Khi cô tiếp viên báo tin máy bay đã đáp xuống phi trường Zaventem ở Bruxelles, tôi nghe tim mình đập loạn nhịp, từng tế bào trong cơ thể tôi ngân lên. Mỗi lần trở lại nước Bỉ, tôi đều xúc động vô ngần, nơi đây nào phải quê hương, nhưng tôi luôn cho rằng mình có một mái nhà, đâu đó, ở khách sạn Ibis tại Bruxelles mỗi khi tôi đi công tác cho Van Lattel, ở đường Vertbois tại Liège nơi tôi trải qua cả năm trời dùi mài kinh sử, ở căn phòng số 25 trong khu học xá trên “đồi gió hú” Sart-Tilman trong những ngày đầu tiên đi du học? Hay nơi đó là căn hộ của Jean, nơi mối tình đầu của tôi đã chứng kiến những phút giây hạnh phúc tưởng như là bất tận?
Mùa Xuân ở châu Âu quá tuyệt vời, thật xứng đáng để mong chờ sau những tháng mùa Thu ảm đạm và mùa Đông buốt giá. Trở lại nước Bỉ lần này, tôi may mắn rơi vào tháng Sáu, thời điểm mùa Xuân thật sự nở rộ với nắng thủy tinh vàng lóng lánh. Dưới vòm trời trong xanh không gợn một áng mây, những bông hoa căng tràn mật ngọt thu hút ong bướm lượn bay, hương hoa cỏ trong tiết trời ấm áp làm náo nức lòng người. Tôi chỉ khoác chiếc veste mỏng, mặc váy lụa màu vàng chanh và chân mang đôi giày đế thấp gắn nơ xinh xắn. Với bộ dạng này, tôi tự dưng hứng thú được lang thang một mình chụp hình “tự sướng” khắp phố phường. Tôi thấy mình trở lại về làm cô gái nhỏ ngây ngô, hồn nhiên và trong sáng.
Tôi đứng lại nhìn mình trong một tủ kính bán chocolat trên phố Marché aux Herbes, có thể dáng vẻ tôi vẫn còn là một cô gái nhỏ, có thể trông tôi vẫn còn nhí nhảnh trong bộ cánh mùa Xuân, nhưng tôi không còn ánh mắt vô tư của ba năm về trước nữa rồi. Tôi đã có những tháng ngày tràn đầy những kinh nghiệm quí báu, nhớ lại buổi sáng lang thang chụp hình một mình trên phố vắng Bruxelles, tôi thấy mình trưởng thành hơn cả mong đợi. Giờ đây tôi là một cô gái trẻ, ánh mắt tự tin dù ẩn sâu trong đáy mắt là tia nhìn tư lự.
Mùa Thu năm đó, tôi hoàn tất khóa Cao học một năm ở Đại học Liège và quay về Việt Nam như dự định. Tôi trở lại làm việc cho Van Lattel chi nhánh Việt Nam và được tăng gấp đôi lương. Thật ra không phải tất cả kiến thức tôi thu lượm đều có ích và áp dụng được ngay vào công việc. Nhưng chính những trải nghiệm khi du học xa đã giúp tôi có được sự tự tin, tính mạnh mẽ, khả năng chịu áp lực cao.
Cũng không hẳn vì có bằng Cao học mà công ty xem tôi là một nhân viên có triển vọng, chi nhánh Việt Nam giờ cũng tuyển khá nhiều bạn đồng trang lứa với tôi đi du học về. Đơn giản tôi nghĩ mình nổi trội hơn vì đã có quá trình làm việc trong công ty, sau đó mới đi du học trên tinh thần bù đắp lý thuyết cho thực tiễn, rồi lại quay về áp dụng những kiến thức đó. Tôi hiểu các quy trình và cách làm việc của công ty hơn những đồng nghiệp trẻ mới đi du học về nhưng chưa từng có kinh nghiệm.
Tôi dần trả món nợ mười lăm ngàn euro và đã trả gần xong do mỗi năm lại được tăng lên vị trí cao hơn cũng mức lương tương ứng. Tôi được Ban Giám Đốc tin dùng và họ đặc biệt đánh giá cao tính trung thực của tôi. Người Bỉ không khờ khạo mà chỉ quá trung thực, nếu bị “qua mặt” dù một lần, họ sẽ không cho bạn bất kỳ cơ hội nào để sửa chữa.
Tôi cũng đã có điều kiện phụ gia đình trả nợ ngân hàng tiền nhà và cũng đã trả gần hết. Thằng Hải em tôi dẹp mộng du học trời Tây sau khi tôi cật lực khuyên nhủ, nó chuyên tâm học cho hết hệ Đại học trong nước và sẽ tìm việc làm trước tiên. Tôi muốn nó hiểu việc du học không nên là một trào lưu, thấy người khác đi thì mình cũng nôn nóng đi cho bằng được. Sau này nếu thấy thật sự cần thiết, Hải sẽ tìm cách du học hệ Cao học ở những nước gần mà chất lượng giáo dục đảm bảo, ví dụ như Singapore hay Malaysia, nhưng chi phí phải tự nó chịu trách nhiệm lấy. Em tôi có vẻ hiểu, ba mẹ tôi cũng có thái độ nhẹ nhõm hơn trước kia rất nhiều. Mọi thứ đều vào nề nếp, mọi chuyện đều theo kế hoạch, mọi việc đều đúng dự kiến.
Nhưng giá như mọi thứ đều hoàn hảo.
Thời gian còn du học ở Liège, tôi và Jean cố gắng tận dụng những ngày cuối tuần ngắn ngủi để có điều kiện “tìm hiểu”. Chúng tôi hay cùng nhau đi những nước gần Bỉ như Pháp, Hà Lan, Đức, hoặc chỉ lái xe loanh quanh đến những vùng đồng quê. Thật ra chỉ có tôi có nhu cầu tìm hiểu đối tác mà càng “tìm hiểu” thì càng khó hiểu. Tình yêu không phải là công thức toán, chẳng có định nghĩa hay khái niệm nào thực sự đúng đắn cho mỗi mối tình. Jean không đòi hỏi bất cứ điều gì từ tôi, anh không bắt tôi kể lể quá nhiều về mình trong khi tôi luôn muốn biết tất cả về anh. Jean cũng không thắc mắc khi học xong quay về nước thì mối quan hệ của chúng tôi sẽ thế nào, anh không buồn rầu khi nghĩ ngợi khoảng cách địa lý sẽ gây trở ngại ra sao, anh không đắn đo lên kế hoạch bước tiếp theo trong chuyện tình yêu của chúng tôi sẽ là gì.
Tôi càng bấn loạn khi những tháng cuối cùng trên đất Bỉ đã tới, giờ chia tay gần kề, ngày lên máy bay đã điểm, Jean vẫn bình chân như vại.
_ Anh muốn mọi chuyện thuận theo tự nhiên – Jean nhún vai bình thản – Mình làm sao xa cách nhau đươc. Dù sao, hai đứa cũng làm chung trong một Tập đoàn mà.
_ Đó mới chính là điều em lo ngại – Tôi phát sốt – Em chỉ là một nhân viên cỏn con trong một chi nhánh bé nhỏ, hầu như không chút danh phận.
_ Thì sao? – Jean ngơ ngác với bộ mặt khờ đáng ghét – Trong mối quan hệ này, ngay từ đầu đã là như vậy, thì bây giờ là như vậy. Em cứ về Việt Nam làm việc, trước mắt để làm đúng cam kết với phòng Nhân Sự, trả nợ dần dần tiền học. Sau đó tính tiếp.
_ Tính tiếp? – Tôi thở hắt ra – Là tính cái gì? Ít ra, phải đến ba năm sau em mới dứt nợ. Ba năm đó, anh ở đâu? Anh vẫn tiếp tục ở Bruxelles làm một trong những nhà điều hành trẻ của Tập đoàn? Mình vẫn giữ mối quan hệ yêu đương với khoảng cách xa như vậy trong suốt ba năm? Rôi sau ba năm sẽ là gì?
Jean luôn cho rằng tôi quá tính toán và muốn mọi thứ phải lên kế hoạch rạch ròi, dù là trong chuyện tình cảm. Theo anh, chỉ trong công việc mới cần phải có kế hoạch, còn tình yêu hãy để cho con tim làm theo lý lẽ của riêng mình.
_ Anh đâu có ngờ sẽ yêu một cô gái Việt Nam như em – Jean cố gắng giải thích – Chính con tim anh một ngày kia cho anh biết em là người anh chọn. Khi yêu, đàn ông không tính toán gì hết.
_ Nhưng em cần phải tính toán cho tương lại của mình – Tôi nổi xung – Với phụ nữ, công việc chẳng là gì quan trọng, chính tình yêu và người mình yêu mới là điều đáng quan tâm hơn hết.
_ Thì anh vẫn yêu em, dù em có quay về Việt Nam đi nữa – Jean nắm tay tôi an ủi – Anh sẽ sang Việt Nam thăm em, làm quen với gia đình em. Em cũng sẽ sang lại Bỉ thăm anh. Chắc chắn công ty sẽ cho em đi họp hành hay đào tạo tại Bruxelles. Chúng mình lại gặp nhau…
_ Rồi sau đó? Rồi tiếp theo? – Tôi cáu – Ba mẹ em sẽ luôn miệng hỏi “Chuyện đến đâu rồi? Chừng nào đám cưới? Chừng nào ổn định? Mỗi đứa ở một nơi hoài sao?
Ngày tôi lên máy bay về lại Việt Nam, dù vẫn đưa tôi ra phi trường, Jean và tôi vẫn đang giận nhau. Hay ít ra, tôi đang giận Jean, còn anh chỉ đơn giản là làm mặt khờ. Trời mùa Thu mưa rơi rả rích, gió thốc từng cơn, lá vàng bay bất định.
_ Hy vọng đây không phải lần cuối mình gặp nhau? – Jean mỉm cười giả ngốc hỏi – Mặt em nhìn lạnh lùng quá?
_ Không biết – Tôi ậm ừ – Do anh thôi. Về Việt Nam em đắt show lắm. Sợ rằng sẽ quên anh nhanh…
_ Dù ở dây anh cũng đắt show – Jean cười ngây ngô – Nhưng anh không quên em đâu. Lần sau đến Bruxelles, anh lại rước em ở phi trường Zaventem nhé!
_ Em không nghĩ mình sớm quay lại Bỉ – Tôi cáu – Adieu!
Khi nói lời vĩnh biệt, thực sự tôi không nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp lại Jean nữa. Đó chỉ là lời chào trong lúc đang giận dỗi. Jean chỉ đáp “Au revoir!”, lời tạm biệt với hy vọng sẽ gặp lại. Mắt anh rất buồn, chúng tôi không nói lời gì thêm. Một nụ hôn nhanh trên môi khi chúng tôi rời nhau. Và đã gần hai năm rồi, chúng tôi không gặp lại.
Sau này khi tôi đã về Việt Nam, trong một e-mail, Jean thú nhận anh đang hy vọng sẽ sớm được điều sang Van Lattel chi nhánh Việt Nam để làm việc. Anh bình thản khi chia tay tôi cũng vì lẽ đó. Với bản tính nghịch ngợm, anh mặc kệ tôi bực tức để rồi sẽ làm tôi ngạc nhiên khi một ngày không xa sẽ thình lình xuất hiện trước cửa nhà tôi ở Sài Gòn.
Nhưng như một định mệnh khi tôi nói “Adieu!”, Jean không được bổ nhiệm sang Việt Nam vì tình hình kinh tế không thuận lợi. Anh bị điều sang Mexico, một thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng cho Tập đoàn Van Lattel. Jean thổ lộ “Anh vẫn luôn hy vọng, rồi sẽ có ngày kinh tế bớt căng thẳng hơn, anh sẽ được đến Việt Nam…”
Tôi đã chờ anh một ngày nào đó xuất hiện trước cửa nhà tôi ở Sài Gòn. Nhiều đêm nhớ Jean, tôi thường thức giấc lúc nửa đêm về sáng và đành ngồi bó gối chờ mặt trời lên mà không cách chi ngủ được. Tôi nhớ lúc chúng tôi trải qua Giáng Sinh trắng tại Vienne, nhớ lúc hạnh phúc được trọn vẹn thuộc về nhau ở Venise, nhớ sân ga Bruxelles ngày cuối tuần khi tôi được Jean ra đón với cái ôm siết nghẹn lòng.
Tôi vẫn chưa bao giờ cảm ơn anh đã khuyên tôi đi du học, tôi cũng chưa bao giờ thành thật thú nhận rằng Jean đã cho tôi nhiều hơn những gì một cô gái vốn ngốc nghếch như tôi xứng đáng nhận. Anh đã giúp tôi trưởng thành, đã cho tôi một tình yêu khiến tôi đủ mạnh mẽ tiếp tục dấn bước mỗi ngày mà không sợ cô đơn.
Sài Gòn không một chỗ nào có gió hú, thành phố này cũng không có những cung đường uốn lượn dễ làm người ta choáng váng như đồi Sart-Tilman. Tôi có thể sống mà không cần ai đó chở che. Nhưng đó chỉ là lý trí, bởi tôi biết con tim mình lên tiếng, tôi cần anh.
Trở lại nước Bỉ trong đợt đào tạo ngắn kỳ này, tôi không có Jean ra rước như anh từng hứa. Anh đang mãi tận Mexico xa xôi. Tôi tranh thủ quay lại thăm Liège vào cuối tuần, thành phố không mảy may thay đổi. Nhưng những người tôi quen hầu như không còn ai. Ngôi nhà cũ của chúng tôi giờ chỉ còn anh Tùng ở lại trọ. Anh Hưng đã sang làm nghiên cứu sinh ở Hà Lan, theo dự án với thầy đỡ đầu. Chị Nhàn bỏ ngang chương trình làm Tiến sĩ vì con bệnh nặng, phải quay về Việt Nam lo chạy chữa. Pascale cũng đã về Cameroon. Anh Tùng cho biết nhà đón thêm những thành viên mới, đủ năm người để chia tiền như thời tôi còn học ở đây.
Tôi một mình đi bộ từ nhà ở phố Vertbois ra Palce Saint Lambert, dạo loanh quanh khu trung tâm rồi lấy bus số 48 lên đồi Sart-Tilman. Ngọn đồi nhỏ trong nắng Xuân với những cung đường uốn lượn nở đầy hoa, đẹp như một bài thơ. Tôi ngạc nhiên nhận ra dù đã lâu không đi bus trên đường đèo vòng vo, tôi vẫn không choáng váng vì say xe. Trong suốt một năm du học với gánh nặng nợ nần và mặc cảm chưa chu toàn với gia đình đè nặng trên vai, tôi đã trải qua những lúc khó khăn để học hành vất vả và vượt qua những kỳ thi căng thẳng. Một năm ở Bỉ tôi đã lao động cật lực và có những lúc rối trí không xác định được mình có đi đúng hướng. Giai đoạn đầu mới qua bị khủng hoảng trên “đồi gió hú”, tưởng không bao giờ vượt qua nổi. Thế mà sau này về lại Việt Nam, mỗi khi nhớ lại Liège, tôi chỉ toàn nằm mơ thấy những cung đường trên ngọn đồi Sart-Tilman vàng nắng lúc Xuân về.
Nơi trạm xe bus trước khu Kinh Tế, tôi chợt nhận ra một người đang đứng đưa tay vẫy. Có thể tôi hoa mắt, có thể tôi bị ảo giác, nắng đang lung linh nhảy múa khiến mọi vật cứ nhòe đi. Tôi lảo đảo xuống xe, đưa tay che mắt nhìn thật kỹ.
_ Anh đây! Anh chờ em nãy giờ cũng lâu rồi. Anh Tùng nói em đã ra khỏi nhà, đi loanh quanh một chút rồi sẽ lên Sart-Tilman. Vậy mà cũng cả tiếng rồi…
_ Anh làm gì ở đây? – Tim tôi vỡ òa – Không phải anh đang ở…
_ Anh làm thám tử, anh có cái thú theo dõi người khác, đặc biệt người đó là em. Mọi người Bỉ đều đọc Tintin và là fan của George Simenon mà!
Tôi yêu cảm giác được ôm siết vào lòng.
Ánh nắng tháng Sáu đang dát vàng ngọn đồi nhỏ.
HẾT