Quyển 2 – Chương 64: Quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis. Đổ bộ lên đất Mysie

Lần lượt các anh hùng, dũng sĩ cầm đầu những đạo quân của mình cùng với chiến thuyền, kẻ nhiều người ít đến hội tụ, tập trung ở cảng Aulis chờ ngày xuất phát. Chúng ta không thể kể hết ra đây được các danh tướng với những đạo quân của họ. Cái cảnh binh sĩ ngàn ngạt như rừng, thuyền bè san sát tựa lá tre rụng trên mặt nước, người xưa nói, dù ai có mười lưỡi, mười mồm và một bộ phổi bằng đồng cũng không thể kể hết được. Những người Hy Lạp đề cử Agamemnon, vị vua của đô thành Mycènes vàng bạc đầy kho và vùng đồng bằng Argolide màu mỡ, làm Tổng Chỉ huy, nắm quyền quyết định tối cao đạo quân liên minh này. Quanh Agamemnon, trong Hội đồng Tướng lĩnh còn có hai chàng Ajax: một là con của Télamon còn có tên gọi là Ajax Lớn, quê ở đảo Salamine; một là con của Oïlée còn có tên gọi là Ajax Bé, quê ở Locride; ta còn phải kể đến dũng tướng Diomède, sức mạnh sánh tựa thần linh; Antiloque, con trai của lão vương Nestor…

Tuy nhiên cuộc hội quân đạt được kết quả như thế, như lúc này đây không có nghĩa là việc đi chiêu tập các vị anh hùng, mời họ tham dự cuộc viễn chinh trừng phạt người Troie không gặp khó khăn gì, nhất hô là vạn ứng ngay tức khắc. Bởi vì trong số những vị anh hùng đã từng thuở nào đắm say sắc đẹp của Hélène nhiều người đã có vợ có con. Cái thời buổi họ ra ngẩn vào ngơ vì sắc đẹp của một người thiếu nữ sinh ra từ một quả trứng thần đã lui vào dĩ vãng. Nhưng vì có lời thề nguyền năm trước nên họ phải ra đi. Có điều chính cái người hiến kế ràng buộc các vị cầu hôn bằng lời thề ước thiêng liêng ấy, chàng Ulysse lại muốn xóa bỏ lời thề. Sau khi Hélène cưới Ménélas, Ulysse trở về Ithaque lấy một người vợ là cháu họ của Hélène, tên gọi là Pénélope, vào lúc mà khắp đất nước Hy Lạp sôi lên vì những sứ giả đi truyền báo lời kêu gọi mở cuộc viễn chinh sang thành Troie thì Ulysse vừa sinh được một cậu con trai, đặt tên là Télémaque. Ulysse chẳng muốn bỏ vợ dại con thơ ở nhà để dấn thân vào một cuộc viễn chinh đòi lại vợ cho một người khác. Biết trước thế nào cũng có người đến triệu tập mình, Ulysse giả vờ điên. Khi điểm mặt các tướng lĩnh hội tụ ở cảng Aulis, vị Tổng Chỉ huy thấy thiếu mặt Ulysse. Ông bèn phái lão vương Nestor và chàng Palamède tới ngay hòn đảo Ithaque để đòi Ulysse phải lên đường đi làm nghĩa vụ. Người nhà bảo Ulysse bấy lâu nay mắc chứng điên dại, ngớ ngẩn, cả ngày cứ ra cày cày bừa bừa ở ngoài đồng. Palamède vội ra ngoài đồng để xem cho rõ hư thực. Và đúng thế, Palamède thấy Ulysse đang cày ruộng, cày ruộng một cách kỳ quái: Ulysse thắng một con bò và một con ngựa vào chung một cái ách, cột hai con lại bên nhau và cứ thế cày. Cày rất vất vả hết được một đường một luống thì dừng lại gieo hạt. Đúng là điên. Palamède đến tận nơi xem anh chàng điên này gieo hạt gì… gieo hạt muối. Kỳ quái thật. Quả thật là điên. Song Palamède vẫn bán tin bán nghi. Chàng chạy vào nhà bế ngay chú bé Télémaque, con của Ulysse ra, vừa bế đứa bé vừa xem Ulysse cày. Nhằm lúc Ulysse bắt đầu cày một luống mới, Palamède đặt ngay đứa bé trước đường cày. Ulysse cứ cày như tỏ ra không biết gì. Nhưng khi hai con vật đến gần thằng bé thì chàng Ulysse giả vờ điên phải tỉnh lại. Ulysse dừng lại nói với Palamède: “Nhà ngươi thắng ta rồi… Ngươi đã buộc ta phải giữ lời thề hứa nhưng người nên nhớ rằng sẽ có ngày nhà ngươi phải hối hận vì việc phát giác này”. Không còn tìm được có gì để thoái thác, Ulysse phải đem đoàn chiến thuyền của mình đến hội quân ở cảng Aulis.

Vẫn chưa đủ. Điểm danh thấy vẫn còn thiếu một danh tướng nữa. Đó là chàng Achille, con của người anh hùng Pélée và nữ thần Biển-Thétis. Nhà tiên tri đầu bạc, lão ông Calchas phán truyền cho Agamemnon biết rằng: Cuộc viễn chinh sang thành Troie chỉ có thể giành được thắng lợi khi có người anh hùng xuất chúng Achille tham dự. Nhưng Achille lúc này ở đâu? Không ai biết cả? Lại phải cầu xin một lời chỉ dẫn của nhà tiên tri. Lão ông Calchas cho biết, hiện Achille đang ở đảo Skyros. Không chậm trễ, Agamemnon phái ngay Ulysse lên đường đi tìm người anh hùng…

Đúng như lời nhà tiên tri đầu bạc nói, nếu không có Achille tham dự cuộc chiến tranh thì thành Troie khó bề bị hạ. Chàng hơn người ở chỗ mình đồng da sắt, tên bắn chẳng thủng, lao phóng chẳng xuyên, toàn thân chỉ có mỗi một chỗ gót chân là nơi hiểm yếu, và chỉ có ai đánh trúng nơi hiểm yếu đó, gót chân của Achille, thì mới hạ nổi chàng. Mẹ chàng, nữ thần Biển Thétis suốt đời chỉ chăm lo cho con được trở thành bất tử để sánh vai với các thần. Nhưng một vị nữ thần kết duyên với một người trần thế thì không sao sinh ra được những đứa con bất tử. Cái chất “trần tục đoản mệnh” không dễ gì tẩy sạch được. Sáu lần sinh con, Thétis đều đem tôi vào trong lửa. Nhưng sáu đứa con đó chết ngay khi mẹ chúng vừa đưa chúng vào thử thách với báu vật của Prométhée. Đến đứa thứ bảy, Achille, nữ thần không tôi vào lửa nữa, mà đem tôi vào nước sông âm phủ Styx. Lần này thì bà mẹ thành công. Nhưng tiếc thay khi tôi con vào nước sông âm phủ Styx, bà đã quên không tôi chỗ gót chân của thằng bé, là nơi tay bà cầm. Vì thế Achille còn có thể bị chết, nghĩa là không bất tử vì chỗ đó. Ngày nay trong văn học thế giới Gót chân Achille (Le talon d’Achille) chỉ nơi hiểm yếu, nhược điểm của một con người hay của một tổ chức, một lực lượng nào đó. Đánh trúng, nhằm trúng Gót chân Achille có nghĩa là đánh trúng huyệt, nhằm trúng huyệt.

Tôi bằng nước sông âm phủ Attique rồi, nữ thần Thétis vẫn chưa yên tâm. Bà lại đem Achille tôi vào lửa. Nhưng lần này thì Pélée đã để ý theo dõi công việc của vợ mình. Đêm hôm đó thừa lúc mọi người yên giấc bà bèn đem con tôi vào bếp lửa. Vừa lúc Thétis lùa đứa bé vào ngọn lửa hồng thì Pélée nấp ở đâu đó phía sau, rút gươm nhảy bổ tới và giằng lấy đứa con. Achille thoát chết nhưng xương mắt cá chân bị cháy. Pélée bèn giao con cho vị thần Centaure Chiron nhờ chữa chạy nuôi dưỡng giáo dục. Thần Centaure Chiron lấy mắt cá chân của người khổng lồ Damisos xưa kia vốn có biệt tài chạy nhanh, thay cho cái mắt cá chân bị cháy của Achille. Vì thế sau này Achille chạy nhanh không ai sánh kịp. Chiron còn cho Achille ăn óc gấu và tim gan sư tử để cho chàng có sức mạnh và lòng dũng cảm. Thần dạy chàng đủ mọi thứ từ võ nghệ cho đến âm nhạc… Đến khi Achille trưởng thành thì chàng đã là một người dũng sĩ toàn diện.

Nữ thần Thétis, sau chuyện bị Pélée giằng lấy con giận dữ về ở lỳ trong cung điện của vua cha dưới biển. Được tiên báo về số mệnh Achille, nữ thần rất lo lắng: Achille nếu tham dự cuộc Chiến tranh Troie sẽ lập được những chiến công vĩ đại, vinh quang, danh tiếng vang dội trời xanh, nhưng cuộc đời sẽ rất ngắn ngủi. Còn nếu không tham dự cuộc Chiến tranh Troie thì sẽ có một cuộc đời dài lâu nhưng buồn tẻ chẳng có ý nghĩa, vinh quang gì hết. Vì lẽ đó cho nên khi được tin những người Hy Lạp tổ chức cuộc viễn chinh sang thành Troie, nữ thần Thétis bèn đem Achille đi giấu ở đảo Skyros. Tại đây, Achille cải trang thành con gái sống chung với những người con gái của vua Lycomède. Ấy vậy mà “cô con gái” đó lại lấy vợ, lấy nàng Déidamie con gái của nhà vua và sinh được một cậu con trai tên là Néoptolème (thần thoại La Mã: Pyrrhus).

Ulysse đến đảo Skyros cùng với Diomède. Hai người giả làm thương nhân đến bán hàng. Được phép vào cung điện, hai người bày ra không biết bao nhiêu là các thứ hàng. Nào vải vóc, lụa là, nào các đồ trang sức quý giá, lược, gương, trâm, vòng vàng, nhẫn ngọc… Các cô con gái của vua Lycomède thấy có hàng đẹp liền xúm đến xem, chọn mua thứ này thứ khác. Nhưng trong đám con gái đó, có một cô không chọn những thứ hàng mà những người con gái vốn ưa thích. Cô ta thích thú trước một bộ áo giáp, cái khiên và ngọn lao, và cô ta hỏi mua thứ đó. Thế là người bán hàng Ulysse chẳng cần phải xét hỏi lôi thôi, trân trọng mời ngay “cô con gái” thích mua đồ binh khí ấy về Hy Lạp ngay để chuẩn bị lên đường.

Achille trở về xứ Thessalie đưa đạo quân Myrmidon của mình đến hội tụ ở cảng Aulis. Tới đây ta phải dừng lại một chút để kể qua lai lịch của đạo quân này. Xưa kia khi nhà vua Éaque trị vì trên đảo Égine, có một năm gặp phải một tai họa rất lớn, rất khủng khiếp. Nguyên do là nữ thần Héra ghen tức với Zeus, với cuộc tình duyên vụng trộm của Zeus với Égine, ghen tức với đứa con riêng của Zeus là Éaque. Nữ thần giáng xuống một bệnh dịch ác nghiệt. Bệnh dịch lan lây rất nhanh và giết hại không biết bao nhiêu con người. Chỉ trong một thời gian ngắn mà dân cư trên đảo chết vãn hẳn đi, chẳng còn được mấy hột người. Đau xót vì cảnh hoang dại, Éaque bèn cầu khấn người cha thiêng liêng của mình, xin Người phù hộ cho cảnh đông vui sầm uất trở lại với hòn đảo. Sau khi ở đền thờ ra về, đêm hôm đó Éaque nằm mơ thấy những đàn kiến biến thành người. Sáng sớm hôm sau, một kỳ tích đã xảy ra ứng với giấc mơ của Éaque đêm hôm trước. Con trai của Éaque là Télamon đánh thức cha dậy, chỉ cho cha xem một đạo quân đông đảo, trang phục đẹp đẽ đang tiến vào cung điện. Thần Zeus đã biến tất cả những con kiến ở trên đảo thành người: một đạo quân, đàn ông, đàn bà, trẻ con đông đúc như xưa và có thể còn hơn xưa. Vì lẽ đó, tên những người “Myrmidon” xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ “Murmekès”, có nghĩa là kiến. Pélée, con trai của Éaque, khi sang sinh cơ lập nghiệp ở xứ Thessalie đã đưa những đạo quân Myrmidon cùng đi với mình, và bây giờ đến người con của Pélée, chàng Achille danh tiếng lẫy lừng cầm đầu những chiến sĩ Myrmidon đi tham dự cuộc viễn chinh sang thành Troie.

Các đoàn quân Hy Lạp đã tập trung đầy đủ ở cảng Aulis. Người xưa kể là chưa từng bao giờ lại thấy có cảnh tượng hùng vĩ đến như thế. Quân đi dậy đất, trùng trùng điệp điệp như cây rừng. Có nguồn chuyện nói quân Hy Lạp có đến 100.000 người và 1.186 chiến thuyền. Chúng ta ngày nay nghe vậy cũng biết vậy chứ chẳng có gì làm bằng chứng để biết chính xác, hư thực thế nào.

Công việc cuối cùng là làm lễ hiến tế các thần linh rồi xuất phát. Các vị tướng Hy Lạp lần lượt đến quỳ trước bàn thờ, dâng lễ vật, cầu xin thần thánh ban cho cuộc hành trình của đoàn quân được thuận buồm xuôi gió. Đang khi làm lễ thì bỗng đâu xuất hiện một con rắn mình đỏ như máu từ dưới gầm bàn thờ trườn bò ra ngoài. Mọi người cả kinh theo dõi con vật đoán chừng đây là điềm báo của thánh thần. Con rắn đỏ bò ra rồi leo lên một ngọn cây ngô đồng cao to mọc ở gần đó. Nó leo thẳng lên ngọn cây và sà vào một tổ chim nuốt chết một con chim mẹ và tám con chim con. Sau đó con rắn biến thành một hòn đá rơi xuống đất. Mọi người xôn xao cả lên, kẻ bảo điềm gở, người bảo điềm lành. Cuối cùng chỉ có nhà tiên tri Calchas bình giải thì mọi người mới hiểu được ý nghĩa: người Hy Lạp phải chiến đấu suốt chín năm trường, đến năm thứ mười thì hạ được thành Troie. Các tướng lĩnh Hy Lạp vô cùng hoan hỉ khi được Số mệnh và thần linh tiên báo trước điềm lành. Họ lễ tạ thần linh rồi ra lệnh xuất phát. Các con thuyền rẽ sóng nhằm hướng Đông đi tới. Không rõ đoàn thuyền vượt biển mất bao ngày nhưng người xưa nói là chặng đường đầu tiên họ đi khá nhanh, vào một đêm tối trời, đoàn quân Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie nhưng lại tưởng rằng mình đã đến vùng đồng bằng Troade. Họ bắt đầu cuộc tiến công đánh chiếm cướp phá vương quốc của Télèphe. Vị vua này vốn là con trai người anh hùng Héraclès và người thiếu nữ Augé. Xưa kia cha nàng là nhà vua Aléos trị vì ở đất Tégée thuộc xứ Arcadie trên bán đảo Péloponnèse. Ông lấy nàng Néère và sinh được ba trai một gái. Trong một buổi đến cầu khấn ở đền thờ Delphes, ông được thần Apollon ban truyền cho biết: người con gái của ông, nàng Augé, sau này sẽ sinh ra một đứa con trai, và đứa con đó sẽ giết chết ba người bác ruột của nó. Quá ư sợ hãi về lời sấm truyền, Aléos đem dâng người con gái cho việc thờ phụng nữ thần Athéna. Như vậy nàng suốt đời sẽ trinh trắng, chẳng hề biết đến chồng con, tai họa hẳn không thể nào xảy ra được. Nhưng người anh hùng Héraclès trong cuộc hành trình của mình đã dừng chân nghỉ lại ở vương quốc của Aléos. Chàng say đắm trước vẻ đẹp trong trắng của người thiếu nữ trông coi việc thờ phụng ở ngôi đền nữ thần Athéna, và trong một phút không làm chủ được mình, chàng đã cưỡng bức Augé. Hành động đó làm ô uế nơi thánh đường trang nghiêm của Athéna khiến nữ thần nổi giận, giáng xuống một bệnh dịch khủng khiếp. Aléos lại phải sắm sanh lễ vật cầu khấn thần linh. Sau khi nhận được lời phán truyền của thần thánh, ông giao Augé con gái mình cho vua đảo Eubée tên là Nauplios, vốn là một thủy thủ lành nghề, để nhà vua này dìm Augé xuống sông, xuống biển cho chết đi. Nhưng Nauplios động lòng trắc ẩn chẳng nỡ làm một việc thất đức bất nhân. Vừa khi đó thì Augé lại sinh một đứa con trai và nàng đặt tên con là Télèphe. Nauplios đem hai mẹ con bỏ vào rừng. Sau bao nhiêu năm trôi nổi, Augé được vua Teuthras cưới làm vợ. Còn Télèphe, những người chăn cừu đón được đem về dâng cho vua Corythos. Có chuyện kể, chú bé Télèphe khi bị bỏ vào rừng đã được con hươu của nữ thần Artémis nuôi. Lớn lên, Télèphe tuân theo lời sấm ngôn xin được ở đền thờ Delphes, sang đất Mysie tìm mẹ. Trên đường đi chàng đã vô tình giết chết hai người bác ruột của mình trong một cuộc xô xát. Kế đến khi vua Teuthras băng hà, Télèphe lên nối ngôi trị vì ở xứ Mysie. Có chuyện kể, hai mẹ con Augé và Télèphe bị truy đuổi, cùng đường phải nhảy xuống biển và bơi được tới đất Mysie. Lai lịch vua Télèphe là như thế.

Lại nói tiếp về việc những người Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie. Xung đột nổ ra dữ dội. Thấy đất nước bị một bọn người từ đâu đến vây đánh, cướp phá, Télèphe liền dốc thúc quân sĩ ra đánh trả. Có thể nói đây là một cuộc hỗn chiến vì hai bên đánh nhau trong đêm đen. Quân Hy Lạp bị tổn thất một số danh tướng. Patrocle, một người bạn chiến đấu thân thiết của Achille bị thương. Achille xông lên trả thù cho bạn. Chàng phóng lao trúng bụng Télèphe khiến nhà vua bị thương. Lừa lúc tối trời, Télèphe ra lệnh thu quân về cố thủ trong thành. Trời sáng, quân Hy Lạp biết rằng mình đã nhầm. Họ đánh nhau với người Mysie chứ không phải với người Troie, và như vậy họ đã đánh nhầm với những người bạn chứ không phải kẻ thù. Thật đau xót. Họ cử sứ giả đến gặp Télèphe xin lỗi về hành động nhầm lẫn vừa xảy ra và trân trọng mời Télèphe tham dự cuộc tiến đánh thành Troie. Télèphe chấp nhận sự hòa giải nhưng khước từ việc tham dự cuộc chiến tranh thành Troie vì lẽ nhà vua hiện đang bị thương. Vả lại nhà vua mới cưới vợ mà vợ của nhà vua lại là em ruột của vua Priam. Không lẽ em rể lại đem quân đánh anh vợ khi chẳng có một nguyên do gì. Những người Hy Lạp sau khi làm lễ an táng cho những tử sĩ bèn tiếp tục cuộc hành quân sang thành Troie. Nhưng thuyền của họ vừa ra khơi thì gặp bão lớn. Sóng gió của Đại dương đã nhấn chìm không biết bao nhiêu con thuyền xuống đáy biển. Bão tan họ chẳng còn biết phương hướng thế nào. Họ đi quanh quẩn mãi trên biển khơi và cuối cùng lại trôi dạt về Aulis, một đô thành hải cảng ở miền trung Hy Lạp mà họ vừa mới từ đó ra đi.


Quyển 2 – Chương 65: Quân Hy Lạp lại tập trung ở Aulis

Đoàn chiến thuyền của Hy Lạp trở về Aulis. Nhiều tướng lĩnh kéo thuyền lên bờ. Một số tướng khác thì chán nản chẳng ở lại doanh trại trên bờ biền mà bỏ về nhà, trong số này có vị tổng chỉ huy Agamemnon. Không ai biết ngày nào sẽ xuất quân. Chẳng phải các anh hùng, binh sĩ đã mất hết nhuệ khí sau trận bão mà chỉ vì không có người dẫn đường chỉ lối. Cần phải tìm được một người dẫn đường, và người đó chỉ có thể là Télèphe.

Lại nói về Télèphe. Sau khi bị thương vào bụng, Télèphe cố sức chữa chạy nhưng tiếc thay vết thương chẳng những không lành mà lại ngày càng thêm nặng làm cho Télèphe vô cùng đau đớn. Cùng quá, Télèphe phải cho người sang đền thờ Delphes xin thần Apollon một lời chỉ dẫn. Cô đồng Pythie truyền cho biết, chỉ có người làm Télèphe bị thương mới chữa khỏi vết thương. Thế là Télèphe phải lặn lội sang đất Hy Lạp. Chàng giả dạng làm một ông già ốm yếu chống gậy đến đô thành Mycènes của tướng Agamemnon định bụng nhờ chủ tướng nói với người anh hùng Achille chữa chạy cho mình. Người đầu tiên bắt gặp Télèphe đi vào cung điện là nàng Clytemnestre, vợ của Agamemnon. Télèphe bèn nói rõ cho nàng biết mình từ đâu đến và nhằm mục đích gì. Nghe Télèphe nói rõ sự tình, Clytemnestre bày cho người anh hùng bị thương đó một kế phải vào cung bắt sống ngay đứa con trai của Agamemnon, lúc này còn đang nhỏ tên là Oreste và dùng đứa bé làm con tin. Nếu Agamemnon mà không bảo đảm mời được Achille tới chữa lành cho Télèphe thì Télèphe sẽ giết chết tươi đứa bé. Télèphe làm theo kế đó. Phần vì sợ Télèphe giết mất đứa con, phần vì biết Télèphe là người am hiểu đường đến thành Troie nên Agamemnon rất nhiệt tình giúp Télèphe. Ông cho người mời Achille đến và giao cho Achille chữa lành vết thương của Télèphe. Achille rất lấy làm ngạc nhiên khi được giao nhiệm vụ này bởi vì chàng có am hiểu gì đâu về thuật chữa bệnh. Nhưng người anh hùng Ulysse đã nói cho chàng biết: không cần phải đi tìm thuốc men ở đâu xa, chỉ cần cạo gỉ sắt ở đầu ngọn lao của Achille ra rắc vào vết thương là khỏi, nhưng phải nhớ là gỉ sắt ở ngọn lao của Achille. Thế là chỉ ít ngày sau vết thương của Télèphe lành hẳn. Thật là kỳ diệu. Được chữa khỏi bệnh, Télèphe rất vui mừng. Đền đáp lại, chàng sẵn sàng dẫn quân Hy Lạp vượt biển đổ bộ lên đất Troie.

Lại một lần tập trung quân sĩ. Lại làm lễ hiến tế cầu khấn thần linh. Nhưng ác hại thay trời vẫn không thuận gió. Cầu khấn hết ngày này qua ngày khác mà chờ đợi vẫn hoàn chờ đợi. Mọi người lại phải mời nhà tiên tri già đầu bạc Calchas lên tiếng. Cụ già sau khi tính tính toán toán bằng pháp thuật của mình bèn phán truyền rằng nguyên nhân của tai họa này là vì Agamemnon đã xúc phạm đến nữ thần Artémis. Muốn làm nguôi cơn thịnh nộ của nữ thần, theo Calchas, Agamemnon phải hiến dâng cho nữ thần nàng Iphigénie con gái của mình, một trinh nữ, để nữ thần dùng làm người tháp tùng. Vì sao Agamemnon lại phải chịu một sự chuộc tội đau đớn, khủng khiếp đến thế. Ông ta đã phạm tội gì? Người xưa kể: có một lần Agamemnon ba hoa trước bạn bè, quân sĩ rằng trong một cuộc đi săn ông ta đã hạ được một con hươu cái mà vẻ đẹp và tài chạy nhanh của nó thì ngay đến cả hươu của nữ thần Artémis cũng không tài gì sánh nổi. Có chuyện lại kể, vì quân Hy Lạp đã giết mất của nữ thần Artémis một con thỏ tuyệt đẹp, một con thỏ mà xưa nay nữ thần vẫn sùng ái. Nhưng lại có người kể, và xem ra cách kể này có vẻ đúng hơn, rằng xưa kia Atrée, cha của Agamemnon đã bội ước với nữ thần Artémis. Năm ấy, nhẽ ra Atrée phải giết một con cừu có bộ lông vàng (có chuyện kể là con hươu) để dâng Artémis thì Atrée giấu đi và thay thế bằng một con cừu bình thường. Vì lẽ đó bây giờ con của Atrée phải chuộc tội cho cha.

Nghe lời phán truyền của Calchas, Agamemnon sợ hãi rụng rời. Ông muốn ra lệnh bãi binh để khỏi phải giết người con gái yêu quý. Nhưng Ménélas và các tướng lĩnh Hy Lạp đòi ông, buộc ông phải tuân theo ý muốn của thần linh. Cuối cùng, Agamemnon phải sai quân hầu về gọi Iphigénie tới Aulis. Nhưng tới Aulis để làm gì? Agamemnon bịa ra một chuyện: Achille có ý định làm lễ kết hôn với Iphigénie trước khi lên đường chinh chiến. Mặt khác, Agamemnon lại sai người mật báo cho vợ đừng có dẫn Iphigénie đến Aulis. Chẳng may người này bị Ménélas bắt được. Biết chuyện, Ménélas không còn nể nang anh em gì nữa, mắng nhiếc Agamemnon thậm tệ kết tội anh mình là kẻ phản bội lại quyền lợi của con dân Hy Lạp. Cuộc đấu khẩu diễn ra khá căng thẳng. Trong khi đó có người đến báo tin Clytemnestre cùng với hai con là Iphigénie và Oreste tới. Tình cảnh lúc này thật khó xử và đã xảy ra những chuyện lầm lẫn tức cười. Gặp vợ và con gái, Agamemnon không sao che giấu được nỗi buồn, nhưng cũng không dám nói thật cho vợ và con gái biết. Còn Iphigénie thì vô cùng thắc mắc trước vẻ mặt buồn bã, bối rối, lúng túng của cha, nhất là khi thấy cha khuyên mẹ nên trở về Mycènes ngay.

Lại đến chuyện khi Achille đi tìm Agamemnon để thông báo cho chủ tướng biết tình hình binh sĩ đang nóng ruột chờ đợi lệnh xuất phát thì gặp Clytemnestre. Biết vị anh hùng đi tìm chồng mình là Achille, người sắp làm lễ thành hôn với con gái mình, Clytemnestre niềm nở hỏi han và coi chàng như con rể. Achille ngạc nhiên hết sức vì chàng chưa bao giờ ngỏ ý muốn kết hôn với con gái của Agamemnon. Vì lẽ đó, khi rõ chuyện, Clytemnestre rất ngượng. Vừa khi ấy, một gia nhân của Clytemnestre biết sự thật của việc gọi Iphigénie đến Aulis bèn nói rõ cho nàng biết. Clytemnestre kinh hoàng, rụng rời cả người. Trong phút quẫn bách ấy, nàng quỳ xuống trước mặt Achille xin chàng rủ lòng thương bảo vệ cho tính mạng người con gái của nàng. Achille xúc động trước những lời than khóc cầu xin của Clytemnestre, đã thề hứa sẽ bảo vệ cho Iphigénie. Chợt Agamemnon về, thế là xảy ra xung đột giữa hai vợ chồng. Clytemnestre trách chồng tàn nhẫn, dối trá, lừa lọc. Agamemnon ra sức giãi bày, thanh minh với vợ, rằng ông ở vào một tình thế khó xử, rằng ông không thể vì tình riêng mà quên đi việc lớn của cả đất nước Hy Lạp, rằng đoàn quân Hy Lạp đang nóng lòng được sớm bước vào cuộc giao tranh với người Troie. Nếu chống lại, đi ngược lại ý chí của toàn quân ông sẽ bị họ trừng trị và cuối cùng thì Iphigénie vẫn cứ phải làm vật hiến tế để dâng cho nữ thần Artémis.

Lại xảy ra một vụ rối loạn. Achille tuyên bố trước ba quân, không cho một ai đụng đến Iphigénie, không cho một ai đem nàng đi làm lễ hiến tế vì nàng là vợ chưa cưới của mình. Quân sĩ bất bình, nhao nhao phản đối, ném đá tới tấp vào Achille khiến chàng phải chạy về lều của mình và cử những bạn bè tâm huyết ra tay gươm tay giáo để sẵn sàng chống đỡ. Cùng lúc đó, Ulysse dẫn đầu một số quân sĩ xông đến lều của Agamemnon, đòi vị Tổng Chỉ huy phải thực hiện đúng lời truyền phán của thần thánh để đoàn quân Hy Lạp sớm được xuất phát. Nếu kéo dài mãi cái cảnh ăn chực nằm chờ thì quân đội có nguy cơ tan rã.

Đang lúc rối ren khó xử ấy thì Iphlgiêni đứng ra kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, hòa giải với nhau. Nàng tuyên bố sẵn sàng hy sinh thân mình, tự nguyện hy sinh thân mình cho sự nghiệp lớn của con dân Hy Lạp. Nàng không muốn cưỡng lại ý chí của thần thánh, của nữ thần Artémis, người Trinh nữ Xạ thủ có cây cung vàng. Nàng khuyên Achille hãy từ bỏ lời thề hứa thiêng liêng bảo vệ nàng. Nàng nói:

– Hỡi các vị dũng tướng, anh hùng! Hãy cho ta tiến đến trước bàn thờ của nữ thần Artémis để ta đón nhận một cái chết vinh quang! Một người con gái Hy Lạp dù sao cũng biết hiến thân cho sự nghiệp anh hùng của toàn dân như các anh hùng, dũng sĩ. Xin hãy để cho người con gái đó tiến đến trước bàn thờ nữ thần Artémis để đón nhận cái chết như những anh hùng, dũng sĩ tiến đến trước mũi lao của kẻ thù, đón nhận một cuộc giao tranh đẫm máu! Rồi mai đây khi thành Troie bị người Hy Lạp đánh chiếm, chiến công vinh quang của họ chính là chiến công vinh quang của ta. Vì thế ta không ân hận nuối tiếc gì khi sớm phải từ giã cuộc đời vào lúc đầu xanh tuổi trẻ. Bởi vì chết cho sự nghiệp vinh quang của người Hy Lạp là một cái chết anh hùng, một cái chết đáng được lưu danh muôn thuở.

Nói xong, nàng dũng cảm tiến thẳng đến trước bàn thờ. Nàng đi giữa hai hàng quân khiên giáp sáng ngời, dáng đi uy nghi, lộng lẫy, oai hùng sánh tựa thần linh. Agamemnon nhìn con gái nước mắt lã chã tuôn rơi. Iphigénie dừng lại, đứng thẳng trước bàn thờ nữ thần Artémis, người Trinh nữ Xạ thủ có cây cung vàng, mắt ngước nhìn lên với vẻ thành kính chứa chan. Người truyền lệnh cầm loa truyền báo cho toàn quân biết lễ hiến tế sắp sửa bắt đầu. Một bầu không khí trang nghiêm, lạnh lùng, nặng nề bao trùm lên cả đạo quân đang đứng im phăng phắc. Lão vương Calchas, nhà tiên tri già đầu bạc tiến ra đội lên đầu người trinh nữ một vòng hoa rồi dẫn nàng đến quỳ trước bàn thờ. Sau khi làm những lễ nghi như vẩy rượu thánh, rắc bột trộn với muối lên vật hiến tế, người chủ lễ lên tiếng cầu khấn thần thánh cho đoàn quân Hy Lạp xuất quân được thuận buồm xuôi gió và giành được chiến thắng vẻ vang. Một tên lính hầu đem đến đấng lão vương Calchas một chiếc khay vàng trên đặt một con dao nhọn. Calchas cầm dao tiến đến sát mặt Iphigénie, đưa một tay ra nắm lấy tóc nàng kéo giật về phía sau rồi thọc mạnh mũi dao vào cổ nàng. Nhiều người nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh khủng khiếp ấy. Có tiếng khóc nấc lên. Máu từ cổ nàng trào ra đỏ thắm. Nhưng kìa lạ thay, không phải là Iphigénie bị ngã gục trước bàn thờ mà là một con hươu, một con hươu bị đâm vào cổ, máu trào ra đỏ thắm đang nằm quằn quại, giãy giụa. Một phép màu nhiệm đã diễn ra. Nữ thần Artémis đã đến cướp người trinh nữ xinh đẹp ấy đi và thay thế bằng một con hươu. Toàn quân Hy Lạp vô cùng sửng sốt trước kỳ tích ấy. Họ hiểu ngay rằng nữ thần Artémis đã chấp nhận lời cầu nguyện của họ. Lão vương Calchas reo to lên:

– Hỡi những người Hy Lạp thần thánh! Nữ thần Artémis đã chấp nhận lễ vật và những lời cầu xin của chúng ta! Hãy reo vang lên và tin chắc rằng chúng ta sẽ xuất quân thắng lợi!

Toàn quân Hy Lạp đồng thanh thét lớn và chuyển động như một khu rừng gặp trận gió mạnh. Agamemnon chạy vội về báo tin cho Clytemnestre biết kỳ tích vừa xảy ra. Sau đó vị Tổng Chỉ huy ra lệnh cho ba quân nhổ trại xuống thuyền giương buồm vượt biển. Vì trời đã nổi gió, những cơn gió rất thuận lợi cho những con thuyền Hy Lạp thẳng tiến sang phương Đông, vùng bờ biển Tiểu Á.

Còn nữ thần Artémis bắt Iphigénie đưa đi đâu? Nữ thần bằng pháp thuật của mình đưa nàng tới một nơi xa tít tắp mù khơi, đó là đất Tauride214 ở vùng bờ biển Pont-Euxin. Tại đây Iphigénie trở thành tăng nữ của Artémis.

Chuyện Agamemnon hiến dâng người con gái của mình cho nữ thần Artémis và nữ thần bằng phép lạ của mình thay thế người trinh nữ bằng một con hươu phảng phất giống một câu chuyện trong Kinh Thánh: Đấng Vĩnh hằng thử thách Abraham, ra lệnh cho Abraham làm lễ hiến tế đứa con trai của Abraham là Isaac. Thật ra thì phải nói ngược lại mới đúng. Câu chuyện trong Kinh Thánh phảng phất giống câu chuyện của thần thoại Hy Lạp. Abraham tuân lời của đấng Vĩnh hằng đem cậu con trai Isaac ra làm lễ hiến tế. Chính vào lúc Abraham sắp thọc mũi dao nhọn vào cổ đứa con trai thì một thiên thần được đấng Vĩnh hằng phái xuống ra lệnh cho Abraham dừng tay. Thiên thần nói cho Abraham biết, đây chỉ là một thử thách của Thượng đế. Thượng đế đã chứng giám tấm lòng thành kính của Abraham, dù chỉ có một đứa con trai duy nhất cũng hiến dâng Thượng đế, và bỗng đâu xuất hiện sau lưng Abraham một con cừu đực nằm trong một bụi cây. Abraham bèn bắt con cừu đực đó để làm lễ hiến tế thay cho cậu con trai Isaac. Nhờ ngoan đạo như thế cho nên sau này Thượng đế gọi Abraham lên trời, khen thưởng, ban cho ông con đàn cháu đống, phúc, lộc, thọ, an, khang, ninh đời đời!215

Xem thế thì Kinh Thánh chẳng phải được viết ra do thiên khải. Thần thoại Thiên Chúa giáo chỉ là một sản phẩm của lịch sử và chịu những tác động khách quan của lịch sử. Những môtíp và diễn biến của hai câu chuyện thần thoại trên có nhiều nét giống nhau. Nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn khác nhau. Nằm trong truyền thuyết về cuộc Chiến tranh Troie, chuyện giết Iphigénie để hiến tế nữ thần Artémis không phải nhằm mục đích chủ yếu là chứng minh cho quyền lực của nữ thần. Nó là thần thoại kết bện với truyền thuyết lịch sử để phản ánh, để khẳng định chiều hướng của lịch sử: Chiến tranh cướp bóc của những liên minh nhà nước sơ khai ở trên đất Hy Lạp đối với thế giới phương Đông, ở vùng bờ biển Tiểu Á.

[214] Đất Tauride ngày nay là vùng Crimée ở Liên Xô cũ.

[215] Xem La Sainte Bible, Louis Segond, Paris 1949, Genèse 21: Abraham mis à l’épreuve par l’éternel, qui lui ordonne d’offrir en holocauste son fils Isaac.

Quyển 2 – Chương 66: Tướng Philoctète bị bỏ lại ở dọc đường

Đoàn quân Hy Lạp tiến sang đất Troie được sự phù trợ của thần thánh nên rất thuận lợi. Chẳng bao lâu mà những người Hy Lạp đã sắp tới đảo Lemnos. Gần đảo Lemnos có hòn Chrysé, một đảo nhỏ hoang dại. Tuy nhiên ở đây lại có một ngôi đền thờ nữ thần Chrysé nổi tiếng rất thiêng. Theo lời chỉ dẫn của một nhà tiên tri, đoàn quân Hy Lạp phải tới hòn đảo này tìm ngôi đền thờ nữ thần Crida để dâng lễ, nếu không thì những người Hy Lạp không thể đánh chiếm nổi thành Troie. Người anh hùng Héraclès, con của thần Zeus giáng sấm sét, trong cuộc tiến đánh thành Troie để trả thù Laomédon về cái tội lừa lọc, bội ước cũng đã dừng chân lại chốn này, tìm bằng được ngôi đền thờ để dâng lễ. Những người Argonautes trong cuộc hành trình đi sang xứ Colchide cũng đã cử đích thân thủ lĩnh Jason tới dâng lễ ở ngôi đền thờ này. Giờ đây đến phiên người Hy Lạp, trong cuộc Chiến tranh Troie lần thứ hai để trừng phạt chàng Paris con của vua Priam đã can tội vi phạm truyền thống quý người trọng khách.

Hội đồng Tướng lĩnh quyết định cử tướng Philoctète, một đồ đệ và cũng là một chiến hữu trung thành của Héraclès xưa kia, dẫn đường lên đảo để tìm ngôi đền thờ. Đảo hoang nên cỏ lau, cây dại mọc ngút ngàn, chẳng có đường mòn lối cũ, cũng chẳng có một dấu chân nên rất khó tìm. Philoctète phải vừa đi vừa vạch đường cho anh em đi sau. Khó khăn, nhưng rồi cuối cùng chàng tìm ra được ngôi đền. Philoctète sung sướng reo to lên và bước qua ngưỡng cửa. Bất chợt có một con rắn khá to từ một bụi cây quăng mình ra mổ vào chân Philoctète một cái. Đau quá vị tướng này thét lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Các chiến hữu nghe tiếng thét vội chạy đến nhưng vô kế khả thi. Chẳng ai là người biết một phương thuốc gì thần diệu để chữa chạy cho Philoctète. Họ dìu Philoctète ra thuyền. Vết thương của chàng bốc lên một mùi hôi thối rất khó chịu. Chàng nằm bất động trên thuyền, rên rỉ, kêu la. Sau khi làm lễ hiến tế, đoàn thuyền Hy Lạp nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng quả thật là khó chịu vô cùng. Vết thương của Philoctète bốc mùi nồng nặc, còn Philoctète thì không sao chịu đựng nổi những nhức nhối, đau buốt, chàng rên la suốt ngày đêm. Tình cảnh phiền toái như thế, Ulysse thấy phải cần vứt bỏ Philoctète lại dọc đường để bảo đảm cho cuộc hành quân được hoàn thành nhanh chóng. Chàng đề đạt biện pháp ấy với Hội đồng Tướng lĩnh, và Hội đồng đã đồng thanh nhất trí chuẩn y lời đề nghị của Ulysse. Đoàn chiến thuyền qua đảo Lemnos dừng lại. Người ta cho khiêng Philoctète lên bờ. Lúc này chàng mệt quá vì đau đớn ngủ thiếp đi nên không hay biết gì hết. Đến khi chàng tỉnh dậy thì thấy mình nằm trơ trọi trên bãi biển vắng hoang, bên cạnh có cây cung, ống tên và một ít lương thực.

Philoctète giận dữ vô cùng. Bọn người Hy Lạp đã bất nhân bất nghĩa đến thế thì thôi. Chúng bỏ chàng lại ở nơi hoang đảo này coi như chúng đã giết chàng. Chàng làm sao có thể sống nổi khi người ốm yếu, chân mang thương tích. Nhưng chàng nghĩ: ta còn cây cung và ống tên của thần Héraclès đây. Chắc rằng thần thánh không nỡ bỏ mặc ta mà không động lòng trắc ẩn, phù hộ, giúp đỡ ta vượt qua khỏi nỗi bất hạnh này. Rồi thì mọi việc sẽ trôi qua. Bây giờ trước hết là không được nản chí. Từ đó trở đi Philoctète bắt đầu cuộc sống của một con người trên hoang đảo. Ý chí và nghị lực cũng như sự giúp đỡ của thần thánh đã giúp chàng sống qua hết năm này đến năm khác.., và chín năm trôi qua cho đến năm thứ mười, theo sự phán truyền của thần thánh quân Hy Lạp nếu không đón được chàng về để chàng tham dự cuộc chiến đấu bằng cây cung và ống tên của mình thì quân Hy Lạp không thể nào hạ được thành Troie. Chỉ đến khi đó những người Hy Lạp mới cho thuyền, cử người đi tìm Philoctète về.

Sau khi bỏ Philoctète lại trên hoang đảo, đoàn thuyền Hy Lạp thẳng tiến tới thành Troie. Cuộc xung đột giữa thế giới Hy Lạp ở Nam Địa Trung Hải với thế giới phương Đông vùng phía bắc ven biển Tiểu Á chỉ còn là chuyện ngày xưa.

Quyển 2 – Chương 67: Những gì đã xảy ra trong chín năm giao tranh

Theo quyết định của Số mệnh và thần thánh, quân Hy Lạp phải chiến đấu mười năm mới hạ được thành Troie. Những người Hy Lạp biết rõ điều đó. Nhưng họ không vì thế mà nản lòng, không vì thế mà ngồi chờ cho đến năm thứ mười mới tung quân vào đánh những trận quyết liệt. Ngược lại, ngay từ đầu họ đã lao vào những trận đánh lớn dường như chẳng quan tâm gì đến lời phán truyền của Số mệnh và thần thánh. Dường như họ muốn và có hy vọng có thể kết thúc cuộc tiến công của họ trước, sớm hơn điều tiền định của thần thánh.

Đoàn thuyền Hy Lạp cập bờ biển Troie, dàn hàng ngang và chuẩn bị đổ bộ, nhưng họ đã thấy trên bờ biển, quân Troie đông nghịt cũng đã dàn ra không rõ từ bao giờ, sẵn sàng nghênh chiến. Cầm đầu đạo quân Troie đông đảo là dũng tướng Hector luyện thuần chiến mã, con của vua Priam giàu có. Quân Hy Lạp do dự hồi lâu rồi sau mới quyết định tiến công. Mặc dù có một lời phán truyền của Số mệnh rằng người Hy Lạp nào đặt chân đầu tiên lên đất Troie sẽ bị chết, nhưng các dũng tướng Hy Lạp không vì thế mà chùn bước. Ulysse vứt tấm khiên của mình lên bờ và chàng thoắt một cái nhảy vọt lên, chân đặt lên tấm khiên rồi sau đó mới bước xuống đất để lao vào cuộc giao tranh. Làm như thế chàng sẽ chẳng phải là người hy sinh đầu tiên mà vẫn là vị tướng dũng cảm xông lên hàng đầu để lôi kéo binh sĩ. Cùng lúc với Ulysse nhảy lên bờ là tướng Protésilas. Chàng cầm đầu một vương quốc ở xứ Thessalie, đưa đạo quân đông đảo thiện chiến của mình cùng với bốn mươi chiến thuyền tham dự cuộc viễn chinh. Nhìn thấy Ulysse vứt tấm khiên lên bờ, Protésilas bèn chờ Ulysse nhảy là mình nhảy tiếp theo, như vậy mình chẳng phải là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Troie. Song Protésilas hiểu sao được đầu óc tinh khôn của người anh hùng này, và tuy nhảy sau Ulysse nhưng chàng vẫn là người đầu tiên đặt chân lăn đất Troie. Chàng vung gươm giương khiên lao vào giao đấu với Hector. Người anh hùng con của vua Priam giàu có, bình tĩnh nhằm chàng dũng sĩ đang chạy tới trước mặt mình, phóng đi một ngọn lao ác hiểm. Mũi lao bay đi xuyên qua tấm khiên dày chắn trước ngực, cắm sâu vào trái tim người anh hùng Hy Lạp. Thế là linh hồn Protésilas vĩnh viễn ra đi. Cuộc hỗn chiến bạo tàn mở đầu bằng cái chết của Protésilas bắt đầu. Sau một ngày giao tranh đẫm máu, quân hai bên xác chết đầy đồng. Chiều đến quân Troie lui về cố thủ sau những bức tường kiên cố. Sáng hôm sau hai bên thỏa thuận ngừng chiến để thu nhặt các tử sĩ và làm lễ an táng. Những ngày tiếp sau, quân Troie vẫn cố thủ trong thành, còn quân Hy Lạp thì bắt đầu công việc xây dựng chiến lũy. Họ kéo tất cả những chiến thuyền lên bờ để tập trung lại thành một dãy dài rồi đắp một bức tường cao che chắn lại. Trước bức tường là một con hào sâu và rộng. Doanh trại của quân Hy Lạp đóng dài từ đầu đến cuối bức tường. Lều của chủ tướng Agamemnon nằm ở quãng giữa. Khi xây dựng thành lũy và sắp đặt việc canh gác, phòng thủ đã xong, quân Hy Lạp bèn cử một phái đoàn do tướng Ménélas và Ulysse vào thành Troie thương thuyết. Lão tướng Anténor, anh rể của vua Priam tiếp đãi đoàn sứ giả Hy Lạp rất trọng thể. Ông là người có thiện chí và rất mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng thương lượng. Vua Priam được tin có đoàn sứ giả Hy Lạp đến liền cho lệnh triệu tập ngay Đại hội Nhân dân để cho mọi người được công khai biết rõ mọi sự việc và bày tỏ thái độ. Những người Troie mời Ménélas và Ulysse tới dự và trình bày chủ kiến. Ménélas lên tiếng trước. Chàng nói ngắn gọn, bày tỏ ý muốn người Troie giao trả lại cho mình nàng Hélène cùng với những của cải mà họ đã cướp đi. Tiếp đến là Ulysse, với tài nói hùng hồn, uyển chuyển, hấp dẫn, chàng thuyết phục người Troie nên giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng của Ménélas, như vậy tránh cho con dân hai bên khỏi đổ máu mà lại mở ra mối bang giao hòa hiếu sau này. Những người Troie nghe Ulysse nói như uống từng lời. Người ta bảo, không phải Ulysse nói mà là chàng đang rót mật ong vàng pha với rượu vang mời mọi người cùng thưởng thức. Lão tướng Anténor cũng đứng lên thuyết phục nhân dân nên chấp nhận những đòi hỏi khiêm tốn của quân Hy Lạp. Nhưng ngược lại, những người con trai của vua Priam không muốn thế. Người chống lại quyết liệt nhất là Paris. Chàng coi Hélène là báu vật mà nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp-Aphrodite ban cho mình. Chẳng nhẽ chàng lại bị cướp không tặng vật thiêng liêng mà chàng đã được trả công xứng đáng trong cuộc phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng “tặng người đẹp nhất”? Paris lôi kéo được một số anh em tán thưởng với mình, thậm chí Antimaque, một người em của Paris, lại đưa ra những đòi hỏi quá khích. Y kêu gào mọi người phải bắt ngay Ménélas và Ulysse đưa ra xử tội trước Đại hội Nhân dân nhưng vua Priam và dũng tướng Hector đứng lên phản đối. Một hành động quá khích như vậy là vi phạm vào những đạo luật thiêng liêng che chở cho những sứ giả, đạo luật do thần Zeus ban bố. Hội nghị Nhân dân nghe rất nhiều ý kiến trái ngược nhau nên chưa thể quyết định theo một ý kiến nào. Đang lúc nhân dân còn chưa định liệu được thái độ của mình thì Hélénos, em của Paris, đứng lên hô hào những người Troie hãy tiếp tục cuộc chiến tranh. Hélénos cất tiếng dõng dạc, bừng bừng nhiệt tình nói những lời lẽ như sau:

– Hỡi những người Troie luyện thuần chiến mã! Nếu chúng ta chấp nhận những kiến nghị của người Hy Lạp đưa ra thì có nghĩa là chúng ta đã vứt bỏ danh dự của những người anh hùng con dòng cháu giống của Dardanos tổ phụ. Paris không cướp nàng Hélène của Ménélas. Nữ thần Aphrodite đã ban người đàn bà xinh đẹp tuyệt vời ấy cho chàng. Lẽ nào chàng trai đẹp nhất ở châu Á phân xử rất sáng suốt vụ tranh chấp rất quyết liệt về cái đẹp, quyết định xem vị nữ thần nào là đẹp nhất lại không xứng đáng được nhận một phần thưởng về cái đẹp, một người đàn bà đẹp nhất châu Âu hay sao? Những người Hy Lạp và người anh hùng Ménélas hãy tìm đến nữ thần Aphrodite mà đòi mà hỏi. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết tuân theo những lời phán bảo của thần linh. Những người Hy Lạp đã xâm phạm vào đất đai thiêng liêng của chúng ta. Chúng đánh chúng ta rồi chúng lại cử người đến đưa ra những lời nghị hòa. Sao chúng không đưa ra những lời nghị hòa trước khi đổ quân lên đồng bằng Troade này? Chúng đòi chúng ta hòa giải, chúng đòi chúng ta nhân nhượng. Không thể được! Hỡi những người Troie luyện thuần chiến mã, con dòng cháu giống của tổ phụ Dardanos phóng lao điêu luyện! Hãy xông lên chiến đấu để bảo vệ đô thành thiêng lêng của chúng ta! Thần Zeus và các vị thần Olympe sẽ giúp chúng ta giành được thắng lợi! Nếu chúng ta nhân nhượng chúng thì liệu chúng có xuống thuyền về nước hay không? Hay là sau khi đòi được nàng Hélène chúng lại cứ tiếp tục vây đánh chúng ta? Không, nhất quyết không, không thể nào tin vào lời chúng được!

Rõ ràng một bầu không khí như vậy không thể tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc thương thuyết. Đại hội Nhân dân xem ra không thể quyết định được giữa tiếp tục chiến tranh với thương lượng, và như vậy có nghĩa là tiếp tục chiến tranh. Đoàn sứ giả Hy Lạp đành phải ra về.

Cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng quyết liệt. Quân Hy Lạp bao vây thành Troie. Quân Troie cố thủ trong thành và không tham chiến. Đã nhiều lần quân Hy Lạp mưu đột phá vào trong thành, chọn những chỗ xung yếu cho quân mang thang để trèo tường, vượt tường nhưng đều bị thất bại. Họ bèn đổi cách đánh, không tập trung lực lượng đánh thành nữa mà đem quân đi đánh các lực lượng xung quanh vùng đồng bằng Troade vốn là bạn đồng minh của quân Troie. Vả lại tình thế cũng buộc họ phải đánh theo cách ấy. Nếu không họ chẳng có nguồn lương thực nào để tiếp tục tiến hành chiến tranh. Nhiều hòn đảo bị quân Hy Lạp đổ bộ lăn cướp phá. Nhiều đô thành bị quân Hy Lạp vây đánh triệt hạ. Biết bao tướng sĩ Hy Lạp đã lập được những chiến công to lớn. Tuy nhiên nếu bình công thì chàng Achille con của nữ thần Biển-Thétis phải là vị anh hùng có công lớn nhất. Chàng đã triệt hạ mười hai thành bằng đường thủy và mười một thành bằng đường bộ. Trong số những đô thành bị Achille triệt hạ có thành Thèbes cổng cao ở đất Tiểu Á do vua Éétion bố vợ của dũng tướng Hector trị vì. Chính tay Achille đã giết chết lão vương song không giữ thi hài cụ lại để hành hạ, bêu riếu nhằm đòi của chuộc. Achille đã hỏa táng cho cụ. Bảy người con của cụ cũng bị bàn tay Achille giết chết trong cùng một ngày.

Thật ra suốt chín năm ròng chiến tranh có biết bao nhiêu chuyện. Quân hai bên đều tổn thất và phải trải qua những lúc gian nguy, thiếu thốn, khó khăn. Làm sao có thể kể hết được. Nhưng có một chuyện mà các nghệ nhân xưa không thể bỏ qua. Đó là chuyện Ulysse lập mưu trả thù Palamède.

Như trên đã kể, người anh hùng Palamède bằng đầu óc thông minh, tinh khôn của mình đã khám phá ra được cái bệnh vờ điên, giả điên – cái vở “Ulysse giả dại” – của chính Ulysse, người anh hùng lắm mưu nhiều kế. Trong những năm chiến đấu dưới quyền thống lĩnh và chỉ huy của vị thủ lĩnh tối cao Agamemnon, Palamède đã có nhiều cống hiến khá lớn lao. Uy tín của chàng trong Hội đồng Tướng lĩnh cũng như trong binh sĩ rất lớn. Chàng biết nhiều phương thuốc đã chữa lành các vết thương. Chàng làm ra ngọn hải đăng để soi đường cho những chiến thuyền. Chàng góp nhiều ý kiến sáng suốt, những ý kiến có tầm nhìn xa trông rộng để cho những người Hy Lạp tổ chức các trận giao tranh, tiến công cũng như phòng ngự. Tài năng và hoạt động của Palamède như một ngôi sao tỏa sáng ngời ngợi vô hình trung làm mờ nhạt đi cái ánh sáng của ngọn đuốc Ulysse. Một nỗi ghen tức ấm ức, kèn cựa nhỏ nhen nung nấu âm ỉ trong trái tim của Ulysse. Nhớ lại chuyện cũ xưa kia thì chính Palamède là người đã phát hiện ra, đã moi ra cái vụ Ulysse vờ điên, giả dại để trốn nghĩa vụ tham dự vào cuộc viễn chinh sang thành Troie, Ulysse càng căm thù Palamède. Chỉ vì Palamède mà Ulysse phải ra đi, phải chịu tiếng xấu trước toàn quân. Còn bây giờ chỉ vì Palamède mà Ulysse không được danh tiếng lẫy lừng, không được suy tôn trọng vọng như thánh như thần, và khi con người ta đã suy nghĩ như thế, người anh hùng Ulysse đã suy nghĩ như thế, thì tính người cũng mất mà phẩm chất anh hùng cũng không còn. Từ đây bắt đầu một âm mưu trả thù hèn hạ.

Lợi dụng chuyện có lần Palamède đã khuyên anh em binh sĩ Hy Lạp nên kết thúc cuộc chiến tranh để trở về với gia đình, quê hương vì cuộc chiến tranh đã quá dài, sự hy sinh, tổn thất cũng như những nỗi đau thương và nhọc nhằn gian khổ mà toàn dân Hy Lạp phải chịu đựng là rất lớn, Ulysse nghĩ ra một kế rất là thâm độc: vu cho Palamède tư thông với quân Troie. Vào một đêm tối trời, Ulysse đem giấu một túi vàng vào lều của Palamède, và tiếp sau đó Ulysse tung ra một nhận xét hiểm độc: sở dĩ Palamède đưa ra lời khuyên như thế là vì đã bị Priam, vua của thành Troie mua chuộc; thế là trong toàn quân Hy Lạp lưu truyền cái dư luận ấy. Khá nhiều binh sĩ thậm chí cả đến tướng lĩnh không rõ thực hư đã tin ngay vào cái dư luận ấy. Những người này cho rằng nếu nghe theo lời Palamède thì họ đã hoài công lăn lội sang đây để rồi trở về tay không, không một chút vinh quang, không một thuyền chiến lợi phẩm nào theo họ về nước, và chỉ có một kẻ phản bội mới khuyên nhủ con người ta hành động như thế. Khi dư luận lan truyền khá rộng trong binh sĩ, Ulysse bèn gặp chủ tướng Agamemnon dựng lên một chuyện ám muội: chính Palamède đã liên lạc với vua Priam ở thành Troie qua một tên tù binh, tên này sau khi nhận tin tức của Palamède mưu vượt trạm giam để về Troie nhưng không thành. Quân canh dưới quyền chỉ huy của Ulysse đã bắt được và giết chết tên tù binh đó. Chưa hết, với sự bỉ ổi và hèn hạ vốn không có giới hạn, nhất là trong trường hợp kẻ tạo dựng nên và thực thi sự bỉ ổi và hèn hạ đó lại là một vị tướng có nhiều quyền thế như Ulysse, Ulysse viết một bức thư giả mạo là của Priam gửi cho Palamède. Nội dung bức thư cho biết, Priam thưởng Palamède túi vàng vì đã có công kêu gọi, khuyên nhủ quân Hy Lạp bãi binh, hồi hương. Bức thư giả mạo này được trao cho một tên tù binh người Troie để đem về cho vua Priam. Tên tù binh cầm bức thư và nhận lệnh sung sướng đến nỗi tưởng như mình đang sống trong mơ, hắn cứ lắp bắp không sao nói được lên lời cảm ơn vị tướng đã sinh phúc tha tội cho mình. Như vậy là hắn được phóng thích để trở về với quê hương gia đình. Nhưng hỡi ôi! Hắn chỉ là vật hy sinh cho âm mưu nham hiểm và đê tiện của Ulysse. Vừa ra khỏi doanh trại đi chưa được bao lâu thì hắn bị một người linh Hy Lạp bất thần, nấp ở đâu đó, xông ra đâm cho một giáo chết tươi. Thế là bức thư trong người tên lính Troie được lấy ra đem trình lên chủ tướng Agamemnon. Lập tức Agamemnon cho triệu tập cuộc họp Hội đồng Tướng lĩnh, đồng thời cho mời Palamède đến dự. Trước Hội Đồng, Agamemnon kết tội Palamède phản bội. Palamède vô cùng sửng sốt trước sự kiện mà chàng không thể nào hiểu nổi. Agamemnon đưa ra bức thư, Palamède thanh minh và phản bác lại rằng đó chỉ là một âm mưu vu khống hèn hạ của một kẻ xấu xa nào đó. Đúng lúc ấy, Ulysse đứng ra tỏ vẻ vô tư và sáng suốt, Ulysse đề nghị chủ tướng Agamemnon và Hội đồng Tướng lĩnh cho khám lều của Palamède. Nếu không thấy túi vàng trong lều thì Palamède là người vô tội. Ngây thơ, Palamède tán thưởng ngay. Hơn nữa, chàng còn thầm cảm ơn Ulysse đã mở ra một con đường thoát cho cái chuyện rắc rối này. Kết quả như thế nào hẳn không cần phải kể chúng ta ai cũng rõ. Agamemnon như vậy là có đủ bằng chứng để kết tội Palamède là một tên phản bội, và đối với những kẻ phản bội trong quân ngũ, tư thông với quân địch, ăn ở hai lòng thì chỉ có một hình phạt: xử tử. Quân lính áp giải Palamède lên một ngọn núi cao, xiềng chàng lại, và đứng trên ngọn núi này chàng phải chịu hình phạt ném đá cho tới chết. Palamède không có cách gì để thanh minh nổi, và dẫu chàng có nói thì cũng chẳng một ai để ý lắng nghe. Tội đã rõ. Bằng chứng hiển nhiên, án đã quyết, chàng cắn răng chịu cái chết oan uổng.

– Ôi, Chân lý! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta, thật xót xa và cay đắng. – Đó là câu nói cuối cùng của Palamède trước khi nhận những trận mưa đá tới tấp từ các phía ném vào người.

Thế là quân đội Hy Lạp mất đi một người anh hùng thông minh nhất và cao thượng nhất. Công lao to lớn của chàng đối với quân Hy Lạp bị xóa sạch vì đó là công lao của một tên phản bội, và câu nói cuối cùng của chàng cũng chẳng làm ai phải bình tâm lại mà suy nghĩ. Vì đó là lời nói của một tên phản bội.

Palamède chết nhưng đối với Agamemnon hình phạt đó cũng chưa xứng đáng với tội phản bội tày đình của chàng. Vị Tổng Chỉ huy ra lệnh trừng phạt tiếp: cấm không cho ai được chôn cốt thi hài Palamède. Có như vậy mới đày đọa linh hồn hắn được, để cho linh hồn hắn phải lang thang phiêu bạt vĩnh viễn chẳng được yên nghỉ thư thái. Nhưng tướng Ajax Lớn, con của Télamon, phản kháng lại lệnh đó. Chàng đích thân đứng ra lo việc an táng cho Palamède theo đúng nghi lễ long trọng của người Hy Lạp. Riêng về Ajax đối với Palamède, về lý chàng không có bằng chứng gì để bênh vực, gỡ tội cho Palamède nhưng về tình, về sự hiểu biết của chàng đối với con người Palamède, chàng không hề tin rằng Palamède là người phản bội.

Ôi, Chân lý! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta, thật xót xa và cay đắng! Câu nói đó của Palamède được Ajax ghi nhận như một bằng chứng về cái chết oan ức của Palamède. Nó cứ giày vò trái tim người anh hùng con của Télamon, chàng Ajax Lớn tính nóng như lửa, trong nhiều năm.

Lại nói về cái chết của Protésilas, vị dũng tướng Hy Lạp đầu tiên ngã xuống trên mảnh đất Troie. Tin dữ bay về đến Thessalie. Người vợ trẻ đẹp của Protésilas mà chàng mới cưới trước khi lên đường viễn chinh chưa được bao lâu là nàng Laodamie khóc than, đau đớn, vật vã không biết mấy ngày đêm. Nàng cầu xin với các vị thần, từ thần Zeus cai quản bầu trời và mặt đất đến thần Hadès cai quản chốn âm phủ tối tăm hãy rủ lòng thương nàng, gia ân cho chồng nàng được trở lại dương gian gặp nàng một thời hạn, một thời hạn ngắn thôi đủ để hai vợ chồng nhìn nhau từ biệt, nói được đôi ba lời cho khỏi ân hận trong lòng. Các vị thần chuẩn y lời cầu xin. Thật quý hóa và nhân đức. Protésilas từ vương quốc tối tăm của thần Hadès trở về với thế giới loài người tươi sáng, nhởn nhơ. Hai vợ chồng gặp nhau. Mừng mừng tủi tủi. Miệng mỉm cười mà nước mắt lã chã tuôn rơi. Nhưng thời gian vốn lạnh lùng và dửng dưng trước tình người. Đã đến hạn kỳ Protésilas phải trở về lòng đất tối đen. Chàng gỡ vòng tay của vợ đang xiết chặt lấy chàng. Còn vợ chàng, nàng Laodamie trước cảnh biệt ly vĩnh viễn ấy đã không chịu đựng nổi. Nàng rút gươm đâm vào ngực tự sát để được sống vĩnh viễn với người chồng.

Như trên đã kể, trong trận quân Hy Lạp tấn công triệt hạ thành Troie cổng cao ở xứ Mysie, đất Tiểu Á, Achille đã lập được những chiến công to lớn. Quân Hy Lạp thu được nhiều chiến lợi phẩm, bắt được nhiều tù binh. Hội đồng Tướng lĩnh và Đại hội Binh sĩ bình công, khen thưởng đã trao cho thủ lĩnh tối cao Agamemnon một thiếu nữ xinh đẹp tên là nàng Chryséis. Còn Achille cũng được tặng thưởng một thiếu nữ xinh đẹp là nàng Briséis. Biết tin con gái mình bị bắt, lão ông Chrysès vốn là người trông coi việc thờ cúng thần Apollon, một viên tư tế sùng ái của thần, đem nhiều của cải đến tận lều của chủ tướng Agamemnon xin chuộc lại con gái. Nhưng chủ tướng Agamemnon không nhận của chuộc, chủ tướng không muốn trả lại con gái cho cụ già. Chẳng những thế, Agamemnon còn lăng nhục cụ già, đe dọa sẽ trừng trị ông cụ nếu cứ còn khẩn khoản vật nài xin chuộc lại đứa con. Lão ông Chrysès buồn rầu và tức giận, ra về. Do chuyện này mà đến năm thứ mười của cuộc chiến tranh, quân Hy Lạp phải chịu một tai họa trừng phạt.

Quyển 2 – Chương 68: Mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon với Achille

Bước sang năm thứ mười của cuộc chiến tranh, quân Hy Lạp vẫn chưa tỏ ra có khả năng gì thay đổi được tình thế. Một mặt, họ vẫn bao vây thành Troie, một mặt vẫn đem quân đi đánh phá cướp bóc những vùng chung quanh vùng đồng bằng Troade. Nhưng bỗng nhiên một hôm tai họa từ đâu đổ ập xuống đầu quân Hy Lạp, một tai họa khủng khiếp mà xưa nay những người Hy Lạp chưa từng biết đến. Nguyên là từ chuyện lão ông Chrysès, viên tư tế sùng ái của thần Apollon bị Agamemnon lăng nhục, bị Agamemnon không cho chuộc lại người con gái yêu dấu, cụ già buồn rầu tức giận ra về. Cụ cầu khấn thần Apollon, vị thần mà cụ thờ phụng thành kính, bênh vực cho cụ. Cụ xin thần Apollon trừng phạt quân Hy Lạp về tội đã xúc phạm đến cụ, một người đáng kính trọng về tuổi tác và nghề nghiệp thiêng liêng.

Nghe những lời cầu khấn của cụ, người tăng lữ sùng ái của mình, thần Apollon bèn khoác cây cung bạc và ống tên vàng lên vai rồi vội vã rời đỉnh Olympe bay nhanh xuống doanh trại quân Hy Lạp, lòng tràn đầy giận dữ. Từ một nơi cách xa doanh trại, thần Apollon rút những mũi tên vàng ra lắp vào cung, bắn xuống. Tiếng dây cung bật lên lanh lảnh, tiếng xé gió của những mũi tên vàng thần thánh bay đi, rít lên nghe thật ghê rợn. Cứ thế hết loạt này đến loạt khác, súc vật và người trúng tên chết la liệt. Một bệnh dịch bùng lên, lan lây khắp doanh trại quân Hy Lạp khiến cho những giàn lửa thiêu xác bốc khói mù mịt, không lúc nào ngớt. Tình hình thật nguy cấp. Nếu không tìm cách giải trừ được tai họa thì quân Hy Lạp chỉ có một con đường là xuống thuyền về nước, bởi vì họ không thể nào cùng một lúc chống đỡ được những trận tiến công của quân Troie và chống đỡ được cả với bệnh dịch. Achille, người anh hùng chạy nhanh như gió, đã suy nghĩ như thế. Chàng cho triệu tập Đại hội Binh sĩ để tìm nguyên nhân và cách giải trừ tai họa. Hôm đó là vào ngày thứ mười kể từ khi bệnh dịch giáng xuống. Chàng mời nhà tiên tri danh tiếng lẫy lừng, lão vương Calchas lên tiếng. Cụ già đầu bạc đứng lên và tiến ra trước hội nghị ba quân, nhưng trước khi tường giải nguyên nhân của tai họa, cụ đòi Achille phải bảo vệ tính mạng cho cụ vì cụ biết những mời cụ nói sẽ đụng chạm đến Agamemnon, và khi một người có quyền hành trong tay mà đem lòng thù ghét, căm giận đối với một kẻ dưới quyền thì sớm muộn hay bằng cách này cách khác, kẻ có quyền cũng tìm cách trả thù. Nói thật mất lòng, xưa nay vốn là như thế. Tất nhiên Achille phải đứng ra trước ba quân thề hứa bảo vệ tính mạng cho cụ. Yên tâm, Calchas nhà tiên tri danh tiếng lẫy lừng, đầu bạc trắng bèn nói sự thật:

– Hỡi các vị anh hùng của quân Hy Lạp! Không phải các vị thần giận dữ chúng ta vì chúng ta đã quên không dâng lễ hiến tế đều đặn. Cũng không phải các vị thần giận dữ chúng ta vì chúng ta vi phạm vào những điều răn dạy thiêng liêng. Tai họa mà chúng ta phải chịu đựng là do vị thần có cây cung bạc, người con trai của Zeus và nữ thần Léto, thần Apollon gây ra. Thần nổi giận vì Agamemnon đã xúc phạm đến lão ông Chrysès, một môn đệ yêu quý của thần. Agamemnon chẳng những không cho cụ già chuộc lại con mà lại còn lăng nhục, đe dọa cụ. Chỉ có mỗi một cách và chúng ta đem trả lại cho cụ già người con gái yêu quý của cụ và dâng cụ một lễ vật hậu hĩ: một trăm súc vật để làm lễ hiến tế tạ tội với thần Apollon thì chúng ta mới được tai qua nạn khỏi.

Nghe Calchas nói xong, Agamemnon sa sầm mặt lại. Lòng đầy tức giận, vị chủ tướng quắc mắt nhìn nhà tiên tri già và đáp lại bằng những lời lẽ quá ư thô bạo. Ông ta cho rằng cụ già tiên tri đầu bạc chỉ toàn dự báo những tai ương chướng họa, chẳng bao giờ báo được một tin tốt lành. Giờ đây lại bói toán những điều gây thiệt hại cho ông ta. Nàng Chryséis là phần thưởng của toàn quân đã chia cho ông. Nếu bây giờ toàn quân nhất trí đòi lại phần thưởng đó thì phải bồi thường cho ông một phần thưởng khác tương xứng để ông khỏi bị thua thiệt, khỏi là người bị tước đoạt mất phần. Nghe Agamemnon nói thật chướng, Achille bèn lấy lời hơn lẽ thiệt khuyên nhủ. Chàng khuyên Agamemnon hãy vui lòng trả lại người thiếu nữ xinh đẹp Chryséis cho cha nàng. Còn chuyện phần thưởng thì bây giờ đã trót phân chia hết rồi mà quân Hy Lạp chẳng có kho tàng, chẳng có dự trữ vì thế sẽ xin đền bù lại cho chủ tướng thích đáng khi mai đây sau những trận đánh quân Hy Lạp giành được thắng lợi với biết bao chiến lợi phẩm.

Nhưng Agamemnon không nghe. Ông cho rằng Achille bày kế lừa dối ông và nhất quyết không chịu thiệt. Vị Tổng Chỉ huy ra lệnh cho quân sĩ đưa nàng Chryséis xuống thuyền cùng với số súc vật để làm lễ hiến tế, chở đến tận nơi cụ già Chrysès đang chăm nom việc thờ phụng thần Apollon ở một ngôi đền, và tuyên bố sẽ tước đoạt phần thưởng của Achille hoặc của Ajax, của Ulysse, để khỏi thiệt. Thế là mối bất hòa giữa chủ tướng Agamemnon và Achille bùng nổ. Achille không thể chịu đựng nổi thói hống hách và tham lam của Agamemnon. Chàng dùng những lời lẽ nóng như lửa mắng nhiếc Agamemnon.

– Hỡi Agamemnon! Ngươi là một kẻ trơ tráo và tham lam trắng trợn nhất trong những người Achéens. Hỏi rằng một chủ tướng như thế thì anh em binh sĩ và các tướng lĩnh tùy tòng làm sao có thể đem hết sức mình ra giao chiến với quân thù, làm sao có thể tuân theo lệnh của ngươi với trái tim khâm phục, tin yêu và tận tụy? Hãy nói như ta, ta đến đây tham chiến chẳng phải vì thù ghét những người Troie. Chính vì nể ngươi, tin yêu ngươi, hơn nữa để báo thù cho Ménélas em trai ngươi, mà ta dẫn thân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Thế mà ngươi không biết, không hề suy nghĩ về điều đó. Ngươi lại còn dùng quyền lực dọa sẽ tước đoạt phần thưởng mà quân Hy Lạp đã chia cho ta. Đồ mặt chó, đồ vô liêm sỉ. Thử hỏi, sau mỗi chiến thắng khi chia chiến lợi phẩm có bao giờ phần ta được bằng phần ngươi không? Có bao giờ ngươi chịu nhận phần ít hơn hay chia cũng bằng anh em không? Không bao giờ cả. Thế mà chính ta lại là người vào sinh ra tử, xông pha trận mạc, kề vai sát cánh với anh em binh sĩ trước mũi bao ngọn giáo của quân thù! Ngươi đã thế thì ta tuyên bố: ta sẽ không chiến đấu nữa. Ta trở về quê hương ta, xứ Phthie màu mỡ, hưởng một cuộc sống thanh bình bên đàn cừu béo mập với đồng cỏ xanh là hơn cả. Ta không thèm ở lại đây chiến đấu chỉ nhằm mục đích làm giàu cho nhà ngươi.

Đáp lại, Agamemnon, vị Tổng Chỉ huy của biết bao tướng lĩnh và binh sĩ, cũng dùng những lời lẽ gay gắt. Ông mắng Achille là đồ kiêu căng và hay gây sự. Ông nói thẳng thừng ra rằng ông chẳng cần quan tâm đến Achille mà cũng chẳng e ngại làm Achille giận dữ. Dứt khoát ông sẽ bắt nàng Briséis của Achille để cho ông khỏi thiệt. Ông sẽ hành động như thế để cho Achille biết rằng ông là kẻ có quyền lực, ông còn mạnh hơn Achille rất nhiều, và hơn nữa để cho mọi người lấy đó làm gương, phải biết tuân lệnh ông, kính trọng ông, chứ không thể, không có phép coi ông như là người bằng vai phải lứa với họ. Nghe những lời hống hách của Agamemnon, Achille thấy sôi máu, điên đầu. Chàng đưa tay vào chuôi gươm toan xông đến Agamemnon để lấy máu rửa hờn. May thay vừa lúc ấy, nữ thần Athéna từ đỉnh Olympe kịp thời bay xuống can ngăn Achille. Nữ thần bằng pháp thuật của mình, chỉ để cho Achille nhìn thấy mình. Ngoài ra không một ai thấy được. Nữ thần tiến đến bên Achille, ra lệnh cho chàng chấm dứt cuộc đấu khẩu và nghiêm cấm Achille không được rút gươm. Achille buộc phải nén giữ mối giận hờn lại trong tim và tuân theo lệnh của nữ thần. Tuy nhiên không phải cuộc xung đột chấm dứt ngay tức khắc. Hai vị anh hùng Hy Lạp còn dùng những lời lẽ thô bạo mắng nhiếc nhau một hồi lâu. Lão vương Nestor, người cầm đầu vương quốc Pylos, nổi danh vì trí sáng suốt và óc mực thước, đứng lên khuyên can hai người. Lão vương nhắc nhở hai người đến cương vị và trách nhiệm của họ trước ba quân, hơn nữa đến cuộc chiến đấu đang diễn ra ngày càng quyết liệt với quân Troie. Agamemnon không nên tước đoạt phần thưởng của Achille dù có quyền thế lớn lao đến đâu chăng nữa. Còn Achille hãy dẹp nỗi bất bình, hãy nguôi cơn thịnh nộ.

Nhưng cả hai, Agamemnon, vị Tổng Chỉ huy của liên quân Hy Lạp, và Achille, bức tường thành kiên cố của liên quân Hy Lạp, đều không còn tỉnh táo để lắng nghe những lời khuyên nhủ chân thành và quý giá ấy. Achille vứt cây vương trượng xuống đất, biểu hiện thái độ bất hợp tác và mong rằng điều mong muốn này như một lời thề nguyền thiêng liêng phải được thực hiện: sẽ có một ngày quân Hy Lạp phải hối hận vì đã xúc phạm đến một vị tướng dũng cảm nhất, có sức mạnh siêu việt nhất trong những người Hy Lạp.

Thế là mối bất hòa giữa hai vị tướng đã dẫn đến sự chia rẽ. Agamemnon tham lam không chịu nhường nhịn, lạm dụng quyền hành tước đoạt nữ tỳ Briséis của Achille. Còn Achille bất bình vì bị ức hiếp đã tách mình ra khỏi khối liên minh chiến đấu của quân Hy Lạp. Chàng muốn cho quân Hy Lạp vì sự không tham gia chiến đấu của chàng, sẽ bị dũng tướng Hector bên quân Troie, đánh cho thiệt hại nặng nề, và đó là một bài học, một cái giá phải trả cho việc đã xúc phạm đến chàng. Hơn thế nữa, chàng lại còn ra biển cầu khấn mẹ mình là nữ thần Thétis để nữ thần lên thiên đình cầu xin với thần Zeus giúp cho quân Troie giành được thắng lợi, và đó là đòn trừng phạt những người Hy Lạp vì tội đã làm nhục người con trai của Pélée vốn thuộc dòng dõi của đấng phụ vương Zeus.

Achille ngồi ở bờ biển lòng đầy uất ức, nước mắt trào ra giơ tay lên trời cao cầu khấn người mẹ muôn vàn kính yêu của mình. Từ dưới biển sâu, nữ thần Biển-Thétis nghe thấy hết những lời cầu khấn ấy. Nàng liền rời biển sâu, đội nước đi lên mặt đất, đến ngồi bên Achille, an ủi con, lắng nghe con giãi bày tâm sự, nguyện vọng. Nữ thần vô cùng thương xót cho số phận đứa con trai yêu quý của mình, đứa con đã được Số mệnh tiền định một cuộc đời ngắn ngủi nếu nó tham dự cuộc Chiến tranh Troie, đã thế lại bị ức hiếp đến nỗi buồn phiền, cay cực. Nữ thần hứa với con sẽ lên đỉnh Olympe gặp thần Zeus để cầu xin. Nhưng ngay bây giờ thì chưa được vì đấng phụ vương cùng các vị thần đi sang xứ Éthiopie dự tiệc, phải mười hai hôm nữa mới trở về, và sau đó nữ thần từ giã đứa con yêu quý của mình.

Mười hai hôm sau, nữ thần lên đỉnh Olympe. Thần Zeus nghe nữ thần thuật lại đầu đuôi câu chuyện và lời cầu xin của Achille cũng như của nữ thần. Chà, thật là một công việc khó khăn và phiền toái đối với Zeus. Bởi vì nữ thần Héra vợ Zeus vốn nuôi giữ mối thâm thù với người Troie. Nhưng may thay, lúc nữ thần Thétis đang vật nài, năn nỉ thỉnh cầu đấng phụ vương thì nữ thần Héra không có mặt tại cung điện. Thần Zeus, cả nể không thể từ chối được lời cầu xin của nữ thần Thétis, thần liền gật đầu và ưng chuẩn ra lệnh ngay cho nữ thần Thétis phải cấp tốc rời khỏi đỉnh Olympe kẻo nữ thần Héra bắt gặp thì rầy rà. Ấy thế mà một lát sau khi nữ thần Héra gặp Zeus, nàng lại tra hỏi, căn vặn, xem vừa rồi Zeus đã tiếp vị nữ thần nào và nói những chuyện gì. Bị hành hạ bằng những lời mè nheo, đay nghiến, rỉa rói, Zeus nổi giận, quát mắng bắt vợ phải im ngay, nếu không Zeus sẽ vung tay giáng cho một cái tát. Zeus đe dọa, nếu để Zeus nổi nóng thì không một vị thần nào của đỉnh Olympe can ngăn được. Thấy Zeus nổi cơn thịnh nộ và đe dọa như vậy, nữ thần Héra vô cùng khiếp sợ. Nàng đành ngồi xuống ghế vàng, im thin thít không dám nói một lời nào.

Quyển 2 – Chương 69: Không thể chấm dứt chiến tranh bằng định ước đấu tay đôi

Thực hiện lời hứa với nữ thần Thétis, thần Zeus sai thần Giấc mộng giáng xuống một giấc mộng dối lừa vào lúc Agamemnon đang ngủ say. Agamemnon thấy một người đến nói với mình những lời lẽ chân tình sau đây:

– Này hỡi, người con của Atrée dũng cảm! Làm sao mà một vị thủ lĩnh tối cao được ba quân tín nhiệm, một vị thủ lĩnh lúc nào cũng bận tâm lo lắng đến sứ mạng của cuộc chiến tranh thần thánh này, lại có thể ngủ yên, ngủ say được đến thế. Thần Zeus luôn luôn quan tâm lo lắng đến thắng lợi của quân Hy Lạp đã sai ta đến đây để truyền báo cho ngươi biết một thời cơ thuận lợi. Các vị thần trên đỉnh Olympe hiện nay không còn chia ra hai phe như trước nữa. Cả thần Apollon, nữ thần Aphrodite cho đến thần Chiến tranh-Arès đều đã quy thuận nữ thần Héra. Tai họa đang treo lơ lửng trên đầu quân Troie. Vậy nhà ngươi hãy mau mau chỉnh đốn cơ ngũ, điểm tướng duyệt binh, chớp cơ hội tất mà tiến quân hạ thành. Vì việc thiên đình cơ mật, ngươi khá nhớ kỹ trong lòng, chớ để lộ thiên cơ mà mang họa.

Tỉnh dậy, Agamemnon rất đỗi vui mừng. Ông triệu tập Hội đồng Tướng lĩnh thuật lại giấc mộng đêm qua và mời lão vương Nestor giải đoán mộng triệu. Không còn nghi ngờ gì nữa, lão tướng khuyên Agamemnon hãy theo lời thần dặn. Agamemnon bèn ra lệnh triệu tập Đại hội Toàn quân. Trước toàn thể ba quân, gươm giáo sáng ngời, Agamemnon bỗng nảy ra ý định thử lòng binh sĩ. Nhẽ ra ông cổ vũ mọi người sẵn sàng quyết chiến trong những trận đánh mới mà ông vừa được thần Zeus báo mộng cho biết thời cơ thuận lợi đã đến thì ông lại lên tiếng than thở trước binh sĩ về nỗi chiến tranh đã kéo dài, quá hao người tốn của mà vẫn không thấy hy vọng giành được thắng lợi: “Thành Troie vẫn bền vững hùng cường trấn giữ một góc trời Đông. Như vậy thần Zeus đã lừa dối chúng ta, không thực hiện lời hứa với chúng ta. Chín năm đã trôi qua, trong khi đó vợ con chúng ta ở nhà mỏi mắt trông chờ, ruộng vườn của chúng ta bỏ hoang không người cày cấy”, và Agamemnon kêu gọi:

– Vậy hỡi anh em binh sĩ! Chúng ta hãy kéo thuyền xuống biển, nhổ trại, lên đường trở về quê hương. Về đi thôi, thành Troie không thể nào hạ được. Số mệnh chẳng ban cho chúng ta vòng nguyệt quế. Chúng ta chẳng thể hạ được thành Troie.

Agamemnon nói thử lòng binh sĩ như thế những tưởng binh sĩ sẽ phản kháng lại ý định của mình, những tưởng sẽ kích thích được tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Nhưng không, vừa nghe Agamemnon nói xong, tất cả đoàn quân hò reo vang trời mừng rỡ, rùng rùng chuyển động lao ra bờ biển giống như một cánh đồng lúa chín rộ nổi sóng khi được một cơn gió Tây thổi. May thay nữ thần Athéna vâng lệnh người vợ uy nghi có cánh tay trắng muốt của thần Zeus xuống ngay doanh trại quân Hy Lạp nơi Hội nghị toàn quân, ra lệnh cho Ulysse phải ngăn chặn ngay cảnh hỗn độn ấy. Ulysse lập tức chạy ra bờ biển cản mọi người lại. Chàng kêu gọi anh em binh sĩ trở về quảng trường ngồi họp trật tự để nghe ý kiến của mọi người. Phải vất vả lắm chàng mới lập lại được trật tự. Nhưng Thersitès, một tên lính xấu xí nhất trong những người lính Hy Lạp tham dự cuộc viễn chinh vẫn gây rối. Đầu thì nhọn hoắt, mắt lác, chân thọt, ngực lép, vai so, người xấu làm sao thì tính nết xấu làm vậy. Thersitès là một kẻ chứa đầy trong tim những ý nghĩ bậy bạ lại có thói quen cãi bướng với các tướng lĩnh uy nghiêm. Hắn cứ xúi giục mọi người bỏ họp. Hắn đứng lên công kích chủ tướng Agamemnon, chỉ trích Ulysse. Hắn kêu gọi mọi người phản chiến bãi binh, kéo thuyền xuống biển để trở về quê hương với gia đình, vợ con. Ulysse tức giận tiến đến bên hắn dùng cây vương trượng giáng cho hắn một đòn, bắt hắn phải ngồi xuống và im lặng. Toàn thể binh sĩ đồng thanh hô vang tán thưởng hành động trừng trị của Ulysse và cười rộ lên khoái chí khi thấy Thersitès bị đánh, phải câm miệng và thui lủi ngồi xuống.

Ulysse kêu gọi mọi người hãy kiên trì cuộc vây đánh thành Troie. Chàng nhắc lại điềm báo của thần thánh khi quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis, và bây giờ là năm thứ mười có nghĩa là cuộc Chiến tranh Troie sắp kết thúc thắng lợi. Lão vương Nestor tiếp tục đứng lên kêu gọi binh sĩ Hy Lạp hãy giữ vững lời thề hứa của mình, chiến đấu cho đến khi hạ được thành Troie. Cụ khuyên Agamemnon hãy mau mau tổ chức lại đội ngũ, phân loại tướng sĩ để chuẩn bị bước vào cuộc giao tranh. Đại hội Binh sĩ kết thúc bằng những lời kêu gọi của Agamemnon. Quân Hy Lạp reo vang, tản về doanh trại, giết súc vật làm lễ hiến tế và mở tiệc động viên toàn quân trước khi khai chiến.

Quân Hy Lạp và quân Troie tiếp tục cuộc giao tranh sau một thời gian tạm nghỉ. Hai bên điểm binh dàn trận. Binh hùng tướng giỏi, khiên giáp sáng ngời, chiến xa náo nức xung trận, ngựa hý vang trời. Hai đoàn quân rầm rập xông lên phía trước. Nếu đứng trên một ngọn núi cao quan sát cảnh xung trận của hai đoàn quân, ta chỉ thấy hai cơn lốc bụi khổng lồ đang cuộn xoáy ầm ầm mãnh liệt, đang từng giây từng phút sáp lại gần nhau.

Paris đi đầu hàng quân Troie khí thế hùng dũng, oai nghiêm tựa một vị thần. Chàng khoác trên người một tấm da báo, lưng đeo cung, và bên sườn một thanh kiếm. Trên tay chàng hai ngọn lao đồng sắc nhọn nhăm nhăm bay vút vào địch thủ nào dám đối mặt đương đầu. Ai là người trong hàng ngũ quân Hy Lạp dám chấp nhận sự thử thách này. Lập tức Ménélas tiến lên khỏi hàng quân. Chàng từ trên chiến xa tung mình nhảy xuống và bước đi những bước dài hùng dũng nhưng bình tĩnh, thoải mái. Thấy khí thế của chàng, người ta chỉ có thể nói đó là một con sư tử. Khi Paris trông thấy Ménélas tách ra khỏi hàng quân với khí thế như vậy thì trong lòng bủn rủn, sợ hãi. Chàng không đủ can đảm để chấp nhận cuộc giao tranh. Chàng quay đầu bỏ chạy. Hector thấy vậy nổi giận, mắng đứa em hèn nhát của mình thậm tệ. Paris đáp lại:

– Hỡi Hector kính mến! Em không trách cứ gì về việc anh nổi nóng với em. Những lời anh nói là rất phải. Trái tim anh bao giờ cũng rắn rỏi, dứt khoát khiến cho người ta tưởng như được thấy ngay trước mắt một cây rìu mạnh trong tay một người thợ giỏi đang bổ xuống cây gỗ, đẽo gọt cho thành một con thuyền. Tuy nhiên anh chưa hiểu ý em. Em muốn giao đấu, nhưng giao đấu chỉ với Ménélas thôi. Anh hãy ra lệnh cho quân sĩ hai bên ngồi xuống thành hai tuyến. Vũ khí đồng và bạc vàng châu báu đặt xuống trước mặt. Em và Ménélas sẽ giao đấu. Ai thắng người đó sẽ giành được nàng Hélène và của cải, và hai bên sẽ cam kết từ nay trở đi sống với nhau trong tình bằng hữu. Chúng ta, những người Troie sẽ an cư lạc nghiệp trên vùng đồng bằng phì nhiêu của mình. Còn họ những người Achéens và những người Argos sẽ xuống thuyền trở về với mảnh đất mẹ hiền đã nuôi dưỡng họ.

Nghe Paris nói như vậy, Hector rất đỗi vui mừng. Chàng bèn tiến lên trước hàng quân ra lệnh cho quân Troie ngồi xuống. Nhưng quân Hy Lạp lúc này vẫn đang ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những cánh cung giương lên nhằm vào Hector, những ngọn lao nhăm nhăm phóng vào Hector, những dũng sĩ chỉ chờ lệnh là ném những trận mưa đá vào Hector. Thấy vậy, chủ tướng Agamemnon bèn hét lên, tiếng sang sảng như đồng:

– Hỡi anh em binh sĩ! Hãy dừng lại! Dừng lại! Không được khai chiến khi chưa có lệnh của ta! Hector có điều gì muốn nói với chúng ta đấy.

Quả vậy, khi quân Hy Lạp tuân theo lời của chủ tướng mình thì Hector tiến lên đứng giữa hai đạo quân cất tiếng. Chàng nói to dõng dạc cho quân sĩ hai bên biết ý định của Paris. Mọi người lắng nghe chăm chú đến nỗi không có một tiếng động, một tiếng xì xào. Nghe Hector nói xong, Ménélas tán thành ngay ý định dùng cuộc đấu tay đôi để chấm dứt chiến tranh. Như vậy vừa chóng vánh vừa đỡ hao binh tổn tướng cho cả đôi bên. Tuy nhiên Ménélas tỏ ra không tin lắm vào những lời Hector vừa nói. Chưa hẳn những người Troie đã có thiện chí muốn chấm dứt chiến tranh như vậy. Phải đòi lão vương Priam với đây làm lễ thề nguyền cam kết, bởi vì chỉ có thể tin vào cụ được thôi. Chỉ có cụ mới đáng tin, chứ những người con trai của cụ thì vốn là không trung thực và kiêu ngạo. Ménélas vừa dứt lời thì quân sĩ hai bên lòng tràn ngập niềm vui, xôn xao chẳng khác gì những hoa lá cỏ cây được gió xuân thổi tới. Mọi người hạ vũ khí xuống đất chuẩn bị cho lễ thề nguyền. Hector cử ngay hai viên truyền lệnh tâm phúc phi ngựa về thành. Một viên mời Priam ra trận tiền để làm lễ thề nguyền cam kết. Một viên lấy các lễ vật ra để làm lễ hiến tế. Agamemnon cũng vậy, không chậm trễ, chàng phái ngay một vị tướng tâm phúc về doanh trại nơi ác chiến thuyền nằm nghỉ trên bãi cát trắng dài, để truyền lệnh đem lễ vật ra trận tiền làm lễ hiến tế.

Sau khi lễ thề nguyền được cử hành rất trọng thể và trang nghiêm, hai bên bèn chuẩn bị cho cuộc đấu tay đôi. Hector đại diện cho quân Troie và Ulysse đại diện cho quân Hy Lạp thân hành đi đo đạc đấu trường. Tiếp đó là lễ rút thăm xem ai được phóng ngọn lao đồng trước. Thật vô cùng hồi hộp. Quân sĩ hai bên đều giơ tay lên trời cầu khấn các vị thần phù hộ. Dũng tướng Hector đội mũ trụ lấp lánh cầm một chiếc mũ đồng trong đựng hai miếng đồng tượng trưng cho hai số phận của hai đối thủ, giơ cao lên cho mọi người trông thấy. Rồi chàng quay mặt đi phía khác, lắc mạnh cái mũ. “Số phận” Paris nhảy bật ra ngoài. Thế là Paris được quyền đánh trước.

Paris tiến ra đấu trường. Ménélas cũng chẳng chậm trễ. Paris nai nịt gọn gàng, oai phong lẫm liệt thế nào thì Ménélas cũng chẳng hề thua kém. Nhìn hai vị dũng tướng đứng giữa hai hàng quân chờ lệnh giao đấu thật là khủng khiếp. Họ nhìn nhau hằm hằm, nảy lửa. Răng nghiến chặt. Mặt đanh lại lạnh lùng. Có lệnh truyền cho hai người tiến đến chỗ quy định. Cuộc giao đấu bắt đầu.

Paris phóng lao. Ngọn lao đồng nhằm thẳng người Ménélas bay tới. Nhưng Ménélas kịp thời đưa khiên ra đỡ. Ngọn lao không xuyên thủng được chiếc khiên dày rắn chắc, mũi lao chùn lại và rơi xuống đất.

Đến lượt Ménélas. Chàng ngả người ráng sức phóng ngọn lao sắc nhọn của mình. Ngọn lao to chắc, bay thẳng đến Paris xuyên qua chiếc khiên và đâm thủng chiến áo giáp. Nhưng chính lúc đó, Paris cúi gập người xuống nên ngọn lao không thể xuyên sâu hơn được nữa, do đó Paris thoát chết. Trong khi Paris chưa kịp hoàn hồn thì Ménélas rút luôn kiếm bên sườn lao tới. Chàng bổ kiếm xuống đầu Paris. Nhưng lưỡi kiếm chạm phải chiếc mũ đồng rắn chắc bật nảy lên khỏi tay Ménélas và gãy vụn làm thành ba bốn mảnh. Ménélas liền nhảy một bước đến sát Paris nắm lấy chiếc ngù đuôi ngựa ở trên chiếc mũ đồng xoắn xoắn mấy vòng rồi ra sức kéo thật mạnh với hy vọng lôi Paris về phía quân Hy Lạp. Paris bị kéo, chiếc quai mũ dưới cằm căng ra thít vào cổ làm chàng ngạt thở. Tình hình thật nguy khốn. May thay nữ thần Aphrodite kịp thời đến ứng cứu. Nàng bèn làm cho chiếc quai mũ bền đẹp bằng da bò đứt phựt một cái. Ménélas mất đà suýt ngã. Chàng quăng chiếc mũ lại cho quân lính của mình ngồi ở phía sau và nhặt ngọn lao đồng ở dưới đất xông vào địch thủ. Nhưng nữ thần Aphrodite đã đưa địch thủ của chàng đi. Nàng hóa phép làm ra một đám sương mù dày đặc che phủ chiến trường và đưa Paris trở về thành Troie trong đám sương mù ấy.

Vào lúc đó, trên đỉnh Olympe, thần Zeus triệu tập các vị nam thần, nữ thần tới họp trong cung điện vàng. Thần Zeus nêu ra chủ kiến của mình là muốn chiến tranh kết thúc bằng cách bắt Paris trả lại nàng Hélène cho Ménélas, và thần rất hài lòng về cách giải quyết cuộc chiến tranh bằng biện pháp cho đấu tay đôi. Nhưng nữ thần Héra và Athéna một mực chống lại. Nữ thần Héra muốn cho thành Troie phải sụp đổ, và quân Hy Lạp phải giành được một chiến thắng trọn vẹn, lẫy lừng. Nàng đòi người chồng đầy quyền uy của mình phải giao cho nữ thần Athéna khơi lại cuộc chiến tranh, phá vỡ định ước giải quyết cuộc tranh chấp bằng cách đấu tay đôi. Nữ thần Athéna sẽ xúi giục quân Troie vi phạm những lời cam kết thề nguyền để những người Hy Lạp nổi giận tung quân vào giao chiến. Thần Zeus đành phải nhượng bộ người vợ xinh đẹp có đôi mắt bò cái của mình và nữ thần Athéna mắt cú mèo.

Được Zeus gật đầu ưng thuận, lòng dạ nữ thần Athéna sôi sục hẳn lên. Nàng bay xuống hàng ngũ quân Troie, giả dạng làm một người trần thế, chàng Laodoque, một chiến sĩ danh tiếng, con của lão vương Anténor. Dưới hình dạng Laodoque, nữ thần tìm đến gặp dũng sĩ Pandaros một con người có sức mạnh như thần và bằng những lời lẽ dịu dàng và ngon ngọt, nữ thần xúi giục Pandaros bắn một mũi tên vào Ménélas. Bị những lời phỉnh nịnh về vinh quang và phần thưởng, Pandaros người dũng sĩ nổi danh vì tài bắn cung (xưa kia chàng được thần Apollon truyền dạy cho nghệ thuật khó khăn này) đã bắn một phát tên trúng bụng Ménélas. Thế là định ước đấu tay đôi để phân thắng bại trong cuộc chiến tranh kéo dài tới năm thứ mười bị phá vỡ.

Tổng Chỉ huy Agamemnon thấy Ménélas bị thương, máu chảy đỏ lòm bèn hô hoán mọi người đến cứu chữa. Ông cho mời vị danh y Machaon con trai của vị thần Asclépios tới xem xét vết thương cho Ménélas. Tình hình xảy ra như thế thật là tồi tệ. Người Troie đã không tôn trọng những điều họ thề nguyền cam kết. Như vậy chỉ có nghĩa là họ muốn tiếp tục cuộc giao tranh. Agamemnon đi đến doanh trại từng đạo quân, gặp các tướng sĩ để bàn bạc kế sách đối phó với quân Troie. Các vị tướng ai nấy đều nhất quyết phải mau chóng duyệt lại binh mã rồi ra lệnh xuất quân, hỏi tội bọn người Troie ăn gian nói dối, lừa lọc phản bội, và thế là chiến tranh lại tiếp diễn với quy mô to lớn như cũ.

Quyển 2 – Chương 70: Quân Hy Lạp tấn công. Chiến công của tướng Diomède

Quân Hy Lạp và quân Troie tung vào cuộc chiến đấu tất cả lực lượng của mình. Các đoàn quân Hy Lạp tiến bước từng từng lớp lớp, nom như những đợt sóng ngoài biển khơi dồn dập đuổi nhau xô vào bờ. Các vị tướng đi đầu, binh sĩ tiến bước theo sau nghiêm trang lặng lẽ. Không một tiếng nói chuyện xì xào, không một tiếng cười đùa khúc khích. Chỉ có bước chân rầm rập làm cát bụi bốc lên mù mịt trắng xóa. Vũ khí đồng ánh lên sáng loáng, ngời ngợi.

Các đạo quân Troie xuất trận thì trái hẳn lại. Quân Troie đông như kiến, đội ngũ chẳng vuông vắn gọn gàng. Binh sĩ thì la hét om xòm chẳng khác gì đàn cừu cái tức sữa đang chờ người vắt, bỗng nghe thấy tiếng cừu con bèn be be kêu rống mãi lên. Các vị thần trên thiên đình cũng chia nhau cổ vũ, vị thì bên này, vị thì bên kia, và hơn nữa còn cuồng nhiệt tham chiến. Nữ thần Thù hằn là em gái của thần Chiến tranh-Arès sát nhân, chạy khắp muôn quân gây căm hờn và làm cho tiếng hò hét của binh sĩ trên chiến trường càng nổi lên vang dậy. Cùng tung hoành trong đám quân sĩ với quân Thù hằn còn có thần Khiếp sợ và thần Chạy trốn.

Quân hai bên đã tiến sát đến nhau. Thế là người xông lên phóng lao đấu kiếm, đâm chém, vật lộn. Tiếng người hò hét hòa trộn với tiếng binh khí giao đấu làm thành một không khí náo động sục sôi. Cảnh tượng thật kinh hoàng dữ dội.

Trong số những dũng tướng Hy Lạp tham chiến trận này nổi bật lên người anh hùng Diomède. Chàng là vua xứ Argos, con trai của Tydée. Trong cuộc viễn chinh Troie, chàng cùng với Sthénélos và Euryale chỉ huy tám mươi chiến thuyền đen thon nhẹ gia nhập vào liên minh các bộ lạc Hy Lạp. Đây là lực lượng của hai đô thành Argos và Tirynthe họp lại dưới sự chỉ huy của Diomède, người dũng tướng tài năng xuất chúng có tiếng thét kinh thiên động địa.

Nữ thần Athéna đi tới chỗ Diomède. Nàng thổi bùng lên trong tâm can chàng sự táo tợn và cuồng nhiệt. Nàng muốn chàng nổi bật lên hơn hẳn mọi người Argos và giành được những chiến công rực rỡ. Trên chiếc mũ đồng và khiên đồng của Diomède, nữ thần hóa phép làm cho lúc nào cũng bùng cháy một ngọn lửa hồng. Lửa cháy sáng trên đầu, trên vai nên khi Diomède chạy nom như một ngôi sao chổi rạch trời bay, và nữ thần Athéna đã tung ngôi sao Diomède vào giữa cuộc chiến đấu sôi động, người người lớp lớp.

Diomède tung hoành ngang dọc trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, tả xung hữu đột linh hoạt đến nỗi không ai có thể biết chàng đang giao đấu ở trận tuyến nào. Chàng xung trận như một con sông được mùa mưa lũ. Mưa dâng nước lên tràn bờ, nước ào ào đổ xuống cánh đồng cuốn phăng mọi nhà cửa cây cối. Đê cao cũng không cản nổi dòng nước hung dữ. Cũng vậy, những đạo quân Troie dày đặc cũng không cản nổi Diomède. Chàng như dòng nước mạnh thúc vào chân đê làm sụt đê lở dần dần và cuối cùng bị vỡ tung ra. Những đạo quân Troie trước sức tấn công của Diomède cũng vỡ tung ra như vậy. Pandaros, con trai danh tiếng của Lycaon thấy tình hình quân Troie như vậy, trong lòng sục sôi căm tức. Chàng quyết trừng trị Diomède để cản bước tiến của quân Hy Lạp. Với cây cung kỳ diệu, Pandaros nhằm Diomède bắn. Mũi tên xé gió xuyên qua lần áo giáp đâm vào bả vai Diomède làm máu chảy ứa ra. Diomède bị thương. Chàng lui bước và dừng lại trước chiến xa của mình và gọi người bạn là Sthénélos xuống xe rút hộ mũi tên ra khỏi vai. Sau đó chàng lại xông lên tìm kẻ thù quyết bắt hắn phải đền tội. Lúc này bên quân Troie có hai dũng tướng là Énée và Pandaros đang khát khao đọ sức với Diomède. Thấy khí thế họ hùng hổ như vậy, Sthénélos khuyên Diomède hãy tạm lui. Nhưng Diomède nổi giận, sa sầm mặt lại, quát lớn:

– Cấm không được nói đến rút lui! Đừng có nói đến rút lui mà hòng ta để cho yên! Dù địch thủ có gớm ghê đến đâu chăng nữa, ta cũng không sờn lòng. Chí khí ta vững như bàn thạch. Nhiệt tình ta vẫn sôi sục như núi lửa đang phun. Ta sẽ không lên chiến xa để nghênh chiến với họ. Không! Không! Ta sẽ cứ hiên ngang thẳng tiến đến họ. Nữ thần Athéna không cho phép ta được sợ hãi.

Chiến xa của Énée phăng phăng lao tới. Pandaros ưỡn người về phía sau giương ngọn lao. Chàng lấy hết sức bình sinh phóng mạnh. Ngọn lao xuyên thủng chiếc khiên của Diomède nhưng chỉ tới lần áo giáp là dừng lại. Pandaros tưởng Diomède bị thương reo ầm lên. Nhưng niềm vui của hắn quá sớm. Diomède phóng lao. Nữ thần Athéna lái cho ngọn lao hướng vào mũi Pandaros, ngay cạnh mắt. Ngọn lao đâm thẳng vào mũi thúc xuống hàm răng, cắt đứt lưỡi và phá ra ở ngang mé cằm. Pandaros ngã ngửa người từ trên chiến xa xuống. Vũ khí rơi theo kêu loảng xoảng. Đôi ngựa chồm lên hí vang và lui lại mấy bước. Énée từ chiến xa nhanh như cắt nhảy xuống cản Diomède, bảo vệ thi hài Pandaros, vừa đánh vừa lùi. Diomède thấy Énée lui về, chàng bèn bê một tảng đá to lớn nặng có dễ đến hai ba người không khiêng nổi. Chàng nâng bổng lăn trên đầu và ném mạnh vào người Énée. Tảng đá xô Énée ngã quỵ, mắt chàng hoa lên, da thịt bị rách và cắt đứt mất hai sợi gân ở chân. May thay nữ thần Aphrodite, người mẹ kính yêu của chàng, kịp thời đến đỡ con mình vào đôi cánh tay và đưa đi. Biết nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp chẳng có tài năng chiến trận như các vị thần khác, Diomède cầm lao đuổi theo. Chàng phóng lao, và ngọn lao xé rách áo nữ thần đâm vào cánh tay trắng muốt của nữ thần làm máu đỏ trào ra. Aphrodite hét lên đau đớn, buông rơi đứa con. Thần Apollon vội đến đỡ lấy Énée, tung ra một đám mây mù dày đặc, che giấu cho chàng. Nữ thần Cầu vồng-Iris đến dìu Aphrodite, đưa nàng thoát ra khỏi chiến trận, đến bên chiến xa của thần Arès. Thần Arès vội cho Aphrodite mượn cỗ xe để bay về thế giới Olympe chữa chạy vết thương.

Diomède biết thần Apollon đã cứu Énée, nhưng vì lòng khao khát lập chiến công để được vinh quang và danh tiếng đã xúi đẩy chàng đến chỗ khinh thị thần linh. Ba lần Diomède lao vào thần Apollon là ba lần chàng bị thần đẩy mạnh vào chiếc khiên khiến chàng bị bật ra. Lần thứ tư Diomède lại xông vào. Thần Apollon nổi giận cất tiếng quát lớn:

– Này hỡi Diomède! Coi chừng đấy! Cút mau và hãy từ bỏ ý định ngông cuồng muốn đọ sức với thần thánh!

Diomède sợ hãi đành phải rút lui.

Thần Apollon sau khi đưa Énée ra khỏi cuộc hỗn chiến tàn bạo bèn đến bên thần Chiến tranh-Arès nói những lời lẽ kích động như sau:

– Hỡi thần Chiến tranh-Arès, tai họa của loài người! Kẻ uống máu người thay nước lã. Kẻ đánh phá thành trì! Ngươi có muốn loại khỏi cuộc chiến đấu tên dũng sĩ kia không? Người con của Tydée đấy! Tên đó hôm nay ghê gớm lắm. Hắn đã đánh nữ thần Aphrodite bị thương vào tay rồi lao vào ta, coi ta như là một vị thần bằng vai phải lứa với hắn. Tình hình này không khéo hắn dám đánh cả thần Zeus đấng phụ vương của chúng ta nữa.

Arès nghe nói liền sôi máu. Thần sà xuống đám quân Troie, hóa mình thành dũng tướng Acamas, thủ lĩnh quân Thrace, đi khắp chỗ này chỗ khác, khích lệ quân Troie quyết tâm chiến đấu trả thù cho Énée. Quân Troie được thần Arès chi viện liền tổ chức phản công. Các tướng Hector, Sarpédon lao vào cuộc chiến đấu với khí thế ào ạt như thác đổ mưa nguồn. Quân Hy Lạp chống đỡ yếu dần và rồi bỏ chạy, dồn lại thành từng cụm. Thần Chiến tranh-Arès, kẻ uống máu người thay nước lã, chạy khắp chiến trường cổ vũ quân Troie. Thần Apollon đưa Énée trở lại chiến trường. Các vị tướng Hy Lạp ra sức tổ chức lại đội ngũ để cản bước tiến của quân Troie, nhưng không đạt kết quả.

Ở trên đỉnh Olympe, nữ thần Héra thấy quân Hy Lạp bị thua, quân sĩ bị giết thây phơi ngổn ngang trên chiến trường, một số còn sống thì tan tác, tháo chạy bèn ra lệnh cho nữ thần Athéna tham chiến, cứu nguy cho quân Hy Lạp. Sau khi đã trút bỏ tấm áo thần mềm mại, bận nhung y võ phục vào người, hai nữ thần bèn xuất chinh trên một cỗ xe thần. Nữ thần Héra quất roi vào những con thần mã. Thế là chúng tung vó phóng đi trong một niềm hứng khởi tràn trề. Chúng bay trong khoảng không gian bao la ngăn cách giữa bầu trời đầy sao với mặt đất, và chẳng mấy chốc chúng đã hạ vó xuống vùng đồng bằng Troade. Thế là hai nữ thần Athéna và Héra lao vào cuộc chiến đấu, đi khích lệ cổ vũ quân Hy Lạp nhanh nhẹn nhẹ nhàng như đàn chim câu vỗ cánh.

Lúc này thần Chiến tranh-Arès đang tung hoành trên chiến trường. Diomède vẫn không dám nghênh chiến với thần. Nữ thần Athéna đến cổ vũ:

– Hỡi Diomède, con trai của Tydée! Ngươi đừng sợ gì cả, không sợ Arès cũng như không sợ bất cứ một vị thần nào. Ngươi nhớ rằng có ta đây, ta ở bên ngươi, ta sẽ giúp ngươi. Cứ phóng chiến xa đến chỗ Arès và đánh thật mạnh. Đánh thật mạnh vào.

Nói xong, Athéna kéo Sthénélos xuống xe rồi nhảy phắt lên ngồi cạnh Diomède. Athéna cầm roi và giật cương cho ngựa chạy thẳng đến chỗ thần Arès. Thấy Diomède lao đến, thần Arès vừa hạ xong một đối thủ chưa kịp tước vũ khí và áo giáp đồng, bèn bỏ đấy, chĩa ngọn lao nhọn ra sẵn sàng giao đấu. Thần không trông thấy nữ thần Athéna trên xe vì Athéna đã đội lên đầu chiếc mũ của thần Diêm vương-Hadès, chiếc mũ có phép lạ, hễ ai đội nó là hình hài biến mất, người ngoài không trông thấy được. Arès phóng lao, mũi lao bay đi nhằm thẳng ngực Diomède. Nhưng nữ thần Athéna đưa tay nắm lấy ngọn lao và hất ra một bên. Diomède kịp thời đánh trả, phóng mũi lao đồng. Athéna hướng mũi lao bay trúng đích và thúc nó bay nhanh. Mũi lao đâm thẳng vào bụng dưới của Arès nơi mà thần Arès đã cẩn thận quấn chiếc đai bảo hộ. Ngọn lao đâm Arès bị thương. Arès đau quá hét lên một tiếng. Tiếng hét ầm vang kinh thiên động địa khiến cho người ta tưởng chừng có chín, mười nghìn người đang hò la mới to đến như thế. Nghe tiếng hét ấy cả quân Troie lẫn quân Hy Lạp rùng mình kinh hãi.

Lúc này ở chiến trường bỗng nổi lên một trận cuồng phong xoáy lốc. Trận cuồng phong đó cứ hút xoáy cát bụi lên mãi, đưa chúng lên cao tận những đám mây che phủ đỉnh Olympe. Kẻ nhát gan thì bảo có lẽ thần Arès sắp giáng tai họa trừng phạt. Nhưng những người từng trải thì bảo đó là thần Arès bay về trời.

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Quân Hy Lạp từ khi được nữ thần Héra và Athéna xuống giúp sức đã chỉnh đốn quân ngũ, đánh lui quân Troie và khôi phục lại được thế tiến công ào ạt lúc đầu. Quân Troie phải lui về trấn giữ ở gần cổng thành. Tình thế quân Troie quả là nguy ngập.

Quyển 2 – Chương 71: Hector từ giã Andromaque trước khi xuất trận

Dũng tướng Hector đi khắp chiến trường hạ lệnh lui quân về ở cổng thành. Chàng vừa chỉ huy việc lui quân vừa tổ chức cuộc chiến đấu phòng ngự. Khi mối nguy hiểm không còn đe dọa gay gắt, căng thẳng nữa chàng trở vào trong thành gặp mẹ, nữ hoàng Hécube, để truyền lại lời phán bảo của nhà tiên tri Hélénos. Theo lời phán bảo, thành Troie phải làm lễ cầu khấn nữ thần Athéna, xin nữ thần giải cứu cho đô thành. Mẹ chàng, lão bà Hécube, lập tức sai gia nhân sắm sửa lễ vật. Lời cầu xin chân thành, khẩn thiết bao nhiêu thì điềm báo đáp lại lạnh lùng, thờ ơ bấy nhiêu. Nữ thần Athéna khước từ lời cầu xin đó.

Hector đến nhà Paris. Chàng tỏ vẻ tức giận khi thấy trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, Paris ở nhà bên vợ. Chàng ra lệnh cho Paris phải ra ngay ngoài chiến trường, sát cánh chiến đấu cùng với anh em binh sĩ. Tiếp đó chàng về thăm nhà. Nhưng vợ chàng, nàng Andromaque có cánh tay trắng muốt, không có mặt tại nhà. Nghe tin quân Troie thua trận phải lui về giữ thành, nàng vội đi lên bờ thành cao để nghe ngóng tình hình. Theo sau nàng là người nữ tỳ trùm tấm khăn đẹp đẽ, bế đứa con trai xinh đẹp của nàng.

Hector đi tìm vợ. Chàng gặp vợ ở cổng thành Scées. Đi theo vợ chàng là người nữ tỳ bế đứa con trai yêu quý của chàng, một đứa bé còn măng sữa và xinh đẹp như một ngôi sao. Hector lấy tên dòng sông xanh yêu quý chảy trên vùng đồng bằng Troade, dòng sông Scamandre, đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của mình. Vì thế đứa bé tên là Scamandrios. Nhưng người ta còn gọi nó bằng một cái tên khác nữa. Đó là Astyanax. Trông thấy con, Hector mỉm cười. Nhưng Andromaque đến bên chồng, nước mắt chan hòa, cầm lấy tay chồng than thở.

– Chàng ơi, chàng mà quên mình liều thân xuất trận thì chàng sẽ chết mất! Chàng không thương con còn nhỏ dại, chàng cũng chẳng thương em rồi đây sẽ trở thành người góa bụa hay sao? Vì nếu chàng ra khỏi thành thì thế nào quân Hy Lạp cũng sẽ xông lại giết chàng. Nếu chàng không may mà bỏ mình ngoài chiến địa thì em chỉ còn biết chết theo chàng thôi. Đời em toàn là những nỗi đau thương bất hạnh. Cha em đã chết vì tay Achille thần thánh. Mẹ em bị Achille bắt sống. Sau khi nhận của chuộc hắn phóng thích mẹ em. Nhưng nữ thần Artémis đã bắn một mũi tên ác nghiệt giết chết mẹ em trong cung điện của thân phụ người. Em có bảy anh em thì cả bảy đều bị Achille giết chết trong một ngày. Hector chàng ơi! Em chẳng còn lại thân thích ngoài chàng nữa. Đối với em, chàng là một người cha, một người mẹ kính yêu, một người anh gần gũi và cũng là người chồng thân thiết đang tuổi thanh xuân. Xin chàng hãy thương em, ở lại đây, trên bờ thành cao này, để cho con chàng khỏi phải là đứa bé mồ côi và vợ chàng khỏi trở thành người góa bụa. Chàng hãy ra lệnh dàn quân ở chỗ cây vả, nơi có thể đột nhập vào thành dễ nhất. Đã ba lần rồi, quân Hy Lạp dưới sự chỉ huy của các dũng tướng Ajax và Idoménée, Agamemnon và Ménélas, cả Diomède nữa đã tấn công nhằm vào chỗ đó.

Nghe vợ nói, Hector rất xúc động. Chàng ân cần đáp lại lời vợ:

– Nàng ơi, chính ta đây cũng đã nghĩ tới những điều nàng đã nghĩ, và ta cũng lo lắng đến điều bất hạnh sẽ xảy ra với ta. Nhưng nếu như bắt chước một kẻ hèn nhát vô liêm sỉ, ta lẩn trốn không dám xuất trận thì ta còn mặt mũi nào mà nhìn họ hàng, bà con, anh em cũng như những người dân trong đô thành này nữa. Vả chăng lòng ta cũng không muốn làm như vậy, bởi vì xưa nay ta đã quen bao giờ cũng anh dũng chiến đấu ở hàng đầu quân Troie để giữ gìn danh tiếng cho cha và cho ta. Chính ta đây, ta cũng linh cảm thấy, rồi ra, một ngày kia, thành Ilion thần thánh cùng với lão vương Priam và thần dân của người sẽ bị tiêu diệt. Nhưng điều khiến ta lo nghĩ nhất, sau này, không phải trước hết là mẹ cha ta và các em ta sẽ gục ngã dưới ngọn lao mũi giáo của quân thù. Ta chỉ lo nghĩ nhiều nhất, lo nghĩ trước hết đến nỗi khổ nhục của nàng khi xảy ra cảnh ấy. Lúc ấy nàng sẽ bị một tên Hy Lạp mặc áo giáp đồng bắt đi trong tiếng khóc than vật vã, chấm dứt những ngày tự do, hạnh phúc của nàng. Nàng sẽ bị đưa về Argos và dưới quyền sai khiến của một người đàn bà khác, nàng phải dệt vải hay đi lấy nước ở sông Messeis hoặc Hypérie. Trông thấy nàng nước mắt tủi cực chan hòa, người ta khẽ bảo nhau: “Vợ của Hector đấy! Hồi còn đánh nhau ở Ilion, chàng là người anh dũng nhất, thiện chiến nhất trong những người Troie đấy!” Người ta bảo nhau như vậy, nhưng còn nàng thì lại càng thấy tủi thân tủi phận khôn cùng. Vì nàng không bao giờ còn có một người chồng như ta để bảo vệ nàng khỏi rơi vào cuộc đời nô lệ. Nhưng nàng ơi! Ta thà chết đi cho đất đen phủ kín lấy ta còn hơn là phải nghe tiếng nàng kêu khóc và trông thấy nàng bị một tên Hy Lạp bắt, lôi đi.

Nói xong Hector cúi xuống bế con. Nhưng đứa bé khóc thét lên nép mình vào người nữ tỳ. Nhìn thấy bố, nó sợ hãi quá chừng. Nó sợ những áo giáp mũ trụ bằng đồng. Nó sợ chùm lông ngựa mà nó thấy rung rinh dữ tợn trên chóp mũ. Hector liền cởi mũ trụ sáng ngời đặt xuống đất. Chàng ôm con vào lòng hôn, đung đưa nó trên tay rồi cầu khấn như sau:

– Hỡi Zeus và chư vị thần linh! Xin cho con ta, đứa bé này, sau đây cũng được lừng danh trong khắp dân Troie như ta, cũng có sức mạnh vô địch như ta và sẽ ngự trị oai hùng trên đất Ilion thần thánh. Xin cho nó một ngày kia, khi thấy nó từ chiến trận trở về, người người đều bảo: “Chà, nó còn hơn bố nó nhiều”. Xin cho nó giết được nhiều quân thù và mang vũ khí đoạt được còn đẫm máu quân thù về dâng cho mẹ nó để mẹ nó được vui lòng.

Cầu xong chàng trao con cho vợ, an ủi vợ và ra đi. Chàng ra đi vì danh dự của một vị tướng cầm đầu binh sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Troie. Chàng ra đi vì sự cần thiết của nghĩa vụ. Chàng đến với anh em binh sĩ để tổ chức cuộc chiến đấu chống lại quân Hy Lạp. Còn Andromaque, vợ chàng thì trở lại nhà. Nàng vừa đi vừa khóc, vừa ngoái lại nhìn hình ảnh người chồng thân yêu đang nhỏ dần, nhỏ dần và mất hút trong chiến địa.

Quyển 2 – Chương 72: Agamemnon nhận ra lỗi lầm xin Achille xuất trận

Tình cảnh quân Hy Lạp rất đỗi nguy khốn. Chẳng phải là người tài rộng trí sâu mới nhận định được cái thế cùng lực tận của quân Hy Lạp. Nếu không có một cuộc phản công quyết liệt khả dĩ xoay chuyển lại thế trận thì chỉ ngày một ngày hai là quân Hy Lạp bị dồn ra bờ biển và chưa chắc có kịp lên thuyền mà tháo chạy được về quê hương.

Ngay đêm hôm ấy, Agamemnon cho mời các tướng lĩnh đến họp. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào cuộc họp rồi mà chẳng ai buồn nói. Vắng hẳn đi cái không khí vui vẻ, rộn rã trước kia. Agamemnon buồn rầu nước mắt lăn trên má, nói trước:

– Hỡi các tướng lĩnh đầy tài trí! Tình hình nguy khốn đến như thế này thì ta biết nói sao bây giờ. Thần Zeus đã không phù hộ chúng ta. Thần đã chăng bẫy lừa chúng ta vào vòng thảm họa. Thôi hãy theo lệnh ta: kéo thuyền xuống biển và trở về quê hương Hy Lạp yêu dấu. Thời cơ thuận lợi để đánh chiếm thành Troie đã lỡ mất rồi!

Agamemnon nói xong, cả Hội đồng Tướng lĩnh ai nấy đều ngồi im, vẻ mặt buồn rười rượi. Bỗng Diomède đứng phắt dậy quát:

– Hỡi Agamemnon! Sao nhà ngươi lại ăn nói điên rồ như vậy? Ta lại đánh cho bây giờ, đồ tồi. Thần Zeus đã cho nhà ngươi làm vua xứ Mycènes đầy vàng bạc, làm Tổng Chỉ huy quân đội, nhưng thần Zeus lại không ban cho nhà ngươi phẩm chất dũng cảm kiên cường. Ngươi nói thế và tưởng rằng những tướng lĩnh và quân sĩ Hy Lạp cũng hèn nhát như ngươi, từ bỏ chiến trường để trở về Hy Lạp phải không? Không đâu, những chiến sĩ Hy Lạp sẽ ở lại đây chiến đấu cho đến ngày hạ được thành Troie. Còn nếu như họ muốn đào ngũ chạy trốn thì họ cứ việc hành động theo ý định của họ. Thuyền đây và biển kia sẽ đưa họ trở về quê hương. Ở lại chiến trường chỉ còn lại ta và Sthénélos thôi, dù cho chỉ có hai ta thôi, hai ta quyết tâm chiến đấu cho đến ngày hạ được thành Troie.

Nghe Diomède nói thế, tức thì các tướng lĩnh đồng thanh tán thưởng. Mọi người đều vui mừng khi thấy Diomède đã dũng cảm và thẳng thắn phê phán ý định tháo lui của tướng Agamemnon.

Nhưng tiếp tục chiến đấu như thế nào để đẩy lui được sức tiến công của quân Troie, giành được thuận lợi? Không ai nghĩ đến điều đó ngoài ông già Nestor. Với vốn sống từng trải, biết nhìn xa trông rộng, lão vương Nestor khuyên bảo Agamemnon:

– Agamemnon hỡi! Theo ta tình hình nguy kịch hiện nay chỉ có Achille là người duy nhất có thể xoay chuyển được thôi. Nhưng Achille bị ngài xúc phạm vẫn nuôi giữ mối giận hờn trong dạ. Đó, ngài thấy chưa? Ngài là vua được Zeus ban cho cây vương trượng và luật pháp để cai quản muôn dân một cách công minh và chính thức, nhưng ngài đã không làm như thế! Ta đã khuyên can ngài nhưng ngài không nghe ta. Ngài đã tuân theo trái tim tham lam cướp đi của Achille nàng Briséis. Thôi bây giờ ngài phải làm cho Achille nguôi giận đi. Hãy đến thuyết phục Achille bằng cách hứa bồi thường lại cho hắn ta thật hậu hĩ!

Nghe ông già Nestor nói, Agamemnon đáp lại:

– Hỡi Nestor, cụ già khôn ngoan và dày kinh nghiệm! Những điều cụ phê phán ta, ta xin nhận hết. Phải, tình hình bây giờ chỉ có Achille mới có thể cứu vãn được. Chỉ riêng hắn ta đã mạnh bằng hàng trăm chiến sĩ. Ta sẽ cử ngay một đoàn sứ giả đến thuyết phục Achille để hắn ta nguôi giận. Ta sẽ chuộc lại lỗi lầm đã xúc phạm đến người anh hùng ấy bằng cách trả lại cho chàng người thiếu nữ Briséis cùng với nhiều của cải hậu hĩ khác nữa, và nếu như mai đây chúng ta hạ được thành Troie, trở về đất nước Hy Lạp thần thánh với những thuận lợi vang dội trời xanh, ta sẽ gả cho Achille con gái xinh đẹp của ta. Ta có ba người con gái, Achille ưng cô nào ta gả cho Achille cô ấy. Ta sẽ cho chàng bảy đô thành giàu có đều ở gần biển trong vương quốc của ta. Đấy, đó là tất cả những gì mà ta đã sẵn sàng để chuộc lại lỗi lầm. Chỉ mong sao Achille đừng nuôi giữ mối giận hờn dai dẳng trong dạ.

Theo sự tiến cử của lão vương Nestor, đoàn sứ giả đi thuyết phục Achille gồm có năm người. Cầm đầu là lão vương Phénix, một ông già quắc thước nổi danh về sự mực thước khôn ngoan. Tiếp đến người anh hùng Ulysse mà tài hùng biện và thuyết phục đã từng được ba quân biết đến trong những cuộc hội nghị, chàng Ajax Lớn con của Télamon, một dũng tướng mà tài năng và sức mạnh chỉ chịu thua kém riêng có Ulysse. Cuối cùng là Odios và Eurybate lãnh nhiệm vụ hộ tống.

Achille tiếp đãi đoàn sứ giả của Agamemnon rất long trọng. Lần lượt Ulysse rồi đến Phénix thuyết phục người con trai danh tiếng của Pélée. Nhưng vô hiệu. Achille quyết không thay đổi thái độ của mình. Chàng vẫn nuôi giữ mối giận hờn. Chàng vẫn ghét cay ghét đắng Agamemnon. Chàng kết án Agamemnon đã đối xử bất công với mình: “Chẳng ai là người biết ơn ta đã luôn luôn xung trận giao chiến với quân thù, gian nguy không nề hà, mệt mỏi vẫn ráng sức. Thế mà khi chia chiến lợi phẩm thì kẻ ở doanh trại không xuất trận với người xả thân chiến đấu đến hết hơi hết sức cũng được chia phần bằng nhau. Kẻ hèn nhát với người anh hùng cũng được coi trọng như nhau”. Chàng tố cáo Agamemnon là người tham lam: “Ở bất cứ nơi nào sau mỗi trận đánh, ta cũng thu được biết bao chiến lợi phẩm vô cùng quý giá, và bao giờ ta cũng đem về giao nộp tất cả cho Agamemnon, chẳng hề giữ riêng lại cho mình chút nào. Thế mà hắn, chẳng xông pha nơi máu lửa, chẳng vào sinh ra tử, chỉ ngồi bên đoàn thuyền thon nhẹ hưởng thành quả chiến đấu của chúng ta. Bao nhiêu của cải mọi người đem trao nộp cho hắn, hắn chia cho mọi người thì ít mà giữ lại cho phần hắn thì nhiều. Ấy thế mà hắn lại còn chiếm đoạt phần thưởng mà toàn thể quân Hy Lạp đã nhất trí chia cho ta, chiếm đoạt cả người thiếu nữ xinh đẹp Briséis của ta”.

Achille vẫn không nguôi mối giận hờn trong dạ, mối giận hờn đã làm cho chàng tách ra khỏi liên minh các đạo quân Hy Lạp. Chàng dường như quên mất mình là một người anh hùng danh tiếng đã từng sống gắn bó với lý tưởng cao quý của bộ lạc. Mối giận hờn đã làm Achille mất tỉnh táo, sáng suốt, Achille có ý định sẽ trở về quê hương, lấy vợ, vui thú cảnh ruộng vườn gia đình, mặc cho quân Hy Lạp sống chết với chiến tranh. Chàng đã quên đi những quá khứ oai hùng cùng chia ngọt sẻ bùi, nằm gai nếm mật với đồng đội. Hết người này đến người khác ra sức thuyết phục Achille nhưng không sao lay chuyển được chàng. Đoàn sứ giả đành phải ra về với nỗi thất vọng và tường trình lại cho Agamemnon và các tướng lĩnh biết.

Quyển 2 – Chương 73: Ulysse và Diomède đột nhập vào doanh trại quân Troie trinh sát

Vào một đêm trời tối đen như mực, doanh trại quân Hy Lạp chìm đắm trong giấc ngủ. Từ các dũng tướng cho đến anh em chiến sĩ ai nấy đều ngủ say mê mệt. Tiếng ngáy vang lên râm ran trong các lều trại. Tuy nhiên có một người không ngủ, đó là vị Tổng Chỉ huy Agamemnon. Tình hình quân Hy Lạp đang trong tình thế hiểm nghèo. Nỗi lo lắng đè nặng lên trái tim vị chủ tướng. Phải làm cách gì để gỡ ra khỏi thế bị bao vây hiện nay, cứu thoát đoàn quân Hy Lạp. Agamemnon trằn trọc trên giường. Sau cùng, chàng thấy tốt hơn hết là tìm đến lão vương Nestor để bàn bạc, định liệu xem có thể hoạch định một thế trận phản công tối ưu như thế nào đó để giải thoát khỏi thế trận hiểm nghèo, và vị chủ tướng rời khỏi giường, bận nhung y võ phục vào người, cầm lao khoác khiên ra đi. Agamemnon vừa ra đi thì gặp ngay người em ruột của mình là Ménélas. Bản thân Ménélas cũng không sao chợp mắt được, trách nhiệm của một vị tướng đè nặng lên trái tim của chàng, chàng sẽ dắt dẫn những binh sĩ của mình trong cuộc chiến đấu sắp tới, ngày mai, ngày kia đi tới đâu: phá được vòng vây và tiếp tục truy đuổi quân Troie về tận chân thành hay làm mồi cho thần Chết-Thanatos? Và thế là hai anh em bàn định việc triệu tập ngay trong đêm khuya một cuộc họp các tướng lĩnh. Cuộc họp được triệu tập lặng lẽ, không dùng viên truyền lệnh xướng loa để khỏi làm mất giấc ngủ của ba quân. Agamemnon đến gọi lão vương Nestor rồi cả hai đến gọi Ulysse, Diomède. Khác với mọi lần, lần này Hội đồng Tướng lĩnh họp ngay ở vọng gác tiền tiêu của quân Hy Lạp, trên một bãi đất bằng phẳng. Lão vương Nestor, người điều khiển chiến xa thành thạo, cất tiếng nói trước tiên:

– Hỡi các chiến hữu! Muốn hoạch định cho trận giao tranh sắp tới, chúng ta cần phải biết được ý đồ của quân Troie. Ta muốn ngay trong đêm nay, lợi dụng lúc tối trời, một dũng tướng gan dạ đột nhập vào doanh trại quân Troie để thám thính, trinh sát tình hình. Có thể anh ta với tài năng của mình bắt sống được một vài tên quân canh ở vọng gác tiền tiêu. Nếu không, anh ta lắng nghe những câu chuyện mà đám lính Troie bàn bạc, anh ta thu lượm chỗ này một chút, chỗ kia một ít. Từ đó, chúng ta sẽ tìm hiểu xem quân Troie có ý đồ gì. Liệu chúng có thể dám mạo hiểm đóng quân trụ lại ngay tại nơi đây ở cách xa thành của chúng không? Hay chúng có thể, mặc dù giờ đây đang có ưu thế, dừng cuộc tiến công lại và quay trở về thành? Chỉ cần người dũng tướng đó trở về an toàn và đem cho ta những tin tức ta cần biết. Như thế cũng là một chiến công to lớn lắm rồi. Hội đồng Tướng lĩnh sẽ trọng thưởng người anh hùng đó, và người anh hùng đó sẽ được mời ngồi vào vị trí danh dự trong những bữa tiệc mừng công cũng như trong các bữa tiệc của mọi lễ hội.

Lão vương Nestor nói xong và ngồi xuống. Cả Hội đồng Tướng lĩnh im lặng một hồi lâu, nhưng rồi tướng Diomède người có tiếng thét kinh thiên động địa, đáp lại. Chàng xin lãnh nhiệm vụ đột nhập vào doanh trại quân Troie để do thám tình hình. Chàng xin Hội đồng Tướng lĩnh cử một người nữa đi cùng với chàng. Có hai người công việc sẽ thuận lợi hơn. Người này yểm trợ cho người khác. Nghe Diomède nói, các tướng lĩnh đều tỏ ra sẵn sàng. Hai chàng Ajax, Ajax Lớn và Ajax Bé, xung phong xin đi trước tiên. Rồi chàng Mérion, con trai của lão vương Nestor cũng tỏ ra không chịu thua kém. Dũng tướng Ménélas, người con của Atrée, một chiến sĩ danh tiếng lẫy lừng, và Ulysse người anh hùng từng trải, đều tỏ ý muốn được đảm nhận nhiệm vụ vẻ vang. Tổng Chỉ huy Agamemnon thấy vậy bèn quyết định trao cho Diomède toàn quyền chọn lựa. Diomède chọn Ulysse. Và hai người ra đi, chìm vào bóng đêm dày đặc.

Cũng trong đêm ấy, bên phía quân Troie, dũng tướng Hector người chỉ huy không thể chê trách được triệu tập Hội đồng Tướng lĩnh tới để nghị hội. Chàng kêu gọi một vị tướng nào đó trong Hội đồng xung phong đảm nhận việc đột nhập vào khu vực chiến thuyền của quân Hy Lạp để điều tra:

– Hỡi các dũng tướng! Tình hình mà chúng ta cần biết là sau những trận thất bại vừa rồi, quân Hy Lạp liệu có còn tinh thần chiến đấu nữa hay không? Quanh khu vực chiến thuyền việc canh phòng có cẩn mật như trước đây hay không? Liệu có dấu hiệu gì tỏ ra quân Hy Lạp đang chuẩn bị rút quân về nước không? Có thể do thất trận, do quân Hy Lạp có ý đồ rút lui mà việc canh phòng lơ là, ý chí rã rời, kỷ luật lỏng lẻo không? Dũng tướng nào dám đảm đương trọng trách này sẽ được ta trọng thưởng.

Hector nói xong, cả Hội đồng Tướng lĩnh im lặng, nhưng một người trong số các tướng lĩnh Troie dự họp, bật đứng dậy xin đảm nhận trách nhiệm nặng nề đó. Đấy là chàng Dolon người anh hùng con trai của Eumède, người truyền lệnh thần thánh, nổi danh vì giàu có, đồng lắm vàng nhiều. Dolon hăng hái ra đi, lao vào bóng đêm đen nhằm thẳng hướng khu vực các chiến thuyền Hy Lạp neo đậu, đi tới, và chính trong khi Dolon đột nhập khá sâu vào khu vực doanh trại của quân Hy Lạp thì bị Diomède và Ulysse phát hiện. Hai người anh hùng Hy Lạp liền dấn bước chạy đuổi theo Dolon. Còn Dolon nghe tiếng chân người chạy liền vội nằm áp tai xuống đất để lắng nghe. Chàng ngờ rằng có thể Hector thay đổi ý định cho người đuổi theo chàng để truyền cho chàng biết lệnh mới, gọi chàng trở về. Bất hạnh thay cho Dolon, khi hai người anh hùng Hy Lạp xuất hiện cách chàng chỉ còn khoảng một tầm lao thì chàng mới nhận ra họ không phải là những chiến sĩ Troie. Chàng bật dậy cắm đầu chạy. Ulysse và Diomède đuổi theo, thét lớn: “Đứng lại! Đứng lại!” Nhưng Dolon vẫn chạy. Tức thời một ngọn lao phóng theo lướt qua vai Dolon và cắm phập xuống đất. Dolon dừng lại và chịu đầu hàng. Không chậm trễ, những người anh hùng Hy Lạp khai thác tin tức. Qua lời khai báo của Dolon, họ biết rõ được những vị trí đóng quân của từng đơn vị quân Troie. Quan trọng hơn cả là họ được biết có một đạo quân của người Thrace vừa tới tiếp viện. Chỉ huy đạo quân này là nhà vua Rhésos có trong tay những chiến mã phi thường, cao lớn, to khỏe chưa từng thấy, chạy nhanh như gió lốc. Đặc biệt là bầy chiến mã hết thảy đều trắng phau như tuyết, còn cỗ xe của vua Rhésos và vũ khí của ông ta đều toàn bằng vàng bằng bạc. Cuối cùng, thấy không khai thác được thêm tin tức gì ở tên tù binh Troie này nữa, hai người anh hùng Hy Lạp kết liễu đời hắn.

Chiến công tiếp theo của Diomède và Ulysse lại còn lớn hơn nữa. Biết đạo quân của Rhésos vừa chân ướt chân ráo mới đến mệt nhọc, canh phòng lơ là, hai vị anh hùng Hy Lạp quyết tâm đột nhập đoạt bầy ngựa quý và cỗ chiến xa. Họ bò sát vào lều trại của quân Thrace mà không một ai hay biết. Tất cả đều ngủ say như chết. Người anh hùng Diomède con của Tydée bật dậy dùng lao đâm vào những chiến sĩ người Thrace đang ngủ. Máu đỏ tràn ra lênh láng trên mặt đất. Chỉ trong phút chốc chàng đã đâm chết mười hai chiến sĩ người Thrace. Còn Ulysse cứ mỗi khi Diomède giết chết một tên quân Thrace là chàng lập tức cầm chân hắn lôi ra ngoài để lấy lối đi cho bầy ngựa: Người thứ mười ba bị Diomède giết chết là nhà vua Rhésos. Lúc này Ulysse đã tháo được bầy ngựa ra. Chàng lùa chúng đi và huýt sáo làm ám hiệu gọi Diomède, nhưng Diomède vẫn muốn tước đoạt nốt cỗ xe của nhà vua, hiềm một nỗi chưa biết xoay sở thế nào. Nữ thần Athéna đã theo dõi công việc của hai người anh hùng Hy Lạp. Biết được nỗi băn khoăn của Diomède, nữ thần liền xuất hiện và phán truyền cho Diomède phải trở về ngay kẻo bị lộ. Thế là Diomède cưỡi ngựa, Ulysse lùa đàn ngựa chạy như bay về doanh trại quân Hy Lạp.