Quyển 1 – Chương 46: Persée trừng phạt Atlas

Đôi dép có cánh giúp Persée vượt qua được những chặng đường dài đầy khó khăn gian khổ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chẳng mấy chốc chàng đã đi được một đoạn đường khá xa, bỏ lại sau lưng hòn đảo của lũ ác quỷ Gorgone. Persée đi như gió thổi mây bay trên bầu trời cao lồng lộng. Chàng vô cùng tự hào và sung sướng về chiến công của mình. Nhưng đường về hòn đảo Sériphe, quê hương của lão ông Dictys kính yêu nơi mẹ chàng đang ngày đêm mong ngóng, thương nhớ chàng, trông đợi ngày về của chàng, còn rất xa. Chàng phải tạm dừng chân ở quê hương của vị thần Atlas. Atlas là con của Titan Japet và là anh em ruột với vị thần Prométhée. Đất nước của vị thần Atlas thật là vô cùng giàu có và tươi đẹp. Người xưa kể dù ai có mười lưỡi, mười mồm và một bộ phổi bằng đồng cũng không thể nào nói hết được sự giàu có, đẹp đẽ của nó. Đồng cỏ thẳng tắp xanh rờn, cò bay mỏi cánh. Bò béo mập, cừu lông dày, dê đàn, ngựa giống ngàn ngạt… nếu đếm thì phải mất hàng tháng, hàng năm mới xuể. Quý nhất là vườn táo vàng mà Atlas lo lắng ngày đêm canh giữ. Không phải chỉ có những quả táo vàng mà cây táo cũng là vàng, cành táo cũng là vàng, lá táo cũng là vàng, một màu vàng rực rỡ, chói lọi. Nữ thần Thémis uyên thâm tiên báo cho Atlas biết rằng sẽ có một ngày nào đó một người con của thần Zeus vĩ đại đến nơi này và đoạt mất những quả táo vàng quý báu đó. Được lời tiên báo, Atlas lo lắng đề phòng. Thần bèn cho xây ngay quanh vườn táo những bức tường cao và dày, sai gia nhân ngày đêm canh phòng cẩn mật. Xem ra như thế cũng chưa đủ yên tâm, Atlas lại còn phái một con rồng hung dữ miệng luôn phun ra lửa, trấn giữ ngay nơi cửa ra vào. Đến thế rồi mà Atlas cũng chưa hết lo lắng. Thần suy tính tốt nhất là không giao thiệp với ai, tiếp đãi, mời mọc ai. Chỉ có thế thì mới có thể ngăn ngừa được người con của thần Zeus đến.

Persée từ trời cao hạ xuống đất nước Atlas. Chàng cúi chào trân trọng vị thần chủ nhân của một xứ sở giàu có và đẹp đẽ:

– Kính chào vị thần Atlas con của Titan Japet danh tiếng! Xin ngài hãy vì truyền thống quý người trọng khách của thần Zeus mà cho ta nghỉ tạm lại nơi đây ít ngày. Ta đã mệt mỏi sau một chặng đường dài và một cuộc giao tranh. Nhưng ta đã lập được một chiến công to lớn, chặt được đầu ác quỷ Méduse, diệt trừ được một tai họa cho dân lành. Xin ngài hãy cho người con của thần Zeus vĩ đại, chàng Persée này được nghỉ tại nơi đây. Xin ngài hãy coi đó là một phần thưởng ban tặng cho chiến công của chàng.

Atlas vừa nghe Persée xưng danh là con của Zeus thì tức khắc nhớ ngay đến lời tiên báo của Thémis. Có lẽ cái ngày đó, cái ngày mà lời tiên báo nói đến là hôm nay đây. Nghĩ thế vị thần này liền xẵng giọng trả lời Persée:

– Thôi thôi, xin mời anh ra khỏi đây ngay. Ta không dễ gì để anh đem cái chiến công bịa đặt, dối trá nào đó ra mà lừa ta đâu. Cả đến cái việc anh tự xưng là con của Zeus đối với ta cũng không có nghĩa lý gì. Có đường có nẻo thì bước đi cho khuất mắt!

Nghe những lời nói đó máu trong người Persée tưởng chừng như sôi lên. Chàng không hiểu vì sao vị thần này lại có thói khinh người như thế. Tệ hại hơn nữa, Atlas lại xúc phạm đến chàng, coi chiến công to lớn của chàng chỉ là một điều bịa đặt lừa dối. Đó là một điều xúc phạm không thể tha thứ được. Chàng trừng mắt nhìn Atlas quát:

– Hỡi tên thần khốn kiếp này! Mi đã xúc phạm đến ta. Mi đã xúc phạm đến truyền thống quý người trọng khách mà thần Zeus đã ban dạy cho mi. Được, ta sẽ cho mi biết thế nào là lẽ phải và công lý.

Nói xong, Persée lôi chiếc đầu ác quỷ Méduse ở trong đẫy ra cho nhìn thẳng vào Atlas. Thế là vị thần khổng lồ Atlas biến thành những tảng đá lớn nhỏ, còn đầu là đỉnh núi. Ngọn núi Atlas cao ngất đó phải đứng đội bầu trời, chống đỡ cho vòm trời khỏi đổ ụp xuống mặt đất.

Còn Persée, chàng lại với đôi dép có cánh tung mình bay lên không trung, thần tốc thần hành hướng về hòn đảo nơi mẹ chàng đang mong đợi.

Quyển 1 – Chương 47: Persée cứu công chúa Andromède

Persée lại ra đi. Nhờ đôi dép có cánh chàng bay lượn như chim bằng ngang dọc trên trời xanh. Chàng bay qua đất Éthiopie155. Chợt nhìn xuống đất, chàng thấy một quang cảnh rất lạ: một thiếu nữ bị xiềng chặt vào một tảng đá bên bờ bể. Cách đó một quãng khá xa, một đám người vây quanh một người đàn ông và một người đàn bà mặc tang phục. Tất cả đều nhìn hướng ra ngoài biển như đang chờ đợi một điều gì xảy ra. Người thiếu nữ bị xiềng lúc này lả người ra, đầu tóc rũ rượi. Hình như nàng đã khóc quá nhiều đến nỗi không còn hơi sức mà đứng vững được nữa. Bỗng Persée thấy trên mặt biển dội lên một cột sóng lớn, rất lớn, cao ngất như một quả núi. Khi cột sóng đổ xuống tan đi, trên mặt biển hiện ra một cái lưng đen thủi, xù xì, gai góc rồi tiến đến một cái cổ dài nghêu ngao như cổ rắn và một cái đầu dữ tợn với đôi mắt hau háu, đỏ lừ. Khi quái vật từ xa nhìn thấy người con gái bị xích vào vách đá, nó liền bơi thẳng đến phía nàng, đầu lắc lư nom rất ghê rợn. Thế là cả đám đông vang lên tiếng khóc than kêu gào vô cùng thảm thiết. Persée liền hiểu ngay ra sự việc. Chàng thấy mình cần phải ra tay ngay. Chàng rút thanh gươm dài và cong của thần Hermès ra khỏi vỏ và lao xuống. Như một con chim ưng sà xuống bắt mồi. Persée sà xuống đứng trên lưng quái vật, vung gươm. Nhát chém sấm sét của Persée tiện đứt băng cái đầu của quái vật, nó chìm luôn xuống biển, tiếp đó toàn thân to lớn, nặng nề của nó cũng từ từ chìm theo. Có người kể, Persée không kết liễu đời con quái vật bằng thanh gươm dài và cong của thần Hermès trao cho, mà bằng đầu của ác quỷ Méduse. Chàng sà xuống trước mặt con quái vật giơ ngay đầu ác quỷ Méduse. Thế là quái vật biến ngay thành đá, một hòn núi đá ở sát ngay bờ biển.

Giết xong quái vật, Persée bay ngay đến chỗ người thiếu nữ bị xiềng. Lúc này người con gái đã ngất đi vì quá sợ hãi. Chàng chặt xiềng giải thoát cho người thiếu nữ. Chàng ôm người con gái vào lòng, lay gọi nàng. Cảnh tượng diễn ra thật bất ngờ và nhanh chóng quá đỗi khiến mọi người ở bờ biển hôm đó được chứng kiến, đều bàng hoàng như vừa qua một giấc mơ. Biển khơi tung sóng như mừng rỡ với họ và gió, sóng hòa tiếng với nhau như cùng ca ngợi chiến công tuyệt diệu của người dũng sĩ đã cứu được một người thoát khỏi tay của thần chết. Một người thiếu nữ xinh đẹp thoát khỏi tay của loài thủy quái bạo tàn. Trong niềm vui vô hạn của mọi người, Persée được mẹ thiếu nữ kể đầu đuôi câu chuyện:

Người con gái vừa được cứu sống là nàng Andromède, con của vua Céphée và hoàng hậu Cassiopé trị vì trên đất Éthiopie. Chính hoàng hậu là người đã gây nên tai họa cho cô con gái yêu dấu của mình. Hoàng hậu vốn là người rất yêu con. Điều đó chẳng có gì đáng lạ. Có người mẹ nào lại không yêu con và đôi khi chỉ nhìn thấy ở con mình những nét hơn người. Điều này cũng dễ hiểu vì có ai lại đi nhìn cái khía cạnh xấu xa, hèn kém, để mà yêu bao giờ. Cassiopé cũng thế, một bữa kia bà nhìn ngắm cô con gái yêu dấu của mình trong lòng lấy làm kiêu hãnh. Bà cho rằng Andromède của bà, Andromède biết bao yêu dấu, biết bao trìu mến của bà còn xinh đẹp gấp trăm nghìn các nàng Néréides là những tiên nữ dưới thủy cung có sắc đẹp tuyệt trần. Lời nói của Cassiopé đến tai các nàng Néréides. Các nàng nổi giận nổi ghen vì những lời nói kiêu căng đó. Họ liền kéo nhau đến thần Poséidon xin thần trừng phạt Cassiopé cho hả. Chiều lòng các nàng Néréides, Poséidon phái ngay một con quái vật lên tàn phá đất đai của nhà vua Céphée. Con quỷ biển này thường bất chợt hiện lên trên mặt biển rồi xông vào đất liền giày xéo phá hoại hoa màu, mùa màng, nhà cửa, không những thế nó còn ăn thịt và bắt đi rất nhiều người sống ở vùng ven biển. Đau lòng vì tai họa làm hại sinh linh trăm họ, Céphée không biết làm gì hơn là sắm lễ vật đến đền thờ Ammon156 để xin một lời chỉ dẫn. Lời thần truyền phán thật ác nghiệt: Phải hiến dâng nàng Andromède cho quái vật mới thoát khỏi tai họa. Céphée thương con cố ý giấu không cho ai biết lời phán truyền ác nghiệt đó. Nhưng mọi người dân đều dò la để biết và họ đòi nhà vua phải quên tình riêng để cứu sống mọi người.

Câu chuyện và thế. Nhưng giờ đây Andromède đã thoát khỏi tai họa. Và cả đất nước Éthiopie cũng thoát khỏi tai họa. Còn nỗi vui mừng nào lớn hơn nữa. Để tỏ lòng biết ơn vị ân nhân của gia đình mình và cũng là ân nhân của trăm họ, Céphée, mặc dù Persée chưa ngỏ ý song cũng đã thầm đoán được lòng chàng, muốn trao gửi hẳn số phận Andromède cho chàng. Đến đây hẳn không cần phải kể thêm nữa vì chẳng ai là người không biết câu chuyện này kết thúc như thế nào.

[155] Người Hy Lạp xưa kia cũng như người La Mã sau đó coi những vùng đất châu Phi ngoài nước Ai Cập về phía Nam là nước Éthiopie.

[156] Ammon gốc xa xưa là một vị thần đất Thèbes Ai Cập tên Ammon-Ra, một vị thần Mặt trời.

Quyển 1 – Chương 48: Phinée mưu cướp Andromède

Đám cưới của Persée được tổ chức vô cùng trọng thể trong cung điện của nhà vua Céphée. Đây chẳng phải chỉ là ngày vui riêng của gia đình nhà vua mà còn là ngày vui chung của mọi người dân sống trên đất nước này. Khắp nơi đều treo đèn kết hoa, mở tiệc ăn mừng.

Giữa lúc bữa tiệc đang diễn ra tưng bừng vui vẻ thì có tiếng ầm ầm ngoài cửa, tiếng binh khí va chạm nhau xoang xoảng, tiếng kêu thét, tiếng hò la. rồi một người lính vẻ hốt hoảng, đẩy cửa phòng tiệc ùa vào, hét lớn:

– Phinée kéo binh đến đòi Andromède!

Cả phòng tiệc nhốn nháo, Persée đứng dậy sẵn sàng chờ đợi mọi thử thách. Vừa lúc đó thì Phinée và một đám bộ hạ đạp cửa phòng tiệc tràn vào. Tay khiên tay lao, vẻ mặt hầm hầm, Phinée đảo mắt nhìn mọi người rồi quát.

– Hỡi tên Persée láo xược! Đồ tứ cố vô thân, cha vơ chú váo ở đâu mà dám đến đây ngang nhiên cướp vợ của ta! Ta tuy chưa chính thức cưới Andromède, nhưng ta muốn cưới nàng lúc nào cũng được, vì nàng là cháu ta, tùy quyền định đoạt của ta. Khôn hồn thì mi hãy cút khỏi nơi đây, kẻo không thì đám cưới này biến thành đám tang đó!

Nhà vua Céphée đưa tay ra can ngăn Phinée. Ông dùng những lời lẽ dịu dàng thuyết phục hắn:

– Hỡi Phinée, xin ngài đừng nóng nảy! Người này đây, Persée, con của đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kính đã được ta chọn làm con rể. Chàng đã lập được một chiến công lừng lẫy, giết loài thủy quái, cứu sống con gái ta và giải trừ cho thần dân đất nước này khỏi một tai họa nặng nề. Chàng xứng đáng là một bậc anh hùng và xứng đáng là chồng của Andromède, người con gái xinh đẹp của ta và hoàng hậu Cassiopé. Nếu ngài thật lòng yêu mến Andromède và kính trọng ta, thì sao ngài lại không chịu chia sẻ với Andromède nỗi đau buồn khi Andromède phải hy sinh thân mình làm vật hiến tế cho con quỷ biển để cứu vớt muôn dân? Sao ngài lại không đem hết tài năng siêu việt ra để diệt trừ con quái vật cứu lấy Andromède, người vợ chưa cưới của ngài? Sao ngài không trút hết nỗi căm tức và giận dữ vào con quái vật, kẻ đã cướp vợ của ngài mà lại bây giờ đến đây trút căm tức và giận dữ vào Persée, người anh hùng được toàn dân mến phục? Hỡi Phinée, xin ngài hãy tôn trọng công lý, hãy vì thần Zeus và các vị thần Olympe mà trả lại cho chúng ta niềm vui, bữa tiệc này!

Phinée chẳng nói chẳng rằng, tiến lên một bước gạt mạnh nhà vua sang một bên và bất thình lình phóng luôn mũi lao cầm trong tay về phía Persée. Ngọn lao bay vút đi và cắm phập ngay xuống cạnh Persée. Persée lập tức rút gươm và lao tới, Phinée chạy vòng sang bên kia chiếc bàn thờ thần. Persée nhổ ngọn lao của Phinée phóng theo nhưng ngọn lao không trúng Phinée mà lại đâm thẳng vào đầu một bộ hạ của hắn. Anh ta chúi xuống một cái như bị người đẩy mạnh ở đằng sau và chết sấp mặt xuống đất. Từ đỉnh Olympe nữ thần Athéna biết hết mọi chuyện. Nàng bay vút xuống cung điện của vua Céphée xông vào giữa cuộc giao chiến. Không một ai nhìn thấy nàng cả vì con mắt của người trần thế không thể biết hết được công việc của các bậc thần linh. Nữ thần khơi lên trong trái tim người anh hùng Persée, con của Zeus lòng dũng cảm. Và nữ thần luôn luôn ở bên cạnh người con của Zeus để bảo vệ cho chàng bằng tấm khiên đồng sáng như ánh mặt trời mặt trăng. Persée với cây gươm dài và cong lần lượt hạ hết dũng sĩ này đến dũng sĩ khác, bộ hạ của Phinée. Chỉ một mình chàng, chàng giao đấu với tất cả bọn chúng, hết nhóm này đến nhóm khác, khôn khéo nhanh nhẹn như một con chim ưng. Nhiều dũng sĩ và anh hùng của xứ sở Éthiopie và tùy tướng của vua Céphée, được mời đến dự tiệc hôm ấy, cũng tham gia chiến đấu và họ cũng lần lượt ngã xuống bên xác chết đẫm máu của quân thù. Cuối cùng chỉ còn lại Persée với một số ít dũng sĩ bị hàng chục tay gươm dồn về một góc phòng. Tình thế thật nguy cấp. Nhưng Persée người anh hùng con của Zeus không hề nao núng. Chàng nghĩ đến thứ vũ khí vô địch của mình. Chàng nhảy xa ra khỏi vòng vây của kẻ thù và hét lên:

– Những ai là bạn chiến đấu của ta, các anh hùng, dũng sĩ, tùy tướng của Céphée, hãy quay ngay lưng lại. Hãy quay ngay lưng lại để không nhìn thấy mặt ta!

Các bạn chiến đấu của Persée lập tức làm theo lời chàng. Còn chàng, ngay lúc ấy, thò tay vào chiếc đẫy thần lấy đầu ác quỷ Méduse ra chĩa vào mặt các địch thủ. Chỉ trong giây lát căn phòng to rộng vừa mới đây ầm ầm tiếng người, chan chát tiếng binh khí mà nay bỗng im bặt hẳn đi. Tất cả những tay kiếm của Phinée đều biến thành những bức tượng đá, mỗi người mỗi vẻ nom cứng nhắc sững sờ. Phinée thấy vậy nhắm mắt lại và quay đi một bên. Trái tim hắn giờ đây chỉ còn nỗi sợ hãi. Hắn van lạy Persée, nhưng chậm mất rồi. Persée chĩa đầu ác quỷ về phía trước mặt hắn và thét lớn:

– Trông đây, đồ hèn nhát! Mi sẽ được ở lại vĩnh viễn trong căn phòng của bữa tiệc cưới này để cho nàng Andromède, người vợ xinh đẹp của ta giữ lại được một kỷ niệm về một gã cầu hôn tầm thường và bạo ngược.

Nghe tiếng thét của Persée, Phinée đang quỳ và nhắm mắt bỗng giật mình và mở bừng mắt ra. Thế là hắn biến thành đá, một bức tượng đang khúm núm với một vẻ nô lệ và hèn nhát. Phinée trở thành một biểu tượng của thói hèn nhát, khúm núm, nô lệ.

Quyển 1 – Chương 49: Persée trở về quê hương

Sau khi chiến thắng oanh liệt tên Phinée cùng với đám thuộc hạ của hắn, Persée ở lại vương quốc của Céphée ít ngày. Mặc dù nhà vua và hoàng hậu có ý định trao quyền thừa kế ngai vàng và cai quản đất nước cho chàng nhưng chàng một mực từ chối. Chàng xin vua cha và hoàng hậu cho phép chàng đưa vợ về cho mẹ và lão ông Dictys.

Ở đảo Sériphe, lợi dụng lúc Persée vắng nhà, tên vua Polydectès ra sức dụ dỗ Danaé lấy hắn. Mặc cho hắn tuôn ra những lời đường mật, những lời hứa hẹn một tấc đến trời, Danaé vẫn không biểu lộ một chút thiện cảm nào với hắn. Sau nhiều ngày dụ dỗ, thuyết phục không được, hắn xoay ra dùng thủ đoạn cưỡng bức, mưu dùng đám tay sai bất lương bắt cóc Danaé về chung sống với hắn. May thay được một gia nhân tâm phúc báo cho biết, Danaé trốn ra khỏi cung điện và vào trú ngụ trong một ngôi đền thờ. Ở Hy Lạp xưa kia có tục lệ nếu ai đã vào phủ phục dưới chân bàn thờ thần của một ngôi đền, cầu xin các vị thần che chở, bảo hộ thì không một kẻ nào, dù kẻ đó có quyền cao chức trọng đến mấy đi nữa, cũng không được xâm phạm đến tính mạng của người cầu xin. Đây là một tục lệ thiêng liêng có từ bao đời trước, được nhân dân tôn thờ, gìn giữ và bảo vệ cho nên Polydectès không dám coi thường, không dám vi phạm. Nhưng hắn cho lũ thuộc hạ đầu trâu mặt ngựa bao vây ở ngoài ngôi đền, rình mò cơ hội Danaé sơ hở là bắt cóc đem về.

Persée về đến Sériphe trong tình hình như thế. Chàng vào cung điện tìm mẹ song không thấy. Được một người kể cho rõ tình hình chàng chạy ngay đến cung vua. Lúc này Polydectès đang chè chén với lũ quần thần. Bọn chúng không tên nào nghĩ rằng lại có ngày, Persée trở về, vì chúng không thể tin được rằng cái anh chàng tuổi trẻ dũng khí có thừa nhưng tay không một thứ vũ khí gì thần diệu lại có thể chiến thắng được lũ ác quỷ có bao phép lạ. Thấy Persée trở về, cả bàn tiệc từ nhà vua cho đến lũ quần thần đều sửng sốt. Persée kính cẩn cúi chào nhà vua rồi nói:

– Muôn tâu bệ hạ! Kẻ hạ thần này đã thực hiện được lòng mong muốn của bệ hạ: diệt trừ được ác quỷ Gorgone, xóa bỏ được một tai họa cho đời sống dân lành.

Nói xong chàng cho tay vào chiếc túi thần lôi chiếc đầu của con quỷ Méduse ra, giơ ra trước mặt mọi người cho họ xem. Và mọi người đã trông thấy rõ đầu con quỷ Méduse. Đó là lần đầu tiên trong đời họ trông thấy đầu một con quỷ ghê sợ đến như thế nhưng cũng lại là lần cuối cùng. Loáng một cái thôi không một tiếng động mạnh nào làm chói tai ai. Gió vẫn thổi, mây vẫn bay, trời vẫn nắng, chim chóc vẫn ca hót song tên vua Polydectès và lũ quần thần thì đã biến thành vật vô tri vô giác, câm tịt, câm như một hòn đá rồi.

Persée đến ngôi đền thờ đón mẹ về. Lũ thuộc hạ của Polydectès bao vây quanh ngôi đền thờ thấy Persée đến thì không còn hồn vua nào cả. Đứa thì bỏ chạy, đứa thì bị Persée kết liễu bằng một nhát gươm, đứa thì phủ phục giập đầu lạy xin tha tội. Persée đón mẹ về cung điện. Chàng không quên đón lão ông và lão bà Dictys tới cùng hưởng niềm vui của ngày hàn huyên đoàn tụ của mẹ con chàng. Mọi việc trở lại ổn định và yên lành. Cuộc sống của những người lương thiện qua cơn sóng gió lại sum họp với nhau rất đầm ấm. Lão ông Dictys lên làm vua thay Polydectès. Danaé bấy giờ đã có tuổi. Bà rất vừa lòng về nàng dâu của bà: vừa nết na hiếu thảo lại vừa xinh đẹp. Bà thầm cảm ơn Số mệnh và thần thánh đã ban cho con trai bà niềm hạnh phúc hiếm có như vậy.

Persée sau khi công thành danh toại, gia thất yên bề bèn ngỏ ý với mẹ trở về thăm quê hương Argos. Chim tìm tổ người tìm tông, điều đó chẳng có gì lạ, mặc dù cảnh ngộ của họ xưa kia lúc rời quê hương có chuyện chẳng vui trong lòng. Nhưng cũng chính vì thế mà họ lại càng khao khát trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn xưa kia. Danaé đã nuôi ý định ấy từ lâu trong lòng. Nay thấy con bày tỏ nguyện vọng trúng ý mình bà vô cùng mừng rỡ. Thế là ba mẹ con lên đường trở về Argos.

Trước khi lên đường về thăm đất Argos, Persée trao trả lại cho các vị thần những vũ khí kỳ diệu, những vũ khí đã giúp chàng lập được những chiến công ích nước lợi dân. Chàng trả thanh gươm dài và cong cho vị thần Hermès, đôi dép có cánh và chiếc đẫy thần cho các tiên nữ Nymphe phương Bắc, chiếc mũ tàng hình cho vị thần Hadès. Còn đầu ác quỷ Méduse chàng hiến dâng cho nữ thần Athéna. Nữ thần Athéna đã lấy đầu ác quỷ đem gắn lên tấm áo giáp của mình. Có người nói, nữ thần gắn vào chiếc khiên đồng sáng như ánh mặt trời mặt trăng chứ không phải gắn vào áo giáp hộ tâm.

Tin Persée về Argos làm ông chàng, nhà vua Acrisios, vô cùng lo ngại. Lời sấm truyền như còn văng vẳng bên tai. “Biết đâu chuyến này Persée về là để giết mình”. nhà vua già nghĩ thế. Ông lặng lẽ rời bỏ vương triều của mình trốn sang trú ngụ ở xứ Larissa, một địa phương ở đất Thessalie rất xa Argos. Persée về không gặp được ông, Danaé không gặp được bố, triều đình không người cầm đầu cai quản, Persée bèn lên làm vua, thay ông kế vị.

Bữa kia nhà vua xứ Larissa tên là Teutamidès mở hội để tưởng nhớ tới người cha già quá cố năm xưa. Hội lễ khá to và thu hút đông đảo thanh niên trai tráng các vùng xung quanh tới dự. Vì người Hy Lạp xưa kia vốn ưa chuộng thể dục thể thao võ nghệ cho nên mỗi dịp mở hội là mỗi dịp để thanh niên trai tráng thi đấu đua tài đua sức nhằm giành lấy những phần thưởng vinh quang. Biết tin ấy, Persée chuẩn bị lên đường. Làm sao mà chàng có thể bỏ qua được một dịp thi đấu để chứng tỏ tài năng và sức mạnh của một người anh hùng, con của đấng phụ vương Zeus.

Cuộc thi đấu diễn ra sôi nổi từ sáng sớm, Persée thi ném đĩa. Tiếng loa xướng danh các đấu thủ vang lên. Đến lượt chàng, Persée chạy ra giữa thao trường, cầm đĩa, cong người, vặn mình lấy đà. Dưới ánh mặt trời thân hình cân đối gân guốc của chàng nổi lên loang loáng như một pho tượng bằng đồng bóng nhẫy. Vút một cái! Chàng ném đĩa đi. Chiếc đĩa vừa bay ra khỏi tay chàng, liệng trên không, đã làm mọi người xem trầm trồ đoán chắc phần thắng về tay chàng. Nhưng kìa, sao không thấy loa truyền kết quả, mà lại thấy đám người xem tản ra rồi xúm xít lại một chỗ. Ôi, thật trên đời này ai học được chữ ngờ! Chiếc đĩa của Persée ném bay đi quá xa và rơi vào đầu một người xem làm ông ta chết ngay, chết ngay tại chỗ không nói được câu nào. Đó chính là ông của Persée, nhà vua Acrisios.

Đau xót về chuyện không may đó mà chính mình là tội phạm, Persée chỉ còn cách tổ chức lễ tang rất trọng thể để bày tỏ tấm lòng thành kính và hối hận đối với người ông xấu số. Chàng không dám trở về đất Argos nhìn lại mảnh đất quê hương thân yêu va tiếp tục sự nghiệp của ông mình nữa. Nhưng chàng trao đổi vương quốc của mình lấy vương quốc của Mégapenthès, một người chú của chàng. Mégapenthès là con của Proétos trị vì ở xứ Tirynthe. Và thế là từ đó Mégapenthès trị vì ở xứ Argos, còn Persée ở Tirynthe. Con cháu của hai người này nối đời kế nghiệp, dựng xây đất nước mỗi ngày một tươi đẹp hùng cường, trong số những con cháu của Persée thì người nổi danh hơn cả, vinh quang chiến công lẫy lừng khắp năm châu bốn biển là chàng Héraclès mà người La Mã gọi là Hercules. Chàng là con của thần Zeus vĩ đại và người thiếu nữ trần tục Alcmène xinh đẹp.

Gia hệ người anh hùng Persée

Quyển 1 – Chương 50: Người anh hùng Héraclès

Vua Électryon vốn là con của Persée và Andromède, trị vì đô thành danh tiếng Mycènes, vợ của nhà vua là nàng Anaxo xinh đẹp đã sinh ra cho nhà vua được chín trai và một gái. Cuộc sống đang yên lành, hạnh phúc thì bỗng đâu sinh chuyện rắc rối. Những người con trai của vua Ptérélas, thường gọi là những bộ lạc Télébos hoặc Taphiniens, bữa kia đến đòi lại ngôi báu. Theo họ thì đô thành Mycènes này và vùng lãnh thổ rộng lớn này xưa kia vốn là của Mestor, vị tổ phụ của họ. Électryon bác bỏ những yêu sách vô lý đó. Từ đó những người Télébos đem lòng thù oán. Họ lập mưu phá hoại vương quốc Mycènes. Trong một cuộc mai phục, những người Télébos đã giết chết tám người con trai của Électryon. Nhà vua chỉ còn lại một trai tên là Licymnios và một gái là Alcmène. Không phải chỉ có thế. Họ còn cướp hết những đàn gia súc nhiều sữa đông con của nhà vua. Căm giận tột độ quân ăn cướp, nhà vua treo giải: ai lấy được gia súc cho vua thì sẽ được gả công chúa cho làm vợ.

Thuở ấy, ở đô thành Tirynthe có chàng trai Amphitryon, con của vua Alcée nổi danh là một chàng trai tuấn tú, võ nghệ cao cường. Nghe tin nhà vua xứ Mycènes treo giải như thế, chàng bèn lên đường ngay để chấp nhận cuộc thử thách. Vả lại chàng cũng đã đem lòng thương yêu Alcmène từ lâu mà chưa có dịp bày tỏ. Thì đây, cơ hội này là một dịp để chàng tỏ rõ mặt anh tài. Về việc đoạt lại đàn gia súc, Amphitryon thực hiện một cách quá dễ dàng, không phải đổ một giọt mồ hôi. Chàng dò hỏi biết được những người con của Ptérélas đem gửi đàn gia súc cướp được ở nhà vua xứ Élis, chàng chỉ việc đến đó xin về sau khi dâng nhà vua một số lễ vật hậu hĩ để làm của chuộc. Được tin Amphitryon đang lùa đàn gia súc về, vua Électryon vô cùng sung sướng. Nhà vua thân chinh ra đón Amphitryon và xem đàn gia súc đang đồn lại trên bãi. Không may một con bò trái tính trái nết bỗng vùng ra khỏi đàn bỏ chạy. Amphitryon vội đuổi theo. Sẵn trên tay đang cầm một chiếc gậy, chàng vung lên ném mạnh vào đầu nó. Chiếc gậy bay trúng vào sừng con bò rồi văng ra. Và thật rủi ro, chiếc gậy văng ngay vào đầu nhà vua. Nhà vua giơ hai tay ôm đầu loạng choạng rồi ngã vật xuống, tắt thở. Thật là oan trái xiết bao! Phạm trọng tội như thế thì chỉ còn cách trốn biệt sang một xứ sở khác. Amphitryon ngỏ ý muốn nàng Alcmène cùng đi với mình. Alcmène đòi chàng phải hứa trả thù cho các anh nàng, nàng mới ưng thuận. Tất nhiên Amphitryon vẫn nhớ đinh ninh rằng chàng vẫn chưa hoàn thành sứ mạng. Chàng quyết tâm trả được món nợ máu của gia đình Alcmène để Alcmène vui lòng, và cũng là để thỏa mãn vong linh vua Amphitryon xấu số, và hơn nữa, để xứng danh là một dũng sĩ.

Hai vợ chàng Amphitryon đến thành Thèbes xin nhà vua Créon cho nương náu. Vua Créon sẵn sàng chấp nhận song với một điều kiện: Amphitryon phải diệt trừ được một con cáo đã thành tinh do thần Dionysos phái xuống phá hoại vùng Teumesse. Với sức mạnh và tài ba của mình, Amphitryon đã hoàn tất sứ mạng đó mà không phải hao tài tốn sức gì nhiều. Créon giúp đỡ Amphitryon mở cuộc viễn chinh sang đảo Taphos, nơi dung thân của nhà vua Ptérélas. Cuộc vây đánh kéo khá dài vì đô thành của vị vua này vô cùng kiên cố, hơn nữa nhà vua vốn là con của thần Poséidon nên được thần ban cho một bảo bối: đó là một sợi tóc vàng trên đầu như một tấm bùa hộ mệnh. Nhờ có sợi tóc này mà trong cuộc giao tranh với Amphitryon có lúc Ptérélas đã bị trúng gươm, trúng tên mà lại bình phục ngay tức khắc. Nếu như không có con gái của nhà vua tên là Comaitho giúp đỡ thì chắc chắn Amphitryon không thể nào giành được thắng lợi. Công chúa Comaitho đã vì tình riêng quên hiếu nghĩa. Nàng thầm yêu trộm nhớ chàng Amphitryon tài giỏi. Nàng phản lại cha, cắt sợi tóc vàng, hy vọng nhờ món quà quý báu đó thu phục được trái tim của Amphitryon. Nhưng không, Amphitryon không hề tỏ ra biết ơn người con gái. Chàng cho đó là tội lỗi xấu xa nhất, ghê tởm nhất. Và chàng bắt người con gái đó phải đền tội.

Thần thoại Thiên Chúa giáo cũng có một câu chuyện với môtíp “cắt tóc” tương tự như câu chuyện này. Đó là chuyện Samson và Delila.157 Samson là con của Thượng đế đầu thai xuống trần để lãnh sứ mạng giải phóng cho những người Israel. Vì là con của Thượng đế nên Samson có sức mạnh vô cùng khủng khiếp. Chàng, tay không xé xác sư tử, với chiếc hàm của một con lừa – báu vật của Thượng đế ban cho – Samson đã giết chết hàng nghìn quân Philistin, thoát khỏi những cuộc vây bắt, khỏi những âm mưu ám muội của chúng. Chiến công của chàng đã khiến cho quân thù vô cùng khiếp sợ do đó chàng được bầu làm thủ lĩnh của những người Israel. Samson lấy Delila làm vợ. Quân Philistin mua chuộc Delila để nàng dò hỏi chồng xem cội nguồn sức mạnh của chồng là ở đâu và đâu là nơi hiểm yếu. Samson ngay thật nói cho vợ biết: sức mạnh bất tử của chàng bắt nguồn từ bảy giẻ tóc trên đầu. Nếu những giẻ tóc đó bị cắt đi thì chàng sẽ mất đi sức mạnh siêu phàm và không còn bất tử nữa. Chàng sẽ như bất cứ một người bình thường nào khác. Biết được điều bí mật, quân Philistin bao vây nhà Samson. Còn Samson trong lúc gối đầu vào lòng vợ ngủ đã bị vợ đem dao cạo đi những giẻ tóc “bảo bối” đó. Quân Philistin bắt sống được Samson đưa ra hành hình: khoét mắt và giết.

Trong khi Amphitryon mở cuộc viễn chinh trừng phạt sang đảo Taphos thì ở nhà thần Zeus để ý đến Alcmène. Và khi thần Zeus đã để ý thì… thôi khỏi phải bàn. Lần này thần không biến mình thành hạt mưa, anh chăn chiên, con bò, con thiên nga… mà lại biến mình thành Amphitryon, nghĩa là biến mình thành một người giống hệt như chồng của Alcmène. Và như thế làm sao mà Alcmène không mừng rỡ, không sung sướng tiếp đón người chồng từ nơi chinh chiến trở về, người chồng đã trả được mối thù cho gia đình nàng? Người xưa kể, cái đêm Zeus ái ân với Alcmène dài bằng ba ngày vì thần Zeus ra lệnh cho thần Mặt trời-Hélios không được mọc như thường lệ. Có người còn nói, đây là cuộc tình duyên cuối cùng của Zeus với người trần thế. Thôi thì người ta nói thế thì chúng ta cũng biết thế chứ còn chuyện “đạo đức”, “tư cách” của thần Zeus và thế giới thần thánh thì ai biết đâu mà kiểm tra được. Kế đến khi (chỉ ít ngày sau) Amphitryon trở về, thì… chàng rất đỗi ngạc nhiên về cách đón tiếp của vợ. Chẳng có chút gì là vồn vã, hoan hỷ đối với người chồng đi xa vừa về cả. Lạ lùng hơn nữa khi chàng thuật lại cho Alcmène nghe chuyện chiến chinh của mình thì chưa nói nàng đã biết, nàng kể lại vanh vách từ chuyện sợi tóc vàng cho đến Comaitho. Amphitryon kết tội Alcmène không chung thủy. Chàng cho lập một dàn lửa xử tội nàng phải hỏa thiêu. Nhưng thần Zeus giáng xuống một trận mưa rào dập tắt ngay. Amphitryon vô cùng kinh dị bèn cho mời nhà tiên tri mù Tirésias đến để giải đoán. Sau khi được lời giải đáp làm cho yên lòng, Amphitryon làm lễ cưới Alcmène. Và chỉ ít ngày sau đó, Amphitryon có “tin mừng”. Trên đỉnh Olympe thần Zeus cũng vui mừng ra mặt. Thần chờ đợi ngày cái “tin mừng” đó thành sự thật. Nhưng Héra thì rất khó chịu trước vẻ mừng rỡ của thần Zeus. Nàng định tâm phá, dù thế nào cũng phải phá phải làm cho Zeus mất cái bộ mặt hí ha hí hửng đáng ghét kia đi. Trong một cuộc họp các vị thần trên thiên đình, Héra bắt đầu thực thi mưu đồ của mình. Nàng nói:

– Hỡi thần Zeus giáng sấm sét và các chư vị thần linh! Chúng ta sắp chứng kiến một sự việc trọng đại. Một người con thuộc dòng dõi Persée sắp ra đời, sớm muộn chỉ trong đêm nay. Ta những muốn trước việc vui mừng này, các vị thần hãy là người bảo hộ không hề chê trách được cho dòng dõi của người anh hùng Persée. Xin thần Zeus, bậc phụ vương của các thần và những người trần thế, hãy ban cho đứa bé dòng dõi của Persée một ân huệ xứng đáng với vinh quang chói lọi mà người anh hùng diệt trừ ác quỷ Méduse, con của thần Zeus, truyền lại!

Nghe vợ nói, thần Zeus hể hả vui mừng. Thần giơ tay ra hiệu cho các chư vị thần linh chú ý lắng nghe lời thần truyền phán. Thần nói:

– Hỡi nàng Héra có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt. Từ trước tới nay ta chưa từng bao giờ được nghe những lời khôn ngoan và chí tình chí nghĩa của nàng như vậy. Nàng đã nói những lời trúng với điều ta nghĩ trong trái tim ta. Đúng, ta sẽ ban cho đứa bé dòng dõi Persée sau này lớn lên sẽ là một vị vua đầy quyền thế thu phục lại trong tay thiên hạ của khắp đất nước Hy Lạp thần thánh này.

Héra nói:

– Hỡi thần Zeus người dồn mây mù và giáng sấm sét! Ta chẳng thể nào tin được vào lời thần nói. Biết bao việc thần đã hứa với ta mà thần chẳng hề làm. Vậy nếu thật tâm thần yêu quý đứa con của dòng dõi Persée muốn ban cho nó ân huệ để xứng đáng với ông cha nó thì xin thần hãy làm đúng như lời mình đã phán truyền.

Và thế là thần Zeus phải viện dẫn nước của con sông âm phủ Styx ra để thề nguyền trước mặt các chư vị thần linh trong cuộc họp hôm đó rằng đứa con dòng dõi của Persée ra đời sẽ được quyền cai quản thiên hạ. Cẩn thận hơn nữa thần còn nhấn mạnh, đứa bé nào thuộc dòng dõi Persée sinh ra trước nhất trong đêm nay thì sẽ trở thành một vị vua đầy quyền lực. Tại sao Zeus lại phải nhấn mạnh đến việc đứa bé nào sinh ra trước nhất? Đó là vì trước khi nàng Alcmène làm lễ thành hôn với chồng thì thần Zeus đã giả làm chồng của Alcmène ân ái với nàng. Theo lời phán truyền của một nhà tiên tri, Alcmène sẽ sinh ra hai đứa con trai, một là con của Zeus và một là con của Amphitryon. Zeus, tin rằng đứa con của mình với Alcmène sẽ ra đời trước nhất. Nhưng lần này cũng như mấy lần trước, Zeus lại “thấp cơ thua trí đàn bà”. Nữ thần Héra biết chuyện lăng nhăng của Zeus với Alcmène nhưng cứ vờ tỏ ra như không biết. Và ngay sau cuộc họp, nữ thần lập tức rời đỉnh Olympe xuống trần. Nữ thần đi đâu? Nữ thần bay xuống ngay đô thành Mycènes đất Argos nơi có vợ chồng Sthénélos và Nicippe cư ngụ. Héra xuống đó để làm gì? Để làm cho nàng Nicippé sinh ra một đứa con trai trước Alcmène, vì chồng Nicippé, chàng Sthénélos vốn là con trai của Persée. Lúc này Nicippé mới có mang bảy tháng. Nhưng không sao. Với tất cả tài năng của một vị nữ thần bảo hộ cho việc sinh nở và các bà mẹ và trẻ em, Héra đã đỡ cho Nicippé được mẹ tròn con vuông. Và thế là một đứa bé tên là Eurysthée, cháu nội của Persée, cất tiếng khóc chào đời. Sau đó mới đến nàng Alcmène sinh đôi, hai đứa con trai, Héraclès và Iphiclès.

Làm xong công việc dưới trần, nữ thần Héra bay ngay về đỉnh Olympe. Lúc này thần Zeus đang chờ tin vui bay đến. Nhưng thần Hermès đi công cán về trịnh trọng báo cho đấng phụ vương Zeus và các chư vị thần linh biết: trong đêm vừa qua có hai bà mẹ đã sinh ra ba đứa con trai dòng dõi của Persée. Đứa sinh ra trước tiên là Eurysthée, con của Sthénélos và Nicippé. Thần Zeus mặt mũi đang rạng rỡ bỗng biến sắc ỉu xìu. Nữ thần Héra lòng đầy hồ hởi lên tiếng:

– Hỡi Zeus và các chư vị thần linh! Đêm vừa qua Eurysthée con trai của Sthénélos và Nicippé ra đời trước tiên. Như vậy, thể theo ý muốn của thần Zeus, dòng dõi Persée phải có người kế nghiệp, và người kế nghiệp đó như Zeus đã lựa chọn là Eurysthée!

Đến đây thì Zeus mới biết rằng mình bị sa vào bẫy của Héra. Thần vô cùng căm tức nhưng không làm sao thay đổi được lời hứa thiêng liêng. Thần giận mình đã lầm lẫn đến mức tai hại như thế. Tại sao thần lại không biết rằng Persée có nhiều con, đâu phải chỉ có mỗi Alcmène là cháu gái? Nhưng làm thế nào được. Nếu Zeus nói rõ rành rành ra rằng đứa bé con của Alcmène sẽ là một vị vua đầy quyền uy thì chẳng khác chi thú nhận tội lỗi trước Héra. Zeus buộc phải nói, đứa bé thuộc dòng dõi của Persée. Và có thế mới nên chuyện chứ? Thế mới biết Héra quả là người đàn bà trí lực, mưu thâm, đâu có phải là con người “sâu sắc như cơi trầu đầy”!

Zeus tức vô cùng. Thần trút sự giận dữ, căm uất của mình vào nữ thần Lầm lẫn-Até. Chỉ tại cái con quái này mà bao dự tính của thần thánh cũng như người trần đảo lộn lung tung. Tính một đằng lại làm ra một nẻo! Zeus uất quá túm ngay lấy tóc của nữ thần Lầm lẫn-Até quẳng xuống trần và ra lệnh cho các chư vị thần linh từ nay cấm cửa cái con mụ ấy không cho nó trở lại thế giới Olympe.

Thật ra lúc đầu Héraclès được cha mẹ đặt tên cho là Alcide. Thần Zeus tuy bị Héra làm hỏng ý đồ nâng đỡ đứa con trai của mình song không vì thế mà nản chí. Thần vẫn luôn luôn theo dõi để giúp đỡ con mình. Bữa kia nhân lúc Héra ngủ say, thần Zeus bèn ra lệnh cho thần Hermès xuống trần bế ngay chú bé Alcide lên thiên đình. Và Hermès đem Alcide đặt nhẹ nhàng vào lòng Héra để bú trộm. Vì có bú được sữa của Héra nghĩa là sữa của một vị nữ thần bất tử thì sau này chú bé Alcide mới bất tử. Nhưng bất chợt Héra tỉnh dậy và nàng đẩy phắt đứa bé ra khỏi lòng. Muộn quá mất rồi, Alcide bú đã gần no. Alcide rời miệng khỏi vú Héra. Một dòng sữa từ vú Héra chảy theo và tràn ra bầu trời mà đến nay những đêm quang mây ta vẫn nhìn thấy dòng sữa đó lưu lại một giải trắng, một vệt trắng như một con sông mà ngày nay chúng ta vẫn quen gọi là sông Ngân hà (La Voie lactée). Có lẽ từ sau chuyện này mà chú bé Alcide được đổi tên là Héraclès, tiếng Hy Lạp nghĩa là “Vinh quang của Héra” còn tên cũ chỉ có nghĩa là “Người hùng cường tráng”.

[157] Samson et Delila/Dalila, xem La Sainte Bible, Ancien P. Testament, Juges 13-19. Louis Segond, Paris, 1949.

Quyển 1 – Chương 51: Nữ thần Héra tìm cách giết chú bé Héraclès

Theo thường lệ sau khi con ngủ thì Alcmène đặt Héraclès và Iphiclès nằm chung trong một cái nôi. Nửa đêm hôm đó nữ thần Héra phái hai con rắn xuống để quấn chết chú bé. Hai con rắn lọt vào buồng và trườn lên chiếc nôi, bò lách vào người hai chú bé: Iphiclès khóc thét lên. Thấy động, Alcmène tỉnh dậy. Trông thấy hai con rắn đang bò lổm ngổm trong nôi của hai đứa con mình nàng sợ hãi thét lên, hô hoán ầm ĩ. Mọi người tay đèn tay đuốc chạy đến thì thấy một cảnh tượng kỳ lạ: chú bé Héraclès ngồi trên nôi, hai tay bóp cổ hai con rắn. Còn hai con rắn thì quằn quại giãy chết. Lúc này Héraclès mới mười tháng tuổi.

Thấy con trai mười tháng mà tính cũng có, tướng cũng có, Amphitryon cho mời nhà tiên tri Tirésias tới để đoán số mệnh. Nhà tiên tri cho biết, sau này Héraclès sẽ lập được những chiến công vô cùng rực rỡ, sẽ được các vị thần Olympe cho gia nhập thế giới thiên đình. Amphitryon và Alcmène rất vui mừng, liền cho tìm thầy, mời các anh hùng dũng sĩ về dạy con học. Héraclès học nghệ thuật điều khiển xe ngựa ở người bố dượng Amphitryon, học quyền thuật ở người anh hùng Autolycos, học nghệ thuật bắn cung ở Eurytos, học âm nhạc ở Eumolpos và Linos, học các thứ khoa học ở thần nửa người nửa ngựa Centaure Chiron. Cậu bé Héraclès học nhiều các môn như thế nhưng xem ra không phải môn học nào cũng khá cả. Cậu đặc biệt thích thú và ham mê những môn võ nghệ như quyền thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, còn âm nhạc và những môn khoa học thì cậu rất chểnh mảng, đúng hơn phải nói là rất lười. Có một hôm thầy giáo dạy âm nhạc Linos quở trách cậu vì đã không thuộc bài. Nghe đâu hình như thầy giận quá có đánh Héraclès. Thế là Héraclès nổi nóng vớ lấy chiếc gậy đánh trả lại thầy. Ai ngờ đòn đánh mạnh quá làm thầy Linos ngã lăn ra chết. Thật là một trọng tội: một tội tày đình! Amphitryon sợ quá. Ông thấy không thể nuôi cậu con trai của thần Zeus này được. Cứ xem như khẩu khí ứng đối của Héraclès trước tòa thì đủ rõ. Vì giết thầy nên Héraclès bị đưa ra truy tố trước tòa án. Héraclès liền viện ngay một câu nói của Rhadamanthe một nhà thông thái nổi tiếng người Crète đã viết ra một bộ luật mà khắp thế giới Hy Lạp đều biết: “… Ai bị đánh bất kỳ trong trường hợp nào đều có quyền đánh lại”. Có người kể không phải Héraclès cầm ghế đánh lại thầy Linos mà là tiện tay đang cầm cây đàn cithare đập vào đầu thầy. Héraclès tuy được tòa tha bổng, song điều đó không hề làm giảm nỗi lo âu của Amphitryon. Để tránh những hậu họa sau này, Amphitryon đưa Héraclès về sống ở thôn dã với hy vọng rằng cuộc sống ở chốn quê mùa đồng nội bên đàn cừu, đàn ngựa với tiếng nhạc bay bổng, dịu dàng sẽ làm cho tâm tính Héraclès bớt sôi động đi được phần nào chăng, hơn nữa cũng có thể hợp với tính phóng khoáng của Héraclès.

Héraclès về sống ở vùng Cithéron ngày ngày đi chăn gia súc. Chàng không quên luyện tập võ nghệ côn quyền. Đặc biệt là chàng ưa luyện tập để sử dụng một cây chùy có sức nặng đến nỗi khắp vùng đó, kể cả những tay anh hùng hảo hán chưa từng ai dám sử dụng. Cứ thế Héraclès lớn lên và có một sức khỏe khác thường. Mười tám tuổi chàng đã cao hơn bốn trượng. Thân hình chàng nở nang, rắn rỏi và cân đối, đều đặn một cách tuyệt diệu khiến ai trông thấy cũng phải ngợi khen.

Hồi đó ở trên rừng vùng Cithéron đất Thèbes có một con sư tử to lớn và hung dữ. Con vật này thường lần về bắt dê, cừu của Amphitryon và của nhà vua Thespios ở xứ Thespies thuộc vùng Béotie bên cạnh. Không thể tính ra số gia súc đã bị thiệt hại là bao nhiêu, chỉ biết từ ngày con sư tử đó lần về kiếm ăn ở vùng này thì đàn gia súc của hai nhà vua vãn đi trông thấy. Những người đi săn chẳng ai dám nghĩ đến việc trị nó cả, vì lẽ nó to lớn quá mức. Héraclès xin đi mặc dù lúc này mới có mười tám tuổi. Suốt bốn mươi chín ngày săn tìm con ác thú đến ngày thứ năm mươi chàng mới hạ được, và mang xác nó về. Vua Thespios vô cùng mừng rỡ. Để bày tỏ tấm lòng ưu ái đối với người anh hùng trẻ tuổi, nhà vua đã gả con gái cho Héraclès. Nhưng không phải chỉ gả cho chàng một người con gái mà gả cho chàng tất cả năm mươi cô con gái. Héraclès phải làm năm mươi lễ cưới trong suốt năm mươi ngày. Từ những cuộc hôn nhân này ra đời con đàn cháu đống nhiều không kể xiết.

Sau chiến công này, Héraclès còn làm một việc vô cùng có ích cho nhân dân thành Thèbes. Chàng xóa bỏ cho nhân dân Thèbes khỏi một khoản cống nạp nặng nề. Nguồn gốc của khoản cống nạp này như sau: Trong một ngày hội tế thần Poséidon, một cỗ xe của người Thèbes không may đè chết Clyménos, vua của những người Myniens thuộc đô thành Orchomène. Con trai của nhà vua tên là Erginos nổi giận kéo quân sang đánh thành Thèbes để trả thù. Thành Thèbes yếu thế phải cầu hòa với điều kiện mỗi năm cống nạp một trăm con bò. Và phải cống nạp như thế trong hai mươi năm liền.

Héraclès một hôm bắt gặp trên đường đoàn quan quân của đô thành Orchomène sang Thèbes đòi cống vật. Biết chuyện, Héraclès nổi giận, xông vào đánh đám quan quân một trận thừa sống thiếu chết. Chàng cắt tay, xẻo mũi chúng rồi xâu vào một cái dây đeo vào cổ chúng và ra lệnh cho chúng phải cuốn xéo ngay khỏi xứ sở này. Erginos căm tức, kéo đại quân sang trị tội thành Thèbes. Nhưng lần này dưới sự thống lãnh của Héraclès, quan quân thành Thèbes đã chiến thắng oanh liệt. Erginos bị Héraclès giết chết tại trận. Tuy nhiên, Héraclès cũng bị một tổn thất to lớn. Amphitryon, bố dượng của chàng trong cuộc chiến đấu đã bị tử thương. Còn đô thành Orchomène do bị thất trận, từ nay phải chịu một khoản cống nặng gấp đôi cái khoản mà họ đã từng bắt Thèbes gánh chịu hàng năm. Người sung sướng nhất là vua Créon, cai quản thành Thèbes. Để đền ơn người anh hùng xuất chúng, nhà vua gả công chúa Mégare cho chàng.

Cuộc sống của đôi vợ chồng Héraclès và Mégare trôi đi trong tình yêu và hạnh phúc. Mégare là người đàn bà hiền hậu và xinh xắn. Nàng ăn ở với Héraclès hòa thuận và sinh được tám người con. Song bỗng một ngày kia từ đâu đưa đến một tai họa vô cùng khủng khiếp cho gia đình này. Héraclès tự nhiên phát điên, một cơn điên quái gở mà từ xưa đến nay chàng chưa bao giờ mắc phải. Chàng ôm đầu gầm rú, trợn mắt trừng trừng, bọt mép sùi ra nom như một con thú, chạy khắp đó đây. Chàng vớ lấy dao đâm chết cả vợ lẫn con. Cả đến mấy đứa cháu, con của Iphiclès, em chàng, cũng không thoát chết. Khi tỉnh lại, Héraclès vô cùng sợ hãi trước tội lỗi của mình. Hỏi ra thì được lời sấm phán truyền cho biết: đó là Héra trả thù. Nàng vẫn thù ghét đứa con riêng của thần Zeus, tuy Zeus đã cam kết với nàng để cho Héraclès làm đầy tớ cho Eurysthée mười hai năm. Có người kể, Mégare không bị Héraclès giết chết. Nữ thần Athéna được Zeus trao cho đặc trách bảo hộ cho Héraclès, đã kịp thời làm Héraclès ngủ thiếp đi, do đó Mégare mới thoát chết. Người ta còn bảo, nữ thần Héra gieo tai họa đó là nhằm trừng phạt Héraclès đã không thực hiện đúng lời Zeus cam kết: đến làm đầy tớ cho Eurysthée.

Đối với Héraclès thì từ đây thôi thế là chấm hết hạnh phúc gia đình. Chàng là một tội phạm, đã làm cho gia đình tan nát. Làm thế nào để giải trừ, tẩy rửa được tội lỗi này? Héraclès chỉ còn biết đến đền thờ Delphes để xin thần Apollon ban cho những lời chỉ dẫn. Thần Apollon truyền cho chàng phải trở về quê hương Tirynthe nộp mình làm nô lệ cho Eurysthée mười hai năm. Cô đồng Pythie ở đền thờ Delphes được thần Apollon cho tiếp xúc, đã truyền đạt lại những điều thần dậy như sau:

– Hỡi Héraclès, người con quang vinh của Zeus! Ngươi hãy trở về nơi quê cha đất tổ ở Tirynthe cam chịu hầu hạ cho Eurysthée trong mười hai năm. Trong mười hai năm ấy ngươi sẽ phải trải qua mười hai thử thách lớn. Nếu ngươi vượt qua được những thử thách đó, lập được những chiến công thì danh tiếng nhà ngươi sẽ vang động đến trời xanh. Các vị thần Olympe sẽ coi nhà ngươi như một vị thượng đẳng phúc thần, ban cho nhà ngươi đặc ân, thoát khỏi số phận ngắn ngủi của người trần đoản mệnh. Nhà ngươi sẽ là một vị thần bất tử xứng đáng với vinh quang bà con của đấng phụ vương Zeus.

Héraclès nghe xong bèn lễ tạ vị thần ánh sáng có cây cung bạc rồi ra đi. Chàng tâm niệm trong lòng những lời phán bảo của thần. Từ đây, Héraclès phải dấn thân vào một cuộc đời vô cùng gian truân và biết bao thử thách.

Quyển 1 – Chương 52: Mười hai kỳ công của Héraclès

Tuân theo lời thần truyền dạy, Héraclès đến thành Mycènes nộp mình cho Eurysthée, cam chịu làm nô lệ cho hắn trong mười hai năm. Eurysthée là một tên vua hèn nhát và ốm yếu nhưng lại cai quản ba đô thành giàu có của đất Argolide là Tirynthe, Mycènes và Midée. Trông hắn chẳng có gì là một chàng trai đang tuổi trưởng thành, tràn đầy sinh khí. Gặp hắn ta cứ tưởng như là gặp một người vừa mới ốm dậy, nếu không nói quá lời thì ta tưởng như gặp một ông lão tám mươi. Nghe đồn Héraclès tính nóng như lửa, sức khỏe hơn người, có thể bạt núi ngăn sông, bắt thú dữ như trở bàn tay, dẹp giặc cướp, chẳng phải hao xương tổn máu, Eurysthée đã thấy ngài ngại. Nghĩ một hồi lâu nhà vua truyền cho Héraclès không được cư ngụ ở đô thành Mycènes. Mọi việc vua cần sai bảo sẽ có người truyền lệnh đến Tirynthe phán bảo cho Héraclès biết.

Từ đây bắt đầu cuộc đời cực nhục của Héraclès. Trở về Tirynthe chưa được ít ngày, Héraclès đã nhận được lệnh phải lên đường ngay. Công việc đầu tiên mà Eurysthée thử thách chàng, giao cho chàng phải làm là: giết con sư tử ở Némée.

Quyển 2 – Chương 1: Giết con sư tử ở Némée

Thuở ấy ở Némée có một con sư tử to lớn hung dữ gấp mười lần con sư tử ở Cithéron. Bố nó chính là tên Đại khổng lồ Typhon, đã có lần quật ngã Zeus. Mẹ nó là Échidna, một con quỷ cái nửa người nửa rắn. Các anh em sư tử cũng đều là những loại ghê gớm cả. Nữ thần Héra đã nuôi con sư tử này và đem thả vào vùng Némée. Ác thú sống trong một cái hang có hai lối: một lối ra, một lối vào. Ngày ngày nó xuống đồng cỏ bắt gia súc, phá hoại mùa màng của nhân dân. Sư tử Némée còn khác sư tử Cithéron ở chỗ không cung tên, gươm dao nào đâm thủng, bắn thủng da nó được. Héraclès làm thế nào để trị được con quái vật này? Các vị thần luôn luôn theo dõi giúp đỡ người anh hùng. Thần Apollon cho chàng một cây cung và một ống tên. Thần Hermès cho chàng một thanh gươm dài và cong. Thần Héphaïstos rèn cho chàng một bộ áo giáp vàng. Còn nữ thần Athéna ban cho chàng một bộ quần áo do tự tay nàng dệt lấy vải may thành áo, thành quần rất đẹp. Đây là cây chùy gỗ tự tay chàng làm lấy trước khi đi diệt trừ ác thú ở Cithéron. Hồi ấy chàng tìm thấy một cây gỗ to và quý ở trong một khu rừng già. Cây gỗ rắn như sắt, chắc như đồng khiến chàng nghĩ tới có thể sử dụng nó làm một thứ vũ khí. Chàng bèn đốn cây chặt hết cành lá, chỉ lấy đoạn gốc để đẽo thành chùy. Chính với cây chùy này mà chàng hạ thủ được con sư tử Cithéron.

Nhưng lần giao đấu này với sư tử Némée không dễ dàng như lần trước. Héraclès phải tìm đến tận hang ổ của con vật. Chàng rình mò, xem xét thói quen, tính nết của nó rồi nghĩ kế diệt trừ. Sư tử Némée ở trong một cái hang có hai cửa, vì thế không dễ đón đánh được nó. Héraclès thấy tốt nhất là phải vít kín, phải lấp kín đi một cửa, buộc nó phải về theo một con đường nhất định. Và chàng mai phục ngay trước cửa hang. Chờ cho con vật ra khỏi hang, chàng giương cung bắn. Những mũi tên của chàng lao vút đi trúng liên tiếp vào thân con ác thú nhưng bật nảy ra và quằn đi như bắn vào vách đá. Không còn cách gì khác là phải lao vào con ác thú giao chiến với nó bằng gươm, bằng chùy. Nhưng đến gần nó thì thật là nguy hiểm. Héraclès thận trọng trong từng đòn đánh con vật, vì chỉ sơ hở một chút thì người anh hùng sẽ biến thành bữa ăn ngon miệng cho sư tử. Lừa cho ác thú vồ hụt, chàng vung gươm bổ một nhát trời giáng xuống đầu nó. Nhưng ghê gớm làm sao, thanh gươm bật nẩy như khi ta chém dao xuống đá. Da con vật chẳng hề xây xát. Héraclès dùng chùy. Chàng hy vọng nện liên tiếp vào đầu nó thì nó sẽ không thể còn sức mà giao đấu với chàng. Nhưng chàng không thể nào nện liên tiếp vào đầu con vật. Chàng còn phải tránh những đòn ác hiểm của nó như quật đuôi, vả trái, tát phải, nhẩy bổ, lao húc… Bây giờ thì chỉ còn cách vật nhau với nó. Héraclès lợi dụng một đòn tấn công hụt của ác thú, nhảy phắt lên lưng, cỡi trên mình nó, hai chân quặp lấy thân còn hai tay vươn ra bóp cổ, ấn đầu nó xuống đất. Con sư tử không còn cách gì đối phó lại được. Hai chân sau của nó ra sức đạp mạnh xuống đất để hất người ngồi trên lưng nó xuống, nhưng vô ích. Còn hai chân trước của nó chỉ biết cào cào trên mặt đất. Trong khi đó thì đôi bàn tay của Héraclès, như đôi kìm sắt thít chặt lấy cổ họng nó, khiến nó ngạt thở phải há hốc mồm ra và hộc hộc lên từng cơn. Chẳng bao lâu thì con thú yếu dần, cuối cùng chỉ còn là một cái xác. Thế là Héraclès vượt qua được một thử thách, lập được một chiến công kỳ diệu. Chàng muốn lột lấy bộ da sư tử làm áo giáp, dùng đầu sư tử làm mũ đội. Nhưng chẳng dao nào rạch được trên da con vật. Héraclès lấy luôn móng sắc con vật thay dao. Và chàng mặc bộ áo của chiến công ấy, đội chiếc mũ của vinh quang ấy, trở về Mycènes báo công với nhà vua Eurysthée. Với bộ áo bằng da sư tử Némée, từ nay trở đi Héraclès trở thành vô địch, không vũ khí nào có thể làm chàng đứt thịt rách da.

Đứng trên bờ thành cao nhìn xuống, Eurysthée thấy Héraclès trở về với y phục như thế thì sợ hãi quá chừng. Hắn ra lệnh cho Héraclès không được vào trong kinh thành, nhất là không được bén mảng đến gần cung điện. Cẩn thận hơn nữa, hắn còn ra lệnh từ nay trở đi những loại chiến lợi phẩm như thế phải để ngoài cửa ô, nghiêm cấm không được mang vào trong thành. Eurysthée lại còn giao luôn cho Héraclès một nhiệm vụ mới nữa, một nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm hơn: giết, thanh trừ con mãng xà Hydre ở Lerne.

Để ghi nhớ chiến công của người anh hùng Héraclès, nhân dân Hy Lạp sau này cứ hai năm một lần tổ chức Hội Némée ở thung lũng Némée thuộc đất Argolide. Hội mở vào giữa mùa hè thường kéo dài độ ba đến bốn ngày để tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với thần Zeus. Sau cái nghi lễ tôn giáo là đến các trò thi đấu thể dục thể thao. Trong thời gian mở hội, các thành bang Hy Lạp tạm thời hòa hoãn các cuộc xung đột, các mối hiềm khích để vui chơi.

Quyển 2 – Chương 2: Giết con mãng xà Hydre ở Lerne

Sau chiến công đầu tiên của Héraclès, Eurysthée lại ra lệnh cho chàng phải lên đường dấn thân vào một thử thách còn nặng nề và nguy hiểm gấp bội phần thử thách đầu tiên: đến vùng Lerne giết con mãng xà Hydre. Đây cũng lại là một quái vật con của Typhon và Échidna, một con rắn khổng lồ đã thành tinh có tới một trăm cái đầu, sống ở vùng Lerne trên bán đảo Péloponnèse. Mãng xà Hydre này chuyên sống ở vùng đầm lầy giữa các ngọn núi đá. Nó chọn một cái hang sâu làm nơi cư ngụ. Thật không kể xiết những tai họa khủng khiếp mà Hydre đã gieo xuống đời sống nhân dân quanh vùng. Trước hết hãy nói về hơi thở của con quái vật này. Đó là hơi thở của một trăm cái đầu to lớn với những cái miệng rộng như cái nong, cái nia, vì thế ta chỉ có thể nói đó là những luồng gió mạnh. Nếu Hydre phồng mang trợn mắt mà phun, mà thổi thì cây cối bị đổ, gẫy, nhà cửa bị bốc bay. Nguy hiểm hơn nữa là trong hơi thở của Hydre có khí độc, ai không may hít phải là chết ngay tức khắc. Vì lẽ đó cho nên ngay cả khi Hydre ngủ cũng không ai dám bén mảng đến gần. Nhân dân quanh vùng Lerne bị Hydre bắt không biết bao nhiêu là bò, ngựa, dê cừu. Cả đến người nữa, không gia đình nào là không có người thiệt mạng. Người ta phải dời chỗ ở nhiều lần tránh xa vùng Hydre để kiếm ăn. Nhưng tránh đâu cho thoát, Hydre bò rất nhanh, quăng mình đi vun vút như ta quăng ném một hòn đá.

Héraclès cùng với Iolaos con của Iphiclès đến vùng Lerne bằng một cỗ xe ngựa. Hai người cho dừng lại ở ngoài vùng đầm lầy rồi len lỏi qua các bờ bãi lau sậy um tùm tìm nơi ở của con quái vật. Việc tìm kiếm quái vật tuy vất vả song không đến nỗi kéo dài vì hơi thở tanh tưởi của Hydre là một dấu hiệu chắc chắn nhất báo cho biết sào huyệt của nó đã không còn xa. Sau khi xem xét cẩn thận nơi ở của quái vật, Héraclès thấy muốn diệt được nó trước hết phải điệu nó ra khỏi vùng đầm lầy. Chàng cùng với Iolaos dùng kế khiêu khích Hydre. Iolaos đốt nóng những mũi tên cho Héraclès bắn vào quái vật, bắn liên tiếp hết mũi tên này đến mũi tên khác. Hydre thấy động liền ngóc đầu dậy đi tìm địch thủ. Trúng kế của người anh hùng, quái vật bò ra khỏi vùng đầm lấy, quấn mình đuổi theo hai người. Cuộc chiến đấu giữa Héraclès với Hydre thật gay go vô cùng. Hydre vươn thân ra quấn lấy Héraclès định thắt, xiết cho Héraclès chết. Nhưng Héraclès nhanh chóng chuồi ra khỏi vòng cuốn của nó, vung chùy lên giáng vào đầu nó. Mỗi đòn chùy giáng vào một cái đầu của Hydre tưởng là một đòn kết liễu và chỉ cần một trăm đòn thì một trăm cái đầu của Hydre vụn tan như cám. Song không phải như thế, Hydre không phải là một con mãng xà thường: cứ mỗi cái đầu bị đập bẹp, vỡ tan, thì tức khắc một cái đầu khác lại mọc ra thay thế. Cũng cần phải nói tới sự giúp đỡ của các vị thần nên Héraclès mới không bị trúng độc. Không thể đánh nhau với Hydre theo cách ấy được nữa. Héraclès gọi người cháu trai là Iolaos đến giúp sức. Chàng ra lệnh cho Iolaos đốt lên một ngọn đuốc, lửa cháy bừng bừng. Cứ mỗi cái đầu của Hydre bị chàng đập bẹp thì Iolaos phải lập tức gí ngay đuốc lửa vào đốt luôn để cho không một cái đầu nào mọc tiếp, kịp thời được nữa. Cứ thế lần lượt, Héraclès hạ gần hết trăm đầu con mãng xà. Nữ thần Héra thấy con quái vật của mình bị yếu thế, sắp đi theo số phận con sư tử Némée bèn sai một con tôm hùm rất lớn từ dưới vùng đầm lầy lên cứu viện cho Hydre: Con tôm hùm bò lên vừa lúc Héraclès không đề phòng đã cắp vào ngón chân chàng định giật mạnh cho chàng ngã. Bị đau, Héraclès giật mình quay lại, tiện tay giáng xuống một chùy. Con vật vỡ tan ra từng mảnh. Các đầu của Hydre lần lượt bị đánh bẹp. Chỉ còn lại một cái đầu lớn nhất ở chính giữa thân là không sao trị được vì lẽ nó vốn bất tử. Héraclès dùng gươm. Bị chém lìa khỏi thân mà mắt nó vẫn mở trừng trừng, miệng phun ra hơi độc phì phì. Héraclès bèn đào một cái hố sâu rồi hất nó xuống đấy, đoạn chàng vác một tảng đá lớn đè chặn lên trên. Chỉ có làm như vậy thì nó mới không thể sống lại được nữa. Trước khi ra về, Héraclès đem nhúng những mũi tên của mình vào máu của con mãng xà. Từ đó trở đi những mũi tên của Héraclès lại ác hiểm thêm một bậc nữa. Kẻ nào bị trúng tên thì không phương thuốc nào cứu khỏi cái chết. Thế là người anh hùng Héraclès đã hoàn thành một chiến công vĩ đại nữa.

Ngày nay, trong văn học thế giới cái tên Hydre158 có một nghĩa bóng, chỉ một tai họa, một tệ nạn nào cứ tái diễn đi tái diễn lại trong đời sống xã hội, xóa bỏ, thanh trừ rồi lại nảy sinh lắp đi lắp lại giống như đầu của con mãng xà Hydre bị đánh bẹp lại mọc ra chiếc khác.159

[158] Ngày nay Hydre trở thành danh từ chung chỉ một loài sinh vật ở nước ngọt không có xương sống. Tiếng Hy Lạp hudra, từ hudor: nước.

[159] Có chuyện kể Hydre có bảy đầu hoặc chín đầu, chặt một đầu thì hai đầu khác lại mọc ra thay thế.

Quyển 2 – Chương 3: Bắt sống con lợn rừng Érymanthe

Ở vùng Arcadie trên ngọn núi Érymanthe có một con lợn rừng to lớn và cực kỳ hung dữ. Nó thường xuống vùng đồng ruộng ở dưới chân núi phá hoại hoa mầu gây thiệt hại cho đời sống của dân lành. Cả đến đô thành Psophis dưới chân núi, người ở đông như thế mà nó vẫn không sợ. Gặp người là nó lao thẳng tới húc. Vì thế chưa có một tay thợ săn nào đám đương đầu với nó, nhất là khi chưa có một thứ vũ khí gì có thể đâm thủng được lớp da dày cứng của nó. Eurysthée giao cho Héraclès phải bắt sống con lợn rừng này về. Y nghĩ rằng giao cho Héraclès giết chết ác thú thì chẳng có gì khó khăn cả, phải giao cho Héraclès bắt sống thì may ra mới buộc được Héraclès đầu hàng trước khó khăn.

Héraclès ra đi. Trên đường đến vùng nùi Érymanthe, chàng vào thăm Centaure Pholos, một người bạn thông thái của chàng. Centaure Pholos tiếp đãi người con của thần Zeus rất chân tình và long trọng. Một thứ rượu quý ủ lâu năm mà rất ít khi Pholos đem ra tiếp đãi bạn bè, ngay cả những người bạn cùng dòng giống nửa người nửa ngựa của mình, được lấy ra mời Héraclès. Vò rượu mở ra, mùi thơm ngào ngạt bay đi đến nỗi cá dưới nước ngửi thấy cũng thèm, chim trên trời ngửi thấy cũng muốn uống. Mùi thơm bay đi làm cho các bạn của Centaure Pholos ngửi thấy và nổi giận. Bọn chúng cho rằng Pholos đã coi thường anh em, lấy của quý, đặc sản của dòng giống Centaure ra thết đãi người không cùng huyết thống. Thế là chúng kéo đến gây sự xông vào đánh đôi bạn đang chụm đầu vào nhau say sưa chén vui chén nhớ hàn huyên tâm sự. Héraclès nhanh như cắt, đối phó lại ngay, chàng rút luôn những thanh củi đang cháy bừng bừng trong bếp ném vào bọn Centaure. Biết không thể kiếm chác được gì trong cuộc gây rối này, lũ Centaure bảo nhau chạy trốn. Nhưng Héraclès không tha quân côn đồ càn quấy, chàng truy đuổi chúng đến tận Malée. Cùng đường, bọn chúng phải chạy trốn vào trong hang của vị thần Centaure Chiron, một vị thần nửa người nửa ngựa đã truyền dạy cho các anh hùng, dũng sĩ biết bao điều hiểu biết uyên thâm. Héraclès đuổi theo và giương cung bắn, giết chết một số trong bọn chúng. Nhưng đau đớn làm sao một mũi tên của chàng không trúng lũ côn đồ mà lại trúng đầu gối người thầy Centaure Chiron tài cao học rộng của chàng! Làm thế nào cứu chữa được bây giờ? Héraclès chỉ còn cách cúi đầu xin thầy tha thứ cho sự lầm lẫn đó. Còn Chiron biết mình không thể qua khỏi được, đã tự nguyện từ bỏ thế giới huy hoàng của ánh sáng mặt trời xuống sống dưới vương quốc tối tăm của thần Hadès.

Héraclès buồn rầu ra đi. Chàng suy tính cách bắt sống con vật. Chắc chắn chàng đuổi nó thì không sức nào đuổi kịp. Phải đợi cho đến mùa lạnh tuyết rơi. Và đúng thế, khi tuyết đã phủ dày trên núi và các cánh đồng, Héraclès tìm vào hang ổ con vật. Bằng tiếng thét như sấm, chàng làm cho con vật kinh hãi rời khỏi ổ, chạy ra ngoài. Và chàng cứ thế vừa đuổi theo vừa hò hét. Tuyết dày, mỗi bước đi là mỗi bước lún, vì thế chẳng mấy chốc con vật cuồng chân, kiệt sức nằm lăn ra. Héraclès chỉ việc đến tóm cổ, trói chặt, vác lên vai mang về. Chàng đến trình diện Eurysthée với con lợn trên vai. Ôi chao, tên vua này vừa trông thấy đã rụng rời cả người. Hắn cuống cuồng bỏ chạy, chui vào trong một cái vại bằng đồng mà hắn đã dành sẵn làm nơi ẩn náu những khi nguy hiểm. Hắn cứ ngồi lì trong đó cho đến khi có tin báo Héraclès đã ra đi rồi, lúc đó hắn mới hoàn hồn và chui ra khỏi vại.