở về quê hương, chỉ dẫn cho cách đối xử với các vị thần để cầu xin được thuận buồm xuôi gió. Protée cho biết đoàn thuyền phải quay trở về Ai Cập làm lễ hiến tế thần linh rồi hãy lên đường trở về Sparte. Thần còn tiên báo cho Ménélas biết số phận của Hélène và những biến cố sẽ xảy ra trên đường về.
Tuân theo lời chỉ dẫn của Protée, đoàn thuyền của Ménélas vì thế về đến quê hương nhanh chóng và bình yên. Hai vợ chồng sống với nhau những năm cuối đời êm đẹp và hạnh phúc dường như cả hai đều quên hết cái kỷ niệm chẳng vui, chẳng đẹp gì lúc tuổi trẻ xưa kia. Sau khi chết, hai vợ chồng được các vị thần đưa tới một hòn đảo xa tít tắp mù khơi ở tận nơi cùng trời cuối đất, nơi mà chỉ dành riêng cho cuộc sống vĩnh hằng của những người anh hùng cao quý. Đó là thế giới cực lạc, toàn thiện, toàn mỹ và người xưa gọi là thế giới Élysées, cõi Élysées (les champs Élysées).
Nhân đây chúng ta dừng lại một chút để nói về thế giới Élysées. Các nhà nghiên cứu cho chúng ta biết nguồn gốc của biểu tượng tôn giáo thần thoại này có từ thời xa xưa, trước khi hình thành cái gọi là thần thoại Hy Lạp. Trong quan niệm chất phác, nguyên thủy, Élysées là thế giới hạnh phúc của những người đã quá cố, những người hiền lành, tốt bụng, chính trực sau khi đã kết thúc cuộc đời ở cái thế giới nhọc nhằn gian khổ này (Cái thế giới này cũng có hạnh phúc nhưng chưa toàn thiện, toàn mỹ). Trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội, khái niệm Élysées đần dần chuyển biến. Khi thì nó được miêu tả là một thung lũng xinh đẹp bên bờ đại dương bao quanh trái đất ở tận miền cực tây, nơi cuộc sống tràn ngập niềm vui, con người không hề biết đến nỗi lo âu và sự thiếu thốn, khí hậu quanh năm ấm áp. Những người trần đoản mệnh không thể nhìn thấy, biết được, tìm được thế giới này, chỉ có những ai được thần Zeus ban cho sự bất tử mới được sống ở đây. Đó là những con người được thần Zeus và các vị thần sùng ái. Đích thân thần Zeus và người con trai Rhadamanthe của thần cai quản cuộc sống ở cái thung lũng tuyệt diệu này. Khi thì Élysées là những hòn đảo hạnh phúc do thần Cronos cai quản, tại đây thần Zeus và các thần Titan cũng như các thần khổng lồ khác đã hòa giải với nhau và cùng chung sống hòa mục. Đây cũng là thế giới dành cho các vị anh hùng. Như vậy, lúc đầu thế giới Élysées không dính líu với những quan niệm đạo đức về tội lỗi, chuộc tội, thưởng phạt… Ngay thế giới âm phủ do thần Hadès và Perséphone cai quản trong biểu tượng thần thoại Hy Lạp lúc đầu chỉ là vương quốc của những bóng đen u ám đã quên hết mọi việc mọi chuyện của cuộc đời. Các vong hồn phải uống một ngụm nước của con sông Léthé để quên hết mọi việc, mọi chuyện của thế giới dương gian. Như vậy có nghĩa là cái quá khứ tội lỗi của vong hồn đã bị xóa sạch, và làm sao người ta có thể xét xử, luận tội, xử tội, bắt chuộc tội bằng những hình phạt này khác khi những vong hồn không còn ký ức, không còn kỷ niệm, không có một chút ý thức về cuộc đời của họ trước kia ở thế giới dương gian? Cuộc đời của những vong hồn ở thế giới âm phủ là một cuộc đời mới hoàn toàn.
Sau này, Élysées chia ra làm hai khu vực: một là hòn đảo hạnh phúc, hai là một khu vực trong âm phủ dành riêng cho linh hồn người có đạo đức, có cống hiến lớn lao. Ảnh hưởng của những nghi lễ diễn xuất-tôn giáo thầm kín (mystère) Éleusis và Orphisme cũng như của học thuyết Platon220 và môn phái Pythagore221 đã làm cho thế giới Élysées trở thành một cõi vĩnh hằng, cao cả mà chỉ những linh hồn nào đã trải qua sự phán xét của thần Hadès mới có thể vươn tới được. Tóm lại thì trong thời cổ đại, khái niệm về thế giới Élysées là một thế giới hạnh phúc, cao cả ở một nơi xa tít tắp mù khơi trên trái đất hoặc ở dưới đất, giữa lòng địa ngục. Như vậy, điều dễ nhận thấy là huyền thoại về thế giới Élysées có họ hàng thân thuộc với huyền thoại về thời đại Hoàng kim, một huyền thoại mà khá nhiều dân tộc trên thế giới đều có. Tùy hoàn cảnh địa lý của từng dân tộc, cái thế giới vĩnh hằng tuyệt diệu đó khi thì ở bên kia đại dương ngút ngàn sóng nước, khi thì ở bên kia những triền núi cao vời vợi, trùng trùng, điệp điệp, khi thì ở tận đầu cùng của một sa mạc khổng lồ vô cùng vô tận nơi người trần đoản mệnh đang sống với cái thế giới của những vui, buồn, yêu, ghét… của những lo âu, đau khổ và lạc thú hạnh phúc không thể nào tiếp cận được.
Huyền thoại về thế giới Élysées đã là một trong những chất liệu quan trọng để Thiên Chúa giáo sử dụng làm tiền đề, làm cơ sở xây dựng khái niệm Thiên đường của mình. Thiên đường trong Thiên Chúa giáo lúc đầu ở trên mặt đất sau chuyển lên bầu trời. Ngày nay thế giới Élysées, cõi Élysées mang một ý nghĩa ám dụ, tượng trưng nơi an nghỉ cao cả vĩnh hằng, là vương quốc của cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, hoặc với ý nghĩa đơn giản là nơi an nghỉ vĩnh viễn, cõi chết, thế giới bên kia.
Trở lại chuyện hành trình trở về của các tướng lĩnh Hy Lạp. Số phận đoàn thuyền thuộc phái Agamemnon cũng chẳng tốt đẹp hơn số phận đoàn thuyền của phái Ménélas. Từ Troie trở về đến đảo Eubée, đoàn thuyền của vị Tổng Chỉ huy quân đội Hy Lạp không gặp một khó khăn gì đáng kể. Nhưng khi tới dãy núi đá Gyrée thì một cơn bão ập đến. Cơn bão do nữ thần Athéna gây ra để trừng phạt quân Hy Lạp, trong đó có Ajax Bé, con của Oïlée là kẻ đã phạm tội kiêu căng, ngạo mạn, phạm thượng. Bão vùng vẫy, gầm thét nhấn chìm nhiều con thuyền của quân Hy Lạp xuống đáy biển làm mồi cho cá. Thuyền của Ajax vỡ tan. Thần Poséidon thấy vậy thương tình sai một con sông ném Ajax lên ngọn núi đá Gyrée. Thế là Ajax thoát chết, một cái chết tưởng chừng như không gì cứu vãn được. Nhưng đến thế mà anh chàng này vẫn không chừa được thói kiêu căng, ngạo mạn. Đứng trên ngọn núi anh ta hét lên cho mấy người bạn sống sót biết: “Ajax sống rồi, thấy chưa? Nữ thần Athéna cho dù có nổi cơn thịnh nộ cũng chẳng làm gì được ta. Chẳng thần linh nào cứu giúp, ta vẫn cứ chiến thắng được bão tố và vẫn cứ sống cho các vị ấy xem”, Ajax hét lên trong niềm sung sướng đắc chí như thế. Cả nữ thần Athéna và Poséidon đều nghe thấy, nghe thấy rõ chẳng thiếu một lời. Nữ thần Athéna không thể kìm hãm được nỗi căm tức, nàng bay ngay tới thần Poséidon, xin thần trừng phạt cái tên phạm thượng, nghịch đạo “coi trời bằng vung” ấy. Thần Poséidon lập tức vung cây đinh ba giáng một đòn sấm sét vào ngay ngọn núi đá mà Ajax đang đứng. Ngọn núi đá vỡ làm đôi, một nửa chìm xuống biển kéo theo Ajax.
Như trên đã kể, Palamède bị xử tử, chịu một cái chết oan uổng bi thảm vì Ulysse dựng chuyện vu cáo tư thông với quân Troie. Chuyện vu cáo đó bay tới tai Nauplios, người cha xấu số của Palamède. Ông quyết định phải rửa nhục, trả thù. Ông, cũng lại bằng thủ đoạn dối trá mà Ulysse đã dùng để ám hại con ông, đi chỗ này chỗ khác để tung tin thất thiệt, bịa đặt về những người anh hùng đang chiến đấu ở Troie: nào vị tướng này nghe đâu tháng trước trúng tên vào ngực chết rồi, nào vị tướng kia bị trúng lao thủng ruột xem ra khó bề qua khỏi… hoặc tướng nọ xa vợ lâu ngày đã lấy vợ khác, lấy con gái người anh hùng này, tướng kia sắp cưới công chúa con của lão vương nọ… Những tin tức thất thiệt đó đã làm xói mòn lòng tin của những người vợ xa chồng, chờ chồng trong những năm dài đằng đẵng. Nhiều người tin rằng chồng mình chẳng thể có ngày trở về, hoặc dẫu có còn sống thì cũng chẳng thể giữ được trọn mối tình chung thủy với mình. Kết quả là Égialée vợ của dũng tướng Diomède bắt “bồ” với chàng trai Cométès. Méda, vợ của người anh hùng Idoménée kết bạn khá thân thiết, thân tình, thân… “thể” với Leucos. Còn Clytemnestre, vợ của chủ tướng Agamemnon, mời hẳn một chàng trai tên là Égisthe vào ở đàng hoàng trong cung điện để trông nom nhà cửa cho nó đỡ trống trải…
Nhưng như thế Nauplios chưa hả lòng, chưa coi là đã trả thù được cho đứa con yêu quý của mình. Ông còn rắp tâm giáng một đòn nặng nề hơn nữa, và đòn ấy diễn ra vào lúc quân Hy Lạp chiến thắng trở về, thời cơ thích hợp nhất với ông. Vốn là một thủy thủ lành nghề nên ông hiểu biết rõ tâm lý những người lái con thuyền đi trong đêm đen trên biển khơi mênh mông chẳng biết đâu là bờ là bến. Ông đã từng thuộc hết những chỗ nông sâu, những quãng hiểm nghèo, những đoạn đầy đá ngầm trên mặt biển Égée, nhất là ven biển Hy Lạp. Được tin đoàn thuyền Hy Lạp trở về, ông rình đón suốt ngày đêm ở mũi Capharée, phía nam đảo Eubée. Cứ khi bóng đêm trùm xuống là ông cho đốt những đống lửa to ở những quãng có mũi nhọn, đá ngầm. Các thủy thủ của những con thuyền Hy Lạp nhìn thấy ánh lửa chập chờn xa xa cứ đinh ninh rằng nơi đó là bến tốt và vui mừng. Họ cho thuyền đi hướng thẳng vào nơi có ánh sáng. Nhưng than ôi! Thuyền của họ hoặc va vào đá ngầm, đâm vào núi đá, vỡ tan tành.
Lại nói về Agamemnon, con thuyền của chàng cũng gặp nạn. Bão nổi lên, sóng giập gió vùi đưa con thuyền của chàng ngửa nghiêng, nghiêng ngửa trôi tuột mãi xuống đến mũi Malée, rồi lại trôi tiếp phía nam tưởng chừng như xuôi thẳng đảo Crète hay bạt về phía châu Phi. May thay, các vị thần nguôi cơn thịnh nộ. Trời đổi gió. Con thuyền của Agamemnon ngược lên, đi áp vào vùng bờ biển Péloponnèse rồi ghé được vào bờ. Sung sướng biết bao sau bao nhiêu năm trời xa cách quê hương, giờ đây Agamemnon lại được nhìn thấy những cảnh vật thân yêu, gắn bó với mình từ thời thơ ấu. Nước mắt chàng trào ra. Chàng quỳ xuống kính cẩn cúi mình hôn mảnh đất quê hương. Nhưng số phận của chàng không phải là trở về đô thành Mycènes đầy vàng bạc để hưởng hạnh phúc. Một cái chết khủng khiếp do người vợ không chung thủy của chàng chăng ra để đón tiếp chàng.
Nhưng trong số những người anh hùng Hy Lạp sau chiến thắng Troie trở về thì không ai phải trải qua nhiều gian nan, vất vả, không ai phải đương đầu với những thử thách hiểm nghèo như người anh hùng Ulysse. Hành trình trở về của người anh hùng đa mưu túc kế này kéo dài suốt mười năm trời khi thì ở bi*n đ*ng, khi thì phiêu bạt sang biển Tây, nhiều lúc cái chết tưởng như cầm chắc trong tay. Ấy thế mà Ulysse vượt qua được hết để cuối cùng trở về với hòn đảo Ithaque của mình, gặp lại người vợ thủy chung của mình đã kiên định chờ đợi suốt hai mươi năm trời. Chuyện về hành trình phiêu bạt của Ulysse suốt mười năm trời trên mặt biển, nay lạc bước vào xứ sở này mai trôi giạt đến một hòn đảo khác, theo người xưa nói, phải kể hết ngày này qua ngày khác thì mới hết được.
Nói thêm về Diomède. Việc nàng Égialée, vợ của Diomède không giữ được trọn lòng chung thủy như trên đã kể là do Nauplios trả thù, tung tin thất thiệt, phá hại lòng tin của những người vợ có chồng tham gia cuộc viễn chinh Troie. Nhưng người ta lại còn kể, vụ ngoại tình này là do nữ thần Aphrodite trả thù. Xưa kia Diomède trong lúc giao tranh đã ngạo mạn bất kính đối với thần linh, đánh bị thương nữ thần Aphrodite. Nữ thần bèn khơi lên trong trái tim nàng Égialée những dục vọng thèm khát ái ân không sao kìm hãm được. Nữ thần lại đưa đường chỉ lối cho những chàng trai đến thăm hỏi, săn sóc Égialée, và tình hình đã xảy ra như thế, đến thế thì… khỏi phải nói, có mà trời giữ!
Diomède trở về Argos. Biết chuyện, chàng buồn bã âu sầu, chẳng buồn ăn, chẳng buồn nói, và bữa kia chàng lặng lẽ bỏ nhà, từ bỏ vương quốc của mình ra đi. Chàng đi sang miền nam nước Ý, đến vương quốc Apulie222, xin nhà vua xứ sở này cho trú ngụ. Cảm phục sự nghiệp anh hùng của chàng cũng như xót xa ái ngại cho tình cảnh của chàng, vua Daunus đã gả con gái cho chàng. Chàng đã lập nghiệp tại đây và có công lao xây dựng nên nhiều đô thành ở miền nam nước Ý. Chẳng rõ xảy ra chuyện gì bất hòa, vua Daunus đã giết chàng. Có chuyện lại kể, không phải Diomède bị vua Daunus giết mà các vị thần đã đưa chàng đến cõi vĩnh hằng, mai táng chàng ở một hòn đảo mà cả quần đảo đó được mang tên chàng. Chàng được nhân dân suy tôn thờ cúng như một vị thần. Còn những chiến hữu của chàng, các vị thần đã biến thành một loài chim.
***
Đọc truyền thuyết về những người Argonautes và truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie so sánh với một số truyền thuyết khác nói về chiến công của những người anh hùng thần thoại, chúng ta có thể ghi nhận được một vài nét khác biệt sau đây.
1 – Chiến công của những người anh hùng Argonautes và chiến công của những người anh hùng trong cuộc Chiến tranh Troie không giống với chiến công của những người anh hùng Persée, Héraclès, Thésée… Chúng ta không gặp lại những anh hùng giết quái vật cứu lương dân, diệt đạo tặc trừ khử tai họa cho đời sống, chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, khám phá thiên nhiên như Persée, Thésée, Héraclès. Chúng ta không thể tìm thấy một chiến công nào có ý nghĩa nổi bật, sâu sắc, vĩ đại như chiến công của Héraclès. Đó là những chiến công cực kỳ táo bạo và phong phú, trong đó có những chiến công chưa từng có một người anh hùng nào lập được, giành được. (Nắn sông, dời non xẻ núi tạo ra eo biển, dám thay thần Atlas chống đội bầu trời, xuống âm phủ bắt chó ngao Cerbère). Chiến công của những người anh hùng Argonautes là đoạt Bộ lông Cừu vàng để có một báu vật thiêng liêng bảo đảm cho ngôi báu được vững bền. Chiến công của những người anh hùng trong cuộc Chiến tranh Troie là giết được kẻ thù, tước đoạt được vũ khí và những chiến lợi phẩm.
2 – Trong quan hệ đối với thần thánh, con người vốn rất kính sợ và tôn trọng. Tuy nhiên, nhiều lúc con người vẫn phạm vào cái lối ngạo mạn, kiêu căng, dám thách thức, đương đầu “bướng ra mặt” đối với thần thánh, mặc dù đã nhiều lần bị trừng phạt. Song con người vẫn chứng nào tật ấy, dường như cái thói ngạo mạn, kiêu căng, “bướng ra mặt” với thần thánh là bản chất không sửa chữa được của con người.
Chúng ta đã từng biết đến những người anh hùng táo tợn đến mức dám lừa cả thần Hadès, bắt sống thần Chết-Thanatos (Sisyphe), dám thử tài toàn trí toàn năng của thần thánh (Tantale), dám xuống âm phủ bắt nàng Perséphone, vợ của thần Hadès (Thésée, Pirithoos). Nhưng đến cuộc Chiến tranh Troie, chúng ta thấy con người còn táo tợn hơn, dám đánh cả thần thánh, đánh thật sự chứ không kiêng nể gì, đánh cho thần thánh bị thương phải bỏ chạy, và không phải chỉ có một lần.
Số mệnh và thần thánh vẫn tiền định, điều khiển trong một mức độ nào đó cuộc sống của con người. Nhưng con người lại cũng trong một mức độ nào đó tự điều khiển, tự quyết định hành vi, hành động của mình mà không phải trong một mức độ nào đó con người không có quyền lựa chọn. Achille đã lựa chọn con đường tham gia cuộc Chiến tranh Troie mặc dù biết rằng nếu tham gia, cuộc đời sẽ kết thúc ngắn ngủi. Achille tham chiến cùng với quân Hy Lạp không phải như một công cụ thực hiện điều tiền định của Số mệnh và thần thánh mà vì những động cơ tư tưởng của bản thân Achille, một con người trần tục đoản mệnh. Khi không tham chiến với quân Hy Lạp, Achille có ý nghĩ, có quan niệm của riêng mình. Khi trở lại tham chiến với quân Hy Lạp, Achille cũng có ý nghĩ, có quan niệm của riêng mình. Số mệnh và điều tiền định là một chuyện và con người hành động độc lập trong một chừng mực nào đó lại là một chuyện khác. Trong cái quy định tất yếu của Số mệnh và những điều tiền định, con người đã hành động với những quan niệm, suy nghĩ cụ thể của mình, và đó chính là một phẩm chất mới của chủ nghĩa anh hùng thần thoại. Con người đã cố gắng giành cho mình được một quyền độc lập, tự do tương đối nào đó trong cái tất yếu của Số mệnh.
Thần Zeus là người quyết định trong việc trả lại thi hài Hector cho lão vương Priam. Nhưng Achille không phải là một công cụ vô tri vô giác để thực hiện ý định của thần. Những lời cầu xin của Priam đã khiến chàng xúc động, đã thức tỉnh tính người, lòng nhân ái trong con người của chàng, khiến chàng nghĩ tới người cha già thân yêu của mình và xót thương cho số phận của cụ. Hành động ưu ái của chàng đối với lão vương Priam biểu hiện ra trước chúng ta không phải như là kết quả của việc tuân theo mệnh lệnh của thần Zeus mà là kết quả của sự xúc động, sự thức tỉnh tính người trong trái tim Achille. Về nhân vật Hector, chúng ta cũng thấy những nét tương tự. Có thể nói, trước Achille chúng ta chỉ được chứng kiến những anh hùng thần thoại hành động, đến Achille chúng ta được chứng kiến những anh hùng thần thoại suy nghĩ, xúc cảm và hành động. Thế giới nội tâm của người anh hùng thần thoại đã được biểu hiện một cách khá phong phú. Bước tiến bộ này chỉ có thể giải thích bằng sự tiến bộ của lịch sử xã hội loài người. Xã hội Hy Lạp đã đứng trước ngưỡng cửa của thời đại văn minh, và những nhân vật anh hùng thần thoại cũng được văn minh hóa theo với đà tiến triển của xã hội.
3 – Những nhân vật anh hùng thần thoại thường kết thúc với số phận của mình theo mấy cách dưới đây:
a) Do chiến công vĩ đại của mình có ý nghĩa sâu sắc, tác dụng to lớn đến đời sống mà thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe hài lòng cảm phục, thừa nhận công lao cống hiến bằng quyết định khen thưởng: “đề bạt” vào hàng ngũ những vị thần bất tử (Dionysos, Héraclès). Hiện tượng này chắc chắn không phải chỉ riêng có ở Hy Lạp.
b) Do hành động bất kính, ngạo mạn, phạm thượng đối với thần linh mà bị thần linh trừng phạt, bắt chịu khổ hình dưới âm phủ hoặc kết liễu cuộc đời (Bellérophon, Tantale, Sisyphe, Thésée).
Nhưng đến những người anh hùng trong truyền thuyết về những người Argonautes và truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie thì chúng ta thấy không một nhân vật anh hùng thần thoại nào được gia nhập vào hàng ngũ các vị thần của thế giới Olympe bất tử.
Achille sau khi chết và được quân Hy Lạp đã làm lễ an táng mới được bà mẹ là nữ thần Biển-Thétis đưa đến một hòn đảo. Diomède cũng tương tự như thế. Hơn nữa, cái chết hoặc nỗi bất hạnh của nhân vật anh hùng là do thần linh trừng phạt vì tội ngạo mạn, bất kính. Apollon trừng phạt Achille, Aphrodite trừng phạt Diomède. Athéna, Poséidon trừng phạt Ajax Bé. Athéna trừng phạt Ajax Lớn. Mặc dù vậy, những cái chết đó vẫn mang một ý nghĩa anh hùng hoặc cao thượng. Nó hoàn toàn không phải là cái chết về mặt tinh thần, đạo đức của nhân vật. Diomède để lại sự nghiệp lớn lao ở miền trung nước Ý. Ajax Lớn để lại khí phách anh hùng của một con người biết trọng danh dự, có ý thức rất cao về danh dự của người chiến sĩ.
Thế nhưng với người anh hùng Jason trong truyền thuyết về những người Argonautes thì hoàn toàn khác. Thần thánh không trừng phạt Jason. Jason không chết ở chiến trường như Achille, không hối hận để rồi tự sát như Ajax Lớn. Jason chết vì một tai nạn ngẫu nhiên, một cái chết không để lại một niềm xót thương nhớ tiếc, một cái chết vô nghĩa, và xét đến cùng, không cần phải suy nghĩ sâu rộng gì cho lắm, chúng ta đều có thể rút ra kết luận Jason chết vì những dục vọng xấu xa của mình, lòng khát khao quyền lực, tiền tài, địa vị. Tóm lại cái gọi là “hạnh phúc” cho bản thân đã thúc đẩy Jason đến hành động phản bội trắng trợn lại người vợ chung thủy, xúc phạm, chà đạp lên quyền sống, nhân phẩm và danh dự của nàng. Vì thế Jason bị người vợ trừng phạt.
Nếu nói đây là truyện thần thoại thì đúng là… thần thoại! Nào tấm khăn choàng, nào chiếc vương miện của Médée có phép lạ, đội vào đầu, choàng vào người là rút da xé thịt, là bốc cháy không sao gỡ ra được. Nhưng nếu nói đấy không phải là truyện thần thoại mà là một chuyện thật, có lẽ rất thật, rất hiện thực, không có gì xa lạ đối với đời sống loài người chúng ta, là của loài người chúng ta, thì chắc chắn không một ai có lý lẽ gì để phản bác. Ở đây, ở câu chuyện này chính con người, mối quan hệ giữa con người với con người quyết định những biến cố trong cuộc sống của họ. Họ là kẻ gieo hạt và họ là kẻ gặt hái. Chẳng có vị thần nào xúi giục Jason phản bội lại lý tưởng anh hùng cao đẹp của mình. Chẳng có vị thần nào khơi lên trong trái tim Jason những dục vọng xấu xa cả. Chúng ta ghi nhận một bước chuyển biến, một bước tiến của thần thoại anh hùng. Bước chuyển biến này có ý nghĩa gì? Trước hết nó đặt ra vấn đề trách nhiệm của con người đối với hành động của mình trong một thế giới thần thoại mà các vị thần thường can thiệp thô bạo, áp đặt vào đời sống con người những lời phán truyền, sấm ngôn này khác. Như vậy thì đâu là trách nhiệm của thần thánh, đâu là trách nhiệm của con người? Vấn đề này không phải chỉ ở câu chuyện này mới đặt ra mà sau này sẽ còn có những chuyện khác tiếp tục đặt ra.
Thần thánh không trừng phạt Jason vì Jason không làm điều gì xấc xược, phạm thượng. Nhưng tại sao thần thánh lại không nhòm ngó, đoái hoài, quan tâm chút gì đến người anh hùng mà xưa kia trong cuộc hành trình sang xứ sở Colchide luôn luôn được sự giúp đỡ của thần thánh? Phải chăng thần thánh sợ dây vào cái con người đã bị biến chất, tha hóa ấy thì tổn hại cho danh dự và uy tín của mình? Ở đây xuất hiện một cách tự nhiên, khách quan, ý nghĩa đạo đức, bài học về đạo đức của truyền thuyết. Sự bỏ rơi của thần thánh đối với Jason chỉ có nghĩa Jason không còn xứng đáng là người anh hùng, Jason xứng đáng với đòn trừng phạt của người vợ. Từ người anh hùng cao thượng đến kẻ hèn hạ, phản phúc, đê tiện, khoảng cách đó không xa. Có giữ được khoảng cách đó hay không là tùy thuộc ở con người. Con người quyết định chứ không phải thần thánh quyết định.
Nhưng cái bước tiến về nhận thức: mối quan hệ giữa con người với con người quyết định những biến cố trong cuộc sống của họ nói lên, phản ánh một sự thật gì? Đó là cuộc sống xã hội đã tiến bộ hơn, phức tạp hơn. Con người trong quá trình tiến bộ của mình cũng phức tạp hơn. Sự phức tạp đó chính là do chủ nghĩa cá nhân và tấn bi kịch của nó. Chúng ta sẽ thấy vấn đề này khá rõ ở cái xã hội của các tướng lĩnh Hy Lạp trong cuộc Chiến tranh Troie.
4 – Trong gia tài thần thoại Hy Lạp không một truyền thuyết nào phong phú, phức tạp và nhiều ý nghĩa như truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie. Chúng ta không thể phân tích hết và đầy đủ mọi vấn đề mà chỉ có thể phân tích những vấn đề nổi bật nhất.
a) Trước hết chúng ta thấy vai trò và vị trí con người trong mối quan hệ với thần thánh ngày càng được khẳng định. Con người được trao cho nhiệm vụ giám khảo, tối hậu quyết định trong cuộc thi sắc đẹp giữa ba vị nữ thần. Trong chiến tranh, sức mạnh của con người sánh ngang thần thánh và… như trên đã nói.
b) Trong mối quan hệ giữa con người với con người, bên cạnh những phẩm chất cao quý tốt đẹp như lòng trung thành với lý tưởng, ý thức trọng danh dự, tình chiến hữu, sự trung thực… gắn bó mọi người với nhau, chúng ta thấy bộc lộ ra khá nhiều những tính xấu như: sự lừa dối, tính tham lam, thói ghen tị thù hằn, sự trả thù nhỏ nhen, tính tàn bạo… Mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon với Achille là một bằng chứng. Bị ức hiếp, Achille những toan rút kiếm ra lấy máu rửa hận. Nếu không có nữ thần Athéna can thiệp thì chắc chắn đã xảy ra một tấn bi kịch đẫm máu. Trong sự thống nhất của khối cộng đồng những đạo quân liên minh của các đô thành trên đất nước Hy Lạp đã xuất hiện sự chia rẽ, sự không thật đồng tâm nhất trí, gắn bó keo sơn. Quyền lực đã có một người bạn đường là sự ức hiếp. Vì lẽ đó nên ông già tiên tri Calchas không đám nói thẳng, nói sự thật, sợ đụng chạm đến Agamemnon thì sẽ bị Agamemnon trả thù. Cụ đòi Achille phải thề hứa bảo vệ tính mạng cho cụ. Và chính Agamemnon đã dùng quyền lực của mình để vơ vét, thu vén làm giàu cho riêng mình. Chiến lợi phẩm quân sĩ thu được đem về nộp thì Agamemnon chia ra thì ít mà giữ lại phần mình thì nhiều… Tóm lại, đã xuất hiện một quan hệ bất bình đẳng và ức hiếp. Sự trả thù của Achille đối với quân Hy Lạp lại càng tồi tệ, nhẫn tâm hơn nữa, quân Hy Lạp đã bị tổn thương nặng nề khi Achille từ bỏ cuộc chiến đấu.
Trong thần thoại và truyền thuyết Hy Lạp đầy rẫy những cuộc trả thù. Thần thánh trả thù con người vì tội bất kính bội ước. Con người trả thù con người vì tội lừa đảo, bội ước, phản phúc, vì những món nợ máu truyền kiếp, vì tội vu cáo. Những chuyện trả thù như thế, có những chuyện khá khủng khiếp như tội ác và sự thù hằn giữa anh em Atrée và Thyeste, truyện hai chị em Procné và Philomèle biến thành chim, song nhìn chung đều đơn giản, và có những chuyện có vai trò chi phối sắp đặt của số mệnh và thần thánh. Nhưng có lẽ không có một câu chuyện trả thù nào lại đau xót, lại khủng khiếp, lại ghê sợ, lại để lại trong trí óc và trái tim người đọc một ấn tượng khó phai mờ và nhiều suy nghĩ như chuyện Ulysse trả thù Palamède. Palamède đã phạm tội gì để đến nỗi bị Ulysse trả thù? Bội ước ư? Không! Vu cáo ư? Không! Sát hại một người nào có quan hệ huyết thống với Ulysse ư? Không! Palamède chỉ có “tội” là đã phát hiện ra sự lừa dối của Ulysse, cái trò bịp giả điên của Ulysse, Palamède chỉ có “tội” là đã tài giỏi hơn Ulysse. Những câu chuyện trả thù khác dù có dã man, khủng khiếp như giết con nấu cháo, làm chả, giết cháu làm cỗ để mời bố đẻ của những đứa trẻ bất hạnh ấy ăn… mặc dù ghê rợn, nhưng cũng là một sự thực hiện công lý ác giả ác báo (như truyện Tấm Cám của chúng ta). Nhưng chuyện Ulysse trả thù Palamède thì hoàn toàn không phải là một sự thực hiện công lý. Các vị thần của thế giới Olympe từ thần Zeus đã biết bao lần giáng đòn trừng phạt người này kẻ khác, chàng nọ ả kia, nhưng cộng tất cả những cuộc trả thù ấy lại cũng không thể nào sánh nổi với vụ Ulysse trả thù. Trí tuệ của thần thánh so với trí tuệ của Ulysse quả thật là thua kém xa, xa lắm. Thần thánh không thể nào xảo quyệt bằng Ulysse, không thể nào thiết kế được một cái “hồ sơ giả” với những bằng chứng có vẻ thật để vu cáo Palamède vào tội tư thông với quân thù, làm gián điệp cho vua Priam. Ghê sợ, bỉ ổi và khủng khiếp đến thế là cùng!
Đó, bước tiến bộ của con người trong việc khẳng định vai trò và vị trí của mình trong cuộc sống, bên những mặt tích cực đã bộc lộ ra những mặt tiêu cực như thế. Cái ngày mà con người biết dùng đầu óc và mưu trí của mình để chống chọi với thú dữ, để chinh phục thiên nhiên thì cũng là cái ngày mà con người biết dùng đầu óc và mưu trí của mình để ám hại đồng loại, thanh trừ, tiêu diệt đồng loại. Ulysse trả thù Palamède, nghĩa là Ulysse đã ám hại người bạn chiến đấu của mình để thỏa mãn tham vọng quyền lực, địa vị, danh tiếng. Palamède chết là người trung thực và có tài năng bị chết, bị thất bại; thói xảo quyệt, kèn cựa, ghen tị nhỏ nhen có đất sống, thắng lợi. Ôi, Chân lý! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta; thật xót xa và cay đắng! Màn đầu tấn bi kịch của chủ nghĩa cá nhân khi loài bước vào thời đại văn minh của chế độ tư hữu là như thế đấy!
5 – Xã hội Hy Lạp trong truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie là xã hội công xã thị tộc trên bước đường cùng tan rã. Đặc điểm nổi bật nhất của giai đoạn này là, như F. Engels nói: “Chiến tranh ngày xưa giữa bộ lạc với bộ lạc từ thời kỳ này đã biến chất thành cuộc cướp bóc có hệ thống trên đất liền và trên mặt biển để chiếm đoạt gia súc, nô lệ, của cải, tức là đã biến thành một cách kiếm lợi thông thường, tóm lại của cải được người ta tán dương và coi trọng như là một của báu tối cao, và những thể lệ cũ của thị tộc bị người ta bôi nhọ đi để biện hộ cho sự cướp đoạt của cải bằng bạo lực”223. Những cuộc chiến tranh cho phép bóc lột có hệ thống trên đất liền và trên mặt biển như F. Engels chỉ ra đã ngày càng làm tăng thêm quyền hành của thủ lĩnh quân sự, và từ chỗ trong tay có nhiều quyền hành thủ lĩnh quân sự đã từ “người đầy tớ ban đầu biến dần thành người chủ”224 đồng thời kéo theo “nạn ăn cắp của chung làm của riêng”225.
Thói sùng bái của cải dẫn đến tham vọng về quyền lực, bởi vì của cải và quyền lực là đôi bạn đường chung sống với nhau trong mối quan hệ nhân quả, và chính cũng từ thói sùng bái của cải và tham vọng về quyền lực mà đẻ ra biết bao những thói hư tật xấu tệ hại khác nữa như: tính tham lam, dối trá, lừa đảo, đầu óc xảo quyệt, phản phúc, thói ghen tị, kèn cựa, sự tàn nhẫn, sự trả thù, lối trù giập, kiểu sống trắng trợn, vụ lợi, keo kiệt… Tóm lại, tất cả những thói xấu mà ngày nay chúng ta gọi vắn tắt là chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa cá nhân thú vật.
Đó là cơ sở xã hội-lịch sử của truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie. Chúng ta có thể thấy truyền thuyết về những người Argonautes hoàn toàn gần gũi với cơ sở xã hội-lịch sử này.
Bảng gia hệ vương triều Troie
220 Platon (427-347 TCN), nhà triết học duy tâm nổi tiếng của thời cổ đại, người đã đề xướng ra học thuyết về ý niệm tuyệt đối, bất tử là bản chất của thế giới. Theo ông, linh hồn là bất tử, con người trong cuộc sống muốn vươn tới hạnh phúc, chân, thiện, mỹ cần phải suy ngẫm, hồi tưởng lại bản chất của ý niệm đích thực.
221 Pythagore (580-500 TCN), nhà toán học và triết học cổ đại. Ông cho rằng bản chất của thế giới là con số, là cái số lượng trừu tượng. Những môn đệ của ông phát triển cách giải thích đó đã thần bí hóa con số, nêu lên học thuyết về sự tạm trú của linh hồn bất tử trong cơ thể và sự nhập hóa của linh hồn bất tử từ cơ thể này sang cơ thể khác.
222 Apulie (địa danh cổ) ngày nay là miền Fouille ở Nam Ý nằm giữa dãy núi Apennin và biển Adriatique, gồm có những thành phố Foggia, Bari, Tarente, Brindisi, Lecce.
[223] F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr. 160.
[224] F. Engels, Chống Dühring. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976. tr. 297.
[225] F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961, tr.145.
Odyssée là người anh hùng đã nghĩ ra cái mưu “con ngựa thành Troie”. Chàng có tên là Ulysse. Sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troie, các dũng tướng cùng với quân sĩ của mình lần lượt trở về quê hương Hy Lạp. Biết bao biến cố đã xảy ra làm cho họ khi trở về đến quê hương, mười phần mất bảy, chín phần còn ba, nhưng trong số những cuộc trở về ấy thì hành trình của người anh hùng Ulysse là gian nan vất vả, ba chìm bảy nổi hơn cả.
Các vị thần đều biết việc Ulysse gặp hoạn nạn khó khăn nhưng chưa biết làm cách gì để cứu vớt người anh hùng ngoài việc bày tỏ lòng thương xót. May thay, một dịp tốt đến.
Hôm đó, các vị thần Olympe, theo lệnh của Zeus, được triệu tập để họp. Đấng phụ vương Zeus, mở đầu cuộc họp bằng những lời phàn nàn rằng những người trần thế bất cứ việc gì cũng quy tội, đổ lỗi cho thần linh mà thực ra do chính sự dại dột của họ, không nghe lời răn bảo của thần thánh, nên họ mới gặp bao tai họa. Zeus nói xong, nữ thần Athéna bèn lên tiếng trách móc đấng quân vương sao lại đi thương xót số phận của người khác mà quên mất Ulysse, một người anh hùng đã từng dâng biết bao lễ vật hậu hĩ cho Zeus, một người anh hùng mà số phận còn đáng được các vị thần quan tâm đến rất nhiều. Nàng nói tiếp:
– Hỡi Zeus, đấng phụ vương đầy quyền uy của các vị thần và những người trần thế! Lẽ nào chúng ta lại đối xử bất công như vậy đối với một người anh hùng danh tiếng lẫy lừng? Các vị anh hùng khác đã trở về sum họp với gia đình từ bao năm nay rồi mà giờ đây, người anh hùng ấy vẫn phải lưu lạc, vẫn ngày đêm mong mỏi chỉ được nhìn một làn khói bốc lên, từ trên mảnh đất quê hương của mình mà không được. Lẽ nào, đấng phụ vương Zeus lại thù ghét người anh hùng ấy đến mức như thế?
Nghe nữ thần Athéna nói như vậy, thần Zeus liền thanh minh. Thần nói cho nàng rõ, tất cả mọi chuyện đều không do mình. Thần vẫn không hề quên Ulysse là người anh hùng thông minh, mưu trí hơn hết mọi người trần và là người anh hùng dâng lễ vật nhiều nhất cho các vị thần trên bầu trời cao xa, bát ngát. Cuối cùng, thần đi đến kết luận:
– Hỡi các chư vị thần linh! Giờ đây, chúng ta hãy quyết định số phận của Ulysse chứ không thể để kéo dài mãi sự bất công như thế. Chúng ta phải nghĩ đến việc giúp đỡ cho người anh hùng đó trở về với quê hương, gia đình.
Các vị thần đều nhất trí đồng thanh tán thưởng. Nữ thần Athéna sẽ xuống hòn đảo Ithaque khích lệ người con trai của Ulysse là Télémaque lên đường đi dò hỏi tin tức về người cha thân yêu của cậu.
Nữ thần Athéna vô cùng hồ hởi. Nàng lập tức bay ngay từ đỉnh Olympe cao ngất xuống hòn đảo Ithaque, quê hương của người anh hùng có nghìn mưu trí Ulysse. Nàng giả dạng là một người khách lạ, vua của xứ Taphos, tên là Mentès đi vào cung điện của Ulysse.
Tình cảnh gia đình Ulysse lúc này thật rắc rối. Lợi dụng việc Ulysse vắng nhà quá lâu, những chàng trai quý tộc trên đảo ngày ngày đến thúc ép vợ Ulysse, nàng Pénélope khôn ngoan, phải chọn lựa một người trong bọn chúng để tái giá. Bọn chúng đến nhà Ulysse, sai gia nhân của Ulysse giết lợn, giết cừu, giết bò dọn tiệc. Chúng chè chén say sưa hết ngày này qua ngày khác, chờ đợi Pénélope trả lời. Trước tình thế bị thúc ép căng thẳng như vậy, Pénélope đành phải trả lời bọn cầu hôn: Nàng sẽ kén chọn trong số 108 chàng trai quý tộc đây, một người xứng đáng nhất để làm chồng, nhưng nàng xin với các vị cầu hôn đầy nhiệt tình hãy cho phép nàng dệt xong tấm vải liệm cho bố chồng nàng, cụ già Laerte đang gần đất xa trời. Có làm xong nghĩa vụ với bố chồng, nàng mới yên tâm tái giá, bằng không nàng sẽ mang tiếng xấu với bà con, họ hàng trên đảo Ithaque. Các vị cầu hôn đành phải chấp thuận lời thỉnh cầu khôn ngoan đó của nàng Pénélope. Nàng Pénélope bắt tay vào dệt tấm vải liệm cho bố chồng. Ban ngày nàng dệt nhưng ban đêm lại sai nữ tì đốt đuốc để nàng tháo, gỡ tấm vải ra. Cứ thế, nàng dệt mãi, dệt mãi, suốt ba năm ròng mà tấm vải không xong, nhưng đến năm thứ tư, bọn cầu hôn, do được một tên nữ tỳ phản bội báo cho biết, liền ập đến bắt quả tang. Chúng khiển trách Pénélope và buộc nàng phải dệt cho xong tấm vải mặc dù lòng nàng không muốn chút nào. Giờ đây đã đến lúc Pénélope không thể lẩn tránh việc trả lời bọn cầu hôn. Ngay cha mẹ nàng cũng thúc giục nàng tái giá bởi vì các cụ không tin Ulysse còn sống để trở về.
Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Công việc của Pénélope (Le travail de Pénélope) hoặc Tấm vải của Pénélope (La toile de Pénélope) để chỉ một việc làm cần cù, kiên nhẫn, hoặc để chỉ một việc làm cần cù kiên nhẫn nhưng không đem lại một kết quả, một lợi ích gì.
Khi nữ thần Athéna đặt chân đến trước cửa cung điện của Ulysse thì nàng thấy bọn cầu hôn đang ngồi chơi cờ trước sân. Các gia nhân đang dọn tiệc. Télémaque là người đầu tiên trông thấy nữ thần Athéna dưới dạng một người khách lạ từ phương xa tới. Cậu vội chạy đến niềm nở chào khách và mời khách vào dự tiệc. Bọn cầu hôn bước vào bàn tiệc ngồi thành một hàng dài trên các ghế tựa. Sau khi ăn uống no say, chúng ra lệnh cho nghệ nhân Phémios ca hát để cho bữa tiệc thêm vui. Chính trong lúc đó, lúc bọn cầu hôn đang mải nghe hát, Télémaque mới ghé sát vào tai Mentès, kể cho người khách lạ từ phương xa tới biết tình cảnh gia đình của mình, và cũng chỉ đến lúc này cậu mới hỏi tên tuổi, lai lịch của vị khách quý.
Khách tự xưng là Mentès, cai quản những người Taphos, xưa kia đã từng quen biết, giao thiệp với Ulysse. Khách tỏ vẻ ngạc nhiên trước hình dáng và khuôn mặt của Télémaque sao mà giống hệt như người cha danh tiếng của cậu. Trước tai họa đang đe dọa gia đình Ulysse: Bọn cầu hôn phá hoại tài sản, thúc ép Pénélope phải lựa chọn một người trong bọn chúng để tái giá, còn Pénélope thì thân cô thế cô không biết nương tựa vào ai để bênh vực nên cũng không có gan đương đầu với chúng, đòi chúng phải chấm dứt những hành động ngang ngược, Mentès khuyên Télémaque hãy triệu tập Đại hội Nhân dân tuyên bố cho mới người biết rõ ý định của mình: Đòi chấm dứt cầu hôn, chấm dứt phá hoại tài sản và thúc ép Pénélope. Mentès còn khuyên Télémaque sắm sửa thuyền bè để lên đường đi Pylos, xứ sở của lão vương Nestor và Sparte đô thành của người anh hùng Ménélas để hỏi thăm tin tức về người cha thân yêu của mình. Khuyên bảo Télémaque xong, nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentès liền vụt biến đi như một con chim. Nàng vội vã ra đi, khước từ cả tặng phẩm của Télémaque dâng nàng để bày tỏ lòng hiếu khách và biết ơn những lời dạy bảo và khích lệ của nàng. Tuy nữ thần không ở bên Télémaque được bao lâu song nàng đã đặt vào trái tim cậu sự dũng cảm, lòng quả quyết và nỗi nhớ thương người cha da diết. Thấy vị khách của mình ra đi vội vã và kỳ diệu như vậy, Télémaque vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên. Cậu ngẫm nghĩ và chợt hiểu ra rằng đó là một vị thần đã đến truyền phán cho mình những điều chỉ dẫn quý báu.
Sáng hôm sau, Télémaque cho truyền lệnh đi khắp đảo triệu tập những người Achéens tóc dài đến quảng trường. Chẳng mấy chốc nhân dân đã kéo nhau đến tụ tập đông đủ. Télémaque đi đến cuộc họp với dáng điệu uy nghi, đẹp đẽ như một vị thần. Cậu cầm trong tay một ngọn lao đồng và theo sau cậu là hai con chó to lớn, đẹp đẽ đi hộ tống. Mọi người đều dõi nhìn theo cậu cho đến khi cậu ngồi vào chỗ của Ulysse thường ngồi trong các cuộc hội nghị xưa kia.
Cuộc họp bắt đầu, cụ già Égyptos đứng lên khai mạc:
– Hỡi nhân dân Ithaque, xin hãy nghe ta nói. Đã lâu lắm rồi kể từ ngày thủ lĩnh Ulysse của chúng ta xuống thuyền lên đường sang thành Troie tham dự chinh chiến chúng ta chẳng có họp hành gì. Hôm nay, chúng ta được triệu tập đến đây để làm gì? Ai ra lệnh? Liệu có một ai đó đem lại một tin tức chắc chắn gì về hành trình trở về của đoàn chiến thuyền chúng ta dưới sự chỉ huy của Ulysse không? Hay chúng ta đến đây để bàn luận về một điều công ích gì khác? Dù sao thì ta cũng nghĩ rằng người triệu tập cuộc họp này thật là nhiệt thành và khôn ngoan. Cầu xin thần Zeus ban cho hội nghị sự thành công tốt đẹp, kết quả mỹ mãn.
Télémaque đứng lên giữa hội nghị, tay cầm cây vương trượng. Cậu cất tiếng nói dõng dạc tố cáo bọn cầu hôn là phá hoại tài sản của gia đình cậu, thúc ép mẹ cậu phải tái giá. Cậu tiếc rằng không có người nào như Ulysse đứng ra để bênh vực cho gia đình cậu, còn cậu, thì chưa đủ sức lực và tài năng để làm việc đó. Télémaque xin nhân dân Ithaque bảo vệ gia đình cậu và ngăn chặn hành động bạo ngược, lộng hành của bọn cầu hôn. Cậu cầu thần Zeus, đấng phụ vương của thế giới Olympe và nữ thần Thémis uyên thâm là người triệu tập và giải tán cuộc hội họp của nhân dân, bênh vực gia đình cậu, chấm dứt nỗi đau thương của gia đình cậu… Télémaque nói với một nỗi tức giận ghê gớm trong tim, nước mắt giàn giụa. Nói xong, cậu vứt cây vương trượng xuống đất và ngồi xuống. Toàn thể nhân dân đều thương cảm cho tình cảnh gia đình của người anh hùng Ulysse. Không một ai dám đứng lên dùng những lời lẽ thô bạo để đáp lại sự tố cáo của Télémaque, bênh vực bọn cầu hôn. Chỉ có tên cầu hôn Antinoos là người dám đối lại. Hắn tuyên bố, những chàng trai quý tộc người Achéens đi cầu hôn sẽ nhất quyết không rời cung điện của Ulysse chừng nào mà nàng Pénélope không từ bỏ ý định lừa dối họ, và nếu Pénélope cho đến lúc này còn nuôi hy vọng có thể lừa dối được họ thì quả thật sự tính toán đó không đúng chút nào. Hắn đòi Télémaque phải dẫn mẹ đến hội nghị này, bắt mẹ phải chọn một người đàn ông Achéens mà bà ta ưng ý làm chồng. Chừng nào mà Pénélope chưa quyết định thì chừng đó những người Achéens cầu hôn còn tiếp tục đến ăn uống, chè chén tại cung điện của Ulysse. Télémaque vô cùng phẫn nộ trước thói ngạo mạn của Antinoos. Cậu khấn thần Zeus, xin thần chứng kiến cho hành động vô đạo của bọn cầu hôn và xin thần hãy trừng trị tội ác đó.
Từ đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ, thần Zeus nghe thấy hết những lời cầu xin của Télémaque. Lập tức thần liền phái ngay hai con chim đại bàng lao về phía đảo Ithaque nơi đang diễn ra cuộc hội nghị nhân dân. Từ đỉnh núi cao chót vót, hai con chim bay đi nhanh như gió thổi, phút chốc đã tới quảng trường đang ồn ào tiếng người. Chúng lượn trên quảng trường và phóng những tia mắt dữ tợn xuống hàng bao cái đầu đang ngửng lên nhìn chúng, như muôn gieo chết chóc xuống. Thế rồi hai con đại bàng bỗng đâm bổ vào nhau, dùng mỏ nhọn, móng sắc cắn xé nhau, máu chảy đầm đìa. Sau đó chúng biến mất sau những mái nhà và đô thành cao ngất trước sự ngạc nhiên và lo sợ của mọi người.
Lúc đó, lão anh hùng Halitherses, con trai của Mastor, đứng lên, cất tiếng nói dõng dạc trước hội nghị. Lão cho biết đó là điềm báo Ulysse sẽ trở về và sẽ trừng trị những kẻ đã xúc phạm đến gia đình, vợ con và phá hoại tài sản của người. Lão kêu gọi mọi người hãy tìm cách ngăn chặn, chấm dứt thói bạo ngược của những kẻ cầu hôn, nhưng bọn cầu hôn không nghe lời khuyên nhủ của lão. Tên cầu hôn Eurymaque lại còn nhạo báng cụ, đuổi cụ về nhà mà trổ tài tiên đoán, bói toán cho các con em. Chưa hết, tên cầu hôn Léocrite còn ngỗ ngược, hắn thách thức, đe đọa, nếu như Ulysse may mắn còn sống sót mà đặt chân lên mảnh đất Ithaque này với hy vọng đánh đuổi được những người Achéens cầu hôn, khôi phục lại quyền thế và tài sản thì ngày trở về của Ulysse chẳng phải là ngày vui mừng của cảnh đoàn tụ với gia đình. Một mình Ulysse không thể nào địch được những chàng trai Achéens cầu hôn. Ngày đó chỉ có thể là ngày kết thúc số phận của Ulysse một cách nhục nhã, và Léocrite ra lệnh cho hội nghị giải tán.
Thế là hội nghị nhân dân chẳng giúp đỡ được chút gì cho Télémaque. Những tiếng nói chân thành, thẳng thắn bênh vực Télémaque đều bị những tên cầu hôn hung hăng trấn áp. Ngay việc Télémaque xin cấp một con thuyền với hai mươi tay chèo để đi hỏi thăm tin tức về người cha thân yêu của mình, nếu đích thực người đã chết thì cậu sẵn sàng để mẹ cậu đi lấy chồng, cũng không được. Tình cảnh thật là hỗn loạn. Bọn cầu hôn lại kéo nhau về cung điện của Ulysse chè chén, tiệc tùng, còn những người Achéens khác ai về nhà người ấy. Riêng Télémaque rất buồn. Cậu một mình đi ra bờ biển có bãi cát trắng dài, giơ tay lên trời cầu khấn nữ thần Athéna giúp đỡ.
Nghe tiếng Télémaque cầu khấn, nữ thần Athéna có đôi mắt sáng long lanh liền hiện ra cách Télémaque không bao xa. Nữ thần hóa mình thành Mentor, một người bạn không thể chê trách được của Ulysse. Ulysse trước khi xuống thuyền lên đường sang thành Troie đã tin cẩn nhờ cậy, giao phó cho Mentor trông nom gia đình hộ mình. Nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentor khuyên Télémaque hãy để mặc bọn cầu hôn. Sự hỗn xước ngạo mạn của chúng sẽ chỉ làm cho ngày tận số của chúng đến gần. Nữ thần hứa sẽ lo liệu thuyền bè cho cuộc hành trình của Télémaque.
Trở về nhà, Télémaque gọi người vú già Euryclée đến nói cho bà biết ý định đi tìm cha của mình. Cậu giao cho bà trách nhiệm trông nom, săn sóc người mẹ kính yêu của cậu và phải hết sức giữ kín chuyện cậu ra đi. Vú già Euryclée van xin Télémaque hãy từ bỏ ý định đó. Bà lo lắng cho tính mạng của cậu, người con trai của Ulysse danh tiếng lẫy lừng, nhưng không gì cản trở được ý chí của Télémaque.
Trong khi đó, nữ thần Athéna biến mình thành Télémaque đi vào thành phố. Nàng gặp người này, người khác bắt chuyện với họ, cổ vũ họ tham gia vào cuộc hành trình đi hỏi thăm tin tức của Ulysse. Nàng đến gặp Noémon, người con trai danh tiếng của Phronios hỏi mượn một con thuyền, và Noémon đã sẵn sàng cho mượn. Khi mặt trời lặn, đường phố chìm trong bóng tối, nữ thần Athéna bèn kéo con thuyền ra bờ biển. Cùng lúc đó những tay chèo sẵn lòng tham dự cuộc hành trình với Télémaque lần lượt đến tụ tập bên con thuyền. Xong việc đó, nữ thần Athéna lại trở về cung điện của Ulysse. Bằng tài năng và pháp thuật của mình, nàng lọt vào cung điện mà không ai nhìn thấy. Nàng dội xuống mi mắt của bọn cầu hôn cơn buồn ngủ nặng chĩu, và thế là bọn cầu hôn, rượu uống say mềm, buông tay khỏi cốc, ngật ngà ngật ngưỡng đứng dậy trở về nhà trong thành phố để ngủ. Chúng chỉ vừa mới nằm vật xuống giường là ngủ say như chết. Nữ thần Athéna dưới hình dạng và tiếng nói của Mentor bèn đến gọi Télémaque lên đường.
Ở bờ biển, các tay chèo đã sẵn sàng. Télémaque tới thuyền cho mọi người chuyển lương thực xuống thuyền. Khi mọi việc đã xong xuôi, nữ thần Athéna dưới hình dạng Mentor dắt tay người con trai của Ulysse xuống thuyền. Nữ thần ngồi ở đằng lái, Télémaque ngồi kế bên. Thuyền rời bến. Một cơn gió tuyệt diệu do nữ thần Athéna khơi lên đưa con thuyền lướt nhanh ra giữa biển khơi mênh mông sóng nước.