Tắt đèn – Chương XII

Nắng quái in ánh vàng trên giẫy ngọn tre.

Ðàn liếu điếu líu tíu kêu trong cành khế.

Mấy con triền triện ríu rít gọi nhau trên tầu cau.

Nghị Quế vểnh râu đứng trong sân gạch ngắm đôi bồ câu gật gù gụ nhau ở cửa chuồng. Nhác thấy mẹ con bị Dậu nhô vào, hắn hỏi một cách thật đổng:

– Làm gì bây giờ mới dắt nhau đến? Ðể cho người ta chờ đợi mấy giờ đồng hồ! Dính với chúng bây lúc nào bực mình lúc ấy, không có đứa nào giữ được đúng hẹn bao giờ!

Lễ phép, mẹ con chị Dậu cùng cúi đầu chào:

– Bẩm cụ, vì nhà con bị trói ở đình, con phải nói mãi các ông ấy mới cởi ra cho để ký văn tự… vả lại, đường cũng hơi xa, con đi khí chậm, xin cụ tha lỗi cho!

– Bà ở nhà khách ấy, đem nhau vào mà nói với bà!

Rồi hắn gọi chõ vào phía trong sân:

– Ðứa nào ra coi chó cho chúng nó!

Như anh phường trò đón dịp, thằng bếp dạ một tiếng thật dài, rồi nó cằm gậy đuổi chó, đưa mẹ con chị Dậu và con chó cái lên tòa nhà mà chị đã vào lúc nãy.

Mụ Nghị phủ đầu bằng giọng gắt gỏng:

– Ðã bảo lấy cái gì đậy cho mấy con chó con, kẻo nó bị nắng, sao lại chỉ úp cho nớ một cái mẹt ranh thế kia?

Thèn lẹn, chị Dậu chỉ trả lời bằng câu “lạy cụ”. Rồi, nhờ thằng bếp buộc cái xích của con chó cái vào cột, chị thong thả hạ rổ chó xuống thềm.

Mụ Nghị liếc nhìn cái Tý, the thé, mụ mắng chị Dậu:

– Thế mà cả vợ lẫn chồng dám xưng xưng con đã lên bẩy. Lên bẩy mà bằng cái nhãi thế à? Bà biết ngay mà! Cái đời nhà chúng bay còn có câu nào nói thật!

– Bẩm cụ, chúng con không dám nói dối, thật quả cháu đã lên bẩy tuổi, thằng em nó lên năm, còn con bé nữa lên hai. Con được ba cháu cả thảy.

Nghị Quế ở sân vừa vào, chỉ mặt chị Dậu, hắn tỏ ra người rất oai:

– Im cái mồm. Ðứng giở con cà con kê ra đây! Mấy cháu mặc kệ nhà mày! Dẻ lắm thì bán nhiều, chớ làm trò gì? Mở cái rổ ra… tao xem mấy con chó con!

Mụ Nghị tiếp theo lời chồng:

– Ấy đấy! Ông tính nó nói như thế có nghe được không?

Rồi mụ ngoảnh trông chị Dậu:

– Này liệu hồn! Bà thì tổng cổ cả đi, không thèm mua bán gì nữa bây giờ; Dễ bà bằng đôi bằng lứa với mày hay sao? Chưa nói mày đả cãi liền! Láo quen! Con bé bằng ngần kia, mày dám xoen xoét bảo nó lên bảy, nói cho chó no nghe à?

Cái Tý đứng nép sau cột, nét mặt thìu thịu, như lo mình mới đánh rơi một tuổi lúc nào. Chị Dậu đờ mặt ngồi thừ với những giọt nước mắt đọng ở trong đám long mi lóng lánh.

Hai bên thái dương Nghị Quế nổi những sợi gân tím bầm để báo tin một câu giận dữ:

– Nó vẫn không mở mấy con chó con ra à? Có tiếc đem về mà nuôi!

Nước mắt rỏ xuống gạch thềm thánh thót, chị Dậu cắm cúi cởi mấy nút lạt buộc ở rạp cổ và bỏ cái mẹt ra thềm, Nghị Quế vội vàng ngồi xuống cạnh rỗ. Bốn con chó con lần lượt bị hắn túm cổ xách lên, xem tai, xem mắt, xem lưỡi, xem chân, xem bu,ng, xem đuôi, xem ngực, có con bị hắn tỉ mỉ bới vạch từng cái lông tơ. Rồi hắn ngắm nghía đến cho chó cái. Một lát sau, vẻ mặt hơi dịu, hắn vào ngồi bắt chân chữ ” ngũ” trong sập và bảo chị Dậu:

– Văn tự đâu? Ðưa đây tao xem.

Chị Dậu ró ráy cởi cái văn tự ở đầu dải yếm, khúm núm đặt lên trên sập. Cầm bức văn tự, Nghị Quế chỉ nhìn đi nhìn lại ở chỗ Lý trưởng đóng triện. Lâu lâu, quay ra hắn bảo thằng nhỏ:

– Mày đi lấy mấy bát cơm nguội, lấy nhiều nhiều vào, để tao cho đàn chó này ăn thử, xem sao!

Thằng nhỏ “ba chân bốn cẳng” chạy xuống nhà ngang sau một tiếng dạ gọn ghẽ.

Mẹ con chị Dậu ro ró ngồi nép bên cột, người nọ nhìn cái mặt chan hòa nước mắt của người kia.

Bốn con chó con lau nhau đi đến ven thềm, mỗi con chiếm mỗi vú của con chó cái.

Nghị Quế vui vẻ bảo vợ:

– Bà thử trông xem, có phải không có con nào bị đuôi chấm sống?

– Tôi cũng đương nhìn, hình như không cả thì phải.

Tắt đèn – Chương XIII

Thằng nhỏ ở nhà ngang lên với rá cơm nguội đầy ụ. Nghị Quế bảo mẹ con Chị Dậu bắt đàn chó con thả sang đầu thềm bên này. Tất tả hắn chạy luồn ra, bưng lấy rá cơm súc cho mỗi con một bát. Chị Dậu nói thật, bốn con chó con đều biết ăn cả rồi. Riêng con chó cái, hình như vừa mệt vừa lo, chỉ ăn nhỏ nhẻ vài miếng lại nghĩ.

Bằng cái sắc mặt ôn hòa dễ dãi, Nghị Quế nhìn vào chị Dậu:

– Con chó cái nhà mày mua ở đâu thế?

– Bẩm của mẹ con mua ở Lầu cai đem về cho con!

– Ừ, có thế chứ! Chắc là giống chó mông tự, chứ ở nhà quê làm gì có thứ chó này!

Mụ Nghị đon đả kể công:

– Bởi thấy nhiều người mách rằng nhà nó có con chó cái khôn lắm, cho nên sáng ngày tôi mới cố mua lấy được. Chứ bỗng không, ai có động rồ mà chuốc đàn chó vừa mới mở mắt? Thế còn bốn con chó con thế nào?

Nghị Quế lẩm bẩm gật đầu:

– Ðẹp cả! Bốn con bốn kiểu: một con “huyền đề”, một con “lốt hổ”, một con “đen tuyền”, một con “tứ túc mai hoa”. Con nào cũng cúp tai, ngắn mặt, mắt xếch lá đề, đẹp lắm!

Vừa nói, hắn vừa tung tăng đi vào trong sập. Vẫn cái kiểu ngồi bắt chân kiểu chữ “Ngũ”, hắn vít lấy xe điếu ống, hút một hơi thuốc lào, rồi hắn rung đùi ra bộ đắc ý:

– Biết cái gì vất vả cái ấy! Ông Phủ Ðăng, ông Nghị Bùi, ông Phán Tiên, và ông cửu Xung trên tỉnh, các ông ấy đều biết tôi xem chó rành lắm, ông nào cũng khẩn khoản nhờ tôi mua hộ. Tôi định khi nào bốn con chó này khá lớn, thì cho mỗi người một con. Nhưng lại tiếc con chó đẹp tuyền, muốn để nhà nuôi. VÌ giống chó ấy lợi chủ, nuôi nó trong nhà làm ăn thịnh vượng…

Mụ Nghị ngắt lời bằng giọng nói nửa thật nửa đùa:

– Chả có của đâu mà cho. Ai muốn được giống chó tốt, phải có tiền đây cho tôi, không thì tôi để nuôi ráo!

– Nhà đã mười bốn con chó cả thảy, nuôi làm gì nữa? Cơm đâu!

– Tôi nuôi để nó coi nhà. Nuôi chó còn hơn là nuôi đứa ở. Nhà rộng thênh thang thế này, mười mấy con chó, nhiều gì?

Rồi mụ cười ròn khanh khách và chõ vào mặt chị Dậu:

– Cơm chó nhà tao cũng tốn bằng mấy “cơm người” của nhà mày đấy.

Chị Dậu nhường như tủi thân, cúi xuống gạt thầm nước mắt, chị không biết nói thế nào.

Mấy con chó con thôi ăn, kéo nhau trở lại chỗ con chó cái, bỏ dở cả mấy đống cơm.

Nghị Quế sai thằng nhỏ hốt hết vào rá, đưa cho cái Tý. Ra giọng nhân từ ông đại biểu của dân bảo

đứa con nít khốn nạn:

– Con bé kia! Cầm lấy rá cơm ăn đi, kẻo phí của trời. Ăn bốc cũng được, không phải đũa bát.

Nước mắt chảy ra như mưa, cái Tý ngần ngại nhìn rá cơm nguội, không muốn chìa tay ra đón.

Ông đại biểu cho dân hầm hầm nét mặt:

– Mày không ăn thừa cơm chó phải không?

Bà Nghị nổi cơn tam bành:

– Mẹ mày dạy mày thế đấy chứ? Con ranh con! Ở đây với bà mà mày cứ giữ cái thói khoảnh ấy, thì bà dần từng cái xương. Này bà bảo cho mà biết: mày ăn cơm chó nhà bà cũng chưa đáng đâu. Con chó nhà bà còn được mấy chục, con người như mày, bà chỉ mua có một đồng đấy thôi. Ðừng khoảnh với bà!

Nghị Quế hạch lạc chị Dậu:

– Con mẹ khốn nạn! Mày ngồi giương mắt ra đấy, không biết bảo con làm sao. Hay mày sợ con phải ăn cơm chó thì mày xấu hổ?

Dường như thương mẹ bị quở, cái Tý vội vàng đón lấy rá cơm. Rụt rè nó bốc một nắm bỏ vào miệng, uể oải nhai như bò nhai trấu.

Mụ Nghị nghiến răng kèn kẹt và chỉ vào mặt con bé:

– Bà truyền đời báo danh cho mày, tự giờ đến mai, phải ăn hết cái rá cơm ấy, rồi mới được ăn cơm khác!

Chị Dậu chỉ gục đầu vào cột, nức nở khóc thầm. Nghị Quế quát hỏi:

– Thế, con mẹ kia có lấy tiền không? Hay còn tiếc con tiếc chó?

Chị Dậu vội chùi nước mắt đứng dậy:

– Bẩm cụ…

Không để cho chị nói hết, Nghị Quế giục vợ:

– Bà trả tiền cho nó về đi, để nó ngồi mãi ở đây tôi không chịu được!

Cái chuông trong hòm leng keng kêu một hồi đài, mụ Nghị cầm hai chuỗi “chinh” quăng tọt ra thềm:

– Ðấy, tiền đấy!

Chị Dậu lom khom cúi nhặt tiền, toan tình cởi ra đếm lại. Mụ Nghị sa sả:

– Không ai thèm làm thiếu đồng hồ nào! Không phải đếm chác gì nữa!

Chị Dậu giắt tiền vào lưng, rồi chị sụt sùi bảo với cái Tý:

– Thôi con ở đây hầu hạ hai cụ, u về nhé!

Cái Tý ôm chầm lấy mẹ và khóc như mưa như gió:

– U đừng về vội! U hãy ngồi đây với con lúc nữa.

Nghị Quế đùng đùng đứng dậy, giơ cái bàn tay hộ pháp tát cho con bé một cái đánh đốp, và hắn hét lên như ông đại tướng trong rạp tuồng:

– Thằng nhỏ lôi cổ nó xuống nhà bếp kia…

Tức thì cái Tý liền phải lìa mẹ ra xềnh xệch theo tay cậu hầu cận của ông Dân biểu xuống thềm. Bộ mặt bồ nhếch bồ nhác ngảnh lại với cái miệng mếu xệch, nó nhìn theo mẹ và nói bằng giọng nức nở:

– Ngày mai u đem thằng Dần sang đây chơi với con nhé, con nhớ em lắm.

Tắt đèn – Chương XIV

Hai cái bầu vú đầy sửa mẩy găng, sửa ở trong vú rỉ ra, ướt đầm cả một lần yếm, làm cho chị Dậu bồn cồn xót ruột về con bé ở nhà. Bởi vì theo sự kinh nghiệm của đàn bà con mọn, những lúc xa con, sửa chảy như thế, ấy là đứa con vắng mẹ đã đói và đương gào khóc đòi bú. Chị không dám nghĩ đến cái Tý nữa, sấp ngửa chị cắp cái rổ, cái mẹt và cái mê nón tất tả ra cổng thôn Ðoài.

Mặt trời đã lặn xuống tận mặt đất. Ðàn quạ khoang dập dùi là xuống các bãi tha ma. Còi lá dứa của lũ mục đồng rối rít thúc trâu bò về nghĩ.

Tới làng Ðông xá, trời nhá nhem. Trong đình vắng tanh vắng ngắt. Ðàn dơi bắt muỗi xập xè bay khắp lòng đình.

Ngọn đèn dầu ta loe trên hương án cố sức phun những ánh sáng úa vàng, soi cho mấy nén hương đen lù mù cháy ở dưới cửa võng. Cả mấy gian đình chỉ còn sự tối tăm giúp sức cho sự kinh trợn. Người ta đã đem hết tiếng ầm ầm vào nhà Lý trưởng từ lâu.

Chừng cũng đoán biết như vậy, chị Dậu lủi thủi theo chỗ có tiếng tù và “rúc hồi” đi vào.

Dưới ánh lửa sáng quắc của ngọn đèn hai giây, quang cảnh trong nhà Lý trưởng lúc này cũng như quang cảnh ngoài đình lúc nãy. Anh Dậu và bọn trai đình thiếu sưu đều giơ khuỷu tay cho sợi dây thừng buộc vào cột nhà. Ðàn ông, đàn bà chờ đợi nộp thuế còn lố nhố suốt một bực cửa.

Lính cơ, Cai lệ vẫn nằm chầu Chánh tổng ở bên bàn đèn, thủ quỹ, Thư ký, Chánh hội, Phó hội và chức dịch ngổn ngang ngồi ở cạnh những cuốn sổ sách bề bộn.

Cái mặt “bồ hôi nước mắt” vừa ló vào thềm, chị Dậu liền được mấy ông chức dịch nhao nhao thét hỏi:

– Ðã bán được con rồi chớ! Ðem tiền nộp sưu, mau lên.

– Thưa đã!

Vừa nói, chị vừa giở chuỗi tiền chinh giắt ở dải lưng và tám hào con, tiền bán khoai mà chị vẫn khư khư buộc đầu dải yếm. Bớt lại một hào, chị sẽ đón dén đặt hai đồng bẩy lên trước Lý trưởng:

– Thưa ông, nhà cháu không kịp đi đổi tiền giấy, xin ông làm ơn nhận cho

Lý trưởng cầm chuỗi tiền chinh đưa cho thủ quỹ đếm lại và bảo chị Dậu:

– Mỗi đồng phải các ba xu, bỏ luôn ra đây, tao nhận cho. Nhưng sao lại có hai đồng bẩy hào?

Ngơ ngác, chị Dậu vừa đưa đồng hào để trả tiền các, vừa đáp bằng giọng lớ ngớ:

– Thưa ông, cháu tưởng năm nay sưu bổ mỗi xuất chỉ có bấy nhiêu.

– Phải rồi. Tiền sưu năm nay mỗi xuất chỉ có hai đồng bảy hào. Nhưng nhà mầy nộp hai suất, nghe không? Một suất của chồng mày, một suất nữa của thằng Hợi.

– Thưa ông chú nó chết hồi tháng giêng rồi mà. Nhà con vẫn còn chưa khai tử hay sao?

Lý trưởng phát gắt:

– Khai tử rồi cũng phải đống sưu? Ai bảo nó không chết tồi hồi tháng mười năm ngoái?

Chị càng ngẩn ngơ ra bộ không hiểu, như có ý ngờ người ta ăn hiếp nhà mình:

– Thưa ông người chết đã gần năm tháng, sao lại còn phải đóng sưu?

Lý trưởng quát:

– Mày đi mà hỏi ông Tây, tao không biết.

Thư ký dõng dạc cắt nghĩa:

– Chết cũng không trốn được sưu nhà nước! Là vì thằng em chồng chị mới chết tháng giêng An nam, mà sổ “thông qui” của làng đã làm từ đầu năm tây, tức là tháng một An nam năm ngoái. Sổ ấy có tên thằng Hợi, lúc ấy nó còn chưa chết, khi đệ lên tỉnh, tòa Sứ cứ theo số đinh trong sổ mà làm bài chỉ đưa sang sở Kho Bạc, rồi đến kỳ thuế, sở kho bạc lại cứ theo đúng số thuế ghi trong bài chỉ mà thu. Nó chết tháng giêng, chứ dẫu nó chết tháng chạp cũng vậy, bài chỉ làm rồi, người ta không có chữa lại bao giờ, “khai tử” hay chẳng “khai tử” mặc kệ! Bởi thế, bài chỉ làng ta năm nay vẫn không trừ được số sưu của thằng Hợi nhà chị. Nó chết, vợ con chưa có ông Lý trưởng cứ lấy vào thân nhân, chồng chị không nộp cho nó thì ai nộp?

Chị Dậu dở nói dở khóc:

– Cháu là đàn bà, biết đâu việc quan như thế. Khốn nạn, chú nó chết đi, nhà cháu thật như mất cánh tay phải! Còn nó, chúng cháu có đâu đến nỗi khổ sở như này? Bây giờ nó đã chẳng may thiệt phận, đành rằng xuất sưu của nó, nhà cháu phải đóng, nhưng cháu xin các ông cho khất đến mai. Hôm nay cháu hãy đóng trước một suất, các ông tha cho nhà cháu về, kẻo người yếu đau bị trói cả ngày, không khéo chết mất.

Lý trưởng trừng mắt:

– Chết thì ông chôn! Mày tưởng chồng mày chết mà ông sợ à? Muốn chồng khỏi trói, về đem nốt hai đồng bẩy nữa ra đây. Nếu không thì ông còn trói, ông trói cho đến bao giờ đủ sưu mà thôi.

Chị Dậu chừng như uất quá, ngồi sụp xuống chỗ cạnh chồng, chị khóc tru tréo:

– Trời ơi! Tôi bán cả con lẫn chó và hai gánh khoai, mới được hai đồng bẩy bạc. Tưởng rằng đủ tiền nộp sưu cho chồng, thì chồng tôi khỏi bị hành hạ đêm nay? Ai ngờ lại còn xuất sưu của người chết nữa! Khốn nạn thân tôi! trời ơi! em tôi chết rồi còn phải đóng sưu, hở trời? Tôi biết đâm đầu vào đâu cho được hai đồng bẩy bạc bây giờ?

Cai lệ ngồi phắt trở dậy gân cổ thét ra:

– Chỗ mày kêu khóc đấy à, con mẹ kia? Muốn sống thì câm cái mồm, không thì ông sẽ cho một trận nữa!

Anh Dậu run run khuyên vợ:

– Thôi, u nó đi về với con, kẻo có hai đứa ở nhà nó khóc hết hơi. Mặc tôi ở đây, bị trói thêm một đêm nữa cũng chẳng chết nào. Ðừng nói nữa người ta đánh đập khổ thân.

Chị Dậu vẫn không dứt được cơn hậm hực.

Thủ quỹ vừa đếm xong hai chuỗi tiền chinh, hắn gọi chị Dậu và bảo:

– Này chị kia, đừng khóc nữa, vào đây mà xem, mỗi đồng thiếu mất bốn xu đây này! Một hào của chị đưa trả tiền các trừ vào chỗ này hết tám xu rồi, còn thiếu bốn xu nữa nhé.

Chị Dậu lại mếu:

– Khốn nạn! Tôi vẫn chắc mẩm còn thừa một hào, đem về đong gạo cho con ăn. Bây giờ hết cả vẫn chưa đủ! Gớm! Cái bà Nghị, giàu thế mà còn làm điêu!

Rồi chị cứ rũ rượi ngồi khóc.

Anh Dậu thiết tha giục:

– Thôi u nó nghe tôi, có thương tôi thì hãy đi về với con. Ðừng cứ ngồi đây mà khóc cho tôi càng thêm não ruột.

Các bạn bị trói của anh Dậu ra ý thương hại và hỏi:

– Con bé lớn chị đã bán rồi, hai đứa bé còn ở nhà với ai?

Chị Dậu sụt sịt đáp:

– Anh em chúng nó ở nhà với nhau, chớ có ai đâu các bác?

Những người ấy ra ý áy náy;

– Khốn nạn! Thằng bé lên năm phải giữ con bé lên hai! Tội nghiệp quá!

– Cứ như các ông ấy phải vừa mới nói đó, thì người chết rồi cũng phải đóng sưu. Vậy là nhà chị vẫn thiếu một suất sưu nữa. Nếu không có tiền đem nộp, dẫu chị ở đây đến sáng cũng không thể xin cho anh ấy được khỏi trói đâu. Nói lắm mỏi miệng, ai thương? Thà chị về với các cháu cho khỏi khổ thân con trẻ.

– Phải, bác ấy nói phải. Hãy cứ đành lòng để mặc anh ấy ngồi đây, chị về mà nghỉ với con. Chứ chị ở đây chẳng qua chỉ thêm đau lòng, ích gì? Rồi nhịn chẳng được, ngứa mồm nói một vài câu, lại tổ làm cho anh ấy phải đòn.

Bấy nhiêu lời diễn thuyết tuy chứa chan những giọng tử tế, nhưng không giúp cho chị Dậu tí gì vì ý chị cũng nghĩ như người ta nói. Buồn rầu chị sẽ ghé vào tai chồng:

– Cái Tý để phần thầy em một đĩa khoai đấy. Tôi bưng sang đây cho nhé!

Anh Dậu lắc đầu:

– Miệng tôi đắng lắm, không thể ăn gì bây giờ. U nó cứ về với con. Không phải lo đến sự ăn uống của tôi.

Chào chồng bằng hai hàng nước mắt, chị Dậu lủi thủi ra với cái mẹt, cái rổ, và cái mê nón.

Tắt đèn – Chương XV

Vầng trăng đã vượt khỏi ngọn tre. Mặt nước các ao đã lóng lánh như nồi vàng đường chẩy. Trong mấy bụi cây rậm rạp, tiếng quốc kêu khi thưa khi nhặt, khắc khoải hòa với tiếng rền rĩ rên khóc của giun, dế vườn hoang.

Tuy mới chập tối, các nhà đã đóng cửa im ỉm, không đâu còn một chút đèn lửa. Những kẻ cầy sâu cuốc bẫm suốt ngày mệt nhọc, khi ấy đều phải “trả nợ mắt” để nuôi lấy sức làm việc cho ngày mai. Trừ xóm Lý trưởng, các xóm khác đều im phăng phắc như cánh đồng không, nếu thỉnh thoảng không có tiếng chó sủa bọn người người đi thúc sưu và tiếng xay lúa giã gạo ở mấy nhà hàng xay hàng xáo.

Chị Dậu về đến đầu nhà đã nghe tiếng khóc khàn khàn của hai đứa trẻ.

Sấp ngửa, chị chạy vào cổng, quẳng cả rổ mẹt, mê nón xuống sàn, rồi vội vàng chị vào trong nhà.

Thằng Dần vẫn ngồi cạnh em, hai mắt sưng húp, mặt mũi xám mét như đứa vừa bị ngã ao, hãy còn

kinh khiếp chưa hoàn hồn. Nó không thể tỏ chút dấu mừng rỡ khi thấy mẹ về, tuy sự ấy là sự đáng mừng rỡ của nó. Trái lại, nó càng ra bộ tủi thân và òa lên khóc như muốn nhắc cho mẹ biết những nỗi lo sợ từ nãy đến giờ. Nhưng hình như trong lúc mẹ nó đi vắng, nó đã kêu gào nhiều quá, cổ rát, hơi hết, nó chỉ có thể đưa ra cái tiếng khô khan như người khóc thầm.

Chị Dậu không kịp hỏi đến thằng bé ấy, hốt hoảng chị vớ lấy con bé con. Trời ơi, một sự ghê gớm kinh sợ.

Ðôi mắt nó mọng đỏ như quả nhót. Mồm mép, chân tay, lưng, bụng, cổ áo, tay áo của nó bê bết một lượt cứt với nước đái, đầm lầm hòa nhau. Nó khóc nhưng không ra tiếng, chỉ có cái miệng hông hốc há ra như miệng cà mè. Sẽ sàng, chị Dậu nhắc nó ra cạnh vại nước, tắm rửa qua loa cho sạch dơ bẩn. rồi chị bồng nó lên lòng. Lần này không còn thì giờ vắt bỏ sữa chua, chị vội vạch yếm lôi cái đầu vú ấn vào miệng nó. Vừa cho con bé này bú, chị vừa lật đật trở vào đón thằng bé kia.

Thằng bé ấy lệch thệch ra đến giọt thềm, nó vẫn khóc nức, khóc nở, thân hình lem luốc như cái tượng đá vừa đào ở dưới lỗ lên.

Giắt nó một lần nữa chị ra vại nước. Một tay bế con bé con, một tay chị vừa giội nước và vừa kỳ cọ cho thằng bé lớn. Rồi hai tay hai đứa chị ẵm chúng nó vào trong cái phản cập kênh.

Chiếc chiếu ở đấy lúc chiều chị đã đem giải xuống đất đẻ đặt cái Tỉu, và đã bị nó đái ỉa đầm đìa. Thằng Dần phải đứng xuống phản, để chị bồng con em bó vào buồng, cuốn lấy chiếc chiếu trong giường và trải ra đó.

Từ sáng đến giờ chị chỉ long đong chạy đi, chạy về chưa được ăn uống miếng gì. Chừng như cũng đã đói và mệt. Uể oải chị ngả lưng xuống chiếu. Hai đứa con gối đầu vào hai cánh tay.

Cái Tỉu đã hơi tĩnh, vừa bú nó vừa mân mê nghịch cái bầu vú của mẹ. Lâu lậu nó lại thổn thức vài tiếng. Thằng Dần tan cơn nức nở, lại cứ ra rả kêu đói và kè nhè giục mẹ mua gạo nấu cơm.

Trong óc chị Dậu vẫn còn đĩa khoai cái Tý cất trên bàn thờ. Nhổm dậy, chị định nhắc xuống cho thằng bé này ăn nốt. Nhưng món lương thực ấy đã bị chuột tha gần hết, chỉ còn ba bốn mẫu con.

Thằng Dần giơ tay xua lấy xua để:

– Con không ăn. Ðĩa khoai ấy của thầy con đấy. Lúc nãy chị Tý đã bảo đứa nào ăn vèn của thầy chị ấy không chơi với. Con chả ăn, chị ấy mắng con

Thế là nó lại nhớ đến cái Tý. dửng sốt nó hỏi:

– Bây giờ chị Tý đâu rồi? Sao u không đem chị ấy về đây với con?

Nước mắt chị Dậu lại theo lời nói ngây ngô của thằng bé ngây thơ ứa ra chứa chan. Ðặt mấy củ khoai xuống phản, chị ôm đầu nó vào nách, xoa xoa xuýt xuýt, chị ngọt ngào dỗ dành:

– Chị Tý ở nhà cụ Nghị. U đã bán cho cụ Nghị ấy rồi, đem về thế nào được nữa?

Thằng Dần tru tréo:

– Con không! Nào! Lúc chiều con đã bảo u lấy được tiền rồi thì đem chị ấy về đây với con kia mà!

Sao u lại để chị ấy ngủ ở bên ấy?

– Nhưng mà cụ ấy không cho nó về, thì u làm thế nào được? Thôi, con ăn mấy củ khoai cho đỡ đói, rồi nằm ngủ đi, mai kia u đưa sang chơi với chị.

– Con không mai kia! Nào! Nào! U phải đem ngay chị ấy về đây bây giờ, để chị ấy ngủ với con.

Chị Dậu sụt sùi sẽ gạt nước mắt:

– Ðêm nay con hãy ngủ tạm với u!… Con ngủ với u chóng u yêu, nhỉ!

– Con không ngủ với u nào! Con thèm vào chơi với u nữa. U bán chị Tý đi rồi! Chốc nữa thầy về, con mách thầy cho!

Rồi nó gào khóc rầm rĩ, nhất định bắt mẹ phải đem cái Tý về ngay. Chị Dậu hết ngọt lại xẵng, hết xẵng lại ngọt, nào dỗ, nào rứ, nào dọa, nào mắng, giở đã hết cách, nó vẫn không nín. Chị đành mặc cho nó khóc, rồi chị cũng khóc như nó.

Thấy chị khóc nó càng khóc dữ. Lăn đùng ra phản. nó đập hai chân xuống phản đành đạch, và cứ lảm nhảm gọi mãi “chị về với em”. Chán chê, ê ẩm, hình như nó đã mệt lử, tiếng khóc dần dần nhỏ sẽ. Một lát sau, nó chỉ ủn ỉn. Hai mắt thiu thiu nhắm lại, hơi thở đưa ra phì phò. Nó ngủ.

Cái Tỉu cũng nghỉ mút sữa. Ðầu vú ở miệng con bé từ từ buột ra. Rồi đôi mắt lờ đờ, con này cũng sắp sửa ngủ. Chị Dậu đón dén ngả lưng xuống chiếu, chực lừa cái Tỉu.

Muỗi bay vo vo và đốt vào chân nhoi nhói. Chị sè sẽ giơ tay phe phảy, không dám cựa mạnh, sợ

hai đứa con thức dậy

Cái Tỉu ngủ im. Thằng Dần bỗng cười khanh khách và nói léo xéo:

– A a! Chị Tý đã về. Chị vào ăn cơm, cơm sới rồi đấy.

Rồi nó im. Rồi nó thổn thức, rồi nó lại nói:

– Bây giờ chị phải ở nhà với em, đừng sang cụ Nghị nữa nhé! Em nhớ chị quá!

Thình lình nó ngồi phắt dậy, ngơ ngác nhìn ra ngoài sân và bỡ ngỡ, nó hỏi chị Dậu:

– Chị Tý đâu rồi? Chị Tý em đau rồi hử u?

Chớp mắt một cái, hình như nó chợt nghĩ ra cái gì, ngó vào tận mặt chị Dậu, nó khóc hu hu:

– U vẫn chưa đem chị Tý về đây cho con kia ư? Con bắt đền đấy? Con bắt đền u đấy. Sao u lại bán chị ấy của con? U đi dậy đi! Ði dậy sang gọi chị Tý về đi! Sao u cứ nằm mãi? Con không cho u nằm nữa!

Chị Dậu ró ráy nhắc cánh tay ra, đặt đầu cái Tỉu xuống phản. Ngồi dậy, chị bế thằng Dần vào lòng. Trong nhà tuy không có đèn, ánh sáng ngoài cửa soi vào, còn đủ sức sáng để chị nhìn thấy bộ mặt rầu rỉ của nó. Nó vẫn khóc, vẫn ủn ỉn bắt mẹ đi gọi cái Tý.

– Con hãy nín đi, cho em nó ngủ, để u ẩm con đi chơi.

Nó không nín lại càng khóc thêm. Xếch nó lên vai, chị Dậu với mấy mẫu khoai trong đĩa, rồi chị bồng nó ra thềm.

Trước thềm, sáng như ban ngày.

Tắt đèn – Chương XVI

Vầng trăng thăm thẳm từ trên đỉnh đầu chiếu xuống. Bầu trời vắt như một khối thủy tinh. Gió nồm từ các ngọn cây đưa lại hiu hiu. Bóng lá tre in dưới sân rêu luôn luôn lay động như đám bèo nổi trên mặt sóng.

Thằng Dần gục vào mẹ và khóc ti tỉ, chốc chốc lại thúc giục mẹ đi tìm chị nó. Chừng như thương con đói quá, không thể ngủ được, chị dậu tỉ mỉ bóc sạch cả mấy mẫu khoai và dỗ nó ăn. Nhưng nó khăng khăng một mực để phần cho thầy. Nó lại thiu thiu buồn ngủ.

Bồng nó vào trong nhà, chị Dậu sè sẽ tìm cái quạt nan và sè sẽ đuổi muỗi cho con bé con. Rồi chị lại ẵm nó ra ngoài sân.

Ði đi lại lại dưới bóng trăng, chị vừa vỗ về thằng bé, vừa rầu rĩ cất cái giọng thê thảm ru cho nó ngủ.

Ánh trăng nhòm vào cặp mắt dưng dưng nước mắt, nhắc lại cho chị cái đời ngây thơ của chị ngày xưa.

Phải, trong hồi chị còn ngây thơ, còn độ lên sáu, bẩy, tuy không sung sướng cho lắm, nhưng cũng được cha mẹ nuông chiều. Bấy giờ, chị chỉ ăn rồi chơi, chưa phải ẵm em, chưa phải quét nhà, đun bếp như cái Tý nhà chị bây giờ. Những đem trời khô, trăng sáng như đêm nay, chị vẫn luôn luôn được nô đùa với trẻ con hàng xóm. Chúng nó đã giở ra với chị biết bao là trò mua vui. Nào nhảy nô, nào hú tìm, nào đánh rồng rắn…

Những cuộc vui ấy chị vẫn còn nhớ rành rành. qua tuổi trẻ con đến khi mười bốn, mười lăm, chị vẫn được sẵn cơm ăn, sẵn việc làm, chưa hề phải lam lũ. Không biết tội nợ vì đâu, và từ khi lấy chồng đến giờ, tình cảnh nhà chị cứ mỗi ngày thấy mỗi khổ thêm. Hết năm ấy sang năm khác, vợ chồng đầu tắt mặt tối, không dám chơi không ngày nào. Thế mà vần cứ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bao nhiêu công trình khó nhọc, bao nhiêu thuốc cam thuốc sài, nuôi từ hòn máu nuôi đi, mới được đứa con bảy tuổi. Bây giờ chỉ vì một xuất tiền sưu, đã phải rứt ruột đem nó đi bán, lại đèo thêm hai gánh khoai và năm con chó nữa, cũng vẫn chưa đủ. Chồng vẫn bị đánh bị trói suốt ngày suốt đêm. Không biết trong lúc đau ốm, lại bị hành hạ như thế, anh ấy có thể sống được đến mai hay không. Và ngày mai chạy đâu cho ra hai đồng bảy bạc để chuộc chồng về? Nếu không lo đủ được số tiền ấy, số phận anh ấy sẽ ra sao? Vả lo được đủ tiền chuộc được chồng về đi nữa, cũng đã thiệt mất một đứa con rồi, sau này còn có ngày nào đem được nó về nhà nữa không? Từ chiều đến giờ nó ăn với ai, nó ngủ với ai?….

Thế rồi chị trở vào thềm, rũ rượi ngồi tựa cột hiên, nước mắt rơi xuống lã chã. Bóng trăng chênh chếch nhòm vào trong thềm. Bụi tre trước nhà, con cú sắp đi kiếm mồi, báo hiệu bằng những tiếng ghê sợ buồn rầu, có thể tưởng như ma quỷ, yêu quái. Mấy con cò ngủ giật mình thức giấc, phành phạch vỗ cánh, tự trong bóng tối bay ra. Các nhà láng giềng, gà gáy te te. Trống canh ngoài đình gắt gỏng điểm dịp ba tiếng.

Cái Tỉu cựa dậy và khóc lu loa. Chị Dậu se sẽ đứng lên toan và ru con bé ấy, thằng Dần ở trên vai chị lại cũng thức nốt. Nó mở choàng mắt, và nó nói luôn cái câu vẫn nói trong mọi đêm:

– Chị Tý đem em đi đái!

Chị Dậu vội bế nó đến cổng, tức thì nó đã nghĩ ra, và nói luôn câu khác:

– Con không khiến u! Chị Tý kia! Con không khiến u mang con đi đái. Nào! Nào!

Rồi nó kêu gào “bỏng giọng” và nó giẫy giụa ở trên sườn mẹ. Cái Tỉu trong nhà vẫn khóc như beo như ngắt. Luống cuống, chị phải đặt vội thằng này xuống đất, để vào đón con bé kia. Quả nhiên nó đã chờ choạng lăn ra dề phản, chút nữa thì ngã. Sấp ngửa nhắc con bé ấy, chị lại tất tả ra sân để ẩm thằng bé kia. Lại, hai nách hai con, chị bế chúng nó vào ngồi trong chõng. Cái Tỉu đã phải im khóc vì một bầu vú của mẹ lấp kín mồm miệng. Thằng Dần vẫn cứ ra rả:

– U đưa con đi tìm chị Tý, mau lên!

Chị Dậu dở khóc dở mếu:

– Ðêm khuya rồi, gà gáy nửa đêm rồi. Ra đường ngáo nó cắn cho, con ạ

– Ngáo cắn chết thì thôi! Con không cần. Con cứ đi tìm chị Tý, để chị ấy về ngủ với con! U phải đưa con đi ngay bây giờ!

Chị Dậu ngồi ỳ không biết nói sao. Nó thục tay vào trong yếm mẹ, lôi tuột đầu vú ở miệng cái Tỉu cà nó vừa khóc vừa mắng con này:

– Ông không cho mày bú nữa. Nhả ra! Nhả ra để u đưa ông đi tìm chị Tý.

Cái Tỉu lại khóc ngằn ngặt. Thằng bé lớn vẫn cứ núc nã, thúc thả, nó kéo tóc, nó kéo tai, nó lôi cổ áo của mẹ, bắt mẹ phải đứng dậy đi ngay.

Thì mẹ nó vẫn phải chiều nó. Bởi vì nó yêu chị nó, nó thương chị nó, nó nhớ chị nó mọi đêm hai chị em nó vẫn nằm với nhau và chị nó vẫn nghêu ngao hát cho nó nghe. Bây giờ tự nhiên mất chị nó, phải bồn cồn nóng nẩy, muốn được thấy chị ngay lúc bấy giờ, cho nên nó phải làm tình làm tội cái người đã đem chị nó di bán. Sự quấy nhiễu của nó là vô tội. Ðối với mẹ nó, nó vẫn có lý và vẫn đáng thương.

Vầng trăng lui xuống phía sau lũy tre. Mặt đường khuất dưới bóng lá khoang khuếch chỗ vàng chỗ đen giống như bức tranh thủy mạc. Những nhà cạnh đường hãy còn ngủ im thin thít.

Chị Dậu với cái Tỉu ở sườn này, thằng Dần ở sườn kia, lẽo đẽo đi hết ngò này sang ngõ khác. Hai đứa nín im, cái Tỉu còn bận nhai bầu vú chẩy nhão, thằng Dần tìm hy vọng sẽ được thấy chị.

Trời khuya, canh vắng, ba mẹ con thơ thẩn ôm nhau trên đường, chị Dậu thấy mình là người điên rồ. Mấy lần chị toan quay về ngõ nhà, thằng Dần nhất định không nghe, nó bắt chị cứ phải điên rồ như thề.

Bờ rào sột soạt, đàn chó của nhà bên đường sủa vang, mấy con chó khác của các nhà khác lần lượt sủa theo Những người gần đấy chợt tan giấc ngủ, choàng dậy kêu trộm rầm rĩ. Ngoài đình và ở các điếm, hiệu sừng hiệu ốc nhất tề thổi lên tu tu.

Tiếng chó sủa, tiếng người thét, tiếng hiệu rúc hồi, báo động suốt cả mấy xóm.

Tắt đèn – Chương XVII

Những tiếng thét đâm, thét đánh đã yên. Người ta không nỡ bắt trói chị Dậu, tuy gặp chị lò mò trong bóng tối, và biết chị đích thị là thủ phạm đã gây ra vụ chó sủa, người la, tù và rúc khắp làng.

Là vì xưa nay chị vẫn ngay thẳng thật thà, không hề “tắt mắt” của ai vật gì đáng bằng cái tơ cái tóc. Hơn nữa lúc ấy, chị lại hai tay hai con, một đứa đương khóc, một đứa đương bú, dù kẻ ghét chị đi chăng nữa cũng không thể buộc chị là người định đi ăn trộm.

Mây vẫn, sao thưa dần. Sương mù bắt đầu pha đục bầu trời. Mặt trăng tà tà đến gần mặt lũy. Tiếng gà te tê lần lượt từ nhà nọ truyền đến nhà kia.

Dưới lớp mái lụp xụp của túp lều tranh, chị Dậu và vầng trăng tàn thơ thẩn nhìn nhau, dường như đôi bên đều có riêng một tâm sự.

Cái Tỉu no bụng, tỉnh ngủ: hớn hở nằm trong lòng mẹ đùa với cái bóng thằng Dần. Thằng Dần chết khiếp vì trận quát tháo vừa rồi, nó chỉ thổn thức, không dám khóc, cũng không dám giục mẹ đi tìm cái Tý.

Ðến lượt cái Tý làm tội mẹ nó. Mọi đêm, cứ đến gà gáy một tiếng, chị Dậu trở dậy sắp sửa nấu cơm, con bé ấy đã đon đả đón lấy cái Tỉu, nó dụ, nó hát, nó nói thỏ thẻ với em những câu ngây thơ. Bây giờ vắng nó, trong nhà tẻ ngắt như nhà có tang. Nào nó có tội tình gì. Chẳng qua vì một suất sưu của bố, khiến cho nó phải lìa bố, lìa mẹ, lìa các em, đem thân đánh đổi lấy một đồng bạc. Tội nghiệp cái thân con trẻ nhà nghèo, làm tôi một nhà giàu có, hách dịch như nhà Nghị Quế, còn khi nào được một câu ỏ ê của chủ nhà! Khốn nạn thân nó, đêm nay nó ở bên ấy, ngoài một con chó cái và bốn con, không còn ai là bạn quen.

Nước mắt theo sự nghĩ ngợi chảy ra như mưa, chị Dậu tự thấy trong ngực nóng như lửa đốt.

Văng vẳng nẻo xa có tiếng chó sủa. Rồi, như theo một vệt đường, những giọng ăng ẳng kéo tiếp nhau, ganh thi nhau, dần dần gần lại, dần dần lớn thêm. Nó xô xát dữ dội ở mấy nhà giữa xóm và nó kéo dài vào ngõ láng giềng chị Dậu.

Ngoài cổng, có tiếng giật giọng:

– Chị Dậu còn thức hay ngủ?

Giật mình, chị vội quay nhìn ra cổng, và chị run sợ kinh khiếp khi thấy mấy người lố nhố dưới bóng tối của rặng tre.

Không phải họ đến bắt chị về chuyện huyên náo động lúc nãy, người ta đem lại cho chị một cái xác người.

Cái xác người ấy rũ rợi giục ở sau lưng một người nhà lý trưởng, hai tay thong thả đằng trước, lủng lẳng như hai quả bầu dài, hai bên có hai anh nữa, cũng người nhà Lý trưởng, đỡ ở hai vai, giữ cho nó khỏi bị lả sang bên cạnh.

Hoảng hốt, chị Dậu bồng cả hai con đứng dậy, và hỏi một cách thất kinh:

– Ai làm sao thế, hử các ông?

Hình như mấy người ấy, khi ở giữa đường, đã nhiều lần phải thay đổi nhau đài tải một vật nặng nề, ai nấy đều thở hồng hộc như bò cầy nắng. Họ không kịp trả lời chị Dậu, bệu rệch họ vực cái xác người ấy sầm sập tiến vào trong nhà và đặt xuống phản. Một người cố nói mấy câu như kẻ đứt hơi:

– Anh ấy phải cảm đấy. Chị xem nhà ai có dầu bạc hà xin một ít mà bôi cho hắn, may ra hắn tỉnh được chăng.

Và họ rảo cẳng bước ra, không ai dám quay cổ lại.

Hết cả hồn vía, chị Dậu đặt luôn hai đứa con nhỏ xuống đất, tất tả chạy đến cạnh chồng. Anh Dậu

nằm còng queo trên phản, chân tay không hề động cựa. Trước ánh sáng bẽ bàng của vầng trăng tàn úa, hai mắt đều nhắm lim dim.

Sờ khắp trán, mặt, tay, chân của chồng, chị Dậu chỉ thấy chỗ nào cũng giá ngăn ngắt, nhưng ở tinh mũi và cuối cằn hãy còn ôn hòa, hai lỗ mũi hãy còn hơi thở man mát. Kề miệng vào tai chồng chị gọi:

– Thầy em! Tỉnh dậy! Thầy em! Tỉnh dậy!

Chỉ có hai đứa bé con ỷ ẻo khóc ở dưới đất. Anh Dậu vẫn nằm ngay như khúc gỗ.

Sấp ngửa, chị chạy ra cổng và réo thật to:

– Ba hồn bảy vía anh Dậu ở đâu thì về với vợ với con.

Lồng từ ngõ trong ra ngõ ngoài, lại tế từ ngõ ngoài vào ngõ trong, chị hú hồn chồng mới được sáu lượt, thì lưỡi líu lại, không nói được nữa. Chân nọ đá chân kia, chị lại trở về ngồi ở đầu phản. Cuống quýt không biết chạy chữa bằng cách nào, chị để tay vào trán chồng, vừa lay vừa gọi ” thầy em tỉnh dậy”.

Anh Dậu vẫn không tỉnh. Hai đứa bé con dưới đất vẫn khóc tru tréo.

Tắt đèn – Chương XVIII

Trống tan canh.

Gà im gáy.

Trời tang tảng rạng đông.

Chị Dậu tuyệt vọng khi ngó mặt chồng thất sắc sám nhợt như người chết trôi. Tưởng chừng anh ta không thể sống lại, chị đập tay xuống phản, kêu trời, kêu đất, kêu cha, kêu mẹ. Rồi chị đứng dậy đi ra vại nước, lấy cái chậu sành múc đầy chậu nước đem vào. Lật khăn vuông ở trên đầu xuống, chị dúng vào nước, lau trán, lau mặt, lau qua chân tay cho chồng, để chồng được sạch sẽ trước khi “hết cơm gạo về với tổ tiên”.

Hàng xóm, láng giềng tấp nập đổ đến. Kẻ đón cái Tỉu, người ẩm thằng Dần, kẻ vào sờ sà anh Dậu, người ghé tận tai anh ta mà gọi. Có kẻ rút rát, chảng vãng đứng tít ngoài thềm ghé vào, có kẻ sốt sắng, chạy tốc ra mãi ngã ba, hú hồn anh Dậu thêm một lần nữa.

Trong nhà chật ních, người đứng vòng trong, vòng ngoài. Họ hỏi thăm bệnh tình. Họ thương hại anh Dậu. Họ khuyên can chị Dậu đừng khóc. Họ cả quyết anh Dậu không việc gì. Rồi họ rối rít, mỗi người chạy đi làm giúp mỗi việc.

Bà này bắt thằng Dần cố sức “rặn đái” đái vào chậu sành. Ông kia lấy chiếc lược thưa ghè hai hàm răng anh Dậu. Bác nọ múc ít nước đái đổ vào trong miệng anh ấy. Bà kia bưng chậu nước đái xoa mãi vào mặt, vào mũi, vào cổ, vào gáy, vào hai thái dương anh ta. Cô nọ chạy về nhà mình lấy ít bồ kếp đốt than để vào cửa mũi người ốm. Chị kia sang nhà bên cạnh xin cái chổi sể châm lửa cho cháy đùng đùng ở giữa nhà.

Ồn ào một hồi lâu.

Anh Dậu dần dần thở mạnh, rồi lờ đờ sẽ mở hai mắt. Mọi người hớn hở mừng reo:

– Tỉnh rồi, anh ấy tỉnh rồi đấy.

Thì ra không phải anh ta phải gió, chỉ vì bị trói chặt quá, mạch máu nghẽn lại, máu xông lên óc khiến cho anh ta ngất đi. Nhờ có chậu nước lạnh của chị Dậu rửa mặt cho chồng và chậu nước đái của bà con hàng xóm đổ vào miệng, xoa vào đầu, mặt anh ta, máu lại xuôi xuống dần dần, cho nên anh ấy lại tỉnh.

Câu chuyện bắt đầu vui vẻ.

Người ta hỏi đến cái Tý vì từ nãy đến giờ không thấy nó đâu.

Sau khi đã nghe chị Dậu vừa mếu vừa thuật lại đầu đuôi việc chị thiếu sưu phải bán nó và 5 con chó cho ông Nghị Quế thôn Ðoài, lấy hai đồng bạc, thì ai nấy đều có vẻ ái ngại. Và ai nấy đều khuyên chị Dậu phải yên lòng mà thuốc men cơm cháo cho chồng, không nên lo phiền về cái Tý nữa. Người ta bảo nó lớn thì nó lại về, chẳng có khi nào mất con.

Anh Dậu vẫn lì bì mệt nhọc. Thằng Dần mếu máo kêu đói.

Thấy nói từ sáng hôm qua đến giờ, thằng bé chỉ ăn có vài mẫu khoai, vợ chồng chị Dậu đều phải nhịn xuông, một bà hàng xóm có lòng xởi lởi liền chạy về nhà lấy sang cho vay độ hơn đấu gạo, rồi bảo chị Dậu hãy đi nấu cháo để cả nhà ăn tạm.

Cảm động, chị Dậu cám ơn bà ấy bằng những giọt nước mắt chứa chan. Rồi chị đón lấy cái Tỉu vừa cho nó bú, vừa bắc nồi cháo. Mặt trời lên cao, ánh nắng lọt lỗ nẻ bức cửa, chiếu vào lòng nhà.

Anh Dậu dần dần tỉnh thêm, có thể tiếp chuyện bà con bằng giọng rền rĩ dề đà.

Các cô con gái lẻ tẻ về trước. Các ông đàn ông và mấy bà đàn bà lục tục về sau.

Trong nhà lại thấy cảnh buồn tẻ của sự thiếu vắng.

Chị Dậu bế cái Tỉu ngồi cạnh anh Dậu, vừa bóp nặn chân tay cho chồng, vừa dỗ dành thằng Dần, chốc chốc lại phải đứng ra thổi lửa dóm bếp.

Ngoài đình trống lại thúc, mõ lại khua, tù và rúc liên thanh bất chỉ.

Sau nhà có tiếng gọi léo xéo.

Thằng Mới nó giục bác đàn em tuần ở nhà kế bên ấy ra đình sắp sửa cờ trống đi đón quan.

Anh Dậu vật vã thở dài:

– Trời ơi, từ giờ đến lúc quan về, chạy đâu cho được hai đồng bẩy nữa? Nếu không có, chúng nó làm tình làm tội, không khéo thì mình đến chết.

Nước mắt ứa ra, anh Dậu quay mặt vào bức phên nứa, sụt sùi nức nở, anh khóc thằng Hợi, anh khóc cái Tý, rồi anh khóc đến số phận của anh.

Chị Dậu đương ở trong bếp, vội vàng chạy lại ngồi kề sau chồng, nỉ non khuyên giải:

– Thôi, tôi xin thầy em. Ðừng kêu khóc nữa, khổ tôi lắm. Chú Hợi nó chết rồi, dù có thương xót, nó cũng không thể sống lại, cái Tý tuy bị đem bán, nhưng nó sang bên ấy chắc là cũng được cơm no áo lành. Sau này trời cho làm ăn khá giả, thì lại sang chuộc nó về, có sao đâu? Còn như mấy đồng tiền sưu, tuy có nóng thật, nhưng lo chưa kịp thì khất. Thịt người tanh, chẳng ai ăn được. Thầy em cứ yên tâm nằm nghĩ, không phải lo lắng gì cả. Nếu thầy em cứ kêu khóc mãi, lỡ ra cơn bệnh vật lên, lại lả người đi, thì tôi biết làm thế nào?

Anh Dậu chừng sũng thương vợ, liền giơ bàn tay, run rẩy lau khô nước mắt. Và ngoảnh mặt trở ra, anh cố làm ra bo tươi tỉnh để tỉ tê hỏi chuyện cái Tỉu.

Nồi cháo đã sủi, bọt trắng trào ra cổ nồi, chẩy xuống lòng bếp xèo xèo, làm tắt bếp lửa trong bếp.

Chị Dậu vội đặt cái Tỉu nằm ở cạnh chồng, rồi chị đến bếp hì hục thổi mấy cục than sắp tàn. Thằng Dần lệch thệch theo lại sau mẹ. Nó nhất định bảo cháo chín rồi, và nằng nặc giục mẹ bắt ra.

Ngoài cổng, lạch cạch mấy tiếng gậy đập cột vách. Người nhà Lý trưởng hách dịch hỏi từ đầu ngõ hỏi vào:

– Thế nào? Anh Dậu còn sống hay đã chết rồi? Im lặng thế này hẳn là chửa chết. Tiền sưu đâu? Ðem nộp nốt đi! Mau lên. Quan sắp về kia!

Chị Dậu ngồi trong bếp ngọt ngào nói ra:

– Bác tính từ lúc gà gáy đến giờ, tôi chạy chữa cho thầy cháu, nào đã lo kịp? Nhờ bác nói với ông Lý hãy cho nhà tôi khất đến chiều mai.

Anh kia mát mẻ:

– Ðến chiều mai, chị nói dễ nghe nhỉ! Thuế của nhà nước, chị tưởng chuyện chơi hay sao?

Chị Dậu nằn nì:

– Tôi cũng biết thuế nhà nước không phải chuyện chơi. Nhưng bây giờ chưa có, nên tôi phải khất. Bạn nghèo với nhau, bác nói khéo với ông Lý giúp tôi.

– Tôi không dám bạn với nhà chị. Tôi không biết nói khéo. Tôi không có quyền được nhận lời khất của chị. Lát nữa, để chị khất với ông Cai lệ.

Rồi hắn hầm hầm vác gậy đi ra.

Lửa lại nỏ. Chị Dậu ngồi luôn cạnh bếp cầm chiếc đũa cả quấy nồi cháo khỏi trào. Ánh nắng gắt gao xuyên lỗ thủng mái bếp soi vào những giọt bồ hôi lóng lánh trên gò má đỏ bừng.

Trời đã thững buổi. Thằng Dần lại sạo sục kêu đói. Nó vần kè nhè ngồi ở cạnh mẹ, hau háu nhìn vào nồi cháo.

Tắt đèn – Chương XIX

Về phía đầu làng, nghe có tiếng còi ô tô toe toe. Rồi đến tù và tu tu đổ hồi. Rồi đến trống cái thong thả điểm từng tiếng một.

Bà lão láng giềng lật đật chạy sang, hớt hơ hớt hải nói với chị Dậu.

– Nhà bác chạy đủ sửu chưa?

Chị Dậu vậm vội:

– Thưa cụ, nhà cháu mới nộp một suất, còn một suất nữa ạ!

– Sao lại phải đóng hai suất?

– Thưa cụ, một suất của thầy con cháu và một suất của chú Hợi nó.

– Anh Hợi chết rồi, còn phải đóng sưu nữa à?

– Vâng, cháu thấy các ông ấy bảo chú nó chết dở năn tây, nên còn phải đóng xuất sưu năm nay. Nếu nó chết chẵn năm tây thì mới được trừ

– Khốn nạn! Người ta chết đã sắp giỗ đầu, anh em còn phải đóng đậy tiền sưu! Sao lại có lệ thế nhỉ?

Bây giờ nhà bác chưa có thì làm thế nào? Nghe như quan đã về đấy!

– Phải, cháu cũng đoán chừng quan Phủ đã về. Nhưng không có tiền thì phải khất vậy. Cụ bảo làm thế nào được?

Bà lão ái ngại trở ra.

Cháo chín, chị Dậu bắc mang ra giữa nhà, ngả mâm bát múc ra la liệt. Rồi chị lấy quạt cho chóng

nguội.

Tiếng trống và tiếng tù và đã thủng thẳng đưa nhau từ phía đầu làng đến đình.

Tiếng chó sủa vang các xóm.

Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang:

– Bác trai đã khá rồi chứ?

– Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề, lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm

– Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm dề dề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn?

– Vâng, cháu cũng đã nghỉ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã.

Nhịn xuông từ sáng hôm qua đến giờ còn gì.

– Thế thì phải giục anh ấy ăn mau mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa keo vào rồi đấy!

Rồi bà lão lại lật đật trở về với vẻ mặt băn khoăn.

Cháo đã hơi nguội.

Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt.

Chị Dậu đón dén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm:

– Thầy hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.

Rồi chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó, như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không.

Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng. Cai lệ và người nhà lý trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.

Gõ đầu roi xuống đất, Cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều sái cũ;

– Thằng kia, ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp nốt tiền sưu! Mau!

Hoảng quá anh Dậu vội để bát cháo xuống phản, lăn đùng ra đó, không nói được một câu gì. Người nhà lý trưởng cười cách mỉa mai:

– Anh ta sắp phải gió như đêm qua đấy!

Rồi hắn chỉ luôn vào mặt chị Dậu:

– Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không? Ðấy chị hãy nói với ông Cai, để ông ấy ra đình kêu với quan cho! Chứ ông Lý tôi thì không có quyền dám cho chị khất một giờ nào nữa.

Chị Dậu run run:

– Nhà cháu đã túng, lại phải đóng cả xuất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà nước đâu! Hai ông làm phúc nói với ông Lý hãy cho cháu khất….

Cai lệ không để cho chị được nói hết câu, trợn ngược hai mắt, hắn quát;

– Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước, mà dám mở mồm xin khất

Chị Dậu vẫn cố thiết tha:

– Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại

Cai lệ vẫn giọng hằm hè:

– Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ rỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à

Rồi hắn quay ra bảo anh người nhà Lý trưởng:

– Không hơi đâu mà nói với nó, trói cổ thằng chồng nó lại, điệu ra đình kia Người nhà Lý trưởng hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì, hắn cứ lóng ngóng ngơ ngác, muốn nói mà không dám nói. Ðùng đùng, Cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ Anh Dậu

Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con bé con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:

– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho

– Tha này, tha này!

Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu, mấy bịch, rồi lại sấn đến để trói anh Dậu

Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại

– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.

Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhẩy vào cạnh anh Dậu, Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà Lý trưởng sấn sổ bước đến, huơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chành “hầu cận ông Lý” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

Anh Dậu sợ quá muốn dậy can vợ, nhưng mệt đắm ngồi lên lại nằm xuống, vừa run vừa rên:

– U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù phải tội.

Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận;

– Thà ngồi tù. Ðể cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…

Người nhà lý trưởng hết cơn lặng cá, lóp ngóp bò dậy hắn chỉ vừa thở vừa chửi chị Dậu, không dám động đến thân thể chị nữa. Chị Dậu lại đón cái Tỉu vào lòng, và cũng sa sả chửi giả.

Anh Dậu không biết làm thế nào mà can đôi bên, chỉ nằm mắng vợ và xin lỗi ông… người nhà Lý trưởng.

Một hồi hiệu ốc rú từ ngoài đình rúc vào. Mấy bác tuần phu gậy tầy mã thò theo chân Lý Trưởng, Cai lệ kéo đến. Thì ra trong lúc chị Dậu và anh người nhà Lý trưởng vật nhau, Cai lệ đã chạy thoát ra đình báo với Lý trưởng. Lý trưởng liền đem tuần phu vào bắt vợ chồng chị Dậu. Họ đã giảng giải ra đình hầu quan tất cả tiếng rên của người ốm, tiếng khóc của hai đứa trẻ con, và tội cán của người đàn bà táo bạo.

Tắt đèn – Chương XX

Ðôi lọng xanh nằm tráo đầu đuôi trước cửa đại đạo. Cái trống cái và cái đòn tre chơ chỏng lăn bên tường bao lan. Chín, mười lá cờ rũ rợi, rủ dưới giọt đình. Một đoàn giáo, mác loi thoi chĩa mũi nhọn trên mái giải vũ.

Quang cảnh ngoài đình hôm nay khác hẳn hôm qua. Phó lý, Trương tuần cũng như tộc biểu, tuần phu, tuy không phải làm việc gì, ai nấy vẫn sơ tóc gáy chạy xuôi chạy ngược. Phó hội, thủ quỹ đối nhau với thư ký, chưởng bạ, mỗi người khoanh tay đứng tựa mỗi cột, dáng bộ len lét như rắn mồng năm. Chánh tổng ngồi ngáp vặt cạnh bức câu lơn, con ruồi đậu mép không muốn đuổi. Chánh hội luôn tay giở cuốn sổ thuế, hai mắt vẫn lấm lét trông đi đằng nào.

Vợ chồng chị Dậu không can đảm hơn thằng Dần, vừa ló mặt lên thềm đình, đã mất vía về bộ râu của quan phụ mẫu.

Cái râu mới lạ làm sao! Nó đen như vệt hắc in và cong như cái lưỡi liềm. Nó nhọn như mũi dùi nung và bầu như đầu dao trổ. Nó khum khum quắp lấy hai mép, giống như hai cái cánh dơi. Nó vất vểu vểnh ra hai mang tai, gần như hai sừng củ ấu. Nó chầu đầu ở dưới ống mũi, như sắp chui vào trong cái mũi dọc dừa. Nó lại giúp cho cái mồm lèn bèn thêm sự dữ dội.

Nếu không biết quan phủ xuất thân từ chức thông phán, người ta sẻ tưởng ngài được làm quan chỉ vì bộ râu.

Và nếu không rõ là ông quan, người ta lại có thể lầm ngài với ông cai xe hay ông cai thầu khoán.

Dựa tay vào mặt cái bàn phủ tấm thảm đỏ của tế chủ vẫn thường đứng lễ, quan Phủ ngất ngưởng

ngồi vào chiếc chiếu cạp đỏ trải trên ghế ngựa quang dầu. Dưới vành khăn xếp nhiễu tây, cái mặt

phèn phẹt luôn luôn hằm hằm như sắp rơi xuống sàn đình đánh “huỵch”

Cạnh ngài, một tên tuần đinh lực lưỡng vác cái quạt lông đứng đằng xa xa phẩy vào.

Trước ngài, thầy Thừa và anh Nho đều mướt bồ hôi với mấy cuốn biên lai thu thuế của Lý trưởng.

– Bẩm ông lớn! “thừa” lệnh ông lớn, chúng con và tên người nhà Lý trưởng vào nhà tên Nguyễn Văn Dậu bắt nó đem tiền nộp sưu, vợ tên ấy muốn tháo cho chồng, nó đánh con, đánh cả tên người nhà Lý trưởng, hiện có Lý trưởng cùng bọn tuần phu đều biết. Lạy ông lớn, xin ông lớn…

Cai lệ chưa nói hết câu, Lý trưởng đứng ở đằng sau vội vàng cướp lời:

– Bẩm ông lớn, con mẹ ấy tên là Thị Ðào, nó bướng bỉnh thứ nhất làng con. Năm, sáu hôm nay, hôm nào chúng con cũng sai người nhà đến giục tên Nguyễn Văn Dậu đóng sưu, nó xui chồng nó nhất định không đóng. Chúng con bảo nó thuế sắp đăng trường, nếu không đóng sẽ phải trình quan phụ mẫu, nó nói quan phụ mẫu nó cũng không cần. Hôm nay “thừa” bóng ông lớn về đây, anh Cai lệ và người nhà con vào đốc, nó dám đánh lại tất cả. Hiện mắt chúng con và nhiều người nữa trông thấy. Ông lớn là đèn trời, xin ông lớn xét tình chúng con, bắt nó bỏ tù, chúng con và anh Cai lệ được đội ơn ông lớn.

Quan Phủ vểnh cái mặt nặng trịch và đập tay xuống mặt bàn:

– Không đóng sưu! Lại đánh cả lính! Nó định làm giặc à? Bắt cổ ra đây!

Một tiếng dạ vang năm gian đình. Vợ chồng chị Dậu và hai đứa bé xềnh xệch lên đình theo đầu thừng trong tay Lý trưởng.

– Bẩm ông lớn, chúng con đả giải tên Dậu và Thị Ðào ra hầu ông lớn!

Dứt lời Lý trưởng, quan Phủ giương đôi mắt trắng rã, nhìn vào mặt anh Dậu:

– Mày định trốn sưu của nhà nước? Thằng kia?

Anh Dậu run như cầy sấy:

– Bẩm lạy quan lớn, tiền sưu con đã nộp rồi.

Quan Phủ quát hỏi Lý trưởng:

– Nó đã nộp rồi, sao mày bảo nó chưa nộp?

Lý trưởng vội kêu:

– Bẩm ông lớn, tên ấy “man” cửa ông lớn, thực quả tên ấy chưa nộp…

Quan Phủ không để cho Lý trưởng hết lời, ngài vặn anh Dậu:

– Mày nộp rồi thì biên lai đâu?

– Bẩm lạy quan lớn, con không lấy giấy biên lai, nhưng khi nộp có cụ Chánh tổng, ông Thủ Quỹ và các ông chức dịch cùng biết…

Quan Phủ nhìn mặt Thủ quỹ và Chánh tổng:

– Các thầy có trông thấy nó nộp sưu cho Lý trưởng không?

Thủ quỹ ngó trộm Lý trưởng rồi thưa:

– Bẩm ông lớn, đêm qua, Thị Ðào có nộp anh Lý chúng con hai đồng bẩy hào tiền chinh, anh Lý chúng con giao cho chúng con đếm lại…

Xen vào câu nói của Thủ quĩ, thằng Dần kéo vạt áo mẹ và giục:

– U đem con về mau lên. Con chả ở đây nữa! Nào!

Quan Phủ trừng mắt và quát Lý trưởng:

– Sao lại cho nó giắt cả con nít lên đấy? Ông thì đập vào mặt mày bây giờ!

Sắc mặt sám như gà cắt tiết, Lý trưởng vội vàng một tay giằng sấp cái Tỉu trên tay chị Dậu, một tay túm đầu thằng Dần, đưa xuống thềm đình, rồi đem tít ra ngoài cổng đình, giao cho đứa lớn ngồi giữ đứa bé.

Hai đứa cùng khóc ngặt nghẽo, thằng Dần nheo nhéo gọi u. Mặc kệ chúng nó ở đấy, Lý trưởng lại quay lên đình.

Quan phủ đương hỏi Thủ quĩ:

– Tiền đếm rồi mày đưa cho ai?

– Bẩm quan lớn, con đưa cho anh Lý chúng con.

Lý trưởng nói đón:

– Số tiền ấy mới là xuất sưu của thằng Hợi.

Quan phủ cau mày:

– Thằng Hợi là tên nào? Sao thằng Dậu lại phải nộp sưu cho nó?

– Bẩm ông lớn, tên Hợi là em ruột anh Dậu. Hắn chết từ đầu tháng giêng… Vì tên Dậu là thân nhân của hắn, cho nên chúng con bắt phải nộp thay.

Quan phủ hỏi gặng:

– Thế làm sao mày lại không đưa biên lai cho nó? Ðịnh thu lạm thuế phải không?

Rồi ngảnh lại nhìn viên thừa phái, quan Phủ nói bằng giọng nghiêm nghị:

– Thầy thảo biên bản, nói rằng nay tôi về đây khám thuế, bắt được Lý trưởng thu thuế của tên Dậu mà không biên nhận cho nó. Rồi bảo Chánh tổng ký vào. Nghe không?

Sau tiếng dạ gọn ghẽ của viên thừa phái, Lý trưởng chắp tay đến cạnh quan Phủ và gãi tai;

– Bẩm ông lớn, chúng con là tôi con ông lớn, xin ông lớn thương… thực quả chúng con tình oan.

Quan phủ càng ra bộ giận dữ;

– Vụ thuế này mày kiếm được của những đứa ngoại canh được mấy trăm đồng… Còn chực thu lạm của thằng cùng đình! Ông thì cách cổ…!

Lý trưởng lại nằn nì nhắc lại câu vừa mới nói:

– Bẩm ông lớn, chúng con là tôi con ông lớn, xin ông lớn thương… thực quả chúng con tình oan.

Quan phủ dịu giọng:

– Mai lên phủ hầu. Nghe không?

Lý trưởng dạ một tiếng dài, rồi khúm núm đi lùi trở ra.

Quan phủ hỏi đến chị Dậu:

– Mày đánh lính và người nhà Lý trưởng để tháo cho chồng mày trốn sưu phải không?

Chị Dậu cất giọng run run:

– Bẩm lạy quan lớn, con không đánh các ông ấy, vì các ông ấy định đánh chồng con, con sợ chồng con đương ốm mà lại phải đòn thì chết, nên con phải can.

Lý trưởng nói sen;

– Bẩm ông lớn, đích thị ấy có đánh người nhà chúng con và anh Cai lệ, mắt con trông thấy.

Quan phủ gạt đi:

– Im cái mồm! Không ai hỏi mày!

Rồi ngài lại dồn chị Dậu:

– Mày can, tức là mày đánh nhau với chúng nó… À! Con này dám chống cự với lính trong khi làm phận sự! Muốn vào tù

Chị Dậu nín lặng, không biết nói sao, Quan phủ cất giọng hách dịch:

– Cho ra ngoài kia!

Thầy Thừa vừa thảo xong tờ biên bản, đệ lên trước mặt quan phủ. Nhìn qua biên bản một lượt, quan phủ bảo Chánh tổng đóng triện và mấy người hương chức ký tên làm chứng. rồi ngài mới kiểm đến thuế.

Trước mặt Chánh tổng và các hương chức, Lý trưởng đổ tráp bạc cho thầy Thừa đếm. Tất cả bạc giấy, bạc hào mới được sáu trăm và ba chục đồng. So với tiền đã biên trong sổ Lý trưởng, thì dội ra đến hai chục đồng.

Quan phủ đập tay xuống bàn và dọa lý trưởng:

– Mày không thu lạm, làm sao tiền thuế lại thừa? Xong vụ thuế này, ông thu bằng triện.

Lý trưởng sợ tái mặt, chỉ núc hau tay như người bắt quyết và nói đi nói lại một câu “xin ông lớn thương”

Quan phủ đổi giọng ngọt ngào:

– Mai lên phủ hầu! Giải cả con vợ thằng Dậu lên nữa. Nghe không?

Rồi ngài chững chạc đứng dậy, đi xuống giọt đình.

Tù và, trống cái và cờ quạt lũ lượt tiễn ngài lên phía đầu làng.

Tắt đèn – Chương XXI

Tan buổi hầu kiện, chị Dậu lật đật chạy xuống cổng đình tìm con. Không thấy đứa nào ở đấy. Chị sợ quá, cuống quít đi hỏi những người gần quanh. Thì ra trong lúc chúng nó bị ông Lý trưởng điệu xuống bỏ đó, một người đàn bà trong làng đi qua trông thấy thương hại, đã bế cái Tỉu cho bú và giắt thằng Dần đưa đến tận nhà chị rồi.

Không kịp đợi chồng, chị vội bon luôn về nhà với con.

Cái Tỉu bú no, nằm ngủ thin thít. Thằng Dần đương bưng bát cháo vừa thổn thức vừa húp soàn soạt.

Chị Dậu bước vào đến thềm, thằng bé chợt ngửng đầu lên. Nó khóc òa lên và hỏi:

– Thầy em đâu rồi, hử u?

Chị Dậu xua tay:

– Nói sẽ chứ! Cho em nó ngủ! Thầy con đương về sau đấy!

Rồi chị rón rén bước vào trong nhà.

Bà lão láng giềng vừa sang:

– Thế nào? Bác không bị bắt lên phủ, lại được tha về đấy ư?

Vừa nói, bà lão vừa nhanh nhảu tiến lên trên thềm và ngồi vào chiếc chõng nát, rồi tiếp;

– Tôi cũng khen cho bác ngỗ nghịch! Ai lại một người đàn bà con mọn, dám đánh hai người đàn ông?

Nếu phải đứa khỏe, chúng nó đánh lại thì làm thế nào?

Cái Tỉu thức giấc và khóc ngằn ngặt. Chị Dậu vừa đón con bé vừa tiếp bà khách:

– Cháu cũng biết rằng đàn bà hành hung như thế là hư thân lắm, chứ không hay gì. Nhưng mà chúng nó đè én chúng cháu tệ quá, cháu đã cố nhịn mà không nhịn được. Cụ tính nhà cháu đau ốm như thế, mà cả hai đứa, cứ xông vào đánh, thì phỏng còn gì là người! Vì thế cháu phải liều với chúng nó.

Bà lão giở gói trầu thuốc đưa cho chị Dậu một miếng;

– Nói vậy thì nói, chứ cái thói tàn ác của quân lính lệ, ai mà chịu nổi? Tôi là người ngoài, nghe chuyện cũng còn tức thay, huống chi bác! Thế công việc bây giờ ra sao?

Chị Dậu đón lấy miếng trầu và đáp:

– Quan bảo cho về, ngày mai lên hầu.

Bà lão lại hỏi:

– Bác trai đi đâu chưa về? Hay lại bị giải lên phủ rồi chăng?

– Không!…

Chị Dậu đương nói giở câu thì ngoài cổng nghe có tiếng rên hầm hừ. Anh Dậu lẩy bẩy tiến vào trước thềm với bộ mặt đỏ gay như người đun bếp.

Chào qua bà lão láng giềng, rồi anh run rẩy chống tay vào gối để bước lên thềm. Chị Dậu vội vàng bỗng con đứng dậy, cầm cánh tay chồng kéo lên.

Bà lão láng giềng ra ý ái ngại:

– Khốn nạn! Bác lại lên cơn sốt rét đấy ư?

Anh Dậu lò dò đi vào trong phản, ngả mình xuống cạnh thằng Dần, vừa thở vừa nói:

– Vâng! từ nãy đến giờ, cháu thấy trong mình gây gấy, hình như nó lại sắp sửa lên cơn rồi đấy Thằng Dần ăn cháo đã xong. Nó mang đũa bát ra sân bỏ vào nồi nước vo gạo. Chị Dậu đưa cái Tỉu cho bà lão láng giềng:

– Cháu hãy gửi cụ một lát!

Rồi chị bưng mâm cháo đặt lên bàn thờ ông công, và ngồi vào cạnh anh Dậu:

– Thầy em có dức đầu không? Ðể tôi nặn cho cái nào!

Anh Dậu xua tay và rên khừ khừ:

– Thôi, tôi mệt lắm. Ðể tôi nằm nghỉ một lát. U nó ra mà ẵm con, để cụ…

Bà lão láng giềng vội đón:

– Ðược! Hôm nay tôi cũng thong thả. Cứ để tôi ôm cháu cho. Bác gái có đi làm gì cứ đi!

Chị Dậu sẽ sàng đứng dậy:

– Thế thì cháu hãy quấy cụ lúc nữa.

Vừa nói, chị vừa chạy ra cuốn chiếc chiếu rách cái Tỉu đái ỉa hôm qua, đem ra ao giặt.

Anh Dậu vừa rên vừa tiếp bà lão;

– Cháu không ngờ những thằng lính lệ nó ác đến thế. Sáng ngày nếu không có nhà cháu cự lại với nó, có lẽ nó sẽ đánh cháu đến chết.

Bà lão nhổ bãi cốt trầu xuống thềm:

– Thôi! Còn phải kể! Bạc thì dân, bất nhân thì lính. Tục ngữ nói có sai đâu. Ấy là nhà bác không có gì nữa. Chứ nếu trong nhà còn có con gà, con chó, chúng nó cũng đập chết mà ăn với nhau, không tha cho đâu. Bây giờ những đứa ấy còn ở đây hay là đi rồi?

– Hình như nó đã theo quan về phủ thì phải

– Bác gái đã chạy được nốt số tiền sưu chưa?

– Thưa cụ chưa. Từ sáng hôm qua đến giờ, nó những lật đật về cháu, chạy vào đâu được! Khốn nạn!

Cái thân đàn bà như nó, thật là khổ sở đủ đường.

Rồi anh dấp dính nước mắt.

Bà lão thỏ thẻ yên ủi:

– Thấy tình cảnh nhà bác, tôi thật ái ngại. Nhưng thôi, sông có khúc, người có lúc, mình cứ ăn ở hiền lành, rồi cũng có ngày trời mở cửa cho!

Bóng nắng vừa đến giọt nhà. Chị Dậu ở ngoài ao về với chiếc chiếu ướt và một nắm lá.

Sau khi đã vắt chiếc chiếu lên cõi rào, chị đem nắm lá thả trong một chậu nước lạnh rồi đặt vào

gậm bàn thờ

Bà lão hỏi:

– Lá dành, lá ruối phải không?

Chị Dậu nhanh nhảu:

– Phải. Cháu thấy người ta mách rằng: Những người sốt rét, cứ lấy hai thứ ấy vò ra, phơi sương mà uống, bệnh nặng đến đâu cũng khỏi. Vậy cháu thử làm cho nhà cháu uống xem sao.

Bà lão ra ý vui vẻ:

– Ừ! Tôi cũng thấy nói lá dành lá ruối chữa bệnh sốt rét hay lắm. Thế mà tôi cứ khuấy quên, vẫn không nhắc bác.

Rồi nhả miếng bã trầu trong miệng và ném xuống sân, bà lão hỏi tiếp:

– Từ sáng đến giờ, các bác đã ăn gì chưa?

Chị Dậu đến cạnh bà lão để đón cái Tỉu và đáp:

– Nào đã ăn vào lúc nào hở cụ? Sáng ngày nhà cháu vừa bưng bát chái đến miệng, thì họ kéo vào….

– Thế thì để tôi hãy ẵm cháu cho. Bác đi lấy cháo cho bác trai ăn, kẻo nữa bác ấy đói quá.

Anh Dậu ngắt lời:

– Cháu đắng miệng lắm, không muốn ăn uống gì cả

Bà lão cố bầu:

– Phải cố ăn đi mới được, bác ạ! Chẳng ăn nhiều thì ăn ít. Chứ cứ nhịn mãi thì sức yếu đi, bệnh càng nặng thêm. Và lại, ăn cháo cũng không độc đâu mà sợ.

Chị Dậu nói theo:

– Cụ bảo phải đấy! Thầy em cố ăn vài miếng cho đỡ xót ruột. Kẻo nữa, đã ốm lại đói thì chịu làm sao!

Rồi chị bưng một bát cháo đến cạnh chồng và nằn nì:

– Nào, thầy em gượng dậy ăn đi, cho tôi bằng lòng.

Anh Dậu như nể lời vợ, uể oải ngồi dậy, anh đón bát cháo, nhắm mắt nhám mùi, cố húp gần hết nửa bát, rồi kêu đắng lắm không nuốt được nữa.

Bà lão lại khuyên chị Dậu:

– Bác gái cũng phải ăn đi, để lấy sửa cho cháu nó bú. Mình đà vậy, còn con. Ðàn bà con mọn cần nhất phải ăn cho đủ thì mới có sữa. Nếu không đủ, thì con hay sài.

Anh Dậu cũng dề đà giục vợ:

– Cháo sắp vữa cả rồi đấy. U nó ăn cho hết đi. Rồi đi chạy cố mấy đồng nữa.

Chị Dậu nhắc mâm cháo xuống phản. Bớt lại một bát, chừng muốn để dành cho thằng Dần, rồi chị vừa húp chập cuội vừa ứa nước mắt:

– Ngày nay nhờ cụ cho vay, còn có cái ắn, ngày mai thì trông vào đâu?

Bà lão láng giềng ra vẻ cảm động:

– Trời sinh voi, trời sinh cỏ, sợ gì! Bên kia còn nửa nồi gạo nữa, tôi chưa ăn đến. Lát nữa bác đem thúng sang, tôi hãy cho vay. Khi nào bác trai khỏe mạnh trả tôi cũng được.

Ngoài cổng có tiếng hiệu rúc. Ðàn chó hàng xóm thi nhau sủa từ phía ngoài sủa vào. Lý trưởng với cây gậy song và hai người tuần hùng hổ xông đến trước nhà. Chỉ gậy vào mặt anh Dậu, hắn quát:

– Sưu đâu? Thằng kia? Ðem nộp nốt đi!

Bà lão láng giềng nhanh miệng khất hộ:

– Bác ấy vừa ở đình về, làm gì đã có? Ông hãy làm ơn để cho người ta đến mai.

Lý trưởng mắng như tát nước:

– Không việc gì đến bà! Mà chõ mồm vào đấy. Nó không có, thò tôi dỡ nhà nó đi cho mà xem.

Rồi hắn chỉ gậy vào mặt chị Dậu;

– Chỉ vì vợ chồng nhà mày để quan hành ông… Ông hạn cho mày từ giờ đến tối nếu không chạy đủ hai đồng bẩy nữa, thì mày sẽ biết tay ông!