Quyển 2 – Chương 14: Héraclès đánh phá thành Troie

Hết hạn làm nô lệ cho Omphale, Héraclès trở về quê hương. Việc đầu tiên chàng quyết định phải làm là trừng phạt nhà vua Laomédon trị vì ở thành Troie về tội đã bội ước quỵt công của chàng trong việc giải thoát cho Hésione khỏi phải hiến mình cho loài thủy quái. Héraclès liền chiêu tập các vị anh hùng trên đất nước Hy Lạp họp thành một đạo quân lớn, tích lương đóng thuyền, làm lễ hiến tế các vị thần chờ ngày thuận gió hạ thủy xuất quân.

Đoàn chiến thuyền viễn chinh theo người xưa kể có mười tám chiếc, kể ra cũng chưa phải là to lớn gì. Cuộc vây đánh diễn ra không lâu. Laomédon biết đạo quân của Héraclès có để lại một đội quân nhỏ để canh giữ chiến thuyền neo đậu ở bờ biển, liền tung một đội quân từ trong thành ra tập kích. Quân Hy Lạp chống đỡ anh dũng song bị thiệt hại nặng nề. May thay khi quân Troie chưa kịp tiến vào khu chiến thuyền neo đậu ở bờ biển thì Héraclès được tin vội quay về ứng cứu. Quân Troie núng thế phải bỏ chạy vào trong thành. Quân Hy Lạp bắt đầu cuộc vây hãm thành Troie và tìm cách phá thành.

Các anh hùng dũng sĩ xông lên, vượt lên, trèo lên tường thành cao đánh nhau với quân Troie trên mặt thành. Họ thắng thế tràn vào trong thành, mở cổng thành cho đại quân ùa vào. Thế là thành Troie bị thất thủ. Laomédon và các con trai bị trúng những mũi tên tấm độc của Héraclès lần lượt ngã xuống. Chỉ còn lại một người con trai út của nhà vua là thoát chết song bị bắt làm tù binh. Nàng Hésione xinh đẹp cũng bị bắt. Để thưởng công cho người dũng sĩ Télamon đã anh dũng lúc nào cũng xông pha trước nhất, dẫn đầu mọi người trong các trận đánh, Héraclès gả Hésione cho chàng. Héraclès lại còn ban cho Hésione một đặc ân: cho phép Hésione chuộc một tù binh để phóng thích. Hésione bèn chọn ngay Podarcès168 người em út của mình. Nàng chẳng biết lấy của cải ở đâu ra làm lễ vật xin chuộc, liền tháo tấm khăn trùm đầu tha thướt trao cho Héraclès. Từ đó trở đi, Podarcès được tự do. Chàng đổi tên là: “Priam” theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “chuộc lại”. Héraclès trao lại thành Troie cho chàng trai “chuộc lại” này.

Đoàn thuyền chất đầy những chiến lợi phẩm dưới quyền chỉ huy của Héraclès trở về Hy Lạp. Nữ thần Héra vẫn nấu nung căm tức liền giáng xuống mặt biển những ngọn gió sóng thần hung dữ, bạo ngược, gây ra bão táp hiểm nguy. Để cho thần Zeus không biết chuyện này, Héra sai thần Giấc ngủ-Hypnos dùng pháp thuật đặc hữu của mình làm cho Zeus ngủ say mê mệt. Bão táp cứ thế hoành hành trên mặt biển. Đoàn thuyền của Héraclès trôi nổi trên mặt sóng dữ dội của Đại dương. Cuối cùng trôi dạt vào đảo Cos169.

Những người dân trên đảo Cos thấy có thuyền lạ đến đảo của mình bèn gọi nhau ra lấy đá ném, mưu làm cho thuyền đắm để “lũ cướp biển” không đổ bộ được lên bờ. Nhưng đêm hôm đó đoàn thuyền Héraclès đổ bộ được lên đảo. Tức giận vì hành động bạc đãi của những người dân trên đảo này, chàng đã cùng với các chiến hữu của mình phá trụi sạch đảo, bắt và giết một số dân. Vua Eurypylos con của thần Poséidon bị Héraclès giết trong một cuộc tấn công trả thù.

Sau một giấc ngủ dài và mệt, tỉnh dậy thần Zeus biết mình bị vợ đánh lừa. Tức chuyện đó một thì khi biết tin đoàn thuyền Héraclès trên đường về gặp giông tố, tai họa, tính mạng như trứng đặt dưới đá, Zeus lại càng tức mười, tức trăm. Thần thét vang làm cho cả cung điện Olympe run bần bật. Thần sai các chư thần đem Héra cùm lại. Đây là một chiếc cùm bằng vàng do thần Thợ rèn Chân thọt làm ra, chẳng ai có tài gì phá được. Sau đó Zeus, thật là vô cùng dã man, đem Héra trói lại rồi treo lơ lửng ở giữa trời, xiềng bàn chân của vợ, hai bàn chân xinh đẹp là như thế, vào hai cái đe. Các chư thần sợ xanh mắt, chẳng ai dám đứng ra khuyên giải Zeus đôi ba lời. Thần Zeus còn ra lệnh nếu vị thần nào can thiệp vào chuyện này, cởi trói cho Héra, thì sẽ bị ném tuột xuống trần. Chưa hết, Zeus lại còn sục sạo đi tìm thần Giấc ngủ-Hypnos để trừng trị y về cái tội đã đồng lõa với mụ vợ thù dai. Nhưng không tài nào tìm thấy. Hypnos vốn biết tính tình của Zeus song cũng không thể nào từ chối công việc của Héra giao. Nhưng y làm xong việc là cao chạy xa bay ngay đến chỗ nữ thần Đêm tối-Nyx nhờ nữ thần che chở, vì lẽ đó Zeus không thể nào tìm ra được thần Hypnos, người gieo giấc ngủ xuống đôi mắt của thế giới thiên đình và những người trần thế.

[163] Tiếng Hy Lạp mélanippe: con ngựa cái đen.

[164] Tác giả nhầm; Géryon là con của Chrysaor và Callirhoé. Méduse sinh ra Chrysaor (và Pégase) từ vết chém trên cổ, sau khi bị giết bởi Persée (Chương Người anh hùng Persée: Persée giết ác quỷ Méduse), vậy Méduse là bà của Géryon (Chú thích của Nguyễn Tuấn Linh).

[165] Méléagrides gồm có Gorgé, Dejánire, Eurymède, Mélanippe.

[166] Pintade, còn dịch là gà Phi.

[167] Trois choses sont considérées comme également impossibles, enlever à Jupiter sa foudre, à Hercule sa massue, à Homère un vers: Có ba việc hoàn toàn không thể nào làm được là tước sét của thần Jupiter, cây chùy của Hercule, câu thơ của Homère. (Macrobe, Saturnales). Prendre la masue d’Hercule pour couper un cheveu en quatre: Dùng cây chùy của Hercule để chẻ sợi tóc làm tư; tương đương với câu Dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà trong văn học Việt Nam.

[168] Tiếng Hy Lạp podarcès: chân nhanh.

[169] Cos là một hòn đảo nằm trong quần đảo Sporades gần bờ biển phía nam Tiểu Á.

Quyển 2 – Chương 15: Héraclès được gia nhập vào hàng ngũ các vị thần của thế giới Olympe

Khi Héraclès bị bán làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale thì vợ chàng, nàng Dejánire và các con buộc phải rời bỏ Tirynthe đi kiếm một nơi khác để trú ngụ. Dejánire đến đô thành Trachine thuộc đất Thessalie. Cầm quyền ở đây là nhà vua Céyx, nếu kể về huyết thống thì phải gọi Amphitryon, bố dượng của Héraclès bằng chú, bác hay cậu gì đó. Vua Céyx đón tiếp vợ con của Héraclès với lòng chân thành và sự thông cảm. Nhà vua vui lòng cho mẹ con Dejánire nương náu tại đô thành của mình.

Dejánire sống ở Trachine với nỗi chờ đợi. Ngày đêm nàng mong ngóng người chồng thân yêu được trả lại tự do. Nàng tính từng ngày, từng tháng. Hai năm rồi ba năm. Ba năm chẵn đã trôi qua mà lạ sao vẫn chưa thấy chàng về. Kể năm ra thì đúng như thế rồi mà người cũng chẳng thấy về, tin tức cũng chẳng thấy đến. Hay là có một sự rủi ro gì xảy ra chăng? Dejánire lo nghĩ ngày đêm. Thời gian lại trôi đi. Và bây giờ là ba năm có lẻ rồi mà vẫn chưa thấy tin tức của Héraclès. Nàng gọi đứa con trai lớn đến và bày tỏ nỗi lo lắng:

– Hỡi Hyllos, con thân yêu của mẹ! Đã hơn ba năm rồi, không phải chỉ hơn một ngày, hai ngày hay dăm bữa nửa tháng gì, mà là ba năm ba tháng rồi mà cha con vẫn chưa về. Ở nhà mẹ con ta ngày đêm trông ngóng cha con. Mà sao lạ lùng quá làm vậy, đến một chút tin tức cũng không có! Hay có một điều gì chẳng lành đã xảy ra đối với cha con? Hyllos con, có lẽ con phải lên đường tìm cha con để cho mẹ được yên lòng.

Tuân theo lời mẹ, Hyllos lên đường đi tìm cha. Hyllos đi đâu bây giờ? Chàng được biết, Héraclès khi hết thời hạn làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale sẽ cầm đầu một đạo quân tiến vào đô thành Oechalie để hỏi tội tên vua Eurytos, rửa sạch mối nhục xưa kia. Bây giờ muốn biết tin cha chỉ có thể đến nơi đó. Cũng như mẹ, chàng hết sức lo lắng cho số phận của Héraclès, vì xưa nay chưa bao giờ Héraclès lại biệt vô âm tín như bây giờ. Nhưng lo lắng hơn nữa là một lời tiên tri phán truyền về số phận Héraclès xem ra có thể ứng nghiệm. Chính Dejánire ngày đêm lo lắng đến hao mòn thể xác cũng là vì lời tiên tri này. Hồi đó, khi từ giã vợ con, bán mình làm nô lệ cho Omphale, Héraclès có truyền lại cho vợ con biết về lời tiên tri này. Héraclès đã thân hành đi đến rừng sồi Dodone để cầu xin thần Zeus. Lời Zeus phán bảo: sau ba năm ba tháng ở đất khách quê người, nếu trở về quê nhà được với vợ con thì sẽ có một cuộc sống vô vàn hạnh phúc, bằng không thì không tránh khỏi cái chết. Bây giờ ba năm ba tháng rồi, Héraclès chưa về. Có sự gì đã xảy ra với người anh hùng vĩ đại, cha của chàng? Chàng ra đi với nỗi lòng như thế và tự nhủ chỉ có mau chóng tới đô thành Oechalie thì mới có thể biết rõ sự thật.

Trong khi Hyllos theo đuổi cuộc hành trình thì Héraclès lại phái một người tùy tướng tên là Lichas từ đảo Eubée trở về Trachine. Thật không còn gì sung sướng bằng khi Dejánire biết tin chồng mình đã rửa được nhục, chiến thắng oanh liệt tên vua khinh người, san bằng đô thành của y và chỉ sớm muộn mai đây, chàng, người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, sẽ trở về với nàng. Lichas đem theo nhiều chiến lợi phẩm và tù binh. Vị tùy tướng này cho biết, Héraclès đang sửa soạn cho buổi lễ hiến tế tạ ơn các vị thần mừng chiến thắng. Xong việc đó chàng sẽ rời đảo Eubée trở về Trachine.

Chợt Dejánire trông thấy trong đám tù binh một thiếu nữ xinh đẹp đang sụt sùi khóc. Nàng hỏi Lichas về lai lịch cô ta, vì nàng nghĩ một người thiếu nữ xinh đẹp như thế ắt phải là con của nhà vua Eurytos. Sự nghi ngờ của nàng thật đúng. Người nữ tù binh đó chính là nàng Iole, con gái vua Eurytos. Nhưng Lichas trả lời rằng mình không được rõ, có thể chỉ là con một gia đình quý tộc nào đó ở Oechalie. Câu chuyện tưởng đến đó là xong. Ai ngờ, một thị nữ vốn biết đầu đuôi câu chuyện từ khi Héraclès đến đô thành Oechalie bắn cung với vua Eurytos, bị Eurytos bội ước ra sao, làm nhục ra sao, bèn kể lại đầu đuôi, ngọn ngành cho Dejánire biết. “Cô ta chính là Iole đấy bà ạ.” Người thị nữ nói. “Con nghĩ rằng Héraclès, người đưa nàng về đây hẳn không phải để đem đi bán như những nô lệ khác. Con nói, bà tha lỗi, rất có thể người sẽ kết duyên với nàng. Đàn ông năm thiếp bảy thê mà lại”.

Nghe người nữ tỳ thuật chuyện, Dejánire rất buồn. Nàng trách Lichas đã giấu nàng chuyện đó. Đến lúc này Lichas phải nói rõ sự thật cho Dejánire biết quả thật Héraclès có đem lòng yêu mến Iole và có ý định cưới nàng làm vợ.

Thế là mọi việc đã rõ ràng. Người chồng mà Dejánire bấy lâu yêu quý, mong chờ, đã có mới nới cũ, tham đó bỏ đăng. Hèn nào mà từ bao lâu nay chàng chẳng có tin tức gì về nhà. Thì ra là ở chuyện này cả đấy. Càng nghĩ càng buồn, Dejánire chợt nhớ tới lời dặn của con Centaure Nessos xưa kia. Chỉ có làm theo lời dặn dò của nó thì nàng mới có thể giữ lại được tình yêu của chàng, khôi phục lại tình yêu của chàng đằm thắm chung thủy như xưa. Dejánire bèn lấy chiếc bình đựng máu của con Centaure nửa người nửa ngựa ra, đoạn nàng lấy máu ở trong đó đem bôi vào, thấm vào một tấm áo. Nàng gọi Lichas đến và bảo:

– Lichas hỡi! Ngươi hãy đến ngay Eubée dâng cho Héraclès, chồng ta, chiếc hộp này. Ngươi hãy nói với chàng, đây là tấm áo vô cùng quý giá, đích thân ta đã dệt vải và may nên ta gửi cho chàng tấm áo này để chàng mặc khi cử hành lễ hiến tế tạ ơn thần Zeus. Ngươi hãy nói rằng ngoài chàng ra thì không ai được phép mặc chiếc áo này, tấm áo thanh khiết và trong sáng như tấm lòng ta mà đến một tia nắng của thần Mặt trời-Hélios cũng chưa hề xúc phạm đến nó. Lichas hỡi! Ngươi hãy lên đường, đi ngay, đi mau đi, để cho chàng có áo mặc trong lễ hiến tế.

Lichas ra đi. Còn Dejánire bồn chồn với biết bao ý nghĩ. Cái gì sẽ xảy ra. Tình yêu của chồng nàng có thể chỉ ít ngày nữa sẽ lại thủy chung, son sắt với nàng. Còn Iole, số phận của cô ta sẽ được định đoạt như thế nào?

Dejánire đi về phòng riêng. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mặt nàng. Miếng vải mà nàng dùng để thấm máu con quái vật Centaure để bôi lên chiếc áo gửi tặng chồng, miếng vải ấy nàng vứt xuống nền nhà, bây giờ chỉ còn là một nắm tro. Dejánire bủn rủn cả người, Héraclès, Héraclès, chàng sẽ ra sao? Nàng linh cảm thấy có điều gì chẳng lành. Nàng sực nhớ lại lời tiên tri. Hay lời tiên tri ứng nghiệm?

Bỗng đâu Hyllos đẩy cửa ùa vào nhà. Người con trai của Dejánire mắt đẫm nước, gào lên:

– Mẹ ơi! Mẹ chết đi! Thà rằng mẹ chết đi để con không gặp lại mẹ mà nói ra cái sự thật khủng khiếp này. Con biết nói với mẹ thế nào bây giờ? Mẹ đã giết người chồng thân yêu của mẹ. Mẹ đã giết người cha kính mến của con.

Dejánire lạnh toát cả người:

– Sao, sao? Con nói gì vậy? Ai nói với con như vậy? Con không mất trí đấy chứ?

Hyllos đáp lại:

– Con đã chứng kiến cha con mặc chiếc áo quý giá mà mẹ sai người mang đến. Và con cũng đã chứng kiến cha con đau đớn, điên dại, quằn quại như thế nào.

Và Hyllos kể lại cho mẹ nghe những điều mình trông thấy. Chuyện xảy ra như sau:

Sau khi lập xong bàn thờ trên núi cao gần đô thành Oechalie, Héraclès chuẩn bị bước vào hành lễ. Bỗng đâu Lichas chạy tới quỳ xuống dâng cho người anh hùng con của Zeus tấm áo và thuật lại điều mong ước của Dejánire. Héraclès bèn mặc tấm áo vào người và trịnh trọng tuyên bố trước ba quân lễ hiến tế bắt đầu. Chàng giơ hai tay lên trời cao để cầu khẩn các vị thần. Lửa thui các con vật để làm lễ hiến tế bốc cháy bừng bừng và tỏa mùi thơm ngào ngạt. Bất ngờ Héraclès thét lên đau đớn. Chàng đưa tay cởi tấm áo ra nhưng không được. Tấm áo đã dính chặt vào người chàng. Máu của con Centaure Nessos bị trúng tên tẩm thuốc độc từ máu của con mãng xà Hydre đã thấm vào khắp cơ thể chàng, thiêu đốt từ trong tâm can chàng làm chàng điên dại, đau đớn. Chàng đưa tay dứt áo ra nhưng tấm áo đã dính chặt vào da thịt chàng cho nên chàng dứt luôn cả từng mảng thịt của mình. Mọi người chạy đến nhưng không thể nào cứu chữa được. Trong nỗi đau đớn cắn rứt, Héraclès lao tới chỗ Lichas đứng, túm lấy người tùy tướng này và quẳng luôn xuống biển Eubée. Số phận bất hạnh của Lichas được các thần linh biết đến. Các thần biến Lichas thành những hòn núi đá, những hòn đảo nhỏ ở biển Eubée mà sau này người ta gọi là những hòn đảo Lichades.

Héraclès ngã vật xuống đất và giãy giụa trong cơn đau giằng xé. Chàng gọi đứa con trai của mình lai và bảo:

– Con ơi! Ta chết mất thôi. Con hãy đưa ta lên một ngọn núi cao hẻo lánh để không một người trần tục nào nhìn thấy cái chết của ta. Con có thương ta thì đừng để ta chết ở nơi này…

Mọi người vực Héraclès lên cáng, đưa chàng xuống thuyền trở về Trachine. Chính Hyllos đã cùng đi trên thuyền ấy với người cha bất hạnh của mình để về kể lại cho Dejánire biết rõ mọi điều. Nghe con mình kể lại chuyện đau thương và khủng khiếp ấy, Dejánire không nói được một lời nào. Người nàng như không còn sinh khí. Sắc mặt nhợt nhạt và dại hẳn đi. Nàng lặng lẽ đi vào trong cung và tìm được một thanh gươm. Thấy vậy người nhũ mẫu thét lên, gọi Hyllos. Nhưng khi Hyllos chạy đến thì không kịp nữa rồi. Mẹ chàng đã dùng gươm đâm vào ngực tự sát. Hyllos gục đầu trên thi hài người mẹ còn ấm nóng nức nở khóc than. Máu từ trái tim nàng Dejánire chảy lênh láng trên nền nhà.

Trong những phút hấp hối, những phút cuối cùng của đời mình, người anh hùng vĩ đại con của Zeus bày tỏ nguyện vọng được hỏa táng trên đỉnh núi Oeta. Chàng cũng nói cho Hyllos biết, như vậy là lời tiên tri của Zeus đã ứng nghiệm, vì Zeus đã có lần phán bảo, chàng “không chết vì tay của một người sống mà lại chết vì mưu mô của kẻ đã chết”. Hyllos thanh minh cho mẹ, xin cha hãy rộng lòng tha thứ cho người mẹ đáng thương của mình. Héraclès còn bày tỏ ước nguyện Hyllos sẽ kết duyên với Iole.

Giàn lửa đã được thiết lập xong trên đỉnh Oeta. Người ta khiêng Héraclès lên và đặt vào trong đó. Lúc này Héraclès nói đã yếu đi nhiều. Chàng mong muốn được chết nhanh trong ngọn lửa thiêu còn hơn kéo dài mãi nỗi đau đớn nứt da xé thịt âm ỷ trong người. Nhưng không một ai dám châm lửa. Người ta cảm thấy không đành lòng làm một việc như vậy. Cuối cùng, người anh hùng Philoctète tuân theo lời Héraclès châm lửa. Người chiến hữu và đồ đệ của Héraclès tiến đến bên giàn củi đưa cây đuốc ra. Tay chàng run lên, khuôn mặt chàng hằn lên nỗi đau xót. Những giọt nước mắt nối nhau lăn trên gò má.

Lửa bùng cháy. Philoctète khóc nấc lên. Chàng kính cẩn cúi đầu vĩnh biệt người anh hùng của những kỳ công thay đổi trời đất. Di vật của Héraclès trao lại cho chàng, người đã châm ngọn lửa tiễn đưa Héraclès về thế giới vĩnh hằng, là cây cung và ống tên bách chiến bách thắng.

Bỗng nhiên trời đất tối sầm lại. Một tiếng sét nổ rung chuyển cả bầu trời và mặt đất, sáng rực lên một góc trời. Thần Zeus đã ra hiệu cho các vị thần Olympe đón tiếp đứa con của mình. Nữ thần Chiến thắng-Niké theo lệnh của Zeus đánh cỗ xe vàng xuống đón Héraclès. Có chuyện kể nữ thần Athéna và thần Hermès.

Héraclès được gia nhập vào thế giới Olympe và trở thành một vị thần bất tử. Nữ thần Héra từ đây cũng không nuôi giữ mối thù với người anh hùng con riêng của chồng mình nữa. Bầu trời cao xa vời vợi, trong sáng thanh khiết, cuộc sống bất tử là phần thưởng cao quý nhất cho người anh hùng mà nếu lần theo gia phả thì bắt nguồn từ nàng Io.

Quyển 2 – Chương 16: Con cháu của Héraclès (Héraclides)

Sau khi Héraclès chết, mẹ chàng cùng với các con của chàng từ thành Thèbes rời về Tirynthe sống với người con trai lớn tên là Hyllos. Nhưng họ sống ở nơi đây không được bao lâu. Eurysthée, vị vua hèn nhát và thù vặt vốn chẳng ưa gì Héraclès đã từng hành hạ Héraclès bằng đủ mọi cách mà chẳng thể bôi nhọ được chàng thì nay trút tất cả nỗi căm tức của mình vào những đứa con của Héraclès. Một nghiêm lệnh được ban bố: Những con cháu của Héraclès không được cư ngụ trên đất Tirynthe. Một nghiêm lệnh khác tiếp theo: Cấm mọi đô thành, xứ sở, miền núi cũng như miền xuôi không được chứa chấp lũ người này. Thế là những người con của Héraclès phải đi lang thang phiêu bạt hết chỗ này đến chỗ khác. Thương xót tình cảnh những người cùng máu mủ, Iolaos, người bạn đường của Héraclès đã từng tham gia chiến đấu với Héraclès trong sự nghiệp vĩ đại, đã bất chấp lệnh của tên vua hèn nhát và thù vặt, cứ đón nhận những người con của Héraclès. Kể ra theo huyết thống thì Iolaos là anh em con chú con bác ruột với những người con của Héraclès (ông là con của Iphiclès mà Iphiclès và Héraclès là hai anh em sinh đôi). Những việc làm nhân nghĩa của Iolaos đã không che giấu được Eurysthée. Biết chuyện, tên vua hèn nhát và thù vặt này lập tức đem quân vây bắt. Bây giờ thì chẳng có ai địch được hắn cả. Quyền thế trong tay hắn, một kẻ bất tài vô đạo, làm cho hắn trở thành một kẻ hãnh tiến dương dương tự đắc, sử dụng quyền lực để hãm hại những người lương thiện, những người con của Héraclès. Hắn tìm thấy niềm vui sảng khoái trong sự thù hằn nhỏ nhen đê tiện. Iolaos và những Héracleidae phải chạy sang lánh nạn ở đô thành Athènes lúc này do Démophon người con trai danh tiếng của người anh hùng Thésée và nàng Phèdre xinh đẹp cai quản. Eurysthée sai sứ thần sang Athènes đòi Démophon phải nộp những Héracleidae, nếu không, hắn sẽ kéo quân sang trị tội. Mặc cho những lời đe dọa láo xược và hung hăng, Démophon vẫn không hề run sợ. Nhà vua kiên quyết bảo vệ truyền thống quý người trọng khách thiêng liêng do thần Zeus đã ban truyền dạy dỗ, nhất là đối với những người đang gặp nạn cầu xin sự che chở, bảo hộ. Chẳng bao lâu, Eurysthée kéo đại quân tràn vào vùng đồng bằng Attique. Tình cảnh quả là rất đáng lo ngại vì quân thù đông gấp bội.

Nhân dân Athènes bèn sắm sanh lễ vật đến đền thờ các vị thần Olympe để cầu xin một lời chỉ dẫn. Lời thần phán bảo: Athènes sẽ chiến thắng vinh quang nếu hiến dâng cho các vị thần một người con gái. Macaria, người con gái lớn của Héraclès và Dejánire tình nguyện hy sinh làm lễ vật hiến tế để Athènes giành được chiến thắng. Trong cuộc chiến đấu nổ ra ác liệt, những người Athènes tuy ít nhưng chiến đấu với tinh thần quyết bảo vệ bằng được xứ sở thân yêu của mình cho nên quân địch, mặc dù đông mà vẫn không đè bẹp được đối phương. Đang lúc cuộc đọ sức diễn ra gay go, bất phân thắng bại thì Hyllos đem một đạo quân đến tiếp viện cho quân Athènes. Tình thế liền xoay chuyển. Quân của Eurysthée bị tiêu hao nặng và cuối cùng phải tháo chạy. Ngay tên vua cầm đầu cuộc hành quân này cũng không có gan trụ lại để củng cố đội ngũ của mình. Vừa thấy núng thế là hắn nhảy phắt lên xe chạy trốn. Hyllos kịp thời phát hiện. Chàng nhảy lên ngay cỗ xe của cha mình truyền lại, tế ngựa rượt theo. Thấy vậy, Iolaos cũng vội nhảy lên xe. Ông khẩn khoản xin người con trai của Héraclès nhường cho mình cái vinh dự đuổi bắt Eurysthée. Người chiến hữu của Héraclès muốn được tự tay trực tiếp trả thù cho Héraclès. Iolaos quất ngựa cho chúng phi nước đại. Ông quyết đuổi bằng được tên vua khốn kiếp hèn nhát và thù vặt. Khoảng cách giữa hai cỗ xe rút ngắn dần. Giờ quyết định sắp đến, Iolaos cầu khấn các vị thần Olympe ban cho mình sức mạnh, sự cường tráng, nhanh nhẹn, óc thông minh và đôi mắt tinh tường. Ông chỉ xin các vị thần ban cho mình những báu vật đó một ngày thôi, chỉ một ngày thôi đủ sức cho ông chiến thắng trong cuộc giao tranh. Báu vật đó xưa kia các vị thần đã ban cho ông nhưng những nữ thần Heures-Thời gian đã tước đoạt mất. Giờ đây ông chỉ còn lại sự chậm chạp và yếu đuối. Chấp nhận lời thỉnh cầu của Iolaos, các vị thần liền giáng xuống hai ngôi sao. Hai ngôi sao bay vút từ bầu trời cao xuống rồi nở ra một đám mây đen trùm kín lên cỗ xe. Tan mây, Iolaos hiện ra như một dũng tướng thời trai trẻ, mắt sáng quắc, tay gân guốc, oai phong lẫm liệt, đường bệ, tinh nhanh. Ông quất ngựa đuổi theo Eurysthée và đã đuổi kịp. Chĩa ngọn lao vào sau lưng tên vua khốn nạn đó, Iolaos bắt hắn phải hàng phục. Và hắn đã cam chịu hàng phục. Iolaos giải hắn về Athènes. Trông thấy tên vua Eurysthée, kẻ đã từng hành hạ con mình, cháu mình, Alcmène sôi máu lên, bà chạy ngay đến chỗ hắn bị trói, móc con mắt của hắn ra vứt đi cho hả lòng căm giận mặc dù đã có nhiều người can ngăn. Có chuyện kể, Eurysthée không bị bắt sống mà bị chặt đầu đem về. Và Alcmène cũng đã đối xử như đã kể với cái đầu của tên vua hèn nhát và thù vặt ấy. Kể ra thì hành động này chẳng lấy gì làm cao thượng. Tuy nhiên, những Héracleidae vẫn làm lễ mai táng cho Eurysthée với đầy đủ nghi lễ. Y được chôn trên mảnh đất gần đền thờ nữ thần Athéna.

Thế là Eurysthée và con gái của hắn đã bị trừng phạt. Giờ đây những Héracleidae phải tìm cách trở về vùng đồng bằng Péloponnèse để sinh cơ lập nghiệp, chấm dứt cái cảnh ăn nhờ ở đợ. Hyllos sau một thời gian chuẩn bị bèn thống lĩnh anh em họ hàng xuất tiến về phía nam. Cuộc chiến đấu diễn ra dằng dai. Cuối cùng Hyllos phải ra lệnh thu quân về vì một bệnh dịch lan tràn làm chết khá nhiều binh sĩ. Đoán rằng có một điều gì đó không ổn, những Héracleidae bèn đem lễ vật hiến tế tới dâng các vị thần để xin lời chỉ dẫn. Lời thần phán truyền như sau: Nếu biết đợi cho qua ba mùa gặt, những Héracleidae sẽ thành công. Hyllos làm theo lời thần dạy. Chờ cho vụ gặt thứ ba xong nghĩa là ba năm sau chàng lại chiêu tập binh mã mở cuộc hành quân. Những Héracleidae tràn vào vương quốc Arcadie. Cuộc chiến đấu kết thúc bằng cái chết của Hyllos và sự rút quân của những Héracleidae. Theo truyền thuyết, cuộc tiến quân lần thứ hai này xảy ra trước cuộc Chiến tranh Troie hơn mười năm.

Sau cái chết của Hyllos, những Héracleidae tạm ngừng các cuộc hành binh lại. Người thì nói, thời kỳ này kéo dài tới một trăm năm, người thì bảo, chỉ quãng năm mươi năm thôi. Cháu của Hyllos là Aristomakhos tiếp tục sự nghiệp của ông cha. Lần này những Héracleidae mưu vượt qua eo đất Corinthe để tiến xuống Péloponnèse, nhưng lại thất bại. Aristomakhos bị giết chết. Người xưa kể, nguyên nhân thất bại là do những Héracleidae hiểu sai lời phán truyền của thần. Thần dạy phải tiến xuống phương nam qua eo biển thì họ lại tiến qua eo đất. Tiếp sau Aristomakhos là ba người con trai: Téménos, Cresphontès, Aristodème. Họ đoán định lại lời thần truyền dạy: “Eo biển” phải hiểu là quãng biển giữa miền đất Hy Lạp và bán đảo Péloponnèse. Những Héracleidae thuộc thế hệ này lại cũng cho rằng đây là thời cơ để họ giành được thắng lợi. Mùa gặt thứ ba là gì? Là thế hệ thứ ba. Và chính họ là thế hệ thứ ba, đích thực là như thế. Cuộc xâm nhập cứ thế tiến hành. Lại những trận giao tranh đẫm máu. Aristodème bị tử trận. Có người nói, chàng bị sét đánh chết. Hai con trai của chàng là Proclès và Eurythénès tiếp tục thay cha đảm đương sự nghiệp chinh phạt đến cùng. Téménos và Cresphontès lại đến đền thờ xin thần thánh chỉ bảo. Thật lạ lùng! Thần dạy: muốn giành được thắng lợi phải có một vị tướng có ba mắt. Nghĩ mãi không hiểu lời thần truyền phán thế nào, những Héracleidae phải triệu tập hội nghị các tướng lĩnh để đoán định, giải đáp lời thần. Cuối cùng họ đã nghĩ ra. Những Héracleidae ra lệnh xuất quân. Lần này vị tổng chỉ huy là một dũng sĩ chột mắt. Chàng tên gọi là Oxylos, vua xứ Élis. Một mắt của chàng với hai con mắt của con ngựa chàng cưỡi thì đúng hẳn là ba rồi! Dưới sự chỉ huy của chàng, những Héracleidae tràn được vào vùng đồng bằng Péloponnèse. Con trai của Oreste là Tisaménos bị giết chết. Những Héracleidae chia nhau cai quản các khu vực: Téménos được chia đất Argos, Proclès và Eurythénès được vùng Laconie, còn Cresphontès được vùng Messénie.

Các nhà nghiên cứu cho biết, truyền thuyết về cuộc Nam tiến của những Héracleidae phản ánh những đợt di cư của những tộc người Doriens trong lịch sử hình thành dân tộc Hy Lạp và đất nước Hy Lạp thời kỳ mà những tộc người này tiến xuống chiếm lĩnh bán đảo Péloponnèse. Thắng lợi của những tộc người này trong lịch sử được phản ánh trong hình thái truyền thuyết với những biến thái, khúc xạ mà chúng ta chỉ có thể lĩnh hội nó trong ý nghĩa tượng trưng đại thể của câu chuyện. Bởi vì truyền thuyết không phải là lịch sử như là một khoa học. Nếu chúng ta đặt câu hỏi, giữa nhận xét Héraclès khôi phục các trò thi đấu xưa kia của người Crète để phục vụ cho những người chủ mới của bán đảo Hy Lạp là những người Doriens mới di cư đến với nhận xét cuộc Nam tiến của những Héracleidae phản ánh những đợt di cư của những tộc người Doriens có mối quan hệ như thế nào? Trật tự thời gian ra sao? Vì sao đời cha, Héraclès, đã nói có những người Doriens di cư đến mà đến đời con, đời cháu sau này lại cũng nói những người Doriens di cư đến? thì truyền thuyết không thể giải đáp được.

Sự thắng lợi của những tộc người Doriens trong quá trình chinh phục bán đảo Hy Lạp đã để lại một dấu ấn trong đời sống xã hội. Hầu hết những gia đình vương giả thuộc hệ quý tộc cũ trong xã hội Hy Lạp đều quy chiếu nguồn gốc của gia đình về những Héracleidae. Họ dựng lên những bản gia hệ, gia phả mà truy nguyên ngược mãi lên thì ta thấy cội nguồn là thuộc dòng dõi Héracleidae. Tất cả đều là con, cháu, chắt, chút chít của Héraclès. “Bệnh” này lây cả sang đến giới quý tộc La Mã. Hẳn rằng cái “mốt” lý lịch, dòng dõi Héracleidae này không phải chỉ thuần túy là con đẻ của cái thói xấu “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà nó còn có một mục đích thực dụng xã hội-chính trị rõ rệt trong cuộc sống của một xã hội đã hình thành những giá trị mới và những cách đánh giá mới.

Gia hệ người anh hùng Héraclès

Quyển 2 – Chương 17: Hội Olympiques

Hội Olympiques là một trong những hội lớn nhất của nhân dân Hy Lạp thời cổ. Hội mở ở đô thành Olympie trên bờ sông Alphée vùng Élis, tây bắc bán đảo Péloponnèse. Theo truyền thuyết, trước khi có tục mở hội này thì nơi đây hàng năm thường mở hội lễ tang để giỗ, để tưởng niệm công ơn của người anh hùng Pélops. Người sáng lập, chế định ra Hội Olympiques là Héraclès. Chàng đã sử dụng những nghi lễ, tập tục trong hội lễ tang, giỗ Pélops để cúng tế thần Zeus. Thật ra thì Hội Olympiques có nguồn gốc từ thời kỳ tiền Hy Lạp. Hàng năm vào mùa thu nhân dân mở một hội mùa để dâng cúng cho vị nữ thần của Đất và thần Trời-Cronos. Sau này mới ra đời truyền thuyết Pélops hàng năm mở hội để tưởng niệm công ơn Héra, vị nữ thần của Hôn nhân và Gia đình, và Héraclès, chuyển hội lễ tang, giỗ Pélops sang hội thờ cúng thần Zeus. Về người sáng chế ra những trò thi đấu trong Hội Olympiques có ba truyền thuyết quy cho ba người khác nhau: Héraclès người đảo Crète và anh em của chàng là những người Dactyles; Héraclès, vị anh hùng của mười hai kỳ công, người thành Thèbes; và; Pélops, người xứ Phrygie đã mở mang sự nghiệp ở phía Bắc bán đảo Péloponnèse và con cháu ông ta sau này đã chinh phục cả thành Mycènes của những người Achéens. Các nhà Hy Lạp học tổng hợp cả ba truyền thuyết đó lại và đưa ra nhận xét: Truyền thuyết Héraclès người đảo Crète, phản ánh có một thời nền văn hóa Crète đã giữ vai trò thống trị trong khu vực đông nam Địa Trung Hải, những người Crète là những người ưa chuộng thể dục thể thao; Héraclès người thành Thèbes và những con cháu của mình gắn với thời kỳ sau cuộc di dân của những người Doriens từ phía tây bắc tràn xuống bán đảo Hy Lạp; Héraclès đã khôi phục những trò thi đấu của người Crète xưa kia để phục vụ cho những người chủ mới của bán đảo Hy Lạp là Doriens; Pélops cho ta thấy một dạng thái của những hội lễ tang thời kỳ nền văn hóa Mycènes là hội thi đấu thể dục thể thao; tập tục thi xe ngựa gắn với truyền thuyết Pélops chiến thắng Oenomaos trong cuộc đua xe ngựa, đoạt được phần thưởng là con gái của nhà vua và ngôi báu.

Một truyền thuyết lịch sử khác kể rõ thêm: Xưa kia vùng đất Élis thuộc quyền trị vì của nhà vua Iphitos. Lúc đó, vương quốc của Iphitos đang gặp nhiều tai họa: nạn đói và bệnh dịch hoành hành, nhân tâm ly tán, loạn lạc và cướp bóc nổi lên như ong vỡ tổ. Theo một lời truyền phán của thần mà nhà vua cầu xin được ở đền thờ Delphes là nếu muốn giải trừ được tai họa thì phải mau mau khôi phục lại Hội Olympiques mà xưa kia Héraclès đã chế định. Thuở ấy giữa vương quốc Élis của Iphitos và vương quốc Sparte của Licurgue đang có mối hiềm khích, xung đột. Cuộc sống của người dân Sparte cũng không hạnh phúc gì hơn cuộc sống của những người dân Élis. Vua Iphitos thương nghị với vua Licurgue tạm thời hòa hoãn mối xung đột cùng nhau khôi phục lại Hội Olympiques như lời thần truyền phán. Sparte ưng thuận. Thế là Hội Olympiques được khôi phục lại do sự cố gắng và đóng góp công sức của cả hai bên, trong những ngày hội, hai bên sẽ tranh tài đua sức trong các cuộc thi đấu thể dục thể thao, võ nghệ để “khẳng định sự vĩ đại của con người bằng sức lực và sự khôn khéo chứ không phải bằng vũ khí và đổ máu”. Từ đó trở đi, Hội Olympiques trở thành một biểu tượng của hòa bình và hữu nghị, của vẻ đẹp về sức lực và sự khôn khéo của con người. Năm 776 TCN, sau vài kỳ không mở hội được, Hội Olympiques được mở lại khá to và trọng thể. Kể từ đó cho đến năm 304, Hội Olympiques được tổ chức đều đặn theo định kỳ bốn năm một lần không bị gián đoạn một kỳ hội nào, cũng từ đó người Hy Lạp lấy năm đáng ghi nhớ này – năm 776 TCN – làm chuẩn để tính lịch theo chu kỳ mở hội. Cách tính lịch này được áp dụng từ thế kỷ IV TCN. Ngoài cách gọi Hội Olympiques thứ nhất, thứ hai… (Olympiques I, Olympiques II…) còn có cách gọi năm, thí dụ năm 760 TCN là năm thứ nhất của kỳ Hội Olympiques V, năm 756 TCN là năm thứ nhất của kỳ Hội Olympiques VI, năm 755 TCN là năm thứ hai của kỳ Hội Olympiques VI…

Hội Olympiques mở vào ngày thứ mười của tuần trăng đầu trước ngày hạ chí, theo dương lịch là vào ngày 22 tháng sáu, kéo dài từ năm cho đến bảy ngày. Lúc đầu vì các môn thi ít, Hội chỉ tiến hành có ba ngày, từ thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ thứ IV TCN) bốn ngày, và sau đó tăng lên năm đến bảy ngày. Những lực sĩ tham dự thi đấu phải đăng ký trước và tới Élis trước ngày khai mạc chừng hai tháng để tập luyện dưới sự hướng dẫn và huấn luyện của các Hellanodice.

Hellanodice là những huấn luyện viên, trọng tài và thành viên cấu thành ban giám khảo, tuyển chọn trong hàng ngũ những công dân của thành bang Élis. Kỳ hội lần thứ I (năm 580 TCN) chỉ có hai Hellanodice, sau tăng dần lên đến 10 rồi 12. Mỗi kỳ hội, chính quyền lại tuyển chọn lại những Hellanodice. Các Hellanodice là những người chịu trách nhiệm khá nặng nề trong công việc tổ chức và điều hành Hội Olympiques. Họ phải tập trung ở Élis tám tháng trước ngày khai mạc. Những công dân phạm pháp dù có tài năng cũng không được quyền thi đấu vì theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa, có làm như vậy mới bảo đảm được tính chất thiêng liêng, cao cả của ngày hội. Lúc đầu hội chỉ mở cho công dân của hai thành bang Sparte và Élis. Từ kỳ hội lần thứ XXX (660 TCN) mở rộng cho tất cả công dân các thành bang trên đất Hy Lạp tham dự. Tới kỳ Hội lần thứ XL (620 TCN) mở rộng cho công dân các thuộc địa Hy Lạp tham dự. Chắc chắn rằng danh từ “Hellanodikês” (Hellanodice) chỉ ra đời khi Hội Olympiques trở thành hội của toàn thể con dân đất nước Hellade (Hy Lạp). Để chuẩn bị mở hội, các thành bang Hy Lạp cử một loại quan chức đặc biệt gọi là Théorie đại diện cho thành bang của mình, họp lại, bàn với nhau về chuẩn bị tổ chức và nghĩa vụ đóng góp. Đây là một loại sứ thần đặc biệt của thành bang chuyên đảm nhận những nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng có tính chất tôn giáo như: đến các đền thờ cầu nguyện và xin thánh thần ban cho lời chỉ dẫn, chủ tọa các lễ hiến tế thần linh, chủ trì các lễ rước trong các hội lễ, đích thân thay mặt cho thành bang dâng lễ vật lên bàn thờ các vị thần. Thí dụ ở Athènes, Théorie hàng năm thay mặt cho thành bang sang đảo Délos để chủ trì lễ hiến tế thần Apollon. Trong ngày khởi hành và ngày trở về của Théorie, thành bang Athènes đình chỉ việc tuyên án tử hình các phạm nhân. Cuộc họp của các Théorie định ngày tổ chức hội, định thời gian đình chiến (thường là một tháng) sau đó loan báo cho các thành bang không có đại diện đến dự họp được biết. Tiếp theo là các thành bang cử các đoàn lực sĩ tham gia thi đấu tới luyện tập ở trường đấu (sân vận động) Élis, một địa điểm gần Olympiques. Đối với người dân Hy Lạp mỗi kỳ mở hội là một dịp để hiểu biết đất nước và con người, một dịp để thi thố tài năng, nhưng cũng đồng thời là một dịp để các thành bang thể hiện lòng tự hào về sự cai trị, quản lý, giáo dục công dân và đất nước của mình. Người ta nô nức kéo nhau đi dự hội. Những ngày gần khai mạc không khí thật là tưng bừng, nhộn nhịp. Từ các ngả đường, người ở khắp nơi đổ về. Đền thờ các vị thần không lúc nào vắng người. Các lực sĩ cầu nguyện thần thánh ban cho mình thắng lợi. Những người thân thích của các lực sĩ cầu nguyện, công dân của các thành bang cầu nguyện. Phụ nữ không được quyền dự hội dù là phụ nữ quý tộc, vợ con của những nhà cầm quyền. Người phụ nữ duy nhất được quyền dự hội là viên nữ tư tế của nữ thần Déméter Chaminé. Nhưng nô lệ và những người Dã man, tức là những người nước ngoài (Hy Lạp xưa kia gọi những người nước ngoài bằng danh từ này) lại được quyền dự hội song không được quyền thi đấu (Có tài liệu nói, nô lệ không được quyền dự hội). Nếu vi phạm vào những điều nghiêm cấm, kẻ phạm tội sẽ bị xử tử bằng hình phạt đẩy xuống vực thẳm. Đêm trước ngày khai mạc không khí lại càng náo nhiệt hơn. Người ta đeo mặt nạ, rước đuốc, ca hát cổ động cho ngày hội và cho thành bang của mình. Các nhà thơ đọc những bài thơ vừa sáng tác ca ngợi đất nước Hy Lạp, thành bang của mình, ca ngợi vẻ đẹp của người lực sĩ, vinh quang của người chiến thắng, đọc thơ đệm theo đàn lia hoặc đàn cithare. Tiếng súc vật kêu bị giết để làm lễ hiến tế, tiếng đàn sáo, ca hát, vui đùa, cầu nguyện hòa lẫn vào nhau tạo thành một bầu không khí tưng bừng, sôi động kéo dài gần như suốt đêm. Bên bờ sông Alphée là những căn lều của những người dự hội, những đoàn vận động viên, “làng Olympiques”, đèn đuốc sáng rực.

Ngày khai mạc, mọi người đi đến sân vận động với y phục đẹp đẽ nhất. Họ đội một vòng hoa trên đầu và ai ai cũng mang theo hoa để cổ động. Trước cửa sân vận động, ban tổ chức niêm yết một bản danh sách:

1 – Tên những người bị chính quyền cấm không cho tham dự vào ban giám khảo. Những người này là những công dân đã phạm pháp, hoặc nổi tiếng là những người bịp bợm, dối trá, bè cánh; tóm lại là không đủ tư cách được tuyển chọn vào ban giám khảo. Tất nhiên đây là những công dân của thành bang Élis.

2 – Tên những Hellanodice đã huấn luyện cho các đoàn vận động viên trong những tháng vừa qua.

3 – Tên các Théorie của các thành bang sẽ chủ tọa lễ khai mạc, gồm có lễ hiến tế các vị thần, lễ thề nguyền sẽ điều hành các cuộc thi đấu với tinh thần vô tư, trung thực và thượng võ.

Ngày khai mạc chỉ tiến hành những nghi lễ chứ không thi đấu. Sau khi mọi người đã vào sân vận động, lễ khai mạc bắt đầu. Tiếp đó là lễ giới thiệu các thành viên trong ban giám khảo. Những thành viên này được tuyển chọn trong số Hellanodice, có khi là toàn bộ số Hellanodice. Ngay từ đêm trước, những Hellanodice trong ban giám khảo đã phải làm lễ thề nguyền trước bàn thờ thần Zeus là sẽ điều khiển, giám định các cuộc thi đấu với tinh thần vô tư, trung thực và thượng võ. Trong y phục đỏ thẫm, đầu đội một vòng hoa, những Hellanodice đứng lên với một niềm tự hào cao cả rồi xếp hàng đi diễu hành quanh sân vận động chào khán giả. Tiếp đến lễ thề nguyền và cuộc diễu hành của các đoàn vận động viên.

Sân vận động được xây dựng ở phía đông thành Olympie, tiếng Hy Lạp gọi là “stadion”. Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên và khâm phục là sân vận động của Hy Lạp cổ đại đã có một quy mô khá rộng lớn, và hơn nữa lại là một công trình kiến trúc đẹp đẽ. Nó có thể chứa được tới 50.000 người, chỗ ngồi xây bằng đá hoa cương. Riêng vũ đài cho các lực sĩ thi đấu cũng có một diện tích khá rộng: 213m x 29m. Cần phải nói thêm: trong đô thành Olympie còn có một khu vực dành riêng làm nơi tập luyện cho các lực sĩ. Ở đây ngoài sân bãi còn có những căn phòng để luyện tập những môn không cần phải có một không gian rộng, có phòng nghỉ, phòng tắm, phòng vệ sinh… Và ngay cạnh khu vực tập luyện này là khu nhà ở cho các vận động viên từ bốn phương tới tập huấn trước khi bước vào thi đấu trong ngày hội. Lúc đầu các môn thi chưa phong phú, mới chỉ có môn thi chạy với cự ly là chiều dài của stadion (sân vận động), theo người Hy Lạp, bằng 600 lần chiều dài của bàn chân người anh hùng Héraclès, tính ra đơn vị ngày nay là 197,27 mét. Từ Hội lần thứ XIV môn chạy stadion (cự ly ngắn) 197,27 mét được tăng gấp đôi trở thành môn chạy cự ly dài. Hội lần thứ XV thêm môn chạy đường dài, lúc đầu cự ly bằng 8 lần chiều dài của stadion, đến các lần Hội sau tăng lên 10, rồi 12 và cuối cùng là 24 lần. Hội lần thứ XVIII đưa vào thi đấu năm môn phối hợp: chạy, nhảy, vật (palê), ném đĩa, phóng lao. Hội lần thứ XXIII đưa vào môn đấu quyền (pugilat). Hội lần thứ XXV đưa vào môn thi xe tứ mã (quasiege) và môn Pancrate (Pankration), một môn võ kết hợp giữa vật với quyền. Hội lần thứ XXVII tổ chức một giải riêng cho các thiếu niên. Hội lần thứ LXV đưa vào môn chạy vũ trang (hoplitodromie). Từ thế kỷ V TCN thêm tiết mục các nhà thơ biểu diễn các tác phẩm của mình. Môn thi xe tứ mã và thi ngựa tiến hành vào ngày cuối cùng, thường chỉ những công dân giàu có mới có điều kiện tham dự, tuy nhiên, hội chấp nhận cả trường hợp người dự thi thuê ngựa và xe, thuê cả vận động viên điều khiển xe. Đương nhiên các môn thi đấu trong Hội Olympiques ngày xưa không phải chỉ có thế. Còn có những môn như “cử tạ” mà ngày xưa là cử một tảng đá lớn, nhảy dài, nâng “tạ” nhảy ba bước, v.v.

Ngày cuối cùng là lễ bế mạc. Một đám rước dẫn đầu là mười hai vị Hellanodice, tiếp sau là những lực sĩ đoạt giải mà người Hy Lạp xưa gọi là Olympionique, các viên tư tế, các quan chức trong bộ máy chính quyền, đi đến bàn thờ các vị thần làm lễ hiến tế tạ ơn. Các Olympionique được cử ra dâng lễ. Sau đó đám rước tiến về dinh thự nơi ở và làm việc của các quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền. Tại đây chính quyền mở tiệc chiêu đãi trọng thể mừng Hội Olympiques kết thúc thắng lợi.

Những Olympionique, trong ngày kết thúc, được các Hellanodice đội lên đầu một vòng hoa lá olive cắt ra từ những cây Olive thiêng liêng trong khu vực đền thờ các vị thần. Đặc biệt có những cành olive được cắt bằng những con dao vàng để tặng riêng cho những Olympionique thiếu niên và gửi về tặng gia đình của các “chú” Olympionique đó. Ngoài vòng hoa olive, những Olympionique còn được trao tặng một cành cọ. Những vận động viên nào đoạt được ba giải nhất trong ba môn thi đấu ở một kỳ hội thì được chính quyền tạc tượng đặt ở khu vực Olympie. Tên tuổi của lực sĩ đó, quê hương, tên cha, được long trọng đọc nhiều lần cho các khán giả biết, được khắc vào dưới chân tượng, hoặc bia đá, bia đồng để làm tài liệu lưu trữ và kỷ niệm.

Trong bữa tiệc, chen vào giữa những tuần rượu nho thơm ngon nổi tiếng đưa từ đảo Lesbos tới và trong làn khói thuốc thơm ngạt ngào, sản phẩm danh tiếng của xứ Thessalie, là tiếng ca hát của đội đồng ca, tiếng ngâm thơ trầm bổng của các thi sĩ, tiếng đọc văn hùng hồn của những nhà hùng biện. Người ta chúc tụng nhau, trao đổi kinh nghiệm và hứa hẹn gặp nhau trong kỳ hội tới.

Những thành bang có lực sĩ đoạt được danh hiệu Olympionique tổ chức một lễ rước đoàn lực sĩ của mình về rất trọng thể, đi đầu là những Olympionique. Đám rước khi về tới thành bang liền đi thẳng tới ngôi đền thờ vị thần bảo hộ, và đích thân những Olympionique được vinh dự dâng vòng hoa chiến thắng lên bàn thờ. Sau đó là “liên hoan” chào mừng những người chiến thắng. Có những thành bang trao giải thưởng bằng tiền cho những lực sĩ đoạt giải. Những Olympionique được chính quyền ban cho những sự ưu đãi đặc biệt: được miễn trừ các nghĩa vụ đóng góp, được dành cho những vị trí danh dự trong các nghi lễ hội hè của thành bang, ở một số thành bang những Olympionique thiếu niên cũng được hưởng quyền ưu đãi ưu tiên như người lớn.

Trong thời gian mở Hội Olympiques, hội chợ toàn nước Hy Lạp cũng đồng thời được mở. Thương nhân của các thành bang đang có mối thù địch, nạn nhân của chính sách “cấm vận”, nhân dịp hội chợ này có thể ký kết những hợp đồng mua bán mà họ có thể thanh toán với nhau trong kỳ Hội Olympiques sau.

Những cuộc khai quật khảo cổ học ở Olympie vào những năm 1890-1897 và 1936-1941 cho chúng ta một hình ảnh tương đối cụ thể về khu vực tổ chức Hội Olympiques. Người ta tìm thấy quãng 130 bức tượng, 13.000 đồ đồng, 10 bia đồng và, đặc biệt quan trọng hơn nữa, người ta đã tìm thấy ngôi đền thờ thần Zeus, một công trình kiến trúc nổi tiếng do Libon (quãng sau 468 TCN) xây dựng. Người ta cũng tìm thấy dấu vết, di vật của đền thờ người anh hùng Pélops xây dựng vào khoảng cuối thiên niên kỷ II TCN. Trong số những bức tượng tìm được có bức tượng Hermès và chú bé Dionysos của Praxitèle (quãng 390-330 TCN), bức Zeus Olympien của Phidias (quãng 490-431 TCN).

Quanh khu vực tổ chức hội là một cánh rừng thưa nhỏ, được trồng để làm hàng rào. Nơi đây dựng đền thờ các vị thần. Lớn nhất là đền thờ thần Zeus. Ngoài ra còn có những hành lang với những hàng cột bằng đá cẩm thạch, tượng các lực sĩ do các thành bang góp công góp của để trang trí cho khu vực thiêng liêng này. Toàn bộ khu vực Olympie được các thành bang nhất trí quyết định là nơi bất khả xâm phạm, là tài sản thiêng liêng của toàn đất nước Hy Lạp mà các thành bang có nghĩa vụ phải bảo vệ và làm cho nó ngày càng đẹp đẽ hơn lên. Từ lần mở hội đầu tiên năm 776 TCN (thế kỷ VIII), ảnh hưởng của Hội Olympiques dần tỏa rộng và dần thu hút các thành bang trên đất Hy Lạp tham dự. Cho đến thế kỷ VII TCN thì Olympiques đã là nơi tụ hội của cả thế giới Hy Lạp. Olympie lúc đầu chỉ là một khu đất thánh nhỏ hẹp sau dần trở thành một trung tâm văn hóa và tôn giáo, chính trị và xã hội của thế giới Hy Lạp. Bức tượng thần Zeus bằng vàng của nhà điêu khắc đại tài Phidias sau cuộc chiến tranh Hy Lạp-Perse lần thứ hai (480-449 TCN) được thành bang Athènes hiến cho trung tâm văn hóa-tôn giáo Olympie. Những người Syracuse170 hiến một kho vàng (380 TCN). Thành bang Sparte dâng một chiếc khiên vàng cho thần Zeus (458 TCN), v.v.

Đương nhiên những sự cam kết của các thành bang đối với khu vực đất thánh này khó mà có giá trị vững chắc. Lịch sử biến đổi, những lời cam kết cũng biến đổi theo. Năm 364 TCN, những người Arcadie đem quân đánh chiếm Olympie. Sau đó là thời kỳ Macédoine thống trị toàn đất nước Hy Lạp (từ 337 TCN), và tiếp theo là Đế quốc La Mã (từ 200 TCN). Trong những thời kỳ đen tối đó, Hội Olympiques vẫn được tổ chức, nhưng ý nghĩa xã hội-chính trị của nó không còn như trước. Dưới sự thống trị của Đế quốc La Mã, một loại công chúng mới với thị hiếu mới ra đời. Hội Olympiques không còn sức thu hút và hấp dẫn như xưa. Những cuộc đấu võ đẫm máu giữa hai võ sĩ (gladiateur), giữa hai nhóm võ sĩ, giữa người và ác thú trở thành niềm vui lớn của thế giới quý tộc La Mã và đám binh sĩ tứ chiếng của các đơn vị lê dương. Theo lệnh của hoàng đế Néron171, Hội Olympiques phải tổ chức thêm môn thi đấu… thơ! Vị hoàng đế tàn bạo này đã từng đích thân tham dự hội và ra lệnh xây đền thờ Altis. Từ triều đại của Hadrien [hoặc Adrien (76-132), cầm quyền từ 117-138], Olympiques bắt đầu suy tàn. Năm 394, hoàng đế La Mã Théodose I [(346 hoặc 374-395), cầm quyền từ 379-395] ra lệnh bãi bỏ Hội Olympiques, coi nó là một tàn dư của đa thần giáo cổ đại cần phải tiêu diệt để giành chiến thắng cho Thiên Chúa giáo lúc đó mới ra đời. Tiếp đến năm 426, hoàng đế Théodose II [(401-450), cầm quyền từ 408-450] ra lệnh đốt toàn bộ khu vực Olympie. Sau đó, những trận động đất xảy ra vào năm 521-522 phá hủy nốt những công trình văn hóa nghệ thuật ở khu vực này.

Về tục chạy tiếp sức truyền ngọn lửa thiêng về đốt ở sân vận động để khai mạc ngày hội, chúng ta không rõ có từ kỳ hội năm nào, nhưng nguồn gốc của tục lệ đó là ở Hội Panathénées ở vùng đồng bằng Attique, nơi có thành bang Athènes. Ở Attique, sau nữ thần Athéna, vị thần bảo hộ cho vùng này, được thờ cúng phổ biến, là hai vị thần Prométhée và Héphaïstos. Nhân dân coi hai vị thần này như là những vị thần đã khai hóa cho họ, ban cho họ ngọn lửa hồng, dạy họ biết bao nghề: rèn, đúc, mộc, gốm, v.v. Vì thế, trong ngày Hội Panathénées, bên cạnh những môn thi đấu như đua ngựa, đua xe ngựa, đua thuyền, phần rất quan trọng của Hội, còn có một cuộc thi chạy truyền đuốc tiếp sức vào ban đêm mà tiếng Hy Lạp gọi là lampadédromie, với ý nghĩa tượng trưng việc truyền ngọn lửa của Prométhée và Héphaïstos. Chỉ những thiếu sinh quân (éphèbe) mới được tham dự cuộc thi này. Xuất phát từ khu rừng nhỏ thiêng liêng Académie, nơi yên nghỉ của người anh hùng Académos, các thiếu sinh quân châm ngọn lửa hồng vào đuốc và truyền nhau, tiếp sức chạy về Athènes.

Năm 1894, theo sáng kiến của một nhà hoạt động xã hội người Pháp, Pierre de Coubertin (1863-1937) các nước cử đại diện đến họp ở Pariss để bàn về việc khôi phục lại Hội Olympiques. Cuộc họp quyết định thành lập ủy ban Olympiques thế giới và tổ chức Hội Olympiques lần thứ I ở Hy Lạp. Năm 1913, các nước đã nhất trí lấy biểu trưng của Hội Olympiques là hình vẽ năm vòng tròn gắn vào nhau, ba trên, hai dưới với các màu sắc: xanh da trời (châu Âu), vàng (châu Á), đen (châu Phi), xanh lá mạ (châu Úc), đỏ (châu Mỹ), khẩu hiệu của Hội Olympiques là: Nhanh hơn nữa, Cao hơn nữa, Mạnh hơn nữa (tiếng Latinh: Citius, Altius, Fortius). Cuộc họp cũng đã xác định bài ca chính thức của Hội.

Năm 1898, sau 1502 năm bị gián đoạn, Hội Olympiques lần thứ I của thời hiện đại khai mạc tại Athènes, thủ đô của đất nước đã khai sinh ra nó. Từ đó trở đi cứ bốn năm một lần, Hội Olympiques luân phiên được mở ở từng nước trên thế giới với tinh thần hòa bình và hữu nghị. Để nhấn mạnh đến tinh thần này và mối liên hệ, thừa kế một truyền thống văn hiến của người Hy Lạp cổ của nhân loại, nhân loại tổ chức lễ châm đuốc, lấy ngọn lửa hồng từ đất nước Hy Lạp truyền nhau chạy tiếp sức về nơi sẽ diễn ra các cuộc thi đấu để làm lễ khai mạc. Với sự phát triển của nền văn minh hiện đại, nội dung thi đấu của Hội Olympiques ngày càng phong phú với nhiều môn thể dục thể thao mà xưa kia người Hy Lạp chưa hề biết đến. Ngày nay, danh từ Olympique hoặc Olympiade được thế giới sử dụng như một danh từ chung chỉ những hội lớn thi đấu thể dục thể thao trong một nước hoặc nhiều nước trong một khu vực. Người ta còn sử dụng cả danh từ Spartakiade. Mở rộng nghĩa hơn nữa, Olympique, Olympiade còn chỉ một cuộc thi đấu quốc tế. Thí dụ: Jeux Olympiques Echequéens: Thi đấu Quốc tế Cờ vua; International Mathématic Olympiques (I.M.O): Thi đấu Toán Quốc tế.

[170] Syracuse là một thành bang trên đảo Sicile, thuộc địa của Hy Lạp.

Quyển 2 – Chương 18: Truyện vua Sisyphe phải chịu cực hình

Xưa có nhà vua Sisyphe, con của thần Gió-Éole và nữ thần Énarété, nổi danh là một con người mưu mẹo và xảo quyệt. Sisyphe đã dựng nên đô thành Éphyre mà sau này gọi là Corinthe, đã tạo lập nên cho mình một cơ đồ mà khó có một nhà vua nào có được. Người ta thường đồn đại về các kho vàng bạc châu báu của nhà vua ở nơi này, nơi khác nhiều đến mức tính không xuể. Người ta cũng thường bàn luận đến cái tài làm giàu của Sisyphe với một thái độ chê cười và khinh bỉ, coi đó là sự táng tận lương tâm, sự thông minh một cách độc ác, bất nhân bất nghĩa. Thật đúng như một câu tục ngữ của chúng ta: Có độc mới đủ, có phủ như chó mới giàu. Sisyphe xấu xa như thế, nhiều tham vọng bẩn thỉu như thế nhưng lại luôn luôn tỏ ra là một người đạo cao, đức trọng, coi thường tiền bạc. Ông ta hay truyền giảng về đạo đức, bàn luận về lẽ sống, đạo lý làm người. Tất nhiên không tránh khỏi có một số người bị mắc lừa, lầm tưởng. Nhưng còn với số đông người thì ông ta chỉ là một kẻ đạo đức giả. Nhưng cuộc đời còn có công lý. Lẽ nào những kẻ như Sisyphe lại cứ sống nhơn nhởn ra mà không bị trừng phạt? Đúng là như vậy. Cuộc đời còn có công lý. Và chính thần Zeus là người phải điều hành công lý cho xứng đáng là bậc phụ vương của các thần và những người trần thế. Zeus không thể chịu đựng được cái tên vua vô lại giàu đến nứt đố đổ vách ra mà lại đóng vai một kẻ truyền giảng đạo lý. Và vị thần tối uy, tối linh, toàn năng toàn quyền này bữa kia nổi trận lôi đình. Thần thét vang gọi thần Chết-Thanatos đến và ra lệnh phải tóm cổ Sisyphe lôi tuột xuống âm phủ cho sạch sẽ thế gian.

Thần Chết-Thanatos lên trần với sứ mạng bắt Sisyphe về vương quốc của thần Hadès. Không rõ bằng cách nào Sisyphe biết được vụ công cán này của Thanatos. Và Sisyphe lập mưu bắt sống Thanatos. Truyện xưa không kể lại rõ Sisyphe dùng mưu gì, chỉ biết Thanatos chưa kịp thi hành phận sự thì đã bị Sisyphe trói gô cổ lại. Và thế là Thanatos bị Sisyphe bắt làm tù binh, chân cùm, tay xích, cổ gông, đêm cũng như ngày bị giám sát nghiêm ngặt.

Việc thần Chết-Thanatos bị bắt khiến cho trật tự trong thế giới của thần Zeus cai quản bị đảo lộn. Không có ai là người nên dương gian bắt đi các linh hồn xuống âm phủ. Vì lẽ đó trong một thời gian khá dài những người trần đoản mệnh chúng ta chẳng có ai bị chết cả. Không có người chết thì thế giới của thần Hadès trở nên vô ích, chẳng có việc gì để làm cả, từ lão chở đò Charon cho đến chó ngao Cerbère, rồi các quan tòa… Nhưng tai hại hơn nữa là không có người chết thì không có cúng lễ, hiến tế. Lễ tang cũng chẳng có mà lễ gọi hồn cũng không, do đó các vị thần bất tử từ thần Zeus trên thiên đình cho đến thần Hadès dưới âm phủ không được hưởng chút bổng lộc, lễ vật nào cả. Thậm chí có vị thần bị đói vì trong khi đi công cán dưới trần không tìm được nơi nào cúng lễ để hưởng chiêu đãi. Tình hình này quả là không thể chấp nhận được. Rối loạn hết cả. Thần Zeus sau khi nghe các chư thần tường trình, liền ra lệnh:

– Hỡi Arès, đứa con trai hung hăng, ngỗ ngược của ta! Mau xuống trần giải thoát ngay cho Thanatos đang bị tên vua Sisyphe cầm tù! Ta nhắc lại phải giải thoát ngay cho Thanatos, không được chậm trễ.

Arès hét lên một tiếng kinh động trời đất rồi bay vụt xuống trần. Chỗ này không cần kể dài dòng mọi người cũng đoán biết được tình hình diễn biến thế nào. Bởi vì khi Zeus đã đích thân ra lệnh, phái thần Chiến tranh-Arès đi thì dù Sisyphe có binh hùng tướng mạnh đến đâu cũng phải khuất phục. Arès giải thoát cho Thanatos, và Thanatos không quên thực thi cái sứ mạng mà thần Zeus đã giao cho là tước đoạt luôn linh hồn của Sisyphe đem về vương quốc của thần Hadès. Mọi việc tưởng như thế là xong, ấy thế mà vẫn chưa xong.

Ở dưới âm phủ, thần Hadès và nữ thần Perséphone sau nhiều ngày bị đói vì không có lễ vật hiến tế từ các đám tang, nay hết sức trông chờ vào lễ vật của đám tang Sisyphe để được “xả cảng” một bữa. Nhưng chờ mãi đến mòn cả mắt, đói thắt cả ruột mà vẫn không thấy gì. Thì ra Sisyphe đã dặn vợ đừng đem thi hài mình đi chôn, đừng làm lễ tang, cúng bái, hiến tế gì hết. Thấy các vị thần trông chờ lễ hiến tế khá nhiệt thành, lúc này Sisyphe mới tiến đến trước ngai vàng của thần Hadès giập đầu lạy tạ:

– Muôn tâu thần vương Hadès chí tôn chí kính, người cai quản thế giới của những bóng hình vật vờ, u ám có sức mạnh và uy quyền sánh ngang thần Zeus, đấng phụ vương! Xin Người hãy tha tội cho linh hồn kẻ hèn mọn này đã không biết dạy bảo vợ con những lễ nghi đối với các bậc thần linh khi chồng nó chết. Xin Người hãy tha tội cho con bởi vì con biết đâu con chết sớm quá thế này! Xin Người hãy cho phép con trở lại dương thế ít ngày để con dạy bảo vợ con làm lễ hiến tế các bậc thần linh như Zeus đã ban dạy cho loài người. Xong việc con xin lại xuống vương quốc này và sống trọn đời làm tôi tớ cho thần vương.

Hadès và Perséphone nghe những lời nói của Sisyphe thấy vừa bùi tai vừa có lý. Hai vợ chồng cho phép Sisyphe trở lại dương gian. Linh hồn Sisyphe trở về nhập vào hình hài và tiếp tục cuộc sống của một con người bình thường, khỏe mạnh, tinh ranh, và tất nhiên là con người này không hề nghĩ đến những lời mình đã hứa với Hadès và Perséphone. Ở dưới âm phủ hai vợ chồng Hadès, Perséphone chờ mãi, chờ mãi, mà không thấy lễ hiến tế, cũng chẳng thấy Sisyphe. Đến lúc này họ mới biết rằng họ bị Sisyphe đánh lừa. Thần Hadès vô cùng tức giận ra lệnh đòi ngay Thanatos đến và ra lệnh phải bắt ngay linh hồn Sisyphe về chầu. Thanatos không hề chậm trễ, bay lên trần ngay. Đến cung điện của Sisyphe thì gã thấy vị vua này đang mở tiệc ăn mừng. Đứng ngoài cửa, Thanatos nghe rõ tiếng Sisyphe nói với một vẻ kiêu căng đến quá ư là khó chịu:

– Nào xin mời các quý khách! Xin các ngài hãy uống mừng cho Sisyphe này đã lập được một chiến công hiển hách chưa từng có. Thử hỏi các anh hùng dũng sĩ đã có ai là người chết rồi, xuống vương quốc của thần Hadès rồi mà lại trở về được chưa? Nếu không có các vị thần giúp đỡ thì chưa từng một người trần thế nào mà lại xuống được thế giới âm phủ rồi lại trở về. Còn ta, ta đã bị thần Chết-Thanatos bắt đi, thế nhưng ta lại trở về được với dương thế! Chỉ có độc nhất Sisyphe này lập được một kỳ tích như vậy… Nào, uống đi các vị, cạn chén đi các vị, uống mừng cho Sisyphe này!

Nghe những lời nói đó, Thanatos tức điên cả ruột liền đạp cửa xông vào bàn tiệc bắt ngay linh hồn của Sisyphe. Thế là chấm hết cuộc đời của tên vua xảo quyệt, lừa dối cả thánh thần. Chẳng ai thương tiếc Sisyphe cả, từ thần linh cho đến những người trần đều nghĩ: “Thật đáng đời cái tên vua đảo điên, lừa lọc!” Trước tòa án công lý của thế giới âm phủ do thần Hadès chủ tọa, Sisyphe bị kết án khổ sai cực hình. Ông ta ngày ngày phải vần, lăn một tảng đá cực lớn, từ dưới đất lên một ngọn núi cao dốc đứng. Không thể nào nói hết nỗi cực nhọc khốn khổ của công việc đó đến như thế nào. Mệt tưởng đứt hơi, khát đến cháy cổ, mồ hôi đổ ra như tắm, nhưng nào có hoàn thành được công việc, Sisyphe cứ vần, cứ lăn tảng đá đến gần tới đỉnh núi thì nó lại bật ra khỏi tay lao xuống dốc. Thế là bao nhiêu mồ hôi, công sức mất hết. Sisyphe lại phải bắt tay làm lại từ đầu, xuống chân núi lăn, vần tảng đá lên. Ngày này qua ngày khác, Sisyphe cứ phải làm cái công việc khổ sai cực hình như thế, một công việc vô nghĩa và không có kết quả, để thấm thía với tội lỗi mà ông ta đã phạm phải trong những ngày sống trên dương thế.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Tảng đá của Sisyphe (Le rocher de Sisyphe), Công việc của Sisyphe (Le travail de Sisyphe), Nỗi vất vả của Sisyphe (Le labeur de Sisyphe) để chỉ một công việc nặng nhọc vất vả tái diễn trong đời sống hoặc chỉ một công việc nặng nhọc, vất vả mà không biết đến bao giờ chấm dứt, không biết kết quả ra sao, một công việc lặp đi lặp lại đến chán ngấy, bị coi như một cực hình.172

Quanh chuyện tội trạng của Sisyphe, người xưa còn kể thêm nhiều tội khác nhau: nào là Sisyphe là một tên vua tham tàn và đạo đức giả đã kéo quân đến tàn phá vùng đồng bằng Attique, cuối cùng bị người anh hùng Thésée trừng phạt; nào là Sisyphe can tội tiết lộ ý đồ của các vị thần hoặc mách bảo cho thần Sông-Asopos biết chính thần Zeus là người đã bắt cóc Égine con gái của thần; nào là Sisyphe can tội truyền bá cho những người trần thế biết những điều bí ẩn của thế giới thần thánh…

[171] Néron (37-68) cầm quyền từ 54-68 là một bạo chúa đã giết anh, giết mẹ, giết vợ, đốt kinh thành Rome, khủng bố tín đồ Thiên Chúa giáo.

[172] Huyền thoại Sisyphe được triết học hiện sinh sử dụng như một bằng chứng, một biểu tượng tiêu biểu để thể hiện hoặc phản ánh những quan điểm của mình: phi lý và chấp nhận, vô nghĩa và nổi loạn…. Le mythe de Sisyphe là một tiểu luận của nhà văn hiện sinh chủ nghĩa Pháp Albert Camus (1913-1960).

Quyển 2 – Chương 19: Chiến công và cái chết của dũng sĩ Bellérophon

Khi còn sống, Sisyphe lấy một nàng Pléiades tên là Mérope làm vợ. Họ sinh được một con trai đặt tên là Glaucos. Sau khi Sisyphe chết, Glaucos lên làm vua tiếp tục trị vì trên đô thành Éphyre. Glaucos là một vị vua nổi danh vì tài cưỡi ngựa. Bất cứ con ngựa nào dù hung dữ bất kham đến đâu hễ vào tay ông là sớm muộn cũng phải khuất phục. Đàn ngựa của ông rất quý, nhất là những con ngựa được tuyển chọn để thắng vào cỗ xe của ông thì lại càng quý hơn nữa. Chúng phi như bay, vượt qua các chướng ngại một cách khôn khéo, đoán biết được ý định của chủ, thông minh đến nỗi người ta tưởng chừng chúng nghe được cả tiếng người. Chúng đã đem lại cho ông khá nhiều vinh quang trong những cuộc thi đấu ở các ngày hội Glaucos. Tuy vậy, ông vẫn không hề bằng lòng, thỏa mãn với bầy ngựa của mình. Ông muốn chúng phải bỏ xa, vượt xa những con ngựa danh tiếng nhất mà ông đã từng được biết, và ông nghĩ ra một cách để cho bầy ngựa của mình có thể vươn lên hơn hẳn cả đối thủ: ông không cho bầy ngựa của ông giao phối. Việc làm của ông khiến nữ thần Aphrodite bất bình. Vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp này tỏ vẻ không hài lòng trước một hành động vi phạm vào luật lệ của tạo hóa như vậy, hơn nữa như vậy tỏ ra độc ác và tàn nhẫn. Aphrodite bèn tâu với Zeus và xin Zeus trừng phạt, nhưng Zeus giao toàn quyền cho Aphrodite. Được Zeus cho phép, nữ thần Aphrodite tìm cách cho những con ngựa của Glaucos uống nước ở một con suối thần, vì thế những con ngựa trở nên rất khỏe, rất hung dữ đến mức chúng có thể ăn được thịt người, thèm khát ăn thịt người.

Thế rồi trong một ngày hội tưởng niệm vị vua Pélias, Glaucos được mời tham dự. Ông tham gia trò đua xe ngựa. Nhưng rủi ro thay, cỗ xe của ông phóng quá nhanh bị lật đổ! Những con ngựa của ông đã xéo chết ông và ăn thịt ông. Có chuyện lại kể, chính Glaucos đã nuôi ngựa của mình bằng thịt người. Việc làm này khiến các vị thần tức giận và quyết định trừng phạt ông. Tham gia thi đấu, xe của ông bị đổ và chính những con ngựa đã từng nhiễm cái thói quen ăn thịt người do chủ nó nuôi nấng lúc này hăng máu lên ăn thịt luôn chủ nó.

Glaucos có một con trai tên là Bellérophon. Thật ra cái tên này sau này mới có. Lúc đầu chàng trai này tên là Hipponoos. Hồi ấy ở thành Corinthe nổi lên một tên tiếm vương độc ác tên là Belléros. Hắn cướp ngôi vua, thực hành nhiều chính sách bạo ngược khiến cho nhân dân oán thán. Hipponoos đã tìm cách trừ khử tên bạo chúa này. Vì lẽ đó cũng từ đó, người ta không gọi chàng thanh niên dũng cảm ấy bằng cái tên Hipponoos nữa mà gọi là Bellérophon theo tiếng Hy Lạp nghĩa là: “Người giết Belléros”. Nhưng theo luật lệ người xưa, sát nhân là một trọng tội, kẻ sát nhân phải đưa ra xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Bellérophon vì thế phải từ bỏ đô thành Corinthe trốn sang Tirynthe, xin nhà vua đô thành này tên là Proétos cho trú ngụ. Vua Proétos đã làm lễ rửa tội và tẩy uế cho chàng, cho chàng sống trong cung điện cùng với gia đình nhà vua. Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi bình yên và êm đẹp ngờ đâu lại xảy ra một chuyện thật xấu xa hết chỗ nói. Hoàng hậu Sthénébée vợ của vua Proétos vốn là một phụ nữ đa tình. Nàng đem lòng thầm yêu chàng trai cường tráng và xinh đẹp Bellérophon mà Bellérophon không biết. Bữa kia nhân lúc vắng chồng, Sthénébée lân la trò chuyện với Bellérophon và biểu lộ dục vọng của mình khá là thô thiển. Bellérophon, trước thái độ đó của Sthénébée, rất khó chịu. Nhưng chàng chỉ biết khéo léo khước từ. Bị cự tuyệt, Sthénébée nghỉ cách trả thù Bellérophon. Nàng chờ lúc chồng về, đến gặp chồng và đặt điều vu cáo cho Bellérophon đã có những hành động lả lơi, sàm sỡ với nàng, xúc phạm thô bạo đến danh tiết của nàng. Nàng đòi chồng phải giết Bellérophon để rửa nhục cho mình. Nghe vợ nói, nhà vua không mảy may một chút nghi ngờ. Ông vô cùng tức giận muốn giết ngay Bellérophon cho hả lòng hả dạ. Nhưng giết một người đâu có phải chuyện thường. Các nữ thần Eiréné sẽ truy đuổi và đòi trừng phạt. Thần Zeus làm sao có thể tha thứ được việc ám hại một người khách ngay tại nhà mình. Nghĩ mãi không tìm cách gì để hạ sát Bellérophon cho ổn, cuối cùng Proétos thấy tốt nhất là nhờ bàn tay ông cụ bố vợ mình, lão vương Iobatès trị vì trên đất Lycie. Nhà vua bèn viết một bức mật thư gửi cho cụ, trong thư nói Bellérophon đã can tội xúc phạm đến mình, xin cụ ra tay trừng trị giúp. Bức thư được viết bằng một ký hiệu bí mật trên một tấm “giấy” bằng đất nung mà chỉ riêng hai người hiểu được và giao cho Bellérophon mang đi.

Bellérophon lên đường sang xứ Lycie. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, chàng tới được mảnh đất nổi tiếng là giàu và đẹp này. Lão vương Iobatès mở tiệc thết đãi người khách quý, và theo như phong tục người Hy Lạp cổ xưa, Iobatès chỉ hỏi tên họ của khách sau khi khách đã ăn uống no say. Bellérophon dâng lão vương bức thư của Proétos. Đọc xong thư, Iobatès thấy ớn lạnh cả người. Con rể của lão đã nhờ lão làm một việc thật khó, khó hết chỗ nói. Dù sao thì lão cũng lưu giữ chàng trai ở lại cung điện ít ngày để liệu bề đối xử. Sống gần chàng thanh niên khỏe mạnh, trong sáng và hồn nhiên, lão vương Iobatès đâm ra thấy mến Bellérophon. Lão không thể tin được, ngờ được, con người hồn nhiên và trong sáng như thế lại có thể phạm vào cái tội xấu xa, ô uế như con rể của lão viết thư cho lão biết. Có phần nào, đúng ra, Iobatès cảm thấy hơi khó tin. Đó là một lẽ khiến lão không thể đang tâm giết một con người mà mình cảm thấy chẳng có gì đáng ghét, đáng thù hằn. Còn một lẽ thứ hai nữa là, giết người là một trọng tội. Thần Zeus và các thần Olympe cũng như các vị thần ở dưới vương quốc của Hadès chẳng thể nào tha thứ cho kẻ phạm tội tày đình đó. Nếu Bellérophon phạm tội đối với Proétos thì sao Proétos không đích thân tự tay trừng trị Bellérophon mà lại phải nhờ đến tay mình? Iobatès nghĩ thế. Đúng là hắn sợ phạm tội giết người. Nếu hắn đã sợ thì tại sao mình lại không sợ? Tại sao mình phải nhúng tay vào một tội ác đẫm máu để hứng chịu lấy mọi hình phạt? Nghĩ thế nên cuối cùng Iobatès quyết định tha cho Bellérophon. Nhưng không phải là tha bổng, tha hoàn toàn. Lão vương nghĩ ra một cách trừng trị: bắt Bellérophon phải thanh trừ con quái vật Chimère. Đây là một quái vật rất dữ tợn, khủng khiếp, đầu sư tử, đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói Chimère có ba đầu: sư tử là một, rồng là hai, dê là ba, mọc chung trên một thân. Lai lịch của Chimère như sau: bố là Typhon, một ác quỷ khổng lồ có trăm đầu, cao như núi; mẹ là Échidna, một con quỷ cái có dễ to lớn không thua kém gì chồng, nửa người nửa rắn. Đối với lão vương Iobatès thì đây là một sự trừng phạt tránh được cho lão khỏi phạm tội ác. Còn đối với chàng thanh niên Bellérophon thì đây là một sự thách thức chí trai. Người xưa có chỗ còn kể, sở dĩ Bellérophon dám lên đường đi tiêu trừ quái vật Chimère là vì chàng vốn là con của thần Poséidon, bởi chỉ có con thần cháu thánh thì mới có được sức mạnh hơn người để chấp nhận cuộc thách thức. Mẹ của Bellérophon, nàng Eurynomé, tuy là một người trần tục nhưng đã được nữ thần Athéna dạy dỗ, đã từng là học trò yêu của nữ thần, cho nên về trí thông minh và sự khôn ngoan, hiểu biết nàng có thể sánh ngang các vị thần. Chính nàng đã truyền dạy lại những “báu vật” thần thánh ban cho ấy cho người con trai yêu quý của mình nên chàng mới có một trái tim dũng cảm mưu trí.

Nhưng để chiến thắng được quái vật Chimère chạy nhanh như gió, phun ra lửa, Bellérophon phải có một vũ khí gì ưu việt. Chàng được biết người anh hùng Persée trong cuộc đọ sức với ác quỷ Méduse đã chiến thắng rất oanh liệt nhờ đôi dép có cánh. Chàng thấy có lẽ chàng cũng phải tìm được đôi dép thần như thế để có thể bay trên trời cao sà xuống giao đấu với quái vật. Nhưng tìm đâu ra đôi dép kỳ diệu ấy? Bỗng Bellérophon nhớ đến con thần mã Pégase từ cổ ác quỷ Méduse khi bị chém bay vụt ra, bay vụt lên trời. Phải tìm bằng được con thần mã đó, Bellérophon nghĩ thế, và chàng bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho cuộc hành trình đi chinh phục Pégase. Muốn chinh phục Pégase, Bellérophon, theo như người ta nói, phải lần mò tới đỉnh núi Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses. Nơi đây có con suối Hippocrène, bắt nguồn từ một thác nước, chảy uốn khúc giữa hai bên bờ cỏ xanh rờn. Pégase thường từ trời cao hạ cánh xuống đỉnh núi và đến uống nước ở dòng suối đó. Lại có người nói, Pégase còn xuống uống nước ở suối Pirène trên núi Acrocorinthe173. Nhưng làm thế nào để bắt được con ngựa thần ấy, một con ngựa mà khi thoáng thấy bóng người là nó đã vỗ cánh bay thẳng lên trời? Bellérophon sau nhiều lần rình bắt không được đành phải tìm đến nhà tiên tri Polyidos để xin một lời chỉ dẫn. Polyidos khuyên Bellérophon nên đến đền thờ nữ thần Athéna, cầu khấn nữ thần và ngủ lại đền thờ để chờ linh nghiệm. Tuân theo lời chỉ dẫn, đêm hôm đó ngủ lại đền thờ, Bellérophon đã nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Các vị thần Olympe uy nghiêm ngự trị trên đỉnh núi cao bốn mùa mây phủ, truyền cho Bellérophon sức mạnh chinh phục con thần mã Pégase. Nữ thần Athéna tiến đến bên chàng và bảo:

– Bellérophon hỡi! Con ngủ mãi như thế này sao? Hãy mau tỉnh dậy và thắng bộ cương này vào con thần mã Pégase chứ! Con ngựa thần thánh ấy đang chờ con đấy!

Bellérophon giật mình tỉnh dậy. Chàng chẳng thấy một vị thần nào bên chàng. Nhưng ở trên mặt đất bên chỗ chàng nằm rực sáng lên một bộ dây cương bằng vàng, một bộ dây cương mà chàng chưa hề trông thấy trên đời này bao giờ. Ánh sáng của nó cứ tỏa ra ngời ngợi như những tia nắng vàng của thần Mặt trời-Hélios Hypérion. Chàng quỳ xuống nâng bộ dây cương lên rồi kính cẩn cúi đầu lạy tạ các vị thần Olympe, lòng chứa chan hy vọng, Bellérophon chạy như bay đi tìm Pégase: cũng phải mất một thời gian vất vả rình mò, Bellérophon mới đón được Pégase. Hôm đó như thói quen, Pégase từ trời cao hạ cánh xuống đồng cỏ bên bờ suối Pirène. Sau khi gặm những búi cỏ xanh non, Pégase đi ra suối uống nước. Bellérophon từ chỗ nấp của mình chạy tới chỗ Pégase. Nghe tiếng động, Pégase cất đầu lên khỏi dòng suối định vỗ cánh bay. Nhưng trông thấy Bellérophon chạy tới với bộ cương vàng tỏa sáng ngời ngợi, Pégase ngoan ngoãn để Bellérophon thắng cương. Thế là chàng Bellérophon đã có một “vũ khí” ưu việt hơn ác quỷ Chimère. Với bộ áo giáp đồng và chiếc khiên đồng ngời sáng, với cây cung và ống tên đầy ắp, gươm đeo bên sườn, Bellérophon nhảy lên lưng con thần mã trắng muốt như tuyết giật cương. Con ngựa hí lên một tiếng mừng rỡ, vỗ cánh tung vó, rẽ mây đưa Bellérophon hay vút lên trời cao.

Bellérophon bay ngay đến ngọn núi hang ổ của Chimère. Chàng cho thần mã Pégase hạ cánh xuống đất rồi tìm vào hang Chimère nhử nó ra ngoài. Trúng kế, Chimère từ trong hang lao vút ra như tên bắn tìm địch thủ. Ba dòng lửa từ ba miệng của ác quỷ phun ra quệt vào nơi đâu là nơi đó bốc cháy ngùn ngụt. Bellérophon nhanh như cắt nhảy phóc lên lưng con thần mã giật cương. Chàng bay vọt lên trời cao như chim đại bàng. Chàng điều khiển con thần mã thu hẹp vòng lượn lại và hạ thấp xuống, rồi bất chợt chàng giật cương cho Pégase nhằm thẳng ác quỷ Chimère đâm bổ xuống, cùng lúc đó, chàng giương cung bắn liên tiếp những mũi tên ác hiểm, có một không hai, xuống ác quỷ Chimère. Đến đây ta phải dừng lại để kể qua về những mũi tên đặc biệt của Bellérophon. Đây không phải là những mũi tên đồng của các trang anh hùng dũng sĩ danh tiếng, cũng không phải là những mũi tên tẩm độc như những mũi tên của Héraclès, lại càng không phải là những mũi tên vàng của vị thần Xạ thủ có cây cung bạc Apollon hay những mũi tên vô hình của vị thần Tình yêu-Éros, mà là những mũi tên chì, Bellérophon theo lời chỉ dẫn của các vị thần đã làm riêng để trừng trị ác quỷ. Chimère phun ra những dòng lửa đốt cháy hết mọi vật xung quanh. Những mũi tên chì bắn vào thân hình giãy nóng hừng hực của nó, lại được bầu không khí xung quanh nó bị đốt cháy cũng nóng như thế, làm chảy chì ra, vết thương do những mũi chì bắn vào là không cách gì cứu chữa nổi.

Bellérophon bắn liên tiếp những mũi tên này đến những mũi tên khác. Chimère biết địch thủ của mình từ trên trời cao đánh xuống, liền ngóc đầu lên để phun lửa thì đã quá muộn. Con thần mã Pégase đã bay vọt lên cao và lượn về phía sau lưng Chimère. Đau đớn điên cuồng, Chimère phóng lửa bừa bãi đốt núi đá thành vôi, đất rừng cây thành than tro. Núi sạt lở, cây cháy đổ ầm ầm, lửa bốc ngùn ngụt, khói bụi mù mịt khiến Chimère càng không sao trông thấy, tìm thấy địch thủ. Nó chết trong sự điên cuồng của nó và bị chính những ngọn lửa của nó đốt cháy thành tro.

Bellérophon hoàn thành sứ mạng của Iobatès. Chàng trở về cung điện với chiến công hiển hách, vinh quang lẫy lừng.

Bellérophon giết Chimère

Nhưng Iobatès lại trao cho Bellérophon một sứ mạng nguy hiểm khác nữa: chinh phục những bộ lạc Solymes và những bạn đồng minh của họ là những nữ chiến binh Amazones. Cần phải nói qua về những nữ chiến binh Amazones thì chúng ta mới thấy hết được những khó khăn và nguy hiểm mà Bellérophon sẽ phải đương đầu. Những bộ lạc Amazones là những bộ lạc thuần đàn bà, tuyệt không có lấy một người đàn ông nào. Tổ tiên họ xưa kia là một dòng giống kỳ lạ: những người phụ nữ ham mê chiến trận và rất tài giỏi trong sự nghiệp chinh phạt, giao tranh. Cứ thế hết đời này đến đời khác những nữ chiến sĩ Amazones sống dưới quyền cai quản của một nữ hoàng. Họ xây dựng đô thành trên bờ sông Thermodon đặt tên là Thémiscyre. Có người kể, họ sống trên bờ sông Méolide ở biển Asope. Nhưng sống không có đàn ông thì làm sao những người Amazones bảo tồn, duy trì và phát triển được nòi giống? Thế nhưng những nữ chiến sĩ Amazones vẫn tồn tại và phát triển. Họ làm theo cách sau: mỗi năm đón mời những người đàn ông ở bộ lạc láng giềng sang chơi một lần, và đó cũng và lễ kết hôn của họ. Sau đó họ đuổi những người “chồng” này trở về bộ lạc của chồng. Sau cuộc kết hôn ấy, những bà mẹ nào đẻ con ra, nếu là con gái thì giữ lại ở bộ lạc Amazones, còn nếu là con trai thì đuổi về sống với bộ lạc “bố” của chúng. Người xưa còn kể, những nữ chiến sĩ Amazones để thuận tiện cho việc bắn cung, vì họ vốn là những cung thủ có truyền thống bách phát bách trúng, đã đốt hoặc cắt đi một bên vú phải của mình174. Có người lại nói, con trai đẻ ra và họ đem giết ngay. Những người Amazones tung hoành khắp vùng bờ biển Tiểu Á đánh bại hầu hết những bộ lạc lân cận nhờ vào ưu thế cưỡi ngựa bắn cung của họ. Bellérophon dẹp xong khối liên minh của hai bộ lạc Solymes và Amazones bảo vệ được đất nước Lycie của Iobatès khiến cho quân thù khiếp sợ không dám bén mảng đến cướp phá. Với con thần mã Pégase thì tài cưỡi ngựa bắn cung của những người Amazones phải nhường chỗ cho người anh hùng Bellérophon.

Iobatès vẫn chưa thôi thử thách. Lần này nhà vua cử những trang anh hùng danh tiếng của mình thống lĩnh một đội quân đi phục kích Bellérophon khi biết tin chàng đã chiến thắng và đang trên đường trở về. Bellérophon mặc dù bị đánh bất ngờ vẫn không hề nao núng. Chàng lần lượt hạ các đối thủ. Chỉ đến lúc này lão vương Iobatès mới thật sự thừa nhận chiến công vĩ đại của Bellérophon. Lão vương cho mở tiệc mừng trọng thể, hơn nữa lại còn gả con gái cho chàng và chia cho chàng một nửa giang sơn để chàng cai quản. Nhân dân Lycie coi chàng là vị anh hùng vĩ đại của đất nước và trao tặng chàng những tặng phẩm hậu hĩ.

Mọi việc xong xuôi, Bellérophon lần đường về thăm lại vương quốc Tirynthe của nhà vua Proétos. Được tin Bellérophon trở về, Sthénébée xấu hổ vì hành động xấu xa của mình, tự tử.

Cuộc đời của người anh hùng những tưởng sẽ còn lập được nhiều chiến công vinh quang hiển hách hơn nữa cho đất nước Lycie, ngờ đâu, Bellérophon chẳng rõ vì sao bữa kia lại nảy ra ý định ngông cuồng muốn sánh ngang các vị thần. Chàng không muốn sống ở thế giới trần tục của những người đoản mệnh mà muốn sống trên thế giới Olympe của các vị thần bất tử. Chàng nghĩ rằng chiến công của mình có thể cho phép mình sánh ngang các bậc thần thánh. Thế là Bellérophon cưỡi con thần mã Pégase bay thẳng lên trời cao, bay lên cao, cao mãi vượt hết tầng mây thấp đến tầng mây cao để tới thế giới Olympe. Nhưng thế giới thần thánh do Zeus trị vì đâu có phải chuyện chơi, ai muốn lên thì cứ tự ý lên, chẳng có luật lệ, phép tắc gì cả. Thần Zeus trông thấy Bellérophon cưỡi con Pégase đang rẽ mây lướt gió bay lên, thần chau mày nổi giận. Thần phất tay mạnh một cái. Thế là con thần mã bỗng trở nên hung hăng trái tính trái nết. Nó lồng lên, đường đi nước chạy không còn ra làm sao cả. Bellérophon không tài nào điều khiển được nó, và trong một tiếng hí ghê rợn, con ngựa chồm lên hất mạnh Bellérophon ra khỏi lưng mình. Thế là người anh hùng ấy rơi từ trên trời cao xuống tận đất đen, linh hồn từ bỏ hình hài đi xuống thế giới của thần Hadès. Còn con thần mã Pégase lại trở về thế giới Olympe để phục vụ cho thần Zeus và các vị thần khác trong những cuộc công cán xuống trần hoặc đi du ngoạn đó đây.

Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Cưỡi lên Pégase (Monter sur Pégase), hoặc Thắng yên cương vào Pégase (Enfourcher Pégase) để chỉ cảm hứng sáng tác thơ ca, nghệ thuật hoặc chỉ một người nào đó đã trở thành nhà thơ, đồng thời nó cũng chỉ tài năng sáng tác của một người nào đó đã “phát tiết ra ngoài”, vì lẽ Pégase thường xuống ngọn Hélicon, ngọn núi của các nàng Muses và uống nước ở con suối Hippocrène, con suối mà theo người xưa kể, các nhà thơ thường đến du ngoạn, uống nước để có nguồn cảm hứng. Người xưa còn kể, Pégase thường mời các nhà thơ đi du ngoạn khắp bầu trời rồi trở về núi Hélicon để có được nguồn cảm hứng bay bổng dạt dào. Lại có thành ngữ Con Pégase bất kham (La Pégase est retif) để chỉ một nhà thơ tồi.175

Quanh cái chết của Sthénébée còn có một cách kể khác, rằng Bellérophon đã cho Sthénébée cưỡi lên con thần mã Pégase cùng với mình bay lên cao rồi ném Sthénébée từ trên đó xuống biển. Về cái chết của Bellérophon cũng có một cách kể khác, rằng Bellérophon rơi xuống đất đen nhưng không chết, mà chỉ bị thọt và mù. Chàng sống với nỗi bất hạnh tàn tật và cô đơn, đi lang thang khắp thế gian với nỗi hối hận về hành động phạm thượng của mình.

Cũng cần nói thêm một chút về huyền thoại những nữ chiến binh Amazones. Nhìn qua chúng ta thấy ngay dấu ấn của huyền thoại thuộc về chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên có một điều khiến chúng ta phải băn khoăn đặt câu hỏi: trong chế độ mẫu quyền, chiến tranh bộ lạc đã ra đời chưa, và nếu đã ra đời thì tồn tại phổ biến đến mức như thế nào để có thể có những sản phẩm như bộ lạc Amazones? Có thể nói, chiến tranh bộ lạc không phải là hiện tượng xã hội phổ biến và thường xuyên trong chế độ thị tộc mẫu quyền. Nói một cách nghiêm ngặt thì chiến tranh bộ lạc là một hiện tượng của chế độ thị tộc phụ quyền. Do đó chúng ta có thể phỏng đoán rằng huyền thoại Amazones là một huyền thoại của chế độ phụ quyền song đã được anh hùng hóa. Mặc dù những nữ chiến binh Amazones có được miêu tả khá hào hùng là những kỵ sĩ suốt ngày trên lưng ngựa, thiện chiến, có tài bắn cung… song trong các cuộc xung đột với “đấng mày râu”, các Amazones chưa lần nào chiến thắng, áp đặt được quyền uy của giới phụ nữ đối với các trang nam nhi, anh hùng: dũng sĩ Héraclès đã chiến thắng Amazones đoạt được chiếc thắt lưng của nữ hoàng Hippolyte, rồi Bellérophon, và sau này Thésée, Achille cũng đều là những người chiến thắng. Huyền thoại Amazones chỉ là một tia hồi quang của chế độ mẫu quyền được lắp ghép vào những huyền thoại về các chiến công của những anh hùng, dũng sĩ. Nó phải được anh hùng hóa để thích hợp với loại huyền thoại anh hùng của chế độ phụ quyền và để làm vẻ vang, rực rỡ cho chiến công của các anh hùng, dũng sĩ.

Ngày nay, Amazones trở thành một danh từ chung chỉ: nữ kỵ sĩ; một loại váy dài của phụ nữ mặc khi cưỡi ngựa; và người phụ nữ có tính cách như nam giới, thiếu vẻ hiền dịu, vị tha của nữ tính, hung bạo, hay gây gổ.

[173] Acrocorinthe nghĩa là “thành Corinthe ở trên cao”. Tiếng Hy Lạp acros: trên cao.

[174] Truyền thuyết này giải thích từ “Amazone” theo tiếng Hy Lạp cổ là “không có vú”. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì sự giải thích này không đúng.

[175] Tiếng Hy Lạp pégase: ngọn nguồn.

Quyển 2 – Chương 20: Chuyện về gia hệ người anh hùng Tantale

Tantale khinh thị thánh thần

Thần Zeus trong một cuộc tình duyên với nàng Nymphe Plouto sinh ra được một người con trai xinh đẹp tên là Tantale. Tantale xây dựng cơ nghiệp ở xứ Sipyle thuộc đất Phrygie hoặc Lydie. Đô thành của nhà vua xây dựng dưới chân núi Sipyle thật vô cùng đẹp đẽ và thuận lợi. Các vị thần lại ban cho người con trai của Zeus biết bao ân huệ: những cánh đồng phì nhiêu, nho trĩu quả, lúa đầy bông, chắc hạt, những đàn súc vật béo mập gặm cỏ ràn rạt, thỏa thuê trên những cánh đồng cỏ lúc nào cũng xanh tươi mơn mởn. Lại còn những mỏ vàng đầy ắp mà chẳng phải trên thế gian này nơi nào cũng có. Ai đã đi qua đất nước của Tantale thì trăm người, nghìn người như một đều tấm tắc khen cảnh đẹp, của nhiều, đều thèm muốn số phận nuông chiều người con của Zeus. Nhưng đó chưa phải là tất cả những phúc lợi mà thần Zeus ban cho người con trai yêu quý của mình, Tantale còn được hưởng biết bao sự ưu tiên, ưu đãi nữa mà chưa từng có một người trần thế nào dám mơ tưởng đến chứ đừng nói gì đến việc hưởng thụ. Trước hết thần Zeus cho người con trai của mình được sánh ngang với các vị thần của thế giới Olympe, được tự do ra vào cung điện Olympe, một nơi vô cùng thiêng liêng và nghiêm cẩn vốn chỉ dành riêng cho các vị thần. Tantale được ngồi cùng bàn dự tiệc với các vị thần, được thưởng thức những món thức ăn thần và uống các thứ rượu thánh là những thứ chỉ riêng thế giới Olympe mới có, vốn chỉ dành riêng cho các vị thần bất tử. Nhưng như thế chưa phải là tột cùng của sự ưu đãi. Tantale còn được Zeus cho tham dự các cuộc họp của các vị thần, những cuộc họp mà như chúng ta đã biết, thật là vô cùng quan trọng và tối mật vì nó bàn định đến kế sách lớn lao của việc điều hành thế gian. Nhưng trò đời sự nuông chiều, ưu đãi thậm chí có thể nói là nuông chiều và ưu đãi một cách mù quáng và ngu xuẩn thường là mẹ đẻ ra thói xấu hãnh tiến, kiêu căng vô ơn bạc nghĩa… nhất là đối với Tantale, một người chưa từng trải qua những thử thách như những người con khác của Zeus: Dionysos, Persée, v.v.

Tantale lúc nào cũng tự cho mình như là một vị thần, vênh vang kiêu hãnh về những đặc ân mà mình được hưởng. Y chẳng còn biết sự mực thước và khiêm tốn là gì. Lợi dụng sự tin yêu của đấng phụ vương, y đã đem cả những thức ăn thần và rượu thánh xuống trần phân phát cho những người trần thế đoản mệnh sống trong vương triều của y với ý đồ táo tợn là làm cho quần thần của y cũng được bất tử như các vị thần. Hành động liều lĩnh đó của y không qua được mắt của thần Zeus. Tuy nhiên, Zeus vì yêu con nên cũng chưa nỡ khiển trách. Lại một hành động nữa cực kỳ bậy bạ, cực kỳ láo xược của Tantale là đã đem những chuyện cơ mật của các cuộc Hội nghị Thần thánh nói vung ra cho mọi người trần thế đều biết. Cả đến những quyết định của Zeus, chủ kiến của Zeus đối với việc này việc khác, người này người khác, Tantale biết được cũng đem đi nói cho người trần thế biết. Nhưng thần Zeus vẫn bỏ qua. Song le mọi việc trên đời này đều có cái giới hạn của nó. Có một lần Tantale đã làm Zeus phật ý. Hôm đó trong một bữa tiệc linh đình ở cung điện Olympe giữa những tuần rượu thánh hương thơm ngào ngạt và không khí tưng bừng của cảnh ca vũ thần tiên, thần Zeus nhìn đứa con trai, âu yếm nói với nó những lời lẽ vàng ngọc như sau:

– Tantale hỡi! Ta yêu quý con và những mong con sẽ được hạnh phúc đời đời. Ta chẳng muốn con phải sống số phận khốn khổ của những người trần đoản mệnh, phải dãi nắng dầm mưa đào bới lòng đất đen lên mới có được hạt lúa mì vàng óng của nữ thần Déméter. Ta ban cho con nhiều ân huệ nhưng nếu con thấy chưa đủ, con còn muốn gì nữa thì con cứ nói với ta. Ta sẽ làm cho con được toại nguyện.

Tantale nhìn cha một cách lạnh lùng, đáp lại:

– Thôi thôi cha ơi! Con chẳng cần gì nữa! Ân huệ của cha con cũng không cần mà ân huệ của các vị thần khác thì con lại càng không cần thiết. Số mệnh là lực lượng cao hơn hết, quy định điều khiển mọi việc của thế gian, xếp đặt vị trí con người. Số mệnh đã ban cho con một số phận tốt đẹp hơn các vị thần bất tử. Vậy xin cha hãy đem ân huệ mà ban cho những kẻ khác.

Thần Zeus sa sầm mặt lại. Thần không ngờ đứa con mà thần vô cùng yêu quý lại có thể ăn nói một cách cạn tàu ráo máng, ngạo mạn, kiêu kỳ như vậy. “Chiều quá hóa hư rồi”, Thần Zeus nghĩ thế nhưng vẫn nén được cơn giận.

Nhưng đến việc sau đây thì Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Việc thứ nhất là chuyện con chó vàng.

Xưa kia khi Zeus ra đời, mẹ Zeus để che giấu Cronos (nếu Cronos biết sẽ nuốt luôn đứa bé) đã gửi Zeus, đứa con trai út của mình, sang đảo Crète. Thời thơ ấu Zeus sống với các nàng Nymphe và hai người bạn: con dê Amalthée và con chó vàng. Lớn lên, Zeus trở về Hy Lạp để giải thoát cho các anh, các chị. Trước khi ra đi, Zeus giao cho con chó vàng canh giữ ngôi đền thờ của mình. Năm tháng qua đi, cuộc sống cứ như mây trôi nước chảy, bỗng đâu một hôm thần Zeus nhớ lại người bạn nhỏ trung thành trong thời thơ ấu của mình. Zeus về đảo Crète tìm thì… hỡi ôi, con chó vàng đã không cánh mà bay? Truy hỏi ra thì Zeus được biết nhà vua Pandaréos trị vì ở đô thành Éphèse bên đất Tiểu Á (có chuyện kể trị vì ở Milet) đã rắp tâm bắt trộm con chó đó gửi Tantale giữ hộ vì e rằng nếu đem ngay con chó về nhà thì sẽ bị lộ. Pandaréos tưởng rằng gửi Tantale thì không ai biết mà cũng chẳng ai ngờ. Những người trần ngu ngốc cứ tưởng rằng có thể che giấu được thế gian và nhất là thần Zeus mọi chuyện. Họ đã lầm lẫn biết chừng nào. Zeus biết chuyện không nén nổi tức giận. Thần liền cho triệu ngay thần Hermès đến và ra lệnh cho Hermès phải xuống ngay Sipyle đến gặp tận mặt Tantale đòi lại con chó vàng, phải đòi bằng được con chó vàng. Vị thần truyền lệnh kính yêu, con của Zeus tuân lệnh, lên đường ngay không hề chậm trễ. Chỉ một lát sau, Hermès đã đứng trước mặt Tantale trịnh trọng tuyên đọc lệnh của Zeus:

– Hỡi Tantale, người con trai yêu quý của thần Zeus! Ta truyền cho nhà ngươi biết, ngươi phải trao trả ngay con chó vàng cho thần Zeus, nếu không thì ngươi đừng có trách đấng phụ vương là hay nổi nóng. Tên vua Pandaréos dại dột đã lấy trộm con vật quý giá ấy của người. Hắn lại còn ngu ngốc đến nỗi cứ tưởng đem gửi con chó vàng đó cho nhà ngươi thì mọi việc rồi sẽ qua đi, đầu xuôi đuôi lọt, chu tất. Ngươi há lại chẳng biết rằng đối với các vị thần Olympe thì không thể che giấu được một điều gì sao?

Tantale nghe nói, chẳng hề mảy may xúc động. Y với bộ mặt giả dối và trơ tráo, đáp lại thần Hermès bằng những lời lẽ láo xược chưa từng thấy:

– Hỡi thần Hermès! Xin ngài đừng có đem thần Zeus ra mà dọa ta! Trong nhà ta, xin mời ngài cứ vào xem, chẳng hề có một con chó vàng, chó bạc nào cả. Có lẽ các vị thần Olympe nhầm lẫn đấy, bởi vì các vị thần cũng có khi bị nữ thần Lầm lẫn làm cho mất trí. Ta xin thề với thế giới Olympe thiêng liêng và đầy quyền thế, lời nói của Tantale, vua của đất nước Sipyle mỹ lệ và giàu có này là hoàn toàn đúng sự thật.

Hermès ra về. Nhưng các vị thần Olympe ngay sau đó đã vạch trần giọng lưỡi xảo quyệt và bộ mặt giả dối của Tantale.

Việc thứ hai là việc giết thịt con trai làm cỗ mời các vị thần ăn.

Tantale, một hôm có ý định mở tiệc mời các vị thần Olympe xuống dự. Y truyền cho gia nhân lo liệu, sắm sửa để làm một bữa tiệc thật trọng thể. Bỗng đâu từ trái tim y nảy ra một ý đồ đen tối: y muốn thử xem các vị thần có đích thực là biết hết mọi việc trên đời này không, có thật là tiên đoán được mọi việc không. Y cho bắt ngay đứa con trai của mình tên là Pélops đem ra chọc tiết, mổ thịt làm cỗ, làm các món ăn thật ngon để dâng các vị thần.

Ngồi vào bàn tiệc, các vị thần không hề đụng thìa, đụng đũa vào một món ăn nào. Các thần đã đoán biết được ý đồ xấu xa của Tantale. Duy chỉ có nữ thần Déméter khi đó đang rầu rĩ về chuyện cô con gái Perséphone bị thần Hadès bắt xuống âm phủ đã sơ ý ăn vào một bát thức ăn nấu bằng thịt của Pélops. Khi các món ăn đã lần lượt đem hết lên bàn tiệc, một vị thần Olympe bèn đứng lên trút tất cả các món ăn đó vào một cái nồi thật lớn rồi đặt lên bếp lửa. Như đã dặn bảo nhau trước từ nhà, sau việc làm đó đều là công việc của thần Hermès. Hermès đứng lên bằng những pháp thuật của mình, đến bên chiếc nồi làm cho Pélops sống lại. Vì các thần không ai ăn mất tí xương, tí thịt nào của Pélops nên Pélops vẫn là con người lành lặn. Tất nhiên, Pélops cũng bị mất một miếng thịt be bé ở vai vì Déméter. Thần Hermès vá vào chỗ khuyết ấy bằng một miếng ngà voi. Chính vì thế mà từ đó trở đi, Pélops và con cháu của Pélops thường gọi là Pélopides đều có một miếng khoang hoặc đốm trắng ở vai.

Sau hai việc tối ư hỗn hào, quá thể láo xược ấy thì thần Zeus không thể nào chịu đựng được nữa. Thần cho triệu ngay Tantale lên thiên đình, quát mắng một trận rồi túm cổ quẳng luôn xuống thế giới âm phủ. Tội lỗi đến như thế nếu mà không trừng trị thì thần Zeus còn mặt mũi nào mà nhìn các vị thần cấp dưới và sao răn bảo được những người trần thế. Thần Zeus còn bắt Tantale phải chịu một hình phạt nặng nề, chịu đời đời cho xứng đáng với tội trạng của y. Tantale suốt đời phải đứng giữa một dòng lạch cạn, nước chỉ đến trên thắt lưng hay dưới ngực gì đó. Y cứ phải đứng như thế hết ngày này qua ngày khác mà không được ăn uống gì. Khát quá, khát khô cả họng khát nóng cả cổ, y cúi đầu xuống đưa hai tay ra toan vục nước lên miệng uống thì lạ sao, nước lập tức rút hết! Rút nhanh đến nỗi Tantale trông xuống chỉ thấy có mặt bùn nhão ở dưới chân mình! Tantale thở dài, đứng sững sờ như một bức tượng đá thì nước lại dâng lên như cũ. Nhưng hễ Tantale cúi xuống định vục nước uống thì nước lại rút đi, rút hết. Tantale cứ phải chịu khát suốt đời. Khát đã vậy lại còn đói nữa. Trên đầu Tantale là một cành cây trĩu quả. Đủ thứ quả: nho, táo, lê chín thơm ngào ngạt. Đói quá, Tantale đưa tay lên toan với một chùm quả chín lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay, thì lạ sao, chùm quả chín đỏ lập tức nhích ra xa, dướn lên cao khiến cho Tantale không thể nào với tới được. Y lại đứng thất vọng sững sờ. Chùm quả chín lại lủng lẳng ngang tầm mắt, tầm tay. Nhưng hễ Tantale đưa tay ra toan vịn cành với quả thì chùm quả lại đung đưa ra khỏi tầm tay. Chưa hết, cao hơn những chùm quả một chút là một tảng đá chênh vênh từ một trái núi nhô ra, nom rất sợ, sợ đến lạnh cả người vì nó lúc nào cũng như có thể rơi thẳng xuống đầu Tantale, tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh có thể hất tảng đá đổ ụp xuống.

Thành ngữ Nỗi khổ Tantale hoặc Cực hình Tantale (Le supplice de Tantale) chỉ nỗi đau khổ của con người theo đuổi kiên trì một mục đích mà không thành công, một nỗi đau khổ day dứt vì không sao đạt được hoặc khi tưởng chừng như gần đạt được thì lại hỏng, lại thất bại.

***

Trong gia tài thần thoại Hy Lạp, chúng ta thường thấy có những nhân vật phạm tội kiêu căng, bất kính đối với thần thánh hoặc nổi loạn chống đối lại thế giới thần thánh. Mở đầu là vị thần Prométhée, vị thần mà lý tưởng và chiến công đã phản ánh sự nghiệp chiến đấu hào hùng của con người. Quá trình phát triển của thần thoại từ thời kỳ chế độ thị tộc mẫu quyền đến thị tộc phụ quyền và bước chuyển biến có ý nghĩa cách mạng từ thời cổ đại anh hùng với nền dân chủ-quân sự (công xã thị tộc đang tan rã) sang thời đại văn minh với quyền tư hữu tài sản (chế độ chiếm hữu nô lệ) là quá trình con người ngày càng “sinh sự”, ngày càng “bướng bỉnh” với thần thánh, ngày càng phạm nhiều tội ngạo mạn, bất kính đối với thần thánh. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Nào nàng Niobé đã khinh thị nữ thần Léto, tự cho mình đẹp hơn Léto, và nào là gã Silène (hoặc còn gọi là Satyre) Marsyas dám thách thức với thần Apollon đua tài, vào “công cua” (concours) âm nhạc với mình. Ngang hơn nữa là chàng Leucippos dám tranh giành người đẹp tiên nữ Daphné với thần Apollon. Rồi nàng Arachné thách nữ thần Athéna thi tài dệt với mình. To gan lớn mật hơn nữa là anh chàng Ixion mưu toan “bắt bồ” với nữ thần Héra! Đến chuyện Sisyphe và Tantale kể trên thì thật là “đại loạn”. Con người dường như chẳng coi thần thánh là cái gì nữa cả. Xưa kia thần Asclépios chỉ vì có tài chữa bệnh, biết phép cải tử hoàn sinh cho người trần thế đoản mệnh mà đã bị Zeus giáng sét giết chết tươi. Nhưng giờ đây thì việc Sisyphe lập mưu bắt sống thần Chết-Thanatos đã thật sự gây rối loạn đến cơ chế của chế độ chính trị Olympe, và lại còn lừa được vị vua của thế giới âm phủ! Tất cả những hiện tượng đó chỉ có thể là sản phẩm của một thời kỳ mà con người đã phần nào bớt sợ hãi thần thánh. Khoa thần thoại học gọi những hiện tượng đó bằng một từ ngữ: chủ nghĩa anh hùng-thần thoại. Tất nhiên những hành động bất kính, kiêu căng nổi loạn của con người đều cuối cùng bị thần thánh trừng phạt và để cho sự trừng phạt hợp lý đương nhiên thế giới thần thánh phải biểu hiện ra như là đại diện cho công lý đạo đức, còn kẻ bị trừng phạt ắt phải là một tên hư hỏng, vô đạo. Con người cuối cùng phải chấp nhận thất bại trước thần thánh, nhưng làm thế nào được. Lịch sử chưa cho phép con người chiến thắng thần thánh!

Quyển 2 – Chương 21: Pélops sinh cơ lập nghiệp ở đất Hy Lạp

Sau khi Tantale bị thần Zeus trừng phạt, Pélops lên nối ngôi cha trị vì ở đô thành Sipyle. Nhưng số phận chẳng nuông chiều đất nước Sipyle như xưa nữa. Vị vua thành Troie với binh hùng tướng mạnh đã từng thu phục nhiều thành trì đất đai của các vương quốc ở ven biển Tiểu Á, kéo quân sang vây đánh thành Sipyle. Pélops chỉ còn biết cách thu thập của cải và gia nhân, được chút nào hay chút ấy, xuống thuyền chạy sang đất Hy Lạp, Pélops đặt chân lên một bán đảo ở phía Nam nước này và định cư tại đây. Chàng mở mang đất đai, khai phá rừng núi, bờ bãi, sinh cơ lập nghiệp, xây dựng một cơ đồ khá giả. Từ đó bán đảo này mang tên chàng. Ngày nay chúng ta gọi là bán đảo Péloponnèse.

Một hôm trong một cuộc du ngoạn, Pélops bắt gặp một người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Chàng định bụng sẽ dò hỏi tông tích nàng để rồi sắm sửa lễ vật đi cầu hôn. Người con gái đó tên là Hippodamie con của vua Oenomaos ở đô thành Pise phía tây bán đảo gần sông Alphée. Nhưng chuyện cầu hôn với nàng đâu có dễ. Xưa nay người đẹp vốn khó… không phải khó lấy chồng mà khó chọn chồng vì có quá nhiều người hỏi. Nhưng khó hơn nữa là Oenomaos không cho con gái mình lấy chồng. Tại sao lại có chuyện ác nghiệt như vậy? Số là nhà vua được một vị tiên tri phán truyền cho biết, ông sẽ bị một chàng rể giết chết và cướp ngôi. Để chống lại lời phán truyền khủng khiếp ấy của số mệnh, ông chỉ còn cách khước từ hết mọi chàng trai đến cầu hôn. Song le cách đối phó ấy của ông lại đẻ ra một nỗi lo rất lớn. Nhiều trang anh hùng hào kiệt, nhiều bậc công tử phong lưu mã thượng đem lễ vật đến bị ông khước từ đã ra về với nỗi bất bình, ấm ức nhiều khi quá lộ liễu. Biết đâu chẳng có ngày họ kéo binh đến đô thành của ông. Lúc đó lễ vật ông chẳng được mà kẻ chiến thắng ông nghiễm nhiên là chàng rể! Chưa bao giờ ông thấy sự có mặt một người con gái đẹp lại gây ra cho ông lắm nỗi lo âu như thế này. Hết ngày này sang ngày khác, đêm này đến đêm khác ông nằm vắt tay lên trán thao thức suy nghĩ kế sách đối phó. Cuối cùng, ông nghĩ ra được một kế mà ông cho là tuyệt diệu nhất. Ông cho công bố để khắp nơi xa gần được biết: ông sẵn sàng chấp nhận lễ vật cầu hôn của bất cứ chàng trai nào với điều kiện chàng trai đó phải thắng được ông trong cuộc đua xe ngựa. Phần thưởng cho người chiến thắng trong cuộc tỉ thí này là nàng Hippodamie. Nhưng nếu kẻ cầu hôn không thắng được thì sao? Kẻ đó sẽ chết. Đó là con đường duy nhất, sự lựa chọn duy nhất của những kẻ cầu hôn. Oenomaos nghĩ ra kế này vì ông nổi danh khắp vùng là một người điều khiển xe ngựa cực kỳ tài giỏi và hơn nữa ông có những con ngựa chạy nhanh như gió Bấc-Borée. Chưa bao giờ trong những cuộc đua xe mà ông phải chịu nhận phần thưởng thứ nhì. Oenomaos tin rằng với kế sách này thì chắc chắn chẳng mấy người muốn xin cầu hôn hoặc giả nếu có kẻ táo bạo thì ắt rằng sự táo bạo của anh ta chỉ đem lại cho anh ta cái chết chứ không phải cho anh ta nàng Hippodamie.

Mặc dù điều kiện của lễ cầu hôn có quá ngặt nghèo và nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều chàng trai đến xin dâng lễ và chấp nhận cuộc tỉ thí! Ôi! Thật thương thay cho khá nhiều chàng trai vì quá say mê sắc đẹp của nàng Hippodamie mà không biết lượng sức mình! Họ đã bỏ mạng trong cuộc đua xe ngựa với Oenomaos. Nhà vua sau mỗi lần chiến thắng, chặt đầu kẻ cầu hôn chiến bại đem treo ở đường ra vào, ở các cửa ra vào cung điện. Ông muốn răn đe những kẻ đến sau. Thế nhưng Pélops một bữa kia vẫn cứ đến đô thành Pise, gặp Oenomaos để xin tỉ thí, Oenomaos nhận Pélops với con mắt khinh thường. Nhà vua nói với Pélops.

– Thế nào? Chàng muốn lấy con gái ta phải không? Được thôi! Nhưng chàng đã suy nghĩ kỹ chưa? Chàng đã trông thấy đầu những chàng trai cầu hôn treo lủng lẳng ở cửa ra vào cung điện chưa? Thôi ta khuyên chàng hãy từ bỏ ý đồ bồng bột, đầy ảo tưởng là có thể thắng ta được trong cuộc đua. Hãy giữ lấy mạng mình là hơn cả!

Pélops đanh thép trả lời:

– Hỡi nhà vua Oenomaos kiêu căng và tàn bạo! Cái chết chẳng làm ta run sợ. Ta quyết là ta làm. Ta tin rằng các vị thần Olympe sẽ phù trợ ta trong cuộc thi đấu này. Ta tin rằng nàng Hippodamie xinh đẹp sẽ về tay ta.

Oenomaos cả cười, bảo Pélops:

– Thôi được, ta đã từng nghe những lời nói như vậy ở nhiều chàng trai cũng như ta đã từng kết liễu đời họ. Chàng hãy nghe đây, thể lệ cuộc thi như sau: chặng đường phải vượt bắt đầu từ đô thành Pise chạy suốt qua bán đảo Péloponnèse, qua đất Isthme và kết thúc ở bàn thờ vị thần cai quản mọi biển khơi Poséidon, cách đô thành Corinthe không xa. Nếu chàng về nhất, đương nhiên chàng là người thắng cuộc, vinh quang và Hippodamie, người con gái vô vàn xinh đẹp và yêu quý của ta sẽ thuộc về chàng. Ngược lại, nếu xe ta từ sau vượt lên đuổi kịp chàng trước khi chàng tới đích thì ta sẽ phóng cho chàng một ngọn lao vào sau lưng và chàng cũng đi theo số phận của bao trang anh hùng, dũng sĩ khác từ bỏ mặt đất đầy ánh sáng xuống sống dưới vương quốc tối tăm khắc nghiệt của thần Hadès. Cũng như đối với các chàng trai trước kia, ta dành cho chàng quyền ưu tiên được khởi hành trước. Như thường lệ, ta phải dâng lễ vật để cầu khấn thần Zeus, vị thần có uy quyền lớn nhất, phù hộ cho ta, rồi sau đó ta mới lên xe đuổi theo chàng. Vậy chàng hãy ra sức vượt ta cho thật xa khi những con ngựa chạy nhanh như gió Bấc-Borée của ta chưa tung vó.

Pélops ra đi, lòng ngổn ngang trăm mối. Làm thế nào thắng được tên vua hung ác này. Cứ đằng thẳng đua sức thi tài với hắn thì chắc chắn là lãnh đủ cái chết. Phải dùng mưu. Pélops nghĩ thế và bí mật tìm gặp Myrtilos, con trai của vị thần Hermès, người đánh xe ngựa cho Oenomaos để mua chuộc anh ta. Chàng hứa, nếu Myrtilos giúp chàng giành được thắng lợi trong cuộc đua này thì chàng sẽ chia cho Myrtilos một nửa vương quốc và tặng thưởng nhiều báu vật. Có chuyện kể, Pélops hứa sẽ cho Myrtilos quyền hưởng đêm đầu tiên với Hippodamie. Do dự, đắn đo hồi lâu sau rồi Myrtilos ưng thuận. Myrtilos sẽ dùng một chiếc trục xe bằng sáp ong thay cho trục sắt. Chỉ có bằng cách ấy xe của Oenomaos mới bị hỏng ở giữa đường và Pélops mới có thể thắng được. Có chuyện lại kể, Myrtilos không lắp đinh chốt vào trục xe.

Sáng hôm sau khi nàng Éos-Bình minh trùm khăn vàng vừa xòe những ngón tay hồng ra ở chân trời thì cũng là lúc Pélops bước vào cuộc thi đấu. Chàng cầu nguyện vị thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon rồi bước lên xe. Nhà vua Oenomaos cũng mang lễ vật đến đền thờ thần Zeus. Trước khi bước vào đền thờ hành lễ, nhà vua ra lệnh cho Pélops khởi hành.

Cuộc đua bắt đầu. Pélops đánh xe, quất ngựa cho chúng phi nước đại. Cỗ xe lao đi như tên bắn chẳng mấy chốc mất hút sau một đám bụi mù. Khát vọng giành được vinh quang và người đẹp thúc giục chàng, tiếp sức cho chàng. Chàng vừa nắm dây cương điều khiển lũ ngựa vừa thỉnh thoảng ngoái nhìn lại phía sau. Chưa thấy Oenomaos đâu, chàng sung sướng quất roi cho lũ ngựa chạy nhanh hơn nữa. Nhưng niềm vui của chàng quá sớm. Chẳng bao lâu chàng đã thấy bóng dáng chiếc xe của Oenomaos hiện lên trên một đám bụi. Chiếc xe cứ lớn dần lên, lớn dần lên đến nỗi chàng đã trông thấy rõ nhà vua đang đứng trên xe. Những con ngựa của Oenomaos thật danh bất hư truyền: chúng cứ như những cơn gió lốc ào ào thổi tới. Pélops thấy vậy càng ra sức quất roi hò hét cho lũ ngựa dốc sức chạy nhanh. Nhưng dù chúng có cố sức đến mấy đi nữa thì cũng không thể thay đổi được một sự thật, cỗ xe của Oenomaos đang ngày càng rút ngắn khoảng cách, và kia rồi, thật vô cùng nguy hiểm, Oenomaos đã một tay cầm cương một tay giương ngọn lao lên lăm lăm chỉ chờ đến một khoảng cách thuận lợi, đúng tầm hướng là phóng. Pélops cố gắng trấn tĩnh. Chàng lẩm nhẩm cầu khấn thần Poséidon phù trợ, và vị thần có cây đinh ba gây bão tố đã nghe hết những lời cầu khẩn của chàng. Cỗ xe của Oenomaos vẫn băng lên. Bỗng nhiên, Pélops nghe đánh rầm một cái. Chàng quay lại. Kia rồi, Myrtilos đã thực thi đúng như sự cam kết của hắn đối với chàng. Hai bánh của cỗ xe rời khỏi trục văng ra ngoài. Chiếc xe đổ vật ngang sang một bên rồi lộn ngược vỡ tan. Lũ ngựa kéo lê chiếc xe vỡ đi một đoạn rồi dừng lại, Pélops cũng đã dừng xe lại. Bên vệ đường chàng thấy xác Oenomaos nằm đấy, mặt úp xuống đất đầy cát bụi, sọ bị vỡ ra, máu đen chảy dài xuống áo. Thần Hadès đã bắt linh hồn của tên vua tàn bạo này về thế giới tối tăm, u ám của mình.

Pélops chiến thắng. Chàng trở về đô thành Pise cưới Hippodamie làm vợ và cai quản vương quốc của Oenomaos. Myrtilos đến đòi Pélops thực hiện lời hứa, nhưng Pélops trở mặt. Y không muốn mất một tí gì cho người đã giúp y giành chiến thắng. Lòng tham của y thật không đáy. Tệ bạc hơn nữa, y còn giết chết Myrtilos. Giống như cha y khi xưa, Tantale, một con người xảo quyệt, y đã tìm cách rủ Myrtilos đi chơi rồi lừa lúc Myrtilos sơ ý, đẩy Myrtilos ngã từ trên một ngọn núi xuống biển. Những ngọn sóng điên cuồng và hung dữ từ ngoài khơi xô vào đã cuốn Myrtilos đi. Nhưng trước khi chết, Myrtilos còn đủ sức nguyền rủa dòng giống của Pélops sẽ vì tội ác của cha chúng mà phải mang trọng tội đời đời. Vì lời nguyền rủa này mà con của Pélops là Atrée và Thyeste sau này phải chịu những thảm họa vô cùng khủng khiếp.

Quyển 2 – Chương 22: Tội ác và sự thù hằn giữa hai anh em Atrée và Thyeste

Atrée và Thyeste là hai anh em sinh đôi, con của người anh hùng vĩ đại Pélops. Nhẽ ra họ được sống một cuộc đời bình yên hạnh phúc, song vì cha họ xưa kia đã can tội bội ước và ám hại một người đã giúp đỡ mình lập được chiến công là người đánh xe ngựa cho vua Oenomaos tên là Myrtilos, cho nên cuộc đời của họ sống triền miên trong những tội ác và sự thù hằn. Thuở ấy Myrtilos đã giúp Pélops thắng trong cuộc đua xe ngựa với vua Oenomaos, nhờ đó, Pélops mới cưới được nàng Hippodamie, con gái nức tiếng xinh đẹp của nhà vua. Nhưng Pélops nuốt lời hứa, không trọng thưởng Myrtilos mà lại còn giết chết Myrtilos. Trước phút lâm chung, Myrtilos nguyền rủa Pélops rằng con cháu của Pélops sẽ vì tội ác đê tiện và xảo quyệt này mà phải chịu trọng tội đời đời, phải sống chìm đắm suốt đời trong tội ác đẫm máu gớm ghê và sự thù hằn dai dẳng.

Tội ác đầu tiên của dòng họ này là việc giết Chrysippe. Trong một cuộc tình duyên với tiên nữ Nymphe Axioche, Pélops sinh ra được một người con trai tên là Chrysippe. Do được Pélops yêu quý nên Chrysippe trở thành cái gai trước mắt hai anh em Atrée và Thyeste. Được mẹ là Hippodamie xúi giục, anh em Atrée và Thyeste đã hãm hại Chrysippe, nhằm thanh trừ một kẻ thù, một đối thủ trong cuộc thừa kế ngai vàng sau này. Nhưng hành động tàn bạo và ám muội của hai anh em bị Pélops phát giác. Sợ bị trừng phạt, hai anh em chạy trốn sang đô thành Mycènes cầu xin vua Sthénélos, con trai của Persée, che chở. Cuộc sống của hai anh em sinh đôi này ở trên đất Mycènes kéo dài không rõ được bao lâu thì bữa kia xảy ra một biến cố khá quan trọng, một biến cố mở đầu cho những mối thù và những cuộc trả thù vô cùng kinh khủng sau này. Đó là việc nhà vua Sthénélos băng hà, ngai vàng của đất Mycènes không người thừa kế. Không phải Sthénélos không có con trai, con trai của vị vua này chính là Eurysthée, kẻ đã hành hạ Héraclès suốt mười hai năm trời, nhưng lúc Sthénélos băng hà thì Eurysthée không còn sống. Trong cuộc giao tranh với những Héracleidae, Eurysthée đã bị Iolaos bắt sống và đưa về trừng trị. Xét theo huyết thống thì hai anh em Atrée và Thyeste là người gần gũi hơn cả, vì nàng Nicippé, vợ của vua Sthénélos, chính là em ruột của họ. Nhưng ngai vàng chỉ có một mà họ lại là hai. Nhân dân Mycènes không biết phân xử thế nào. Các vị bô lão phải đến cầu xin thần thánh ban cho một lời chỉ dẫn. Lời thần truyền phán: “Hãy truyền ngôi cho người nào trong tay có Bộ lông Cừu vàng”. Biết được lời thần ban bố như vậy, Atrée vô cùng sung sướng. Bộ lông Cừu vàng là báu vật của chàng, chàng hiện nắm giữ nó trong tay. Lai lịch của nó như sau:

Thuở xưa khi còn trẻ Atrée chỉ làm một gã chăn chiên, trong đàn súc vật dê cừu đông đúc của mình, thế nào một hôm Atrée bắt gặp một chú cừu con xinh đẹp. Quý hơn nữa, chú cừu ấy lại có bộ lông vàng. Từ xưa đến nay chưa bao giờ Atrée gặp một con cừu đẹp như thế. Bộ lông của nó vàng rượi, óng ả, đẹp đẽ vô ngần, nhất là những khi mặt trời chếch bóng, ánh nắng nhạt của buổi chiều hôm ngả dài trên lưng đàn súc vật đang lững thững về chuồng, thì bộ lông vàng của chú cừu đó óng ánh hẳn lên, rực rỡ hẳn lên. Năm đó, Atrée phải làm lễ hiến tế cho nữ thần Artémis; nhẽ ra chàng phải dâng cho nữ thần bộ lông vàng của chú cừu đó, vì hiến tế cho các vị thần phải thành kính dâng lên những vật gì quý báu nhất, nhưng Atrée không dâng cho nữ thần Artémis chú cừu có bộ lông vàng đó. Chàng thay thế bằng một lễ vật khác, rồi giết con cừu giữ lại bộ lông vàng cho mình. Chàng bỏ Bộ lông Cừu vàng vào trong một chiếc hòm kín có khóa cẩn thận và giấu kỹ điều bí mật này, không cho ai biết ngoài người vợ thân thiết của chàng là nàng Érope xinh đẹp. Đó, lai lịch Bộ lông Cừu vàng là như thế.

Hôm sau trước hội nghị nhân dân, các bô lão công bố lời phán truyền của thần thánh. Những người đem trình Bộ lông Cừu vàng trước hội nghị nhân dân lại không phải và Atrée mà là Thyeste. Vì sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Nguyên do là biết được lời phán truyền của thần thánh, Érope, vốn tư thông với Thyeste, đã lấy cắp Bộ lông Cừu vàng trao cho Thyeste, và Thyeste lên làm vua ở Mycènes.

Thất bại, Atrée cầu khấn thần Zeus, xin thần ban cho một điềm chứng minh chàng là người thắng cuộc, chính chàng và người được thừa kế ngôi báu ở Mycènes. Thần Zeus chấp nhận lời cầu xin. Thần đảo lại đường đi của thần Mặt trời-Hélios khiến cho mặt trời bỗng dưng mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông. Chao, sao mà kỳ lạ quá thế này, một sự việc lạ lùng chưa từng thấy! Chắc chắn có sự gì đây. Nhân dân Mycènes mời các bô lão và các nhà tiên tri đến để tường giải sự việc lạ lùng mà theo họ hẳn là một điềm báo lành ít, dữ nhiều. Cuối cùng những người dân Mycènes biết rằng mình đã lầm lẫn, lầm lẫn như thần Mặt trời-Hélios đã lầm lẫn đường đi. Họ phế truất Thyeste và đưa Atrée lên ngôi. Chỗ này có chuyện kể, sau khi Thyeste lên ngôi, thần Zeus sai thần Hermès xuống báo mộng cho Atrée biết, hãy thách thức, đánh cuộc với Thyeste trước hội nghị nhân dân: nếu mặt trời mọc ở hướng Tây và lặn ở hướng Đông thì Thyeste sẽ phải nhường lại ngôi báu cho Atrée. Chấp nhận lời thách thức ngược đời, Thyeste đinh ninh, chỉ có người mất trí mới tin được Atrée thắng cuộc. Nhưng sáng hôm sau thật kỳ lạ, mặt trời mọc ở hướng Tây. Trước hội nghị nhân dân, Thyeste đành chịu thua cuộc và phải rời khỏi Mycènes. Căm giận người vợ phản bội, Atrée ra lệnh ném Érope, con của Catrée, cháu của Minos, xuống biển.

Thyeste bị trục xuất khỏi Mycènes lòng tràn đầy uất hận. Y bắt cóc một đứa con trai nhỏ của Atrée đem theo. Ở nơi đất khách quê người, y nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ với một ý đồ nham hiểm: dùng nó để trả thù Atrée. Y đã xóa bỏ mọi dấu vết về tông tích đứa bé, làm cho nó đinh ninh rằng y là cha đẻ của nó. Y dựng lên một hình ảnh đáng ghét, đáng ghê tởm về Atrée. Năm tháng trôi đi, đứa bé lớn lên và trở thành một chàng trai tuấn tú. Thyeste giao cho nó, tên gọi là Plisthène, nhiệm vụ trở về Mycènes để giết Atrée. Nhưng Plisthène không thực hiện được nghĩa vụ mà Thyeste giao cho. Mưu đồ đen tối của Plisthène bị phát giác, và trong một cuộc xung đột chàng ta bị ngã gục đước mũi gươm của Atrée. Hạ xong địch thủ, xem xét kỹ lại dấu vết cũ trên người, Atrée mới biết rằng đây chính là đứa con của mình mất tích từ năm xưa. Đau đớn, cay đắng mà không biết than thở với ai, Atrée lập mưu trả thù lại Thyeste. Giả vờ hòa giải với người em, tạo ra một bầu không khí thuận lợi để thực hiện mưu kế trả thù.

Một hôm, Atrée cho người đến nói với Thyeste rằng mình đã nguôi mối giận xưa kia và bây giờ muốn hai anh em hòa giải và chung sống với nhau. Nhận lời mời của Atrée, Thyeste đưa cả gia quyến về Mycènes. Có ai ngờ đâu lòng người nham hiểm khôn lường. Atrée đã làm một việc tàn ác, độc địa chưa từng thấy, tàn ác đến nỗi xưa kia khi nghe kể đến đoạn này, nhiều người phải rùng mình nhắm mắt kinh hãi. Atrée lừa lúc Thyeste vắng nhà, bắt ngay ba đứa cháu ruột của mình, con của Thyeste, làm thịt. Sau đó gã mời Thyeste sang dự tiệc. Thyeste không hề biết. Y cứ ngồi vào bàn tiệc điềm nhiên thưởng thức những món ăn ngon lành làm bằng thịt con mình. Cảnh tượng kinh khủng đó khiến cho Zeus vô cùng phẫn nộ. Thần liền dồn mây, giáng sấm sét biểu thị sự tức giận của mình. Thần Mặt trời-Hélios, người chẳng để lọt qua đôi mắt một sự việc gì, cũng không đủ can đảm để nhìn cảnh bố ngồi chè chén thịt con một cách ung dung thú vị như thế. Thần phải bỏ dở cuộc hành trình, quay ngay cỗ xe vàng chói lọi của mình trở về phương đông.

Chè chén một lúc, Thyeste linh cảm thấy có sự chẳng lành, bỗng cất tiếng hỏi Atrée:

– Hỡi Atrée thân mến! Ta vô cùng cảm ơn bác đã mời ta một bữa tiệc thịnh soạn mà trong đời ta chưa từng được biết đến. Nhưng ta xin bác đã rộng lòng lại rộng lòng thêm chút nữa. Bác cho các cháu của bác được cùng dự bữa tiệc ngon lành này thì quý hóa quá.

Atrée vui vẻ trả lời:

– Hỡi Thyeste người em sinh đôi của ta! Điều đó chẳng có gì đáng làm ta quản ngại. Ta sẽ cho gọi các cháu đến ngay. Atrée vẫy tay ra hiệu cho gia nhân thực thi đúng như sự sắp xếp của mình. Lập tức tên hầu bưng vào một mâm lớn đậy kín. Atrée đích thân mở ra cho Thyeste xem. Đó là ba cái đầu của ba đứa con của Thyeste. Thyeste hoảng hồn, rú lên, gào thét, nguyền rủa. Y biết y đã bị trả thù, đã trúng mưu của Atrée. Y van xin Atrée ban cho mình thi hài ba đứa con của mình để làm lễ an táng. Atrée cười ha hả đáp:

– Ngươi chẳng phải lo chuyện đó nữa. Chính ngươi đã an táng chúng vào trong bụng của ngươi rồi.

Thyeste rụng rời, kinh hãi. Y gào rống lên như điên. Y vật vã bứt đầu bứt tóc. Y xô đổ bàn tiệc và cắm đầu chạy. Vừa chạy y vừa nguyền rủa Atrée và con cháu của gã sẽ phải chịu thảm họa đời đời. Chạy một hồi lâu, Thyeste định thần lại. Y bây giờ chỉ có một con đường là sang xứ Épire xin nhà vua Thesprotos cho trú ngụ. Ở đây, tại đô thành Sicyon, Thyeste tính mưu kế trả thù. Thyeste sang trú ngụ tại Sicyon ngày đêm nung nấu mối thù không đội trời chung với Atrée. Muốn gì thì gì, dù đất có lở, trời có sập đi chăng nữa thì Thyeste cũng phải trả được thù, rửa được nhục mới thôi. Y cầu khấn thần thánh. Lời sấm truyền của số mệnh thật là ác nghiệt: người lãnh sứ mạng trả thù cho Thyeste không thể là ai khác ngoài đứa con trai do dòng máu của Thyeste hòa hợp với người con gái của chính Thyeste sinh ra.

Làm theo điều chỉ dẫn của số mệnh, một đêm tối trời, lừa Pélopia, con gái mình, đến đền thờ dâng lễ, Thyeste bí mật lên đền và dùng sức mạnh cưỡng bức, thực hiện đúng như lời sấm truyền. Pélopia chống cự song không nổi. Tuy nhiên, trong lúc kẻ bạo ngược vô ý, nàng đã rút được thanh gươm của hắn. Ít lâu sau, Pélopia có mang và sinh ra một đứa bé. Sợ tai tiếng nàng đem bỏ đứa bé vào rừng, đứa bé mà nàng không biết mặt cha nó là ai. Sau đó nàng bỏ nhà ra đi, trở về đất Mycènes. Tới đây Pélopia lại kết duyên với Atrée. Nàng không quên thuật lại cho chồng biết những biến cố đã xảy ra với đời mình, đưa mình trở lại đất Mycènes này. Nghe thuật chuyện xong lập tức Atrée cho người đi tìm đứa bé. Sau nhiều ngày tìm tòi vất vả trong rừng sâu, hỏi dò hết nơi này nơi khác, cuối cùng người ta đón được chú bé từ tay một người chăn chiên đưa về dâng cho Atrée. Atrée nuôi nấng chú bé như con đẻ của mình và chính chú bé, Égisthe cũng không bao giờ biết đến câu chuyện rắc rối, phức tạp về lai lịch và nguồn gốc của mình. Nhiều năm trôi đi, song Atrée vẫn nuôi giữ mối hằn thù với người em ruột sinh đôi của mình là Thyeste. Atrée nhất quyết phải truy tìm ra tông tích của Thyeste để trừ khử tránh mọi hậu họa sau này. Tình cờ bữa kia do một chuyện ngẫu nhiên, hai người con trai của Atrée là Agamemnon và Ménélas phát hiện ra nơi ở của Thyeste. Họ lập tức xin với vua cha cho quân đi vây bắt, và kết quả họ đã giải được kẻ thù của cha mình về. Atrée vui mừng khôn xiết, ra lệnh tống giam Thyeste vào ngục tối chờ ngày hành hình. Có chuyện lại kể, Atrée giao cho Égisthe nhiệm vụ truy tìm Thyeste và Égisthe đã bắt được Thyeste ở Delphes giải về cho cha. Lệnh hành quyết giao cho Égisthe thi hành. Chợt Thyeste nhìn thấy thanh gươm Égisthe cầm tay. Y xin phép được hỏi, ai đã ban cho Égisthe thanh gươm ấy, một thanh gươm vô cùng quý giá mà trên đời này không dễ mấy người có được.

– Ngươi hỏi làm gì? Chính mẹ ta đã trao cho ta thanh gươm quý báu này đấy! – Égisthe hống hách trả lời. – Hay ngươi muốn chọn một thanh gươm khác tồi hơn để chết thì ta cũng sẵn sàng.

Thyeste van xin Égisthe hãy gia ân cho mình được phép gặp mẹ chàng một chút trước khi nhắm mắt lìa đời. Một đòi hỏi không có gì quá đáng của một tên tử tù. Égisthe nghĩ thế, và gật đầu ưng thuận, sai quân hầu đi mời ngay Pélopia đến. Gặp Pélopia, Thyeste liền kể cho hai mẹ con biết rõ sự thật, một sự thật rất khắc nghiệt do bàn tay độc địa của số mệnh tạo nên. Nghe xong câu chuyện, Pélopia hét lên một tiếng hãi hùng. Nàng giật phắt thanh gươm trên tay Égisthe đâm vào ngực tự sát. Còn Égisthe như một con thú bị trúng tên, rút ngay thanh gươm đẫm máu ở ngực mẹ mình ra và lao đầu chạy đi tìm Atrée, và cũng bằng lưỡi gươm oan nghiệt đó, chàng đã kết liễu đời Atrée khi Atrée đang làm lễ trên bờ sông, đang vui mừng tưởng như đã giết được Thyeste. Từ đấy hai cha con Thyeste và Égisthe trị vì trên đô thành Mycènes ở đất Argolide.

Gia đình tan nát, hai anh em Agamemnon và Ménélas mà những người Hy Lạp xưa kia thường gọi là Atrides nghĩa là những người con của Atrée, phải chạy sang xin nhà vua Tyndare trị vì ở đô thành Sparte cho nương náu. Nhà vua giàu lòng thương người đã cho hai anh em Atrides trú ngụ. Chẳng những thế nhà vua lại còn gả hai con gái của mình cho anh em Atrides. Clytemnestre lấy Agamemnon. Hélène lấy Ménélas. Sau một thời gian nương nhờ ở Sparte, Agamemnon được Tyndare giúp đỡ đã đem quân về Mycènes trừng trị Thyeste, khôi phục được quyền thế. Égisthe, con trai của Thyeste trốn thoát. Từ đó Agamemnon lên làm vua ở Mycènes, một đô thành nổi tiếng về những kho vàng và cung điện to lớn, đẹp đẽ. Còn Ménélas ở lại Sparte, kế đến khi Tyndare qua đời không có con trai thừa kế ngôi báu (anh em Dioscures đều tử trận), Ménélas bèn lên ngôi kế nghiệp trở thành vị vua của đô thành Sparte, một đô thành nổi tiếng trong giới cổ đại về tinh thần thượng võ và lối sống nghiêm ngặt khắc khổ.

Gia hệ người anh hùng Tantale

Quyển 2 – Chương 23: Chuyện hai chị em Procné và Philomèle biến thành chim

Pandion nhà vua trị vì ở đô thành Athènes dòng dõi của Érichthonios, đang lâm vào một tình cảnh nguy khốn.

Vừa mới được truyền ngôi chưa được bao lâu, Pandion đã phải chống chọi lại với lũ giặc cỏ ở các nước láng giềng. Giặc thì ở bốn phía đánh vào mà quân trong nước thì chẳng đủ nhiều để ngăn chặn giặc. May thay vua xứ Thrace tên gọi là Térée đem quân đến ứng cứu. Nhờ đó, Pandion quét sạch lũ giặc khỏi vùng đồng bằng Attique thân yêu. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Térée, Pandion gả nàng Procné, người con gái xinh đẹp và yêu quý của mình cho người dũng tướng hào hiệp đó. Hai vợ chồng cảm tạ vua cha rồi lên đường trở về Thrace. Họ sống với nhau hạnh phúc, hòa thuận. Một năm sau họ báo tin mừng cho vua cha biết họ đã sinh được một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô xinh đẹp.

Năm năm sau, một hôm Procné bảo chồng:

– Chàng ơi! Em xa cha mẹ và các em đã lâu rồi mà chưa về thăm lại được. Em muốn chàng cho phép em được trở về thăm lại quê nhà. Nếu như chàng e ngại đường sá xa xôi, núi sông cách trở không muốn để em với con đi thì chàng về thăm vua cha thay em vậy. Nhưng khi về nhất thiết chàng phải đón được cô Philomèle về đây chơi với em. Ai lại chị em ruột thịt mà lâu ngày quá chẳng được gặp mặt nhau để nói đôi ba câu chuyện. Chẳng rõ dạo này cô ấy đã có đám nào chưa? – Procné ngừng một lát thở dài. – Cứ thế này không khéo chỉ độ dăm năm nữa chị em gặp nhau là chẳng nhận được ra nhau nữa đâu. Người ruột thịt máu mủ mà hóa thành người dưng nước lã. Térée, chàng hỡi! Thế nào chàng cũng xin phép vua cha cho cô ấy về đây chơi với em ít ngày nhé! Chàng phải hứa với em làm bằng được việc đó đi!

Térée hứa sẽ thực hiện bằng được điều mong muốn của vợ. Chàng sai gia nhân sắm sửa hành lý, thuyền bè để ra đi ngay. Thuận buồm xuôi gió, không bao lâu Térée đã tới Athènes. Vua cha vô cùng mừng rỡ. Được tin anh rể về thăm, Philomèle vội đến chào. Térée ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ lạ của cô em vợ. Chàng tự nói với mình: trời ơi, sao cô ấy lại lớn nhanh và đẹp đến như thế nhỉ. Đẹp kỳ lạ như thế nhỉ. Mà sao dạo ấy mình không gặp và không biết? Đúng là một ngôi sao, một ngôi sao cứ ngời ngợi tỏa sáng; một nữ thần, kể cũng không ngoa. Những ngày thăm viếng đã hết hạn kỳ của nó. Térée thực hiện lời dặn của vợ, xin phép vua cha cho Philomèle cùng được trở về Thrace với mình để thăm người chị ruột bấy lâu hằng mong nhớ cô em, thiết tha mong có dịp hai chị em gặp nhau để tâm tình trò chuyện. Vua cha ưng thuận song không quên nhắc đi nhắc lại chuyện Térée phải trông nom cô em gái cho chu đáo cẩn thận:

– Ta rất vui mừng và sung sướng khi nghĩ đến hai chị em nó được gặp lại nhau cho thỏa lòng thương nhớ. Nhưng ta cũng sẽ rất buồn nếu con để em nó đi lâu quá. Pandion nói với Térée như vậy. Bởi vì con biết đấy, ở nhà quanh quẩn chỉ có nó với ta. Nó là niềm vui, nỗi an ủi và người đỡ đần ta trong lúc tuổi già. Con nhớ trông nom em, bảo vệ em trong quãng đường dài đầy gian nguy bất trắc.

Pandion cũng không quên dặn dò cô con gái út những điều tương tự. Nhà vua tiễn con với một linh cảm bất an trong lòng.

Con thuyền đưa Térée trở về quê hương Thrace thuận buồm xuôi gió. Chẳng bao lâu đất Thrace đã hiện ra với dải bờ biển có những bãi cát trắng dài. Xa xa là triền núi xanh trùng điệp. Thuyền cập bến. Nhưng Térée không đưa cô em vợ về cung điện, mà lại đưa cô vào một khu rừng. Từ khi tiếp xúc với Philomèle, trái tim Térée bùng cháy lên một dục vọng đen tối. Hắn say mê sắc đẹp của Philomèle đến mất tỉnh táo. Trái tim hắn chỉ nghĩ đến việc cưỡng bức chiếm đoạt thể xác người thiếu nữ tuyệt diệu này. Khi còn ở trên thuyền thì lúc nào hắn cũng quanh quẩn ở bên cô, tán tỉnh, thăm dò, còn bây giờ thì hắn dùng vũ lực. Hắn đưa Philomèle vào trong rừng sâu chưa có mấy ai đặt chân tới. Tìm được một căn lều của một người đi rừng nào đó dựng tạm, hắn giam Philomèle vào đó và cưỡng bức Philomèle phải hiến thân. Mặc cho Philomèle van xin, cầu khấn các vị thần che chở, hắn vẫn chẳng hề xúc động. Cùng đường, Philomèle nguyền rủa hắn.

– Hỡi tên Térée khốn kiếp! Mi là một kẻ lòng lang dạ thú, ăn cháo đái bát. Mi không còn một chút lương tâm trong ngươi. Cha ta đối đãi với mi nồng hậu và tin cẩn mà mi nỡ lòng nào. Chị ta có ngờ đâu đến nông nỗi này: mi trở thành một kẻ dối trá phản trắc. Được, mi cưỡng bức ta, cướp đoạt cuộc đời ta thì sẽ đến ngày mi phải đền tội. Hỡi thần thánh thiêng liêng, xin các thần chứng giám cho con, một kẻ bạo ngược đã hành động trái với truyền thống quý người, trọng khách như thế này? Xin các vị hãy trừng phạt tên vua Térée là kẻ đã làm ô uế một sợi dây thiêng liêng huyết thống. Hỡi rừng thiêng nước độc, các người hãy nghe những lời than khóc của ta và truyền lại cho những ai chưa biết! Các người hãy kể lại cho mọi người rõ hành động đê tiện bỉ ổi này của Térée.

Térée rất căm tức, căm tức đến điên người trước thái độ phản kháng quyết liệt, chống chọi đến cùng của Philomèle. Sau khi thỏa mãn dục vọng điên cuồng của mình, hắn trói Philomèle lại rồi cắt lưỡi để cho nàng không thể kể với ai, nói cho ai biết hành động xấu xa của hắn. Thế rồi hắn bỏ mặc Philomèle trong rừng để trở về cung điện.

Nàng Procné ngày đêm trông ngóng chồng và cô em gái, nay thấy chồng về thì vô cùng mừng rỡ. Nhưng khi không thấy Philomèle về cùng thì nàng vô cùng ngạc nhiên, vặn hỏi. Térée, lạnh lùng và một lần nữa lừa dối, trả lời:

– Cô ta chẳng may gặp phải một căn bệnh hiểm nghèo đã qua đời trước khi ta đặt chân tới Attique!

Procné tối sầm cả mặt mày, ngất đi trước cái tin sét đánh đó. Tỉnh dậy nàng lại than khóc, xót thương cho số phận bất hạnh của em. Càng nghĩ lại những kỷ niệm xưa trong thời thơ ấu, hai chị em gần gụi, chung sống trong gia đình, nàng lại càng xót xa đau đớn.

Còn Philomèle, số phận nàng ra sao trong khu rừng già sâu thẳm, vắng vẻ? Nàng vẫn sống. Nàng may sao được gia đình một người tiều phu nghèo, giàu lòng nhân ái đón được, nuôi nấng, chăm sóc. Qua gia đình này, nàng biết được kinh thành này không xa lắm, và Procné, người chị ruột thân yêu của nàng vẫn sống chứ không phải qua đời như Térée bịa ra nói với nàng khi thuyền cập bến. Philomèle tìm cách báo tin cho chị biết. Nàng suy nghĩ lao lung. Nhắn tin thì không được rồi. Còn lần tìm đường vào cung điện thì là một việc vô cùng mạo hiểm. Mà dẫu có vào được thì làm sao mà hai chị em gặp nhau được, làm sao mà nói chuyện với nhau được. Chỉ có cách dùng một tín hiệu gì, ám hiệu gì đưa đến cho Procné để Procné có thể hiểu hết được tình cảm của mình và tìm cách cứu. Nhưng tín hiệu gì, ám hiệu gì, như thế nào mới được chứ? Thật khó quá. Sau nhiều đêm ngày suy nghĩ lao lung, cuối cùng Philomèle nghĩ ra được một cách mà nàng cho rằng không thể còn cách gì hay hơn, tốt hơn: nàng sẽ thêu lên một tấm khăn những điều nàng muốn nói với chị. Chị nàng, qua những hình ảnh nàng thêu, sẽ đoán biết được sự thật. Nghĩ thế rồi Philomèle bắt tay vào việc. Chiếc khăn thêu xong, Philomèle tìm cách gửi vào cung điện, gửi đến tận tay Procné.

Nhận được tấm khăn, xem những hình ảnh thêu trên tấm khăn, nhận ra những đường kim mũi chỉ quen thuộc, Procné phải cắn chặt răng lại cho những hàng nước mắt khỏi trào ra. Nàng bồn chồn, day dứt, đi lang thang trong cung điện như một người mất hồn. Nàng suy nghĩ cách trả thù tên chồng khốn kiếp đã can tội xúc phạm đến cha nàng, em nàng. Thời gian đó đúng vào dịp những người phụ nữ Thrace tổ chức lễ rước mừng thần Dionysos. Nàng bèn tham gia vào đoàn người hành lễ: rước đuốc vào rừng khuya. Nhờ đó, nàng tìm thấy Philomèle. Nàng bí mật đưa cô em về giấu kín trong cung điện, ở đây hai chị em suy tính đòn trừng phạt để trả thù. Procné khuyên Philomèle không nên đau buồn, than khóc. Nàng bảo:

– Philomèle em hỡi! Những giọt nước mắt của hai chị em ta phỏng có ích gì. Chúng ta phải lấy ân trả ân, lấy oán trả oán. Chị sẵn sàng vì danh dự của gia đình ta, của cha chúng ta và của em mà nhúng tay vào máu.

Procné vừa nói xong thì đứa con trai lớn của nàng đi vào. Tên nó là Itys. Trông thấy con, Procné bảo:

– Em kìa, trông thằng Itys nó giống bố nó như đúc. Rồi ra nó cũng đến đểu cáng, lá mặt lá trái như bố nó thôi!

Một mưu toan vô vùng man rợ lóe lên trong trái tim nàng. Nàng cố xua đuổi đi nhưng những ý nghĩ căm thù và uất ức giữ nó lại. Nàng gọi con, dắt nó vào buồng ngủ rồi bất chợt rút thanh gươm sắc nhọn treo trên tường ra thọc mạnh vào ngực đứa bé. Máu ộc ra, đứa bé chỉ kịp kêu lên mấy tiếng “Mẹ! Mẹ!” rồi không còn hơi sức nữa. Hai chị em Procné đem chặt đứa bé thành từng phần. Họ làm một bữa ăn thịnh soạn để dâng mời Térée. Những miếng thịt nạc ngon lành họ lọc ra xiên vào que nướng chả. Những miếng khác thì hầm nấu cháo…

Chiều hôm đó như thường lệ, Térée ăn uống ngon lành bên người vợ hiền phục vụ cho chàng. Đang ăn, Térée sực nhớ tới đứa con trai, bèn hỏi:

– Này, thằng Itys đi đâu mà không thấy nó về ăn?

Procné lạnh lùng trả lời:

– Nó ở ngay trước mặt đấy chứ còn đi đâu nữa!

Térée tưởng vợ nói đùa. Hắn không hiểu ý câu nói đó. Hắn đòi vợ phải cho nguời đi tìm ngay đứa con về. Khi đó Philomèle từ sau rèm bước ra. Nàng mở bọc đấy cái đầu máu me của Itys quăng vào mặt Térée. Térée giật bắn người lên. Hắn không còn hồn vía nào nữa. Hắn đứng lặng người đi giương đôi mắt lên nhìn vợ, nhìn cô em vợ mà hắn đã cắt lưỡi, nhìn xuống bàn ăn và cái đầu của đứa con trai yêu quý. Thế rồi bỗng hắn hét lên một tiếng man rợ lao vào phòng lấy thanh gươm ra quyết trừng trị hai chị em để trả mối thù cho đứa con trai. Nhưng hai chị em đã kịp thời chạy trốn. Hắn đuổi theo. Hai chị em cầu xin các vị thần bảo hộ. Thần Zeus bèn biến Procné thành con chim họa mi. Tiếng hót của chim nức nở, xót xa như lời than khóc hối hận, nức nở, xót xa của người mẹ đã phạm tội giết con. Philomèle thì biến thành con chim én. Tiếng kêu tắc sát, lùng bùng của nó như tiếng nói của nàng Philomèle bị cắt lưỡi, không nói được lên tiếng lên lời. Cổ chim én có một vệt đỏ. Đó là vết máu của Itys giây vào tấm áo. Còn Térée thì biến thành con chim đầu rìu. Mào của chim giống hệt như chiếc mũ có ngù của những tướng lĩnh người Thrace. Có chuyện kể: Philomèle biến thành chim họa mi, Procné chim én hoặc chim sẻ, Térée đại bàng.