Người hiến kế đó là quan biệt giá Trương Tùng, tự là Vĩnh Niên, hình thù xấu xí, tráng vồ, đầu nhọn, mũi tẹt, răng vẩu, mình lùn không đầy năm thước, tiếng nói oang oang như chuông:
Lưu Chương hỏi:
– Biệt Biệt có mưu kế gì cao giải được nạn Trương Lỗ?
Tùng thưa:
– Tôi nghe Tào Tháo ở Hứa Đô đánh dẹp Trung Nguyên, Lã Bố và hai anh em họ Viên đều bị diệt. Vừa đây, Tháo lại phá được Mã Siêu, thiên hạ không ai địch nổi. Chúa công nên sắm sửa đồ tiến công, tôi xin đem sang Hứa đô, bàn với Tào Tháo cất quân đến đánh Hán Trung để phá Trương Lỗ. Như thế, Lỗ giữ nhà chưa xong, còn đâu dám nhìn đến Tây Xuyên nữa.
Lưu Chương mừng rỡ, thu xếp vàng ngọc gấm vóc, sai ngay Trương Tùng đi sứ. Tùng bí mật mang theo một bức địa đồ Tây Thục cùng vài đầy tớ lên đường. Có người báo tin về Kinh Châu, Khổng Minh liền sai người sang Hứa Đô dò la tin tức.
Lại nói Trương Tùng tới Hứa Đô, vào nhà khách tạm nghỉ. Hàng ngày Tùng vào tướng phủ chầu chực xin ra mắt Tào Tháo. Tào Tháo từ khi đánh được Mã Siêu sinh ra kiêu ngạo, tự đắc, ngày đêm yến tiệc, ít ra đến ngoài. Chính sự triều đình đều do tướng phủ quyết định cả. Trương Tùng phải chờ đợi tới ba hôm, lại phải đút lót cho lính canh mới được dẫn vào ra mắt.
Tháo ngồi trên thềm. Tùng cúi lạy chào. Tháo hỏi rằng:
– Chủ ngươi mấy năm nay không nộp cống, là cớ làm sao?
Tùng đáp:
– Vì đường sá xa xôi, giặc cướp ngăn trở, không thể sang được.
Tháo mắng rằng:
– Ta đã quét sạch cả Trung Nguyên, còn trộm giặc nào nữa?
Tùng nói:
– Mặt nam còn có Tôn Quyền, mặt bắc còn có Trương Lỗ, mặt tây còn có Lưu Bị, mỗi người ít nhất cũng được mười vạn quân, sao đã gọi là thái bình được?
Tháo trông thấy Trương Tùng xấu xí, có ý hơi ghét, lại thấy ăn nói lỗ mãng, liền vung tay áo đứng dậy, đi vào nhà sau.
Tả hữu trách Trương Tùng rằng:
– Ngươi đi sứ, sao không biết giữ lễ phép, dám nói xúc phạm thế? May thừa tướng thấy người ở xa lại đây, không nỡ bắt tội, ngươi nên trở về cho mau.
Tùng cười, nói:
– Trong nước Thục ta, không có ai biết xiểm nịnh!
Bỗng một người ở dưới thềm quát lên rằng:
– Ngươi bảo nước Thục không có người xiểm nịnh, thế ở Trung Nguyên có kẻ xiểm nịnh à?
Tùng trông người ấy, mày nhỏ mắt xinh, mặt mũi sáng sủa. Hỏi ra thì là con quan thái úy Dương Bưu, tên là Dương Tu, tự là Đức Tổ, hiện đang làm quan chủ bạ ở phủ thừa tướng. Người ấy học rộng, biện bác giỏi, thông minh hơn người. Tùng biết Tu có tài mồm mép, muốn hỏi vặn cho tịt đi. Bấy giờ thấy Trương Tùng ăn nói có vẻ châm chọc, Dương Tu bèn mời Trương Tùng ra ngoài phòng sách ngồi chơi, rồi hỏi rằng:
– Từ Thục đến đây xa xôi lắm, ông đi thế có vất vả không?
Tùng đáp:
– Phụng mệnh của chủ, dẫu xông pha vào nơi nước sôi lửa bỏng cũng không dám từ.
Tu hỏi:
– Phong thổ trong Thục thế nào?
Tùng đáp:
– Thục là quận, ở phía tây, xưa gọi là Ích Châu. Sông có Cẩm Giang là hiểm, núi có Kiếm Các là cao, chung quanh hai trăm tám thôi đường, ngang dọc hơn ba dặm đất. Làng mạc liên tiếp với nhau, chợ búa không quãng nào vắng, ruộng nhiều đất tốt, không lo gì nước lụt nắng to, nước giàu dân no, tiếng đàn sáo rộn ràng, vui vẻ. Thổ sản sinh ra, chứa cao tày núi, quả thực thiên hạ không đâu bằng.
Tu hỏi:
– Người ở xứ đó thế nào?
Tùng đáp:
– Văn thì có Tương Như là giỏi, võ thì có Phục Ba là tài, chữa thuốc không ai hơn Trọng Cảnh, xem bói mấy kẻ sánh Quân Bình? Còn những người tam giáo, cửu lưu, ai ai cũng giỏi giang cả, không sao kể xiết!
Tu hỏi:
– Thủ hạ của Lưu Quý Ngọc được mấy người như ông?
Tùng đáp:
– Những người văn võ toàn tài, trí dũng xuất chúng, cùng là sẽ kẻ sĩ trung nghĩa khảng khái, kể có hàng trăm, chớ như tôi là kẻ tầm thường, có thể lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong, biết đâu mà tính cho xuể.
Tu hỏi:
– Hiện nay ông đang làm chức gì?
Tùng đáp:
– Lạm sung vào chức biệt giá, còn sợ không nổi việc. Dám hỏi ngài làm quan gì ở trong triều?
Tu đáp:
– Tôi hiện nay đang làm chủ bạ phủ thừa tướng.
Tùng nói:
– Nghe ngài là dòng dõi trâm anh, sao không làm quan với triều đình, để giúp thiên tử, mà phải làm một kẻ nha lại ở phủ thừa tướng làm vậy?
Tu nghe nói, thẹn đỏ mặt, nhưng cũng gượng đáp rằng:
– Tôi tuy làm một chức nhỏ, nhưng thừa tướng giao cho coi việc sổ sách tiền lương, cũng là việc quan trọng. Vả lại được gần thừa tướng, sớm tối ngài còn dạy bảo cho nhiều điều có ích. Cho nên tôi vui lòng nhận.
Tùng cười nói:
– Tôi nghe Tào thừa tướng, văn thì không hiểu đạo Khổng, Mạnh, võ thì không tường mẹo Tôn, Ngô, chỉ vậy sức mạnh mà được lên cao, có tài gì mà dạy bảo được ngài?
Tu nói:
– Ông ở ngoài cõi xa, biết đâu được tài thừa tướng? Tôi thử đưa ông xem cái này thì biết.
Liền gọi đầy tớ mở tủ lây một quyển sách đưa cho Trương Tùng xem. Tùng thấy quyển sách ấy ngoài đề bốn chữ: “Mạnh Đức tân thư”, mở ra xem hết một lượt, cả thảy mười ba thiên, toàn là phép cốt yếu về việc dùng binh.
Tùng xem xong hỏi:
– Ông bảo quyển sách này là của ai làm ra?
Tu đáp:
– Đó là của thừa tướng tham khảo cổ kim phỏng theo mười ba thiên của Tôn Võ Tử mà làm ra. Ông khinh thừa tướng không có tài, thử hỏi quyển sách này đã đáng truyền cho đời sau chưa?
Tùng cười ầm lên mà nói rằng:
– Sách này, trẻ con nước Thục tôi đứa nào cũng thuộc lòng cả, sao gọi là “Tân thư”? Đó là người vô danh thời chiến Chiến Quốc làm ra, thừa tướng đánh cắp làm của mình, chỉ lừa dối được ông thôi!
Tu nói:
– Sách này của thừa tướng còn cất kín một chỗ, tuy làm xong nhưng chưa truyền ra đến ngoài, sao dám bảo trẻ con nước ông cũng thuộc lòng?
Tùng nói:
– Nếu ông không tin, tôi xin đọc cho ông nghe!
Tùng nói xong, đọc thuộc làu từ đầu đến cuối, không sai một chữ. Tu giật mình, nói:
– Ông mới đưa mắt nhìn qua đã nhớ được cả, thực là bậc kì tài trong thiên hạ.
Người sau có thơ khen rằng:
Hình dung thật cổ quái,
Diện mạo lại thanh cao.
Tài nói như nước chảy,
Mắt liếc tựa ánh sao.
Can đảm nhất Tây Thục.
Văn chương bậc anh hào.
Cổ kim bao sử sách,
Xem qua đã thuộc làu.
Khi Tùng định ra về, Tu nói:
– Ông hãy nghỉ tạm nơi quán xá, để tôi bẩm với thừa tướng, cho ông được vào chầu thiên tử.
Tùng tạm ra ngoài. Tu vào nói với Tào Tháo rằng:
– Vừa rồi, sao thừa tướng khinh rẻ Trương Tùng làm vậy?
Tháo nói:
– Nói năng không khiêm tốn, nên ta coi thường đó thôi!
Tu nói:
– Thừa tướng còn dung nạp được Nễ Hành, há lại hẹp với Trương Tùng.
Tháo nói:
– Nễ Hành văn chương lừng lẫy đời nay, ta không nỡ giết đi, chớ Tùng có tài năng gì?
Tu nói:
– Chưa cần nhắc đến tài biện luận như nước chảy của hắn vội, lúc nãy, tôi có đưa quyển “Tân thư” của thừa tướng soạn cho hắn xem, hắn đọc qua một lượt là thuộc lòng. Thật là tay học rộng nhớ dai, trên đời hiếm có. Hắn nói sách ấy là của người đời Chiến Quốc làm ra, trẻ con đất Thục cũng nhớ cả.
Tháo nói:
– Hay là người đời xưa cũng hợp ý ta chăng?
Lập tức sai xé vụn quyển sách ấy và đem đốt đi.
Tu nói:
– Người ấy nên cho vào chầu thiên tử, để cho y được biết uy nghi của thiên triều.
Tháo nói:
– Ngày mai điểm binh ở giáo trường, ngươi nên đưa hắn đến đó, cho biết lực lượng hùng hậu của ta, để hắn về nói truyền đi rằng ta nay mai lấy Giang Nam xong, thì lấy đến Xuyên.
Tu vâng lời, hôm sau cùng với Trương Tùng đến giáo trường phía tây. Tháo điểm năm vạn quân hộ vệ tinh nhuệ, quả nhiên áo mũ rực rỡ, chiêng trống vang trời, gươm giáo sáng quắc. Bốn mặt tám phương, cơ nào đội ấy, tinh kì phấp phới, người ngựa hăng hái, Tùng chỉ liếc mắt trông qua. Một lúc lâu, Tháo gọi Tùng đến, chỉ tay hỏi:
– Nước Thục nhà ngươi đã từng được thấy quân mã hùng dũng thế này chưa?
Tùng đáp:
– Nước Thục tôi chỉ cốt lấy nhân nghĩa trị người, chớ không thấy binh đao như thế bao giờ.
Tháo tái mặt lại, nhìn Trương Tùng, Tùng chẳng sợ hãi chút nào. Dương Tu luôn luôn đưa mắt lườm Trương Tùng.
Tháo bảo Tùng rằng:
– Ta coi đồ chuột chết trong thiên hạ như cỏ rác cả thôi. Quân ta đến đâu, dẹp phải tan, đánh phải vỡ, thuận với ta thì sống, trái với ta thì chết, ngươi có biết không?
Tùng nói:
– Thừa tướng đưa quân đến đâu, đánh là thắng, lấy là được. Tùng này đều đã biết. Xưa dẹp Lã Bố ở Mộc Dương, đánh Trương Tú ở Uyển Thành, trận Xích Bích gặp Chu Du, đường Hoa Dung gặp Quan Vũ, cắt râu quẳng áo ở Đồng Quan, cướp thuyền đánh tên ở Vị Thủy. Đó điều là thiên hạ vô địch cả!
Tháo nổi giận đùng đùng nói:
– Thằng hủ nho kia! Sao dám vạch những chỗ xấu của ta?
Liền quát võ sĩ lôi ra chém. Dương Tu can rằng:
– Tội trương Tùng tuy đáng chém, nhưng tự nước Thục vào cống, nếu chém đi, tôi e mất lòng những người ở xa.
Tháo vẫn còn tức. Tuân Úc cũng can. Tháo mới tha cho tội chết, nhưng sai tả hữu đánh tới tấp đuổi ra.
Tùng ra nhà khách, thu xếp đồ đạc, ngay đêm ấy ra khỏi thành về Xuyên. Tùng tự nghĩ:
– Ta định đem các châu quận Tây Xuyên dâng cho Tào Tháo, không ngờ hắn khinh người như vậy! Trước khi đi, ta trót nói khoác trước mặt Lưu Chương, nay lại tiu nghỉu về không, chắc bị người đất Thục chê cười. Ta biết Lưu Huyền Đức ở Kinh Châu nhân nghĩa lừng lẫy, chi bằng về qua lối đó, xem thử ông ta thế nào, rồi sẽ liệu!
Nghĩ lại, liền cưỡi ngựa dẫn bộ hạ đi thẳng đến địa giới Kinh Châu. Vừa tới hạt Ảnh Châu, thấy có một toán quân mã chừng năm trăm người, một tướng đi đầu ăn mặc nhã nhặn, dừng ngựa lại hỏi:
– Có phải là quan biệt giá họ Trương đó không?
Tùng đáp:
– Phải.
Tướng đó vội vàng xuống ngựa, nói:
– Tôi là Triệu Vân, ở đây đợi ngài đã lâu.
Tùng cũng xuống ngựa, hỏi:
– Tướng quân có phải là Triệu Tử Long ở Thường Sơn không?
Vân nói:
– Chính phải. Tôi phụng mệnh chúa công Lưu Huyền Đức vì thấy đại phu đi đường vất vả ra đây hiến dâng cơm rượu.
Nói xong, sai quân sĩ quỳ xuống dâng cơm rượu, Vân mời mọc Trương Tùng rất tử tế. Tùng tự nghĩ:
– Người ta đồn Huyền Đức rộng lượng yêu khách, nay quả nhiên như thế.
Liền cùng với Triệu Vân uống vài chén rượu, rồi lên ngựa cùng đi.
Tới địa đầu Kinh Châu thì trời đã tối, Vân mời Tùng vào nghỉ ở quán trọ. Vào đến nơi, đã thấy hơn một trăm người đứng chực ngoài cửa đánh trống đón tiếp; một tướng lại trước ngựa vái chào, nói:
– Vì đại phu đi qua sứ này, tôi và Quan Vũ phụng mệnh anh tôi, ra lau quét nơi quán xá để ngài nghỉ chân.
Tùng xuống ngựa, cùng với Vân Trường, Triệu Vân vào nhà khách ngồi chơi. Một lát, cơm rượu dọn ra, hai người ân cần mời mọc, đến khuya tiệc tan. Tùng ngủ lại một đêm ở đấy.
Hôm sau, ăn điểm tâm xong, Tùng lên ngựa đi được vài dặm, lại gặp một toán quân mã, thì là Huyền Đức dẫn cả Phục Long, Phượng Sồ đi đón. Trông thấy Trương Tùng từ đàng xa, mấy người đã xuống ngựa đứng chực rồi. Tùng cũng vội vàng xuống ngựa chào hỏi. Huyền Đức nói:
– Lâu nay thấy nghe nói tiếng lớn của đại phu, như sấm rót vào mang tai, giận vì non sông cách trở, không nghe được lời dạy bảo, nay nghe ngài về Thục nên ra đây nghênh tiếp. Nếu ngài có bụng chiếu cố, xin tạm đến Châu tôi, nghỉ ngơi ít lâu, để được thỏa lòng mong ước, thì hân hạnh quá!
Tùng mừng lắm, lên ngựa sóng cương đi vào thành. Đến phủ đường, hai bên chia ngôi chủ khách ngồi chơi. Huyền Đức mở tiệc khoản đãi. Trong tiệc Huyền Đức chỉ nói những chuyện đâu đâu, chớ không hề đả động đến việc Tây Xuyên. Trương Tùng mới nói gợi lên rằng:
– Hoàng thúc coi giữ Kinh Châu mới có được mấy quận?
Khổng Minh đáp:
– Kinh Châu này mượn tạm của Đông Ngô, thường Đông Ngô vẫn sai người đến đòi. Vì chủ tôi là rể Đông Ngô cho nên còn tạm yên thân ở đây thôi.
Tùng nói:
– Đông Ngô chiếm giữ sáu quận, tám mươi mốt châu, dân mạnh nước giàu, còn chưa vừa ý sao?
Bàng Thống nói:
– Chủ tôi là hoàng thúc nhà Hán, thì lại cậy sức mạnh chiếm hết châu nọ châu kia, người biết nghĩ thực là không bằng lòng.
Huyền Đức nói:
– Hai ông chớ nên nói thế, ta có tài đức gì mà dám mong ước cao xa vậy?
Tùng nói:
– Ngài là tôn thân nhà Hán, nhân nghĩa lừng lẫy bốn biển. Đừng nói gì chiếm cứ châu quận, ngay việc thay thế chính thống, lên ngôi hoàng đế, cũng chưa phải là quá đáng.
Huyền Đức chắp tay tạ ơn, nói:
– Ông dạy quá lời, tôi đâu dám nhận!
Tiệc tan rồi, Huyền Đức mời Trương Tùng ở lại ba hôm, ngày nào cũng ăn yến uống rượu, tịnh không nói động gì đến việc Tây Xuyên cả.
Tùng từ tạ trở về, Huyền Đức tiễn ra ngoài mười dặm tràng đình, lại mở tiệc làm lễ tiễn hành. Huyền Đức rót chén rượu mời Tùng và nói:
– Đa tạ đại phu có lòng quý mến, ở lại chơi trò chuyện ba ngày, hôm nay chia tay nhau không biết bao giờ lại được nghe lời dạy bảo?
Nói xong, rơm rớm nước mắt. Trương Tùng tự nghĩ:
– Huyền Đức nhân từ, yêu kính kẻ sĩ như vậy, ta sao nỡ bỏ? Chi bằng khuyên ông ta lấy Xuyên thì hơn!
Rồi Tùng nói:
– Tôi cũng muốn sớm tối theo hầu hoàng thúc, nhưng chưa có dịp đó thôi. Tôi coi đất Kinh Châu này, mé đông có Tôn Quyền như hổ nhe nanh, mé bắc có Tào Tháo như kình há miệng, không phải là chỗ ở lâu được.
Huyền Đức nói:
– Tôi cũng biết như thế, nhưng chưa có chốn yên thân.
Tùng nói:
– Ích Châu hiểm trở, đồng ruộng phì nhiêu ngàn dặm, dân đông nước giàu, những bậc thông minh tài cán lâu nay thường mộ tiếng hoàng thúc. Nếu cất quân Kinh Tương kéo vào phía tây, thì nghiệp bá có thể làm nên, mà nhà Hán mới dựng lại được.
Huyền Đức nói:
– Tôi đâu dám mong như thế! Lưu Ích Châu cũng là tôn thân nhà Hán, ân đức tưới khắp đất Thục đã lâu, người khác khó lòng lay chuyển được.
Tùng nói:
– Tôi không là kẻ bán chúa cầu vinh, nay gặp ngài đây, không thể không bày tỏ nỗi lòng: Lưu Quý Ngọc tuy được Ích Châu, nhưng tính tình nhu nhược, không biết dùng kẻ hiền tài. Vả lại, Trương Lỗ ở phía bắc thường muốn xâm lấn, lòng người chia li, chỉ mong được chúa giỏi. Tùng đi chuyến này là định đem đất dâng cho Tào Tháo, không ngờ tên nghịch tặc tự phụ gian hùng, khinh rẻ hiền sĩ, nên định đến đây gặp ngài. Ngài nên lấy Tây Xuyên trước để làm cơ sở, sau sẽ lấy Hán Trung, thu phục Trung Nguyên, phù tá thiên triều, ghi tên sử sách, công lao to lớn vô cùng. Nếu quả thật ngài có ý lấy Tây Xuyên, tôi xin hết sức giúp đỡ làm nội ứng. Chưa biết ý ngài thế nào?
Huyền Đức nói:
– Đa tạ lòng tốt của ông. Nhưng Lưu Quý Ngọc là đồng tông với tôi, nếu đem quân đến đánh, e thiên hạ chê cười.
Tùng nói:
– Đại trượng phu ở đời, nên gắng sức lập lấy cơ nghiệp, cầm roi đi trước người ta. Nếu mình không lấy thì người khác sẽ lấy, hối lại làm sao cho kịp!
Huyền Đức nói:
– Tôi nghe đường Thục gập ghềnh, sông núi trùng trùng điệp điệp, xe không đi lọt bánh, ngựa không chạy sóng đôi, nếu muốn lấy thì nên dùng kế gì cho được?
Tùng mới thò tay vào túi lấy ra một bức địa đồ, đưa cho Huyền Đức và nói:
– Tùng cảm ơn đức của minh công, xin dâng bức địa đồ này, cứ xem vào đây, sẽ biết hết cả đường sá nước Thục.
Huyền Đức mở ra xem, thấy trong đó ghi cả đường sá xa gần rộng hẹp, núi sông hiểm yếu, kho tàng lương thực rõ ràng từng tí.
Tùng nói:
– Minh công nên mau mau tính đi cho xong. Tôi có hai ngươi bạn rất thân là Pháp Chánh và Mạnh Đạt. Hai người này thế nào cũng giúp đỡ minh công. Nếu họ đến Kinh Châu ngài nên đem việc tâm sự ra cùng bàn bạc.
Huyền Đức chắp tay cảm tạ nói:
– Ơn ông thật như núi cao sông dài. Sau này thành công, sẽ xin báo đáp xứng đáng.
Tùng nói:
– Tôi gặp được minh chúa, không thể không bày tỏ hết nỗi lòng, dám đâu mong đợi trả ơn!
Nói đoạn, từ biệt ra về, Khổng Minh sai Vân Trường tiễn đưa đến hơn chục dặm đường mới quay trở lại.
Trương Tùng về đến Ích Châu, vào gặp bạn là Pháp Chính. Chính tên tự là Hiếu Trực, quê ở quận Phù Phong, con trai hiền sĩ Pháp Chân. Tùng vào chơi kể lại với Chính rằng:
– Tào Tháo khinh rẻ hiền sĩ, chỉ có thể cộng khổ chứ không đồng cam được. Tôi đã đem Ích Châu hứa với Lưu hoàng thúc từ lâu, nay đến đây bàn bạc với anh.
Pháp Chính nói:
– Tôi chắc Lưu Chương không làm nên trò gì được, nên vẫn rắp tâm theo Lưu Huyền Đức từ lâu. Ta đã đồng tâm với nhau thì còn nghi hoặc gì nữa!
Được một lát, Mạnh Đạt cũng đến. Đạt tự là Tử Khánh, vốn là người đồng hương với Pháp Chính, Đạt vào thấy hai người đang thì thầm với nhau, mới nói rằng:
– Tôi đã biết ý hai anh rồi, các anh định dâng Ích Châu cho người khác phải không?
Tùng nói:
– Có thế thực, nhưng anh thử đoán xem nên dâng cho ai là phải?
Đạt nói:
– Phi Lưu Huyền Đức không xong!
Ba người cùng vỗ tay cười ầm cả lên. Pháp Chính bảo Tùng rằng:
– Ngày mai, anh vào ra mắt Lưu Chương thì nên làm thế nào?
Tùng nói:
– Tôi sẽ tiến cử hai anh làm sứ sang Kinh Châu.
Hai người đồng ý.
Hôm sau, Tùng vào ra mắt Lưu Chương, Chương hỏi:
– Công việc của Hứa Đô thế nào?
Tùng thưa rằng:
– Tào Tháo là giặc nhà Hán, muốn cướp lấy cả thiên hạ, không thể trông mong hắn được. Hắn đã có ý cướp lấy Tây Xuyên rồi.
Chương nói:
– Nếu vậy thì làm thế nào bây giờ?
Tùng nói:
– Tôi có một kế, khiến Tào Tháo, Trương Lỗ không dám xâm phạm đến bờ cõi ta được.
Chương hỏi:
– Kế gì?
Tùng nói:
– Có Lưu Huyền Đức ở Kinh Châu, vốn người cùng họ với chúa công. Ông ta nhân từ khoan hậu, có phong cách trưởng giả. Sau trận Xích Bích, Tào Tháo còn sợ mất vía, huống chi là Trương Lỗ? Chúa công sao không sai người sang kết liên với ông ấy để làm ngoại viện, tất chống được Tào Tháo và Trương Lỗ.
Chương nói:
– Việc này phi sai Pháp Chính, Mạnh Đạt không xong.
Chương lập tức triệu hai người vào, viết một phong thư, sai Pháp Chính sang thông tin trước, rồi mới sai Mạnh Đạt lĩnh năm nghìn tinh binh sang đón Huyền Đức vào Xuyên để giúp đỡ mình.
Mấy người đang bàn tính chợt có một người tất tả chạy vào, mồ hôi đổ ra đầy mặt, kêu lớn lên rằng:
– Nếu chúa công nghe lời Trương Tùng, thì bốn mươi mốt châu quận này về tay người khác cả!
Tùng giật mình, trông ra thì là Hoàng Quyền, tự là Công Hành, quê ở Trung Ba, hiện đang làm chủ bạ.
Chương hỏi:
– Huyền Đức là người đồng tông với ta, ta muốn kết liên làm viện trợ, sao ngươi lại nói thế?
Quyền đáp:
– Tôi đã biết Lưu Bị là người nhân từ, mềm mỏng mà hơn cả cứng rắn, anh hùng vô địch, nhân dân xa gần đều mong mỏi. Vả lại, có Gia Cát Lượng và Bàng Thống, Quan, Trương, Triệu, Hoàng làm vây cánh. Nếu mời y vào Thục, lại đối đãi như bộ hạ thì người ta không chịu, nếu đối đại như tân khách thì chả lẽ một nước lại hai chủ? Chúa công nghe lời tôi thì Tây Thục giữ vững như Thái Sơn, không nghe lời tôi thì chúa công sẽ bị nguy tức khắc. Trương Tùng bữa trước đi qua Kinh Châu tất nhiên có thông mưu với Lưu Bị. Xin chém Trương Tùng, tuyệt giao với Lưu Bị, thì may mắn cho Tây Xuyên lắm lắm!
Chương nói:
– Thế ngộ Tào Tháo, Trương Lỗ đến đây, thì lấy gì chống cự?
Quyền nói:
– Không gì bằng thành cao hào sâu, giữ chắc lấy thành trì, đợi lúc thái bình.
Chương mắng rằng:
– Quân giặc xâm phạm cõi, nguy cấp ở ngay trước mắt, nếu đợi đến lúc thái bình thì thật là kế chậm chạp rồi!
Liền không nghe lời Hoàng Quyền, cứ sai Pháp Chính đi sang Kinh Châu.
Lại có một người can rằng:
– Không được! Không được!
Chương nhìn ra thì là quan tòng sự Vương Lũy. Lũy đập đầu xuống đất, nói:
– Nếu chúa công nghe lời Trương Tùng thì tự rước lấy cái vạ vào mình đó!
Chương nói:
– Ta kết liên với Huyền Đức cốt chống Trương Lỗ, có việc gì mà nói lắm thế?
Lũy thưa:
– Trương Lỗ xâm phạm bờ cõi, chẳng qua như cái mụn ghẻ ngoài da; nhưng mời Lưu Bị vào Xuyên, thì khác nào có bệnh trong phủ tạng. Huống chi Lưu Bị như con cú dữ ở đời, trước kia theo Tào Tháo, rồi lại muốn hại Tháo, sau nhờ Tôn Quyền, liền cướp lấy Kinh Châu. Xem tâm địa như thế, thì ở với nhau làm sao được? Nếu Triệu vào đây, chắc Tây Xuyên này hỏng mất!
Chương mắng:
– Chớ nói càn! Huyền Đức họ hàng với ta, có đâu nỡ cướp cơ nghiệp của ta!
Nói rồi, sai dìu hai người ra, và sai Pháp Chính cứ việc đi sứ.
Pháp Chính phụng mệnh sang Kinh Châu, ra mắt Huyền Đức, chào hỏi xong xuôi, dâng thư lên Huyền Đức mở ra xem, trong thư viết:
“Đệ là Lưu Chương, xin có mấy lời kính gởi lên tôn huynh Huyền Đức tướng quân lâu nay đệ vẫn khâm phục uy trời, nhưng vì đường sá gập ghềnh, chưa kịp cống hiến, rất là áy náy không yên. Đệ thường nghe nói: “Xấu tốt, hoạn nạn cùng cứu giúp nhau” bè bạn còn thế, huống chi chỗ gia quyến thân tộc? Nay Trương Lỗ ở phía bắc, thường muốn cất quân xâm phạm bờ cõi, đệ chẳng được an tâm nên cho người dâng thư này xin lĩnh ý tôn huynh. Nếu tôn huynh nghĩ đến tình nghĩa huynh đệ tôn tộc thì mang quân mã, tiêu diệt giặc cướp, giúp đỡ nhau mãi mãi, sẽ xin báo đáp xứng đáng. Thư chẳng hết lời, mong tôn huynh chiếu cố.”
Huyền Đức xem thư mừng rỡ, mở tiệc thết đãi. Rượu được vài tuần, Huyền Đức bảo tả hữu lui ra, mật bảo Chính rằng:
Lâu nay vẫn ngưỡng mộ tiếng Hiếu Trực; Trương biệt giá thường nhắc đến tài đức của ông, nay mới được tiếp, thực là toại nguyện suốt đời!
Pháp Chính ta lại, nói:
– Tôi là một chức quan nhỏ trong đất Thục, có gì đáng kể. Nhưng tôi thiết nghĩ: “Ngựa gặp được Bá Nhạc thì mừng rỡ hí lên, người gặp được tri kỉ thì dẫu chết cũng thỏa”. Lời Trương biệt giá bữa nọ, minh công còn có ý gì nữa không?
Huyền Đức nói:
– Tôi một thân nương thân nhờ đất khách, buồn bực trong lòng; thường nghĩ rằng: Con chim chích còn chiếm được một cành mà đậu, con thỏ còn biết đào cái hang ba ngách mà ở, huống chi là người ta? Tây Thục là đất giàu có, không phải tôi không muốn lấy, nhưng Quý Ngọc là người cùng họ với tôi, tôi không nỡ cướp lấy thôi!
Pháp Chính nói:
– Ích Châu là một kho tàng của trời, phi chủ có tài không giữ nổi. Lưu Quý Ngọc không biết dùng người hiền đó thôi, cơ nghiệp ấy cũng đến về tay người khác mất. Nay y đem cơ nghiệp giao phó cho tướng quân, chớ nên bỏ lỡ dịp tốt. Tướng quân không nghe có câu rằng: “Bắt thỏ đuổi trước thì được” đó ư. Nếu tướng quân có ý muốn lấy Tây Xuyên, tôi sẽ xin hết lòng giúp đỡ.
Huyền Đức chắp tay cảm tạ và nói:
– Xin hãy để tha thứ, tôi bàn bạc xem sao!
Tiệc tan Khổng Minh đưa Pháp Chính ra nghỉ nơi nhà khách. Huyền Đức ngồi nghĩ ngợi một mình. Bàng Thống bước ra nói:
– Việc đáng quyết mà không quyết, gọi là người ngu. Chúa công là người cao minh sao cũng hồ nghi lắm thế?
Huyền Đức hỏi:
– Theo ý ông thì nên thế nào?
– Kinh Châu này mặt đông có Tôn Quyền, mặt bắc có Tào Tháo, khó vùng vẫy được. Ích Châu, dân cứ hàng trăm vạn, đất rộng của giàu, có cơ làm nổi được nghiệp to. Nay may có Trương Tùng, Pháp Chính làm tay trong, đó là trời cho mình một dịp hay đấy, còn nghĩ gì nữa?
Huyền Đức nói:
– Ta nay đánh nhau với Tào Tháo, khác nào nước địch với lửa. Tháo vội vàng, ta thư thả; Tháo bạc ác, ta nhân từ; Tháo dối trá, ta thực thà; việc gì ta cũng phải khác Tháo thì mới thành công. Nếu vì một chút lợi nhỏ, mà bỏ cả tín nghĩa với thiên hạ, ta không nỡ làm!
Bàng Thống cười, nói:
– Chúa công tôi cũng phải lẽ, nhưng đương lúc loạn lạc này, phép dùng binh tranh thế mạnh, không phải chỉ có một lối. Nếu cứ cố chấp, thì một bước cũng không đi được, phải quyền biến mới xong! Lấy sáng đánh tối, lấy thuận đánh nghịch đó là cái đạo của vua Thang, vua Vũ ngày xưa diệt Kiệt, Trụ vậy! Khi nào thành công sẽ phong cho Quý Ngọc một nước to khác, thì có việc gì mà chẳng tín nghĩa? Vả lại, chúa công không lấy nay thì mai cũng về tay ngươi khác mà thôi! Xin chúa công cứ nghĩ kĩ cho.
Huyền Đức bấy giờ mới nghe ra, nói:
– Thật là lời vàng đá, tôi xin ghi lòng tạc dạ!
Rồi mời Khổng Minh đến bàn bạc việc cất quân vào miền tây, Khổng Minh nói:
– Kinh Châu là nơi quan trọng, phải chia quân đóng giữ.
Huyền Đức nói:
– Ta cùng Bàng Sĩ Nguyên, Hoàng Trung, Ngụy Diên vào Tây Xuyên trước. Còn quân sư nên cùng Quan Vân Trường, Trương Dực Đức và Triệu Tử Long giữ Kinh Châu.
Khổng Minh vâng lời.
Rồi đó, Khổng Minh coi giữ Kinh Châu, Quan Công trấn ải Thanh Nê, chọn đường trọng yếu Tương Dương, Trương Phi tuần tiểu ven sông bốn quận, Triệu Vân đóng ở Giang Lăng giữ Công An.
Huyền Đức sai Hoàng Trung làm tiền bộ, Ngụy Diên làm hậu quân, còn mình thì cùng với Lưu Phong và Quan Bình đi trung quân, Bàng Thống làm quân sư, quân mã bộ năm vạn rầm rộ kéo vào miền tây.
Khi sắp đi, có Liêu Hóa dẫn một toán quân đến hàng. Huyền Đức cho ra giúp Vân Trường để cự nhau với Tào Tháo.
Mùa đông năm ấy, Huyền Đức đem quân tiến vào Tây Xuyên, mới đi được vài thôi đường, thì gặp Mạnh Đạt đến nói Lưu Ích Châu sai dẫn năm nghìn quân lại đón. Huyền Đức sai người đưa thư báo cho Lưu Chương biết trước. Chương thông tư cho các châu quận dọc đường phải cung cấp lương thực cho quân sĩ Huyền Đức. Chương định thân ra bồi thành nghênh tiếp liền truyền lệnh sắm sửa xe ngựa màn trướng, tinh kì, y giáp cho tươm tất.
Chủ bạ là Hoàng Quyên vào can rằng:
– Chúa công đi chuyến này, tất bị Lưu Bị hại. Tôi ăn lộc đã lâu, không nỡ để chúa công bị mắc mưu gian, xin chúa công hãy nghĩ cho kĩ.
Trương Tùng nói:
– Hoàng Quyền chỉ muốn chia rẽ nghĩa họ hàng chúa công, giặc thêm cái oai của giặc cướp, thật là vô lí.
Chương liền mắng Quyền rằng:
– Ý ta đã quyết, ngươi sao cứ gàn thế?
Quyền đập đầu xuống đất tóe máu ra, rồi bước lên cắn lấy áo Lưu Chương mà can. Chương giận lắm, dứt áo đứng dậy. Quyền nhất định không buông, bị gãy mất hai răng cửa, Chương quát tả hữu lôi ra, Quyền khóc ầm lên, ra về.
Chương sắp đi, lại có một người hô to rằng:
– Chúa công không nghe lời Hoàng Quyền, muốn đem thân vào chỗ chết à?
Nói đoạn, người ấy nằm lăn ra thềm để can. Chương trông ra thì là Lý Khôi, quê ở Dũ Nguyên, thuộc Kiến Ninh. Khôi cúi đầu nói:
– Tôi nghe: Vua thì có bầy tôi can ngăn, cha thì có con cái can ngăn. Lời Hoàng Quyền là lời trung nghĩa, xin phải nghe mới được! Nếu rước Lưu Bị vào Xuyên thì khác gì rước hổ vào nhà.
Chương nói:
– Huyền Đức là anh họ ta, sao nỡ hại ta! Hễ ai còn can nữa thì chém!
Đoạn thét tả hữu lôi Lý Khôi ra.
Trương Tùng nói:
– Các quan văn ở đây, ai cũng chỉ biết đến vợ con, không chịu ra sức giúp nước. Còn những tướng võ thì cậy công kiêu ngạo, đều có ý khác cả. Nếu không chịu triệu Lưu hoàng thúc vào thì giặc đánh bên ngoài, dân phản bên trong, con đường thất bại sờ sờ ra đó!
Chương nói:
– Ngươi nghĩ phải lắm, thực rất có ích cho ta!
Hôm sau, Lưu Chương lên ngựa ra cửa Du Kiều, tên lính đến báo rằng:
– Có quan tòng sự là Vương Lũy, tự trói mình treo ở cửa thành, một tay cầm lấy can, một tay cầm thanh gươm; nói hễ can mà không nghe, thì cắt đứt dây cho ngã chết ở đây.
Chương sai ngưới đem thư vào xem. Đại ý trong thư viết:
“Hạ thần là Vương Lũy, tòng sự Ích Châu, khóc đổ máu mắt xin thưa: Tôi thường nghe nói “Thuốc hay đắng miệng nhưng khỏi bệnh, lời nói ngay khó nghe nhưng lợi cho công việc”. Xưa kia vua Hoài nước Sở không nghe lời Khuất Nguyên đến họp hội thề ở Vũ Quan liền bị nước Tần hãm hại. Nay chúa công coi thường, rời khỏi thành trì, định đón Lưu Bị ở Bồi Thành, e rằng có đi mà không có về được! Nên đem Trương Tùng ra chợ chém đầu, tuyệt lời hẹn với Lưu Bị thì may mắn cho chúng dân Thục biết chừng nào! May mắn cho cả cơ nghiệp của chúa công biết chừng nào!”
Chương xem xong, nổi giận mắng rằng:
– Ta chơi với người nhân đức như gần cụm hoa lan, sao khinh ta lắm thế?
Vương Lũy kêu to một tiếng, rồi cắt dây, ngã quay xuống đất, chết liền.
Người sau có thơ than rằng:
Treo mình khuyên can chúa.
Liều chết, tạ ơn dày.
Hoàng Quyền răng vừa gãy.
Vương Lũy ai sánh tầy?
Lưu Chương dẫn ba vạn quân mã, đem theo hơn nghìn xe lương thực và vải lụa ra Bồi Thành đón Huyền Đức.
Lại nói, tiền quân của Huyền Đức đã đến Điếm Giang; quân đi đến đâu cũng được Tây Xuyên cung cấp lương thực. Hiệu lệnh của Huyền Đức lại nghiêm minh, quân sĩ ai xâm phạm một chút của dân là bị chém, nên nhân dân dắt già ẵm trẻ, đứng xem chật đường, đốt hương lễ bái. Huyền Đức dùng lời lẽ ôn tồn để ủy lạo.
Pháp Chính nói riêng với Bàng Thống:
– Mới rồi, Trương Tùng có thư mật đến đây, nói khi đến Bồi Thành gặp Lưu Chương thì sẽ tính luôn, không nên bỏ lỡ cơ hội.
Thống nói:
– Ý định này không nên nói ra, đợi khi hai họ Lưu gặp nhau, sẽ nhận dịp giết đi. Nếu tiết lộ ra, tất bên trong sinh biến.
Pháp Chính nghe lời và và hết sức giữ bí mật.
Bồi Thành cách Thành Đô 360 dặm. Lưu Chương đến nơi, sai người nghênh tiếp Huyền Đức. Hai đạo quân đều đóng đồn trên bờ sông Bồi, Huyền Đức vào thành, ra mắt Lưu Chương. Hai bên kể lể sự tình, gạt nước mắt nói chuyện tâm phúc. Chương mở tiệc khoản đãi. Tiệc tan, ai về trại ấy nghỉ ngơi.
Chương bảo với các quan rằng:
– Nực cười cho bọn Hoàng Quyền, Vương Lũy không biết bụng dạ anh họ ta, cứ hồ nghi xằng. Hôm nay ta được tiếp mới biết là người nhân nghĩa. Ta được ông ấy giúp cho, thì lo gì Tào Tháo, Trương Lỗ nữa. Giá không có Trương Tùng thì lỡ cả việc!
Lập tức cởi áo lục bào đang mặc và lấy năm trăm lạng vàng, sai người đem về Thành Đô thưởng cho Trương Tùng.
Khi đó, các tướng tá là Lưu Hội, Lãnh Bào, Trương Nhiệm, Đặng Hiền và toàn ban văn võ đều nói:
– Chúa công đừng mừng rỡ vội, Lưu Bị ngoài mềm trong cứng, chưa dễ mà lường được đâu phải đề phòng mới được.
Chương cười, nói:
– Các người hay lo xa lắm, anh ta có đâu lại hai lòng?
Ai nấy thở dài, trở ra.
Huyền Đức về đến trại. Bàng Thống vào ra mắt và nói:
– Chúa công có biết ý tứ Lưu Quý Ngọc trong bữa tiệc hôm nay thế nào không?
Huyền Đức nói:
– Lưu Quý Ngọc cũng là người thành thực.
Thống nói:
– Quý Ngọc tuy là người hiền hậu, nhưng tôi xem ý bọn thủ hạ của y đều có vẻ bất bình cả, chưa biết hay dở làm sao. Cứ như ý tôi thì ngày mai nên mở một tiệc mời Lưu Chương đến uống rượu, ta phục sẵn một trăm quân đao phủ, chúa công quẳng chén ra hiệu, giết y ngay tại chỗ, rồi kéo ùa vào Thành Đô, gươm không phải rút khỏi vỏ, cung không phải lên đây, chỉ việc ngồi mà cũng bình định xong cả.
Huyền Đức nói:
– Quý Ngọc là anh em họ với ta, đối đãi với ta rất thành thật, vả lại ta mới đặt chân đến đất Thục, ân đức và uy tín chưa có gì. Nếu ta làm thế, thì trời không dung mà người cũng oán; mưu ấy dẫu người dùng đạo bá cũng không làm được!
Thống nói:
– Đó là mẹo của Trương Tùng đưa mật thư cho Pháp Chính, dặn rằng công việc phải tính mau không nên để chậm.
Thống nói chưa dứt lời thì Pháp Chính vào nói:
– Không phải chúng tôi đều vì lợi ích riêng đâu, đó là thuận theo mệnh trời thôi!
Huyền Đức nói:
– Lưu Quý Ngọc là đồng tông với ta, ta không nỡ làm thế.
Chính nói:
– Ngài nói sai rồi! Nếu không làm thế thì Trương Lỗ có thù Thục giết mất mẹ, tất đến đánh chiếm Thục mất. Ngài vượt suối trèo đèo, ruổi rong quân mã, mới đến được đây, tiến lên thì thành công mà rút lui thì vô ích. Nếu cứ dùng dằng mãi thì thật là thất sách. Ngài không quyết ngay, tôi sợ mưu của mình lộ ra sẽ nguy đến nơi! Chi bằng nhân dịp trời thuận người theo, mà làm ngay đi, để gây dựng cơ nghiệp cho chóng là hơn cả.
Bàng Thống cũng khuyên hai ba lần nữa.
Đó là:
Hiền chúa mấy phen ban nhân nghĩa,
Lũ thần rắp ý dụng quyền mưu.
Chưa biết Huyền Đức nghĩ ra làm sao, xem hồi sau sẽ rõ.