Anh cầm tay em gái dắt đi và thủ thỉ:
– Từ ngày mẹ mất, anh em mình không có lúc nào được vui sướng. Ngày nào mẹ ghẻ cũng đánh đập, hễ cô đến gặp bà ta để cầu xin cái gì đó thì bà ta thượng cẳng chân hạ cẳng tay đuổi đi. Ăn thì chỉ có mấy miếng bánh mì đầu thừa đuôi thẹo đã khô cứng. Con chó con nằm dưới gầm bàn còn sướng hơn anh em mình, thỉnh thoảng còn được mẹ ghẻ vứt cho một miếng ngon. Mong trời thương hại mà phù hộ để mẹ chúng mình biết được tình cảnh này của anh em ta! Ta đi em ạ, anh em mình cùng nhau đi nơi khác thôi em ạ.
Hai anh em đi suốt ngày, qua đồng cỏ, ruộng nương, qua những nơi đất đá gồ ghề. Khi trời đổ mưa, người em gái nói:
– Trời thương mà khóc cùng anh em mình!
Chiều tối, hai anh em tới một cánh rừng rộng, cả hai đều mệt mỏi vì buồn chán, vì đói và vì đường xa nên chui ngay vào hốc cây mà ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi hai anh em bừng mắt dậy thì mặt trời đã lên cao, ánh nắng oi bức chiếu vào hốc cây. Lúc đó người anh nói:
– Em ạ, anh khát quá. Hễ gặp suối là anh đi uống ngay lập tức. Anh nghe thấy hình như có tiếng nước chảy róc rách đâu đây?
Anh đứng dậy, dắt tay em đi tìm suối. Mẹ kế độc ác vốn là một mụ phù thủy. Mụ thấy hai đứa trẻ trốn đi liền bí mật rón rén lần theo chúng. Mụ phù phép tất cả các suối ở trong rừng.
Hai anh em thấy một con suối, nước chảy như thác bạc xuống đá. Anh muốn xuống bờ suối uống nước, nhưng em gái nghe như có tiếng rì rào trong suối vọng lên.
– Ai uống nước suối sẽ hóa ra cọp! Ai uống nước suối sẽ hóa ra cọp!
Ngay lúc đó, em gái bảo anh:
– Anh ơi, em xin anh, anh đừng uống, kẻo anh lại biến thành thú dữ xé xác em mất.
Mặc dù đã khát đến cháy cổ nhưng anh cũng không uống. Anh nói:
– Thôi, đợi đến suối sau vậy.
Khi hai anh em tới suối thứ hai, người em gái nghe thấy tiếng vọng ra từ dòng nước:
– Ai uống nước suối sẽ hóa thành chó sói! Ai uống nước suối sẽ hóa thành chó sói!
Ngay lúc đó, em gái bảo anh:
– Anh ơi, em xin anh đừng uống kẻo lại hóa thành chó sói ăn thịt em.
Anh trai đành không uống và nói:
– Anh cố nhịn tới khi anh em mình thấy con suối khác. Lúc ấy em muốn nói gì thì nói, thế nào anh cũng phải uống cái đã, anh khát tới kiệt sức mất.
Rồi khi hai anh em tới bên bờ suối thứ ba, em gái nghe thấy giọng người nói trong nước chảy róc rách:
– Ai uống nước suối sẽ hóa thành con mang! Ai uống nước suối sẽ hóa thành con mang!
Em gái bảo:
– Trời, anh ơi, em xin anh, anh đừng uống, kẻo lại hóa thành con mang bỏ em mà chạy.
Nhưng thấy nước, người anh quỳ ngay gối, cúi xuống uống nước. Những giọt nước đầu tiên vừa mới qua môi thì anh trai đã biến thành con Mang nằm ngay bên bờ suối.
Lúc đó người em khóc than thương hại người anh xấu số đã bị phù phép. Con Mang cũng khóc lóc, rên rỉ nằm bên cạnh. Mãi sau người em gái nói:
– Anh Mang thân yêu, anh cứ yên tâm, em sẽ không bao giờ rời anh một bước.
Rồi em tháo nịt vàng ra buộc vào cổ Mang, lại đi nhổ cói tết thành một sợi dây mềm để dắt Mang đi, đi hoài, đi mãi vào tận trong rừng sâu. Người và vật đi mãi thì tới một căn nhà nhỏ. Nhìn vào thấy nhà bỏ không, em gái nghĩ bụng có thể ở lại đây được. Rồi em đi tìm rêu và lá vàng khô để làm một cái đệm mềm cho Mang. Sáng sáng, em gái đi tìm các loại củ, dâu dại và hạt dẻ. Em mang cỏ non về cho Mang, đút cho Mang ăn. Mang vui thích nhảy nhót quanh em. Buổi tối, khi đã mệt, em gái gối đầu vào lưng Mang ngủ một giấc ngon lành. Nếu như anh biến thành người được thì cuộc đời của hai anh em thật là sung sướng.
Họ sống quạnh hiu như vậy trong rừng hoang một thời gian dài. Có lần nhà vua tổ chức một cuộc săn lớn trong rừng. Tiếng tù và, chó sủa và tiếng người đi săn hò hét cười đùa vang cả cánh rừng. Mang nghe thấy cũng muốn nhập cuộc quá đi mất. Mang bảo em gái:
– Trời, em hãy để cho anh nhập cuộc săn. Anh không tài nào nhịn được nữa.
Mang van nài cho tới khi em gái bằng lòng mới thôi.
Em nói với Mang:
– Nhưng thế nào chiều tối anh cũng phải về nhé. Em đóng cửa để phòng đám thợ săn hung bạo kia. Để nhận ra anh, anh nhớ gõ cửa và nói: “Em gái của anh, mở cửa anh nào!.” Nếu anh không nói thế thì em không mở cửa đâu nhé!
Rồi Mang ra ngoài, tung tăng nhảy trong bầu không khí mát lành. Vua và quần thần thấy con Mang đẹp, đuổi theo nhưng không kịp. Lúc tưởng là bắt được đến nơi thì bỗng nhiên Mang nhảy vọt qua bụi cây um tùm và biến mất. Khi trời đã tối, Mang về nhà, gõ cửa nói:
– Em gái của anh, mở cửa anh nào!
Thế là cánh cửa mở toang, Mang nhảy vào nhà nằm nghỉ suốt đêm trên đệm mềm êm ấm.
Sáng hôm sau, cuộc săn lại bắt đầu. Khi Mang lại nghe thấy tiếng tù và, tiếng hò la của đám thợ săn, lòng lại rộn rực. Mang nói:
– Em ơi, mở ngay cửa cho anh. Thế nào anh cũng phải ra mới được.
Em gái mở cửa cho Mang ra và bảo:
– Nhưng khi trời tối là anh phải có mặt ở nhà đấy. Anh nhớ gõ cửa gọi như lời em dặn nhé!
Vua và quần thần vừa thấy con Mang đeo vòng vàng là tất cả đuổi theo liền, nhưng Mang nhanh trí và chạy nhanh hơn họ. Cuộc vây bắt kéo dài cả ngày, đến tối thì những người đi săn vây được Mang. Một người bắn trúng chân Mang, Mang bị thương nhẹ, khập khiễng chạy không được nhanh lắm. Một người thợ săn lần theo Mang đến tận căn nhà nhỏ, nghe thấy Mang gọi:
– Em gái của anh, mở cửa anh vào!
Người ấy thấy cửa mở ra, rồi đóng lại liền. Người thợ săn nhớ kỹ những điều tai nghe mắt thấy, rồi kể lại cho vua biết. Nghe xong, vua phán:
– Ngày mai lại đi săn nữa!
Em gái thấy Mang bị thương thì sợ lắm, lau sạch máu ở vết thương, lấy lá đắp lên và bảo:
– Mang thương, hãy đi nằm để cho vết thương chóng lành.
Nhưng vết thương cũng nhẹ nên sớm hôm sau Mang không thấy đau gì cả. Thấy ở bên ngoài, cuộc săn lại nhộn nhịp cả cánh rừng, Mang bảo:
– Mang không nhịn được nữa đâu, Mang phải nhập cuộc. Không ai bắt nổi Mang đâu.
Em gái khóc và bảo:
– Lần này thì họ giết chết anh mất, rồi em ở một mình trong căn nhà này trong rừng, em bị bỏ bơ vơ không ai biết đến. Em không để anh ra nữa.
– Ở lại đây thì Mang cũng buồn mà chết. Mỗi khi nghe tiếng tù và là lòng Mang lại rộn lên thấy mình phải nhảy ngay ra.
Lúc đó người em gái không còn cách nào khác là mở cửa mà lòng nặng lo âu. Mang nhanh nhẹn, vui vẻ chạy vào rừng.
Thấy Mang, vua ra lệnh cho các người đi săn:
– Giờ phải đuổi săn cho bằng được con Mang ấy, đuổi cả ngày lẫn đêm luôn, nhưng không ai được bắn.
Mặt trời vừa lặn thì vua bảo người thợ săn:
– Ngươi dẫn đường và chỉ cho ta căn nhà nhỏ trong rừng.
Tới cửa căn nhà trong rừng, vua gõ và gọi:
– Em gái của anh, mở cửa anh vào!
Cánh cửa từ từ mở, vua bước vào. Đứng trong nhà là một cô gái đẹp tuyệt trần, vua chưa từng thấy ai đẹp như vậy. Cô sợ quá, vì không thấy Mang của mình bước vào mà lại là một người đàn ông đội vương miện vàng trên đầu. Nhưng vua nhìn cô với dáng vui vẻ, dịu dàng, cầm tay cô và nói:
– Nàng có muốn theo ta về cung làm hoàng hậu không?
Cô gái đáp:
– Thiếp xin vâng, nhưng phải cho Mang đi cùng, thiếp không bỏ Mang được.
Vua nói:
– Mang sẽ ở bên nàng suốt đời và sống trong nhung lụa không thiếu thốn một thứ gì.
Giữa lúc ấy thì Mang nhảy vào. Cô gái lấy dây buộc Mang, dắt Mang ra khỏi căn nhà trong rừng.
Vua đón cô gái xinh đẹp lên ngựa của mình, đưa cô về cung, làm lễ cưới linh đình, trọng thể. Giờ thì cô là hoàng hậu, hai vợ chồng sống bên nhau thật hạnh phúc. Mang được chăm nom, săn sóc, nhảy nhót vui đùa trong vườn thượng uyển.
Mụ dì ghẻ độc ác đinh ninh rằng đứa con gái đã bị thú dữ trong rừng xé xác ăn thịt và con Mang – người anh trai – đã bị thợ săn bắn chết. Khi mụ được tin cả hai đều sống sung sướng và hạnh phúc thì cơn ghen tức trong lòng mụ lại nổi lên làm mụ mất ăn mất ngủ. Trong thâm tâm, mụ chỉ có ý nghĩ duy nhất là làm thế nào hãm hại hai anh em. Con gái cưng của mụ xấu như ma lem, trông mặt tối sầm như đêm tối, lại chột một mắt, nó vùng vằng đòi:
– Con phải là hoàng hậu cơ, vì số con là như vậy.
Mụ phù thủy già an ủi con:
– Cứ yên trí! Hễ có dịp là tao ra tay ngay!
Ngày tháng trôi qua, hoàng hậu sinh được một đứa con trai khôi ngô tuấn tú. Trong lúc vua đi săn vắng, mụ phù thủy già hóa phép biến thành một nữ tỳ vào phòng hoàng hậu và nói:
– Tâu lệnh bà, nước tắm đã sẵn sàng, mời bà đi tắm cho người nhẹ nhõm, tươi trẻ lại, lệnh bà đi ngay kẻo nước nguội.
Con gái mụ đứng sẵn đó. Hai mẹ con khiêng hoàng hậu hãy còn yếu mệt đặt vào bồn tắm, khóa cửa buồng tắm lại, rồi bỏ đi. Chúng hun lửa ở ngoài, để khói bay vào trong buồng tắm, chẳng mấy chốc sau hoàng hậu trẻ đẹp đã bị chết ngạt.
Làm xong việc đó, mụ phù thủy choàng khăn đội cho con gái mình, đặt con gái mình vào giường thay chỗ hoàng hậu. Mụ hóa phép cho con gái mình có dáng người và bộ mặt y hệt hoàng hậu, duy chỉ có con mắt chột mụ không sao chữa được. Để cho vua không nhận ra điều đó, con gái mụ nằm nghiêng phía có mắt hỏng vào tường.
Buổi tối, khi đi săn về, vua nghe nói hoàng hậu sinh con trai thì vô cùng mừng rỡ, định lại bên giường người vợ yêu quý thăm hỏi. Mụ già vội nói:
– Chớ chớ! Xin bệ hạ chớ có kéo rèm lên. Hoàng hậu chưa quen với ánh sáng chói chang được đâu, người đang cần được tịnh dưỡng.
Vua lui ra, không biết là có hoàng hậu giả nằm trong giường.
Đến nửa đêm, khi mọi người đều ngủ, người bảo mẫu ngồi thức một mình bên nôi hoàng tử thấy cửa mở ra, hoàng hậu thật bước vào. Bà bế con ở nôi ra, ẵm hoàng tử trên tay, rồi cho bú. Rồi bà giũ gối cho con, đặt con vào trong nôi và đắp chăn cho con. Bà cũng không quên con Mang. Bà đến góc phòng nơi Mang nằm và vuốt lưng nó. Sau đó, bà lẳng lặng bước ra khỏi cửa. Sáng hôm sau, người bảo mẫu hỏi lính canh có thấy ai ban đêm vào cung không. Lính canh đáp:
– Không, chúng tôi không nhìn thấy một ai cả.
Đã nhiều đêm hoàng hậu đến như vậy nhưng không bao giờ nói một lời nào. Lần nào, người bảo mẫu cũng nhìn thấy bà, nhưng không dám nói hở cho ai biết.
Sau một thời gian, hoàng hậu bắt đầu nói trong đêm khuya:
– Con mẹ biết làm gì rồi? Mang của ta ra sao? Ta chỉ còn đến đây hai lần nữa, rồi không bao giờ tới nữa.
Người bảo mẫu không trả lời hoàng hậu, nhưng khi bà biến đi, người bảo mẫu tới tìm nhà vua, kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua phán:
– Trời ơi! Sao lại có chuyện thế nhỉ? Đêm sau trẫm sẽ thức bên nôi hoàng tử.
Đến tối, vua vào buồng hoàng tử. Đúng nửa đêm, hoàng hậu lại hiện về và nói:
– Con mẹ biết làm gì rồi? Mang của ta ra sao? Ta chỉ còn đến đây một lần nữa, rồi không bao giờ trở lại.
Trước khi biến mất, hoàng hậu đến bên nôi săn sóc con như thường lệ. Vua không dám lên tiếng gọi hoàng hậu. Nhưng đêm sau vua thức nữa, lại nghe tiếng hoàng hậu nói:
– Con mẹ biết làm gì rồi? Mang của ta ra sao? Ta chỉ đến đây lần này, rồi không bao giờ tới nữa.
Lần này, vua không kiềm chế mình được nữa, liền chạy lại phía hoàng hậu và nói:
– Nàng không phải ai khác mà chính là vợ yêu quý của ta!
Lúc đó, hoàng hậu đáp:
– Vâng, đúng thế, chính em là vợ yêu quý của nhà vua.
Vừa lúc đó thì nàng sống lại, tươi tỉnh, hồng hào và khỏe mạnh. Ngay sau đó, nàng kể cho vua nghe tội lỗi của mụ phù thủy độc ác và con gái mụ.
Nhà vua cho đem hai mẹ con mụ dì ghẻ ra xét xử. Chúng bị xử trảm. Án tử xong thì con Mang lại hiện nguyên hình thành người. Hai anh em cùng nhau sống sung sướng trọn đời.
Danh mục: Truyện cổ Grim
Truyện cổ Grim
12. Rapunzen
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia không có con, họ mong rằng ngày kia trời sẽ thương cảnh ngộ họ. Nhìn qua cửa sổ sau nhà thì thấy một mảnh vườn tuyệt đẹp, trồng toàn hoa thơm, các loại rau lạ. Mọi người đều biết đó là mảnh vườn của một mụ phù thủy nên không ai dám trèo tường vào vườn.
Một hôm, nhìn qua cửa sổ đằng sau nhà, người vợ thấy ở luống rau kia có loại rau mọc tươi mơn mởn, từ đó bà trở nên thèm được ăn thứ rau đó. Cơn thèm ngày càng tăng, rồi một hôm, đang đứng bên cửa sổ người vợ thấy choáng váng cả người và ngã lăn ra đất. Thấy vợ tái nhợt nằm đó, chồng lại bên và hỏi:
– Em yêu, em sao vậy?
Người vợ đáp:
– Trời, nếu em không được ăn một bữa rau ba lăng trồng ở vườn sau nhà chắc em chết mất.
Chồng rất thương vợ nên nghĩ:
– Tại sao lại để vợ mình chết nhỉ, cứ liều sang lấy, đến đâu thì đến.
Đợi trời xẩm tối, chồng trèo tường lẻn vào vườn lấy rau ba lăng về cho vợ. Vợ nấu ăn thật ngon lành. Rồi hôm sau vợ lại càng thấy thèm rau ba lăng và năn nỉ chồng đi lấy nữa.
Đợi trời xẩm tối, người chồng vào, vừa mới trèo qua tường đặt chân xuống đất thì đứng ngay trước mặt chàng là mụ phù thủu, chàng hoảng sợ, mụ nhìn chàng với con mắt bực tức và nói:
– Ngươi cả gan thật đấy, dám vào vườn ta hái trộm rau ba lăng. Ngươi sẽ biết tay ta.
Người đàn ông đáp:
– Trời, thương tình tôi với, chỉ vì thương vợ quá nên mới có chuyện hái trộm rau, vợ tôi nhìn thấy rau non mơn mởn nên thèm, thèm đến nỗi có thể chết đi được.
Mụ bớt giận và nói:
– Ngươi có thể hái rau ba lăng như ngươi muốn, nhưng với điều kiện, đứa con vợ ngươi đẻ phải giao cho ta nuôi, ta chăm sóc nó như con đẻ của ta.
Trong lúc hoảng sợ người chồng đồng ý tất cả. Đến khi người vợ sinh con, mụ phù thủy tới đòi, đặt tên đứa bé là Rapunzên – rau ba lăng – rồi mụ bế đứa bé đi luôn.
Rapunzên lớn lên nom rất dễ thương. Năm Rapunzên mười hai tuổi, mụ phù thủy nhốt em ở trong một cái tháp không có bậc lên hay cửa để ra vào. Mỗi khi muốn vào tháp mụ phù thủy phải gọi:
– Rapunzen, Rapunzen
Ta muốn leo lên,
Bện thả tóc xuống.
Rapunzên có bộ tóc dài óng mượt, mái tóc vàng nom cứ tưởng những sợi vàng ròng. Mỗi khi nghe giọng mụ phù thủy gọi, Rapunzên gỡ mái tóc dài ra, buộc một đầu vào chiếc móc ở tháp và thả đầu kia xuống, tóc Rapunzên dài chạm đất, mụ phù thủy đu theo mái tóc mà lên tháp.
Nhiều năm trôi qua, một ngày kia có hoàng tử cưỡi ngựa đi ngang qua, chàng nghe thấy có tiếng hát vang ra từ trong tháp, chàng dừng ngựa để nghe. Đó là tiếng hát của Rapunzên, nàng hát cho đỡ buồn. Hoàng tử tìm đường vào trong tháp nhưng không thấy cửa ra vào. Chàng ra về nhưng lòng còn bâng khuâng nhớ người có giọng hát hay. Và từ đó ngày nào hoàng tử cũng tới gần tháp để nghe hát. Một hôm, trong lúc hoàng tử đang đứng sau một gốc cây cổ thụ thì thấy mụ phù thủy bước tới gần tháp gọi với lên:
– Rapunzen, Rapunzen.
Ta muốn leo lên,
Bện thả tóc xuống.
Rapunzên thả bím tóc xuống, mụ phù thủy leo lên. Hoàng tử nghĩ:
– Phải chăng đó chính là cái thang để leo lên tháp? Ta cũng thử một lần xem sao.
Ngày hôm sau, đợi lúc trời xấm tối, hoàng tử tới gần tháp gọi với lên:
– Rapunzen, Rapunzen.
Ta muốn leo lên,
Bện thả tóc xuống.
Bím tóc được thả xuống, hoàng tử leo lên.
Rapunzên chưa từng gặp người đàn ông nào trong đời nên rất hoảng sợ. Hoàng tử vui vẻ, nhã nhặn, dùng lời lẽ nhẹ nhàng kể cho Rapunzên nghe rằng chàng từ khi nghe nàng hát đến giờ lòng lúc nào cũng khao khát được gặp người hát. Rapunzên dần dần tĩnh tâm lại. Hoàng tử hỏi nàng liệu có thể sống bên nàng được không, nàng thấy chàng đẹp trai, khỏe mạnh nên cũng rất ưng, nàng đặt bàn tay mình vào trong lòng bàn tay chàng và nói:
– Em cũng rất muốn đi cùng với anh, nhưng em không biết làm cách nào để tụt xuống chân tháp. Nếu như mỗi lần đến thăm em, anh mang cho em một bó tơ, em lấy tơ bện thành dây chão, khi nào dây chão bện xong em sẽ tụt xuống chân tháp, anh đón em lên ngựa và hai ta cùng đi.
Hai người hẹn với nhau, rằng cứ chiều tối chàng lại tới, vì ban ngày mụ phù thủy tới. Mụ phù thủy hoàn toàn không biết chuyện hò hẹn giữa hoàng tử và Rapunzên. Một hôm Rapunzen hỏi:
– Bà Gothel ơi, cháu hỏi bà nhé, tại sao kéo bà lên tháp cháu thấy nặng hơn là kéo hoàng tử.
Mụ phù thủy liền la mắng:
– Ái chà, mày là quân vô đạo, mày nói gì vậy, tao tưởng tao đã cách ly mày với thế giới bên ngoài rồi, không ngờ mày còn có thể đánh lừa được cả tao.
Trong cơn tức giận, mụ túm tóc Rapunzen, lôi giật và tay trái ghì Rapunzen, tay phải cầm kéo cắt tóc, xoạt, xoạt – những bím tóc óng mượt rơi xuống đất. Mụ vẫn chưa hả giận, mụ đưa Rapunzen tới một miền hoang vu cằn cỗi để nàng phải sống trong cảnh thường xuyên bị đói khát dằn vặt.
Giờ đây mụ phù thủy ngồi trong tháp, mụ cột chặt bím tóc vào móc ở bên cửa sổ, khi hoàng tử tới và gọi
– Rapunzen, Rapunzen.
Ta muốn leo lên,
Bện thả tóc xuống.
Bím tóc được thả xuống, hoàng tử leo lên. Tới nơi chàng không thấy Rapunzen thương yêu, chỉ thấy mụ phù thủy có cặp mắt trợn trừng dữ tợn. Mụ cười vang nhạo chàng.
– Ái chà chà, ngươi tính đến đón người thương chứ gì, nhưng con chim ấy đâu còn ở trong tổ, nó cũng chẳng còn ca hát được nữa, mèo đã bắt nó đi rồi. Còn ngươi, mắt sẽ bị gai đâm mù, ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy Rapunzen, đối với ngươi hình ảnh Rapunzên thế là hết.
Trong lúc choáng váng hoàng tử nhảy từ trên tháp cao xuống bụi gai, bị gai đâm mù cả hai mắt, chàng đi lang thang trong rừng sâu, bới đào rễ cây, củ các loại và hái dâu rừng để ăn. Chàng vừa đi vừa than khóc nhớ người yêu.
Chàng đi hết nơi này tới nơi khác, sống cuộc đời lang thang như vậy mấy năm trời, cuối cùng chàng tới miền hoang vu kia, nơi Rapunzen cùng hai con đang sống – nàng sinh được một trai, một gái – Nghe tiếng nàng gọi con chàng ngờ ngợ và cứ hướng tiếng người nói đi tới, khi chàng đến gần, Rapunzen nhận ngay ra và ôm choàng lấy chàng mà khóc. Hai giọt lệ rỏ xuống mắt chàng, làm cho mắt chàng sáng ra, chàng nhìn được như xưa. Chàng cùng nàng và các con trở về vương quốc của mình. Họ được đón tiếp trọng thể trong niềm vui chung của mọi người. Từ đó hai người sống bên nhau trong bình an và hạnh phúc.
13. Ba người lùn trong rừng
Ngày xưa có một người đàn ông góa vợ và một người đàn bà góa chồng, người đàn bà có một con gái, và người đàn ông cũng có một con gái. Hai đứa bé chơi thân với nhau, thường rủ nhau chơi và sau đó về nhà người đàn bà góa. Có lần người đàn bà góa bảo đứa con gái của người đàn ông:
– Cháu nghe bác nói nhé, cháu về bảo bố là bác muốn sống cùng với bố cháu. Được vậy bác sẽ cưng cháu hơn là con của bác, cháu muốn gì cũng có.
Đứa bé về nhà kể lại cho bố nghe đầu đuôi câu chuyện. Người đàn ông lẩm nhẩm một mình:
– Không biết nên thế nào nhỉ? Lấy vợ cũng sướng đấy mà cũng khổ đấy.
Bác phân vân không biết nên quyết định như thế nào. Cuối cùng, bác tháo chiếc giày ủng đang đi ra, và bảo con:
– Con cầm chiếc giày ủng này, nó có một lỗ thủng ở đế. Con lên trên gác xép, treo giày lên chỗ cái đinh to ấy, rồi đổ nước vào giày, nếu giày giữ được nước thì bố lại cưới vợ, nếu nước chảy dò ra thì thôi.
Cô gái làm theo lời bố dặn. Nước thấm làn da nở ra, lấp kín lỗ thủng, đổ đầy nước vào giày mà không dò nước ra. Cô gái chạy xuống nói cho bố biết. Bố đích thân đi lên xem thấy đúng như lời con nói. Bác liền đến nhà người đàn bà góa và nói ý định của mình. Và lễ cưới được tổ chức. Sáng hôm sau, khi hai cô dậy thì trước mặt cô con riêng người đàn ông là sữa để rửa mặt và rượu vang để uống, trước mặt cô con riêng người đàn bà để rửa mặt cũng như để uống chỉ là nước lã. Sang ngày thứ hai, trước mặt cô con riêng người đàn ông cũng như cô con riêng người đàn bà chỉ là nước lã vừa để rửa mặt, vừa để uống.
Sang ngày thứ ba, trước mặt cô con riêng người đàn ông chỉ là nước lã, để rửa mặt cũng như là để uống, còn trước mặt cô con gái người đàn bà có sữa để rửa mặt, rượu vang để uống. Và sự việc cứ như thế tiếp diễn trong những ngày sau đó.
Giờ đây dì ghẻ ghét cô con riêng của chồng ra mặt, mụ ghét cay ghét đắng cô ta, luôn vò đầu vắt trán tìm cách hành hạ cô ta. Mụ lại càng tức lồng lên khi thấy con mình thì xấu xí đến ghê tởm, con riêng chồng đã đẹp lại có duyên.
Vào một ngày mùa đông, tiết trời băng giá, tuyết phủ đầy khắp núi và thung lũng, mụ dì ghẻ làm một chiếc áo bằng giấy, gọi con chồng lại và bảo:
– Đây, mặc chiếc áo này vào, rồi vào rừng hái cho tao đầy một lẵng dâu tây, tao đang thèm dâu tây.
Cô gái than:
– Trời ơi, thật có khổ tôi không, làm gì có dâu tây mọc trong mùa đông. Khắp nơi tuyết phủ trắng xóa, đất cứng giá lạnh. Ngoài trời lạnh buốt đến nỗi hơi thở muốn đóng băng luôn, đã thế gió thổi lạnh như cắt da, buốt thấu vào từng khớp xương. Trời lạnh thế mà mặc áo giấy thì chịu sao nổi.
Dì ghẻ quát:
– Mày muốn cãi tao hả? Muốn sống thì đi ngay, có lấy được đầy lẵng dâu thì hãy vác mặt về nhà.
Mụ đưa cho cô một mẩu bánh mì đã khô cứng và nói:
– Bánh để ăn cả ngày đấy.
Mụ nghĩ bụng: “Nó thế nào cũng chết vì đói, vì rét cho mà coi, thôi thế thì rảnh mắt.”
Cô gái đành vâng lời, mặc áo giấy vào và cầm lẵng đi vào rừng. Ở ngoài tuyết phủ mênh mông, không đâu có lấy một ngọn cỏ xanh.
Tối giữa rừng cô thấy có một căn nhà nhỏ, có ba người lùn đứng nhìn ra. Cô chào họ và khẽ gõ cửa. Họ nói:
– Xin mời vào.
Cô bước vào trong nhà, ngồi trên chiếc ghế dài bên lò sưởi. Cô thoa tay sưởi cho ấm và định ăn sáng thì ba người lùn nói:
– Cô chia cho bọn tôi chút đi.
Cô nói:
– Vâng, xin mời.
Cô bẻ miếng bánh mì làm hai và đưa cho họ một nửa. Họ hỏi cô:
– Ăn mặc mong manh thế mà lại đi rừng giữa mùa đông gió lạnh để làm gì hở cô?
Cô đáp:
– Trời ơi, tôi phải đi hái cho được đầy một lẵng dâu tây, có lấy được thì mới dám về nhà.
Đợi cô ăn xong bánh, họ đưa cho cô một cái chổi và nói:
– Cô cầm chiếc chổi này ra quét cho sạch tuyết ở phía sau nhà.
Khi cô đang quét tuyết ở sau nhà, ba người lùn nói chuyện với nhau:
– Cô ấy hiền lành và tốt bụng quá, chia bánh cho chúng ta ăn, giờ ta nên cho cô ấy cái gì nhỉ?
Người thứ nhất nói:
– Ta ban cho cô ấy sắc đẹp mỗi ngày một hơn trước.
Người thứ hai nói:
– Ta ban cho cô ấy điều này: cứ nói xong một tiếng lại có một đồng tiền vàng ở miệng rơi ra.
Người thứ ba nói:
– Ta ban cho cô ấy điều này: Có một ông vua sẽ đến chọn cô làm hoàng hậu.
Các bạn có biết cô ấy tìm thấy gì không? Dưới lớp tuyết cô quét đi toàn là dâu chín, dâu chín màu đỏ nâu trông thật ngon lành. Cô lượm đầy lẵng, lòng hết sức vui mừng và chạy vào nhà bắt tay từng người lùn và cảm ơn họ. Cô chạy về nhà, đưa cho dì ghẻ thứ mà bà hạch sách.
Cô bước vào và nói: “Con chào mẹ” thì có một đồng tiền vàng rơi từ trong mồm ra. Rồi cô liền kể lại những chuyện tai nghe mắt thấy ở trong rừng. Cô cứ nói mỗi tiếng lại có một đồng tiền vàng rơi từ trong mồm ra, chẳng mấy chốc mà phòng đầy tiền vàng. Cô con dì ghẻ kêu:
– Người đâu mà làm cao vậy, vứt tiền văng ra khắp nền nhà.
Trong thâm tâm cô rất ganh ghét, cũng muốn vào rừng tìm dâu. Mẹ bảo:
– Không được đâu, con gái cưng của mẹ. Trời rét lắm, tới mức có thể chết cóng đấy.
Cô không để cho mẹ được yên, mẹ cũng đành cho đi, bà may cho cô một chiếc áo lông thật đẹp, đưa cho cô bánh mì bơ và bánh ngọt đem theo.
Cô cứ thẳng hướng ngôi nhà trong rừng mà đi. Tới nơi, cô thấy ba người lùn cũng đang đứng trông ra. Cô không thèm chào hỏi họ mà cũng chẳng ngó quanh, vội vã lật đật đẩy cửa bước vào, cô ngồi luôn xuống bên lò sưởi, thản nhiên lấy bánh mì bơ và bánh ngọt ra ăn. Những người lùn nói:
– Cô chia cho chúng tôi tới.
Nhưng cô đáp:
– Mình tôi ăn mà vẫn còn thiếu, lấy đâu ra mà chia cho người khác.
Đợi cô ăn xong ba người lùn bảo:
– Chổi đây, nhờ cô quét tuyết ở sau nhà giùm chúng tôi.
Cô đáp:
– Úi cha, các người quét lấy chứ, tôi có là đầy tớ các người đâu.
Cô cảm thấy họ không muốn cho cô gì cả, cô liền đi ra cửa. Lúc đó ba người lùn thì thầm với nhau:
– Chúng ta nên tặng cô ta cái gì nhỉ? Cô này nghe chừng không nết na, độc ác và ganh ghét tính ấy ai mà chịu được.
Người thứ nhất nói:
– Tôi cho nó điều này: mỗi ngày một xấu thêm.
Người thứ hai nói:
– Tôi cho nó điều này: cứ nói một tiếng là một con cóc nhảy từ trong mồm nhảy ra.
Người thứ ba nói:
– Tôi cho nó điều này: nó chết trong bất hạnh.
Cô gái tìm dâu ở sau nhà nhưng chẳng tìm được một quả nào. Về nhà cô kể lại cho mẹ nghe chuyện kiếm dâu ở trong rừng của cô, cứ mỗi tiếng cô nói ra là lại có một con cóc nhảy từ trong mồm nhảy ra, khiến cho mọi người kinh tởm.
Trong lúc đó, đứa con riêng của chồng cứ mỗi ngày một xinh gái hơn, chuyện này làm dì ghẻ càng tức giận, lúc nào cũng tìm mọi cách để hành hạ cô.
Mụ lấy nồi bắc lên bếp lửa để luộc sợi. Luộc xong, mụ quàng sợi lên vai cô gái đáng thương, đưa cho cô một cái rìu, bắt cô phải ra sông đã đóng băng đào một cái lỗ để chuốt sợi. Cô lẳng lặng mang sợi ra sông, lấy rìu bổ đá. Cô đang mải làm thì có một chiếc xe đẹp lộng lẫy chạy tới, vua ngồi ở trong xe hỏi với ra:
– Cô gái ơi, cô con nhà ai và làm gì đấy?
– Tâu bệ hạ, tôi chỉ là một cô gái nghèo đang chuốt sợi.
Nhìn thấy cô gái có sắc đẹp, nhà vua chạnh lòng thương và hỏi:
– Thế cô có muốn đi cùng ta không?
Cô đáp:
– Tâu bệ hạ, tôi cũng thích.
Lòng cô mừng phen này có dịp đi cho rảnh mắt mẹ con mụ dì ghẻ.
Cô lên xe đi với nhà vua. Đến hoàng cung, lễ cưới được tổ chức linh đình, đúng như lời ban của những người lùn.
Năm sau hoàng hậu trẻ tuổi sanh con trai. Mẹ ghẻ được tin mừng lớn ấy, cùng con đến hoàng cung, giả vờ đến thăm hỏi. Đợi khi nhà vua đi, mụ dì ghẻ độc ác túm tóc hoàng hậu, con gái nhấc chân, chúng ném bà qua cửa sổ xuống dòng nước đang chảy.
Liền sau đó đứa con gái xấu xí của mụ trèo lên giường, mụ già chùm khăn kín đầu nó. Khi nhà vua quay trở lại, muốn nói gì đó thì mụ già kêu lên:
– Xin bệ hạ nhẹ chân, hoàng hậu đang mệt, người mồ hôi ra như tắm, bệ hạ cho hoàng hậu yên nghỉ ngày hôm nay.
Vua không hề nghĩ tới chuyện ác ý. Sáng hôm sau vua lại tới. Vua hỏi thăm sức khỏe hoàng hậu, cứ sau mỗi tiếng hoàng hậu nói ra khi trả lời có một con cóc nhảy ra từ mồm chứ không phải tiền vàng. Vua hỏi tại sao như vậy, mụ già bảo đó là tại mồ hôi ra nhiều quá, chắc cơn bệnh sẽ qua.
Giữa đêm người đầu bếp thấy một con thiên nga bơi theo rãnh nước và hỏi:
“Nhà vua đang làm gì?
Đang thức hay là ngủ?”
Người đầu bếp không trả lời, thiên nga lại hỏi:
– Khách của ta đang làm gì?”
Lúc ấy người đầu bếp mới trả lời:
“Họ ngủ say cả”
Thiên nga lại hỏi tiếp:
“Con nhỏ ta thức hay ngủ?”
Người kia đáp:
“Đang ngủ say trong nôi.”
Thiên nga liền hiện nguyên hình thành hoàng hậu, lại cho con bú, trải lại nệm, đắp chăn lên người đứa bé, rồi lại biến thành thiên nga, bơi theo rãnh nước ra ngoài.
Hai đêm đầu xảy ra như vậy. Đêm thứ ba bà bảo người đầu bếp:
– Ngươi đi tâu ngay vua để vua tới đây vung gươm ba lần trên đầu ta ở ngưỡng cửa này.
Người đầu bếp đi báo nhà vua. Vua mang gươm tới, vung ba lần trên đầu thiên nga. Sau lần thứ ba, hiện ra trước mặt vua chính là hoàng hậu khi xưa với dáng tươi cười khỏe mạnh.
Vua hết sức vui mừng, nhưng lại giấu hoàng hậu trong một phòng riêng cho tới ngày Chủ nhật, ngày mà đứa bé sẽ được làm phép rửa tội. Lễ rửa tội, vua hỏi:
– Một kẻ khiêng người khác ra khỏi giường ném xuống nước thì đáng tội gì?
Mụ già đáp:
– Tốt nhất là bỏ kẻ ấy vào trong một cái thùng mà quanh thùng toàn chông nhọn, rồi đẩu cho thùng lăn từ ngọn núi xuống suối.
Lúc đó vua liền phán:
– Ngươi đã tự kết án mình đó.
Vua truyền cho lấy thùng lại, bỏ mẹ con mụ dì ghẻ độc ác vào trong đó, lấy đinh đóng nắp thùng lại, rồi cho thùng lăn từ trên ngọn núi xuống suối.
15. Hãnsel và Gretel
Sống ở ven một khu rừng là hai vợ chồng bác tiều phu nghèo, gia đình có hai con, con trai tên là Hãnsel , con gái tên là Gretel. Nhà thường sống bữa đói bữa no cho qua ngày. Một năm kia, trời làm đói kém, miếng bánh mì ăn hàng ngày cũng không kiếm nổi, nằm trằn trọc mãi trên giường với những lo cùng nghĩ, bác trai thở dài nói với vợ:
– Chả biết rồi sẽ sống sao cho qua cơn đói? Không biết lấy gì mà nuôi những đứa con đáng thương của chúng ta, ngay đến bố mẹ chúng nó cũng chẳng có gì để cho vào mồm.
Hết đường xoay xở, đói khổ thúc bách khiến người mẹ đâm ra nhẫn tâm, bà nói với chồng:
– Ba nó ạ, biết sao bây giờ, sáng sớm tinh mơ ngày mai ta dẫn hai đứa vào tận giữa rừng sâu rậm rạp, rồi đốt lửa lên, cho mỗi đứa một mẩu bánh, rồi bỏ mặc chúng ở đó, còn ta cứ việc đi làm việc của ta. Chúng chẳng tìm nổi đường về nhà, thế là ta thoát nợ.
Người chồng nói:
– Má nó à, làm thế không được đâu, ai lại nỡ lòng nào đem con bỏ giữa rừng sâu cho thú dữ đến xé xác ăn thịt.
Vợ mắng:
– Trời, ba nó thật chẳng khác gì thằng điên, ba nó muốn chết cả nút phải không. Nếu vậy thì đi bào gỗ đóng săng là vừa.
Bà vợ chanh chua nói sa sả, không để cho chồng yên thân, chồng đành chịu nhưng còn nói với:
– Nhưng tôi vẫn thấy thương những đứa con tội nghiệp.
Đói bụng quá nên hai đứa trẻ cũng không tài nào chợp mắt được, chúng nghe hết đầu đuôi câu chuyện và những điều bà mẹ nói với bố chúng. Gretel khóc sướt mướt, bảo Hãnsel.
– Anh em mình chắc chết đến nơi.
Hãnsel bảo em:
– Gretel, nín đi em, đừng có lo buồn, anh sẽ có cách.
Chờ lúc bố mẹ đã ngủ say, Hãnsel dậy, mặc áo, mở cửa sau lén ra ngoài. Ngoài trời trăng chiếu sáng rõ mồn một, sỏi trắng trước nhà lóng lánh dưới ánh trăng như những đồng tiền bằng bạc. Hãnsel cúi xuống nhặt sỏi bỏ đầy túi áo, rồi lại rón rén đi vào nhà và dỗ em.
– Em cưng, khỏi phải lo nữa, cứ ngủ cho ngon giấc.
Nói rồi Hãnsel cũng lên giường nằm ngủ.
Tang tảng sáng, khi mặt trời chưa mọc thì bà mẹ đã tới đánh thức hai đứa trẻ:
– Đồ lười thối thây, dậy mau, còn phải vào rừng kiếm củi chứ.
Rồi bà đưa cho mỗi đứa con một mẩu bánh nhỏ xíu và căn dặn:
– Bữa trưa chỉ có thế, ăn nghiến ngấu giờ thì trưa nhịn.
Gretel bỏ bánh vào túi áo ngoài, vì túi áo Hãnsel đầy sỏi trắng. Rồi cả nhà kéo nhau vào rừng.
Cứ đi được một quãng Hãnsel lại đứng sững lại ngoảnh nhìn về phía ngôi nhà. Bố thấy vậy nói:
– Hãnsel, mày nhìn gì vậy, sao lại tụt phía sau, liệu chừng đấy, đừng có dềnh dàng.
Hãnsel đáp:
– Trời, ba ơi, con mèo trắng của con ngồi trên nóc nhà, con nhìn nó, nó chào con ba ạ.
Mẹ nói:
– Đồ ngốc, đâu có phải mèo trắng của mày, ánh sáng mặt trời chiếu vào ống khói nom như vậy đó.
Hãnsel đi tụt phía sau thực ra không phải để nhìn mèo, mà để móc sỏi ở túi rắc xuống đường.
Khi cả nhà đã tới giữa cánh rừng, ông bố nói:
– Giờ các con phải đi kiếm củi đem về đây, ba sẽ nhóm lửa đốt để các con khỏi rét.
Hãnsel và Gretel đi nhặt cành khô, xếp cao thành một đống nhỏ. Người bố nhóm lửa, khi lửa đang cháy bùng bùng, người mẹ nói:
– Giờ chúng mày nằm bên lửa mà sưởi. Tao và ba còn phải vào rừng đốn củi, khi nào xong sẽ về đón chúng mày.
Hãnsêl và Gretel ngồi bên lửa sưởi. Đến trưa, đứa nào lấy phần của đứa đó ra ăn. Nghe thấy tiếng động vang lại chúng tưởng là tiếng rìu đốn cây của bố chúng ở gần quanh đấy. Nhưng thực ra không phải tiếng rìu đốn gỗ, đó chỉ là tiếng cành cây mà người bố buộc vào một thân cây khô, gió thổi mạnh cành cây đập qua lại nghe như tiếng đốn gỗ.
Ngồi đợi lâu quá, mắt hai đứa trẻ đều díp lại vì mệt, chúng lăn ra ngủ say lúc nào không biết. Khi chúng thức dậy thì trời đã tối. Gretel khóc và nói:
– Bây giờ thì làm sao mà ra khỏi rừng được!
Hãnsel dỗ em:
– Em cứ đợi một lát, tới khi vầng trăng lên chúng mình sẽ tìm được lối về nhà.
Trăng rằm đã mọc, Hãnsel cầm tay em đi lần theo vết sỏi cuội lóng lánh dưới ánh trăng như những đồng tiền Batzen mới, cứ như vậy hai anh em đi suốt đêm đến tảng sáng mới về đến nhà. Chúng gõ cửa. Mẹ ra mở cửa, tưởng là ai ngờ đâu lại chính là Henxêl và Grétêl nên liền mắng:
– Chúng mày lũ con mất dạy, sao chúng mày không ngủ nữa ở trong rừng. Tao tưởng chúng mày không thèm về nhà nữa.
Bố thì mừng ra mặt vì trong thâm tâm không muốn bỏ con lại trong rừng.
Sau đó ít lâu trời lại làm đói kém khắp hang cùng ngõ hẻm.
Một đêm, nằm trên giường hai anh em nghe thấy mẹ nói với bố:
– Đồ dự trữ cũng đã ăn hết. Cả nhà chỉ còn nửa cái bánh, ăn nốt chỗ ấy là treo mồm. Phải tống khứ lũ trẻ con đi. Lần này ta đem bỏ chúng vào rừng sâu hơn trước để chúng không tìm được lối mà về nhà. Chẳng còn cách nào cứu vãn được ngoài cách ấy.
Người chồng khổ tâm, nghĩ bụng, thà sống chung cùng với các con chia nhau mẩu bánh cuối cùng vẫn còn vui hơn. Chồng phàn nàn, nhưng vợ không nghe gì hết, còn la chửi chồng rằng đã trót thì phải trét, lần trước đã theo ý mụ thì lần này cũng phải theo.
Hai đứa trẻ nằm nhưng chưa ngủ, chúng nghe hết đầu đuôi câu chuyện bố mẹ bàn với nhau. Khi bố mẹ đã ngủ say, Henxêl dậy định ra ngoài nhặt sỏi như lần trước, nhưng cửa mẹ đã đóng mất rồi, Henxêl không thể ra được nữa. Nó đành dỗ em gái:
– Đừng khóc nữa Gretel, em cứ ngủ cho ngon, trời sẽ phù hộ chúng ta.
Sáng sớm tinh mơ mẹ đã kéo cổ cả hai đứa ra khỏi giường, cho chúng mỗi đứa một mẩu bánh còn nhỏ hơn mẩu lần trước. Dọc đường đi vào rừng, Hãnsel cho tay vào túi, bẻ vụn bánh mì ra, chốc chốc lại đứng lại rắc vụn bánh xuống đất.
Bố nói:
– Hãnsel, sao mày cứ hay dừng chân ngoảnh lại thế?
Hãnsel đáp:
– Con ngoảnh lại nhìn con chim bồ câu của con, nó đang đậu trên mái nhà và nói chào tạm biệt con.
Mẹ mắng:
– Đồ ngốc, đó không phải là chim bồ câu của mày, đó chỉ là cái bóng ống khói khi có mặt trời chiếu.
Dọc đường đi Hãnsel nín lặng, nhưng cũng rắc hết được vụn bánh.
Bà mẹ dẫn hai con vào tít mãi trong rừng sâu, nơi mà chúng từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bước chân tới bao giờ. Sau khi nhóm lửa xong, đợi cho lửa bùng cháy thì bà mẹ nói:
– Chúng mày ngồi đó, lúc nào mệt thì ngủ đi một tí. Tao với ba mày còn phải đi đốn gỗ trong rừng sâu, tối xong việc sẽ quay lại đón chúng mày.
Đến trưa Gretel bẻ bánh của mình chia cho Hãnsel, vì bánh của Henxêl bẻ vụn rắc dọc đường rồi. Ăn xong chúng ngủ liền. Trời tối nhưng chẳng thấy một ai đến đón hai đứa trẻ đáng thương cả. Khi hai anh em tỉnh dậy thì bóng đêm đã bao trùm khắp mọi nơi. Hãnsel dỗ em gái:
– Gretel, em cứ đợi một lát, tới khi trăng lên anh em mình sẽ nhìn thấy những vụn bánh anh rắc dọc đường, cứ lần theo vết bánh ta sẽ thấy đường về nhà.
Trăng vừa mọc thì hai đứa đứng dậy đi, nhưng chúng không thấy một vụn bánh nào cả, vì trong rừng chỗ nào mà chẳng có chim muông, hàng nghìn con đã sà xuống mổ ăn hết. Hãnsel bảo Gretel:
– Thế nào chúng ta cũng tìm ra đường về.
Nhưng chúng tìm không ra đường. Chúng đi thông đêm đến sáng, rồi lại cả ngày hôm sau từ sáng tới tối mà không ra được khỏi rừng. Giờ đây bụng đói như cào, hai anh em kiếm quanh nhưng chẳng có gì ngoài dâu đất mọc hoang. Hai anh em mệt nhoài người, bước không nổi nữa, nằm lăn ra đất dưới gốc cây và ngủ thiếp đi.
Thế là hai anh em xa nhà đã ba ngày. Chúng lại tiếp tục lên đường, nhưng càng đi càng lạc sâu hơn trong rừng, chỉ chậm ít lâu nữa mà không có ai cứu giúp chắc chúng đói lả mà chết.
Giữa trưa hai anh em nhìn thấy một con chim đẹp, lông trắng như tuyết đậu trên cành cây hót véo von. Nghe tiếng chim hót chúng dừng chân đứng lại. Hót xong chim xoè cánh bay tới trước mặt hai anh em, cả hai liền đi theo hướng chim bay thì đến một túp lều nhỏ, còn chim thì bay đậu trên mái nhà. Lại gần thì thấy nhà xây bằng bánh mì, ngói lợp là bánh ngọt, cửa sổ bằng đường kính trắng tinh. Hãnsel nói:
– Giờ thì anh em mình cứ việc tự nhiên mà đánh chén một bữa ngon lành trời cho. Anh lấy một miếng mái nhà ăn, còn em thì lấy cửa sổ mà ăn, cái đó ăn ngọt đấy.
Hãnsel giơ tay bẻ một mảnh mái nhà để ăn thử xem có ngon không. Và Gretel đứng bên kính cửa mà gặm cho đỡ đói.
Giữa lúc đó thì trong nhà có tiếng người nói nhẹ nhàng vọng ra:
Gặm gặm, nhấm nhấm, ngó nghiêng,
Đứa nào dám gặm nhà riêng của bà?
Hai đứa trẻ đồng thanh đáp:
Gió đấy, gió đấy,
Có con trời đấy.
Nói rồi hai đứa đứng ăn tiếp tục mà chẳng hề sợ hãi.
Thấy mái nhà ăn cũng ngon, Hãnsel bẻ luôn một miếng to tướng lôi xuống. Còn Grétêl gỡ luôn cả một tấm kính tròn, ra ngồi một góc gặm lấy gặm để.
Bỗng cửa mở, một bà lão già cốc đế đại vương tay chống nạng rón rén bước ra. Hãnsel và Gretel sợ rụng rời chân tay, những thứ đang cầm trong tay đều rơi xuống đất. Bà lão lắc lư đầu và nói:
– Trời, các cháu yêu quý, ai đưa các cháu đến đây? Nào vào nhà đi, ở đây với bà, bà không làm gì đâu.
Bà lão cầm tay dắt hai đứa vào trong nhà, toàn những thức ăn ngon: sữa, bánh tráng đường, táo và hạnh đào. Hai chiếc giường nhỏ xinh trải khăn trắng tinh để cho Hãnsel và Gretel trèo lên nằm ngủ. Hai anh em ngỡ là mình đang ở trên thiên đường.
Mụ già chỉ giả bộ tử tế thôi, thực ra mụ là một phù thủy gian ác chuyên rình bắt trẻ con, mụ làm nhà bằng bánh chẳng qua là để nhử chúng lại. Đứa trẻ con nào đã vào lãnh địa của mụ sẽ bị mụ bắt, giết thịt nấu ăn. Đối với mụ ngày đó là một ngày lễ lớn.
Mụ phù thủy này có đôi mắt đỏ và không nhìn được xa, nhưng mụ lại rất thính hơi, có khả năng nhận biết đó là súc vật hay là người đang đi tới.
Khi hai đứa trẻ đứng gần mụ, mụ cười vang đầy nham hiểm và nói giọng ngạo nghễ:
– Đã vào tay bà rồi thì đừng hòng trốn thoát.
Sáng, khi hai đứa trẻ còn ngủ say thì mụ đã dậy. Nhìn hai đứa trẻ ngủ nom dễ thương, hai má đỏ hồng phinh phính, mụ lẩm bẩm một mình:
– Chắc ta sẽ được ăn một miếng mồi ngon đây.
Mụ đưa bàn tay khô héo nắm lấy Hãnsel kéo lôi ra nhốt vào một cái cũi nhỏ, đóng cửa chấn lại. Thằng bé kêu gào thảm thiết nhưng mụ cũng làm ngơ.
Rồi mụ đi đánh thức Gretel dậy và quát:
– Dậy mau, đồ con gái lười chảy thây, dậy đi lấy nước về nấu cho anh mày một bữa ngon. Nó ngồi trong cũi ở ngoài kia kìa, nó phải ăn ngon cho chóng béo, khi nào nó thực béo, tao sẽ ăn thịt.
Gretel òa lên khóc nức nở, nhưng khóc cũng vô ích, vẫn phải làm những điều mụ phù thủy độc ác sai khiến.
Những thức ăn nấu nướng ngon lành đều chỉ để cho Hãnsel, đồ thừa còn lại mới đến lượt Gretel.
Sáng nào mụ già phù thủy cũng nhẹ bước tới bên cũi và nói:
– Hãnsel, giơ ngón tay tao xem mày đã béo lên chút nào chưa.
Hãnsel chìa ra một cái xương nhỏ, mắt cập kèm mụ cứ tưởng đó là ngón tay Hãnsel. Mụ lấy làm lạ tại sao không béo lên tí nào cả.
Bốn tuần đã trôi qua mà thấy Hãnsel vẫn gầy. Mụ đâm ra sốt ruột, không muốn phải chờ lâu hơn nữa. Mụ gọi cô gái:
– Gretel, con Gretel đâu, nhanh tay nhanh chân lên nào, nhớ đi lấy nước nhé. Cho dù thằng Hãnsel béo hay gầy thì mai tao cũng làm thịt đem nấu.
Tội nghiệp cô bé, vừa xách nước, vừa than vãn, hai hàng nước mắt chảy trên gò má trông thật đáng thương. Cô la khóc:
– Lạy trời phù hộ chúng con, thà để thú dữ trong rừng ăn thịt còn hơn, như vậy hai anh em còn được chết chung.
Mụ già bảo:
– Thôi đừng có la khóc nữa, những cái đó chẳng giúp được gì đâu.
Trời sớm tinh sương Gretel đã phải chui ra khỏi nhà đi lấy nước đổ nồi, rồi nhóm lửa chất bếp. Mụ già bảo:
– Nướng bánh trước đã, lò tao nhóm đã nóng, bột tao cũng đã nhào.
Mồm nói tay mụ đẩy cô bé tới trước cửa lò, lửa cháy bốc cả ra phía ngoài cửa lò. Mụ phù thủy nói:
– Chui vào, nhìn xem bên phải lò đã đủ nóng chưa để cho bánh vào.
Mụ định khi Gretel chui vào thì mụ đóng ngay cửa lò lại, để cho Grétêl bị nướng nóng ở trong đó, sau đó mụ chỉ việc lấy ra mà ăn. Nhưng Gretel biết mụ đang nghĩ gì, cô nói:
– Cháu không biết làm thế nào mà vào được trong đó.
Mụ già mắng:
– Ngu như bò ấy, cửa lò rộng thế này, mày thấy không, tao chui vào cũng lọt nữa là mày.
Mụ từ từ đi lại cửa lò và chui đầu vào trong lò. Ngay lúc ấy Grétêl liền đẩy mụ một cái thật mạnh làm mụ chúi tọt hẳn vào trong lò. Gretel đóng cửa lò bằng sắt lại và cài then thật kỹ.
Bạn có nghe thấy không, con mụ già rú lên khủng khiếp. Grétêl chạy thẳng một mạch tới chỗ Hãnsel, mở cửa cũi và reo.
– Hãnsel, anh em ta được giải thoát, mụ phù thủy già đã chết.
Cửa vừa mở Hãnsel nhảy từ trong ra như chim sổ lồng. Thật là vui mừng biết bao. Hai anh em ôm choàng lấy nhau, nhảy tưng tưng, ôm hôm nhau. Bây giờ không còn gì để sợ nữa, hai anh em đi vào nhà mụ phù thủy thấy xó nào cũng có những hòm đầy ngọc ngà châu báu.
Thôi thì tha hồ mà lấy. Hãnsel vừa ních đầy túi vừa nói:
– Thứ này chắc chắn quý hơn sỏi.
– Em cũng phải lấy một ít mang về nhà mới được.
Gretel nói thế rồi nhét đầy tạp dề. Hãnsel nói tiếp:
– Giờ chúng ta phải đi ngay ra khỏi khu rừng của mụ phù thủy.
Đi được vài giờ hai anh em tới bên một con suối lớn. Hãnsel nói:
– Anh không thấy có cầu, làm sao anh em ta sang được bên kia.
Gretel đáp:
– Đò ngang cũng không có nốt, nhưng kia, có con vịt trắng đang bơi, để em nói khó với vịt chắc vịt sẽ chở anh em mình sang bờ bên kia.
Rồi Gretel gọi:
Vịt ơi vịt nhỏ, vịt xinh
Làm ơn vịt cõng chúng mình sang ngang.
Hãnsel cùng với Gretel
Cám ơn vịt trắng không quên công này.
Vịt bơi vào sát bờ. Hãnsel cưỡi lên lưng vịt và bảo em mình lên ngồi sau. Gretel nói:
– Thôi anh ạ, hai người thì quá nặng, để vịt cõng từng người một sang.
Vịt tốt bụng cõng lần lượt hai anh em. Yên ổn sang tới bờ bên kia, hai anh em lại tiếp tục lên đường, đi được một quãng khá dài, hai anh em thấy rừng ngày càng hiện ra quen thuộc hơn. Cuối cùng, từ xa hai anh em đã nhìn thấy căn nhà của bố mẹ mình. Thế là chúng co cẳng chạy, ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào nhà, ôm ghì cổ bố mà hôn. Bà mẹ thì qua đời từ lâu.
Từ ngày bỏ con trong rừng ông bố không có lúc nào vui.
Gretel cởi nút tạp dề, ngọc ngà châu báu lăn tứ tung ra nền nhà. Còn Hãnsel thì hết nắm này đến nắm khác móc từ trong túi ra.
Từ đó những lo lắng không còn nữa, cả nhà sống trong cảnh yên vui hạnh phúc.
Chuyện tôi kể đến đây là hết. Kìa ở góc kia có con chuột đang chạy, ai bắt được nó có thể lấy da làm được một cái mũ lông to thật là to.
16. Ba chiếc lá rắn
Xưa có một người đàn ông nghèo đến nỗi không nuôi nổi đứa con trai duy nhất của mình. Một hôm đứa bé nói:
– Cha kính yêu, cha lúc nào cũng lo phiền. Giờ con muốn đi đây đi đó để tính kế sinh nhai, như vậy còn hơn là làm gánh nặng lo âu cho cha ở nhà.
Người cha rất buồn khi tiễn con ra đi, ông cầu phúc cho con lên đường may mắn.
Đúng lúc ấy ở một nước lớn kia có giặc ngoại xâm, anh tới tình nguyện tòng quân theo vua ra trận. Lòng dũng cảm của anh được thử thách ngay trong trận đầu, đạn giặc xối tới như mưa, đồng đội chết rất nhiều, viên chỉ huy không dám xông lên, binh lính còn lại toan tháo chạy, giữa lúc ấy anh xông lên, hô lớn:
– Xông lên anh em, chúng ta không thể để Tổ quốc bị bại vong!
Được tiếp thêm khí thế, binh lính ào theo xông lên cùng anh tả xung hữu đột phá tan được giặc. Khi biết được tin thắng trận do anh là người có công lớn, nhà vua ban thưởng cho anh rất nhiều tiền của và phong làm tể tướng.
Vua sinh được một công chúa, nhan sắc tuyệt trần, nhưng phải cái tính tình kỳ dị. Công chúa thề nguyền chỉ lấy người nào sẵn lòng chịu để chôn sống cùng mồ với nàng, nếu không may nàng chết trước. Nàng lập luận:
– Nếu trái tim chàng đã thuộc về ta, vậy lúc ta chết hỏi chàng còn sống làm gì?
Ngược lại, nếu không may chồng chết trước, nàng cũng sẵn lòng đi theo cùng xuống mồ.
Lời nguyền kỳ dị ấy khiến cho những ai muốn hỏi nàng đều khiếp sợ. Quá say mê với sắc đẹp của nàng, chàng trai kia không còn biết sợ là gì, anh tâu vua xin lấy công chúa. Vua phán hỏi:
– Thế ngươi đã biết điều ngươi phải hứa chưa?
Anh đáp:
– Tâu bệ hạ, thần phải cùng nàng xuống mồ, nếu chẳng may nàng qua đời trước. Nhưng vì thần yêu nàng tha thiết nên không quản điều gì.
Nhà vua ưng thuận. Lễ cưới được tổ chức rất linh đình.
Hai vợ chồng sống với nhau trong cảnh đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng một ngày kia bỗng dưng công chúa đổ bệnh, không thầy lang nào cứu chữa được.
Đến lúc nàng nằm xuống, phò mã mới sực nhớ lời hứa khi xưa, cảnh phải chôn sống cùng nàng làm cho phò mã rợn cả người, nhưng cũng chẳng có cách nào khác. Vua đã lệnh cho lính canh gác cẩn mật mọi đường ra lối vào, chàng chỉ còn cách là chịu theo số mệnh.
Đến ngày thi hài công chúa được đưa vào hầm mộ, phò mã cũng bị giải xuống cùng. Rồi cửa hầm đóng lại và được khóa lại.
Cạnh quan tài công chúa là một cái bàn, trên thắp bốn cây nến, để bốn chai rượu vang và bốn ổ bánh mì. Ăn uống hết những thứ ấy chỉ còn cách ngồi dày vò đợi chết, phò mã rầu rĩ, hàng ngày chỉ ăn chút bánh và uống mỗi ngụm rượu, và thấy mổi ngày lại nhích gần cái chết hơn. Trong lúc chàng đang đăm chiêu suy nghĩ, bỗng thấy một con rắn từ góc hầm bò ra phía thi hài công chúa. Chàng tưởng nó ra để rỉa thi hài công chúa nên tuốt kiếm quát:
– Chừng nào tao còn sống thì mày không được chạm tới thi thể nàng!
Và vung kiếm chém rắn đứt thành ba khúc.
Lát sau, cũng từ góc hầm một con rắn nữa bò ra. Thấy con trước bị chặt đứt khúc nằm đó, nó trườn quay lại, lát sau nó lại ra, miệng ngậm ba chiếc lá xanh. Nó kéo và xếp mấy khúc xác theo thứ tự hình rắn, đặng đắp lên mỗi chỗ chắp một cái lá. Chỉ trong nháy mắt con rắn kia cựa mình và sống lại và cả hai con vội trườn đi. Chúng đi để lại ba cái lá trên mặt đất. Chính mình chứng kiến mọi chuyện vừa xảy ra, con người đang đau khổ kia chợt nảy ra ý nghĩ, ba chiếc lá có sức mạnh dị thường đã hồi sinh con rắn kia, biết đâu những chiếc lá ấy cũng cải tử hoàn sinh cho người được? Rồi chàng lại nhặt ba cái lá, đắp lên hai mắt và miệng người chết. Chỉ trong nháy mắt đã thấy sắc mặt trắng bệch của người chết dần hồng lên máu đã chảy ra trong huyết quản. Sau một hơi thở mạnh, công chúa mở mắt và hỏi:
– Trời, trời ơi, ta đang ở đâu nhỉ?
Phò mã đáp:
– Nàng đương ở cạnh ta, ôi vợ yêu quý!
Chàng kể cho nàng nghe hết đầu đuôi câu chuyện, chuyện chàng đã cứu nàng bằng cách gì. Chàng đưa cho nàng ăn ít bánh và uống chút rượu vang. Khi nàng đã lại sức, hai người ra đập rầm rầm cửa hầm mộ và lớn tiếng gọi, lính canh nghe thấy vội chạy đi tâu vua.
Vua thân mở cửa hầm, thấy công chúa và phò mã đều khỏe mạnh, tươi tỉnh, tai qua nạn khỏi, nên hết sức vui mừng. Phò mã cầm ba chiếc lá rắn đưa cho một tên hầu và dặn:
– Mày giữ bảo vật này cho ta, lúc nào cũng mang theo bên mình, để lúc nguy khốn có ngay dùng.
Từ ngày sống lại, tính tình công chúa thay đổi hẳn: mối tình đằm thắm với chồng khi xưa giờ đây dường như không còn nữa. Ít lâu sau, phò mã muốn vượt biển về thăm quê cha. Sau khi thuyền rời bến ra khơi, công chúa phải lòng tên lái, chẳng còn nghĩ gì tới người chồng chung thủy đã hết lòng cứu mình sống lại. Đợi cho lúc phò mã ngủ say, nàng vẫy gọi tên lái vào, nàng khiêng đầu, hắn tóm chân và quẳng phò mã xuống biển. Làm xong việc bỉ ổi, nàng bảo hắn:
– Giờ ta quay về, và nói phò mã đã chết dọc đường. Ta sẽ năn nỉ vua cha và ca tụng ngươi để Người thuận cho ta và ngươi lấy nhau, và ngươi sẽ là người nối ngôi báu.
Kẻ hầu trung thành của phò mã chính mắt chứng kiến mọi sự việc, liền lẻn xuống chiếc thuyền con, chèo thuyền đi tìm chủ, vớt chủ lên. Anh lấy ba chiếc lá rắn đắp lên hai mắt và mồm chủ. May quá, anh đã cứu được chủ sống lại.
Hai chủ tớ ra sức chèo, bất kể ngày đêm, con thuyền nhỏ lao vun vút, vượt xa chiếc thuyền lớn, về tới hoàng cung trước. Thấy chỉ có hai người về, nhà vua hết sức ngạc nhiên, dò hỏi họ chuyện gì đã xảy ra. Nghe kể, vua biết được sự độc ác của con gái mình và phán:
– Ta không thể tin là con gái ta đã làm điều xấu xa ấy, nhưng sự thật rồi sẽ ra ánh sáng.
Vua truyền cho hai người tạm lánh vào một căn phòng kín, không được cho ai biết chuyện này. Ít lâu sau thuyền lớn cũng về tới nơi. Mụ đàn bà bất nghĩa ra mắt nhà vua với vẻ mặt buồn rười rượi. Nhà vua hỏi:
– Sao con trở về có một mình? Chồng con đâu?
Mụ tâu:
– Trời ơi, cha kính yêu, con quay trở về với nỗi bất hạnh lớn. Giữa đường chồng con lâm bệnh và đã qua đời. Nếu không có người lái tốt bụng này giúp đỡ thì có lẽ con khó lòng mà về được tới đây. Lúc chồng con qua đời anh ta cũng có mặt, anh ta sẽ kể tất cả mọi chuyện để vua cha hay biết.
Vua phán:
– Ta muốn cải tử hoàn sinh cho người quá cố.
Vừa dứt lời thì cửa phòng mở, hai người kia bước ra. Thấy bóng dáng chồng, mụ đàn bà kia chẳng khác gì bị sét đánh ngang tai, mụ sụp quỳ xuống xin tha tội. Vua phán:
– Tha mày sao được. Người ta tình nguyện chết theo mày, rồi lại cứu sống mày, thế mà mày còn nỡ tâm rình lúc nó ngủ say mà hãm hại. Mày phải đền tội.
Vua sai giải mụ cùng tên tòng phạm xuống chiếc thuyền đã khoan thủng đáy, cho đẩy thuyền ra biển khơi, chẳng mấy chốc thuyền đã bị nhận chìm trong sóng biển.
17. Con rắn trắng
Thuở ấy có một ông vua nổi tiếng trong cả nước là thông minh, học rộng, biết nhiều. Không cái gì là vua không biết. Người ta có cảm giác dường như gió đưa lại cho vua những tin tức bí mật nhất.
Vua có một thói quen rất kỳ lạ. Trưa nào cũng vậy, sau bữa ăn, khi bàn đã dọn đi hết, không còn một ai ở trong phòng nữa, một người hầu tin cẩn bưng vào cho vua một cái thẫu đậy nắp kín. Ngay chính người hầu cũng không biết trong đó có gì. Cũng chẳng một ai biết được điều đó vì vua bao giờ cũng đợi đến khi chỉ còn một mình mới mở thẫu ra. Một thời gian dài như vậy, cho tới một hôm, người hầu bị tính tò mò thôi thúc, không nhịn được nữa, lúc bưng thẩu đi, anh ta mang thẫu thẳng về buồng mình. Khi đã đóng cửa phòng thật cẩn thận, anh ta mới mở nắp ra, thấy một con rắn trắng nằm trong đó. Mới nhìn đã nhỏ nước miếng, không kìm được nữa, anh cắt luôn một miếng bỏ mồm nếm thử xem sao. Anh vừa động lưỡi nếm liền nghe thấy hình như có tiếng chim hót líu lo ở cửa sổ. Anh tới bên cửa sổ lắng nghe, thì ra chim sẻ chuyện trò với nhau, kể cho nhau nghe những gì đã thấy ở ngoài đồng và ở trong rừng. Vì được nếm miếng thịt rắn nên giờ đây anh ta hiểu được tiếng các loài vật.
Cũng đúng ngày hôm đó lại có chuyện xảy ra: Chiếc nhẫn đẹp nhất của hoàng hậu tự nhiên biến mất. Hoàng hậu nghi cho người hầu tin cẩn ấy ăn cắp, vì anh ta là người duy nhất được phép vào tất cả mọi nơi ở trong cung vua. Vua truyền gọi anh đến, dọa mắng anh thậm tệ, hẹn cho đến sáng hôm sau nếu không tìm ra được thủ phạm thì anh sẽ bị coi như chính là thủ phạm và bị đem ra xét xử. Có kêu oan cũng vô ích; anh bị đuổi ra ngoài. Trong lúc phân vân, lo sợ, anh đi lang thang trong sân, nghĩ xem có cách nào giải thoát khỏi cơn khốn quẫn này không.
Lúc đó trong hồ có đàn vịt đang chụm lại với nhau, lấy mỏ rỉa lông cho mượt, chúng đang chuyện trò vui vẻ. Anh người hầu đứng lại lắng nghe. Chúng kể cho nhau nghe những nơi chúng đã đến, nơi nào có lắm mồi ngon. Trong lúc chúng kể chuyện thì có một con càu nhàu ta thán:
– Tao thấy nặng bụng khó chịu quá. Trong lúc vội vã đi ngang qua dưới chân cửa sổ buồng của hoàng hậu, tao đã nuốt luôn một cái nhẫn vào bụng.
Nghe vậy, anh người hầu liền tóm ngay cổ con vịt ấy, mang vào bếp nói với đầu bếp:
– Bác làm thịt con này nhé, con này béo lắm.
Bác đầu bếp nhận lời, nhấc vịt lên xem có nặng không, rồi nói:
– Được, cứ để đó! Con này chắc tham ăn lắm, béo thế này thì chỉ còn đợi đem quay thôi.
Bác đầu bếp mổ vịt thì thấy chiếc nhẫn của hoàng hậu trong mề vịt. Thế là anh người hầu có thể minh oan cho mình một cách dễ dàng. Để đền bù cho sự oan uổng ấy, nhà vua hỏi anh người hầu muốn gì và hứa phong cho anh chức tước cao quý nhất trong triều đình.
Mặc dù còn trẻ, đẹp trai, tương lai đầy hứa hẹn nhưng anh người hầu khước từ tất cả, trong thâm tâm rất buồn, không muốn ở lại cung đình nữa. Anh chỉ xin một con ngựa và ít tiền để đi chu du thiên hạ. Khi đã được toại nguyện, anh lên đường. Một hôm anh đi qua một cái ao, thấy ba con cá bị mắc cạn trong đám lau sậy, đang ngáp thoi thóp. Dẫu rằng người ta thường nói: câm lặng như cá, nhưng anh lại nghe thấy chúng than vãn vì sẽ phải chết một cách bi thảm. Vì có lòng nhân hậu, anh xuống ngựa và nhấc cá khỏi bụi lau sậy rồi thả xuống nước. Cá quẫy, tỏ nỗi vui mừng, lướt nhô đầu khỏi mặt nước, gọi với anh:
– Chúng tôi không bao giờ quên ơn anh. Thế nào chúng tôi cũng tìm cách trả ơn này.
Anh lại cưỡi ngựa lên đường. Đi được một lúc, anh có cảm giác như có tiếng nói ở trên cát ngay dưới chân mình. Anh lắng tai thì nghe một con kiến chúa đang phàn nàn:
– Giá loài người đừng để con vật vụng về thô lỗ đụng đến chúng ta có hay không! Cái con ngựa ngu ngốc này lại sắp giẫm nát những người bà con của chúng ta mà không hề mủi lòng.
Anh bèn giật cương cho ngựa đi lánh sang bên đường. Kiến chúa nói với anh:
– Chúng tôi không bao giờ quên ơn anh.
Đang đi trong rừng, bỗng anh nhìn thấy quạ bố và quạ mẹ đang vứt lũ quạ con ra khỏi tổ và thét:
– Tụi bay cút đi, đồ quỷ tha ma bắt! Chúng ta không thể nuôi báo cô chúng mày mãi thế được! Chúng mày đã khôn lớn, phải biết lo liệu lấy chứ!
Lũ quạ con tội nghiệp ấy nằm soài dưới đất, cố vẫy đôi cánh yếu ớt kêu:
– Chúng tôi, những đứa trẻ không nơi nương tựa, bay còn chưa nổi thì làm sao đi kiếm mồi nuôi lấy thân mình? Giờ chỉ còn cách nằm chết đói thảm hại nơi đây.
Lúc đó, chàng trai trẻ xuống ngựa, rút gươm giết ngựa để làm mồi cho quạ con ăn. Lũ quạ con nhảy tới, ăn no nê rồi nói:
– Chúng tôi không bao giờ quên ơn anh.
Giờ anh đành rảo cẳng đi bộ. Đi hết con đường dài, anh tới một thành phố đông đúc, tấp nập. Mọi người đang xô lấn nhau để đến gần nghe một người cưỡi ngựa đang bắc loa loan báo là công chúa kén chồng. Ai muốn kết duyên cùng nàng thì phải hoàn tất một công việc rất khó, nếu chẳng may không thực hiện được việc đó, đời người ấy coi như bỏ đi. Nhiều người đã thử sức mình, nhưng họ đều bị bỏ mạng. Thấy công chúa đẹp lạ thường, chàng trai đâm ra ngơ ngẩn, quên hết cả những nguy hiểm, đến tâu trình vua muốn xin thử sức mình.
Ngay sau đó anh được dẫn ra bờ biển. Người ta vứt một chiếc nhẫn vàng xuống biển trước sự có mặt của đông đủ mọi người. Nhà vua bảo anh hãy lấy chiếc nhẫn đã rơi xuống đáy biển lên. Nhà vua còn nói thêm:
– Nếu ngươi lên tay không thì sẽ bị ném ngay xuống biển, cứ như vậy đến khi ngươi bị sóng nước cuốn đi.
Mọi người đứng đó đều tiếc cho đời chàng trai trẻ đẹp kia, họ bỏ về lần lần, để anh đứng cô đơn bên bờ biển. Anh đứng đó một mình, đang mải nghĩ xem phải làm gì thì thấy ba con cá bơi lại. Chẳng phải là loại cá xa lạ nào, đó chính là ba con cá mà anh đã cứu sống trước đây. Con cá bơi ở giữa, mồm ngậm một con sò. Nó bơi đến, đặt sò lên bãi biển dưới chân anh. Khi anh cầm sò lên, cậy ra thì thấy có chiếc nhẫn vàng. Anh mừng lắm, liền đem nhẫn dâng vua, hy vọng vua sẽ giữ lời hứa thưởng cho mình. Nào ngờ công chúa vốn kiêu kỳ, biết chàng không phải con nhà gia thế vọng tộc, môn đăng hộ đối, nên chối từ bằng cách ra điều kiện chàng trai phải làm một việc khó thứ hai. Nàng vào vườn, tự tay mình rắc mười bị kê xuống cỏ và nói:
– Sớm mai, trước khi mặt trời mọc, anh phải nhặt xong hết kê lẫn trong cỏ, không thiếu hạt nào.
Chàng trai ngồi trong vườn, suy tính mãi mà không ra được kế gì. Anh đành ngồi rầu rĩ, đợi trời sáng rõ cho người ta dẫn ra pháp trường. Khi những tia nắng đầu tiên vừa lóe lên thì anh thấy mười bị kê đầy ăm ắp đứng liền nhau thành một hàng, không thiếu hạt nào. Thì ra đêm ấy, kiến chúa đã cùng hàng ngàn, hàng vạn kiến quân kéo đến. Những con vật không quên ơn ấy đã cần mẫn nhặt kê bỏ bị. Công chúa đích thân xuống vườn. Nàng hết sức ngạc nhiên khi thấy chàng trai đã làm xong việc mình giao cho. Nhưng nàng vẫn chưa hết tính kiêu kỳ, lại bảo:
– Tuy anh đã làm được hai việc khó, nhưng ta chỉ chấp nhận anh là chồng ta khi nào anh lấy được về đây cho ta một quả táo vàng ở cây táo trường sinh.
Anh không biết cây táo ấy mọc ở đâu, đành nhắm mắt đưa chân, cứ dấn bước đi đến khi nào mỏi thì thôi, lòng chẳng hy vọng gì sẽ kiếm được quả táo đó. Anh đã đi qua ba nước. Một ngày kia, anh vừa tới một khu rừng thì trời sập tối. Anh ngồi xuống gốc cây, định ngủ một giấc, bỗng nghe tiếng vỗ cánh phía trên cao, rồi một quả táo vàng rơi vào tay anh. Cùng lúc đó có ba con quạ sà xuống, đậu lên đầu gối anh và nói:
– Chúng tôi là ba con quạ non anh đã cứu khỏi chết đói. Chúng tôi đã khôn lớn, nghe biết ân nhân đang đi tìm quả táo vàng, lập tức chúng tôi vượt bể tới nơi tận cùng của trái đất, nơi có cây trường sinh mọc để hái táo mang về cho ân nhân.
Hết sức mừng vui, chàng trai lập tức lên đường trở về nước, dâng công chúa xinh đẹp quả táo vàng. Giờ đây công chúa không còn cớ gì để từ chối nữa. Hai người bổ táo, vui vẻ chia nhau mỗi người ăn một nửa. Giờ đây lòng nàng dậy lên tình thương vô hạn đối với chàng trai trẻ. Hai người sống với nhau thật thắm thiết cho đến khi đầu bạc răng long.
18. Sự tích hạt đậu
Có một bà lão nghèo khổ ở làng kia kiếm được một mớ đậu mang nấu. Bà vào bếp nhóm lửa. Để đun cho nhanh, bà đút một mớ rơm vào bếp. Lúc bà đổ đậu vào nồi, có một hạt rơi xuống đất mà bà không hề hay biết. Hạt đậu rơi ngay cạnh một sợi rơm. Liền sau đó có một cục than hồng bắn từ trong bếp rơi xuống chỗ đậu và rơm. Sợi rơm liền hỏi:
– Các bạn thân mến, các bạn ở đâu tới đây thế?
Than trả lời:
– May quá là may, tôi nhảy từ ngọn lửa kia ra. Nếu tôi không lấy sức để nhảy ra thì chắc hẳn là toi mạng? Giờ có lẽ tôi đã bị đốt thành tro rồi.
Đậu nói:
– May là tôi không bị xây xát gì cả. Nếu như bà lão không đánh rớt tôi ra ngoài, có lẽ giờ này tôi đã bị nấu nhừ thành cháo như các bạn tôi.
Rơm nói:
– Kể ra thân phận tôi cũng chẳng hơn gì! Bà lão cho tất cả anh em tôi làm mồi cho khói lửa, bà nắm một lúc sáu chục sợi và đốt sạch. Cũng may tôi luồn được qua kẽ ngón tay bà cụ.
Than hỏi:
– Thế chúng ta làm gì bây giờ?
Đậu nói:
– Tôi nghĩ, cũng may là chúng ta cùng thoát chết, vậy thì chúng ta hãy kết nghĩa anh em với nhau. Để tránh điều bất hạnh khác có thể xảy ra với chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau đi chu du thiên hạ.
Nghe lời đề nghị ấy, cả than và rơm đều thấy vui lòng. Thế rồi cả ba cùng nhau lên đường.
Chẳng bao lâu cả ba tới bên một bờ con suối nhỏ. Chẳng có cầu mà cũng chẳng có ván bắc qua suối, cả ba loay hoay, chưa biết tính làm sao qua được suối. Chợt rơm nghĩ ra một kế và nói:
– Để tôi nằm vắt ngang suối, các bạn đi lên tôi như đi qua cầu vậy.
Rơm nằm vắt từ bờ này sang bờ kia. Than vốn tính nóng nảy, bước lon ton trên chiếc cầu vừa mới bắc xong. Ra tới giữa cầu, nghe tiếng nước chảy rào rào, than hoảng sợ. Than đứng lại giữa cầu, không còn can đảm bước tiếp. Rơm bắt đầu cháy, bị đứt thành hai đoạn và rơi xuống suối. Than cũng rơi theo. Chạm mặt nước, than xèo xèo được một lát rồi tắt thở. Đậu vốn tính cẩn thận hơn, hãy còn đứng bên bờ suối. Thấy sự việc xảy ra thật tức cười, đậu cười hoài rồi cười phá lên và vỡ ra từng mảnh. Thế là suýt nữa đậu cũng hết đời. Nhưng may thay lúc đó lại có một bác thợ may đi du ngoạn đang ngồi nghỉ bên bờ suối. Vốn có lòng thương người, bác lấy kim chỉ khâu liền các mảnh đậu. Đậu vô cùng biết ơn bác thợ may. Nhưng vì bác thợ may dùng chỉ đen để khâu nên từ đó hạt đậu nào cũng có đường chỉ đen.
Hai vợ chồng người đánh cá (hay chuyện Ông già và biển cả)
Ngày xửa, ngày xưa, có hai vợ chồng người đánh cá sống với nhau trong một căn lều dột nát cũ kỹ ở ngay sát bờ biển. Ngày nào người chồng cũng đi ra biển câu cá, ông cứ đi câu hoài như vậy. Một hôm ông ngồi câu và ngắm nhìn mặt nước trong, và cứ ngồi như vậy hết giờ này đến giờ khác. Bỗng nhiên phao bị kéo chìm ngày càng sâu xuống dưới đáy biển, ông giật lên thì được một con cá thờn bơn to. Cá nói với ông:
– Ông hãy nghe tôi kể, ông già đánh cá ơi, xin ông để tôi sống, tôi không phải là cá thực đâu, tôi là một hoàng tử bị phù phép hóa thành cá. Nếu ông làm thịt tôi, cái đó cũng chẳng giúp ích gì cho ông cả. Thịt tôi đâu có ngon. Xin ông lại thả tôi xuống nước để tôi bơi đi.
Ông già đáp:
– Ờ, mi chẳng cần phải nói nhiều, một con cá thờn bơn mà lại biết nói thì ta sẵn sàng thả xuống cho bơi đi.
Ông thả cá xuống làn nước trong xanh và cá thờn bơn lặn xuống tận đáy bể để lại phía sau một vệt máu dài.
Ông già câu cá đứng dậy trở về nhà với người vợ trong căn lều cũ kỹ.
Vợ hỏi:
– Hôm nay ông không câu được gì à?
Người chồng nói:
– Không, tôi câu được một con cá thờn bơn, nhưng cá nói cá là một hoàng tử bị phù phép hóa ra cá, nên tôi lại thả xuống.
Vợ nói:
– Thế ông không nói ông mong ước gì à?
Chồng nói:
– Không, vậy tôi phải nói ước mong gì bây giờ?
Vợ kêu lên:
– Trời, ông không thấy khổ sở, khó chịu khi phải ở mãi trong căn lều tồi tàn, hôi hám, bẩn thỉu này ư? Đáng nhẽ ông có thể nói ông ước mong sống trong một chiếc nhà tranh nhỏ xinh. Ông hãy ra biển gọi cá mà nói xin một chiếc nhà tranh nho nhỏ. Chắc thế nào cá chả cho.
Chồng nói:
– Chà, tôi ra đó lần nữa để làm gì?
Vợ nói:
– Ui chà! Ông câu được cá rồi lại thả cho cá bơi. Chắc chắn thế nào cá cũng cho một căn nhà tranh mà ở, ông cứ đi thử xem!
Người chồng ngần ngại lắm nhưng lại chẳng muốn làm trái ý vợ nên đành đi ra biển. Ra tới biển, ông thấy sóng lăn tan, nước xanh xanh, vàng vàng. Ông lại gần mặt biển và gọi:
Hỡi người anh em, ở mãi đâu,
Hỡi cá thờn bơn dưới biển sâu,
Vợ tôi tên là Ilsebill,
Cứ xin đòi điều tôi không muốn.
Cá bơi ngay lên mặt nước và hỏi:
– Được rồi, vợ ông muốn gì?
Ông già nói:
– Chà, lúc nãy tôi kể chuyện câu được cá, vợ tôi trách tôi sao không xin cá một điều gì. Vợ tôi không muốn ở trong túp lều cũ kỹ nữa, nó muốn có nhà tranh.
Cá nói:
– Ông cứ về đi, vợ ông đã có nhà tranh ở rồi đấy.
Ông đi về thì không thấy vợ ở túp lều nữa, mà đang ngồi trên ghế dài trước cửa một ngôi nhà tranh nhỏ xinh. Vợ nắm tay chồng nói:
– Ông vào mà coi, giờ có phải hơn trước nhiều không nào.
Hai vợ chồng cùng vào trong nhà thì thấy có phòng đợi, phòng khách xinh xắn, buồng ngủ có kê giường, rồi buồng ăn, nhà bếp được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và đẹp mắt với đầy đủ nồi niêu soong chảo bằng đồng, bằng thiếc sáng choang. Sau nhà là một cái sân con đầy gà vịt và một mảnh vườn nhỏ trồng rau và cây ăn quả. Vợ nói:
– Ông xem có thích mắt không?
Người chồng đáp:
– Ừ, nếu cứ như thế này thì từ giờ trở đi chúng ta sống thỏa mãn lắm rồi.
Vợ nói:
– Điều đó để suy nghĩ lại xem sao.
Mới được khoảng mười lăm hôm thì vợ nói:
– Ông nghe tôi nói đây, nhà thì chật hẹp, sân và vườn lại quá nhỏ. Chắc cá có thể tặng ta một căn nhà xây to rộng hơn. Tôi thích ở lâu đài xây to bằng đá. Ông hãy ra biển nói với cá, cá hãy tặng vợ chồng ta một lâu đài.
Chồng nói:
– Trời, bà nhà nó nghĩ sao, nhà ở thế này là vừa lắm rồi, chúng ta ở trong lâu đài để làm gì.
Vợ nói:
– Ui chà, ông cứ ra biển đi, thế nào cá cũng cho mà.
Chồng nói:
– Thôi bà nó ạ, cá vừa mới cho chúng ta căn nhà này, tôi không dám tới đó để quấy rầy cá nữa.
Vợ gắt:
– Thì cứ đi đi nào! Điều đó cá có thể làm được quá đi chứ, chắc cá cũng sẵn lòng cho, ông cứ ra biển đi!
Người chồng cảm thấy khó ăn, khó nói, ông không muốn đi. Ông nói lẩm bẩm:
– Thật là không biết điều.
Nói thế nhưng rồi ông vẫn ra biển.
Khi tới bờ biển ông thấy biển lặng, nước màu tím, xanh thẫm, và xám; nước đục chứ không xanh và vàng như lần trước. Ông lại gần mặt biển và gọi:
Hỡi người anh em, ở mãi đâu,
Hỡi cá thờn bơn dưới biển sâu,
Vợ tôi tên là Ilsebill,
Cứ xin đòi điều tôi không muốn.
Cá hiện lên hỏi:
– Được rồi, vợ ông muốn gì?
Ngượng ngùng ông nói:
– Trời ơi, vợ tôi muốn ở trong một lâu đài lớn.
Cá nói:
– Ông cứ về đi, vợ ông đang đứng trước cửa đợi ông đấy.
Rồi ông đi và nghĩ rằng mình lại trở về căn nhà tranh cũ. Nhưng không, khi ông về tới nơi thì trước mặt ông là một lâu đài to bằng đá, bà vợ đang đứng trên bậc thềm cao, sắp sửa đi vào nhà. Bà ta nắm tay chồng nói:
– Ông cứ vào coi đi!
Hai vợ chồng cùng đi vào. Nền nhà trong lâu đài lát bằng đá cẩm thạch, gia nhân vội mở cửa lớn, bốn phía tường dán toàn giấy dán tường có hoa màu sặc sỡ làm sáng hẳn căn phòng. Phòng nào cũng bày bàn ghế sơn son mạ vàng, trên trần treo đèn pha lê, ở các buồng và các phòng đều trải thảm. Khắp các bàn đều bày la liệt những món ăn ngon và rượu quý. Đằng sau lâu đài là một cái sân rộng có chuồng ngựa, chuồng bò và những cỗ xe lộng lẫy, ngoài ra còn có cả một khu vườn rộng nom thật đẹp mắt, trong vườn trồng đủ các loại hoa thơm cỏ lạ và các loại cây ăn quả quý, rồi thêm vào đó là một công viên để vui chơi dạo mát dài chừng nửa dặm, ở đó nuôi nhiều loài vật mà người ta thích nuôi làm cảnh như hươu, nai, thỏ…
Bà vợ hỏi:
– Thế nào, ông thấy có đẹp không?
Chồng nói:
– Ờ nhờ trời, giá cứ được như thế này mãi nhỉ? Sống trong lâu đài đẹp như thế này là mãn nguyện rồi còn gì.
Vợ nói:
– Điều đó để suy nghĩ lại xem sao. Giờ ta hãy đi ngủ cái đã.
Sáng hôm sau, vợ tỉnh giấc trước. Trời đã sáng bạch. Nằm trong giường nhìn ra người vợ thấy phong cảnh đồng ruộng đẹp vô cùng. Chồng còn ngái ngủ, bà ta lấy khuỷu tay hích vào mạn sườn chồng và nói:
– Dậy thôi ông, ông hãy nhìn qua cửa sổ xem! Ông thấy không, liệu chúng ta có thể làm vua cả vùng này không ông? Ông hãy ra biển nói với cá: chúng ta muốn làm vua!
Chồng nói:
– Trời, bà nó ơi, chúng ta làm vua để làm gì? Tôi cũng chẳng muốn xin cá điều đó.
Vợ cằn nhằn:
– Được, ông không thích làm vua, nhưng tôi thích làm nữ vương thì sao. Ông cứ ra biển nói với cá: tôi muốn làm nữ vương.
Chồng nói:
– Trời, bà nó ơi, bà làm nữ vương để làm gì? Tôi không muốn nói với cá điều đó.
Vợ nói:
– Tại sao lại không? Ông cứ ba chân bốn cẳng chạy ra biển cho tôi. Tôi phải là nữ vương mới được.
Người chồng đi ra biển nhưng lòng buồn lắm, ông nghĩ:
– Thật là không biết điều, không biết điều một tí nào cả.
Ông ngần ngại không muốn ra biển, thế nhưng rồi lại đi.
Ra tới nơi, ông thấy nước biển xám đen, nước cuộn sôi từ dưới lên và tỏa mùi thối hoắc, ông lại gần mặt biển và gọi:
Hỡi người anh em, ở mãi đâu,
Hỡi cá thờn bơn dưới biển sâu,
Vợ tôi tên là Ilsebill,
Cứ xin đòi điều tôi không muốn.
Cá hiện lên hỏi:
– Được rồi, vợ ông muốn gì?
Ông già nói:
– Trời ơi là trời, vợ tôi muốn làm nữ vương.
Cá bảo:
– Ông cứ về đi, vợ ông thành nữ vương rồi.
Trở về nhà, ông thấy lâu đài đồ sộ hơn trước, lại có thêm một cái tháp canh to trang hoàng rực rỡ, có thị vệ canh gác, có quân đánh trống, thổi kèn.
Vào trong nhà ông thấy toàn là đá cẩm thạch, thảm nhung, rương vàng. Cửa điện rộng mở, cả triều đình đều có mặt. Người vợ ngồi trên ngai vàng chót vót, đầu đội mũ miện vàng, tay cầm hốt vàng dát ngọc, mỗi bên có sáu cung nữ sắp hàng đứng hầu, người nọ thấp hơn người kia một cái đầu.
Người chồng bước lại gần hỏi:
– Chà, bà nó ơi, bà đã thành nữ vương rồi đấy à?
Vợ nói:
– Phải, bây giờ tôi là nữ vương.
Ông đứng sừng sững ra mà ngắm vợ, ngắm một hồi lâu rồi ông nói:
– Bà nó được làm nữ vương đã thỏa chí chưa? Giờ thì chả còn mong ước gì nữa nhé!
– Không, chưa thỏa mãn đâu ông ạ.
Người vợ nói vậy và cảm thấy bứt rứt trong người, nói tiếp:
– Thời gian trôi đi rồi cũng thấy ngán, tôi không thể sống như thế này mãi được. Ông hãy ra biển nói với cá: Tôi đã là nữ vương rồi thì bây giờ tôi phải là nữ hoàng mới phải.
Chồng nói:
– Trời ơi, bà muốn thành nữ hoàng để làm gì?
Vợ nói:
– Ông cứ ra biển nói với cá, tôi muốn thành nữ hoàng.
Chồng nói:
– Trời, bà nó ơi, cá làm sao có thể đủ sức để biến bà thành nữ hoàng được, tôi cũng không dám nói với cá điều đó, nữ hoàng là vua một nước lớn, cả nước chỉ có một người làm sao cá có thể làm nổi việc đó, biến bà thành nữ hoàng cá làm sao nổi, chắc chắn là không làm nổi.
Vợ nói:
– Ông nói cái gì vậy? Tôi là nữ vương, ông chỉ là chồng thôi, ông có đi ngay không? Ông đi ngay ra biển! Nếu cá có thể biến tôi thành nữ vương thì cũng có thể biến tôi thành nữ hoàng được. Tôi muốn và đang muốn thành nữ hoàng cơ mà. Ông đi ngay ra đó đi!
Người chồng đành phải ra biển.
Khi đi ra biển, ông thấy sợ, vừa đi vừa lo ngay ngáy, ông nghĩ bụng:
– Không thể thế được, thế còn ra cái gì nữa. Đòi làm nữ hoàng là không biết xấu hổ, là trơ tráo. Cuối cùng cá sẽ ngán về những chuyện đó.
Khi đến bờ biển, ông thấy nước đen ngòm, đục ngầu, biển bắt đầu nổi sóng, gió thổi ào ào, rồi sóng gió ầm ầm làm cho ông rét run cả người. Ông lại gần mặt biển và gọi:
Hỡi người anh em, ở mãi đâu,
Hỡi cá thờn bơn dưới biển sâu,
Vợ tôi tên là Ilsebill,
Cứ xin đòi điều tôi không muốn.
Cá hiện lên hỏi:
– Được rồi, vợ ông muốn gì?
Ông già nói:
– Trời, cá ơi là cá, vợ tôi muốn làm nữ hoàng.
Cá bảo:
– Ông cứ về đi, vợ ông thành nữ hoàng rồi.
Ông già quay trở về. Về tới nhà thì thấy cả lâu đài đều làm bằng đá cẩm thạch bóng lộn, lại có cả tượng bằng đá cuội trắng cùng những đồ trang trí bằng vàng. Thị vệ đi lại trước cổng, lính thổi kèn, đánh chiêng đánh trống. Các bậc công hầu, bá tước, tử tước đứng chầu đi lại nhộn nhịp bên trong. Họ mở cổng cho ông lão vào, cổng bằng vàng nguyên chất. Bước vào trong phòng, ông thấy vợ ngự trên ngai vàng đúc bằng vàng cao hai thước; đầu đội mũ miện bằng vàng cao ba tấc, nạm ngọc và kim cương. Một tay cầm hốt, tay kia cầm quả cầu tượng trưng cho ngôi nữ hoàng. Hai bên lính ngự lâm sắp thành hai hàng, từ người khổng lồ cao hai trượng tới người lùn nhỏ xíu chỉ bằng một ngón tay út. Trước mặt nữ hoàng rất nhiều lãnh chúa và tử tước đang đứng chầu.
Người chồng tiến vào giữa và nói:
– Bà nó, bà đã thành nữ hoàng chưa?
Vợ nói:
– Phải, tôi là nữ hoàng rồi.
Người chồng đứng đó ngắm nghía vợ, ngắm một hồi lâu rồi nói:
– Trời, bà nó ơi, bà làm nữ hoàng có thích không?
Vợ nói:
– Ông ơi, sao ông cứ đứng đực ở đó làm gì, tôi đã là nữ hoàng rồi, nhưng giờ tôi muốn thành giáo hoàng kia. Ông đi nói với cá đi!
Chồng nói:
– Trời, bà còn muốn thành cái gì nữa trên đời này, bà không thể trở thành giáo hoàng được, khắp thế giới công giáo chỉ có một vị giáo hoàng thôi, điều đó cá không làm nổi đâu.
Vợ nói:
– Ông có nghe thấy không, tôi muốn làm giáo hoàng, ông đi ngay ra biển, tôi muốn làm giáo hoàng ngay ngày hôm nay.
Chồng nói:
– Trời, bà nó ơi, tôi không dám nói với cá điều đó. Không thể như thế được, như thế là không biết điều một tí nào cả. Biến bà thành giáo hoàng, cá làm không nổi đâu.
Bà vợ nói:
– Này ông nó, nói chi mà dài dòng lôi thôi vậy. Nếu cá cho làm nữ hoàng được thì cũng có thể cho làm giáo hoàng được. Ông đi ngay ra biển! Tôi là nữ hoàng, còn ông thực ra chỉ là chồng tôi thôi, ông có chịu đi hay không thì bảo?
Ông chồng đâm ra sợ và ra biển, nhưng ông sợ quá xanh xám cả mặt mày, người run lẩy bẩy, bắp thịt như nhũn ra, chân cứ như chân đi mượn. Rồi bỗng dưng gió thổi ào ào, mây đen kéo đến khiến cả bầu trời tối sầm xuống như trời đã tối, lá cây bị gió thổi nghe rào rào, nước biển nổi sóng, sóng vỗ vào bờ ầm ầm. Ở mãi tận đằng xa có những con tàu sóng đánh ngả nghiêng nom như đang nhảy múa cùng sóng biển, tàu phải bắn súng báo động. Giữa bầu trời có một đám mây xanh, nhưng chung quanh mây đen kéo kín cả bầu trời như báo hiệu sắp có một trận bão lớn. Sợ hãi, khiếp nhược, ông lão lại gần mặt biển và gọi:
Hỡi người anh em, ở mãi đâu,
Hỡi cá thờn bơn dưới biển sâu,
Vợ tôi tên là Ilsebill,
Cứ xin đòi điều tôi không muốn.
Cá hiện lên hỏi:
– Được rồi, vợ ông muốn gì?
Ông già nói:
– Trời ơi, vợ tôi muốn làm giáo hoàng.
Cá nói:
– Ông cứ về đi, vợ ông làm giáo hoàng rồi đấy.
Ông đi về, khi về tới nhà thì nhìn thấy một nhà thờ rộng mênh mông, bao quanh nó là những cung điện, lâu đài. Ông già phải rẽ chen qua đám đông mới vào được. Hàng ngàn ngọn đèn thắp sáng trưng chiếu sáng khắp gian nhà, vợ ông mặc quần áo vàng, ngự trên ngai vàng cao chót vót, đầu đội ba cái mũ miện bằng vàng, đứng chung quanh là đông đảo giáo sĩ. Hai bên có hai hàng nến, cây to nhất to và cao như ngọn tháp lớn, càng đi về phía sau nến càng nhỏ dần, cây bé nhất nhỏ như cây nến thắp trong bếp. Và tất cả các vua, hoàng đế đang quỳ hôn giày giáo hoàng.
Người chồng ngắm nghía vợ mình thật cẩn thận rồi nói:
– Giờ thì bà nó thành giáo hoàng rồi nhỉ?
Vợ nói:
– Phải, bây giờ tôi là giáo hoàng.
Ông đứng ngẩn người ra, cứ đứng như vậy mà ngắm vợ y như đứng nhìn mặt trời. Đứng ngắm như vậy một lúc lâu ông nói:
– Trời, bà nó ơi, bà làm giáo hoàng có thích không?
Vợ ngồi im như khúc gỗ, người không hề nhúc nhích, cử động.
Rồi người chồng lại nói tiếp:
– Giờ chắc bà mãn nguyện, chẳng còn cái chức gì to hơn cái chức giáo hoàng nữa để mà mong.
Vợ nói:
– Điều đó để suy nghĩ lại xem sao.
Vợ vẫn chưa mãn nguyện, khát vọng làm đêm ấy bà ta không ngủ được, bà ta nằm nghĩ liên miên xem có gì cao hơn nữa không.
Chồng đi cả ngày nên ngủ ngay và ngủ say ngáy o o, còn vợ không tài nào nhắm mắt được, suốt đêm trằn trọc, suy nghĩ mông lung xem liệu mình còn có thể thành cái gì được nữa, suy nghĩ đắn đo mãi thấy chẳng còn gì hay hơn. Mặt trời sớm mai đang lên, khi người vợ nhìn thấy mặt trời rạng đông thì nhỏm dậy khỏi giường, nhìn ngắm cảnh mặt trời lên qua kính cửa sổ, rồi bà nghĩ bụng:
– À, ước gì mình sai khiến được mặt trời, mặt trăng mọc nhỉ.
Bà ta lấy khuỷu tay hích vào mạn sườn chồng và nói:
– Dậy thôi ông ơi, ông ra biển nói với cá, tôi muốn được y như chúa trời kính yêu.
Chồng còn đang ngái ngủ, sợ quá giật mình ngã từ trên giường xuống đất. Ông nghĩ, có lẽ mình nghe lầm, ông dụi mắt và hỏi:
– Trời, bà nó, bà vừa nói gì thế?
Vợ nói:
– Ông có biết không, nếu tôi không khiến được mặt trời, mặt trăng mọc, mà lại ngồi ngắm nhìn mặt trời, mặt trăng lên thì tôi không chịu nổi, tôi sẽ không lúc nào đứng ngồi yên thân, nếu như chính tôi không khiến được mặt trời mọc, mặt trăng lên.
Rồi bà nhìn ông chằm chằm dữ tợn đến nỗi ông chồng sợ lạnh toát xương sống và nói:
– Ông ra biển ngay bây giờ, tôi muốn được y như chúa trời kính yêu.
– Trời, bà nó!
Chồng quỳ trước mặt vợ và nói tiếp:
– Điều đó cá không thể làm được. Cá chỉ có thể làm cho nữ hoàng, giáo hoàng. Tôi van bà, xin bà sống sao cho phải nhẽ và cứ làm giáo hoàng thôi.
Người vợ nổi khùng lên, tóc xõa ra, rối bời bời, bà nhảy chồm chồm, lấy chân đạp chồng rồi thét:
– Tôi không chịu được nữa, không chịu nổi lâu hơn nữa đó, ông có đi ngay không?
Chồng mặc vội áo quần vào rồi cứ thế mà chạy như người mất trí.
Ngoài biển gió bão ầm ầm, sóng nổi cuồn cuộn, ông già đứng không vững, nhà cửa, cây cối rung động, núi chuyển mình, những khối đá lớn lăn xuống biển, trời tối đen như mực, sấm sét nổ vang trời. Biển nổi sóng thần, sóng đen kịt, sóng cao như gác chuông nhà thờ, cao như núi, bọt bể trên mặt sóng như một mũ miện trắng xóa.
Trong cơn giông tố mịt mùng ấy ông già cố thét lên gọi mà cũng không thể nghe thấy chính tiếng của mình:
Hỡi người anh em, ở mãi đâu,
Hỡi cá thờn bơn dưới biển sâu,
Vợ tôi tên là Ilsebill,
Cứ xin đòi điều tôi không muốn.
Cá hiện lên hỏi:
– Được rồi, vợ ông muốn gì?
Ông nói:
– Khổ lắm cá ơi, vợ tôi muốn được y như chúa trời kính yêu.
– Ông cứ về đi, bà ấy đang ngồi trong túp lều cũ kỹ khi xưa…
Và hai vợ chồng tới nay vẫn còn ngồi ở trong túp lều ấy.
20. Chú thợ may nhỏ thó can đảm
Vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời, một chú thợ may bé nhỏ ngồi trên phản bên cửa sổ chăm chú khâu, trong lòng có vẻ khoan khoái lắm. Chợt có bác nông dân đi qua phố rao hàng:
– Mứt táo ngon đây, mứt táo ngon đây.
Tiếng rao nghe bùi tai, chú thợ may thò đầu ra ngoài cửa sổ gọi:
– Lại đây, bà ơi, ở đây chắc bà bán hết hàng chứ không chơi.
Bà khệ nệ mang thúng hàng nặng trèo lên ba bậc thang tới tận chỗ chú thợ may ngồi. Bà giở cho chú xem tất cả các loại mứt. Ngó xem hết bình nọ đến bình kia, chú còn đưa lên mũi ngửi, ngửi chán rồi nói:
– Mứt ngửi nghe chừng ngon đấy, bà cân cho tôi bốn Lốt đi, nếu có cân quá tay một chút thành một phần tư nửa ký cũng được.
Đưa hàng cho khách bà đi ngay. Bà bực mình lắm, vừa đi vừa lẩm bẩm rủa thầm vì cứ tưởng là vớ được món khách bở.
Chú thợ may tay cầm mứt reo:
– Cầu chúa ban phước, chắc ăn mứt này chúa cho tha hồ mà khỏe mạnh.
Rồi chú mở tủ lấy bánh mì, cắt lấy một khoanh và phết mứt lên. Chú nói:
– Chắc ngon đấy, nhưng mình phải khâu xong cái quần này đã rồi hãy cắn miếng ăn thử.
Chú để bánh sang bên, tiếp tục khâu nốt, nhưng do hứng chí nên mũi khâu mỗi lúc một dài hơn. Trong lúc chú mải làm, ruồi trên tường đánh hơi được mùi mứt thơm, chúng kéo cả đàn sà xuống. Ngoảnh lại thấy ruồi đậu trên bánh, chú thợ may nói:
– Ơ kìa, ai mời chúng mày đấy?
Rồi chú phảy đuổi các vị khách không mời mà đến ấy đi. Nhưng ruồi đâu có hiểu tiếng Đức, chúng không những chẳng bay đi mà còn kéo đến đông hơn trước. Cáu tiết lên chú thợ may với tay lấy một mảnh da, quật không thương tiếc lũ ruồi, vừa quật vừa mắng:
– Đợi đấy, tao cho chúng mày biết tay!
Đập xong chú ngồi đếm, bảy con ruồi chết chân duỗi thẳng đơ nằm trước mặt chú. Tự phụ về sự anh dũng bất ngờ của mình chú nói:
– Thế nào mấy chàng trai kia, biết tay chưa? Phải làm cho cả tỉnh biết việc này mới được.
Chú vội may một cái thắt lưng, thêu trên đó mấy chữ thật to: “Một đòn chết bảy.”
Rồi chú lại nói thêm:
– Sao lại chỉ cả tỉnh thôi nhỉ? Phải làm cho khắp thiên hạ biết việc này mới được.
Lòng chú xao xuyến lâng lâng, rạo rực. Chú đeo thắt lưng vào người, tính sẽ đi chu du thiên hạ. Chú nghĩ bụng: cứ quanh quẩn ở cái tiệm may quèn này thật uổng cho sự anh dũng của mình.
Trước khi lên đường, chú lục lọi khắp nhà xem còn có gì có thể mang theo trong cuộc hành trình. Tìm mãi mà chú chỉ tìm thấy một miếng phó mát để đã lâu, chú liền nhét vào túi. Vừa mới ra tới cổng thì chú thấy một con chim bị mắc kẹt ở trong bụi cây, chú rón tay bắt và đút luôn chim vào trong túi cùng với phó mát.
Chú hăm hở lên đường, chân đi thoăn thoắt. Vốn người nhỏ nhắn nên chú đi không biết mỏi. Đường đi đến một quả núi. Mới tới đỉnh núi chú đã nhìn thấy một người khổng lồ thảnh thơi ngồi nhìn quanh. Chú thợ may cứ thản nhiên tiếp lại chào hỏi:
– Xin chào anh bạn, ai cho anh bạn ngồi đây chỉ để ngắm nhìn thế giới bao la hả. Ấy mình hiện đang trên đường đi chu du thiên hạ đây, cậu có thích đi chu du cùng với mình không?
Anh chàng khổng lồ ngắm nhìn chú thợ may một cách khinh bỉ và nói:
– Mày đồ nhãi nhép, quân khốn khiếp.
Chú thợ may đáp lại:
– Thế là thế nào nhỉ!
Rồi chú cởi khuy áo, chỉ thắt lưng cho anh chàng khổng lồ xem và nói:
– Cứ đọc chữ đây sẽ biết mình là người thế nào.
Anh chàng khổng lồ đọc: “Một đòn chết bảy,” nên nghĩ, bảy người chết chỉ vì một đòn đánh, vì thế nên có ý nê nể chú thợ may nhỏ thó. Nhưng rồi chàng khổng lồ vẫn muốn thử sức với chú thợ may. Chàng nhặt một hòn đá, rồi nắm tay bóp đá chảy ra nước và nói:
– Cậu có khỏe thì bóp thử tớ xem!
Chú thợ may đáp:
– Chỉ có thế thôi à? Dễ ợt như đồ chơi trẻ con.
Chú móc túi lấy miếng phó mát đã mềm nhũn, nắm tay bóp cho nó chảy ra nước rồi nói:
– Thấy chưa, có hơn chút nào không?
Chàng khổng lồ không biết nói sao, không ngờ một người nhỏ bé mà lại khỏe như vậy. Anh ta nhặt một hòn đá, vung tay ném nó lên cao tới mức ta không nhìn thấy tăm hơi hòn đá nữa. Rồi chàng khổng lồ nói:
– Nào chú vịt con làm thử xem!
Chú thợ may nói:
– Ném khá đấy! Nhưng đá cậu ném rồi sẽ rơi xuống đất cho mà xem. Còn hòn đá mình ném sẽ không rơi xuống đất.
Chú thò tay vào túi lấy chim, rồi tung lên không. Chim được thả thích quá, bay vút ngay đi.
Chú thợ may hỏi:
– Thế nào anh bạn, như vậy anh bạn đã ưng ý chưa?
Chàng khổng lồ đáp:
– Cậu ném được đấy. Nhưng để xem cậu vác nặng có giỏi như cậu ném đá không?
Chàng khổng lồ dẫn chú thợ may đến bên một cây sồi cổ thụ nằm đổ ngang trên đường đi, và nói:
– Cậu có khỏe thì mang giúp tớ cây này ra khỏi rừng!
Chú thợ may nhỏ thó đáp:
– Được thôi! Cậu cứ vác lên vai thân cây đi, mình sẽ nhấc cành nhánh lên vai mà vác, cái đó nặng hơn nhiều.
Anh chàng khổng lồ vác trên vai thân cây, còn chú thợ may thì ngồi vắt vẻo trên một cành cây. Vác nặng nên anh chàng khổng lồ không sao quay được đầu nhìn lại phía sau nên không hề biết rằng chính mình phải vác toàn bộ cây gỗ mà còn vác thêm cả chú thợ may ngồi vắt vẻo trên đó nữa. Chú thợ may ngồi sau thích chí, lòng vui như hội; chú huýt sáo bài hát: “Có ba bác phó may cưỡi ngựa ra khỏi cổng thành,” chú làm như việc vác cây cổ thụ chỉ là trò trẻ con. Cây cổ thụ quá nặng nên anh chàng khổng lồ mới vác được một đoạn đường đã thấy mệt nhoài, dừng chân nói:
– Này anh bạn, cẩn thận nhé! Tớ thả cây xuống đây.
Chú thợ may liền nói:
– Cậu chỉ được cái to xác, không vác nổi cái cây này thì bết quá!
Hai người cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình. Đi ngang qua một cây anh đào, anh chàng khổng lồ vịn ngọn cây có nhiều quả chín xuống, bảo chú thợ may giữ hái mà ăn. Nhưng chú thợ may nhỏ thó làm sao giữ nổi ngọn cây đang bị vịn cong xuống. Khi anh chàng khổng lồ vừa mới buông tay ra thì ngọn cây bật ngay lại, chú thợ may bị văng theo lên không.
Vốn người nhỏ thó nên chú thợ may rơi xuống mà không hề bị xây xát gì cả. Anh chàng khổng lồ hỏi mỉa:
– Sao vậy anh bạn, có cái cành cong mà không giữ nổi à?
Chú thợ may nhỏ thó đối đáp:
– Cậu tưởng tớ yếu à? Hạng người đánh một đòn chết bảy lại thèm làm trò ấy à? Mình nhảy vọt qua ngọn cây vì thấy có toán thợ săn đang ngắm bắn vào bụi cây chỗ chúng mình đang đứng. Cậu có giỏi thì giờ nhảy thử như tớ xem nào!
Anh chàng khổng lồ ráng sức nhảy nhưng không sao vượt qua được ngọn cây, bị treo lơ lửng bởi những cành lá của cây cổ thụ, bởi vậy nên chú thợ may lại được cuộc.
Anh chàng khổng lồ lại nói:
– Này, cậu gan dạ anh dũng như vậy thì hãy đi cùng tớ về hang, ngủ cách đêm với chúng tớ một hôm.
Chú thợ may nhận lời đi theo. Đến hang thì thấy có mấy người khổng lồ khác đang ngồi bên lửa, người nào cũng cầm trong tay một con cừu thui và ăn một cách ngon lành. Chú thợ may nhìn quanh và nghĩ bụng:
– Nơi này rộng rãi hơn cửa hiệu của mình.
Anh chàng khổng lồ chỉ một cái giường bảo chú cứ lên giường mà ngủ cho đẫy giấc. Giường của người khổng lồ quá rộng, chú thợ may nhỏ thó nằm ngay ở mép một góc giường mà ngủ. Đến nửa đêm, anh chàng khổng lồ nghĩ, có lẽ giờ này chú thợ may ngủ đã say, liền lấy một thanh sắt to phang mạnh xuống giường, tưởng như vậy là thanh toán xong tên châu chấu cho bõ bực.
Sáng sớm tinh mơ bọn khổng lồ đã kéo nhau vào rừng và quên bẵng chú thợ may đó. Bọn khổng lồ hoảng sợ khi bỗng nhiên lại nhìn thấy chú thợ may mặt mày hớn hở, hiên ngang thẳng phía họ mà bước tới, họ tưởng chú sẽ đánh chết cả lũ nên co cẳng mạnh ai người mấy chạy.
Chú thợ may lại tiếp tục đi, dáng dương dương tự đắc. Đi được một lúc lâu thì chú tới khu vườn thượng uyển. Lúc đó chú mới thấy thấm mệt, liền lăn ra đánh một giấc trên bãi cỏ. Trong lúc chú đang ngủ say trên bãi cỏ thì có một tốp người đi qua, thấy có người nhỏ thó lại nằm trong vườn thượng uyển họ đứng lại ngắm nghía, ngó nghiêng. Họ đọc thấy dòng chữ viết trên thắt lưng chú: “Một đòn chết bảy!.”
Họ bảo nhau:
– Ái chà! Giữa lúc thiên hạ thái bình thế này vị hổ tướng này xuất hiện ở đây làm gì? Chắc đây là một chủ tướng có sức địch muôn người!
Họ liền đi tâu trình nhà vua, họ nghĩ là nếu có chinh chiến xảy ra thì người này có thể là một dũng sĩ ngoan cường, không nên để một người như vậy đi nơi khác mất, đợi chú thợ may tỉnh giấc dậy thì nói nhà vua muốn vời giúp nước lúc chinh chiến. Sứ giả đến nơi nhưng đứng đợi cho đến lúc chú thợ may vươn vai, mở mắt, lúc ấy mới nói rõ ý định của nhà vua. Chú thợ may đáp:
– Chỉ vì chuyện ấy mà ta tới đây. Ta sẵn sàng phụng sự nhà vua.
Chú được đón tiếp trọng thể và xếp ở một nơi riêng đặc biệt.
Các tướng lĩnh trong triều thì bực mình ra mặt, họ mong người “dũng sĩ” mới kia sẽ ra biên cương cách đây ngàn dặm. Họ trò chuyện với nhau:
– Lôi thôi với nó thì nguy, vì nó chỉ đập một cái là chết bảy. Lúc ấy chắc chẳng còn ai trong bọn mình sống sót.
Họ quyết định cùng nhau vào yết kiến nhà vua để xin được bãi chức về nhà. Họ đồng thanh tâu:
– Muôn tâu bệ hạ! Bọn hạ thần không thể ở cùng với một người đánh một đòn chết bảy.
Nhà vua buồn, thấy chỉ vì muốn giữ một người mà tất cả bọn bầy tôi trung thành sẽ xa lánh mình. Lúc này nhà vua lại ước, giá như không gặp chú thợ may có phải là hay không và trong bụng rất muốn tống khứ chú đi ngay. Nhưng nhà vua không dám nói, sợ “dũng sĩ” giết mình và luôn thể giết hết cả dân rồi tự lên ngôi vua. Vua nghĩ đi nghĩ lại mãi mới nghĩ ra được một kế. Vua sai sứ đến bảo chú, nếu quả chú là một tráng sĩ oai phong lẫm liệt thì hãy làm một việc cứu dân giúp vua. Ở một khu rừng trong nước có hai tên khổng lồ sống bằng nghề cướp của, giết người, đốt nhà. Chúng gây ra không biết bao nhiêu là tội ác. Vì sợ nguy đến tính mạng nên không một ai dám đến gần khu rừng ấy. Nếu như tráng sĩ giết được hai tên khổng lồ ấy, nhà vua sẽ gả con gái độc nhất cho và một nửa giang sơn làm của hồi môn. Để trừ khử hai tên khổng lồ nhà vua cho một trăm kỵ sĩ đi theo giúp sức. Chú thợ may nghĩ bụng:
– Có thế mới xứng với một người như mình! Lấy được công chúa xinh đẹp làm vợ, lại được chia nửa giang sơn, chuyện hiếm có trên trần gian chứ đâu phải bỡn!
Nghĩ vậy, chú liền đáp:
– Ái chà, ta sẽ trói gô hai tên khổng lồ ấy lại! Một người đánh một đòn chết bảy chẳng có lý do gì để sợ hai tên, ta cũng chẳng cần một trăm kỵ sĩ làm gì.
Chú thợ may ra đi, trăm kỵ sĩ theo sau. Đến cửa rừng chú bảo các kỵ sĩ:
– Tất cả cứ đứng đợi ở đây, một mình ta sẽ thanh toán hai tên khổng lồ ấy.
Chú đi thẳng vào rừng, vừa đi vừa ngó ngang ngó dọc. Đi được một lúc thì chú nhìn thấy hai tên khổng lồ đang ngủ ở bên gốc cây, chúng ngáy mạnh tới mức cành cây đung đưa.
Không để phí thời gian, chú thợ may nhặt đầy hai túi đá rồi trèo lên cây. Trèo tới lưng chừng cây chú trườn bò ra một cành cây và ngồi chiếu thẳng đúng ngay trên đầu hai tên đang ngủ. Rồi chú ném đá rơi thẳng vào ngực một trong hai tên khổng lồ, ném liên tục, hết hòn này đến hòn khác. Lúc đầu, chẳng thấy tên nào nhúc nhích, nhưng rồi hắn tỉnh giấc, dùng khuỷu tay hích bạn hỏi:
– Cậu đánh tớ, thế là thế nào?
Tên kia đáp:
– Cậu mơ ngủ à! Mình đâu có đánh cậu.
Rồi chúng lại ngủ tiếp tục. Bắt đầu thiu thiu ngủ thì tên thứ hai bị đá ném. Tên này nói:
– Thế là thế nào nhỉ, tại sao cậu ném tớ?
Tên kia vừa trả lời vừa càu nhàu:
– Mình đâu có ném cậu.
Cãi nhau chỉ được một lúc, chúng đành giảng hòa vì cả hai đều còn đang mệt và mắt díp cả lại do ngái ngủ. Chúng ngủ thiếp đi. Chú thợ may lại tiếp tục trò đùa ấy. Chú chọn một hòn đá to nhất, lấy đá ném thẳng vào ngực tên thứ nhất. Tên này la lớn:
– Thế này thì quá đáng lắm!
Điên tiết, hắn nhảy dậy, xô bạn vào gốc cây mạnh tới mức cả cây rung chuyển. Tên kia trả miếng cũng chẳng kém, rồi cả hai nổi nóng, nhổ cây, vặn cành đánh lộn với nhau, chúng phang nhau tới tấp, kết quả là cả hai đều lăn ra chết.
Tới khi đó chú thợ may nhỏ thó mới lò người nhảy xuống. Chú nói:
– Cũng may mà chúng không nhổ cái cây mình ngồi, nếu không có lẽ mình phải nhảy thật nhanh sang cây khác như một con sóc. Nhưng được cái là mình nhỏ thó nên cũng mau lẹ.
Chú rút gươm ra, đâm thẳng vào ngực mỗi tên vào nọn kiếm. Rồi chú ra đầu rừng nói với các kỵ sĩ:
– Công việc xong xuôi cả. Ta đã kết liễu đời hai tên ấy, nhưng quả là khó khăn. Lâm vào thế bí, chúng nhổ cây để chống cự lại, nhưng cái đó cũng chẳng giúp ích gì khi đối thủ lại là một người như tớ, người mà chỉ đánh một đòn nhưng chết bảy.
Các kỵ sĩ nói:
– Thế tráng sĩ không bị thương à?
Chú đáp:
– Mọi việc đều trôi chảy, thuận lợi thì sao mà đụng được tới lỗ chân lông tớ.
Đám kỵ không tin chú, họ phi ngựa vào rừng thì thấy hai tên khổng lồ nằm trong vũng máu, chung quanh đó ngổn ngang toàn những cây bị nhổ cả gốc.
Chú thợ may đòi nhà vua phải thưởng cho mình những thứ như nhà vua đã hứa. Nhưng nhà vua lại thấy hối tiếc về việc hứa, suy nghĩ tìm mưu kế mới để hại chú thợ may.
Nhà vua bảo chú:
– Trước khi ngươi lấy được con gái ta và một nửa giang sơn này, ngươi phải làm một việc anh dũng nữa: Ngươi bẫy bắt con kỳ lân đang phá hoại rừng về đây cho ta.
– Hai thằng khổng lồ thần còn chẳng sợ, một con kỳ lân thì có nghĩa lý gì! Thần mà ra tay thì chỉ một đòn nhưng chết bảy.
Chú mang theo một cái thừng, một cái rìu và cùng đoàn người đi giúp việc lên đường. Tới nơi chú dặn những người đi theo đợi ở bìa rừng. Mình chú đi thẳng vào rừng sâu. Chú chẳng phải tìm kiếm gì, mới trông thấy chú con vật cứ thẳng phía chú mà xông tới. Nó lao thẳng tới định húc bổng chú lên. Chú nói:
– Nào, xin mời, làm gì mà lẹ vậy!
Tưởng chừng con vật húc được chú, nhưng thoắt một cái chú đã nhảy ra sau gốc cây. Kỳ lân cứ đà ấy mà lao thẳng vào thân cây, sừng cắm phập sâu vào thân cây, kỳ lân không sao rút người ra được, bị mắc lại ở đó.
Chú thợ may nói:
– Giờ thì hết đường chạy nhé!
Từ phía sau thân cây chú đi ra, lấy thừng thòng lọng cổ kỳ lân lại, rồi chú lấy rìu đẽo thân cây gỡ sừng ra. Xong xuôi mọi việc, chú kéo con vật theo sau đến trình nhà vua.
Nhưng rồi nhà vua vẫn không chịu thực hiện lời đã hứa, đòi chú phải làm một việc thứ ba nữa. Trước khi cưới chú thợ may phải bắt được cho nhà vua con lợn rừng hung dữ đang hoành hành phá hoại khu rừng của nhà vua. Vua cho thợ săn đi theo hỗ trợ.
– Dạ, thần xin sẵn sàng. Cái đó cũng chỉ là trò chơi trẻ con mà thôi!
Chú không đem thợ săn vào rừng. Đám thợ săn mừng thầm trong bụng vì chính họ đã nhiều lần lao đao khốn khổ vì con lợn rừng ấy.
Vừa mới nhìn thấy chú thợ may, lợn rừng đã sùi bọt mép, giương cặp răng nanh lên, rồi cứ thế mà lao thẳng vào chú thợ may. Nhưng chú thợ may rất nhanh trí, chú chạy lao ngang vào cửa nhà thờ ở gần đó. Đến khi lợn rừng quặt được người đuổi chạy theo vào thì chú thợ may đã nhảy qua cửa sổ ra ngoài, chú chạy vòng lại đóng cửa, thế là lợn bị nhốt ở trong nhà thờ, nó lồng lộn lên nhưng không tài nào nhảy chui qua cửa sổ được vì quá to nặng. Chú thợ may gọi người thợ săn đến để họ trông thấy tận mắt con vật bị nhốt. Trong khi đó vị hảo hán đến ra mắt nhà vua. Nhà vua đành phải bấm bụng làm theo lời hứa: gả công chúa và chia nửa giang sơn. Nếu vua mà biết đứng trước mình chẳng phải là anh hùng hảo hán mà chỉ là một chàng thợ may thì chắc nhà vua căm giận lắm. Lễ cưới tổ chức linh đình, nhưng có phần kém vui. Chú thợ may nghiễm nhiên trở thành vua của phần giang sơn được chia.
Ít lâu sau, một hôm đang đêm hoàng hậu trẻ nghe thấy chồng mình nói mê:
– Này, cắt cho tớ cái áo, may cho tớ cái quần, nhanh tay lên không ăn bạt tai bây giờ!
Lúc đó nàng mới biết được nguồn gốc gia thế của đức ông chồng mình. Ngay sáng hôm sau, nàng về than thân trách phận với vua cha và xin vua cha đánh tháo khỏi tay một người chồng chỉ là một bác phó may tầm thường. Vua an ủi con gái và nói:
– Tối nay khi đi ngủ con để ngỏ cửa, quân hầu của ta đứng đợi ở ngoài. Khi nào nó ngủ say chúng sẽ ập vào, trói gô nó lại, khiêng thẳng xuống tàu chở tới một hòn đảo xa.
Nghe xong kế ấy công chúa rất yên tâm. Tên hầu cận nhà vua nghe hết đầu đuôi câu chuyện, vốn rất mến phò mã nên hắn liền kể cho chàng nghe hết kế hoạch. Phò mã nói:
– Ta phải chặn trước mới được!
Tối hôm ấy, chú thợ may đi ngủ như thường lệ. Được một lúc công chúa tưởng chồng mình ngủ đã say, nàng rón rén dậy ra mở cửa và để ngỏ rồi lại lên giường ngủ tiếp. Thực ra chú thợ may chỉ nằm vậy, giả tảng như ngủ mê nói sảng:
– Này chú nhỏ, cắt cho tớ cái áo này, may cho tớ cái quần này nhé! Nhanh tay lên không ăn bạt tai bây giờ! Ta đã từng có những chiến công hiển hách: chỉ một đòn mà giết được bảy, hạ sát hai tên khổng lồ, săn bắt được con kỳ lân, bẫy được lợn hung dữ. Những thứ đó ta còn trị được thì mấy thằng nhãi đang núp ngoài kia ăn thua gì.
Nghe tiếng nói tiếng nói từ trong buồng vọng ra bọn lính núp ở ngoài đâm ra hoảng sợ, chúng co cẳng chạy thục mạng cứ như bị cả một đàn cọp đang đuổi sát theo sau. Chẳng có tên nào còn hồn vía nghĩ tới việc hại chú thợ may.
Thế là chú thợ may giữ ngôi vua suốt đời.
21. Cô lọ lem
Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, vợ ông ta ốm nặng. Khi bà cảm thấy mình sắp gần đất xa trời, bà gọi người con gái duy nhất của mình lại bên giường và dặn dò:
– Con yêu dấu của mẹ, con phải chăm chỉ nết na nhé, mẹ sẽ luôn luôn ở bên con, phù hộ cho con.
Nói xong bà nhắm mắt qua đời. Ngày ngày cô bé đến bên mộ mẹ ngồi khóc. Cô chăm chỉ, nết na ai cũng yêu mến. Mùa đông tới, tuyết phủ đầy trên mộ người mẹ nom như một tấm khăn trắng. Và khi ánh nắng trời xuân cuốn đi chiếc khăn tuyết ấy, người bố lấy vợ hai.
Người dì ghẻ mang theo hai người con gái riêng của mình. Hai đứa này mặt mày tuy sáng sủa, kháu khỉnh nhưng bụng dạ lại xấu xa đen tối. Từ đó trở đi, cô bé mồ côi sống một cuộc đời khốn khổ.
Dì ghẻ cùng hai con riêng hùa nhau nói:
– Không thể để con ngan ngu ngốc kia ngồi lỳ trong nhà mãi thế được! Muốn ăn bánh phải kiếm lấy mà ăn. Ra ngay, con làm bếp!
Chúng lột sạch quần áo đẹp của cô, mặc vào cho cô bé một chiếc áo choàng cũ kỹ màu xám và đưa cho cô một đôi guốc mộc.
– Hãy nhìn cô công chúa đài các thay hình đổi dạng kìa!
Cả ba mẹ con reo lên nhạo báng và dẫn cô xuống bếp. Cô phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, tờ mờ sáng đã phải dậy, nào là đi lấy nước, nhóm bếp, thổi cơm, giặt giũ. Thế chưa đủ, hai đứa con dì ghẻ còn nghĩ mọi cách để hành hạ cô, hành hạ chán chúng chế giễu rồi đổ đậu Hà Lan lẫn với đậu biển xuống tro bắt cô ngồi nhặt riêng ra. Đến tối, sau một ngày làm lụng vất vả đã mệt lử, cô cũng không được nằm giường, mà phải nằm ngủ ngay trên đống tro cạnh bếp. Và vì lúc nào cô cũng ở bên tro bụi nên nom lem luốc, hai đứa con dì ghẻ gọi cô là “Lo Lem.”
Có lần đi chợ phiên, người cha hỏi hai con dì ghẻ muốn mua quà gì. Đứa thứ nhất nói:
– Quần áo đẹp.
Đứa thứ hai nói:
– Ngọc và đá quý.
Cha lại hỏi:
– Còn con, Lọ Lem, con muốn cái gì nào?
– Thưa cha, trên đường về, cành cây nào va vào mũ cha thì cha bẻ cho con.
Người cha mua về cho hai con dì ghẻ quần áo đẹp, ngọc trai và đá quý. Trên đường về, khi ông cưỡi ngựa đi qua một bụi cây xanh, có cành cây dẻ va vào người ông và làm lật mũ rơi xuống đất. Ông bẻ cành ấy mang về. Về tới nhà, ông chia quà cho hai con dì ghẻ những thứ chúng xin và đưa cho Lọ Lem cành hạt dẻ. Lọ Lem cám ơn cha, đến bên mộ mẹ, trồng cành dẻ bên mộ và ngồi khóc thảm thiết, nước mắt chảy xuống tưới ướt cành cây mới trồng. Cành nảy rễ, đâm chồi và chẳng bao lâu sau đã thành một cây cao to. Ngày nào Lọ Lem cũng ra viếng mộ mẹ ba lần, ngồi khóc khấn mẹ, và lần nào cũng có một con chim trắng bay tới đậu trên cành cây. Hễ Lọ Lem ngỏ ý mong ước xin gì thì chim liền thả những thứ ấy xuống cho cô.
Một hôm nhà vua mở hội ba ngày liền, và cho mời tất cả các hoa khôi trong nước tới dự để hoàng tử kén vợ.
Hai đứa con dì ghẻ nghe nói là mình cũng được mời tới dự thì mừng mừng rỡ rỡ, gọi Lọ Lem đến bảo:
– Mau chải đầu, đánh giày cho chúng tao, buộc dây giày cho chặt để chúng tao đi dự hội ở cung vua.
Lọ Lem làm xong những việc đó rồi ngồi khóc, vì cô cũng muốn đi nhảy. Cô xin dì ghẻ cho đi. Dì ghẻ nói:
– Đồ Lọ Lem, người toàn bụi với bẩn mà cũng đòi đi dự hội! Giày, quần áo không có mà cũng đòi đi nhảy.
Lọ Lem khẩn khoản xin thì dì ghẻ nói:
– Tao mới đổ một đấu đậu biển lẫn với tro, nếu mày nhặt trong hai tiếng đồng hồ mà xong thì cho mày đi.
Cô bé đi qua cửa sau, ra vườn gọi:
– Hỡi chim câu hiền lành, hỡi chim gáy, hỡi tất cả các chim trên trời, hãy bay lại đây nhặt giúp em:
Đậu ngon thì bỏ vào niêu,
Đậu xấu thì bỏ vào diều chim ơi.
Lập tức có đôi chim bồ câu trắng bay qua cửa sổ bếp sà xuống, tiếp theo là chim gáy, rồi tất cả chim trên trời đều sà xuống quanh đống tro. Chim câu gù gù rồi bắt đầu mổ lia lịa píc, píc, píc, nhặt những hạt tốt bỏ vào nồi. Chưa đầy một tiếng đồng hồ chim đã nhặt xong. Làm xong chim lại cất cánh bay đi. Cô gái mang đậu cho dì ghẻ, bụng mừng thầm tin rằng thế nào mình cũng được phép đi dự dạ hội.
Nhưng dì ghẻ bảo:
– Không được đi đâu cả. Lọ Lem! Mày làm gì có quần áo nhảy mà đi nhảy, người ta sẽ nhạo báng mày cho coi.
Khi thấy cô gái khóc, dì ghẻ bảo:
– Nếu mày nhặt hai đấu đậu biển khỏi tro trong một tiếng đồng hồ thì cho phép mày đi cùng.
Khi đó dì ghẻ nghĩ:
– Chắc chắn chẳng bao giờ nó nhặt xong.
Sau khi dì ghẻ đổ đậu lẫn trong đống tro, cô gái đi qua cửa sau ra vườn và lại gọi:
– Hỡi chim câu hiền lành, hỡi chim gáy, hỡi tất cả các chim trên trời, hãy bay lại đây nhặt giúp em:
Đậu ngon thì bỏ vào niêu,
Đậu xấu thì bỏ vào diều chim đi.
Lập tức có chim bồ câu trắng bay qua cửa sổ bếp sà xuống, tiếp theo là chim gáy, rồi tất cả chim trên trời đều sà xuống quanh đống tro. Chim câu gù gù rồi bắt đầu mổ lia lịa píc, píc, píc; rồi những chim khác cũng thay nhau mổ píc, píc, píc nhặt những hạt tốt bỏ vào nồi. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ chim đã nhặt xong và cất cánh bay đi. Rồi cô gái mang đậu cho dì ghẻ xem, bụng mừng thầm tin rằng lần này thế nào mình cũng được phép đi dự dạ hội. Nhưng dì ghẻ bảo:
– Tốn công vô ích con ạ! Mày không đi cùng được đâu, vì mày làm gì có quần áo nhảy mà đi nhảy. Chả nhẽ bắt chúng tao bẽ mặt vì mày hay sao?
Nói rồi mụ quay lưng, cùng hai đứa con kiêu ngạo vội vã ra đi.
Khi không còn một ai ở nhà, Lọ Lem ra mộ mẹ, đứng dưới gốc cây dẻ gọi:
Cây ơi, cây hãy rung đi,
Thả xuống áo bạc áo vàng cho em.
Chim thả xuống cho cô một bộ quần áo thêu vàng, thêu bạc và một đôi hài lụa thêu chỉ bạc. Cô vội mặc quần áo vào đi dự hội. Dì ghẻ và hai con gái không nhận được ra cô, cứ tưởng đó là nàng công chúa ở một nước xa lạ nào tới, vì cô mặc áo vàng trông đẹp quá. Mấy mẹ con không ngờ đó lại là Lọ Lem, đinh ninh là cô đang ở nhà và giờ này đang lúi húi nhặt đậu khỏi tro. Hoàng tử đi lại phía cô, cầm tay cô nhảy. Hoàng tử không muốn nhảy với ai nữa nên không chịu rời tay cô ra. Nếu có ai đến mời cô nhảy thì chàng nói:
– Đây là vũ nữ của tôi!
Đến tối cô muốn về nhà thì hoàng tử nói:
– Để tôi đi cùng, tôi muốn đưa cô về.
Chàng rất muốn biết cô thiếu nữ xinh đẹp này là con cái nhà ai. Gần đến nhà, cô gỡ tay hoàng tử ra và nhảy lên chuồng chim bồ câu. Hoàng tử chờ đợi mãi, khi người cha đến chàng kể với ông về việc cô gái lạ mặt đã nhảy vào chuồng bồ câu. Ông cụ nghĩ:
– Phải chăng đó là Lọ Lem?
Rồi cụ lấy rìu và câu liêm chẻ đôi chuồng bồ câu ra. Nhưng chẳng có ai ở trong đó cả. Khi họ về tới thì thấy Lọ Lem mặc quần áo nhem nhuốc đang nằm trên đống tro, bên ống khói lò sưởi có một ngọn đèn dầu cháy tù mù. Thì ra Lọ Lem đã nhảy nhanh như cắt từ chuồng bồ câu xuống, chạy lại phía cây dẻ cởi quần áo đẹp đẽ ra để trên mộ. Chim sà xuống tha những thứ đó đi. Rồi cô lại mặc chiếc áo choàng màu xám vào, nằm trên đống tro trong bếp như cũ.
Hôm sau, hội lại mở. Khi cha mẹ và hai em đi rồi. Lọ Lem lại đến gốc cây dẻ gọi:
Cây ơi, cây hãy rung đi,
Thả xuống áo bạc, áo vàng cho em.
Chim lại thả xuống cho em một bộ quần áo lộng lẫy hơn hôm trước. Cô mặc bộ quần áo ấy đi. Khi cô xuất hiện trong buổi dạ hội, cô đẹp rực rỡ làm mọi người ngẩn người ra ngắm. Hoàng tử đã đợi cô từ lâu liền cầm tay cô và chỉ nhảy với một mình cô thôi. Các người khác đến mời cô nhảy thì hoàng tử nói:
– Đây là vũ nữ của tôi!
Đến tối, cô xin về, hoàng tử đi theo xem nhà cô ở đâu. Đến nơi, cô vội lên hoàng tử chạy ra vườn sau nhà. Ở đó có một cây lê quả sai chi chít nom thật ngon lành. Cô trèo nhanh như sóc lẩn giữa các cành. Hoàng tử không biết cô trốn ở đâu, chàng đợi khi người cha đến thì nói:
– Cô gái lạ mặt đã chạy trốn. Ta đoán, có lẽ cô ấy nhảy lên cây lê rồi.
Người cha nghĩ:
– Phải chăng đó là Lọ Lem?
Ông cho mang rìu đến, đẵn cây xuống, nhưng chẳng thấy có ai trên cây. Khi cả nhà vào bếp thì thấy Lọ Lem nằm trên đống tro như mọi ngày. Thì ra cô đã nhảy từ phía bên kia cây xuống, đem trả quần áo đẹp cho chim trên cây dẻ và mặc chiếc áo choàng màu xám vào.
Đến ngày thứ ba, cha mẹ và các em vừa đi khỏi, Lọ Lem lại ra mộ mẹ và nói với cây:
Cây ơi, cây hãy rung đi,
Thả xuống áo bạc, áo vàng cho em.
Chim liền thả xuống một bộ quần áo đẹp chưa từng có và một đôi hài toàn bằng vàng. Với bộ quần áo ấy cô đến dạ hội, mọi người hết sức ngạc nhiên há hốc mồm ra nhìn. Hoàng tử chỉ nhảy với cô, có ai mời cô nhảy thì chàng nói:
– Đây là vũ nữ của tôi!
Khi trời tối, Lọ Lem muốn về. Hoàng tử định đưa về nhưng cô lẩn nhanh như chạch làm hoàng tử không theo kịp. Hoàng tử nghĩ ra một kế, chàng cho đổ nhựa thông lên thang, vì thế khi cô nhảy lên thang, chiếc giày bên trái bị dính lại. Hoàng tử cầm lên ngắm thì thấy chiếc hài nhỏ nhắn, xinh đẹp toàn bằng vàng.
Hôm sau hoàng tử mang hài đến tìm người cha và bảo:
– Ta chỉ lấy người đó làm vợ, người chân đi vừa chiếc hài này.
Hai cô con gái dì ghẻ mừng lắm, vì hai cô đều có đôi bàn chân đẹp. Cô cả mang giày vào buồng thử trước mặt mẹ. Nhưng cô không đút ngón chân cái vào được vì hài nhỏ quá.
Bà mẹ liền đưa cho cô một con dao và bảo:
– Cứ chặt phăng ngón cái đi. Khi con đã là hoàng hậu rồi thì cần gì phải đi bộ nữa.
Cô ta liền chặt đứt ngón chân cái, cố nhét chân vào hài rồi cắn răng chịu đau đến ra mắt hoàng tử. Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về. Dọc đường, hai người phải đi qua mộ, có đôi chim câu đậu trên cây dẻ hót lên:
Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Hoàng tử liếc nhìn xuống chân cô thấy máu vẫn còn đang chảy ra, chàng liền quay ngựa lại, đưa cô dâu giả về nhà trả lại cho cha mẹ cô và nói:
– Đây không phải là cô dâu thật.
Rồi chàng đưa hài cho cô em thử. Cô em vào buồng thử hài thì may sao các ngón đều lọt cả, nhưng phải cái gót lại to quá. Bà mẹ đưa cô một con dao và bảo:
– Cứ chặt phăng đi một miếng gót chân. Khi con đã là hoàng hậu thì chẳng bao giờ phải đi chân đất nữa.
Cô ta chặt một miếng gót chân, cô đút chân vào hài, cắn răng chịu đau, ra gặp hoàng tử.
Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về. Dọc đường, hai người phải đi qua mộ, có đôi chim câu đậu trên cây dẻ hót lên:
Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Hoàng tử nhìn xuống chân cô thấy máu vẫn còn đang chảy ra, chàng liền quay ngựa lại, đưa cô dâu giả về nhà trả lại cho cha mẹ cô và nói:
– Đây cũng không phải là cô dâu thật. Gia đình còn có con gái nào khác không?
Người cha đáp:
– Thưa hoàng tử không ạ. Người vợ cả của tôi khi qua đời có để lại một đứa con gái người xanh xao, nhem nhuốc. Thứ nó thì chả làm cô dâu được.
Hoàng tử bảo ông cứ gọi cô gái ấy ra. Dì ghẻ nói chen vào:
– Thưa hoàng tử, không thể thế được. Nó dơ bẩn lắm không thể cho nó ra mắt hoàng tử được.
Hoàng tử khăng khăng nhất định đòi gọi Lọ Lem lên kỳ được. Cô rửa mặt mũi tay chân, đến cúi chào hoàng tử. Hoàng tử đưa cho cô chiếc hài vàng. Cô ngồi lên ghế đẩu, rút bàn chân ra khỏi chiếc guốc nặng chình chịch, cho chân vào chiếc hài thì vừa như in. Khi cô đứng dậy, hoàng tử nhìn thấy mặt nhận ngay ra cô gái xinh đẹp đã nhảy với mình bèn reo lên:
– Cô dâu thật đây rồi!
Dì ghẻ và hai cô con gái mặt tái đi vì hoảng sợ và tức giận. Hoàng tử bế Lọ Lem lên ngựa đi. Khi hai người cưỡi ngựa qua cây dẻ, đôi chim câu hót:
Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc
Hài không có máu,
Chân vừa như in,
Đúng cô dâu thật,
Hoàng tử dẫn về.
Hót xong, đôi chim câu bay tới đậu trên hai vai Lọ Lem, con đậu bên trái, con đậu bên phải.
Khi đám cưới của hoàng tử được tổ chức thì hai cô chị cũng đến phỉnh nịnh để mong hưởng phú quý. Lúc đoàn đón dâu đến thì cô chị cả đi bên phải, cô em đi bên trái. Chim câu mổ mỗi cô mất một mắt. Sau đó khi họ trở về thì cô chị đi bên trái, cô em đi bên phải, chim câu lại mổ mỗi cô mất một mắt nữa. Cả hai chị em suốt đời mù lòa, vì bị trừng phạt do tội ác và giả dối.