85. Ngư phủ và con cá vàng

Ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng người đánh cá nghèo sống trong một túp lều nhỏ, việc đánh cá chỉ vừa đủ để vợ chồng sống qua ngày. Có lần người chồng quăng lưới, lúc kéo lưới lên thì thấy một con cá vàng. Người thuyền chài hết sức ngạc nhiên, mải ngắm nhìn cá, bỗng cá nói:
– Bác thuyền chài ơi, hãy thả tôi xuống nước, tôi sẽ biến túp lều của bác thành một lâu đài nguy nga tráng lệ.
Bác thuyền chài bảo:
– Lâu đài kia giúp ích gì khi ta chẳng có gì cho vào miệng?
Cá lại nói:
– Tất nhiên bác chẳng phải lo. Ở trong lâu đài có một cái tủ lớn, bác chỉ việc mở cửa tủ ra là thấy ngay đủ các món ăn ngon đựng sẵn trong các thố, bác muốn ăn bao nhiêu thì tùy ý.
Bác thuyền chài nói:
– Nếu thế thì ta sẵn lòng thả mi xuống nước.
Cá nói:
– Nhưng điều kiện đặt ra là bác không bao giờ được nói cho ai biết, tại sao bác lại có cơ ngơi ấy. Chỉ cần buột miệng nói ra là toàn bộ gia sản sẽ biến mất.
Bác thuyền chài thả cá xuống nước và đi về nhà. Trên mảnh đất cũ của túp lều hiện ra trước mắt bác giờ đây là một lâu đài nguy nga. Bác sững người đứng ngắm, khi bước vào lâu đài, bác thấy vợ ăn mặc đẹp đẽ gọn gàng ngồi trong một căn phòng tráng lệ. Người vợ nom mặt vẻ thỏa mãn hỏi chồng:
– Anh ơi, sao lại có chuyện như thế này nhỉ? Em thấy sướng quá!
Người chồng nói:
– Anh cũng thế. Nhưng anh đang đói cồn cào đây, lấy ra cho anh ăn đi.
Vợ bảo:
– Em chẳng có gì ăn cả. Ở trong lâu đài này em cũng chẳng biết kiếm ở đâu ra đồ ăn.
Người chồng nói:
– Có khó khăn gì đâu. Góc kia có cái tủ lớn, chỉ việc mở tủ ra mà lấy!
Vợ lại mở tủ thấy có đủ thứ, nào bánh ngọt, nào thịt, nào táo, nào rượu. Vợ tủm tỉm cười. Vui mừng vợ gọi chồng:
– Anh yêu, giờ anh thích thứ gì nào?
Rồi hai vợ chồng ngồi vào bàn cùng ăn uống. Ăn xong, vợ hỏi:

– Nhưng anh ơi, sự giàu sang này do đâu mà có nhỉ?
Chồng nói:
– Trời, hỏi làm chi, nếu anh nói ra thì vận may của chúng ta sẽ biến mất.
– Vâng, nếu như em không nên biết điều đó thì em cũng chẳng cần biết làm gì.
Nhưng rồi người vợ không sao ăn ngon ngủ yên, lúc nào cũng hỏi về chuyện đó làm cho người chồng đành phải kể, rằng mình đánh được một con cá vàng và thả nó xuống nước. Để trả ơn, nó đã cho lâu đài tráng lệ này. Người chồng vừa kể xong thì lâu đài cũng như chiếc tủ thức ăn biến mất. Hai vợ chồng lại đang ngồi trong túp lều tranh khi xưa.
Bác đánh cá đành phải trở lại cuộc sống của ngư dân, hàng ngày chèo thuyền đánh cá. May thay, lần này bác cũng kéo lưới lên được một con cá vàng. Cá nói:
– Nếu bác thả tôi xuống nước, tôi sẽ trả ơn bằng lâu đài tráng lệ và chiếc tủ đầy thức ăn. Nhưng nhớ đừng nói cho ai biết chuyện này, nếu không cả gia sản sẽ biến mất.
– Tôi sẽ không nói cho ai biết.
Bác đánh cá thả cá vàng xuống nước. Về nhà, bác thấy vợ với vẻ mặt mãn nguyện ngồi trong lâu đài tráng lệ. Tò mò làm cho người vợ không sao yên, chỉ mấy ngày sau là nàng lại hỏi về chuyện tại sao lại có lâu đài tráng lệ. Nàng lúc nào cũng chỉ hỏi về chuyện đó. Nàng hỏi nhiều tới mức người chồng nổi khùng kể ra bí mật kia. Người chồng vừa nói xong thì lâu đài cũng biến mất. Hai vợ chồng lại ngồi trong túp lều tranh khi xưa. Chồng bảo:
– Em đã thỏa mãn chưa. Giờ thì chỉ có ăn giẻ rách.
– Em không sao yên thân được, thà không có gia sản còn hơn là em không biết, những thứ đó từ đâu ra.
Bác đánh cá lại chèo thuyền đi đánh cá. Lần thứ ba bác lại kép lưới được con cá vàng. Cá nói:
– Thật là tôi không thoát khỏi tay bác. Hãy mang tôi về nhà và cắt thành sáu khúc, hai khúc bác nấu cho vợ ăn, hai khúc bác cho ngựa ăn, hai khúc còn lại chôn xuống đất, rồi bác sẽ được ban phước lành.
Bác đánh cá làm đúng như lời cá dặn. Một thời gian sau, từ chỗ chôn cá mọc lên hai cây bách hợp màu hoàng kim. Ngựa của bác sinh được hai chú ngựa con màu hoàng kim. Vợ bác sinh hạ hai người con trai màu hoàng kim.
Năm tháng trôi qua, hai đứa con trai giờ đã thành hai chàng trai khôi ngô tuấn tú. Ngựa con cũng đã trở thành ngựa chiến thuần thục. Hai người con nói:
– Thưa cha, chúng con muốn cưỡi ngựa đi chu du thiên hạ.
Người cha buồn nói:
– Cha cũng chẳng biết nói thế nào, nhưng làm sao cha biết được chuyện gì xảy ra với các con ở dọc đường?
Hai người con nói:
– Hai cây bách hợp ở đây, nếu cây xanh tốt tức là chúng con khỏe mạnh. Nếu cây héo có nghĩa là chúng con bị bệnh, nếu cây chết khô tức là chúng con đã chết.
Hai người con cưỡi ngựa lên đường. Họ tới một quán trọ dọc đường. Đám đông trong quán thấy hai chàng trai màu hoàng kim thì họ ồ lên cười chế nhạo. Một trong hai chàng trai khi nghe tiếng cười chế nhạo thì cảm thấy xấu hổ, chàng quay ngựa trở về gia đình. Chàng trai kia tiếp tục lên đường, chàng tới một cánh rừng lớn. Tới cửa rừng, chàng nghe tiếng người nói:
– Chớ có đi vào rừng. Ở trong đó có bọn cướp, chúng sẽ chẳng tha chết đâu, nhất là khi chúng nhìn thấy người ngựa đều màu vàng hoàng kim.
Chàng chẳng hề sợ hãi và nói:
– Tôi phải lên đường và đi qua cánh rừng này.
Chàng liền mặc bộ quần áo da gấu cho mình và cho ngựa. Khi chàng vào tới trong rừng thì chàng nghe tiếng nói với nhau:
– Có người cưỡi ngựa kìa.
– Hắn người da gấu nghèo xơ nghèo xác thì bắt giữ làm gì!
Chàng trai đi qua cánh rừng mà không hề mảy may gặp rủi ro gì.
Ngày kia chàng tới một làng. Chàng nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt thế giai nhân. Chàng liền phóng ngựa tới chỗ nàng, chàng nói:
– Tôi yêu say đắm nàng, nàng có thuận kết duyên vợ chồng không?
Thiếu nữ trong lòng cũng ưng thuận, nàng nói:
– Em có thể làm vợ anh và suốt đời chung thủy bên anh.
Hai người tổ chức cưới. Giữa lúc tiệc vui tưng bừng thì bố cô dâu về nhà, ông ngạc nhiên về đám cưới linh đình ở nhà mình. Ông hỏi: “Chú rể đâu rồi?.” Đám đông chỉ cho ông người mặc da gấu. Ông tức giận nói: “Không đời nào có chuyện người mặc da gấu lấy con gái ta.” Rồi ông định xông vào giết chú rể. Con gái lạy van xin. Đến khi ông đã bớt tức giận, nàng nói: “Đó là chàng trai mà con hết mực yêu thương.”
Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, ông đã dậy và ngó vào buồng con gái, xem có phải chồng cô là một tên ăn mày nghèo xác xơ hay không, nhưng hiện ra trước mắt ông là một chàng trai màu hoàng kim đang nằm ngủ. Bộ áo quần da gấu ở ngay chân giường. Ông quay trở về buồng mình và nghĩ: “Cũng may là mình kìm bớt tức giận, không làm những điều dại dột.”
Chàng trai nằm mơ, mình phi ngựa đi săn một con hươu. Sáng sớm hôm sau, chàng nói với vợ:
– Giờ anh muốn đi săn.
Người vợ cảm thấy sờ sợ, bảo chồng hãy ở nhà. Nàng nói:
– Anh có thể sẽ gặp rủi ro đấy.
– Anh muốn đi săn ngay bây giờ.
Chàng lên ngựa đi săn. Vào rừng chàng gặp một con hươu giống như chàng thấy trong giấc mơ hôm trước. Chàng rượt đuổi con hươu trong rừng suốt cả ngày. Lúc chàng ngẩng nhìn thì cũng là lúc hươu chạy biến mất vào trong bóng đêm. Chàng nhìn quanh quẩn thì thấy trước mặt mình là một căn nhà nhỏ, ở trong nhà có mụ phù thủy đang ngồi. Chàng bước tới gõ cửa. Một bà già bước ra hỏi:
– Giữa rừng sâu, trong đêm tối thế này, anh định làm gì thế?
– Bà có thấy con hươu chạy qua đây không?
– Con hươu thì tôi biết.
Con chó con sủa liên tục trong khi hai người nói. Chàng trai bực mình bảo:
– Quân bướng bỉnh, ngươi có im đi không, ta bắn chết bây giờ.
Bà già nói:
– Chà, lại tính bắn chết chó của ta.
Nói xong, bà hóa phép biến chàng trai thành tảng đá. Người vợ mong chờ chồng hoài, nàng nghĩ:
– Chắc là bị hại rồi nên mình mới thấy sờ sợ và lo âu thế này.
Người em trai ở nhà đang đứng cạnh hai cây bách hợp. Bỗng chàng thấy một cây héo khô. Chàng nói:
– Chắc là anh trai ta đã gặp nạn. Ta phải đi ngay cứu anh ấy.
Người cha nói:
– Con ở nhà. Nếu không có con thì cha biết xoay xở ra sao?
– Con phải đi cứu anh mới được.
Rồi chàng cưỡi ngựa lên đường. Chàng tới cánh rừng lớn kia, đến trước một căn nhà nhỏ có hòn đá ở trước cửa. Mụ phù thủy già bước ra và vẫy tay gọi chàng tới trước. Chàng đáp:
– Hãy biến anh ta trở lại thành người ngay không ta bắn chết bây giờ.
Mụ phù thủy đành phải xoa tay lên hòn đá. Ngay sau đó hiện ngay hình người từ hòn đá. Hai anh em mừng rỡ ôm hôn nhau, rồi cả hai lên ngựa ra khỏi rừng. Người anh trở về gặp vợ, người em trở về gặp cha. Người cha bảo:
– Cha biết, con đã giải thoát cho anh con, vì cây bách hợp tự nhiên lại xanh tươi.
Họ sống mãn nguyện và hạnh phúc bên nhau tới khi tóc bạc răng long.

86. Cáo và đàn ngỗng

Có lần cáo tới một cánh đồng cỏ non thì thấy một đàn ngỗng béo tròn đang nằm ở đấy. Lúc ấy cáo cười tủm và bảo:
– Thật là không hẹn mà nên. Ra bọn mày tụ họp quây quần cả ở đây, giờ tao chỉ còn việc ăn lần lượt từng đứa một, hết đứa này đến đứa khác.
Đàn ngỗng sợ nhớn nhác cả lên, kêu than thân trách phận, đứng cả dậy van xin tha chết. Cáo làm như không nghe thấy và nói:
– Làm gì có chuyện thương mà tha cho, bọn bay chết là chắc chắn.
Sau đó một con ngỗng lấy lại được bình tĩnh và nói:
– Nếu như chúng tôi những con ngỗng đáng thương đằng nào cũng phải chết giữa lúc tuổi xuân mơn mởn, xin ông rộng lòng thương cho một điều duy nhất: cho chúng tôi được cầu nguyện lần cuối, để có chết đi phần hồn cũng đỡ tội lỗi. Sau đó bọn tôi sẽ xếp hàng để ông có thể chọn những đứa béo nhất mà thịt.
Cáo nói:
– Được, tưởng gì chứ chỉ có thế thì được lắm. Bọn bay cứ cầu nguyện đi, tao đợi.
Thế là con ngỗng thứ nhất bắt đầu cất giọng cầu kinh, nó ê a dài ơi là dài, mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ là “quạc, quạc.” Con thứ hai sốt ruột, nó cũng “quạc, quạc” mà chẳng cần đợi con thứ nhất cầu kinh xong. Con thứ ba, thứ tư cũng tiếp ngay, rồi cả đàn cùng nhau kêu “quạc, quạc” dai dẳng mãi không thôi.
(Khi nào chúng cầu nguyện xong sẽ xin kể tiếp câu chuyện. Nhưng đến bây giờ chúng vẫn “quạc, quạc” cả đàn như vậy).

87. Người nghèo, người giàu

Ngày xửa ngày xưa, khi Chúa còn sống chung với con người ở dưới trần gian. Một hôm, Người chưa về tới nhà thì trời đã sập tối. Trong lúc mệt mỏi, Người đứng trước hai căn nhà đối diện nhau, một căn thì to và đẹp, còn căn kia nhỏ bé, xấu xí. Căn nhà to đẹp là của người giàu, còn căn nhỏ bé kia là của người nghèo. Người nghĩ: “Ta phải năn nỉ người giàu để ngủ qua đêm vậy!.”
Khi nghe tiếng gõ cửa, người giàu mở cửa sổ ra ngó và hỏi người lạ cần gì. Chúa đáp:
– Cho tôi xin ngủ qua đêm.
Người giàu liếc nhìn người lữ hành từ đầu tới chân. Vì Chúa ăn mặc giản dị và không có nhiều tiền rủng rẻng trong túi, người giàu lắc đầu nói:
– Nhà tôi chất đầy lương thực, nên không còn chỗ cho người ngủ nhờ. Nếu ai gõ cửa xin ngủ nhờ cũng cho thì tôi cũng chỉ còn cách chống gậy đi ăn xin. Đi tìm chỗ khác mà ngủ nhờ!
Người giàu đóng cửa sổ để mặc cho người lạ đứng ngoài. Chúa đành quay sang nhà đối diện. Vừa mới gõ cửa thì người nghèo đã kéo then mở cửa và mời người lữ hành vào nhà. Anh ta nói:
– Tối nay ở lại nhà tôi nhé. Trời tối đen như mực thế này thì làm sao đi tiếp được nữa.
Chúa cảm thấy nhẹ nhõm, hài lòng và bước vào nhà. Vợ chủ nhà đon đả ra chào khách và nói, ông cứ tự nhiên coi như ở nhà mình, vợ chồng tuy nghèo, nhưng sẵn lòng mời khách những gì có trong nhà. Rồi chủ nhà đặt nồi nấu khoai tây, vợ đi vắt sữa dê để cả chủ lẫn khách có sữa uống. Thức ăn dọn lên bàn, khách ngồi chung với chủ nhà ăn tối, tuy bữa ăn đạm bạc nhưng khách ăn rất ngon miệng, vì chủ nhà rất niềm nở với khách. Ăn xong, trước khi đi ngủ, vợ nói với chồng:
– Tối nay mình giành giường cho khách. Ta trải rơm nằm tạm đêm nay. Khách đi cả ngày nên chắc đã thấm mệt.
Chồng bảo:
– Anh thấy cũng nên hiếu khách như vậy.
Rồi chồng lại nói với khách, rằng khách tối nay có thể ngủ ở giường cho giãn xương giãn cốt. Khách nói không muốn như vậy mà chỉ muốn nằm ở ổ rơm. Hai vợ chồng chủ nhà không đồng ý. Cuối cùng khách đành nằm giường theo ý của chủ nhà, còn vợ chồng chủ nhà thì trải rơm ngủ. Hôm sau, chủ nhà dậy sớm nấu cho khách một bữa ăn sáng ngon miệng. Khách dậy lúc ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ. Cả chủ lẫn khách cùng ngồi ăn sáng. Ăn xong, khách định lên đường. Ra tới cửa thì khách quay lại nói:
– Ông bà thật tốt bụng, ông bà có được ba điều ước, tôi sẽ giúp ông bà thực hiện ba điều ước.
Chủ nhà nói:
– Tôi chỉ mong suốt đời được thanh thản, có nghĩa là hàng ngày đủ ăn, mạnh khỏe. Tôi cũng chẳng biết dùng điều ước thứ ba vào việc gì.
Khách nói:
– Ông muốn có một căn nhà mới không để thay cho túp lều này.
Chủ nhà đáp:
– Ối dào, lại được một căn nhà mới thì còn gì bằng!
Chúa ban phước cho vợ chồng chủ nhà, khi nhìn thấy họ ở trong căn nhà mới thì Chúa lên đường.
Sau khi ngủ cho đã mắt, người nhà giàu kia thức dậy nhìn ra ngoài qua cửa sổ thì thấy không còn túp lều, trước mắt ông là một căn nhà mới khang trang lợp ngói đỏ. Ông mở to mắt ngắm và gọi vợ lại nói:
– Bà thử nghĩ xem, đúng là chuyện lạ trên đời. Hôm qua chỉ là túp lều, qua đêm tới sáng đã là một căn nhà khang trang đẹp đẽ. Phải sang hỏi họ mới được!
Vợ người nhà giàu chạy sang gặng hỏi vợ chồng nhà nghèo sao lại được như vậy. Người chồng kể:
– Tối qua có một khách bộ hành tới xin ngủ qua đêm, lúc chia tay sáng nay, người khách ấy cho chúng tôi ba điều ước: sống thanh thản, hàng ngày đủ ăn và luôn luôn mạnh khỏe. Rồi còn cho chúng tôi căn nhà mới khang trang này thay cho túp lều cũ.
Vợ người nhà giàu chạy ngay về nhà và kể cho chồng nghe đầu đuôi câu chuyện. Người chồng bảo:
– Đúng là tôi đáng bị trừng phạt! Giá như mà biết trước nhỉ? Người khách ấy trước đó có tới cổng nhà mình xin ngủ qua đêm, thế mà mình lại từ chối.
Vợ khuyên:
– Nhanh chân lên nào, lên ngựa chắc còn đuổi kịp người khách lạ ấy để xin ba điều ước!
Người nhà giàu vội lên ngựa và đuổi theo kịp người khách lạ. Ông ta ăn nói dịu dàng, rằng ông rất lấy làm tiếc là khi tìm được chìa khóa để mở cổng thì không thấy khách đâu nữa. Ông xin mời khách khi quay trở lại thì ngủ ở nhà mình. Người khách lạ nói:
– Khi nào quay trở lại, tôi sẽ ngủ ở nhà ông.
Người nhà giàu hỏi liệu mình có được ba điều ước như người hàng xóm không. Người khách lạ nói chắc chắn là được, nhưng tốt nhất là đừng có ước một cái gì cả. Người nhà giàu nghĩ bụng, mình phải suy tính xem cái gì mang lại giàu có và mong nó biến thành hiện thực. Giữa lúc đó người khách lạ nói:
– Cứ lên ngựa về nhà, những điều ước sẽ trở thành hiện thực.
Giờ đây người giàu có được ba điều ước, anh phi ngựa về nhà, trên đường về trong lúc anh mải suy nghĩ nên ước những gì nên nới lỏng dây cương. Vì thế con ngựa thỉnh thoảng nhảy chồm chồm làm cho anh ta không sao nghĩ được những gì mình muốn ước, anh lấy tay vỗ lưng ngựa và bảo: “Liese, ngoan nào!.” Chàng vừa nói xong thì ngựa lại nhảy chồm chồm. Bực mình, chàng buộc miệng nói:
– Ta mong ngươi ngã gãy cổ.
Lập tức ngựa lăn ra đất và chết thẳng cẳng. Và như thế là điều ước thứ nhất đã được thực hiện. Vốn tính keo kiệt, anh lấy dao cắt yên khỏi ngựa và đeo yên ngựa vào lưng và đi bộ. Anh tự an ủi mình:
– Mình cũng còn hai điều ước nữa!
Trời nắng chang chang lại đi trên cát nóng, lại bị yên ngựa tì nặng trên lưng nên chàng nghĩ vẩn vơ:
– Ước gì mình có nhiều châu báu đến mức có thể trang hoàng nhà mình theo ý muốn.
Rồi chàng lại nghĩ:
– Giá mình là một nông dân vùng Bayer có ba điều ước, thì mình ước sao có bia uống cho đỡ khát, ước uống bao nhiêu cũng có và ước sao lại có sẵn một thùng dự trữ.
Rồi bất chợt chàng nghĩ tới người vợ đang ngồi ăn một mình ở nhà trong khi chàng đang đi dưới trời nắng nóng, chẳng còn suy tính gì, chàng buột miệng nói:
– Ước gì cô ta cứ phải ngồi trên chiếc yên ngựa và thế là mình thoát được cảnh phải đeo chiếc yên ngựa trên lưng!
Vừa nói xong thì chiếc yên ngựa biến mất và ngay lúc ấy chàng biết là điều ước thứ hai đã được thực hiện. Chàng tiếp tục đi dưới trời nắng chang chang, trong lòng chàng chỉ mong sao mau về tới nhà để ngồi nghĩ điều ước thứ ba. Tới nhà, chàng mở cửa thì thấy vợ ngồi như dính chặt vào yên ngựa, mồm thì càu nhàu ta thán. Chàng nói:
– Cứ yên tâm đi, cứ ngồi yên đó, anh sẽ ước chúng ta giàu nứt đố đổ vách.
Vợ bực mình la mắng và bảo chồng là đồ dê đực, rồi nói:
– Giàu có cũng chẳng giúp ích gì khi cứ phải ngồi dính chặt trên yên ngựa như thế này. Anh đã ước để tôi ngồi thế này thì giờ phải tìm cách đỡ tôi ra khỏi cảnh ngồi này!
Chẳng còn cách nào khác là phải nói điều ước thứ ba. Khi chàng vừa nói xong, thì vợ bước được ra khỏi yên ngựa. Và như thế là điều ước thứ ba đã được thực hiện. Chẳng được gì ngoài bực tức, mệt nhọc, ngựa chết. Người nghèo kia sống trong sung túc, an bình tới khi khuất núi.

88. Chim sơn ca nhảy nhót, hót véo von

Ngày xửa ngày xưa, có một người cha có ba cô con gái, trước khi đi xa, ông hỏi các con muốn ông mang về những món quà gì. Cô cả muốn lấy ngọc, cô hai muốn kim cương, còn cô út thì lại muốn một con chim sơn ca hay nhảy nhót, hót véo von. Người cha ưng thuận hôn ba con và lên đường.
Đã đến ngày trở về nhà, nhưng ông chỉ mới mua được ngọc và kim cương cho hai con gái lớn, còn chim sơn ca hay nhảy nhót, hót véo von, ông đã tìm khắp các vùng mà chẳng thấy. Ông rất buồn về chuyện ấy, vì cô út là con cưng nhất của ông – giàu con út, khó con út mà lại. Trên đường về ông đi qua một khu rừng, giữa rừng là một lâu đài tráng lệ. Cạnh lâu đài là một cây cổ thụ, tít trên ngọn cây, ông thấy một con chim sơn ca đang nhảy nhót, hót véo von.
Mừng quá, ông kêu lên:
– Chà chú mày đến thật đúng lúc.
Ông gọi ngay đầy tớ, bảo trèo lên bắt chim. Nhưng khi ông vừa bước tới gần thì bỗng có một con sư tử nhảy chồm từ trong hốc cây ra, dướn rung toàn thân và gầm rống lên làm cho cây cỏ lào xào cành lá.
Sư tử la lớn:
– Đứa nào ăn trộm chim sơn ca nhảy nhót, hót véo von của ta, ta sẽ xé xác, nuốt tươi.
Người cha kể lại ước muốn của cô út và nói:
– Thực tình tôi không biết đó là chim của ông, ông cho phép tôi được chuộc tội bằng vàng khối. Chỉ xin ông tha chết cho tôi.
Sư tử nói:
– Chẳng gì có thể cứu được ngươi ngoài lời hứa, về nhà gặp cái gì trước tiên phải cho ta cái đó làm của riêng. Nếu ưng chịu thì không những ta tha chết cho ngươi, mà còn tặng thêm cho con chim đang đậu trên ngọn cây để ngươi đem về làm quà cho cô con gái.
Người đàn ông từ chối và nói:
– Biết đâu đó chính lại là cô con gái út của tôi thì sao! Cháu quí tôi nhất nhà, mỗi lần tôi đi đâu về bao giờ cháu cũng chạy ra đón tôi đầu tiên.
Người đầy tớ sợ bảo:
– Cứ gì cô út nhỡ ra vật đầu tiên là chó hay mèo thì sao.
Nghe cũng có lý, người cha đồng ý nhận chim sơn ca nhảy nhót, hót véo von, và hứa sẽ về nhà gặp gì trước tiên sẽ cho sư tử làm của riêng.
Về tới nhà, cái ông gặp đầu tiên chẳng phải là chó mèo mà lại chính là cô con gái út cưng nhất của ông chạy ra đón cha.
Thấy vậy ông òa lên khóc và nói:
– Con cưng của cha, cha mua cho con con chim nhỏ bằng giá quá đắt. Để có chim cha phải hứa đem con cho một con sư tử. Nó mà được con chắc nó sẽ xé xác con ra ăn thịt.
Rồi ông kể cho con nghe hết đầu đuôi câu chuyện, bảo con chớ có đi, thôi thì cũng đành liều để chuyện muốn đến đâu thì đến. Cô con gái an ủi bố và nói:
– Cha kính yêu của con, cái gì cha đã hứa thì phải làm. Con sẽ đi đến đó và làm cho sư tử tính tình dịu bớt đi. Sau đó con sẽ trở về thăm cha, không can gì đâu.
Sáng hôm sau, cô hỏi đường, từ biệt cha, ung dung đi vào trong rừng.
Thực ra con sư tử chính là một hoàng tử bị phù phép, ban ngày cùng với kẻ hầu người hạ đều là sư tử cả. Đến đêm tất cả lại hiện nguyên hình người. Tới nơi hẹn cô gái được tiếp đón rất niềm nở và đưa vào trong cung điện. Khi bóng đêm phủ xuống, sư tử hiện thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Lễ cưới tổ chức linh đình. Hai vợ chồng sống với nhau rất vui vẻ, đêm thức, ngày ngủ.
Một hôm chàng trai bảo:
– Ngày mai ở nhà em có lễ cưới đấy. Chị cả lấy chồng. Nếu em thích đi thì để bảo bầy sư tử đưa đi.
Nàng thưa vâng, vì cũng muốn về gặp lại cha. Nàng lên đường, bầy sư tử đi theo hộ vệ.
Thấy nàng về ai cũng mừng, vì tất cả mọi người cứ đinh ninh là nàng bị sư tử xé xác ăn thịt từ lâu rồi. Nàng kể chuyện rằng mình có một người chồng đẹp trai, hai vợ chồng sống hạnh phúc. Nàng ở lại nhà suốt thời gian cưới xin, sau đó nàng lại trở về rừng.
Khi người chị thứ hai lấy chồng, nàng được mời về dự lễ cưới, nàng nói với sư tử:
– Lần này em không muốn đi một mình. Chàng phải đi cùng em.
Nhưng sư tử nói như thế rất nguy hiểm cho mình, vì chỉ cần bị ánh sáng lửa đang cháy chiếu vào người thì chàng sẽ bị biến thành chim bồ câu và phải bay suốt bảy năm trời ròng rã.
Nàng bảo:
– Chàng cứ đi với em. Em sẽ nhất quyết giữ cho chàng không để cho bất kỳ ánh sáng nào chiếu vào người.
Thế là hai vợ chồng cùng về và mang theo cả con chó. Tới nơi nàng cho làm một cái buồng tường rất dày và chắc chắn để cho ánh sáng không lọt qua được. Khi nào đèn nến đám cưới thắp lên thì chàng phải ngồi ở trong căn buồng đó. Nhưng cửa lại làm bằng gỗ tương, thời tiết thay đổi gỗ bị nứt ra một kẽ nhỏ xíu, không ai hề hay biết.
Đám cưới được tổ chức linh đình. Khi đón dâu từ nhà thờ về, đuốc và nến thắp sáng trưng cả đường đi lối lại. Khi đoàn người đi qua phòng, có một tia sáng nhỏ như sợi tóc lọt qua kẽ nứt chiếu vào người hoàng tử. Trong nháy mắt hoàng tử đã biến hình. Lúc vợ vào buồng tìm chồng thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy một con chim bồ câu trắng. Chim bảo nàng:
– Thế là anh phải bay đi khắp bốn phương trời bảy năm. Cứ bảy bước sẽ có một giọt máu đào và một chiếc lông trắng rơi xuống đất. Nếu em cứ thế lần theo thì chính em có thể giải thoát được cho anh.
Nói rồi bồ câu bay ra cửa. Nàng đi theo vết chim: cứ bảy bước lại có một giọt máu đào và một chiếc lông trắng muốt rơi xuống chỉ đường chim bay.
Cứ theo vết chim bay nàng đi, khắp chân trời góc bể, đi hoài đi mãi, đi không hề ngoái cổ nhìn quanh, không dừng chân nghỉ bước.
Bảy năm trời rồi cũng sắp qua. Nàng lấy làm mừng, nghĩ bụng cả hai sắp được giải thoát. Nhưng những ngày tháng mong đợi sao nó dài thế, có lần tự nhiên nàng không thấy lông mà cũng chẳng thấy máu đào rơi xuống nữa. Khi nàng ngẩng lên nhìn thì bồ câu đã biến mất. Nàng nghĩ, chắc trong thiên hạ không ai cứu giúp được mình. Nàng liền lên hỏi mặt trời:
– Mặt trời ơi, tia sáng mặt trời chiếu tới được các ngóc ngách, nhiều khắp trên các đỉnh núi cao, vậy mặt trời có nhìn thấy con bồ câu trắng nào bay qua không?
Mặt trời đáp:
– Không nàng ạ. Ta chẳng nhìn thấy một con bồ câu nào cả. Nhưng để ta tặng nàng một cái hộp nhỏ, khi nào cùng quẫn hãy mở hộp ra.
Nàng cảm tạ mặt trời và tiếp tục lên đường. Tối đến lúc nào nàng cũng không hay, ngẩng mặt thì thấy trăng đã lên, nàng hỏi mặt trăng:
– Trăng ơi, ánh trăng tỏ sáng suốt đêm, ánh trăng chiếu sáng khắp núi rừng đồng ruộng, thế trăng có thấy con chim bồ câu trắng nào bay qua không?
Trăng đáp:
– Không nàng ạ. Ta chẳng thấy chim bồ câu nào cả. Nhưng để rồi ta tặng nàng một quả trứng. Khi nào cùng quẫn hãy đập ra.
Nàng cảm tạ mặt trăng và tiếp tục lên đường. Gió đêm thổi táp mặt nàng, nàng liền hỏi gió:
– Gió ơi, gió thổi qua khắp mọi nơi, gió thổi qua từng ngọn cây, kẽ lá, gió có thấy con chim bồ câu trắng nào không?
Gió đêm đáp:
– Không nàng ạ, ta chẳng thấy con chim bồ câu trắng nào cả. Nhưng để ta hỏi ba ngọn gió khác, may ra chúng có thấy chăng.
Gió đông và gió tây nói không nhìn thấy. Nhưng gió nam lại nói:
– Ta có nhìn thấy chim bồ câu trắng bay về biển Hồng Hải. Vì hạn bảy năm đã hết nên nó lại biến thành sư tử. Sư tử hiện đang đánh nhau với một con rồng ở đó, mà con rồng lại là một nàng công chúa bị phù phép.
Gió đêm bèn bảo nàng:
– Ta khuyên nàng nên tới Hồng Hải. Ở bờ bên phải có rất nhiều cây sậy cao to. Đến bụi sậy, đếm đến cây thứ mười một thì cắt. Dùng cây sậy ấy giúp sức sư tử đánh rồng, sư tử sẽ thắng rồng và cả hai con vật ấy lại hiện nguyên hình thành người. Sau đó nàng nhìn quay lại, nàng sẽ nhìn thấy một con chim ưng nằm bên bờ Hồng Hải. Nàng hãy cùng người yêu nhảy lên lưng nó. Chim ưng sẽ đưa cả hai vượt biển về nhà. Đây ta cho nàng một hạt dẻ. Tới giữa bể nàng ném hạt dẻ xuống, hạt nảy mầm ngay và một cây dẻ cổ thụ mọc từ dưới nước lên. Chim sẽ đậu trên ngọn cây để nghỉ, vì chim không đủ sức bay một mạch vào đất liền. Nếu nàng quên vứt hạt dẻ xuống biển thì chim không có chỗ dừng chân nghỉ, nó sẽ thả cả hai vợ chồng rơi xuống biển.
Tới Hồng Hải nàng thấy mọi việc xảy ra đúng như lời gió đêm nói. Nàng đến bên bụi sậy, đếm đến cây sậy thứ mười một thì cắt. Nàng vung sậy lên đánh rồng. Sư tử xông tới nữa, quả thật rồng thua. Lập tức cả sư tử lẫn rồng đều hiện nguyên hình thành người.
Công chúa bị phù phép thành rồng được giải thoát lại hiện nguyên hình thành người, liền nắm ngay tay hoàng tử kéo lên cưỡi chim ưng bay mất.
Cô gái đáng thương bị bỏ rơi, nàng chỉ còn biết ngồi khóc.
Mãi sau nàng mới lấy lại được can đảm và lẩm bẩm:
– Gió thổi xa tới đâu, ta đi tới đó, chừng nào gà còn gáy, ta còn đi. Ta quyết chí tìm cho được chàng mới thôi.
Nàng lại tiếp tục lên đường. Đi hoài, đi mãi, cuối cùng nàng tới được lâu đài là nơi hoàng tử và công chúa ở. Nàng nghe nói hình như hai người sắp tổ chức lễ cưới. Nàng nói:
– Lạy trời giúp con nữa!
Nàng mở chiếc hộp mà mặt trời đã cho thì thấy trong hộp có một chiếc áo sáng lóng lánh như ánh mặt trời vậy. Nàng lấy áo ra mặc và đi vào lâu đài. Tất cả mọi người đứng đó, kể cả cô dâu đều trố mắt ra nhìn. Cô dâu ưng chiếc áo quá, nghĩ bụng, giá đó là chiếc áo cưới của mình thì hay biết bao, công chúa hỏi nàng có bán áo không. Nàng trả lời:
– Tiền của tôi không cần, nhưng đổi lấy gì bằng xương bằng thịt thì đổi.
Cô dâu hỏi nàng, như thế có nghĩa là thế nào. Lúc đó nàng nói:
– Tôi xin ở một đêm trong phòng chú rể.
Thực lòng thì cô dâu không muốn vậy, nhưng vì lại muốn có áo đẹp nên cuối cùng cũng ưng thuận. Cô dâu dặn người hầu cận lén cho hoàng tử uống một liều thuốc ngủ.
Đêm đã khuya, khi chàng trai trẻ kia ngủ đã say nàng mới được dẫn vào phòng. Ngồi bên giường nàng kể:
– Bảy năm nay em luôn luôn theo dấu chân chàng. Em đi tìm mặt trời, mặt trăng và gió bốn phương để hỏi tin chàng và đã giúp chàng đánh thắng con rồng. Phải chăng chàng đã hoàn toàn quên em?
Nhưng hoàng tử ngủ say mê mệt, chỉ cảm thấy như có tiếng gió rì rào đung đưa cành lá những cây thông cao vút ngoài trời.
Khi trời mới hửng sáng người ta dẫn nàng ra khỏi phòng và nàng phải đưa chiếc áo vàng. Mất công vô ích, lòng buồn rầu nàng ra cánh đồng ngồi khóc nức nở. Đang ngồi khóc chợt nàng nhớ đến quả trứng của mặt trăng cho. Nàng đập trứng, một con gà mái mẹ và mười hai con gà con bằng vàng chui ra, lũ gà con chạy lăng xăng đó đây, kêu chiếp chiếp, rồi lại rúc vào cánh mẹ, có lẽ trên đời này không có gì nom đẹp mắt bằng cảnh gà mẹ gà con. Nàng đứng dậy, xua đàn gà đi trên cánh đồng cỏ, một lúc lâu sau công chúa đứng bên cửa sổ nhìn thấy. Đám gà con nom thật dễ thương, công chúa thích quá, liền xuống hỏi mua. Cô gái trả lời:
– Tiền của tôi không cần, nhưng đổi lấy gì bằng xương bằng thịt thì đổi. Tôi xin ở một đêm nữa trong phòng chú rể.
Cô dâu bằng lòng và lại muốn đánh lừa như tối hôm trước. Nhưng đêm nay, trước khi lên giường đi ngủ hoàng tử hỏi người hầu rằng tiếng thì thầm và rì rào đêm trước là cái gì. Lúc đó người hầu kể rằng hắn phải cho chàng uống thuốc ngủ vì sẽ có một cô gái đáng thương lẻn vào ngủ trong phòng, và đêm nay hắn cũng phải cho chàng uốn một liều thuốc ngủ nữa. Hoàng tử dặn hắn:
– Đêm nay ngươi hãy đổ liều thuốc ngủ xuống bên giường ta.
Đêm đến, nàng lại được dẫn vào phòng. Nàng vừa mới bắt đầu kể lại cuộc tình duyên đau khổ của mình thì chàng nhận ngay ra giọng nói người vợ hiền của mình. Chàng nhổm ngay dậy kêu lên:
– Bây giờ anh mới thật sự được giải thoát, anh đã sống như trong mơ vì anh đã bị một công chúa xa lạ phù phép để anh lãng quên nàng. Thật là trời có mắt, đã giúp anh qua khỏi cơn mộng mị thật đúng lúc.
Thế rồi ngay đêm ấy chàng và nàng lén ra khỏi lâu đài vì họ sợ phép phù thủy của cô công chúa xa lạ kia. Hai người cưỡi chim ưng thần, chim đưa hai người vượt bể Hồng Hải, tới giữa biển khơi nàng thả hạt dẻ xuống biển, ngay sau đó mọc lên một cây dẻ khổng lồ trên mặt biển. Chim đậu ngay trên ngọn cây nghỉ. Rồi chim đưa họ về nhà, họ gặp lại con, đứa con bây giờ đã là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Từ đó họ sống sung sướng bên nhau tới khi tóc bạc răng long.

89. Cô gái chăn ngỗng

Ngày xưa có bà hoàng hậu tuổi đã cao, chồng mất sớm. Bà có một cô con gái rất xinh đẹp. Khi công chúa lớn lên, nàng được mẹ hứa gả cho một hoàng tử ở một đất nước rất xa xôi. Thấm thoắt đã đến ngày kết hôn, công chúa phải lên đường tới vương quốc xa lạ. Hoàng hậu cho nàng rất nhiều đồ dùng, đồ trang sức quí giá bằng vàng, bằng bạc, ngọc… làm của hồi môn mà một công chúa phải có, vì hoàng hậu rất thương yêu con. Hoàng hậu còn cho một thị nữ đi cùng để giao cô dâu đến tận tay chú rể. Mỗi người cưỡi một con ngựa, con ngựa công chúa cưỡi tên là Phalađa, nó biết nói.
Tới giờ phút chia tay, hoàng hậu cầm một con dao nhỏ tới phòng ngủ của mình, dùng dao cứa ngón tay của mình cho máu chảy ra ba giọt, rơi xuống một mảnh vải trắng, sau đó bà giao mảnh vải trắng cho con và dặn dò:
– Con thân yêu, hãy giữ gìn cẩn thận cái khăn này, trên đường đi nó sẽ giúp ích cho con!
Hai mẹ con buồn bã chia tay nhau. Công chúa dắt mảnh vải trắng ở ngực, lên ngựa để phi tới đất nước của người chồng chưa cưới.
Sau khi đi được khoảng một tiếng, công chúa cảm thấy nóng nực, khát nước, bèn bảo thị nữ:
– Em xuống ngựa, mang chiếc cốc vàng của ta ra suối múc ít nước lên đây. Ta muốn uống một chút!
Thị nữ nói:
– Nếu cô khát thì tự mình đi xuống mà uống. Tôi không phải người hầu của cô!
Công chúa khát quá nên đành phải tự xuống ngựa để tới bên bờ suối, nàng đành phải cúi xuống để uống. Nàng kêu lên:
– Ôi! Trời ơi!
Khi đó ba giọt máu trả lời:
– Nếu mẹ nàng biết được việc này thì hẳn lòng bà tan nát lắm!
Nhưng nàng công chúa đó có trái tim kiên nhẫn, nàng chẳng nói năng gì, lại lên ngựa. Họ đi được mấy dặm đường dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt thì nàng lại khát nước. Khi hai người tới bờ một con sông, nàng lại gọi thị nữ:
– Em hãy xuống ngựa, dùng chiếc cốc vàng lấy cho ta một chút nước uống!
Nàng nói như vậy, vì đã quên những lời độc địa của nàng hầu.
Nhưng ả thị nữ càng ngạo mạn vô lễ hơn, nói:
– Cô muốn uống thì tự đi mà uống. Tôi đâu phải là người hầu của cô!
Công chúa khát quá nên lại phải xuống ngựa, cúi xuống dòng sông nước chảy, vừa khóc, vừa kêu lên:
– Ôi! Trời ơi!
Ba giọt máu nghe thấy thế, liền nói:
– Việc này, nếu mẹ nàng biết, lòng bà sẽ tan nát lắm!
Nàng cúi sát xuống dòng sông đang chảy mà uống nước, trong lòng vô cùng sợ hãi. Mảnh vải trắng có thấm ba giọt máu từ trong ngực nàng tuột ra, rơi xuống nước, trôi đi mà nàng chẳng biết. Nhưng ả thị nữ thì nhìn thấy và rất mừng về điều đó, vì ả càng có thể sai khiến công chúa nhiều hơn. Công chúa mất đi ba giọt máu ấy thì càng trở nên bất lực, yếu ớt. Khi công chúa lại định cưỡi lên con ngựa có tên là Phalada thì ả thị nữ bảo:
– Tôi cưỡi Phalada, con ngựa già là của cô!
Công chúa chỉ còn cách nhẫn chịu làm như vậy. Sau đó, ả thị nữ lại thô bạo ra lệnh cho nàng phải cởi bộ trang phục công chúa của nàng ra, mặc bộ quần áo cũ kỹ của ả vào và buộc nàng phải thề rằng: khi tới hoàng cung, nàng không được nói với bất cứ ai về việc này. Nếu nàng không chịu thề như vậy, thì nàng sẽ bị ả giết chết ngay lập tức. Phalada đã nhìn thấy và nghe tất cả. Sau đó, ả thị nữ cưỡi Phalada, còn cô dâu thật thì lại cưỡi con ngựa tồi. Hai người cứ như vậy đi cũng tới được hoàng cung. Mọi người vui mừng khi họ tới nơi. Hoàng tử chạy ra đón họ, đỡ ả thị nữ xuống ngựa, vì chàng cứ tưởng đó là vợ chưa cưới của mình. Ả thị nữ được đón vào đại sảnh, còn cô dâu thật phải đứng ở ngoài. Vua cha đứng bên cửa sổ nhìn ra thấy cô gái đứng dưới sân đẹp, duyên dáng dễ mến. Nhà vua ra đại sảnh hỏi cô gái, người đi cùng với cô là ai mà lại đứng ở ngoài sân.
– Dọc đường con đã thu nạp cô ta để đi cùng. Xin cha cứ giao cho cô giúp việc ấy một việc gì đó.
Nhà vua cũng chẳng có việc gì để giao cho cô. Nhà vua bảo:
– Để cô ta giúp người chăn ngỗng vậy, người đó tên là Kũrdchen (bánh xe con).
Cô dâu thật đành phải đi phụ giúp người chăn ngỗng. Ngay sau đó, cô dâu giả nói với hoàng tử:
– Chàng yêu quý của em, chàmg làm giúp em việc này nhé!
Hoàng tử đáp:
– Anh sẵn lòng làm ngay!
– Chàng hãy cho đồ tể tới giết con ngựa mà em cưỡi, dọc đường nó làm em hết sức bực tức.
Thực ra cô ta sợ con ngựa sẽ nói hết những điều đã xảy ra với công chúa. Ngựa Fallada trung thành bị giết chết. Tin ấy tới tai công chúa. Công chúa hứa cho người đồ tể một đồng vàng nếu anh ta làm giúp một việc. Cổng thành phố rất lớn, nhưng lại tối om. Sáng và chiều hàng ngày công chúa đều lùa đàn ngỗng đi qua. Đồ tể chỉ cần treo đầu ngựa ở cổng thành để công chúa thường xuyên nhìn thấy.
Đồ tể hứa sẽ chặt đầu ngựa treo lên cổng thành.
Một sáng tinh mơ, công chúa và Kũdchen lùa đàn ngỗng đi qua cổng thành, công chúa nói với đầu ngựa:
– Ôi, Phalada, mi bị treo ở đây!
Đầu ngựa trả lời:
– Ô, thưa công chúa, nàng phải chăn ngỗng ư.
Nếu hoàng hậu biết chuyện này, bà sẽ đau lòng lắm nhỉ.
Công chúa lặng lẽ qua cổng thành, hai người lùa đàn ngỗng ra cánh đồng. Tới nơi, công chúa ngồi xuống, rũ mái tóc ra. Tóc nàng vàng óng như vàng ròng. Kũdchen nhìn mái tóc vàng óng thì muốn nhổ vài sợi. Công chúa nói:
– Gió ơi, thổi mạnh lên đi,
cuốn theo chiếc mũ của Kũdchen.
Để ta chải và bện tóc,
Cho tóc trở nên gọn gàng.
Nàng vừa nói xong thì một cơn gió mạnh thổi mũ của Kũdchen bay trên cánh đồng làm Kũdchen phải chạy theo. Tới khi Kũdchen quay trở lại thì công chúa đã bện xong tóc. Anh ta không lấy được sợi tóc nào. Kũdchen bực mình không thèm nói chuyện với công chúa. Cả hai im lặng chăn ngỗng cho tới khi trời tối thì lùa chúng về nhà.
Sáng sớm ngày hôm sau, họ vẫn lùa đàn ngỗng đi qua cổng thành. Công chúa nói:
– Ôi, Phalada, mi bị treo ở đây!
Phalada trả lời:
– Ô, thưa công chúa, nàng phải chăn ngỗng ư,
Nếu hoàng hậu biết chuyện này, bà sẽ đau lòng lắm nhỉ.
Ra tới cánh đồng, công chúa ngồi xuống chải tóc. Kũrdchen chạy lại tính nắm lấy tóc, công chúa nói:
– Gió ơi, thổi mạnh lên đi,
cuốn theo chiếc mũ của Kũdchen.
Để ta chải và bện tóc,
Cho tóc trở nên gọn gàng.
Bỗng gió nổi lên, cuốn theo chiếc mũ của Kũrdchen, làm anh ta phải chạy theo. Tới khi Kũdchen quay trở lại thì công chúa đã bện xong tóc. Kũrdchen không lấy được một sợi tóc nào. Kũrdchen bực mình không thèm nói chuyện với công chúa. Họ im lặng chăn ngỗng cho tới khi trời tối.
Khi cả hai về tới nhà, Kũrdchen tới nói với nhà vua:
– Con không muốn đi chăn ngỗng cùng với cô gái ấy nữa.
Nhà vua hỏi:
– Tại sao lại như vậy?
– Tại cô ta làm con bực mình suốt cả ngày.
Vua bảo Kũrdchen kể cho biết lý do tại sao. Kũrdchen nói:
– Sáng nào cũng vậy, khi chúng con lùa đàn ngỗng đi qua cổng thành có treo cái đầu ngựa thì cô gái lại nói:
– Ôi, Phalada, mi bị treo ở đây!
Đầu ngựa trả lời:
– Ô thưa công chúa, nàng phải chăn ngỗng ư,
Nếu hoàng hậu biết chuyện này, bà sẽ đau lòng lắm nhỉ.
Rồi Kũrdchen kể tiếp chuyện trên bãi cỏ chăn ngỗng và cả chuyện gió cuốn đi chiếc mũ làm chàng phải chạy theo.
Nhà vua ra lệnh, Kũrdchen ngày mai vẫn phải đi chăn ngỗng. Còn chính nhà vua sẽ nấp sau cổng thành để nghe xem cô gái nói những gì với đầu ngựa Phalada. Rồi sau đó nhà vua cũng ra cánh đồng cỏ ẩn ở trong một bụi gai. Lúc này, nhà vua tận mắt thấy cô gái và Kũrdchen chăn ngỗng như thế nào. Một lúc sau thì nhà vua thấy cô gái ngồi xõa mái tóc vàng óng, cô gái nói:
– Gió ơi, thổi mạnh lên đi,
Cuốn theo chiếc mũ của Kũrdchen,
Để ta chải và bện tóc
Cho tóc trở nên gọn gàng.
Bỗng gió nổi lên, cuốn theo chiếc mũ của Kũrdchen, làm anh ta phải chạy theo một quãng xa. Trong lúc đó cô gái ngồi chải và bện tóc. Nhà vua tận mắt thấy mọi việc. Ngay sau đó nhà vua trở về hoàng cung. Tối đến, khi cô gái chăn ngỗng trở về, nhà vua cho gọi cô tới và hỏi, tại sao cô lại làm những việc như vậy. Cô gái trả lời:
– Thưa bệ hạ, con đã thề nguyền, rằng con không bao giờ nói lộ ra chuyện đó – chuyện đau khổ của con, vì nói ra con sẽ mất mạng.
Nhà vua tìm cách ép buộc cô gái phải nói, nhưng chẳng biết gì thêm ngoài lời cô đã nói. Cuối cùng nhà vua bảo:
– Nếu con chẳng muốn kể cho ta nghe thì hãy kể nỗi khổ của con cho chiếc lò sưởi này nghe.
Nói xong, vua đi ra khỏi phòng. Cô gái tới gần chiếc lò sưởi, rồi than khóc kể hết nỗi lòng của mình:
– Giờ ta ngồi đây, bị bỏ rơi chỉ có một mình. Ta vốn là công chúa. Con thị nữ gian ác đã cưỡng bức bắt ta phải cởi quần áo công chúa cho nó, chính nó đã cướp chồng chưa cưới của ta. Ta phải làm mọi việc như một người chăn ngỗng. Nếu hoàng hậu mẹ ta mà biết chuyện này, bà sẽ rất đau lòng.
Nhà vua đứng bên ngoài tường lò sưởi, nhưng lắng nghe được hết những lời than vãn của cô gái. Nhà vua trở lại trong phòng và bảo cô gái lại phía mình. Cô được nhà vua ban cho quần áo công chúa. Như có phép lạ, cô gái giờ nom xinh đẹp biết bao. Nhà vua cho gọi hoàng tử tới và nói, cô dâu của chàng thực ra chỉ là một thị nữ – là cô dâu giả. Cô gái chăn ngỗng này mới là cô dâu đích thực.
Nhìn thấy cô dâu đích thực xinh đẹp và phúc hậu, lòng hoàng tử tràn ngập niềm vui. Bà con thân thuộc và toàn hoàng gia được mời tới dự yến tiệc. Hoàng tử ngồi cạnh công chúa trong yến tiệc. Cô dâu giả giờ đây bị mù mắt nên không thấy được cảnh trang hoàng lộng lẫy trong buổi yến tiệc.
Khi mọi người ăn uống vui vẻ, nhà vua ra một câu đố cho thị nữ kia, rằng một người lừa dối chủ của mình thì bị hình phạt gì. Nhà vua kể cho nghe từng sự việc. Kể xong, nhà vua hỏi:
– Loại người như vậy thì phải chịu hình phạt gì?
Cô dâu giả nói:
– Người đó đáng chịu hình phạt, lột trần truồng quẳng vào thùng trong có đóng đinh nhọn. Hai con ngựa trắng kéo thùng lăn trên các đường phố cho tới khi người đó chết mới thôi.
Nhà vua nói:
– Đúng đấy, chính ngươi đã tự kết án mình. Cứ chiếu theo cách đó mà trừng trị!
Bản án thực hiện xong. Hoàng tử cưới công chúa. Hai người trị vì đất nước trong hòa bình, hạnh phúc.

90. Chàng khổng lồ trẻ tuổi

Ngày xưa có bác nông dân. Bác có đứa con trai nhỏ chỉ bằng ngón tay cái, nuôi bao năm trời mà không lớn thêm lên ly nào.
Một hôm bác nông dân sắp ra đồng cày thì đứa con nhỏ nói:
– Bố ơi, bố cho con ra đồng với.
Bố nói:
– Đi với bố ra đồng à? Con ở nhà đi. Ra đó con chẳng giúp được việc gì. Con còn có thể đi lạc mất.
Tí Hon lăn ra khóc. Ông bố cho Tí Hon vào túi mang theo, để cho nó nín. Đến ruộng, bố lấy con ra, đặt nó ngồi trên luống đất mới cày. Tí Hon vừa mới ngồi thì có một người khổng lồ vượt núi bên kia lại. Bố dọa con:
– Kia kìa, con ngáo ộp đến bắt mày đấy!
Nghe thấy thế, ông khổng lồ chỉ bước vài bước đã đến bên luống cày. Ông lấy hai ngón tay khẽ nhấc Tí Hon lên ngắm và lẳng lặng mang đi. Ông bố đứng đó nhưng sợ quá không nói lời nào, nghĩ bụng, chắc không bao giờ thấy lại mặt con. Ông khổng lồ mang Tí Hon về nhà, cho nó bú. Tí Hon lớn nhanh như với tốc độ của người khổng lồ. Nuôi được hai năm, ông khổng lồ đưa nó vào rừng để thử sức. Ông bảo:
– Mày nhổ cho tao một cái cọc.
Giờ Tí Hon đã khỏe lắm rồi. Nó nhổ một cây non cả rễ. Nhưng ông khổng lồ nghĩ:
– Nó cần phải khỏe hơn thế nữa.
Ông lại đem nó về nhà nuôi thêm hai năm nữa. Thử sức lần thứ hai, nó khỏe hơn trước nhiều, nhổ được một cây cổ thụ. Ông khổng lồ thấy chưa hài lòng, lại đem về nuôi thêm hai năm nữa.
Hai năm sau, ông lại đưa nó vào rừng và bảo:
– Giờ hãy nhổ cho ta một cái cọc thật to xem nào!
Nó nhổ cây sồi to nhất dễ như bỡn. Nghe tiếng kêu răng rắc, ông khổng lồ nói:
– Thế được rồi. Mày đã học thành tài.
Ông dẫn nó tới cánh đồng khi xưa bắt nó. Bố nó đang cày. Nó lại gần và nói:
– Bố có nhận ra con không, giờ con to lớn cường tráng rồi.
Ông bố hoảng hốt nói:
– Không, anh không phải là con trai tôi, tôi không nhận anh đâu, anh đi đi.
– Chính con là con trai của bố, bố để con cày cho, con biết cày, có khi cày còn giỏi hơn cả bố.
Bố đáp:
– Không, không, anh không phải con trai tôi. Anh không biết cày, anh đi đi.
Ông bố thấy anh to lớn đâm sợ, bỏ cày cấy, lùi lại đứng sang một bên. Chàng khổng lồ cầm cày nom như cầm nĩa, chàng mới ấn tay xuống, cày cắm sâu xuống ruộng. Ông bố thấy vậy, kêu lên:
– Muốn cày thì đừng ấn cày sâu quá sẽ gãy cày.
Chàng khổng lồ trẻ tuổi bèn tháo ngựa, tự mình kéo cày và nói:
– Bố cứ về nhà đi. Bố bảo mẹ nấu thật nhiều để con ăn, để con cày bừa nốt.
Ông bố về nhà bảo vợ nấu ăn. Chàng khổng lồ cày một mình hai thửa ruộng lớn, cày xong chàng lắp một lúc hai cái bừa để bừa ruộng.
Khi bừa xong, chàng vào rừng nhổ hai cây sồi để làm đòn gánh gánh ngựa và cày về nhà. Chàng gánh nhẹ nhàng nom như gánh rơm. Vào đến sân, bà mẹ chưa nhận ra con nên hỏi:
– Ai mà to ghê gớm thế?
Ông bố nói:
– Con trai mình đấy.
Bà mẹ nói:
– Không, không bao giờ có chuyện đó. Mình làm gì có con to lớn thế, con mình trước kia nhỏ tí bằng ngón tay cái.
Rồi bà nói to:
– Anh đi đi. Chúng tôi không nhận anh đâu.
Chàng khổng lồ chẳng nói chẳng rằng, đi nhốt ngựa vào chuồng, cho ngựa ăn thóc ăn cỏ như thường lệ, rồi vào buồng ngồi và nói:
– Mẹ ơi, con đói lắm rồi, cái ăn đã xong chưa mẹ?
Mẹ nói: “Đã xong rồi.” Và dọn ra hai thẩu lớn thức ăn, thức ăn nhiều tới mức giá như ông bà có ăn thì ăn tám ngày mới hết. Chàng khổng lồ ăn một mình hết chỗ thức ăn và có gì ăn nữa không. Bà mẹ nói:
– Không, hết cả rồi.
– Thế mới là tráng miệng, con còn phải ăn nữa.
Bà lẳng lặng xuống bếp đặt một nồi to lên bếp – loại to như nồi nấu cám heo – nấu xong bà mang lên cho con. Chàng khổng lồ nói:
– Chỗ này và vài miếng hết.
Một mình chàng ăn hết, nhưng chàng thấy vẫn còn đói. Chàng nói:
– Bố ơi, ở nhà con ăn không được no. Bố sắm cho con một thanh sắt cứng, loại con để trên đầu gối bẻ không gãy, rồi con đi chu du thiên hạ.
Ông bố thích lắm. Ông thắng hai ngựa vào xe và đến lò rèn mua một thanh sắt to và dày, nặng tới mức vừa đủ sức kéo của hai con ngựa. Chàng để thanh sắt gãy đôi như que củi, rồi chàng quăng đi. Ông bố lại thắng xe tứ mã đi, đem về một thanh sắt to dài mà bốn ngựa gắng sức mới kéo nổi. Chàng cũng bẻ thanh sắt gãy đôi, quăng đi. Chàng nói:
– Bố ơi, thanh sắt này cũng không dùng được. Bố lấy cho con thanh sắt khác to hơn.
Ông thắng xe tám ngựa đi, đem về một thanh sắt to nặng mà tám ngựa mới kéo nổi về nhà. Chàng cầm thanh sắt bẻ một mẩu ở đầu, rồi nói:
– Bố ạ, con thấy bố không thể mang về cho con thanh sắt như ý con muốn. Vậy con không ở nhà nữa.
Nói xong, chàng liền lên đường. Chàng đến làng kia, ở đó có bác thợ rèn bủn xỉn, cả đời không cho ai cái gì bao giờ, chỉ bo bo giữ của. Chàng đến xin việc. Bác nhìn chàng nghĩ bụng:
– Thằng này to khỏe chắc quai búa tốt, có nuôi cũng bõ tiền.
Bác hỏi:
– Anh lấy bao nhiêu tiền công?
Chàng đáp:
– Tôi không lấy tiền công. Nhưng cứ hai tuần, khi anh em lĩnh tiền công thì tôi chỉ xin ông hai cái đá, ông ráng chịu nhé.
Bác hà tiện thấy không phải trả tiền công thì mừng lắm. Sáng hôm sau, bác thợ cả lấy thanh sắt đỏ ra đe. Chàng khổng lồ mới quai có một búa, nhưng nó mạnh đến mức thanh sắt đứt đôi, đe lún sâu tới mức không sao kéo được lên. Bác thợ cả hà tiện cáu nói:
– Trời ơi, không thể thuê anh được. Đời nhà ai lại quay búa văng mạnh thế. Anh mới đánh được một búa thì trả công thế nào đây?
Chàng nói:
– Chỉ xin biếu ông một cái đá khe khẻ.
Chàng giơ chân đá cho bác một cái, bác thợ cả bay qua bốn đống rơm. Rồi chàng lấy thanh sắt to nhất của lò rèn làm gậy đi đường. Đến một trại kia, chàng hỏi có cần người giúp việc không. Chủ trại nói:
– Cần một người. Trông anh khỏe mạnh, chắc làm được việc. Anh muốn lấy công một năm bao nhiêu?
Chàng đáp là không cần tiền công, mỗi năm chỉ xin ông chủ chịu ba quả đấm của tôi. Chủ trại cũng là một tay keo kiệt nên lấy làm thích lắm. Sáng hôm sau tất cả gia nhân phải vào rừng kiếm củi. Mọi người đã dạy chỉ còn chàng khổng lồ vẫn nằm ngủ. Một người gọi chàng:
– Đến giờ rồi, dậy mau! Chúng tao đi kiếm củi, dậy đi cùng.
Chàng làu bàu ương ngạnh:
– Thì cứ đi đi. Tao đi sau tụi mày nhưng về trước cho mà xem.
Chàng ngủ thêm hai giờ nữa, rồi mới ra khỏi giường. Chàng lấy hai đấu đỗ trắng nấu cháo, cháo được chàng ung dung ngồi ăn xong mới đi thắng ngựa và vào rừng lấy củi.
Gần tới rừng chàng phải đi qua một quãng trũng lầy lội. Chàng kéo xe qua chỗ này rồi lộn lại nhổ cây và bụi rậm lấp chỗ trũng. Đến rừng chàng gặp mọi người đang đánh xe chở củi về. Chàng bảo họ:
– Cứ đi đi, tao sẽ về trước cho mà xem.
Chàng đi tiếp một quãng nữa rồi dừng xe. Chàng chọn và nhổ hai cây cổ thụ to nhất, rồi chất lên xe. Chàng đánh xe quay trở về. Đến chỗ đường mới lấp, chàng thấy những người kia bị nghẽn, không đi tiếp được. Chàng nói:
– Các người thấy không, nếu cứ ngủ thêm giấc nữa có phải ta cùng đi và cùng về không.
Ngựa không sao kéo được xe qua quãng đường lầy lội. Chàng tháo ngựa ra, chất luôn lên xe. Rồi chàng hai tay nắm hai càng xe. Hự một cái. Chàng kéo xe băng qua như kéo xe chở toàn lông vịt. Kéo xong, chàng nói:
– Thấy chưa, giờ thì nhanh hơn mọi người rồi.
Chàng đánh xe đi tiếp tục trong khi đó những người khác còn đứng đó. Xe đánh vào trong sân nhà, chàng cầm lấy một cây, giơ cho chủ xem và nói:
– Ông xem thanh củi này có đẹp không?
Chủ trại bảo vợ:
– Thằng này khá. Nó dậy muộn, nhưng lại về trước những thằng kia.
Quanh đi quẩn lại chàng ở trại đã được một năm. Bọn đi ở được lĩnh tiền công. Chàng nghĩ, đã đến lúc mình cũng phải lĩnh tiền công. Ông chủ sợ phải ăn những quả đấm của chàng nên cố xin hoãn, muốn gạ cùng chàng thay bậc đổi ngôi, thầy xuống làm tớ, tớ lên làm thầy. Chàng nói:
– Không, tôi chẳng muốn làm thầy. Tôi là người ở, tôi cứ giữ địa vị người ở. Tôi giữ đúng như trong bản giao ước.
Chủ trại hứa xin gì cũng cho, nhưng nói thế nào chàng cũng trả lời “Không.” Không biết làm thế nào, ông xin để mười bốn ngày suy nghĩ. Chàng đồng ý như vậy. Chủ trại bèn họp tất cả gia nhân lại để xem ai có kế gì không. Họ suy đi tính lại rồi đồng thanh nói:
– Đụng vào thằng ấy toi mạng dễ như bỡn. Nó đập chết người như đánh muỗi.
Họ bàn, nên sai chàng xuống nạo giếng, khi chàng đang ở dưới đáy giếng thì ở trên lăn đá cối xay xuống cho vỡ đầu để chàng chẳng bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời nữa.
Chủ trại cho là kế hay. Chàng khổng lồ bằng lòng đi nạo giếng. Khi chàng xuống tới đáy giếng, họ liền lăn đá cối xay to nhất xuống, tưởng thế nào chàng cũng vỡ đầu. Nhưng họ nghe tiếng chàng gọi lên:
– Này, ở trên ấy đuổi gà hộ, nó bớt cát rơi xuống, bụi vào mắt nên chẳng nhìn thấy gì cả.
Ông chủ kêu: “Husch! Husch!” giả vờ đuổi gà.
Nạo giếng xong, chàng lên bờ nói:
– Trông này, tôi đeo cái vòng cổ có đẹp không.
Đó là cái thớt đá to choàng vào cổ chàng.
Giờ chàng lại đòi tiền công, nhưng chủ lại xin khất mười bốn ngày nữa, để nghĩ.
Tất cả gia nhân lại tụ họp để bàn cách đối phó. Họ bàn, sai chàng đến xay bột ban đêm ở nhà xay có ma. Chẳng một ai đến đấy mà về được. Chủ cho là kế hay, gọi ngay chàng đến và bảo:
– Nhà cần bột. Mang tám thùng lúa mì đến nhà xay, xay ngay tối nay ở đó.
Chàng nhét hai thùng vào túi áo bên phải, hai thùng vào túi áo trái. Bốn thùng cho vào bao dài vắt ngang vai thành ra hai thùng ở trước ngực, hai thùng đằng sau lưng. Rồi chàng đến nhà xay. Chủ nhà xay bảo chàng biết, rằng xay ban ngày thì không việc gì, nhưng ai xay ban đêm thì sáng hôm sau người ta thấy chết nằm ở trong nhà xay. Chàng đáp:
– Cháu có cách thoát được. Ông cứ yên tâm đi ngủ cho kỹ.
Rồi chàng vào nhà xay, đổ lúa mì vào cối xay. Khoảng mười một giờ khuya chàng vào ngồi trên ghế trong buồng chủ xay. Lát sau, cửa tự nhiên mở. Một cái bàn lớn đi vào. Rượu nho, thịt quay và nhiều món ăn ngon tự nhiên theo nhau nhảy lên bàn mà chẳng cần người bưng lên. Ghế tự động xê xích lại. Không thấy người, chỉ thấy bàn tay cầm dao, nĩa lấy thức ăn cho vào đĩa. Chàng đói bụng lại thấy đồ ăn ngon, liền ngồi vào bàn ăn tới kỳ no nê thỏa thích. Khi chàng ăn đã no và những người khác đã vét sạch đĩa của họ, thì có tiếng thổi phụt một cái. Hình như có ai bạt tai chàng. Chàng nghĩ bụng:
– Nếu bạt tai ta cái nữa, ta sẽ nện lại.
Bị tát cái thứ hai, chàng đánh lại ngay. Hai bên đánh nhau túi bụi mãi đến tang tảng sáng mới thôi. Sáng hôm sau, ông chủ nhà xay chạy đến xem chàng ra sao, ông ngạc nhiên khi thấy chàng còn sống. Chàng kể:
– Cháu được ăn uống no nê thỏa thích. Cháu bị tát nhưng cháu cũng tát lại ra trò.
Ông chủ lấy làm mừng vì nhà xay như vậy sẽ không còn ma nữa. Ông hỏi chàng thích có bao nhiêu tiền ông thưởng cho. Chàng đáp rằng, chàng có đủ tiền tiêu, không muốn lấy. Chàng vác những bao bột về trại, báo với chủ công việc đã làm xong và xin tiền công.
Nghe nói đến tiền công, chủ trại hoảng hồn, Ông đi đi lại lại trong buồng toát cả mồ hôi mà chưa nghĩ ra kế. Ông mở cửa sổ cho thoáng thì bất ngờ bị chàng khổng lồ đá cho một cái, bay qua cửa sổ tít lên trời. Chàng khổng lồ lại bảo bà chủ trại:
– Nếu ông không trở lại thì bà phải chịu cái đá khác.
Bà chủ kêu:
– Không, không. Tôi không chịu nổi đâu.
Bà sợ toát mồ hôi trán, mở cửa sổ khác cho thoáng liền bị chàng khổng lồ đá cho một cái, bà bay lên cao hơn ông vì bà nhẹ hơn. Ông réo gọi bà:
– Bà mày lại đây!
Bà đáp:
– Ông lại đây, chứ tôi không lại ông được.
Hai ông bà cứ lơ lửng trong không trung, không ai lại gần ai được. Không biết giờ họ còn bay lơ lửng nữa hay không tôi cũng không biết. Còn chàng khổng lồ lại cầm gậy sắt lên đường.

91. Người tí hon trong lòng đất

Ngày xửa ngày xưa có một ông vua giàu có, nhà vua có ba người con gái ngày nào cũng dạo chơi ở ngự uyển. Nhà vua rất thích cảnh trí và các loài cây trong ngự uyển, đặc biệt yêu thích cây táo cho quả đỏ tươi. Nhà vua thề nguyền, ai hái trộm táo sẽ bị vùi sâu dưới lòng đất trăm sải tay.
Khi trời sang thu, táo trên cây đổ màu đỏ tươi, táo sai ơi là sai, táo trĩu cành từ trên ngọn tới gần mặt đất. Cả ba chị em thường ngày hay đến ngắm cây táo, nhưng không thấy có quả táo nào rụng dưới gốc cây. Cô em út nhìn táo chín thơm ngon nên rất thèm. Cô bảo với hai chị:
– Vua cha rất thương yêu chị em mình. Việc vua cha thề nguyền chắc chỉ là đối với người ngoài, chứ không phải đối với chị em mình.
Cô hái một quả to và cắn ăn. Cô nói:
– Trời, ngon quá các chị ạ. Đời em chưa bao giờ ăn táo ngon như thế!
Rồi cô đưa táo cho hai chị em ăn. Vừa mới ăn xong thì cả ba bị chìm sâu trong lòng đất, sâu tới mức tiếng gà gáy cầm canh cũng không vang được tới đó.
Đến trưa, nhà vua muốn gọi các con về cùng ăn, nhà vua tìm khắp mọi nơi, ở ngự uyển cũng như trong hoàng cung, nhưng chẳng thấy bóng đứa nào. Nhà vua rất buồn, ra lệnh cho cả nước đi tìm, ai tìm ra sẽ được lấy một trong ba công chúa làm vợ.
Nhiều chàng trai cất công đi tìm khắp mọi nơi. Trong số họ có ba chàng thợ săn. Họ đã tám ngày đi tìm, cuối cùng họ tới một lâu đài lớn, trong lâu đài có nhiều phòng đẹp. Trong phòng họ, thức ăn đã dọn sẵn trên bàn và còn bốc hơi nóng, nhưng chẳng nghe thấy tiếng người cũng như chẳng thấy một bóng người.
Cả ba đợi nửa ngày ở trong phòng mà vẫn không gặp một ai. Thức ăn vẫn còn nóng mà bụng họ lại đói. Họ lại bàn ngồi và cùng nhau ăn thật ngon miệng. Họ chia nhau công việc. Một người ở lại canh lâu đài, trong khi đó hai người kia đi tìm ba công chúa. Người nhiều tuổi nhất ở lại canh lâu đài, hai người kia trẻ hơn thì đi tìm.
Ngày thứ nhất có một người tí hon tới xin bánh mì. Người canh lâu đài lấy bánh mì, cắt một miếng đưa cho người tí hon. Người này không đưa tay đỡ mà để bánh mì rớt xuống đất, rồi còn bảo người canh lâu đài cúi xuống nhặt bánh mì đưa cho mình. Trong lúc người canh lâu đài mải cúi nhặt bánh mì thì người tí hon túm tóc và lấy gậy đánh người đó túi bụi.
Ngày hôm sau đến lượt người khác phải ở lại canh lâu đài. Số phận anh ta cũng chẳng khác gì.
Tối đến hai người kia về nhà. Người nhiều tuổi nhất hỏi:
– Nào, có chuyện gì không hở?
Người kia đáp:
– Chà, tôi cũng bị đòn nhừ tử.
Hai người kể cho nhau những chuyện xảy ra với mình, nhưng họ không kể cho người trẻ nhất biết. Hai người thường gọi người trẻ nhất là Hans ngu ngốc, vì chàng thường chậm chạp trong ứng xử mọi việc.
Ngày thứ ba đến lượt Hans ngu ngốc phải ở lại canh lâu đài. Người tí hon lại đến xin bánh mì. Hans cắt bánh mì đưa cho, người tí hon để bánh rơi xuống đất và bảo chàng cúi nhặt hộ. Hans bực mình nói:
– Cái gì, có thế mà không tự nhặt được hay sao, miếng ăn vào mồm mà còn lười biếng thì không đáng ăn tí nào cả.
Người tí hon giận dữ, bảo chàng phải làm. Hans liền túm lấy người tí hon quật cho nhừ tử làm người tí hon phải van xin:
– Hãy ngưng tay đừng đánh tôi nữa. Tôi sẽ chỉ cho nơi ở của ba công chúa.
Nghe nói vậy, Hans liền ngưng, người tí hon kể mình là người ở trong lòng đất, và ở trong lòng đất có hàng ngàn người như vậy. Người tí hon bảo cứ đi cùng, rồi sẽ chỉ cho nơi các công chúa đang ở. Người tí hon dẫn tới một cái giếng rất sâu nhưng đã khô cạn. Người tí hon bảo, hai người kia không thật lòng, và cũng không muốn chịu hiểm nguy để đi tìm công chúa. Vì vậy muốn giải nguy cho các công chúa thì phải làm một mình và phải mang theo một cái giỏ lớn, một con dao thợ săn và một cái lục lạc loại chuông đeo ở cổ ngựa. Rồi ngồi vào trong giỏ, thòng dây mà xuống đáy giếng. Ở đó có ba buồng, ở mỗi buồng có một công chúa. Có con rồng nhiều đầu ngồi canh giữ. Phải chặt hết đầu của nó. Khi nói xong thì người tí hon biến mất.
Đến tối, hai người kia về và hỏi, có chuyện gì xảy ra không. Chàng nói:
– Ô, mọi chuyện tốt cả.
Rồi nói chẳng có người nào tới, chỉ có một người tí hon đến xin bánh mì, khi đưa cho lại để bánh rơi và bảo nhặt hộ. Chàng chẳng muốn nhặt hộ thì người tí hon hù dọa. Chàng không hiểu ý nên túm đánh cho người tí hon một trận nhừ tử. Sau đó người tí hon chỉ cho biết nơi ở của ba công chúa.
Nghe chuyện, hai người kia ghen tức đến nỗi mặt xanh nanh vàng. Hôm sau cả ba người tới bên giếng. Họ phân việc cho nhau. Người lớn tuổi nhất xuống trước và dặn:
– Khi nào tôi rung chuông thì phải kéo ngay lên nhé!
Vừa tới chạm đất anh chàng đã rung chuông, hai người kia vội kéo lên.
Giờ tới lượt người thứ hai. Người này cũng làm vậy. Rồi đến lượt người thứ ba là chàng trẻ tuổi nhất bọn.
Tới đáy giếng, chàng bước ra khỏi giỏ, tay cầm đao thợ săn, chàng nghe thấy tiếng ngáy ngủ của rồng. Chàng khe khẽ mở cửa thì thấy có một công chúa đang ngồi vuốt ve mấy cái đầu rồng ở trong lòng. Chàng dùng dao chặt đứt chín chiếc đầu rồng. Công chúa nhảy bật dậy, ôm hôn chàng say sưa. Nàng tháo dây chuyền đeo ở ngực đeo vào cổ chàng. Rồi chàng đi giải thoát cho công chúa thứ hai, người ngồi vuốt ve bảy cái đầu rồng. Xong chàng lại tới giải thoát cho công chúa thứ ba – người trẻ nhất, người ngồi vuốt ve bốn cái đầu rồng.
Ba công chúa ôm hôn chàng say sưa. Chàng rung chuông to tới mức ở trên cũng nghe thấy. Chàng bế các công chúa vào trong giỏ để cho mọi người kéo lên. Bỗng chàng nhớ tới lời dặn của người tí hon, rằng hai người kia có ác ý. Đến lượt mình, chàng lấy hòn đá nặng đặt vào trong giỏ. Khi giỏ tới nửa chừng thì hai người kia cắt đứt dây để giỏ rớt xuống đáy giếng. Hai người kia cho rằng, thế là hết đời thằng ấy.
Hai người lên đường cùng với ba công chúa, bắt họ phải nói vua cha rằng hai chàng đã giải thoát cho các công chúa. Họ tới hoàng cung tâu trình nhà vua, chàng nào cũng muốn được lấy công chúa.
Trong lúc đó chàng trai trẻ nhất buồn rầu đi đi lại lại khắp ba buồng. Chàng nghĩ, chắc mình sẽ chết ở đây. Bỗng chàng nhìn thấy chiếc sáo treo ở tường. Chàng nói:
– Sao mi lại treo ở đây nhỉ? Ở đây có vui thú gì đâu mà thổi sáo!
Nhìn đống đầu rồng, chàng nói:
– Các ngươi cũng chẳng giúp được ta gì cả!
Chàng cứ thế đi đi lại lại khắp ba căn buồng, đi nhiều tới mức nền nhà nhẵn bóng. Tự nhiên chàng nảy ra ý nghĩ, lấy sáo treo trên tường xuống, rồi đưa lên miệng thổi. Bỗng nhiên người tí hon ở đâu nhảy ra, cứ mỗi nốt nhạc chàng thổi là lại một người tí hon nhảy ra. Giờ đây người tí hon đã đứng đầy gian buồng. Họ hỏi chàng muốn gì. Chàng nói, chàng muốn lên lại trên mặt đất.
Chàng liền đi thẳng tới hoàng cung. Lúc chàng tới là lúc đang chuẩn bị đám cưới công chúa. Chàng tới chỗ nhà vua đang ngồi với ba công chúa. Vừa nhìn thấy chàng là cả ba công chúa lăn ra bất tỉnh. Nhà vua nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh tống chàng vào ngục tối, vì vua cho rằng, chính chàng đã làm cho ba công chúa ngất đi.
Khi ba công chúa tỉnh lại, họ xin vua cha thả chàng trai. Nhà vua hỏi tại sao. Cả ba nói là không được phép kể. Nhà vua nói, nếu thế thì kể cho cái lò sưởi nghe. Nhà vua đi ra ngoài, nhưng ghé tai sát cửa lắng nghe câu chuyện họ kể.
Sau đó, nhà vua ra lệnh đem treo cổ hai kẻ lừa phản kia. Chàng trai trẻ nhất được nhà vua gả cho công chúa con út.
Bạn có biết không, lúc ấy tôi xỏ đôi giày thủy tinh, lại bước ngay phải hòn đá lớn thế là “cắc” một cái, giày vỡ đôi.

92. Vua núi vàng

Một người lái buôn có hai con, một trai và một gái, cả hai đều còn nhỏ, chưa biết đi. Bác có hai chiếc thuyền đi buôn đường biển, đó chính là toàn bộ gia sản của bác – đi buôn đường biển thường lãi lớn – nhưng không ngờ bác được tin cả hai thuyền đều bị đắm. Từ chỗ giàu có nay bác trở nên nghèo, gia sản còn lại chỉ là một mảnh ruộng ở ngoài ven thị trấn. Để cho khuây khỏa nỗi buồn phiền, bác ta ra đồng, đi đi lại lại. Bỗng một người bé tí đen nhẻm xuất hiện, đứng ngay bên bác và hỏi, bác có chuyện gì mà nom lo lắng buồn phiền vậy. Bác nói:
– Liệu có giúp ta được việc gì không nào mà ta kể.
Người đen tí hon đáp:
– Trời mà biết được. Biết đâu tôi lại giúp được thì sao.
Bác lái buôn kể lại việc hai thuyền buôn cùng toàn bộ hàng hóa gia sản bị chìm dưới đáy biển. Giờ chỉ còn có mảnh ruộng này thôi. Người tí hon nói:
– Bác đừng buồn phiền nữa. Nếu bác hứa với tôi một điều, thì bác muốn bao nhiêu tiền cũng có khi về tới nhà, cái gì chạm vào chân bác trước tiên, sau mười hai năm nữa bác phải mang cái đó lại đây cho tôi.
Bác lái buôn nghĩ bụng:
– Chắc cái đó chẳng thể khác là chính con chó của mình.
Bác không hề nghĩ tới đứa con trai bé nhỏ nên nhận lời ngay, ký ngay giao kèo với người Tí Hon kia và đi về nhà.
Thấy bố về, đứa con trai mừng quá, lần theo ghế ra và ôm chầm lấy chân. Người bố giật mình hoảng sợ khi chợt nhớ tới điều mình vừa cam kết. Nhưng thời gian cứ thế trôi qua mà bác không thấy có tiền của gì trong rương hòm nhà mình. Bác nghĩ, chắc người Tí Hon nói giỡn chơi.
Một tháng sau, bác lên gác xép tính gom ít thiếc đem bán, nhưng nó chẳng phải là thiếc nữa, mà thành những đồng tiền vàng. Bác rất đỗi vui mừng, lấy số tiền ấy để buôn bán và trở nên giàu có, thậm chí giờ còn giàu hơn trước.
Đứa con trai bác lái buôn ngày một khôn lớn, nhưng con càng gần tới tuổi mười hai thì bác lái buôn càng lo, nỗi lo ấy hiện ra mặt. Một hôm, đứa con trai hỏi bố có điều gì mà buồn phiền vậy. Người bố không muốn nói ra, nhưng đứa con trai năn nỉ mãi, người bố đành phải nói, bác kể xưa có hứa với một người đen Tí Hon, nếu bác trở nên giàu có do sự giúp đỡ của người Tí Hon thì cũng sẵn sàng theo điều kiện do người ấy đòi hỏi, bác đã ký giao kèo với người ấy, mười hai năm sau sẽ đưa cho người Tí Hon cái gì chạm chân bác trước tiên. Đứa con trai nói:
– Bố ơi, bố đừng lo. Mọi việc sẽ ổn. Người đen chẳng có quyền lực gì với con.
Người con trai đến xin linh mục ban phép thánh cho. Đúng giờ hẹn, cả hai bố con cùng tới mảnh ruộng ngoài thị trấn, người con trai vẽ một vòng tròn, rồi hai bố con đứng vào vòng tròn ấy. Người đen xuất hiện và bảo người bố:
– Bác có mang đến cái bác đã hứa với tôi không?
Bác lái buôn nín lặng, nhưng đứa con trai hỏi:
– Bác tìm gì ở đây?
Người đen đáp:
– Tao có điều cần nói với bố mày, chứ không phải nói với mày.
Người con nói:
– Bác đã đánh lừa bố tôi. Giờ hãy xí xóa những lời thề ấy đi.
Người đen nói:
– Không, tao không từ bỏ quyền lợi của tao.
Đôi bên lời qua tiếng lại rất lâu, cuối cùng đi đến nhất trí: Đứa con trai không phải là của ai, chẳng thuộc người bố mà cũng chẳng thuộc người đen kia. Nó sẽ ngồi xuống một chiếc thuyền đậu ven sông. Người bố lấy chân đẩy thuyền ra giữa dòng để phó mặc con trôi theo dòng nước.
Chào từ biệt bố, đứa con trai bước xuống thuyền và người bố đẩy thuyền ra giữa dòng. Thuyền lộn nhào. Người bố tưởng con chết nên để tang. Nhưng chiếc thuyền không đắm, cứ thế trôi theo dòng nước. Cuối cùng nó dừng đậu ở một bến xa lạ. Anh thanh niên lên bờ, thấy đằng xa có một tòa lâu đài nguy nga, liền đi về hướng ấy. Khi vào trong lâu đài, anh thấy lâu đài bị phù phép, các phòng trong lâu đài đều trống không. Anh đi mãi, sau tới căn phòng cuối cùng thì thấy một con rắn đang nằm cuộn tròn ở trong đó. Thực ra đó là một cô gái bị phù phép. Cô thấy anh mừng rỡ và nói với anh:
– Anh đến giải thoát cho em đấy à? Em đợi anh đã mười hai năm nay. Cả nước này bị phù phép. Anh hãy giải thoát cho em!
Anh hỏi:
– Tôi phải làm gì?
– Đêm khuya nay có mười hai người đen quàng xích quanh người sẽ đến đây. Họ hỏi anh làm gì ở đây. Anh cứ câm lặng, không nói nửa lời. Chúng sẽ hành hạ anh, đánh và đâm anh, anh cứ mặc chúng, chỉ đừng có hé miệng ra nói. Đúng mười hai giờ đêm chúng lại bỏ đi. Đêm thứ hai, mười hai người đến. Đêm thứ ba sẽ có hai mươi người đến chặt đầu anh. Nhưng cứ đúng nửa đêm là phép thuật của chúng hết hiệu lực. Nếu anh gắng giữ mặc chúng hành hạ mà không nói nửa lời thì em sẽ được giải thoát. Em sẽ lấy chai nước hồi sinh thoa bóp khắp người anh sẽ tỉnh lại và khỏe mạnh như trước.
Anh thanh niên đáp:
– Tôi sẵn lòng giải thoát cho cô.
Mọi việc xảy ra đúng như lời cô nói. Bọn người đen không cậy được anh nửa lời. Đến đêm thứ ba, con rắn biến thành nàng công chúa xinh đẹp, lấy nước hồi sinh thoa bóp cho anh tỉnh lại. Cô ôm choàng anh hôn, cả lâu đài trở nên vui nhộn. Lễ cưới được tổ chức, anh trở thành Vua Núi Vàng.
Hai người vui sướng sống bên nhau. Hoàng hậu sinh được một bé trai kháu khỉnh. Thấm thoát đã tám năm trôi qua, nhà vua nhớ quê hương, muốn về thăm bố mẹ. Hoàng hậu không muốn để vua đi, nên nói:
– Em sẽ đau khổ, nếu chàng đi.
Nhưng nhà vua nài nỉ mãi cho đến khi hoàng hậu ưng thuận mới thôi. Lúc chia tay, hoàng hậu trao cho vua chiếc nhẫn thần và dặn:
– Khi đeo nhẫn này vào ngón tay, chàng chỉ cần cầu chú sẽ tới ngay được nơi muốn đến. Nhưng phải hứa đừng dùng vào việc bắt em về chỗ bố chàng.
Vua hứa, rồi đeo nhẫn vào tay, cầu chú về tới quê hương. Trong khoảnh khắc vua đã về tới thành phố quê hương, nhưng lính canh thấy ăn mặc sang trọng lạ kỳ nên không cho vào trong thành. Vua phải ra chỗ người chăn cừu, đổi quần áo cho họ và mặc đồ chăn cừu thản nhiên đi vào trong thành.
Về đến nhà, vua xưng tên với bố đẻ, nhưng ông không tin đó chính là con trai mình. Ông luôn nghĩ, nó đã chết. Trước mắt ông giờ đây chỉ là một người chăn cừu nghèo khó đáng thương. Ông tính bố thí cho một đồng Taler để ăn. Người chăn cừu lại nói:
– Con chính là con trai bố mẹ đây mà. Bố mẹ còn nhớ dấu vết gì trên người con không?
Người mẹ nói:
– Có chứ, con trai mẹ có một dấu giống như quả dâu tây ở cánh tay phải.
Chàng trai chăn cừu vén tay áo lên cho bố mẹ xem, quả đúng như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Rồi chàng kể cho bố mẹ nghe, rằng mình bây giờ là Vua Núi Vàng, đã lấy một công chúa và đã có một đứa con trai bảy tuổi rất kháu khỉnh.
Bố nói:
– Chẳng bao giờ lại có chuyện đó. Một kẻ chăn cừu quần áo lôi thôi bẩn thỉu đang đứng đây chính là nhà vua.
Nghe cha nói, chàng trai nổi giận, quên mất lời hứa trước kia với hoàng hậu, chàng xoay chiếc nhẫn, ước sao vợ con đến ngay bên mình. Trong khoảnh khắc, vợ con đến. Nhưng hoàng hậu than khóc trách chồng không giữ lời hứa, làm cho nàng khổ. Chàng nói:
– Anh thật vô tâm quá, em hãy thứ lỗi cho anh.
Nàng nguôi giận, nhưng trong lòng không vui. Rồi chàng dẫn nàng ra thửa ruộng bên sông, nơi chàng bước xuống thuyền khi xưa và nói:
– Anh mệt mỏi quá, em ngồi xuống cho anh ngả vào lòng em ngủ một lát.
Chàng ngả đầu vào lòng nàng và thiêm thiếp ngủ. Đợi chàng ngủ say, nàng rút nhẫn thần khỏi tay chàng và từ từ rút chân để chàng nằm lại.
Nàng bế con và cầu chú trở về xứ sở của mình. Khi tỉnh dậy, chàng thấy mình bị bỏ rơi. Vợ con đã đi mất, chỉ còn đôi hài để lại làm dấu. Chàng nghĩ:
– Trở lại với bố mẹ làm sao được nữa, mọi người cho mình định lừa đảo mang đồ đi.
Chàng đành lên đường, tới chân một ngọn núi, chàng gặp ba người khổng lồ đang tranh cãi nhau về cách chia gia tài của bố để lại. Thấy chàng, chúng vẫy gọi lại nhờ phân xử. Chúng nói, người nhỏ khôn hơn chúng. Gia tài gồm ba thứ: gươm, áo và đôi ủng. Khi người có gươm hô: “Tất cả đầu rụng xuống đất, trừ đầu ta” thì lời ước thành sự thực trong nháy mắt. Ai khoác chiếc áo thì thành vô hình. Ai đi đôi giàu ủng thì muốn tới đâu là đến ngay được đó. Chàng bảo:
– Hãy đưa cho ta ba vật ấy để xem chúng có những khả năng ấy không.
Chúng đưa cho chàng chiếc áo. Chàng vừa mới khoác lên người thì đã trở thành vô hình, và biến thành con ruồi. Sau đó chàng lại hiện thành người và nói:
– Chiếc áo tốt. Giờ đưa cho ta thanh gươm.
Chúng từ chối. Sợ chàng hô “Tất cả đầu rụng xuống đất, trừ đầu ta” thì chúng mất đầu và chàng là người duy nhất còn lại. Nhưng chúng ra điều kiện là chàng chỉ thử dùng gươm chém cây. Chàng thử chém cây, cây đứt như người ta phạt cỏ. Rồi chàng bảo chúng đưa ủng. Chúng từ chối, bảo nếu đi ủng vào chỉ trong nháy mắt chàng đã đi rất xa, chúng chỉ còn cách đứng nhìn. Chàng nói:
– Nếu vậy thì tôi không phân xử nữa.
Chúng đành đưa ủng cho chàng. Có trong tay cả ba báu vật, giờ chàng chỉ có nghĩ tới vợ và con. Chàng cầu chú:
– Ước gì ta trở lại Núi Vàng?
Thế là ngay sau đó, chàng biến mất và cũng là phân xử xong việc chia gia sản cho ba người khổng lồ. Khi tới lâu đài, chàng nghe thấy tiếng đàn sáo vui nhộn. Mọi người cho biết vợ chàng làm lễ cưới với người khác. Chàng nổi giận nói:
– Quân khốn kiếp. Nó lừa lúc ta ngủ rồi bỏ đi.
Chàng mặc áo tàng hình và đi vào lâu đài. Khi vào phòng lớn thì thấy một bàn tiệc lớn hết sức thịnh soạn, khách ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Vợ chàng đầu đội vương miện, ngồi trên ngai vàng ở chính giữa. Chàng đến đứng ngay sau nàng mà không ai thấy. Cứ có thức ăn gắp bỏ vào đĩa nàng là chàng lấy ăn liền. Và rượu được rót vào ly nàng, chàng cũng uống hết. Nàng được tiếp thức ăn, đồ uống luôn luôn mà vẫn không ăn uống được gì, mọi thứ đều biến mất trong nháy mắt. Nàng đâm ra hoảng sợ và ngượng, đứng dậy, về buồng ngồi khóc, nhưng chàng cũng đi theo vào buồng. Nàng ngồi nói một mình:
– Phải chăng có quỷ ám ta hay là người giải thoát ta đến?
Chàng tát nàng và nói:
– Người giải thoát ngươi đến chăng? Người ấy đang ở trên đầu ngươi, quân phản bội! Ta bị ngươi đối xử bội bạc.
Rồi chàng hiện nguyên hình người, tới phòng lớn và nói to:
– Tiệc cưới kết thúc, chính vua đã về đây.
Các vua, chúa, cận thần có mặt ở đó cười giễu cợt chàng. Chàng họ một câu ngắn gọn:
– Các người có ra hay không?
Tất cả đổ xô đến bắt chàng. Chàng rút gươm hô:
– Tất cả đầu rụng xuống đất, trừ đầu ta!
Lập tức các đầu lìa khỏi thân lăn xuống đất.
Chàng lại là chúa tể và lại lên ngôi Vua Núi Vàng.

93. Con quạ

Ngày xửa ngày xưa có một hoàng hậu. Hoàng hậu có một người con gái. Công chúa còn nhỏ, nhưng ương bướng. Tuy được bế ẵm, nhưng công chúa vẫn khóc hờn. Có lần, nhìn đàn quạ bay quanh hoàng cung, hoàng hậu ra mở cửa sổ và nói:
– Có lẽ con biến thành quạ bay đi thì mẹ mới được yên thân.
Hoàng hậu vừa nói dứt lời thì công chúa đã biến thành quạ và bay từ tay hoàng hậu qua cửa sổ. Quạ bay thẳng vào rừng sâu thẳm và ở lại trong rừng. Vua và hoàng hậu chẳng hay biết tin gì về con.
Có lần, có người đàn ông đi vào rừng và nghe thấy tiếng quạ kêu. Lần theo tiếng quạ, người đàn ông tới nơi thì quạ nói:
– Tôi vốn là công chúa, nhưng bị biến thành quạ. Chàng có thể giải cứu được cho tôi.
Chàng hỏi:
– Thế tôi phải làm gì bây giờ?
Quạ nói:
– Hãy cứ đi tiếp vào trong rừng, ở đó có một căn nhà. Có một bà già ngồi trong nhà. Bà sẽ mời anh ăn và uống. Nhưng anh đừng có ăn uống. Ăn uống vào anh sẽ lăn ngay ra ngủ. Thế là anh không cứu được em. Anh hãy đứng ở trong cái hố to trong vườn sau nhà đợi em tới. Ba ngày liền, ngày nào em cũng đi xe qua nhà vào lúc hai giờ chiều. Ngày thứ nhất, xe do bốn con bạch mã kéo, ngày thứ hai do bốn con xích thố kéo, ngày thứ ba do bốn con ngựa ô kéo. Khi em đi qua mà anh không thức, lại ngủ thì anh không giải cứu được em.
Chàng trai hứa sẽ làm đúng như lời quạ dặn, nhưng quạ vẫn nói:
– Chà, nhưng em biết là anh không giải cứu em. Anh vẫn cứ nhận đồ của bà già đưa mời.
Khi chàng bước vào nhà thì bà già bước tới nói:
– Trông chàng trai sao mà gầy gò phờ phạc thế, ăn uống cho tươi tỉnh lên chứ.
Chàng trai đáp:
– Không, tôi chẳng muốn ăn uống gì cả.
Bà già cứ cố nài mời chàng, rồi bà bảo:
– Nếu không ăn cũng được, nhưng làm một hơi cho đỡ khát.
– Một hơi thì có thấm tháp gì.
Chàng trai thấy cũng chẳng sao nên uống. Trước hai giờ chiều chàng ra vườn, đứng trong cái hố to để đợi quạ. Đang đứng ở trong hố bỗng chàng thấy mệt mỏi và buồn ngủ không làm sao cưỡng lại được, chàng thiếp đi lúc nào không hay. Chàng ngủ say tới mức tưởng chừng chẳng có gì trên đời này có thể đánh thức chàng được.
Đúng hai giờ chiều, quạ đi xe do bốn con bạch mã kéo chạy qua nhà, quạ hết sức buồn và nói:
– Mình biết mà, anh ta thế nào cũng ngủ.
Nhìn vào vườn, quạ thấy chàng đang ngả lưng ngủ. Quạ xuống xe, bước tới lay chàng, gọi chàng, nhưng chàng vẫn cứ ngủ.
Trưa ngày hôm sau bà già cũng tới, cứ cố nài mời chàng ăn uống. Chàng chẳng muốn ăn uống, nhưng bà già cứ nài nỉ mãi, cuối cùng chàng cũng lại uống.
Trước hai giờ chiều chàng ra vườn, đứng trong cái hố to để đợi quạ. Đang đứng ở trong hố bỗng chàng thấy mệt mỏi, chàng ngả lưng và thiếp ngủ ngay lập tức.
Lúc quạ đi xe do bốn con xích thố kéo chạy qua nhà, quạ hết sức buồn và nói:
– Mình biết mà, anh ta thế nào cũng ngủ.
Quạ xuống xe, bước tới lay nhưng chàng vẫn không thức giấc.
Trưa ngày hôm sau nữa, bà già lại tới và nói, chàng muốn chết hay sao mà chẳng chịu ăn uống gì cả. Chàng đáp:
– Tôi không muốn và cũng chẳng được phép.
Bà già đặt thẩu thức ăn và rượu ở đó rồi đi. Ngửi mùi thịt rượu, chàng không sao cưỡng lại, chàng làm một hơi dài rượu. Trước giờ hẹn chàng ra vườn, đứng trong cái hố để đợi quạ. Cơn ngủ ập tới và chàng ngủ thiếp ngay lập tức.
Đúng hai giờ chiều, quạ đi xe do bốn con gựa ô kéo chạy qua nhà. Quạ hết sức buồn và nói:
– Mình biết mà, chàng lại gủ, chẳng muốn giải cứu mình.
Quạ bước xuống xe, tới lay chàng dậy, lay mãi nhưng chàng vẫn ngủ say. Quạ đặt bánh mì, thịt và rượu ở ngay trên miệng hố, cứ ăn uống hết đến đâu thì đồ ăn thức uống lại từ đầy. Quạ lại rút nhẫn có khắc tên mình đeo vào ngón tay của chàng trai. Quạ còn để lại bức thư với nội dung:
– Em thấy anh không thể giải cứu em ở nơi đây. Nếu anh còn có ý giải cứu em thì hãy tới lâu đài vàng Stromberg. Chỉ anh mới có thể giải cứu được em, điều đó em biết rất rõ.
Mọi việc xong, quạ lên xe đi tới lâu đài vàng Stromberg.
Lúc bừng tỉnh chàng mới biết mình đã thiếp ngủ, chàng rất buồn lòng vì chuyện đó. Chàng nói:
– Chắc chắn nàng đã chạy xe qua. Thế là mình không giải cứu được nàng.
Chàng thấy có nhiều thứ để quanh chỗ mình và một bức thơ. Chàng đọc thơ và biết mọi chuyện đã xảy ra như thế nào. Chàng lại lên đường và đi về hướng lâu đài vàng Stromberg. Nhưng vì không biết lâu đài ở chỗ nào nên chàng đi lạc ở trong rừng sâu mất hai tuần lễ mà vẫn không ra được khỏi rừng. Khi bóng đêm phủ xuống thì chàng đã thấm mệt, chàng dựa lưng vào một thân cây mà ngủ. Sáng hôm sau chàng lại đi tiếp tục. Khi trời tối, chàng tính lại dựa thân cây ngủ thì nghe tiếng kêu than thở làm chàng không sao chợp mắt được. Ngước nhìn quanh, chàng thấy le lói ánh đèn phía xa xa. Chàng đứng dậy đi về phía có ánh đèn. Tới nơi, chàng thấy có một người khổng lồ đang đứng trước nhà. Chàng nghĩ:
– Tên khổng lồ mà nhìn thấy mình thì coi như đời mình là xong.
Cuối cùng chàng cũng liều bước tới trước nhà. Người khổng lồ nhìn thấy nói:
– Mi đến đúng lúc ta đang chẳng có gì ăn. Mi đủ bữa ăn tối của ta.
Chàng nói:
– Ta cũng chẳng để mi nuốt chửng ta đâu. Nhưng nếu mi đang đói muốn ăn thì ta có đủ để mi no bụng.
Người khổng lồ hỏi:
– Có đúng thế không? Nếu thế thì mi cứ yên tâm đi. Ta chỉ nuốt chửng mi khi chẳng có gì vào bụng.
Thế là cả hai cùng ngồi vào bàn. Chàng trai đi lấy bánh mì, rượu, thịt. Cứ ăn hết đến đâu nó lại tự đầy như cũ. Người khổng lồ nói:
– Cứ như thế này thì ta khoái lắm!
Và hắn lại tiếp tục ăn cho tới thỏa thích.
Ăn xong, chàng trai nói:
– Này anh bạn, lâu đài vàng Stromberg ở đâu nhỉ?
Người khổng lồ bảo:
– Để ta coi xem nó ở chỗ nào trên bản đồ.
Hắn rút bản đồ ra tìm, nhưng chẳng thấy lâu đài ở chỗ nào. Hắn nói:
– Cũng chẳng sao. Ta lấy bản đồ khác ở trong tủ ra xem.
Tìm mãi cũng chẳng thấy gì. Chàng trai định lại lên đường. Người khổng lồ nói chàng ở lại thêm mấy ngày, đợi đứa em trai về. Khi người em trai về tới nhà thì hai người hỏi ngay về lâu đài vàng Stromberg. Người em trai nói:
– Trước tiên tôi phải ăn chút gì đã, rồi ta giở bản đồ ra tìm.
Ăn xong, người em trai về phòng mình, rút bản đồ ra xem, nhưng không tìm thấy. Chàng rút bản đồ khác ra xem, nhưng cũng không tìm thấy. Chàng rút hết bản đồ này tới bản đồ khác, cuối cùng cũng tìm thấy trong một bản đồ lâu đài vàng Stromberg. Núi nằm cách nơi họ tới ngàn dặm.
Chàng trai hỏi:
– Thế tôi đến đó bằng cách nào đây?
Người khổng lồ đáp:
– Tôi còn rảnh hai giờ, tôi sẽ đưa anh tới gần lâu đài, rồi tôi phải quay trở về cho con bú.
Rồi người khổng lồ cắp chàng tới gần lâu đài và nói:
– Giờ anh có thể tự mình đi đến đó.
Người khổng lồ quay trở về, còn chàng trai thì đi suốt ngày đêm, cuối cùng chàng cũng tới được lâu đài vàng Stromberg. Chàng đang đứng trên núi thủy tinh. Chàng nhìn thấy nàng đi xe vòng quanh lâu đài và đi thẳng vào trong. Chàng rất mừng, nhưng khi bước chân lên để tính theo nàng thì chàng bị trượt trên mặt núi thủy tinh và trượt xuống tận chân núi. Chàng buồn rầu tự nhủ:
– Ta đành ở đây đợi nàng vậy.
Chàng làm một túp lều và ở đó một năm. Ngày nào chàng cũng nhìn thấy nàng đi xe ra vào, nhưng không sao lên được tới chỗ nàng.
Có lần ngồi trong nhà nhìn ra, chàng thấy ba tên cướp đang đánh nhau. Chàng la:
– Trời ơi, sao lại đánh nhau vậy!
Nghe tiếng người la, chúng ngưng tay, nhưng khi chẳng thấy bóng dáng người nào xuất hiện, chúng lại lao vào đánh nhau thục mạng. Thấy vậy, chàng lại la:
– Trời ơi, sao lại đánh nhau vậy!
Nghe tiếng chúng ngưng tay, ngó nhìn xung quanh, nhưng chẳng nhìn thấy ai, chúng lại tiếp tục đánh nhau. Thấy vậy, chàng lại la:
– Trời ơi, sao lại đánh nhau vậy!
Rồi chàng chợt nghĩ, phải xem chúng có mưu đồ gì. Chàng đi về phía chúng và dò hỏi tại sao chúng lại đánh nhau túi bụi như vậy. Một tên kể, hắn có một chiếc gậy thần, chỉ cần cầm gậy gõ vào cổng là cổng mở toang ra. Tên thứ hai kể, hắn có chiếc áo măng tô thần, khoác áo lên người là cứ như tàng hình. Tên thứ ba kể, hắn có con ngựa thần kỳ, nó có thể đi mọi nơi, kể cả đi trên núi thủy tinh. Chúng còn đang do dự, không biết chia tay nhau hay cùng nhau sử dụng những thứ đó.
Nghe xong, chàng nói:
– Giờ tôi muốn đổi lấy ba thứ đó. Tiền tôi không có, nhưng có những thứ khác còn quý hơn tiền. Nhưng trước hết phải cho tôi thử, xem có phải những thứ đó có những phép lạ hay không.
Chúng để chàng ngồi lên ngựa, đưa gậy và khoác áo cho chàng, giờ đây chàng trở thành người tàng hình. Chàng vung gậy vụt tới tấp vào ba tên cướp và nói:
– Nào, lũ đầu gấu, ta trả nợ tụi bay đó! Hài lòng chưa?
Rồi chàng phi ngựa lên núi thủy tinh. Khi lên tới lâu đài, cổng đóng. Chàng cầm gậy gõ vào cổng. Cánh cổng từ từ mở. Chàng bước vào trong, chàng tới căn buồng có một thiếu phụ đang ngồi bên cái ly lớn bằng vàng ròng. Nàng chẳng hay biết chuyện đó vì chàng đã khoác chiếc áo tàng hình. Chàng bước tới trước nàng, rút nhẫn trước kia nàng đã cho chàng ra khỏi ngón tay và ném nó vào trong chiếc ly bằng vàng. Nghe tiếng vang từ chiếc ly bằng vàng. Nàng ngó vào trong ly và nhận ra chiếc nhẫn của mình. Nàng vui mừng reo:
– Đúng là nhẫn của mình rồi. Vậy thì người giải cứu mình đang ở quanh đây.
Nàng tìm khắp mọi nơi trong lâu đài nhưng chẳng thấy chàng trong khi đó thì chàng đã ra ngoài, cởi áo choàng vứt xuống đất và lên ngựa chạy ra phía cổng lâu đài. Nàng cùng gia nhân ra tới thì gặp chàng. Nàng reo lên vì vui mừng. Chàng xuống ngựa và ẵm nàng trên tay. Họ ôm hôn nhau. Nàng nói:
– Giờ thì anh đã giải cứu em. Ngày mai chúng ta sẽ tổ chức hôn lễ.

94. Cô gái khôn ngoan

Ngày xửa ngày xưa có một bác nông dân nghèo, nghèo đến nỗi không có lấy một tấc đất cắm dùi, bác chỉ có căn nhà nhỏ bé và một cô con gái. Một hôm cô nói với bố:
– Có lẽ nhà ta phải đến xin nhà vua ban cho một mảnh đất hoang mới được..
Nhà vua thấy nói họ nghèo nên sẵn lòng ban cho họ một mảnh đất ở cánh đồng cỏ. Nhận đất hai bố con cặm cụi cuốc đất, định gieo ít lúa và trồng hoa màu. Khi họ cuốc đất gần xong thửa ruộng thì lấy được ở dưới đất lên một cái cối bằng vàng. Bố bảo con gái:
– Con thấy không, nhà vua rộng lượng ban cho nhà ta mảnh đất này, vậy nên ta dâng chiếc cối lên nhà vua.
Cô con gái không muốn vậy nên nói:
– Cha ạ, nếu có cối, tất phải có chày, mà chày vàng cùng bộ thì nhà ta không có. Vậy thì tốt hơn là ta làm thinh.
Nhưng ông bố không nghe, ông đem cối dâng vua và nói, trong lúc cuốc đất ông thấy chiếc cối vàng và muốn dâng vua để tỏ lòng biết ơn, kính trọng. Nhận cối vàng, nhà vua hỏi bác nông dân còn tìm thấy gì nữa không. Bác nông dân thưa:
– Muôn tâu bệ hạ, không ạ.
Nhà vua bảo bác nông dân phải mang chày vàng nộp. Bác nông dân thưa chỉ tìm thấy cối vàng, không tìm thấy chày vàng, bác dùng mọi lời để thanh minh cho sự trung thành của mình, nhưng cái đó cũng chả giúp ích gì cả, bác vẫn bị tống giam, chừng nào tìm thấy đem nộp nốt chày vàng thì được tha. Bọn lính canh ngục hàng ngày mang cho bác nước lã và bánh mì – đó là khẩu phần của tù nhân – Lúc nào chúng cũng nghe thấy người đàn ông kia kêu la:
– Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nỗi này, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này.
Lính canh ngục tâu vua về chuyện người tù lúc nào cũng kêu la: “Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này” và không chịu ăn uống gì cả.
Nhà vua truyền cho lính canh dẫn tù nhân đến và thân chinh hỏi tại sao lúc nào cũng la:
– Trời ơi, giá tôi nghe lời con gái thì đâu đến nông nỗi này.
– Thế con gái ngươi nói gì vậy?
– Muôn tâu bệ hạ con gái thần khuyên không nên đem dâng chiếc cối vàng, nếu dâng thì thế nào thần cũng phải tìm cho ta chiếc chày vàng để nộp.
– Con gái ngươi khôn ngoan thật đấy, vậy cho gọi nó tới đây.
Thế là cô gái phải đến. Nhà vua muốn thử xem liệu cô có thật thông minh như lời người cha kể không. Nhà vua bảo sẽ ra cho cô một câu đố, nếu cô giải được thì vua sẽ nhận cô làm cung phi. Cô gái nhận lời ngay, cô sẽ tìm cách giải câu đố. Nhà vua nói:
Hãy đến chỗ ta,
không mặc quần áo,
chẳng phải trần truồng,
không phải lừa ngựa,
chẳng phải đi xe,
không đi trong đường,
chẳng ra lề đường,
nếu ngươi làm được,
sẽ thành cung phi.
Cô gái liền cởi quần áo ra. Cô lấy một chiếc lưới đánh cá lớn, ngồi vào giữa lưới và lăn cuộn tròn lưới quanh người, rồi cô thuê một con lừa, buộc đầu lưới vào đuôi lừa để cho lừa kéo đi, như vậy là không cưỡi lừa mà cũng chẳng phải đi xe. Cô cho lừa kéo đi theo những vết bánh xe để cô đi trên đất bằng hai ngón chân cái, như vậy là không đi ở giữa lòng đường, mà cũng chẳng phải đi ở bên lề đường. Thấy cô gái đến trong tư thế ấy, nhà vua nói ngay là cô đã giải được câu đố cùng những điều kiện đặt ra.
Vua truyền cho thả ngay bố cô gái, nhận cô là cung phi và phó thác cho cô toàn bộ các kho báu trong hoàng cung.
Nhiều năm trôi qua. Một hôm vua đi duyệt binh, tình cờ có một số người nông dân đang bán củi rong, cho xe đổ ở khu đất trước hoàng cung. Đó là những chiếc xe bò và xe ngựa. Có một chiếc xe có hai ngựa kéo và một con đi theo. Trong lúc xe đổ con ngựa con lại chạy ra chỗ hai con bò và chen vào giữa nằm. Khi đám đông dân đi xem diễu binh quay về, đánh lộn làm ầm cả lên.
Người nông dân có bò đòi giữ con ngựa con lại, nói rằng nó chính là con bò mình đẻ ra. Người nông dân kia nói là không phải thế, nói ngựa mình đẻ ra con ngựa con kia, con ngựa con chính là của mình.
Cãi nhau mãi cũng chẳng đi đến đâu, họ kéo đến xin vua xử. Vua xử, ngựa nằm ở đâu thì thuộc về người đó. Thành ra người có bò thắng kiện, nhận được con ngựa con.
Người nông dân thua kiện, lòng ấm ức vừa đi vừa khóc, kể lể chuyện oan ức của mình.
Bác nghe nói, hoàng hậu cũng rất từ tâm, vì bà vốn xuất thân từ lớp nông dân nghèo. Bác tìm đến gặp bà, cầu xin bà giúp đỡ để nhận lại con ngựa con.
Bà bảo:
– Được thôi, nhưng ngươi phải hứa không để lộ chuyện ta giúp ngươi. Sáng mai, khi nhà vua đi duyệt quân ngự lâm, ngươi hãy ra đứng ở giữa đường, nơi vua thế nào cũng đi qua. Ngươi cầm chiếc lưới to, đứng làm ra bộ đang mải tung lưới đánh cá, rồi cũng rũ lưới như trong lưới nhiều cá lắm.
Bà còn bày cho cách trả lời những câu hỏi có thể nhà vua sẽ đặt ra.
Hôm sau, bác nông dân ra đứng ở đó và tung, kéo lưới đánh cá trên cạn. Vua đi qua thấy thế, phái một tên thị vệ hỏi xem cái tên dở người kia định làm trò gì. Người kia đáp:
– Tôi tung, kéo lưới đánh cá.
Thị vệ hỏi tại sao lại đánh cá ở chỗ không có nước. Người kia đáp:
– Hai con bò đực còn đẻ ra được một con ngựa con thì tất nhiên ngay ở trên cạn người ta cũng có thể đánh được cá.
Thị vệ chạy lại tâu trình nhà vua. Vua truyền cho gọi người kia lại, nói là bác nông dân không thể nghĩ ra được trò chơi này cũng như những câu đối đáp kia. Nhà vua muốn biết ai là người đã bày mưu tính kế cho bác, bác nông dân cứ không nói, có trời chứng giám, chính bác nảy ra ý nghĩ ấy. Thị vệ liền túm lấy bác ta, trói lại và tra tấn bác nông dân lúc bấy giờ mới thú tội là hoàng hậu đã bày mưu cho.
Về tới nhà, vua nói ngay với hoàng hậu:
– Sao ái khánh lại dối trá ta, ta không thích có một cung phi như vậy. Ái khanh có thể quay trở về quê cũ được rồi đấy.
Tuy vậy nhà vua cho phép mang theo về quê cái gì mà bà quý nhất, và đó là điều kiện cuối cùng trước khi chia tay. Hoàng hậu nói:
– Thưa phu quân kính yêu, thiếp xin tuân lệnh.
Rồi bà ôm chầm lấy nhà vua, hôn cái hôn từ biệt. Trước khi chia tay bà xin nâng cốc biệt ly với nhà vua. Rượu có pha một liều thuốc ngủ mạnh, khi nhà vua uống cạn chén thì cơn buồn ngủ cũng ập tới, nhà vua ngủ say không hề biết gì nữa. Hoàng hậu chỉ uống có một hớp, bà gọi thị vệ trải lụa trắng, đặt vua vào đó và khênh lên xe. Bà cùng nhà vua đang ngủ đi về quê. Về tới nhà, bà sai thị vệ đặt vua lên giường bà vẫn nằm khi xưa lúc còn ở nhà.
Vua ngủ một giấc dài một ngày một đêm. Tỉnh dậy thấy lạ, nhà vua nhìn quanh hỏi:
– Quái lạ ta đang ở đâu thế nhỉ?
Vua la gọi thị vệ nhưng chẳng thấy bóng dáng tên nào cả. Mãi sau mới thấy hoàng hậu bước tới nói:
– Tâu bệ hạ, bệ hạ có ra lệnh cho thiếp được phép mang ra khỏi hoàng cung về quê cái gì mà thiếp yêu quí nhất. Thiếp thấy không có gì trên đời thiếp yêu quý bằng bệ hạ, vì thế thiếp đã mang theo bệ hạ về quê.
Xúc động mạnh mẽ làm nhà vua rưng rưng nước mắt, nhà vua nói:
– Thiếp yêu quý, tại sao chúng ta lại có thể xa nhau được nhỉ, ta vẫn là của nàng, và nàng là của ta.
Hai người trở lại hoàng cung, làm lễ ra mắt trở lại. Và chắc có lẽ họ còn sống cho đến ngày nay.