Xưa ở xứ Béotie trên bán đảo Hy Lạp có một nhà vua nhân hậu tên là Athamas. Ông sinh được hai con, một trai và một gái. Trai tên là Phrixos, gái tên gọi là Hellé. Không rõ trong gia đình xảy ra chuyện gì xung khắc mà đến nỗi hai vợ chồng Athamas và Néphélé phải bỏ nhau, mỗi người sống một nơi riêng biệt. Tuổi tuy không còn trẻ song cũng chưa cao, hơn nữa lại có hai con nhỏ nên Athamas phải tính đến chuyện tìm một người vợ kế để trông nom gia đình. Ông cưới nàng Ino con gái vua Cadmos làm vợ. Ino về sống với Athamas và hai đứa con chồng. Bề ngoài thì nàng xem ra như âu yếm hai đứa bé, nhưng thật ra trong thâm tâm Ino ghét cay ghét đắng chúng, ngày đêm chỉ lo nghĩ mưu kế sao cho giết chết được chúng đi thì mới sung sướng, yên tâm. Để thực hiện mưu giết con chồng, Ino khuyên những người phụ nữ ở đô thành mình trị vì, đô thành Orchomène danh tiếng, đem rang lúa mì đi rồi hãy gieo hạt. Nhân dân Orchomène cả tin hoặc vì sợ uy quyền của nữ hoàng nên đã làm theo. Tất nhiên, năm ấy lúa có gieo mà không thấy có mọc. Cánh đồng trơ trụi hoang vắng như một bãi tha ma, Athamas rất lo. Tình cảnh này thì đói to thật sự mất rồi. Nhà vua lập tức cử ngay một đoàn sứ giả đi đến đền thờ Delphes để cẩu khấn, xin thần Apollon ban cho một lời chỉ dẫn về nguyên do của tai họa và cách giải trừ. Đoàn sứ giả từ Delphes về, nhưng Ino vô cùng nham hiểm đã đón trước, đem vàng bạc châu báu ra mua chuộc tất cả đoàn. Bọn họ sẽ tâu với vua một lời sấm ngôn bịa đặt do Ino nghĩ ra. Còn nhà vua thì hoàn toàn tin tưởng vào đám quần thần của mình vốn là những người trung thực, đạo cao đức trọng. Thật không ai ngờ được lời tâu bịa đặt của bọn sứ giả bán lương tâm, bán chân lý lấy tiền tài ấy, hèn hạ và hiểm ác đến như thế nào. Lũ quần thần khom lưng sát đất rồi một tên cất tiếng:
– Muôn tâu bệ hạ! Lời sấm truyền cho biết các vị thần nổi giận với đất nước ta. Để làm nguôi lòng các vị thần, xin bệ hạ tha tội cho (đến đây hắn vờ run giọng và ngừng hẳn lại) chúng con mới dám nói tiếp. – Athamas gật đầu. – Muôn tâu bệ hạ, để làm nguôi cơn thịnh nộ của các vị thần, bệ hạ phải giết hoàng tử và công chúa để làm lễ tạ!
Athamas lắc đầu, trút đi một tiếng thở dài. Giết con ư? Nhưng làm thế nào được, lời phán quyết của thần thánh là như thế, làm sao dám cưỡng lại. Cả tin, Athamas ra lệnh sắm sửa bàn thờ, chuẩn bị nghi lễ để làm hiến tế tạ tội. Hai đứa bé bị dẫn ra trước bàn thờ. Khốn khổ cho hai đứa bé vô tội. Chúng khóc than thảm thiết. Chúng kêu gào: “Cha ơi! Cha ơi! Cha đừng giết chúng con!” Nhưng lưỡi gươm sắc đã kề bên cổ chúng và chỉ chờ lệnh của vua Athamas là thọc mạnh vào cổ chúng để lấy máu làm lễ hiến tế. Ino lúc này làm ra bộ sụt sùi thương cảm song thật ra trong bụng hớn hở như mở cờ. Nhưng bỗng dưng những người dự lễ xôn xao cả lên, ai nấy đều ngước nhìn lên bầu trời. Một con cừu có cánh với bộ lông vàng óng ánh đang từ trời cao bay xuống. Con cừu hạ cánh xuống trước bàn thờ, trước mặt đám người đang chờ bệnh hành lễ. Nó chạy đến chỗ hai đứa bé bị trói, dây trói bỗng đứt tung. Hai đứa bé như có linh tính báo trước, chạy ra cưỡi lên lưng con cừu vàng, và con cừu vàng cõng hai đứa bé, vỗ cánh bay vút lên trời cao. Đó là con cừu của nàng Néphélé, mẹ của hai đứa bé, phái đến để cứu chúng. Xưa kia thần Hermès đã ban cho Néphélé tặng vật quý giá này (Có người lại kể thần Zeus chứ không phải thần Hermès). Đó là một con cừu mà trên thế gian này dù ai có đến trăm mắt nghìn tay cũng không thể tìm được một con thứ hai như thế. Nó biết nói và nghe được tiếng người. Nó có lý trí và óc thông minh, hơn nữa lại chạy nhanh như thần mã và bay lên trời cao như thần điểu.
Thế là trên lưng cừu, hai anh em Phrixos và Hellé rời khỏi đất Béotie bay sang phương Đông, châu Á, ngồi trên lưng cừu đội mây, rẽ gió bay đi. Gió ào ào bên tai đến long óc choáng đầu, đồng ruộng thì cứ vun vút lùi lại phía sau, núi non thì cứ loang loáng trước mặt. Thật đáng sợ. Con cừu đã bay hết vùng đất liền và bắt đầu vượt biển.
Biển Égée đây! Chao ôi, nó mới rộng làm sao! Mênh mông ngút ngàn những nước là nước. Bay mãi, bay mãi mà vẫn chưa thấy vào đến đất liền. Nhưng rồi cũng phải đến. Con cừu đã bay đến gần vùng đất châu Á. Hellé chóng mặt vô cùng. Mắt cô bé hoa lên như khi cô chơi trò quay chong chóng với anh. Cô ngây ngất, lảo đảo và bỗng nhiên quên mất đưa hai tay lên ôm lấy đầu. Nhưng vừa buông tay khỏi lưng người anh thì cô ngã lộn nhào xuống biển. Quãng biển ấy như một lưỡi dao tách đôi đất liền ra, bên là châu Âu, bên là châu Á. Ngày nay chúng ta gọi là eo biển Dardanelles nhưng xưa kia để tưởng nhớ tới cái chết của Hellé, người cổ đại đã đặt tên là Hellespont có nghĩa là biển Hellé.
Còn Phrixos, thì được con cừu đưa tới đất Colchide bình an vô sự. Tại nơi đây nhà vua Aiétès đã đón tiếp niềm nở Phrixos. Chú bé mồ côi cứ thế sống và lớn lên theo với thời gian ở cái đô thành ven biển Pont-Euxin. Đến tuổi trưởng thành, Phrixos được nhà vua gả con gái cho làm vợ. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp tên là Chalciopé mà nhiều chàng trai đã từng ước mơ và hy vọng. Để tỏ lòng biết ơn thần thánh, Phrixos giết con cừu hiến tế thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe. Chàng cũng không quên tấm lòng nhân hậu của nhà vua Aiétès. Bộ lông Cừu vàng chính là món quà quý mà chàng đem dâng bố vợ, nhưng vua Aiétès không để Bộ lông Cừu vàng trong cung điện. Nhà vua coi nó là một báu vật linh thiêng phải thờ kính nên đã đem nó treo vào một chiếc cây cổ thụ trong một khu rừng già thiêng liêng dưới quyền cai quản của vị thần Chiến tranh-Arès. Để bảo vệ Bộ lông Cừu vàng, thần Arès giao cho một con rồng hung dữ, không hề biết đến giấc ngủ như người trần, có đôi mắt to mở thao láo suốt ngày đêm và chiếc mũi phun ra lửa làm người lính gác. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, chuyện vua Aiétès có trong tay Bộ lông Cừu vàng vốn là báu vật của người Hy Lạp đã khêu gợi lòng thèm thuồng của Pélias cũng như biết bao người khác. Họ cho rằng nếu đoạt được Bộ lông Cừu vàng đó về thì họ có một báu vật trong tay đảm bảo cho xứ sở họ thoát khỏi mọi tai họa, đời sống được ấm no, yên lành.
Jason chấp nhận lời thách thức của Pélias. Chàng quyết tâm vượt biển sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Công việc đầu tiên của chàng là phải chiêu tập các chiến hữu và đóng một con thuyền. Chàng không được các vị thần ban cho những phương tiện thần kỳ như đôi dép có cánh, mũ tàng hình, con cừu biết bay hoặc thần mã Pégase, nhưng chàng có đông đảo anh em bè bạn, và những người đó đều nhất trí tán thưởng sự nghiệp của chàng: phải giành lại Bộ lông Cừu vàng vì chính nó là báu vật của người Hy Lạp. Jason kêu gọi sự giúp đỡ của anh em. Đáp lại lời kêu gọi của chàng, năm mươi anh hùng danh tiếng từ khắp đất nước Hy Lạp kéo về tụ hội ở Iolcos để chuẩn bị cho cuộc hành trình. Héraclès, người anh hùng với những chiến công cực kỳ vĩ đại, con của đấng phụ vương Zeus, là người đầu tiên đến dưới trướng Jason. Hai anh em Dioscures, con của Zeus, cũng không hề chần chừ. Hai anh em Idas và Lyncée đâu có chịu mang tiếng là những người chậm trễ. Còn Calaïs và Zétès tuy được biết tin sau nhưng lại tới Iolcos khá sớm vì họ vốn là những người anh hùng có cánh, con của thần Gió-Borée và nàng Orythie. Rồi người anh hùng Méléagre ở đô thành Calydon hùng cường; chàng Alcée nhanh như sóc, mạnh như hùm, con của vị anh hùng Persée danh tiếng lẫy lừng; Admète vị vua của thành Phères giàu có; Télamon người dũng sĩ chỉ biết tiến không hề biết lui và những người khác, kẻ trước người sau tới tụ hội ở Iolcos với khí thế hồ hởi, sẵn sàng. Trong số những người tham dự cuộc viễn chinh này có một người tuy không phải là anh hùng, dũng sĩ tài ba như những người khác, song nếu ta không nhận đến tên thì thật là một lỗi lầm không thể tha thứ được. Đó là nhà danh ca vĩ đại Orphée mà sau này có công rất lớn trong cuộc hành trình.
Các vị anh hùng bắt tay vào đóng một con thuyền lớn để vượt biển. Nữ thần Athéna đã kịp thời xuống giúp đỡ họ, chỉ bảo mọi người cặn kẽ cách thức đóng con thuyền, đóng từng phần rồi đem chắp ghép lại. Nữ thần lại còn đi tìm cho đoàn anh hùng, dũng sĩ một khúc gỗ thần diệu để đo mũi thuyền. Đó là khúc gỗ lấy ra từ cây sồi thiêng liêng mọc trong rừng sồi của thần Zeus ở Dodone. Chính qua cây sồi thiêng liêng này mà thần Zeus truyền phán những lời sấm ngôn, tiên đoán, chỉ dẫn cho những người trần thế. Vì lẽ đó cho nên mũi con thuyền nói được tiếng người. Có người kể lại rằng cây sồi to lớn nhất ở rừng Dodone được hạ xuống để làm cột buồm của con thuyền. Người ta đặt tên con thuyền là Argo, tiếng Hy Lạp có nghĩa là Nhanh chóng và những người đi con thuyền này là Argonautes: những thủy thủ của con thuyền Nhanh chóng.
Nữ thần Héra cũng không quên phù trợ cho những người Argonautes. Héra căm ghét Pélias vì tên này đã quên không dâng lễ hiến tế cho mình. Ngược lại nữ thần rất yêu mến Jason. Có một lần để thử thách Jason, nữ thần đã biến mình thành một bà cụ già ngồi bên bờ suối khóc than rầu rĩ. Khi ấy, Jason từ đâu đó đi tới. Gặp bà cụ, chàng hỏi han ân cần và sẵn sàng giúp đỡ cụ mọi việc. Bà cụ nhờ chàng đưa cụ vượt qua con suối chảy xiết. Jason cõng cụ lội qua dòng suối hung dữ sang bờ bên kia. Chính trong khi lội qua dòng suối này mà chiếc dép ở chân trái của chàng đã tuột ra và trôi đi mất. Vì nghĩa cử đó mà Héra yêu mến Jason.
Vị thần Xạ thủ có cây cung bạc và những mũi tên vàng Apollon cũng hăng hái giúp đỡ những người Argonautes. Thần đã bằng tài nhìn xa trông rộng của mình tiên đoán cho mọi người biết: khó khăn gian khổ thật nhiều nhưng thành công vinh quang thật lớn. Bộ lông Cừu vàng chắc chắn sẽ về tay người Hy Lạp bởi lẽ nó vốn của người Hy Lạp. Những người dã man chẳng thể được các thần thánh giao phó cho sứ mạng giữ trong tay báu vật đó.
Các anh hùng đã tụ tập đầy đủ ở Iolcos. Mọi người đồng thanh nhất trí cử Héraclès làm thủ lĩnh, nhưng Héraclès một mực chối từ. Chàng tiến cử Jason, người anh hùng của đô thành Iolcos, đảm đương trách nhiệm nặng nề đó. Còn Tiphis được cử làm thuyền trưởng vì chàng vốn là người am hiểu mặt biển như am hiểu lòng bàn tay. Thuyền trưởng Tiphis vừa nhận chức lập tức giao ngay cho Lyncée trọng trách phải luôn luôn đứng trước mũi thuyền. Hẳn chúng ta không ai là người không biết đến biệt tài của Lyncée. Đôi mắt khác thường của chàng có thể nhìn xuyên qua đất dày đá rắn. Biển khơi tuy chẳng rắn như đá, chẳng dày đặc như đất song lại kín mít chẳng ai có thể biết được dưới màu nước xanh tím ngắt hoặc màu nước đỏ tía như rượu vang kia có những gì. Một loài thủy quái hay một tảng đá ngầm? Muốn con thuyền Argo vượt biển khơi được an toàn nhanh chóng phải có đôi mắt tinh tường khác biệt của Lyncée hướng dẫn, thông báo.
Công việc chuẩn bị đã xong xuôi. Con thuyền Argo đã làm lễ hạ thủy. Lương thực, nước ngọt chất đầy ắp cả một khoang thuyền. Việc làm cuối cùng là dâng lễ hiến tế tạ ơn các vị thần.
Một buổi sáng kia, khi nữ thần Rạng đông-Éos vừa xòe những ngón tay hồng trên mặt biển thì thuyền trưởng Tiphis ra lệnh cho con thuyền nhổ neo, những mái chèo vung lên mạnh mẽ. Con thuyền rẽ sóng ra khơi. Anh em thủy thủ kéo lên một tấm buồm mới trắng tinh. Cánh buồm no gió đưa con thuyền lướt đi trên sóng cả nhẹ nhàng, êm ái như đôi chân của các nàng Muses trong vũ hội. Chẳng mấy chốc mà vị thần Mặt trời-Hélios Hypérion đã hiện ra trên cỗ xe vàng rực rỡ chói chang do những con thần mã mình đỏ như lửa kéo ánh sáng rực rỡ của thần Hélios làm cho cánh buồm trắng của con thuyền tươi sáng hẳn lên. Còn sóng biển thì lấp lánh như được mặc một tấm áo dát bạc.
Ngồi trên thuyền với cây đàn lia vàng của mình, Orphée vừa gảy đàn vừa hát. Các dũng sĩ, anh hùng lắng nghe tiếng hát của Orphée với niềm đắm say, xúc động dạt dào. Từ đáy biển sâu, những con cá heo nghe thấy tiếng đàn, tiếng hát của Orphée liền rủ nhau bơi lên, bám theo con thuyền để thưởng thức những âm thanh tuyệt diệu mà trong đời chúng chưa bao giờ biết đến. Như đàn cừu mỗi buổi chiều tà nghe tiếng sáo réo rắt của người mục đồng mà lững thững về chuồng, thì đây cũng vậy, những con cá heo nghe tiếng đàn của Orphée bơi lượn tung tăng, bám theo con thuyền của Orphée đang lâng lâng rẽ sóng.
Chặng đường đầu tiên mà con thuyền dừng lại là đảo Lemnos, một hòn đảo cách bờ biển thành Troie không xa lắm. Chẳng rõ từ ngày dời bến cảng Pagasa xứ Thessalie ra đi đến nay đã bao lâu nhưng có dịp dừng chèo, nghỉ tay thì đối với những người thủy thủ Argonautes là một dịp tốt. Mọi người sẽ được nghỉ ngơi để có sức khỏe cho cuộc hành trình còn dài với biết bao khó khăn gian khổ. Khoang thuyền chứa nước ngọt và thức ăn sẽ được bổ sung cho đầy ắp. Vì chẳng ai tính trước được những chuyện bất trắc của thời tiết, sóng nước.
Được tin con thuyền của những người Argonautes cập bến, tất cả những người dân trên đô thành Hephesteia một đô thành mà cư dân chỉ toàn là phụ nữ cả, kéo nhau đến quảng trường họp. Nữ hoàng Hypsipyle tiến ra trước thần dân, lên tiếng trưng cầu ý kiến của toàn dân:
– Hỡi thần dân muôn vàn yêu kính! Đây là một điều mà trái tim trong lồng ngực ta không biết định liệu thế nào. Chúng ta có nên cho những người thủy thủ của con thuyền Argo đặt chân lên đô thành của chúng ta không? Nếu như chúng ta đón tiếp họ như là những vị khách quý thì liệu rằng khi họ biết được tội ác của chúng ta, họ có nhân danh những người đàn ông mà trả thù chúng ta không? Rất có thể đô thành này sẽ tan hoang và chúng ta sẽ bị bắt làm nô lệ hoặc tệ hại hơn nữa phải về sống dưới giang sơn của thần Hadès từ bỏ cuộc sống dịu ngọt như mật ong vàng… Nhưng liệu không cho những người Argonautes đặt chân lên đô thành của chúng ta thì có được không? Thần Zeus thiêng liêng ở đỉnh Olympe cao nhất sẽ nổi cơn thịnh nộ vì chúng ta đã vi phạm truyền thống quý người trọng khách mà thần đã từng ban bố và răn dạy loài người. Còn những người Argonautes? Họ liệu có cam chịu ra đi, cam chịu trước sự xúc phạm của chúng ta không? Ai dám quyết đoán rằng, cam kết rằng, họ sẽ không dùng võ lực để đặt chân lên mảnh đất này? Hỡi thần dân muôn vàn thân thiết! Đó là tất cả những điều trái tim ta nghĩ và ta nói ra đây để các người định liệu.
Polyxo bà nhũ mẫu già nua của nữ hoàng Hypsipyle lên tiếng.
– Hỡi nữ hoàng muôn vàn kính yêu! Hỡi các con, những người phụ nữ đã xúc phạm đến nữ thần Aphrodite, gây nên cơn thịnh nộ tai hại! Đây là điều mà trái tim trong lồng ngực bảo ta. Ta hiện nay đã ở ngưỡng cửa của Số mệnh. Chẳng ai biết được rằng đến ngày nào thì cuộc sống của ta sẽ bị ba chị em nàng Moires cắt đứt sợi chỉ của nó. Tuy vậy, hiện nay ta vẫn khỏe mạnh, song sống chẳng có niềm vui. Tuổi già gầy yếu, khát vọng chẳng còn, nhiều khi ta lại cầu mong cho thần Chết-Thanatos mau đến bắt linh hồn ta về thế giới của thần Hadès. Vì thế những điều già nói, các con hãy lắng nghe và suy xét. Bởi vì già nói là vì cuộc sống của các con. Các con hỡi! Chúng ta lẽ nào sống mãi như thế này? Một cuộc sống mà không có người đàn ông bên cạnh thật chẳng khác nào như mặt đất mênh mông không có ánh sáng mặt trời. Nó chông chênh như con thuyền trên sóng cả. Ai sẽ bảo vệ các con khi những nước láng giềng dòm ngó đô thành giàu đẹp của các con? Ai sẽ cáng đáng những công việc săn thú, xây thành đắp lũy đánh cá trên biển khơi sóng dữ gió to hoặc cày xới mảnh đất đen rắn chắc? Còn các con, số phận sẽ ra sao khi tuổi trẻ qua đi như ánh nắng đẹp đẽ, phơi phới ban mai để còn lại buổi hoàng hôn u ám của tuổi già lấy cái gậy làm người bạn tâm tình? Không, các con đã làm một việc tàn bạo, song việc đó do vị nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp gây nên. Không phải lỗi ở các con. Chúng ta đã làm lễ hiến tế xin các vị thần Olympe tha tội. Nhưng các con không thể vi phạm truyền thống đạo lý mà Zeus, đấng phụ vương của các thần và những người trần đoản mệnh, răn dạy. Hãy giết súc vật, bày bàn thờ, mở tiệc trọng thể và cử những người thiếu nữ xinh nhất ra mời những người anh hùng vào đây dự tiệc. Sau khi họ đã ăn uống no say rồi, chúng ta mới hỏi họ từ đâu tới, họ đến hòn đảo quanh năm bốn bề sóng nước của chúng ta làm gì? Họ có cần chúng ta giúp đỡ lương thực và nước ngọt để tiếp tục cuộc hành trình vượt biển khơi không sinh nở hay không? Cầu xin các vị thần Olympe ban cho chúng ta những người khách của lòng nhân từ, hào hiệp chứ không phải là những đồ đệ của thần Chiến tranh-Arès.
Nghe Polyxo, bà nhũ mẫu già nua nhưng khôn ngoan sáng suốt rất mực của nữ hoàng nói như vậy, tất cả mọi người trên quảng trường đều reo hò, tán thưởng.
Đến đây ta phải dừng lại để kể qua câu chuyện rắc rối về cái hòn đảo mà thần dân chỉ toàn là phụ nữ. Nguồn gốc của nó như sau:
Hypsipyle là con gái của nhà vua Thoas. Vua Thoas vốn là cháu của thần Rượu nho-Dionysos. Ông trị vì trăm họ công minh chính trực, chẳng bao giờ lơ là với đời sống của nhân dân, sao nhãng việc thờ cúng thần thánh. Bữa kia không rõ vì sao, ông ban lệnh: kể từ nay trở đi đô thành Hephesteia và thần dân trên đảo Lemnos sẽ từ bỏ việc thờ cúng nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite. Thay thế, mọi người, mọi nhà sẽ thờ cúng vị thần Rượu nho-Dionysos. Năm đó bàn thờ nữ thần Aphrodite lạnh ngắt, khói hương chẳng có mà súc vật hiến tế cũng không. Nữ thần vô cùng căm tức những người Lemnos, và như mọi người đều biết, khi các vị thần nổi giận thì thế nào cũng giáng đòn trừng phạt. Nữ thần Aphrodite quyền lục không lớn lao. Tai họa nữ thần giáng xuống đầu những người dân Lemnos chẳng gây nên lụt lội, đói kém. Nữ thần cũng chẳng ăn thịt, và cũng chẳng làm cho một ai nổi điên, mất trí để gây ra những vụ ngộ sát kinh khủng. Thế nhưng tai họa đó lại vô cùng ác hiểm. Nữ thần làm cho tất cả những người phụ nữ ở đảo Lemnos có một cái mùi rất khó chịu, khó chịu lắm lắm. Người ta đã dùng tất cả mọi hương liệu hòng làm át đi cái mùi khó chịu đó, nhưng vô ích! Sự thể nó khó chịu đến mức là chính ngay những người chồng thân yêu, thân thiết của các bà vợ, những chàng trai nồng nhiệt của các cô gái cũng không muốn, không dám đến gần. Thế là buộc lòng những ông chồng, những chàng trai phải bỏ hòn đảo Lemnos ra đi. Họ phải ra đi, sang một xứ sở khác để tìm kiếm những người vợ, những người bạn tình mới. Thôi thì xấu đẹp sao cũng được, miễn là đừng có cái mùi kinh tởm đến chết khiếp đi được như ở những người phụ nữ Lemnos! Họ ra đi song cũng thường thường về thăm lại quê hương, gia đình song có điều khi về họ chẳng hề dám chia sẻ niềm hạnh phúc chăn gối với vợ, thậm chí không muốn đến gần để hỏi han về tình hình sinh sống, bàn bạc câu chuyện làm ăn với vợ. Tình cảnh những người phụ nữ Lemnos vì thế mà có chồng thật cũng như không. Căm giận những người chồng vì tội không chung thủy, những người phụ nữ Lemnos bàn mưu tính kế trả thù, trừng phạt, và một bữa kia, nhân một chuyến các ông chồng về thăm quê, cùng một lúc ở tất cả mọi nơi, mọi chỗ trên đảo, những người phụ nữ Lemnos nhất tề nổi dậy giết sạch sành sanh tất cả những ông chồng, những chàng trai, tóm lại và giết chết sạch đàn ông. Duy nhất chỉ có ông vua Thoas được con gái là Hypsipyle đem giấu đi một nơi mới thoát chết (Sau này câu chuyện vỡ lở, Hypsipyle bị trừng phạt, bị trục xuất khỏi quê hương một thời gian). Đó là đầu đuôi câu chuyện về cái hòn đảo mà thần dân toàn là những phụ nữ, rặt là những đàn bà là như vậy, và đó cũng là cái duyên cớ vì sao mà họ phải họp ở quảng trường để bàn luận về việc có nên tiếp đón những người Argonautes hay không.
Nghe theo lời khuyên của bà nhũ mẫu, Hypsipyle truyền cho mọi người sắm sửa bàn thờ làm lễ hiến tế tạ tội với nữ thần Aphrodite và các vị thần của thế giới Olympe. Đích thân nữ hoàng Hypsipyle dâng lễ và quỳ trước bàn thờ nữ thần Aphrodite cầu xin nữ thần tha tội, giải trừ tai họa cho những người phụ nữ Lemnos. Ba lần Hypsipyle phủ phục trước bàn thờ nữ thần Aphrodite là ba lần ngọn lửa thiêng trước bàn thờ, dưới chân bức tượng nữ thần, bùng cháy rực sáng hẳn lên. Hypsipyle đã nhìn thấy ngọn lửa ấy với biết bao hồi hộp trong lòng. Nữ thần đã chấp nhận lời cầu xin của những người phụ nữ Lemnos.
Tiếp lễ hiến tế tạ tội là lễ tiếp đón những người Argonautes. Đô thành Hephesteia từ bao lâu nay mới có một ngày lễ tưng bừng và trọng thể như thế này. Jason mặc trên người bộ áo màu đỏ tía do đích thân nữ thần Athéna dệt vải và may cho chàng. Chàng và các chiến hữu bước vào cung điện của Hypsipyle trên tấm thảm đỏ rực rỡ. Nữ hoàng đợi đón chàng từ cổng cung điện. Tai họa mà từ bao lâu nay những người phụ nữ Lemnos phải chịu đựng nay đã được giải trừ. Cả hòn đảo như hồi sinh lại. Đã bao năm những người phụ nữ ở đây sống rầu rĩ, héo hon, ủ dột như một cây khô không được tưới thì nay họ được sống những ngày tràn trề hạnh phúc với những người anh hùng, dũng sĩ danh tiếng từ đất Hy Lạp thần thánh tới. Những lễ hiến tế cảm tạ thần linh, những đêm vũ hội, những bữa tiệc của suối rượu và trận cười… đêm này qua đêm khác, ngày này qua ngày khác. Niềm vui của những người phụ nữ Lemnos vang dội đến tận trời xanh khiến các vị thần Olympe cũng mỉm cười gật gù hoan hỉ.
Nhưng có những người không vui. Đó là Héraclès và một số anh em ở lại ngoài bờ biển coi giữ con thuyền. Họ chờ đợi các chiến hữu của mình đã khá lâu mà không được trả lời dứt khoát kỳ hạn lên đường. Ai nấy đều vô cùng sốt ruột. Không ai nghĩ rằng Jason và bạn hữu đã gặp nạn, nhưng mọi người đều nghĩ tới nhiệm vụ của cuộc hành trình, sứ mạng thiêng liêng của nó mà chỉ vì lẽ đó họ mới hưởng ứng lời chiêu tập của Jason, dấn thân vào nguy hiểm. Không thể dằn lòng chờ đợi mãi được, Héraclès cử người vào kinh thành gọi anh em ra. Chàng giận dữ trách mắng anh em đã mải vui đến nỗi quên hết tất cả sự nghiệp. Các chiến hữu nghe lời quở trách của người anh hùng vĩ đại Héraclès, con của Zeus, đều cúi đầu nhận lỗi. Họ đều cảm thấy hổ thẹn với lương tâm và danh dự của một chiến sĩ của đất nước Hy Lạp thần thánh. Họ quyết định phải từ giã hòn đảo hấp dẫn và mến yêu này ngay để tiếp tục cuộc hành trình. Phút chia tay với những người phụ nữ Lemnos thật nặng nề và khó khăn. Những người phụ nữ Lemnos muốn các chàng trai Hy Lạp sống vĩnh viễn với họ ở hòn đảo đẹp đẽ bốn bề sóng nước này, nhưng làm sao có thể như thế được. Người phụ nữ thèm khát sự yên ấm nhưng những người anh hùng thì thèm khát sự nghiệp và chiến công. Bộ lông Cừu vàng chưa đoạt được thì cái cảnh Đại dương gió lộng với những buổi bình minh ửng đỏ chân trời, với những đêm trắng bồng bềnh trên sóng nước vẫn hấp đẫn những chàng trai Argonautes hơn những vòng tay mềm mại và những cái hôn đằm thắm, thiết tha của những người phụ nữ. Buổi tiễn đưa thật đầy nước mắt. Con thuyền Argo từ từ rời hòn đảo mang theo mối tình của những người phụ nữ Lemnos, mối tình chân thành và thơ mộng, nồng cháy và thiết tha tưởng chừng như trong đời người diễm phúc ấy có thể sánh ngang với cuộc sống muôn vàn hạnh phúc của các bậc thần linh. Chưa lần nào trong cuộc đời những người anh hùng Hy Lạp lại thấy mái chèo con thuyền nặng như lần rời đảo Lemnos ngày ấy.
Con thuyền Argo đi vào biển Propontide204 sau khi đã vượt qua eo biển Hellespont. Cho đến giờ phút này hành trình của những người Argonautes vẫn chưa gặp phải một khó khăn gì đáng kể. Họ bỏ neo con thuyền ở bán đảo Cyzique205. Những người dân ở đây tên gọi là Dolions vốn là con cháu của thần Poséidon, sống dưới quyền cai quản của vua Cyzicos. Cuộc sống của họ so với nhiều nơi thì chưa được sung sướng bằng, tuy nhiên họ không đến nỗi nghèo túng. Họ đã đón tiếp những chàng Argonautes với một tấm tình nồng hậu. Nghỉ lại ở bán đảo Cyzique được ít ngày, con thuyền Argo lại tiếp tục cuộc hành trình. Thuyền vừa rời bến chưa được mấy tay chèo thì xuất hiện ở bờ vịnh trước mặt một lũ người khổng lồ. Chúng kéo nhau ra đứng lố nhố, kín đen ở ngoài bờ biển. Điều đáng sợ là những tên khổng lồ này chẳng những cao lớn như núi, lông lá mọc đầy người rậm rạp như rừng, nom dữ tợn khác thường mà lại còn có sáu cánh tay dài nghêu. Thấy có chiếc thuyền lạ, lũ khổng lồ chỉ chỉ trỏ trỏ rồi hò nhau bê những tảng đá ném tới tấp về phía con thuyền. Những chiến sĩ Argonautes bắt tay vào cuộc chiến đấu. Jason ra lệnh cho anh em ráng hết sức chèo để con thuyền thoát ra khỏi tầm ném của lũ khổng lồ. Các anh hùng đứng chụm lại giơ cao những chiếc khiên lên đầu để che đỡ những trận mưa đá. Héraclès sử dụng cây cung và ống tên ác hiểm của mình. Các anh hùng, dũng sĩ khác người thì dùng lao, người thì dùng cung tên đối địch lại. Giao tranh được một lúc thì lũ khổng lồ hò nhau chạy, chui vào hang ẩn nấp. Chúng bị trúng tên độc chết khá nhiều nên không dám hung hăng nữa. Con thuyền Argo được bình yên vô sự. Công lao ấy trước hết phải kể đến những mũi tên danh tiếng của người anh hùng Héraclès. Thì ra bọn khổng lồ này ở khu vực Núi Gấu. Chúng chuyên sống bằng thịt người và thịt các súc vật. Sở dĩ những người Delions sống ngay cạnh chúng mà vẫn được an toàn là nhờ có thần Poséidon bảo hộ, che chở.
Suốt ngày hôm đó con thuyền Argo đi trên biển cả bình yên. Nhưng khi chiều hết thì bỗng đâu từ chân trời đùn đùn lên những đám mây đen dày đặc. Chẳng còn ai nhìn thấy chút ánh vàng lóng lánh từ cỗ xe ngựa của thần Mặt trời-Hélios đang đi về lâu đài của mình ở dưới Đại dương. Đêm tối bao trùm. Mặt biển đen thẫm. Gió đổi chiều khiến cho các thủy thủ phải mau mau hạ buồm xuống, và phút chốc một cơn bão lớn ập đến. Con thuyền Argo vật lộn với sóng dữ, tròng trành nghiêng ngả. Chẳng ai còn biết phương hướng ra sao nữa. Mọi người lo chống đỡ với những con sóng cao ngất cứ nối tiếp nhau bổ xuống con thuyền. Lênh đênh trên mặt biển không biết bao lâu sau đó con thuyền trôi đạt vào một hòn đảo hay một mảnh đất liền nào đó mà đến chàng Lyncée có đôi mắt tinh tường cũng không nhận định ra được. Được cập bến có nghĩa là thoát chết. Mọi người sung sướng đổ lên bờ, nhưng bỗng đâu chiêng trống nổi lên dồn dập và chỉ một lát sau từng đoàn chiến binh lao tới vây đánh những người Argonautes. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt trong đêm đen cho tới khi tảng sáng. Trong ánh sáng mờ nhạt, xam xám của ban mai, những người Argonautes mới nhận ra được điều lầm lẫn. Thì ra sóng gió của Đại dương đã đưa con thuyền Argo trôi trở về bán đảo Cyzique. Lyncée là người đầu tiên hét lên.
– Hỡi anh em! Hãy ngừng chiến, ngừng lại ngay! Đây là mảnh đất Cyzique mà chúng ta vừa rời nó ra đi. Thật tai hại! Chúng ta đã đánh nhau với những người bạn quý vừa giúp đỡ chúng ta!
Quả thật như lời Lyncée nói. Vì tối trời cho nên khi những người Argonautes đổ bộ lên bán đảo thì những người Dolions tưởng rằng đây là một lũ cướp bể, lợi dụng tình hình gió bão, làm ăn. Đau xót biết bao, khi hai bên nhận ra bao sự lầm lẫn ấy thì đã đổ biết bao nhiêu máu, thiệt biết bao nhân mạng. Nhưng còn đau xót hơn nữa khi trong số những người tử trận có nhà vua Cyzicos. Được tin có lũ cướp xâm phạm lãnh thổ, nhà vua liền đích thân thống lĩnh quân binh xuất trận. Jason đã giao đấu với nhà vua mà không biết. Bằng một mũi lao sắc nhọn phóng đi, Jason đã kết liễu cuộc đời nhà vua.
Nhận ra nhau, mọi người ôm lấy nhau khóc than thống thiết. Jason đích thân đứng ra lo việc mai táng cho nhà vua. Chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc tổ chức việc tiễn đưa linh hồn người xấu số về nơi yên nghỉ cho trọng thể. Trong suốt ba ngày những người Argonautes mặc tang phục khóc than bên linh cữu người đã chết. Sau đó họ tổ chức hội lễ và những cuộc thi đấu như phong tục nghìn xưa truyền lại. Cyzicos chết để lại một nỗi đau thương vô hạn cho người vợ trẻ đẹp là nàng Cleité. Không đủ nghị lực để dẹp nỗi đau đớn trong lòng, nàng đã treo cổ tự vẫn. Các tiên nữ Nymphe xót thương người thiếu nữ xinh đẹp có tình yêu son sắt thủy chung sớm phải lìa đời đã đem hoa đến viếng nàng. Các Nymphe khóc than cho số phận bất hạnh của nàng ngày đêm không nguôi không dứt. Những dòng nước mắt của các Nymphe trào ra hợp thành một con suối và con suối đó được người xưa gọi là suối Cleité.
[204] Biển Propontide ngày nay là biển Marmara.
[205] Bán đảo Cyzique còn được gọi là bán đảo Dolion.
Từ bán đảo Cyzique, con thuyền Argo nhắm hướng đông đi tới. Nhưng trước khi khởi hành, một trận bão nổi lên đã làm cản trở cuộc hành trình. Những người Argonautes bèn họp nhau lại để tìm hiểu nguyên nhân của tai họa. Có thể họ đã sơ suất không làm một lễ hiến tế các vị thần ở phương Đông khi họ đã đặt chân tới phạm vi cai quản của các thần. Để bày tỏ lòng tôn kính thần linh, những người Argonautes quyết định dựng trên ngọn núi Dindyme, ngọn núi cao nhất trên bán đảo Cyzique, bức tượng của nữ thần Cybèle, vị tổ mẫu vĩ đại đã sinh ra các vị thần của những người phương Đông, để cầu xin cho cuộc hành trình của mình được bình an vô sự.
Cũng như khi đặt chân đến đảo Lemnos, đến bán đảo Cyzique, những người Argonautes đến Mysie206 trong một bầu không khí hòa mục. Họ được tiếp đãi long trọng. Nhưng một chuyện khá phiền toái đã xảy ra. Chuyện xảy ra vào một hôm như thường lệ, những người Argonautes chuẩn bị nấu ăn, Hylas một chàng trai xinh đẹp, bạn thân của Héraclès, được anh em cử đi tìm nước ngọt. Hylas vào rừng và tìm được một lạch nước. Chàng lần theo lạch nước để tìm con suối, ngọn nguồn của nó. Một cảnh tượng kỳ diệu hiện ra trước mắt chàng. Bên bờ suối các tiên nữ Nymphe đang vui chơi, ca múa. Hylas ngây người ra trước cảnh đẹp có một không hai đó. Chàng đắm mình trong cảnh thần tiên đến nỗi quên bẵng đi việc lấy nước đem về. Các tiên nữ Nymphe thấy chàng đẹp trai đang đắm đuối nhìn mình cũng nao nao xúc động. Các nàng cũng đáp lại chàng những cái nhìn tình tứ, đắm say. Đúng là cái cảnh “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”.
Bỗng Hylas sực nhớ tới công việc của mình, chàng lần ra bờ suối kín nước vào vò thì… hấp một cái, các tiên nữ Nymphe kéo tuột chàng xuống dòng suối và biến luôn cả con suối của mình đi mất. Hylas chỉ kịp kêu lên một tiếng.
Cùng vào rừng với Hylas có Héraclès, nhưng mỗi người đi một ngả, làm mỗi việc. Héraclès, vào rừng tìm gỗ đẽo cái mái chèo, vì vừa qua do chàng chèo quá mạnh nên mái chèo bị gãy. Đang ở trong rừng sâu, nghe tiếng kêu thất thanh của Hylas, Héraclès liền chạy bổ đến nơi đó để tìm Hylas. Tìm mãi chẳng thấy tăm hơi, lại gặp anh chàng người Lapithes tên là Polyphème được anh em ở nhà cử đi tìm Hylas. Hai người chia nhau đi sục sạo khắp nơi, gọi Hylas đến khản cả hơi, đứt cả tiếng mà chẳng thấy một lời đáp lại, chẳng thấy một dấu chân mờ. Họ đi lang thang trong rừng thẳm suốt đêm hôm đó.
Rạng đông, trời sáng anh em ở nhà vẫn không thấy một ai về. Thuyền trưởng Tiphis gặp lúc thuận gió đẹp trời liền phát lệnh nhổ neo. Jason biết vắng mất ba người nhưng làm sao mà chờ họ mãi được, và biết chờ đến bao giờ. Cử Polyphème đi thì mất tích luôn cả Polyphème! Chẳng thấy, không thể trì hoãn cuộc hành trình. Chàng chuẩn y lệnh xuất phát. Thấy vậy, dũng tướng Télamon chạy đến trước mũi con thuyền giang đôi tay rộng và dài ra, quát lớn:
– Hỡi Jason chủ tướng! Hỡi Tiphis thuyền trưởng! Các người có đầu óc không mà lại dám phát lệnh cho khởi hành vào lúc này, khi mọi người còn đang chưa biết rõ số phận của ba chiến hữu thân thiết ra sao. Thần Zeus đã ban cho các người quyền làm chủ tướng và quyền chỉ huy điều khiển con thuyền nhưng còn tình nghĩa anh em, cái tạo ra sức mạnh gắn bó mọi người lại với nhau thì thần Zeus lại không ban cho các người. Vì thế các người mới nhẫn tâm bỏ anh em đồng đội lại. Xưa nay những người trần thế đoản mệnh con của Zeus, đấng phụ vương, ai ai cũng thương xót, cưu mang đồng đội. Hay trái tim của các người đã biến thành sắt rồi chăng? Ta nói cho các người biết, ta sẽ không đi với các người nữa. Đồ bội bạc! Đồ phản phúc! Đồ bất nghĩa bất nhân! Jason! Có phải ngươi bỏ rơi Héraclès để cho một mình ngươi nổi danh là người anh hùng kiệt xuất trong cuộc hành trình đi đoạt Bộ lông Cừu vàng không? Bởi vì có Héraclès tham dự sự nghiệp này thì ta dám chắc không một ai có thể vượt nổi chàng về chiến công cũng như sức mạnh. Hãy ra lệnh cho Tiphis dừng ngay thuyền lại và cử người đi tìm bằng được Héraclès và những người kia về.
Télamon vừa nói dứt lời thì bỗng nhiên trước mũi con thuyền dâng lên một cột nước, và khi cột nước tan ra thì từ dưới biển lừng lững nhô lên một ông già râu tóc xanh sẫm, lòa xòa như rong, rêu biển. Đó là vị thần Biển-Glaucos, người có tài tiên tri, tiên đoán mọi việc. Xưa kia thần vốn là một người đánh cá nghèo ở xứ Béotie, vì nhấm phải thứ cỏ thần nên chàng đánh cá nghèo này bùng cháy lên khát vọng muốn sống dưới biển khơi trong thế giới kỳ lạ của thần Poséidon có cây đinh ba vàng gây bão tố. Chàng lao mình xuống biển và được các vị thần Biển cho gia nhập vào thế giới các thần Biển. Các thần đã tẩy rửa chất đoản mệnh trong con người trần tục của chàng, biết chàng thành một ông già bất tử. Thần Glaucos nổi lên trên mặt biển, giơ tay ra hiệu cho con thuyền Argo dừng lại. Thần nói:
– Hỡi Jason, người thống lĩnh và chỉ huy các chiến sĩ Argonautes! Hỡi dũng tướng Télamon sức khỏe hơn người! Hỡi Tiphis người thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm! Ta từ dưới biển sâu dội nước lên đây để truyền phán cho các người biết ý định của đấng phụ vương Zeus trong sự việc vừa qua. Các ngươi hãy dẹp mối bất hòa và tuân theo ý định của thần linh. Trước hết ta truyền đạt cho các người biết về số phận của Héraclès, người anh hùng vĩ đại con của Zeus. Theo Số mệnh, Héraclès sẽ phải trở về Hy Lạp đến nộp mình cam chịu làm nô lệ cho nhà vua Eurysthée trong mười hai năm. Chính trong thời gian mười hai năm này chàng sẽ lập nên những kỳ công thay đổi trời đất, lưu danh hậu thế, hiển hách muôn đời. Còn Polyphème, con của Élatos và Hippé, theo quyết định của thần linh chàng sẽ lãnh sứ mạng sang một vương quốc trên xứ sở Mysie để xây dựng nên một đô thành danh tiếng, đô thành đó sẽ được đặt tên là Cius. Polyphème sẽ trị vì tại đó cho đến khi hết hạn kỳ của số phận mình; đó là đô thành của những người Chalybes vinh quang. Còn chàng Hylas xinh đẹp, chàng vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được các chiến hữu thân thiết của mình nữa. Các tiên nữ Nymphe cảm xúc trước vẻ đẹp của chàng đã bắt cóc chàng. Chàng sẽ sống một cuộc đời dài lâu trong thế giới tình yêu thơ mộng với những tiên nữ Nymphe.
Nói xong Glaucos lặn xuống biển sâu. Con thuyền Argo lại rẽ sóng tiếp tục cuộc hành trình và tình bằng hữu giữa những người anh hùng lại được khôi phục bền chặt. Truyền thuyết về việc Hylas mất tích và chuyện Héraclès cùng với Polyphème đi tìm rất có thể là sự giải thích một tập tục tôn giáo của cư dân quanh vùng ven biển Propontide. Hằng năm có tục những viên tư tế đi cùng khắp cánh đồng, chạy khắp các cánh đồng; vừa chạy vừa thét gọi: “Ơi Hylas! Ơi Hylas!”
206 Vùng đất ở phía tây đất Tiểu Á có đô thành lớn nhất ở bờ biển Égée là Pergame.
Đi ven theo vùng bờ biển phía đông của biển Propontide, con thuyền Argo đến xứ sở Bithynie của người Bébryces. Tại đây những người Argonautes chẳng được hưởng một niềm vui của truyền thống quý người trọng khách, họ chẳng được đón tiếp niềm nở. Amicos vị vua cầm quyền ở đây vốn là một con người kiêu căng. Ông ta nổi tiếng về tài tinh thông võ nghệ, trong giao đấu chưa hề biết đến thất bại. Hơn nữa theo một phong tục cổ truyền của đất nước ông ta, mỗi khi có khách đến thăm, có người nước ngoài dừng chân nghỉ lại thì việc đầu tiên là phải “mời” bằng được khách giao đấu, đúng hơn là buộc khách phải giao đấu. Vì thế mà biết bao vị khách đã phải gửi xác lại mảnh đất này. Những người Argonautes không còn cách nào khác là phải chấp nhận cuộc tỷ thí. Người anh hùng Pollux, con của thần Zeus, thay mặt cho anh em thủy thủ của đất nước Hy Lạp bước vào cuộc đọ sức. Quả thật Amicos là một tay võ nghệ cao cường, nếu không thì chẳng thể nào chịu đựng nổi với Pollux lấy mươi hiệp. Càng đánh Pollux càng dẻo dai, tỉnh táo. Chàng biết Amicos rất hiếu thắng, rất nóng lòng hạ đối thủ vì thế chàng vờ như núng thế, lẩn tránh đòn của Amicos, đỡ nhiều hơn là đánh trả. Amicos tức như điên như cuồng cứ lao vào chàng hòng giáng cho chàng vài đòn quyết định. Nhưng vô ích, thoắt một cái chàng lại luồn ra phía sau, Amicos quay ngoắt lại, chàng lại luồn ra phía trước. Sau một loạt đòn tiến công không kết quả, Amicos chùn lại phòng thủ. Bây giờ mới là lúc Pollux trổ tài. Chàng vờ lộ sơ hở để lừa cho Amicos chộp lấy thời cơ tiến công chàng. Đúng như thế, chỉ thấy vai Amicos chuyển động là Pollux thụp xuống luồn ngay vào sát người Amicos rồi bật lên giáng liên tiếp hai trái đấm mạnh như búa bổ vào đầu Amicos. Nhà vua hiếu chiến hiếu thắng đổ vật xuống như một cây sồi bị đẵn gốc, không sao gượng dậy nổi. Y nằm thẳng cẳng trên mặt đất thở dốc lên một hồi rồi chết luôn chẳng thể dối dăng lấy nửa lời. Những người Argonautes hò reo, công kênh người anh hùng Pollux lên vai. Việc đó như chọc tức khiêu khích những người Bébryces vốn xưa nay chỉ biết có nhà vua của mình chiến thắng. Một tên vua kiêu ngạo tất cũng nuôi dưỡng đầu óc kiêu ngạo trong thần dân. Thật vậy, những người Bébryces không coi thắng, bại là lẽ thường tình trong cuộc sống. Họ cảm thấy như bị xúc phạm ghê gớm, và thế là họ kích động nhau, hò hét phải lấy máu rửa nhục. Cuộc xung đột bùng lên dữ dội như một ngọn lửa tàn phá một khu rừng, nhưng những người Bébryces làm sao có thể chiến thắng được những người anh hùng, dũng sĩ Hy Lạp đã từng dày dạn trong chiến tranh! Họ lao vào cuộc chiến mà không có chuẩn bị, vì thế họ bị những người Argonautes đánh cho tan tác, cắm đầu chạy thục mạng khắp tám hướng bốn phương. Những người Argonautes truy đuổi đến cùng.
Hôm sau, con thuyền Argo rời xứ Bithynie ra đi với biết bao lương thực, chiến lợi phẩm. Danh ca Orphée với cây đàn vàng tuyệt diệu của mình ngồi trước mũi thuyền cất tiếng hát ngợi ca chiến công của những người Argonautes và Pollux, con của Zeus phụ vương, là người anh hùng đã đánh bại Amicos kiêu căng, lập nên một chiến công hiển hách nhất.
Hôm sau con thuyền Argo ra đi lại gặp bão. Vì thế nhẽ ra đi vào eo biển Bosphore thì con thuyền lại trôi giạt vào đất Thrace. Những người Argonautes lên bờ để nghỉ ngơi và tìm sự giúp đỡ. Họ bước vào một ngôi nhà gần bờ biển. Chủ nhân trong nhà bước ra đón họ là một cụ già mù, chống gậy. Bước đi của cụ run rẩy, gầy yếu đến nỗi chỉ vừa bước được dăm bước là cụ đã khuỵu xuống. Hỏi ra thì biết tên cụ là Phinée vốn là một nhà tiên tri danh tiếng, con của Agénor thần thánh. Có người lại bảo cụ là con của Phénix nhưng có người cãi lại, bảo cụ chính là con của thần Poséidon. Làm vua ở vương quốc Salmydessos thuộc xứ Thessalie, cụ đã trải qua hai đời vợ. Đời vợ trước là nàng Cléopâtre, con gái của thần Gió-Borée và như vậy đối với hai anh em Calaïs và Zétès trong đoàn thủy thủ Argonautes là cụ có quan hệ họ hàng. Đời vợ sau của cụ là nàng Idéa con của Dardanos, và Dardanos, như mọi người đã biết, là một trong những vị vua tổ tiên của người Troie. Được thần Apollon ban cho tài tiên đoán, Phinée đã tiên báo cho những người trần thế đoản mệnh biết được nhiều việc khá cơ mật của thế giới thiên đình, nhất là những nhận định, nghị quyết của thế giới Olympe đối với số phận những người trần thế. Vì lẽ đó các vị thần nổi giận trừng phạt Phinée. Lấy đi ánh sáng trong đôi mắt của cụ. Chưa hết, các vị thần còn hành hạ cụ bằng cách cho những con ác điểu Harpies nửa người là phụ nữ (đúng hơn chỉ có khuôn mặt là phụ nữ nhưng lại có mỏ), nửa người là chim với cánh rộng, chân dài, mỏ nhọn, móng sắc ngày ngày xuống quấy phá bữa ăn của cụ. Cứ đến bữa ăn, dù ăn sớm hay ăn muộn thế nào mặc ý, lũ Harpies này chẳng hiểu vì sao mà biết được, thoắt một cái từ đâu bay đến cướp đi các thức ăn của cụ. Những gì không mang đi được thì chúng giày xéo, phóng uế làm cho cụ chỉ còn cách sờ lần lượm lặt lấy chút ít hột cơm, miếng bánh rơi vãi để cầm hơi. Cần nói thêm, người lũ Harpies luôn bốc lên một uế khí nặng nề không ai chịu nổi. Vì lẽ đó người cụ hốc hác, gầy yếu đến nỗi nói không ra hơi, đi không thành bước. Cụ nói cho những người Argonautes biết, theo một lời truyền phán của thánh thần, chỉ có những Boréades, tức những người con của thần Gió-Borée, mới có thể trừng trị được lũ Harpies này.
Nghe Phinée nói xong, lập tức Jason cho triệu tập Calaïs và Zétès đến. Đến bữa ăn của Phinée, theo thói quen thường lệ, lũ Harpies từ đâu lại bay đến quấy rối phá phách. Vụt một cái, Calaïs và Zétès, hai người con trai của thần Gió-Borée, tung mình bay lên đánh đuổi lũ ác điểu. Ba con Harpies, phải, lũ Harpies có ba chị em là Aello, Ocypète và Céléno, sợ hãi cuống cuồng chạy trốn. Anh em Boréades quyết không tha. Họ truy đuổi chúng đến cùng. Đuổi đến đảo Plots thì vừa tầm gươm để có thể kết liễu đời lũ ác điểu, anh em Boréades liền rút gươm khỏi vỏ vung lên. Họ từ trên cao, cao hơn lũ Harpies, sà xuống… Ngay từ lúc anh em Boréades truy đuổi lũ Harpies, các vị thần đã trông thấy, và thần Zeus phái ngay nữ thần Cầu vồng-Iris xuống can thiệp. Nữ thần Iris bay đến tách anh em Boréades ra khỏi lũ Harpies và dõng dạc truyền đạt lệnh của thần Zeus: ba chị em Harpies từ nay trở đi không được quấy phá cuộc sống của lão vương Phinée nhà tiên đoán tài giỏi. Anh em Boréades hãy trở về với đoàn thủy thủ Argonautes coi như đã hoàn tất công việc.
Từ đó trở đi, những hòn đảo Plots mang tên là những hòn đảo Strophades207, tiếng Hy Lạp nghĩa là “Trở về” để ghi nhớ anh em Boréades đuổi lũ Harpies đến đấy là quay trở về Thrace.
Trên đây là nguồn truyền thuyết phổ biến nhất về chuyện cụ già Phinée và lũ ác điểu Harpies, nhưng theo một nguồn khác thì câu chuyện như sau:
Phinée lấy Cléopâtre, con gái của thần Gió-Borée làm vợ, sinh được hai người con. Kể đến khi lấy đời vợ sau thì Phinée phạm tội ngược đãi hai người con của đời vợ trước. Người thì nói Phinée đuổi hai đứa trẻ ra khỏi nhà mặc cho chúng sống cảnh màn trời chiếu đất. Người thì bảo Phinée đã đang tâm chọc mù mắt hai đứa trẻ. Thần Zeus, mặc dù ở chốn cao xa nhưng cũng biết tỏ tường mọi việc, bởi vị thần Hélios ngày nào cũng cưỡi trên cỗ xe ngựa đi suốt từ ĐSng Tây cho nên chẳng có việc gì xảy ra trên mặt đất mà lại không lọt vào con mắt của thần, và thần đã tường trình mọi việc cho đấng phụ vương Zeus biết. Tức giận vì hành động tàn ác của Phinée, Zeus quyết định trừng phạt và cho Phinée chọn một trong hai hình phạt sau đây: chịu chết hay chịu mù. Còn thần Hélios thì tố thêm: vĩnh viễn không cho tên vô đạo ấy nhìn thấy ánh sáng mặt trời, phái lũ Harpies ngày ngày đến quấy phá bữa ăn của Phinée để cho Phinée sống lắt lẻo trong đói khổ và nhục nhã.
Lại có một nguồn khác nữa kể như sau:
Những Boréades, hai anh em Calaïs và Zétès, vì căm giận Phinée đã phụ bạc chị mình là Cléopâtre và ngược đãi hai đứa cháu nên đã chọc mù mắt ông anh rể đi. Nguồn truyền thuyết này đã được F. Engels sử dụng để chứng minh cho những tàn dư của thị tộc mẫu quyền, tức là thị tộc nguyên thủy. Ông viết: “Chỉ qua thần thoại của thời anh hùng mà người Hy Lạp biết được bản chất hết sức chặt chẽ của cái mối liên hệ trong nhiều bộ tộc đã gắn bó người cậu với người cháu trai và phát sinh từ thời đại chế độ mẫu quyền. (…) Cũng theo Diodore (IV, 44) thì người Argonautes đã đổ bộ vào vùng Thrace dưới sự lãnh đạo của Hercules và đã phát hiện ra rằng Phinée, nghe theo lời xúi giục của người vợ mới đã ngược đãi khả ố hai người con trai của người vợ trước mà anh ta đã rẫy bỏ, là những Boréades con của Cléopâtre208. Nhưng trong số những người Argonautes lại có những Boréades khác, anh em của Cléopâtre, tức là anh em của người mẹ những nạn nhân. Tức thì những người này liền bênh vực ngay cháu của họ, giải thoát chúng và giết chết những kẻ canh giữ chúng”.209
Ngày nay, trong văn học thế giới Harpies chuyển thành một danh từ chung với ý nghĩa mới, chỉ những người đàn bà đanh đá, đáo để, ác nghiệt, “thành nanh đỏ mỏ”, ác phụ.
[207] Ba hòn đảo ở phía nam Hy Lạp, đối diện với bờ biển phía tây xứ Messénie.
[208] Nguyên văn đoạn này dịch: Boréades Cléopâtre; chúng tôi sửa lại cho dễ hiểu và đúng với tích truyện thần thoại.
[209] F. Engels. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 205.
Đáp lại công ơn của những người Argonautes, Phinée tiên báo cho họ biết một điều vô cùng quý báu:
– Hỡi những vị khách quý, những thủy thủ anh hùng của đất nước Hy Lạp thần thánh! Ta vô cùng biết ơn các người đã cứu ta thoát khỏi cái tai họa mà ta cầm chắc là chỉ có đến khi ta nhắm mắt xuôi tay thì mới qua khỏi. Sớm mai các người sẽ lên đường tiếp tục cuộc hành trình vĩ đại sang phương Đông. Ta đã quá nghèo đến mức không còn gì để trao tặng các ân nhân của ta để tỏ lòng tri ân và hiếu khách, tuy nhiên sự hiểu biết của ta chắc chắn còn quý giá gấp bội những tặng vật bằng đồng đỏ rực hay bằng vàng sáng chói. Ta chắc nó sẽ giúp ích các người không nhỏ trong cuộc hành trình.
Hỡi những người Argonautes! Rồi đây trên đường đi các người sẽ gặp hai hòn núi đá xanh lơ. Đó là hai quả núi khá to vừa ngầm vừa nổi lại luôn luôn chuyển động. Người ta quen gọi những là hai hòn Cyanées bởi vì màu xanh của chúng nhẹ phơn phớt như nền trời thu trong vắt không gợn một áng mây. Lại còn có tên gọi chúng là hai hòn Symplégades bởi vì chúng thường rình đón có con thuyền nào đi lách vào giữa thì lập tức chúng đổ xô tới, nghiền bẹp. Sau đó chúng lại chuyển động về chỗ cũ, trả lại yên tĩnh cho mặt biển dường như không có chuyện gì xảy ra.
Hỡi những thủy thủ anh hùng của con thuyền Argo! Ta không biết Số mệnh có cho phép con thuyền của các người đi thoát qua cái cửa tử này không. Nhưng ta biết cách để tìm hiểu ý định của Số mệnh, và đây các người hãy ghi nhớ lấy. Các người hãy đem theo một con chim bồ câu và khi con thuyền tới sát hai hòn Symplégades thì các người lập tức thả ngay con chim ra. Chim sẽ bay thẳng vào quãng biển giữa chúng. Nếu như con chim bay lọt qua vô sự thì con thuyền của các người cũng lọt qua vô sự như chim. Nhưng nếu nó bị nghiền bẹp thì các người hãy từ bỏ ý định của mình. Các người phải tìm một con đường khác hoặc làm lễ hiến tế thần linh cầu xin những lời chỉ dẫn…
Cụ già Phinée nói thế và những người thủy thủ của con thuyền Argo ghi nhớ kỹ lời cụ nói trong lòng. Họ cúi đầu bày tỏ lòng cảm tạ của mình đồng thời cũng là lời chào từ biệt cụ.
Con thuyền Argo lại ra đi.Chẳng bao lâu đã tới Symplégades. Từ xa nhìn thấy hai quả núi lớn chuyển động lại gần nhau rồi va vào nhau, sau đó lại giãn ra rồi lại chuyển động va vào nhau… Thật kinh hồn. Nước biển khi dồn lại, dâng lên cao ngút rồi đổ sập xuống mạnh tưởng chừng như thần Zeus nổi cơn thịnh nộ giáng sấm sét. Còn khi hai quả núi giãn ra thì nước bị hút xuống xoay xoáy như có bàn tay một người phụ nữ nào đang xay bột quay chiếc cối. Con thuyền đã đến ngay trước quãng biển nhỏ hẹp trước Symplégades. Jason ra lệnh cho con thuyền đừng lại. Theo lời chỉ dẫn của Phinée, chàng dừng trước mũi thuyền cầu khấn thần linh rồi thả con chim bồ câu. Con chim vỗ cánh bay đi và phút chốc đã bay vào khoảng không gian giữa hai quả núi. Ôi hồi hộp quá! Con chim có bay thoát hay không? Các vị anh hùng Hy Lạp đều căng mắt ra dõi nhìn theo cánh chim bay, bồn chồn, lo lắng. Hai hòn núi đã chuyển động và mỗi lúc chuyển động một mạnh hơn. Con chim vẫn bay. Hai hòn núi đã tới gần nhau rồi, gần nhau lắm rồi… chỉ còn… và rầm một cái! Chúng xô vào nhau. Mọi người nhắm mắt lại sợ hãi. Nhưng kìa, cánh chim đang vẫy ở nơi kia. Thật là hú vía! Nó thoát nạn. Chiếc lông đuôi dài và đẹp của nó bị Symplégades nghiến rụng. Chậm một tí nữa là chết như chơi.
Khi hai hòn núi đã giãn ra và chuyển động lui về chỗ cũ thì con thuyền Argo liền vươn chèo rẽ sóng phóng đi. Những thủy thủ Argonautes chèo như cúi rạp người xuống. Con thuyền Argo đi lọt vào giữa hai hòn Symplégades, hai hòn núi đá vừa lui về chỗ cũ nay lại chuyển động tiến đến gần nhau. Mọi người đều biết rằng số phận của mình tùy thuộc vào đôi cánh tay đang chèo của mình. Hai hòn núi đá cứ lừng lững, lừng lững tiến tới gần con thuyền. Con thuyền bị sóng từ hai phía dồn vào nâng bổng lên, tròng trành, nghiêng ngả, nhưng những người thủy thủ anh hùng không hề nao núng. Họ vẫn bình tĩnh nhìn thẳng phía trước ráng sức chèo. Hai hòn núi càng áp sát đến gần thì con thuyền càng gặp nhiều khó khăn. Mọi người suy nghĩ về số phận con chim bồ câu để tìm hiểu quyết định của Số mệnh. Con chim bị rụng mất chút lông đuôi nhưng vẫn bay được vì nhờ đôi cánh. Nhưng còn con thuyền của họ nếu bị vỡ, bị hỏng đuôi thuyền thì làm sao có thể đi tiếp được? Thuyền sẽ chìm và họ sẽ gửi thân nơi đáy biển.
Hai hòn núi đá đang ép con thuyền. Con thuyền dốc sức lao đi. Anh em thủy thủ hò nhau dốc hết sức lực vào tay chèo, bởi vì lúc này chỉ ngừng một tay chèo, chỉ một tay chèo thôi thì con thuyền khó bề thoát nạn. Sự cố gắng của những người thủy thủ anh hùng đã không vô ích. Con thuyền vươn được mũi ra ngoài, rồi cả thân nữa, và cuối cùng: chiến thắng! Tuy nhiên Số mệnh đã tiên báo qua số phận của con chim bồ câu. Con thuyền vươn ra khỏi vòng nguy hiểm thì cũng là lúc hai hòn núi đá va vào nhau, và cũng như con chim bồ câu, đuôi con thuyền bị Symplégades quệt phải cho nên bị hư hại nhẹ! Nghe đâu cái bánh lái bị gãy. Có người kể vào lúc hai hòn núi đá sắp nghiến bẹp con thuyền thì nữ thần Athéna xuất hiện. Nữ thần đứng giữa hai hòn núi đá, một tay đưa ra chặn đứng một hòn núi đang chuyển động lại, còn một tay đẩy mạnh vào đuôi con thuyền một cái. Thế là con thuyền Argo bay vút đi như một mũi tên, và chính nhờ có sự can thiệp này mà con thuyền chỉ bị hư hại nhẹ.
Kể từ ngày con thuyền Argo qua được hai hòn Symplégades, mọi thuyền bè qua vùng đó không phải lo âu, sợ hãi nữa. Số mệnh đã ước định rằng nếu có một con thuyền nào qua được Symplégades thì từ đó Symplégades sẽ thôi không chuyển động nữa. Chân chúng bị chôn chặt xuống đáy biển sâu. Symplégades tiếng Hy Lạp nghĩa là: “Va chạm, xô vào nhau”. Người xưa cho rằng Symplégades nằm trên quãng biển đi vào Pont-Euxin.
Con thuyền Argo đi vào biển Pont-Euxin và dừng lại ở xứ sở của những người Mariandynes. Vua Lycos đón tiếp những người Argonautes đầy tình thân ái: Nhà vua lưu giữ những vị khách Hy Lạp ở lại ít ngày để đi thăm phong cảnh đất nước mình. Trong một cuộc đi săn, không may Idmon, một nhà tiên tri tài giỏi của những người Argonautes bị lợn rừng húc chết, và rủi ro hơn nữa, người thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm và đầy tài năng lâm trọng bệnh qua đời. Những người Argonautes khóc thương không nguôi cho linh hồn Tiphis phải từ giã anh em khi công chưa thành, danh chưa toại.
Con thuyền Argo lại ra đi. Nhờ thuận buồm xuôi gió nên nó đi thẳng không phải ghé lại xứ sở của những nữ chiến sĩ Amazones, nếu không thì chắc rằng khó tránh khỏi một cuộc xung đột đẫm máu. Con thuyền Argo còn đi qua nhiều xứ sở xa lạ, biết được nhiều giống người, kể từ những người văn minh biết ăn bánh mì, có những ngôi nhà xinh xắn và những con thuyền thon nhẹ, ngày ngày thờ cúng thần linh, đến những người man rợ sống trong hang động, ăn thịt thú rừng cũng như ăn thịt người, chẳng có quảng trường để hội họp và chẳng biết đến những lễ hiến tế thần linh, và tới một hôm, con thuyền Argo đưa những người anh hùng Hy Lạp tới một hòn đảo. Đang khi con thuyền ghé vào bờ thì bỗng đâu có một con chim rất lớn từ trong đảo bay vụt lên và lượn một vòng trên con thuyền. Anh em thủy thủ thấy con chim to và lạ, ai nấy đều ngước mắt lên trời cao để xem con chim. Bất ngờ con vật phóng xuống một chiếc lông. Chiếc lông phóng xuống con thuyền trúng ngay vào vai người anh hùng Oïlée làm máu chảy ra đầm đìa. Mọi người vô cùng kinh ngạc khi rút chiếc lông ở vai người thủy thủ Oïlée ra. Đó là một chiếc lông bằng đồng cứng rắn, sắc nhọn như một mũi tên. Lại một con chim nữa từ trong đảo bay lên, nhưng người anh hùng Clytios kịp thời giương cung lên kết liễu đời nó. Nhìn con chim trúng tên rơi xuống biển có bộ lông bằng đồng đỏ rực, mọi người đều biết rằng đảo này là nơi cư trú của giống chim ở hồ Stymphale xưa kia, giống chim mà Héraclès đã có dịp đương đầu với chúng, chiến thắng chúng vẻ vang. Như vậy hòn đảo mà con thuyền sắp ghé vào là đảo Arétiade. Người anh hùng Amphion nổi danh vì trí nhanh, lực mạnh bèn lớn tiếng kêu gọi anh em mau lấy áo giáp mặc vào người và đem khiên đồng ra để che chắn. Sự lo xa đó quả là không thừa. Khi những người Argonautes lên bờ và tiến vào trong đảo thì lần này không phải một, hai con chim mà là cả một đàn chim khổng lồ bay vụt lên, lượn quây tròn trên đầu những người Argonautes và phóng xuống một trận mưa những chiếc lông sắc nhọn như những mũi tên đồng. Không một ai bị thương cả. Trong khi tránh đỡ đòn ác hiểm của lũ chim có lợi thế từ trên trời cao, nhiều anh em thủy thủ còn giương cung đánh trả, hạ được không ít loài ác điểu này. Cuối cùng lũ chim bỏ chạy, kéo nhau bay về một phía nào đó xa tít tắp tận cuối chân trời. Những người Argonautes hạ trại dựng lều, thu xếp chỗ ăn chỗ nghỉ. Đang khi làm việc thì có bốn người không rõ từ đâu tìm đến. Đó là bốn chàng trai thân hình gầy guộc tiều tụy, quần áo tả tơi. Hỏi ra thì được biết đây là bốn người con trai của Phrixos. Họ từ Colchide ra đi, tìm đường trở về Hy Lạp, về thành Orchomène yêu dấu của họ nhưng chẳng may gặp bão. Thuyền đắm, họ sống sót trôi giạt vào hòn đảo này. Những người Argonautes nghe xong câu chuyện của họ đầy thương cảm và vui mừng. Thương cảm cảnh ngộ không may của họ và vui mừng vì đã gặp được người đồng hương, hơn nữa lại là những người đã từng sống ở đô thành Colchide. Riêng Jason thì vui mừng khôn xiết. Như vậy là chàng đã gặp được những người Hy Lạp đã từng sống trong triều đình của vua Aiétès. Một trong số bốn chàng trai con của Phrixos, tên gọi là Argos, và người anh cả. Sau khi biết mục đích của cuộc hành trình của những người Argonautes, chàng đã hứa sẵn sàng giúp đỡ họ hoàn thành sự nghiệp. Chàng tỏ ra nhiệt thành và hăng hái. Chàng kể qua cho những người Argonautes biết về nhà vua Aiétès. Điều mà chàng nhắc nhở mọi người phải hết sức chú ý, là ông ngoại của chàng, tiếng thế song tính tình không phải là con người cởi mở, dễ dãi, nhân hậu. Hơn nữa những người Argonautes không thể cả tin trước những lời nói và cử chỉ của nhà vua, một nhà vua ở phương Đông.
Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông-Éos với đôi má ửng hồng vừa hiện ra ở chân trời thì cũng là lúc con thuyền Argo lên đường đi tiếp chặng cuối của cuộc hành trình. Con thuyền rẽ sóng bơi trên biển cả gần hết một ngày. Xa xa những ngọn núi của dãy Caucase hùng vĩ đội mây trắng sừng sững trấn giữ ở một góc trời. Con thuyền Argo vẫn giữ vững nhịp chèo. Chẳng còn mấy nữa là đến xứ sở Colchide. Mặt trời đang chìm dần xuống biển. Trong bóng tối mờ mờ xanh xám của một ngày đã hết, những người Argonautes bỗng nghe thấy tiếng cánh chim vỗ mạnh trên không, và một ngọn cuồng phong nổi lên thổi ào ào trên đầu mọi người khiến không ai bảo ai mà đều cùng nghĩ tới con đại bàng của thần Zeus. Phải rồi, đây kia là dãy núi Caucase. Trên một ngọn núi nào trong dãy này đây, vị thần Prométhée ân nhân của loài người đang bị xiềng xích, chịu cảnh khổ hình, ngày phơi thân dưới nắng cháy xém da, đêm hứng chịu những trận bão tuyết rét cắt da cắt thịt. Cánh chim quẫy mạnh trên không kia hẳn là con đại bàng khủng khiếp mà thần Zeus ngày ngày sai nó xuống mổ bụng ăn gan người anh hùng, và đúng như thế. Vẳng trong gió biển, những người Argonautes nghe thấy tiếng than não ruột của Prométhée, những lời công kích vạch trần tội ác và thói bạo ngược, hèn hạ của thần Zeus. Nhưng họ chỉ nghe được thoang thoáng, tiếng được, tiếng chăng bởi vì bên tai là gió biển thổi ù ù và tiếng mái chèo quẫy mạnh trên mặt biển.
Chẳng mấy chốc mà con thuyền Argo đã tới mỏm Phasis. Nó đi ngược lên một đoạn rồi ghé vào cửa một con sông mà hai bên bờ là một bãi dài lau sậy um tùm. Sau khi neo buộc con thuyền của mình chắc chắn, những người Argonautes lên bờ tìm một nơi cao ráo sạch sẽ, dựng lều để nghỉ. Họ không quên cầu khấn các vị thần giúp đỡ họ: những vị thần Hy Lạp mà xưa nay họ vẫn tôn thờ cũng như những vị thần phương Đông ở xứ Colchide mà họ vừa đặt chân tới. Cầu khấn xong thì giấc ngủ đè nặng lên mi mắt họ và không gì cưỡng lại được, họ nhắm mắt ngủ một giấc ngon lành. Hành trình của họ đã hoàn tất được một phần. Họ đã tới được xứ Colchide. Song trước mắt họ còn bao nỗi gian nguy mà những ngày sóng gió trên biển khơi chẳng thể nào so sánh được.
Sáng hôm sau khi nàng Rạng đông trùm tấm khăn hồng tha thướt vừa nhẹ bước lướt đi trên mặt biển thì những người Argonautes tỉnh dậy, bàn bạc công việc. Tiếng rằng đêm qua họ được ngủ một giấc ngon lành nhưng thực ra nhiều người trong số anh em thủy thủ ngủ được rất ít. Những người ấy thao thức suy nghĩ tính kế hành động. Họ băn khoăn không biết họ còn gặp phải những nỗi nguy hiểm gì nữa? Một cuộc giao tranh đẫm máu? Một cuộc tỉ thí võ nghệ? Làm cách nào, thuyết phục, cầu xin như thế nào để vua Aiétès có thể trao cho họ Bộ lông Cừu vàng?
Chính trong lúc những người Argonautes nằm vắt tay lên trán suy tính băn khoăn, lo lắng thì ở thế giới thiên đình trên đỉnh Olympe, các vị thần, thật là chí sáng suốt, chí linh thiêng, cũng họp bàn về chuyện đó. Nữ thần Athéna và nữ thần Héra bàn bạc với nhau hồi lâu tìm cách giúp đỡ Jason hoàn thành sứ mạng mà vẫn chưa tìm ra cách gì khả dĩ hữu hiệu. Sau cùng họ nghĩ ra một cách thật là tuyệt diệu: phải nhờ nữ thần Aphrodite. Chỉ có cách nhờ tay “người chị em” này thì mới xong việc lớn, và lập tức hai nữ thần đến gặp ngay Aphrodite trình bày kế sách của mình. Vua Aiétès có một người con gái rất đẹp và rất giỏi pháp thuật, tên là Médée. Chỉ cần làm cho Médée yêu say đắm, yêu tha thiết Jason thì Médée sẽ vì tình yêu của mình mà giúp đỡ Jason hoàn thành sứ mạng. Chỉ cần nữ thần Aphrodite sai cậu con trai Éros của mình bắn một phát tên vào trái tim Médée là có thể nói chắc được rằng mười phần thì xong đến bảy, tám. Nữ thần Aphrodite nhận lời giúp đỡ hai bà chị ngay: tưởng việc gì khó khăn chứ việc đó thì cậu con trai tinh nghịch của Aphrodite thường làm. Để khích lệ cậu con trai, nữ thần Aphrodite hứa, nếu Éros làm ngay việc mình giao, làm tốt thì sẽ được thưởng một quả bóng vàng rực rỡ chen lẫn màu xanh ngọc bích. Đó là thứ đồ chơi mà cậu con trai Éros của Aphrodite mơ ước từ lâu. Nghe mẹ nói xong, Éros lấy ngay ống tên đeo vào sau lưng, cầm cung rời đỉnh Olympe cao ngất bay ngay xuống xứ sở Colchide của nhà vua Aiétès.
Còn những người Argonautes, việc đầu tiên là phải đến xin yết kiến nhà vua Aiétès để bày tỏ nguyện vọng của mình. Trên đường đi vào kinh thành, những người Hy Lạp không gặp phải trở ngại, khó khăn nào cả. Nữ thần Héra luôn luôn theo sát bước đi của họ. Nàng đã bao trùm lên đoàn anh hùng, dũng sĩ Hy Lạp một lớp sương mù dày đặc khiến cho họ đi vào đến tận kinh thành mà không một ai trông thấy. Chỉ khi đoàn anh hùng đến trước cổng lớn của cung điện thì nữ thần Héra mới xua tan đám sương mù. Những người lính canh bất ngờ gặp một đoàn người xa lạ nhưng cử chỉ, phong thái lại rất chính đại quang minh, nhã nhặn lịch thiệp, cho nên đã sẵn lòng tâu trình nguyện vọng của họ với nhà vua.
Jason dẫn đầu đoàn anh hùng Argonautes tiến vào cung điện. Chàng cầm trong tay một chiếc gậy nhưng còn để lại chút cành lá xanh tươi để biểu thị tấm lòng hòa hiếu của những người Argonautes. Từng bước, từng bước đi vào cung điện của vua Aiétès, đoàn thủy thủ Argonautes được tận mắt ngắm nhìn một công trình tuyệt mỹ và vô cùng vĩ đại do bàn tay khéo léo của vị thần Chân thọt-Héphaïstos tạo nên. Nguyên do là xưa kia trong Cuộc giao tranh giữa thần Zeus với những người Đại khổng lồ (Gigantomachie), thần Thợ rèn đứng về phe Zeus, lúc đó đang bị những người Đại khổng lồ bao vây. Trước tình hình nguy cấp đó, thần Mặt trời-Hélios, cha của vua Aiétès đã kịp thời đánh cỗ xe có bốn con thần mã trắng như tuyết xuống cánh đồng Phlegra cứu Héphaïstos. Để tri ân Hélios, thần Thợ rèn đã xây dựng nên tòa lâu đài mỹ lệ này. Qua lần tường cao vút đến tận trời xanh bao bọc bên ngoài tiếp đến một cổng lớn, mở đường đi tới một cái sân rộng bát ngát. Xung quanh sân là những tòa nhà to đẹp, tòa nhà to nhất, lộng lẫy nhất là nhà ở của vua Aiétès và hoàng hậu. Apsyrtos, con trai của nhà vua, ở riêng một ngôi nhà. Chalciopé (vợ góa của Phrixos) và Médée, một thiếu nữ xinh đẹp, là hai chị em ruột, được vua cha cho ở chung một ngôi nhà. Riêng ngôi nhà của vua Aiétès được xây dựng cực kỳ tráng lệ, tường đồng, cột vàng, cột bạc, nền nhà lát đá hoa cương, đá cẩm thạch, nó rực rỡ sáng ngời như ánh mặt trời, mặt trăng cho nên những người dân ở xứ này gọi nó là tòa nhà Phaéton, có nghĩa là “Chói lọi”.
Được tin có khách quý đến thăm, nhà vua cho mở tiệc lớn để chào mừng. Nàng Chalciopé vô cùng sung sướng khi gặp lại những người con trai của mình đi trong đoàn thủy thủ Argonautes. Còn nàng Médée, con gái út của nhà vua, nghe tin có những vị khách Hy Lạp tới thăm, vì hiếu kỳ cũng tới phòng khách để xem mặt những vị khách quý. Nàng để ý tới một chàng trai cao lớn, đẹp đẽ thay mặt cho anh em, tiến lên kính cẩn cúi chào vua cha và giới thiệu từng vị anh hùng Argonautes. Chính trong lúc ấy thần Tình yêu-Éros, chú thiếu niên tinh nghịch đã từ trên trời cao bay xuống nơi này. Chú nhìn thấy Médée đang ngắm nhìn say sưa cảnh tượng long trọng của buổi tiếp tân và đang đăm đăm nhìn chàng Jason với một niềm cảm phục, chú liền lắp tên vào cung và nhằm ngực Médée nơi trái tim nồng nhiệt đang đập nhịp nhàng nã ngay một phát. Mũi tên vô hình bay đi xuyên qua trái tim Médée, và thế là từ đó trong trái tim của nàng dấy lên một tình yêu đối với Jason. Phát thứ hai, Éros bắn vào ngực Jason, và Jason tất nhiên không thể tránh khỏi, không thể trốn thoát tình yêu, và chàng đã nhìn Médée với đôi mắt chứa chan tình cảm.
Câu chuyện trong bữa tiệc thật vui vẻ. Argos kể lại cho ông ngoại nghe chuyện bốn anh em không may bị bão đắm thuyền như thế nào, đã gặp những người Argonautes ở đâu và được họ giúp đỡ ra sao. Còn Jason, chàng thành thật trình bày với nhà vua sứ mạng cuộc hành trình của mình:
– Hỡi nhà vua Aiétès con của thần Mặt trời-Hélios Hypérion vô cùng uy nghi rực rỡ. Chúng tôi từ đất nước Hy Lạp xa xôi thần thánh vượt biển khơi không sinh nở bằng một con thuyền mang tên là Argo tới đây, con thuyền mà chúng tôi đã được nữ thần Athéna truyền dạy cho cách đóng từng bộ phận rồi lắp ghép vào. Nữ thần còn lấy gỗ ở một cây sồi mọc trong rừng sồi linh thiêng của thần Zeus ở Dodone để cho chúng tôi đóng mũi con thuyền. Nhờ có con thuyền, chúng tôi vượt biển khơi bao la rất nhanh vì lẽ nó, con thuyền Argo có một không hai trên thế gian này, nói được và nghe hiểu được tiếng người. Chúng tôi đã điều khiển nó bằng những tay chèo mạnh mẽ và tay lái vững vàng, nhưng chúng tôi lại còn điều khiển cả ý chí của nó nữa. Vì thế nó tuân theo sự điều khiển của người thuyền trưởng như một người đầy tớ thông minh tuân theo lời sai bảo của một ông chủ. Trải qua bao nỗi gian nguy ở dọc đường và những nỗi đau vì mất mát những người anh hùng, bạn chiến đấu của chúng tôi, hôm nay chúng tôi mới đặt chân lên được đất nước mến khách của ngài. Hỡi Aiétès đầy quyền lực và muôn vàn kính trọng. Chúng tôi tới xứ sở của ngài với trái tim chân thành và hòa hiếu, khiêm nhường và hy vọng. Chúng tôi chẳng hề có ý muốn gây ra những cuộc xung đột đẫm máu, điều mà chỉ có vị thần Chiến tranh-Arès là ham thích. Sứ mạng của tổ tiên chúng tôi giao cho là phải tới xứ sở của ngài, đến tận cung điện của ngài, cầu xin ngài ban cho Bộ lông Cừu vàng, một báu vật gia truyền của dòng dõi chúng tôi. Hơn nữa, Pélias, con của thần Poséidon và người phụ nữ xinh đẹp Tyro, đã cướp đoạt ngôi báu của cha tôi. Tôi phải lưu lạc ở nơi đất khách quê người từ khi còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, tôi trở về Iolcos để đòi lại ngôi báu thì Pélias bắt tôi phải trải qua một thử thách. Vì chấp nhận thử thách đó mà hôm nay chúng tôi đến đây để cầu xin ngài trao cho chúng tôi Bộ lông Cừu vàng. Hỡi vua Aiétès của đất nước Colchide nổi danh vì những điều kỳ lạ và của cải đầy kho! Chúng tôi sẵn sàng thực hiện những công việc mà ngài giao phó dù cho công việc đó có phải hao xương tốn máu. Chỉ xin ngài sau khi chúng tôi hoàn thành những công việc ngài giao, ban thưởng cho chúng tôi Bộ lông Cừu vàng.
Aiétès nghe Jason nói xong liền đứng dậy, đáp lại:
– Hỡi Jason người anh hùng cầm đầu các thủy thủ Argonautes! Có thật các người tới đây chỉ để xin lại ta Bộ lông Cừu vàng không? Có thật các người không hề cỏ ý định nhòm ngó mình đất Colchide của chúng ta không? Ta hồ nghi điều đó. Chẳng có gì đảm bảo rằng các người đến đây với trái tim hòa hiếu và chân thành. Tuy nhiên ta cũng sẵn sàng chấp thuận điều cầu xin của các người. Hãy nghe đây: những công việc mà các người phải hoàn thành để có thể giành được Bộ lông Cừu vàng. Một là, các người phải thắng được ách lên vai hai con bò mộng hung dữ. Đây là những con bò có bộ chân đồng và phun ra lửa vốn là tặng vật của thần Thợ rèn-Héphaïstos ban cho ta. Những con bò này xưa nay chưa từng chịu để cho một người nào bén mảng đến gần chứ đừng nói gì thắng được ách lên vai. Hai là, sau khi thắng được ách cho đôi bò, các người phải dùng nó để cày cho xong một cánh đồng. Ba là, sau khi cày xong các người phải gieo xuống cánh đồng đó những chiếc răng của một con rồng. Đó là ba công việc mà các người phải hoàn thành, và chỉ có hoàn thành đầy đủ ba công việc đó, thiếu một ta chẳng ưng, thì các người mới đoạt được Bộ lông Cừu vàng.
Nghe nhà vua Aiétès nói xong, Jason bèn lên tiếng đáp lại:
– Hỡi nhà vua Aiétès quang minh, chính đại! Chúng tôi xin vui lòng chấp nhận những thử thách mà ngài đã giao. Tuy nhiên dù sao chúng tôi cũng xin trân trọng nhắc lại với ngài rằng anh em thủy thủ Hy Lạp, những chiến sĩ của con thuyền Argonautes, tới xứ sở của ngài chỉ có một mục đích: xin ngài ban cho Bộ lông Cừu vàng. Chúng tôi chỉ cầu xin ngài, sau khi chúng tôi thực hiện xong những công việc mà ngài giao thì ngài đừng trì hoãn việc ban thưởng cho chúng tôi Bộ lông Cừu vàng quý báu đó. Bởi vì như ngài đã biết, không gì thiêng liêng bằng lời hứa. Zeus đấng phụ vương đã từng trừng phạt những kẻ coi thường lời răn dạy của Zeus, phản bội lại những lời cam kết, thề nguyền. Hơn nữa, những người thủy thủ Argonautes chúng tôi dấn thân vào cuộc hành trình này, chịu đựng biết bao nỗi gian nguy ở dọc đường, mất mát bao nhiêu anh em chiến sĩ ưu tú, tới đây không phải để rồi lại ra về tay không.
Tiệc tan, Jason và những chiến hữu trở về con thuyền của mình. Ai nấy đều lo lắng, băn khoăn trước những công việc nặng nề, khó khăn quá sức tưởng tượng mà vua Aiétès đã trao cho họ.