Quyển 2 – Chương 105: Eupithès đòi trả thù, nữ thần Athéna hòa giải

Nữ thần Tiếng đồn, người đưa tin nhanh nhẹn của thần Zeus có nhiều mắt, lắm mồm, chứng kiến cảnh lũ cầu hôn bị trừng trị đã chạy khắp nơi khắp chốn trong thành kể lại cái chết khủng khiếp của bọn chúng, số phận bất hạnh của bọn chúng. Thân nhân của những kẻ bị giết nghe tin, lập tức mọi đường mọi nẻo kéo nhau đến gào thét, khóc than trước cửa lâu đài của Ulysse. Họ mang thi hài của bọn cầu hôn ra khỏi sân và làm lễ tang chôn cất chúng. Thi hài của những kẻ ở đô thành khác không ở trên hòn đảo Ithaque thì được đưa xuống những con thuyền chạy nhanh và những người đánh cá đảm đương trách nhiệm đưa thi hài của người đô thành nào về đô thành ấy.

Khi việc chôn cất đã xong xuôi, những người Ithaque kéo nhau đến quảng trường họp, lòng bừng bừng căm giận. Eupithès là người đầu tiên đứng lên cất tiếng nói trước hội nghị. Bởi vì ông ta có con bị giết, và con ông là Antinoos, người đầu tiên trong số bọn cầu hôn bị Ulysse thần thánh giết chết. Đứng lên vừa khóc con vừa nói, ông ta kêu gọi trả thù. Những người Ithaque bị kích động lòng bừng bừng phẫn nộ, quyết lấy máu rửa hờn, đòi trả nợ máu. Nhưng Médon, người truyền lệnh khôn ngoan đứng lên can ngăn họ. Ông nói cho mọi người biết việc Ulysse trừng phạt bọn cầu hôn là theo ý muốn của thần thánh. Chính một vị thần đã xuống giúp đỡ Ulysse, khích lệ Ulysse và làm cho bọn cầu hôn kinh hồn táng đởm chẳng có đầu óc và sức lực nào mà giao tranh với Ulysse. Tiếp lời người truyền lệnh Médon là lão anh hùng Halitherses. Trong tất cả những người Ithaque, ông nổi danh vì tài hiểu biết. Ông chẳng những thông hiểu quá khứ mà còn đoán trước được tương lai. Ông lấy lời lẽ ân cần thuyết phục mọi người, chỉ ra cho mọi người thấy lỗi lầm của họ là đã không ngăn cản việc làm rồ dại, bất công của con em mình. Ông khuyên mọi người đừng nên gây chuyện với Ulysse vì như thế là chuốc tai họa vào thân. Sau khi nghe Médon và Halitherses nói, quá nửa đám người dự hội nghị ở quảng trường kéo nhau ra về. Số còn lại dưới sự cầm đầu của Eupithès, nghe theo lời kích động của hắn, lập tức bảo nhau đi lấy vũ khí, võ trang khiên giáp sáng ngời hùng hùng hổ hổ kéo nhau đi báo thù.

Nữ thần Athéna chẳng rời mắt khỏi những diễn biến ở hòn đảo Ithaque dưới quyền cai quản của người anh hùng danh tiếng Ulysse. Nàng lập tức lên thiên đình tường trình mọi việc cho đấng phụ vương Zeus được biết để xin người quyết định: chiến tranh hay hòa giải. Thần Zeus không muốn cuộc tranh chấp kéo dài. Thần phán truyền cho nữ thần Athéna biết chủ kiến của mình. Nữ thần Athéna được lệnh của Zeus liền băng mình khỏi đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ để xuống Ithaque.

Trong khi đó dưới sự cầm đầu của Eupithès, một khối người đông đảo lao nhọn chĩa nhăm nhăm về phía trước, tiến đến cung điện của Ulysse. Thấy vậy, Ulysse cùng con trai là Télémaque và các gia nhân lập tức khoác khiên vào vai, đeo kiếm bên sườn, lao nhọn cầm tay sẵn sàng nghênh chiến. Cả lão vương Laerte và ông già Dolios, người bạn thân thiết của lão vương, lúc này đã trở về đô thành, cũng vũ trang khiên giáp sáng ngời. Ulysse dẫn đầu, mọi người tiến bước theo sau. Nữ thần Athéna đến bên lão vương Laerte khích lệ cụ, và cụ đã giáng đòn đầu tiên khai chiến. Được nữ thần Athéna truyền cho sức mạnh, cụ giương ngọn lao dài lên đầu, ngả người về phía sau lấy đà rồi phóng mạnh. Ngọn lao bay đi trúng đầu Eupithès. Chiếc mũ trụ bằng đồng chẳng ngăn nổi mũi lao nhọn xuyên mạnh từ bên này sang bên kia. Eupithès đổ xuống không kêu được một tiếng. Thế là Ulysse và các bạn chiến đấu xông vào đám người đông đảo đâm chém. Chúng lần lượt ngã xuống rên la. Bỗng nhiên một tiếng thét ầm vang nổi lên khiến cho quân sĩ hai bên đều rùng mình kinh hãi. Nữ thần Athéna hiện ra trên bầu trời, ngay trên đầu họ truyền phán:

– Hỡi nhân dân Ithaque! Hãy chấm dứt cuộc giao tranh khủng khiếp này ngay! Đừng làm máu chảy đầu rơi thêm nữa! Hãy ngừng chiến ngay lập tức!

Thần Zeus, để làm cho lời nói của nữ thần Athéna thêm phần hiệu quả, liền vung tay. Một đòn sấm sét rung chuyển trời đất giáng xuống ngay trước mặt quân sĩ hai bên. Bên Ulysse lập tức thu quân. Còn bên Eupithès thì như rắn mất đầu vứt vũ khí cuống cuồng bỏ chạy.

Từ đây một cam kết thiêng liêng giữa hai phe đã xóa bỏ mối thù giữa họ với nhau, và mọi người sống hòa hiếu trong tình bằng hữu. Công lao tạo dựng nên sự nghiệp này là của nữ thần Athéna, con gái của đấng phụ vương Zeus.

Quyển 2 – Chương 106: Chuyện về Agamemnon và người con trai, Oreste

Agamemnon bị mưu sát

Việc hoàng tử Paris con của lão vương Priam ở thành Troie sang đất Hy Lạp quyến rũ nàng Hélène xinh đẹp, vợ của người anh hùng Ménélas, đã gây nên một sự căm phẫn trong toàn dân Hy Lạp. Các vị anh hùng theo lời kêu gọi của anh em Atrides tức Agamemnon và Ménélas, đều đồng thanh nhất trí cất quân sang thành Troie hỏi tội lũ người đã xúc phạm đến danh dự và truyền thống quý người trọng khách của người Hy Lạp, đòi bằng được nàng Hélène về. Agamemnon được cử làm Tổng Chỉ huy, thống lĩnh các đạo quân trên toàn đất Hy Lạp vượt biển tiến hành cuộc viễn chinh.

Từ biệt người vợ trẻ đẹp là nàng Clytemnestre ra đi, Agamemnon an ủi nàng và hứa: Chừng nào mà thành Troie bị hạ, quân Hy Lạp giành được toàn thắng, thì chàng lập tức báo tin ngay về nhà để Clytemnestre biết. Cách báo tin như sau: Quân lính theo lệnh chàng sẽ đốt một đống lửa thật to trên một ngọn núi cao. Nhận được tín hiệu này, các nơi sẽ lại đốt lửa, cứ thế ngọn lửa từ ngọn núi này truyền tin cho ngọn núi khác. Chẳng bao lâu ở cung điện của chàng tại đô thành Argos mọi người có thể biết tin thành Troie đã thất thủ, quân Hy Lạp đại thắng, biết rất nhanh, và Clytemnestre có thể yên tâm tính ngày để chuẩn bị đón chàng.

Nhưng cuộc Chiến tranh Troie không thể kết thúc chóng vánh. Các vị thần đã quyết định: Quân Hy Lạp phải mất mười năm trời giao tranh, vây hãm thành Troie, phải hao binh tổn tướng kể có hàng ngàn người, mới có thể giành được toàn thắng.

Và bây giờ đang là năm thứ mười của cuộc chiến tranh. Kể từ năm này, nữ hoàng Clytemnestre đêm nào cũng sai một tên quân hầu leo lên mái cao của tòa lâu đài để canh chờ, ngóng đợi ánh lửa tín hiệu chiến thắng. Ròng rã suốt đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, người lính đêm đêm căng mắt dõi nhìn vào bóng tối. Mệt mỏi, mỗi khi ngả mình xuống chiếc ổ ướt đẫm sương đêm, anh lính không dám buông mình cho giấc ngủ ngon lành lôi cuốn. Anh sợ hãi giấc ngủ sẽ làm anh phạm tội. Buồn chán, anh than vãn cho cảnh gia đình của chủ tướng Agamemnon chẳng còn cái nền nếp như xưa. Anh chỉ có một ước ao, mong sao cho cái ánh lửa tín hiệu chiến thắng xuất hiện, xuất hiện sớm ngày nào hay ngày ấy để chấm dứt cho anh nỗi vất vả nhọc nhằn, nhưng có lẽ người trông chờ, mong đợi cái ánh lửa tín hiệu chiến thắng, nung nấu nhất, khắc khoải nhất chẳng phải là anh lính gác, mà là nữ hoàng Clytemnestre.

Thế rồi vào một đêm ánh lửa xuất hiện. Người lính gác trên nóc lâu đài bỗng nhìn thấy ánh lửa rực sáng lên từ phía xa. Khi đó đêm đen đang nhạt dần và bình minh sắp đến. Ánh lửa xuất hiện xa xa ở dãy núi trước mặt mới đầu sáng lóe, chập chờn rồi ngày càng bùng to lên bốc cao lên. Đích thực là ánh lửa tín hiệu chiến thắng rồi! Người lính gác reo to lên, kêu gào lên cho mọi người trong đô thành được biết: Thành Troie đã bị hạ! Thành Troie đã bị hạ! Ngọn lửa báo tin chiến thắng đang bùng cháy kia kìa! Chủ tướng Agamemnon sắp trở về! Chủ tướng Agamemnon sắp trở về! Người lính gác sung sướng, mừng rỡ đến trào nước mắt. Thế là cuộc Chiến tranh Troie đã kết thúc. Rời nóc tòa lâu đài, chạy vội đến nơi nữ hoàng Clytemnestre đang nghỉ để trình báo tin vui.

Nhận được tin chiến thắng, Clytemnestre ra lệnh cho các nữ tỳ mau mau sắm sửa lễ vật để tạ ơn thần thánh. Bà ta tỏ vẻ vui mừng khôn xiết nhưng thật ra trong thâm tâm mưu tính một vụ sát nhân hiểm độc. Cuộc Chiến tranh Troie kéo dài đằng đẵng hết năm này qua năm khác, Clytemnestre không chế ngự được nỗi buồn khi vắng chồng nên đã thay lòng đổi dạ. Bà đem lòng yêu Égisthe, một hoàng tử con của Thyeste. Hai người đã ăn ở với nhau ngay trong cung điện từ nhiều năm nay. Vì thế nếu Agamemnon trở về thì thật nguy hiểm. Chắc chắn rằng không thể che giấu Agamemnon câu chuyện phản bội đó được. Như lời phán truyền của thần thánh: Thành Troie sẽ bị hạ vào năm thứ mười, và đương nhiên Agamemnon sẽ trở về. Clytemnestre phải tính chuyện này. Nàng mong đợi cái ánh lửa chiến thắng kia nung nấu trong lòng là để lo liệu chuyện đó cho yên. Tình thế bức bách này nếu không hạ sát Agamemnon thì chắc rằng Agamemnon cũng chẳng tha nàng. Lối thoát duy nhất để cứu mạng mình là phải hạ thủ Agamemnon ngay, không để cho Agamemnon biết chuyện mà nổi giận giáng đòn trừng phạt xuống số phận mình. Clytemnestre đã suy tính như thế.

Được tin thành Troie bị hạ, Agamemnon sắp trở về, nhân dân trong đô thành Argos liền kéo đến tụ tập trước cung điện để bày tỏ niềm vui. Người người nhà nhà đều hân hoan chuẩn bị lễ đón mừng vị vua của họ, người lãnh sứ mạng Tổng Chỉ huy các đạo quân Hy Lạp, trở về với vinh quang rực rỡ của chiến thắng. Các vị bô lão muốn lễ đón chủ tướng Agamemnon phải được tổ chức rất trọng thể ở trong cung điện. Tuy nhiên các vị vẫn còn ngờ vực. Các vị chưa thật tin vào ánh lửa tín hiệu đó. Biết đâu, chuyện đó chẳng phải là trò chơi nguy hiểm của các vị thần? Và làm sao mà có thể biết tin nhanh đến thế? Nữ hoàng Clytemnestre thuật lại mật hiệu mà chồng bà, chủ tướng Agamemnon trước khi lên đường, dặn lại. Bỗng một người đưa tin đến báo: đoàn quân chiến thắng dưới sự thống lĩnh của chủ tướng Agamemnon sắp tới. Clytemnestre tỏ vẻ hết sức xúc động trước thông báo của người lính truyền tin. Bà vội vã vào cung điện để sắm sửa những lễ nghi đón tiếp cho xứng đáng với danh dự và chiến công của chồng bà, nhưng thực ra bà cũng đồng thời chuẩn bị cho việc thực thi âm mưu ám hại người chồng.

Chẳng bao lâu đoàn xe của đại quân xuất hiện. Agamemnon oai phong lẫm liệt trên cỗ chiến xa dẫn đầu đoàn quân chiến thắng. Các chiến sĩ hùng dũng tiến bước sau những cỗ chiến xa. Họ đội trên đầu, quàng vào cổ những vòng nguyệt quế cũng như nhiều thứ lá, thứ hoa đẹp khác nữa để biểu thị niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Theo sau họ là những nữ tù binh cùng với những chiếc xe chất đầy của cải chiến lợi phẩm. Ngay chủ tướng Agamemnon cũng có một nữ tù binh dùng làm tỳ thiếp. Đó là nàng Cassandre có tài tiên đoán, con của lão vương Priam. Nàng ngồi trên cỗ xe đi kề bên Agamemnon, mặt buồn rười rượi. Nàng buồn cho số phận bất hạnh của mình và hai đứa con còn măng sữa. Nàng buồn hơn nữa cho tai họa mà nàng đã tiên đoán thấy sắp giáng xuống đầu Agamemnon mà nàng không cách gì cứu vãn được. Nhân dân đứng hai bên đường tung hô, hết đợt này đến đợt khác những lời chúc tụng, ngợi ca đoàn quân anh hùng. Niềm vui rạng rỡ trên từng khuôn mặt, từng khóe mắt, nụ cười. Nhiều người xúc động đến trào nước mắt.

Clytemnestre đích thân ra đón chồng từ ngoài cung điện. Bà đã ra lệnh cho gia nhân trải thảm đỏ suốt một quãng đường khá dài. Bà đón chồng với những nghi lễ trọng thể như những nghi lễ người ta thường hiến dâng cho các vị thần.

Agamemnon từ trên xe bước xuống. Ông kính cẩn cúi chào mảnh đất quê hương Argos. Ông bày tỏ lòng cảm ơn các vị thần đã phù hộ cho ông giành được chiến thắng trong cuộc giao tranh và ban cho ông niềm hạnh phúc tuyệt diệu là có được ngày hôm nay. Ông cầu xin quê hương, tổ tiên, các vị thần đã ban cho đạo quân Argos vinh quang của chiến thắng thì hãy gìn giữ vinh quang đó mãi mãi. Ông tỏ ý hài lòng trước những nghi lễ đón tiếp ông quá trọng thể, Ông nói với Clytemnestre:

– Hỡi Clytemnestre, người con gái của nàng Léda xinh đẹp! Nàng đã tổ chức lễ đón tiếp ta quá ư xa hoa và trọng thể. Nàng đã trải thảm đỏ dưới chân ta. Những lễ nghi như vậy vốn không phải dành cho những người trần thế đoản mệnh. Chỉ các bậc thần linh bất tử mới xứng đáng với những nghi lễ ấy. Còn ta, ta chỉ là một người trần tục, một người trần tục bình thường. Nếu ta đặt chân lên tấm thảm đó thì chính là ta đã tự mua thù chuốc oán vào người. Lẽ nào ta không biết điều đó? Lẽ nào ta lại không biết sợ phạm vào tội ngạo mạn, kiêu căng khi đặt chân lên tấm thảm đỏ được thêu dệt rất công phu này? Hỡi Clytemnestre! Ta muốn được tôn kính hợp với tư cách và cương vị của ta: Một con người chuẩn mực không phải một vị thần bất tử.

Nhưng Clytemnestre cố sức thuyết phục Agamemnon tiếp nhận nghi lễ đón tiếp đã dành cho ông. Agamemnon đành nhượng bộ song ông quyết định tháo dép, đi chân không lên tấm thảm đỏ vô cùng quý giá để vào cung điện. Ông cho rằng hành động như vậy sẽ không gây nên sự giận dữ, ghen tức của thần linh. Còn Clytemnestre, trước khi nối gót theo bước chân chồng vào cung điện, bà khẩn cầu thần Zeus phù hộ cho bà, hoàn tất những điều bà mong muốn. Bà lại còn xin thần hãy suy nghĩ đến những điều mà thần cần phải tiếp tục phù hộ cho bà để mong muốn của bà được hoàn tất trọn vẹn, mỹ mãn. Bà không quên ra lệnh cho Cassandre vào cung điện. Nhân dân vẫn đứng chờ ở ngoài cung điện. Không ai muốn ra về. Dường như họ linh cảm thấy có một điều gì chẳng lành sẽ xảy ra, sắp xảy ra đối với quê hương, đất nước họ.

Cassandre mặc dù được lệnh phải vào cung điện ngay, nhưng nàng vẫn nấn ná đứng ở ngoài. Tài tiên đoán của nàng chẳng giúp ích gì được cho ai, ngay cho bản thân nàng. Nàng đã tha thiết khuyên can Agamemnon, người chủ của mình và cũng đồng thời là người bạn tình của mình, đừng nên trở về quê hương, nhưng không được. Giờ đây nàng biết rõ tai họa thảm thương không chỉ giáng xuống đầu Agamemnon mà còn giáng xuống cả số phận đen bạc của nàng. Nàng nói lên những điều dự cảm đen tối cho mọi người nghe. Nàng nhắc đến mối thù dòng họ giữa hai anh em Atrée và Thyeste ăn thịt con. Nàng nói thẳng ra rằng chủ tướng Agamemnon sẽ bị giết. Nàng than khóc cho số phận của mình, và trước khi đi vào cung điện để đón nhận cái chết, nàng bẻ gãy cây vương trượng và dứt những tua vải của nó ra vứt xuống đất.

Bỗng từ trong cung điện vang ra một tiếng kêu kinh hoàng:

– Trời ơi! Họ giết tôi! Tôi bị đâm chết rồi! Trời ơi!

Một sự im lặng bao trùm lên không khí ở ngoài cung điện, nơi nhân dân vẫn đứng chờ. Lại có tiếng kêu tiếp. Lần này yếu hơn:

– T…ôi bị đâm chết r…ồi. Trời ơi..!

Nhận ra tiếng vị vua của mình, người chủ tướng đã thống lĩnh các đạo quân Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc viễn chinh sang thành Troie, kêu la, rên rỉ, nhân dân nháo nhác cả lên. Họ bàn tán, hò nhau phá cửa cung điện để vào xem sự thể hư thực ra sao. Đang khi ấy thì Clytemnestre từ trong cung điện bước ra. Bà ta xuất hiện trước nhân dân để công bố cho mọi người biết: Chính tay bà đã giết Agamemnon để thanh toán một món nợ máu từ xưa. Với một thái độ lạnh lùng và trâng tráo, Clytemnestre như một con quỷ dữ kể lại mình đã thực hiện việc mưu sát chồng như thế nào. Agamemnon vào cung điện. Chàng đi tắm. Tắm xong, Agamemnon mặc áo, nhưng chiếc áo to rộng và dài đó lại bị khâu bít ở hai cổ tay khiến Agamemnon cứ lúng túng trong tấm áo. Tấm áo như một chiếc lưới chụp vào người Agamemnon. Chính vào lúc đó Clytemnestre xuất hiện với cây rìu hai lưỡi. Mụ dùng rìu chém liên tiếp hai nhát vào người Agamemnon. Agamemnon lảo đảo rồi gục ngã. Mụ bổ tiếp một nhát thứ ba, kết liễu cuộc đời người chồng của mình.

Nghe Clytemnestre thuật lại vụ mưu sát khủng khiếp, nhân dân căm phẫn, chất vấn, kết tội. Bằng giọng lưỡi ngụy biện trâng tráo, Clytemnestre biện hộ cho tội ác của mình:

– Này hỡi chúng dân Argos! Các người thật là ngu xuẩn và bất công. Các người kết án ta, đòi trục xuất ta khỏi đô thành. Các người nguyền rủa ta. Được! Nhưng các người hãy cho ta hỏi lại một điều. Vì sao khi Agamemnon đang tay bắt Iphigénie con gái ta để làm lễ hiến tế thần linh, cầu xin cho đoàn thuyền Hy Lạp được gió để ra khơi, thì không một ai trong số các ngươi lên tiếng kết tội hắn đòi trục xuất hắn ra khỏi đô thành? Vì sao các người lại đóng vai một quan tòa khắc nghiệt như thế đối với hành động của ta? Còn đối với hắn thì lại rộng lòng dung thứ? Các người đừng đe dọa ta. Ta sẵn sàng chấp nhận một cuộc đọ sức. Này ta nói thêm cho các người rõ: Ta không hề mảy may sợ hãi. Chừng nào mà chàng Égisthe thân yêu của ta còn là người bạn tình chung thủy của ta, chàng sẽ là tấm khiên dày và rộng che chở cho cuộc đời ta. Ta thề trước công lý quyết sẽ báo thù cho con gái ta và ta đã thực hiện. Các người cũng nên nhớ rằng Agamemnon đã gây ra cho ta bao nhiêu đau khổ trong nỗi cô đơn. Còn hắn thì vui thú hết với cô ả Chryséis lại đến Cassandre! Cả hai, hắn và cô ả Cassandre giờ đây đã chịu sự trừng phạt xứng đáng. Ta đã cho chúng vĩnh viễn nằm bên nhau như chúng đã từng chung thủy với nhau. Cả hai đứa con của bọn chúng, ta cũng cho đi theo bố mẹ.

Nghe những lời Clytemnestre biện hộ cho tội ác tày trời của mụ, nhân dân lại càng căm phẫn và kinh tởm mụ đàn bà mặt người dạ thú. Égisthe thấy vậy đứng ra đối đáp nhằm trấn áp sự phản kháng của nhân dân. Với giọng nói hống hách, y đe dọa sẽ bắt hạ ngục những ai công kích, kết án hành động của Clytemnestre và của y. Cũng như Clytemnestre, y cho rằng Agamemnon bị giết là hợp đạo lý. Atrée, cha của Agamemnon xưa kia đã giết con của Thyeste, nấu cỗ mời Thyeste ăn. Là con của Thyeste, ngay từ nhỏ Égisthe đã bị Atrée trục xuất cùng với cha, và bây giờ đây, Égisthe được công lý đưa trở về thành Argos, để trả lại mối thù xưa, chính Égisthe là người bày mưu đặt kế cho cuộc sát hại Agamemnon, còn Clytemnestre là người thực hiện.

Sự công phẫn của nhân dân chẳng vì những lời đe dọa của Égisthe mà dịu bớt. Nhân dân vạch trần hành động hèn nhát của Égisthe, phải mượn tay một người đàn bà để sát hại một vị anh hùng. Bất lực và tức giận điên cuồng trước những lời công kích, Égisthe tuyên bố.

– Hỡi dân chúng của đô thành Argos! Ta long trọng tuyên bố cho các ngươi biết: kể từ ngày hôm nay ta là vua của xứ Argos, toàn bộ cơ nghiệp cũng như của cải của Agamemnon, những chiến lợi phẩm mà Agamemnon đã đưa từ thành Troie về sẽ thuộc quyền sử dụng của ta. Kể từ ngày hôm nay, mọi công dân, già cũng như trẻ nhất nhất đều phải tuân theo lệnh của ta. Kẻ nào chống đối, kháng cự, không chấp hành mệnh lệnh sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Quyển 2 – Chương 107: Oreste báo thù

Agamemnon lấy Clytemnestre sinh được bốn người con: ba gái, một trai. Gái là Chrysothémis, Électre (còn gọi là Laodicé), Iphigénie (còn gọi là Iphianassa); trai là Oreste. Khi Agamemnon bị mưu sát, Oreste mới hơn mười tuổi. Électre nhanh trí cho người đưa em sang lánh nạn ở xứ Phocide. Vua xứ Phocide là Strophios, vốn là em rể của Agamemnon, đã chăm nom nuôi nấng Oreste như con cái trong nhà. Một tình bạn thân thiết đã hình thành giữa Oreste và Pylade, người con trai của nhà vua.

Năm tháng trôi đi, Oreste đến tuổi trưởng thành. Giờ đây chàng đã là một thanh niên cường tráng, thông minh, nhanh nhẹn, tràn đầy sức sống, và nghĩa vụ đầu tiên của người thanh niên này là phải rửa sạch mối thù cho cha để giành lại ngôi báu, nhưng chàng không thể thực hiện ngay được. Một việc trọng đại như thế phải được thần thánh chỉ bảo, chàng lặn lội tới đền thờ Delphes để xin thần Apollon ban cho một lời chỉ dẫn. Thần Apollon tuyền phán: Oreste hỡi! Nợ máu phải trả bằng máu. Công lý chẳng tha những kẻ gây tội ác và tiếm quyền. Tuân theo lời chỉ dẫn của thần, Oreste lên đường trở về quê hương Argos để thực hiện sứ mạng. Cùng đi với chàng có người bạn chí thiết gắn bó từ tuổi thơ là Pylade.

Sau nhiều ngày miệt mài cất bước trên những dặm đường cát bụi, một ngày kia, hai người, Oreste và Pylade, đặt chân đến mảnh đất Argos, quê hương thân yêu của Oreste. Việc đầu tiên của họ là viếng mộ Agamemnon. Nhìn thấy mộ cha, Oreste xúc động quỳ xuống cầu khấn. Chàng cầu xin thần Hadès của thế giới âm phủ hãy rủ lòng thương đến số phận bất hạnh của cha chàng, hãy bảo vệ chàng và giúp đỡ chàng trong sự nghiệp lớn lao mà chàng sắp thực hiện. Chàng cầu khấn linh hồn người cha danh tiếng của mình:

– Agamemnon cha ơi! Hôm nay đứa con trai của cha đã khôn lớn và trở về quê hương. Nó đến nơi yên nghỉ của cha để khóc thương cho số phận của cha, để cầu khấn linh hồn cha. Cha ơi! Cha có nghe thấy không tiếng nói của con, tiếng con đang gọi cha, cầu khấn cha! Con đã cắt một nắm tóc để hiến dâng cho thần Sông-Inachos, vị thần đã nuôi nấng con cũng như nuôi nấng những người Argos, và giờ đây, bên mộ cha, con hiến dâng linh hồn cha một nắm tóc nữa của con để bày tỏ lòng biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha. Số phận nghiệt ngã đã không cho con được nhìn thấy cha lần cuối cùng khi cha vĩnh viễn về vương quốc của thần Hadès, không cho con được hôn cha trước khi họ làm lễ khâm liệm và mai táng thi hài của cha, và con cũng chẳng được khóc thương cha…

Bỗng Oreste trông thấy từ cung điện một đám nữ nô lệ trong y phục đen đi về phía chàng. Chàng vội ra hiệu cho Pylade biết. Hai người bèn lui bước tìm một chỗ kín đáo ở phía sau ngôi mộ, giấu mình theo dõi xem đám nữ tỳ đó làm gì. Oreste nhận ra trong đám nữ tỳ có người chị ruột của mình là Électre. Nhìn thấy chị mình trong đám nữ tỳ ăn mặc như họ, tóc bị cắt ngắn như họ, Oreste trong lòng rất đỗi xót xa. Chị đã bị đối xử tàn tệ như thế hẳn vì tội phản kháng, không thừa nhận cuộc hôn nhân của Égisthe với Clytemnestre, hẳn rằng vẫn nuôi giữ trong lòng nỗi thương nhớ người cha danh tiếng lẫy lừng. Đoàn nữ tỳ tới ngôi mộ của chủ tướng Agamemnon. Họ mang theo lễ vật, rượu thiêng để làm lễ cầu nguyện linh hồn Agamemnon theo lệnh của Clytemnestre. Vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Vì sao cái người đàn bà đã đang tâm đồng loã với tình nhân giết chồng, đầy đọa con chồng lại sai nữ tỳ đi dâng lễ vật, cầu nguyện linh hồn người chồng? Nguyên do là hôm trước, một cơn ác mộng đã trùm xuống giấc ngủ của mụ. Cơn ác mộng khủng khiếp rắc rối như thế nào ta không rõ. Chỉ rõ mụ thét lên kinh hoàng và rồi tỉnh dậy. Tỉnh dậy mà vẫn chưa hoàn hồn. Phải một lúc lâu sau mụ mới trấn tĩnh lại được và cho mời những nhà tiên tri tới để luận giải. Hết thảy các nhà tiên tri đều nói rằng, cứ như mộng triệu mà suy thì có dễ là được sự chấp thuận của thần linh, những người chết dưới vương quốc của thần Hadès, những oan hồn nổi cơn thịnh nộ đối với những kẻ đã ám hại họ. Những oan hồn này đòi Công lý phải thể hiện quyền lực của mình… Nghe lời luận giải của những nhà tiên tri, Clytemnestre vô cùng sợ hãi, và chính vì lẽ đó mà mụ sai những nữ tỳ đem lễ vật tới viếng mộ Agamemnon cầu nguyện oan hồn Agamemnon tha tội cho mụ, nhưng những người nữ tỳ này vốn không quý mến gì Clytemnestre vì đã phạm vào một tội ác kinh khủng: giết chồng. Hơn nữa vì Clytemnestre thường hay làm tình làm tội, hành hạ họ vì họ là những người phụ nữ thành Troie bị bắt làm tù binh. Nhìn thấy họ là mụ lại nghĩ đến người chồng đã bị mụ giết, người chồng đã vì cuộc chiến với những người Troie này mà gây ra cho mụ biết bao đau khố tới chỗ phạm vào tội ác.

Électre dẫn đầu đám nữ tỳ mang lễ vật đi cầu khấn. Nàng băn khoăn không biết nên cầu khấn như thế nào? Lẽ nào nàng lại cầu khấn cho nguyện vọng của Clytemnestre: Xin oan hồn Agamemnon tha tội? Nàng bày tỏ tâm sự của mình với một người nữ tỳ. Theo lời khuyên của nữ tỳ, lễ cầu nguyện sẽ thực hiện ngược lại với ý định của Clytemnestre. Électre kính cẩn tưới rượu thiêng lên mộ cha và quỳ xuống giơ hai tay lên trời cầu khấn. Nàng cầu xin vị thần Hermès, người đưa dắt các linh hồn và người truyền lệnh nhanh chóng, trung thành nhất tới các thần linh, hãy truyền đạt lại những mong muốn của nàng tới các vị thần âm phủ là những vị thần đã theo dõi và biết chuyện bọn gian phu, dâm phụ mưu sát cha nàng. Nàng cầu xin các vị thần cũng như vị thần Đất Mẹ thiêng liêng đã sản sinh ra muôn giống loài hãy lắng nghe và chấp nhận lời khấn nguyện của nàng. Nàng cầu khấn vong hồn của người cha thân yêu, kể lại nỗi bất hạnh mà nàng và em nàng là Oreste phải chịu đựng từ khi cha bị giết. Nàng xin cha hãy giúp cho Oreste trở về Argos nhanh chóng và bình yên. Nàng cầu xin Công lý hãy trả thù cho cha nàng, lũ người tàn bạo sẽ bị trừng phạt…

Cẩu nguyện, dâng lễ vật, rẩy rượu thiêng… sau khi đã làm đầy đủ và trọn vẹn những nghi lễ thiêng liêng, Électre và đám nữ tỳ thu xếp để ra về thì chợt Électre trông thấy một búp tóc đặt ở chân mộ. Nàng cầm tóc lên và bỗng nhiên bàng hoàng xúc động. Búp tóc cắt dâng ở mộ cha nàng giống tóc của nàng. Phải chăng tóc này là của Oreste, đứa em trai thân thiết xa vắng đã lâu ngày của nàng? Nếu Oreste đã lớn khôn trở về thì sao cậu ta lại không xuất hiện mà chỉ tới đây để đặt một nắm tóc? Có thể là tóc của người Argos nào chăng? Électre để ý thấy quanh mộ có những dấu chân, và đó là dấu chân của hai người. Liệu có thể Oreste trở về cùng với một người bạn không? Đang khi Électre phân vân, trao đổi với một người nữ tỳ thì Oreste xuất hiện. Chàng đến bên người chị thân yêu của mình và khẽ cất tiếng gọi. Électre quay lại. Nàng không nhận ra được đứa em của mình. Đã bao năm trời xa cách, hình ảnh đứa em trai trong trí nhớ của nàng chỉ là một chú bé thơ dại. Còn giờ đây một thanh niên cường tráng đĩnh đạc, phong thái như một dũng sĩ đang đứng trước mặt nàng. Nàng ngỡ ngàng bối rối. Oreste hiểu tình cảm của chị mình. Chàng lấy trong túi ra một bộ quần áo dâng lên trước mặt người chị thân yêu, đây là bộ quần áo xưa kia do chính tay Électre dệt và may cho chàng. Électre xúc động, ôm lấy em, nước mắt tuôn trào. Nàng kể lại cho em nghe nỗi cực nhục, cay đắng mà nàng phải sống trong cái tòa lâu đài tội lỗi. Oreste nói ngay cho chị biết: chàng trở về Argos theo lệnh của vị thần Apollon. Chính thần đã phán truyền cho chàng biết, chàng phải lãnh sứ mạng đương đầu với nỗi hiểm nguy trong cuộc tử chiến với những kẻ đã giết cha chàng. Nếu chàng không hoàn thành sứ mạng trả thù cho người cha vinh quang đã bị ám hại một cách đê hèn thì nhiều thảm họa sẽ giáng xuống cuộc đời chàng. Ngôi báu của chàng sẽ mất vĩnh viễn và cuộc đời chàng cũng tiêu vong. Trí khôn, óc minh mẫn chẳng còn, những bệnh tật kỳ quái sẽ giày vò chàng liên miên hết ngày này sang tháng khác mà không phương thuốc gì cứu chữa nổi. Oan hồn của người cha sẽ nổi giận, chẳng thèm nhìn nhận đến đứa con trai. Những lời cầu khấn của đứa con trai không trả thù được cho cha trước bàn thờ trở nên vô nghĩa, bởi vì linh hồn người cha thân yêu của nó đã từ bỏ nó… Oreste đã nói cho chị mình biết như thế, và giờ đây hai chị em chỉ còn cách thực hiện bằng được sứ mạng mà thần Apollon đã trao. Électre sẽ trở về cung điện trước để theo dõi tình hình. Nếu thấy có điều gì khả nghi thì báo cho Oreste biết. Còn Oreste và Pylade sẽ đến cung điện sau.

Trước khi hành động, Oreste dò hỏi xem giấc mộng khủng khiếp mà đêm vừa qua Clytemnestre vừa gặp phải là như thế nào. Chàng muốn biết tường tận để tìm hiểu xem liệu nó có ứng nghiệm chút gì với những lời phán truyền của thần Apollon. Oreste được một người tiết lộ cho biết câu chuyện mộng mị đó như sau: Clytemnestre nằm mơ thấy mình sinh ra một con rắn. Bà ta đã nuôi nấng con rắn đó như một đứa con với muôn vàn tình thương yêu. Con rắn được quấn bọc trong tã lót và bú sữa từ bầu vú của bà, và trong khi bú sữa ở bầu vú mẹ, con rắn đã hút ra từ bầu vú một cục máu, một giọt máu đỏ tươi, và máu, máu từ vú của bà ta chảy tràn ra lênh láng, khủng khiếp… Bà ta thét lên kinh hoàng…

Nghe xong câu chuyện, Oreste mừng thầm trong bụng. Chàng cảm thấy như thánh thần đã linh báo cho chàng biết sứ mạng trả thù luôn được thánh thần theo dõi, phù hộ.

Oreste và Pylade đến cung điện trong y phục cải trang của người dân miền Daulis xứ Phocide. Hai người được Clytemnestre tiếp đãi trân trọng. Oreste nói:

– Thưa bà! Chúng tôi đường đột tới cung điện nguy nga này vì một việc vô cùng quan trọng mà thực ra những người dân thường như chúng tôi vốn không có công việc gì phải lui tới những chốn cao sang như thế này. Số là nhà vua xứ Phocide tên là Strophios được biết chúng tôi sắp lên đường đi Argos. Nhà vua khẩn thiết nhờ chúng tôi tới cung điện Argos báo cho vị vua ở đây biết một tin chẳng lành: Oreste, người con trai của nữ hoàng Clytemnestre đã qua đời. Nhà vua của chúng tôi muốn được biết thân nhân của chàng trai xấu số quyết định lo liệu việc mai táng như thế nào? Đưa hài cốt về quê hương Argos hay cứ để ở Phocide làm lễ tang ở đó? Thưa bà! Đó là tất cả những điều gì mà nhà vua Phocide giao phó cho chúng tôi tới đây để tâu trình. Chúng tôi cũng mang theo đây bình đựng tro hài cốt của chàng trai bất hạnh đó. Chúng tôi chờ đợi sự trả lời của thân nhân để tâu trình lại cho nhà vua chúng tôi được biết. Vậy cuối cùng, xin bà thứ lỗi, chẳng hay bà có phải là người chủ của tòa lâu đài này không hay bà có phải là thân nhân của chàng Oreste không? Bởi vì chúng tôi muốn chính cha mẹ của chàng trai được biết tin này và trả lời cho chúng tôi rõ ý định.

Nghe xong câu chuyện, trong lòng Clytemnestre rất đỗi vui mừng nhưng bề ngoài lại làm ra vẻ u buồn sầu não. Mụ trân trọng mời hai người khách vào phòng nghỉ. Tiếp đó mụ tức tốc sai người báo cho Égisthe, tên tiếm vương, chồng mụ, lúc này đang bận việc ở ngoài thành đô biết tin vui. Mụ mời Égisthe về ngay để tiếp khách. Như vậy, người lãnh sứ mạng trả thù cho Agamemnon không còn nữa. Mụ không còn phải lo lắng về số phận bản thân mà mối thù giữa hai dòng họ Atrée và Thyeste như lời nguyền rủa độc địa và sự tiên định của Số mệnh cũng chấm dứt.

Égisthe được tin bèn vội vã về ngay cung điện. Hắn vui mừng đến nỗi không gọi lính hộ vệ đi cùng. Vừa bước chân vào cung điện, Oreste rình sẵn từ phòng bên, nhảy sổ ra đâm cho một nhát kiếm. Hắn chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngã xuống chết tươi. Gia nhân trong lâu đài thấy chủ tướng bị giết vội hô hoán ầm lên. Clytemnestre từ phòng mình vội vã chạy ra để xem sự thể ra sao. Oreste cầm kiếm xông lên, người mẹ tội lỗi sợ hãi run lên. Mụ quỳ xuống dưới chân đứa con trai van xin:

– Oreste hỡi con! Hãy dừng tay! Dù sao con cũng phải biết ơn và kính trọng ta là người đã sinh nở ra con, cho con bú mớm, bế ẵm con. Lẽ nào con không còn một chút tình thương đối với mẹ?

Oreste bối rối. Người bạn Pylade nhắc nhở chàng thực hiện nghĩa vụ mà thần linh đã giao phó. Chàng phải lựa chọn một trong hai điều khắc nghiệt: hoặc là bị thế gian thù ghét, lên án, kết tội hoặc là bị thần linh ghét bỏ, trừng phạt.

Oreste thấy không thể cưỡng lại lời truyền phán của thần linh. Giết mẹ, chàng sẽ bị những nữ thần Érinyes, những con chó cái của sự báo thù như người ta thường nói, truy đuổi, nhưng không giết mẹ thì các vị thần, nhất là vị thần Apollon, người đã phán truyền những lời sấm ngôn thiêng liêng quy định cho nghĩa vụ và hành động của con người, cũng không tha tội cho chàng. Cuối cùng, Oreste hành động theo nghĩa vụ mà thánh thần đã truyền phán, và đó cũng là Số mệnh đã sắp đặt. Chàng dẫn Clytemnestre, người mẹ của tội ác vào trong cung điện và hành quyết. Xác chết của đôi gian phu dâm phụ Égisthe và Clytemnestre được đặt nằm bên nhau như ngụ ý một lời răn: Công lý chẳng dung tha những kẻ đã gây ra tội ác.

Được tin tên tiếm vương bạo chúa Égisthe và mụ vợ đanh ác đã bị giết, nhân dân đô thành Argos vô cùng hởi lòng hởi dạ. Chẳng một ai thương tiếc, than vãn cho số phận của chúng, nhưng cũng chẳng một ai ca ngợi hành động giết mẹ của Oreste như một chiến công.

Còn Oreste, chàng phải thanh minh trước nhân dân về hành động của mình. Chàng cảm thấy số phận chàng như một người đánh xe ngựa mà những con ngựa đã bung ra thoát khỏi sự điều khiển của chàng. Sở dĩ chàng dám nhẫn tâm làm một việc ghê gớm như thế là vì lời truyền phán của thần Apollon. Chính thẩn Apollon đã làm cho trái tim chàng trở nên cứng rắn, không biết xúc động khi cầm kiếm đâm vào cổ mẹ. Song giờ đây chàng phải ra đi, tự trục xuất khỏi xứ sở này. Ngôi báu xin nhường lại cho Ménélas trong tương lai sẽ trở về.

Bỗng trước mắt Oreste hiện ra những nữ thần Érinyes, những người đàn bà mõm chó, tóc là một búi rắn độc ngoằn ngoèo, đầu rắn cất lên tua tủa quằn quại. Những nữ thần Érinyes mặc đồ đen, chĩa đôi mắt dữ tợn của mình nhìn thẳng vào mặt Oreste như chất vấn, như tra hỏi. Oreste rụng rời sợ hãi. Chàng ôm đầu kêu lên, và chàng ra đi, chàng phải tới đền thờ Delphes cầu xin thần Apollon bảo vệ. Những nữ thần Érinyes quyết không tha tội sát nhân, hơn nữa một tội ác khủng khiếp chưa từng thấy: con giết mẹ. Các nữ thần quyết truy đuổi Oreste đến cùng.

Quyển 2 – Chương 108: Oreste thoát khỏi sự trừng phạt của những nữ thần Érinyes

Rời Argos ra đi, Oreste ngày đêm mải miết dồn bước sao cho mau chóng tới được đền thờ Delphes, nơi chàng sẽ nhận được sự bảo vệ của thần Apollon. Theo sát bước chân chàng là những nữ thần Érinyes hung tợn lãnh trách nhiệm trừng trị tội sát nhân, đòi nợ máu phải được trả bằng máu.

Trải qua nhiều ngày đi đêm nghỉ từ tận Argos, từ miền nam Hy Lạp ngược lên miền bắc, Oreste đã tới được đền thờ Delphes dưới chân núi Parnasse. Chàng không chậm trễ trong việc chuẩn bị nghi lễ cầu khấn. Chàng đi vào khu thánh đường đền thờ Delphes, đến quỳ xuống bên hòn đá thiêng liêng Omphalos. Thanh gươm đeo bên sườn chàng tuột khỏi vỏ đặt bên. Chàng cầm trong tay một cành cây olive, một cây gậy to và đẹp, quấn len trắng. Còn tay kia chàng giơ cao lên trước mặt để cầu khấn. Cả hai tay chàng đều đẫm máu của tội sát nhân. Chàng cầu xin được rửa tội. Những nữ thần Érinyes đâu có chịu bỏ lơi chàng. Họ xộc thẳng vào khu thánh đường thiêng liêng, chẳng hề ngần ngại về hình thù khủng khiếp của mình cũng như y phục kỳ lạ không thích hợp của mình, và họ tay roi tay đuốc chia nhau ngồi vây quanh lấy Oreste.

Chính vào lúc đó thần Apollon xuất hiện. Thần đã nghe được lời cầu khấn của Oreste. Bằng tài năng và pháp thuật của mình, thần làm cho những Érinyes chìm đắm vào trong một giấc ngủ say mê mệt. Những đôi mắt ngầu đỏ hung dữ của các nữ thần vốn đã bị gỉ bẩn viền quanh phút chốc nhắm nghiền lại. Apollon bèn truyền phán cho Oreste biết ý định của mình:

– Oreste con hỡi! Con cứ bình tâm. Ta đã là và mãi mãi sẽ là người bảo vệ con. Dù ta gần con hay xa con, con cứ tin rằng chẳng khi nào ta để con rơi vào tay lũ quỷ cái hung dữ đó, và con thấy đấy, những con chó cái ghê tởm Érinyes này đã bị ta dìm vào một giấc ngủ say mê mệt. Vậy con mau mau làm theo lời ta chỉ dẫn. Con hãy lập tức rời khỏi đây và dấn mình vào một cuộc hành trình mới. Con trở lại vùng đồng bằng Attique đến đô thành Athènes cầu xin nữ thần Athéna. Con hãy đến quỳ trước tượng nữ thần và xin nữ thần cứu giúp. Chúng ta sẽ tìm cách đến giải thoát vĩnh viễn cho con khỏi nỗi đau khổ, giày vò. Bởi vì chính ta đã quyết định và đòi con phải giết người mẹ của mình.

Nghe lời phán truyền của thần Apollon, lập tức Oreste rời khỏi đền thờ, ra đi mải miết. Thần Apollon còn cẩn thận hơn, trao cho thần Hermès nhiệm vụ dẫn đường và săn sóc cho Oreste.

Oreste vừa ra đi thì linh hồn Clytemnestre vụt hiện lên với vẻ giận dữ ghê gớm. Mụ chỉ tay vào những nữ thần Érinyes đang ngủ say mê mệt, quát tháo ầm ĩ. Mụ đánh thức những nữ thần Érinyes dậy, báo cho họ biết Oreste đã trốn thoát khỏi vòng vây của họ. Mụ nhắc nhở đòi hỏi nữ thần Érinyes phải truy đuổi ngay Oreste, phải làm cho Oreste không được thư thái, yên tĩnh phút nào trong tâm hồn.

Những nữ thần Érinyes chìm đắm trong giấc ngủ chẳng dễ gì tỉnh lại ngay được. Giấc ngủ của thần Apollon giáng xuống cộng với nỗi mệt nhọc trong cuộc hành trình đã làm họ mê sảng khi thì rầm rĩ, khi thì quát thét lên trong khi ngủ, nhưng cuối cùng một Érinyes tỉnh giấc và gọi hai người bạn dậy. Cả bọn tức giận điên cuồng khi biết Oreste đã trốn thoát, không còn ở trong ngôi đền, không còn ở trong vòng vây của họ. Những Érinyes trách móc thần Apollon đã bảo vệ kẻ phạm tội, vi phạm vào đạo luật thiêng liêng của thế giới thần linh từ bao đời nay vẫn được tôn trọng, và họ thề sẽ quyết tâm truy tìm bằng được Oreste. Oreste sẽ không thoát khỏi sự trả thù. Thần Apollon nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh cho những nữ thần Érinyes phải lập tức rời bước ngay khỏi nơi thánh đường tôn nghiêm của thần, nếu chần chừ ắt không tránh khỏi sự trừng phạt. Những mũi tên bạc của thần sẽ không tha những kẻ làm ô uế nơi truyền phán những lời sấm ngôn thiêng liêng, thể hiện ý chí của Zeus. Thần chỉ mặt những nữ thần Érinyes thét lớn:

– Được, các ngươi cứ làm nhiệm vụ của các ngươi! Hãy cứ truy đuổi kẻ phạm tội giết một người cùng huyết thống. Còn ta, ta quyết sẽ bảo vệ con người đó, con người đã vì huyết thống mà lãnh sứ mạng trả thù của ta giao phó. Nữ thần Athéna sẽ phân rõ đúng sai vụ án này.

Các nữ thần Érinyes vội rời bước khỏi Delphes để đi tới Athènes với nỗi hậm hực trong lòng. Như vậy là thần Apollon mưu toan tước bỏ sứ mạng thiêng liêng và cao quý của Érinyes. Không, những Érinyes quyết không chịu. Oreste tới Athènes. Những nữ thần Érinyes cũng tới Athènes. Một bên cầu xin được bảo vệ, che chở về hành động phạm tội của mình là do thánh thần truyền phán, áp đặt. Một bên kêu gào, đòi hỏi quyết liệt thực thi bằng được sứ mạng của mình là trừng phạt kẻ tội phạm sát nhân. Nữ thần Athéna lắng nghe những lời lẽ của hai bên và thấy thật khó phân xử. Nữ thần một mặt thấy mình không thể nào trao một con người đã cầu xin mình che chở vào tay các nữ thần hung dữ Érinyes, nhưng mặt khác, sứ mạng truyền thống từ bao đời nay của các Érinyes là trừng phạt tội sát nhân. Bảo vệ Oreste tức là vô hiệu hóa chức trách quan trọng của những nữ thần Érinyes, tước bỏ sứ mạng cao cả của họ – một việc làm mà chỉ riêng nữ thần Athéna không thể quyết định. Cuối cùng, nữ thần Athéna thấy cách giải quyết tốt nhất là thành lập một tòa án để xét xử vụ việc quan trọng này. Nàng cho mời những vị quan tòa danh tiếng vốn là những bô lão đã từng xét xử những vụ kiện cáo vô cùng rắc rối tới để thành lập tòa án. Tòa án mang tên là Aréopage. Lai lịch của cái tên này vốn bắt nguồn từ một sự tích xa xưa: Xưa kia khi những nữ chiến binh Amazones đem quân đổ bộ lên vùng đồng bằng Attique vây đánh thành Athènes thường hạ trại trên một ngọn đồi. Vào thời ấy, Athènes ở dưới quyền cai quản của người anh hùng danh tiếng Thésée. Chính từ ngọn đồi này trước một lần xuất trận, những nữ chiến sĩ Amazones thường làm lễ hiến tế cầu xin vị thần Chiến tranh-Arès ban cho họ thắng lợi, vì lẽ đó người ta đặt tên cho ngọn đồi là “Ngọn đồi Arès”. Sau này, ở Athènes, ngọn đồi Arès được dùng làm nơi xét xử các vụ việc vi phạm thể chế, tập tục, pháp luật. Vì thế tòa án mang tên “đồi Arès”, tức “Aréopage”.

Theo lệnh triệu tập của Athéna, các vị quan tòa-bô lão kéo đến Aréopage. Mỗi người đều mang theo một cái bình và những viên sỏi để sau khi tranh cãi, kết tội, phản bác, bỏ phiếu quyết định. Nữ thần Athéna tham dự với tư cách là một quan tòa đồng thời cũng là người chủ tọa. Thần Apollon đương nhiên phải có mặt như là một nhân chứng quan trọng của vụ án.

Phiên tòa khai mạc, Érinyes lên tiếng kết tội Oreste và đòi phải giao kẻ phạm tội cho các nữ thần để nghiêm trị vì đó là quyền lực của họ từ nghìn xưa. Oreste đứng lên bào chữa. Chàng chất vấn những Érinyes.

– Vì sao khi Clytemnestre giết Agamemnon các người không kết tội Clytemnestre? Vì sao các người không truy đuổi đòi trừng phạt Clytemnestre?

Érinyes trả lời:

– Vì giữa hai người không có quan hệ huyết thống. Clytemnestre giết một người không có quan hệ máu mủ gì với bà ta.

Oreste vặn hỏi:

– Thế ta có chung một dòng máu với mẹ ta không?

Érinyes đáp:

– Chính bà ta đã thai nghén nuôi dưỡng ngươi trong lòng và cuối cùng sinh nở ra ngươi. Ngươi dám trắng trợn chối bỏ dòng máu thân thiết của người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra cuộc đời của ngươi ư?

Apollon đứng lên biện hộ cho Oreste:

– Oreste đã hành động theo sự phán truyền của ta, một vị thần được Zeus chí tôn chí kính, toàn năng toàn quyền trao cho nhiệm vụ truyền phán những lời sấm ngôn, thể hiện ý chí của Zeus. Oreste đã trả thù cho cha, đó là một việc làm hợp đạo lý. Bởi vì kẻ giết chồng là giết luôn cả người cha của những đứa con. Hơn nữa, Oreste còn trả thù cho một vị vua danh tiếng, một người anh hùng vĩ đại đã có công lớn trong cuộc Chiến tranh Troie. Chính người anh hùng này đã được Zeus ban cho cây vương trượng để thống lĩnh ba quân lập nên những chiến công hiển hách. Một người anh hùng kiệt xuất như thế sau cuộc chiến chinh trở về và bị lừa lọc bởi những lời lẽ tán dương hoa mỹ và sự đón tiếp xa hoa để rồi bị giết chết trong phòng tắm khi đang lúng túng trong chiếc áo đã bị khâu bít ở hai cổ tay. Đó, cái chết của người anh hùng, vị Tổng Chỉ huy các đạo quân Hy Lạp trong cuộc viễn chinh Troie, là như thế! Ta xin hỏi: Ai là kẻ đáng bị trừng trị? Kẻ giết người cha của những đứa con, người anh hùng của nhân dân Hy Lạp hay là kẻ báo thù cho người cha ấy, người anh hùng ấy?

Nhân dân đến xem phiên tòa xử vụ án quan trọng này rất đông. Họ ngồi vòng trong vòng ngoài vây quanh nơi xét xử. Họ lắng nghe chăm chú những lời kết án cũng như những lời phản bác, và quả thật, vụ án này thật rắc rối, lý lẽ bên nào cũng dồi dào, sắc sảo, đanh thép cả.

Đến lượt nữ thần Athéna lên tiếng. Nữ thần tuyên bố, tòa ngừng làm việc để bỏ phiếu quyết định vụ án. Trường hợp khi kiểm phiếu, số phiếu bầu cho cả hai bên nguyên cũng như bên bị đều bằng nhau, nghĩa là Oreste được bằng phiếu với những nữ thần Érinyes thì Oreste được trắng án. Oreste là người vô tội. Các vị quan tòa tùy theo chủ kiến lần lượt đến bỏ những viên sỏi vào một trong hai cái bình: Érinyes và Oreste. Trước khi bỏ phiếu, nữ thần nói:

– Hỡi các vị quan tòa! Hỡi tất cả những người tham dự phiên tòa hôm nay cũng như nhân dân đến xem tòa xử! Ta là người cuối cùng tỏ chủ kiến đối với vụ việc này. Ta bỏ phiếu cho Oreste. Ta đứng về phía những người bênh vực cho Oreste. Những người kết tội Oreste cho rằng Oreste giết mẹ là phạm tội giết một người cùng huyết thống, vì người mẹ và đứa con là cùng chung một dòng máu, người mẹ đã sinh ra con, nuôi nấng đứa con. Không hẳn là thế. Ta thấy cần nhắc lại lời thần Apollon lúc nãy: Không phải tự người mẹ sinh đẻ được cái mà người ta thường quen gọi là con của bà ta. Người mẹ chỉ là người nuôi dưỡng hạt giống mà bà ta đã tiếp nhận được. Người đàn ông mới là người có công sinh đẻ. Người đàn bà chỉ như một người xa lạ, ngược lại chịu trách nhiệm nuôi nấng và gìn giữ chiếc mầm non nở ra từ hạt giống do người đàn ông gieo. Lại nói như ta, ta có phải là do mẹ ta sinh ra đâu. Ta không hề biết đến mẹ. Chính thần Zeus đã sinh ra ta. Vì thế ta thuộc về huyết thống của người cha, hoàn toàn thuộc về người cha chứ không có một chút gì với người mẹ. Đó là lý do vì sao ta bênh vực Oreste, bỏ phiếu cho Oreste.

Athéna nói xong bèn bỏ viên sỏi của mình vào chiếc bình Oreste. Như vậy là cuộc bỏ phiếu đã xong. Nữ thần ra lệnh kiểm phiếu. Thật hồi hộp. Các Érinyes lo lắng cho địa vị và chức vụ của mình. Còn thần Apollon cũng bồn chồn xao xuyến: Một phiếu! Chỉ kém một phiếu thôi là đủ xảy ra một tai họa lớn, còn chỉ thêm một phiếu thôi là đủ để dựng lại, khôi phục lại một gia đình đã bị ly tán, đổ vỡ. Chỉ thêm một phiếu thôi là chấm dứt được mối thù dòng họ lưu truyền từ đời này qua đời khác bắt nguồn từ những lời nguyền độc địa.

Kết quả, số phiếu hai bên ngang nhau: Oreste vô tội. Những Érinyes buộc phải đình chỉ việc truy nã.

Oreste vô cùng sung sướng. Chàng đứng lên kính cẩn cảm ơn nữ thần Athéna và thần Apollon. Chàng cũng không quên cảm ơn nhân dân Athènes và gửi lời chào tạm biệt họ trước khi chàng trở về mảnh đất Argos thiêng liêng. Chàng cầu chúc cho đô thành Athènes sẽ là đô thành bất khả xâm phạm trước mọi cuộc tiến công của những kẻ thù. Chàng cầu chúc cho xứ sở Attique muôn đời thịnh vượng, ấm no.

Việc xét xử như thế là xong, nhưng lại xảy ra một chuyện khác. Những Érinyes bất bình về việc xử án, cho rằng tòa án Aréopage đã tước đoạt quyền lực của họ, phế truất địa vị của họ, một quyền lực và địa vị đã có từ hàng bao đời nay và từ hàng bao đời nay vẫn được tôn trọng. Bất mãn, họ gào thét phản đối, tung ra những lên lẽ hằn học, nguyền rủa. Họ đe dọa sẽ giáng tai họa xuống vùng đồng bằng Attique, làm cho bệnh dịch lan tràn, hạn hán, chiến tranh, đói kém. Tình hình như vậy quả thật là vô cùng rắc rối và nguy hiểm. Nữ thần Athéna phải ra tay dàn xếp. Nữ thần mời những Érinyes từ nay trở đi sẽ đảm đương một chức năng mới: Ban phúc lành cho nhân dân, bảo vệ đời sống cho con người. Với chức năng này, họ sẽ chỉ bảo và dắt nhân dân đi theo con đường quang minh, chính đại của công lý, chăm nom đến đời sống sao cho mùa màng được tươi tốt, súc vật được đông đàn, đạo lý được coi trọng. Họ sẽ là những vị thần sống mãi với nhân dân Athènes, được nhân dân tôn kính và thờ cúng như những vị thần cao cả, thiêng liêng. Sự dàn xếp của nữ thần trí tuệ Athéna đã làm yên lòng các Érinyes. Như vậy họ chẳng thiệt thòi về “quyền lợi” và mất mát chút gì về “địa vị” “chức tước”. Chẳng còn gì để bất mãn nữa, những Érinyes chấp nhận vui vẻ. Thế là từ nay chức năng báo thù, đòi trừng phạt kẻ sát nhân của những Érinyes không còn nữa. Họ cũng không trở về thế giới âm phủ sống dưới quyền cai quản của vị thần Hadès nữa. Chức năng thay đổi thì chức danh cũng phải thay đổi. Họ được mang danh hiệu mới: Những nữ thần Ân đức (Les Euménides).

Nhân dân Athènes, theo lệnh của nữ thần Athéna làm lễ rước những vị thần mới của đô thành mình về nơi ở mới: một ngôi đền ở trong một chiếc hang sâu dưới chân đồi Arès. Đám rước thật vô cùng linh đình và trọng thể. Đích thân nữ thần Athéna và những quan chức bô lão của đô thành Athènes đi đầu đám rước dẫn đường cho những vị nữ thần Ân đức về nơi ở Vĩnh hằng đầy vinh quang cao quý.

Ngày nay, trong văn học thế giới, Érinyes hoặc Euménides chuyển thành danh từ chung chỉ sự truy nã báo thù hoặc người lãnh nhiệm vụ truy nã báo thù. Aréopage chỉ một tổ chức, một cuộc họp mà thành viên là những nhà học giả đầy tài năng và uyên bác. Còn Pylade chỉ người bạn chí cốt, trung thành.

***

Việc những Érinyes đổi chức năng, chức danh, đúng hơn được “đề bạt” lên một chức năng, chức danh mới phản ánh bước chuyển biến tiến bộ của lịch sử xã hội. Érinyes vốn là những nữ thần cư ngụ ở vương quốc của thần Hadès. Đó là những nữ thần gìn giữ và bảo vệ cho huyết thống của thị tộc mẫu hệ và trật tự của thị tộc này. Vì thế, ngoài chức năng chủ yếu là đòi báo thù, đòi trả nợ máu, truy nã, trừng phạt kẻ sát nhân, Érinyes còn đảm đương cả việc trừng trị tội bội ước, không giữ đúng lời nguyền, tội không quý người trọng khách. Thật ra trong thần thoại Hy Lạp, chúng ta thấy việc trừng trị những tội này phần lớn do các vị nam thần, nữ thần thực hiện. Ít thấy nói đến những nữ thần Érinyes thực hiện, Érinyes trừng trị kẻ phạm tội bằng hình phạt tước đoạt của hắn trí khôn và óc minh mẫn, giáng xuống cuộc đời hắn những nỗi bất hạnh khôn lường. Về lai lịch thì có nguồn kể, Érinyes được sinh ra từ máu của thần Ouranos-Trời Cha nhỏ xuống Gaia-Đất Mẹ. Một nguồn khác cho biết Érinyes là con của thần Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu và nữ thần Nyx-Đêm tối Mù mịt. Lúc đầu chỉ có một Érinyes, sau đó ba chị em là Alecto, Tisiphone và Mégère. Thoạt đầu Érinyes chỉ là linh hồn của người bị giết đòi trả thù. Linh hồn này truy nã những ai không thực hiện, làm tròn nghĩa vụ, luật lệ của sự báo thù thị tộc, thị tộc mẫu quyền cũng như thị tộc phụ quyền. Sự phát triển của kinh tế, nền kinh tế tiền tệ đã khiến cho tổ chức thị tộc phụ quyền bị suy yếu. Sự phân công giữa các ngành kinh tế chăn nuôi, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, v.v. dẫn đến chỗ chia dân cư theo nghề nghiệp và khu vực cư trú, còn lợi ích của nghề nghiệp trở thành chất keo liên kết, gắn bó con người lại với nhau. Quá trình này diễn ra đồng thời với quá trình tư hữu hóa những tài sản của thị tộc, sự phân hóa dân cư thành kẻ giàu, người nghèo, nền kinh tế hàng hóa và trao đổi hàng hóa phát triển… Tất cả những cái đó ngày càng làm cho chế độ thị tộc phụ quyền lung lay tận gốc và tạo điều kiện, đặt cơ sở cho sự ra đời của Nhà nước. Với sự ra đời của Nhà nước, tập tục, luật lệ của thị tộc trở thành một hiện tượng lỗi thời và phản động. Vì Nhà nước là một tổ chức cao hơn tổ chức thị tộc, rộng lớn hơn, văn minh hơn, khoa học hơn tổ chức thị tộc, do đó nó không thể chấp nhận một cách xét xử theo tập tục, luật lệ của thị tộc vốn dựa trên mối quan hệ huyết thống. Từ nay chức năng trừng trị kẻ phạm tội sát nhân thuộc về chính quyền. Do đó hình ảnh và chức năng những nữ thần Érinyes cũng phải thay đổi. Thường những nữ thần hung dữ đòi báo thù, những Érinyes chuyển thành sự giày vò, hối hận, đau khổ, cắn rứt trong lương tâm kẻ phạm tội. Đúng hơn, những nữ thần Érinyes bắt kẻ phạm tội phải chịu hình phạt đó (âu cũng là một cách báo thù). Còn kẻ phạm tội trong hoàn cảnh của giai đoạn quá độ từ chế độ công xã thị tộc phụ quyền chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ có thể thoát khỏi nỗi giày vò, đau khổ, sự truy nã của những Érinyes bằng sự sám hối và tập tục rửa tội của tôn giáo. Sự ra đời và phát triển của Nhà nước đã tăng cường và thúc đẩy sự phân công, đặc biệt sự phân công giữa lao động trí óc và lao động chân tay làm cho đời sống văn hóa-chính trị ngày càng có tổ chức hơn, văn minh hơn, văn hóa khoa học phát triển. Do đó việc xét xử những kẻ phạm tội cũng như xét xử, phân giải những vụ việc tranh chấp trong đời sống phức tạp của xã hội công dân đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách, và tòa án đã ra đời. Tòa án ra đời kéo theo sự ra đời của khoa biện luận mà ngày nay chúng ta quen gọi là nghệ thuật hùng biện (đương nhiên cuộc đấu tranh chính trị giữa các phe phái đối lập cũng là một nguyên nhân phát sinh ra khoa biện luận). Công việc xét xử, kết tội, phản bác dần dần trở thành một nghề chuyên môn. Đó là tất cả những mầm mống để sau này trong tiến trình lịch sử hình thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là công việc tư pháp, pháp chế, luật học, và đó cũng và nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thay đổi chức danh và chức năng của Érinyes. Nhà viết kịch Eschyle đã khai thác thần thoại Oreste trả thù cho cha để viết nên bộ ba bi kịch thơ Oreste (Orestie 458 TCN). Nhờ có bộ ba bi kịch này mà chúng ta mới có một hiểu biết phong phú và sâu sắc về thần thoại đó. Giải thích ý nghĩa của Oreste, một nhà nghiên cứu người Đức là Bachofen vào thế kỷ XIX đã viết, “đó là cuộc đấu tranh giữa chế độ mẫu quyền đang suy tàn với chế độ phụ quyền vừa nảy sinh và đắc thắng trong thời đại anh hùng”228.

Tuy nhiên cũng có một vấn đề nữa đòi hỏi chúng ta làm sáng tỏ thêm: Oreste được trắng án như là một thắng lợi của chế độ phụ quyền. Đúng! Nhưng có phải đích thực là thắng lợi của chế độ phụ quyền của thời đại anh hùng không? Có những bằng chứng cho phép chúng ta đặt lại vấn đề như thế.

1 – Ở thời đại anh hùng không có hình thức xét xử nào giống như hình thức xét xử ở Oreste, xét xử bằng tòa án, có kết tội, có phản bác rồi có quyết án. Đọc anh hùng ca của Homère, Iliade và Odyssée, chúng ta thấy đã có một hình thức xét xử với quan tòa nhưng chúng ta không thấy miêu tả một cuộc xét xử nào đạt tới một trình độ nghiêm túc tương tự như cuộc xét xử trong Oreste229.

Ở thời đại anh hùng, thời đại mà tổ chức thị tộc cũ đang sống thật là mạnh mẽ nhưng bắt đầu tan rã230, mọi việc tranh chấp, phải xét xử đều do hội đồng gồm có các Trưởng thị tộc và Đại hội Nhân dân đảm nhiệm: Việc tranh chấp giữa Achille và Agamemnon về quyền lợi (người nữ tỳ Briséis) không được giải quyết bằng xét xử. Lúc đầu Agamemnon thắng vì Agamemnon dùng quyền lực ức hiếp Achille, tước đoạt của Achille người nữ tỳ. Sau này Agamemnon “thua” phải trả lại cho Achille người nữ tỳ Briséis cùng nhiều của cải khác. Nguyên nhân trước hết bởi quân Hy Lạp thua to trên chiến trường và quan trọng hơn đây mới là điều quyết định, Achille vì tình cảnh thị tộc bộ lạc, hối hận về hành động giận hờn của mình đã gây nên cái chết của Patrocle, người bạn thân thiết của mình, bằng lòng nhận sự đền bù của Agamemnon, xuất trận với mục đích trả thù cho Patrocle. Hoàn toàn không có quyền lực công cộng nào xét xử trong vụ tranh chấp này giữa hai cá nhân. Trong Odyssée, Ulysse đã giết 108 tên cầu hôn, trả thù bọn chúng đã phạm tội xúc phạm đến tài sản của Ulysse, cưỡng ép Pénélope, vợ Ulysse, phải tái giá, mưu cướp quyền cai quản đảo Ithaque của Ulysse. Giết tới hàng trăm người như thế nhưng không bị đưa ra xét xử ở một tòa án nào cả. Vậy thì nợ máu lại trả bằng máu, thân nhân của những người bị giết tập hợp lại quyết báo thù, và nếu cứ thế thì trả thù báo thù hết đời này qua đời khác. Mỗi bên đều hành động theo cái lý của mình, nếu không có nữ thần Athéna đứng ra bắt hai bên phải chấm dứt hẳn cuộc giao chiến thì không biết sẽ đổ thêm bao nhiêu máu nữa. Ở đây, chúng ta cũng không thấy có một quyền lực công cộng nào đứng ra xét xử.

2 – Oreste được là người vô tội không phải bằng con đường rửa tội. Oreste được là người vô tội bằng con đường xét xử của tòa án, một hình thức xét xử công khai và dân chủ, công bằng và hợp lý.

3 – Như vậy ta thấy từ tập tục của chế độ công xã thị tộc đã chuyển sang cái mà chúng ta có thể gọi là luật pháp của nhà nước. Con đường giải quyết theo tập tục là con đường mòn, luẩn quẩn, bế tắc, không chuẩn và trước hết nó dựa trên cơ sở của tình cảm, nghĩa vụ huyết thống. Con đường giải quyết theo pháp luật của nhà nước là con đường quang minh chính đại, công khai, công bằng, dân chủ hợp lý. Đó là con đường của tư duy và lý trí. Chỉ có giải quyết bằng pháp luật của nhà nước thì mới chấm dứt được mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ Atrée và Thyeste bắt nguồn từ lời nguyền của Myrtilos.

4 – Chúng ta có thể kết luận: Oreste được vô tội là thắng lợi của chế độ phụ quyền trong chế độ chiếm hữu nô lệ vừa mới ra đời, thắng lợi của chế độ phụ quyền của thời đại văn minh chứ không phải thắng lợi của chế độ phụ quyền ở giai đoạn cao của thời đại dã man – thời đại anh hùng. Nghĩa là thắng lợi của thời kỳ Nhà nước đã ra đời với tư cách một quyền lực công cộng, một mặt thực hiện chức năng tổ chức và quản lý xã hội sao cho ngày càng văn minh hơn, một mặt thực hiện chức năng bảo vệ và phát triển lợi ích giai cấp của Nhà nước.

5 – Lại một vấn đề nữa đặt ra: Cuộc đấu tranh với chế độ mẫu quyền có thể còn là một nhiệm vụ lịch sử của thời đại anh hùng nhưng có lẽ nào nó vẫn còn là một nhiệm vụ lịch sử của chế độ chiếm hữu nô lệ với tính thời sự như đã được phản ánh trong câu chuyện thần thoại Oreste? Chúng ta có thể khẳng định rằng: Vấn đề chế độ mẫu quyền không còn đặt ra đối với chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong thần thoại Oreste, vấn đề chủ yếu đặt ra, đặt ra với tính thời sự nóng hổi là phải chấm dứt tập tục trả thù, đòi nợ máu theo như truyền thống, nghĩa vụ, tình cảm của quan hệ huyết thống thị tộc. Xã hội đã tiến tới chỗ có nhà nước, nó hoàn toàn không thể chấp nhận được chủ nghĩa vô chính phủ của tập tục, do tập tục sinh ra. Phải xóa bỏ tập tục, nghĩa vụ của truyền thống thị tộc vốn tồn tại với tư cách như là chuẩn mực của Công lý và việc thực hiện những tập tục, nghĩa vụ đó như là sự thực hiện Công lý. Chính vì lẽ đó những Érinyes phải chuyển sang làm một nghĩa vụ mới với chức danh mới: Những nữ thần Ân đức.

6 – Thần thoại Oreste rõ ràng là một thần thoại phức hợp. Có lớp thần thoại ở vào một thời kỳ xa xưa (thời đại anh hùng) và có lớp thần thoại ở vào một thời kỳ muộn hơn (thời đại ra đời Nhà nước). Sự phức hợp đó cho chúng ta thấy thần thoại trong lịch sử của nó diễn ra một sự vận động chuyển hóa. Sự vận động và chuyển hóa này nhằm phản ánh một thực tại hoặc phục vụ cho một khuynh hướng lịch sử -xã hội nhất định nào đó của thực tại.

228 F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 12-14.

229 “Quảng trường, nơi công chúng tụ tập rất đông. Tại đây đang xảy ra một cuộc tranh chấp. Hai người cãi nhau về chuyện bồi thường một vụ giết người. Người này quả quyết là đã trả hết rồi và tuyên bố như vậy trước đám đông, người kia chối là chưa nhận được tí gì. Cả hai cùng đổ xô đến một người làm chứng (un juge: quan tòa – NVK chua thêm) cho rõ trắng đen. Công chúng hò la, người về phe này, kẻ về phe kia, người bênh bên này, kẻ bênh bên nọ. Những người truyền lệnh dẹp đám đông. Các vị kỳ cựu ngồi trên những phiến đá nhẵn bóng, trong vòng tròn bất khả xâm phạm. Quyền trượng của họ ở trong tay những người truyền lệnh đang nói oang oang. Thế rồi họ lấy lại quyền trượng đứng lên và lần lượt phán xử. Chính giữa đặt hai lẵng vàng để thưởng cho người phân xử công bằng nhất”. Xem những cảnh chạm khắc trên khiên Achille trong Iliade của Homère. NXB Văn học, Hà Nội, 1966, tr. 86 (Phan Thị Miến dịch) “… Khi tôi thấy lại được cái bè gỗ của tôi từ miệng Charypde lao ra thì lúc đó là lúc thời gian đã muộn, là lúc mà quan tòa Juge sau khi đã xử biết bao vụ kiện giữa đám người này người khác từ quảng trường trở về để ăn bữa tối…”. Xem Odyssée, Homère, khúc ca XII, câu thơ 435-440. Bản dịch sang Pháp văn của Victor Bérard “Les Belles Lettres” Paris.

[230] F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, chương Thị tộc Hy Lạp. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1961.

Quyển 2 – Chương 109: Oreste đoạt tượng nữ thần Artémis ở Tauride

Những Érinyes mặc dù đã được nữ thần Athéna ban cho một chức danh mới là nữ thần Ân đức mà nhiệm vụ và chăm nom đến hạnh phúc của nhân dân xứ sở Attique và đô thành Athènes, nhưng họ vẫn chưa thật hài lòng. Trong số họ vẫn có người truy đuổi Oreste, giày vô chàng, bắt chàng phải sống trong nỗi đau khổ ăn không ngon, ngủ không yên. Oreste chẳng còn phương kế nào khác ngoài phương kế cầu viện đến sự chỉ dẫn, giúp đỡ của vị thần Ánh sáng và Chân lý Apollon. Chàng đến đền thờ Delphes để cầu khấn thần. Thần phán bảo:

– Con hãy vượt biển sang xứ sở Tauride xa xôi ở phương Đông, đoạt bằng được bức tượng nữ thần Artémis về. Công việc này chẳng dễ dàng. Nhiều nỗi nguy hiểm chờ đón con, nhưng con cứ yên tâm. Ta lúc nào cũng ở bên con và giúp con vượt qua những phút hiểm nghèo.

Oreste lên đường vượt biển. Cùng đi với chàng có người bạn thân thiết và chung thủy Pylade. Trải qua nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển cả, con thuyền của hai chàng thanh niên Hy Lạp đã tới xứ sở Tauride. Họ giấu thuyền vào một hẻm đá kín đáo và lần mò tìm đường đi tới đến thờ nữ thần Artémis. Sau khi dò xét tình hình, hai chàng thanh niên Hy Lạp thấy rằng chỉ có lợi dụng đêm tối, đột nhập vào đền thờ, đoạt bức tượng mang đi, và một đêm kia sau nhiều lần dò xét, tính toán trù liệu, họ thực thi ý đồ của mình. Không may cho hai chàng thanh niên Hy Lạp, vào lúc họ vừa mang được bức tượng nữ thần ra khỏi đền thờ thì bị lộ. Những người dân Tauride phát hiện thấy họ, liền hô hoán ầm ĩ, kéo nhau truy đuổi kẻ cắp. Oreste và Pylade không chạy thoát được về nơi giấu thuyền. Họ bị bao vây và sau một hồi lâu kháng cự rất quyết liệt, họ bị bắt sống cùng tang vật. Những người dân Tauride trói chặt họ lại và giải về cung điện tâu trình nhà vua. Nhà vua nhìn thấy hai tên lạ mặt cả gan làm một việc càn rỡ xúc phạm đến tôn miếu thiêng liêng của xứ mình, lòng muôn phần giận dữ. Ông thét lớn:

– Đem ngay hai tên súc sinh này làm lễ hiến tế tạ tội nữ thần Artémis!

Nhưng trời lúc đó còn chưa sáng. Lễ hiến tế chỉ có thể cử hành được vào ngày mai. Đến đây ta phải dừng lại nói qua một chút về phong tục của người dân Tauride. Là một cư dân ở xa tít tắp tận phía đông bắc, những người dân xứ này hầu như rất ít giao tiếp với những người ở các xứ xa lạ khác. Ở họ không có phong tục quý người trọng khách như người Hy Lạp. Họ nhìn những người ở các xứ sở khác với một con mắt xa lạ, thù địch. Vì thế bất cứ người dân của một đất nước nào đặt chân đến xứ sở của họ thì lập tức bị bắt ngay để làm lễ hiến tế cho nữ thần Artémis. Hai chàng thanh niên Hy Lạp sắp bị giết để hiến tế không có gì là ngoại lệ cả, hơn nữa họ lại phạm trọng tội, nghĩa là đáng bị giết đến hai lần!

Sáng hôm sau khi trời vừa sáng tỏ, nhân dân Tauride rủ nhau kéo đến quần tụ trước đền thờ Artémis để dự lễ hiến tế. Người chủ trì và hành lễ là viên nữ tư tế của nữ thần, nàng Iphigénie xinh đẹp, con gái của Agamemnon và Clytemnestre. Xưa kia để cho đoàn thuyền Hy Lạp được thuận buồm xuôi gió vượt biển sang thành Troie, nàng đã tự nguyện hy sinh thân mình để làm lễ hiến tế cầu xin nữ thần Artémis nguôi giận phù hộ cho quân Hy Lạp, nhưng vào lúc mũi dao nhọn của lão vương Calchas, viên tư tế và nhà tiên đoán tài giỏi của quân Hy Lạp, vừa kề vào cổ nàng thì nữ thần Artémis bằng phép lạ thần thông biến hóa của mình đã cứu nàng, thay vào bằng một con cừu231. Nữ thần Artémis đưa Iphigénie người trinh nữ tới xứ sở xa lạ này để nàng trông nom việc thờ phụng nữ thần, và bây giờ người trinh nữ Hy Lạp ấy, viên nữ tư tế ấy, sắp cầm dao nhọn chọc vào cổ hai chàng trai Hy Lạp mà không biết rằng mình sắp giết chết đứa em trai ruột thịt thân thiết của mình. Đêm vừa qua, Iphigénie trải qua một giấc mộng đầy kinh hoàng: Cung điện của cha nàng ở Argos bị một cơn động đất làm sụp đổ, chỉ còn sót lại một cây cột và từ cây cột này rủ xuống những búp tóc vàng. Còn nàng thì phải rửa sạch, lau chùi, đánh bóng cây cột ấy như làm công việc tư tế của nàng: Đưa cây cột đó ra làm lễ hiến tế. Thật kinh dị và khó hiểu. Chẳng ai kịp tường giải giấc mộng kỳ lạ ấy cho nàng. Hơn nữa, bản thân nàng cũng không thể suy ngẫm được điềm báo của giấc mộng ấy vì sau bao năm xa quê hương và gia đình, nàng chắc rằng Oreste, em trai của nàng chẳng còn sống. Vì thế giờ đây khi sắp làm lễ hiến tế, nàng định bụng sẽ giết những người lạ mặt phạm tội để dâng cúng cho vong hồn em trai nàng. Giờ hành lễ đến. Hai chàng trai bị giải đến trước bàn thờ. Iphigénie hỏi lai lịch của họ. Được biết họ là người Hy Lạp, Iphigénie bèn hỏi thăm họ về quê hương Argos của nàng, về cha mẹ nàng, về người em trai của nàng là Oreste. Hai chàng trai Hy Lạp giấu kín tông tích. Họ chỉ cho viên nữ tư tế của nữ thần Artémis biết một tin mừng: Oreste còn sống. “Oreste còn sống! Trời ơi! Em ta còn sống ư!” Iphigénie thầm kêu lên như thế và nảy ra một ý định: Chỉ giết một người để làm lễ hiến tế, còn tha cho một người, để nhờ người đó mang một bức thư về Hy Lạp báo tin cho Oreste biết người chị ruột của chàng là Iphigénie hiện vẫn còn sống, hiện ở Tauride, là tư tế của nữ thần Artémis. Iphigénie bày tỏ ý định này với hai chàng trai Hy Lạp, và thế là hai chị em nhận được ra nhau, gặp lại nhau sao bao năm trời ly tán. Thật là vui mừng khôn xiết! Nhưng họ chẳng có nhiều thời gian để hàn huyên, tâm sự. Lễ hiến tế đến lúc phải cử hành rồi. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào để trốn thoát khỏi mảnh đất Tauride này? Trước nhà vua và đông đảo dân chúng, Iphigénie cất tiếng:

– Hỡi vị vua đầy quyền thế của xứ sở Tauride! Hỡi dân chúng! Lễ hiến tế sắp sửa bắt đầu, nhưng vừa rồi ta hỏi chuyện hai kẻ lạ mặt càn rỡ này ta được biết chúng đã phạm tội giết người ở quê hương chúng, vì thế chúng mới bỏ trốn tới đây. Như vậy bàn tay ô uế của chúng đã xúc phạm đến nữ thần Artémis linh thiêng của chúng ta. Chúng ta phải làm lễ tẩy uế cho bức tượng, và cả hai tên phạm tội nữa. Những kẻ sát nhân như thế nếu chưa được làm lễ rửa tội mà đem hiến tế thần linh thì không được. Chúng ta sẽ phạm một trọng tội nếu hiến tế cho các vị thần những lễ vật không tinh khiết. Các vị thần sẽ nổi giận, giáng tai họa xuống trừng phạt đất nước chúng ta. Vì thế ta quyết định đưa tượng nữ thần Artémis và hai kẻ phạm tội này ra ngoài bờ biển để làm lễ rửa tội. Nhà vua và chúng dân thấy có điều gì không vừa ý xin cứ truyền dạy.

Nhà vua và dân chúng nghe xong đều lấy làm phải. Vua bèn truyền cho rước tượng nữ thần Artémis ra bờ biển. Những tăng lữ của đền thờ rước tượng đi trước, còn quân lính giải hai tên phạm tội theo sau. Iphigénie dẫn đầu đám rước. Nàng dẫn đám rước ra quãng bờ biển nơi Oreste và Pylade cất giấu con thuyền. Tới nơi, Iphigénie ra lệnh cho đám lính phải lui về phía sau, thật xa, vì nghi lễ tẩy uế, rửa tội đòi hỏi phải tiến hành bí mật. Chỉ có người chịu lễ và các tăng lữ hành lễ được biết. Người ngoài cuộc không được tham dự, không được biết. Đó là tập tục từ nghìn xưa truyền lại. Chẳng cần phải kể dài dòng ta cũng đoán biết được lễ rửa tội tiến hành như thế nào. Iphigénie nhanh chóng cởi trói cho Oreste và Pylade, và hai chàng thanh niên Hy Lạp cũng nhanh chóng chuẩn bị buồm, chèo con thuyền. Đám lính chờ ở phía sau thấy lâu sinh nghi. Chúng phá bỏ lệnh cấm chạy ra ngoài bờ biển xem sự thể ra sao. Thật lạ lùng! Người trinh nữ tư tế của họ đang ở trên một con thuyền. Còn hai tên tội phạm đang ra sức đẩy con thuyền ra khỏi vùng nước cạn. Thế là lũ lính hô hoán ầm lên và xông tới. Chúng cho rằng viên nữ tư tế của họ đã bị bắt cóc, cần phải giải thoát cho nàng. Xung đột nổ ra. Oreste và Pylade chống đỡ. Tài nghệ cao cường của chàng cùng với Pylade đã chặn đứng bọn lính lại, và hơn thế nữa đánh cho chúng thất điên bát đảo phải quàng chân lên cổ mà chạy thoát thân. Mọi người xuống thuyền và ráng sức chèo để thoát khỏi vùng nguy hiểm. Con thuyền dần dần xa bờ. Xứ sở Tauride sau lưng họ chỉ còn là một vật xanh thẳm, nhưng số phận đâu có dành cho con thuyền của Oreste trở về quê hương Hy Lạp dễ dàng như thế. Một cơn bão nổi lên. Con thuyền vật vã trong sóng gió và sóng gió ném nó trở lại nơi xuất phát. Con thuyền trôi giạt vào bờ biển xứ Tauride. Tình hình thật muôn phần nguy ngập. Những người dân Tauride mà bắt được thì những người Hy Lạp cầm chắc cái chết.

Chính vào lúc nguy ngập như vậy, nữ thần Athéna đã kịp thời xuất hiện và ra tay phù trợ. Nữ thần đến cung điện của nhà vua vào lúc nhà vua đang đốc thúc tùy tướng truy đuổi. Lính tráng đã vào cơ vào ngũ. Thuyền bè, lương thực đã chuẩn bị xong xuôi. Nữ thần Athéna bèn lên tiếng phán truyền cho nhà vua xứ Tauride phải đình chỉ ngay việc đuổi bắt. Hãy để cho Iphigénie và hai chàng trai Hy Lạp cùng những người đi theo trở về quê hương Hy Lạp yên bình. Hơn thế nữa, nhà vua phải cho tất cả những tăng nữ phục vụ việc thờ cúng Artémis ở ngôi đền cùng về Hy Lạp với Iphigénie. Thấy nữ thần Athéna xuất hiện và phán truyền như vậy, nhà vua chỉ còn biết cúi đầu tuân lệnh.

Oreste trở về quê hương với niềm sung sướng khôn cùng. Chẳng những chàng đã mang được bức tượng nữ thần Artémis về Hy Lạp mà còn đưa người chị thân thiết của mình sau bao năm xa cách, những tưởng đã thiệt phận, cùng về với bức tượng. Chàng dâng bức tượng nữ thần Artémis cho đất Attique thiêng liêng. Nhân dân Attique dựng luôn một ngôi đền tráng lệ bên bờ biển và rước tượng Artémis về thờ. Tiếp đó chàng trở về quê hương Argos để đoạt lại ngai vàng. Ngai vàng lúc này do Alétès con của Égisthe chiếm giữ. Một cuộc giao đấu xảy ra. Alétès không chống đỡ nổi, bị giết chết. Thế là Oreste lên ngôi vua với tất cả niềm tự hào chính đáng: xóa bỏ được tội lỗi của bản thân, lập được chiến công, dựng lại được cơ nghiệp của vua cha, thanh toán hẳn, chấm dứt được mối thù lưu truyền từ đời ông cha giữa hai dòng họ Agamemnon và Thyeste.

Oreste trở về quê hương. Chàng lấy Hermione, con gái của Ménélas và Hélène, làm vợ. Chuyện Oreste lấy Hermione cũng khá lôi thôi: Xưa kia khi cuộc Chiến tranh Troie chưa xảy ra, Ménélas đã từng hứa gả Hermione cho Oreste, nhưng rồi sau chiến tranh xảy ra và kéo dài tới chục năm trời. Để giành được chiến thắng, theo một lời sấm ngôn cơ mật mà quân Hy Lạp biết được, quân Hy Lạp phải mời được dũng sĩ Néoptolème con của người anh hùng Achille, tới thành Troie tham chiến. Dưới quyền chỉ huy của chủ tướng Agamemnon, quân Hy Lạp đã thực hiện được việc này, và chính Ménélas là người góp phần quan trọng vào việc thực hiện sự việc tối ư quan trọng đó. Ông gả “béng” luôn Hermione cho Néoptolème để Néoptolème phấn khởi nhận nhiệm vụ sang giao chiến với quân Troie. Còn bây giờ cuộc Chiến tranh Troie đã kết thúc. Nàng Hélène đã trở về với Ménélas. Vậy thì nàng Hermione tất phải trở về với Oreste, và cuộc “chiến tranh” giữa Oreste với Néoptolème ắt phải xảy ra. Oreste với khí thế của người giành được những thắng lợi liên tiếp lại được thần thánh phù hộ, đến nhà Néoptolème gõ cửa, đòi lại nàng Hermione. Xô xát, tất nhiên là xô xát vì Néoptolème tính nóng như lửa, kết thúc bằng thắng lợi của Oreste. Néoptolème chết, Hermione về sống với Oreste ở Argos. Đôi vợ chồng này sinh được một con trai tên là Tisaménos.

Còn Pylade, Oreste chắp nối xe duyên với người chị ruột của mình là Électre.

Gia hệ người anh hùng Oreste:

231 Có lẽ tác giả nhầm; chính xác là con hươu như trên đã kể (Chương Truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie: Quân Hy Lạp lại tập trung ở Aulis). Chưa thấy tài liệu nào khác kể là con cừu (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

Hết