Tắt đèn – Chương XIX

Về phía đầu làng, nghe có tiếng còi ô tô toe toe. Rồi đến tù và tu tu đổ hồi. Rồi đến trống cái thong thả điểm từng tiếng một.

Bà lão láng giềng lật đật chạy sang, hớt hơ hớt hải nói với chị Dậu.

– Nhà bác chạy đủ sửu chưa?

Chị Dậu vậm vội:

– Thưa cụ, nhà cháu mới nộp một suất, còn một suất nữa ạ!

– Sao lại phải đóng hai suất?

– Thưa cụ, một suất của thầy con cháu và một suất của chú Hợi nó.

– Anh Hợi chết rồi, còn phải đóng sưu nữa à?

– Vâng, cháu thấy các ông ấy bảo chú nó chết dở năn tây, nên còn phải đóng xuất sưu năm nay. Nếu nó chết chẵn năm tây thì mới được trừ

– Khốn nạn! Người ta chết đã sắp giỗ đầu, anh em còn phải đóng đậy tiền sưu! Sao lại có lệ thế nhỉ?

Bây giờ nhà bác chưa có thì làm thế nào? Nghe như quan đã về đấy!

– Phải, cháu cũng đoán chừng quan Phủ đã về. Nhưng không có tiền thì phải khất vậy. Cụ bảo làm thế nào được?

Bà lão ái ngại trở ra.

Cháo chín, chị Dậu bắc mang ra giữa nhà, ngả mâm bát múc ra la liệt. Rồi chị lấy quạt cho chóng

nguội.

Tiếng trống và tiếng tù và đã thủng thẳng đưa nhau từ phía đầu làng đến đình.

Tiếng chó sủa vang các xóm.

Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang:

– Bác trai đã khá rồi chứ?

– Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề, lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm

– Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm dề dề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn?

– Vâng, cháu cũng đã nghỉ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã.

Nhịn xuông từ sáng hôm qua đến giờ còn gì.

– Thế thì phải giục anh ấy ăn mau mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa keo vào rồi đấy!

Rồi bà lão lại lật đật trở về với vẻ mặt băn khoăn.

Cháo đã hơi nguội.

Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt.

Chị Dậu đón dén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm:

– Thầy hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.

Rồi chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó, như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không.

Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng. Cai lệ và người nhà lý trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.

Gõ đầu roi xuống đất, Cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều sái cũ;

– Thằng kia, ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp nốt tiền sưu! Mau!

Hoảng quá anh Dậu vội để bát cháo xuống phản, lăn đùng ra đó, không nói được một câu gì. Người nhà lý trưởng cười cách mỉa mai:

– Anh ta sắp phải gió như đêm qua đấy!

Rồi hắn chỉ luôn vào mặt chị Dậu:

– Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không? Ðấy chị hãy nói với ông Cai, để ông ấy ra đình kêu với quan cho! Chứ ông Lý tôi thì không có quyền dám cho chị khất một giờ nào nữa.

Chị Dậu run run:

– Nhà cháu đã túng, lại phải đóng cả xuất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà nước đâu! Hai ông làm phúc nói với ông Lý hãy cho cháu khất….

Cai lệ không để cho chị được nói hết câu, trợn ngược hai mắt, hắn quát;

– Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước, mà dám mở mồm xin khất

Chị Dậu vẫn cố thiết tha:

– Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại

Cai lệ vẫn giọng hằm hè:

– Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ rỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à

Rồi hắn quay ra bảo anh người nhà Lý trưởng:

– Không hơi đâu mà nói với nó, trói cổ thằng chồng nó lại, điệu ra đình kia Người nhà Lý trưởng hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì, hắn cứ lóng ngóng ngơ ngác, muốn nói mà không dám nói. Ðùng đùng, Cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ Anh Dậu

Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con bé con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:

– Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho

– Tha này, tha này!

Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu, mấy bịch, rồi lại sấn đến để trói anh Dậu

Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại

– Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.

Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhẩy vào cạnh anh Dậu, Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà Lý trưởng sấn sổ bước đến, huơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chành “hầu cận ông Lý” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

Anh Dậu sợ quá muốn dậy can vợ, nhưng mệt đắm ngồi lên lại nằm xuống, vừa run vừa rên:

– U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù phải tội.

Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận;

– Thà ngồi tù. Ðể cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…

Người nhà lý trưởng hết cơn lặng cá, lóp ngóp bò dậy hắn chỉ vừa thở vừa chửi chị Dậu, không dám động đến thân thể chị nữa. Chị Dậu lại đón cái Tỉu vào lòng, và cũng sa sả chửi giả.

Anh Dậu không biết làm thế nào mà can đôi bên, chỉ nằm mắng vợ và xin lỗi ông… người nhà Lý trưởng.

Một hồi hiệu ốc rú từ ngoài đình rúc vào. Mấy bác tuần phu gậy tầy mã thò theo chân Lý Trưởng, Cai lệ kéo đến. Thì ra trong lúc chị Dậu và anh người nhà Lý trưởng vật nhau, Cai lệ đã chạy thoát ra đình báo với Lý trưởng. Lý trưởng liền đem tuần phu vào bắt vợ chồng chị Dậu. Họ đã giảng giải ra đình hầu quan tất cả tiếng rên của người ốm, tiếng khóc của hai đứa trẻ con, và tội cán của người đàn bà táo bạo.

Tắt đèn – Chương XX

Ðôi lọng xanh nằm tráo đầu đuôi trước cửa đại đạo. Cái trống cái và cái đòn tre chơ chỏng lăn bên tường bao lan. Chín, mười lá cờ rũ rợi, rủ dưới giọt đình. Một đoàn giáo, mác loi thoi chĩa mũi nhọn trên mái giải vũ.

Quang cảnh ngoài đình hôm nay khác hẳn hôm qua. Phó lý, Trương tuần cũng như tộc biểu, tuần phu, tuy không phải làm việc gì, ai nấy vẫn sơ tóc gáy chạy xuôi chạy ngược. Phó hội, thủ quỹ đối nhau với thư ký, chưởng bạ, mỗi người khoanh tay đứng tựa mỗi cột, dáng bộ len lét như rắn mồng năm. Chánh tổng ngồi ngáp vặt cạnh bức câu lơn, con ruồi đậu mép không muốn đuổi. Chánh hội luôn tay giở cuốn sổ thuế, hai mắt vẫn lấm lét trông đi đằng nào.

Vợ chồng chị Dậu không can đảm hơn thằng Dần, vừa ló mặt lên thềm đình, đã mất vía về bộ râu của quan phụ mẫu.

Cái râu mới lạ làm sao! Nó đen như vệt hắc in và cong như cái lưỡi liềm. Nó nhọn như mũi dùi nung và bầu như đầu dao trổ. Nó khum khum quắp lấy hai mép, giống như hai cái cánh dơi. Nó vất vểu vểnh ra hai mang tai, gần như hai sừng củ ấu. Nó chầu đầu ở dưới ống mũi, như sắp chui vào trong cái mũi dọc dừa. Nó lại giúp cho cái mồm lèn bèn thêm sự dữ dội.

Nếu không biết quan phủ xuất thân từ chức thông phán, người ta sẻ tưởng ngài được làm quan chỉ vì bộ râu.

Và nếu không rõ là ông quan, người ta lại có thể lầm ngài với ông cai xe hay ông cai thầu khoán.

Dựa tay vào mặt cái bàn phủ tấm thảm đỏ của tế chủ vẫn thường đứng lễ, quan Phủ ngất ngưởng

ngồi vào chiếc chiếu cạp đỏ trải trên ghế ngựa quang dầu. Dưới vành khăn xếp nhiễu tây, cái mặt

phèn phẹt luôn luôn hằm hằm như sắp rơi xuống sàn đình đánh “huỵch”

Cạnh ngài, một tên tuần đinh lực lưỡng vác cái quạt lông đứng đằng xa xa phẩy vào.

Trước ngài, thầy Thừa và anh Nho đều mướt bồ hôi với mấy cuốn biên lai thu thuế của Lý trưởng.

– Bẩm ông lớn! “thừa” lệnh ông lớn, chúng con và tên người nhà Lý trưởng vào nhà tên Nguyễn Văn Dậu bắt nó đem tiền nộp sưu, vợ tên ấy muốn tháo cho chồng, nó đánh con, đánh cả tên người nhà Lý trưởng, hiện có Lý trưởng cùng bọn tuần phu đều biết. Lạy ông lớn, xin ông lớn…

Cai lệ chưa nói hết câu, Lý trưởng đứng ở đằng sau vội vàng cướp lời:

– Bẩm ông lớn, con mẹ ấy tên là Thị Ðào, nó bướng bỉnh thứ nhất làng con. Năm, sáu hôm nay, hôm nào chúng con cũng sai người nhà đến giục tên Nguyễn Văn Dậu đóng sưu, nó xui chồng nó nhất định không đóng. Chúng con bảo nó thuế sắp đăng trường, nếu không đóng sẽ phải trình quan phụ mẫu, nó nói quan phụ mẫu nó cũng không cần. Hôm nay “thừa” bóng ông lớn về đây, anh Cai lệ và người nhà con vào đốc, nó dám đánh lại tất cả. Hiện mắt chúng con và nhiều người nữa trông thấy. Ông lớn là đèn trời, xin ông lớn xét tình chúng con, bắt nó bỏ tù, chúng con và anh Cai lệ được đội ơn ông lớn.

Quan Phủ vểnh cái mặt nặng trịch và đập tay xuống mặt bàn:

– Không đóng sưu! Lại đánh cả lính! Nó định làm giặc à? Bắt cổ ra đây!

Một tiếng dạ vang năm gian đình. Vợ chồng chị Dậu và hai đứa bé xềnh xệch lên đình theo đầu thừng trong tay Lý trưởng.

– Bẩm ông lớn, chúng con đả giải tên Dậu và Thị Ðào ra hầu ông lớn!

Dứt lời Lý trưởng, quan Phủ giương đôi mắt trắng rã, nhìn vào mặt anh Dậu:

– Mày định trốn sưu của nhà nước? Thằng kia?

Anh Dậu run như cầy sấy:

– Bẩm lạy quan lớn, tiền sưu con đã nộp rồi.

Quan Phủ quát hỏi Lý trưởng:

– Nó đã nộp rồi, sao mày bảo nó chưa nộp?

Lý trưởng vội kêu:

– Bẩm ông lớn, tên ấy “man” cửa ông lớn, thực quả tên ấy chưa nộp…

Quan Phủ không để cho Lý trưởng hết lời, ngài vặn anh Dậu:

– Mày nộp rồi thì biên lai đâu?

– Bẩm lạy quan lớn, con không lấy giấy biên lai, nhưng khi nộp có cụ Chánh tổng, ông Thủ Quỹ và các ông chức dịch cùng biết…

Quan Phủ nhìn mặt Thủ quỹ và Chánh tổng:

– Các thầy có trông thấy nó nộp sưu cho Lý trưởng không?

Thủ quỹ ngó trộm Lý trưởng rồi thưa:

– Bẩm ông lớn, đêm qua, Thị Ðào có nộp anh Lý chúng con hai đồng bẩy hào tiền chinh, anh Lý chúng con giao cho chúng con đếm lại…

Xen vào câu nói của Thủ quĩ, thằng Dần kéo vạt áo mẹ và giục:

– U đem con về mau lên. Con chả ở đây nữa! Nào!

Quan Phủ trừng mắt và quát Lý trưởng:

– Sao lại cho nó giắt cả con nít lên đấy? Ông thì đập vào mặt mày bây giờ!

Sắc mặt sám như gà cắt tiết, Lý trưởng vội vàng một tay giằng sấp cái Tỉu trên tay chị Dậu, một tay túm đầu thằng Dần, đưa xuống thềm đình, rồi đem tít ra ngoài cổng đình, giao cho đứa lớn ngồi giữ đứa bé.

Hai đứa cùng khóc ngặt nghẽo, thằng Dần nheo nhéo gọi u. Mặc kệ chúng nó ở đấy, Lý trưởng lại quay lên đình.

Quan phủ đương hỏi Thủ quĩ:

– Tiền đếm rồi mày đưa cho ai?

– Bẩm quan lớn, con đưa cho anh Lý chúng con.

Lý trưởng nói đón:

– Số tiền ấy mới là xuất sưu của thằng Hợi.

Quan phủ cau mày:

– Thằng Hợi là tên nào? Sao thằng Dậu lại phải nộp sưu cho nó?

– Bẩm ông lớn, tên Hợi là em ruột anh Dậu. Hắn chết từ đầu tháng giêng… Vì tên Dậu là thân nhân của hắn, cho nên chúng con bắt phải nộp thay.

Quan phủ hỏi gặng:

– Thế làm sao mày lại không đưa biên lai cho nó? Ðịnh thu lạm thuế phải không?

Rồi ngảnh lại nhìn viên thừa phái, quan Phủ nói bằng giọng nghiêm nghị:

– Thầy thảo biên bản, nói rằng nay tôi về đây khám thuế, bắt được Lý trưởng thu thuế của tên Dậu mà không biên nhận cho nó. Rồi bảo Chánh tổng ký vào. Nghe không?

Sau tiếng dạ gọn ghẽ của viên thừa phái, Lý trưởng chắp tay đến cạnh quan Phủ và gãi tai;

– Bẩm ông lớn, chúng con là tôi con ông lớn, xin ông lớn thương… thực quả chúng con tình oan.

Quan phủ càng ra bộ giận dữ;

– Vụ thuế này mày kiếm được của những đứa ngoại canh được mấy trăm đồng… Còn chực thu lạm của thằng cùng đình! Ông thì cách cổ…!

Lý trưởng lại nằn nì nhắc lại câu vừa mới nói:

– Bẩm ông lớn, chúng con là tôi con ông lớn, xin ông lớn thương… thực quả chúng con tình oan.

Quan phủ dịu giọng:

– Mai lên phủ hầu. Nghe không?

Lý trưởng dạ một tiếng dài, rồi khúm núm đi lùi trở ra.

Quan phủ hỏi đến chị Dậu:

– Mày đánh lính và người nhà Lý trưởng để tháo cho chồng mày trốn sưu phải không?

Chị Dậu cất giọng run run:

– Bẩm lạy quan lớn, con không đánh các ông ấy, vì các ông ấy định đánh chồng con, con sợ chồng con đương ốm mà lại phải đòn thì chết, nên con phải can.

Lý trưởng nói sen;

– Bẩm ông lớn, đích thị ấy có đánh người nhà chúng con và anh Cai lệ, mắt con trông thấy.

Quan phủ gạt đi:

– Im cái mồm! Không ai hỏi mày!

Rồi ngài lại dồn chị Dậu:

– Mày can, tức là mày đánh nhau với chúng nó… À! Con này dám chống cự với lính trong khi làm phận sự! Muốn vào tù

Chị Dậu nín lặng, không biết nói sao, Quan phủ cất giọng hách dịch:

– Cho ra ngoài kia!

Thầy Thừa vừa thảo xong tờ biên bản, đệ lên trước mặt quan phủ. Nhìn qua biên bản một lượt, quan phủ bảo Chánh tổng đóng triện và mấy người hương chức ký tên làm chứng. rồi ngài mới kiểm đến thuế.

Trước mặt Chánh tổng và các hương chức, Lý trưởng đổ tráp bạc cho thầy Thừa đếm. Tất cả bạc giấy, bạc hào mới được sáu trăm và ba chục đồng. So với tiền đã biên trong sổ Lý trưởng, thì dội ra đến hai chục đồng.

Quan phủ đập tay xuống bàn và dọa lý trưởng:

– Mày không thu lạm, làm sao tiền thuế lại thừa? Xong vụ thuế này, ông thu bằng triện.

Lý trưởng sợ tái mặt, chỉ núc hau tay như người bắt quyết và nói đi nói lại một câu “xin ông lớn thương”

Quan phủ đổi giọng ngọt ngào:

– Mai lên phủ hầu! Giải cả con vợ thằng Dậu lên nữa. Nghe không?

Rồi ngài chững chạc đứng dậy, đi xuống giọt đình.

Tù và, trống cái và cờ quạt lũ lượt tiễn ngài lên phía đầu làng.

Tắt đèn – Chương XXI

Tan buổi hầu kiện, chị Dậu lật đật chạy xuống cổng đình tìm con. Không thấy đứa nào ở đấy. Chị sợ quá, cuống quít đi hỏi những người gần quanh. Thì ra trong lúc chúng nó bị ông Lý trưởng điệu xuống bỏ đó, một người đàn bà trong làng đi qua trông thấy thương hại, đã bế cái Tỉu cho bú và giắt thằng Dần đưa đến tận nhà chị rồi.

Không kịp đợi chồng, chị vội bon luôn về nhà với con.

Cái Tỉu bú no, nằm ngủ thin thít. Thằng Dần đương bưng bát cháo vừa thổn thức vừa húp soàn soạt.

Chị Dậu bước vào đến thềm, thằng bé chợt ngửng đầu lên. Nó khóc òa lên và hỏi:

– Thầy em đâu rồi, hử u?

Chị Dậu xua tay:

– Nói sẽ chứ! Cho em nó ngủ! Thầy con đương về sau đấy!

Rồi chị rón rén bước vào trong nhà.

Bà lão láng giềng vừa sang:

– Thế nào? Bác không bị bắt lên phủ, lại được tha về đấy ư?

Vừa nói, bà lão vừa nhanh nhảu tiến lên trên thềm và ngồi vào chiếc chõng nát, rồi tiếp;

– Tôi cũng khen cho bác ngỗ nghịch! Ai lại một người đàn bà con mọn, dám đánh hai người đàn ông?

Nếu phải đứa khỏe, chúng nó đánh lại thì làm thế nào?

Cái Tỉu thức giấc và khóc ngằn ngặt. Chị Dậu vừa đón con bé vừa tiếp bà khách:

– Cháu cũng biết rằng đàn bà hành hung như thế là hư thân lắm, chứ không hay gì. Nhưng mà chúng nó đè én chúng cháu tệ quá, cháu đã cố nhịn mà không nhịn được. Cụ tính nhà cháu đau ốm như thế, mà cả hai đứa, cứ xông vào đánh, thì phỏng còn gì là người! Vì thế cháu phải liều với chúng nó.

Bà lão giở gói trầu thuốc đưa cho chị Dậu một miếng;

– Nói vậy thì nói, chứ cái thói tàn ác của quân lính lệ, ai mà chịu nổi? Tôi là người ngoài, nghe chuyện cũng còn tức thay, huống chi bác! Thế công việc bây giờ ra sao?

Chị Dậu đón lấy miếng trầu và đáp:

– Quan bảo cho về, ngày mai lên hầu.

Bà lão lại hỏi:

– Bác trai đi đâu chưa về? Hay lại bị giải lên phủ rồi chăng?

– Không!…

Chị Dậu đương nói giở câu thì ngoài cổng nghe có tiếng rên hầm hừ. Anh Dậu lẩy bẩy tiến vào trước thềm với bộ mặt đỏ gay như người đun bếp.

Chào qua bà lão láng giềng, rồi anh run rẩy chống tay vào gối để bước lên thềm. Chị Dậu vội vàng bỗng con đứng dậy, cầm cánh tay chồng kéo lên.

Bà lão láng giềng ra ý ái ngại:

– Khốn nạn! Bác lại lên cơn sốt rét đấy ư?

Anh Dậu lò dò đi vào trong phản, ngả mình xuống cạnh thằng Dần, vừa thở vừa nói:

– Vâng! từ nãy đến giờ, cháu thấy trong mình gây gấy, hình như nó lại sắp sửa lên cơn rồi đấy Thằng Dần ăn cháo đã xong. Nó mang đũa bát ra sân bỏ vào nồi nước vo gạo. Chị Dậu đưa cái Tỉu cho bà lão láng giềng:

– Cháu hãy gửi cụ một lát!

Rồi chị bưng mâm cháo đặt lên bàn thờ ông công, và ngồi vào cạnh anh Dậu:

– Thầy em có dức đầu không? Ðể tôi nặn cho cái nào!

Anh Dậu xua tay và rên khừ khừ:

– Thôi, tôi mệt lắm. Ðể tôi nằm nghỉ một lát. U nó ra mà ẵm con, để cụ…

Bà lão láng giềng vội đón:

– Ðược! Hôm nay tôi cũng thong thả. Cứ để tôi ôm cháu cho. Bác gái có đi làm gì cứ đi!

Chị Dậu sẽ sàng đứng dậy:

– Thế thì cháu hãy quấy cụ lúc nữa.

Vừa nói, chị vừa chạy ra cuốn chiếc chiếu rách cái Tỉu đái ỉa hôm qua, đem ra ao giặt.

Anh Dậu vừa rên vừa tiếp bà lão;

– Cháu không ngờ những thằng lính lệ nó ác đến thế. Sáng ngày nếu không có nhà cháu cự lại với nó, có lẽ nó sẽ đánh cháu đến chết.

Bà lão nhổ bãi cốt trầu xuống thềm:

– Thôi! Còn phải kể! Bạc thì dân, bất nhân thì lính. Tục ngữ nói có sai đâu. Ấy là nhà bác không có gì nữa. Chứ nếu trong nhà còn có con gà, con chó, chúng nó cũng đập chết mà ăn với nhau, không tha cho đâu. Bây giờ những đứa ấy còn ở đây hay là đi rồi?

– Hình như nó đã theo quan về phủ thì phải

– Bác gái đã chạy được nốt số tiền sưu chưa?

– Thưa cụ chưa. Từ sáng hôm qua đến giờ, nó những lật đật về cháu, chạy vào đâu được! Khốn nạn!

Cái thân đàn bà như nó, thật là khổ sở đủ đường.

Rồi anh dấp dính nước mắt.

Bà lão thỏ thẻ yên ủi:

– Thấy tình cảnh nhà bác, tôi thật ái ngại. Nhưng thôi, sông có khúc, người có lúc, mình cứ ăn ở hiền lành, rồi cũng có ngày trời mở cửa cho!

Bóng nắng vừa đến giọt nhà. Chị Dậu ở ngoài ao về với chiếc chiếu ướt và một nắm lá.

Sau khi đã vắt chiếc chiếu lên cõi rào, chị đem nắm lá thả trong một chậu nước lạnh rồi đặt vào

gậm bàn thờ

Bà lão hỏi:

– Lá dành, lá ruối phải không?

Chị Dậu nhanh nhảu:

– Phải. Cháu thấy người ta mách rằng: Những người sốt rét, cứ lấy hai thứ ấy vò ra, phơi sương mà uống, bệnh nặng đến đâu cũng khỏi. Vậy cháu thử làm cho nhà cháu uống xem sao.

Bà lão ra ý vui vẻ:

– Ừ! Tôi cũng thấy nói lá dành lá ruối chữa bệnh sốt rét hay lắm. Thế mà tôi cứ khuấy quên, vẫn không nhắc bác.

Rồi nhả miếng bã trầu trong miệng và ném xuống sân, bà lão hỏi tiếp:

– Từ sáng đến giờ, các bác đã ăn gì chưa?

Chị Dậu đến cạnh bà lão để đón cái Tỉu và đáp:

– Nào đã ăn vào lúc nào hở cụ? Sáng ngày nhà cháu vừa bưng bát chái đến miệng, thì họ kéo vào….

– Thế thì để tôi hãy ẵm cháu cho. Bác đi lấy cháo cho bác trai ăn, kẻo nữa bác ấy đói quá.

Anh Dậu ngắt lời:

– Cháu đắng miệng lắm, không muốn ăn uống gì cả

Bà lão cố bầu:

– Phải cố ăn đi mới được, bác ạ! Chẳng ăn nhiều thì ăn ít. Chứ cứ nhịn mãi thì sức yếu đi, bệnh càng nặng thêm. Và lại, ăn cháo cũng không độc đâu mà sợ.

Chị Dậu nói theo:

– Cụ bảo phải đấy! Thầy em cố ăn vài miếng cho đỡ xót ruột. Kẻo nữa, đã ốm lại đói thì chịu làm sao!

Rồi chị bưng một bát cháo đến cạnh chồng và nằn nì:

– Nào, thầy em gượng dậy ăn đi, cho tôi bằng lòng.

Anh Dậu như nể lời vợ, uể oải ngồi dậy, anh đón bát cháo, nhắm mắt nhám mùi, cố húp gần hết nửa bát, rồi kêu đắng lắm không nuốt được nữa.

Bà lão lại khuyên chị Dậu:

– Bác gái cũng phải ăn đi, để lấy sửa cho cháu nó bú. Mình đà vậy, còn con. Ðàn bà con mọn cần nhất phải ăn cho đủ thì mới có sữa. Nếu không đủ, thì con hay sài.

Anh Dậu cũng dề đà giục vợ:

– Cháo sắp vữa cả rồi đấy. U nó ăn cho hết đi. Rồi đi chạy cố mấy đồng nữa.

Chị Dậu nhắc mâm cháo xuống phản. Bớt lại một bát, chừng muốn để dành cho thằng Dần, rồi chị vừa húp chập cuội vừa ứa nước mắt:

– Ngày nay nhờ cụ cho vay, còn có cái ắn, ngày mai thì trông vào đâu?

Bà lão láng giềng ra vẻ cảm động:

– Trời sinh voi, trời sinh cỏ, sợ gì! Bên kia còn nửa nồi gạo nữa, tôi chưa ăn đến. Lát nữa bác đem thúng sang, tôi hãy cho vay. Khi nào bác trai khỏe mạnh trả tôi cũng được.

Ngoài cổng có tiếng hiệu rúc. Ðàn chó hàng xóm thi nhau sủa từ phía ngoài sủa vào. Lý trưởng với cây gậy song và hai người tuần hùng hổ xông đến trước nhà. Chỉ gậy vào mặt anh Dậu, hắn quát:

– Sưu đâu? Thằng kia? Ðem nộp nốt đi!

Bà lão láng giềng nhanh miệng khất hộ:

– Bác ấy vừa ở đình về, làm gì đã có? Ông hãy làm ơn để cho người ta đến mai.

Lý trưởng mắng như tát nước:

– Không việc gì đến bà! Mà chõ mồm vào đấy. Nó không có, thò tôi dỡ nhà nó đi cho mà xem.

Rồi hắn chỉ gậy vào mặt chị Dậu;

– Chỉ vì vợ chồng nhà mày để quan hành ông… Ông hạn cho mày từ giờ đến tối nếu không chạy đủ hai đồng bẩy nữa, thì mày sẽ biết tay ông!

Tắt đèn – Chương XXII

Thằng Dần cái Tỉu hãy còn ngủ say. Chị Dậu bưng bát nước lá dành lá duối cho anh Dậu uống, rồi chị ngả mâm, lấy bát, ra bếp bắc cơm. Hôm nay có gạo của bà láng giềng cho vay, chị định nấu cơm ăn sớm, để chốc nữa còn phải lên phủ hầu quan.

Anh Dậu trong mình hơi tỉnh, nên cùng ngồi ăn với vợ. Nhưng anh nhỏ nhẻ nhai không buồn nuốt, chỉ ăn vài miếng lại thôi. Chị Dậu cũng mới và hết một bát, thì Lý trưởng vừa sầm sập vào với hai người tuần và một sợi dây thừng.

Hắn xông đến chỗ chị Dậu và nói thật lớn;

– Ðứng dậy, đi lên phủ!

Chị Dậu phát cáu;

– Lên phủ thì lên. Tôi có trốn đâu? Nhưng ông hãy để cho tôi ăn xong bữa cơm cái nào!

Lý trưởng sừng sộ:

– Mày chẳng ăn xong thì mặc kệ mày. Việc quan ông cứ đúng phép ông làm.

Rồi hắn đùng đùng sấn lại, túm tay chị Dậu lôi dậy và thét hai người tuần.

– Trói cổ nó lại, điệu đi cho ông!

Bát cơm trên tay chị Dậu đổ lật xuống mâm đánh xoảng, cơm canh bắn tung khắp nhà.

Cái thừng trong tay người tuần tức thì bị lồng vào hai cánh tay chị Dậu và gò ra đằng sau lưng.

Anh Dậu nhìn vợ bằng những giọt nước mắt thánh thót.

Lý trưởng trừng trợn hạch lạ:

– Còn đời mày nữa. Từ giờ đến trưa nếu không nộp nốt tiền sưu, thì ông trẻ xác ra cho. đừng lấy ốm mà lần khân với ông!

Cái Tỉu trong buồng giật mình thức dậy, khóa chu, khóc chéo như bị beo ngắt Chị Dậu dấn dịu với Lý trưởng:

– Xin ông làm phúc để tôi cho cháu nó bú cái đã…

Lý trưởng hùng hổ chĩa bàn tay vào mặt chị Dậu:

– Ông thì vã cho vỡ mồm bây giờ! Mày nói cho cha mày nghe đấy à! Sắp đi hầu quan, còn đòi ở nhà để cho con bú. Dễ ông đứng đây đợi mày đấy chắc?

Thế là hắn túm đầu thừng đẩy sấp đẩy ngửa chị Dậu xuống thềm. Vừa đi hắn vừa sa sả chửi mắng.

Tới đình, hắn sai tuần phu trói chặt chị Dậu vào một cột đình. Thằng Mới lễ mễ bưng mâm lòng

lợn đậu phụ đặt vào chiếc chiếu giữa đình Lý trưởng ngồi xếp bằng tròn bên cạnh bao lan, vừa uống rượu vừa cà giêng cà tỏi:

– Con mẹ đĩ Dậu! Mày đã biết nhục chưa con! Ông còn làm cho bõ ghét mới thôi Chị Dậu lúc ấy hình như tức quá, sắc mặt tái xanh, chỉ cúi gầm xuống, không nói gì cả. Lý trưởng lại kè nhè:

– Chỉ vì vợ chồng nhà mày, cho nên hôm qua quan mới hạch ông, mày có biết không? Việc này chưa biết ông sẽ lo liệu thế nào cho xong. Có lẽ hơn trăm đồng bạc kiếm được trong vụ thuế này, ông phải đổ đi… vì mày tất cả…

Rồi hắn đập tay xuống sàn đình!

– Mày làm hại ông đến thế, chứ còn đến thế nào nữa! Con mẹ kia! Ông giết chết mày cũng không oan mà!

Cứ thế, cứ cái giọng ấy, hắn lảm nhảm một mình cho đến khi chai rượu đả hết già nửa.

Chị dậu chừng cũng không muốn giây với kẻ say, cho nên hắn nói thế nào mặc hắn, chị cứ giả điếc làm lơ.

Mặt trời lên khỏi ngọn tre độ một con sào

Mấy đĩa đậu phụ, lòng lợn trong mâm đã sạch ngoen ngoẻn. Bấy giờ Lý trưởng mới chịu bo mâm đứng dậy, trong miệng còn nhồm nhoàm nhai dở miếng cơm trưới với nước mắm.

Không kịp chùi miệng, uống nước, hắn gọi một người tuần phu và giục:

– Trưa quá rồi! Giải cổ nó đi, không thì lỡ buổi hầu sáng.

Chị Dậu được thoát ly cái cột đình để theo hắn và người tuần phu lên phủ.

Trời đương nắng gắt, tự nhiên thấy tối sầm lại. Một đám mây đen lù lù tiến từ phía Nam lên phía Bắc. Chân trời nhấp nhoáng hiện mấy luồng chớp. Tiếng sấm sét theo cơn giông đồng thời kéo đến. Nước mưa đổ xuống ầm ầm.

Bởi đường đi trong một cánh đồng không, ca bọn đều không có chỗ mà ẩn. Lý trưởng tuy có cầm ô nhưng cũng bị ướt lướt sướt như chị Dậu và người tuần phu. Vì ô của hắn tức là một món trang sức, chỉ dùng để làm giá ngự chớ có giương được bao giờ.

Với cơn căn tức của hắn, sự rủi ro ấy không khác gì lửa cháy thêm dầu, hắn càng lèm nhèm chửi mắng chị Dậu.

Nước mắt theo nước mưa chảy xuống dàn dụa, chị Dậu không biết than thở cùng ai, thỉnh thoảng chị chỉ kêu trời cho hả.

Một lát sau, gió im dần, mưa tạnh dần, trời cũng quang dần, rồi thì ánh nắng lại ở trên đầu dọi xuống như thiêu như đốt.

Tới cổng phủ, các quần áo ướt vừa khô. Nhưng đã tan buổi hầu sáng, Lý trưởng phải dẫn chị Dậu vào trong hàng cơm để đợi buổi hầu chiều.

Cố nhiên trong mùa sưu thuế, hàng cơm phố phủ vẫn phải đông khách hơn các ngày thường. Trên những giẫy phản ken liền, trên những chiếc tràng kẻ giát nứa, người nọ chen vai người kia. Họ ăn, họ uống, họ nói chuyện, họ cãi lý sự với nhau. Chỗ này gọi cơm, chỗ kia gọi rượu, chỗ khác lại gọi nước mắm. Thằng nhỏ nhà hàng cuống cẳng chạy không kịp. Mùi tỏi, mùi rượu, mùi mắm tôm hòa với mùi bồ hôi của những người đã lâu không tắm, làm thành một bầu không khí khó tả, ai không quen ngửi sẽ phải buồn nôn.

Chị Dậu với sợi thừng gò ở hai cánh tay vẫn ngồi do gió dưới chân cột để nghe những tiếng chửi của Lý trưởng mỗi khi có người hỏi hắn lên phủ làm gì.

Ruột chị lúc ấy như bị đứt ra từng đoạn.

Chồng ta hôm nay có dứt cơn sốt rét hay không? Cái Tỉu từ sáng đến giờ xin bú ai được? Thằng Dần có chịu chơi ngoan hay lại gào khóc quấy bố? Cái Tý ở nhà lão Nghị có được yên thân hay vẫn bị chửi bị đòn?

Bấy nhiêu câu hỏi kế tiếp nhau quấy rối ở trong óc, nó làm cho chị lúc nào hai mắt cũng đỏ ngầu ngầu.

Thình lình trong hàng có tiếng nói lớn:

– Bà này nghiệt quá! còn để chúng tôi vào hàng nữa thôi?

Giật mình, chị vội ngẩng mặt trông lên.

Trước một đống ô vá nũm và không tay cầm, bà hàng đương co kéo mấy ông tổng lý, nhất định

không cho đi ra. Một ông trong bọn chỉ vào đống đồ vật ấy và nói:

– Thiếu có hai hào rưỡi bạc, chúng tôi đã gàn mười một cái ô, mà bà vẫn không bằng lòng, thật không biết điều chút nào.

Nhà hàng vẫn khăng khăng một mực:

– Các ông bảo mười một cái ô bán cho ai được hai hào rưỡi? Nếu không cho tiền thì các ông phải để cho tôi một cái áo the kha khá lại đây. Chứ tôi giữ ô của các ông để làm “gắp chả” dõi à!

– Nhưng mà chúng tôi còn phải hầu bây giờ. Ðể áo the đây thì khoác cái áo cánh nâu mà vào quan ư?

– Tôi không biết. Nếu không gửi áo thì các ông phải trả tiền tôi.

Cả bọn ngơ ngác nhìn nhau, ông kia gắt ông nọ:

– Tôi đã bảo đừng lấy thêm chai rượu sau nữa, thì có việc gì phải lôi thôi thế này. Thật là xấu với hàng phủ.

Một ông liền móc dạ cá lôi ra một khối đồng vuông đưa cho nhà hàng và nói:

– Gần năm trăm đồng bạc mới được cục đồng này đây. Tôi hãy gửi bà, chiều mai tôi xin đem tiền lên chuộc.

Trong phủ, tiếng trống thong thả điểm luôn ba hồi. Những ông hương lý tấp nập đem bộ mặt đỏ vào hầu. Lý trưởng Ðông xá cởi trói cho chị Dậu, rồi đưa chị vào phủ.

Hắn chỉ cho chị ngồi vào dưới một gốc bàng ở trước công đường, để chờ khi quan hỏi đến.

Lần này là lần đầu chị chàng nhà quê được biết cửa công. Trước tai, mắt chị, cái gì cũng lạ. Lạ nhất là trong buồng giấy của quan phủ, luôn luôn đưa ra những tiếng “bẩm tỉnh” “cách cổ” và “bỏ tù”, và những người đến đó ai cũng vào với một cái đĩa không, rồi lại ra với một cái đĩa không.

Mặt trời đã xế. Lý trưởng Ðông Xá mới được vác cái đĩa không đến trước bàng quan phủ. Sau một hồi thét lác của ông “phụ mẫu”, anh ta lầm rầm nói vài, bốn câu gì đó, rồi hắn chạy ra gốc bàng, dẫn chị Dậu đến trước nhà giấy.

Liếc mắt nhìn qua chị dậu, quan phủ dõng dạc:

– Lính đâu, giam cổ con này xuống trại!

Tắt đèn – Chương XXIII

Phía sau công đường, chợt có tiếng còi toe toe. Tiếp luôn đến tiếng máy chạy sình sịch. Một chiếc ô tô mui kính từ nẻo nhà tư từ từ bò ra đậu ở phía trước công đường và chìa đầu ra ngoài cổng phủ.

Sau bức chấn song của cửa sổ trại lệ, chị Dậu thình lình nhòm ra.

Với quan phủ đi kèm bên cạnh, một người đàn bà từ thềm gạch hoa bước xuống bằng bộ điệu vùng vằng giận dỗi.

Chiều trời tuy đã gần tối, sức mắt chị Dậu còn đủ nhận rõ hình dạng và nhan sắc người đàn bà ấy.

Cái xác đẫy đà như không chịu nổi sự chật hẹp của tấm áo bom bay mầu xanh, đôi vú vẫn thỗn thện lộ ra trước ngực. Trong chiếc khăn tua quấn xòa từ đầu đến cổ, lượt phấn rầy bự che không kín hai nét răn lớn trên tô cập môi son.

Ðến cạnh ô tô, người đàn bà ấy mở cái “bị da” lấy chiếc gương con soi mặt Quan phủ nhanh nhảu mở một cánh cửa ô tô và giục;

– Thôi mợ lên xe đi đi! Kẻo nữa tối nay thứ bẩy, ngài lại đi chơi đâu chăng.

Người đàn bà làm bộ dằn dỗi;

– Thân tôi thật là nhục hơn con chó. Những đứa giăng há chẳng qua nó cũng thế này.

Quan Phủ ngọt ngào;

– Sao mợ lại nói thế nhỉ? Ðã hay rằng mợ không ưa sự đó, nhưng cái đời nó như thế, người ta thế mình cũng phải thế. Tôi còn chịu được nữa mợ! Tục ngữ đã nói “giầu về bạn, sang về vợ” năm nay mà tôi được thăng, tức là công mợ…

Quan phủ ngừng lại giây lát để nhìn mặt người đàn bà ấy và tiếp:

– Vả lại… đâu vẫn đấy, nào mình có mất một chút gì đâu.

Lúc ấy chị Dậu mới biết người đàn bà ấy tức là bà Phủ. Thấy quan phủ cười, bà phủ ra giọng gắt gửi:

– Thôi đừng nói chuyện con khỉ. Ðã đau cả ruột lại còn pha trò.

Rồi thì bà ấy rón rén bước len trên xe. Chỉnh chệm ngồi tựa vào chiếc đệm da, và mở “ví da” lấy chiếc gương con soi lại lần nữa.

Quan phủ đóng cửa ô tô và sẽ dặn người tài xế:

– Ðưa bà vào dinh, rồi mày lại đánh xe ra ngay. Ðộ một giờ rưỡi thì hãy đem xe ra đón. Một giờ rưỡi.

Nghe không?

Tiếng máy lại kêu sình sịch lấp tiếng trả lời của người tài xế. Rồi chiếc ô tô thong thả từ trước công đường chạy ra sau mấy tiếng còi rất lễ phép. Quan phủ chào vợ một cách sung sướng.

– Thôi mợ đi cho được việc.

Và ngài đứng đó trông theo cho đến khi bóng xe đã khuất cổng phủ mới vui vẻ trở vào.

Chị Dậu còn đương ngơ ngẩn cố tìm ý nghĩa của những câu chuyện vợ chồng nhà quan mới nói với nhau mà chưa tìm ra, thì người Cai lệ vừa ở công đường đi xuống. Hắn lật đật mở rương, lấy ra một bộ đủ áo the thâm, khăn vuông thâm, khăn vấn xa tanh, yếm trắng giải lụa bạch, dây lưng nhiễu xanh, áo cánh lụa trắng và một cái quần lụa thâm cặp màu cánh sen, vừa trao cho chị, vừa chỉ vào đôi guốc gỗ cạnh đó và nói:

– Cầm lấy bộ quần áo này và đôi guốc kia ra nhà tắm ở đằng sau trại, cái nhà vuông con có che cót đó, tắm cho sạch đi.

Chị Dậu ngạc nhiên:

– Thưa ông, ông bảo tôi ạ?

Cai lệ cau mày:

– Chẳng bảo mày thì bảo ai. Còn ai được mặc những quần áo này?

Chị Dậu òa khóc:

– Xin ông xét lại cho tôi. Tôi mới bị giam một lúa, sao ông đã bắt tôi mặc quần áo tù?

Cai lệ phì cười:

– Quân mới ngu chứ! Quần áo tù được thế này à? Ðó là quần áo của… trời cho đấy. Cứ ra tắm đi, rồi mặc vào. Không được hỏi đi hỏi lại lôi thôi.

Chị Dậu vội chùi nước mắt:

– Thôi! Cháu không tắm! Cháu không thay. Ông cho cháu cứ mặc quần áo của cháu…

Cai lệ ra vẻ bực mình;

– Nhưng mà còn bẩn không ai chịu được. Mày tưởng giường phản nhà quan cũng như giường chiếu nhà mày đấy à? Tắm đi và mặc bộ quần áo này một đêm nay thôi. Sáng mai lại mặc những thứ tốt đẹp của mày, không ai cấm!

Chị Dậu vẫn không hiểu, rụt rè như muốn hỏi nữa. Cai lệ liền quát:

– Bảo không nghe thì ông tống cổ xuống nhà vuông bây giờ. Ðừng thấy nói ngọt càng làm bộ.

Bằng cái dáng bộ sợ hãi, chị Dậu đón lấy bộ quần áo và sách đôi guốc, rồi đi qua phía sau trại lệ. Trong buồn tắm, nước lạnh, xà phòng, chậu thau, khăn mặt, các thứ đều sẵn sàng cả. Vào đó giây lát, chị lại trở ra và cứ thập thò ở phía đầu trại, Cai lệ sáng ý liền hỏi:

– Mày sợ ướt cái váy mốc của mày phải không? Ðóng cửa lại… Không ai thèm nhòm!

Chị Dậu ngần ngại đi vào nhà tắm.

Nửa giờ sau, cánh cửa buồng tắm ngỏ ra, chị chàng cũ kỹ nhà quê nghiễm nhiên thành một người

óng ả nuột nà rõ ra vẻ cầu Lim, đình Cẩm.

Cai lệ quàng cho chị Dậu cái lược bí và cái gương vuông:

– Chải đầu đi, rồi vấn khăn cho thật tử tế!

Chị Dậu ngơ ngác ngồi một lúc lâu, như muốn nghĩ xem người ta sắp sửa bắt mình làm gì. Cai lệ nóng ruột lại giục lần nữa. Bấy giờ chị mới bẽn lẽn cầm lấy gương lược, xổ đầu ra trải.

Một người lính Lệ đứng cạnh mỉm cười;

– Sướng nhé! Mấy khi đã được quan giam!

Người khác nói sen;

– Con bé đẹp thật đấy nhỉ! Của này nếu được thắng bộ cánh bốp thì.. kém gì đời!

Người nửa nói góp:

– Chả đẹp, chúng mình lại phải sách nước cho nó… ? Nhưng còn phải cái bộ mặt ủ rũ luôn luôn, hẳn là chị ta lo lắng gì đó.

Rồi hắn nhìn mặt chị Dậu:

– Sao mày không tươi lên em! Tươi lên để chúng tao nhìn một cái cho bỏ cái công gánh nước cho mày…

Cả bọn cùng cười ầm lên. Chị Dậu nín lặng như không nghe biết gì cả. Vì ruột gan chị lúc ấy đương để cả vào chồng và con ở nhà.

Tắt đèn – Chương XXIV

Ðồng hồ trên vách đánh luôn bẩy tiếng. Hồi trống thu không đã tan. Ngọn đèn đất trong trại bất đầu châm lửa. Người Cai lệ ở trên nhà tư chạy xuống vừa cười vừa bảo với người Biên lệ:

– Nay quan thời cơm sớm quá, mới sáu giờ rưỡi đã giục bếp bưng mâm lên rồi… Dùng rượu sâm mày ạ!

Biên lệ cũng gật gù:

– Thôi, hôm nay chả dùng rượu sâm còn để hôm nào! Sức ấy mà lại tẩm bổ thì phải biết!

Trên chòi canh tùng tùng ba tiếng trống báo. Một chiếc ô tô sơn xanh. lù lù tiến vào trước sân.

Biên lệ nói nhỏ với Cai lệ:

– Xe của ông huyện Minh Hảo.

Rồi hắn tất tả chạy lên trước thềm công đường.

Ông huyện Minh Hảo mở tung thềm cửa xe bước xuống, vui vẻ hỏi người Biên lệ:

– Quan nhà mày có nhà hay đã moong rồi?

Biên lệ lễ phép:

– Bẩm cụ lớn, quan con đương dùng cơm.

Ông huyện bước lên bậc thềm một cách hùng dũng:

– Sao mà quan nhà mày ăn cơm sớm thế? Mới có bẩy giờ…! thôi! vào bảo với quan nhà mày cứ ăn cơm cho xong. Tao ngồi đợi đây cũng được!

Rồi thì ông huyện đi vào phòng giấy.

Biên lệ diễu lên nhà tư, giây lát, hắn xuống trại lệ với bộ diệu ỡm ờ:

– Ngài cáu! Chúng bay ạ. Hôm nay đứa nào vô phúc mà trái ý ngài…

Cai lệ cười nhạt:

– Thôi, việc đến nơi lại bị khách ám, ai mà không tức! Thế, ngài có ra tiếp khách hay cứ ngồi ăn?

– Ngài tha chửi cho là tốt, lại còn tiếp nữa! Tao vào bẩm quan Minh Hảo sang chơi, ngài đã phát khùng mà rằng: Kệ hắn! Ông ăn xong đà! Rồi ngài cứ việc rung đùi đánh chén.

– Chắc là đêm nay thứ bẩy quan kia đến rủ quan này lên tỉnh, chứ gì!

– Hôm khác thì đi ngay đấy, nhưng hôm nay, sét đánh ngài cũng ở nhà.

– Chả ở nhà, dễ ngài đi cho mày đấy hẳn? Ðêm nay mày còn hầu nhọc, con ạ. Tháng việc này của mày bở đấy. Ðã hỏi tiền canh giam hay chưa?

– Nào đã hỏi vào lúc nào được?

Biên lệ liền quay mặt sang phía chị Dậu:

– Con mẹ kia! Ðưa năm hào ra nộp tiền hàng đội!

Chị Dậu vẫn ngồi trên chiếc chõng tre xó trại, tuy có nghe thấy hắn hỏi, nhưng không trả lời, vì chị không biết là hắn hỏi ai. Biên lệ lại gặng:

– Mồm mày câm à! Con mẹ Ðông Xá?

Chị Dậu ngớ ngẩn:

– Ông hỏi tôi ạ?

– Chứ hỏi con chó nào nữa!

– Thưa ông, tiền hàng đội là tiền gì ạ!

Biên lệ nắm chặt tay phải, xăm xăm chạy tế đến gần chị Dậu và gân cái cổ bạc ác:

– À mày muốn giở lý sự đấy chứ?

Cai lệ huých thêm:

– Biếu cho chị ta mấy quả phật thủ…

Chị Dậu vội vàng xin lỗi bằng giọng run sợ:

– Thưa hai ông, cháu là đàn bà đâu giám dở lý sự với các ông! Vì mới vào quan lần này là một, cháu không biết tiền hàng đội là tiền gì, cho nên phải hỏi. Các ông tha lỗi cho.

Biên lệ như cũng nguôi giận, hắn lại thẽ thọt:

– Nó là tiền giường, tiền chiếu mày ngồi tiền cơm mày ăn lúc nẫy, chứ là tiền gì? Năm hào! Ấy là ta thương mày nghèo, nên lấy có thế. Ðưa ra nộp đi!

– Thưa ông, thật quả cháu không có. Thuế ở nhà cũng chưa nộp đủ nữa là…

Biên lệ sừng sộ:

– Không có thì chốc nữa cho chân vào cùm.

Rồi hắn chỉ tay vào một khúc gỗ dài thườn thượt như cái cối giã gạo kê ở giáp vách gian trại bên kia:

– Cái cùm kia kìa. Trông thấy chưa? không có tiền thì một lát nữa sẽ được đút chân vào đấy.

Trên công đường leng keng một hồi kêu. Cai lệ, Biên lệ mỗi người dạ một tiếng thật lớn, rồi cùng lật đật chạy lên.

Lâu lâu một lúc, thì có tiếng cười, tiếng nói lơi lả từ trong buồng giấy sô ra. quan chủ tiễn quan khách xuống thềm. sau khi ông kia đã lên ngồi ô tô, ông này còn nắm tay lại và dặn:

– Thôi! Ðể thứ bẩy sau vậy. Ðúng hẹn đấy nhé!

Ánh sáng đèn pha phun ra chói sân công đường. Còi điện báo hiệu khởi hành bằng mấy tiếng hách dịch. Chiếc xe chạy ra cổng phủ rồi biến vào trong bóng tối. Quan phủ gọi biên lệ nói nhỏ mấy câu rất ngắn, rồi ngài đi lên công đường.

Cái kiểng của trại Lệ gióng với cái trống cái bên trại Cơ, điểm luôn ba tiếng dịp nhau

Chị Dậu đương ngồi gục đầu dưới bóng đèn với những cơn đau đớn lo sợ, thì Biên lệ rón rén ở ngoài cửa vào, sẽ đến cạnh chị và hỏi:

– Con mẹ này thức hay ngủ? Ði lên quan đòi.

Chị Dậu giật mình vội ngẩng đầu dậy:

– Quan đòi cháu bây giờ làm gì hử ông?

Biên lệ cố làm ra vẻ nghiêm nghị:

– Không phải hỏi! lên đấy thì biết

Chị Dậu thấy trong mình hồi hộp, tiếng nói tự nhiên run run:

– Cháu tưởng việc quan thì làm ban ngày, chứ sao lại làm ban đêm?

Biên lệ ra bộ giận dữ:

– Bây giờ giữa lúc sưu thuế gấp ngặt, nhiều việc cần kíp, ban ngày làm không hết, nên quan phải làm ban đêm, chứ làm sao!

Chị Dậu vẫn chưa hết sợ:

– Cháu lạy ông van lạy ông xin ông kêu quan để cho cháu sáng mai.

– Không được! Việc quan không phải chuyện chơi! nếu quan đòi mà không lên hầu, thì được tra chân vào cùm lập tức

Chị Dậu vẫn ngồi im chẳng nói chẳng rằng, trống ngực mỗi lúc mỗi nện mạnh.

Cai lệ ở đâu chạy vào:

– Nó bướng, không chịu đi chứ? Cùm cổ nó lại

Tức thì hai ông đầu trâu mặt ngựa sấn lại, dắt tay chị dậu lôi sang gian bên kia. Một người nhắc đầu cây cùm, một người bắt chị bắt tréo hai chân xỏ vào hai lỗ ở giữa, rồi họ đập cây gỗ xuống. Chị Dậu nhăn như chuột kẹp. Lúc đầu hình như chị định bấm gan cố chịu, nhưng chỉ giây lát, thì thấy đau như đứt ruột, không thể nào mà chịu được nữa, chị phải mếu khóc, vái lia, vái lại:

– Cháu lạy hai ông! hai ông tháo ra cho cháu!

Biên lệ ra bộ đắc sách:

– Mẹ mày! Ðã biết cái lối cùm treo của chúng ông chưa?

Rồi hắn tháo chốt, nâng cây gỗ trên cho chị rút hai chân ra, và hắn hỏi:

– Thế nào, bây giờ mày đã chịu đi hay chưa?

Chị Dậu vẫn còn mếu máo:

– Cháu xin vâng lời hai ông. Nhưng các ông hãy để cho cháu thuần chân cái đã.

Biên lệ liền đưa cho chị cái khăn mặt ướt, bảo chị lau mặt và lau hai chỗ ống chân bị thương. rồi hắn bắt chị xỏ chân vào guốc, dẫn chị qua dầu công đường vào phía nhà tư. Theo lời hắn, chị vừa bước chân vào khỏi cửa phòng nhà tư, cánh cửa liền đóng sập lại.

Tắt đèn – Chương XXV

Trên chiếc tủ giường, ngọn đèn măng sông im lặng tỏa ra ánh sáng xanh lè. Trong bức màn luyn lòa xòa rủ chiếc giường Hồng công, tấm khăn trắng nuốt phủ trên chiếc đệm, không có một vết răn rúm. Bức chăn gấm đặt trên một trồng hòm sơn cũng như chiếc khăn xếp và tấm áo sa treo ở cây mắc, hết thảy in bóng lên khuôn gương vuông nghiêng nghiêng đứng dưới trần nhà. Trong phòng sáng như ban ngày, nhưng vắng ngắt không có ai cả.

Chị Dậu như đã hiểu đó là một chỗ không hay cho chị, loay hoay vặn cái quả bàng, chị chực ngỏ cửa chạy ra. Bỗng cánh cửa ngách hé mở. Một người đàn ông với bộ quần áo lụa trắng và đôi giầu kinh tự phía sau cửa nhô ra

Chiếc cánh cửa lại khép chặt lại

Nhờ cái đặc biệt của hai chòm râu, chị Dậu nhận ra ông phủ, trống ngực nện thình thịch, chị vội run run chắp tay và vái một vái:

– Bẩm lạy quan lớn ạ!

Quan phủ đáp bằng giọng nhẹ nhàng:

– Ðịnh đi đâu mà mở cửa? Ðứng ra dưới cái gương kia ta hỏi!

Chị Dậu khúm núm sẽ đi đến chỗ quan Phủ đã chỉ. quan phủ ghé ngồi vào giường đối mặt với mặt chị Dậu. sau khi đã thưởng thức cái dung nhan óng ả của chị gái quê, ngài đứng dậy, đi đến cạnh chị. Cúi xuống, ngài định hôn vào đôi gò má đỏ bừng. Chị Dậu vội nghiêng mình tránh và chạy ra gần cánh cửa. quan phủ theo sau, ngài nắm tay chị, lôi lại và ngọt ngào:

– Hãy vào trong giường này đã… mày đánh lính trong khi làm việc phận sự, tội nặng lắm… vào đây… rồi tao châm chước đi cho.

Chị Dậu càng run:

– Con lạy quan lớn, chúng con là gái có chồng, quan lớn tha cho…

Quan phủ vừa co tay chị, vừa trả lời:

– Không được! Có chồng mặc kệ có chồng…

Ngày mai cho về với chồng. Ai giữ làm gì?

Chị Dậu nhất định cố giằng tay ra và cứ một mực:

– Con lạy quan lớn! Chúng con là gái có chồng, quan lớn tha cho Dường như cơn hăng nổi lên.

Nhưng mà chị này khỏe hơn, vừa rẫy rụa, vừa buột miệng gắt gỏng:

– Ô! Nhà ông này mới hay chứ! Có buông ra không thì tôi kêu lên bây giờ!

Quan phủ không trả lời. Ngài mắm thật chặt hai môi.. chị Dậu hết sức vùng vẫy để nhoài mình ra

Trận hùy huỵch kéo dài đến hơn mười phút. Chị Dậu du được bên địch ngã kềnh xuống đất, rồi chị chạy ra cửa và đứng tựa lưng vào tường để giữ thế thủ.

Quan phủ lóp ngóp đứng dậy, mở ví lấy nắm giấy bạc độ hơn chục đồng, chìa vào tận mặt chị Dậu.

Ngài thở và nói:

– Có muốn tiền, tao cho!

Chị Dậu giằng nắm giấy bạc vứt tọt xuống đất

Giương tròn hai mắt, quan phủ sấn lại giơ tay….. chị này hăng hái đẩy ra

Ngoài cổng bỗng có trống báo dật giọng. rồi còi ô tô rít lên. Rồi tiếng ô tồ sình sịch đi vào

Quan phủ luống cuống, vội mở cửa sau đẩy chị Dậu ra và nói hai tiếng vắn cộc:

– Thôi bước!

Trong bóng tối, có người ghé tai chị Dậu nói thầm:

– Muốn sống bám ngay vào vai tao này.

Tiếp đó, một cái lưng người phàn phạt chĩa sát vào trước chị Dậu. Hoảng quá, chị liền ôm luôn lấy

cổ người ấy. Hắn cõng chị xuống thềm, và lom khom bò quanh trở ra

Tiếng sình sịch của máy ô tô đã vào đến trước công đường. Tiếp luôn đến tiếng đanh đá nghe rõ ra tiếng đàn bà.

– Cậu còn thức hay đi ngủ rồi?

Trong cửa nhà tư, quan phủ vừa đi vừa nói:

– Tôi chưa ngủ, vẫn chờ mợ đây! Sao mợ về sớm thế? Có gặp ngài không?

Trên công đường liền có tiếng the thé:

– Cậu làm gì mà thở hồng hộc lên thế?

Rồi tiếng the thé vào cửa nhà tư

Ai mở cửa sau làm gì thế kia? Tiền bạc ở đâu lại vung ra đấy? Guốc của đứa nào bỏ đó? Làm sao cái khăn trải đệm lại bị răn reo thế này?

Sen vào mấy tiếng giậm chân thình thịch, rồi lại đến tiếng tru tréo:

– Cậu giết tôi đi! Cậu làm thế này thì còn trời đất nào! Này! Dao đây, cậu đâm chết ngay tôi đi cho rảnh! Tôi nhục về cậu biết chừng nào!

Người cõng chị Dậu khi ấy bò vào đến nhà tắm. Hắn đặt chị xuống và ghé tai chị sẽ bảo:

– Quần áo của mày để đâu? Lấy mà thay đi

Rồi hắn trở ra.

Phía đầu nhà tư có tiếng nheo nhéo

– Thằng Biện tư đâu? Lên đây! Lên… ngay đây!

Một tiếng dạ kéo dài ở trại lệ. Kế đến tiếng chân chạy thình thịch. Cuối cùng là một câu hỏi đầy giọng tức tối:

– Thằng Biện tư đấy chứ? Cha đẻ mẹ mày! Chém cha con đẻ mẹ mày! Mày giắt con nào vào đây vừa rồi! Nói ngay! Nói… ngay! Không thì bà xé xác mày bây giờ!

Cách quãng giây lát để nhường chỗ cho những tiếng lẩm bẩm và tiếng đánh song đen đét, rồi cái giọng giận dữ lại tiếp tục:

– Không à! Cha đẻ mẹ mày! Chém cha con đẻ mẹ mày! Không à! Bà xuống trại lệ bây giờ thì mày phải chết với bà.

Mấy tiếng sau cùng như đi kèm với sự lồng phách, nó hét rất dài từ đầu nhà tư xuống gần trại lệ, không khác búa bổ vào tai chị Dậu, làm cho cái dịp trống ngực của chị lại càng mạnh hơn lúc nẫy.

Một người đàn ông rón rén đi vào nhà tắm sẽ nói tiếng “đi ra”. Rồi hắn nắm vạt áo chị kéo ra sau trại giắt chị đi đường quanh đến cổng phủ và tống chị ra.

Tiếng gầm gào trong phủ vẫn chưa dứt hẳn.

Tắt đèn – Chương XXVI

Trống trên chòi đã điểm canh tư. Hơi sương đọng giọt nhỏ xuống lá cây lác đác. Bầu trời ngoài cổng phủ chỉ là một đám mịt mù, người tà không thể trông được xa ngoài ba thước.

Theo ánh sáng lấp lánh của các ao các ruộng, chị Dậu lần đường đến nhà hàng cơm ban trưa, định xin trú chân đến sáng.

Cửa còn ngỏ. Trong nhà bếp đèn thắp sáng trưng. Mấy bàn tài bàn tổ tôm đương trói chân mấy ông tổng lý trong cuộc đen đỏ.

Thoáng thấy chị Dậu thập thò ngoài cửa, một người đàn bà õng ẹo trong bộ quần áo nửa quê nửa tỉnh, vênh cái mặt nạ dòng đứng ở trước thềm hỏi ra:

– Người nào kia? Ngấp nghé dòm nom gì đấy?

Cơn sợ hãi chưa hết, chị Dậu rụt rè bước vào để nói mấy câu run run:

– Lạy bà! Cháu bị giam trong phủ mới được tha ra, tối quá không về nhà được. Bà làm phúc cho cháu ngồi nhờ đến sáng.

– Cái đó chị hỏi bà chủ. Tôi cũng là khách…

Bà lão hàng cơm vừa ở trong buồng bước ra:

– Có phải nhà chị lúc trưa bị ông Lý Ðông xá trói ở cái cột kia không?

– Thưa phải

– Ngủ trọ phải hai xu một tối. Nếu chị không ăn cơm, ăn quà.

– Thưa cụ, trong mình cháu thật quả không có xu nào, cháu không giám xin ngủ, chỉ xin cụ cho ngồi đây một lát…

– Chẳng có xu nào thì ra, chứ chị ở đây để ăn cắp của các ông ấy à?

Mụ khách ra bộ nhân nghĩa:

– Thôi cụ làm ơn cho chị ta ngồi nhờ đây ít lâu. Tôi trông mặt mũi chị ấy cũng hiền lành, không phải là người ăn cắp.

Rồi mụ ngồi vào đầu phản, tỷ tê hỏi chuyện chị Dậu vì sao bị trói bị giam. Và sau khi nghe chị kể qua đầu đuôi cảnh nhà, thì mụ có ý ái ngại:

– Bây giờ bác có muốn đi làm không?

– Thưa bà làm gì ạ?

– Ở vú. Tôi không phải là người đưa người, nhưng nếu bác muốn đi làm vú sữa thì tôi mách cho một chỗ.

– Thưa bà, thế bà ở đâu?

– Tôi là vợ ông Cửu Xung trên dinh quan về đây có chút việc riêng. Bây giờ quan đương cần mấy người vú sữa, nếu bác muốn làm, thì tôi đưa vào.

– Thưa bà, cháu đương con mọn

Mụ Cửu cười cách chế nhạo:

– Bác này mới lẩn thẩn chứ. Chả con mọn thì làm vú sữa bằng gì! Vả lại, làm vú nhà quan, ăn sung mặc sướng, lại được cao công, chả hơn ở nhà đèo cái váy mốc, đánh miếng cơm khoai, quanh năm không kiếm được đồng nào à?

– Nhưng con còn bé để cho ai được?

– Mướn người nuôi kèm, rồi lấy tiền công của mình mà trả, cũng còn thừa chán.

Chị Dậu chừng cũng bùi tai, liền hỏi:

– Thế thì bao giờ mới đi?

– Ði ngay sáng mai là tiện nhất…

– Nếu vậy, cháu không đi được! Vì còn quyền ở thầy nó nhà cháu. Thầy nó có bằng lòng cho đi, thì cháu mới đi.

– Nhà bác có xa lắm không?

– Cũng không xa lắm. Từ đây về đến làng cháu, chỉ có tám cây lô mếch.

– Có đường đi xe hay không?

– Xe tay có thể vào đến giữa làng.

– Ðược rồi! Lát nữa, để tôi cùng về bàn với bác trai giúp bác. Nếu như bác ấy bằng lòng, thì tôi hãy bỏ cho vay mười đồng mà may quần áo, rồi đến tháng lương trả tôi.

Mấy bàn tài bàn tổ tôm vừa tan, vì có mấy ông hết tiền. Những người thắng trận ầm ỹ gọi nhà hàng dọn rượu. Mụ Cửu cũng bảo nhà hàng dọc quà để mình ăn tạm và bảo chị Dậu ngồi tiếp bên cạnh. Nhưng chị nhất định từ chối.

Trời sáng, Mụ Cửu sai chị ra thuê cái xe về làng Ðông Xá, rồi cho chị lên cùng ngồi với mình. Bằng những thần thế của quan cụ và cảnh sung sướng của tôi tớ người nhà điểm trong câu chuyện dọc đường, mụ Cửu đã làm cho chị dậu quên sự khủng khiếp ở trong phủ và phục mụ là một người phúc hậu, đủ điều.

Xe tới Ðông Xá giữa buổi người ta đem cơm thợ cầy. Cả làng đều lấy làm lạ khi thấy chị Dậu được ngồi chung xe với một người đàn bà, mà trong mắt họ đã coi là bực sang trọng. Họ ngơ ngác nhìn, họ tò mò theo hai người từ lúc xuống đến xe đến lúc tới nhà anh Dậu, như để xem cái cứu cánh của sự kỳ dị ấy.

Anh dậu cũng như thằng Dần, hết sức mừng rỡ trong phút thoạt thấy chị Dậu bước chân vào cổng nhà. Nhưng sự đon đả của anh phải hãm ngay lại vì thấy sau chị lại có một bà khách lạ.

Mời mụ Cửu ngồi tạm vào chiếc chõng nát, rồi chị dậu ôn tồn hỏi chồng về tình hình trong nhà từ sáng hôm qua đến giờ.

Thì ra anh dậu hôm nay đã cất cơn sốt rét. Những lúc vắng chị, cái Tỉu vẫn được bà lão láng giềng đem về bên ấy, ôm ẵm chầm vập.

Có tiếng trẻ con út ích từ cổng tiến vào,

Bà lão láng giềng nghe tin chị về vội đem cái Tỉu sang trả và để hỏi thăm những công việc của chị trên Phủ.

Chị Dậu ứa nước mắt nói cho mụ Cửu biết rằng bà ấy là ân nhân số một trong đời mình sau khi chị

đã nhanh nhảu ra đón cái Tỉu và cảm ơn bà lão một cách thành thật và cảm động

Thằng Dần ton ton chạy ra núp vào sau mẹ. Xoa xít thằng bé và ngượng ngào nhìn mặt anh Dậu, gò má chị tự nhiên thấy đỏ bừng bừng

Mở đầu bằng câu “lão phủ tư ân đểu quá”, những truyện trên phủ của chị được ôn lại với cả nhà, cặn kẽ từ đầu đến cuối.

Anh Dậu hồi họp nóng ruột khi nghe những phút chị phải kháng cự với con quỷ dâm dục để bảo toàn cho cái trong sạch của thân mình. Và anh tươi cười đắc ý khi nghe một cuộc đắc thắng của vợ.

Mụ Cửu thay lời chị Dậu, kết luận bằng việc mụ ấy gặp chị ở hàng cơm và muốn đưa chị lên Dinh quan cụ làm vú sữa. rồi mụ hỏi gặng anh Dậu:

– Tôi về đây chỉ có việc thế. Bác có bằng lòng thì tôi ở đây để chờ bác gái cùng đi, nếu không thì tôi lên tỉnh bây giờ.

Anh Dậu còn lúng túng ra vẻ nghĩ ngợi. Ngoài cổng đã thấy người nhà Lý trưởng vào giục tiền sưu.

Mụ Cửu nhân dịp bắt vào câu chuyện của anh:

– Cảnh nhà như thế, mà hai vợ chồng cứ dáu dáu ở nhà với nhau để cho chết cả nút à? Tôi tưởng bác cho bác gái đi làm là phải. Nếu bác nghe tôi, thì tôi hãy cho mượn trước mấy đồng bạc để bác trang trải các món.

Anh Dậu ngập ngừng chỉ vào cái Tỉu:

– Thưa bà tôi cũng muốn thế, nhưng còn ngại con bé con này. Mẹ nó đi vắng, tôi nuôi thế nào được nó

Bà lão láng giềng đón lời:

– Tôi nói câu này, nên thì các bác nghe, không nên thì lời tôi lại trả tôi.

– Vâng, cụ cứ nói.

– Thằng cả nhà tôi mới bỏ mất con bé cháu, mấy hôm nay vợ nó buồn lắm, khóc lóc suốt ngày. Nó hãy còn sữa, từ sáng hôm qua đến giờ nó vẫn ôm ấp cái Tỉu hộ nhà bác đấy. Xem ý nó cũng mến cháu, tôi muốn xin các bác cho nó nuôi giúp con Tỉu, đến năm nó 12 tuổi thì lại trả bác.

Mụ Cửu bàn vào:

– Thôi thế còn gì bằng nửa! Hai bác nên nghe lời cụ đi là phải.

Anh Dậu cảm động:

– Ðược thế thì quí hóa lắm. chúng cháu xin vâng lời cụ.

Mụ Cửu mở túi lấy năm đồng bạc đưa cho anh Dậu và nói:

– Khi nào bác gái lên tỉnh, tôi cho mượn thêm năm đồng nữa để bác ấy sắm sửa quần áo.

Chị Dậu gửi con bà láng giềng, chạy đi mua trứng gà và nước mắm để làm cơm thết mụ Cửu, và mời bà lão ở lại tiếp khách giúp mình.

Mặt trời xế bóng, vợ chồng người con bà ấy sang nhà anh Dậu để xin cái Tỉu đem về. Trong lúc bồng con trao sang tay người, chị không khỏi thánh thót hai hàng nước mắt. Và những giọt nước mắt ấy cứ kế tiếp nhau tưới mãi xuống gò má chị, rồi nó trào ra như suối, khi chị giã chồng, giã con, giã cái lầu tranh ở xó lũy tre mà theo mụ Cửu ra ga đi xe lửa lên tỉnh Trung sơn để bước vào một cuộc đời mới.

Tắt đèn – Chương XXVII

Lửa tắt nồi cơm sôi. Anh bếp ưỡn ẹo chống tay vào sườn và cười hềnh hệch:

– Ăn khoai mà cũng đẹp thế. Ba con rồi, vẫn mơn mởn như gái mười tám. Chỉ tiếc hai cái oản bụt hơi xệ!

Bác tài đủng đỉnh ở ngoài sân vào:

– Khổ cho tôi quá. Tôi còn trai tơ, thế mà trông thấy u em, tôi cứ tưởng là nhà tôi. Này… u em, hay là bước đi bước nữa. Tội đếch gì ở với cái thằng chân lấm tay bùn! Lấy chồng tài xế là tiên, lấy chồng cài quốc là duyên nợ nần. U em có nghe người ta hay hát thế không?

Giả điếc như không nghe tiếng, chị Dậu cố phùng đôi má đỏ gay để thổi cho bếp lửa cháy lên. Bồ hôi đổ ra, ướt đầm cả lần áo cánh.

Ðã ba hôm nay, chị vẫn phải giữ chức phụ bếp để chờ vào ngôi vú sữa chính ngạch. Mọi ngày, công việc của chị có vài lần rửa bát, nhặt rau. Hôm nay vì trời nực quá, các vị gia thần của quan cụ đều sợ gần lửa, người ta mới thêm cho chị cái việc nấu cơm.

Lửa nỏ. Cơm đã cạn. Mụ Cửu Xung trở vào với cái dáng bộ đắc sách:

– Nhà chị Ðông Xá, cơm đã chín chửa? Tắm gội và thay áo đi! Ðược làm rồi đấy! Giấy của quan thày thuốc vừa mới gửi đến, nói rằng sửa chị tốt lắm. Cụ lớn bà cho chị năm đồng một tháng. Nếu ngoan ngoãn chịu khó, sau này cụ lại cho thêm.

Vui vẻ, chị Dậu cắp gói quần áo ra hồ. Tắm xong, theo lệnh của cu, lớn bà, chị phải đi với vú Ðình lên nhà trên hầu cố.

Cố, năm nay gần tám mươi tuổi, cái tuổi mà trời bắt tội cả hai hàm răng không còn cái nào để cho bao nhiêu cao lương mỹ vị đều không có hân hạnh được vào cái mồm móm mém của cố. Tuy ngày ngày cố vẫn dùng nước thịt ép, nhưng theo lời dặn của đốc tờ, thì không gì bổ bằng sữa người, phải có sữa người mới đủ tẩm bổ cho sức khỏe của cố. Vì thế quan cụ mới dùng đến chị.

Cũng như vú Ðinh, chức vụ của chị mỗi ngày chỉ vài lần dùng vú cao su hai vòi úp vào vú mình hút sữa ra để dưng cho cố.

Công việc tuy có rát ruột một lúc, nhưng mà cũng được nhàn thân, không lúc nào phải dầu dãi ở dưới bóng nắng.

Từ đó trở đi, ngày nào cũng như ngày ấy, ngoài lúc làm việc bổn phận và lúc hầu hạ các cô, thì giờ của chị chỉ để thương chồng, nhớ con và mong cho hết tháng để lĩnh lương gửi về nhà.

Cơm của quan như nước cành dương, nó đã rửa cho cái nước da đen giòn của chị thành ra mầu da thắng nõn. Phụ với nó, lai thêm có đôi mắt sắc, cặp môi tươi, khiến cho chị cành trở nên một người đáng để ý

Quan cụ ra ý thương chị. Những lúc vắng cụ lớn bà, ngài thường gọi chị sai bảo lặt vặt. Có lúc cao hứng, ngài đã hỏi đến chồng chị có muốn ra làm lý trưởng thì ngài cho làm. Nhưng nghĩ cái thân phận con nhà nghèo hèn, không dám mơ tưởng đến sự danh mệnh, nên chị vẫn lễ phép từ chối.

Ðêm ấy, vào tiết đầu thu, đến lượt vú Ðinh phải sang ngủ ở phòng cố. Trong lúc buồng các vú chỉ có mình chị với ngọn đèn hoa kỳ le lói trên hòm khóa chuông, cái hòm quần áo của vú Ðinh.

Những giọt mưa ngâu rả rích như khêu cơn buồn cho kẻ xa nhà. Cảnh khổ cực của chồng và con tự nhiên kéo đến đầy trước mắt chị.

Ðứng không yên, ngồi không yên. Buồn bã, chị giở gói áo xin được của các cô thải ra, cắt lại và may lại, để khi được phép về chơi nhà thì đem về cho các con.

Ðêm đã khuya, chị thấy đau lưng, mới ngả mình xuống giường, toan nghĩ một lát, rồi lại trở dậy khâu nữa. Không ngờ mỏi quá, chị thiu thiu chợp mắt rồi ngủ đi mất.

Trong lúc mơ màng, thình lình chị thấy như có người nào sờ tay vào ngực. Giật mình, chị tỉnh dậy. Ngọn đèn hoa kỳ đã tắt lúc nào, cánh cửa khép kín. Trong phòng tối om. Hoảng hốt chị nắm cái bàn tay ấy và giật giọng hỏi:

– Ai đấy?

Mang tai chị thấy hơi rầm rạm như bị những sợi râu ngắn quét vào rồi thấy có tiếng thì thào.

– Tao! Tao đây. Cụ…. đây. Nằm im.

– Bẩm cụ chúng con là phận tôi tớ…

– Nói khẽ chứ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Tao không cần gì cái đó.

Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị.

Một đám cưới

Dần thức dậy thì trong nhà còn tối om om. Ðêm tháng chạp, trời lâu sáng. Thật ra thì gà gáy đã lâu. Tiếng gà gáy xôn xao. Và óc Dần còn lưởng vưởng một ý nhớ mơ hồ, giống như khi người ta nhớ lại những chốn mình đã qua trong một giấc chiêm bao: Dần chưa tỉnh hẳn ra, Dần đã thấy những tiếng gà gáy rất mong manh, rất xa xôi vẩn lên trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh. Rồi thì Dần tỉnh hẳn. Có lẽ do một tiếng gáy cộc lốc của anh gà trụi trong chuồng gà nhà bên cạnh. Con gà đang ở thời kỳ tập gáy, tiếng gáy ngắn nhưng đã vang động lắm. ấy là một con gà có sức. Dần phác lại trong tưởng tượng cái hình dung lộc ngộc của nó, lấc cấc và vụng dại như một anh con trai mười sáu tuổi, đôi chân cao, cái cổ trần ngất nghểu, cái mào đỏ khè mới hơi nhu nhú, cái đuôi cụt ngủn. Anh chàng rất hay sang nhà nó tãi gio, tãi rác, khiến nó bực mình đã mấy lần toan vụt chết.

Dần nhỏm dậy. Nó sờ soạng ra khỏi cái ổ rơm rồi đi thẳng ra ngoài. Bên ngoài mịt mù sương. Khí lạnh sắc như dao. Dần rùng mình và hắt hơi mấy cái luôn. Nó thấy cần phải động đậy ngay, cần phải làm ngay một việc gì cho nóng người: đã rét mà lại còn đứng co ro thì chỉ càng tổ rét. Nó mải mốt vơ lấy cái chổi để quét sân, quét ngõ. Việc quét tước ấy chẳng sáng nào nó quên làm, dù sân nhà có bẩn hay không. Ấy là một thói quen cũng như cái thói quen dậy từ lúc hãy còn đêm. Nết chăm chỉ ấy, nó học được mấy năm đi ở.

Dần đi ở từ năm chửa mười hai. Khi ấy, đầu nó còn để hai cái trái đào. Nó mới biết cầm vững cái chổi để quét nhà và thổi một niêu cơm con con không sống, không khê. Mẹ nó vốn nghèo từ trong trứng nghèo ra, nên hay liệu, hay lo. Thị nghĩ rằng: Con mình đã lớn rồi, phải uốn nắn ngay đi nhà mình vườn ít, ruộng không, cửi vải cũng không, nghĩa là công việc chẳng có gì; nó ở nhà cũng chỉ chơi; để mặc nó lêu lổng chạy ra ngoài đường, đánh chắt, đánh ô, rồi nó hư thân; chi bằng cho nó đi ăn đi ở với người ta, để người ta bắt nó cất nhắc việc nọ, việc kia cho nó quen tay; có việc làm rồi mới biết việc mà làm, chỉ nhông nhổng chơi quen, đến lúc phải làm tất gờ guộng chân tay, chẳng đánh đổ cái này cũng đánh vỡ cái kia, cái thứ con gái mà cầm đến cái gầu không biết tát làm sao, đưa cho đám mạ không biết cấy thế nào, bảo ngồi lên khung cửi nhắc lấy cái thoi thì lúng ta lúng túng, là thứ con gái đáng cho hùm ăn thịt. Thị nhất định cho Dần đi ở để học cho quen công việc cửi vải, ruộng vườn, sau này độ cái thân: ấy là cái lợi xa xôi. Nhưng lại còn cái lợi nhãn tiền: nhà đỡ một miệng ăn. Nếu bớt được mỗi ngày vài lẻ gạo, thì ít ra các em Dần cũng được no hơn. Rồi có được đồng công nào cũng là hay. Mà chẳng được thì mỗi năm người ta cũng thí bỏ cho cái quần, cái áo. Bố mẹ, nếu chẳng được nhờ con thì cũng chẳng còn phải lo lắng gì vào thân nó.

Dần đi ở. Nó ở cho nhà bà chánh Liễu. Nhà bà chánh dệt chín mười khung cửi. Bà thuê Dần, với hai con bé nữa, để chúng dọn vặt và trông nom ống suốt: Năm đầu, công cả năm có một đồng, với một cái áo cánh vải to, một cái quần sồng, một cái thắt lưng. Nhưng nếu chịu khó và ngoan thì bà sẽ cho hơn. Còn cái sự ăn (bà giao hẹn cả với người ta vì tính bà rất phân minh) thì bà cũng không dám nói chắc rằng đói hay no; bởi vì tiếng rằng giàu, nhưng nhà bà cũng cơm chia: sáng, mỗi người một lùm; trưa, ba lượt thật đầy; tối, củ khoai, củ ráy, bụng trẻ con, như vậy, thì có lẽ cũng không phải đói. Mẹ Dần cho như thế đã là hậu quá. Bởi vì thật ra, ở nhà Dần, Dần có được ăn ba bữa thế đâu? Mỗi ngày, chỉ bữa trưa. Mà hiếm họa lắm mới có bữa được mỗi người ba vực chặt. Thường thường là hai vực, hơn hai vực. Có khi một. Cũng có khi chẳng vực nào, phải ăn ráy, ăn khoai trừ bữa. Thế mà Dần chịu được, thì vào nhà bà chánh, cố nhiên là Dần chịu được, Dần sung sướng là khác nữa. Con người ta, có cơm vào là có da, có thịt ngay. Chẳng lâu đâu. Người mẹ nghĩ và mừng. Thị chắc chỉ vài, ba tháng sau, nếu Dần được một ngày rỗi rãi về chơi với các em, cả nhà sẽ ngạc nhiên thấy nó béo như con cun cút. Mà trắng, mà đẹp, mà lành lặn, ra phết cô con gái lắm!…

Mơ ước hão! Bởi vì ít lâu nay, Dần có về thật, nhưng nó vẫn gầy như một cái que. Nó khóc hu hu. Nó đòi ở nhà với các em, muốn cho ăn thế nào thì cho, muốn bắt làm gì thì bắt, chỉ đừng bắt nó ở cho nhà bà chánh nữa. Cơm nhà giàu khó nuốt. Ăn của họ mà không làm lợi cho họ được thì họ làm cho đến phải mửa ra mà giả họ. Dần chân yếu tay mềm lắm. Nó thà nhịn đói mà ở cửa, ở nhà còn hơn. Mẹ Dần nhất định không nghe. Thương con thì để bụng. Nuông con thà giết con đi. Trẻ con đứa nào chả thích ở nhà với bố, với mẹ để chẳng người nào động đến thân? Ði ở cho nhà người ta, ăn cơm của người ta, lấy công của người ta, thì cố nhiên là phải làm cho đáng cơm, đáng công của người ta. Làm không được người ta thiệt thì người ta xót. Người ta xót thì người ta phải nói. Nói, mình nghe thì chớ, không nghe thì người ta phải chửi, phải đánh. Người ta đánh chửi cho là phúc nhà mình đấy, không đánh, không chửi, sao có nên thân người được? Thị bảo Dần: “Mày có hư thì người ta mới đánh; đánh thế chứ đánh nữa tao cũng không thương chút nào; mày muốn sống, thì về nhà bà chánh mà ở, không về thì đi đâu mặc kệ! Tao không chứa, tao không lấy gì nuôi được mày…”.

Hỡi ôi! Người mẹ rất đáng thương của Dần chết đến hôm nay đã quá một năm rồi. Nghĩ đến mẹ lúc nào, Dần cũng ngậm ngùi. Bởi vì bà nói thế, nhưng bà chẳng nghĩ thế đâu. Khi đã cố làm ra mặt hắt hủi để cho Dần chịu đi rồi, bà ôm mặt khóc hu hu. Bà bảo chồng rằng: “Nghĩ đến con lúc nào thì thương con đứt ruột. Nhưng biết làm sao? Trời bắt tội mình nghèo. Nó ở nhà mình thì ăn cũng chẳng bao giờ được bữa no. Ðã đành ăn không no, nó cũng còn sướng hơn ở nhà bà chánh, được ăn no. Nhưng mình liệu có nuôi được nó suốt đời không? Rồi chỉ vài ba tuổi nữa, có ai thương đến nó, xin nó cho con nhà người ta, mình đừng gả hay sao? Về nhà chồng mà thổi cơm không chín, quét nhà chẳng nên thì liệu người ta có khỏi đào ông, bới cha không? Vả lại cái đời nó còn dài. Không bắt nó ép mình, ép xác cho quen, rồi khổ ngay vào chính cái thân của nó. Mình nghĩ đến nó nhiều chứ có phải bắt nó đi ở để hòng được lợi mỗi năm một vài đồng bạc công đâu?”.

Bố Dần chẳng nói sao. Ông chỉ thở dài. Nhưng ông cũng ngơ ngẩn hàng ngày, hàng buổi như nhớ con lắm. Về sau, các em Dần lại kể với Dần như thế, nên Dần mới biết. Dần không muốn làm khổ cha mẹ nữa, nên khổ đến chết cũng đành cắn răng mà chịu, không dám khóc lóc đòi về. Lâu dần rồi nó cũng quen đi. Cái sự khổ thì bao giờ cũng thế thôi. Nhưng khi người ta đã nhất định chịu, thì khổ thế nào mà không chịu được.

Dần ở cho nhà bà chánh Liễu đúng hai năm. Nó mới về nhà từ dạo đầu giêng. Vụ mùa năm ngoái, mẹ Dần đi tả mấy cơn, rồi lại không chịu kiêng khem, cứ đi làm; mưa nắng nhiễm vào người – mà sức một người vừa mới ốm xong còn được bao nhiêu? – Thị phải lại một trận kịch liệt rồi thì chết. Thành thử nhà chỉ còn một bố, là đàn ông, với hai đứa trẻ con, vắt gỉ mũi chưa được sạch: chúng nó chưa biết làm gì cả. (Hai đứa áp với Dần, giá trời để cho chúng nên người thì bây giờ đã đứa thổi được nồi cơm, đứa quét được cái nhà; nhưng một năm xưa, hai đứa lên đậu cách nhau có vài ngày, rồi chết, cũng cách nhau có vài ngày). Bố Dần, cố đợi hết năm, đến nói với bà chánh Liễu xin cho con gái mình về. Dần ở nhà coi sóc các em, chăm mấy sào vườn bòn bán, nhặt nhạnh để cho bố đi làm. Bốn bố con lịu nhịu nuôi nhau. Con nhà nghèo thường sớm biết, sớm khôn. Dần mới mười lăm mà đã quán xuyến được mọi việc trong nhà, biết suy tính, biết liệu lo, chẳng kém gì một người nội trợ đã sành sỏi lắm.

Nhưng ông trời hình như không muốn cho bố con Dần ngóc đầu lên. Cuộc sống mỗi ngày một khó thêm. Gạo kém, thóc cao. Ngô, khoai cũng khó chuốc được mà ăn. Thậm chí đến hạt muối cũng sinh ra hiếm nốt: mua một vài xu chẳng hàng nào chịu bán. Ðồng tiền thành ra rẻ quá. Công làm tuy có cao hơn, nhưng chẳng thấm vào đâu. Trước kia, mỗi người làm mỗi ngày hào rưỡi thì đã gần đủ cả nhà ăn; bây giờ mỗi ngày được ba hào, tiền gấp hai, nhưng nếu đem đong gạo thì chưa bằng một góc ngày xưa, thành thử một người ăn cũng hết. Ngày làm đã vậy, còn ngày nghỉ: có phải ngày nào cũng có người thuê đâu? Ðã thế lại còn bão, lại còn lụt, rồi lụt chán, đến vụ chiêm lại giở trò đại hạn. Rồi những nhà giàu, chúng không thể chôn bạc giấy, nhất định để thóc mọc mầm trong nhà chứ không chịu bán. Gạo cứ mỗi ngày một giá. Không biết rồi làm gì ra tiền mà đong?

Một đêm, sau khi đã than thở với con hết quá một trống canh rồi, bố Dần thở dài bảo con rằng:

  • Cơ cực này, nếu còn ở nhà, rồi đến chết đói cả lũ mà thôi. Bây giờ mà còn thế, đến tháng hai, tháng ba này còn khổ đến đâu? Bố con mình có thân thì phải liệu dần đi. C ũng chẳng còn mấy ngày nữa mà đã Tết, thôi thì ta cũng cố mà chịu vậy qua giêng rồi sẽ tính.
  • Thầy bảo: con tính thế nào? Nhà mình thì chỉ có cấp làm thuê. Thời vụ lại hết rồi. Qua giêng, con chắc mười ngày nghỉ, chưa chắc có một ngày có việc.
  • Ấy thế mình mới lại càng cần phải tính. Nếu có việc thì còn phải lo gì nữa? Chẳng được cơm thì cũng được cháo, miễn là không chết lả… Nhưng không có việc!… Cho nên tao định lên rừng một chuyến.
  • Eo ôi!
  • Việc gì mà “eo ôi?”. Bây giờ người ta đi như đi chợ. Nghe nói trên ấy làm ăn còn dễ. Làng ta, về cánh nhà ông trương Huấn đấy, họ đi tất cả bằng ấy anh em, mà anh nào về cũng có tiền.
  • Tiền rừng, bạc bể chả dễ nuốt được đâu. Vô phúc mà ngã nước một chuyến thì lại được!…
  • Thì chỉ đến chết là cùng, chứ gì? Còn hơn ngồi nhà mà chết đói. Thế mày bảo không liều thân đi như thế, thì còn xoay xấp gì để kiếm ra tiền được nữa, nào?

Ồ mà đúng như vậy thật. Dần chẳng còn biết đáp sao được nữa. Nó đành lẳng lặng. Câu chuyện ngắt ra vài phút. Trong khi ấy, cả hai đều nghĩ ngợi. Dần bỗng hỏi:

  • Cả chúng con cũng đi à?
  • Không. Tao hãy đi một mình trước, xem sao.

Dần vội kêu lên:

  • Chịu thôi! Chúng con chả dám ở nhà đâu. Ðêm hôm có ba đứa trẻ ranh!…

Nó sợ có nắm gạo hay củ ráy, củ khoai cũng không giữ được mà ăn. Nhưng thầy nó bảo:

  • Tao đã liệu chỗ ấy rồi. Vườn đất với các em, tao sẽ nhờ chú Lữ trông nom. Bòn bán thế nào chả đủ cho hai đứa chúng nó ăn. Mà không đủ thì tao đến…

Còn nó? Chắc thầy nó lại định cho nó đi ở cho nhà bà chánh Liễu hay nhà nào khác đấy. “Thì cũng được!…”. Dần nghĩ vậy. Cái thân nó, nào nó có cần gì? Nhưng nghĩ đến cảnh nhà tan tác mà buồn. Rồi đây bố một nơi, con một nẻo, chị em mỗi đứa nhờ vả một người… Nó đã sắp nói một lời gì để can cha, thì cha đã bảo:

  • Còn mày thì tao cho người ta cưới.

Chuyện cưới xin khiến Dần thèn thẹn. Thành thử nó lại không tìm được câu gì để nói. Vẫn người bố nói:

  • Thôi thì trước sau cũng một lần. Có rùi gắng cũng chẳng rùi gắng được bao nhiêu. Mắc cái người ta xin cưới mấy lần rồi. Tao khất mãi để cho hết tang bu mày đã; nhưng người ta nhất định xin lo trước. Chết cái con gái người ta cũng sắp cưới rồi: nhà người ta cũng neo người; không cưới mày về thì ngay đứa sai vặt cũng không có nữa. Vả lại chỗ người ta với mình, không lẽ thế nào? Người ta ăn ở phải thì mình cũng phải ăn ở phải, thấy người ta nói mãi, tao cũng nể.

Dần tức tối:

  • Nể! Nể cái gì! Thầy cứ bảo rằng: mẹ con chết đi rồi, hai em thì còn dại, chỉ có con hơi lớn một tí phải ở nhà để thổi cơm, nấu nước.
  • Thì tao vẫn bảo người ta thế. Nhưng người ta không chịu.
  • Không chịu là không chịu thế nào? Quyền còn ở mình…
  • Thì vẫn là quyền còn ở mình? Cho nên người ta có dám bắt mình đâu? Người ta chỉ cố nài. Người ta nói khó với mình. Tao thề với mày: hai ba lần bà ấy không khóc với tao, tao chết! Rồi bà ấy lạy. Bà ấy bảo: Thế này này, ông ạ: ông cũng khổ, nhưng tôi còn khổ hơn ông, thầy cháu chết đi, tôi chỉ được có mình cháu là con trai, ông cố thương tôi…”. Như thế thì tao còn biết từ chối người ta thế nào cho tiện?

Rồi thầy Dần nói nhỏ:

  • Mắc cái lúc mẹ mày nằm xuống, nhà không còn một đồng xu nào, không còn vớ víu vào đâu được, tao đã nhận của người ta hai mươi đồng bạc cưới. Ý người ta định đưa tiền trước thế, rồi xin cưới ngay cuối năm, năm ngoái. Tao phải khất. Nhưng không lẽ khất lần người ta mãi? Người ta lại tưởng mình có ý lừa lọc gì người ta chăng. Hôm nọ người ta lại đến xin lần nữa. Họ xin đến tháng giêng… Nhưng từ giờ đến tháng giêng có là bao? Ðằng nào mày cũng phải đi, mà mày đi thì tao không làm thế nào vừa trông coi các em mày vừa đi làm được. Cho nên tao nhất định mang gửi chúng nó, rồi lên rừng một chuyến. Kiếm ăn được, tao sẽ đem chúng nó đi. Ðịnh thế, nên tao bảo người ta: “Nếu bà nhất định lo, thì tôi cho lo ngay dạo trong năm”. Người ta có hỏi tao: “Ông đã thương… trước nữa là thương cháu, sau nữa là thương tôi, mà rộng cho như thế, thật cũng là phúc nhà chúng tôi lắm lắm. Tình cảnh nhà tôi, chắc ông cũng chẳng còn lạ gì. Chúng ta cùng là cái chỗ nghèo hèn, thì con cái chúng ta lại làm bạn với nhau. Vậy ông định may vá cho cháu thế nào, ăn tiêu thế nào, thì ông cho chúng tôi biết để chúng tôi lo. Tao nghĩ nát ruột cũng không biết trả lời thế nào cho tiện. Vải giấy như vải giấy năm nay?… Xin ít thì không biết may gì. Chỉ một bộ quần áo cánh vải to cũng phải non ba chục. Mà xin nhiều thì mang tiếng; với lại người ta lấy gì mà đưa cho mình được? Vay công vay nợ lắm vào thì về sau lại chỉ khổ chúng mày. Tao phải bảo người ta: muốn may cho mày thế nào thì may lấy, tao không dám nhận. Bà ta bảo: “Ta với ta, chẳng nói gì ông cũng rõ: cái lúc khó khăn thế này, mười nhà họa mới có một nhà có tiền mà may mặc, còn thì chỉ quần manh, áo vá, đeo dây, quấn rợ; chắc ở nhà ông thì cũng thế, mà nhà tôi thì cũng vậy. May quần chùng áo dài cho cháu, bất quá chỉ mặc một ngày cưới mà thôi, rồi cũng bằng để đấy, cảnh nhà chúng ta thì còn hội hè đình đám gì mà phải sắm quần chùng áo dài kia chứ?… Vậy ông đã dạy thế, thì tôi xin may cho cháu một bộ quần áo vải, quần áo cánh thôi, để cháu nó mặc đi làm ấy; còn hôm cưới, nếu cháu nó chưa có áo chùng, thì tôi xin đưa cái áo chùng của tôi cho nó mặc, cho nó qua cái ngày ấy, kẻo cháu nó là trẻ con nó lại tủi thân chăng. Rồi từ hôm sau mà đi lại cứ quần áo đụp, đem ra mà mặc. Cái áo dài lại cất đi. ấy, nhà có một mẹ, một con, chỉ một cái áo dài là đủ chán! Mẹ đi đâu mẹ mặc; con đi đâu con mặc. Việc may mặc cho cháu thế cũng là tàm tạm được. Còn ý ông định ăn uống thế nào, xin cho biết”. Người ta nói thế là có ý hỏi mình có cần cau rượu, tiền nong gì nữa hay không? Tao nghĩ cũng chẳng còn nên xin thêm nữa. Mình cất lấy hai chục đồng bạc của người ta, hơn một năm, có đến năm rưỡi trời rồi. Vả lại còn đang có trở bu mày, cũng nên làm vụng làm trộm, miễn là xong việc thì thôi. Vậy họ đương, anh em, tao nhất định chẳng bảo ai. Ðằng nhà trai cũng vậy. Bà ấy đã thú thật rằng: phải biện năm, ba cỗ thế nào, về đằng họ nhà gái, thì xin biện; chứ đằng họ nhà bà ấy tịnh không mời người nào cả. Bởi việc phải lo thì lo, chứ thật ra một tí gì cũng vào công nợ cả. Công nợ lắm thì về sau chỉ chết chúng mày, chứ chết ai? Vì thế, nên tao bảo: Bà ạ, dẫu rằng “Vui thì vui cả triều đình, chẳng vui, vui thể một mình vui chi?”. Ðằng nhà trai, bà còn không muốn bảo ai, thì đằng nhà gái bây giờ đang còn tang mẹ cháu, tôi cũng chẳng bảo ai sất cả. Vậy bà định ngày nào cứ một mình bà với chồng nó đến, tôi cũng chỉ cho hai em nó đưa nó về. Thế cũng xong. Ai cười đến hạng nhà chúng ta? Còn như sự tiền nong… đáng lẽ tôi chẳng nên xin thêm đồng nào nữa mới phải (hồi mẹ cháu mất, tôi cất lấy hai chục đồng bạc của bà, là tôi phải nghĩ), nhưng phương ngôn dạy rằng: giàu bán chó, khó bán con; tôi cũng còn đồng công, đồng nợ, tất cả độ mười đồng, kể cái sự bắt bà trả cả thì cũng không dám bắt, nhưng tôi xin thêm dăm đồng nữa để trang trải những chỗ tôi vay mượn để lo cho bu cháu, hồi bu cháu mất. Như thế cũng như là tiền của cháu, cháu bỏ ra để trả nghĩa cho bu cháu. Tôi không dám tơ hào gì vào đấy. Ấy là tao cũng nói dối bà ấy thế, chứ công nợ tao cũng chưa trả vội; tao nắm lấy dăm đồng ấy, để ra giêng đi lên rừng…

Câu chuyện đêm hôm ấy Dần đang thầm nhắc lại, trong khi đưa đẩy cái chổi cùn trên mặt cái sân con. Bởi vì hôm nay chính là ngày bà mẹ chồng sẽ đến rước Dần đi. Ðêm hôm qua, đợi hai đứa bé ngủ rồi, hai cha con lại thở dài, thở ngắn với nhau. Dần khóc đến quá nửa đêm, rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Sáng dậy, Dần có cảm tưởng như nó mới chợp mắt đi một tý. Nó thấy người mỏi mệt. Dù vậy, nó cũng chạy ra ngoài quét thóc…

Dần quét xong thì ở đằng đông, mặt trời đã nhô lên. Những tia sáng đầu tiên chọc thủng tấm màn sương, rồi xé toạc mãi ra. ánh sáng tràn đi. Trong khoảnh khắc, trở nên quang hẳn… Dần ra ao, rửa mặt. Lúc trở về nhà, nó thấy bố và hai em đã dậy rồi. Hai đứa con, mỗi đứa ôm một đùi cha.

Người cha ngồi lử thử, lừ thừ. Ðôi mi mắt trông có vẻ hơi sưng. Dần cúi mặt, bởi nó đoán rằng đêm hôm qua, cha cũng khóc. Nó vờ tìm cái chổi, tuy nó biết nhà không còn cái chổi nào nữa, ngoài cái nó vừa quét và để ngoài đầu chái…

Thầy nó bảo:

  • Hôm nay mày phải xuống chợ một tý đi, con ạ.
  • Mua bán gì mà đi chợ?
  • Mua mấy xu chè tươi, với mấy quả cau. Người ta đến, cũng phải có bát nước, miếng trầu tươm tất chứ?
  • Chào!… Vẽ chuyện!
  • Sao lại vẽ chuyện? Không có, không coi được.

Dần cười tủm tỉm. Thằng em lớn, tỳ một tay lên đùi cha, múa may tay kia và nhún nhảy người, giễu chị:

  • Lêu lêu! Lêu lêu? Có người sắp được đi lấy chồng… Lêu lêu.

Dần khoặm mặt, lườm em. Người cha sợ con gái nhìn xấu hổ, củng vào đầu con trai một cái và mắng nó:

  • Im thằng này!… Ðể cho người ta dặn nó. Mua độ hai xu chè…
  • Rầy hai xu, hàng chè nó chả bán thì sao… Dần kêu lên thế và cố cười to để cho khỏi thẹn. Người cha cũng cười và hỏi:
  • Hai xu không bán, thì mấy xu mới bán?
  • Ít nhất là năm xu. Mua ít nó không có tiền trả lại.
  • Thì mua cả năm xu vậy. Năm xu thì nấu được mấy ấm?
  • Một ngàn ấm… Ông lão cả đời không đi chợ, cứ tưởng chè rẻ lắm. Quen với ngày xưa, độ một xu một ấm bây giờ năm xu, nấu đặc chỉ được một ấm là hết xoắn.

Thầy Dần lè lưỡi ra:

  • Èo! Mẹ ơi!
  • Thật… Không có thế, cứ cổ con mà chặt? Muốn mua thì mua, chẳng mua thì đừng, chứ cái sự đắt thì ngang ngang với nhân sâm.
  • Ðắt thì cũng phải mua. Năm xu chè, với hai quả cau ngon ngon một tý.
  • Cau ngon phải tám, chín xu một quả.
  • Vị chi đi ba xu một miếng trầu?
  • Ðúng thế, không kém ba xu một miếng.
  • Trời đất ạ!… Có đời nào như vậy? Cái thổ tả gì cũng đắt!… cho nên tao vẫn bảo: Cái lúc này chẳng nên giở giang ra làm gì. Mọi đồng mọi tốn. Giá làm độ mươi lăm cỗ, chắc mất đến năm chục bạc. Miếng bùi chui qua cổ; mình ăn một bữa có no được bằng đời đâu, mà người ta phải chạy cỗ cho họ đương nhà mình thì khổ. Thà bất nhược là ta chước hết?…
  • Ấy thầy thì chỉ thế… Cái gì cũng chước! Thành thử ra con mình chỉ theo không.
  • Theo không cũng được. Mẹ mày ngày xưa cũng chỉ theo không tao đấy. Thế mà cũng ăn ở với nhau được mãi, sinh con đẻ cái, mà lại còn thương yêu nhau bằng tám những cặp vợ chồng cưới linh đình. Mẹ kiếp! Lắm đám cưới linh đình, mà rồi lại chả bỏ nhau ùn ùn ra đấy à?

Dần lại cười tủm tỉm. Bởi nhắc đến vợ, thầy nó bỗng nhớ ra một điều…

  • Tý nữa quên! Con nhớ mua mấy nén hương… Hôm nay là ngày cưới con, cỗ bàn đã chả có thì thôi, mấy nén hương cũng không có nốt thì phải tội…

Cái ý ấy – sự nhớ tưởng đến người đã khuất – khiến cả hai bố con cùng buồn bã. Mắt rơm rớm nước, thầy nó thở dài rồi bùi ngùi bảo:

  • Biết vậy, tao cũng bảo bà ấy biện một mâm để cúng bu mày. Người sống, chẳng có thì thôi, nhưng người chết…

Dần thổn thức. Nó sợ còn đứng đấy thì nó sẽ khóc òa lên mất. Nó cố bảo:

  • “Thôi! Con đi chợ…” rồi chạy ra. Ra đến sân nó mới nghe thấy thầy nó bảo:
  • Ừ con đi.

Xế chiều hôm ấy, bà mẹ chồng và chồng Dần mới đến. Cả hai cùng mặc quần áo cánh. Bà mẹ khoác một cái áo nâu dài đã bạc ở trên vai. Chú rể xách một chẽ cau, chừng một chục quả. Vào đến nhà, y lúng túng không biết đặt đâu. Bà mẹ trông thấy bảo Dần:

  • Cho bu mượn cái đĩa đi, con!

Mặt Dần đã đỏ bừng. Hai đứa em nó, trông thấy, cười rúc rích. Nó lợi dụng câu sai của mẹ chồng, để chạy tót ra chái đứng. Một lúc lâu nó cũng không vào. Thầy nó phải đỡ lấy chỗ cau ở tay bà mẹ chồng, đặt lên giường thờ mẹ nó. Rồi thầy nó nói thật to:

  • Ði nấu nước đi con!

Không thấy con gái thưa, ông phải bảo thằng con trai lớn:

  • Chạy ra bảo chị đun ấm nước.

Rồi ông thân hành đi lấy chìa vôi ra để têm trầu. Bà mẹ chồng có lời ngay:

  • Thưa ông, ông đã có lòng thương đến cháu, mà xét ra, như thế này thì thật ông thương quá, thương mọi nhẽ, cái gì ông cũng châm chước đi cho cả, khiến chúng tôi cảm tạ cái bụng ông mà lại lấy làm xấu hổ về cái cách chúng tôi xử lắm. Chúng tôi xử thế này thật quả là không phải. Nhưng lạy Trời, lạy Ðất!… Chúng tôi cũng muốn nghĩ thế nào kia nhưng ông trời ông ấy chỉ cho nghĩ đến thế thôi, thì cũng phải rầu lòng mà chín bỏ làm mười, chứ như ông thì thật một bỏ làm mười, mà không được một cũng bỏ làm mười. Có vậy thì công việc của cháu mới xong xuôi được. Giá phải bố vợ như bố vợ nhà khác, nhất nhất cái gì cũng bắt đủ lề lối, thì nhà như nhà chúng tôi lấy gì mà lo được? ít là cháu suốt đời không có vợ. Nhưng phúc làm sao, lại gặp được ông bố vợ thương con rể như ông, thì có phải ông trời ông ấy cũng còn thương nhà chúng tôi lắm lắm không?

Thôi thì bây giờ mọi sự ông đã thương cho cháu cả rồi, hôm nay tiện được ngày, tôi cũng biện cơi trầu đến kêu với ông để ông cho cháu được lễ các cụ – trước là lễ gia tiên, sau là lễ bác nhà ta, sau nữa ông lại cho cháu lễ sống ông, (chẳng có tiền bạc gạo lợn, hay mâm cao cỗ đầy thì cũng phải lấy đầu làm lễ gọi là chút lòng thành của con, cháu các cụ) – rồi xin phép ông để chúng tôi đưa cháu về nhà làm ăn.

Ðáp lại bao nhiêu lời bóng bẩy, xa xôi ấy, ông bố vợ chỉ trả lời gọn thon lỏn một câu:

  • Vâng! Mời bà cứ ngồi chơi thư thả xơi nước, xơi trầu đã.

Rồi ông lại cất cao giọng, bảo con:

  • Hễ được nước thì bắc lên đây, con nhé!

Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Ðêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược… Chao ôi! Buồn biết mấy?… Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá… A thì ra ông phải đi nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì Dần phải đi lấy chồng, Dần đi lấy chồng, không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái cho ông nữa… Ông buồn quá. Ông đáp lại những câu rất dài dòng của bà thông gia bằng những câu ngắn ngủn. Bà thông gia, trái lại nhiều lời lắm. Bà vui vẻ. Bà nói luôn. Bởi tài ăn nói của người ta, một đời mới có dịp dùng đến độ vài lần. Bà thì chỉ một lần thôi, bởi vì bà có mỗi một mống con trai. Lấy một con vợ cho con, có dễ đâu? Nhất là mình lại không có nhiều tiền. Công việc phải qua mấy mươi nấc, mấy mươi cầu. Chưa cưới được vợ về cho con, thì còn là đi lại mỏi chân, van ông lạy bà sái hàm răng… Công việc của bà, mười phần xong đến chín phần rồi. Còn một tý chút nữa mà thôi. Tội gì không ngọt ngào với người ta cho yên ổn cả. Người ta gả con gái, đã chẳng được gì thì cũng phải được lời nói mát lòng, mát ruột cho hả dạ…

Ðến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai. Ông bố vợ đã tưởng không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông không đi, thì hai đứa bé cũng không thể đi mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không chịu nốt. Ông đành kéo mấy cành rào lấp ngõ rồi đi vậy.

Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái áo ấy trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần. Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ… Ðến nhà trai, bà mẹ chồng mời bố Dần uống nước ăn trầu. Rồi bà giết một con gà, dọn cho ba bố con ông một mâm cơm. (Dần vừa thẹn vừa buồn không chịu ngồi ăn). Ba bố con lặng lẽ ăn. Người cha ăn có vài lượt cơm, rồi buông bát đĩa, ngồi xỉa răng đợi cho hai đứa con ăn. Ông thúc chúng ăn nhanh lên, rồi còn về kẻo khuya. Thằng lớn và cơm phùng mồm ra, bị nghẹn mấy lần. Khi cả hai con đã thôi cơm, ông cho chúng nó uống nước rồi đứng lên, chào bà mẹ chồng Dần để ra về. Ông dắt thằng lớn và cõng thằng bé trên lưng. Dần đứng đợi cha ở ngoài sân. Nó vẫn còn dụi mắt. Người cha ái ngại, đứng lại nhìn con một thoáng rồi âu yếm bảo:

  • Thôi! Thầy cho em về nhé.

Dần khóc nấc lên. Hai đứa em không còn chế nhạo nữa. Thằng lớn chực khóc. Thằng bé ngây mặt ra vì không hiểu sao cả. Người cha mắng yêu con:

  • Mẹ chúng mày!…

Bà mẹ chồng thấy Dần khóc quá, chạy ra. Bố Dần vội bước đi. Dần chạy theo cha, nức nở:

  • Thầy!… Thầy…
  • Mẹ mày!… nín đi cho thầy về.
  • Thầy đừng… đi… lên rừng!

Người cha thấy lòng thổn thức và đáp liều:

  • Ừ, thì thôi… Mẹ mày!