5. Nàng công chúa tham lam

Ngày xưa, có một vị vua già trước khi chết để lại cho con trai mình ba bảo vật: Một túi thần lắc ra tiền vàng, một ống sáo thổi ra binh lính và một thắt lưng đưa người đi theo ý muốn.

Lúc ấy, ở nước láng giềng có một nàng công chúa rất xinh đẹp. Vị vua trẻ liền sang cầu hôn. Trước sắc đẹp của nàng, nhà vua trẻ đã đem ra khoe chiếc túi màu nhiệm của mình.

Không ngờ, công chúa nổi lòng tham, đêm đến nàng tráo lấy cái túi thần. Sáng hôm sau, trên đường về, vị vua trẻ phát hiện ra sự việc, chàng nổi giận lấy sáo thần thổi ra một đạo quân, ở lại đòi báu vật.
Sợ hãi, công chúa vờ lượm được, đem trả lại túi thần, rồi dùng lời ngon ngọt khiến nhà vua trẻ, một lần nữa lại xiêu lòng và tiết lộ bí mật cả hai báu vật còn lại cho nàng biết.

Đêm ấy, công chúa lén lấy cả ba báu vật và giam chàng vào ngục. May thay, một tên lính chịu ơn cha chàng khi xưa, đã cứu chàng thoát ra khỏi ngục để đền ơn.

Chàng trai mải miết chạy vào rừng, chàng chạy đến khi đói lả, thất vọng và mệt mỏi chàng định lao xuống vực sâu tìm cái chết, nhưng chàng không chết. Khi đang rơi chàng bị vướng vào một cành cây đầy trái chín. Đói quá chàng liền hái ăn và bỗng nhiên cái mũi của chàng bỗng hóa dài ra như cái vòi voi.

Chàng sợ quá vội chạy đến dòng suối dưới gốc cây rửa mặt thì lạ thay cái mũi chàng vụt ngắn lại như xưa. Nhà vua trẻ vui mừng nghĩ: “Ta đã tìm được liều thuốc cho con người tham lam, gian ác kia rồi”.

Thế là chàng bèn hái nhiều quả chín đem về hoàng cung bán. Thấy quả ngon, cả hoàng cung tranh nhau mua ăn, nhưng ngờ đâu sau khi ăn xong mọi người đều bị cái căn bệnh mũi dài kì lạ như nhà vua trẻ…

6. Chiếc kim thô

Một hôm có một cái kim thô dùng để lược quần áo, tự cho là thanh tú lắm, nên cứ tưởng mình là một cái kim khâu. Cô ả bảo các ngón tay đang sắp cầm mình rằng:
-Này, giờ thì các anh phải chú ý giữ tôi cho khéo nhé! Chớ mà có đánh rơi tôi đấy! Tôi mà ngã xuống đất thì chắc chắn là không bao giờ tìm thấy tôi được đâu. Người tôi nhỏ nhắn thế này cơ mà!Các ngón tay bảo:
-Cứ mặc cho người ta làm nào! – Nói rồi chúng tóm lấy người cô ả.
-Nhìn đây một tí mà xem. Tôi đến với đoàn tuỳ tòng của tôi đây này.
ả kim thô vừa nói vừa kéo theo mình một sợi chỉ dài, nhưng là sợi chỉ không thắt nút.

Các ngón tay điệu ả kim ta về phía chiếc giầy “băng túp” của chị nấu bếp. Da giày phía trên bị rách cần phải khâu lại. ả kim bảo:
-Vải gì mà thô đến thế! Tôi không thể nào chọc thủng được đâu; tôi đến gãy mất, gãy mất thôi!
Và quả nhiên, cô ả gẫy thật. ả kêu ầm lên:
-Tôi chẳng bảo thế là gì? Người tôi mảnh dẻ lắm cơ mà!
Các ngón tay bảo nhau:
-Bây giờ thì chẳng dùng được vào việc gì nữa rồi.

Nói thế nhưng chúng vẫn giữ cô ả. Chị nấu bếp làm cho cô ả một cái đầu bằng xi măng rồi dùng cô ả để cài khăn quàng. ả kim nói:
-Thế là mình trở thành trâm cài rồi! Mình biết lắm, biết là mình danh giá mà! Khi con người ta vốn dĩ đã có giá trị thế nào cũng nổi danh.
Rồi cô ả làm bộ kiêu hãnh, ngó nghiêng tứ phía chẳng khác gì cậu xà ích đánh xe ngày hội. Chị đanh gim láng giềng bảo:
-Dám xin hỏi quý nương, có phải quý nương bằng vàng không đấy ạ? Diện mạo quý nương xinh đẹp và quý nương có cái đầu kỳ lạ lắm! Song le và nó chỉ hơi bé một chút thôi, quý nương nên gắng sức làm cho nó nhỉnh ra một tí để khỏi phải dùng đến xi như các kẻ khác.

Nghe vậy cô nàng kiêu hãnh ưỡn người nghểnh mạnh cái đầu đến nỗi từ khăn quàng rơi xuống cái máng giặt, nơi chị bếp đang vò quần áo. ả kim bảo:
-Thế là ta sắp được chu du một phen. Miễn rằng đừng có thất lạc là được.
Quả nhiên cô ả bị thất lạc. Trong khi nằm dí trong máng giặt, cô ả lẩm bẩm:
-Mình thật quá nhỏ nhắn đối với cái thế gian này. Ta cũng tự biết ta lắm, biết mình thì bao giờ cũng được vừa lòng đôi chút.

Nhưng ả vẫn cứ hớn hở giữ bộ điệu kiêu hãnh. Rồi một loạt các thứ bơi qua trên đầu ả; nào là dằm gỗ, nào là rơm rạ và những mẩu báo cũ. ả lẩm bẩm:
-Hãy xem cái tụi kia bơi với lội kìa! Thậm chí mình nằm ngay đây mà chúng cũng chẳng ngờ rằng bên dưới chúng có cái gì cả? Kìa, một chú dằm gỗ ngoi qua kìa! Cu cậu chẳng nghĩ đến ai trên đời này ngoài cu cậu ra cả, hừ, ngoài cu cậu ra! Lại một cô ả rơm đang du ngoạn! Cô ả đang quay cuồng vùng vẫy gớm chưa! Này, đi cẩn thận đấy nhá, kẻo lại va đầu vào đá đấy. Còn cái mảnh báo cũ này nữa. Đến là vênh vang! Nhưng mà từ lâu lắm thiên hạ cũng chẳng nhớ hắn ta đã đăng tin gì rồi. Chỉ có mình ta là vẫn kiên tâm và bình thản; ta tự biết ta lắm và luôn luôn giữ lấy giá trị của ta.

Một hôm cô ả cảm thấy có vật gì nằm cạnh, một vật sáng rực rỡ mà cô ả cho là một viên kim cương. Đó là một mảnh chai vỡ. Thấy hắn ta lóng lánh trông như một cái trâm cài đầu, kim bèn cất giọng săn đón:
-Chắc hẳn bà chị là kim cương?
-Một loại na ná như thế.

Thế là ả nọ cứ tưởng ả kia quý phái lắm. Và rồi câu chuyện giữa hai đứa nở ran, đặc một giọng kiêu kỳ chúa soái ở trên đời. Kim ta lên giọng:
-Mình ở trong một cái tráp của tiểu thư. Vị tiểu thư ấy làm nghề nấu bếp. Mỗi bàn tay của nàng có năm ngón. Mình chưa hề thấy ai kiêu căng tự phụ như các lão ngón tay ấy, thế mà chúng cũng sinh ra để nâng mình ra khỏi hộp rồi lại cất mình vào thôi.

Mảnh chai hỏi:
-Thế các lão ngón tay ấy có thuộc dòng dõi quý phải không?
Kim đáp:
-Quý phái! Không đâu, nhưng kiêu căng. Chúng nó tất cả năm anh em và tất cả đều thuộc dòng dõi… họ nhà ngón tay. Chúng tuy dài ngắng khác nhau nhưng đứng cạnh nhau một cách hợm hĩnh. Ngón ngoài, cũng gọi là ngón cái, lùn và mập đứng tách riêng ra vì hắn chỉ có trần một khớp nên chỉ có thể gập lại một đốt thôi, nhưng hắn luôn luôn khoe rằng nếu người nào mà cụt mất hắn thì không thể nào mà làm việc nhà binh được.

Ngón thứ hai lúc nếm mứt, lúc nếm mù tạt; hắn còn chỉ chỏ được cả mặt trăng lẫn mặt trời nữa và chính hắn ấn quản bút khi người ta viết lách đấy. Lão thứ ba thì cao hơn tất cả các lão kia. Lão thứ tư đeo một cái đai bằng vàng và lão thứ năm bé nhất chẳng làm ăn gì cả. Vì thế nên hắn kiêu ngạo lạ thường. Bọn chúng lúc nào cũng làm bộ làm tịch, bắc bậc kiêu kỳ, nên mình đã bỏ chúng mà đi nơi khác đấy.
Mảnh chai bảo:
-Có thế chúng mình mới ngồi với nhau ở đây mà lấp lánh chứ.

Lúc đó người ta đổ nước vào máng giặt. Nước chảy lên thành máng và cuốn hai đứa đi. Kim thở phào:
-Đấy, thế là chúng ta lại tiến bước rồi đấy.
Mảnh chai tiếp tục lăn đi, còn ả kim đọng lại ở dưới suối.
-ấy đấy! Mình mảnh dẻ qúa, không nhúc nhích được nữa; nhưng cũng đành vậy biết sao?

Quả nhiên cô ả nắm dí ở đây, ôm ấp những hoài bão vĩ đại của cô ả.
-Mình rồi cũng đến phải tin rằng mình là con của một tia nắng vì mình nhỏ nhắn thế này kia mà! Hình như những tia nắng xuống tận đáy nước tìm mình thì phải. Nhưng mình nhỏ nhắn đến nỗi thân mẫu mình chẳng tìm thấy mình đâu. Giá ví thử người ta chưa đánh gãy mất cái mắt của mình thì mình cũng còn khóc được cơ đấy! Nhưng không, mình chẳng muốn khóc, mình mà lại than khóc à?

Một hôm, trẻ con đến sục sạo dòng suối. Chúng mò tìm đanh cũ, xu đồng và các của tương tự loại ấy. Công việc chẳng hào hứng lắm, nhưng chúng thích làm việc ấy và đứa nào nhặt được gì thì lấy nấy. Một đứa trong bọn bị cái kim đâm vào tay kêu lên:
-ôi chao! Cái đồ ăn mày này!
ả kim vội cãi:
-Tôi không phải là ăn mày đâu. Tôi là một tiểu thư khuê các đây.

Nhưng nào có ai thèm nghe nó. Đến lúc ấy cái đầu xi của nó đã tuột đi mất rồi và kim ta lại trở nên đen xì từ đầu đến chân; nhưng càng đen thì thân hình trông càng có vẻ nhỏ đi, nên cô ả tưởng mình mảnh dẻ hơn lúc nào hết. Trẻ con bàn nhau:
-Có cái vỏ trứng trôi đến kia rồi!

Thế là chúng cắm kim vào vỏ trứng. Cô ả hí hửng:
-May lắm! Giờ thì mình nổi bật rồi, vì mình thì đen mà thành quách xung quanh lại trắng toát một màu. ít ra thiên hạ cũng nhận ra mình ngay. Miễn là chớ có say sóng mà gãy tan xác

Cô ả không say sóng nên chẳng hề bị gãy.
-Đi biển mà có cái bụng bằng thép như mình thì thật là may mắn lắm thay! Mình hơn người ở chỗ ấy đấy. Ai dám tự hào có được cái bụng như ta? Thể chất mình tốt thật! Mà càng nhỏ bao nhiêu thì lại càng tránh được tai nạn bấy nhiêu.

Một chiếc xe tải hàng chẹt lên, vỏ trứng vỡ đánh “rắc” một cái. Kim rên la:
-Trời! Sao mình bị đè khiếp thế này! Hình như mình bị say sóng thì phải. Mình bị gãy nát mất rồi.
Tuy bị chẹt xe nhưng ả kim không gãy. Cô ả vẫn như trước, nằm sõng sượt dưới lòng suối. Mặc xác ả!

7. Chú lính chì dũng cảm

Ngày xưa, có hai mươi lăm anh lính chì, họ là anh em ruột, vì họ được đúc ra từ một cái muỗng chì cũ. Họ mang trên vai mỗi người một cây súng trường, mặc bộ quân phục xanh nẹp đỏ rất oai vệ, và đứng trong tư thế nghiêm, mắt nhìn thẳng phía trước. Tiếng nói mà các anh lính chì nghe lần đầu tiên trong đời, là khi chiếc hộp được khui ra, một em bé nhìn thấy các anh, đã vỗ tay reo lên thích thú: “Các chú lính oai quá!” Hôm đó là ngày kỷ niệm sinh nhật của em, và em được tặng các anh lính chì.

Em bé chẳng mất nhiều thì giờ để sắp các anh lính chì lên bàn mình. Hai mươi lăm anh trông hoàn toàn giống nhau, trừ một anh chàng chỉ có một chân. Số là, anh này ra đời sau cùng, người thợ không đủ chì để cho anh có cả hai chân, đành vậy! Tuy thế, anh lính cụt vẫn đứng nghiêm chỉnh trên một chân của mình như các anh kia, và cũng do thế mà anh ta sau này trở nên nổi tiếng hơn. .

Trên chiếc bàn mà các anh vừa được đặt lên, có cơ man nào là đồ chơi đẹp mắt; nhưng vật làm các anh chú ý nhất là tòa lâu đài bằng giấy cạc tông rất huy hoàng và tỉ mỉ. Bạn có thể nhìn qua những khung cửa sổ bé xíu để thấy bên trong. Bên ngoài là hàng cây nhỏ bao quanh một miếng kính soi giả làm hồ nước, mặt hồ phản chiếu hình những con thiên nga bằng sáp đang bơi lội trên đó. Nhìn chung, cảnh trí rất nên thơ, nhưng vật xinh xắn nhất là một cô bé đứng ở cửa toà lâu đài. Cô bé cũng được cắt bằng giấy bìa, cô mặc bộ váy bằng voan mỏng, có sợi đăng ten màu xanh quanh vai áo. Cô đứng xoè hai tay ra trong một tư thế đang múa ba lê -Cô là một nữ vũ công mà- một chân cô giơ cao lên khuất phía sau làm anh lính chì tưởng cô cũng bị cụt chân như mình.

“Phải chi ta lấy được cô bé này làm vợ.” Anh nghĩ, “Nhưng cô ta trông sang trọng quá; cô ở trong tòa lâu đài, còn ta chỉ có chiếc hộp mà chen chúc những hai mươi lăm anh em. Ta chẳng có chỗ xứng đánh cho nàng; nhưng được thôi, ta sẽ làm cho nàng dần thích nghi.” Anh dựa người ra trên một chiếc hộp khác, thoải mái nhìn ngắm cô nàng kỹ hơn, trong khi cô vẫn cứ múa trên một chân mà vẫn giữ thăng bằng.

Ðến tối, cậu bé cất các anh lính vào hộp đậy lại, để sót anh lính cụt chân; cả nhà đi ngủ. Bây giờ mới là lúc các đồ chơi sống lại và cùng nhau vui đùa; chúng thăm viếng trò chuyện với nhau, đám này thì chơi banh, đám kia thì vật lộn, ôi thôi đủ thứ vui náo nhiệt. Từ trong hộp, các anh lính chì nghe tiếng ồn ào, đâm ra nào nức tìm cách chui ra, nhưng họ không làm sao mở được nắp hộp. Trên bàn, mọi vật đang nhảy múa, nhào lộn, ngoài hai nhân vật vẫn cứ đứng yên lặng từ trước đến giờ, đó là cô vũ nữ và anh lính chì cụt chân bị cậu bé bỏ quên. Cô nàng vẫn ở trong tư thế múa ba lê, với một chân nhón lên và một chân khác hắt về phía sau; anh lính chì cũng đứng trên một chân đăm đăm nhìn cô nàng một cách say mê.

Thình lình, chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng, báo hiệu nửa đêm. Pốp! một tiếng động vang lên. Một chiếc hộp bật mở ra, lò xo bung lên, hiện ra một chú quỷ đen nhỏ xíu.

“A! Tên lính chì! Mi để mắt mũi đâu mà không né ta ra hử?” Tên quỷ hách dịch hỏi.

Anh lính giả ngơ không thèm trả lời.

“A! Tay này ngon nhỉ! Ðể sáng mai mày biết sẽ biết tay ta.” Con quỷ dọa.

Ðến sáng hôm sau, cậu bé thức dậy lật đật lôi các anh lính chì ra sắp trên thành cửa sổ. Chẳng biết có phải do lời nguyền rũa của con quỷ đen tối qua, hay vì một ngọn gió vô tình, cửa sổ bật mở, anh lính chì cụt chân rơi xuống đất từ căn phòng ở trên tầng lầu ba.

Thật là khủng khiếp cho anh, anh chúi đầu xuống đất, may có chiếc nón lính đở cho anh khỏi vỡ sọ, cái chân độc nhất chỉa thẳng lên trời. Cậu bé và tên tớ trai chạy xuống lầu tìm anh, nhưng chúng không trông thấy được, vì anh bị kẹt giữa hai phiến đá lót đường. Phải chi anh chịu khó lên tiếng, may ra cậu bé đã cứu được; nhưng anh lính này tôn trọng kỷ luật nhà binh, không thể la lên khi đang ở trong tư thế nghiêm chỉnh.

Trời bổng đổ mưa, càng lúc mưa càng lớn hạt. Nước chảy thành dòng dọc theo ven đường. Khi mưa tạnh, có hai cậu học trò tình cờ đi qua đó.

“Ê! coi kià! Có một anh lính chì! Ðể ta nhặt lên chơi.” Chúng xé giấy tập, xếp thành một con thuyền và đặt anh lính chì vào đó, xong thả cho trôi theo dòng nước. Chúng vừa chạy theo vừa vỗ tay khoái trí.

Trời đất thiên địa ơi, sóng gió chi mà dữ thế. Mưa thì cứ lai rai từng chập. Con thuyền tròng trành muốn lật nhiều lần, và có lúc xoay tròn quanh xoáy nước. Anh lính chì sợ chết điếng, nhưng vẫn phải tỏ ra dũng cảm; anh không hề biểu lộ ra mặt mà vẫn chững chạc đứng với cây súng trường trên vai như đang thi hành lệnh gác. Chiếc thuyền giấy bỗng chui vào một con đường hầm tăm tối, có lẽ cũng tối như trong chiếc hộp của anh.

“Ta đang ở đâu thế này?” Anh nghĩ. “Chắc là con quỷ đen nó ám hại mình! phải chi có cô nàng ở với ta trên chiếc thuyền này thì dù có chui xuống địa ngục ta cũng cam lòng.”

Một con chuột cống từ đâu chui đến.

“Ðưa coi giấy thông hành? Có không thì bảo?”

Anh lính im lặng, nắm chặt báng súng; thuyền cứ trôi, con chuột chạy theo sát phía sauu, nó nghiến răng tru lên: “Chận nó lại, chận lại, tên gián điệp không có giấy thông hành, nó lại chẳng biết mật khẩu.”

Giòng nước trôi nhanh hơn đẩy thuyền đi xa, anh lính đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng cùng lúc anh nghe những tiếng gầm vang dội, tiếng gầm khủng khiếp đủ cho những kẻ bạo gan nhất cũng phải rùng mình. Bạn thử tưởng tượng coi! Nơi cuối hầm, giòng nước thông ra một cái vịnh lớn, nước ở đây tuôn ra như một cái thác, ai mà chịu đựng nổi bị phóng nhào xuống với một tốc độ khủng khiếp thế.

Anh lính chì lo sợ nhìn miệng cống càng lúc càng gần mà không sao dừng thuyền lại được. Chiếc thuyền nhào xuống thác nước; anh lính cố hết sức mình đứng thật vững chờ việc gì tới sẽ tới.

Thuyền quay đi mấy vòng rồi rơi tõm xuống, nước tràn ngập khoang thuyền kéo nó chìm dần xuống đáy vực. Anh lính đứng bất lực nhìn nước ngập dần từ chân cho đến cổ. Cuối cùng nước tràn qua đầu anh- Trong phút cuối cùng đó, anh nghĩ đến cô vũ nữ xinh đẹp mà anh không bao giờ còn gặp lại, bên tai anh như có tiếng hát một khúc quân hành,

Ngày bao hùng binh tiến lên….

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến…

Thuyền chìm hẳn, và anh lính chì đáng thương đang chơi vơi giữa màn nước thì một chú cá bơi đến, đớp trọn anh vào bụng.

Trong bụng cá tối ơi là tối, vả lại nó chật quá, chẳng cọ quậy gì được. Anh lính chì vẫn nghiêm trang giữ đúng tư thế người lính gác. Hồi lâu, anh cảm thấy như con cá quẫy mạnh mấy cái rồi bất động, mắt anh bỗng loá lên vì một tia sáng rọi vào. Lần nữa, anh lính thấy lại ánh sáng mặt trời, anh nghe có tiếng nói: “-! một anh lính chì!”

Hoá ra chú cá bị sa lưới, bắt mang ra chợ bán. Một chị sen mua cá, đem về làm thịt, vừa mổ bụng ra thì bắt gặp anh lính của chúng ta. Chị ta móc anh chàng ra, đem khoe với mọi người và kể chuyện về cuộc phiêu lưu kỳ thú của anh lính kết thúc trong bao tử con cá. Anh lính thì chẳng thấy vui và hãnh diện chút nào. Chị sen đem anh đặt lên bàn. Lạ thay, anh lính thấy lại cảnh vật cũ, cũng em bé chủ nhân của anh ngày nào, cũng những thứ đồ chơi xinh xắn và nhất là cô vũ nữ còn đứng múa một cách duyên dáng bên cổng tòa lâu đài bằng giấy bìa các tông.

Nàng vẫn đứng trên một bàn chân, hai cánh tay xòe ra, chân kia duỗi thẳng phía sau. Anh lính nhìn nàng và thấy đôi mắt nàng cũng nhìn lại mình, nhưng họ không nói với nhau một lời. Bổng dưng, một đứa bé -bạn cậu chủ nhà- chụp lấy anh lính chì, không thèm giải thích lấy nữa lời, quẳng anh vào trong lò sưởi đang cháy rực. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính tên quỷ lùn đã buông lời nguyền độc địa cho anh. Anh lính đứng giữa ngọn lửa, cháy sáng lên, anh thấy nóng bừng bừng. Anh chẳng phân định được là cái nóng của bếp lửa hay là nhiệt huyết trong tâm hồn anh. Màu da anh từ từ đổi từ xám sang đỏ hồng; anh vẫn đứng nhìn về cô vũ nữ và thấy cô nhìn anh. Sức nóng làm anh chảy tan ra thành chất chì lỏng nhưng anh vẫn cố giữ thân mình đứng thẳng băng, tay nắm chắc báng súng.

Cửa chợt mở, một cơn gió thổi tung cô vũ nữ vào đống lửa, áo quần cô bắt cháy và cả cô nữa, cô cũng cháy tiêu ra tro, bên cạnh anh lính chì dũng cảm.

Sáng sau, người tớ gái quét lò sưởi, tìm thấy một cục chì có hình dạng một trái tim nhỏ xíu nằm giữa đám tro tàn của cô vũ nữ.

8. Cây lúa mạch

Nếu bạn đi qua cánh đồng lúa mạch sau cơn bão bạn sẽ thấy lúa đen như thể là bị cháy. Tôi sẽ kể cho bạn nguyên nhân lúa bị đen, qua câu chuyện một chú chim sẻ, chú ta đã nghe từ lời kể của một ông liễu già mọc ở gần cánh đồng ngô và lúa mạch.

Ông liễu này cao và rất được coi trọng, nhưng vào thời điểm ấy ông đã già cỗi, nhăn nheo. Thân cây bị chẻ làm đôi, cỏ cây mâm xôi mọc len vào kẽ nứt; ông liễu ngã ra phía trước và các cành lá của ông xõa xuống mặt đất như một mái tóc xanh dai. Có nhiều cây ngô tốt sống trên cánh đồng, quây cây lúa mạch. Những bắp ngô được nuôi dưỡng tốt và bắp càng mập bao nhiêu thì lại vít cây nằm ngả xuống bấy nhiêu. Lúa mạch ta vốn kiêu ngạo nên cứ ngẩng thẳng và vươn cao đầu lên. Nó nghĩ thầm: “Mình có khối bắp vàng như cây ngô. Mình còn đẹp hơn hẳn hắn ta nhiều. Những bông hoa của mình đẹp như những nụ táo vậy…”. Thế rồi, Lúa mạch nói:

– Này bác liễu già, bác đã từng thấy cái cây nào đẹp như tôi chưa hả?

Ông liễu gật đầu.

Lúa mạch la lên:

– Cái lão thật dớ dẩn. Lão ta già quá rồi. Cỏ mọc cả vào trong óc lão rồi.

Và chợt một cơn bão ập đến. Đám hoa trên cánh đồng xếp cánh lại và cúi gập những ngọn đầu xinh xinh. Lúa mạch ta vẫn kiêu ngạo vươn cao cổ lên. Những bông hoa bảo nó:

– Hãy cúi đầu xuống như chúng tôi đi.

Lúa mạch đáp:

– Không thể được tôi sẽ chẳng chịu cúi đầu.

Ông liễu già bảo:

– Hãy xếp những cánh hoa và xếp gọn lá vào. Đừng có nhìn vào các tia chớp kẻo lại nhìn thấy thiên đàng sớm. Ngay kể cả con người cũng mù nếu họ nhìn vào tia chớp. Nếu bọn ta vươn đầu lên thì cái gì sẽ xảy ra với đám cỏ dại chúng mình?

Lúa mạch kêu lên khinh bỉ:

– Cỏ dại! Quả thật! Tôi chẳng sợ nhìn lên trời.

Trong giây phút ấy cả thế giới như chìm trong bão tố và tia chớp lửa.

Ngay sau đó, cơn bão đã đi qua, rồi sau một trận mưa mọi vật mới ngọt ngào làm sao. Những bông hoa dại ngẩng lên hít thở khí trời, những cây ngô lại đung đưa theo chiều gió. Chỉ có cây lúa mạch nằm xoài trên đất héo tàn, cháy đen. Ông liễu già lắc đầu. Một giọt nước to rơi xuống từ đám lá liễu như thể ông liễu già đang khóc. Những chú chim sẻ líu lo:

– Tại sao ông lại khóc, ông không thấy sự tươi mát của hoa và lá sao?

Ông liễu già kể lại sự việc xảy ra với cây lúa mạch kiêu ngạo và tôi nghe được câu chuyện này từ các chú chim sẻ vào cái buổi tối mà tôi gợi chuyện với chúng.

9. Cô bé bán diêm

Rét dữ dội. Tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.

Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.

Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ !

Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.

Chiếc thứ nhất bị xe song mã nghiến, rồi dính theo tuyết vào bánh xe; thế là mất hút. Còn chiếc thứ hai, một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giày để làm nôi cho con chó sau này.

Thế là em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.

Chiếc tạp dề cũ kỹ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.

Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.

Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói cật rét, vẫn lang thang trên đường. Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xõa thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý.

Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Chả là đêm giao thừa mà ! Em tưởng nhớ lại năm xưa, khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắc nhiếc, chửi rủa.

Em ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại một chút.

Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.

Tuy nhiên em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em.

Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác, sát mái nhà và, mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ ra.

Chà ! Giá quẹt một que diêm lên mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ ? Cuối cùng em đánh liều quẹt một que diêm. Diêm bén lửa thật là nhạy. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.

Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà ! Ánh sáng kỳ diệu làm sao ! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.

Thật là dễ chịu ! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Chà ! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!

Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm; đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng.

Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màn. Em nhìn thấu tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

Rồi… que diêm vụt tắt; trước mặt em chỉ còn là những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo.

Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vu và mấy ngừơi khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.

Em quẹt que diêm thứ ba. Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Noel. Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng, hiện ra trước mắt em bé. Em với đôi tay về phía cây… nhưng diêm tắt. Tất cả những ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.

– Chắc hẳn có ai vừa chết, em bé tự nhủ, vì bà em, người hiền hậu độc nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: “Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với thượng đế”.

Em quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng là bà em đang mỉm cười với em.

– Bà ơi ! Em bé reo lên, cho cháu đi với ! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao ! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn cháu sẽ được gặp lại bà; bà ơi! cháu van bà, bà xin với Thượng Đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.

Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biết mất.

Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà em lại ! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về với Thuợng đế.

Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!.” Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

10. Chiếc hòm bay

Ngày xưa, có một lão lái buôn giàu đến nỗi có thể lấy bạc ra trát kín cả phố lão đang ở và có lẽ còn lát thêm được một cái ngõ nữa. Nhưng lão ta chẳng dại gì mà chơi ngông thế, lão có lắm cách dùng tiền có ích hơn nhiều. Chẳng bao giờ lão bỏ ra một xu nếu không biết chắc là sẽ thu về được một hào.
Nhưng… bỗng một hôm lão chết.
Bao nhiêu tiền vàng đều về tay người con trai. Anh này chỉ ăn chơi, đêm nào cũng miệt mài trong những cuộc khiêu vũ hóa trang, lấy bạc giấy làm diều và dùng tiền vàng ném thia lia thay mảnh sành. Ăn chơi như thế, nhất định tiền bạc cứ phải theo nhau mà chuồn. Quả nhiên tiền biến đi rất nhanh, đến nỗi một hôm, anh ta chỉ còn trần bốn silinh, một đồi giày băng túp và một cái áo mặc trong nhà. Không dám đi cùng với anh ngoài phố, bạn hữu bỏ rơi anh. Nhưng có một người tốt bụng gửi cho anh một cái hòm cũ và bảo:
– Cho cậu cái hòm này mà đựng tài sản!
– Thế thì còn gì bằng!
Nhưng chẳng còn gì mà đựng và cũng chẳng còn giường nữa, anh ta nằm quách ngay vào hòm. Cái hòm ấy cũng kì lạ. Hễ cứ đè lên cái khóa thì nó bắt đầu bay. Chàng trai trẻ của chúng ta vừa đè lên cái khóa, thế là cái hòm chui ra khỏi ống khói, rồi bay vút lên cao, lên trên cả mây, bay xa, xa mãi. Đáy hòm kêu răng rắc làm cho anh chàng ngồi trong sợ chết khiếp. Hãy cứ tưởng tượng xem, nó mà tung mất đáy thì cứ là ngã lộn nhào xuống chết toi. Nhưng ơn trời phù hộ, cuối cùng anh ta hạ xuống xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Anh bạn của chúng ta kéo cái hòm vào khu rừng. Ăn mặc như anh lúc bấy giờ không làm cho người ta để ý vì người Thổ Nhĩ Kỳ ra đường ai cũng mặc áo ở nhà và đi giày băng túp. Gặp một chị vú bế một đứa bé anh bảo:
– Cho tôi hỏi thăm một tí chị vú ơi! Cái lâu đài có cửa sổ cao kia, ở ngay gần thành phố, là lâu đài của ai thế?
Chị vú đáp:
– Đấy là chỗ ở của công chúa đấy…Người ta đoán là số nàng sẽ gặp phải người chồng làm cho nàng rất khổ sở. Vì thế cho nên nếu không có mặt vua và hoàng hậu thì không ai được lại gần nàng cả.
Anh chàng con trai lão lái buôn cám ơn rồi trở lại khu rừng, chui vào hòm, bay lên toà lâu đài và đến gõ cửa buồng công chúa.
Nàng đang nằm ngủ trên một chiếc xô pha. Anh chàng con trai lão lái buôn trông thấy nàng đẹp quá chừng, không cầm lòng được, bèn ôm hôn nàng. Công chúa tỉnh dậy thất kinh, nhưng anh chàng bảo nàng rằng mình là thần hoàng nước Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới bay đến đây gặp nàng nên nàng lại lấy thế làm hân hạnh.
Họ ngồi bên nhau, anh chàng bắt đầu tán tụng đôi mắt tuyệt diệu của nàng. Anh bảo đó là chiếc hố sâu thẳm rất đẹp, trong đó ý nghĩ bay lượn như những nàng tiên cá. Rồi anh tán đến trán nàng. Đó là một đỉnh núi tuyết sáng lóng lánh. Anh còn nói đến cả chuyện cõng những đứa trẻ ngoan ngoãn vào đầu thai trong các gia đình.
Những lời tán tỉnh hay tuyệt ấy làm cho công chúa mê tít. Anh chàng vội hỏi ngay công chúa làm vợ. Nàng ưng thuận và bảo:
– Nhưng đến thứ bảy chàng phải quay lại đây. Hôm ấy cả vua và hoàng hậu đến đây ngự trà với thiếp. Hai thân sẽ rất hài lòng thấy thiếp được thừa tiếp thần hoàng nước Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy chàng hãy chuẩn bị kể cho vua cha và hoàng hậu nghe một câu chuyện thật hay vì hai thân thích nghe kể chuyện lắm. Hoàng hậu thích nghe những chuyện nói về những nhân vật thật thà và đạo đức. Vua cha thì thích chuyện vui và khôi hài.
Anh chàng đáp:
– Lễ vật dẫn cưới của tôi chỉ là kể chuyện thôi đấy!
Họ chia tay nhau, nhưng trước đó, công chúa tặng chàng một thanh kiếm nạm tiền vàng. Tiền vàng ấy cũng sẽ giúp ích cho anh chàng.
Anh ta bay đi mua một cái áo mới, rồi về khu rừng ngồi bịa ra một câu chuyện. Thứ bẩy đã phải kể rồi, mà có phải tự nhiên có chuyện mà kể đâu.
Dẫu sao đến thứ bay anh chàng cũng chuẩn bị xong.
Đức vua, hoàng hậu, tất cả triều đình hội họp đông đủ tại lâu đài công chúa để dùng trà. Anh con trai lão lái buôn được tiếp đón rất nồng nhiệt. Hoàng hậu hỏi:
– Chàng kể cho chúng ta nghe một câu chuyện nhé! Một câu chuyện có tính chất giáo dục tư tưởng thật sâu sắc ấy, được không?
Nhà vua thêm:
– Nhưng đồng thời lại khôi hài nữa kia.
– Xin sẵn lòng!- Anh chàng nói rồi bắt đầu kể.
“Ngày xưa có một bao diêm rất tự kiêu vì dòng dõi quý phái của nó. Cha những que diêm ấy là một cây tùng lớn, một cây cổ thụ to trong rừng. Thế mà những que diêm tội nghiệp phải ở trong bếp, cạnh một cái bật lửa và một cái nồi cũ kỹ, và chỉ có thể thuật lại tuổi trẻ vinh quang với họ được thôi.
Chúng nói: “Phải, chúng ta đã từng sống sung sướng trên những cành cây xanh tươi. Sáng nào, tối nào chúng ta cũng uống trà bằng những hạt sương lóng lánh như kim cương. Những hôm trời nắng, chúng ta tận hưởng ánh nắng suốt ngày, và có những con chim nhỏ đến để kể chuyện cho chúng ta nghe. Chúng ta là con nhà giàu, chúng ta biết có những cây chỉ mặc lá xanh trong mùa nực, còn chúng ta thì bận y phục xanh suốt cả mùa đông lẫn mùa hè.
Nhưng bỗng một hôm tiều phu kéo đến. Thế là đại cách mạng, và gia đình chúng ta tan đàn xẻ nghé. Cha chúng ta được dùng làm cột buồm chính trên một cái tàu thuỷ rất đẹp và, có thể vòng quanh thế giới được. Những cành khác đi nơi khác, còn số phận chúng ta là phải đem lửa đến cho thiên hạ, cho nên chúng ta mới bị đày ải vào một cái bếp như thế này, mặc dù chúng ta là con nhà quyền quý.”
Cái nồi bên cạnh bao diêm kể rằng:
– Tôi thì khác. Từ lúc sinh ra đời, tôi đã bị thiêu không biết bao nhiêu lần rồi! Ở đây chính tôi là vật chịu đựng giỏi nhất và được quý nhất nhà này. Tôi thích nhất là sau khi xuất hiện trên bàn ăn về lại được lau chùi sạch bóng và chuyện gẫu với bạn bè. Nếu không có cái thùng xách nước thỉnh thoảng được xuống sân, có thể nói là tôi chỉ sống quanh quẩn giữa bốn bức tường này mà thôi. Nguồn cung cấp tin tức độc nhất của tôi là cái thùng đựng thức ăn, nhưng nó luôn luôn nói xấu chính phủ, đến nỗi, hôm nọ, một cái vò cũ kỹ hoảng hốt rơi ngã xuống, tan làm mấy mảnh đấy. Tôi có thể nói rằng chị ấy chính là một người bất mãn.
– Chị ăn nói ba láp quá lắm! (Cậu bật lửa nói rồi lấy bánh xe bằng thép xoạt một cái vào viên đá làm bật ra một tia lửa) Nhưng liệu chúng ta có tìm được cái gì cho vui buổi tối hôm nay không nhỉ?
Lũ diêm reo lên:
– Đúng đấy, hãy tranh luận xem trong chúng ta ai là con nhà quý phái nhất!
Nồi gạt đi:
– Không, tôi không thích nói về cái bản thân mình. Chúng mình hãy tìm một vấn đề khác mà nói. Tôi bắt đầu nói trước nhé! Xin bắt đầu kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật. Chuyện có thật vẫn là chuyện hay nhất, nhưng dễ mấy khi đã được nghe. Vậy thì, trên bờ biển Ban Tích, giữa các cây dẻ gai, trong những cánh rừng nước Đan Mạch…
-Vào đề khá lắm!- Mấy cái đĩa lớn tiếng khen.
-Đấy là nơi tôi đã sống cuộc đời măng trẻ trong một ngôi nhà tĩnh mịch. Đồ đạc bóng loáng, sàn gỗ sạch tinh, cứ nửa tháng người ta lại thay rèm cửa một lần.
Chổi khen:
-Hay quá là hay! Mới thoáng nghe đã biết ngay là giọng đàn bà kể chuyện, vì phụ nữ bao giờ cũng chú ý đến sự sạch sẽ.
-Đúng đấy! – Thùng xách nước nói rồi thích chí ngả nghiêng một cái làm nước sánh ra sàn gỗ mất một ít.
Nồi kể tiếp chuyện đời mình, phần cuối cùng cũng hay như đoạn đầu.
Mấy cái đĩa thích quá, cứ nhấp nha nhấp nhổm. Chổi lấy mấy nhánh rau mùi trong sọt rác quăng vào cổ nồi để khen thưởng nó. Biết rằng làm như thế kẻ khác sẽ ghen tị, không bằng lòng, nhưng chổi nghĩ thầm: Hôm nay mình thưởng nó, ắt là đến mai nó lại phải khen thưởng mình chứ sao!
Kẹp than rủ rê: “Bây giờ nhẩy với nhau đi nào!” Nói rồi nó ra sức dang đôi tay lên trời thật.
Cái nệm trong bếp nhìn thấy thế cười tưởng đến nứt cả bụng.
Kẹp than lại hỏi: “Đã đáng thưởng cho ta một vòng hoa như cái nồi chưa?”
Nó được thưởng thật.
Lũ diêm nghĩ bụng: “Dẫu sao cũng chỉ là đồ hạ lưu cả.”
Đến lượt cái ấm trà hát, nhưng nó hơi bị cảm lạnh. Lúc nào thật nóng, nó mới hát được. Thật ra đấy chỉ là lý do bịa thôi. Nó còn để dành đến lúc được đặt lên bàn, trước mặt các ông bà chủ, nó mới hát.
Trên cửa sổ, có một cái bút lông ngỗng, chị sen vẫn dùng để viết. Bút ấy chẳng có gì đáng được để ý ngoài cái điều chấm mực nhiều quá. Ấy thế mà chủ chẳng mảy may khó chịu. Bút nói:
– Nếu cái ấm không muốn hát thì thôi! Trong lồng ngoài kia chúng ta còn có một con hoạ mi ngoan ngoãn đáng yêu, chắc cũng không lấy gì làm tài giỏi cho lắm, nhưng tối nay, các bạn chẳng nên khó tính nhé!
Cái ấm đun nước vừa là nhạc sĩ vừa cùng họ với ấm pha trà, thêm vào:
-Tôi thấy để cho con chim lạ mặt ấy hót cho chúng ta nghe thì thật chẳng hợp lý tí nào! Tinh thần tự lực ở đâu hả? Hỏi cái thúng xem có đúng không nào?
Thúng bèn lên tiếng:
-Tôi không bằng lòng, rất không bằng lòng về các bạn. Suốt tối nay, cứ như thế, có ổn không? Đi mà dọn dẹp nhà cửa, ai làm việc nấy có hơn không? Tôi sẽ chủ trì trò chơi này. Chơi thế còn thú vị và có ích đôi chút.
Tất cả đồng thanh hô lớn: “Đúng đấy!”
Nhưng ngay lúc ấy cửa bỗng mở, chị sen bước vào. Tất cả đều đứng sững tại chỗ, im bặt, nhưng trong bụng, ai cũng tiếc:
-Nghe mình thì có phải buổi tối rất vui không?
Chị sen lấy diêm nhóm bếp. Gớm! Chúng xòe cháy sáng ngời lên! Chúng nghĩ thầm:
-Giờ thì đứa nào cũng đều có thể thấy rằng chúng mình là cao quý nhất. Bọn mình toả ánh hào quang sáng ngời lên thế này kia mà!
Rồi chúng cứ thế mà chết thiêu đi.”
Hoàng hậu bảo:
– Câu chuyện hay lắm! Ta cứ tưởng như hoàn toàn sống trong căn bếp ấy, giữa lũ que diêm. Con sẽ được lấy công chúa.
Vua cũng phán:
-Chắc chắn thế nào ta cũng gả công chúa cho con.
Giờ thì vua và hoàng hậu gọi anh bằng con, anh sắp sửa trở thành người trong hoàng gia rồi.
Ngày cưới được ấn định và tối hôm trước hôn lễ cả thành phố sáng rực lên. Người ta đem tung bánh mứt, hoa quả cho nhân dân. Trẻ con chơi ngoài phố suốt đêm, vừa hoan hô vừa vỗ tay, thích quá đi mất!
Chàng con trai lão lái buôn nghĩ bụng:
– Mình cũng phải thi thố chút gì mới được chứ!
Anh ta tìm mua pháo nổ, pháo thăng thiên, có thứ pháo hoa nào đều mua tất, bỏ vào hòm rồi vừa bay trên trời vừa đốt.
Dân lành Thổ Nhĩ Kỳ thích quá, nhảy mãi lên, đến nỗi giày băng túp của họ đập lên đến tận mang tai. Chưa bao giờ họ được thấy hiện tượng kỳ lạ trên trời như thế. Họ không hơi đâu mà tìm hiểu đấy là cái gì, vì bấy giờ là lúc thần hoàng Thổ Nhĩ Kỳ sắp thành hôn với công chúa.
Chàng con trai lái buôn vừa đến khu rừng với cái hòm của mình, liền nghĩ rằng:
– Mình phải ra ngay thành phố xem kết quả ra sao mới được!
Đi đến đâu chàng cũng thấy bàn tán về sự việc vừa xảy ra. Anh hỏi, ai cũng tả các pháo hoa kỳ lạ ấy theo mắt nhìn riêng của mình, nhưng ai cũng nói chưa từng thấy gì thích bằng thế.
Người thì bảo:
-Tôi đã trông thấy thần hoàng nước Thổ Nhĩ Kỳ, người có đôi mắt sáng như sao và bộ râu giống như nước đang sủi bọt.
Kẻ thì nói:
-Người khoác một cái áo choàng bằng lửa. Trong những nếp áo có nấp những tiên đồng tuyệt đẹp!
Hôm ấy, anh chỉ nghe thấy người ta ca ngợi không tiếc lời. Hôm sau đã là ngày cưới rồi.
Anh trở về khu rừng để chui vào hòm. Nhưng tìm đâu cho thấy? Than ôi, nó đã cháy mất rồi. Một cái pháo hoa còn sót lại đã bắt lửa, và bây giờ cái hòm đã thành tro. Anh bạn của chúng ta không thể bay và trở lại gặp công chúa được nữa. Nàng đứng đợi…suốt cả ngày trên gác thượng, đợi đợi mãi…
Nhưng chàng thì vừa chu du thiên hạ vừa kể chuyện. Nhưng chuyện chàng kể sau này không được vui bằng câu chuyện những que diêm chàng đã kể cho vua, hoàng hậu và công chúa nghe.

11. Bộ quần áo mới của Hoàng Đế

Ngày xưa, có một vị hoàng đế thích quần áo đẹp đến nỗi ngài sẵn sàng chi không tiếc tay cho việc ăn mặc. Vị hoàng đế ấy chẳng ngó ngàng gì đến việc triều chính, cũng chẳng màng đến những thú vui khác. Mỗi giờ, ngài lại thay một bộ quần áo mới. Người ta thường nói “Hoàng đế đang lâm triều”, nhưng đối với vị vua này thì phải nói là:“Hoàng đế đang trong tủ áo”.

Kinh thành nơi đức vua sinh sống rất nguy nga, tráng lệ. Ngày nào cũng có đông đảo du khách ghé qua.

Một ngày kia, hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng tự xưng là thợ dệt, có thể dệt ra một thứ vải tuyệt đẹp. Quần áo được may bằng thứ vải đó có đặc tính kỳ lạ là người nào không làm tròn bổn phận hoặc ngu xuẩn thì không thể nhìn thấy nó, dù đứng rất gần.

“Đó sẽ là bộ quần áo tuyệt vời!”, Hoàng đế thầm nghĩ , “Mặc nó, ta sẽ biết được trong đám quần thần của ta, kẻ nào không làm tròn bổn phận. Ta sẽ phân biệt được đâu là người tài giỏi và đâu là kẻ ngốc nghếch! Đúng vậy, ta cần có bộ quần áo như vậy ngay lập tức!”. Vị vua ban thưởng cho hai tên thợ dệt rất nhiều vàng bạc, châu báu và yêu cầu chúng bắt tay ngay vào công việc. Chúng bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào ra vẻ như đang dệt vải, nhưng tuyệt nhiên chẳng có bất cứ thứ gì trên khung cửi. Chúng đòi bằng được loại tơ đẹp nhất, thứ vàng quý nhất. Có được rồi, chúng nhét tất cả vào túi riêng và giả vờ làm việc bên khung cửi cho đến tận khuya.

Đức vua nóng lòng muốn biết công việc của hai tên thợ dệt đến đâu, nhưng khi nhớ đến đặc tính kỳ lạ của tấm vải, tự nhiên ngài đâm ngại. Ngài bèn phái thừa tướng đến xem trước. “Ông ta có thể đánh giá chính xác tấm vải trông như thế nào vì ông là người thông minh và không ai đảm đương chức vụ giỏi hơn ông ta!”, Đức vua thầm nghĩ.
Vị thừa tướng ngây thơ được cử đến gian phòng lớn – nơi hai tên thợ dệt đang làm việc. “Lạy Chúa!”, lão giương to đôi mắt, tự nhủ, “Ta chẳng thấy gì cả!”. Nhưng may mà lão kìm lại được, không thốt thành lời. Hai kẻ lừa đảo mời vị quan đến gần, chỉ vào khung cửi trống không và hỏi xem ngài thấy hoa văn, màu sắc trên tấm vải có đẹp hay không. Lão thừa tướng đáng thương cứ giương to cặp mắt mà không thấy gì. Lão thầm nghĩ: “Trời ơi, chẳng lẽ ta lại là một kẻ xuẩn ngốc? Hay ta không có năng lực đảm đương chức vụ của mình? Không! Tốt nhất ta không nên thú nhận là ta chẳng thấy tấm vải đó!”. – À, ngài không có nhận xét gì sao? – Một trong hai tên thợ dệt lên tiếng hỏi.

– Ồ, nó đẹp lắm, đường nét rất tinh tế! – Lão thừa tướng vội trả lời, vờ ngắm nghía qua cặp kính. – Hoa văn và màu sắc mới đẹp làm sao! Đúng vậy, ta sẽ về tâu với Đức vua là ta rất hài lòng!

– Chúng tôi rất vui khi nghe ngài nói thế! – Hai tên trả lời rồi huyên thuyên mô tả đủ loại màu sắc và hoa văn có trên đời được dệt trên tấm vải. Lão thừa tướng lắng nghe như nuốt từng lời để còn về thuật lại cho Hoàng đế. Lợi dụng cơ hội, hai tên thợ dệt lại xin thêm tiền, vàng, tơ sợi để chi phí vào việc dệt vải. Sau đó, chúng vờ tiếp tục say sưa làm việc bên khung cửi. Chẳng bao lâu sau, nhà vua lại cử một viên đại thần khác đến xem vải được dệt như thế nào, và khi nào thì xong. Giống như vị thừa tướng, viên đại thần ngắm nghía, nhưng ông ta cũng chẳng thấy gì ngoài khung cửi trống không.

– Thưa, tấm vải đẹp không ạ? – Hai tên thợ chỉ vào tấm vải, giải thích từng đường chỉ, từng hoa văn rằng nó mềm mại như thế nào và tinh tế ra sao. “Ta đâu có ngu dốt đâu!”, viên đại thần hoang mang nghĩ, “Như vậy chắc ta không có năng lực xử lý công việc rồi. Nhưng dù sao cũng không nên để lộ điều này”. Nghĩ vậy, hắn bèn hết lời ca tụng tấm vải trong tưởng tượng và quả quyết rằng rất thích màu sắc cùng những hoa văn trên đó. Trở về gặp Hoàng đế, viên quan kính cẩn tâu: – Muôn tâu bệ hạ, quả thật không gì sánh bằng! Khắp kinh thành xôn xao bàn tán về tấm vải diệu kỳ. Không dằn lòng được, Đức vua muốn đích thân đến ngắm tấm vải khi nó vẫn còn trên khung cửi. Cùng với đoàn tùy tùng và các cận thần được tuyển chọn, trong đó có cả quan thừa tướng và viên đại thần, ngài đến thăm hai kẻ mạo danh quỷ quyệt đang ra vẻ mải mê dệt với tốc độ khẩn trương mà không có sợi chỉ nào trên khung.

– Tấm vải thật tuyệt phải không ạ? – Hai đại quan ngây thơ lên tiếng. – Bệ hạ nhìn xem này, hoa văn và màu sắc… tất cả đều lộng lẫy làm sao! – Họ chỉ vào khung cửi rỗng và tưởng tượng như mọi người đều nhìn thấy. “Quái, thế là thế nào? Ta chẳng thấy gì cả!”, Hoàng đế kinh ngạc, thầm nghĩ, “Chẳng lẽ ta lại là một vị vua ngu xuẩn ư? Hay ta không có tài đức để làm bậc minh quân? Nếu đúng như vậy thì thật khủng khiếp!”.

Nhưng rất nhanh, nhà vua đáp:
– Ồ, đẹp! Đẹp lắm! Thật là chuẩn mực! Rồi ngài gật gù ra vẻ hài lòng, ngắm nghía khung cửi mà không dám thú nhận sự thật. Cả đoàn tùy tùng xúm lại xem, dù chẳng thấy gì nhưng họ vẫn xuýt xoa, phụ họa: “Ồ, thật là tuyệt!”. Đám nịnh thần khuyên nhà vua nên mặc bộ quần áo mới được may bằng thứ vải lộng lẫy này trong ngày lễ rước thần sắp tới. “Thật xuất sắc! Thật tuyệt vời! Thật lộng lẫy!”, những lời tán dương như thế được truyền từ miệng người này sang người khác. Ai cũng ra vẻ cực kỳ hài lòng. Nhà vua liền ban cho hai tên thợ dệt danh hiệu “Hiệp sĩ dệt vải”. Suốt đêm, trước ngày lễ rước thần, người ta thấy hai tên thợ dệt lăng xăng cắt may, khâu đính để hoàn tất bộ quần áo mới cho nhà vua. Họ vờ đỡ tấm vải ra khỏi khung cửi, dùng kéo lớn cắt vào không khí, khâu bằng những cây kim không xỏ chỉ… Cuối cùng, họ tuyên bố:
– Nhìn này, bộ quần áo đã may xong!
Hoàng đế cùng các quan đại thần đến, ai cũng có vẻ mặt oai nghiêm, cung cách chững chạc. Hai tên lừa bịp vờ giơ tay lên không như đang nâng đỡ bộ quần áo, kính cẩn nghiêng mình tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, đây là quần ống túm. Đây là áo. Còn đây là chiếc áo choàng! Bộ quần áo này nhẹ như tơ! Bệ hạ mặc vào sẽ có cảm giác như không có gì trên người, nhưng đó cũng là một trong những đặc tính quý giá của tấm vải!

– Đúng đấy ạ! – Các đại quan cùng xướng họa, tuy họ chẳng thấy gì, mà thật ra cũng chẳng có gì để thấy.
– Muôn tâu Hoàng thượng, cúi xin ngài cởi quần áo và đứng trước gương lớn để chúng thần mặc quần áo mới cho ngài! Hoàng đế cởi hết long bào, hai kẻ lừa đảo làm bộ như mặc từng cái cho ngài, rồi vòng tay quanh thân ngài như đang thắt đai lưng. Hoàng đế xoay người ngắm nghía
trước gương.
– Hoàng thượng vạn tuế! Bộ quần áo mới vừa vặn với bệ hạ làm sao! Nó rất hợp với bệ hạ! – Bọn nịnh thần đồng thanh tâu lớn. – Hoa văn thật tinh tế, màu sắc thật tuyệt vời! Đúng là bộ quần áo quý giá!
– Muôn tâu bệ hạ, long tán đã đến. Các đại thần đang chờ Hoàng thượng bên ngoài để cùng đi rước thần. – Quan trưởng lễ báo tin.
– Ta đã sẵn sàng! – Đức vua đáp. Trước khi đi ra, ngài không quên hỏi lại:
– Các khanh xem nó có vừa với ta không?.

Đoạn, ngài xoay thêm một vòng trước gương, như thể đang ngắm một bộ quần áo lộng lẫy.
Các quan thị vệ khom người, với tay sát đất, làm như đang nâng đuôi áo choàng, rồi vừa đi vừa đỡ vật vô hình đó lên, chẳng để lộ cho ai biết là mình không nhìn thấy gì!
Hoàng đế bước đi trong buổi lễ, dưới long tán lộng lẫy. Thần dân đứng dọc hai bên đường, bên bậu cửa sổ, trầm trồ khen ngợi:

– Hoàng thượng vạn tuế! Bộ quần áo mới thật lộng lẫy! Nhìn đuôi áo choàng kìa, mới đẹp làm sao! Bệ hạ mặc vừa vặn quá! Không ai tỏ vẻ mình không nhìn thấy gì. Họ sợ bị người khác xem là bất tài, ngu xuẩn. Chưa có bộ quần áo mới nào của nhà vua được mọi người tán tụng nhiều đến
vậy. Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:
– Nhìn kìa, đức vua trần truồng!
Đám đông im bặt. Sau đó, bắt đầu có những tiếng xầm xì nhỏ to:
– Hoàng thượng không mặc gì hết! Có một thằng bé nói như vậy!
“Hoàng thượng không mặc gì hết! Hoàng thượng không mặc gì hết!…”, lời bàn tán mỗi lúc một lớn.
Hoàng đế chợt rùng mình, choáng váng vì ngài thấy hình như họ nói đúng. Nhưng ngài nghĩ: “Ta phải tiến hành cho xong nghi thức của buổi lễ đã”. Vì vậy, nhà vua tiếp tục rảo bước, khuôn mặt thậm chí càng cố lộ vẻ tự hào. Đám tùy tùng theo sau không biểu lộ một chút cảm xúc, tay vẫn nâng đuôi chiếc áo choàng tưởng tượng.

12. Đôi giày hạnh phúc

Trong một ngôi nhà, cạnh Hoàng trường mới, phố Đông, thành Côpenhagơ, chủ nhà đang tiếp khách. Khác hôm ấy rất đông, chủ nhà vốn là hiếu khách, hơn nữa là để được mời lại.

Khách khứa người thì tập trung vào bàn thờ, người thì xúm nhau trò chuyện. Xen vào nhiều chuyện khác, họ bàn đến thời Trung Cổ. Hầu hết cho rằng thời ấy không hơn thời nay, chỉ riêng ngài hội thẩm Knap và thêm bà chủ nhà kiên quyết phản đối ý kiến ấy. Hai ngài cho rằng từ trước tới nay, thời vua Hanx là thời đại huy hoàng nhất, hạnh phúc nhất.

Lúc này ngoài phòng đợi, đầy áo choàng, gậy chống, ô, giầy, có hai người hầu gái, một già một trẻ. Nhưng khách đã nhầm, hai bà không phải là người hầu phòng. Hai bà là hai nàng tiên. Cứ nhìn họ mà xem: bàn tay thanh tú, dáng ngồi, điệu đi lịch sự. Quần áo của họ cũng khác thường, đầy vẻ tao nhã.

Nàng tiên trẻ là thị tỳ của người hầu phòng của Thần may rủi, còn bà tiên già là Thần trừng phạt. Nàng tiên trẻ có nhiệm vụ đi phát của Thần may rủi. Bà tiên Thần trừng phạt có nét mặt nghiêm khắc đi kiểm soát kết quả của công việc.

Hai bà đang kể cho nhau nghe những công việc đã làm hôm ấy. Nàng tiên thị tỳ nói mới làm được mấy việc lặt vặt: giữ cho chiếc mũ khỏi bị ướt mưa, chuyển cho người tài lời chào mừng của một kẻ vô lại nổi tiếng và mấy việc nữa cũng đại loại như thế. Nhưng nàng còn phải làm một việc nữa, một việc dị thường là đem đôi giầy làm quà cho người lớn dưới trần. Đôi giầy có phép lạ hễ ai xỏ chân vào nhà thì muốn đi đến đâu hoặc muốn sống lại thời đại nào cũng được ngay tức khắc. “Thật là sướng!” Nàng kết luận.

– Chưa chắc đâu! Bà tiên già, không khéo lại khổ gần cửa ra vào, ai nhặt được thì nhặt.

Đêm đã khuya, chuyện đã vãn, ngài thẩm phán ra về. Ra đến cửa, đầu óc còn đang mãi nghĩ về thời đại vua Hanx, ngài thẩm phán xỏ nhầm vào đôi giầy người thì tỳ vừa đặt. Đường về nhà ngài qua phố Đông, ngài bước về phía ấy, nhưng phép lạ của đôi giày lại đưa ngài quay trở lại thời vua Hanx, chân ngài lội vào bùn và qua các vũng nước, vì thời ấy các đường phố chưa đổ nhựa, hè phố chưa lát bê tông như bây giờ. Ngài vừa đi vừa ca cẩm:

– Bùn khiếp thật! Hè phố chẳng còn, đèn cũng tắt ngấm.
Trăng chưa mọc, sương mù nhiều, mọi vật chìm trong đêm tối. Ở một góc đường gần đấy có treo một ngọn đèn hắt ánh sáng xuống pho tượng đức mẹ nhưng ánh sáng mờ quá phải đến tận nơi mới nhìn rõ, trông thấy đức mẹ đang bế Hài đồng trên tay. Ngài nghĩ thầm:

– Có lẽ đây là một cửa hàng mỹ phẩm mà người ta quên cất mẫu quảng cáo.

Vừa lúc ấy có hai người mặc quần áo thời cổ vượt lên trước ngài thẩm phán nói:

– Họ ăn mặc lạ nhỉ. Có lẽ họ vừa đi dự buổi khiêu vũ trá hình về.

Có tiếng trống và tiếng sáo nổi lên, ngài đứng lại thấy một đám rước diễu qua. Đi đầu là trống rồi đến thị vệ cầm cung tên và binh khí. Người chỉ huy đám rước là một nhà tu hành. Ngạc nhiên với cảnh lạ, ngài lẩm bẩm: “Sao lại thế nhỉ? Người ấy là ai?” Có tiếng trả lời:

– Đấy là Đức giám mục Xilen.

– Sao đức giám mục lại thế? Có lẽ không phải đâu, các ngài nhầm đấy.

Mải suy nghĩ, chẳng nhìn đường, ngài hội thẩm đi qua phố Đông và quảng trường Cầu lớn. Không sao tìm được cái cầu bắc sang quảng trường Cung điện, ngài chỉ thoáng nhìn thấy một con sông rộng và gặp hai người đang ngồi trên một chiếc thuyền. Họ hỏi: “Ngài có muốn qua sông Hôlông không?

– Qua sông Hôlông à? Sao lại qua sông? Hỏi vớ vẩn. Tôi muốn đến ngõ Crixtianhavu khu phố chợ (ngài hội thẩm quên là mình đang sống trở lại thời vua Hanx)

Thấy hai người kia ngạc nhiên nhìn ngài, ngài nói tiếp:

– Các ông chỉ dùm cho tôi lối lên cầu. Chẳng có đèn đuốc gì cả, tối đen như mực, lội bì bà bì bõm như đi trong ruộng lầy vậy. Bùn ơi là bùn!

Ngài càng nói chuyện với hai người thuỷ thủ lại càng ngạc nhiên, chẳng hiểu họ nói gì. Ngài vùng vằng:

– Chẳng thể nào hiểu được tiếng địa phương của các bác!

Ngài bực tức quay phắt đi. Ngài không thể nào tìm ra được cái cầu, ngay cả lan can dọc bờ sông cũng chẳng có. Ngài lẩm bẩm:

– Loạn thật!

Ngài chưa bao giờ thấy thời đại của ngài đang sống lại thảm hại đến thế. Ngài nghĩ bụng:

– Có lẽ phải gọi một cái xe mà đi mới được.

Nhưng tìm đâu ra xe? Trông mỏi mắt cũng chẳng có cái nào. Ngài tự nhủ:

– Phải quay về Hoàng trường mới mà kiếm cái xe chứ không thì chẳng đến được Crixtianhavu được.

Ngài thẩm phán quay trở lại phố Đông; đi gần đến phố thì trăng lên. Trông thấy cổng thành phía Đông, ngài kêu lên:

– Trời ơi! Người ta dựng cái đài này ở đây để làm gì kia chứ?

Cuối cùng ngài thẩm phán cũng tìm ra được cỗ xe ngựa và ra đến quảng trường mới hiện nay. Thời xưa chỗ này là một bãi trống chỉ có cỏ mục và một vài bụi cây; có một con sông đào chảy qua, đổ ra biển. Bờ bên kia có một vài túp lều gỗ tồi tàn của những thuỷ thủ xóm Halăng ( vì vậy nơi ấy nay đặt tên là mũi Halăng).

Ngài thẩm phán nghĩ bụng: ma quỷ ám mình hay mình say rượu thế này? Sao lại lung tung chẳng còn hiểu thế nào nữa! Có khi mình ốm rồi!

Ngày quay lại. Vào đến trong phố, ngài nhìn thấy rõ nhà cửa hơn, đa số vách thủng bằng thanh, mái lợp rạ.
Ngài lẩm bẩm:

– Sao người khó chịu quá! Mình chỉ uống có một cốc rượu pha đường thôi thì sao thấy khó chịu thế? Lại cho mình rượu pha đường với hồi nóng nữa chứ. Thật là điên! Các bà vợ quan nội thần này ác thật! Hay là mình quay lại để cho họ biết họ làm ăn linh tinh. Nhưng chắc gì họ còn thức? Mà như vậy cũng dở lắm.

Ngài tìm sân nhà, nhưng tìm không ra. Ngài lẩm bẩm:

– Không sao nhận ra phố Đông nữa. Chẳng còn cái cửa hiệu nào! Chỉ thấy trên những túp lều cũ kỹ tồi tàn như ở Rôtxôkin hay ở Rinhxtet. Mình ốm thật rồi! Nhà quan nội thần đâu rồi nhỉ? Quái thật! Sai ta lại ốm thế này! Thấy một nhà có ánh sán lọt qua khe cửa. Đây là một quán trọ thời vua Hanx, một quán rượu bia. Căn phòng giống như quán rượu ở vùng Honxtanh. Trong quán đang có một số lính thủy, mấy người thành thị và hai nhà bác học. Cả mấy người đang trò chuyện náo nhiệt, trước mặt mỗi người một cốc bia. Ngài hội thẩm mở cửa bước vào. Họ vẫn tiếp tục trò chuyện không để ý đến ngài. Bà chủ quán chạy đến. Ngài hỏi:

– Thưa bà, tôi thấy trong người khó chịu như muốn ốm. Bà có thể giúp tôi gọi hộ một cái xe chở tôi về Crixitianhavu được không?

Bà chủ quán ngó ra, lắc đầu trả lời bằng tiếng Đức. Ngài hội thẩm cho là bà không biết tiếng Đan Mạch, nên hỏi bà ta lần này bằng tiếng Đức. Nghe tiếng nói và cách ăn mặc của ông thẩm phán, bà chủ quan tin rằng ông là người nước ngoài. Bà ta hiểu là ông ấy ốm và mang ra cho ông một cốc nước mới hứng ở vòi ra nhưng có vị mặn. Nhắp thử, ngài lắc đầu.

Ngài ôm trán thở dài suy nghĩ về những hiện tượng kỳ lạ chung quanh mình.

Thấy bà chủ quán gấp một tờ giấy khổ rộng, ngài hỏi:

– Có phải tờ báo “Ban ngày” mới ra tối nay đấy không?

Bà ta không hiểu ngài muốn nói gì, cứ chìa cho ngài tờ giấy đang gấp. Đấy là một tờ tranh khắc gỗ, vẽ một hiện tượng thiên văn như ông đã nhìn thấy ở Côlônhơ. Ngài nói:

– Bức tranh này cổ lắm! Bà làm thế nào mà kiếm được bức tranh hiếm có này? Quý đấy! Nhưng lời giải thích ghi trong tranh không hợp thời nữa, nó có vẻ hoang đường. Bây giờ người ta gọi hiện tượng ấy là một bắc cực quang, do điện gây ra.

Những người ngồi gần đấy thấy ngài thẩm phán nói đều lấy làm ngạc nhiên. Một người đứng dậy, cung kính nói:

– Thưa ngài, chắc hẳn ngài là một nhà bác học đại tài!

– Không đâu! Tôi chỉ mỗi thứ biết một tí, như mọi người thôi.

– Ngài khiêm tốn quá!

– Tôi biết thế thì nói như thế, các ngài biết thêm gì cho tôi được học.

Ngài hội thẩm nói với người kia: “Ngài có thể cho tôi biết quý danh được không?”

– Tôi là tú tài thánh thư, người kia trả lời.

Học vị của người ấy cũng phù hợp với cách ăn. Nhưng ngài hội thẩm nghĩ thầm:

– Đây hẳn là một lão hương sự loạn óc, còn sót lại ở một nơi hẻo lánh của xứ Giuytlăng.

Người xưng là tú tài thánh thư nói thêm:

– Đây không phải là một diễn đàn, nhưng mời ngài cứ tiếp tục phát biểu. Chún tôi rất thích được nghe, chắc là ngài am hiểu các tác gia thời xưa.

– Vâng, sách thời xưa bổ ích lắm, tôi rất thích đọc. Tôi cũng biết nhiều sách thời nay. Nhưng những “Truyện hàng ngày” thì tôi không thích vì cuộc sống thực tế cũng đã đủ lắm rồi.

– “Truyện hàng ngày” là truyện gì thưa ngài?

– Là những quyển tiểu thuyết mới viết hiện nay.

– Tôi thấy những quyển tiểu thuyết hiện nay cũng thú vị đấy chứ ạ! Đức vua cũng hay đọc. Người thích nhất cuốn “Ipven tiên sinh và Gôđiô tiên sinh” kể chuyện vua Actuýt và các hiệp sĩ bàn tròn.

– Chuyện ấy tôi chưa được đọc. Chắc là sách mới của nhà xuất bản Giêmen.

– Ông Giêmen là tác giả cuốn truyện có phải không?

Cái tên ấy nghe xưa lắm nhỉ. Đúng là tên nhà xuất bản đầu tiên của nước Đan Mạch đấy.

– Đúng ạ. Nhà in đầu tiên của chúng ta là nhà in Giêmen.

Câu chuyện đang vui bỗng có người nói đến trận dịch hạch xảy ra gần năm ấy nên họ cũng nhắc luôn cả chuyện quân cướp người Anh xông vào tận hải cảng cướp thuyền bè. Nghe thấy thế ngài hội thẩm lại tưởng họ nói về cuộc mưu sát năm 1801, nên những lời ngài nguyền rủa quân Anh trong vụ mưu sát ấy cũng vẫn khớp với câu chuyện.

Nhưng về sau câu chuyện trở nên chuệch choạc. Cứ ông nói gà bà nói vịt, chẳng bên nào hiểu bên nào. Họ ngẩn người ra nhìn nhau. Đến khi bí quá, vị tú tài phải phát biểu bằng tiếng Latinh hy vọng với thứ tiếng ấy người ta sẽ hiểu ông. Nhưng cuối cùng thì ngài thẩm phán không hiểu ông, mà ngài thẩm phán nói gì ông cũng không hiểu.

Bà chủ kéo tay áo ngài thẩm phán hỏi:

– Bây giờ ngài thấy thế nào rồi?

Câu hỏi của bà chủ quán làm ngài sực tỉnh. Vì mải nói chuyện, ngài đã quên tất cả những sự việc vừa xảy ra lúc trước. Rồi khi nhớ lại chuyện cũ ngài choáng người kêu lên:

– Đây là đâu thế này, các ông?

Một vị khách hô lớn:

– Cùng nhau cạn chén, các vị! Rượu mật ong pha với bia xứ Brêmơ. Xin mời ngài chạm cốc với chúng tôi.

Hai chị hầu bàn bừng khay ra, cúi chào khách rồi rót rượu.

– Rượu gì thế này? Ngài hội thẩm tự hỏi, không dám uống.

Nhưng thấy người ta mời chào quá nên buộc lòng phải uống vậy. Có người bảo ngài say rượu, ngài tin vậy và nhờ thuê giúp cho một cái xe ngựa để về nhà. Nghe thấy ngài nói, người ta lại tưởng ngài nói tiếng Nga. Ngài chưa tiếp xúc với những người thô lỗ như thế bao giờ. Đất nước như lùi lại thời tà giáo. Ngài nghĩ thầm:

– Đây đúng là giờ phút kinh khủng nhất trong đời mình.

Ngài bèn chui xuống gầm bàn để bò ra cửa. Ngài bò ra gần đến nơi thì có người trông thấy. Họ vội nắm cẳng ngài lôi lại. Đôi giày tụt ra khỏi chân, phép lạ cũng biến mất. Ngài hội thẩm nhìn thấy trước mặt là một cột đèn đang chiếu sáng, còn phía sau là một toà nhà lớn. Bên cạnh ngôi nhà lớn là nhiều ngôi nhà khác đang đứng xếp hàng tiếp theo nó. Lúc này ngài đang ở phố Đông. Ngài vẫn còn đương bò dưới đất trước một cái cửa. Ngài trông thấy người tuần canh đang ngủ say trước mặt mình. Ngài ngồi lên, chung quanh và kêu lên:

– Quái thật! Sao mình lại nằm giữa đường mà ngủ thế này nhỉ. Giữa ngay phố Đông! Đèn ơi! Cảm ơn mày nhé! Mình chỉ uống một cốc rượu pha đường mà say như thế! Khiếp thật!
Hai phút sau ngài đã lên xe trở về Crixtinanhavu. Ngài nhớ lại những lo sợ khổ ải vừa trải qua và thầm khen cuộc sống thực tại sung sướng và hạnh phúc, thấy rõ ràng thời đại chúng ta chưa hoàn hảo lắm, nhưng đã hơn nhiều cái thời đại ngài sống lúc nãy.

Bác tuần canh nghe tiếng động bừng tỉnh và reo lên:

– Ơ này! Đôi giầy của ai thế này? Chắc là của quan trung uý trên gác này. Nhưng sao ngài lại để giầy ở đấy thế?

Bác tuần canh đã định bấm chuông gọi cửa đem trả lại giầy cho ngài. Nhưng bác thấy như vậy các nhà bên cạnh sẽ mất ngủ nên lại thôi, để sáng mai sẽ báo cho ngài biết.
Rồi buồn tay, bác sỏ thử giầy vào chân, miệng khen:

”Vừa khít. Da mềm quá! Đi êm!“

Xỏ thử vào giầy rồi bác ngồi nghĩ:

– Ngài trung uý vậy mà sướng! Chẳng vợ chẳng con, không bấn bíu gì. Tối đến lại đi tiêu khiển đến các giới giàu sang. Ước gì mình được như ngài thì sướng.

Mong được ước thấy. Do phép lạ của đôi giầy, bác tuần canh vừa ước thế thì liền nhập cả hồn lẫn xác và quan trung uý. Bác thấy mình đang sống trên gác, trong căn phòng của quan trung uý, tay cầm một mảnh giấy là bản thảo một bài thơ do quan trung uý viết. Đúng là của quan trung uý. Trong đời ai mà chả có lúc hồn thơ lai láng. Lúc ấy người ta viết những ý nghĩ của mình ra giấy thế là thành thơ. Nhưng bác tuần canh không thích thơ và cũng không thích làm quan trung uý. Mới thử một tí mà bác đã thấy chán, tiếc cái nghề tuần canh của mình, nó vất vả nhưng mà thích.

Do phép lạ của đôi giầy, bác đang thở dài thì từ trung uý bác lại thành tuần canh, mừng là đã từ bỏ được cái nghề mới của mình. Vậy là thân tuần canh lại trở về với phận tuần canh.

Mình vừa mơ thấy một giấc mơ kỳ cục; tự dưng lại thành ông trung uý ở trên gác, chẳng được hơn cái gì mà lại đâm ra nhớ mẹ thằng cu và mấy đứa con.

Bác ngồi xuống cái ghế vẫn ngồi canh cúi đầu suy nghĩ mông lung. Bỗng trên trời có một vì sao đổi ngôi. Bác lẩm bẩm:

– Sao đổi ngôi! Chắc là đổi sang một thế giới sung sướng hơn. Ước gì mình được đến gần vì tinh tú ấy mà xem nhỉ. Nhất là lại được đến mặt trăng thì tuyệt. Giá được đi chơi một vòng trên ấy thì nếu có chết ở bậc cửa này cũng cam.

Trên đời này có nhiều điều phải dè dặt trong lời nói. Xỏ đôi giầy hạnh phúc vào lại càng phải thận trọng. Chuyện đã xảy đến với bác tuần canh như sau:

Vừa dứt lời, bác tuần canh đã vượt qua sáu vạn dặm lên tới cung trăng. Bác tuần canh sa vào một ngọn núi lửa thường thấy vẽ trên tấm bản đò mặt trăng của nhà bác học Hat-le. Mặt trăng được cấu tạo bằng một chất nhẹ hơn trái đất của chúng ta, tựa như tuyết khi mới rơi xuống đất. Bác tuần canh thụt sâu xuống đến nửa dặm Đan Mạch. Bên dưới là một làng hoàn toàn một màu lòng trắng trứng hoà với nước, nhưng nom rõ cả cái tháp tròn, cửa cuốn ban thờ đung đưa trên không. Trái đất của chúng ta tựa như một ngọn đèn khổng lồ treo lơ lửng trên đầu. Trên mặt trăng có nhiều sinh vật mà trái đất ta gọi là người, nhưng họ không giống chúng ta. Họ cũng có tiếng nói linh hồn bác tuần canh nghe hiểu được.

Trên mặt trăng họ cũng có những cuộc tranh luận về trái đất chúng ta. Họ nêu giả thuyết trái đất có người sinh sống và bàn cãi. Nhiều ý kiến cho rằng không khí ở trái đất dầy đặc quá, không thể sống được, chỉ có mặt trăng là có sinh vật mà thôi. Mặt trăng là tinh tú hoàn hảo nhất. Đấy là nơi trú ngụ của người nhà trời thời cổ xưa.

Chúng ta quay lại phố cửa Đông xem bác tuần canh bây giờ thế nào.

Bác đang nằm chết ở bậc cửa, mắt bác ngước lên mặt trăng, nơi hồn bác đang du ngoạn. Một người đi đường hỏi:

– Mấy giờ rồi bác?

Thấy bác không trả lời, người ta véo vào mũi bác, lấy tay vả vào mồm bác. Bác vẫn nằm sóng sượt bất tỉnh như một xác chết. Ai thấy thế cũng sợ. Họ cho là bác chết rồi, không thể cứu chữa được. Nhưng tảng sáng họ vẫn đưa bác vào nhà thương. Chúng ta tưởng tượng xem khi trở bác về trái đất hồn bác không tìm thấy xác thì bối rối biết chừng nào. Chắc hẳn hồn bác phải chạy đến sở cảnh sát, rồi đến phòng giữ đồ đạc, đánh mất và cuối cùng đến nhà thương. Hồn con người được thả lỏng thì tinh khôn lắm. Chỉ khi nhập vào xác. Hồn mới trở thành đần độn, nhất định nó sẽ tìm được xác bác tuần canh. Khi đem bác vào nhà thương, người ta đưa bác ngay xuống nhà xác. ở đây người ta chuẩn bị để nhập quan. Trước tiên phải cởi bỏ quần áo cũ và giầy dép để lau rửa cho bác rồi mặc áo quần mới. Người hộ lý vừa tụt đôi giầy ở chân bác tuần canh ra bỗng bác bật dậy. Thì ra hồn bác đã quay về tìm được xác bác và nhập vào và bác sống lại.

Bác tuần canh đã kể lại câu chuyện trong đêm và nói rằng đêm ấy là một đêm khủng khiếp nhất trong đời bác. Có cho bác hai đồng tiền mà bảo bác sống lại một đêm như thế, bác cũng xin chịu.

Ngay hôm ấy bác ra viện, nhưng đôi giầy thì ở lại trong nhà thương.

Người dân thủ đô Côpenhahagơ không ai biết cách cửa vào bệnh viện Frêđêrich, nhưng tất cả các bạn đọc sách của tôi không phải ai cũng là người Côpênhagơ, nên tôi muốn giới thiệu vắn tắt vài nét.

Từ ngoài phố đi vào nhà thương có một hàng rào sắt khá cao, chấn song sắt to và thưa, đủ cho trẻ con chui qua. Thông thường thì có cái đầu là khó chui nhất. Hễ đầu đi thì đuôi cũng lọt, người ta vẫn nói thế mà. Nhưng trường hợp sắp kể dưới đây có khác.

Một anh y tá phụ trẻ tuổi của nhà thương hôm ấy có phiên gác đêm. Mưa rào nhưng anh ta vẫn muốn bỏ trốn đi chơi mười lăm phút. Tối trời lại mưa, chẳng ai ra ngoài lúc này, nên cậu gác chui qua lối cổng chính.
Vừa lúc ấy cậu ta trông thấy đồi giầy bác tuần canh để quên. Giời mưa được đôi giầy đi thì tiện quá. Cạu liền vơ lấy xỏ luôn vào chân. Rồi cậu ra phía cổng để chui qua hàng rao. Vừa đi cậu vừa lẩm nhẩm như cầu nguyện: ”Lạy giời, sao cho đầu tôi lọt qua được!“

Nhờ phép lạ của đôi giầy, cái đầu to tướng của cậu chui qua một cách dễ dàng. Giờ đến lượt cái mình. cậu cứ tưởng đầu đi thì đuôi lọt. Nhưng loay hoay mãi vẫn không lách bụng ra được.

– Không ngờ mình lại to béo thế. Cậu lẩm bẩm một mình.
Xoay người đi, xoay người lại đến rách cả áo, cậu ta vẫn không sao qua được.

Oái oăm hơn nữa là rút đầu lại cũng không được. Thế là tiến thoái lưỡng nan! Cậu nổi cáu, không còn giữ được vui vẻ như ngày thường. Giẫy giụa mãi cũng không ăn thua gì. Thế mới chết chứ!

Trời vẫn mưa như trút nước xuống, phố xá vắng tanh. Muốn với cái chuông để giật nhưng không với tới. Làm thế nào để thoát khỏi bước nguy khốn này. Chưa biết chừng cứ phải đứng như thế này cho đến sáng, rồi nhờ ông thợ khoá đến cưa một song sắt đi. Nhưng vậy thì lâu quá, mưa rét thấm vào người cảm mất; rồi các chị nhà bếp và bọn trẻ con kéo nhau đến xem và bêu xấu mình.

– Ôi nguy quá! Nguy quá! Ước gì thoát khỏi nơi này! Cậu vừa dứt lời liền rút được đầu ra ngay. Giá cậu biết đôi giầy có phép lạ thì phải ước sớm hơn nhưng cậu không hay biết gì cả.

Hết tội ấy lại đến tội khác, rõ khổ cho cậu phụ tá bệnh viện. Tôi xin kể tiếp để bạn đọc nghe.

Ngay tối hôm ấy tại câu lạc bộ có đêm văn nghệ. Chương trình có tiết mục ngâm thơ. Đầu đề bài thơ là: “Đôi kính lão của bà nội”.

Nội dung bài thơ như sau: Bà nội có đôi kính nhìn thấy suốt tâm can mọi người, nhìn ai là đọc được những ý nghĩ thầm kín của người ấy. Cậu phụ tá nhà thương cũng có mặt trong buổi văn nghệ ấy. Trời mưa đường lội nên cậu ta vẫn kéo đôi giầy bắt được hôm trước, vì không thấy ai đến đòi.
Cậu ta cứ suy nghĩ về chủ đề bài thơ và ước ao có được cái kính như thế nào thì cậu cũng có thể thấu suốt tâm can mọi người.

Nếu mình đột nhập vào đáy lòng các ông bà khán giả ngồi ghế hàng đầu kia thì mình sẽ lục lọi khắp chỗ trong lòng họ như lục lọi một kho hàng. Lòng bà này thì như một ngăn chứa đầy quần áo đủ kiểu đủ mốt; lòng bà kia thì rộng tuếch chẳng có gì. Lòng bà thứ ba con tim thấy mình mời chào rối rít lại xem. giá mình lọt được vào một con tim nhỉ!
Cầu được ước thấy.

Cậu chui ngay vào tim một bà sang trọng. Cậu thấy tim bà ta như một mỹ viện. Cậu vào một căn phòng, trên tường treo nhiều chân tay dị dạng. ở đây khác với mỹ viện. ở mỹ viện, người tàn tật đến mới làm khuôn, còn trong tìm bà thì những con người tội nghiệp không cần trình diện cũng được làm khuôn và khuôn được giữ lại cẩn thận. Bà chủ có toàn bộ chân dung các bạn của bà rất phong phú làm nổi bật những nhược điểm về thể chất và tinh thần từng người.

Lục lọi xong trái tim bà thứ nhất, cậu phụ tá sang trái tim một bà khác. Tim bà thứ hai này giống như một toà nhà thờ rộng lớn và thần bí. Chim bồ câu trắng tượng trưng cho sự trong sạch xoè cánh trên bàn thờ. Nếu không phải đi sang trái tim khác thì cậu ta đã quỳ xuống rồi. Sang đến trái tim khác vẫn còn nghe vọng thấy tiếng phong cầm. Tìm trong danh sách các vị tai to mặt lớn thế nào cũng thấy tên bà.

Bước sang trái tim khác, anh thấy như vào một phòng khách dát toàn bằng gương như trong lâu đài Rôxăngpo nhưng khác ở lâu đài kia là gương ở đây phóng đại mọi vật lên to một cách ghê ghớm.

Sau cùng cậu ta vào một trái tim, cậu thấy bí rì, gỡ mãi mới tìm được lối ra.

Đến đây thấy mệt rồi, cậu đình chỉ việc khám nghiệm. Cậu thấy choáng váng, đầu óc quay cuồng, thân thể bất an.. Và cậu ta nghĩ ngay đến cách chữa là nước tắm nước nóng.

– Ước gì mình được ở trên bậc cao nhất của phòng tắm để nước đầy đủ và có độ nóng tốt nhất.

Cầu sao được vậy. Hơi nước tụ thành giọt nhỏ xuống mặt cậu. Nước nóng quá! Cậu thét lên và nhảy bổ sang phòng tắm nước lạnh. Cậu hầu phòng thét lên khi thấy cậu ta mặc cả quần áo vào buồng tắm. Cậu ta đã nhanh trí biện bạch.

– Tôi chơi đánh cuộc đấy mà.

Về đến nhà, việc đầu tiên là cậu ta dán ngay một lá cao lên gáy và lưng để khỏi phát điên. Vậy mà hôm sau lưng cậu ta vẫn rộp cả lên.

Đi đôi giầy hạnh phúc vào, cậu ta sướng thế đấy.

Mấy hôm sau cũng chẳng thấy ai đến nhận đôi giầy, bác tuần canh để đem đến sở cảnh sát.

Một ông tham làm việc tại đó, ngắm nghía đôi giầy, rồi đặt cạnh đôi giầy của mình, ông bảo:

– Hai đôi giầy giống nhau như hệt. Ngay thợ giầy cũng khó phân biệt đôi nào với đôi nào.

Có người cầm lá đơn đến trình:

– Bẩm quan tham!

Ông tham quay lại nói vài câu, rồi quay lại chỗ để giầy.
Nhưng ông chẳng còn nhớ đôi giầy nào là của mình. Ông nghĩ đôi nào ướt là của mình.

Nhưng ông ta đã nhầm, chính đôi giầy ướt là đôi giầy hạnh phúc.

Ông tham xỏ giầy, nhét công văn vào túi đem về nhà xem. Thấy đẹp trời ông đi dạo một lúc lên quảng trường Frêđêrich. Vừa đi ông vừa ngắm cảnh. Ông nhìn chim chóc nhảy nhót ca hát vui vẻ trên cành và nói như than thở:

– Chúng sướng thật! Sướng hơn ta nhiều! Bay bổng tít trên trời, đi mây về gió, tha hồ tung cánh. Ước gì mình cũng bay được như chúng!

Vừa nói xong, cánh tay và vạt áo của ông biến thành cánh chim, vải biến thành lông, giầy biến thành chân chim. Ông đã thay hình đổi dạng và nghĩ thầm:

– Vậy là mình đã thành chim, tha hồ bay lượn. Tất cả vạn vật đều ở dưới ta. Bạn của ta là nắng, là gió, là mây.

Vừa nói một mình như thế, ông tham bây giờ là chim sơn ca, chao lên đảo xuống. Một lúc lâu, ông xà xuống, ngó nghiêng tứ phía. Bỗng có cái gì to lớn úp chụp lên người ông. Thì ra một chú bỏ đi ngang qua đấy, thấy con chim đẹp liền lấy mũ chụp lấy và nắm chắc mang đi.

Ông tham hoảng quá, ông kêu lên:

– Bỏ tao ra, đồ ranh con! Có bỏ ra không?

Thằng bé chỉ nghe tiếng chim chiêm chiếp nên chẳng biết là ông tham.

Dọc đường, nó gặp hai cậu học trò. Các cậu hỏ mua thằng bé đồng ý bán với giá tám si linh. Thế là ông tham được chúng đem về phố Gốt, kinh thành Côpennhagơ.

Mấy đứa trẻ mang ông vào một ngôi nhà đẹp. Một bà to béo ra đón chúng. Nhưng bà tỏ vè không thích chim sẻ (bà gọi chim sơn ca, tức ông tham là chim sẻ); bà ta chỉ cho đem vào một ngày thôi mà phải nhốt vào lồng, treo ở cửa sổ.

– Có lẽ Pốp thích lắm đây! Bà vừa nói vừa chỉ tay vào một con vẹt xanh to tướng đang lắc lư cái đầu trong chiếc lồng bằng đồng thau. Hôm nay vừa đúng là ngày sinh nhật của Pốp. Con chim sẻ sẽ chúc mừng nó.

Một con hoàng yến trong lồng hót vang. Bà to béo mắng và vứt cái giẻ trắng trùm lên lồng nó. Con chim hoàng yến kêu thêm vài tiếng rồi im bặt. Ông tham (tức chim sẻ) được nhốt vào lồng bên cạnh lồng hoàng yến, đặt gần lồng con vẹt. Con vẹt oang oang một tràng tiếng người mà chủ dạy nó. “Thôi thôi để yên cho chúng tao sống làm người với chứ!”.

Hoàng yến cũng hót lên cho người bạn mới nó là con chim sẻ nghe:

“Mới đây không lâu tôi còn bay lượn dưới bóng dừa xanh và bóng cây hạnh đang nở hoa. Tôi bay cùng các anh chị tôi trên rừng hoa thơm ngát, trên mặt biển trong vắt, trên bờ rợp bóng cây. Tôi cũng đã nghe nhiều con vẹt hót nhiều chuyện rất hay rất lạ.

Vẹt ngắt lời:

– Anh nghe đấy là vẹt rừng. Chúng không được dạy dỗ gì cả. “Thôi để yên cho chúng tao sống làm người với chứ! Sao mày không cười ầm lên. Bà chủ và khách cũng đang cười kia kìa. Mày không biết thưởng thức những cái hay ở đời. Thôi!thôi để yên cho chúng tao sống làm người với chứ!

– Mày còn nhớ bóng dáng các cô xinh đẹp nhảy múa dưới rặng chuối đang trổ hoa hay không! Có nhớ những khu rừng già rợp bóng mát và đầy hoa thơm quả ngọt không?

Vẹt đáp:

– Có chứ! Nhưng bây giờ tao thấy sung sướng hơn. Tao được nuôi nấng đầy đủ, được đối xử tử tế. Tao thấy thế nàyy là thoả mãn rồi không còn gì hơn nữa. Từ nay trở đi chúng ta hãy sống như người thật. Hãy bỏ giọng hót bi ai của mày đi! Hãy nói cái gì làm cho người ta cười lên. Tiếng cười biểu hiện sự thông minh đã đến tuyệt đỉnh. Chó hay ngựa có biết cười đâu? Chúng nó kêu thì được, chứ cười thì không. Chỉ có loài người mới biết cười. Từ nay trở đi chúng ta sẽ sống như người thật.

Hoàng yến quay lại sẻ nói:

– Này chú chim sẻ xứ Đan Mạch. Thế là chú cũng bị cầm tù rồi. Chú sống trong cánh rừng chắc rét lắm, nhưng mà được tự do. Hãy quay về đi thôi. Chuồng chú người ta quên đóng cửa. Phía trên lại có cái cửa sổ để ngỏ. Trốn được đấy! Trốn đi!

Không một phút do dự, chim sẻ nhảy phắt ra khỏi lồng. Cùng lúc có tiếng cửa phòng rít lên. Một con mèo mắt xanh lẻn vào săn chim. Hoàng yến vùng vẫy kêu lên. “Từ nay chúng ta hãy sống với nhau như người thật!” Ông tham sợ quá, vội bay vọt ra khỏi lồng, rồi chẳng phương hướng gì, cứ mải miết bay, qua nhà cửa, phố phường. Đến lúc mỏi cánh, ông dừng lại xả hơi. Thấy nhà bên cạnh quen quen, có một cửa sổ để ngỏ, ông bay vào.

Lại chính nhà ông! Ông ngồi ngay vào bàn, chẳng suy nghĩ gì, chỉ nhắc lại câu nói của con vẹt: “Từ nay trở đi chúng ta hãy sống như người thật”.

Và, kỳ diệu sao, ông tham lại biến thành ông đang ngồi ở bàn. Ông kêu lên:

– Lạy trời phù hộ! Thế nào mà mơ xong, mình lại ngồi đây! Lúc nãy mới lo làm sao chứ! Thật là dại dột!

Sáng sớm tinh mơ hôm sau, ông tham còn đang nằm trên giường đã nghe tiếng gõ cửa. Đấy là một anh sinh viên khoa thần học, nhà ở phòng bên cạnh, cùng một gác. Anh bước vào khẩn khoản:

– Bác cho tôi mượn đôi giầy. Ngoài vườn ướt quá, tôi muốn ra thở hít không khí trong lành buổi sáng.

Anh xỏ giầy vào chân và xuống ngay dưới vườn. Trong vườn chỉ có một cây táo và một cây mận. Nhưng giữa thủ đô Côpenhagơ mà có được một mảnh vườn dù nhỏ cũng là thú vị. Anh sinh viên đi bách bộ. Trời còn sớm. Chưa đến sáu giờ. Ngoài phố bỗng vang lên tiếng tù và của người đánh xe ngựa. Nghe tiếng vó ngựa lọc cọc trên đường cái quan, anh liên tưởng ngay đến chuyện du lịch và kêu lên:

– Ôi du lịch! Du lịch thật là sung sướng, thật là hạnh phúc ở đời. Ta không mong gì hơn. Đó là liều thuốc an thần giữa lúc ta đang bị tâm can cắn rứt. Ước gì ta được sang Thụy Sĩ một chuyến, rong ruổi qua nước Ý.

Cầu được ước thấy. Cũng như những người trước anh xỏ đôi giầy hạnh phúc vào chân, ước cái gì được ngay cái ấy. Anh sinh viên ước đi du lịch, lập tức đôi giầy đã đưa anh sang nước Ý đúng như mong ước của anh. Anh ngồi trong một cái xe ngựa, giữa mấy kiện hàng. Anh thấy nhức óc, khó thở, đầu nặng như chì, máu dồn xuống đôi chân nhét chật cứng trong ủng. Anh thấy như nửa tỉnh nửa mê; túi bên phải anh để phiếu tín dụng, túi bên trái để giấy thông hành, trên ngực lại lủng lẳng một cái túi đựng mấy đồng tiền vàng và khâu kỹ bên trong. Cứ hễ chợp mắt lại mơ thấy một thứ gì đấy. Thế là anh giật mình tỉnh dậy, vội vàng sờ xem có còn không. Chẳng đêm nào được ngủ yên giấc. Suốt ngày cứ như thấy có kẻ đến cướp đến trấn lột. Rồi mũ, ô, gậy quặc trên mui xe cứ đung đưa và vào đầu vào mặt làm anh bứt rứt khó chịu.

Cảnh vật xung quanh vĩ đại, oai nghiêm, những cánh rừng từng nhô ra trên vách núi dựng đứng, đỉnh núi khuất trong sương mù. Tuyết bắt đầu rơi, trời lạnh. Anh bắt đầu cảm thấy chán cảnh ngao du nơi đây. Anh nghĩ thầm:

– Ước gì lại được sang phía bên kia dãy núi Anpơ! Sang bên ấy sẽ được sống khí hậu mùa hè và được lĩnh tiền bằng phiếu tín dụng. Giá lạnh thế này chẳng muốn ở lại đất Thuỵ Sĩ nữa. Làm sao sang được bên kia núi nhỉ!

Điều mong ước của anh sinh viên lập tức được thực hiện. Chỉ một chớp mắt anh đã thấy ở bên kia dãy núi, trên đất ý, giữa Florăngxơ và Rômơ. Nước hồ Traxinen lấp lánh dưới ánh nắng chiều tà nom như vàng lỏng giữa màu xanh thẫm của núi non, nơi xưa kia Anniban đã đánh bại những cây du thụ xanh tươi một cách thanh bình. Bọn trẻ con mình trần đang chăn đàn lợn đen trong cánh rừng nguyệt quế màu hồng toả hương thơm ngát hai bên đường. Giá tôi có tài mô tả được đầy đủ cảnh tượng mỹ lệ nơi đây, chắc bạn đọc phải kêu lên: “Nước Ý đẹp quá!” Nhưng anh sinh viên của chúng ta và các du khách đi cùng xe với anh, chẳng ai reo lên như thế một lời nào.

Côn trùng và ruồi muỗi bay quanh chiếc xe. Họ lấy cành xim xua chúng đi nhưng không được. Không một người nào trong xe không bị chúng đốt cho sưng mặt. Chúng bâu vào cả mắt mặt những con ngựa kéo xe, làm ngựa phải vất vả mới nhìn ra đường đi. Từng đàn ruồi xông vào đốt chúng, người đánh xe liên tục xuống xe đuổi ruồi cho chúng. Lúc mặt trời lặn, gió nổi lên làm cảnh vật rung chuyển. Núi non toàn một màu xanh ngắt. Đến tận nơi ngắm mới thấy thật là hùng vĩ. Những lúc này du khách đang đói bụng. Họ mong được gặp một quán trọ để ăn nghỉ hơn là cảnh đẹp thiên nhiên.

Lúc qua một cánh rừng ô-liu, anh sinh viên thần học lại nhớ về tổ quốc mình. Anh thấy những cây ô-liu ấy không đẹp bằng những cây liễu già xù xì đấy mấu nơi quê hương mình. Đi thêm một quãng nữa, họ đến một quán trọ quạnh hiu. Trước cửa quán là một tốp ăn mày, người thì chân thọt, người thì mụn nhọt đầy tay, người thì tay thọt đến tận khuỷu. Họ thi nhau kêu xin cứu giúp, giọng rền rĩ xé ruột xé gan. Anh sinh viên vất vả lắm mới thoát khỏi vòng vây của họ, để vào quán trọ. Chủ quán là một mụ già, quần áo bẩn thỉu, đi đất, tóc xoã, miệng mỉm cười, trông gớm ghiếc như con quỷ cái, ra mời khách. Cửa quán buộc bằng dây thừng, trần nhà đầy dơi đậu, một mùi hôi kinh khủng vào mũi.

Một khách hàng hỏi:

– Dọn bàn ăn xuống chuồng ngựa có được không, bà chủ. Xuống đấy chỉ có riêng mùi phân ngựa, chứ ở đây đủ mọi thứ mùi, ngồi đây ăn sao nổi.

Bà chủ quán hiểu ý, ghé mở cửa phòng cho thoáng; nhưng cửa vừa mở, cả đoàn ăn xin xô đến, van nài:

– Xin các ông các bà cứu khổ cứu nạn, giúp cho kẻ khốn cùng.

Nhà hàng bưng mâm ra. Vừa đặt mâm xuống mùi hạt tiêu và dầu xả xông lên. Trứng thì ung, thịt gà thì khét, rượu vang thì pha, khó uống quá, đắng như thuốc.

Đêm ngủ không an toàn. Khách phải lấy xích sắt cửa, thay nhau thức để canh gác. Trong nhà không khí ngẹt thở. Bên ngoài lũ ăn mày vẫn lảm nhảm: “Xin các ông các bà cứu khổ cứu nạn, giúp cho kẻ khốn cùng.”

Trong lúc còn đang mắt nhắm mắt mở, anh sinh viên thần học cứ tưởng mình đang trên giường một căn phòng, giữa thủ đô Côpenhagơ, dưới kia là mảnh vườn nhỏ có cây táo và cây mận.

Đến lúc tỉnh hẳn, anh ta mới nhớ ra rằng mình đang trên đường đi du lịch tại nước ý. Dần dần anh nhớ ra những nhọc nhằn vừa trải qua và những chán ngán gặp phải trên đường. Rồi anh nằm chen chúc trên một ổ rơm hôi hám, chốc nữa mới dậy lại ngồi vào bàn ăn món gà khét lẹt, trứng tráng ung, rượu vang pha uống đắng như uống thuốc trong một căn phòng bí hơi, vừa ăn vừa nghe lũ ăn này lảm nhảm ngoài cửa: “Lạy ông, lạy bà, cứu khổ cứu nạn, giúp kẻ bần cùng”.

Anh sinh viên nghĩ bụng:

– Giá đi du lịch mà chỉ đem theo cái hồn thôi thì khoái biết mấy! Chứ như thế này thì phiền toái quá! Ước gì mình chỉ có linh hồn không thôi nhỉ. Như vậy khoái hơn, cứ như thế này chẳng khoái tí nào!

Anh sinh viên nghĩ như thế bỗng dưng anh thấy mình đang ở quê nhà. Rèm trắng dài buông rủ trên các cửa sổ. Giữa phòng đặt một chiếc quan tài sơn đen, trong đó xác anh sinh viên đang nằm ngay ra bất động, còn linh hồn thì đang chu du thiên hạ.

Một học giả Aten cổ đại là Xôlông đã có lần nói:

“Đừng có vội vàng nhận định ai sung sướng trước khi người ấy chết”.

Câu nói ấy của nhà học uyên thâm đã được thể hiện trong câu chuyện tôi kể trên đây.

Hai cái bóng bước vào phòng. Đó là thần Trừng phạt và sứ giả của thần Hạnh phúc. Hai thần ghé xuống nhìn xác chết.
Thần Trừng phạt hỏi:

– Đi giầy hạnh phúc đã đem lại hạnh phúc gì cho người trần?

Thần kia trả lời:

– Đã đem cái chết dịu dàng, cái chết giữa tuổi thanh xuân cho anh ta trước khi anh ta phải nếm mùi khổ hạnh của cuộc sống.

– Cô nhầm rồi! Thần trừng phạt lại nói. – Anh ta đã chết quá sớm. Sống chưa hết kiếp. Do vậy tuy anh ta có quyền hưởng hạnh phúc sau nhiều thử thách gian lao, nhưng anh ta đã không được hưởng. Ta sẽ thực sự cứu giúp anh ta.

Nói rồi thần trừng phạt tháo đôi giầy hạnh phúc từ chân anh ra. Anh sinh viên bỗng tỉnh dậy. Cả thần Trừng phạt lẫn đôi giầy biến mất.

13. Anh chàng chăn lợn

Ngày xưa, có một hoàng tử rất nghèo chỉ có một giang sơn nhỏ hẹp. Tuy nhiên, giang sơn ấy nhỏ thì nhỏ thật, nhưng cũng đủ để cho chàng kén được một người vợ và lúc này chính là lúc chàng đang muốn tìm người làm bạn trăm năm.

Chàng rất sẵn sàng hỏi công chúa con hoàng đế : “Nàng có bằng lòng kết duyên với ta không ?” Chàng rất có thể làm thế, vì danh tiếng của chàng vang lừng khắp vùng và có thể đến hàng trăm công chúa nghe chàng hỏi như thế sẽ trả lời : “Vâng”

Nhưng đây lại là con gái hoàng đế ! Các bạn hãy nghe đầu đuôi câu chuyện :

Trên mộ vua cha mọc một cây hồng. Trời ! Cây hồng mới đẹp làm sao ! Cứ năm năm nó mới ra hoa một lần, lại chỉ mọc có một đóa, nhưng đó là một đóa hồng thơm dịu đến nỗi chỉ ngửi hoa thôi cũng đủ quên hết ưu phiền. Hoàng tử lại còn có một con họa mi hót hay tuyệt vời. Từ cái cổ họng nhỏ xíu của nó phát ra những khúc điệu thánh thót. Con gái hoàng đế nghe họ đồn vậy muốn có cả hoa hồng và họa mi. Hoàng tử bèn đặt cả hai thứ vào hai tráp bạc gửi biếu nàng.

Hoàng đế cho đem những thứ ấy đến cho ngài xem trong đại điện, nơi công chúa đang chơi trò tiếp khách với các cung nữ. Vừa nhìn thấy những tráp bạc, nàng vỗ tay hoan hỉ reo lên :

– Ước gì được con mèo con thì thú quá !

Nhưng người ta lại lôi cây hồng ra trước.

Các cung nữ rú lên :

– Ố ! Đẹp quá !

Hoàng đế nói :

– Đẹp, chưa đủ, phải nói là tuyệt mỹ mới xứng.

Nhưng công chúa chạy ra ngửi hoa và phụng phịu nói :

– Ồ ! Tâu phụ vương, hoa thật chứ không phải hoa giả !

Bọn nịnh thần phụ hoạ :

– Ôi chao ! Hoa hồng thật !

Hoàng đế phán :

– Hãy xem cái tráp kia đựng gì đã, rồi hãy bực mình cũng chưa vội.

Người ta mở tráp cho con họa mi ra. Nó cất tiếng ca thánh thót, hay không còn chê vào đâu được.

Bọn cung nữ nói bằng một thứ tiếng Pháp rất dở như họ thường dùng :

– Charmant ! Merveilleux ! (Dễ thương quá ! Tuyệt quá !)

Một lão nịnh thần tán :

– Con chim này làm hạ thần nhớ lại đến cái hộp đựng thuốc bào có máy hát của cố hoàng hậu, giống như hệt, từ giọng cho đến điệu.

– Đúng lắm ! Đúng lắm ! Hoàng đế nói rồi òa lên khóc như một đứa trẻ con.

Công chúa nói :

– Không thể tin đây lại là một con họa mi thật.

Những người đem chim đến vội tâu :

– Thưa đúng là chim thật đấy ạ !

– Thế thì cho nó bay đi thôi !

Và nàng kiên quyết không cho hoàng tử vào cung.

Nhưng chàng không hề nản lòng. Chàng lấy phẩm nâu và phẩm đen bôi lên mặt, kéo mũ sụp xuống tận mắt, giả vờ đi khập khiễng, bước vào trình diện và nói :

– Thánh thượng vạn tuế ! Cúi xin thánh thượng cho kẻ bầy tôi vào hầu hạ trong hoàng cung.

– Có nhiều người xin việc quá rồi. Nhưng ta cần một người chăn lợn, nhà ngươi có làm được việc ấy không ?

Hoàng tủ nhận chăn lợn. Người ta cho chàng một căn buồng tồi tàn gần chuồng lợn. Chàng cặm cụi suốt ngày và ngay tối đầu tiên chàng đã làm xong một cái nồi xin xắn có gắn đầy nhạc. Mỗi khi đặt nồi lên bếp, nhạc rung lên một điệu khúc cổ xưa của nước Đức.

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !
( Ô này ! Augustin thân mến ơi ! mọi việc đều như ý, như ý, như ý! )

Nhưng kỳ diệu nhất là mỗi khi thò ngón tay vào đám hơi bốc ở nồi ra thì lập tức ngửi ngay thấy mùi tất cả các món ăn đang xào nấu trên tất cả các bếp trong kinh thành.

Nhất định là cái nồi ấy khác xa một bông hồng !

Công chúa cùng tất cả các cung nữ đi chơi qua nghe thấy tiếng nhạc, dừng lại nghe và mê tít, vì nàng cũng biết chơi bản nhạc ấy.

Ach ! du lieber Augustin !

Nhưng phải nói thật: nàng chỉ biết chơi có mỗi một câu ấy, và chỉ biết đánh đàn kiểu mổ cò thôi. Công chúa thốt lên :

– Chính là cái điệu khúc ta đã thuộc. Tên chăn lợn chẳng phải là người ngu đần đâu. Hãy vào hỏi hắn ta xem cái đàn của hắn ta đáng giá bao nhiêu tiền.

Một cung nữ chui vào chuồng lợn, trước khi vào chuồng không quên đi guốc, rồi hỏi :

– Cái nồi này anh lấy bao nhiêu tiền ?

– Tôi lấy mười cái hôn của công chúa.

Cung nữ kêu lên :

– Trời ơi là trời !

– Không lấy kém đâu.

Côn chúa hỏi:

– Hắn ta bảo sao ?

Cung nữ đáp:

– Con chẳng dám nhắc lại đâu. Khiếp lắm !

– Nói thầm cho ta hay vậy.

Người cung nữ tuân lệnh.

– Quân thô tục.

Công chúa kêu lên và bỏ đi. Nàng đi chưa được mười bước, nhạc lại bắt đầu thánh thót ngân vang:

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !

– Chạy lại hỏi hắn ta có bằng lòng nhận mười cái hôn của các cung nữ không ?

Chàng chăn lợn trả lời:

– Không, xin cảm ơn ! Mười cái hôn của công chúa kia, không thì xin cứ để nồi đấy cho tôi.

Công chúa nói:

– Bướng bỉnh thật ! Thôi đành, các người đứng vây lấy ta, đừng để ai trông thấy.

Các cung nữ quây tròn lại và căng váy ra. Chàng chăn lợn được mười cái hôn, còn công chúa thì được cái nồi.

Mọi người đều vui sướng. Người ta đem cái nồi ra chơi suốt buổi tối. Không còn một bếp nào trong kinh thành giữ bí mật được nữa. Từ quan thị vệ cho đến các thợ giày, ai ăn gì họ đều biết cả. Các cung nữ thích quá, vừa vỗ tay vừa nhảy cẫng lên.

– Chúng mình biết hết: ai sẽ là người ăn xúp với hạnh nhân hay trứng tráng, ai là người sẽ ăn thịt quay và món bột nấu với sữa. Tuyệt thật !

– Đúng thế. Quan giám thị trong cung phụ hoạ.

Công chúa dặn thêm :

– Cốt nhất là không được bép xép gì vì ta là con gái hoàng đế, nghe chưa ?

Tất cả các cung nữ đồng thanh:

– Trời sẽ giữ mồm giữ miệng cho chúng con !

Chàng chăn lợn, tức là hoàng tử mà mọi người tưởng là một anh chăn lợn chính cống, không để một ngày giờ trôi qua mà không sáng chế ra một thứ gì mới.

Chàng gọt được một cái Cơrêxen rất xinh. (Crécelle : một thứ nhạc cụ bằng gỗ hình tròn, có các thanh gỗ to nhỏ, khi quay có một cái cần đập vào các thanh gỗ phát ra tiếng)

Khi quay, cái Cơrêxen ấy phát ra nào là điệu valse, nào điệu phi ngựa, điệu ponka, tóm lại, đủ các điệu nhảy trên đời.

Công chúa đi qua, phải thốt ra :

– Hay quá đi mất ! Ta chưa từng được nghe thứ nhạc mê ly ấy bao giờ. Vào hỏi hắn ta xem cái vật ấy đáng giá bao nhiêu; nhưng lần này thế nào thì thế, ta cũng không hôn hắn đâu đấy.

Người cung nữ vào hỏi rồi trở ra trả lời :

– Lần này anh ta đòi một trăm cái hôn.

Công chúa nói :

– Điên ! – và nàng bỏ đi.

Nhưng đi chưa được mười bước công chúa đã dừng lại phán :

– Phải khuyến khích nghệ thuật. Ta là con gái Hoàng đế. Vào bảo hắn là ta sẽ ban cho hắn mười cái hôn như hôm qua, còn bao nhiêu thì cung nữ của ta sẽ hôn cho đủ số.

Cung nữ giẫy nẩy:

– Hôn cái anh chàng thô lỗ ấy à ?

Công chúa nói:

– Thì đã làm sao ? Đến ta đây cũng còn hôn được huống chi các ngươi là bề tôi do ta nuôi cho ăn và trả tiền !

Người cung nữ lại quay vào chuồng lợn. Chàng chăn lợn khăng khăng :

– Một trăm cái hôn của công chúa, không thì ai giữ lấy của người ấy.

Công chúa truyền:

– Đứng quây lấy ta.

Các cung nữ đứng lại thành vòng tròn và chàng chăn lợn bắt đầu hôn.

Hoàng đế đang đứng trên bao lơn trông ra, tự hỏi :

– Có chuyện gì gần chuồng lợn thế kia ?

Ngài dụi mắt và đeo kính vào.

– À! Bọn cung nữ đùa nghịch. Phải ra xem bọn chúng đùa nghịch gì mới được! Hoàng đế đi giày băng túp vào, xuống thang gác rõ nhanh.

Xuống đến sân, ngài rón rén lại gần. Thật ra làm thế cũng bằng thừa vì các cung nữ còn đang mải đếm từng cái hôn để gã chăn lợn khỏi hôn quá số được hưởng.

Họ không biết có hoàng đế đi tới. Ngài kiễng chân nhìn vào và kêu lên :

– Thế này là thế nào ?

Rồi ngài rút giày băng rúp quật bọn cung nữ túi bụi.

Chàng chăn lợn đang hôn đến cái thứ tám mươi sáu thì hoàng đế cáu tiết hét:

– Cút ngay !

Thế là chàng chăn lợn và công chúa bị đuổi ra khỏi vương quốc.

Trời mưa như trút nước. Công chúa òa lên khóc.

Nàng than vãn:

– Khổ thân cho tôi ! Sao tôi chẳng lấy chàng hoàng tử đáng yêu có hay hơn không ?

Chàng chăn lợn chạy nấp sau một gốc cây, lau sạch phẩm nâu và phẩm đen trên mặt, cởi bỏ bộ quần áo xấu xí ra, trở lại chỗ công chúa trong bộ quần áo hoàng tử của mình và nói :

– Ta đến đây cốt để nói cho công chúa biết là ta rất khinh công chúa. Công chúa không muốn yêu một hoàng tử thật thà phúc hậu, công chúa không hiểu giá trị của bông hồng lẫn họa mi, nhưng vì một vật nhỏ mọn mà công chúa hôn một tên chăn lợn ! Cho đáng kiếp !

Chàng lập tức quay về nước mình, vào nhà và khóa chặt cửa lại. Công chúa đến trước cửa nhà chàng hát mãi:

Ach ! du lieber Augustin !
Alles ist vack, vack, vack !

Nhưng chẳng có hiệu quả.

Hoàng tử chẳng mở cửa.

14. Các hiệp sĩ nhảy cao

Một hôm, bọ chét, châu chấu và con nhảy muốn thi xem đứa nào nhảy cao nhất. Chúng mời tất cả các bậc tai to mặt lớn và tất cả những người nào hâm mộ đến xem cuộc đấu.
Thiên hạ biết cuộc thi ấy có đủ mặt ba kiện tướng nhảy cao.
Nhà vua phán:
-Công chúa sẽ ban giải cho kẻ nhảy cao nhất vì không nên để cho các nghệ sĩ ấy mất công toi.
Bọ chét tiến ra trước tiên. Cô ả chào bên phải, bên trái, dáng điệu rất chi là lịch sự, vì ả vốn con nhà khuê các, phong tư lịch duyệt có thừa, đâu phải một người thường.
Tiếp đến châu chấu, vụng về hơn tí tỉnh, nhưng điệu bộ cũng chẳng đến nỗi nào, với bộ cánh xanh hợp với cô nàng một cách tuyệt diệu.
Cô nàng còn cẩn thận giới thiệu mình là dòng dõi một gia đình Ai Cập từ xửa từ xưa và bản thân cô đã từng có nhiều vinh hiển: Có một đứa bé đã bắt cô ngoài ruộng và đặt trong toà lâu đài làm bằng những quân bài và cao những ba tầng kia đấy. Tòa lâu đài ấy dựng toàn bằng những quân bài K và Q có hình vua chúa, các cửa ra vào và cửa sổ đều được mở ra trên ngực các quân cơ.
Cô nàng bảo:
-Tôi hát hay đến nỗi mười sáu con cừu non sinh trong nhà ấy, những con cừu bé nhỏ tội nghiệp, biết kêu be be từ khi mới lọt lòng, đã gầy lại càng gầy thêm, vì ghen tức.
Trên đây là lời lẽ của bọ chét và châu chấu giảng giải một cách văn hoa dòng dõi quý phái và lòng quyết tâm của chúng để làm đẹp lòng một vị công chúa.
Con nhảy nín thinh, nhưng trong bụng thì nó cũng tự phụ chẳng kém gì bọ chét và châu chấu.
Con chó của nhà vua chỉ đánh hơi thôi cũng đủ đoán biết nó là con nhà tử tế. Một quan tư vấn già, ngực đeo tới ba tấm Nín lặng bội tinh, cho rằng con nhảy bé nhỏ kia có phép lạ: chỉ nhìn vào lưng nó thôi cũng có thể đoán được là mùa đông rét buốt hay rét ngọt, việc mà người ta có lật lưng các nhà thông thái ra cũng chẳng thể nào biết được.
Đức vua lại phán:
-Giờ thì ta chưa muốn tuyên bố gì cả. Nhưng ta sẽ có ý kiến sau.
Cuối cùng đến giờ đọ tài.
Bọ chét nhảy cao đến nỗi chẳng ai nhìn thấy nó đã nhảy đến đâu nữa. Người ta quả quyết nó nhảy đến tận gần mặt trăng. Kẻ thì cho rằng nó chẳng nhảy được tí nào, nhưng đó chỉ toàn là đoán phỏng.
Châu chấu chẳng biết có nhảy cao bằng bọ chét không, nhưng lại nhảy thẳng vào mặt nhà vua làm ngài văng ra một câu chửi tục.
Còn con nhảy bé nhỏ thì đứng im lặng hồi lâu. Nó đang ngẫm nghĩ. Mọi người đã bắt đầu tưởng nó không nhảy được.
Con chó của nhà vua lẩm bẩm:
-Miễn là cu cậu đừng có ốm đau gì nhé!
Rồi nó lại ngửi con nhảy lần nữa.
Nhưng vút một cái, con nhảy bé nhỏ vội vàng bật nghiêng sang bên và bật thẳng vào lòng công chúa đang ngồi trên một chiếc ngai vàng.
Thế là đức vua bèn phán:
-Mục đích cuộc thi là nhảy tới được con gái ta, kẻ nào làm được như thế tất nhiên không phải kẻ ngu ngốc. Con nhảy bé nhỏ vừa tỏ ra là mình có tài đấy. Chàng đã thắng.
Và thế là con nhảy được tặng danh hiệu hiệp sĩ nhảy cao của triều đình.
Bọ chét cãi:
-Dẫu sao tôi vẫn cứ là người nhảy cao nhất! Nhưng chẳng ai biết đến tôi. Thế mà cái thằng nhảy ấm ớ ấy lại được cuộc kia chứ! Tài năng chẳng có gì, chỉ có láu cá thôi.
Hờn giận, bọ chét bỏ ra nước ngoài làm ăn và nghe đâu đã chết nơi đất khách quê người.
Châu chấu ẩn dật dưới đáy một cái hố, ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái nơi hạ giới này. Cô ả cũng nói: “Ở đời cần phải biết tự tiến thân mới được”, rồi cô ả lại cất giọng đều đều mà nỉ non.
Cũng nên nói thêm là chính nhờ có cô ả mà chúng ta biết câu chuyện này, chứ nếu đọc sách thì rất có thể là một câu chuyện bịa.