Quyển 2 – Chương 19: Chiến công và cái chết của dũng sĩ Bellérophon

Khi còn sống, Sisyphe lấy một nàng Pléiades tên là Mérope làm vợ. Họ sinh được một con trai đặt tên là Glaucos. Sau khi Sisyphe chết, Glaucos lên làm vua tiếp tục trị vì trên đô thành Éphyre. Glaucos là một vị vua nổi danh vì tài cưỡi ngựa. Bất cứ con ngựa nào dù hung dữ bất kham đến đâu hễ vào tay ông là sớm muộn cũng phải khuất phục. Đàn ngựa của ông rất quý, nhất là những con ngựa được tuyển chọn để thắng vào cỗ xe của ông thì lại càng quý hơn nữa. Chúng phi như bay, vượt qua các chướng ngại một cách khôn khéo, đoán biết được ý định của chủ, thông minh đến nỗi người ta tưởng chừng chúng nghe được cả tiếng người. Chúng đã đem lại cho ông khá nhiều vinh quang trong những cuộc thi đấu ở các ngày hội Glaucos. Tuy vậy, ông vẫn không hề bằng lòng, thỏa mãn với bầy ngựa của mình. Ông muốn chúng phải bỏ xa, vượt xa những con ngựa danh tiếng nhất mà ông đã từng được biết, và ông nghĩ ra một cách để cho bầy ngựa của mình có thể vươn lên hơn hẳn cả đối thủ: ông không cho bầy ngựa của ông giao phối. Việc làm của ông khiến nữ thần Aphrodite bất bình. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp này tỏ vẻ không hài lòng trước một hành động vi phạm vào luật lệ của tạo hóa như vậy, hơn nữa như vậy tỏ ra độc ác và tàn nhẫn. Aphrodite bèn tâu với Zeus và xin Zeus trừng phạt, nhưng Zeus giao toàn quyền cho Aphrodite. Được Zeus cho phép, nữ thần Aphrodite tìm cách cho những con ngựa của Glaucos uống nước ở một con suối thần, vì thế những con ngựa trở nên rất khỏe, rất hung dữ đến mức chúng có thể ăn được thịt người, thèm khát ăn thịt người.

Thế rồi trong một ngày hội tưởng niệm vị vua Pélias, Glaucos được mời tham dự. Ông tham gia trò đua xe ngựa. Nhưng rủi ro thay, cỗ xe của ông phóng quá nhanh bị lật đổ! Những con ngựa của ông đã xéo chết ông và ăn thịt ông. Có chuyện lại kể, chính Glaucos đã nuôi ngựa của mình bằng thịt người. Việc làm này khiến các vị thần tức giận và quyết định trừng phạt ông. Tham gia thi đấu, xe của ông bị đổ và chính những con ngựa đã từng nhiễm cái thói quen ăn thịt người do chủ nó nuôi nấng lúc này hăng máu lên ăn thịt luôn chủ nó.

Glaucos có một con trai tên là Bellérophon. Thật ra cái tên này sau này mới có. Lúc đầu chàng trai này tên là Hipponoos. Hồi ấy ở thành Corinthe nổi lên một tên tiếm vương độc ác tên là Belléros. Hắn cướp ngôi vua, thực hành nhiều chính sách bạo ngược khiến cho nhân dân oán thán. Hipponoos đã tìm cách trừ khử tên bạo chúa này. Vì lẽ đó cũng từ đó, người ta không gọi chàng thanh niên dũng cảm ấy bằng cái tên Hipponoos nữa mà gọi là Bellérophon theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “Người giết Belléros”. Nhưng theo luật lệ người xưa, sát nhân là một trọng tội, kẻ sát nhân phải đưa ra xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Bellérophon vì thế phải từ bỏ đô thành Corinthe trốn sang Tirynthe, xin nhà vua đô thành này tên là Proétos cho trú ngụ. Vua Proétos đã làm lễ rửa tội và tẩy uế cho chàng, cho chàng sống trong cung điện cùng với gia đình nhà vua. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi bình yên và êm đẹp ngờ đâu lại xảy ra một chuyện thật xấu xa hết chỗ nói. Hoàng hậu Sthénébée vợ của vua Proétos vốn là một phụ nữ đa tình. Nàng đem lòng thầm yêu chàng trai cường tráng và xinh đẹp Bellérophon mà Bellérophon không biết. Bữa kia nhân lúc vắng chồng, Sthénébée lân la trò chuyện với Bellérophon và biểu lộ dục vọng của mình khá là thô thiển. Bellérophon, trước thái độ đó của Sthénébée, rất khó chịu. Nhưng chàng chỉ biết khéo léo khước từ. Bị cự tuyệt, Sthénébée nghỉ cách trả thù Bellérophon. Nàng chờ lúc chồng về, đến gặp chồng và đặt điều vu cáo cho Bellérophon đã có những hành động lả lơi, sàm sỡ với nàng, xúc phạm thô bạo đến danh tiết của nàng. Nàng đòi chồng phải giết Bellérophon để rửa nhục cho mình. Nghe vợ nói, nhà vua không mảy may một chút nghi ngờ. Ông vô cùng tức giận muốn giết ngay Bellérophon cho hả lòng hả dạ. Nhưng giết một người đâu có phải chuyện thường. Các nữ thần Eiréné sẽ truy đuổi và đòi trừng phạt. Thần Zeus làm sao có thể tha thứ được việc ám hại một người khách ngay tại nhà mình. Nghĩ mãi không tìm cách gì để hạ sát Bellérophon cho ổn, cuối cùng Proétos thấy tốt nhất là nhờ bàn tay ông cụ bố vợ mình, lão vương Iobatès trị vì trên đất Lycie. Nhà vua bèn viết một bức mật thư gửi cho cụ, trong thư nói Bellérophon đã can tội xúc phạm đến mình, xin cụ ra tay trừng trị giúp. Bức thư được viết bằng một ký hiệu bí mật trên một tấm “giấy” bằng đất nung mà chỉ riêng hai người hiểu được và giao cho Bellérophon mang đi.

Bellérophon lên đường sang xứ Lycie. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, chàng tới được mảnh đất nổi tiếng là giàu và đẹp này. Lão vương Iobatès mở tiệc thết đãi người khách quý, và theo như phong tục người Hy Lạp cổ xưa, Iobatès chỉ hỏi tên họ của khách sau khi khách đã ăn uống no say. Bellérophon dâng lão vương bức thư của Proétos. Đọc xong thư, Iobatès thấy ớn lạnh cả người. Con rể của lão đã nhờ lão làm một việc thật khó, khó hết chỗ nói. Dù sao thì lão cũng lưu giữ chàng trai ở lại cung điện ít ngày để liệu bề đối xử. Sống gần chàng thanh niên khỏe mạnh, trong sáng và hồn nhiên, lão vương Iobatès đâm ra thấy mến Bellérophon. Lão không thể tin được, ngờ được, con người hồn nhiên và trong sáng như thế lại có thể phạm vào cái tội xấu xa, ô uế như con rể của lão viết thư cho lão biết. Có phần nào, đúng ra, Iobatès cảm thấy hơi khó tin. Đó là một lẽ khiến lão không thể đang tâm giết một con người mà mình cảm thấy chẳng có gì đáng ghét, đáng thù hằn. Còn một lẽ thứ hai nữa là, giết người là một trọng tội. Thần Zeus và các thần Olympe cũng như các vị thần ở dưới vương quốc của Hadès chẳng thể nào tha thứ cho kẻ phạm tội tày đình đó. Nếu Bellérophon phạm tội đối với Proétos thì sao Proétos không đích thân tự tay trừng trị Bellérophon mà lại phải nhờ đến tay mình? Iobatès nghĩ thế. Đúng là hắn sợ phạm tội giết người. Nếu hắn đã sợ thì tại sao mình lại không sợ? Tại sao mình phải nhúng tay vào một tội ác đẫm máu để hứng chịu lấy mọi hình phạt? Nghĩ thế nên cuối cùng Iobatès quyết định tha cho Bellérophon. Nhưng không phải là tha bổng, tha hoàn toàn. Lão vương nghĩ ra một cách trừng trị: bắt Bellérophon phải thanh trừ con quái vật Chimère. Đây là một quái vật rất dữ tợn, khủng khiếp, đầu sư tử, đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói Chimère có ba đầu: sư tử là một, rồng là hai, dê là ba, mọc chung trên một thân. Lai lịch của Chimère như sau: bố là Typhon, một ác quỷ khổng lồ có trăm đầu, cao như núi; mẹ là Échidna, một con quỷ cái có dễ to lớn không thua kém gì chồng, nửa người nửa rắn. Đối với lão vương Iobatès thì đây là một sự trừng phạt tránh được cho lão khỏi phạm tội ác. Còn đối với chàng thanh niên Bellérophon thì đây là một sự thách thức chí trai. Người xưa có chỗ còn kể, sở dĩ Bellérophon dám lên đường đi tiêu trừ quái vật Chimère là vì chàng vốn là con của thần Poséidon, bởi chỉ có con thần cháu thánh thì mới có được sức mạnh hơn người để chấp nhận cuộc thách thức. Mẹ của Bellérophon, nàng Eurynomé, tuy là một người trần tục nhưng đã được nữ thần Athéna dạy dỗ, đã từng là học trò yêu của nữ thần, cho nên về trí thông minh và sự khôn ngoan, hiểu biết nàng có thể sánh ngang các vị thần. Chính nàng đã truyền dạy lại những “báu vật” thần thánh ban cho ấy cho người con trai yêu quý của mình nên chàng mới có một trái tim dũng cảm mưu trí.

Nhưng để chiến thắng được quái vật Chimère chạy nhanh như gió, phun ra lửa, Bellérophon phải có một vũ khí gì ưu việt. Chàng được biết người anh hùng Persée trong cuộc đọ sức với ác quỷ Méduse đã chiến thắng rất oanh liệt nhờ đôi dép có cánh. Chàng thấy có lẽ chàng cũng phải tìm được đôi dép thần như thế để có thể bay trên trời cao sà xuống giao đấu với quái vật. Nhưng tìm đâu ra đôi dép kỳ diệu ấy? Bỗng Bellérophon nhớ đến con thần mã Pégase từ cổ ác quỷ Méduse khi bị chém bay vụt ra, bay vụt lên trời. Phải tìm bằng được con thần mã đó, Bellérophon nghĩ thế, và chàng bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho cuộc hành trình đi chinh phục Pégase. Muốn chinh phục Pégase, Bellérophon, theo như người ta nói, phải lần mò tới đỉnh núi Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses. Nơi đây có con suối Hippocrène, bắt nguồn từ một thác nước, chảy uốn khúc giữa hai bên bờ cỏ xanh rờn. Pégase thường từ trời cao hạ cánh xuống đỉnh núi và đến uống nước ở dòng suối đó. Lại có người nói, Pégase còn xuống uống nước ở suối Pirène trên núi Acrocorinthe173. Nhưng làm thế nào để bắt được con ngựa thần ấy, một con ngựa mà khi thoáng thấy bóng người là nó đã vỗ cánh bay thẳng lên trời? Bellérophon sau nhiều lần rình bắt không được đành phải tìm đến nhà tiên tri Polyidos để xin một lời chỉ dẫn. Polyidos khuyên Bellérophon nên đến đền thờ nữ thần Athéna, cầu khấn nữ thần và ngủ lại đền thờ để chờ linh nghiệm. Tuân theo lời chỉ dẫn, đêm hôm đó ngủ lại đền thờ, Bellérophon đã nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Các vị thần Olympe uy nghiêm ngự trị trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, truyền cho Bellérophon sức mạnh chinh phục con thần mã Pégase. Nữ thần Athéna tiến đến bên chàng và bảo:

– Bellérophon hỡi! Con ngủ mãi như thế này sao? Hãy mau tỉnh dậy và thắng bộ cương này vào con thần mã Pégase chứ! Con ngựa thần thánh ấy đang chờ con đấy!

Bellérophon giật mình tỉnh dậy. Chàng chẳng thấy một vị thần nào bên chàng. Nhưng ở trên mặt đất bên chỗ chàng nằm rực sáng lên một bộ dây cương bằng vàng, một bộ dây cương mà chàng chưa hề trông thấy trên đời này bao giờ. Ánh sáng của nó cứ tỏa ra ngời ngợi như những tia nắng vàng của thần Mặt trời-Hélios Hypérion. Chàng quỳ xuống nâng bộ dây cương lên rồi kính cẩn cúi đầu lạy tạ các vị thần Olympe, lòng chứa chan hy vọng, Bellérophon chạy như bay đi tìm Pégase: cũng phải mất một thời gian vất vả rình mò, Bellérophon mới đón được Pégase. Hôm đó như thói quen, Pégase từ trời cao hạ cánh xuống đồng cỏ bên bờ suối Pirène. Sau khi gặm những búi cỏ xanh non, Pégase đi ra suối uống nước. Bellérophon từ chỗ nấp của mình chạy tới chỗ Pégase. Nghe tiếng động, Pégase cất đầu lên khỏi dòng suối định vỗ cánh bay. Nhưng trông thấy Bellérophon chạy tới với bộ cương vàng tỏa sáng ngời ngợi, Pégase ngoan ngoãn để Bellérophon thắng cương. Thế là chàng Bellérophon đã có một “vũ khí” ưu việt hơn ác quỷ Chimère. Với bộ áo giáp đồng và chiếc khiên đồng ngời sáng, với cây cung và ống tên đầy ắp, gươm đeo bên sườn, Bellérophon nhảy lên lưng con thần mã trắng muốt như tuyết giật cương. Con ngựa hí lên một tiếng mừng rỡ, vỗ cánh tung vó, rẽ mây đưa Bellérophon hay vút lên trời cao.

Bellérophon bay ngay đến ngọn núi hang ổ của Chimère. Chàng cho thần mã Pégase hạ cánh xuống đất rồi tìm vào hang Chimère nhử nó ra ngoài. Trúng kế, Chimère từ trong hang lao vút ra như tên bắn tìm địch thủ. Ba dòng lửa từ ba miệng của ác quỷ phun ra quệt vào nơi đâu là nơi đó bốc cháy ngùn ngụt. Bellérophon nhanh như cắt nhảy phóc lên lưng con thần mã giật cương. Chàng bay vọt lên trời cao như chim đại bàng. Chàng điều khiển con thần mã thu hẹp vòng lượn lại và hạ thấp xuống, rồi bất chợt chàng giật cương cho Pégase nhằm thẳng ác quỷ Chimère đâm bổ xuống, cùng lúc đó, chàng giương cung bắn liên tiếp những mũi tên ác hiểm, có một không hai, xuống ác quỷ Chimère. Đến đây ta phải dừng lại để kể qua về những mũi tên đặc biệt của Bellérophon. Đây không phải là những mũi tên đồng của các trang anh hùng dũng sĩ danh tiếng, cũng không phải là những mũi tên tẩm độc như những mũi tên của Héraclès, lại càng không phải là những mũi tên vàng của vị thần Xạ thủ có cây cung bạc Apollon hay những mũi tên vô hình của vị thần Tình yêu-Éros, mà là những mũi tên chì, Bellérophon theo lời chỉ dẫn của các vị thần đã làm riêng để trừng trị ác quỷ. Chimère phun ra những dòng lửa đốt cháy hết mọi vật xung quanh. Những mũi tên chì bắn vào thân hình giãy nóng hừng hực của nó, lại được bầu không khí xung quanh nó bị đốt cháy cũng nóng như thế, làm chảy chì ra, vết thương do những mũi chì bắn vào là không cách gì cứu chữa nổi.

Bellérophon bắn liên tiếp những mũi tên này đến những mũi tên khác. Chimère biết địch thủ của mình từ trên trời cao đánh xuống, liền ngóc đầu lên để phun lửa thì đã quá muộn. Con thần mã Pégase đã bay vọt lên cao và lượn về phía sau lưng Chimère. Đau đớn điên cuồng, Chimère phóng lửa bừa bãi đốt núi đá thành vôi, đất rừng cây thành than tro. Núi sạt lở, cây cháy đổ ầm ầm, lửa bốc ngùn ngụt, khói bụi mù mịt khiến Chimère càng không sao trông thấy, tìm thấy địch thủ. Nó chết trong sự điên cuồng của nó và bị chính những ngọn lửa của nó đốt cháy thành tro.

Bellérophon hoàn thành sứ mạng của Iobatès. Chàng trở về cung điện với chiến công hiển hách, vinh quang lẫy lừng.

Bellérophon giết Chimère

Nhưng Iobatès lại trao cho Bellérophon một sứ mạng nguy hiểm khác nữa: chinh phục những bộ lạc Solymes và những bạn đồng minh của họ là những nữ chiến binh Amazones. Cần phải nói qua về những nữ chiến binh Amazones thì chúng ta mới thấy hết được những khó khăn và nguy hiểm mà Bellérophon sẽ phải đương đầu. Những bộ lạc Amazones là những bộ lạc thuần đàn bà, tuyệt không có lấy một người đàn ông nào. Tổ tiên họ xưa kia là một dòng giống kỳ lạ: những người phụ nữ ham mê chiến trận và rất tài giỏi trong sự nghiệp chinh phạt, giao tranh. Cứ thế hết đời này đến đời khác những nữ chiến sĩ Amazones sống dưới quyền cai quản của một nữ hoàng. Họ xây dựng đô thành trên bờ sông Thermodon đặt tên là Thémiscyre. Có người kể, họ sống trên bờ sông Méolide ở biển Asope. Nhưng sống không có đàn ông thì làm sao những người Amazones bảo tồn, duy trì và phát triển được nòi giống? Thế nhưng những nữ chiến sĩ Amazones vẫn tồn tại và phát triển. Họ làm theo cách sau: mỗi năm đón mời những người đàn ông ở bộ lạc láng giềng sang chơi một lần, và đó cũng và lễ kết hôn của họ. Sau đó họ đuổi những người “chồng” này trở về bộ lạc của chồng. Sau cuộc kết hôn ấy, những bà mẹ nào đẻ con ra, nếu là con gái thì giữ lại ở bộ lạc Amazones, còn nếu là con trai thì đuổi về sống với bộ lạc “bố” của chúng. Người xưa còn kể, những nữ chiến sĩ Amazones để thuận tiện cho việc bắn cung, vì họ vốn là những cung thủ có truyền thống bách phát bách trúng, đã đốt hoặc cắt đi một bên vú phải của mình174. Có người lại nói, con trai đẻ ra và họ đem giết ngay. Những người Amazones tung hoành khắp vùng bờ biển Tiểu Á đánh bại hầu hết những bộ lạc lân cận nhờ vào ưu thế cưỡi ngựa bắn cung của họ. Bellérophon dẹp xong khối liên minh của hai bộ lạc Solymes và Amazones bảo vệ được đất nước Lycie của Iobatès khiến cho quân thù khiếp sợ không dám bén mảng đến cướp phá. Với con thần mã Pégase thì tài cưỡi ngựa bắn cung của những người Amazones phải nhường chỗ cho người anh hùng Bellérophon.

Iobatès vẫn chưa thôi thử thách. Lần này nhà vua cử những trang anh hùng danh tiếng của mình thống lĩnh một đội quân đi phục kích Bellérophon khi biết tin chàng đã chiến thắng và đang trên đường trở về. Bellérophon mặc dù bị đánh bất ngờ vẫn không hề nao núng. Chàng lần lượt hạ các đối thủ. Chỉ đến lúc này lão vương Iobatès mới thật sự thừa nhận chiến công vĩ đại của Bellérophon. Lão vương cho mở tiệc mừng trọng thể, hơn nữa lại còn gả con gái cho chàng và chia cho chàng một nửa giang sơn để chàng cai quản. Nhân dân Lycie coi chàng là vị anh hùng vĩ đại của đất nước và trao tặng chàng những tặng phẩm hậu hĩ.

Mọi việc xong xuôi, Bellérophon lần đường về thăm lại vương quốc Tirynthe của nhà vua Proétos. Được tin Bellérophon trở về, Sthénébée xấu hổ vì hành động xấu xa của mình, tự tử.

Cuộc đời của người anh hùng những tưởng sẽ còn lập được nhiều chiến công vinh quang hiển hách hơn nữa cho đất nước Lycie, ngờ đâu, Bellérophon chẳng rõ vì sao bữa kia lại nảy ra ý định ngông cuồng muốn sánh ngang các vị thần. Chàng không muốn sống ở thế giới trần tục của những người đoản mệnh mà muốn sống trên thế giới Olympe của các vị thần bất tử. Chàng nghĩ rằng chiến công của mình có thể cho phép mình sánh ngang các bậc thần thánh. Thế là Bellérophon cưỡi con thần mã Pégase bay thẳng lên trời cao, bay lên cao, cao mãi vượt hết tầng mây thấp đến tầng mây cao để tới thế giới Olympe. Nhưng thế giới thần thánh do Zeus trị vì đâu có phải chuyện chơi, ai muốn lên thì cứ tự ý lên, chẳng có luật lệ, phép tắc gì cả. Thần Zeus trông thấy Bellérophon cưỡi con Pégase đang rẽ mây lướt gió bay lên, thần chau mày nổi giận. Thần phất tay mạnh một cái. Thế là con thần mã bỗng trở nên hung hăng trái tính trái nết. Nó lồng lên, đường đi nước chạy không còn ra làm sao cả. Bellérophon không tài nào điều khiển được nó, và trong một tiếng hí ghê rợn, con ngựa chồm lên hất mạnh Bellérophon ra khỏi lưng mình. Thế là người anh hùng ấy rơi từ trên trời cao xuống tận đất đen, linh hồn từ bỏ hình hài đi xuống thế giới của thần Hadès. Còn con thần mã Pégase lại trở về thế giới Olympe để phục vụ cho thần Zeus và các vị thần khác trong những cuộc công cán xuống trần hoặc đi du ngoạn đó đây.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Cưỡi lên Pégase (Monter sur Pégase), hoặc Thắng yên cương vào Pégase (Enfourcher Pégase) để chỉ cảm hứng sáng tác thơ ca, nghệ thuật hoặc chỉ một người nào đó đã trở thành nhà thơ, đồng thời nó cũng chỉ tài năng sáng tác của một người nào đó đã “phát tiết ra ngoài”, vì lẽ Pégase thường xuống ngọn Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses và uống nước ở con suối Hippocrène, con suối mà theo người xưa kể, các nhà thơ thường đến du ngoạn, uống nước để có nguồn cảm hứng. Người xưa còn kể, Pégase thường mời các nhà thơ đi du ngoạn khắp bầu trời rồi trở về núi Hélicon để có được nguồn cảm hứng bay bổng dạt dào. Lại có thành ngữ Con Pégase bất kham (La Pégase est retif) để chỉ một nhà thơ tồi.175

Quanh cái chết của Sthénébée còn có một cách kể khác, rằng Bellérophon đã cho Sthénébée cưỡi lên con thần mã Pégase cùng với mình bay lên cao rồi ném Sthénébée từ trên đó xuống biển. Về cái chết của Bellérophon cũng có một cách kể khác, rằng Bellérophon rơi xuống đất đen nhưng không chết, mà chỉ bị thọt và mù. Chàng sống với nỗi bất hạnh tàn tật và cô đơn, đi lang thang khắp thế gian với nỗi hối hận về hành động phạm thượng của mình.

Cũng cần nói thêm một chút về huyền thoại những nữ chiến binh Amazones. Nhìn qua chúng ta thấy ngay dấu ấn của huyền thoại thuộc về chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên có một điều khiến chúng ta phải băn khoăn đặt câu hỏi: trong chế độ mẫu quyền, chiến tranh bộ lạc đã ra đời chưa, và nếu đã ra đời thì tồn tại phổ biến đến mức như thế nào để có thể có những sản phẩm như bộ lạc Amazones? Có thể nói, chiến tranh bộ lạc không phải là hiện tượng xã hội phổ biến và thường xuyên trong chế độ thị tộc mẫu quyền. Nói một cách nghiêm ngặt thì chiến tranh bộ lạc là một hiện tượng của chế độ thị tộc phụ quyền. Do đó chúng ta có thể phỏng đoán rằng huyền thoại Amazones là một huyền thoại của chế độ phụ quyền song đã được anh hùng hóa. Mặc dù những nữ chiến binh Amazones có được miêu tả khá hào hùng là những kỵ sĩ suốt ngày trên lưng ngựa, thiện chiến, có tài bắn cung… song trong các cuộc xung đột với “đấng mày râu”, các Amazones chưa lần nào chiến thắng, áp đặt được quyền uy của giới phụ nữ đối với các trang nam nhi, anh hùng: dũng sĩ Héraclès đã chiến thắng Amazones đoạt được chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hippolyte, rồi Bellérophon, và sau này Thésée, Achille cũng đều là những người chiến thắng. Huyền thoại Amazones chỉ là một tia hồi quang của chế độ mẫu quyền được lắp ghép vào những huyền thoại về các chiến công của những anh hùng, dũng sĩ. Nó phải được anh hùng hóa để thích hợp với loại huyền thoại anh hùng của chế độ phụ quyền và để làm vẻ vang, rực rỡ cho chiến công của các anh hùng, dũng sĩ.

Ngày nay, Amazones trở thành một danh từ chung chỉ: nữ kỵ sĩ; một loại váy dài của phụ nữ mặc khi cưỡi ngựa; và người phụ nữ có tính cách như nam giới, thiếu vẻ hiền dịu, vị tha của nữ tính, hung bạo, hay gây gổ.

[173] Acrocorinthe nghĩa là “thành Corinthe ở trên cao”. Tiếng Hy Lạp acros: trên cao.

[174] Truyền thuyết này giải thích từ “Amazone” theo tiếng Hy Lạp cổ là “không có vú”. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì sự giải thích này không đúng.

[175] Tiếng Hy Lạp pégase: ngọn nguồn.

Quyển 2 – Chương 20: Chuyện về gia hệ người anh hùng Tantale

Tantale khinh thị thánh thần

Thần Zeus trong một cuộc tình duyên với nàng Nymphe Plouto sinh ra được một người con trai xinh đẹp tên là Tantale. Tantale xây dựng cơ nghiệp ở xứ Sipyle thuộc đất Phrygie hoặc Lydie. Đô thành của nhà vua xây dựng dưới chân núi Sipyle thật vô cùng đẹp đẽ và thuận lợi. Các vị thần lại ban cho người con trai của Zeus biết bao ân huệ: những cánh đồng phì nhiêu, nho trĩu quả, lúa đầy bông, chắc hạt, những đàn súc vật béo mập gặm cỏ ràn rạt, thỏa thuê trên những cánh đồng cỏ lúc nào cũng xanh tươi mơn mởn. Lại còn những mỏ vàng đầy ắp mà chẳng phải trên thế gian này nơi nào cũng có. Ai đã đi qua đất nước của Tantale thì trăm người, nghìn người như một đều tấm tắc khen cảnh đẹp, của nhiều, đều thèm muốn số phận nuông chiều người con của Zeus. Nhưng đó chưa phải là tất cả những phúc lợi mà thần Zeus ban cho người con trai yêu quý của mình, Tantale còn được hưởng biết bao sự ưu tiên, ưu đãi nữa mà chưa từng có một người trần thế nào dám mơ tưởng đến chứ đừng nói gì đến việc hưởng thụ. Trước hết thần Zeus cho người con trai của mình được sánh ngang với các vị thần của thế giới Olympe, được tự do ra vào cung điện Olympe, một nơi vô cùng thiêng liêng và nghiêm cẩn vốn chỉ dành riêng cho các vị thần. Tantale được ngồi cùng bàn dự tiệc với các vị thần, được thưởng thức những món thức ăn thần và uống các thứ rượu thánh là những thứ chỉ riêng thế giới Olympe mới có, vốn chỉ dành riêng cho các vị thần bất tử. Nhưng như thế chưa phải là tột cùng của sự ưu đãi. Tantale còn được Zeus cho tham dự các cuộc họp của các vị thần, những cuộc họp mà như chúng ta đã biết, thật là vô cùng quan trọng và tối mật vì nó bàn định đến kế sách lớn lao của việc điều hành thế gian. Nhưng trò đời sự nuông chiều, ưu đãi thậm chí có thể nói là nuông chiều và ưu đãi một cách mù quáng và ngu xuẩn thường là mẹ đẻ ra thói xấu hãnh tiến, kiêu căng vô ơn bạc nghĩa… nhất là đối với Tantale, một người chưa từng trải qua những thử thách như những người con khác của Zeus: Dionysos, Persée, v.v.

Tantale lúc nào cũng tự cho mình như là một vị thần, vênh vang kiêu hãnh về những đặc ân mà mình được hưởng. Y chẳng còn biết sự mực thước và khiêm tốn là gì. Lợi dụng sự tin yêu của đấng phụ vương, y đã đem cả những thức ăn thần và rượu thánh xuống trần phân phát cho những người trần thế đoản mệnh sống trong vương triều của y với ý đồ táo tợn là làm cho quần thần của y cũng được bất tử như các vị thần. Hành động liều lĩnh đó của y không qua được mắt của thần Zeus. Tuy nhiên, Zeus vì yêu con nên cũng chưa nỡ khiển trách. Lại một hành động nữa cực kỳ bậy bạ, cực kỳ láo xược của Tantale là đã đem những chuyện cơ mật của các cuộc Hội nghị Thần thánh nói vung ra cho mọi người trần thế đều biết. Cả đến những quyết định của Zeus, chủ kiến của Zeus đối với việc này việc khác, người này người khác, Tantale biết được cũng đem đi nói cho người trần thế biết. Nhưng thần Zeus vẫn bỏ qua. Song le mọi việc trên đời này đều có cái giới hạn của nó. Có một lần Tantale đã làm Zeus phật ý. Hôm đó trong một bữa tiệc linh đình ở cung điện Olympe giữa những tuần rượu thánh hương thơm ngào ngạt và không khí tưng bừng của cảnh ca vũ thần tiên, thần Zeus nhìn đứa con trai, âu yếm nói với nó những lời lẽ vàng ngọc như sau:

– Tantale hỡi! Ta yêu quý con và những mong con sẽ được hạnh phúc đời đời. Ta chẳng muốn con phải sống số phận khốn khổ của những người trần đoản mệnh, phải dãi nắng dầm mưa đào bới lòng đất đen lên mới có được hạt lúa mì vàng óng của nữ thần Déméter. Ta ban cho con nhiều ân huệ nhưng nếu con thấy chưa đủ, con còn muốn gì nữa thì con cứ nói với ta. Ta sẽ làm cho con được toại nguyện.

Tantale nhìn cha một cách lạnh lùng, đáp lại:

– Thôi thôi cha ơi! Con chẳng cần gì nữa! Ân huệ của cha con cũng không cần mà ân huệ của các vị thần khác thì con lại càng không cần thiết. Số mệnh là lực lượng cao hơn hết, quy định điều khiển mọi việc của thế gian, xếp đặt vị trí con người. Số mệnh đã ban cho con một số phận tốt đẹp hơn các vị thần bất tử. Vậy xin cha hãy đem ân huệ mà ban cho những kẻ khác.

Thần Zeus sa sầm mặt lại. Thần không ngờ đứa con mà thần vô cùng yêu quý lại có thể ăn nói một cách cạn tàu ráo máng, ngạo mạn, kiêu kỳ như vậy. “Chiều quá hóa hư rồi”, Thần Zeus nghĩ thế nhưng vẫn nén được cơn giận.

Nhưng đến việc sau đây thì Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Việc thứ nhất là chuyện con chó vàng.

Xưa kia khi Zeus ra đời, mẹ Zeus để che giấu Cronos (nếu Cronos biết sẽ nuốt luôn đứa bé) đã gửi Zeus, đứa con trai út của mình, sang đảo Crète. Thời thơ ấu Zeus sống với các nàng Nymphe và hai người bạn: con dê Amalthée và con chó vàng. Lớn lên, Zeus trở về Hy Lạp để giải thoát cho các anh, các chị. Trước khi ra đi, Zeus giao cho con chó vàng canh giữ ngôi đền thờ của mình. Năm tháng qua đi, cuộc sống cứ như mây trôi nước chảy, bỗng đâu một hôm thần Zeus nhớ lại người bạn nhỏ trung thành trong thời thơ ấu của mình. Zeus về đảo Crète tìm thì… hỡi ôi, con chó vàng đã không cánh mà bay? Truy hỏi ra thì Zeus được biết nhà vua Pandaréos trị vì ở đô thành Éphèse bên đất Tiểu Á (có chuyện kể trị vì ở Milet) đã rắp tâm bắt trộm con chó đó gửi Tantale giữ hộ vì e rằng nếu đem ngay con chó về nhà thì sẽ bị lộ. Pandaréos tưởng rằng gửi Tantale thì không ai biết mà cũng chẳng ai ngờ. Những người trần ngu ngốc cứ tưởng rằng có thể che giấu được thế gian và nhất là thần Zeus mọi chuyện. Họ đã lầm lẫn biết chừng nào. Zeus biết chuyện không nén nổi tức giận. Thần liền cho triệu ngay thần Hermès đến và ra lệnh cho Hermès phải xuống ngay Sipyle đến gặp tận mặt Tantale đòi lại con chó vàng, phải đòi bằng được con chó vàng. Vị thần truyền lệnh kính yêu, con của Zeus tuân lệnh, lên đường ngay không hề chậm trễ. Chỉ một lát sau, Hermès đã đứng trước mặt Tantale trịnh trọng tuyên đọc lệnh của Zeus:

– Hỡi Tantale, người con trai yêu quý của thần Zeus! Ta truyền cho nhà ngươi biết, ngươi phải trao trả ngay con chó vàng cho thần Zeus, nếu không thì ngươi đừng có trách đấng phụ vương là hay nổi nóng. Tên vua Pandaréos dại dột đã lấy trộm con vật quý giá ấy của người. Hắn lại còn ngu ngốc đến nỗi cứ tưởng đem gửi con chó vàng đó cho nhà ngươi thì mọi việc rồi sẽ qua đi, đầu xuôi đuôi lọt, chu tất. Ngươi há lại chẳng biết rằng đối với các vị thần Olympe thì không thể che giấu được một điều gì sao?

Tantale nghe nói, chẳng hề mảy may xúc động. Y với bộ mặt giả dối và trơ tráo, đáp lại thần Hermès bằng những lời lẽ láo xược chưa từng thấy:

– Hỡi thần Hermès! Xin ngài đừng có đem thần Zeus ra mà dọa ta! Trong nhà ta, xin mời ngài cứ vào xem, chẳng hề có một con chó vàng, chó bạc nào cả. Có lẽ các vị thần Olympe nhầm lẫn đấy, bởi vì các vị thần cũng có khi bị nữ thần Lầm lẫn làm cho mất trí. Ta xin thề với thế giới Olympe thiêng liêng và đầy quyền thế, lời nói của Tantale, vua của đất nước Sipyle mỹ lệ và giàu có này là hoàn toàn đúng sự thật.

Hermès ra về. Nhưng các vị thần Olympe ngay sau đó đã vạch trần giọng lưỡi xảo quyệt và bộ mặt giả dối của Tantale.

Việc thứ hai là việc giết thịt con trai làm cỗ mời các vị thần ăn.

Tantale, một hôm có ý định mở tiệc mời các vị thần Olympe xuống dự. Y truyền cho gia nhân lo liệu, sắm sửa để làm một bữa tiệc thật trọng thể. Bỗng đâu từ trái tim y nảy ra một ý đồ đen tối: y muốn thử xem các vị thần có đích thực là biết hết mọi việc trên đời này không, có thật là tiên đoán được mọi việc không. Y cho bắt ngay đứa con trai của mình tên là Pélops đem ra chọc tiết, mổ thịt làm cỗ, làm các món ăn thật ngon để dâng các vị thần.

Ngồi vào bàn tiệc, các vị thần không hề đụng thìa, đụng đũa vào một món ăn nào. Các thần đã đoán biết được ý đồ xấu xa của Tantale. Duy chỉ có nữ thần Déméter khi đó đang rầu rĩ về chuyện cô con gái Perséphone bị thần Hadès bắt xuống âm phủ đã sơ ý ăn vào một bát thức ăn nấu bằng thịt của Pélops. Khi các món ăn đã lần lượt đem hết lên bàn tiệc, một vị thần Olympe bèn đứng lên trút tất cả các món ăn đó vào một cái nồi thật lớn rồi đặt lên bếp lửa. Như đã dặn bảo nhau trước từ nhà, sau việc làm đó đều là công việc của thần Hermès. Hermès đứng lên bằng những pháp thuật của mình, đến bên chiếc nồi làm cho Pélops sống lại. Vì các thần không ai ăn mất tí xương, tí thịt nào của Pélops nên Pélops vẫn là con người lành lặn. Tất nhiên, Pélops cũng bị mất một miếng thịt be bé ở vai vì Déméter. Thần Hermès vá vào chỗ khuyết ấy bằng một miếng ngà voi. Chính vì thế mà từ đó trở đi, Pélops và con cháu của Pélops thường gọi là Pélopides đều có một miếng khoang hoặc đốm trắng ở vai.

Sau hai việc tối ư hỗn hào, quá thể láo xược ấy thì thần Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Thần cho triệu ngay Tantale lên thiên đình, quát mắng một trận rồi túm cổ quẳng luôn xuống thế giới âm phủ. Tội lỗi đến như thế nếu mà không trừng trị thì thần Zeus còn mặt mũi nào mà nhìn các vị thần cấp dưới và sao răn bảo được những người trần thế. Thần Zeus còn bắt Tantale phải chịu một hình phạt nặng nề, chịu đời đời cho xứng đáng với tội trạng của y. Tantale suốt đời phải đứng giữa một dòng lạch cạn, nước chỉ đến trên thắt lưng hay dưới ngực gì đó. Y cứ phải đứng như thế hết ngày này qua ngày khác mà không được ăn uống gì. Khát quá, khát khô cả họng khát nóng cả cổ, y cúi đầu xuống đưa hai tay ra toan vục nước lên miệng uống thì lạ sao, nước lập tức rút hết! Rút nhanh đến nỗi Tantale trông xuống chỉ thấy có mặt bùn nhão ở dưới chân mình! Tantale thở dài, đứng sững sờ như một bức tượng đá thì nước lại dâng lên như cũ. Nhưng hễ Tantale cúi xuống định vục nước uống thì nước lại rút đi, rút hết. Tantale cứ phải chịu khát suốt đời. Khát đã vậy lại còn đói nữa. Trên đầu Tantale là một cành cây trĩu quả. Đủ thứ quả: nho, táo, lê chín thơm ngào ngạt. Đói quá, Tantale đưa tay lên toan với một chùm quả chín lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay, thì lạ sao, chùm quả chín đỏ lập tức nhích ra xa, dướn lên cao khiến cho Tantale không thể nào với tới được. Y lại đứng thất vọng sững sờ. Chùm quả chín lại lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay. Nhưng hễ Tantale đưa tay ra toan vịn cành với quả thì chùm quả lại đung đưa ra khỏi tầm tay. Chưa hết, cao hơn những chùm quả một chút là một tảng đá chênh vênh từ một trái núi nhô ra, nom rất sợ, sợ đến lạnh cả người vì nó lúc nào cũng như có thể rơi thẳng xuống đầu Tantale, tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh có thể hất tảng đá đổ ụp xuống.

Thành ngữ Nỗi khổ Tantale hoặc Cực hình Tantale (Le supplice de Tantale) chỉ nỗi đau khổ của con người theo đuổi kiên trì một mục đích mà không thành công, một nỗi đau khổ day dứt vì không sao đạt được hoặc khi tưởng chừng như gần đạt được thì lại hỏng, lại thất bại.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp, chúng ta thường thấy có những nhân vật phạm tội kiêu căng, bất kính đối với thần thánh hoặc nổi loạn chống đối lại thế giới thần thánh. Mở đầu là vị thần Prométhée, vị thần mà lý tưởng và chiến công đã phản ánh sự nghiệp chiến đấu hào hùng của con người. Quá trình phát triển của thần thoại từ thời kỳ chế độ thị tộc mẫu quyền đến thị tộc phụ quyền và bước chuyển biến có ý nghĩa cách mạng từ thời cổ đại anh hùng với nền dân chủ-quân sự (công xã thị tộc đang tan rã) sang thời đại văn minh với quyền tư hữu tài sản (chế độ chiếm hữu nô lệ) là quá trình con người ngày càng “sinh sự”, ngày càng “bướng bỉnh” với thần thánh, ngày càng phạm nhiều tội ngạo mạn, bất kính đối với thần thánh. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Nào nàng Niobé đã khinh thị nữ thần Léto, tự cho mình đẹp hơn Léto, và nào là gã Silène (hoặc còn gọi là Satyre) Marsyas dám thách thức với thần Apollon đua tài, vào “công cua” (concours) âm nhạc với mình. Ngang hơn nữa là chàng Leucippos dám tranh giành người đẹp tiên nữ Daphné với thần Apollon. Rồi nàng Arachné thách nữ thần Athéna thi tài dệt với mình. To gan lớn mật hơn nữa là anh chàng Ixion mưu toan “bắt bồ” với nữ thần Héra! Đến chuyện Sisyphe và Tantale kể trên thì thật là “đại loạn”. Con người dường như chẳng coi thần thánh là cái gì nữa cả. Xưa kia thần Asclépios chỉ vì có tài chữa bệnh, biết phép cải tử hoàn sinh cho người trần thế đoản mệnh mà đã bị Zeus giáng sét giết chết tươi. Nhưng giờ đây thì việc Sisyphe lập mưu bắt sống thần Chết-Thanatos đã thật sự gây rối loạn đến cơ chế của chế độ chính trị Olympe, và lại còn lừa được vị vua của thế giới âm phủ! Tất cả những hiện tượng đó chỉ có thể là sản phẩm của một thời kỳ mà con người đã phần nào bớt sợ hãi thần thánh. Khoa thần thoại học gọi những hiện tượng đó bằng một từ ngữ: chủ nghĩa anh hùng-thần thoại. Tất nhiên những hành động bất kính, kiêu căng nổi loạn của con người đều cuối cùng bị thần thánh trừng phạt và để cho sự trừng phạt hợp lý đương nhiên thế giới thần thánh phải biểu hiện ra như là đại diện cho công lý đạo đức, còn kẻ bị trừng phạt ắt phải là một tên hư hỏng, vô đạo. Con người cuối cùng phải chấp nhận thất bại trước thần thánh, nhưng làm thế nào được. Lịch sử chưa cho phép con người chiến thắng thần thánh!

Quyển 2 – Chương 21: Pélops sinh cơ lập nghiệp ở đất Hy Lạp

Sau khi Tantale bị thần Zeus trừng phạt, Pélops lên nối ngôi cha trị vì ở đô thành Sipyle. Nhưng số phận chẳng nuông chiều đất nước Sipyle như xưa nữa. Vị vua thành Troie với binh hùng tướng mạnh đã từng thu phục nhiều thành trì đất đai của các vương quốc ở ven biển Tiểu Á, kéo quân sang vây đánh thành Sipyle. Pélops chỉ còn biết cách thu thập của cải và gia nhân, được chút nào hay chút ấy, xuống thuyền chạy sang đất Hy Lạp, Pélops đặt chân lên một bán đảo ở phía Nam nước này và định cư tại đây. Chàng mở mang đất đai, khai phá rừng núi, bờ bãi, sinh cơ lập nghiệp, xây dựng một cơ đồ khá giả. Từ đó bán đảo này mang tên chàng. Ngày nay chúng ta gọi là bán đảo Péloponnèse.

Một hôm trong một cuộc du ngoạn, Pélops bắt gặp một người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Chàng định bụng sẽ dò hỏi tông tích nàng để rồi sắm sửa lễ vật đi cầu hôn. Người con gái đó tên là Hippodamie con của vua Oenomaos ở đô thành Pise phía tây bán đảo gần sông Alphée. Nhưng chuyện cầu hôn với nàng đâu có dễ. Xưa nay người đẹp vốn khó… không phải khó lấy chồng mà khó chọn chồng vì có quá nhiều người hỏi. Nhưng khó hơn nữa là Oenomaos không cho con gái mình lấy chồng. Tại sao lại có chuyện ác nghiệt như vậy? Số là nhà vua được một vị tiên tri phán truyền cho biết, ông sẽ bị một chàng rể giết chết và cướp ngôi. Để chống lại lời phán truyền khủng khiếp ấy của số mệnh, ông chỉ còn cách khước từ hết mọi chàng trai đến cầu hôn. Song le cách đối phó ấy của ông lại đẻ ra một nỗi lo rất lớn. Nhiều trang anh hùng hào kiệt, nhiều bậc công tử phong lưu mã thượng đem lễ vật đến bị ông khước từ đã ra về với nỗi bất bình, ấm ức nhiều khi quá lộ liễu. Biết đâu chẳng có ngày họ kéo binh đến đô thành của ông. Lúc đó lễ vật ông chẳng được mà kẻ chiến thắng ông nghiễm nhiên là chàng rể! Chưa bao giờ ông thấy sự có mặt một người con gái đẹp lại gây ra cho ông lắm nỗi lo âu như thế này. Hết ngày này sang ngày khác, đêm này đến đêm khác ông nằm vắt tay lên trán thao thức suy nghĩ kế sách đối phó. Cuối cùng, ông nghĩ ra được một kế mà ông cho là tuyệt diệu nhất. Ông cho công bố để khắp nơi xa gần được biết: ông sẵn sàng chấp nhận lễ vật cầu hôn của bất cứ chàng trai nào với điều kiện chàng trai đó phải thắng được ông trong cuộc đua xe ngựa. Phần thưởng cho người chiến thắng trong cuộc tỉ thí này là nàng Hippodamie. Nhưng nếu kẻ cầu hôn không thắng được thì sao? Kẻ đó sẽ chết. Đó là con đường duy nhất, sự lựa chọn duy nhất của những kẻ cầu hôn. Oenomaos nghĩ ra kế này vì ông nổi danh khắp vùng là một người điều khiển xe ngựa cực kỳ tài giỏi và hơn nữa ông có những con ngựa chạy nhanh như gió Bấc-Borée. Chưa bao giờ trong những cuộc đua xe mà ông phải chịu nhận phần thưởng thứ nhì. Oenomaos tin rằng với kế sách này thì chắc chắn chẳng mấy người muốn xin cầu hôn hoặc giả nếu có kẻ táo bạo thì ắt rằng sự táo bạo của anh ta chỉ đem lại cho anh ta cái chết chứ không phải cho anh ta nàng Hippodamie.

Mặc dù điều kiện của lễ cầu hôn có quá ngặt nghèo và nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều chàng trai đến xin dâng lễ và chấp nhận cuộc tỉ thí! Ôi! Thật thương thay cho khá nhiều chàng trai vì quá say mê sắc đẹp của nàng Hippodamie mà không biết lượng sức mình! Họ đã bỏ mạng trong cuộc đua xe ngựa với Oenomaos. Nhà vua sau mỗi lần chiến thắng, chặt đầu kẻ cầu hôn chiến bại đem treo ở đường ra vào, ở các cửa ra vào cung điện. Ông muốn răn đe những kẻ đến sau. Thế nhưng Pélops một bữa kia vẫn cứ đến đô thành Pise, gặp Oenomaos để xin tỉ thí, Oenomaos nhận Pélops với con mắt khinh thường. Nhà vua nói với Pélops.

– Thế nào? Chàng muốn lấy con gái ta phải không? Được thôi! Nhưng chàng đã suy nghĩ kỹ chưa? Chàng đã trông thấy đầu những chàng trai cầu hôn treo lủng lẳng ở cửa ra vào cung điện chưa? Thôi ta khuyên chàng hãy từ bỏ ý đồ bồng bột, đầy ảo tưởng là có thể thắng ta được trong cuộc đua. Hãy giữ lấy mạng mình là hơn cả!

Pélops đanh thép trả lời:

– Hỡi nhà vua Oenomaos kiêu căng và tàn bạo! Cái chết chẳng làm ta run sợ. Ta quyết là ta làm. Ta tin rằng các vị thần Olympe sẽ phù trợ ta trong cuộc thi đấu này. Ta tin rằng nàng Hippodamie xinh đẹp sẽ về tay ta.

Oenomaos cả cười, bảo Pélops:

– Thôi được, ta đã từng nghe những lời nói như vậy ở nhiều chàng trai cũng như ta đã từng kết liễu đời họ. Chàng hãy nghe đây, thể lệ cuộc thi như sau: chặng đường phải vượt bắt đầu từ đô thành Pise chạy suốt qua bán đảo Péloponnèse, qua đất Isthme và kết thúc ở bàn thờ vị thần cai quản mọi biển khơi Poséidon, cách đô thành Corinthe không xa. Nếu chàng về nhất, đương nhiên chàng là người thắng cuộc, vinh quang và Hippodamie, người con gái vô vàn xinh đẹp và yêu quý của ta sẽ thuộc về chàng. Ngược lại, nếu xe ta từ sau vượt lên đuổi kịp chàng trước khi chàng tới đích thì ta sẽ phóng cho chàng một ngọn lao vào sau lưng và chàng cũng đi theo số phận của bao trang anh hùng, dũng sĩ khác từ bỏ mặt đất đầy ánh sáng xuống sống dưới vương quốc tối tăm khắc nghiệt của thần Hadès. Cũng như đối với các chàng trai trước kia, ta dành cho chàng quyền ưu tiên được khởi hành trước. Như thường lệ, ta phải dâng lễ vật để cầu khấn thần Zeus, vị thần có uy quyền lớn nhất, phù hộ cho ta, rồi sau đó ta mới lên xe đuổi theo chàng. Vậy chàng hãy ra sức vượt ta cho thật xa khi những con ngựa chạy nhanh như gió Bấc-Borée của ta chưa tung vó.

Pélops ra đi, lòng ngổn ngang trăm mối. Làm thế nào thắng được tên vua hung ác này. Cứ đằng thẳng đua sức thi tài với hắn thì chắc chắn là lãnh đủ cái chết. Phải dùng mưu. Pélops nghĩ thế và bí mật tìm gặp Myrtilos, con trai của vị thần Hermès, người đánh xe ngựa cho Oenomaos để mua chuộc anh ta. Chàng hứa, nếu Myrtilos giúp chàng giành được thắng lợi trong cuộc đua này thì chàng sẽ chia cho Myrtilos một nửa vương quốc và tặng thưởng nhiều báu vật. Có chuyện kể, Pélops hứa sẽ cho Myrtilos quyền hưởng đêm đầu tiên với Hippodamie. Do dự, đắn đo hồi lâu sau rồi Myrtilos ưng thuận. Myrtilos sẽ dùng một chiếc trục xe bằng sáp ong thay cho trục sắt. Chỉ có bằng cách ấy xe của Oenomaos mới bị hỏng ở giữa đường và Pélops mới có thể thắng được. Có chuyện lại kể, Myrtilos không lắp đinh chốt vào trục xe.

Sáng hôm sau khi nàng Éos-Bình minh trùm khăn vàng vừa xòe những ngón tay hồng ra ở chân trời thì cũng là lúc Pélops bước vào cuộc thi đấu. Chàng cầu nguyện vị thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon rồi bước lên xe. Nhà vua Oenomaos cũng mang lễ vật đến đền thờ thần Zeus. Trước khi bước vào đền thờ hành lễ, nhà vua ra lệnh cho Pélops khởi hành.

Cuộc đua bắt đầu. Pélops đánh xe, quất ngựa cho chúng phi nước đại. Cỗ xe lao đi như tên bắn chẳng mấy chốc mất hút sau một đám bụi mù. Khát vọng giành được vinh quang và người đẹp thúc giục chàng, tiếp sức cho chàng. Chàng vừa nắm dây cương điều khiển lũ ngựa vừa thỉnh thoảng ngoái nhìn lại phía sau. Chưa thấy Oenomaos đâu, chàng sung sướng quất roi cho lũ ngựa chạy nhanh hơn nữa. Nhưng niềm vui của chàng quá sớm. Chẳng bao lâu chàng đã thấy bóng dáng chiếc xe của Oenomaos hiện lên trên một đám bụi. Chiếc xe cứ lớn dần lên, lớn dần lên đến nỗi chàng đã trông thấy rõ nhà vua đang đứng trên xe. Những con ngựa của Oenomaos thật danh bất hư truyền: chúng cứ như những cơn gió lốc ào ào thổi tới. Pélops thấy vậy càng ra sức quất roi hò hét cho lũ ngựa dốc sức chạy nhanh. Nhưng dù chúng có cố sức đến mấy đi nữa thì cũng không thể thay đổi được một sự thật, cỗ xe của Oenomaos đang ngày càng rút ngắn khoảng cách, và kia rồi, thật vô cùng nguy hiểm, Oenomaos đã một tay cầm cương một tay giương ngọn lao lên lăm lăm chỉ chờ đến một khoảng cách thuận lợi, đúng tầm hướng là phóng. Pélops cố gắng trấn tĩnh. Chàng lẩm nhẩm cầu khấn thần Poséidon phù trợ, và vị thần có cây đinh ba gây bão tố đã nghe hết những lời cầu khẩn của chàng. Cỗ xe của Oenomaos vẫn băng lên. Bỗng nhiên, Pélops nghe đánh rầm một cái. Chàng quay lại. Kia rồi, Myrtilos đã thực thi đúng như sự cam kết của hắn đối với chàng. Hai bánh của cỗ xe rời khỏi trục văng ra ngoài. Chiếc xe đổ vật ngang sang một bên rồi lộn ngược vỡ tan. Lũ ngựa kéo lê chiếc xe vỡ đi một đoạn rồi dừng lại, Pélops cũng đã dừng xe lại. Bên vệ đường chàng thấy xác Oenomaos nằm đấy, mặt úp xuống đất đầy cát bụi, sọ bị vỡ ra, máu đen chảy dài xuống áo. Thần Hadès đã bắt linh hồn của tên vua tàn bạo này về thế giới tối tăm, u ám của mình.

Pélops chiến thắng. Chàng trở về đô thành Pise cưới Hippodamie làm vợ và cai quản vương quốc của Oenomaos. Myrtilos đến đòi Pélops thực hiện lời hứa, nhưng Pélops trở mặt. Y không muốn mất một tí gì cho người đã giúp y giành chiến thắng. Lòng tham của y thật không đáy. Tệ bạc hơn nữa, y còn giết chết Myrtilos. Giống như cha y khi xưa, Tantale, một con người xảo quyệt, y đã tìm cách rủ Myrtilos đi chơi rồi lừa lúc Myrtilos sơ ý, đẩy Myrtilos ngã từ trên một ngọn núi xuống biển. Những ngọn sóng điên cuồng và hung dữ từ ngoài khơi xô vào đã cuốn Myrtilos đi. Nhưng trước khi chết, Myrtilos còn đủ sức nguyền rủa dòng giống của Pélops sẽ vì tội ác của cha chúng mà phải mang trọng tội đời đời. Vì lời nguyền rủa này mà con của Pélops là Atrée và Thyeste sau này phải chịu những thảm họa vô cùng khủng khiếp.

Quyển 2 – Chương 22: Tội ác và sự thù hằn giữa hai anh em Atrée và Thyeste

Atrée và Thyeste là hai anh em sinh đôi, con của người anh hùng vĩ đại Pélops. Nhẽ ra họ được sống một cuộc đời bình yên hạnh phúc, song vì cha họ xưa kia đã can tội bội ước và ám hại một người đã giúp đỡ mình lập được chiến công là người đánh xe ngựa cho vua Oenomaos tên là Myrtilos, cho nên cuộc đời của họ sống triền miên trong những tội ác và sự thù hằn. Thuở ấy Myrtilos đã giúp Pélops thắng trong cuộc đua xe ngựa với vua Oenomaos, nhờ đó, Pélops mới cưới được nàng Hippodamie, con gái nức tiếng xinh đẹp của nhà vua. Nhưng Pélops nuốt lời hứa, không trọng thưởng Myrtilos mà lại còn giết chết Myrtilos. Trước phút lâm chung, Myrtilos nguyền rủa Pélops rằng con cháu của Pélops sẽ vì tội ác đê tiện và xảo quyệt này mà phải chịu trọng tội đời đời, phải sống chìm đắm suốt đời trong tội ác đẫm máu gớm ghê và sự thù hằn dai dẳng.

Tội ác đầu tiên của dòng họ này là việc giết Chrysippe. Trong một cuộc tình duyên với tiên nữ Nymphe Axioche, Pélops sinh ra được một người con trai tên là Chrysippe. Do được Pélops yêu quý nên Chrysippe trở thành cái gai trước mắt hai anh em Atrée và Thyeste. Được mẹ là Hippodamie xúi giục, anh em Atrée và Thyeste đã hãm hại Chrysippe, nhằm thanh trừ một kẻ thù, một đối thủ trong cuộc thừa kế ngai vàng sau này. Nhưng hành động tàn bạo và ám muội của hai anh em bị Pélops phát giác. Sợ bị trừng phạt, hai anh em chạy trốn sang đô thành Mycènes cầu xin vua Sthénélos, con trai của Persée, che chở. Cuộc sống của hai anh em sinh đôi này ở trên đất Mycènes kéo dài không rõ được bao lâu thì bữa kia xảy ra một biến cố khá quan trọng, một biến cố mở đầu cho những mối thù và những cuộc trả thù vô cùng kinh khủng sau này. Đó là việc nhà vua Sthénélos băng hà, ngai vàng của đất Mycènes không người thừa kế. Không phải Sthénélos không có con trai, con trai của vị vua này chính là Eurysthée, kẻ đã hành hạ Héraclès suốt mười hai năm trời, nhưng lúc Sthénélos băng hà thì Eurysthée không còn sống. Trong cuộc giao tranh với những Héracleidae, Eurysthée đã bị Iolaos bắt sống và đưa về trừng trị. Xét theo huyết thống thì hai anh em Atrée và Thyeste là người gần gũi hơn cả, vì nàng Nicippé, vợ của vua Sthénélos, chính là em ruột của họ. Nhưng ngai vàng chỉ có một mà họ lại là hai. Nhân dân Mycènes không biết phân xử thế nào. Các vị bô lão phải đến cầu xin thần thánh ban cho một lời chỉ dẫn. Lời thần truyền phán: “Hãy truyền ngôi cho người nào trong tay có Bộ lông Cừu vàng”. Biết được lời thần ban bố như vậy, Atrée vô cùng sung sướng. Bộ lông Cừu vàng là báu vật của chàng, chàng hiện nắm giữ nó trong tay. Lai lịch của nó như sau:

Thuở xưa khi còn trẻ Atrée chỉ làm một gã chăn chiên, trong đàn súc vật dê cừu đông đúc của mình, thế nào một hôm Atrée bắt gặp một chú cừu con xinh đẹp. Quý hơn nữa, chú cừu ấy lại có bộ lông vàng. Từ xưa đến nay chưa bao giờ Atrée gặp một con cừu đẹp như thế. Bộ lông của nó vàng rượi, óng ả, đẹp đẽ vô ngần, nhất là những khi mặt trời chếch bóng, ánh nắng nhạt của buổi chiều hôm ngả dài trên lưng đàn súc vật đang lững thững về chuồng, thì bộ lông vàng của chú cừu đó óng ánh hẳn lên, rực rỡ hẳn lên. Năm đó, Atrée phải làm lễ hiến tế cho nữ thần Artémis; nhẽ ra chàng phải dâng cho nữ thần bộ lông vàng của chú cừu đó, vì hiến tế cho các vị thần phải thành kính dâng lên những vật gì quý báu nhất, nhưng Atrée không dâng cho nữ thần Artémis chú cừu có bộ lông vàng đó. Chàng thay thế bằng một lễ vật khác, rồi giết con cừu giữ lại bộ lông vàng cho mình. Chàng bỏ Bộ lông Cừu vàng vào trong một chiếc hòm kín có khóa cẩn thận và giấu kỹ điều bí mật này, không cho ai biết ngoài người vợ thân thiết của chàng là nàng Érope xinh đẹp. Đó, lai lịch Bộ lông Cừu vàng là như thế.

Hôm sau trước hội nghị nhân dân, các bô lão công bố lời phán truyền của thần thánh. Những người đem trình Bộ lông Cừu vàng trước hội nghị nhân dân lại không phải và Atrée mà là Thyeste. Vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Nguyên do là biết được lời phán truyền của thần thánh, Érope, vốn tư thông với Thyeste, đã lấy cắp Bộ lông Cừu vàng trao cho Thyeste, và Thyeste lên làm vua ở Mycènes.

Thất bại, Atrée cầu khấn thần Zeus, xin thần ban cho một điềm chứng minh chàng là người thắng cuộc, chính chàng và người được thừa kế ngôi báu ở Mycènes. Thần Zeus chấp nhận lời cầu xin. Thần đảo lại đường đi của thần Mặt trời-Hélios khiến cho mặt trời bỗng dưng mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông. Chao, sao mà kỳ lạ quá thế này, một sự việc lạ lùng chưa từng thấy! Chắc chắn có sự gì đây. Nhân dân Mycènes mời các bô lão và các nhà tiên tri đến để tường giải sự việc lạ lùng mà theo họ hẳn là một điềm báo lành ít, dữ nhiều. Cuối cùng những người dân Mycènes biết rằng mình đã lầm lẫn, lầm lẫn như thần Mặt trời-Hélios đã lầm lẫn đường đi. Họ phế truất Thyeste và đưa Atrée lên ngôi. Chỗ này có chuyện kể, sau khi Thyeste lên ngôi, thần Zeus sai thần Hermès xuống báo mộng cho Atrée biết, hãy thách thức, đánh cuộc với Thyeste trước hội nghị nhân dân: nếu mặt trời mọc ở hướng Tây và lặn ở hướng Đông thì Thyeste sẽ phải nhường lại ngôi báu cho Atrée. Chấp nhận lời thách thức ngược đời, Thyeste đinh ninh, chỉ có người mất trí mới tin được Atrée thắng cuộc. Nhưng sáng hôm sau thật kỳ lạ, mặt trời mọc ở hướng Tây. Trước hội nghị nhân dân, Thyeste đành chịu thua cuộc và phải rời khỏi Mycènes. Căm giận người vợ phản bội, Atrée ra lệnh ném Érope, con của Catrée, cháu của Minos, xuống biển.

Thyeste bị trục xuất khỏi Mycènes lòng tràn đầy uất hận. Y bắt cóc một đứa con trai nhỏ của Atrée đem theo. Ở nơi đất khách quê người, y nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ với một ý đồ nham hiểm: dùng nó để trả thù Atrée. Y đã xóa bỏ mọi dấu vết về tông tích đứa bé, làm cho nó đinh ninh rằng y là cha đẻ của nó. Y dựng lên một hình ảnh đáng ghét, đáng ghê tởm về Atrée. Năm tháng trôi đi, đứa bé lớn lên và trở thành một chàng trai tuấn tú. Thyeste giao cho nó, tên gọi là Plisthène, nhiệm vụ trở về Mycènes để giết Atrée. Nhưng Plisthène không thực hiện được nghĩa vụ mà Thyeste giao cho. Mưu đồ đen tối của Plisthène bị phát giác, và trong một cuộc xung đột chàng ta bị ngã gục đước mũi gươm của Atrée. Hạ xong địch thủ, xem xét kỹ lại dấu vết cũ trên người, Atrée mới biết rằng đây chính là đứa con của mình mất tích từ năm xưa. Đau đớn, cay đắng mà không biết than thở với ai, Atrée lập mưu trả thù lại Thyeste. Giả vờ hòa giải với người em, tạo ra một bầu không khí thuận lợi để thực hiện mưu kế trả thù.

Một hôm, Atrée cho người đến nói với Thyeste rằng mình đã nguôi mối giận xưa kia và bây giờ muốn hai anh em hòa giải và chung sống với nhau. Nhận lời mời của Atrée, Thyeste đưa cả gia quyến về Mycènes. Có ai ngờ đâu lòng người nham hiểm khôn lường. Atrée đã làm một việc tàn ác, độc địa chưa từng thấy, tàn ác đến nỗi xưa kia khi nghe kể đến đoạn này, nhiều người phải rùng mình nhắm mắt kinh hãi. Atrée lừa lúc Thyeste vắng nhà, bắt ngay ba đứa cháu ruột của mình, con của Thyeste, làm thịt. Sau đó gã mời Thyeste sang dự tiệc. Thyeste không hề biết. Y cứ ngồi vào bàn tiệc điềm nhiên thưởng thức những món ăn ngon lành làm bằng thịt con mình. Cảnh tượng kinh khủng đó khiến cho Zeus vô cùng phẫn nộ. Thần liền dồn mây, giáng sấm sét biểu thị sự tức giận của mình. Thần Mặt trời-Hélios, người chẳng để lọt qua đôi mắt một sự việc gì, cũng không đủ can đảm để nhìn cảnh bố ngồi chè chén thịt con một cách ung dung thú vị như thế. Thần phải bỏ dở cuộc hành trình, quay ngay cỗ xe vàng chói lọi của mình trở về phương đông.

Chè chén một lúc, Thyeste linh cảm thấy có sự chẳng lành, bỗng cất tiếng hỏi Atrée:

– Hỡi Atrée thân mến! Ta vô cùng cảm ơn bác đã mời ta một bữa tiệc thịnh soạn mà trong đời ta chưa từng được biết đến. Nhưng ta xin bác đã rộng lòng lại rộng lòng thêm chút nữa. Bác cho các cháu của bác được cùng dự bữa tiệc ngon lành này thì quý hóa quá.

Atrée vui vẻ trả lời:

– Hỡi Thyeste người em sinh đôi của ta! Điều đó chẳng có gì đáng làm ta quản ngại. Ta sẽ cho gọi các cháu đến ngay. Atrée vẫy tay ra hiệu cho gia nhân thực thi đúng như sự sắp xếp của mình. Lập tức tên hầu bưng vào một mâm lớn đậy kín. Atrée đích thân mở ra cho Thyeste xem. Đó là ba cái đầu của ba đứa con của Thyeste. Thyeste hoảng hồn, rú lên, gào thét, nguyền rủa. Y biết y đã bị trả thù, đã trúng mưu của Atrée. Y van xin Atrée ban cho mình thi hài ba đứa con của mình để làm lễ an táng. Atrée cười ha hả đáp:

– Ngươi chẳng phải lo chuyện đó nữa. Chính ngươi đã an táng chúng vào trong bụng của ngươi rồi.

Thyeste rụng rời, kinh hãi. Y gào rống lên như điên. Y vật vã bứt đầu bứt tóc. Y xô đổ bàn tiệc và cắm đầu chạy. Vừa chạy y vừa nguyền rủa Atrée và con cháu của gã sẽ phải chịu thảm họa đời đời. Chạy một hồi lâu, Thyeste định thần lại. Y bây giờ chỉ có một con đường là sang xứ Épire xin nhà vua Thesprotos cho trú ngụ. Ở đây, tại đô thành Sicyon, Thyeste tính mưu kế trả thù. Thyeste sang trú ngụ tại Sicyon ngày đêm nung nấu mối thù không đội trời chung với Atrée. Muốn gì thì gì, dù đất có lở, trời có sập đi chăng nữa thì Thyeste cũng phải trả được thù, rửa được nhục mới thôi. Y cầu khấn thần thánh. Lời sấm truyền của số mệnh thật là ác nghiệt: người lãnh sứ mạng trả thù cho Thyeste không thể là ai khác ngoài đứa con trai do dòng máu của Thyeste hòa hợp với người con gái của chính Thyeste sinh ra.

Làm theo điều chỉ dẫn của số mệnh, một đêm tối trời, lừa Pélopia, con gái mình, đến đền thờ dâng lễ, Thyeste bí mật lên đền và dùng sức mạnh cưỡng bức, thực hiện đúng như lời sấm truyền. Pélopia chống cự song không nổi. Tuy nhiên, trong lúc kẻ bạo ngược vô ý, nàng đã rút được thanh gươm của hắn. Ít lâu sau, Pélopia có mang và sinh ra một đứa bé. Sợ tai tiếng nàng đem bỏ đứa bé vào rừng, đứa bé mà nàng không biết mặt cha nó là ai. Sau đó nàng bỏ nhà ra đi, trở về đất Mycènes. Tới đây Pélopia lại kết duyên với Atrée. Nàng không quên thuật lại cho chồng biết những biến cố đã xảy ra với đời mình, đưa mình trở lại đất Mycènes này. Nghe thuật chuyện xong lập tức Atrée cho người đi tìm đứa bé. Sau nhiều ngày tìm tòi vất vả trong rừng sâu, hỏi dò hết nơi này nơi khác, cuối cùng người ta đón được chú bé từ tay một người chăn chiên đưa về dâng cho Atrée. Atrée nuôi nấng chú bé như con đẻ của mình và chính chú bé, Égisthe cũng không bao giờ biết đến câu chuyện rắc rối, phức tạp về lai lịch và nguồn gốc của mình. Nhiều năm trôi đi, song Atrée vẫn nuôi giữ mối hằn thù với người em ruột sinh đôi của mình là Thyeste. Atrée nhất quyết phải truy tìm ra tông tích của Thyeste để trừ khử tránh mọi hậu họa sau này. Tình cờ bữa kia do một chuyện ngẫu nhiên, hai người con trai của Atrée là Agamemnon và Ménélas phát hiện ra nơi ở của Thyeste. Họ lập tức xin với vua cha cho quân đi vây bắt, và kết quả họ đã giải được kẻ thù của cha mình về. Atrée vui mừng khôn xiết, ra lệnh tống giam Thyeste vào ngục tối chờ ngày hành hình. Có chuyện lại kể, Atrée giao cho Égisthe nhiệm vụ truy tìm Thyeste và Égisthe đã bắt được Thyeste ở Delphes giải về cho cha. Lệnh hành quyết giao cho Égisthe thi hành. Chợt Thyeste nhìn thấy thanh gươm Égisthe cầm tay. Y xin phép được hỏi, ai đã ban cho Égisthe thanh gươm ấy, một thanh gươm vô cùng quý giá mà trên đời này không dễ mấy người có được.

– Ngươi hỏi làm gì? Chính mẹ ta đã trao cho ta thanh gươm quý báu này đấy! – Égisthe hống hách trả lời. – Hay ngươi muốn chọn một thanh gươm khác tồi hơn để chết thì ta cũng sẵn sàng.

Thyeste van xin Égisthe hãy gia ân cho mình được phép gặp mẹ chàng một chút trước khi nhắm mắt lìa đời. Một đòi hỏi không có gì quá đáng của một tên tử tù. Égisthe nghĩ thế, và gật đầu ưng thuận, sai quân hầu đi mời ngay Pélopia đến. Gặp Pélopia, Thyeste liền kể cho hai mẹ con biết rõ sự thật, một sự thật rất khắc nghiệt do bàn tay độc địa của số mệnh tạo nên. Nghe xong câu chuyện, Pélopia hét lên một tiếng hãi hùng. Nàng giật phắt thanh gươm trên tay Égisthe đâm vào ngực tự sát. Còn Égisthe như một con thú bị trúng tên, rút ngay thanh gươm đẫm máu ở ngực mẹ mình ra và lao đầu chạy đi tìm Atrée, và cũng bằng lưỡi gươm oan nghiệt đó, chàng đã kết liễu đời Atrée khi Atrée đang làm lễ trên bờ sông, đang vui mừng tưởng như đã giết được Thyeste. Từ đấy hai cha con Thyeste và Égisthe trị vì trên đô thành Mycènes ở đất Argolide.

Gia đình tan nát, hai anh em Agamemnon và Ménélas mà những người Hy Lạp xưa kia thường gọi là Atrides nghĩa là những người con của Atrée, phải chạy sang xin nhà vua Tyndare trị vì ở đô thành Sparte cho nương náu. Nhà vua giàu lòng thương người đã cho hai anh em Atrides trú ngụ. Chẳng những thế nhà vua lại còn gả hai con gái của mình cho anh em Atrides. Clytemnestre lấy Agamemnon. Hélène lấy Ménélas. Sau một thời gian nương nhờ ở Sparte, Agamemnon được Tyndare giúp đỡ đã đem quân về Mycènes trừng trị Thyeste, khôi phục được quyền thế. Égisthe, con trai của Thyeste trốn thoát. Từ đó Agamemnon lên làm vua ở Mycènes, một đô thành nổi tiếng về những kho vàng và cung điện to lớn, đẹp đẽ. Còn Ménélas ở lại Sparte, kế đến khi Tyndare qua đời không có con trai thừa kế ngôi báu (anh em Dioscures đều tử trận), Ménélas bèn lên ngôi kế nghiệp trở thành vị vua của đô thành Sparte, một đô thành nổi tiếng trong giới cổ đại về tinh thần thượng võ và lối sống nghiêm ngặt khắc khổ.

Gia hệ người anh hùng Tantale

Quyển 2 – Chương 23: Chuyện hai chị em Procné và Philomèle biến thành chim

Pandion nhà vua trị vì ở đô thành Athènes dòng dõi của Érichthonios, đang lâm vào một tình cảnh nguy khốn.

Vừa mới được truyền ngôi chưa được bao lâu, Pandion đã phải chống chọi lại với lũ giặc cỏ ở các nước láng giềng. Giặc thì ở bốn phía đánh vào mà quân trong nước thì chẳng đủ nhiều để ngăn chặn giặc. May thay vua xứ Thrace tên gọi là Térée đem quân đến ứng cứu. Nhờ đó, Pandion quét sạch lũ giặc khỏi vùng đồng bằng Attique thân yêu. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Térée, Pandion gả nàng Procné, người con gái xinh đẹp và yêu quý của mình cho người dũng tướng hào hiệp đó. Hai vợ chồng cảm tạ vua cha rồi lên đường trở về Thrace. Họ sống với nhau hạnh phúc, hòa thuận. Một năm sau họ báo tin mừng cho vua cha biết họ đã sinh được một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô xinh đẹp.

Năm năm sau, một hôm Procné bảo chồng:

– Chàng ơi! Em xa cha mẹ và các em đã lâu rồi mà chưa về thăm lại được. Em muốn chàng cho phép em được trở về thăm lại quê nhà. Nếu như chàng e ngại đường sá xa xôi, núi sông cách trở không muốn để em với con đi thì chàng về thăm vua cha thay em vậy. Nhưng khi về nhất thiết chàng phải đón được cô Philomèle về đây chơi với em. Ai lại chị em ruột thịt mà lâu ngày quá chẳng được gặp mặt nhau để nói đôi ba câu chuyện. Chẳng rõ dạo này cô ấy đã có đám nào chưa? – Procné ngừng một lát thở dài. – Cứ thế này không khéo chỉ độ dăm năm nữa chị em gặp nhau là chẳng nhận được ra nhau nữa đâu. Người ruột thịt máu mủ mà hóa thành người dưng nước lã. Térée, chàng hỡi! Thế nào chàng cũng xin phép vua cha cho cô ấy về đây chơi với em ít ngày nhé! Chàng phải hứa với em làm bằng được việc đó đi!

Térée hứa sẽ thực hiện bằng được điều mong muốn của vợ. Chàng sai gia nhân sắm sửa hành lý, thuyền bè để ra đi ngay. Thuận buồm xuôi gió, không bao lâu Térée đã tới Athènes. Vua cha vô cùng mừng rỡ. Được tin anh rể về thăm, Philomèle vội đến chào. Térée ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ lạ của cô em vợ. Chàng tự nói với mình: trời ơi, sao cô ấy lại lớn nhanh và đẹp đến như thế nhỉ. Đẹp kỳ lạ như thế nhỉ. Mà sao dạo ấy mình không gặp và không biết? Đúng là một ngôi sao, một ngôi sao cứ ngời ngợi tỏa sáng; một nữ thần, kể cũng không ngoa. Những ngày thăm viếng đã hết hạn kỳ của nó. Térée thực hiện lời dặn của vợ, xin phép vua cha cho Philomèle cùng được trở về Thrace với mình để thăm người chị ruột bấy lâu hằng mong nhớ cô em, thiết tha mong có dịp hai chị em gặp nhau để tâm tình trò chuyện. Vua cha ưng thuận song không quên nhắc đi nhắc lại chuyện Térée phải trông nom cô em gái cho chu đáo cẩn thận:

– Ta rất vui mừng và sung sướng khi nghĩ đến hai chị em nó được gặp lại nhau cho thỏa lòng thương nhớ. Nhưng ta cũng sẽ rất buồn nếu con để em nó đi lâu quá. Pandion nói với Térée như vậy. Bởi vì con biết đấy, ở nhà quanh quẩn chỉ có nó với ta. Nó là niềm vui, nỗi an ủi và người đỡ đần ta trong lúc tuổi già. Con nhớ trông nom em, bảo vệ em trong quãng đường dài đầy gian nguy bất trắc.

Pandion cũng không quên dặn dò cô con gái út những điều tương tự. Nhà vua tiễn con với một linh cảm bất an trong lòng.

Con thuyền đưa Térée trở về quê hương Thrace thuận buồm xuôi gió. Chẳng bao lâu đất Thrace đã hiện ra với dải bờ biển có những bãi cát trắng dài. Xa xa là triền núi xanh trùng điệp. Thuyền cập bến. Nhưng Térée không đưa cô em vợ về cung điện, mà lại đưa cô vào một khu rừng. Từ khi tiếp xúc với Philomèle, trái tim Térée bùng cháy lên một dục vọng đen tối. Hắn say mê sắc đẹp của Philomèle đến mất tỉnh táo. Trái tim hắn chỉ nghĩ đến việc cưỡng bức chiếm đoạt thể xác người thiếu nữ tuyệt diệu này. Khi còn ở trên thuyền thì lúc nào hắn cũng quanh quẩn ở bên cô, tán tỉnh, thăm dò, còn bây giờ thì hắn dùng vũ lực. Hắn đưa Philomèle vào trong rừng sâu chưa có mấy ai đặt chân tới. Tìm được một căn lều của một người đi rừng nào đó dựng tạm, hắn giam Philomèle vào đó và cưỡng bức Philomèle phải hiến thân. Mặc cho Philomèle van xin, cầu khấn các vị thần che chở, hắn vẫn chẳng hề xúc động. Cùng đường, Philomèle nguyền rủa hắn.

– Hỡi tên Térée khốn kiếp! Mi là một kẻ lòng lang dạ thú, ăn cháo đái bát. Mi không còn một chút lương tâm trong ngươi. Cha ta đối đãi với mi nồng hậu và tin cẩn mà mi nỡ lòng nào. Chị ta có ngờ đâu đến nông nỗi này: mi trở thành một kẻ dối trá phản trắc. Được, mi cưỡng bức ta, cướp đoạt cuộc đời ta thì sẽ đến ngày mi phải đền tội. Hỡi thần thánh thiêng liêng, xin các thần chứng giám cho con, một kẻ bạo ngược đã hành động trái với truyền thống quý người, trọng khách như thế này? Xin các vị hãy trừng phạt tên vua Térée là kẻ đã làm ô uế một sợi dây thiêng liêng huyết thống. Hỡi rừng thiêng nước độc, các người hãy nghe những lời than khóc của ta và truyền lại cho những ai chưa biết! Các người hãy kể lại cho mọi người rõ hành động đê tiện bỉ ổi này của Térée.

Térée rất căm tức, căm tức đến điên người trước thái độ phản kháng quyết liệt, chống chọi đến cùng của Philomèle. Sau khi thỏa mãn dục vọng điên cuồng của mình, hắn trói Philomèle lại rồi cắt lưỡi để cho nàng không thể kể với ai, nói cho ai biết hành động xấu xa của hắn. Thế rồi hắn bỏ mặc Philomèle trong rừng để trở về cung điện.

Nàng Procné ngày đêm trông ngóng chồng và cô em gái, nay thấy chồng về thì vô cùng mừng rỡ. Nhưng khi không thấy Philomèle về cùng thì nàng vô cùng ngạc nhiên, vặn hỏi. Térée, lạnh lùng và một lần nữa lừa dối, trả lời:

– Cô ta chẳng may gặp phải một căn bệnh hiểm nghèo đã qua đời trước khi ta đặt chân tới Attique!

Procné tối sầm cả mặt mày, ngất đi trước cái tin sét đánh đó. Tỉnh dậy nàng lại than khóc, xót thương cho số phận bất hạnh của em. Càng nghĩ lại những kỷ niệm xưa trong thời thơ ấu, hai chị em gần gụi, chung sống trong gia đình, nàng lại càng xót xa đau đớn.

Còn Philomèle, số phận nàng ra sao trong khu rừng già sâu thẳm, vắng vẻ? Nàng vẫn sống. Nàng may sao được gia đình một người tiều phu nghèo, giàu lòng nhân ái đón được, nuôi nấng, chăm sóc. Qua gia đình này, nàng biết được kinh thành này không xa lắm, và Procné, người chị ruột thân yêu của nàng vẫn sống chứ không phải qua đời như Térée bịa ra nói với nàng khi thuyền cập bến. Philomèle tìm cách báo tin cho chị biết. Nàng suy nghĩ lao lung. Nhắn tin thì không được rồi. Còn lần tìm đường vào cung điện thì là một việc vô cùng mạo hiểm. Mà dẫu có vào được thì làm sao mà hai chị em gặp nhau được, làm sao mà nói chuyện với nhau được. Chỉ có cách dùng một tín hiệu gì, ám hiệu gì đưa đến cho Procné để Procné có thể hiểu hết được tình cảm của mình và tìm cách cứu. Nhưng tín hiệu gì, ám hiệu gì, như thế nào mới được chứ? Thật khó quá. Sau nhiều đêm ngày suy nghĩ lao lung, cuối cùng Philomèle nghĩ ra được một cách mà nàng cho rằng không thể còn cách gì hay hơn, tốt hơn: nàng sẽ thêu lên một tấm khăn những điều nàng muốn nói với chị. Chị nàng, qua những hình ảnh nàng thêu, sẽ đoán biết được sự thật. Nghĩ thế rồi Philomèle bắt tay vào việc. Chiếc khăn thêu xong, Philomèle tìm cách gửi vào cung điện, gửi đến tận tay Procné.

Nhận được tấm khăn, xem những hình ảnh thêu trên tấm khăn, nhận ra những đường kim mũi chỉ quen thuộc, Procné phải cắn chặt răng lại cho những hàng nước mắt khỏi trào ra. Nàng bồn chồn, day dứt, đi lang thang trong cung điện như một người mất hồn. Nàng suy nghĩ cách trả thù tên chồng khốn kiếp đã can tội xúc phạm đến cha nàng, em nàng. Thời gian đó đúng vào dịp những người phụ nữ Thrace tổ chức lễ rước mừng thần Dionysos. Nàng bèn tham gia vào đoàn người hành lễ: rước đuốc vào rừng khuya. Nhờ đó, nàng tìm thấy Philomèle. Nàng bí mật đưa cô em về giấu kín trong cung điện, ở đây hai chị em suy tính đòn trừng phạt để trả thù. Procné khuyên Philomèle không nên đau buồn, than khóc. Nàng bảo:

– Philomèle em hỡi! Những giọt nước mắt của hai chị em ta phỏng có ích gì. Chúng ta phải lấy ân trả ân, lấy oán trả oán. Chị sẵn sàng vì danh dự của gia đình ta, của cha chúng ta và của em mà nhúng tay vào máu.

Procné vừa nói xong thì đứa con trai lớn của nàng đi vào. Tên nó là Itys. Trông thấy con, Procné bảo:

– Em kìa, trông thằng Itys nó giống bố nó như đúc. Rồi ra nó cũng đến đểu cáng, lá mặt lá trái như bố nó thôi!

Một mưu toan vô vùng man rợ lóe lên trong trái tim nàng. Nàng cố xua đuổi đi nhưng những ý nghĩ căm thù và uất ức giữ nó lại. Nàng gọi con, dắt nó vào buồng ngủ rồi bất chợt rút thanh gươm sắc nhọn treo trên tường ra thọc mạnh vào ngực đứa bé. Máu ộc ra, đứa bé chỉ kịp kêu lên mấy tiếng “Mẹ! Mẹ!” rồi không còn hơi sức nữa. Hai chị em Procné đem chặt đứa bé thành từng phần. Họ làm một bữa ăn thịnh soạn để dâng mời Térée. Những miếng thịt nạc ngon lành họ lọc ra xiên vào que nướng chả. Những miếng khác thì hầm nấu cháo…

Chiều hôm đó như thường lệ, Térée ăn uống ngon lành bên người vợ hiền phục vụ cho chàng. Đang ăn, Térée sực nhớ tới đứa con trai, bèn hỏi:

– Này, thằng Itys đi đâu mà không thấy nó về ăn?

Procné lạnh lùng trả lời:

– Nó ở ngay trước mặt đấy chứ còn đi đâu nữa!

Térée tưởng vợ nói đùa. Hắn không hiểu ý câu nói đó. Hắn đòi vợ phải cho nguời đi tìm ngay đứa con về. Khi đó Philomèle từ sau rèm bước ra. Nàng mở bọc đấy cái đầu máu me của Itys quăng vào mặt Térée. Térée giật bắn người lên. Hắn không còn hồn vía nào nữa. Hắn đứng lặng người đi giương đôi mắt lên nhìn vợ, nhìn cô em vợ mà hắn đã cắt lưỡi, nhìn xuống bàn ăn và cái đầu của đứa con trai yêu quý. Thế rồi bỗng hắn hét lên một tiếng man rợ lao vào phòng lấy thanh gươm ra quyết trừng trị hai chị em để trả mối thù cho đứa con trai. Nhưng hai chị em đã kịp thời chạy trốn. Hắn đuổi theo. Hai chị em cầu xin các vị thần bảo hộ. Thần Zeus bèn biến Procné thành con chim họa mi. Tiếng hót của chim nức nở, xót xa như lời than khóc hối hận, nức nở, xót xa của người mẹ đã phạm tội giết con. Philomèle thì biến thành con chim én. Tiếng kêu tắc sát, lùng bùng của nó như tiếng nói của nàng Philomèle bị cắt lưỡi, không nói được lên tiếng lên lời. Cổ chim én có một vệt đỏ. Đó là vết máu của Itys giây vào tấm áo. Còn Térée thì biến thành con chim đầu rìu. Mào của chim giống hệt như chiếc mũ có ngù của những tướng lĩnh người Thrace. Có chuyện kể: Philomèle biến thành chim họa mi, Procné chim én hoặc chim sẻ, Térée đại bàng.

Quyển 2 – Chương 24: Mối tình của Zeus với nàng Europe

Agénor là vua của đô thành Sidon hùng cường và giàu có. Thần Poséidon, vị thần có cây đinh ba vàng khều sóng biển và bão tố, trong một cuộc tình duyên với tiên nữ Okéanide Libye đã sinh ra Agénor. Lớn lên, lập nghiệp ở xứ sở Phénicie, Agénor lấy Téléphassa làm vợ. Họ sinh được bốn trai và một gái, trai là Phinée, Cadmos, Phénix và Cilix, gái là Europe. Khó mà nói được niềm vui sướng của nhà vua Agénor trước việc mình có một người con gái. Đã có bốn con trai rồi, kể ra so với các nhà vua khác và các vị thần thì chẳng phải là nhiều, nhưng điều làm nhà vua khao khát, mong muốn là có được một người con gái. Số mệnh đã chiều vị vua nhân đức ấy, thật là ước sao được vậy!

Europe lớn lên trong sự chăm sóc hết mực và chiều chuộng khôn tả của gia đình. Nàng đẹp như ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng. Nàng đẹp đến nỗi chín đô thành, mười hòn đảo đều biết sắc đẹp của nàng. Điều đó càng làm cho vua Agénor sung sướng mừng vui.

Một đêm kia, trong giấc ngủ êm đềm, người con gái xinh đẹp ấy nằm mơ thấy một giấc mơ khá lạ lùng và kỳ dị. Có hai mảnh đất khổng lồ ngăn cách nhau bởi một quãng biển rộng, một mảnh đất tên là Asie (châu Á), còn mảnh kia tên là gì thì chưa ai biết. Hai mảnh đất này hóa thân thành hai người đàn bà và họ tranh giành nhau để cướp Europe, cướp bằng được Europe về phần mình. Cuộc tranh giành diễn ra khá dữ dội. Cuối cùng, người đàn bà mang tên Asie đành phải thua cuộc nhường Europe cho người đàn bà chẳng rõ tên họ, lai lịch kia. Từ đó Europe sống với người đàn bà xa lạ đó, được bà ta nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến lúc trưởng thành.

Europe tỉnh dậy, kinh sợ, đem chuyện thuật lại với vua cha. Chẳng ai giải đáp được ý nghĩa của câu chuyện lạ lùng ấy ra sao cả. Song mọi người đều linh cảm thấy rằng “cứ trong mộng triệu mà suy” thì số phận Europe ắt có điều chẳng lành. Tốt hơn hết trước khi xảy ra những điều không lường được của số mệnh là hãy sắm sanh lễ vật đến cầu khấn các vị thần giải trừ cho tai qua nạn khỏi, và như vậy nỗi lo âu cũng nhẹ gánh được nhiều phần.

Riêng đối với Europe thì nàng quên ngay. Tuổi trẻ của nàng chẳng để vương buồn, chẳng để ám ảnh bởi cái chuyện không đâu. Nàng cứ vui chơi, tươi tỉnh. Nàng lại cùng các nữ tì và bè bạn lên núi hái hoa, xuống biển tắm mát, vui đùa, nghỉ ngơi trên bãi cát trắng dài. Bữa kia trong một cuộc đi chơi cùng với chị em bạn bè, Europe rủ họ xuống tắm biển. Tắm xong mọi người lại lên bờ vui chơi. Đứng trong đám thiếu nữ của thành Sidon, Europe nổi bật lên như một ngôi sao giữa bầu trời đêm đen tối. Nàng ăn mặc đã đẹp hơn người, sắc đẹp của nàng cũng lại hơn người cho nên bạn bè có người nói, tưởng chừng nàng như là nữ thần Aphrodite giáng thế, còn họ chỉ là những nữ thần Duyên sắc-Charites tháp tùng. Tiếng cười nói trong trẻo ríu rít, tiếng hát véo von, du dương làm náo động suốt một dải bờ biển có bãi cát trắng dài, vi vu rì rào sóng gió, và sóng, gió đưa tiếng cười nói trong trẻo, ríu rít ấy, tiếng hát véo von, du dương ấy đến tai thần Zeus. Thần Zeus từ lâu đã nghe tiếng đồn về sắc đẹp của nàng Europe, thì đây là một dịp thuận tiện để cho thần được tận mặt trông thấy, tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan của nàng. Nhưng làm thế nào để cho nàng khỏi sợ và để cho nữ thần Héra không biết? Thần Zeus suy tính và thấy tốt hơn hết là biến mình thành một con bò, một cơn bò mộng thần kỳ, có bộ lông vàng óng, có đôi sừng uốn cong như vành trăng lưỡi liềm, và đặc biệt ở vầng trán đáng yêu của con bò mộng hiền từ này lại ngời ngợi tỏa ra một quầng sáng bạc, óng ánh. Con bò mộng xuất hiện từ đâu, ở chỗ nào, không rõ. Chỉ biết nó từ phía trên bãi cát đi xuống chỗ các thiếu nữ đang vui chơi. Các thiếu nữ bỗng nhiên thấy có con bò kỳ lạ và rất đỗi hiền từ đi tới thì reo ầm lên và chạy lại xúm quanh con bò, vuốt ve nó, vỗ về nó. Con bò đi tới chỗ nàng Europe lấy đầu giụi giụi vào tay nàng, rồi đưa lưỡi ra liếm liếm tay nàng, đầu nghiêng nghiêng như tỏ vẻ nũng nịu, âu yếm. Hơi thở của nó chẳng mang mùi hăng hắc nồng nồng của cỏ cây mà lại tỏa hương thơm ngào ngạt khiến cho mọi người đều trầm trồ khen lạ. Thấy con vật hiền từ và dễ thương, Europe đưa tay vuốt ve trên mình nó, ôm lấy đầu nó và khẽ đặt một cái hôn lên vầng trán của nó. Thế là con bò phủ phục xuống trước mặt Europe như muốn mời nàng cưỡi lên lưng nó. Europe bèn ngồi lên lưng con bò và con bò đưa nàng đi trên bãi cát dài trắng xóa giữa tiếng reo cười, hò hét của các thiếu nữ thành Sidon. Nhưng bất chợt con bò chạy lồng lên và lao ra phía biển. Europe thất kinh nắm chặt lấy sừng con bò cho khỏi ngã. Các thiếu nữ thành Sidon rú lên kinh hãi, kêu gào mọi người đến cứu Europe. Nhưng kìa, con bò đã rẽ nước lối xuống biển. Europe giơ tay vẫy gọi chị em, gào thét, nhưng chẳng ích gì.

Europe và thần Zeus

Con bò rẽ nước lối xuống biển. Rồi nó bơi trên biển nhẹ nhàng thoải mái như những đàn cá heo vẫn thường bơi lượn quanh những con thuyền của những người trần thế đoản mệnh. Từ dưới thủy cung lên, những tiên nữ Néréides xinh đẹp đi hộ tống hai bên. Nước biển xanh ngắt rẽ ra mở đường cho con bò kỳ diệu bơi, và lạ thay, mình nó vẫn khô ráo, bộ lông vàng óng của nó chẳng vì nước biển mà ướt át, bẩn thỉu. Cả nàng Europe ngồi trên lưng con bò cũng mảy may không bị một giọt nước nào bắn tới. Thì ra thần Poséidon với các vị thần Biển khác đi hộ tống đã dùng cỗ xe của mình đi trước mở đường. Với cây đinh ba gọi gió bảo mưa, dẹp sóng gây bão, thần Poséidon đã đi trước chế ngự sóng, bắt chúng rẽ ra hai bên tạo ra mặt biển hiền hòa để cho thần Zeus, đấng phụ vương của thế giới thần thánh và loài người, khỏi vất vả trong cuộc hành trình đi tìm người đẹp. Europe ngồi trên lưng con bò mộng đi giữa biển rộng trời cao, gió thổi lồng lộng. Nàng một tay nắm chắc lấy chiếc sừng vàng cong cong của con bò, còn một tay kéo vạt áo dài lên cho đỡ ướt. Nhưng thần Zeus đã không cho phép những con sóng hỗn xược được đụng chạm tới người nàng. Mái tóc dài và óng ánh vàng của nàng tung bay trong gió biển. Những giẻ tóc chờn vờn bên má, bên mắt khiến nhiều lúc nàng phải đưa tay lên gạt gạt chúng ra. Con bò bơi đi, bơi đi mãi trên biển khơi mênh mông, dạt dào sóng cuộn. Chẳng có gì ngoài vòm trời xanh trên đầu với những cánh chim bay bổng, lượn lờ. Nhưng kia rồi, xa xa là một giải đất và càng đến gần càng thấy nổi lên một đô thành. Đó là đảo Crète. Thần Zeus đưa nàng Europe kiều diễm đến đảo Crète, và trên bờ biển của hòn đảo này, con bò mộng có bộ sừng vàng cong như lưỡi liềm kia hiện lại nguyên hình là một vị thần uy nghiêm và đẹp đẽ. Giữa cảnh mây trời sông nước, thần Zeus tiến đến bên người thiếu nữ, tỏ tình. Yên bình và tĩnh mịch. Biển như một lồng ngực hồi hộp trào dâng lên những đợt sóng nối tiếp nhau chạy vào bờ. Gió ngợi ca cuộc tình duyên đẹp đẽ của vị thần cai quản thế gian với một người thiếu nữ xinh đẹp nhất trần thế từ phương đông tới. Trên bầu trời, mây dan díu vào nhau bồng bềnh trôi.

Từ cuộc tình duyên này, nàng Europe sinh ra ba người con trai: Minos, Rhadamanthe và Sarpédon. Thần Zeus, để tỏ lòng biết ơn đối với người vợ xinh đẹp, đã trao tặng nàng ba tặng phẩm: một là dũng sĩ Talos, một dũng sĩ có thể ngăn ngừa mọi cuộc đổ bộ của bất kỳ lũ cướp biển nào vào đảo Crète; hai là, một con chó săn cực kỳ tinh nhanh chưa từng để một con mồi nào chạy thoát; ba là, một ngọn lao dài dùng để đi săn không thể nào bị cùn, bị mẻ. Còn những người dân ở hòn đảo này, để ghi nhớ người thiếu nữ xinh đẹp từ một phương trời xa lắc đặt chân đến xứ sở của họ, họ đã gọi tất cả phần đất đai ở phía tây mà họ chưa thông hiểu, chưa khám phá được bằng cái tên của người thiếu nữ xinh đẹp, vợ của Zeus: “Europe” mà tiếng Việt chúng ta hiện nay gọi là “châu Âu”.

Lại nói về vua Agénor khi được tin con gái bị mất tích, bèn sai các con trai đi tìm. Ông ra một điều kiện khác nghiệt: nếu không tìm thấy cô em gái thì đừng quay trở về nhà. Vì lẽ đó, bốn anh em trai con của Agénor lưu lạc và sinh cơ lập nghiệp trên những mảnh đất khác nhau, xa xôi muôn dặm.

Quyển 2 – Chương 25: Truyện hai vợ chồng Cadmos biến thành rắn

Theo lệnh vua cha, anh em Cadmos mỗi người đi mỗi nơi tìm cô em gái Europe. Chàng Phénix đi tìm khắp xứ Libye nhưng không sao lần thấy một dấu vết nào của Europe. Không tìm thấy em, chàng chẳng dám trở về gặp lại vua cha ở đô thành Sidon thân thiết. Chàng trở lại vùng biển Cận Đông, Địa Trung Hải xây dựng nên một xứ sở giàu có nổi tiếng khắp thế giới Hy Lạp và thế giới Cận Đông thời bấy giờ. Để đời đời ghi nhớ công ơn của chàng, nhân dân xứ sở đó đã lấy tên chàng đặt cho mảnh đất quê hương của mình, đó là xứ sở Phénicie mà sau này gồm bốn đô thành giàu có ở ven biển là Ougarit, Byblos, Sidon, Tyr (ngày nay thuộc hai nước Liban và Syrie). Chàng Cilix sang đất Ai Cập. Cũng như Phénix, chàng đi khắp nơi khắp chốn để tìm dấu vết của cô em gái thân yêu mà chẳng hề thấy tăm hơi, cuối cùng chàng trở về vùng biển Tiểu Á, cư ngụ tại xứ sở của những người Hipachéens. Năm tháng trôi đi, cơ đồ của chàng mỗi ngày một vững chãi. Chàng xây dựng lên được một đô thị mang tên chàng gọi là Cilicie, ngày nay thuộc nước Turquie (Thổ). Chàng Phinée cũng lặn ngòi ngoi nước, vất vả khôn cùng mà không sao tìm thấy được em gái. Cuối cùng chàng phiêu bạt sang đất nước Thessalie (Hy Lạp) và làm vua ở đô thành Salmydessos.

Còn Cadmos, chàng chẳng quản gian lao, vất vả cố sức đi tìm em. Chàng đi rất nhiều nơi, đến đâu chàng cũng chú ý tìm hỏi dấu vết của cô em gái Europe nhưng chẳng thu được một tin tức gì. Về thì không được rồi, Cadmos chỉ còn một con đường: tìm nơi đất lành cò đậu để sinh cơ lập nghiệp, nhưng trên đất Hy Lạp mà chàng đang sống đây, rộng mênh mông, chàng biết nơi nào là nơi khả dĩ mà dung thân được. Chỉ còn cách đến đền thờ Delphes để cầu xin vị thần bắn tên xa muôn dặm Apollon ban cho một lời chỉ dẫn, và vị thần Ánh sáng đã phán truyền những lời vàng ngọc sau đây:

– Cadmos con! Hãy nhớ kỹ trong lòng và làm theo đúng lời ta dặn. Con cứ đi, đi mãi cho tới một cánh đồng hiu quạnh. Ở đó con sẽ gặp một con bò cái chưa hề biết ách nặng trên vai. Con hãy đi theo nó, theo nó cho tới khi nó nằm xuống một bãi cỏ, và đó chính là nơi con sẽ xây thành dựng nước, và con sẽ gọi đất nước của con là xứ Béotie.

Cadmos lễ tạ vị thần Ánh sáng có cây cung bạc rồi ra đi, chàng đi, đi đã chồn chân mỏi gối mà chưa thấy gì. Chàng vẫn cố gắng tiếp tục đi, cuối cùng y như lời thần Apollon dạy, chàng bắt gặp một con bò, một con bò cái trắng như tuyết, không người chăn dắt đang gặm cỏ trên cánh đồng. Đi theo chàng là những gia nhân người thành Sidon rất mực trung thành. Con bò thấy người lạ thôi không gặm cỏ nữa, bỏ đi, Cadmos và gia nhân đi theo nó. Qua vùng đồng bằng của sông Céphise thì con bò dừng lại. Nó ngửa mặt lên trời rống to mấy tiếng, rồi đưa mắt nhìn những gia nhân và binh lính của Cadmos, sau đó ngả mình nằm nghỉ trên thảm cỏ xanh. Lời thần Apollon đã ứng nghiệm. Cadmos quỳ xuống cầu khấn, cảm tạ vị thần có cây cung bạc rồi cúi hôn mảnh đất quê hương mới của mình. Chàng cũng không quên cầu khấn các vị nam thần và nữ thần của Núi, Rừng, Sông, Suối phù hộ cho kẻ mới lập nghiệp nơi đất khách quê người. Sau đó chàng xếp đá thành bàn thờ để làm lễ hiến tế thần Zeus, vị thần tối cao, bảo hộ cho người trần thế. Lễ hiến tế đầu tiên trên mảnh đất này thật cực kì khó khăn. Không tìm đâu ra nước để giết bò, Cadmos phải đốc thúc gia nhân đi tìm nguồn nước.

Chuyện đi tìm nguồn nước thật ly kỳ và khủng khiếp. Đám gia nhân người Sidon của Cadmos đi vào một khu rừng nhỏ, song là khu rừng già chưa từng có dấu chân của một người tiều phu nào đặt tới. Rừng vắng lặng không nghe thấy tiếng rìu chặt cây, đốn gỗ. Giữa rừng có một cái hang sâu, xung quanh ngổn ngang những tảng đá lớn nhỏ. Nước từ trong hang chảy ra luồn lách qua những khe đá, một nguồn nước trong trẻo và mát lạnh, rồi dồn đổ vào một con suối nhỏ. Khi đám gia nhân của Cadmos tìm thấy nguồn nước, sung sướng reo lên, gọi nhau đem bình đến thì bỗng nhiên từ trong hang sâu băng ra một con mãng xà khổng lồ. Đó là con rắn của thần Chiến tranh-Arès, mình nó bọc bằng một lớp vẩy cứng như một bộ áo giáp đồng, mắt lồi ra và vằn lên nọc độc gớm ghê. Chỉ cần nó phun những nọc độc ấy ra là cũng đủ nhiễm độc ngạt thở mà chết chứ đừng nói gì đến chuyện bị nó cắn. Con mãng xà tuổi hẳn đã hàng thế kỷ cho nên đầu có một cái mào vàng sần sùi nom rất ghê sợ. Con rắn rít lên và lao mình tới chỗ bọn người. Bọn người hốt hoảng vứt vội bình, vại bỏ chạy, kẻ thì sợ quá ríu cả chân lại ngã vật xuống đất, không ai kịp nghĩ đến việc chống trả. Con rắn lao đến há hốc cái miệng đen ngòm ra, lưỡi ba chạc thia lia, thia lia quét vào đám người hoảng loạn. Thế là lần lượt người thì bị nó lao bổ vào ngã chết, người thì bị nó nuốt sống ăn tươi. Hơi thở độc hại của nó phun ra hôi thối, nồng nặc làm cho những ai nhanh chân nấp vào gốc cây hay náu mình sau một tảng đá cũng không thoát chết, và cả đám gia nhân đó đã không một ai mang được nước về.

Ở bàn thờ thần Zeus mà Cadmos vừa dựng lên, mọi người chờ nước đến mỏi cả mắt. Mặt trời đã bắt đầu chếch về tây mà không thấy ai trở về. Linh tính báo cho Cadmos biết hẳn có sự chẳng lành. Cadmos bèn mặc áo giáp đeo gươm vào bên sườn, cầm lao và khiên lần theo vết chân của anh em đi vào rừng tìm họ. Cadmos đã tìm được đến dòng suối trong. Một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp bày ra trước mắt Cadmos. Thi hài của đám gia nhân nằm ngổn ngang. Một con mãng xã trườn lên những thi hài ấy, mồm há hốc cố nuốt một cái xác người, và chỉ cần vài ba cái ngáp ngáp, lắc lắc ở cái cổ là con rắn đã nuốt trôi một người. Vừa đau xót, vừa giận dữ, Cadmos hét lớn:

– Hỡi các gia nhân, bạn hữu trung thành của ta! Ta có ngờ đâu đến nông nỗi này. Ta thề với bầu trời cao lồng lộng, nơi ngự trị của các vị thần Olympe bất tử, với nước của con sông Styx quanh năm bốc khói, nếu ta không trả được mối thù này cho các bạn thì ta sẽ chẳng nhìn thấy ánh sáng mặt trời rực rỡ nữa. Đất đen sẽ phủ nặng lên trên mình ta và ta sẽ làm tôi tớ nhục nhã cho vị thần Hadès khắc nghiệt.

Nói xong, Cadmos cúi xuống lấy hết sức mình sinh nâng một tảng đá lớn, tảng đá này có dễ phải đến ba bốn người khiêng mới nổi, ném vào con rắn. Tảng đá bay đi đánh vèo một cái, trúng thân con rắn đang cuộn khúc. Phải nói nếu là một ngôi nhà gỗ hay một ngọn tháp thì đổ sập tan tành. Nhưng con rắn vẫn trơ ra như một quả núi. Lớp vảy dày và cứng trên mình nó che chở cho nó chắc chắn như một tấm khiên đồng. Thấy vậy, Cadmos bèn cầm lao nhọn chạy đến đâm thẳng vào thân nó. Lần này tấm vẩy cứng của con mãng xà không chống đỡ nổi. Ngọn lao thọc sâu vào thân con rắn ngập lút đến tận cán. Bị đau, con rắn oằn người quay cổ lại ngoạm vào cán lao để nhổ nó ra khỏi thân. Nhưng ngọn lao nhọn hoắt đâm sâu cho nên con mãng xà chỉ cắn giập và gẫy cán lao chứ không sao nhổ nó ra được. Giận dữ điên cuồng con mãng xà phồng mang trợn mắt, lia lưỡi tìm địch thủ. Nó quật mình làm cây cối gãy đổ, đá núi sạt lở. Hơi thở hồng hộc của nó phả ra mùi hôi thối, tởm lợm. Nó đã trông thấy Cadmos. Nó bèn ngóc đầu vươn lên cao rồi đâm bổ xuống Cadmos. Còn người anh hùng Cadmos trong phút giây hiểm nghèo ấy được thần Apollon phù trợ đã không hề nao núng. Chàng bình tĩnh rút ngay thanh gươm ra đương đầu với quái vật. Chàng chém mạnh vào miệng con rắn. Con rắn ngoạm lấy lưỡi gươm định cắn cho gẫy. Nhưng vô ích, Cadmos giật mạnh thanh gươm ra khỏi miệng nó và vung lên. Con mãng xà không thể đối phó kịp nữa. Nhát kế tiếp của Cadmos mạnh như sấm sét tiện phăng cái đầu của mãng xà, hất nó đi một nơi, còn thân nằm lại vắt ngang trên một cây cổ thụ. Như một người đàn ông vung búa lên bổ củi, nhát búa giáng xuống làm khúc gỗ vỡ ra, những mảnh củi nhỏ văng ra xa còn mảnh củi to thì đổ vật xuống, thì đây nhát chém bổ của Cadmos vào đầu con mãng xà cũng giống như thế.

Cadmos bàng hoàng trước chiến công của mình. Thân con mãng xà nằm vắt trên cây sồi, cây sồi lớn như vậy mà như bị một cơn bão làm nghiêng lệch về một bên. Càng định thần nhìn kỹ lại con mãng xà, chàng càng thấy nó to lớn khủng khiếp. Bỗng Cadmos nghe thấy một tiếng nói, không rõ từ đâu vẳng đến:

– Này hỡi người con trai dũng cảm của nhà vua Agénor! Chàng còn đứng ngây ra để làm gì đó? Rồi chẳng bao lâu nữa chàng cũng biến thành rắn thôi. Nhưng chàng hãy nghe đây, lời phán truyền hữu ích cho chàng trong sự nghiệp xây thành dựng nước: chàng hãy nhổ ngay những chiếc răng của con mãng xà rồi gieo chúng xuống một mảnh đất đã cày bừa tươm tất. Cứ như thế mà làm, chàng sẽ xây dựng được một đô thành mà danh tiếng của nó vang đến tận trời xanh.

Cadmos đưa mắt nhìn khắp nơi để tìm ra người vừa nói những lời quý báu đó, và chàng đã tìm thấy. Đó là vị thần Athéna, con của Zeus, khiên giáp sáng ngời. Chàng quỳ xuống cảm tạ nữ thần. Sau đó chàng trở về làm đúng như lời thần dạy. Thật kỳ lạ vô cùng! Răng của con mãng xà vừa gieo xuống đất được một lát thì dưới mặt đất nhô lên những mũi lao nhọn hoắt rồi đến những chiến binh khiên giáp sáng ngời. Thế là từ những chiếc răng con mãng xà đã đẻ ra một đạo quân hùng mạnh. Nhìn thấy đạo quân đông đảo, vũ khí lăm lăm trong tay, Cadmos phát hoảng. Chàng sợ rằng họ sẽ lao vào chàng, chàng rút vội thanh gươm đeo bên sườn ra chờ một cuộc huyết chiến không cân sức. Nhưng chiến binh trong đoàn quân thét lớn:

– Người ngoài cuộc hãy đứng yên, không được can thiệp vào cuộc huynh đệ tương tàn này!

Cadmos tra gươm vào vỏ. Còn đạo quân từ dưới đất mọc lên thì chia thành hai phe lao vào nhau giao chiến. Cuộc chém giết thật rùng rợn. Một cảnh gió thảm mưa sầu, ma hờn quỷ khóc! Đất đen giải khát bằng máu người. Quân hai bên hạ sát nhau thây chết ngập đồng. Chết đến nỗi cuối cùng chỉ còn có năm người. Lúc này nữ thần Athéna xuất hiện ra lệnh cho chúng phải hòa giải. Năm tên còn lại tuân theo lời nữ thần, kết nghĩa anh em. Chính năm tên này sẽ giúp Cadmos xây lên một đô thành mang tên Cadmée mà sau này còn có một cái tên khác là thành Thèbes bảy cổng.

Dựng xây xong đô thành Cadmée hùng vĩ, Cadmos bèn ban pháp luật để việc trị vì được thuận lợi. Các vị thần Olympe họp bàn và quyết định gả nàng Harmonie, tức nữ thần Hài hòa, con của thần Chiến tranh-Arès với nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite, cho Cadmos. Lễ thành hôn của đôi trai tài gái sắc này được cử hành rất linh đình, trọng thể. Các vị thần Olympe đều được người anh hùng Cadmos mời tới dự. Thành Cadmée từ ngày xây dựng xong chưa từng có một ngày nào tưng bừng nhộn nhịp như ngày ấy. Các vị thần tặng đôi vợ chồng mới không biết bao nhiêu là quà mừng quý giá.

Năm này qua năm khác, nhân dân ở thành Cadmée càng đông thêm, vui thêm. Đô thành cũng ngày càng trở nên giàu có. Của cải ngày càng nhiều, quân sĩ ngày càng đông, càng mạnh. Người ta bảo đó là một đạo quân vô địch vì có những người cầm đầu được sinh ra từ răng một con mãng xà, con của thần Chiến tranh-Arès. Ai qua đô thành này cũng đều thèm muốn hạnh phúc của nhà vua Cadmos. Nhưng số mệnh đâu có ban cho con người mọi sự đều viên mãn. Con cái của Cadmos, một số người bị chết rất thảm thương. Nàng Sémélé, mẹ của vị thần Rượu nho-Dionysos, bị chết vì tiếng sét kinh động đất trời của chồng là đấng phụ vương Zeus. Nàng Ino chết vì sự thù ghét của nữ thần Héra do can tội nuôi Dionysos: nữ thần Héra trừng phạt làm cho chồng nàng hóa điên, đuổi vợ giết con, nàng bế được một đứa chạy nhưng cũng không thoát, cùng đường nàng nhảy xuống biển. Chàng Actéon, cháu ngoại của nhà vua thì bị nữ thần Artémis biến thành hươu và bị một bầy chó săn của mình cắn xé. Một người con gái khác của Cadmos tên là Agavé bị thần Dionysos làm cho điên đoạn. Bà ta mất trí đến nỗi tưởng con trai mình, nhà vua Penthée là một con sư tử hung dữ. Bà đã cùng với các nàng Bacchantes xông vào băm vằm Penthée.

Đau khổ vì tình cảnh thảm thương ấy, lá vàng còn ở trên cây mà lá xanh đã rụng, hai vợ chồng già nhà vua từ bỏ đô thành của mình ra đi. Họ ra đi, đi đâu, ai nào có biết. Họ cứ đi, đi mãi, lang thang nơi đất khách quê người, tưởng chừng như tìm được nỗi an ủi trong sự xê dịch để biết đó biết đây. Nhưng rồi tuổi già kiệt sức, họ phải dừng chân lại ở xứ Illyrie176 xa xôi. Một buổi kia trong ánh chiều hoàng hôn chạng vạng, buồn bã của một vùng núi hiu quạnh, Cadmos ngồi nhớ lại quá khứ xa xôi của mình. Ông nghĩ đến chiến công của mình đã giết chết con mãng xà, ông nghĩ đến lời nữ thần Athéna, và ông bỗng thốt lên:

– Con rắn mà ta giết liệu có phải là con của một vị thần Olympe thiêng liêng không, có đích thật như thế không? Nếu, vì việc đó mà các vị thần trừng phạt ta phải sống, phải chịu một số phận cay đắng như thế này thì âu là xin các vị thần hãy biến ta thành rắn!

Cadmos vừa nói xong thì lạ thay, thân hình ông bỗng dài ra, dài mãi ra, áo quần biến thành lớp vẩy, hai chân chập lại biến thành chiếc đuôi. Ông sợ hãi quá chừng. Ông giơ hai tay ra chới với gọi vợ. Nhưng ông chỉ kêu to lên được mấy tiếng thì lưỡi ông đã tách thành lưỡi rắn. Harmonie, vợ ông, kinh hoàng chạy đến ôm lấy chồng kêu gào. Con rắn Cadmos quấn lấy người vợ Harmonie thân yêu. Còn Harmonie, bà cầu xin các vị thần, hãy cho bà luôn luôn được ở bên chồng. Nghe những lời cầu xin tha thiết ấy, các vị thần liền ưng chuẩn. Thế là hai vợ chồng Cadmos biến thành rắn.

[176] Illyrie ngày nay thuộc các nước Ý, Nam Tư, Áo, bờ phía đông biển Adriatique.

Quyển 2 – Chương 26: Chuyện anh em sinh đôi Zéthos và Amphion

Vua thành Cadmée là Nyctée sinh được một người con gái đặt tên là Antiope. Nàng lớn lên đến đâu đẹp ra đến đấy. Nhiều vương tôn, công tử ngấp nghé cầu hôn. Nhưng họ chưa kịp sắm sửa lễ vật, định tháng chọn ngày thì nàng Antiope đã rơi vào tay một vị thần: thần Satyre nửa người nửa dê. Ngang trái thay cái cảnh hạt gạo tám xoan đem chan nước cà! Nhưng không, vị thần Satyre này là một vị thần đặc biệt. Cái hình dạng nửa người nửa dê thô lỗ, man rợ chỉ là cái lốt vỏ bề ngoài. Đây chính là thần Zeus, đấng phụ vương tối cao của thế giới thần thánh và loài người, và như vậy thì mọi người có thể tạm yên tâm vì Zeus thì… dù sao rất xứng đáng. Thần Zeus đã từng biến mình thành con bò mộng, thành hạt mưa vàng, thì cũng có thể biến mình thành con dê hoặc nửa người nửa dê chứ sao! Chẳng có gì đáng bận tâm về chuyện đó, miễn sao che được con mắt soi mói của Héra.

Cuộc tình duyên ái ân của đôi trai gái này thật là nồng mặn, nồng mặn đến nỗi Antiope không dám trở về sống với vua cha ở thành Cadmée nữa. Nàng vốn biết tính khí khắt khe của vua cha, vì thế nàng chỉ còn cách đi trú ngụ nơi khác. Nhà vua xứ Sicyon tên là Épopée đã đón tiếp nàng với tấm lòng hiếu khách và sau đó cưới nàng làm vợ. Nhưng sau đó Lycos, em của Nyctée, kéo quân sang vây đánh thành Sicyon giết chết Épopée, bắt Antiope về làm nô lệ cho vợ hắn tên là Dircé. Trên đường đi, Antiope đã sinh con. Nàng sinh đôi, hai đứa giống nhau như đúc. Nàng đặt tên hai anh em là Zéthos và Amphion. Trong tình cảnh quẫn bách, cùng cực như vậy, Antiope chỉ còn cách đặt hai đứa trẻ vào một cái lẵng rồi bỏ chúng giữa rừng và cầu khấn thần Zeus che chở cho chúng. Nàng tin rằng thần Zeus không thể nào lại để cho hai đứa con, hai giọt máu của thần bị chết. Quả thật như vậy, thần Zeus đã xui khiến một người chăn chiên lùa súc vật đi chăn để đón được hai đứa bé. Từ đó trở đi hai anh em sống với gia đình người chăn chiên và đương nhiên là hai anh em coi người chăn chiên là bố đích thực của mình. Lớn lên Zéthos là một chàng trai khỏe mạnh, tháo vát. Chàng gánh vác đỡ đần được cho gia đình nhiều công việc nặng nhọc. Chàng ham mệ luyện tập võ nghệ, phóng lao, bắn cung, quyền thuật… Chàng săn bắn suốt ngày trong rừng sâu với một niềm say mê kì lạ. Còn Amphion thì tính nết lầm lỳ trầm lặng hơn. Chàng ưa suy tư, mơ mộng, thường ngồi một mình thổi sáo trong ánh nắng chiều thoi thóp nhạt màu. Thần Apollon đem lòng yêu mến người con trai yêu âm nhạc này. Thần ban cho chàng một chiếc đàn cithare có bộ dây vàng. Từ khi có cây đàn huyền diệu này, Amphion gắn bó với nó suốt ngày. Tiếng đàn của chàng có một sức khơi động đặc biệt, chẳng những làm rung động lòng người mà còn thức tỉnh cả thế giới cỏ cây, non nước.

Trong khi các chàng trai, con của Antiope, sống yên bình trong túp lều tranh của người chăn chiên thì bà mẹ, nàng Antiope, bị Dircé hành hạ khổ cực trăm chiều. Ngày ngày phải làm việc quần quật, tối đến bị vứt vào trong ngục tối, cùm xích chân tay. Nàng cầu khẩn thần Zeus và các vị thần Olympe giải thoát cho nàng khỏi sống cảnh đọa đầy như dưới địa ngục của thần Hadès. Thần Zeus đã không quên nàng, và bằng uy quyền của đấng tối cao toàn năng, Zeus đã đưa nàng ra khỏi ngục tối. Nàng chạy đến trú ngụ, và một sự tình cờ do bàn tay Zeus xếp đặt, ở nhà người chăn chiên đã nuôi nấng hai đứa con nàng. Cuộc sống tưởng đã tạm yên ai ngờ trong một ngày Hội Dionysos, Dircé lại lần tìm được nơi Antiope trú ngụ. Mụ ta cùng với những người phụ nữ ở đô thành vào trong núi dự lễ, tay cầm gậy thyrse, cổ choàng một vòng dây leo như dây nho, đi lang thang thế nào mà lại vào đúng ngay túp nhà Antiope đang ở. Với thói quen hống hách của một vị hoàng hậu đầy quyền thế, mụ ta ra lệnh cho Amphion phải bắt Antiope trói vào sừng một con bò rừng hung dữ để quật chết người nữ nô lệ bỏ trốn của mụ. Amphion không hề hay biết Antiope là mẹ mình, chàng dùng tất cả sức lực bắt giữ con bò rừng hung ác rồi làm theo lệnh của Dircé. Chàng Zéthos tỏ ra tháo vát và mưu trí hơn nhiều. Chàng trói quặt cánh tay của Antiope lại và ghì dây trói vào sừng bò. Chỉ cần có lệnh là hai anh em thả con bò ra đánh cho nó chạy lồng lên. May thay, lúc ấy người chăn chiên từ ngoài đồng cỏ trở về nhà. Thấy cảnh tượng đau lòng như vậy, người chăn chiên hét lớn:

– Hỡi Zéthos và Amphion! Dừng ngay lại! Không được làm gì khi chưa có lệnh của ta! Các ngươi thật là đồ bất hạnh. Các ngươi có biết người đàn bà mà các ngươi hành hạ đây là ai không? Chính là mẹ các ngươi đó! Bà đã sinh ra các ngươi từ cuộc tình duyên với thần Zeus. Ta chỉ là người được thần Zeus giao cho sứ mạng nuôi nấng các ngươi khi bà lâm vào cảnh bất hạnh không thể đem theo các ngươi được.

Nghe người chăn chiên nói, Zéthos và Amphion bàng hoàng. Hai anh em hiểu ra sự thật. Họ lập tức lao vào bắt trói mụ Dircé và cởi trói cho người mẹ kính yêu của họ. Còn mụ Dircé, kẻ đã nghĩ ra cái trò trừng phạt tàn bạo này sẽ là người hưởng nó đầu tiên. Con bò hung dữ được thả ra. Nó chạy lồng lên và Dircé phải đền tội ác của mụ một cách xứng đáng.

Hai anh em tiếp tục trở về thành Cadmée. Họ vào trong cung bắt tên vua Lycos ra hành hình, rồi lên ngôi trị vì ở đô thành danh tiếng có bảy cổng này. Họ bàn nhau xây dựng lại thành Cadmée cho vững chãi hơn, kiên cố hơn. Chàng Zéthos khỏe mạnh ít ai bì kịp, đem sức ra chuyển những tảng đá về, xếp chồng lên nhau thành một bức tường cao ngất, vững vàng. Còn chàng Amphion với cây đàn cithare của mình ngồi gảy lên những âm thanh huyền diệu. Tiếng đàn của Amphion đã làm cho những tảng đá thức tỉnh và chúng dường như hiểu ý định của người gảy đàn. Chúng bảo nhau lăn đến chỗ xây bức tường thành, ngoan ngoãn cõng nhau lên đâu vào đấy, vừa khít, chẳng mấy chốc đã thành một bức tường cao ngất vững chãi. Xây xong bức tường thành, danh tiếng hai anh em Zéthos và Amphion vang dội đến trời xanh. Chàng Zéthos lấy một người thiếu nữ anh hùng tên là Thébée làm vợ. Chính từ tên người thiếu nữ này mà ra đời cái tên thành “Thèbes”. Còn Amphion lấy nàng Niobé con gái của Tantale làm vợ, người đã can tội xúc phạm đến nữ thần Léto để đến nỗi bị hai người con của nữ thần là Apollon và Atémix trừng phạt rất nặng nề, thê thảm.

Về Antiope, người xưa kể thêm, do việc bà để hai đứa con trừng phạt Dircé nên thần Dionysos nổi giận (vì Dircé là tín đồ tôn giáo Dionysos). Thần làm cho nàng phát điên, đi lang thang khắp nơi trên đất Hy Lạp. Cuối cùng Antiope gặp Phocos, cháu gọi Sisyphe bằng ông, chữa cho khỏi bệnh và hai người kết hôn với nhau.

Quyển 2 – Chương 27: Dédale và Icare thoát khỏi cung điện Labyrinthe

Cuộc tình duyên giữa thần Zeus và nàng Europe đã sinh hạ ba người con trai: Minos, Rhadamanthe và Sarpédon. Zeus giao ba người con này cho vị vua Astérion cai quản hòn đảo Crète, nuôi nấng, chăm nom giúp. Được ít lâu, Astérion băng hà. Tình cảnh lúc này thật khó xử. Thần dân trên đảo Crète chẳng biết cử ai lên kế nghiệp vị vua yêu dấu của họ. Giữa lúc ấy, Minos đứng ra quả quyết rằng mình là người được các vị thần ủy thác cho việc kế thừa sự nghiệp của Astérion, trông coi trăm họ. Để làm cho mọi người tin mình, Minos tự xưng với mọi người là mình vốn được các vị thần sùng ái, muốn cầu xin gì thần thánh cũng ban cho, và Minos cầu xin thần Poséidon ban cho mình một con bò mộng, một con bò từ dưới biển đội nước hiện lên giống như con bò Zeus xưa kia đã hiện lên rồi cõng Europe bơi qua biển. Minos hứa sẽ lễ tạ thần Poséidon, một con bò thật đẹp, thật xứng đáng để cho thần khỏi thua thiệt. Thần Poséidon ưng chuẩn, làm thỏa mãn nguyện vọng của Minos, và từ đó Minos lên ngôi trị vì ở đảo Crète.

Ít lâu sau từ dưới biển hiện lên một con bò mộng trắng như tuyết. Minos đón được con bò này đem về nuôi. Nhẽ ra phải đem nó ra làm lễ tạ ơn thần Poséidon thì Minos lại lờ đi vì tiếc con bò đẹp và chọn một con bò khác thay thế. Biết việc làm dối trá, thần Poséidon nổi giận làm cho con bò xinh đẹp ấy phát điên. Tính nết nó đang hiền lành bỗng dưng trở nên hung dữ. Nó thoát ra khỏi đàn, giày xéo phá phách lung tung. Nhờ có Héraclès từ đất Hy Lạp sang bắt sống nó, thuần phục nó chứ nếu không thì chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt được những tai họa ghê người. Lên làm vua, Minos cưới Pasiphaé con gái thần Mặt trời-Hélios làm vợ. Thần Poséidon vẫn chưa nguôi giận về chuyện dối trá của Minos. Thần khơi lên trong Pasiphaé những dục vọng ái ân sôi động, những ham muốn chăn gối không thể chế ngự được. Vì lẽ đó, Pasiphaé sống buông thả với không biết bao nhiêu người đàn ông. Nhưng càng sống buông thả thì những dục vọng ma quái trong người nàng càng sôi sục và nàng không bao giờ chế ngự được hoặc thỏa mãn được nó. Đấy là hình phạt mà thần Poséidon giáng xuống để trừng trị tội không trung thực của Minos. Nhưng chưa hết, khủng khiếp hơn nữa, Pasiphaé lại đem lòng say đắm một con bò mộng. Cuộc tình duyên giữa đôi bò-người này đẻ ra một đứa con nửa bò nửa người, tên gọi là Minotaure khiến cho vua Minos vô cùng đau buồn và bực tức. Thật là một chuyện xấu xa ô nhục để tiếng đời đời. Giết Minotaure đi thì không đành mà để lại như là một đống dơ trước mặt. Phải mau chóng tìm cách gì che giấu cái đứa con “tội nợ” này đi mới được. Được một quần thần tin cẩn hiến kế, Minos quyết định xây một cung điện thật lắt léo phức tạp để nhốt Minotaure. Cung điện này phải xây sao cho đường vào thì có mà đường ra thì không. Kẻ nào tò mò lần tìm đường vào thì chỉ có chết mục xương ở trong đó. Nhưng tìm đâu ra một người có thể thực thi được ý đồ này của Minos? Song nhà vua đã quyết như thế thì quần thần phải tìm bằng được, và người ta đã tìm ra chàng Dédale. Chính Dédale mới vạch ra cho Minos cái lối thoát: xây dựng một cung điện như đã kể trên. Người ta lại còn kể về Pasiphaé như sau: bị những dục vọng điên cuồng thôi thúc, nàng đã thúc Dédale làm cho mình một con bò mộng bằng gỗ rồi nằm vào trong bụng nó. Kết quả là nàng đẻ ra Minotaure. Chuyện này xem ra không được phổ biến.

Bực mình với Pasiphaé, nhà vua không thèm chung chăn gối với nàng nữa. Nhà vua lao vào những cuộc tình duyên say đắm mà người xưa không bao giờ nhớ được tên những thiếu nữ có cái diễm phúc được “tựa mạn thuyền rồng”. Pasiphaé nổi ghen. Nàng yểm một lá bùa xuống dưới tấm nệm trên giường của Minos. Vì thế cứ người thiếu nữ nào vào chia chăn sẻ gối với Minos là bị chết. Những con bọ cạp và rắn độc từ dưới đệm bò lên cắn, truyền nọc độc vào người bạn tình của Minos.

Nói về Dédale. Dédale là ai mà tài giỏi như thế? Xin kể qua lai lịch của chàng. Đáng tiếc là ta không rõ chàng là con ai, con một người trần thế đoản mệnh hay một vị thần bất tử? Chúng ta chỉ được biết chàng là người ở bên đất Hy Lạp, vốn sinh cơ lập nghiệp ở đô thị Athènes, dòng dõi Érechthée, một vì vua ở Athènes đã có công lớn trong cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lăng của nhà vua Thrace. Ông đã hiến dâng người con gái của mình cho thần thánh. Nhờ đó liên minh của Eumolpos với những người Éleusis bị Athènes đập tan. Nhưng vì duyên cớ gì mà chàng Dédale lại lưu lạc tới đất Crète? Dédale tới đất Crète không phải vì đeo đuổi một cuộc tình duyên, cũng không phải vì sự nghiệp anh hùng hoặc vì muốn lập một chiến công ích nước lợi dân nào hết. Chàng tới đất Crète, đúng hơn là chàng phải trốn sang đảo Crète vì chàng phạm tội giết người.

Dédale vốn là một người thợ tài giỏi bậc nhất ở đô thành Athènes. Thật khó mà tìm thấy một con người thứ hai giống như Dédale, nghĩa là tài năng, giàu óc sáng tạo như Dédale. Từ bàn tay của chàng mà những người Athènes có những bức tượng vô cùng đẹp đẽ để thờ cúng, để làm đẹp cho khu vực Acropole thiêng liêng. Lâu đài, đền miếu, điện thờ… rồi đến cái bình hình dáng thon thon có hai quai, chiếc rìu, lưỡi búa đều từ đầu óc Dédale nghĩ ra hoặc từ bàn tay Dédale làm ra. Những hình vẽ trên vại gốm, những cảnh trạm khắc trên đồng… đều do hoa tay của người thợ Dédale tỏa hương ra cả. Danh tiếng của Dédale vang lừng khắp thế giới Hy Lạp.

Dédale hàng ngày cặm cụi làm việc. Giúp chàng có một người cháu gọi bằng cậu, tên là Talos. Talos vừa làm nhưng cũng là vừa học. Cậu nào cháu ấy, Talos học một biết mười vì thế ông cậu Dédale rất hài lòng. Nhưng rồi một ngày kia, ông cậu thân yêu của đứa cháu rất thông minh đó không hài lòng, hoàn toàn không hài lòng. Vì Talos làm hỏng một việc gì chăng? Không, Dédale không hài lòng chỉ vì Talos tỏ ra tài giỏi hơn chàng. Talos đã dựa theo một cái xương cá sáng chế ra một cái cưa, một dụng cụ vô cùng hữu ích và thuận lợi cho công việc người thợ. Không có cái cưa, ta thử tưởng tượng xem, cứ chặt, chém, đẽo, gọt bằng dao thì làm sao cho nhanh, cho mỏng, cho thẳng được. Dédale đem lòng thù ghét đứa cháu yêu quý đầy tài năng sáng tạo, đầy hứa hẹn biết bao nhiêu sáng chế phát minh. Dédale tính toán lo sợ rằng rồi ra danh tiếng và tài năng của Talos sẽ làm lu mờ cái tên Dédale. Vì thế Dédale lập mưu giết cháu. Chuyện xảy ra trong một cuộc dạo chơi. Dédale bữa kia vờ rủ cháu đi lên bờ thành cao dạo mát, ngắm phong cảnh để rồi bất ngờ đẩy cháu từ bờ thành cao ngã xuống chân thành. Thật không gì khủng khiếp và đê tiện bằng! Giết cháu xong, Dédale lần xuống chân thành chôn xác phi tang. Nhưng những người Athènes bắt gặp Dédale đang đào huyệt. Thế là họ truy ra sự thật. Dédale phải ra tòa để bị xét xử, và tòa án thành Athènes thật là nghiêm minh, đã kết án tử hình. Để tránh khỏi xử tử, Dédale phải tự trục xuất ra khỏi đô thành Athènes. Chàng trốn sang đảo Crète, và đúng vào lúc xảy ra chuyện Pasiphaé sinh ra đứa con nửa bò nửa người thì Dédale đang là một kiều dân Athènes cư trú trên đảo Crète. Ở đảo Crète tiếng tăm của chàng cũng lừng vang. Vì thế, chàng được nhà vua Minos triệu đến để hiến kế. Dédale khuyên nhà vua cho xây một cung điện, một cung điện có lối đi vào hiểm hóc, ngoắt ngoéo, xoáy trôn ốc, vặn vẹo để nhốt Minotaure. Có như thế mới hòng che mắt được mọi người. Minos ra lệnh cho khởi công ngay. Dưới sự chỉ huy của Dédale, mọi việc tiến hành đâu ra đấy, răm rắp nhanh chóng. Labyrinthe là tên gọi của tòa nhà ngục tráng lệ và rối tinh rối mù đó. Chẳng biết có bao nhiêu phòng, bao nhiêu buồng, còn hành lang thì chằng chịt, lên lên xuống xuống… Công việc hoàn thành. Người ta đem nhốt Minotaure vào trong đó, và quả thật đúng như ý đồ của vị “tổng công trình sư” Dédale, Minotaure không lần tìm được lối ra, đành chịu sống… chết gí trong cung điện “bát trận đồ” ấy.

Để nuôi Minotaure phải cho nó ăn thịt sống: thịt các súc vật hoặc thịt người. Vua Minos mỗi lần gây chinh chiến, áp đặt được quyền lực lên lãnh địa của một vị vua nào thì lập tức bắt họ, phải hàng năm đúng hẹn đúng kỳ đem nộp một số người cho Minotaure ăn thịt. Xứ sở Athènes đã phải chịu cái thảm họa đó đến ngày vị anh hùng Thésée, nhờ sự giúp đỡ của Ariane, con gái vua Minos, trừng trị được con quái vật Minotaure.

Ở Crète, khi biết chuyện Minotaure bị giết, Minos vô cùng uất ức. Bút nào tả xiết được cơn thịnh nộ của các bậc đế vương vốn đã từng quen sai khiến và bắt người khác phải phục tùng! Làm sao Thésée lại dám ngạo mạn như thế. Minos tức giận đến lồng lộn, điên cuồng. Song chẳng phải vì Minos yêu mến Minotaure mà căm giận Thésée đến như thế. Không, đó chỉ là thói thường của những vị vua xưa nay chẳng ưa thích kẻ nào làm trái ý mình. Minos bắt nhốt Thésée vào Labyrinthe là để cho Minotaure ăn thịt, là để giết hắn. Nhưng làm sao hắn có thể làm đảo lộn tình hình. Cái tên này quả là ghê gớm, quả là to gan lớn mật.

Minos càng nghĩ càng căm đứa con gái đã thông đồng bày mưu cho Thésée thoát nạn, một mưu mẹo khá khôn khéo mà Minos không thể ngờ tới được. Minos càng tức giận lũ quân canh đã canh phòng sơ khoáng để cho Thésée phá hỏng những chiếc thuyền. Sau bao thời gian vắt óc suy nghĩ cố tìm ra một tội phạm để trừng trị trả thù cho hả dạ, cuối cùng Minos nghĩ tới Dédale. Hẳn là tên này đã bày mưu, đặt kế cho cái vụ phản nghịch hỗn xược này. Kể ra nhìn qua xem như Dédale vô tội. Nhưng càng suy nghĩ kỹ thì Minos càng thấy đích thực cái tên Hy Lạp này chỉ là thủ phạm. Chính hắn là người xây nên cái cung điện Labyrinthe và chỉ có hắn là người duy nhất biết cái hiểm hóc của nó. Hắn lại là người đồng bang với Thésée, cùng chung xứ sở quê hương với Thésée nên hắn mới bày mưu cho Thésée trốn thoát khỏi cung điện Labyrinthe. Bằng những lý lẽ như vậy, Minos quyết định trị tội Dédale. Nhà vua đập bàn thét vang, sai quân lính đi bắt ngay Dédale đem nhốt vào cung điện Labyrinthe thế chân cho Minotaure bữa trước. Không phải chỉ có một mình Dédale bị bắt mà cả con Dédale, chú thiếu niên Icare, cũng bị áp giải theo cha.

Thật ra thì sự việc diễn ra hơi khác một chút. Ariane khi thấy Thésée trong đoàn người cống vật, nàng đã vội tìm đến Dédale để xin Dédale bày mưu cứu thoát. Chính Dédale là người đã nghĩ ra cái kế “cuộn dây Ariane”.

Bị nhốt vào cung điện ngục tối Labyrinthe song Dédale không hề bối rối. Trong chỗ ở của Minotaure còn ngổn ngang, bừa bãi xác chết của vô số gà, vịt, chim, ngỗng do Minotaure ăn còn thừa bỏ lại. Từng quãng trong cung điện lại có những tổ ong lớn, và chỉ có thế thôi là đủ cho chàng Dédale khôn khéo, thông minh tìm được cách thoát thân. Chàng lượm lặt các lông cánh trên xác những con vật còn lại, lấy sáp ong chắp gắn vào, chỉ trong vài ngày hai cha con Dédale và Icare đã làm được mỗi người một đôi cánh, và thế là một buổi sáng kia, hai cha con dỡ mái cung điện lấy lối ra, để bay thoát ra ngoài. Chỉ bằng cách ấy thì mới thoát khỏi sự canh phòng cẩn mật của lũ lính gác. Dédale và Icare bay về Hy Lạp. Hành trình chẳng phải ngắn song có điều chắc chắn là thuận lợi hơn đi thuyền, nhanh hơn đi thuyền. Dédale tính toán lo xa đủ đường. Chàng dặn dò cậu con trai yêu quý lúc nào cũng phải bay sau mình, bay theo đường bay của mình, không được bay thấp quá, không được bay cao quá, nhất là càng bay lên cao thì càng nguy hiểm. Nhưng Icare đâu có nhớ lời cha dặn. Được tung mình vào không trung bát ngát, bay lượn vẫy vùng trên khoảng trời mênh mông, Icare vô cùng thích thú. Ôi chao, sướng đến mê người! Nhà cửa ở dưới đất nom bé hẳn lại, người thì cứ như là những con kiến nhỏ tí. Rừng cây xanh biếc, ruộng lớn vàng rượi, đồi trọc đỏ tươi, nước sông thì trăng trắng một vệt dài luồn lách ngoằn ngoèo trên từng mảnh, từng mảnh của cái tấm thảm nhiều màu sắc rực rỡ đó. Thật tuyệt đẹp! Bay ra đến biển thì không vui mắt bằng. Tất cả chỉ là một màu xanh, một màu xanh bát ngát, mênh mông, xanh ngăn ngắt, vô cùng vô tận, xanh đến rợn cả người! Những hòn đảo nổi lên như một cái chấm đen nom y như một cái nốt ruồi ấy! Và biển xanh thở phập phồng, lung linh những vệt trắng nho nhỏ của những cuộn sóng. Càng bay, Icare càng thích thú, càng ham muốn bay cao lên nữa. Chú bé tự hỏi: “Ở cái khoảng không gian xanh thẫm như biển kia, cao tít trên đầu kia có gì nhỉ?”. Đây mới chỉ thấy có những đám mây, những đám mây như những con thuyền trôi bồng bềnh, dập dờn. Có lúc Icare lại tưởng chúng như những búi bông được nhả ra từ một cái cán nào đó… Chú bé say sưa với những luồng suy tưởng của mình. Chú nghĩ đến những vì sao như những hòn ngọc trong màn đêm đen mịn như nhung, chú nghĩ đến mặt trời rực lửa… Icare triền miên trong suy tưởng và có lúc đã nghĩ rằng mình chẳng khác chi một vị thần vẫn từ thế giới Olympe bay xuống trần, đi đi về về vì biết bao công việc rắc rối của những người trần thế, và cứ thế cậu bay vút lên cao, lên cao mãi. Quên bẵng mất lời cha dặn, cậu bé muốn tung hoành ngang dọc trong bầu trời để thỏa mãn trí tò mò, ham hiểu biết của mình. Nhưng một tai họa khủng khiếp giáng ngay xuống đầu Icare: càng bay lên cao, càng gần mặt trời, càng nóng. Sức nóng của mặt trời làm sáp ong chảy tan ra nước và đôi cánh của cậu phút chốc rơi rụng lả tả tựa lá vàng rụng trước gió đông. Icare mất thăng bằng ngã lộn nhào từ trên cao xuống biển, cậu rơi xuống như một hòn đá! Một hòn đá rơi từ chín tầng mây xuống chìm nghỉm trong tấm thảm màu xanh. Vì không phải là con của thần thánh như Héphaïstos cho nên Icare chết. Nhưng người xưa muốn cho cậu sống mãi nên đã đặt tên quãng biển ở đảo Samos, trước mặt đô thị Milet là “biển Icare” và cả một hòn đảo trên vùng biển ấy là “đảo Icare”.

Dédale đau xót về cái chết của đứa con trai khôn xiết. Nhưng làm thế nào được, không lẽ chàng lại hạ cánh xuống giữa biển khơi để vớt xác con. Chàng phải tiếp tục bay. Nhưng chàng không trở về Hy Lạp nữa. Chàng hạ cánh xuống vùng Cumes một nơi gần Naple177 thuộc nước Ý và xây dựng một đền thờ thần Apollon. Trên cánh cửa của ngôi đền, Dédale khắc họa lại lịch sử của đời mình và cuộc hành trình vừa qua. Chàng cũng không quên khắc họa cuộc đời đứa con thân yêu đã bỏ mình giữa đường. Sau đó Dédale rời Cumes đi xuống đảo Sicile. Chàng dừng chân lại ở đô thành Camicos của vua Cocaios.

Được tin Dédale trú ngụ tại cung điện của nhà vua Cocaios, Minos bèn thân chinh thống lĩnh một đội chiến thuyền kéo sang đảo Sicile. Nhà vua kéo đại binh đến đô thành Camicos, mưu dùng áp lực của binh hùng tướng mạnh buộc Cocaios phải dâng nộp Dédale cho mình. Biết tin, Dédale sợ hãi quá chừng. Chàng cầu xin Cocaios che giấu, bảo vệ tính mạng cho mình. Ở Hy Lạp xưa kia, khước từ lời cầu xin bảo hộ che chở cho tính mạng một con người đang lâm vào tình cảnh bị đe dọa là một điều vi phạm vào truyền thống đạo đức thiêng liêng do thần Zeus vĩ đại ban bố. Vì lẽ đó, Cocaios sẵn sàng bênh vực Dédale. Nhà vua đưa Dédale vào phòng riêng những con gái của mình, nơi mà nhà vua cho là kín đáo hơn cả, Dédale được ở một chỗ kín đáo, lấy làm vững dạ và tin rằng Minos khó có thể tìm thấy mình.

Minos được tiếp kiến nhà vua Cocaios. Y hỏi ngay Cocaios về tung tích của Dédale. Cocaios đáp lại:

– Thưa quý khách, nhà vua Minos nổi danh vì những lâu đài tráng lệ trên hòn đảo Crète quanh năm sóng vỗ! Không có ai! Tuyệt không có ai, mảy may không có ai… chúng tôi không hề thấy ở đây có một người nào mang tên như thế và có hình dáng cùng tài năng như thế…

– Ồ, thôi, thôi! Điều đó chẳng có gì làm ngài phải bận tâm. – Minos vừa xua xua tay vừa đáp lại. – Thế nào cuối cùng tôi cũng tìm được tên đó… À, nhưng thưa ngài, trong khi chờ đợi, xin phiền một chút. Tôi có một việc khó khăn muốn nhờ ngài giúp hộ một tay. Chắc ngài vui lòng nhận giúp chứ? Đây chỉ có thế này thôi, tôi muốn luôn sợi chỉ qua cái vỏ con ốc này… Thế mà chẳng biết làm cách sao, thật ngu ngốc! Xin ngài chỉ dẫn giùm.

Cocaios vốn khờ dại và lại ưa phỉnh nịnh, khoe khoang nên không hiểu mưu thâm của Minos. Cocaios vội trả lời:

– Ồ, thưa ngài, có khó gì gì! Chỉ một lát thôi là tôi có thể làm xong cái việc dễ như trò trẻ đó…

Nhưng Cocaios đâu có biết làm. Nhà vua đến nhờ Dédale chỉ dẫn, Dédale bèn bắt một con kiến to, đính một sợi dây chỉ vào nó và thế là trong chốc lát con vật đã lượn qua các đường xoáy trôn ốc. Cocaios bèn ra gặp Minos, kiêu hãnh chìa con ốc ra cho hắn biết cái tài khôn khéo của mình.

– A! – Minos đập bàn reo lên, quắc mắt nhìn thẳng vào mặt Cocaios – Ngài còn dám một mực nói với tôi rằng Dédale không có ở đây nữa không? Không có người thứ hai đâu! Trên thế gian này chỉ có mỗi một người làm được cái việc này thôi. Người đó chính là hắn, là Dédale đấy!

Nghe xong, Cocaios lạnh toát cả người, toàn thân run lên cầm cập, Cocaios vội thú nhận đã giấu Dédale, chỉ xin Minos cứ bình tĩnh nghỉ ngơi trong cung điện ít ngày để ông có kịp khoản đãi một nhà vua danh tiếng.

Nói về Dédale, khi làm công việc mà Cocaios nhờ, trong lòng đã nghi nghi hoặc hoặc, bụng bảo dạ: Có lẽ Minos đã lần tìm được tới đây. Chàng bèn bàn với những cô con gái của Cocaios cho sửa chữa ngay những ống dẫn nước đến nhà tắm. Theo phong tục của người Hy Lạp xưa kia thì khi có khách quý đến chơi, người ta thường sai gia nhân đem nước nóng đến rửa chân cho khách và mời khách đi tắm, sau đó mời khách vào dự tiệc. Minos vào buồng tắm và từ các ống dẫn nước xối xuống, tuôn chảy ra không phải là nước nóng mà là dầu sôi sùng sục, Minos bị luộc chín. Đến đây kết thúc số phận tên vua Minos tàn ác. Có người kể, không phải Dédale bàn định với những cô con gái của Cocaios mà chính đích thân nhà vua đã mật báo cho các con gái mình biết mưu đồ của mình để các cô thi hành. Đền đáp lại công ơn của Cocaios, chàng Dédale tài giỏi đã xây dựng cho nhà vua nhiều lâu đài, đền, điện đẹp đẽ, tráng lệ, nguy nga. Nhưng chàng, theo một truyền thuyết, không ở lại đất Sicile. Chàng trở về Athènes, Hy Lạp đề truyền dạy tài năng và nghề nghiệp của mình cho con cháu. Những người thợ thủ công lành nghề, những nghệ sĩ tài năng ở Athènes sau này đều thuộc dòng dõi, huyết thống của Dédale. Họ mang một cái tên chung là Dédalides. Một truyền thuyết khác lại nói Dédale sống ở Sicile cho đến cuối đời. Người ta còn kể, chính người anh hùng Héraclès đã vớt được xác Icare và làm lễ an táng cho cậu.

Còn Minos, sau khi chết, xuống âm phủ được thần Hadès giao cho công việc xét xử các linh hồn. Bên Minos còn có hai người giúp việc là Rhadamanthe, em ruột của Minos, và Éaque, một đấng minh quân xưa kia trị vì ở đảo Égine.

Huyền thoại về Minos cho ta hai hình ảnh về vị vua này: một tên bạo chúa và một đấng minh quân. Về đấng minh quân, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta nhận định rằng hình ảnh này thuộc về một nguồn huyền thoại cổ hơn. Người ta kể, thần Zeus và Minos thường gặp nhau trong một chiếc hang đá để trao đổi ý kiến về việc điều hành pháp luật trong đời sống. Minos còn đàm luận rộng rãi với cái vị thần, chịu khó lắng nghe mọi ý kiến để từ đó rút ra những lời răn dạy quý báu cho công việc cai trị. Nguồn thần thoại Minos tên bạo chúa, rõ ràng phản ánh thời kỳ giữa Crète và Athènes hoặc Hy Lạp đã có những cuộc đụng độ. Hẳn rằng những xung đột chỉ có thể xảy ra khi Crète đã có một nhà nước khá mạnh, khá phát triển đối với trình độ văn minh ở vùng biển Égée. Ta thấy ở đây lưu dấu lại, đọng giữ lại nhiều dư âm về một thời oai liệt của Crète. Nhà khảo cổ học người Anh Arthur Evans178 đã sử dụng cái tên Minos để chỉ nền văn minh mà ông phát hiện được ở đảo Crète.

Tuy nhiên trong huyền thoại về Minos, một nhà lập pháp, một đấng quân minh, ta cũng thấy có một lớp ở vào một thời kỳ muộn hơn ghép vào. Đó là Minos trở thành người xét xử các linh hồn, nghĩa là một quan niệm tôn giáo về sự thưởng phạt ở thế giới bên kia vốn chỉ đến thế kỷ V TCN mới xuất hiện trên đất Hy Lạp.

Huyền thoại về Minotaure gắn liền với những tín ngưỡng tôtem và gợi cho ta nhớ đến những tục giết người để hiến tế thần linh. Có nét gì gần gụi giữa Minotaure với vị thần Moloch179 của người Ammonites (Phénicie)180, chứng tỏ có một sự vận động, di chuyển của môtíp “con bò” từ phương Đông sang phương Tây.

Như vậy, huyền thoại về chiến công của người anh hùng Thésée, về tài năng sáng tạo của Dédale là sản phẩm của một thời kỳ muộn hơn – thời kỳ chế độ phụ quyền – được kết hợp, nhào nặn với một lớp huyền thoại cổ xưa hơn để hình thành một huyền thoại, truyền thuyết về người anh hùng Thésée với những chiến công vĩ đại mở đầu cho việc xây dựng, mở mang vùng đồng bằng Attique, tạo lập nên những thiết chế xã hội mới là tiền đề, là cơ sở cho sự hình thành nhà nước Athènes.

***

Về nguồn gốc của từ Labyrinthe (tiếng Hy Lạp: Laburinthos), theo các nhà nghiên cứu, có hai cách giải thích. Một là, Labyrinthe gốc từ labras là cái rìu hai lưỡi, vật tượng trưng cho quyền lực thiêng liêng của các vị vua trên đảo Crète. Những cuộc khai quật khảo cổ học đầu thế kỷ XX và tiếp đó đã phát hiện ra trước hết ở Cnossos và một số trung tâm khác trên đảo Crète những dí tích của một nền văn minh cung điện huy hoàng. Trên những mảnh tường cung điện còn sót lại, người ta thấy vẽ hoặc chạm nổi hình một chiếc rìu hai lưỡi, từ đó các nhà nghiên cứu giả định: Labyrinthe là tên chiếc ngai vàng của vị vua Ai Cập Pharaon Amménéme III. Nhà vua này ra lệnh cho triều đình xây dựng cho mình một cung điện và lấy tên chiếc ngai vàng của mình – Labyrinthe – đặt tên cho cái cung điện đó, một công trình xây dựng hết sức công phu, phức tạp, tốn kém.

Theo những tài liệu của các tác giả cổ đại thì có tất cả bốn cái Labyrinthe:

1 – Labyrinthe ở đảo Crète, theo truyền thuyết do Dédale xây dựng và nhà vua Minos nhốt đứa con nửa người nửa bò Minotaure của mình. Cung điện mà nhà khảo cổ học người Anh Arthur Evans phát hiện được ở Cnossos là một công trình kiến trúc khá tinh vi và phức tạp. Trong cung điện có tới 800 phòng, phòng nào cũng được trang hoàng khá lộng lẫy. Người ta đã biết đưa nghệ thuật hội họa và điêu khắc vào để làm đẹp cuộc sống. Trong lâu đài có xưởng thợ, nhà ngục, mười tám kho ủ rượu, một hệ thống ống dẫn nước đến các phòng tắm. Đáng chú ý hơn nữa là đã có một sân khấu với 500 chỗ ngồi. Các nhà nghiên cứu gần như nhất trí cho rằng cung điện Labyrinthe trong truyền thuyết về Minos-Minotaure-Dédale là cung điện này.

2 – Labyrinthe ở Ai Cập, thuộc vùng Fayoum, theo nhà sử học Hy Lạp cổ đại Hérodote (484-425 TCN) miêu tả có khoảng 3000 phòng, do Pharaon Amménéme III xây dựng vào quãng thế kỷ XIX TCN.

3 – Labyrinthe ở đảo Samos181, xây dựng dưới triều vua Polycrate vào quãng thế kỷ VI TCN.

4 – Labyrinthe ở Ý, xây dựng dưới triều vua Porsenna người Étrusques, ở vùng Chiusi. Đây là một kiểu nhà mồ. Cần nói thêm, có những kiến giải cho rằng nguồn gốc xa xưa của Labyrinthe là một nhà mồ lớn ở dưới đất và nằm trong một hang đá hoặc đào khoét một ngọn núi thành hang rồi xây nhà mồ ở dưới đất. Kiểu nhà mồ này là của những nhân vật vương giả, xây cất công phu và phức tạp, ra đời đầu tiên ở Ai Cập. Sau này Labyrinthe không còn chức năng là nhà mồ nữa. Người ta xây dựng những cung điện, những Labyrinthe, nhưng vẫn giữ lại cái phong cách cũ: một cung điện có nhiều phòng, nhiều hành lang, đường đi ở trong cung điện phức tạp.

Ngày nay, Labyrinthe trở thành danh từ chung chỉ những công trình kiến trúc phức tạp, cầu kỳ, rắc rối mà chúng ta thường quen gọi là mê cung. Mở rộng nghĩa, nó chỉ là một tình trạng rắc rối, phức tạp hoặc một tình thế bế tắc không lối thoát182. Chúng ta còn dùng từ Bát trận đồ để diễn tả ý nghĩa tương ứng với Labyrinthe.

Vì Dédale là người xây dựng nên cung điện Labyrinthe nên Dédale cũng trở thành danh từ chung với ý nghĩa: 1) Đồng nghĩa với Labyrinthe. 2) Người thợ giỏi, người khéo tay.

177 Napoli Naples là một đô thành ở bờ biển phía Tây miền nam nước Ý, trên bờ biển Tyrrhénienne.

178 Arthur Evans (1851-1941) chia nền văn minh phát hiện ra ở đảo Crète đầu thế kỷ XX ra làm ba thời kỳ: Minos cổ, 3000-2100 TCN; Minos giữa, 2100-1580 TCN; Minos cuối, 1580-1200 TCN.

179 Moloch là vị thần thân người đầu bò, ăn thịt người. Trong lễ hiến tế người ta thui trẻ con để dâng Moloch.

180 Ammonites là một bộ tộc người cổ thuộc nước Syrie ngày nay, mang tên vị thần thủy tổ là Ammon, con trai của Loth.

181 Samos là một hòn đảo trong quần đảo Sporade gần đô thành Ephèse, vùng ven biển Nam Tiểu Á.

Chương này ở hai bản có hơi khác nhau nay bổ xung thêm bản chưa chỉnh tên để bạn đọc tham khảo

Để nuôi Minôtor phải cho nó ăn thịt sống: thịt các súc vật hoặc thịt người. Vua Minôx mỗi lần gây chinh chiến, áp đặt được quyền lực lên lãnh địa của một vị vua nào thì lập tức bắt họ, phải hàng năm đúng hẹn đúng kỳ đem nộp một số người cho Minôtor ăn thịt. Xứ sở Aten đã phải chịu cái thảm họa đó đến ngày vị anh hùng Têdê trừng trị được con quái vật Minôtor.

Câu chuyện xảy ra thật ly kỳ và biết bao đau xót, thương tâm. Người ta bảo đầu mối mọi việc xảy ra bắt nguồn từ cái chết của Ăngđrôgiê (Androgée).

Ăngđrôgiê là con trai của vua Minôx, vốn là một thanh niên tuấn tú, tài ba. Bữa kia nhân vị vua Êgiê (Égée) ở đô thành Aten mở hội tổ chức các cuộc thi đấu võ nghệ và các trò vui, Ăngđrôgiê biết tin liền sang tham dự. Trong những cuộc thi đấu, chàng thanh niên của đất Cret đã giành được thắng lợi rực rỡ. Chàng đoạt hầu hết các giải. Thôi thì tất cả, giải chạy, giải vật, giải phóng lao, ném đĩa… đều rơi vào tay người con trai vua Minôx này cả. Ghen tức vì một người ngoại lai tài giỏi, vua Êgiê bắt chàng phải đi trừng trị một con bò mộng hung dữ đang tàn phá vùng đồng bằng Maratông (Marathon). Con vật này rất kinh khủng. Nghe đâu mũi nó phun ra lửa. Nó đã tàn phá mùa màng ở vùng này trong hàng bao nhiêu năm khiến cho nhân dân vô cùng khốn khổ. Ăngđrôgiê đọ sức với con vật. Nhưng tiếc thay chàng không chiến thắng được nó. Chàng bị nó húc chết. Có người kể chuyện này hơi khác đi một chút. Ăngđrôgiê sau khi đoạt hất cái phần thưởng ở Aten bèn sang Tebơ tham dự hội nhưng dọc đường chàng bị những người Aten, vì ghen tị, ám hại.

Được tin con trai chết, Minôx liền chiêu tập chiến thuyền, hội nghị tướng lĩnh rồi định ngày hạ thủy, tiến sang đất Aten, hỏi tội nhà vua Êgiê, rửa hờn cho vong linh đứa con yêu quý. Cuộc chiến tranh giữa Cret với Aten diễn ra dằng dai không biết mấy năm trường. Người Aten lâm vào một tình thế rất nguy kịch. Thần Dớt chấp nhận lời cầu xin của Minôx, đã gây ra một vụ dịch bệnh khủng khiếp để trừng phạt Aten về tội đã vi phạm vào truyền thống quý người trọng khách. Trước tình cảnh đó, cái tướng lĩnh Aten chỉ còn cách sắm sanh lễ vật hiến tế các thần để xin lời chỉ dẫn. Sau khi giết biết bao súc vật để làm lễ hiến tế, và giết cả những nàng trinh nữ nữa, người Aten mới nhận được lời phán truyền: “Muốn giải trừ tai họa chỉ có cách chấp nhận những đòi hỏi của Minôx!” Thật khắc nghiệt! Nhưng làm thế nào được. Thế là Aten bại trận buộc phải đem triều cống trong chín năm liền, mỗi năm bảy chàng trai và bảy cô gái cho Minôx để Minôx nuôi đứa con Minôtor.

Nhân dân Aten phải cắn răng chịu đựng cái khoản cống nạp nhục nhã đó. Một năm, hai năm… cho đến năm thứ ba thì không sao chịu được nữa. Khắp trong dân gian đó đây đều nổi lên những tiếng kêu than và những lời xì xào, bàn luận đầy bất bình đối với vua Êgiê. Tình hình đó đã khiến cho Têdê, người anh hùng con trai của Êgiê băn khoăn suy nghĩ. Cuối cùng chàng quyết định xin với vua cha cho phép mình đi trừng trị Minôtor, bằng cách chàng sẽ đi vào cung điện Labiranhtơ với đoàn người cống vật để quyết một phen sống mãi với con quái vật đó. Lão vương Êgiê than khóc, khuyên con đừng dại dột mạo hiểm mà thiệt mạng. Nhưng mặc cho lời khuyên can của người cha già có thống thiết đến đâu chăng nữa thì cũng không làm nhụt chí khí anh hùng của người con trai dòng dõi thần Pôdêiđông. Chàng nói với người cha thân yêu:

– Xin cha cứ yên tâm. Con phải ra đi vì danh dự. Con nhất quyết sẽ chiến thắng con quái vật tai họa đó. Cha sẽ vô cùng sung sướng và tự hào khi thấy con mai đây trở về với đô thành thân yêu của chúng ta.

Và Têdê ra đi. Tiễn con ra bờ biển, lão vương Êgiê chỉ còn biết dặn lại:

– Têdê con hỡi! Cha đã không giữ được con. Vả lại cha cũng không nên ngăn cản con trong một sự nghiệp anh hùng vì hạnh phúc của nhân dân đô thành chúng ta. Nhưng nếu con không trở về thì điều đó đối với cha thật vô cùng đau xót và nặng nề không biết đến mức nào. Vì ngoài con ra cha không còn ai cả. Vậy giờ phút chia tay gần như vĩnh biệt này, con thuyền của con hãy kéo tấm buồm đen lên. Nhưng mai kia khi chiến thắng trở về, con hãy giương lên tấm buồm trắng để cho cha ngày ngày mong đợi con ở bờ biển sớm biết được tin mừng. Cha sẽ lo loan báo cho nhân dân biết, Têdê người anh hùng của Aten vinh quang đã thanh trừ cho đô thành ta một tai họa, xóa bỏ được khoản cống nạp nhục nhã và nặng nề, và đô thành vinh quang của chúng ta sẽ làm lễ đón rước con với những nghi lễ long trọng vốn chỉ dành riêng cho các bậc thần linh.

Thuyền từ từ rời bến. Êgiê đứng ở bờ biển nhìn với mãi theo cho đến khi nó chỉ còn là chiếc chấm đen trên mặt biển và khuất bóng vào chân mây mặt nước xa vời.

Tới đảo Cret. Những người cống nạp phải đến trình diện trước vua Minôx. Nhà vua thấy chàng trai khỏe đẹp và có một phong thái khác thường, bèn lẩm bẩm trong miệng: “Chà, sao mà những người Aten lại đem cống nạp một chàng trai đẹp đẽ, cường tráng như thế này! Hay là họ hết người rồi chăng? Ta xem ra hắn có lẽ không phải là người bình thường”. Nữ thần Tình Yêu và Sắc Đẹp Aphrôđitơ, vị nữ thần mà Têdê trước khi lan đường đã làm lễ cầu xin sự che chở, bảo hộ, lúc này đã ở bên chàng. Nữ thần thấy công chúa Arian (Ariane) đang đứng bên cha xem đoàn người cống vật. Nữ thần bèn khơi lên trong trái tim nàng một dục vọng yêu đương, và khi Arian nhìn thấy Têdê thì trong lòng vô cùng xúc động. Nàng thương cho số phận chàng. Nàng không muốn một chàng trai tuấn tú, đáng yêu như thế kia phải chết oan uổng.

Sau khi xem xét đoàn người cống vật, Minôx chọn trong số bảy thiếu nữ phải làm vật hy sinh ra một người đẹp nhất, và không kìm hãm được dục vọng ái ân đang thiêu đốt trái tim, nhà vua đã hành động như một con vật bờm xơm, lơi lả hết sức bỉ ổi trước mặt mọi người. Têdê phẫn nộ, tiến lên, đứng chặn ngang trước mặt Minôx, bảo vệ cho người thiếu nữ. Minôx tức điên người, trợn mắt quát:

– Đồ súc sinh to gan lớn mậ! Mi không biết Minôx này là người như thế nào à? Ta nói cho mi biết, Minôx, đứa con vinh quang của thần Dớt sẽ không tha thứ cho một hành động phạm thượng như thế đâu!

Têdê cũng kiêu hãnh đáp lại:

– Hỡi Minôx, nhà vua dâm bạo và tàn ác! Mi đừng có coi thường ta. Nếu mi vênh vang vì được là con của thần Dớt vĩ đại thì ta đây, ta cũng tự hào được là con của vị thần Pôdêiđông lay chuyển mặt đất, người có cây đinh ba vàng có thể gọi gió bão mưa, sai khiến các loài thủy quái như mi sai khiến gia nhân. Ta sẽ không tha thứ cho một kẻ nào làm nhục một người thiếu nữ Aten trước mặt những người Aten.

Minôx thử thách:

– Chà, thì ra mi là con của thần Pôdêiđông đáng kính đấy ư? Thật không, ta cứ coi như mi đích thực là con của vị thần đã giáng tai họa xuống thần dân của hòn đảo Cret quanh năm sóng vỗ này. Vậy mi hãy chứng tỏ cho mọi người biết mi là kẻ không hề nhận xằng dòng dõi, man khai lai lịch để lòe bịp người khác.

Vừa nói Minôx vừa tháo chiếc nhẫn vàng đeo trên tay và ném xuống biển, rồi hất hàm bảo Têdê:

– Ta chỉ thừa nhận mi là dòng dõi của thần Pôdêiđông chừng nào mi lấy được chiếc nhẫn đó lên!

Têdê không chút sợ hãi, không một giây chần chừ. Chàng cầu khấn người cha kính yêu của mình là vị thần Pôđêiđông vĩ đại rồi lao mình xuống biển. Biển khơi tung sóng lên nuốt chửng người anh hùng. Mọi người ai nấy đều kinh hãi. Chẳng ai tin rằng Têdê có thể lấy được chiếc nhẫn vàng từ dưới đáy biển lên được cả. Nàng công chúa Arian xinh đẹp vô ngần nhìn biển khơi mênh mông mà xót xa, thất vọng. Người con trai đẹp đẽ, uy nghiêm tựa thần linh kia làm sao có thể trở về được nữa. Nếu như nàng được một vị thần giúp đỡ, ban cho nàng phép lạ, nàng sẽ giúp chàng lấy chiếc nhẫn từ dưới đáy biển lên để trả lại cho vua cha. Nhưng tiếc thay, nàng không có cách gì giúp chàng!

Têdê vừa bị sóng biển mặn chát trùm kín lên và nhấn chìm xuống thì thần Tơritông, vị thần có chiếc tù và báo gió chướng, biển động, thân hình kỳ quái nửa người nửa rắn, liền đón luôn lấy chàng và đưa chàng về cung điện của thần Pôdêiđông. Hai cha con gặp nhau thật là sướng vui khôn tả. Thần Pôdêiđông bèn vẫy tay ra hiệu. Lập tức một con cá mồm ngậm chiếc nhẫn bơi vào dâng lên cho thần. Têdê đeo nhẫn vào tay rồi cúi chào người cha vĩ đại kính yêu. Thần Tơritông cắp ngang người chàng bơi lên mặt biển, trả chàng về đúng quãng biến mà chàng lao xuống lấy chiếc nhẫn đeo vào tay. Còn nàng Arian mắt ngời lên những tia mừng rỡ. Nàng nhìn chàng lòng đầy khâm phục và mỉm một nụ cười.

Đã đến lúc đoàn người cống vật phải đi vào cung điện Labiranhtơ. Đằng kia cánh cửa lớn của tòa lâu đài mở rộng ra như một cái miệng khổng lồ há hốc đen ngòm. Chỉ giây lát nữa nó sẽ nuốt gọn lũ người xấu số vào trong bụng. Lợi dụng lúc vắng người, Arian liền đến gặp Têdê để nói cho chàng biết tất cả những nỗi nguy hiểm đang chờ đợi chàng, dù chàng có giết được quái vật Minôtor thì cũng không thể nào lần tìm được đường ra. Để giúp Têdê, nàng tháo cho chàng một cuộn dây dặn chàng cứ thả dần dần nó ra theo bước đi của mình. Chỉ có cách ấy mới có thể hy vọng thoát chết. Nàng lại cẩn thận hơn trao cho Têdê một con dao nhọn để chàng có thể chiến thắng Minôtor nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn. Arian chỉ mong muốn có một điều nếu Têdê chiến thắng trở về Hy Lạp, thì cho nàng cùng về theo.

Đoàn người cống vật đã đi vào cung điện Labiranhtơ. Arian đứng chờ ở ngoài cung điện lòng đầy hồi hộp. Nàng cầm lấy đầu sợi dây mà Têdê thả ra, theo dõi những biến động của nó với tất cả tấm lòng thương yêu tha thiết, niềm hy vọng cũng như nỗi băn khoăn, lo lắng cho số phận của chàng. Bỗng từ trong cung điện vẳng ra tiếng gầm rống của Minôtor. Sợi dây nằm trên lòng bàn tay nàng rung lên giần giật. Trái tim nàng đập dồn dồn. Sợi dây đã báo cho Arian biết cuộc vật lộn khốc liệt giữa Minôtor với Têdê.

Cuộc giao tranh giữa Têdê và Minôtor diễn ra khá lâu. Minôtor thấy người lạ rống lên và chĩa đôi sừng nhọn lao thẳng vào. Têdê tránh hết đòn này đến đòn khác của nó khiến cho nó bực tức, lồng lộn. Cho đến một lúc nào đó thì chàng không tránh được nữa. Chàng nắm ngay lấy sừng, ghìm đầu nó lại và nhanh chóng rút con dao nhọn ở bên sườn ra đâm liên tiếp vào gáy nó. Bị thương, Minôtor không còn hung hăng như lúc đầu, và bây giờ mới là lúc Têdê tiến công bằng những đòn quyết định. Minôtor nhận thêm nhiều vết thương nữa, cuối cùng nó không còn đủ sức đứng được bằng đôi chân. Nó ngã vật xuống đất, thở hồng hộc kết thúc số phận của mình. Có chuyện kể, Têdê ngoài đôi tay, không có một vũ khí gì kèm theo vì quân canh khám xét rất ngặt.

Têdê lần theo sợi dây để thoát ra khỏi cung điện Labiranhtơ. Sợi dây trên tay Arian rung lên, và kia Têdê từ trong cung điện bước ra. Arian sung sướng đến trài nước mắt. Nàng ngã vào vòng tay chàng, ngây ngất vì xúc động.

Nhờ vào cuộn dây của Arian, Têdê đã hoàn thành được sứ mạng thiêng liêng cao quý của mình. Lập tức chàng cùng với anh em, bạn hữu tổ chức ngay một cuộc vượt biển. Phải vượt ngay không một phút giây chậm trễ. Nếu không thì khó bảo toàn được tính mạng. Giữ trọn lời hứa với Arian, chàng đưa nàng cùng trở về Hy Lạp với mình. Chàng còn mưu trí ra lệnh cho anh em phá hủy những con thuyền của người Cret đậu trên bờ biển để khi họ biết chuyện cũng đành chịu bó tay.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ “cuộn đây Arian” hoặc “sợi dây, sợi chỉ Arian”[291] để chỉ một biện pháp (đường lối, phương châm, phương pháp, kế hoạch…) giúp ta thoát khỏi tình trạng bế tắc, khó khăn, lúng túng tương ứng như “”sao Bắc đẩu””, “kim chỉ nam”, “ngọn đuốc soi đường”, “bức cẩm nang” mà chúng ta thường dùng.

Nói về cuộc hành trình trở về Hy Lạp của Têdê. Thật sung sướng biết bao đối với những người vừa thoát khỏi một cái chết tưởng như cầm chắc trong tay! Và có lẽ người sung sướng hơn cả phải là đôi lứa Têdê-Arian. Một buổi chiều kia thuyền của những người Hy Lạp neo lại hòn đảo Naxôx[292]. Mọi người lên bờ nấu ăn và nghỉ ngơi. Sau một ngày mệt nhọc, đêm hôm ấy họ ngủ thiếp đi, một giấc ngủ say rất ngon lành. Nhưng sáng hôm sau khi nàng Bình Minh vừa ló khuôn mặt có đôi má ửng hồng trên mặt biển mặn chát làm Arian thức dậy thì… hỡi ôi, quanh nàng chỉ còn lại bãi cắt trắng dài với gió vi vu và sóng biến rì rào! Cánh buồm đen của thuyền Têdê đã biến mất tăm từ lúc nào mà nàng không biết. Tại sao lại xảy ra cái chuyện lạ lùng như thế? Nguyên do là như sau. Đêm hôm đó, Têdê gặp một giấc mộng, thần Điônidôx hiện ra trên cỗ xe uy nghiêm, rực rỡ ánh hào quang. Thần nhìn Têdê với đôi mắt nghiêm nghị và hạ lệnh cho chàng phải lập tức lên đường vượt biển ngay, không được trì hoãn. Thần cấm không được đưa Arian đi theo. Têdê buộc phải tuân theo lệnh thần, lòng đau như cắt, nước mắt giấn ra, vội vã truyền lệnh cho thủy thủ. Thật là đau xót cực lòng hết chỗ nói. Nhưng làm thế nào được. Những người trần thế đoản mệnh bấy yếu, không thể nào cưỡng lại ý định của các vị thần. Têdê đành lòng bước chân đi. Chàng cũng không được phép đánh thức Arian dậy để nói cho nàng rõ sự thể của việc chia ly này. Có người lại giải thích sự việc này hơi khác. Họ cho rằng Têdê vốn đã yêu một người thiếu nữ nào đó trước lúc gặp Arian nên mới bỏ rơi Arian. Việc chàng hứa hẹn với Arian chẳng qua chỉ nhằm mục đích thực hiện mưu đồ của chàng.

Hôm sau tỉnh dậy, Arian bàng hoàng ngơ ngác. Têdê và những con thuyền đã không cánh mà bay. Arian vô cùng đau đớn và giận dữ. Nàng khóc than ai oán, kêu gào thảm thiết trên bãi biển vắng hoang. Nàng căm giận nguyền rủa Têdê, cho rằng gã đã phản bội lời thề ước. Nhưng đáp lại nàng chỉ là biển vô tư cuộn sóng và những cánh chim trời thờ ơ bay lượn trên không. Khóc than vật vã mãi, cuối cùng nàng mệt quá thiếp đi, và đó cũng là lúc ánh hoàng hôn vàng rượi nhạt dần, bóng đen của đêm tối huyền bí trùm xuống. Đêm hôm đó một kỳ tích đã xảy đến với đời nàng.

Khi những vì sao vừa xuất hiện trên bầu trời tỏa sáng ngời ngợi thì bỗng có một vệt sáng bay vút từ phía Tây sang phía Đông. Vệt sáng đó ngày càng tỏa ra to lớn, to lớn mãi lên, cuối cùng bùng nở ra những tia sáng chói lọi muôn màu sắc. Thần Điônidôx hiện ra oai nghiêm lộng lẫy. Các thần tùy tòng Xatia, Xilen và Băccăng vây quanh lấy Arian chào đón nàng như chào đón một vị hoàng hậu. Thần Điônidôx từ trên cỗ xe do các con báo kéo bước xuống đưa tay ra thân mời Arian lên ngồi bên thần để trở về đỉnh Ôlanhpơ làm lễ kết hôn. Điônidôx đặt lên đầu nàng một chiếc vương miện bằng vàng dát những hạt kim cương ngọc thạch vô cùng quý giá do bàn tay khéo léo của vị thần Thợ Rèn Chân Thọt Hêphaixtôx làm ra. Thế là nàng Arian được yên lòng vì những vinh quang mới bên vị thần Điôniđôx vĩ đại. Cỗ xe thần do những con báo kéo đưa họ bay vút lên đỉnh Ôlanhpơ, nơi ở thiêng liêng, vĩnh cửu, cao quý của các vị thần.

Còn Têdê, trên đường về lòng nặng trĩu nỗi đau buồn thương nhớ. Như người mất hồn, chàng chẳng còn nhớ gì đến lời lão vương Êgiê căn dặn lúc ra đi. Con thuyền của chàng vẫn cánh buồm đen như buổi tiễn đưa đầy nước mắt hôm nào. Ở Aten, ngày ngày người cha già yêu dấu đứng ngóng đợi con ở bến Pirê. Đây kia cánh buồm ai thấp thoáng xa xa. Lão vương Êgiê khom khom tay đưa lên che trên mi mắt để nhìn cho rõ. Cánh buồm đen hay cánh buồm trắng? Ánh nắng và hơi nước biển bốc lên mờ mờ khiến cho lão vương Êgiê chẳng trông rõ chút nào. Nhưng dần dần con thuyền ngày càng hiện rõ ra trên nền trời xanh thẫm. Êgiê khóc nấc lên: “Ôi, cánh buồm đen rồi! Thế là con ta, đứa con yêu quý của ta đã bỏ mình”. Mặc cho bao lời khuyên giải, an ủi, can ngăn của mọi người xung quanh, Êgiê vẫn không bình tâm đợi con thuyền cập bến xem hư thực thế nào. Người cha già khốn khổ đó chắc chắn đứa con mình đã chết, nếu không, sao con thuyền lại mang cánh buồm đen u ám, tang tóc thế kia. Tuổi già chỉ còn hy vọng trông cậy vào con, và khi đứa con đó chết, nguồn hy vọng đó coi như tắt mất. Làm sao mà sống nổi khi hy vọng tiêu tan, nhất là đối với những người gần cái chết hơn là sự sống như lão vương Êgiê, và thế là lão vương Êgiê lao mình từ trên ngọn núi cao xuống biển tự vẫn.

Cập bến, được tin sét đánh, Têdê lòng vô cùng hối hận. Nỗi đau buồn nọ chưa qua đi thì nỗi đau buồn kia đã ập tới. Chàng đứng trên ngọn núi cao hồi lâu nhìn biển khơi cuộn sóng tưởng như lòng mình tan tác ra thành những giọt nước mắt thương đau. Để tưởng nhớ mãi mãi tới lời người cha già kính yêu của mình, chàng đặt tên cho vùng biển đó là “biển Êgiê”, vùng biển nằm giữa đất Tiểu Á và Hy Lạp mà phía Nam của nó là đảo Cret, và xa hơn chút nữa, giáp mạn bờ biển Tiểu Á về phía Đông, là đảo Síp.

Tin vui cùng đến với tin buồn. Aten chấm dứt được cái họa phải cống nạp nhục nhã nhưng đồng thời cũng mất một vị vua anh minh. Tuy nhiên niềm vui vẫn lớn hơn, nhân dân vô cùng vui mừng, phấn khởi trước chiến công thanh trừ quái vật Minôtor của người anh hùng Têdê. Mọi người đón rước chàng long trọng như một vị thần, một vị cứu tinh của đô thành Aten thiêng liêng, đô thành được nữ thần Atêna có đôi mắt cú mèo bảo hộ. Đó là một trong những chiến công của Têdê, chiến công mà người anh hùng đã phải đổi bằng những mất mát, đau thương của mình để đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân.

Môtíp “ánh buồm trắng, cánh buồm đen” sau này được lặp lại trong một chuyện kỵ sĩ hay nhất thời Trung cổ ở Châu Âu “Tơrixtăng và Idơ”.

Ở Cret, khi biết chuyện Minôtor bị giết, Minôx vô cùng uất ức. Bút nào tả xiết được cơn thịnh nộ của các bậc đế vương vốn đã từng quen sai khiến và bắt người khác phải phục tùng! Làm sao Têdê lại dám ngạo mạn như thế. Minôx tức giận đến lồng lộn, điên cuồng. Song chẳng phải vì Minôx yêu mến Minôtor mà căm giận Têdê đến như thế. Không, đó chỉ là thói thường của những vị vua xưa nay chẳng ưa thích kẻ nào làm trái ý mình. Minôx bắt nhốt Têdê vào Labiranhtơ là để cho Minôtor ăn thịt, là để giết hắn. Nhưng làm sao hắn có thể làm đảo lộn tình hình. Cái tên này quả là ghê gớm, quả là to gan lớn mật.

Minôx càng nghĩ càng căm đứa con gái đã thông đồng bày mưu cho Têdê thoát nạn, một mưu mẹo khá khôn khéo mà Minôx không thể ngờ tới được. Minôx càng tức giận lũ quân canh đã canh phòng sơ khoáng để cho Têdê phá hỏng những chiếc thuyền. Sau bao thời gian vắt óc suy nghĩ cố tìm ra một tội phạm để trừng trị trả thù cho hả dạ, cuối cùng Minôx nghĩ tới Đêđan. Hẳn là tên này đã bày mưu, đặt kế cho cái vụ phản nghịch hỗn xược này. Kể ra nhìn qua xem như Đêđan vô tội. Nhưng càng suy nghĩ kỹ thì Minôx càng thấy đích thực cái tên Hy Lạp này chỉ là thủ phạm. Chính hắn là người xây nên cái cung điện Labiranhtơ và chỉ có hắn là người duy nhất biết cái hiểm hóc của nó. Hắn lại là người đồng bang với Têdê, cùng chung xứ sở quê hương với Têdê nên hắn mới bày mưu cho Têdê trốn thoát khỏi cung điện Labiranhtơ. Bằng những lý lẽ như vậy, Minôx quyết định trị tội Đêđan. Nhà vua đập bàn thét vang, sai quân lính đi bắt ngay Đêđan đem nhốt vào cung điện Labiranhtơ thế chân cho Minôtor bữa trước. Không phải chỉ có một mình Đêđan bị bắt mà cả con Đêđan, chú thiếu niên Icar, cũng bị áp giải theo cha. Thật ra thì sự việc diễn ra hơi khác một chút. Arian khi thấy Têdê trong đoàn người cống vật, nàng đã vội tìm đến Đêđan để xin Đêđan bày mưu cứu thoát. Chính Đêđan là người đã nghĩ ra cái kế “cuộn dây Arian”.

Bị nhốt vào cung điện ngục tối Labiranhtơ song Đêđan không hề bối rối. Trong chỗ ở của Minôtor còn ngổn ngang, bừa bãi xác chết của vô số gà, vịt, chim, ngỗng do Minôtor ăn còn thừa bỏ lại. Từng quãng trong cung điện lại có những tổ ong lớn, và chỉ có thế thôi là đủ cho chàng Đêđan khôn khéo, thông minh tìm được cách thoát thân. Chàng lượm lặt các lông cánh trên xác những con vật còn lại, lấy sáp ong chắp gắn vào, chỉ trong vài ngày hai cha con Đêđan và Icar đã làm được mỗi người một đôi cánh, và thế là một buổi sáng kia, hai cha con dỡ mái cung điện lấy lối ra, để bay thoát ra ngoài. Chỉ bằng cách ấy thì mới thoát khỏi sự canh phòng cẩn mật của lũ lính gác. Đêđan và Icar bay về Hy Lạp. Hành trình chẳng phải ngắn song có điều chắc chắn là thuận lợi hơn đi thuyền, nhanh hơn đi thuyền. Đêđan tính toán lo xa đủ đường. Chàng dặn dò cậu con trai yêu quý lúc nào cũng phải bay sau mình, bay theo đường bay của mình, không được bay thấp quá, không được bay cao quá, nhất là càng bay lên cao thì càng nguy hiểm. Nhưng Icar đâu có nhớ lời cha dặn. Được tung mình vào không trung bát ngát, bay lượn vẫy vùng trên khoảng trời mênh mông, Icar vô cùng thích thú. Ôi chao, sướng đến mê người! Nhà cửa ở dưới đất nom bé hẳn lại, người thì cứ như là những con kiến nhỏ tí. Rừng cây xanh biếc, ruộng lớn vàng rượi, đồi trọc đỏ tươi, nước sông thì trăng trắng một vệt dài luồn lách ngoằn ngoèo trên từng mảnh, từng mảnh của cái tấm thảm nhiều màu sắc rực rỡ đó. Thật tuyệt đẹp! Bay ra đến biển thì không vui mắt bằng. Tất cả chỉ là một màu xanh, một màu xanh bát ngát, mênh mông, xanh ngăn ngắt, vô cùng vô tận, xanh đến rợn cả người! Những hòn đảo nổi lên như một cái chấm đen nom y như một cái nốt ruồi ấy! Và biển xanh thở phập phồng, lung linh những vệt trắng nho nhỏ của những cuộn sóng. Càng bay, Icar càng thích thú, càng ham muốn bay cao lên nữa. Chú bé tự hỏi: “Ở cái khoảng không gian xanh thẫm như biển kia, cao tít trên đầu kia có gì nhỉ?”. Đây mới chỉ thấy có những đám mây, những đám mây như những con thuyền trôi bồng bềnh, dập dờn. Có lúc Icar lại tưởng chúng như những búi bông được nhả ra từ một cái cán nào đó… Chú bé say sưa với những luồng suy tưởng của mình. Chú nghĩ đến những vì sao như những hòn ngọc trong màn đêm đen mịn như nhung, chú nghĩ đến mặt trời rực lửa… Icar triền miên trong suy tưởng và có lúc đã nghĩ rằng mình chẳng khác chi một vị thần vẫn từ thế giới Ôlanhpơ bay xuống trần, đi đi về về vì biết bao công việc rắc rối của những người trần thế, và cứ thế cậu bay vút lên cao, lên cao mãi. Quên bẵng mất lời cha dặn, cậu bé muốn tung hoành ngang dọc trong bầu trời để thỏa mãn trí tò mò, ham hiểu biết của mình. Nhưng một tai họa khủng khiếp giáng ngay xuống đầu Icar: càng bay lên cao, càng gần mặt trời, càng nóng. Sức nóng của mặt trời làm sáp ong chảy tan ra nước và đôi cánh của cậu phút chốc rơi rụng lả tả tựa lá vàng rụng trước gió đông. Icar mất thăng bằng ngã lộn nhào từ trên cao xuống biển, cậu rơi xuống như một hòn đá! Một hòn đá rơi từ chín tầng mây xuống chìm nghỉm trong tấm thảm màu xanh. Vì không phải là con của thần thánh như Hêphaixtôx cho nên Icar chết. Nhưng người xưa muốn cho cậu sống mãi nên đã đặt tên quãng biển ở đảo Xamôx, trước mặt đô thị Milê là “”biển Icar”” và cả một hòn đảo trên vùng biển ấy là “”đảo Icar””.

Đêđan đau xót về cái chết của đứa con trai khôn xiết. Nhưng làm thế nào được, không lẽ chàng lại hạ cánh xuống giữa biển khơi để vớt xác con. Chàng phải tiếp tục bay. Nhưng chàng không trở về Hy Lạp nữa. Chàng hạ cánh xuống vùng Cuymơ (Cumes) một nơi gần Naplơ[293] thuộc nước Ý và xây dựng một đền thờ thần Apôlông. Trên cánh cửa của ngôi đền, Đêđan khắc họa lai lịch sử của đời mình và cuộc hành trình vừa qua. Chàng cũng không quên khắc họa cuộc đời đứa con thân yêu đã bỏ mình giữa đường. Sau đó Đêđan rời Xuymơ đi xuống đảo Xixin. Chàng dừng chân lại ở đô thành Camicôx (Camicos) của vua Côcalôx (Cocaios).

Được tin Đêđan trú ngụ tại cung điện của nhà vua Côcalôx, Minôx bèn thân chinh thống lĩnh một đội chiến thuyền kéo sang đảo Xixin. Nhà vua kéo đại binh đến đô thành Camicôx, mưu dùng áp lực của binh hùng tướng mạnh cuộc Côcalôx phải dâng nộp Đêđan cho mình. Biết tin, Đêđan sợ hãi quá chừng. Chàng cầu xin Côcalôx che giấu, bảo vệ tính mạng cho mình. Ở Hy Lạp xưa kia, khước từ lời cầu xin bảo hộ che chở cho tính mạng một con người đang lâm vào tình cảnh bị đe dọa là một điều vi phạm vào truyền thống đạo đức thiêng liêng do thần Dớt vĩ đại ban bố. Vì lẽ đó, Côcalôx sẵn sàng bênh vực Đêđan. Nhà vua đưa Đêđan vào phòng riêng những con gái của mình, nơi mà nhà vua cho là kín đáo hơn cả, Đêđan được ở một chỗ kín đáo, lấy làm vững dạ và tin rằng Minôx khó có thể tìm thấy mình.

Minôx được tiếp kiến nhà vua Côcalôx. Y hỏi ngay Côcalôx về tung tích của Đêđan. Côcalôx đáp lại:

– Thưa quý khách, nhà vua Minôx nổi danh vì những lâu đài tráng lệ trên hòn đảo Cret quanh năm sóng vỗ! Không có ai! Tuyệt không có ai, mảy may không có ai… chúng tôi không hề thấy ở đây có một người nào mang tên như thế và có hình dáng cùng tài năng như thế…

– Ồ, thôi, thôi! Điều đó chẳng có gì làm ngài phải bận tâm. Minôx vừa xua xua tay vừa đáp lại. Thế nào cuối cùng tôi cũng tìm được tên đó à, nhưng thưa ngài, trong khi chờ đợi, xin phiền một chút. Tôi có một việc khó khăn muốn nhờ ngài giúp hộ một tay. Chắc ngài vui lòng nhận giúp chứ? Đây chỉ có thế này thôi, tôi muốn luôn sợi chỉ qua cái vỏ con ốc này… Thế mà chẳng biết làm cách sao, thật ngu ngốc! Xin ngài chỉ dẫn giùm.

Côcalôx vốn khờ dại và lại ưa phỉnh nịnh, khoe khoang nên không hiểu mưu thâm của Minôx. Côcalôx vội trả lời:

– Ồ, thưa ngài, có khó gì gì! Chỉ một lát thôi là tôi có thể làm xong cái việc dễ như trò trẻ đó…

Nhưng Côcalôx đâu có biết làm. Nhà vua đến nhờ Đêđan chỉ dẫn, Đêđan bèn bắt một con kiến to, đính một sợi dây chỉ vào nó và thế là trong chốc lát con vật đã lượm qua các đường xoáy trôn ốc. Côcalôx bèn ra gặp Minôx, kiêu hãnh chìa con ốc ra cho hắn biết cái tài khôn khéo của mình.

– A! Minôx đập bàn reo lên, quắc mắt nhìn thẳng vào mặt Côcalôx – Ngài còn dám một mực nói với tôi rằng Đêđan không có ở đây nữa không? Không có người thứ hai đâu! Trên thế gian này chỉ có mỗi một người làm được cái việc này thôi. Người đó chính là hắn, là Đêđan đấy!

Nghe xong, Côcalôx lạnh toát cả người, toàn thân run lên cầm cập, Côcalôx vội thú nhận đã giấu Đêđan, chỉ xin Minôx cứ bình tĩnh nghỉ ngơi trong cung điện ít ngày để ông có kịp khoản đãi một nhà vua danh tiếng.

Nói về Đêđan, khi làm công việc mà Côcalôx nhờ, trong lòng đã nghi nghi hoặc hoặc, bụng bảo dạ: Có lẽ Minôx đã lần tìm được tới đây. Chàng bèn bàn với những cô con gái của Côcalôx cho sửa chữa ngay những ống dẫn nước đến nhà tắm. Theo phong tục của người Hy Lạp xưa kia thì khi có khách quý đến chơi, người ta thường sai gia nhân đem nước nóng đến rửa chân cho khách và mời khách đi tắm, sau đó mời khách vào dự tiệc. Minôx vào buồng tắm và từ các ống dẫn nước xối xuống, tuôn chảy ra không phải là nước nóng mà là dầu sôi sùng sục, Minôx bị luộc chín. Đến đây kết thúc số phận tên vua Minôx tàn ác. Có người kể, không phải Đêđan bàn định với những cô con gái của Côcalôx mà chính đích thân nhà vua đã mật báo cho cái con gái mình biết mưu đồ của mình để các cô thi hành. Đền đáp lại công ơn của Côcalôx, chàng Đêđan tài giỏi đã xây dựng cho nhà vua nhiều lâu đài, đền, điện đẹp đẽ, tráng lệ, nguy nga. Nhưng chàng, theo một truyền thuyết, không ở lại đất Xixin. Chàng trở về Aten Hy Lạp đề truyền dạy tài năng và nghề nghiệp của mình cho con cháu. Những người thợ thủ công lành nghề, những nghệ sĩ tài năng ở Aten sau này đều thuộc dòng dõi, huyết thống của Đêđan. Họ mang một cái tên chung là: Đêđanliđ (Dédalides). Một truyền thuyết khác lại nói Đêđan sống ở Xixin cho đến cuối đời. Người ta còn kể, chính người anh hùng Hêraclex đã vớt được xác Icar và làm lễ an táng cho cậu.

Còn Minôx, sau khi chết, xuống âm phủ được thần Hađex giao cho công việc xét xử các linh hồn. Bên Minôx còn có hai người giúp việc là Rađamăngtơ, em ruột của Minôx, và Ơacơ, một đấng minh quân xưa kia trị vì ở đảo Êgin.

Huyền thoại về Minôx cho ta hai hình ảnh về vị vua này: một tên bạo chúa và một đấng minh quân. Về đấng minh quân, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta nhận định rằng hình ảnh này thuộc về một nguồn huyền thoại cổ hơn. Người ta kể, thần Dớt và Minôx thường gặp nhau trong một chiếc hang đá để trao đổi ý kiến về việc điều hành pháp luật trong đời sống. Minôx còn đàm luận rộng rãi với cái vị thần, chịu khó lắng nghe mọi ý kiến để từ đó rút ra những lời răn dạy quý báu cho công việc cai trị. Nguồn thần thoại Minôx tên bạo chúa, rõ ràng phản ánh thời kỳ giữa Cret và Aten hoặc Hy Lạp đã có những cuộc đụng độ. Hẳn rằng những xung đột chỉ có thể xảy ra khi Cret đã có một nhà nước khá mạnh, khá phát triển đối với trình độ văn minh ở vừng biển Êgiê. Ta thấy ở đây lưu dấu lại, đọng giữ lại nhiều dư âm về một thời oai liệt của Cret. Nhà khảo cổ học người Anh Artơ Ivân[294] đã sử dụng cái tên Minôx để chỉ nền văn minh mà ông phát hiện được ở đảo Cret.

Tuy nhiên trong huyền thoại về Minôx, một nhà lập pháp, một đấng quân minh, ta cũng thấy có một lớp ở vào một thời kỳ muộn hơn ghép vào. Đó là Minôx trở thành người xét xử các linh hồn, nghĩa là một quan niệm tôn giáo về sự thưởng phạt ở thế giới bên kia vốn chỉ đến thế kỷ V trước công nguyên mới xuất hiện trên đất Hy Lạp.

Huyền thoại về Minôtor gắn liền với những tín ngưỡng tôtem và gợi cho ta nhớ đến những tục giết người để hiến tế thần linh. Có nét gì gần gụi giữa Minôtor với vị thẩn Môloch[295] của người Ammônit (Phêniki)[296], chứng tỏ có một sự vận động, di chuyển của môtíp “con bò” từ Đông sang Tây.

Như vậy, huyền thoại về chiến công của người anh hùng Têdê, về tài năng sáng tạo của Đêđan là sản phẩm của một thời kỳ muộn hơn – thời kỳ chế độ phụ quyền – được kết hợp, nhào nặn với một lớp huyền thoại cổ xưa hơn để hình thành một huyền thoại, truyền thuyết về người anh hùng Têdê với những chiến công vĩ đại mở đầu cho việc xây dựng, mở mang vùng đồng bằng Attich, tạo lập nên những thiết chế xã hội mới gà tiền đề, là cơ sở cho sự hình thành nhà nước Aten.

[291] Le fil d’Ariane (hoặc Ariadne).

[292] Naxos, một hòn đảo nằm trong quần đảo Kiclađ phía Bắc đảo Cret, giữa biển Êgiê.

[293] Napoli Naples, một đô thành ở bờ biển phía Tây miền Nam nước Ý, trên bờ biển Tiarơ (Mer Tyrphéniende).

[294] Arthur Evan (1851 – 1941) chia nền văn minh phát hiện ra ở đảo Cret đầu thế kỷ XX ra làm ba thời kỳ: Minôx cổ, 3.000 – 2100 trước công nguyên; Minôx giữa, 2100 – 1580 trước công nguyên; Minôx cuối, 1580 – 1200 trước công nguyên.

[295] Moloch, vị thần thân người đầu bò, ăn thịt người. Trong lễ hiến tế người ta thui trẻ con để dâng Moloch.

[296] Ammonites, một bộ tộc người cổ thuộc nước Xiri ngày nay mang tên vị thần thủy tổ là Ammon, con trai của Loth.

Quyển 2 – Chương 28: Người anh hùng Thésée

Thésée là một trong những vị anh hùng lớn nhất, vĩ đại nhất của người Hy Lạp ở vùng đồng bằng Attique. Những người Athènes coi Thésée như một nhân vật lịch sử. Thésée đã tham dự vào nhiều cuộc chinh phạt, lập được nhiều chiến công hiển hách, trải qua nhiều thử thách lớn lao, vì lẽ đó mà xưa kia ở Athènes lưu truyền một câu tục ngữ: Chẳng có gì mà lại không có Thésée (Rien sans Thésée).

Lão vương Égée là con trai của Pandion, cháu của Cécrops – vị vua đầu tiên của đô thành Athènes đã phân xử vụ tranh giành quyền bảo hộ Athènes giữa nữ thần Athéna và thần Poséidon – nối nghiệp vua cha cai trị đô thành Athènes. Cuộc đời của ông thật là vẻ vang. Cha ông lúc còn cầm quyền đã bị những tên nghịch tặc đoạt mất ngôi báu, phải đưa ông, lúc đó còn nhỏ, chạy trốn sang cư ngụ ở nơi đất khách quê người. Trưởng thành nhờ anh em giúp đỡ, ông đem quân về trả được mối thù xưa, khôi phục lại quyền thế. Ông đã cầm quyền trên đất Athènes khá lâu mà ngai vàng vẫn vững, đức độ vẫn bền, lòng dân vẫn suy tôn tín nhiệm. Cuộc đời cứ thế tưởng chẳng có điều chi phải buồn phiền ân hận. Ấy thế mà lão vương Égée ngày đêm vẫn vương vấn trong lòng một nỗi buồn, một nỗi ân hận lớn. Đó là ông vẫn hiếm hoi, chưa sinh được một mụn con nào để ký thác niềm hy vọng kế thừa sự nghiệp. Ông đã trải qua hai đời vợ mà vẫn không có lấy được một mụn con. Không nhẽ chịu kéo dài mãi cái cảnh sống cô quạnh buồn phiền, Égée đem lễ vật đến đền thờ thần Apollon ở Delphes để cầu xin một lời chỉ dẫn. Cô đồng Pythie, người được thay mặt vị thần ánh sáng tiếp xúc với người trần tục, phán truyền lời thần, nhưng lời phán truyền mập mờ, bí ẩn đến nỗi lão vương Égée không sao hiểu được ý nghĩa. Nhà vua bèn quyết định sang đô thành Trézène để nhờ Pitthée, vị vua ở đây, nổi tiếng là một người học vấn uyên thâm, có tài tiên đoán, tường giải hộ. Nghe Égée tường thuật, Pitthée đoán biết được rằng Égée sẽ sinh hạ được một đứa con trai và chính đứa con này, sau này sẽ là người anh hùng kiệt xuất của đất Attique, đô thành Athènes. Biết thế, Pitthée nảy ra ý định phải giành cho đô thành Trézène của mình cái vinh quang là quê hương của người anh hùng. Nhà vua bèn gả con gái của mình cho Égée. Cuộc hôn nhân ngẫu hứng không hẹn mà nên này giữa Égée và Éthra đã sinh ra Thésée. Song người xưa cho biết, Thésée thật ra không phải là con của Égée mà là con của thần Poséidon. Thần Poséidon đã bằng những phép lạ của mình, ái ân với Éthra. Mà có lẽ phải như thế mới đúng. Vì một người anh hùng kiệt xuất như Thésée không thể là con của người trần tục, phải có ít nhiều huyết thống của thần thánh, thì mới được thần thánh thương yêu, chăm nom, giúp đỡ, ban cho nhiều đặc ân, đặc quyền, đặc lợi, gặp khi nguy nan, gian khổ thần mới xót giọt máu của mình mà chạy đông chạy tây nhờ vị thần này thần khác giúp đỡ. Persée, Héraclès, Dionysos… rõ ràng đều từ giọt máu thiêng liêng của thần mà nên anh hùng.

Nhưng Égée không ở lại đô thành Trézène. Nhà vua phải về Athènes để lo công việc triều chính. Sau khi nghe Pitthée tường giải lời sấm truyền và kết bạn cùng Éthra, với hy vọng nàng sẽ sinh cho mình một đứa con trai, một đứa con ứng nghiệm với lời phán truyền của thần thánh, Égée dặn lại nàng Éthra:

– Nếu nàng sinh một đứa con trai, nàng hãy nuôi nó lớn khôn. Ta chỉ cầu xin nàng có một điều đó. Đến khi nó trưởng thành nàng hãy dẫn nó ra tảng đá lớn dưới chân núi Trézène, bảo nó nhấc tảng đá đó lên. Ở dưới đó ta để một thanh gươm và một đôi dép. Đó là kỷ vật của ta, là những dấu hiệu thiêng liêng để cha con ta nhận ra nhau. Con ta sẽ mang theo những kỷ vật đó bên người, tìm đến đô thành Athènes để nhận ra người sinh ra nó.

Thésée ra đời và lớn lên trên quê ngoại. Tuổi thơ ấu của chú bé Thésée chỉ biết có mẹ và ông ngoại. Ông ngoại chú vốn là bậc hiền minh trí giả cho nên rất quan tâm đến dạy dỗ đứa cháu mà ông tin rằng như lời sấm truyền, sau này sẽ trở thành một vị anh hùng danh tiếng lẫy lừng. Rất nhiều thầy được mời đến để truyền dạy cho Thésée đủ mọi môn võ nghệ cũng như nhiều môn khác. Trong số những người thầy nổi tiếng, tài cao học rộng ta phải kể đến Centaure Chiron. Ngay từ khi còn nhỏ, Thésée đã bộc lộ ra khí phách của một con người khác thường. Có một lần Héraclès, trong một cuộc hành trình vì sự nghiệp của mình, dừng chân nghỉ lại ở cung điện của Pitthée. Bước vào nhà, Héraclès cởi tấm áo khoác bằng da con sư tử Némée ra và bỏ chiếc mũ đầu sư tử xuống nền nhà. Trông thấy bộ áo và chiếc mũ sư tử, đám gia nhân của Pitthée hoảng hồn, bỏ chạy sạch cả. Chẳng một tên nào dám đến gần. Thế nhưng chú thiếu niên Thésée chẳng hề tỏ ra sợ hãi. Chú đứng lại và rút luôn thanh gươm đeo bên mình ra như sẵn sàng chấp nhận cuộc giao tranh. Khá khen thay tuổi nhỏ mà chí lớn. Ông ngoại của chú càng tin rằng chú có thiên tướng, ắt hẳn mai sau lớn lên sẽ lập được nghiệp lớn.

Khi Thésée tuổi tròn mười bảy thì chàng đã sức vóc hơn người. Kể về hình đáng thì chàng đẹp hơn hẳn những bạn cùng lứa tuổi. Thân hình cao lớn, cường tráng nhưng cân đối. Khuôn mặt xinh xắn, cương nghị. Còn kể về sức lực thì ở cái tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” của chàng, chưa từng có một đối thủ nào hạ được chàng trong các cuộc thi đấu võ nghệ.

Thésée đã trưởng thành. Tuân theo lời chồng dặn, một bữa kia Éthra sắm sửa hành lý cho con lên đường đi tìm cha. Chàng thanh niên Thésée lúc này đã đủ sức nâng bổng tảng đá to ở chân núi Trézène đặt sang một bên để lấy đôi dép xỏ vào chân và lấy thanh gươm đeo vào bên sườn. Chàng lên đường đi Athènes. Ông ngoại chàng và người mẹ kính yêu của chàng muốn chàng đi Athènes bằng đường thủy, như vậy vừa nhanh vừa tránh được rất nhiều gian khổ và nguy hiểm. Mặc dù hai người ra sức thuyết phục chàng, bày tỏ lời hơn lẽ thiệt nhưng chàng vẫn không tuân theo. Chàng cho rằng là trang nam nhi mà lại chọn con đường dễ dãi, không dám đương đầu với những thử thách nguy hiểm là không xứng đáng, nhất là đối với chàng, dấn thân vào cuộc hành trình này là mở đầu cho sự nghiệp, là phải chấp nhận những thử thách để giành lấy chiến công.