Để làm thân với chuột, mèo kể lể tâm tình, bày tỏ nguyện vọng tha thiết của mình, làm chuột nghe cũng bùi tai nên đồng ý ăn chung, ở chung với mèo.
Mèo nói:
– Ta phải có thức ăn dự trữ cho mùa đông, không sẽ bị đói. Chú là chuột nên đừng liều lĩnh chạy khắp mọi nơi kẻo rồi lại mắc bẫy của tôi.
Lời khuyên tốt đó được thực hiện. Chúng mua một niêu mỡ, nhưng không biết nên cất niêu mỡ ấy ở đâu. Sau hồi lâu suy nghĩ, cuối cùng mèo nói:
– Anh thấy chẳng còn có nơi nào cất tốt hơn ở nhà thờ, vì ở đấy không một ai dám lấy cái gì đi cả. Chúng ta đem cất niêu mỡ dưới gầm nhà thờ, chúng ta chỉ rờ đến nó khi nào chúng ta cần đến mỡ.
Niêu mỡ được cất giấu cẩn thận, nhưng chẳng bao lâu sau mèo ta lên cơn thèm mỡ, mèo nói với chuột:
– Chú chuột ạ, anh muốn nói với chú điều này, anh có người chị họ mời đến làm bố đỡ đầu cho cháu. Chú ấy mới sinh đứa con trai, lông trắng đốm nâu, anh phải làm lễ đỡ đầu. Hôm nay anh đi vắng, chú ở nhà trông nom nhà cửa một mình nhé.
Chuột đáp:
– Vâng, vâng, anh cứ đi. Nếu anh có ăn ngon thì cũng nhớ lấy phần cho em nhé!
Nhưng tất cả những điều mèo nói đâu có thật, mèo chẳng có chị em họ nào cả, mà chúng chẳng có ai mời mèo đến làm bố đỡ đầu. Mèo ta đến thẳng nhà thờ, rón rén tới bên niêu mỡ, rồi bắt đầu liếm, và liếm hết lần váng mỡ phủ trên. Ăn no nê xong mèo đi dạo chơi trên các mái nhà thành phố. Ngắm cảnh, ngắm người chán mèo soãi chân nằm ườn ra sưởi nắng, và mỗi lần nhớ tới niêu mỡ mèo lại vuốt râu, chùi mép. Sẩm tối, mèo mới đi về nhà.
Chuột nói:
– Thế nào, anh đã về đấy à, chắc cả ngày hôm nay anh sống nhởn nhơ vui vẻ lắm?
Mèo đáp:
– Mọi chuyện đều vui vẻ cả.
Chuột hỏi tiếp:
– Đứa trẻ được đặt tên là gì?
Mèo thản nhiên đáp:
– “Liếm sạch phần da.”
Chuột reo lên:
– “Liếm sạch phần da,” sao lại có cái tên hiếm có và nghe lạ tai thật. Trong họ anh có hay đặt cái tên ấy không?
Mèo nói:
– Hỏi làm gì mà hỏi lắm thế, tên ấy cũng có gì là xấu hơn tên “Ăn cắp vặt,” cái tên bố đỡ đầu của chú.
Ít lâu sau mèo lại nổi cơn thèm, mèo nói với chuột:
– Chú làm ơn giúp anh nhé, nhờ chú trông nom nhà cửa một mình một lần nữa. Anh lại được mời làm bố đỡ đầu lần thứ hai. Đứa trẻ có vòng lông trắng quanh cổ nom kháu quá nên anh không tiện từ chối.
Chuột tốt bụng nhận lời. Mèo lại lén men theo bức tường thành để đến nhà thớ và ăn ngấu nghiến luôn một lúc nửa niêu mỡ. Nó tự nhủ: “Thật không có gì ngon lành hơn là được ăn một mình” và khoái chí với việc làm ngày hôm đó.
Khi mèo về tới nhà, chuột hỏi:
– Đứa trẻ ấy được đặt tên là gì hở anh?
Mèo đáp:
– “Hết nhẵn một nửa.”
– “Hết nhẵn một nửa.” Điều anh nói nghe kỳ lạ thật! Từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ em chưa nghe thấy cái tên ấy bao giờ. Em cuộc với anh là cái tên ấy không có trong lịch sử.
Chẳng bao lâu sau mồm mèo lại nhớ tới món ăn tráng miệng. Mèo nói với chuột:
– Quá tam ba bận. Giờ anh lại phải đứng ra làm bố đỡ đầu. Đứa trẻ toàn thân đen tuyền, chỉ có lông chân là trắng, không có một sợi lông trắng nào trên người. Thật bao nhiêu năm mới lại có một lần sinh con như thế. Chú để anh đi nhé!
Chuột đáp:
– “Liếm sạch phần da,” – “Hết nhẵn một nửa,” toàn những tên nghe kỳ khôi làm sao, những tên ấy cứ làm em suy nghĩ mãi đấy.
Mèo nói:
– Chú cứ ru rú ở xó nhà với chiếc váy lông màu xám thẫm và chiếc đuôi lông lá dài mà nghĩ lẩn thẩn. Sở dĩ như thế là tại chú không chịu đi ra ngoài vào ban ngày cho biết nắng gió.
Trong khi mèo vắng nhà, chuột dọn dẹp nhà cửa lại cho ngăn nắp, còn mèo vốn háu ăn chén sạch nhẵn niêu mỡ. Nó nghĩ bụng: “Chỉ khi nào hết nhẵn thì mới yên tâm.” Mãi tới khuya, bụng no căng tròn, mèo mới về đến nhà. Chuột liền hỏi ngay tên đứa trẻ được rửa tội là gì. Mèo đáp:
– Chắc cái tên ấy chẳng làm vừa lòng chú. Tên nó là “Hết sạch.”
Chuột kêu:
– “Hết sạch,” thật là một cái tên đáng nghi ngờ lắm. Em chưa từng đọc thấy cái tên ấy bao giờ. “Hết sạch!.” Thế là nghĩa lý gì nhỉ?
Chẳng nói chẳng rằng, mèo chỉ lắc đầu, nằm cuộn tròn người lại và đánh một giấc.
Từ đó trở đi chẳng thấy ai tới mời mèo làm bố đỡ đầu nữa. Rồi mùa đông đến, lúc đi ra ngoài không kiếm được gì ăn nữa, chuột mới nghĩ đến kho thức ăn dự trữ và nói với mèo:
– Anh mèo ơi, ta tới chỗ để niêu mỡ đi, cái niêu mỡ mà ta để dành hồi nọ ấy, chắc giờ ngon miệng lắm đấy.
Mèo đáp:
– Được quá đi chứ. Hẳn là chú thấy niêu mỡ ngon lắm, ngon như thỏ dài lưỡi ra ngoài cửa sổ mà liếm không khí.
Cả hai cùng đi. Khi tới nơi, thực ra niêu hãy còn nguyên chỗ cũ, nhưng chỉ là niêu không.
Chuột nói:
– Thì ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hôm nay mới biết anh quả thật là người bạn tốt của tôi. Anh ăn cho kỳ hết. Anh làm bố đỡ đầu như thế đấy: Trước tiên “Liếm sạch phần da,” rồi sau “Hết nhẵn một nửa,” rồi…
Mèo hét lớn:
– Mày có câm họng ngay không! Chỉ cần nói thêm một tiếng nữa là tao ăn thịt mày không còn lấy miếng da bây giờ.
Tội nghiệp con chuột không tìm được tiếng cuối cùng:
– “Hết sạch!.”
Tiếng ấy vừa buông khỏi miệng chuột thì mèo đã nhảy tới, vồ ngay lấy chuột và nuốt chửng.
Tác giả: admin
3. Con đức bà Maria
Xưa có vợ chồng người tiều phu sống trong một khu rừng lớn, họ chỉ có mỗi một người con gái lên ba tuổi. Họ nghèo lắm, nghèo đến nỗi bánh ăn hàng ngày cũng không có, không biết lấy gì để nuôi con.
Một buổi sáng kia, người tiều phu vào rừng đốn củi, đương đốn cây, bác bỗng thấy một người đàn bà béo đẹp đứng trước mặt mình, người đàn bà ấy đầu đội vương miện có những ngôi sao lấp lánh, bà nói:
– Ta là Đức bà Maria, mẹ Đức Chúa Giêsu. Ngươi nghèo khó, túng thiếu. Hãy đưa đứa con của ngươi để ta nuôi nó, ta sẽ chăm sóc nó như mẹ với con.
Người tiều phu vâng theo, đưa con cho Đức bà Maria mang theo lên trời. Đứa bé ở trên đó sung sướng lắm, được ăn bánh bích qui, uống sữa, quần áo thêu bằng sợi vàng ròng óng ánh, được vui chơi cùng với các thiên thần.
Lúc đứa trẻ vừa tròn mười bốn tuổi, Đức bà Maria cho gọi đến và nói:
– Con yêu dấu, mẹ phải đi xa. Giờ mẹ giao cho con chìa khóa của mười ba cửa ở trên thượng giới này. Con chỉ được phép mở mười hai cửa để ngắm nghía những vật kỳ diệu. Nhưng cửa thứ mười ba – đây chính chiếc chìa khóa nhỏ này – cấm con không được mở. Con chớ có mở mà nguy khốn.
Cô bé hứa vâng theo lời dặn. Sai khi Đức bà Maria đi, cứ mỗi ngày cô bé lại mở một cửa buồng để vào xem, ngồi trong phòng là một vị giáo đồ hào quang chói tỏa ra xung quanh, cô cũng như các thiên thần cùng đi xem đều hết sức vui mừng khi được thấy mười hai căn phòng trang hoàng lộng lẫy, tráng lệ. Lòng hiếu kỳ thôi thúc cô bé. Cô nói:
– Tôi không định mở chiếc cửa thứ mười ba để bước vào trong ngắm nghía, nhưng tôi muốn hé mở để chúng ta ngó xem thôi.
Các thiên thần can:
– Ấy chớ có hé mở. Thế là có tội với Đức bà Maria đấy, đừng có làm mà khốn.
Cô bé nín lặng, nhưng tính tò mò làm cho cô lòng bứt rứt không yên, lúc các thiên thần đi khuất, cô nảy ra ý nghĩ:
– Giờ còn mình ta, ta có ngó nhòm vào thì đâu có ai hay biết.
Cô lục tìm và lấy chìa khóa tra vào ổ và quay, cửa bật mở toang, cô thấy Đức Chúa Trời ngồi giữa hào quang rực lửa, cô đứng ngẩn người ra ngắm nghía, tò mò cô đưa ngón tay với ra vào chỗ vòng hào quang, ngón tay cô lập tức vàng óng như mạ. Hoảng sợ, cô dập ngay cửa lại và co cẳng chạy mất. Cơn hoảng hốt ấy làm cho tim cô cứ đập thình thịch. Đã thế, lau rửa kỳ cọ bao nhiêu màu vàng ở ngón tay vẫn không hết.
Ít lâu sau Đức bà Maria về, cho gọi cô tới nộp chùm chìa khóa, bà nhìn thẳng mặt cô bé dò hỏi:
– Con có mở chiếc cửa thứ mười ba không đấy?
– Không ạ.
Đức bà Maria đưa tay lên ngực cô bé, thấy tim cô đập dồn dập, bà biết ngay cô đã không nghe lời, đã tự ý mở cửa đó ra.
Đức bà Maria lại hỏi:
– Có chắc chắn là con không mở cửa không?
Lại một lần nữa cô bé thưa:
– Thưa không ạ.
Nhìn ngón tay vàng óng của cô bé, Đức bà Maria biết ngay là cô đã đưa tay ra sờ phải hào quang. Người biết ngay là cô bé phạm lỗi, nhưng người vẫn hỏi lại lần thứ ba:
– Con có mở cửa đó không?
Lần thứ ba này, cô bé vẫn đáp:
– Thưa không ạ.
Lúc đó Đức bà Maria nói:
– Con không nghe lời ta, đã thế con còn nói dối, con không xứng đáng được ở thượng giới nữa.
Bỗng cô gái thiếp đi, khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm trong rừng sâu. Cô muốn mở mồm kêu la nhưng không sao nói lên lời. Cô chồm dậy tính chạy khỏi nơi đây, nhưng chạy hướng nào cũng bị mắc lại bởi những bụi gai, cô không sao ra khỏi nơi ấy.
Ở giữa nơi hoang vắng này lại có một cây cổ thụ, đúng rồi gốc cây rỗng có thể là chỗ trí ẩn tốt, cô nghĩ vậy và cố bò tới gốc cây khi bóng đêm buông xuống. Cô ngủ ngon lành trong hốc cây mà chẳng sợ gió bão, mưa rơi. Nhưng cuộc sống nơi đây gian khổ quá, nhìn ngắm bầu trời, nơi các thiên thần đang vui chơi, bỗng cô òa lên khóc. Thức ăn của cô chỉ toàn rễ, củ và dâu rừng. Mùa thu tới, cô gắng thu gom hạt dẻ và lá cây, rồi đem về hang của mình trong gốc cây. Thức ăn của cô trong mùa đông là số hạt dẻ thu gom được. Những lúc tuyết rơi, trời lạnh giá, cô rúc vào trong đống lá cho đỡ lạnh như những thú rừng khốn khó khác. Rồi quần áo cô rách tả tơi từng mảnh. Khi ánh nắng mùa hè chói chang chiếu xuống, cô ra ngồi sưởi nắng, tóc xõa che người như chiếc áo khoác lên thân cô.
Cô sống trong cảnh hoang vu, khốn khổ thiếu thốn hết năm này sang năm khác.
Lần ấy, khi mùa xuân tới, cây đâm chồi xanh khắp khu rừng, vua đi săn nai, con nai chạy ngay vào trong bụi cây, vừa xuống ngựa và dùng gươm chém phạt bụi gai để mở đường. Khi vào tới nơi, nhà vua nhìn thấy một cô gái đẹp tuyệt trần đang ngồi dưới gốc cây, tóc vàng xõa phủ khắp người tới chân. Nhà vua ngạc nhiên trước cảnh tượng ấy, đứng ngắm nhìn, rồi vua cất tiếng hỏi:
– Cô là ai? Mà tại sao lại ngồi ở nơi hoang vắng như thế?
Cô không sao động đậy được môi để trả lời. Nhà vua lại hỏi:
– Cô có cùng đi với tôi về hoàng cung không?
Cô khẽ gật đầu đồng ý. Nhà vua bế cô đặt lên ngựa, đưa cô về. Về tới hoàng cung, nhà vua đưa cho cô nhiều quần áo đẹp và đủ mọi thứ trang sức.
Tuy cô câm lặng, nhưng cô đẹp và dễ thương đến mức nhà vua yêu thương cô vô cùng và sau đó hôn lễ được tổ chức. Năm sau, hoàng hậu sinh được một hoàng tử. Ngay trong đêm ấy, khi hoàng hậu đang nằm một mình trên giường thì Đức bà Maria xuất hiện và nói:
– Nếu con nói ra sự thật và thú nhận, chính con là người mở cánh cửa cấm thì ta sẽ mở mồm cho con và trả lại con giọng nói khi xưa. Nếu con cứ ngoan cố trong tội lỗi thì ta sẽ mang theo đứa bé mới đẻ này.
Hoàng hậu chỉ ú ớ nói:
– Con không mở cửa cấm.
Đức bà Maria ẳm đứa trẻ đi mất.
Sáng hôm sau, không ai thấy đứa trẻ mới sinh, mọi người thì thầm, hoàng hậu ăn thịt người và hình như ăn chính con mình.
Hoàng hậu nghe rõ những lời đồn đại của thiên hạ nhưng không sao mở mồm ra được để thanh minh cho mình. Nhà vua rất yêu thương hoàng hậu, nên cũng không tin những lời đồn đại kia.
Năm sau, hoàng hậu lại sinh ra một cậu con trai. Ngay trong đêm ấy, Đức bà Maria lại xuất hiện và nói:
– Nếu con thú nhận rằng chính con đã mở cửa cấm thì ta trả lại con và giải thoát cho cái lưỡi của con. Nếu con cứ ngoan cố trong tội lỗi thì ta sẽ mang theo đi đứa trẻ mới đẻ này.
Hoàng hậu lại ú ớ nói:
– Không, con không mở cửa cấm.
Đức bà Maria ẵm đứa trẻ lên và mang theo lên trời.
Sáng sớm hôm sau, khi đứa trẻ đã biến mất, mọi người đồn ầm lên, rằng hoàng hậu đã nuốt tươi con mình. Cả triều đình quyết nghị đòi phải hành quyết ngay hoàng hậu. Nhà vua yêu quí hoàng hậu nên ra lệnh, trong triều không ai được nhắc tới chuyện ấy nữa.
Năm sau, hoàng hậu sinh ra một con gái, lần thứ ba Đức bà Maria lại xuất hiện trong đêm khuya và nói:
– Hãy đi theo ta!
Bà nắm tay hoàng hậu và dẫn lên thiên đường, và chỉ nơi hai đứa con trai của hoàng hậu đang vui chơi bên quả cầu. Hoàng hậu rất lấy làm vui mừng, lúc đó Đức bà Maria nói:
– Giờ lòng con đã thanh thản chưa? Nếu con thú nhận mình đã mở cửa cấm, ta sẽ trao lại hai đứa con trai khi xưa.
Lần thứ ba hoàng hậu lại nói:
– Không, con không mở cửa cấm.
Đức bà để hoàng hậu ở lại trần gian một mình và giữ đứa con gái mới đẻ lại.
Sáng sớm hôm sau, khi mọi người hay tin, họ đồng thanh nói lớn:
– Hoàng hậu ăn thịt người nên phải được đưa ra xét xử!
Nhà vua không biết ăn nói thế nào nữa. Phiên tòa xét xử hoàng hậu mở, vì không mở mồm thanh minh cho mình được nên hoàng hậu bị tuyên án chết hỏa thiêu.
Lửa bắt đầu cháy, hoàng hậu bị trói chặt vào cột, khi lửa bén dần sang chung quanh, hoàng hậu lúc ấy mới hối hận và nghĩ, chỉ có trước khi chết mình mới thú nhận rằng mình đã mở cửa cấm. Bỗng hoàng hậu nói lớn:
– Thưa Đức bà Maria, chính con đã mở cửa cấm.
Trời bỗng nhiên đổ mưa rào như trút nước và dập tắt lửa, rồi Đức bà Maria cùng với hai bé trai – tay bà ẵm bé gái – xuất hiện ngay trên đầu hoàng hậu. Đức bà vui vẻ nói:
– Ai biết hối hận về lỗi của mình và thú nhận, người đó sẽ được tha thứ.
Đức bà trao cho hoàng hậu ba đứa con, trả lại cho cả giọng nói và ban phước lành cho hoàng hậu.
4. Chu du thiên hạ để học rùng mình
Một người cha có hai người con trai. Người con trai cả thông minh, khôn ngoan luôn tìm cách giải quyết tốt nhất mọi việc. Ngược lại, người em thì ngu dốt, không hiểu biết gì cả, học thì không vào. Ai thấy cũng phải kêu:
– Thằng ấy chính là gánh nặng của cha nó.
Mỗi khi có việc làm – dù sớm hay tối – thì người anh cả đều phải nhúng tay vào. Nhưng anh lại có tính nhát. Vào buổi tối hay đêm khuya, hễ cha có sai đi làm việc gì mà phải qua bãi tha ma hay nơi nào hoang vắng là anh tìm cách chối từ:
– Trời, con chịu thôi, cha ạ. Con không dám đi đâu. Con sợ rùng cả mình.
Tối tối, mọi người thường ngồi quây quần bên lửa kể cho nhau nghe những chuyện sởn gai ốc, thỉnh thoảng lại có người nói:
– Trời, nghe mà rùng cả mình!
Người em ngồi trong xó nhà nghe chuyện nhưng chẳng hiểu gì cả, nghĩ bụng:
– Họ cứ nói mãi: Rùng cả mình! Rùng cả mình! Mà mình thì chẳng thấy rùng mình gì cả. Hẳn đó là một thuận ngữ mà mình không biết tí gì.
Rồi một lần người cha bảo con út:
– Này, cái thằng ngồi trong xó nhà kia! Giờ mày đã lớn, lại khỏe mạnh, mày phải đi học lấy một nghề mà kiếm ăn. Trông anh mày đấy, nó chịu khó như thế mà mày thì chỉ tốn cơm, chả được việc gì.
Anh ta đáp:
– Chà, cha ơi, con cũng định học lấy một một gì đó. Con không biết rùng mình, nếu được, xin cha cho con học nghề ấy.
Người anh cả nghe thấy em nói thế thì cười và nghĩ thầm:
– Trời, lạy chúa tôi! Ngu ngốc như thằng em trai tôi thì suốt đời chẳng làm nên trò trống gì! Thép làm lưỡi câu phải là loại thép tốt mới uốn cong được.
Người cha thở dài và bảo con út:
– Học rùng mình thì chắc mày có thể học được. Nhưng nghề ấy thì kiếm ăn làm sao?
Sau đó ít lâu người coi nhà thờ đến chơi. Nhân đó, người cha than phiền với khách về nỗi khổ tâm của mình và kể cho khách nghe về sự vụng về, ngu dốt của thằng con trai út. Ông nói:
– Đấy, ông xem, tôi hỏi nó muốn học nghề gì thì nó cứ khăng khăng đòi học rùng mình.
Ông khách đáp:
– Nếu chỉ học có thế thôi thì tôi có thể dạy cho nó được. Ông cho nó lại đằng tôi, tôi sẽ gột rửa cho nó bớt ngu đi.
Người cha rất mừng, nghĩ bụng: Thằng nhỏ chắc sẽ được dạy dỗ cẩn thận để bớt ngu đi.
Thế là anh con trai út đến nhà người coi nhà thờ. Công việc của anh ta là kéo chuông. Mới được vài ngày, một hôm vào đúng giữa đêm thầy đánh thức trò dậy, sai lên gác kéo chuông. Thầy nghĩ bụng:
– Rồi mày sẽ được học thế nào là rùng mình.
Ông thầy lén lên gác chuông trước. Khi anh trò ngốc lên đến nơi, quay người lại, sắp cầm lấy dây chuông thì thấy một cái bóng trắng đứng đối diện mình ở bên kia tháp chuông. Anh ta quát lên:
– Ai đó!
Nhưng cái bóng cứ đứng im, không đáp mà cũng không nhúc nhích.
Anh ta lại quát:
– Muốn sống nói mau, không thì bước ngay! Đêm khuya có việc gì mà đến đây?
Nhưng người coi nhà thờ vẫn không hề động đậy để anh ngốc tưởng là ma. Anh ngốc lại thét lên lần nữa:
– Mày muốn tính gì ở đây? Nếu mày là người ngay thì hãy lên tiếng, nhược bằng không thì tao quẳng mày xuống chân cầu thang bây giờ!
Người coi nhà thờ nghĩ bụng:
– Chắc nó chẳng dám đâu.
Nghĩ vậy bác không lên tiếng mà cứ đứng sừng sững như tượng đá. Hỏi tới lần thứ ba cũng không thấy trả lời, anh ngốc lấy đà, đẩy “con ma” xuống chân cầu thang. “Ma” lăn từ bậc thang thứ mười xuống đất, nằm sóng sượt ở một xó. Anh ngốc điềm tĩnh kéo chuông. Kéo xong, anh đi thẳng về nhà, lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng lên giường nằm ngủ.
Vợ người coi nhà thờ chờ mãi vẫn không thấy chồng về, đâm ra lo, lại đánh thức anh ngốc dậy hỏi:
– Mày có biết ông nhà tao ở đâu không? Ông lên gác chuông trước mày đấy mà!
Anh ta đáp:
– Thưa bà không ạ. Nhưng ở bên kia cửa tháp chuông đối diện với cầu thang thấp thoáng bóng người, con hỏi mãi cũng không đáp, đuổi cũng không chịu đi, con cho là đồ ăn trộm liền đẩy xuống cầu thang. Bà ra đó xem có phải ông nhà không? Nếu thật đúng vậy thì con rất ân hận.
Người vợ chạy vội ra tháp chuông thì thấy đúng chồng mình nằm trong xó, bị gãy một chân đang rên rỉ. Bà cõng chồng về rồi đến thẳng nhà cha chàng ngốc, la lối om xòm lên:
– Con ông gây tai vạ, nó đã đẩy ông nhà tôi xuống chân cầu thang, làm ông nó bị gãy một chân. Xin ông rước ngay đồ ăn hại ấy khỏi nhà tôi.
Người cha choáng người, chạy ngay đến, mắng con một trận nên thân, rồi bảo:
– Sao mày lại nghịch quái ác thế? Quỷ ám mày hay sao?
Con đáp:
– Thưa cha, cha nghe con kể đã. Quả thật con oan: giữa đêm khuya thanh vắng, ông ấy lại đứng ở đó như một người đang tính chuyện gì đen tối vậy. Con không biết người đứng đó là ai. Mà con đã quát hỏi ba lần là hãy lên tiếng đáp, nếu không thì đi nơi khác.
Người cha hỏi:
– Trời, mày chỉ làm khổ tao. Bước ngay khỏi nhà cho khuất mắt, tao không muốn nhìn mặt mày nữa.
– Dạ, con xin vâng lời cha. Nhưng cha hãy để trời sáng đã. Lúc đó, con sẽ đi học thuật rùng mình để tự nuôi thân.
– Mày muốn học nghề gì tùy ý mày. Đối với tao, nghề gì cũng vậy thôi. Đây, cầm lấy năm mươi đồng tiền làm lộ phí để đi chu du thiên hạ. Mày nhớ là không được nói cho ai biết quê mày ở đâu, cha mày tên là gì, tao đến xấu hổ vì mày.
– Dạ, thưa cha, cha muốn sao con xin làm vậy. Nếu cha chỉ dặn có thế thì con có thể nhớ được.
Khi trời hửng sáng, anh đút năm mươi đồng tiền vào túi, rồi bước ra đường cái, vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Ước gì ta biết rùng mình! Ước gì ta biết rùng mình!
Một người đánh xe đi từ từ phía sau tới, nghe thấy vậy liền hỏi:
– Tên mày là gì?
Anh ta trả lời:
– Tôi không biết.
Người đánh xe hỏi tiếp:
– Quê mày ở đâu?
– Tôi không biết!
– Thế cha mày tên là gì?
– Tôi không được phép nói điều đó.
– Thế mày luôn mồm lẩm bẩm cái gì thế?
Anh đáp:
– Ấy, tôi muốn học rùng mình, nhưng chẳng ai dạy cho tôi nghề ấy.
Người đánh xe nói:
– Thôi đừng nói lẩn thẩn nữa. Nào, hãy đi theo tao, tao tìm chỗ cho mà ngủ.
Hai người cùng đi. Đến tối thì họ tới được một quán trọ và định ngủ qua đêm ở đó. Vừa mới bước vào quán trọ, chàng ngốc đã nói bô bô lên:
– Ước gì ta biết rùng mình! Ước gì ta biết rùng mình!
Nghe thấy vậy, chủ quán phải bật cười bảo:
– Mày khoái cái đó lắm phỏng! Mày đến đây thật đúng lúc.
Vợ chủ quán ngắt lời chồng:
– Chà, mặc người ta! Lắm cu cậu ngổ ngáo dính mũi vào chuyện của người khác cũng đã toi mạng. Thật là buồn phiền và đáng tiếc nếu đôi mắt sáng kia không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa.
Nhưng chàng trai trẻ kia nói:
– Dù nghề đó có khó đến đâu chăng nữa tôi cũng muốn học cho biết. Tôi cất công ra đi cũng chỉ vì thế.
Anh ta quấy rầy mãi làm chủ quán phải kể cho nghe rằng gần đây có một lâu đài có ma, ai thức ba đêm liền ở đó khắc sẽ biết thế nào là rùng mình. Vua có một người con gái đẹp tuyệt trần. Người hứa ai cả gan làm việc ấy sẽ gả công chúa cho. Trong lâu đài có rất nhiều vàng bạc châu báu do ma quỷ canh giữ, của báu ấy mà về tay ai thì người ấy tha hồ mà giàu. Đã có nhiều người vào nhưng không thấy một ai trở ra.
Liền sáng hôm sau, chàng trai xin vào yết kiến vua, anh tâu:
– Nếu bệ hạ cho phép, tôi xin thức ba đêm liền ở lâu đài có ma ấy.
Vua ngắm anh ta hồi lâu, thấy anh ta cũng dễ thương, vua bảo:
– Ngươi được phép mang theo vào trong lâu đài ba đồ vật chứ không được mang một sinh vật nào.
Anh nói:
– Nếu vậy, tôi xin cái gì để đốt lò sưởi, một bàn thợ tiện và một ghế thợ chạm có dao.
Ban ngày, vua sai người mang những thứ đó vào trong lâu đài. Khi trời đã tối, chàng trai bước vào. Anh đốt một đống lửa to ở trong một gian phòng, đặt dao và ghế thợ chạm sang một bên, rồi ngồi lên bàn thợ tiện. Anh nói:
– Chà, ước gì ta biết rùng mình! Nhưng rồi ở đây cũng đến công toi thôi.
Chừng nửa đêm, anh định thổi cho lửa lại bùng lên, nhưng khi anh vừa mới thổi lửa thì bỗng có tiếng vọng ra từ một góc phòng.
– Meo! Meo! Bọn mình rét cóng cả người.
Anh nói:
– Chúng bay là đồ ngu, kêu ca cái gì nào? Có rét thì ngồi bên lửa mà sưởi cho ấm.
Anh vừa nói dứt lời, thì có hai con mèo đen to tướng nhảy phịch một cái đến chỗ anh. Chúng ngồi chồm chỗm hai bên anh, quắc mắt bừng như lửa, nhìn anh chằm chằm một cách dữ tợn. Lát sau, khi đã nóng người, chúng bảo anh:
– Này anh bạn, chúng ta thử đánh bài chơi chút nhé!
Anh đáp:
– Sao lại không chơi nhỉ? Nhưng hãy giơ bàn chân cho tớ xem cái đã!
Hai con mèo liền giơ bàn chân cùng móng vuốt ra. Anh nói:
– Chao ôi, móng các cậu sao dài vậy? Hẵng gượm, để tớ cắt bớt đi cho nhé.
Thế là anh tóm ngay cổ chúng, nhấc chúng đặt vào ghế thợ chạm, kẹp chặt chân chúng lại, rồi nói:
– Nhìn móng chân các cậu là tớ mất hứng chơi bài.
Anh đập chúng chết, rồi quẳng xác xuống hồ. Anh vừa mới thanh toán hai con ấy xong, sắp quay về ngồi bên lửa thì lại thấy rất nhiều mèo đen, chó mực đeo xích sắt nung đỏ từ bốn bề xông tới. Chúng kéo ra mỗi lúc một đông, anh không biết đứng chỗ nào. Chúng kêu gào nghe khủng khiếp, xông vào đống lửa, cào đống lửa ra, chực dập cho tắt. Anh để mặc chúng làm một lúc, khi thấy bực mình quá, anh liền túm lấy dao, xông vào đánh chúng và hét:
– Chúng mày, đồ súc sinh cút ngay!
Một số chạy trốn, số khác bị anh giết quẳng xác xuống hồ. Rồi anh quay về chỗ cũ, thổi cho lửa lại cháy to lên để sưởi. Ngồi sưởi được một lúc thì hai mắt anh díp lại, cơn buồn ngủ kéo đến. Liếc mắt nhìn quanh, thấy ở góc phòng có một cái giường to. Anh nói:
– Mình thật là may.
Rồi anh lên giường nằm. Anh vừa định nhắm mắt ngủ thì chiếc giường bắt đầu rung chuyển, chạy khắp lâu đài. Anh nói:
– Được lắm, có giỏi cứ lao nhanh hơn nữa đi!
Giường chạy nhanh như xe tứ mã, nhảy qua ngưỡng cửa, lăn xuống cầu thang, tiếng kêu lộc cộc, lộc cộc. Bỗng giường vấp và lật ngược, giường đệm và mọi thứ đè lên người anh. Anh quẳng chăn gối để chui ra và nói:
– Bây giờ đứa nào muốn nằm giường thì đi mà nằm!
Anh lại bên đống lửa và ngủ luôn một mạch tới sáng.
Sáng hôm sau, nhà vua đến lâu đài, thấy anh nằm dài dưới đất, vua ngỡ là ma đã giết chết anh. Vua than:
– Xinh trai như vậy mà chết thì thật là uổng quá!
Anh nghe tiếng, nhổm dậy và hỏi:
– Tâu bệ hạ, chưa đến nỗi như thế đâu ạ.
Vua vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, hỏi anh đêm qua ra sao.
Anh đáp:
– Tâu bệ hạ, rất bình yên ạ. Thế là đã một đêm trôi qua, còn hai đêm nữa rồi cũng sẽ trôi qua thôi ạ.
Khi anh về quán trọ, chủ quán trố mắt ra nhìn và nói:
– Tôi không ngờ anh lại còn sống. Thế anh đã học được thế nào là rùng mình chưa?
Anh đáp:
– Khổ lắm, chỉ mất công toi. Giá có ai dạy cái đó cho tôi thì hay quá.
Đêm thứ hai, anh lại đến tòa lâu đài cổ. Anh đến ngồi bên lửa, lại vẫn ca bài ca cũ:
– Ước gì ta biết rùng mình!
Gần nữa đêm, anh lại nghe thấy tiếng động, tiếng nói lào xào, trước còn khe khẽ, rồi cứ mỗi lúc một rõ hơn. Yên ắng được một lúc, bỗng có tiếng thét lớn. Đó là một người đàn ông nom gớm ghiếc đang ngồi chiếm chỗ của anh. Anh nói:
– Đừng thách thức nhau! Ghế này là ghế của tao chứ.
Người kia định cứ ngồi lì ở đấy, nhưng anh đâu có chịu thua! Anh đẩy hắn ra xa, chiếm lại chỗ ngồi cũ. Bỗng lại có nhiều người khác nối tiếp nhau từ trên ống khói rơi xuống. Chúng mang xuống theo chín cái xương ống chân và hai cái đầu lâu, chúng bày những thứ đó ra để chơi con ky 8. Anh cũng muốn chơi, liền bảo:
– Này các cậu, cho tớ chơi với nhé!
– Được thôi, nhưng phải có tiền mới được chơi.
Anh đáp:
– Tiền thì có đủ, nhưng hòn lăn của các cậu không được tròn lắm.
Rồi anh đặt hai cái đầu lâu lên bàn tiện mà tiện lại cho thật tròn. Anh nói:
– Ờ, như thế này nó sẽ lăn trơn hơn. Nào, giờ thì có thể chơi thỏa thích nhé.
Anh chơi và thua mất ít tiền. Khi đồng hồ điểm mười hai tiếng thì cả bọn người kia cũng biến mất. Anh lăn ra đất, đánh một giấc ngon lành.
Sáng hôm sau, vua lại đến để xem sự thể ra sao. Vua hỏi:
– Lần này thì thế nào, có sao không?
Anh đáp:
– Tâu bệ hạ, tôi có chơi con ky và thua mất vài đồng Hên-lơ.
– Nhà ngươi có thấy rùng mình không?
Anh đáp:
– Thưa không ạ. Tôi chơi vui lắm. Tôi chỉ ước gì được biết thế nào là rùng mình!
Đêm thứ ba, anh cũng lại ngồi trong lâu đài. Anh lại phàn nàn:
– Ước gì ta biết rùng mình!
Vừa lúc đó, một ông lão khổng lồ có chòm râu bạc dài chấm gót, dáng người nom dễ sợ bước vào. Ông lão nói:
– Ái chà, thằng nhãi con, mày sắp học được cho biết thế nào là rùng mình, vì mày sắp chết.
Anh đáp:
– Đâu lại dễ thế? Còn xem tao có muốn chết không mới được chứ.
Con quái đáp:
– Tao bắt mày luôn bây giờ!
– Khoan, khoan cái đã! Mày đừng có làm bộ. Tao cũng khỏe bằng mày, thậm chí còn khỏe hơn là đằng khác.
Con quái nói:
– Thì ta cứ thử sức xem sao. Nếu mày khỏe hơn tao, tao sẽ để mày yên. Nào! Ta đấu sức đi!
Ngay sau đó, nó dẫn anh đi qua những con đường tối om. Cả hai tới bên ngọn lửa thợ rèn. Con quỷ lấy một cái rìu, giơ tay quai một cái thật mạnh vào đe, đe thụt hẳn xuống đất.
Anh nói:
– Tao đập khỏe hơn mày!
Anh đi đến một cái đe khác. Con quái già kia đến đứng sát ngay bên cạnh đe để ngắm xem. Bộ râu dài của hắn thõng xuống lòng thòng. Anh vớ lấy chiếc rìu, giơ lên rồi nện mạnh một cái xuống đe, rìu cắm phập vào đe, lôi luôn ra cả chòm râu bạc nằm kẹt vào giữa. Anh nói:
– Tao tóm được mày rồi! Giờ thì cái chết đã kề bên cổ mày!
Rồi anh cầm một thanh sắt đập cho nó một trận. Nó rên rỉ, van lạy anh hãy ngưng tay tha cho nó, nó sẽ biếu anh nhiều của. Anh nhấc rìu lên để cho nó gỡ râu ra. Lão già dẫn anh trở về lâu đài, dẫn anh tới một căn hầm rồi chỉ cho anh ba tráp đầy vàng, và bảo:
– Số vàng đó sẽ chia như sau: một tráp dành cho kẻ nghèo, tráp thứ hai cho vua, tráp thứ ba là cho anh.
Đúng lúc đó, đồng hồ điểm mười hai tiếng. Bóng ma kia biến mất. Còn anh ở lại trong đêm tối. Anh nói:
– Ta phải lần cho thấy đường ra chứ!
Sờ soạng loanh quanh hồi lâu, anh lại tìm thấy đường dẫn tới căn buồn cũ. Tới nơi, anh liền lăn ra ngủ bên đống lửa.
Sáng hôm sau, vua lại đến hỏi anh:
– Chắc ngươi đã học được rùng mình rồi chứ?
Anh đáp:
– Thưa chưa ạ. Chả có gì là đáng sợ cả. Có một ông già râu dài tới đây, ông ta chỉ cho tôi chỗ có lắm vàng ở dưới hầm nhà, nhưng vẫn chưa có ai dạy cho tôi biết thế nào là rùng mình.
Lúc đó vua bảo:
– Ngươi đã trừ được ma ở lâu đài. Ta sẽ gả con gái ta cho ngươi.
Anh đáp:
– Đó thật là một diễm phúc. Nhưng tôi vẫn chưa biết thế nào là rùng mình.
Rồi vàng ở hầm nhà được lấy lên, lễ cưới được cử hành. Mặc dù rất yêu thương vợ, tuy đang vui duyên mới, nhưng lúc nào vị phò mã trẻ tuổi vẫn cứ nhắc:
– Ước gì ta biết rùng mình!
Chuyện ấy làm cho công chúa buồn rầu. Một thị tỳ của công chúa nói:
– Con sẽ giúp một tay để cho phò mã một bài học về rùng mình.
Người thị tỳ ra ngay con suối chảy qua vườn thượng uyển, múc một thùng nước đầy cá bống mang về cung trao cho công chúa. Đến khuya, khi phò mã đang ngủ say, công chúa khẽ kéo chăn ra, đổ thùng nước lạnh đầy cá lên người chàng. Những con cá kia quẫy khắp trên và quanh người làm cho phò mã thức giấc choàng dậy và kêu lên:
– Chà, có cái gì ấy làm tôi rùng cả mình! Mình ơi, giờ thì tôi biết thế nào là rùng cả mình rồi!
5. Chó sói và bảy chú dê con
Ngày xửa ngày xưa, có một con dê cái già sinh được bảy chú dê con. Mẹ nào mà chả thương con, dê mẹ thương yêu đàn con của mình lắm. Một ngày kia, dê mẹ vào rừng kiếm thức ăn nên gọi bảy con lại dặn dò:
– Các con yêu dấu, mẹ muốn đi vào rừng một lát, các con hãy cảnh giác chó sói, nếu nó vào thì nó sẽ ăn thịt tất cả các con cả da lẫn lông. Thằng quỷ sứ ấy thường hay trá hình, nhưng các con cứ nghe thấy giọng khản ồ ồ và thấy cái chân đen sì là nhận ra được nó ngay.
Dê con đồng thanh đáp:
– Mẹ yêu, chúng con sẽ cảnh giác, mẹ cứ yên tâm mà đi.
Dê mẹ kêu be be rồi yên trí lên đường.
Không bao lâu sau thì có ai gõ cửa và gọi to:
– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.
Nghe tiếng khàn ồ ồ dê con nhận ngay ra là chó sói, đàn dê con nói vọng ra:
– Chúng tao không mở cửa, mày đâu phải là mẹ chúng tao, mẹ có giọng nói thanh trong và dễ thương cơ, còn giọng mày khàn khàn ồ ồ, đúng mày là chó sói.
Sói vội chạy đến cửa hàng xén mua cục phấn to để ăn cho thanh giọng. Rồi nó quay trở lại, gõ cửa và gọi:
– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.
Sói vịn chân lên cửa sổ, đàn dê con nhận ra và đồng thanh nói:
– Chúng tao không mở cửa, chân mẹ đâu có đen như chân mày, mày đúng là chó sói.
Sói liền chạy tới bác thợ làm bánh mì nói:
– Chân tôi vấp bị thương, bác làm ơn đắp bột nhão lên cho tôi.
Người làm bánh mì đắp bột nhão lên chân nó, nó liền chạy tới nhà người xay bột và nói:
– Bác làm ơn rắc bột trắng lên chỗ chân đắp bột nhão cho tôi.
Bác xay bột nghĩ: “Con sói này định đánh lừa ai đây.” Nên bác từ chối. Sói hăm dọa:
– Nếu bác không chịu làm việc đó thì tôi ăn thịt bác đấy.
Bác xay bột đâm ra sợ, đành phải rắc bột cho trắng chân sói.
Con sói quỷ sứ lại mon men tới cửa lần thứ ba, gõ cửa gọi:
– Mở cửa mẹ vào, các con yêu dấu, mẹ của các con đã về và có mang quà ở rừng về cho các con đây.
Dê con bảo:
– Con xem chân, xem có đúng là mẹ yêu dấu không nào.
Sói đặt chân lên cửa sổ. Dê con thấy chân trắng, yên trí chắc là mẹ về thật nên mở cửa ra. Ngờ đâu kẻ vào nhà chính lại là chó sói. Đàn dê con hoảng sợ, tìm cách ẩn trốn. Một con nhảy chui vào gầm bàn, con thứ hai chui vào gầm giường, con thứ ba chui vào lò, con thứ tư ẩn trong bếp, con thứ năm nấp vào tủ, con thứ sáu nấp ssau chậu giặt quần áo, con thứ bảy chui vào trong hộp đồng hồ quả lắc treo trên tường. Nhưng sói đều tìm được. Nó không cần lựa chọn, nuốt chửng hết con này đến con kia, duy chỉ có con dê bé nhất núp trong hộp đồng hồ là nó không tìm thấy.
Khi đã thỏa mãn cơn thèm, sói khệnh khạng đi ra cánh đồng cỏ xanh tươi, nằm dưới một cây cổ thụ và thiu thiu ngủ.
Chỉ một lát sau dê mẹ ở rừng về tới nhà. Trời, dê mẹ nhìn cảnh vật mà đau lòng: cửa mở toang, bàn ghế đổ lỏng chỏng, ngổn ngang, chậu giặt vỡ tan tành, chăn gối vứt khắp nơi. Dê mẹ tìm chẳng thấy một đứa con nào cả. Dê mẹ gọi tên từng đứa, cũng chẳng thấy đứa nào thưa. Gọi mãi tới tên đứa út thì có tiếng nói khe khẽ:
– Mẹ yêu dấu, con trốn ở trên hộp đồng hồ treo trên tường này.
Dê mẹ bế con ra. Dê con kể mẹ nghe chuyện sói đến và đã ăn thịt tất cả các anh. Chắc các bạn biết dê mẹ khóc thảm thiết như thế nào về những đứa con xấu số của mình.
Đau buồn, dê mẹ đi tìm, dê con chạy theo sau.
Khi tới cánh đồng cỏ, dê mẹ nhìn thấy sói nằm ở gốc cây, ngủ ngáy rung cả cành lá. Dê mẹ chăm chú quan sát khắp người sói, thấy bụng nó căng, hình như có cái gì động đậy, phập phồng ở trong. Dê mẹ nghĩ:
– Trời ơi! Lẽ nào những đứa con đáng thương của tôi bị sói nuốt chửng làm bữa tối vẫn còn sống hay sao?
Dê mẹ sai dê con chạy về nhà lấy kéo và kim chỉ. Rồi dê mẹ rạch bụng con quái vật, rạch chưa hết nhát kéo thứ nhất thì một chú dê con đã ló đầu ra. Cứ thế tiếp tục rạch, cả sáu chú dê con nối đuôi nhau nhảy ra, và cả sáu đều sống, không hề bị xây xát, vì sói háu ăn nên chỉ nuốt chửng không kịp nhai. Mừng ơi là mừng! Đàn con ôm hôn vuốt ve mẹ, nhảy tung tăng. Dê mẹ bảo đàn con:
– Giờ các con hãy đi tìm nhặt đá to để nhét vào bụng con vật quái ác này khi nó còn đang ngủ say.
Thế rồi bảy chú dê con vội vàng chạy đi khuân đá về, tha được bao nhiêu chúng nhét hết vào bụng sói. Rồi dê mẹ khâu bụng sói lại nhanh đến nỗi sói không hề hay biết và cũng không thèm cựa mình.
Sau khi ngủ đã đẫy giấc, sói thức dậy. Nó khát khô cả cổ vì đá đầy trong bụng, nó định ra suối uống nước. Nó vừa nhổm dậy, mới nhúc nhích định đi thì đá trong bụng đè lăn lên nhau nghe lạo xạo. Lúc đó sói kêu lên:
Cái gì lộn xộn, lạo xạo
Chạy trong bụng ta thế này?
Ta tưởng sáu chú dê non,
Sao lại chỉ có đá hòn nằm trong?
Khi nó tới được bên bờ suối cúi xuống định uống thì bị đá nặng kéo ngã nhào xuống nước và nó chết đuối không kịp kêu một lời.
Bảy chú dê con thấy vậy chạy tới reo ầm lên: “Chó sói chết rồi, chó sói chết rồi!” và cùng mẹ sung sướng nhảy múa tung tăng bên bờ suối
6. Johannes trung thành
Xưa có một ông vua đã cao tuổi, nằm trên giường bệnh ông nghĩ: “Lần ốm này chắc ta sẽ nằm đây mà đi luôn,” nên ra lệnh:
– Gọi Johannes trung thành tới đây cho ta.
Johannes suốt đời trung thành, tận tụy với nhà vua, được nhà vua yêu quý, cũng vì vậy mà có cái tên Iôhanét trung thành.
Khi Johannes tới bên giường bệnh, nhà vua truyền đạt di mệnh:
-Johannes trung thành nhất đời của ta. Ta sắp gần đất xa trời. Ta chẳng còn băn khoăn lo lắng gì khác ngoài hoàng tử đương tuổi thơ non nớt, chưa biết suy nghĩ chín chắn. Nếu ngươi không hứa trước mặt ta là sẽ dạy dỗ hoàng tử khôn lớn thành người, khuyên bảo chăm sóc hoàng tử như cha thứ hai thì ta không thể yên tâm mà nhắm mắt.
Johannes trung thành thưa:
– Thần xin một lòng một dạ gắng sức phụng sự hoàng tử, dù phải hy sinh đến tính mạng chăng nữa, thần cũng không rời bỏ hoàng tử.
Nhà vua nói:
– Nếu vậy ta có thể yên tâm mà về nơi chín suối.
Rồi nhà vua căn dặn tiếp:
– Sau khi ta qua đời, ngươi hãy dẫn hoàng tử đi xem toàn thể cung điện, tất cả các buồng, các phòng, các hầm cùng tất cả châu báu ở trong đó. Duy chỉ có cái buồng cuối cùng ở hành lang dài là ngươi không được chỉ cho hoàng tử. Trong buồng cất bức chân dung công chúa Mai Vàng, chỉ cần thoáng nhìn thấy dung nhan công chúa là hoàng tử đâm ra si tình mà ngã ngất lịm đi, từ đó sẽ sinh ra những tai ương nguy hiểm. Ngươi hãy đề phòng chuyện ấy nhé.
Sau khi nghe Johannes trung thành giơ tay thề lần nữa, nhà vua nín lặng, từ từ đặt đầu xuống gối và băng hà.
Lo xong tang lễ, ít lâu sau, Johannes mới kể cho nhà vua trẻ biết những điều bác ta hứa với vua cha trước lúc lâm chung, bác nói:
– Thần sẽ giữ lời hứa theo đúng lương tâm, sẽ trung thành, tận tụy với nhà vua trẻ như với vua cha khi xưa, dù phải hy sinh tính mạng cũng làm.
Sau khi đã hết hạn để tang vua cha, Johannes tâu với vua:
– Bây giờ là lúc nhà vua cần biết những gì mình được thừa kế. Thần xin dẫn nhà vua đi coi toàn bộ cung điện vua cha để lại.
Bác dẫn vua đi xem khắp nơi trong hoàng cung, hết đi lên lại đi xuống để xem tất cả các kho tàng châu báu, riêng chỉ có căn buồng cất bức chân dung đầy quyến rũ kia là bác không mở. Bức chân dung để đối diện cửa ra vào, nên chỉ cần hé cửa cũng thấy ngay, bức ảnh sinh động lộng lẫy tới mức người ta tưởng không còn ai trên trần gian này có thể đẹp hơn. Vua thấy Iôhanét đi qua mà không mở cửa buồng đó, liền hỏi:
– Sao ngươi không mở cửa buồng này?
Johannes thưa:
– Dạ, thưa trong đó có cái đáng ngại lắm.
Nhưng nhà vua nói:
– Ta muốn xem tất cả trong hoàng cung, ta cũng muốn biết cái gì ở trong buồng này.
Nhà vua bước tới và định đẩy cửa ra, Johannes trung thành vội níu lại và nói:
– Thần đã có hứa trước vua cha là sẽ không mở cửa buồng này. Nếu nhà vua thấy biết điều đó thì đó là điều bất hạnh lớn nhất đối với bệ hạ cũng như đối với thần.
Nhà vua trẻ đáp:
– Sao lại không nhỉ? Ta sẽ héo hon mòn mỏi vì không được tận mặt trông thấy những gì trong đó. Ta không rời khỏi nơi đây, nếu ngươi không mở cửa.
Biết không thể ngăn cản được, Johannes trung thành thở dài, buồn bã, tìm chiếc chìa khóa buồng trong chùm chìa khóa. Mở cửa buồng, bác vào trước, đứng che lấp bức chân dung, nhưng vua kiễng chân nhìn qua vai bác. Nhìn thấy bức chân dung người thiếu nữ đẹp lộng lẫy đeo toàn vàng ngọc, nhà vua bất tỉnh nhân sự. Johannes trung thành nâng nhấc đưa nhà vua lên giường, lòng bác xốn xang lo lắng.
– Trời ơi! Điều bất hạnh đã đến, biết làm sao bây giờ?
Bác lấy rượu xoa bóp, vừa mới tỉnh lại nhà vua đã hỏi:
– Trời, người đẹp trong tranh tên là gì?
Johannes trung thành đáp:
– Dạ, thưa đó là công chúa Mai Vàng.
Nhà vua liền nói tiếp:
– Ta yêu nàng say đắm đến nỗi, nếu tất cả lá cây trong rừng đều biến thành lưỡi cũng không thể nói hết mối tình của ta. Được sống bên nàng đó là lý tưởng đời ta, Johannes trung thành hãy giúp ta trong việc này.
Johannes trung thành suy nghĩ, mãi sau bác mới nảy ra một ý và nói:
– Chung quanh nàng cái gì cũng bằng vàng, từ bàn ghế tới chén ly cùng những đồ gia dụng khác. Trong kho hoàng cung có tất cả năm tấn vàng. Bệ hạ lấy một tấn vàng giao cho thợ kim hoàn làm đủ mọi thứ ly, đồ trang trí trong nhà, một số chim, thú lạ trong rừng. Làm xong, ta đem những thứ ấy cho nàng xem, chắc chắn nàng sẽ vui. Bệ hạ cứ thử thế xem sao.
Vua truyền cho sứ giả đi mời thợ kim hoàn khắp nơi trong nước về hoàng cung làm. Khi những đồ vật đẹp bằng vàng làm xong, nhà vua cho xếp xuống thuyền, Johannes mặc giả lái buôn, nhà vua cũng vậy. Vua tôi vượt bể tới thành phố công chúa Mai Vàng đang sống.
Johannes trung thành lên bờ và nói nhà vua lên thuyền chờ:
– Biết đâu công chúa lại cùng thần về thuyền. Bệ hạ cho trang trí, bày mọi thứ sao cho thật lộng lẫy.
Bác đem theo mình rất nhiều trang sức đẹp và cứ thẳng hướng hoàng cung mà đi.
Khi ở trong sân hoàng cung, Johannes thấy có một cô gái đẹp đứng bên giếng lấy nước đổ vào hai chiếc thùng bằng vàng. Đang gánh, thấy khách lạ, cô ta hỏi bác là ai.
Bác ta trả lời:
– Thưa, tôi là lái buôn.
Rồi bác giở đồ trang sức cho cô xem. Cô reo lên:
– Trời, toàn đồ trang sức bằng vàng.
Cô đặt thùng nước xuống và ngắm nghía hết thứ này đến thứ khác. Đoạn cô ta nói:
– Công chúa rất thích đồ trang sức bằng vàng. Trông thấy những thứ này chắc chắn công chúa sẽ mua ngay tất cả.
Cô gái gánh nước chính là nữ tỳ của công chúa. Cô dẫn bác tới gặp công chúa. Công chúa rất lấy làm hài lòng về những đồ nữ trang của Johannes và nói:
– Hàng đẹp quá, ta mua tất cả chỗ này.
Johannes thưa:
– Tôi chỉ là kẻ hầu của một phú thương. Những đồ tôi mang theo đây không thể so sánh được với những đồ trang sức chủ tôi để ở trên thuyền, toàn đồ vàng ròng, châu ngọc thôi.
Công chúa bảo cứ đem hết đến cho mình xem chọn. Johannes đáp:
– Hàng đầy một thuyền, có mang thì cũng phải mất nhiều ngày lắm, có lẽ trong hoàng cung không đủ buồng để trưng những thứ đó.
Lời nói đó càng làm cho công chúa thêm tò mò, ao ước, nàng nói:
– Thế thì dẫn ta tới đó coi hàng vậy.
Johannes vui mừng dẫn công chúa về thuyền xem hàng. Thấy công chúa còn đẹp lộng lẫy hơn cả người trong tranh nên lòng vua vui sướng ngây ngất như muốn vỡ tim. Công chúa bước xuống thuyền, vua ra đón nàng vào khoang thuyền. Trong lúc đó Johannes trung thành xuống phía lái và ra lệnh cho nhổ neo:
– Căng buồm lên để thuyền lướt nhanh như chim bay.
Ở trong khoang thuyền nhà vua đưa cho công chúa xem những bộ bát, đĩa, rồi cốc, chén cùng những chim, thú rồi cả những con vật mà công chúa chưa nhìn thấy bao giờ. Tất cả đều bằng vàng ròng.
Mải mê xem nên công chúa không biết rằng thuyền đã nhổ neo được mấy tiếng rồi.
Xem đến đồ trang sức cuối cùng thì công chúa tỏ lời cảm ơn và muốn ra về. Ra tới mạn thuyền, công chúa mới biết là thuyền đương dong buồm nơi biển khơi, sợ hãi nàng kêu:
– Trời, ta bị đánh lừa, rơi vào tay một tên thương gia thì thà chết còn hơn.
Vua cầm tay nàng và nói:
– Ta chẳng phải là lái buôn, ta chính là dòng dõi quyền quý, là vua đang trị vì một nước, vì quá say đắm yêu người trong tranh nên quyết đi tìm và bày mưu bắt cóc.
Nghe vua nói, công chúa thấy cũng môn đăng hộ đối, giờ đây nàng thấy cảm kích và tỏ ra ý ưng thuận.
Một hôm, trong lúc thuyền đang lênh đênh nơi biển khơi, Johannes đang huýt sáo thì nghe có tiếng chim, ngẩng lên thấy có ba con quạ đang bay, chúng nói với nhau. Một con nói:
– Chà, vua đã bắt cóc được công chúa Mai Vàng.
Con thứ hai nói tiếp:
– Chắc gì đã chiếm được lòng nàng.
Con thứ ba chêm vào:
– Sao lại không nhỉ, hai người đang ngồi kề bên nhau kia kìa.
Con thứ nhất lại nói:
– Đã chắc à, lên tới bờ, nhà vua sẽ nhảy lên cưỡi một con ngựa màu hung, nó liền bay đem theo nhà vua lên chín tầng mây. Vậy thì vua sẽ không bao giờ gặp lại được nàng.
Con thứ hai hỏi:
– Thế không có cách nào cứu được à?
– Chà, có chứ. Nếu ngay lúc đó có một người khác cũng nhảy lên ngựa, liền rút súng ra bắn chết nó thì cứu được vua. Nhưng ai mà biết được điều đó. Ai biết mà nói ra thì người ấy sẽ bị hóa đá ngay lập tức.
Con thứ hai chêm vào:
– Mà dù ngựa có bị giết thì chắc gì lấy được công chúa. Vì khi hai người về tới hoàng cung thì thấy một chiếc áo cưới để trong một chiếc bình vàng, chiếc áo óng ánh tưởng như dệt bằng sợi vàng nhưng kỳ thực bằng diêm sinh và nhựa thông. Mặc áo vào người vua sẽ bị thiêu thành tro.
Con thứ ba hỏi:
– Thế không có cách nào cứu được à?
Con quạ thứ hai đáp:
– Chà, có chứ. Nếu có ai đeo bao tay, cầm ném chiếc áo ấy vào lửa cho nó cháy trụi thì vua thoát nạn. Nhưng ai mà biết được điều đó. Ai biết mà nói ra thì người ấy sẽ bị hóa đá từ đầu gối tới tim.
Con quạ thứ ba lại nói:
– Mà dù chiếc áo kia có cháy thành tro đi chăng nữa thì vua vẫn chưa được sống chung cùng nàng. Vì sau lễ cưới, trong lúc khiêu vũ công chúa bỗng nhiên tái mặt đi, té bất tỉnh ngay tại chỗ. Nàng sẽ chết luôn, nếu không có người tới nâng nàng dậy, mút ở ngực bên phải nàng ba giọt máu rồi nhổ ngay đi. Nhưng ai mà biết được điều đó. Ai biết mà nói ra thì toàn thân người ấy – từ đầu tới các ngón chân – đều bị hóa đá.
Nghe quạ nói với nhau, Johannes hiểu hết, bác đâm ra hay suy tư, không buồn nói năng gì cả: không nói cho vua biết thì vua đau khổ, nói cho vua biết thì mình thiệt mạng. Nhưng rồi bác tự nhủ:
– Ta phải cứu vua cho dù có bị thua thiệt đi chăng nữa cũng được.
Thuyền cập bến, sự việc xảy ra đúng như lời quạ nói chuyện với nhau. Thấy con ngựa hung đẹp bước tới, vua nói:
– Tuyệt, để ta cưỡi nó về hoàng cung.
Vua chưa kịp lên ngựa thì Johannes đã nhảy lên lưng ngựa, rút súng bắn chết con ngựa. Vốn ganh ghét với Iôhanét, những tên hầu khác nhao nhao lên:
– Hỗn xược chưa, ngựa đem đến để đón vua về hoàng cung mà dám bắn chết.
Nhưng vua quát:
– Các ngươi im ngay. Việc Johannes trung thành làm chắc chắn là có lý do của nó.
Cả đoàn về tới hoàng cung, nhìn thấy chiếc áo cưới nom như dệt bằng sợi vàng, sợi bạc, nhà vua định lấy ướm thử, Johannes liền níu lại, lấy áo ném vào lửa cho cháy thành tro. Những tên hầu khác lại nhao nhao lên:
– Thấy không, áo cưới của vua mà nó còn dám ném vào lửa.
Nhưng vua lại quát:
– Các ngươi im ngay. Việc Johaanes trung thành làm chắc chắn là có lý do của nó.
Hôn lễ được cử hành. Tiếng nhạc khiêu vũ vang lên, công chúa bước vào phòng. Iôhanét nhìn trừng trừng vào sát mặt nàng, bỗng nhiên mặt nàng tái đi và nàng té nằm bất tỉnh nhân sự. Iôhanét trung thành vội nâng nàng dậy, đưa về buồng và đặt lên giường. Rồi bác quỳ xuống, mút ở ngực bên phải nàng ba giọt máu và nhổ đi. Công chúa từ từ tỉnh lại. Nhà vua cũng có mặt ở đó, không hiểu tại sao Johannes lại làm như vậy. Nổi giận thiên đình, nhà vua phán:
– Giam ngay nó vào ngục tối.
Ngay sáng hôm sau Johannes bị kết án tử hình, đứng bên giá treo cổ Iôhanét nói:
– Trước khi bị hành hình, tử tù nào cũng được phép nói lần cuối, vậy thần có được phép không?
Nhà vua nói:
– Được, ngươi được phép nói lần cuối.
Johannes trung thành nói:
– Thần bị xử oan, thần luôn luôn trung thành tận tụy với nhà vua.
Rồi bác kể cho vua biết những gì ba con quạ nói với nhau ở ngoài biển, và bác nói rõ lý do tại sao bác làm những chuyện như vậy, tất cả chỉ vì để cứu nhà vua.
Lúc đó nhà vua kêu lên:
– Trời, tội nghiệp cho Johannes trung thành của ta, dẫn ngay ra khỏi giá treo cổ, dẫn ngay.
Vừa nói dứt lời thì Iôhanét cũng ngã phịch xuống như đá rơi.
Trước cảnh tượng ấy, vua và hoàng hậu rất buồn. Vua phán:
– Trời, một người tận tụy như thế mà ta đã trót xử oan.
Vua sai khiêng Johannes hóa đá thành tượng để ngay bên giường mình. Mỗi lần trông thấy tượng, vua lại khóc và nói:
– Trời, Johannes trung thành, ước gì ta làm cho ngươi sống lại được.
Sau đó một thời gian, hoàng hậu sinh đôi, hai con trai. Đó chính là niềm vui của hoàng hậu. Một hôm, hoàng hậu đi lễ nhà thờ, hai đứa con ở nhà, lòng buồn rầu nhà vua đứng ngắm pho tượng và thở dài:
– Trời, Johannes trung thành ơi, ước gì ta có thể làm ngươi sống lại được.
Bức tượng đá đáp:
– Bệ hạ có thể làm thần sống lại, nếu như bệ hạ sẵn lòng hy sinh cái gì bệ hạ quý nhất.
Lúc đó nhà vua nói:
– Những gì trẫm có trên trần gian này, trẫm sẵn lòng vì ngươi mà hy sinh.
Tượng đá nói tiếp:
– Nếu tự tay bệ hạ chặt đầu hai hoàng tử, lấy máu vấy lên tượng đá thì thần sẽ sống lại.
Nghe việc tự mình giết con thì vua rùng mình, nhưng nhớ tới Johannes vì lòng trung thành mà chết, nhà vua liền rút gươm, chặt đầu hai đứa con, lấy máu vấy lên tượng. Johannes sống lại, dáng khỏe mạnh, tỉnh táo. Bác tâu với vua:
– Bệ hạ ăn ở có thủy, có chung, tình ấy sẽ được đền đáp.
Rồi bác lắp đầu vào thân, bôi máu quanh vết chém, chỉ trong nháy mắt hai đứa trẻ sống lại, chơi đùa chạy nhảy như trước, cứ như không hề có chuyện gì xảy ra trước đó.
Vua hết sức vui mừng. Khi thấy hoàng hậu đang về, vua giấu bác Johannes và hai con vào trong một chiếc tủ lớn. Khi hoàng hậu bước vào phòng, nhà vua hỏi:
– Phải chăng hoàng hậu vừa đi lễ nhà thờ?
Hoàng hậu đáp:
– Thiếp lúc nào cũng nghĩ tới Johannes trung thành, một người vì chúng ta mà bị nạn.
Lúc đó nhà vua nói:
– Thiếp yêu mến của ta, chúng ta có thể làm cho bác ta sống lại, nhưng chúng ta phải hy sinh hai hoàng tử.
Nghe nói mà hoàng hậu tái xanh mặt, lòng xốn xang, nhưng bà nói:
– Chính chúng ta là người có lỗi trong chuyện này.
Vua hết sức vui mừng khi thấy hoàng hậu cũng nghĩ như mình, vua bước tới mở cửa tủ để cho Johannes trung thành và hai con bước ra. Vua nói:
– Nhờ trời Johannes đã được giải thoát và con chúng ta vẫn ở bên chúng ta.
Vua kể cho hoàng hậu nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Từ đó trở đi, vua, hoàng hậu, hai hoàng tử và Johannes trung thành cùng vui sống trong diễm phúc lớn tới trọn đời.
7. Hên xui
Bác nông dân đem bò ra chợ và bán được bảy Taler. Dọc đường về, bác đi qua một cái chuôm, bác nghe tiếng ếch kêu: “Ắc, ắc, ắc”(acht, acht, acht). Bác ta nghĩ:
– Lạ thật, rõ ràng mình bán con bò được bảy Taler, tại sao chúng nó lại nói là tám.
Bác tới gần chuôm và nói:
– Đồ ngu si dốt nát chúng mày. Không hiểu gì cả, bảy Taler chứ không phải tám, nghe chưa.
Tiếng ếch kêu đáp lại:
– Ắc, ắc, ắc, ắc.
– Nếu không tin để ta đếm lại cho mà coi.
Nói rồi bác nông dân lấy tiền ra đếm, cứ hai mươi bốn xu là một Thalơ. Nhưng đám ếch kia đâu có biết đếm, chúng lại kêu:
– Ắc, ắc, ắc, ắc.
Bác nông dân nổi cáu:
– Chà, nếu không tin thì tụi bay đếm thử xem.
Rồi bác ném tiền xuống nước. Bác ta cứ thế đứng đợi trên bờ, trong bụng nghĩ, đếm xong tiền ếch sẽ đem trả, nhưng đám ếch vẫn cứ một giọng:
– Ắc, ắc, ắc, ắc.
Và chúng cũng chẳng thèm ném tiền lên trả. Bác nông dân cứ đứng đấy đợi cho đến khi trời tối. Trước khi đi về nhà bác la mắng ếch một hồi:
– Đúng là đồ ếch nhái, quân trố mắt, lũ đầu rỗng toàn nước, chỉ to mồm, có bảy Taler mà đếm cũng không xong, tưởng tao thích thú lắm đấy mà đứng đợi ở đây?
Rồi bác đi về, nhưng lũ ếch vẫn cứ một giọng:
– Ắc, ắc, ắc, ắc.
Tiếng ếch vẫn cứ đều đều như vậy là bác nông dân rầu cả người.
Một thời gian sau, bác nông dân mua bò về mổ. Bác tính, nếu khéo lọc thịt thì tiền bán thịt bằng tiền mua hai con bò, không những thế mình còn được không miếng da.
Bác đem thịt vào thành phố bán, vừa mới tới cổng thành thì một đàn chó chạy tới, đầu đàn là một con chó săn rất lớn, nó chạy quanh đống thịt, mũi hít rồi sủa:
– Vát, vát, vát, vát.
Chó cứ sủa như vậy mãi, bác nông dân nói:
– Ờ, tao biết rồi, muốn buôn bán xui xẻo thì hãy cho mày chút ít chứ gì?
Nhưng chó vẫn cứ sủa:
– Vát, vát, vát, vát.
– Mày lại còn không muốn ăn hay sao? Định kiếm ăn cho cả đàn hả?
– Vát, vát, vát, vát.
– Nào, mày tính phải lắm, tao biết cả chủ của mày nữa, mày và cả đàn cứ tha thịt về, ba ngày nữa tao sẽ tới lấy tiền, nếu không có thì mày sẽ biết tay tao.
Thế rồi bác ta để tất cả thịt lại và đi về. Lũ chó vẫy đuôi mừng và xúm lại:
– Vát, vát, vát, vát.
Đã đi được một quãng nhưng bác nông dân còn nghe rõ tiếng đàn chó sủa, bác lẩm bẩm:
– Giờ thì cả đàn xúm vào, nhưng con đầu đàn phải lo chuyện trả tiền ta đấy.
Đúng ba ngày sau bác nông dân lẩm bẩm với mình:
– Tối nay thì chắc chắn tiền nằm trong tay mình.
Bác ta vui mừng đón chờ việc đó, nhưng đợi mãi chẳng thấy ai tới trả cả, bác ta nói:
– Đúng là không thể tin ai được.
Rồi bác vào thành phố đòi tiền người bán thịt – người chủ đàn chó kia. Bác hàng thịt bảo có ai đùa giỡn như vậy. Bác nông dân nổi nóng nói:
– Không có đùa giỡn gì cả. Tôi đến đây để lấy tiền thịt bò, cách đây ba ngày con chó đầu đàn lớn nhất cùng cả đàn chó không mang về cho anh thịt bò cả con hay sao?
Giờ thì đến lượt bác hàng thịt nổi sùng, bác ta cầm ngay cán chổi để đánh bác nông dân và đuổi ra khỏi nhà. Bác nông dân nói với:
– Cứ đợi đấy, trên đời này ít nhất cũng còn công lý chứ.
Rồi bác đến thưa kiện với nhà vua. Bác được dẫn tới trước vua để hầu kiện. Nhà vua cùng công chúa ngồi nghe. Bác ta nói:
– Trời ơi, lũ ếch và lũ chó săn đã lấy hết của cải gia sản của tôi. Đã thế người bán thịt này còn trả tiền tôi bằng roi vọt nữa.
Và bác kể lể hết đầu đuôi câu chuyện. Thấy chuyện ngộ như vậy, công chúa phải bật cười. Nhà vua phán:
– Ta không thể nói là ngươi đúng, nhưng để thưởng ta gả công chúa cho ngươi. Từ trước tới nay công chúa không hề nhếch miệng cười bao giờ, nhưng nghe chuyện ngươi, công chúa cười, và ta có hứa, ai làm công chúa cười ta sẽ gả công chúa cho người đó. Ngươi hãy khấn cám ơn trời về diễm phúc này.
Bác nông dân thưa:
– Ối trời, tôi không dám, ở nhà tôi có vợ rồi, có một bà vợ thôi mà mỗi khi về tới nhà tôi có cảm tưởng, chỗ góc nào trong nhà cũng có một người đàn bà đang đứng để hỏi dằn vặt tôi.
Nhà vua nổi giận và phán:
– Trên đời này có lẽ ngươi là kẻ ngu đần nhất đó.
Người nông dân thưa:
– Trời ơi, thưa đức vua cao cả, tôi làm thịt bò để lấy thịt bán, tôi không dám nghĩ chuyện khác.
Vua nói:
– Được, cứ đợi, ngươi sẽ nhận phần của ngươi, giờ về đi, ba ngày nữa lại đây, ngươi sẽ lãnh đủ năm trăm, không thiếu chút nào.
Bác nông dân ra tới cửa, tên lính gác nói:
– Này người anh em, làm được công chúa cười thế nào cũng được thưởng hậu lắm.
Bác nông dân nói:
– Chắc thế, tôi nghe nói được năm trăm.
Người lính nói tiếp:
– Này chia cho tôi chút ít nhé, người anh em làm sao tiêu hết số tiền lớn như vậy.
Bác nông dân đáp:
– Nếu vậy thì cậu lấy hai trăm nhé, ba ngày nữa cậu tới trình nhà vua để nhận nhé.
Một người Do Thái đứng gần đó nghe được hết đầu đuôi câu chuyện, thấy bác nông dân ra liền chạy theo, túm áo lại và nói:
– Thật là chuyện lạ trên đời, chắc bác là con trời nên mới may mắn thế. Tôi xin đổi tiền lẻ để bác dễ tiêu. Những đồng tiền Thalơ kia thì có ích gì cho bác đâu.
Bác nông dân đáp:
– Nói khẽ chứ, ờ thì đưa tiền xu cho tôi bây giờ, ba ngày nữa tới đây nhận của nhà vua ba trăm Thalơ.
Thấy có lời người Do Thái kia mừng lắm, vội đưa ngay tiền xu cho bác nông dân, vì có ai ngu tới mức đổi tiền mới ở kho vua lấy tiền cũ sứt cạnh đâu.
Ba ngày sau, theo lệnh nhà vua, bác nông dân tới trình diện. Nhà vua phán:
– Lôi nó ra cho năm trăm.
Bác nông dân thưa:
– Trời, tôi làm gì còn đồng nào, tôi tặng cho người lính gác hai trăm, ba trăm còn lại tôi đã đổi cho một người Do Thái.
Đúng lúc đó người lính và người Do Thái kia bước vào. Cả hai nhận được đủ phần roi của mình. Người lính biết thân biết phận cứ cắn răng chịu đòn. Người Do Thái kia thì hết kêu lại ca thán:
– Ối trời ơi, đau quá, tiền gì mà cứng thế.
Nhà vua cũng phải bật cười về hành động ngô nghê tức cười của bác nông dân. Vua phán:
– Đáng nhẽ ngươi được thưởng năm trăm roi, nhưng vì có người thế cho nên ta trả ngươi bằng cách khác vậy. Hãy vào trong kho hoàng cung, ngươi muốn lấy bao nhiêu tiền thì lấy.
Chẳng đợi nhắc đến lần thứ hai, bác nông dân vào kho, nhét tiền đầy các túi rồi đi ra. Bác đi thẳng tới một quán trọ để đếm tiền.
Người Do Thái kia thấy bác nông dân đi ra liền lẻn theo tới quán, đứng ngoài nghe bác nông dân lẩm bẩm một mình.
– Nếu không có chuyện hai người kia ăn đòn thay mình thì làm gì có chuyện được thưởng tiền. Có trời mà biết được tại sao mình lại có cái diễm phúc này.
Nghe xong, tên Do Thái nghĩ bụng:
– Lạy trời, nó dám nói xấu nhà vua. Ta phải đi ngay trình báo nhà vua, lúc đó ta sẽ được thưởng, hắn sẽ bị trừng phạt.
Nghe chuyện, nhà vua nổi giận, truyền cho gọi ngay phạm nhân tới. Tên Do Thái bảo bác nông dân:
– Bác phải đến ngay trình vua, càng sớm càng tốt.
Bác nông dân đáp:
– Tôi biết là có chuyện gì rồi. Trước tiên tôi phải sắm một bộ quần áo mới, giàu có như tôi bây giờ không thể mặc quần áo vá đến trình diện nhà vua được.
Tên Do Thái thấy không thể thay đổi được ý kiến bác nông dân, nếu để chậm trễ thì cơn giận của nhà vua sẽ nguội đi, biết đâu chính mình lại ăn phạt, bác nông dân lại được thưởng lần nữa thì sao. Hắn nói:
– Chỗ anh em quen biết, tôi cho bác mượn quần áo mới để bác đi, chỗ thân tình thì gì mà chả được.
Bác nông dân nghe thấy cũng bùi tai, liền lấy quần áo của người Do Thái mặc vào, rồi đến hoàng cung. Nhà vua kể tội bác nông dân. Nghe xong, bác nông dân nói:
– Muôn tâu bệ hạ, những điều mà tên Do Thái nói toàn là chuyện lừa dối, không bao giờ có một lời nói thật từ mồm tên Do Thái. Hắn dám cả gan khẳng định rằng tôi mặc quần áo của hắn để đến đây.
Tên Do Thái kêu:
– Thế là thế nào nhỉ? Không phải quần áo của tôi à? Không phải tôi cho mượn để đến trình vua hay sao? Có quen thân tình thì tôi mới cho mượn chứ.
Nghe xong, nhà vua phán:
– Chắc chắn là tên Do Thái đã lừa dối. Nhưng hắn lừa dối ai? Ta hay là tên nông dân kia?
Rồi nhà vua truyền cho lính đem tên Do Thái ra nọc cho một trận, đếm lại đủ ba trăm như lần trước. Còn bác nông dân ung dung trong bộ quần áo mới cùng số tiền thưởng đi về nhà, bác nói:
– Lần này mới gặp hên.
8. Người nhạc sĩ lang thang
Ngày xưa có một nhạc sĩ lang thang, ông đi thơ thẩn ở trong rừng, một mình đi giữa cánh rừng rộng ông thấy lòng mình trống trải, ông nghĩ:
– Ở trong rừng sao thấy thời gian và không gian bao la thế. Ta phải tìm cách gọi bạn đến cho vui mới được.
Rồi ông lấy đàn vĩ cầm ra kéo, tiếng đàn vang trong rừng cây, chẳng mấy chốc sau, có một con chó sói từ trong rừng sâu đi ra. Thấy nó người nhạc sĩ lang thang nói:
– Tưởng ai té ra là chó sói, mình có mong nó đâu.
Chó sói cứ hướng người nhạc sĩ bước tới và nói:
– Ông nhạc sĩ thân mến ơi, ông chơi sao tiếng đàn thánh thót du dương vậy, nghe ông chơi đàn đâm ra tôi cũng muốn học chơi đàn.
Người nhạc sĩ nói:
– Học thì cũng nhanh thôi, nhưng ngươi phải làm đúng những gì ta dạy bảo.
Sói đáp:
– Vâng, thưa nhạc sĩ, tôi sẽ nghe theo những điều dạy bảo như thợ học nghề với thợ cả.
Người nhạc sĩ bảo sói hãy đi theo. Đi được một lúc thì thấy ở bên đường có một cây bồ đề cổ thụ, thân cây mục rỗng thành hang. Người nhạc sĩ bảo chó sói:
– Này có thấy không, muốn học kéo đàn vĩ cầm thì hãy chui vào hang này, hai chân trước ôm chặt lấy lõi thân cây ở giữa hang.
Sói nghe lời làm theo. Người nhạc sĩ nhanh trí khuân một tảng đá lớn lấp chặn ngay cửa hang để giữ chặt sói ở thế ôm lõi thân cây. Xong rồi nhạc sĩ lang thang nói:
– Cứ đợi đấy, đến lúc nào ta quay trở lại sẽ tính.
Nói rồi ông đi đường ông.
Đi được một quãng dài, ông lại thầm nghĩ:
– Ở trong rừng sao thấy thời gian, không gian dài và bao la thế. Ta phải tìm cách gọi bạn đến cho vui mới được.
Rồi ông lấy đàn vĩ cầm ra kéo, tiếng đàn vang trong rừng cây. Chỉ một lát sau thì có một con cáo đi từ trong bụi cây ra. Thấy nó người nhạc sĩ lang thang nói:
– Tưởng ai té ra cáo, mình có mong nó đâu.
Cáo tiến lại gần người nhạc sĩ và nói:
– Ông nhạc sĩ thân mến, ông chơi sao tiếng đàn thánh thót du dương vậy, nghe tiếng đàn ông chơi tôi đâm ra muốn học chơi đàn.
Nhạc sĩ đáp:
– Học thì cũng nhanh thôi, nhưng ngươi phải làm theo đúng những điều ta dạy bảo.
Cáo nói:
– Vâng, thưa nhạc sĩ, tôi sẽ tuân theo những điều ông dạy bảo như thợ học nghề với thợ cả.
Người nhạc sĩ nói:
– Thế thì hãy đi theo ta.
Đi được một đoạn đường thì tới một chỗ mà hai bên lối đi là những hàng cây dẻ. Nhạc sĩ dừng chân ngắm nhìn, rồi ông víu bên này đường một ngọn cây, bên kia một ngọn cây, lấy chân chận lên hai ngọn cây và bảo cáo:
– Này cáo, nếu ngươi muốn học đôi chút thì hãy đưa chân trái trước đây.
Cáo nghe lời đưa chân trước phía trái, người nhạc sĩ cột chặt nó vào ngọn cây bên trái đường. Rồi ông nói tiếp:
– Nào, giờ đưa chân phải đây.
Ông buộc chặt chân phải cáo vào ngọn cây bên phải. Sau đó ông ngắm lại xem đã buộc chặt chưa, thấy đã buộc rất cẩn thận, ông thả cho hai ngọn cây đưa lên cao, cáo chỉ còn biết giãy giụa trong không trung giữa hai ngọn cây. Người nhạc sĩ lang thang nói:
– Cứ đợi đấy, đến lúc nào ta quay trở lại sẽ tính tiếp.
Nói rồi ông lại tiếp tục lên đường.
Đi được một lúc, ông lại nói thầm một mình:
– Ở trong rừng sao thấy thời gian, không gian dài và bao la thế. Ta phải tìm cách gọi người bạn khác đến cho vui.
Rồi ông lấy đàn ra kéo, tiếng đàn vang khắp rừng cây. Một con thỏ chạy tung tăng từ trong rừng ra. Thấy nó, người nhạc sĩ lang thang nói:
– Tưởng ai té ra thỏ, thỏ ta có thích đâu.
Thỏ chạy tới và nói:
– Trời, ông nhạc sĩ thân mến, ông chơi tiếng đàn thánh thót du dương vậy, nghe tiếng đàn ông chơi tôi đâm ra muốn học chơi đàn.
Người nhạc sĩ đáp:
– Học thì cũng nhanh thôi, nhưng ngươi phải làm theo đúng những điều ta dạy bảo.
Thỏ nói:
– Vâng, thưa nhạc sĩ, tôi sẽ tuân theo những điều ông bảo như thợ họcx nghề nghe lời thợ cả.
Đi được một quãng đường dài thì họ tới chỗ rừng quang đãng, ở đó có một cây hoàng diệp liễu cổ thụ. Nhạc sĩ lấy một sợi dây dài, một đầu buộc vào cổ thỏ, đầu kia buộc vào thân cây, rồi bác bảo thỏ:
– Này thỏ, gắng lên nhé, giờ chạy quanh gốc cây hai mươi lần đi.
Nghe lời, thỏ chạy quanh gốc cây hai mươi lần, dây cuộn quanh gốc cây hai mươi vòng nên chỉ còn một đoạn ngắn, thỏ bị buộc bởi đoạn dây ngắn nên chẳng chạy tung tăng được, chỉ cần kéo căng dây một chút là đã bị dây buộc cổ thít cho đau nhói cả người.
Nhạc sĩ lang thang nói:
– Cứ đợi đấy, tới lúc ta quay trở lại đây.
Nói rồi ông lại tiếp tục lên đường.
Trong lúc người nhạc sĩ tiếp tục cuộc hành trình của mình thì chó sói gắng sức đẩy lùi tảng đá, lâu dần nó cũng hích đẩy được tảng đá lăn ra ngoài. Thoát nạn, nó chạy như điên cuồng đuổi theo người nhạc sĩ lang thang và tính sẽ xé xác ông ta. Thấy sói chạy ngang qua, cáo lấy hết sức hét thật to gọi sói:
– Anh bạn sói ơi, cứu tôi với, tên nhạc sĩ lang thang đánh lừa tôi.
Sói víu ngọn cây xuống, lấy răng cắn đứt dây, thế là cáo lại tự do. Cả hai cùng lên đường và tính sẽ trả thù người nhạc sĩ. Đi đường chúng thấy một chú thỏ bị buộc bên gốc cây, chúng lại cắn đứt dây cho thỏ. Thế rồi cả ba lên đường đi tìm kẻ thù của mình.
Trong lúc chúng đang đi tìm thì cũng là lúc người nhạc sĩ kéo đàn, tiếng đàn du dương tới tai người tiều phu, bác ta ngừng tay rìu, lắng nghe xem tiếng đàn từ đâu tới. Rồi bác vác rìu trên vai cứ hướng tiếng đàn mà đi. Thấy người tiều phu, người nhạc sĩ nói:
– Giờ mới thấy người mình mong. Mình mong người tới chứ đâu có mong thú vật tới nghe.
Nói rồi ông lại tiếp tục chơi đàn, tiếng đàn du dương thánh thót làm cho bác tiều phu say sưa thả hồn theo tiếng đàn, mặt lộ rõ niềm vui say sưa ấy.
Trong lúc hai người đang đứng thì lũ sói, cáo và thỏ kéo tới. Trông thấy chúng với vẻ mặt đầy hung dữ, bác tiều phu biết ngay là chúng muốn gì rồi, bác nhấc bổng chiếc rìu sáng loáng lên vai và đứng gần người nhạc sĩ, bụng thầm nghĩ:
– Đứa nào có giỏi cứ tới gần đây, sẽ biết tay ta.
Lũ sói, cáo và thỏ thấy vậy đâm ra hoảng, chúng chạy thẳng một mạch vào trong rừng. Người nhạc sĩ lang thang dạo thêm một bản nhạc nữa để cảm ơn bác tiều phu, rồi ông lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình của mình.
9. Mười hai hoàng tử
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc kia vua và hoàng hậu sống rất hòa thuận và có mười hai người con trai rất khôi ngô tuấn tú.
Có lần, vua nói với hoàng hậu:
– Nếu đứa con thứ mười ba lại là con gái thì mười hai đứa con trai kia phải chết để cho con gái ta thừa hưởng một mình gia tài và trị vì vương quốc này.
Rồi nhà vua sai làm mười hai cái quan tài, trong chứa phoi bào và để sẵn một cái gối. Tất cả mười hai quan tài được cất giấu ở một nơi. Nhà vua trao chìa khóa cho hoàng hậu và dặn không được nói cho ai biết.
Hoàng hậu suốt ngày rầu rĩ. Đứa con trai út lúc nào cũng ở bên hoàng hậu. Đó cũng là đứa con hoàng hậu đặt tên theo kinh thánh là Benjamin. Thấy hoàng hậu lúc nào cũng có vẻ buồn buồn, hoàng tử hỏi:
– Mẹ ơi, sao mẹ lúc nào cũng buồn vậy?
Hoàng hậu bảo:
– Con yêu quý của mẹ, mẹ không được phép nói ra điều đó.
Hoàng tử hỏi luôn mồm về chuyện đó làm cho hoàng hậu phải mở cửa buồng và chỉ cho biết mười hai quan tài. Rồi hoàng hậu giải thích:
– Benjamin, con yêu của mẹ. Nhà vua đã sai làm quan tài cho con và mười một anh trai của con. Nếu người con thứ mười ba ra đời lại là con gái thì tất cả mười hai anh trai sẽ bị giết, đặt vào trong quan tài đó đem chôn.
Hoàng hậu vừa nói vừa khóc nức nở, cậu con út an ủi mẹ:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, chúng con sẽ tìm cách đi khỏi nơi này.
Hoàng hậu bảo:
– Con hãy cùng mười một anh con lẻn vào trong rừng. Các con thay phiên nhau trèo lên cây cao để canh chừng xem cờ cắm ở tháp canh hoàng cung. Nếu mẹ sinh con trai thì sẽ có cờ trắng ở tháp canh, các con có thể trở về hoàng cung. Nếu mẹ sinh con gái, sẽ có cờ đỏ ở tháp canh, lúc đó các con hãy nhanh nhanh tiếp tục lên đường. Chúa kính yêu sẽ che chở các con! Đêm khuya nào mẹ cũng cầu khẩn cho các con, để mùa đông được quây quần bên lửa sưởi ấm, mùa hè quây quần dưới bóng mát của cây cổ thụ.
Rồi người mẹ làm dấu cầu nguyện cho đàn con. Ngay sau đó mười hai anh em trai trốn vào rừng. Anh em thay nhau trèo lên cây cao quan sát tháp canh hoàng cung. Đã mười một ngày trôi qua không có cờ, ngày thứ mười hai đến lượt Benjamin thì thấy có cờ cắm ở tháp canh, nhưng không phải là cờ trắng mà là cờ đỏ, lá cờ báo tất cả mười hai anh em phải chết.
Khi biết tin, tất cả mười hai anh em đều tức giận nói:
– Tại sao chúng ta lại phải chết chỉ vì một người con gái. Chúng ta thề sẽ trả thù, người con gái đầu tiên chúng ta gặp sẽ phải đầu rơi máu chảy.
Ngay sau đó, mười hai anh em lên đường, đi vào tận sâu giữa rừng. Ở đây bóng cây che hết ánh sáng mặt trời, nên lúc nào cũng âm u. Đứng ở giữa rừng là một căn nhà nhỏ mà mụ phù thủy đã bỏ bùa. Nhìn thấy căn nhà, họ đồng thanh nói:
– Chúng ta sẽ ở đây. Benjamin là em út và là người yếu nhất thì ở nhà lo bếp núc. Còn mười một chúng ta đi săn kiếm đồ ăn.
Mười một anh trai kéo nhau đi săn chim, hoẵng đem về để Benjamin chế biến thành món ăn, ăn cho qua ngày.
Thấm thoát, họ đã sống như vậy ở trong căn nhà đã được mười năm.
Người con gái hoàng hậu sinh ra giờ đây đã trưởng thành, cô rất thương người và cũng rất xinh đẹp, trán cô có ngôi sao vàng.
Có lần, nhìn trong đống đồ đem phơi cô thấy có mười hai chiếc áo nhỏ, cô hỏi hoàng hậu:
– Mẹ ơi, mười hai chiếc áo nhỏ này của ai? Nhỏ thế thì không phải là của vua cha rồi.
Hoàng hậu buồn rầu đáp:
– Con yêu của mẹ. Đó là áo của mười hai anh trai của con.
Cô gái hỏi tiếp:
– Thế mười hai anh trai của con đâu? Con chưa nghe thấy ai nói về điều này.
Hoàng hậu bảo:
– Chỉ có Chúa Trời mới biết được nơi ở của các anh con. Các anh con đang lưu lạc khắp mọi nơi.
Rồi hoàng hậu dẫn con gái tới một căn buồng, rồi lấy khóa mở cửa và chỉ vào phòng:
– Đấy là những quan tài làm sẵn dành cho mười hai anh trai của con. Nhưng các anh đã trốn khỏi hoàng cung trước khi con chào đời.
Rồi hoàng hậu kể cho nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, công chúa nói:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, con sẽ đi tìm các anh con.
Công chúa lên đường và mang theo mười hai chiếc áo. Cô vào tận sâu trong rừng. Cô đi suốt ngày, khi trời tối thì cũng là lúc cô tới căn nhà nhỏ trong rừng sâu. Cô bước vào trong nhà thì gặp một chàng trai, người này hỏi:
– Cô ở đâu tới đây? Cô định đi đâu?
Chàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp lộng lẫy của nàng, người đã xinh đẹp lại có ngôi sao vàng ở trán. Cô gái đáp:
– Tôi là công chúa. Tôi sẽ đi cùng trời cuối đất để tìm cho bằng được mười hai anh trai của tôi.
Rồi cô giơ mười hai chiếc áo cho chàng trai xem. Benjamin hiểu ngay người đứng trước mình chính là em gái của mình. Chàng nói:
– Tôi là Benjamin, em út trong mười hai người anh của em.
Hai anh em hết sức vui mừng, vui tới mức ôm hôn nhau vừa khóc. Chàng nói:
– Còn một việc nữa. Các anh có thề nguyền, người con gái đầu tiên mình gặp sẽ phải chết, chỉ vì chuyện sinh con gái mà tất cả mười hai người phải đi trốn tránh.
Cô gái nói:
– Em sẵn sàng chết để giải thoát cho mười hai anh.
Chàng trai nói:
– Không, em không phải chết. Em hãy ẩn trong cái thùng này. Khi nào cả mười một người về, anh sẽ bàn thống nhất việc này.
Đến đêm, mười một người đi săn về. Bàn ăn đã dọn sẵn, họ ngồi quanh bàn và ăn. Họ hỏi:
– Hôm nay có chuyện gì không?
Benjamin đáp:
– Có, có chuyện mà chưa ai biết.
– Thế chuyện gì nào?
– Trong lúc các anh đi săn, em ở nhà và có chuyện.
– Thì kể tiếp đi!
– Nhưng các anh phải hứa, sẽ không giết chết người con gái đầu tiên mà mình gặp.
– Thì cũng có thể tha được. Cứ kể tiếp đi!
Lúc bấy giờ chàng nói:
– Em gái của chúng ta đang ở đây.
Rồi chàng nhấc chiếc thùng. Mọi người nhìn thấy một cô gái có vẻ đẹp lộng lẫy, ở trán lại điểm ngôi sao vàng. Mọi người hết sức vui mừng, chạy lại ôm hôn thắm thiết.
Giờ nàng ở nhà cùng với Benjamin lo công việc bếp núc. Mười một người anh trai hàng ngày đi săn thú như chim, thỏ, hoẵng đem về để chế biến thành món ăn. Cô em gái đi hái rau, nhóm bếp và nấu thức ăn, để đến khi mười một anh trai đi săn về là có ngay. Nàng còn quét dọn nhà cửa, xếp chăn giường ngay ngắn. Mười ba anh em sống rất hòa thuận.
Có lần, hai anh em nấu món thật ngon để tất cả mười ba anh em cùng ăn uống vui vẻ. Phía bên nhà là một vườn hoa nhỏ có mười hai bông huệ trắng – mà người ta vẫn thường gọi là Hoa Sinh Viên. Cô em út ra vườn hái mười hai bông huệ trắng tính để tặng mười hai anh trai. Nhưng cô vừa hái hoa xong thì cả mười hai anh đã biến thành mười hai con quạ bay vào trong rừng. Căn nhà và vườn hoa cũng biến mất. Giờ đây chỉ còn một mình cô gái đáng thương ở trong rừng. Trong lúc cô đang còn ngơ ngác thì có một bà già xuất hiện đứng ngay bên cạnh. Bà nói:
– Nào, con của ta đã làm gì đấy? Tại sao con lại hái mười hai bông huệ trắng để cho các anh con biến thành quạ?
Cô gái òa lên khóc.
– Thưa bà, thế không có cách nào giải thoát cho các anh ấy à?
– Không có cách nào khác ngoài cách con phải bảy năm câm lặng, không nói, không cười. Khi thời hạn bảy năm chưa hết, dù chỉ trước đó một giờ mà con lại mở mồm ra nói thì tất cả chỉ là uổng công. Chính lời nói đó giết các anh con.
Cô gái tự nhủ:
– Chắc chắn mình có thể giải thoát cho các anh trai.
Cô đi, đi mãi, tới chỗ một cây cổ thụ, cô trèo lên ngồi ở trên cây. Cô ngồi đan, chẳng nói mà cũng chẳng cười.
Có lần nhà vua đi săn trong rừng, con chó săn to chạy lại gốc cây cổ thụ, nó vừa chạy quanh thân cây vừa sủa. Nhà vua thúc ngựa chạy tới thì nhìn thấy trên cây có người, nhà vua hết sức ngạc nhiên về vẻ đẹp của cô gái có ngôi sao vàng ở trán. Nhà vua hỏi cô có ưng làm hoàng hậu không. Cô không nói, nhưng gật đầu.
Nhà vua thân chinh trèo lên cây, bồng cô xuống, đặt cô lên ngựa và đi về hoàng cung.
Đám cưới được tổ chức rất linh đình và tưng bừng, nhưng cô dâu chẳng nói mà cũng chẳng cười.
Nhà vua và hoàng hậu vui sống bên nhau được mấy năm thì hoàng thái hậu dè bỉu chê:
– Nó chỉ là đứa ăn mày hạ đẳng mà con đưa về nhà. Ai mà biết được nó sẽ làm những trò quỷ quái gì. Nếu nó câm thì không nói được, nhưng ít ra nó cũng nhoẻn được miệng cười. Những loại người không cười là loại thâm độc.
Lúc đầu nhà vua không muốn tin lời mẹ, nhưng nghe hoàng thái hậu nói mãi, nói hoài, rồi lại thêm thắt những chuyện tội lỗi này nọ làm cho nhà vua nản lòng chiều theo ý mẹ để cho hành hình hoàng hậu.
Giàn hỏa thiêu được đặt ở trong sân hoàng cung, nhà vua đứng bên cửa sổ, vừa nhìn vừa rơm rớm nước mắt, nhà vua trong lòng vẫn thương yêu hoàng hậu.
Hoàng hậu bị cột chặt vào cột giàn hỏa thiêu, lửa cháy ngùn ngụt, ngọn lửa bắt đầu liếm tới quần áo nàng thì đúng là lúc hạn bảy năm cũng vừa hết. Trên bầu trời có tiếng chim vỗ cánh, mười hai con quạ bay tới, sà xuống đất và hiện thành mười hai chàng trai. Họ dập ngay lửa giàn hỏa thiêu, cứu cô em gái ra khỏi nơi ấy. Rồi anh em ôm hôn nhau thắm thiết.
Giờ đây hoàng hậu có thể cười nói. Hoàng hậu liền kể cho vua nghe tại sao bấy lâu nay không nói mà cũng chẳng cười. Nhà vua rất mừng, vì hoàng hậu là người vô tội. Nhà vua và hoàng hậu sống hòa thuận tới khi khuất núi. Thái hoàng hậu thâm hiểm độc ác bị đưa ra xét xử, bị ném vào vạc dầu sôi bơi cùng lũ rắn độc và chết đáng kiếp mụ.
10. Chơi khăm kiểu gà vịt
Gà trống nói với gà mái:
– Giờ đang mùa hạt dẻ, chúng ta hãy cùng nhau lên núi ăn một bữa hạt dẻ thật thỏa thuê, kẻo chậm chân lũ sóc chúng ăn hết.
Gà mái đáp:
– Đúng đấy, chúng ta phải đi ăn một bữa cho thỏa chí.
Chúng đi dong chơi suốt ngày trên núi, các bạn ạ, tôi cũng không biết chúng đã no chán hạt dẻ chưa, nhưng trời đã tối mà chúng lại không chịu về. Gà trống làm một chiếc xe con, vừa mới làm xong thì gà mái leo ngay lên ngồi và nói:
– Giờ thì anh có thể kéo xe được rồi đấy!
Gà trống đáp:
– Kể cũng hay đấy! Thà tôi đi về nhà còn hơn là kéo xe. Nếu là người đánh xe ngựa nghe còn được, đằng này lại kéo xe tay thay ngựa. Cái đó tôi không làm.
Trong lúc hai bên đôi co với nhau, vịt đi tới, lớn tiếng quát:
– Các người quân ăn cắp, ai bảo các người lên núi ăn hạt dẻ của ta? Ta cho các ngươi biết tay!
Thế là vịt xông tới, lấy mỏ cạp gà trống, nhưng gà trống đâu có chịu thua, nó mổ, đá túi bụi vào người vịt, đau quá vịt xin thua và đành chịu kéo xe cho gà để đền tội.
Gà trống nhảy lên xe ngồi, cầm dây cương gà thúc:
– Vịt, chạy nhanh lên nào!
Chạy được một thôi đường thì gặp kim gài đầu và kim khâu. Cả hai đồng thanh gọi:
– Dừng lại! Dừng lại!
Cả hai kể rằng vì mải uống bia ở quán gần cổng thành nên về muộn, trời tối đen như mực thế này thì không biết đường nào mà về nhà, giá kể gà cho đi nhờ một đoạn thì rất cám ơn. Gà thấy hai anh bạn đường gầy nhom này cũng chẳng chiếm bao nhiêu chỗ trong xe nên đồng ý ngay, chỉ dặn lưu ý đừng để đầu kim châm vào mình.
Tới khuya thì xe tới một quán dọc đường, vịt lúc này đã mệt lả, đi bước thấp bước cao, chân nam đá chân chiêu, cả đoàn thấy vậy nên bảo vịt dừng xe. Lúc đầu chủ quán viện đủ mọi lý do, nào nhà chật, nào khách quá đông nên không còn chỗ, nhưng nghe gà vịt nói ngon ngọt, chúng hứa sẽ đưa cho chủ nhà trứng do chị gà mái mới đẻ, và cả quả trứng mà sớm mai vịt sẽ đẻ nữa là hai. Thấy có lợi nên chủ nhà đồng ý cho nghỉ qua đêm. Chúng bảo chủ quán dọn cho một bữa thịt rượu ăn cho thoải mái. Ăn xong cả đoàn đi ngủ. Sớm tinh mơ ngày hôm sau, khi mọi người đang ngủ say thì gà trống đã đánh thức gà mái, cả hai mổ trứng ăn tráng miệng rồi vứt vỏ trứng vào bếp. Rồi cả hai tới chỗ kim khâu đang ngủ, khênh kim khâu giấu vào trong nệm ghế bành, khênh kim gài đầu găm vào khăn rửa mặt. Mọi việc xong xuôi, gà rủ nhau bay thẳng một mạch tới thảo nguyên bên rừng. Vịt ngủ ngoài sân nghe tiếng gà chọi nhau liền thức giấc và cũng vươn vai bay luôn tới con suối ở trong rừng, nó thấy bơi trong nước thoải mái hơn là chạy bộ kéo xe.
Mấy tiếng đồng hồ sau chủ quán mới thức giấc, dậy đi rửa mặt, lấy khăn lau mặt thì bị kim khâu kéo xoạc một vạch từ tai bên này tới tai bên kia. Xuống bếp để châm mồi lửa hút thuốc thì vỏ trứng bắn tung lên mặt, chủ quán la:
– Trời, sao sáng nay thứ gì cũng nhằm đầu tôi mà lao vào!
Vừa mới đặt đít ngồi xuống ghế bành chủ quán đã đứng bật dậy và la:
– Trời, sao mà đâm đau thế!
Kim khâu đâm cho một cú đau như trời giáng.
Lồng lộn lên một lúc chủ quán mới nghĩ ra, chỉ có lũ khách tối qua chứ chẳng phải ai nữa. Tìm khắp mọi nơi chẳng thấy bóng một vị khách nào. Chủ quán thề từ nay không bao giờ cho những loại khách như gà vịt ngủ trọ nữa, chúng ăn tốn kém mà lại còn làm chuyện chơi khăm.
11. Anh và em gái
Anh cầm tay em gái dắt đi và thủ thỉ:
– Từ ngày mẹ mất, anh em mình không có lúc nào được vui sướng. Ngày nào mẹ ghẻ cũng đánh đập, hễ cô đến gặp bà ta để cầu xin cái gì đó thì bà ta thượng cẳng chân hạ cẳng tay đuổi đi. Ăn thì chỉ có mấy miếng bánh mì đầu thừa đuôi thẹo đã khô cứng. Con chó con nằm dưới gầm bàn còn sướng hơn anh em mình, thỉnh thoảng còn được mẹ ghẻ vứt cho một miếng ngon. Mong trời thương hại mà phù hộ để mẹ chúng mình biết được tình cảnh này của anh em ta! Ta đi em ạ, anh em mình cùng nhau đi nơi khác thôi em ạ.
Hai anh em đi suốt ngày, qua đồng cỏ, ruộng nương, qua những nơi đất đá gồ ghề. Khi trời đổ mưa, người em gái nói:
– Trời thương mà khóc cùng anh em mình!
Chiều tối, hai anh em tới một cánh rừng rộng, cả hai đều mệt mỏi vì buồn chán, vì đói và vì đường xa nên chui ngay vào hốc cây mà ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi hai anh em bừng mắt dậy thì mặt trời đã lên cao, ánh nắng oi bức chiếu vào hốc cây. Lúc đó người anh nói:
– Em ạ, anh khát quá. Hễ gặp suối là anh đi uống ngay lập tức. Anh nghe thấy hình như có tiếng nước chảy róc rách đâu đây?
Anh đứng dậy, dắt tay em đi tìm suối. Mẹ kế độc ác vốn là một mụ phù thủy. Mụ thấy hai đứa trẻ trốn đi liền bí mật rón rén lần theo chúng. Mụ phù phép tất cả các suối ở trong rừng.
Hai anh em thấy một con suối, nước chảy như thác bạc xuống đá. Anh muốn xuống bờ suối uống nước, nhưng em gái nghe như có tiếng rì rào trong suối vọng lên.
– Ai uống nước suối sẽ hóa ra cọp! Ai uống nước suối sẽ hóa ra cọp!
Ngay lúc đó, em gái bảo anh:
– Anh ơi, em xin anh, anh đừng uống, kẻo anh lại biến thành thú dữ xé xác em mất.
Mặc dù đã khát đến cháy cổ nhưng anh cũng không uống. Anh nói:
– Thôi, đợi đến suối sau vậy.
Khi hai anh em tới suối thứ hai, người em gái nghe thấy tiếng vọng ra từ dòng nước:
– Ai uống nước suối sẽ hóa thành chó sói! Ai uống nước suối sẽ hóa thành chó sói!
Ngay lúc đó, em gái bảo anh:
– Anh ơi, em xin anh đừng uống kẻo lại hóa thành chó sói ăn thịt em.
Anh trai đành không uống và nói:
– Anh cố nhịn tới khi anh em mình thấy con suối khác. Lúc ấy em muốn nói gì thì nói, thế nào anh cũng phải uống cái đã, anh khát tới kiệt sức mất.
Rồi khi hai anh em tới bên bờ suối thứ ba, em gái nghe thấy giọng người nói trong nước chảy róc rách:
– Ai uống nước suối sẽ hóa thành con mang! Ai uống nước suối sẽ hóa thành con mang!
Em gái bảo:
– Trời, anh ơi, em xin anh, anh đừng uống, kẻo lại hóa thành con mang bỏ em mà chạy.
Nhưng thấy nước, người anh quỳ ngay gối, cúi xuống uống nước. Những giọt nước đầu tiên vừa mới qua môi thì anh trai đã biến thành con Mang nằm ngay bên bờ suối.
Lúc đó người em khóc than thương hại người anh xấu số đã bị phù phép. Con Mang cũng khóc lóc, rên rỉ nằm bên cạnh. Mãi sau người em gái nói:
– Anh Mang thân yêu, anh cứ yên tâm, em sẽ không bao giờ rời anh một bước.
Rồi em tháo nịt vàng ra buộc vào cổ Mang, lại đi nhổ cói tết thành một sợi dây mềm để dắt Mang đi, đi hoài, đi mãi vào tận trong rừng sâu. Người và vật đi mãi thì tới một căn nhà nhỏ. Nhìn vào thấy nhà bỏ không, em gái nghĩ bụng có thể ở lại đây được. Rồi em đi tìm rêu và lá vàng khô để làm một cái đệm mềm cho Mang. Sáng sáng, em gái đi tìm các loại củ, dâu dại và hạt dẻ. Em mang cỏ non về cho Mang, đút cho Mang ăn. Mang vui thích nhảy nhót quanh em. Buổi tối, khi đã mệt, em gái gối đầu vào lưng Mang ngủ một giấc ngon lành. Nếu như anh biến thành người được thì cuộc đời của hai anh em thật là sung sướng.
Họ sống quạnh hiu như vậy trong rừng hoang một thời gian dài. Có lần nhà vua tổ chức một cuộc săn lớn trong rừng. Tiếng tù và, chó sủa và tiếng người đi săn hò hét cười đùa vang cả cánh rừng. Mang nghe thấy cũng muốn nhập cuộc quá đi mất. Mang bảo em gái:
– Trời, em hãy để cho anh nhập cuộc săn. Anh không tài nào nhịn được nữa.
Mang van nài cho tới khi em gái bằng lòng mới thôi.
Em nói với Mang:
– Nhưng thế nào chiều tối anh cũng phải về nhé. Em đóng cửa để phòng đám thợ săn hung bạo kia. Để nhận ra anh, anh nhớ gõ cửa và nói: “Em gái của anh, mở cửa anh nào!.” Nếu anh không nói thế thì em không mở cửa đâu nhé!
Rồi Mang ra ngoài, tung tăng nhảy trong bầu không khí mát lành. Vua và quần thần thấy con Mang đẹp, đuổi theo nhưng không kịp. Lúc tưởng là bắt được đến nơi thì bỗng nhiên Mang nhảy vọt qua bụi cây um tùm và biến mất. Khi trời đã tối, Mang về nhà, gõ cửa nói:
– Em gái của anh, mở cửa anh nào!
Thế là cánh cửa mở toang, Mang nhảy vào nhà nằm nghỉ suốt đêm trên đệm mềm êm ấm.
Sáng hôm sau, cuộc săn lại bắt đầu. Khi Mang lại nghe thấy tiếng tù và, tiếng hò la của đám thợ săn, lòng lại rộn rực. Mang nói:
– Em ơi, mở ngay cửa cho anh. Thế nào anh cũng phải ra mới được.
Em gái mở cửa cho Mang ra và bảo:
– Nhưng khi trời tối là anh phải có mặt ở nhà đấy. Anh nhớ gõ cửa gọi như lời em dặn nhé!
Vua và quần thần vừa thấy con Mang đeo vòng vàng là tất cả đuổi theo liền, nhưng Mang nhanh trí và chạy nhanh hơn họ. Cuộc vây bắt kéo dài cả ngày, đến tối thì những người đi săn vây được Mang. Một người bắn trúng chân Mang, Mang bị thương nhẹ, khập khiễng chạy không được nhanh lắm. Một người thợ săn lần theo Mang đến tận căn nhà nhỏ, nghe thấy Mang gọi:
– Em gái của anh, mở cửa anh vào!
Người ấy thấy cửa mở ra, rồi đóng lại liền. Người thợ săn nhớ kỹ những điều tai nghe mắt thấy, rồi kể lại cho vua biết. Nghe xong, vua phán:
– Ngày mai lại đi săn nữa!
Em gái thấy Mang bị thương thì sợ lắm, lau sạch máu ở vết thương, lấy lá đắp lên và bảo:
– Mang thương, hãy đi nằm để cho vết thương chóng lành.
Nhưng vết thương cũng nhẹ nên sớm hôm sau Mang không thấy đau gì cả. Thấy ở bên ngoài, cuộc săn lại nhộn nhịp cả cánh rừng, Mang bảo:
– Mang không nhịn được nữa đâu, Mang phải nhập cuộc. Không ai bắt nổi Mang đâu.
Em gái khóc và bảo:
– Lần này thì họ giết chết anh mất, rồi em ở một mình trong căn nhà này trong rừng, em bị bỏ bơ vơ không ai biết đến. Em không để anh ra nữa.
– Ở lại đây thì Mang cũng buồn mà chết. Mỗi khi nghe tiếng tù và là lòng Mang lại rộn lên thấy mình phải nhảy ngay ra.
Lúc đó người em gái không còn cách nào khác là mở cửa mà lòng nặng lo âu. Mang nhanh nhẹn, vui vẻ chạy vào rừng.
Thấy Mang, vua ra lệnh cho các người đi săn:
– Giờ phải đuổi săn cho bằng được con Mang ấy, đuổi cả ngày lẫn đêm luôn, nhưng không ai được bắn.
Mặt trời vừa lặn thì vua bảo người thợ săn:
– Ngươi dẫn đường và chỉ cho ta căn nhà nhỏ trong rừng.
Tới cửa căn nhà trong rừng, vua gõ và gọi:
– Em gái của anh, mở cửa anh vào!
Cánh cửa từ từ mở, vua bước vào. Đứng trong nhà là một cô gái đẹp tuyệt trần, vua chưa từng thấy ai đẹp như vậy. Cô sợ quá, vì không thấy Mang của mình bước vào mà lại là một người đàn ông đội vương miện vàng trên đầu. Nhưng vua nhìn cô với dáng vui vẻ, dịu dàng, cầm tay cô và nói:
– Nàng có muốn theo ta về cung làm hoàng hậu không?
Cô gái đáp:
– Thiếp xin vâng, nhưng phải cho Mang đi cùng, thiếp không bỏ Mang được.
Vua nói:
– Mang sẽ ở bên nàng suốt đời và sống trong nhung lụa không thiếu thốn một thứ gì.
Giữa lúc ấy thì Mang nhảy vào. Cô gái lấy dây buộc Mang, dắt Mang ra khỏi căn nhà trong rừng.
Vua đón cô gái xinh đẹp lên ngựa của mình, đưa cô về cung, làm lễ cưới linh đình, trọng thể. Giờ thì cô là hoàng hậu, hai vợ chồng sống bên nhau thật hạnh phúc. Mang được chăm nom, săn sóc, nhảy nhót vui đùa trong vườn thượng uyển.
Mụ dì ghẻ độc ác đinh ninh rằng đứa con gái đã bị thú dữ trong rừng xé xác ăn thịt và con Mang – người anh trai – đã bị thợ săn bắn chết. Khi mụ được tin cả hai đều sống sung sướng và hạnh phúc thì cơn ghen tức trong lòng mụ lại nổi lên làm mụ mất ăn mất ngủ. Trong thâm tâm, mụ chỉ có ý nghĩ duy nhất là làm thế nào hãm hại hai anh em. Con gái cưng của mụ xấu như ma lem, trông mặt tối sầm như đêm tối, lại chột một mắt, nó vùng vằng đòi:
– Con phải là hoàng hậu cơ, vì số con là như vậy.
Mụ phù thủy già an ủi con:
– Cứ yên trí! Hễ có dịp là tao ra tay ngay!
Ngày tháng trôi qua, hoàng hậu sinh được một đứa con trai khôi ngô tuấn tú. Trong lúc vua đi săn vắng, mụ phù thủy già hóa phép biến thành một nữ tỳ vào phòng hoàng hậu và nói:
– Tâu lệnh bà, nước tắm đã sẵn sàng, mời bà đi tắm cho người nhẹ nhõm, tươi trẻ lại, lệnh bà đi ngay kẻo nước nguội.
Con gái mụ đứng sẵn đó. Hai mẹ con khiêng hoàng hậu hãy còn yếu mệt đặt vào bồn tắm, khóa cửa buồng tắm lại, rồi bỏ đi. Chúng hun lửa ở ngoài, để khói bay vào trong buồng tắm, chẳng mấy chốc sau hoàng hậu trẻ đẹp đã bị chết ngạt.
Làm xong việc đó, mụ phù thủy choàng khăn đội cho con gái mình, đặt con gái mình vào giường thay chỗ hoàng hậu. Mụ hóa phép cho con gái mình có dáng người và bộ mặt y hệt hoàng hậu, duy chỉ có con mắt chột mụ không sao chữa được. Để cho vua không nhận ra điều đó, con gái mụ nằm nghiêng phía có mắt hỏng vào tường.
Buổi tối, khi đi săn về, vua nghe nói hoàng hậu sinh con trai thì vô cùng mừng rỡ, định lại bên giường người vợ yêu quý thăm hỏi. Mụ già vội nói:
– Chớ chớ! Xin bệ hạ chớ có kéo rèm lên. Hoàng hậu chưa quen với ánh sáng chói chang được đâu, người đang cần được tịnh dưỡng.
Vua lui ra, không biết là có hoàng hậu giả nằm trong giường.
Đến nửa đêm, khi mọi người đều ngủ, người bảo mẫu ngồi thức một mình bên nôi hoàng tử thấy cửa mở ra, hoàng hậu thật bước vào. Bà bế con ở nôi ra, ẵm hoàng tử trên tay, rồi cho bú. Rồi bà giũ gối cho con, đặt con vào trong nôi và đắp chăn cho con. Bà cũng không quên con Mang. Bà đến góc phòng nơi Mang nằm và vuốt lưng nó. Sau đó, bà lẳng lặng bước ra khỏi cửa. Sáng hôm sau, người bảo mẫu hỏi lính canh có thấy ai ban đêm vào cung không. Lính canh đáp:
– Không, chúng tôi không nhìn thấy một ai cả.
Đã nhiều đêm hoàng hậu đến như vậy nhưng không bao giờ nói một lời nào. Lần nào, người bảo mẫu cũng nhìn thấy bà, nhưng không dám nói hở cho ai biết.
Sau một thời gian, hoàng hậu bắt đầu nói trong đêm khuya:
– Con mẹ biết làm gì rồi? Mang của ta ra sao? Ta chỉ còn đến đây hai lần nữa, rồi không bao giờ tới nữa.
Người bảo mẫu không trả lời hoàng hậu, nhưng khi bà biến đi, người bảo mẫu tới tìm nhà vua, kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua phán:
– Trời ơi! Sao lại có chuyện thế nhỉ? Đêm sau trẫm sẽ thức bên nôi hoàng tử.
Đến tối, vua vào buồng hoàng tử. Đúng nửa đêm, hoàng hậu lại hiện về và nói:
– Con mẹ biết làm gì rồi? Mang của ta ra sao? Ta chỉ còn đến đây một lần nữa, rồi không bao giờ trở lại.
Trước khi biến mất, hoàng hậu đến bên nôi săn sóc con như thường lệ. Vua không dám lên tiếng gọi hoàng hậu. Nhưng đêm sau vua thức nữa, lại nghe tiếng hoàng hậu nói:
– Con mẹ biết làm gì rồi? Mang của ta ra sao? Ta chỉ đến đây lần này, rồi không bao giờ tới nữa.
Lần này, vua không kiềm chế mình được nữa, liền chạy lại phía hoàng hậu và nói:
– Nàng không phải ai khác mà chính là vợ yêu quý của ta!
Lúc đó, hoàng hậu đáp:
– Vâng, đúng thế, chính em là vợ yêu quý của nhà vua.
Vừa lúc đó thì nàng sống lại, tươi tỉnh, hồng hào và khỏe mạnh. Ngay sau đó, nàng kể cho vua nghe tội lỗi của mụ phù thủy độc ác và con gái mụ.
Nhà vua cho đem hai mẹ con mụ dì ghẻ ra xét xử. Chúng bị xử trảm. Án tử xong thì con Mang lại hiện nguyên hình thành người. Hai anh em cùng nhau sống sung sướng trọn đời.